Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Đi về phía con người

Đi về phía con người
Đi về phía con người: Ký ức sắc màu 
Ngược lại với những giọt mồ hôi, cu Sô không mấy rành rẽ về màu của giọt sương cho tới khi lớn hơn, tới khoảng cái tuổi bẻ gãy sừng trâu. Nó thức dậy thì sương đã tan trên cành cây ngọn cỏ, chỉ có cọ quẹt ướt chân cẳng hay quần áo mà thôi. Có những buổi sáng trời se se lạnh, không dài lắm như một mùa đông nơi khác, vài buổi sáng trong độ chừng một tháng trước tết Nguyên Đán, bầu trời có sương mù. Làn sương mù như làn khói màu xám lơ lửng, không bay mà ở ngay trước mặt. Nó khoái huơ tay nắm lấy làn sương nhưng chẳng bao giờ được. Nó chưa biết hư ảo là gì nhưng cũng cảm nhận được đi trong làn sương rất khác lạ, không giống đi trên con đường bình thường, giống đang bồng bềnh, cùng bạn bè rất giống chơi năm mười, trốn và vén màn sương mà tìm. Sương tan trả lại bầu trời trong sáng, nó cũng thích nhưng tiếc thì nhiều hơn. Về tối về khuya, sương chỉ cho cảm nhận cái lạnh, cái ươn ướt, nhứt là trên mái tóc chớ không thấy giọt sương rơi.
Chạng vạng là lúc làn khói lam chiều cho màu rõ nhứt. Khói bốc lên từ những căn bếp mái tranh. Chạng vạng có những ngày tuyệt đẹp. Những ráng đỏ ráng vàng, ráng cam ráng tím… lớp lớp xen kẽ cạnh nhau còn ửng ánh mặt trời vừa lặn. Cu Sô rất muốn đặt những làn khói này vào cái nền ráng chạng vạng nhưng không thể, chưa bao giờ được. Khói bốc lên gần tới thì đã tan. Khoảng cách chiều sâu cũng quá xa, không ăn nhập được. Nó chỉ ước một ngày có màu sắc sẽ kết hợp điều này. Chắc chắn sẽ rất đẹp vì tưởng tượng bây giờ đã tuyệt vời. Nhưng chạng vạng không chỉ làm làn khói lam chiều rõ đẹp, có những chạng vạng làm khói lam chiều bị che mất, bị lấn át bởi từng luồng khói đen xì. Từng luồng khói đốt cỏ rác của ruộng đồng nương rẫy. Khói bay cuồn cuộn gặp gió mạnh càng cuồn cuộn điên cuồng, mù mịt trời đất cùng với tàn lửa bay tứ tán. Tiếng lách tách nổ của đống lửa nhỏ hơn tiếng nổ của những viên pháo chuột. Màu đen xấu xí của từng luồng khói tựa hồ như sự lồng lộn của bầy quỷ dữ bị thua cuộc phải cuốn khỏi vùng đất. Trời sụp tối, làn khói đen chỉ còn thấy được một đoạn gần với lửa rồi bị cuốn vào đêm trời hun hút, bầy quỷ dữ mau chóng bị biến mất. Một vài năm trước, đám con nít tụi nó thấy đốt lửa thường chạy ra gần coi, những người lớn lo làm điều này, cào cỏ rác tấp thêm vào, khưi lửa cháy lên gương mặt bừng bừng ửng đỏ nhưng luôn tươi cười, công việc mệt nhọc nhưng có phần náo nhiệt, vui vẻ chuẩn bị đất cát cho sạch sẽ để vào vụ mùa thì nay không còn nữa, những gương mặt cũng bừng đỏ đó lầm lũi lo âu.
Ông Tiên kể chuyện, tụi nó đặt cho ông có đầu bạc trắng là vậy dù ông chưa già là mấy, ông Tiên trở thành tên riêng, ông kể chuyện cổ tích cho đám con nít nghe say sưa, ông hồn nhiên không khác gì tụi nó bữa nay lặng lẽ, ông quẹt ống tay áo lau mồ hôi, chống bồ cào đứng nghỉ nhìn chăm chăm vào đống lửa.
“Lòng rối bời phải không?… ừ, mà sao không rối bời cho được, một mùa qua rồi, một mùa theo phương thức làm ăn mới, làm ăn chung chạ, không thấy gì mới cả, chỉ thấy khó khăn đói kém tràn ngập, không thấy gì sáng sủa.” Ông thầy giáo, người ta cũng gọi như tên riêng là ông Thầy đến bên ông Tiên kể chuyện hỏi rồi tự trả lời luôn. Ông Tiên kể chuyện chỉ có biết lắc đầu.
Ông Thầy nó không thấy đi dạy, đa số chào ông là thầy. Một số ít người lẻo mép, nhiều chuyện nói rằng ông bị cấm dạy, ông không xứng dạy ở thời này, dĩ nhiên họ cũng chẳng chào chứ đừng nói chào ông bằng thầy. Với cha cu Sô và một số người thì khác, rất kính nể, còn khoanh tay trước bụng chào thầy. Cha còn biểu nó khoanh tay trước ngực thưa thầy đàng hoàng khi gặp ở bất cứ nơi đâu.

Đám con nít vẫn nô đùa gần bên những đống lửa. Cu Sô có hòa vào nhưng không được sôi nổi. Nó chưa thấu hiều hết nhưng vẫn thấy những gương mặt chán chường của người lớn, những cuồn cuộn như làn khói đen, những bầy quỷ trong lòng. Nó hay ước ao, nên ước gì mình được là hiệp sĩ đánh đuổi bầy quỷ này bay đi tận xa lắc mù khơi. Một thoáng buồn qua mắt nó bởi mình bất lực. Bù lại một chút, cỏ rác cháy hết, khói đen cuộn hết, còn lại những đốm lửa tàn rất sáng đẹp. Những đóm tàn giống hình tổ ong hừng hực màu đỏ nổi bật trong đêm tối trời.
Có nhiều mảng màu đỏ nổi bật trong những đêm tối trời như vậy nữa nhưng ở rất xa là những đám cháy rừng trên các dãy núi lớn. Những đêm sáng trăng vẫn có nhưng nó không chú ý. Đêm sáng trăng con nít rủ nhau tụ lại đùa giỡn cho thỏa chí. Cha nó nói bị cháy do người đi làm rừng, đi săn… lơ đễnh có thể từ một mồi tàn thuốc cháy dỡ, một bếp nấu ăn xong quên dập… gió phát tán lửa lan rộng nhanh cấp kỳ, có khi trời quá nóng mà tự phát hỏa từ đá nức nổ hay đá lăn va chạm tóe lửa. Cu Sô nghe cha tả lại chớ chưa tận mắt cảnh cháy rừng bao giờ. Cây cỏ, lá khô gặp lửa và gió cháy kinh khủng, đôi lúc như bão táp nhứt là mùa khô hanh, nắng bức. Giữa rừng già, nhiều người bị bất ngờ không đường thoát kịp, trong tích tắc bị làm mồi cho lửa. Nó thấy màu lạnh tanh, ớn lạnh gai óc dù giữa sức nóng cả ngàn độ C. Và thấy màu đen tối của giây phút tích tắc tích tắc, tích tắc giây phúc thôi, có thể đếm hàng ngàn cái tích tắc trong lúc rảnh rỗi, tích tắc nghe quá đơn giản nhưng lại là điểm kết thúc chớ không phải chuyện giỡn chơi. Rừng cháy xong thì nó đã chứng kiến. Cánh rừng thưa, bìa của bìa rừng chớ chưa được bìa của rừng già cháy, những tán cây, thân cây trơ trụi khô rát, le ngoe vài cái lá còn đeo dính tòng teng, đất lốm đốm màu đen, tro tàn vương vãi, cây gỗ mục còn lõi nằm trên đất ám đầy khói, có khúc còn âm ỉ cháy, khói nhẹ như những làn khói lam chiều nhưng màu trắng bạc, đây đó xác vài con vật nằm co quắp cong queo khô cứng đen thùi, có những khúc xương cũng đen thùi với vài mảng xám chớ không còn màu trắng. Mùi rừng cháy hăng hắc, hanh hanh, kheng khét, đôi chỗ khét nghẹt. Theo lời của cha kể lại thì cu Sô mường tượng, những luồng khói cuồn cuộn cỏ rác không là gì đối với khói của cháy rừng, rừng bạt ngàn, con mắt nhỏ nhoi của nó là vô cùng tận, lửa cháy những đống cỏ rác chỉ là đốm lẻ so với cháy rừng, như vài ánh đom đóm trong đêm tối trời.
Cu Sô ghét những đêm tối trời. Đêm buồn lắm!
Không phải trong những đêm tối trời thì ma quỷ xuất hiện, nhiều câu chuyện kể về ma quỷ như vậy. Nó không sợ là mấy, không phải nó không tin có ma quỷ. Nó và đám con nít tụi nó đã nhiều lần thấy những hình ảnh giống ma quỷ, nghe những âm thanh giống ma quỷ, những bà mẹ ru con, những tiếng khóc nỉ non đâu trên tuốt trên đọt cây, chót vót đọt tre ở nơi không người ở, rồi tan biến nhanh, đứa thì khẳng định chắc chắn, đứa chưa chắc chắn đó là quỷ ma, nó cũng nửa tin nửa ngờ, chưa đứa nào bị bắt, bị dẫn đi, bị nhét giữa bụi tre như trong những câu chuyện, nhưng nó vẫn nghiêng về phía tin nhiều hơn. Không sợ có lẽ đã quen với đêm tối trời quá nhiều và cũng có lẽ một phần nó hay nghễnh ngãng với thực tại, luôn nghĩ xa xa hơn, điều khác hơn, chỉ giựt thót sợ những lúc bất ngờ, cơn gió lớn rùng rùng rung động cây lá hay tiếng động lớn, lóe sáng của sấm chớp chẳng hạn. Điều nghịch nhĩ là lâu lâu nó lại mong đêm tối trời tới. Nhiều đêm mong tới lại toàn thất vọng, đêm tối càng buồn hơn, tối mịt mờ không chút ánh sáng.

“Đêm tối trời giữa rừng hoang vu rất kinh khủng…” đó là lời ông Tiên kể mở đầu câu chuyện cho đám nhóc con. Từng đứa ngồi im thin thít, há hốc mà nuốt từng lời của ông. Dĩ nhiên cu Sô mê mẩn, nó như chừa hẳn một chỗ trong đầu để ghi nhớ sắc màu này. Ông kể về hành trình khai phá vùng đất nơi đây của những người đi trước. Từ đó nó nhận ra đêm tối trời mình kinh qua chẳng là gì cả, bớt buồn cho những đêm này. “… Rừng già bịt bùng bởi những cây cổ thụ mấy người ôm cao vút, cây nhỏ chen chân dưới đất, dây leo chằng chịt che khuất tầm mắt, che gần trọn ánh mặt trời soi rọi xuống, ánh nắng chỉ còn là những tia chiếu nếu xuyên qua được và rừng trải dài không biết điểm dừng nơi đâu. Đi, cứ đi tới, nhích từng bước với cây rựa phía trước phát hoang, lá dưới chân ủ mục bị đạp vỡ ra bốc mùi hăng hắc có chỗ dày hơn gang tay. Những lúc trời đổ mưa bầu trời biếng thành đêm tối, tối mịt mùng. Mưa không rớt hột thẳng xuống đất được là bao, chỉ đoán mưa lớn hay nhỏ qua vần vũ của gió làm xao động những ngọn cây, của dòng nước chảy xuống từ thân cây. Dĩ nhiên có những cơn gió vần vũ rùng rợn lại mưa nhỏ, hoặc làm tan mây mưa nhưng thường thì dông gió to lớn, mưa cũng vậy và dai dẳng. Mưa đêm càng thêm cực hình, lạnh buốt thấu xương với tán lá tạm bợ không đủ che chắn, củi lửa lập lòe tắt ngúm, mưa dứt là dịp làm mồi cho muỗi mồng đông như kiến cỏ. Bình thường giấc ngủ đã chập chờn theo ngọn lửa bập bùng, lúc say lúc tỉnh, trong giấc mộng còn âm vọng tiếng hú tiếng gầm rú của thú dữ giữa đêm liêu tịch. Đi cứ đi, đó là bước chân của những người khai phá. Gan dạ cùng mình. Can đảm lắm mới chịu đựng như vậy”.
Vừa kể ông vừa làm điệu bộ, vừa tạo âm thanh. Nhứt là những chỗ ông bắt tay làm loa giả tiếng hú của thú dữ. Ông tiếp, “Có những khoảng thời gian đáng nhớ, những khoảng thời gian dù ít ỏi đã nhen nhúm cho tia hy vọng làm cho lòng can đảm. Những đêm nằm nhìn thấy những vì sao le lói trong đêm tối mịt, những vì tinh tú xa xăm âm thầm nhấp nháy như báo hiệu có một con đường. Những buổi sáng phát hoang lay động chỗ rừng tán lá thấp, từng đàn chim náo loạn bay lên, chúng đông như những đàn ong rùi đen kịt, chúng vỗ cánh tạo cơn gió rạt cả lá cây bung ra một khoảng trống lớn, một bầu trời xanh thẳm ngay trước tầm mắt, khoảng trời đẹp đến lạ lùng, khoảng trời đó và những vì sao đêm là hai thứ đẹp nhứt trong nhiều thứ đẹp mà những người khai phá đã từng thấy…”.
Ông Tiên dừng lại chỉ lên bầu trời đêm tối có vài vì sao lung linh, quả là rất đẹp mà bấy lâu nay nó cũng như những đám con nít chẳng để ý vì quá ít mà. Bầu trời đêm tối lấn át ngự trị cho dù đó là bầu trời rộng mở, tự do cho đôi mắt chứ không bị bao phủ bởi điều gì. Cu Sô nghe tới câu nói “Thấy ánh sáng cuối đường hầm” nó nghĩ, có lẽ khi vào tận cùng mờ mịt người ta mới tìm ánh sáng. Ông Tiên kể chuyện tiếp tục:
“Bắt đầu đi khi tới rừng già khoảng nửa tháng, còn lại hơn một tháng rưỡi ngày lưng lửng bữa cơm, phải tìm đào củ rừng mà lót thêm cái dạ, đọt lá rừng là những nồi canh thấm cổ thấm giọng. Rồi một ngày trời ráo hoảnh, vừa phát xong bụi mây gai lùm xùm gặp phải khe nước trong vắt chảy róc rách, cá lội như đi hội. Bước qua con khe thì gặp phải khung cảnh thoáng đãng, nhìn thấy bầu trời rộng rinh, một dải đất bằng phẳng hiện ra với rừng thưa ngay dưới chân đồi, xuống chút nữa là một vùng trũng hơn, cỏ xanh rì trên nền nước xâm xấp, chỉ có cây trâm nước mọc được và cũng lát đát chớ không nhiều. Vậy biết là chỗ này nước có quanh năm. Họ dừng chân mừng rơn còn hơn bắt được vàng, rút rìu ngay mà bổ một nhát vô cái cây ý chừng đánh dấu, ta đã đến rồi ngã rật người trên cỏ xanh mượt nhìn mây bay mà thở phì phò khoan khoái.”
Cu Sô có phần hiều ra nên nó hỏi:
“Làng Bàu Đôi (ao đôi) mình là nơi đánh dấu phải không ông?”
Ông Tiên lắc đầu:

“Không con à. Làng mình chỉ là làng mở rộng. Làng Bàu Sương ngay chân đồi Đất mới là chỗ đánh dấu, khai phá đầu tiên. Phía sườn đồi có nghĩa trang bây thấy đó, ở trên cao nhứt của nghĩa trang có một cụm năm ngôi mộ là chỗ chôn cất, tưởng nhớ những cha ông gồm sáu người đặt chân đến trước nhứt. Vùng đất trũng sâm sấp nước nay là làng Bưng phía dưới làng Bàu Sương.”
Một đứa hỏi:
“Con nghe kể lại có người bị ông cọp ăn thịt khi đi khai phá, phải hông ông?”
Ông Tiên cười đáp:
“Hông có đâu con. Nhiều người lấy thú dữ ra hù con nít thôi. Thú rừng bất kể là loại gì, hung tợn tới đâu gặp người cũng chỉ có tung giò cắm đầu chạy trối chết, nó chỉ chống trả trở lại khi vô nước đường cùng. Ông cọp bình thường không ăn thịt người, chỉ rình bắt ăn khi quá đói hay điên lên muốn xé xác trả thù. Lúc bấy giờ rừng còn mênh mông, thú rừng còn ê hề đi muốn đụng mặt thì làm sao đói, người thì mới tới, tìm đường đi có gây thù chuốc oán chi đâu. Chỉ có chết vì bị tật bởi bên cạnh thiếu thốn còn bị rừng lúc này là rừng thiên nước độc, nhứt là bịnh sốt rét và chết vì tai nạn, đường đi còn khó khăn, hiểm trở.”
Cu Sô biết ý đứa hỏi, đoàn có sáu người sao có năm ngôi mộ nên nó hỏi tiếp:
“Vậy còn một ông nữa ở đâu vậy ông?”
Ông Tiên đăm chiêu một hồi rồi thủng thẳng:
“Ông… ông còn sống, nhưng sống ở ốc đảo làng Bàu Sương, mấy con hông biết đâu.”
Đám con nít không biết chứ cu Sô thì biết. Nó khoái sương mù, mà Bàu Sương thì thường có sương mù dày đặc những tháng ngày cận tết, nó nghĩ có lẽ vậy làng mới có tên này từ bàu, nên nó hay đi đường tắt lúc đi học ngang qua đây để ngắm nghía và khám phá ốc đảo. Đó là ông già, rất già ở bên kia dòng suối cạnh triền đồi, trên mảnh đất chừng hơn chục mẫu mà con suối chảy uốn quanh tạo gần thành vòng tròn, kết nối khoảng hở nên vòng tròn là một ngọn đá tảng, mảnh đất thành ra như một ốc đảo cách biệt với làng. Trên đất còn nguyên xi rừng rậm, hai bên bờ suối tre già gai góc mọc phủ kín bưng. Ngày xưa, những ngày khai thiên lập địa không biết như thế nào chứ từ ngày năm người tiền bối khai hoang với ông nằm xuống thì không ai dám bước qua dòng suối để lên ốc đảo, bởi vậy nơi này mới được gọi là ốc đảo Bí Ẩn. Người sống trên đó cũng quá bí ẩn, người làng đặt là ông thầy Bí Ẩn. Ông thầy sống ẩn dật và cũng từ đây xuất phát rất nhiều giai thoại. Vể sau nó còn biết ngay tảng đá lớn xảy ra một vụ tai nạn thương tâm của ông trong đoàn tiền khai phá. Trải qua bao khó khăn của cuộc hành trình ông đều qua khỏi vậy mà lại trượt chân đập đầu xuống đá mà mất, máu loang cả một vùng rộng lớn, để rồi nơi đây còn cả vệt thâm đen không xóa nhòa theo bao nhiêu là thời gian, bao nhiêu là nắng gió mưa sa. Chuyệt thật bí hiểm mà không ai giải thích được.
Cu Sô loáng thoáng nhìn thấy dáng ông thầy Bí Ẩn chỉ hai lần nhưng không rõ lắm, và cũng rất sợ nên không dám mục kích nữa, nhưng giai thoại về ông là người đã hóa hổ thì nó không tin. Một khoàng thời gian trước đó, chứ về thời nó thì đã hết, cứ độ một tuần hay lâu hơn, chừng mười ngày non nửa tháng là ở làng Bàu Sương lúc chỗ này lúc chỗ kia sẽ nhận được những con thú rừng, khi thì con nai, con đỏ (mang hoặc mễn), con dê, con heo, khi thú nhỏ thì một vài cặp gà, thỏ, nhím, cheo, chồn…và có lúc thì một vài bao lúa, bao bắp bao khoai… Rồi có giai thoại khác truyền lại, cho tới lúc ông Tiên kể chuyện vẫn còn kể cho tụi nó nghe.

Đi về phía con người: Ký ức ấn tượng 
Cu Sô rời con đường làng, khúc đường lộ tới trường hàng ngày.
Ta vẫn tấu khúc nhạc vui vui, nhộn nhộn, chỉ có thêm vào vài nốt mới, là lạ, những nốt ấn tượng bởi nó vẫn là thằng nhóc học lớp mười. Nó về thị xã học trung học. Ngôi nhà mới nó trọ ở ngoại ô thị xã.
Vắng tiếng ụm bò, tiếng quang quác của bầy vịt, con ngỗng, tiếng cục tác của con gà mẹ dẫn bầy con kêu chim chíp, cu Sô không thấy thiêu thiếu lắm nhưng vắng tiếng gà gáy sáng, thậm chí gà gáy buổi trưa là nó thấy rất thiếu, thiếu hơn hẳn tiếng ô bặc lưa im bặc. May thay, nơi ở mới của nó vang rền tiếng gà gáy, xanh rì các luống rau mà lúc ngồi trên chiếc xe lam ra đi mang buồn vui lẫn lộn. Ngồi trong lòng và bệt dưới sàn xe quay ngược hướng với bác tài, lòng thòng ve vẩy hai chân như hai con lắc ngược chiều nhau đùa giỡn với không khí nó vui vui, xe chạy bon bon lại có cảm giác xe đứng yên, con đường, những hàng cây, quanh cảnh hai bên đường mới băng băng chạy vút vút qua trước mặt, lâu nay ngày đêm, sáng trưa chiều tối nhận được qua ánh mặt trời từ thị giác, không cảm giác về thời gian, lúc này mới cảm giác thời gian trôi trôi, có nỗi buồn bởi thời gian chạy rất nhanh, tựa hồ đẩy nó mau lẹ và ngày càng xa ngôi nhà tranh vách đất của gia đình. Ngôi nhà cạnh bên là giàn mướp giàn bầu bí, các loại dây leo vượt giàn phủ một góc mái nhà, “Ngôi nhà nở bông” với cu Sô là vậy, những bông vàng của mướp, bông trắng của bầu bí đẹp như cúc vàng, cúc trắng, những dây cỏ dại cũng bon chen nở những bông màu tía, màu tím điểm tô thêm cho ngôi nhà chất lãng mạn. Ngôi nhà nhỏ thân thương bên cạnh vườn cây đủ loại cũng nho nhỏ như bao ngôi nhà vườn của làng quê nó. Vườn nho nhỏ vậy chứ có những lúc “Trời nhuộm màu bông khế” (lời trong bài Biển – thơ Lê Tùng Quan), bông khế tim tím, hồng hồng, trăng trắng nở đầy cây thì trái chua trái ngọt đeo lủng lẳng, đứa nào hảo ngọt thì tới cây ngọt, hái trái cắn bỏ rìa phía ngoài khía là sực ngon lành, trái chua thì chấm thêm chút muối ớt. Bông khế nhuộm giữa mùa mưa thì ra giêng đất nhuộm màu bông mận, bông mận hai màu riêng biệt, trắng và hồng cho từng cây riêng, bông mận giống bông mắc cỡ, dễ rụng nên rớt đầy gốc và bay tứ tán, trái cũng cùng chấm với muối ớt cho chua ngọt. Ra giêng bông xoài không nhuộm được trời đất, không phải bông ít mà bông màu xuyệt tông với lá, xoài chín ngọt khỏi cần gì chứ xoài chua giòn thì cần chút đường và trái ớt hiểm dằm nước nắm thì mê ly, ngộ ngộ rằng xoài đập bôm bốp vào ngạch cửa thì càng chua giòn ngon hơn xắt đẹp bằng dao. Nó khoái những trái ổi sẻ vừa già, trái tròn tròn nho nhỏ giòn giòn chua chua, khi chín trái bị mềm, bông ổi trắng lấp ló trong tán lá chứ không khoe nhiều, trái cũng nhiều vào giữa mùa mưa. Có một loại cu Sô chẳng thấy bông, thực tình thì chẳng để ý vì trái lấn át nằm kết chùm liên tục trên thân và cành, trái chùm ruột cũng cần tới bụm muối ớt. Một loại nữa không bông, chỉ có những búp nở ra rồi kết thành trái hay không lớn thành trái mà thành khóm, khóm mít chát chát chấm với mắm con, nắm cá cơm hay cá nục trộn cùng chút đường chút tỏi giã nhuyễn và ớt để mà hít hà thì còn gì bằng…
Nơi ở mới không mấy xa lạ, vẫn một số khung cảnh này, nó đỡ rất nhiều phần nhớ nhà.
Ngôi trường mới lại khá cũ kỹ nhưng rất đẹp. Màu tổng thể của ngôi trường bao gồm những dãy phòng học một từng lầu, dãy nhà của thầy cô, phòng thí nghiệm, thư viện, những dãy nhà quét vôi vàng lợp mái ngói đã chuyển màu nâu sậm với vài vệt đen đó đây, sân trường với những cây điệp vàng bự gốc, tán rộng, bãi tập thể dục và cả sân đá banh nho nhỏ bên hông là màu ấn tượng. Một bức tranh tổng thể ấn tượng.
Nhưng còn những màu ấn tượng hơn. Những màu có vô hình và có hữu hình.
Thầy cô có ba phong cách.
Một phong cách trung dung ở giữa, vẫn có vui có buồn nhưng bình thường là chính, vẫn dạy dỗ đúng theo quy trình, phong cách này giống như đường kẻ giữa mà Cu Sô kẻ phân chia mặt đất đối lập với âm thanh từ ô bặc lưa trên cột cao.
Phong cách nó ví ở mặt đất là của những thầy cô lộ vẻ chán chường trên gương mặt, nhưng ẩn sâu vẫn còn rất yêu mến nghề nghiệp của mình. có những thầy chán chường đến nỗi đi chiếc xe đạp mà cây đũa rớt ra khỏi con ốc cũng không buồn gắn lại để cái vè cạ vô bánh vô niềng rột rẹt như tiếng của xe trâu, chỉ nho nhỏ hơn thôi, thậm chí xe không vè không thắng, đạp xe tà tà cỡ đi bộ rồi chà bàn chân mang đôi dép mòn lĩn xuống đường mỗi khi muốn ngừng hay chậm lại để tránh né. Xen lẫn trong các tiết dạy, vẫn những tiết dạy đầy đủ, đúng giáo trình là những lúc nói về xã hội, nói về cuộc đời dù đám học sinh chưa hiểu là mấy, có lẽ là những giây phút trải lòng và mong được học trò thông cảm thì đúng hơn.
Nó đi ngang chợ phường thì thấy chộn rộn, một bà bán túm áo một người kéo kéo và la lớn:
“Ông nội, ông chạy xe kiểu gì đụng tùm lum tùm la, đền rổ rau cho tui.”
Người bị kéo nó nhận ra không ai khác là thầy dạy ở trường mình nhưng bất lực, đâu dám can gián. Thầy lom khom gom rau đổ tứ tung vào rổ, phân bua:
“Dạ, dạ, tại lách con bé qua đường đột ngột, thắng không kịp, cô thông cảm, bây giờ tôi không đủ tiền, xin cô cho khất tới kỳ lương tui đền, cũng sắp rồi…”
Một bà bán kề bên nghe vậy dòm kỹ liền bước ra:
“Trời, thầy dạy ở trường phường mình nè, thôi bỏ qua đi, để thầy đi đi.”
Bà bị đụng tung đổ rổ rau khựng giây lát rồi gãi đầu:
“Dạ, dạ, tui hông biết, thôi… thôi… thầy đi dạy đi.”
“Dạ, dạ, tuần tới tôi ghé gởi tiền, tôi cảm ơn chị.”
Thầy còn lóng ngóng thì bà xua xua tay:
“Dạ thôi thôi, thầy cứ đi đi, khỏi cần ghé trả chi hết, thầy đi đi…”
Thầy gật đầu nói lý nhí:
“Dạ, dạ, tôi phải ghé…” Thầy mặc kệ quần áo xộc xệch, áo chỗ trong quần, chỗ bung ra ngoài không buồn nhét trở lại, cuối gầm mặt đầy chiếc xe cà tàng một đoạn rồi phóc lên, phóc lên chưa yên chỗ thì phải nhảy xuống lượm chiếc dép trật ra khỏi bàn chân, lại phóc lên lên khòm lưng đạp đi. Cử chỉ muốn biến thật nhanh khỏi chỗ này nhưng hai bánh xe dính nước nhềnh nhệt bên lề, bánh trước đi đường bánh trước, bánh sau đi đường bánh sau in hai lằn trên đường nó thấy màu nặng nề khủng khiếp, nặng nề như muốn kéo dính lại với con đường, ma sát của sự uất nghẹn trên mặt trên cổ, trong lòng thầy với con đường tựa hồ bốc cháy, càng muốn bốc cháy khi nó nghe lời rầu rầu của bà bán rau:
“Thầy giáo chi mà khổ quá, lương hướng không mua nổi cái thắng cho xe!” Rồi bà hất đầu qua bên kia đường nói lớn hơn: “Bữa nào ông thấy ông thầy đi ngang, ông kêu lại hàn đôi dép cho ổng chắc chắc chút coi nghen ông, đôi dép chi mà cũng chẳng nên thân nên tội.”
Ông hàn dép đáp mà lắc đầu ngao ngán:
“Ờ, đề tui gặp được tui kêu.”
Nó chợt sực nhớ dòm xuống đôi dép của mình, đôi dép te tua, đứt mấy đường phải lấy dây nhợ cột chằng chịt lại. Và nghĩ lúc nào đó có tiền cũng ghé đây hàn cho nó đàng hoàng như một dãy dép, thau chậu cùng cái bửng xe Honda Dame bằng nhựa treo lủng lẳng đã hàn xong.
Phong cách thứ ba là của những thầy cô năng nổ, hăng say với các phong trào, phong trào cờ đỏ, hăng hái kiểm tra các quy định của nhà trường giữa các lớp để thi đua, biểu dương và phê bình, phong trào lao động, phong trào đoàn hội… Gương mặt các thầy cô này có phần hêch hếch ngước lên, những gương mặt lên gân cùng cử chỉ hùng hồn.
Thích thú những tiết học thể dục, những phong trào thể dục thể thao, nhứt là đá banh bao nhiêu thì Cu Sô ghét cay ghét đắng phong trào thể dục nhịp điệu bấy nhiêu, thể dục nhịp điệu thay thế thể dục giữa giờ. Nó, một đứa nhà quê cục mịch, dân thị xã nói lái lại gọi là đồ nha quệ, ban đầu còn gây tức tối bởi thấy nhục, sau nghĩ lại thì dần hết, thậm chí khoái chí. Nhưng không thể không nhục nhã khi bị mời ra khỏi hàng của lớp để cùng năm bảy đứa hợp thành hàng riêng dưới cột cờ ở buổi này, những đứa cùng cục mịch, thô thiển như nó ở các lớp khác, nói đúng là bị bắt ra đây để được uốn nắn hướng dẫn. Sự lạc lõng, bơ vơ không thể tả hết giữa văn minh phố thị, nó nghĩ mình không còn là đứa nha quệ, nhà quê nữa mà đích thị là đứa con của hoang liêu, hoang dại rừng rú. Một hàng những thằng chân tay gân guốc cứng tựa gỗ hứng chịu sự phán xét, chế diễu khinh bỉ phần nhiều hơn sự thương xót trong mắt gần một ngàn đứa học sinh như mình. Trớ trêu thay, đứa hướng dẫn thì dáng người rất uyển chuyển, mềm mại, vô cùng hứng thú với sự uốn nắn, cầm nắm vuốt ve tay chân thân thể tụi nó mãi không thôi, không chút ngượng ngùng, chỉ có tụi nó là từ ngượng ngùng cho tới rợn người với đứa trong lớp gọi đùa là chị, là lại cái, cá tính nữ lộ rõ trong thân hình con trai. Động tác thể dục nhịp điệu, hai tay chống hông, uốn éo hông và hai chân thay phiên đưa tới trước sang ngang chút rồi rút về cũng uốn như uốn dẻo, tụi nó thì nhịp điệu… cà thọt, cà thọt… trên nền nhạc và lời sôi động, vài đứa hát theo âm cứng của tiếng Việt: “Hồn… hồn… hồn, gài cô hồn… hồn… hồn…” vài đứa chế thành: “…Gái cô hồn… hồn… hồn…” Bài hát được cho là của Cu Ba, mấy đứa tỏ ra hiểu biết thì, “Cu Ba cu Sô gì, đây là bài của ban nhạc Boney M” nó chẳng rành điều này, chẳng biết đúng sai.
Nhục nhã, nó sợ, sợ anh mắt soi mói chứ dù có rợn người từ sự vuốt ve cũng không thất kinh lắm, một chút hiểu cuộc đời cho nó lòng bao dung, thương xót cho bạn mình cũng như thương xót mình. Sợ, nên cu Sô luôn trốn tiết thể dục nhịp điệu. Nó trốn theo một số đứa ra cái hẻm chừng một mét là khoảng giữa hai dãy lớp học. Cán bộ cờ đỏ không ra tận đây kiểm soát, bắt như những đứa trốn ra sân banh bởi hẻm đất nhềnh nhệt, không kịp rút nước đái tụi nó thải ra thì làm sao khô được và nồng nặc mùi. Tuy nó không tập hay lén hút nhưng khoái hít những làn khói thuốc lá Hoa Mai, Đà Lạt hay sang hơn có đầu lọc là Samit, Jet từ những đứa cùng xuồng để giảm mùi khai nồng nặc mà nói theo khoa học là amoniac có công thức phân tử NH3. Hai bờ tường gần sát đất đã chuyển màu lá mục ẩm thấp vì thấm chất này. Trường cũng có hai cái toilet nhưng cách xa một chút, trong một khoảng đất trống phủ đầy cỏ dại. Hai cái toilet dành nam nữ riêng biệt cách nhau vài bước chân, được xây bằng bốn bức tường cao quá đầu, chừa cửa nhưng không có cái cửa nào để đóng mở hoặc dù chỉ một tấm bạt che chắn. Một vài lần ra đây khi chưa biết con hẻm amoniac, nó thấy bên trong của toilet nam là một nền xi măng phẳng chứa đầy chất thải khô và nhềnh nhệt phủ bên trên, một lối nhỏ bên ngoài nền này vừa đủ đặt bàn chân ngồi là còn sạch, không vòi nước không lối thoát nào ra ngoài cả. Vài thằng tọc mạch cho biết bên toilet nữ cũng vậy nhưng chắc chắn rằng chẳng có đứa nữ nào dám ra chỗ này, hai cái thành của đực rựa mà thôi.
Một mùi có nồng nhưng không nặc là mùi những thùng lều nhỏ muối mắm và thơm nồng có màu đẹp, màu vàng vàng, nâu vàng, nâu vàng sậm là mùi nước mắm thành phẩm. Lớp nó thường xuyên được làm thí nghiệm với nước mắm. Thực sự đó là cách nói cho văn vẻ, chớ đúng ra là những buổi lấy điểm lao động bằng sản xuất nước mắm. Một lần duy nhứt được xuống phòng thí nghiệm làm nó mê tơi, tận mắt được sự tương tác của vài chất, tạo được màu từ quỳ tím rất đẹp. Còn lại toàn là những tiết học lý thuyết cho các môn khoa học tự nhiên. Lao động còn cho nó tận mắt gạch ngói màu đỏ au chứ không chỉ thấy xa xa dù tới lúc này ngôi nhà ở quê chưa một lần được xếp viên gạch làm tường, chưa một lần xếp viên ngói lợp mái. Biết được qua những buổi lao động bắt buộc. Lúc gồng mình khuân vác gạch sống xếp vào lò để nung chín, lúc chuyển gạch đã nung chín ra khỏi lò, lúc này nhận thêm một màu khắp người là bụi đỏ au ngập người, nhứt là bít cả mũi.
Mải mê phụ việc ở những luống rau nó mụ mị, không nhận ra có cá làm mắm ở trường tức trường phải gần với biển, màu mà nó ước mong được gặp. Nó cũng chỉ biết hai con đường tới trường với những mái nhà tường lợp ngói san sát nhau hai bên đường, vài ngôi nhà có từng lầu khác với làng quê của mình.
Một con đường gây ám ảnh và nó không bao giờ đi con đường này nữa dù có chút tiếc nuối. Lúc đạp ngang bến xe khách bên cạnh đường nó cho một người xin đi quá giang vào gần trường học mình. Đang đạp thì có một người hớt hải đạp theo kêu lớn:
“Ê ê, hê hê, đứng lại, đứng lại, tao biểu đứng lại.”
Nó ngừng xe thì người này liền hỏi:
“Đ.m. thằng nhóc, mày là ai?”
Dòm nét mặt bặm trợn nó tái mặt lắp bắp:
“Dạ… dạ con là… cu Sô.” Chợt nhận ra cu Sô là thằng nào ai biết, nó đổi nhanh: “Dạ, con là học sinh.”
“Đ.m. muốn chết hả mậy, học sinh mà láu cá, hả mậy?”
“Dạ… dạ, con có láu cá gì đâu.”
“Tao xáng bạt tai chết mẹ bây giờ, hông láu cá láu tôm mà đi giựt mối hả?”
Nó vẫn ngạc nhiên:
“Có có giựt mối gì đâu.”
Người xin quá giang chợt hiều, phân bua:
“À, à, hông có đâu anh, tui xin quá giang, cháu nó cho đi, chớ nó hông có chạy xe đạp ôm, hông có giựt mối lái anh à. Thôi, thôi, tui qua anh chở tui vậy.”
Nhờ đó nó mới thoát nạn và biết thêm cái màu của nghề này. Màu có mồ hôi công sức và đi kèm bặm trợn. Có chút tiếc nuối bởi trên con đường này thường gặp những người đạp xe thồ lu, thồ khạp, mỗi chuyến thồ cả bốn tới sáu cái lu bự tổ chảng hay chục cái khạp chất chồng như núi, nó không tưởng tượng được làm sao chất lên, thồ đi được và thường ngừng xe lại phụ đẩy mỗi khi thấy lên dốc phải ì ạch dẫn bộ. Màu của những cái lu, cái khạp ai ai cũng phải sử dụng, để trước hàng ba nhà mà hứng nước mưa dùng, để trữ nước, để dựng nông sản, để muối mắm muối cá… những người thồ lu khạp lấy hết màu mồ hôi để đổi được đồng lời, chứ chở một hai cái sẽ bỏ công cả chuyến, lu khạp giá quá rẻ, không thể hô hoán giá cao lên được và có lẽ màu này dễ vỡ nên những người thồ không bị ai chặn hỏi han, chặn bắt bớ gì.
Và nó biết rõ con đường duy nhứt từ ngôi nhà ngoại ô đi về nhà trên chuyến xe lam, đây là lúc rảnh rỗi ngồi quan sát. Khi nhàm chán với thời gian con đường chạy ngược, nó chuyển qua đếm… ổ gà, biết được ổ gà lớn nhỏ chỗ nào, sắp tới chỗ nào xe sẽ quẹo qua cua lại để tránh những ổ gà lớn, hay đếm cây trụ điện tín cách khoảng 50m có một cây thì biết đoạn đường lởm chởm người ta đào lên đổ đá và đất xuống chứ chẳng trải nhựa dài bao nhiêu… Nó cứ nghĩ mình còn thời gian sẽ biết thêm về thị xã nhưng nó chỉ học một năm duy nhứt, trở về nghỉ ba tháng hè mà không trở lại.
Hết ba tháng hè nó chuyển trường lên trường huyện vừa được xây mới ở gần trung tâm huyện cũng vừa được chuyển tới đây, một khu vực khá rộng còn lưa thưa dân chúng, xung quanh gần như được bao bọc bởi những ngọn đồi nhỏ. Ngôi trường nhỏ, mới xây chỉ một dãy phòng và một phòng riêng cho thầy cô giáo. Đường từ nhà tới trường cũng xem xem với đường tới trường thị xã chứ không gần gì, nhưng nó thích ngôi trường huyện này hơn dù chắc chắn có nhiều điều thua kém. Nó thoát được khỏi cái mùi nồng nặc, trường mới không có cái toilet nào, bí cứ chạy ra những lùm cây bụi cỏ cách trường một đoạn chưa bị ủi, nơi rộng rãi vừa thoáng mát vừa có gió cuốn mất mùi xú uế. Dĩ nhiên nữa nó thoát được khỏi những buổi đứng le ngoe vài thằng thành hàng một chỗ cây cột cờ. Và nó có chiếc xe đạp mới rất tốt hàng tuần đạp về nhà, chiếc xe đạp là một màu ấn tượng đặc biệt của nó không chỉ lúc này mà còn mãi về sau.
Một chút luyến tiếc, người ta cho xe ủi, ủi san phẳng hết còn trơ đất để xây cất, một vùng rộng ngập tràn màu nắng nhưng rất trống vắng mặt dù đang nhộn nhịp vận chuyển vật liệu cùng nhiều công nhân xây dựng. Một chiếc xe chạy qua, một làn gió mạnh là bụi mù bay như có đoàn ngựa tung vó hết cỡ phi qua. Nó ước chi người ta giữ lại những cây dầu cao to hơn vòng tay người ôm, tự hỏi phải chăng cây rừng không phù hợp, nhưng lại thấy trên con đường ở thị xã cũng có cây dầu đó thôi, có khác gì đâu nào, rồi người ta trồng lại những cây mà thân ốm tong teo, cao cao quặc quẹo phải cắm thêm một cây nho nhỏ làm trụ cho cây này tựa vào, hỏi ra mới biết đây là những cây bạch đàn, tràm bông vàng, những cây hợp với rừng rú chứ chẳng hợp mấy với trường học như cây điệp vàng, cây me tây, nhứt là cây phượng vĩ.
Có hai sự trùng hợp với sự mới mẻ này.
Cu Sô mua được chiếc xe đạp mới rất tốt bởi cuộc sống đã dễ thổ hơn. Bà con đã trút được điều nặng nề nhứt, lo âu nhứt đó là về cái đói ra khỏi người. Phương thức làm ăn mới đã được áp dụng và có hiệu quả. Làm ăn được khoán trắng cho từng hộ gia đình chứ không tập trung nữa. Được gọi là thời kỳ đổi mới. Đổi mới, mới mẻ về phương thức làm ăn cho bà con thay đổi hẳn, một số có đổi mới một chút, bớt nạn quan liêu, tra xét lý lịch… Những đứa như nó, như con cháu của ông Thầy, con cháu của ông già Socola thi đại học đậu đã được học chứ không như trước kia nếu đậu cũng phải về cầm cuốc với nghề sản xuất nông nghiệp, nhưng học xong chỉ được làm nhân viên quèn, không có chỗ lên cán bộ hay vận dụng hết năng lực dù có giỏi cỡ nào. Sự tinh tướng có giảm nhưng lộng quyền lắng sâu, ẩn núp, tham vọng quyền lực, khánh tướng vẫn còn đó, chỉ không khoe mẽ nữa. Những manh nha, hạt mầm nảy nở màu xấu nó đã thấy bắt đầu thành cây con, vẫn có đất  sống, đất dung dưỡng.
Cu Sô nhận thấy có điều khang khác trong mình, thả người trên đống rơm đêm đầy sao sáng lấp lánh nó đã cảm nhận được vẻ đẹp, vẻ đẹp tiềm ẩn phía khuất nữa chứ không chỉ là ánh tỏa lấp lánh, những giọt sương rớt xuống không chỉ ở ngoài da mà thấm vào thịt, man mát, se se lạnh tận bên trong, suy nghĩ đã lắng đọng, suy đoán nhiều hướng, chứ không chỉ rộn ràng nhảy múa, chỉ biết thu nạp và lưu trữ. Bên ngoài hình dáng cũng đổi khác, phỏng cao lớn hơn, vài cọng long măng mọc trên mép, giọng nói tồ tồ vịt đực, bước đi chững chạc. Nó nghĩ nó đã lớn lên chút rồi. Trước khi nó nghĩ nhiều người đã nhận ra sự mới mẽ, anh chàng trổ mã không còn bị kêu cu, thay bằng thằng Sô hay Sô học trò.
Ta bắt đầu rải những nốt nhạc chậm lại, những nốt nhạc có cung bậc rõ ràng, nhiều giai điệu hơn, giai điệu miên man, giai điệu trầm lắng, giai điệu bay bỗng, giai điệu du dương tình tứ và dĩ nhiên còn đó giai điệu vui nhộn. Cuộc sống lo lắng bộn bề, người ta đã quên bẵng đi sự lãng mạn, cu Sô thì không, nó vẫn đọc những tác phẩm lãng mạn, những tác phẩm trong đó có nhân xưng chàng và nàng, ta thích lắm, ta phải giữ lại điều này, ta gọi nó là chàng học trò Sô, thôi ngắn gọn thôi, chàng Sô, chàng ta!
Thầy cô ở trường mới cũng có khác với trường thị xã. Gần gũi hơn, có buồn nhưng chưa tới mức chán nản, sự hào hứng lan tỏa hơn nhưng cũng không tới mức hưng phấn hứng chí, các phong trào vừa phải bởi học sinh còn thưa thớt chứ không rầm rộ, ganh đua tới mức tị hiềm ganh ghét.
Với chàng Sô, sự trống vắng mang lại nỗi buồn. Không phải sự trống vằng cảnh quan kéo theo trống vắng tình người, chàng ta nhận thấy tình người nói chung không được như xưa, không thật lòng hết, đã có sự đối phó, chia rẽ bè phái nhưng chưa đến nỗi mất đi. Ánh đèn trắng đục không sáng lắm của bóng đèn neong sáu tất, vàng vọt một chút của bóng đèn tròn xài từ bình ắc quy nhưng khá hơn, tiện bề hơn ánh đèn dầu đã được thay thế nhiều. Ắc quy cho điện phục vụ nhu cầu giải trí. Có ánh sáng, có được điện là sự chung tay góp của nhiều người chứ không thể một mình, những nhu cầu vẫn còn rất xa xỉ. Người mua được cái ti vi, cái cassette thì người mua cái đầu máy chiếu băng video, mua cái amply cặp loa, người mua cái bình ắc quy, người góp tiền xạc điện định kỳ… Đã quá lâu cho sự đói văn hóa, và chỉ một nguồn cung cấp văn hóa luôn ngả về hướng phe mình là tuyệt vời nhứt, nay có nguồn khác, những điều lạ lẫm xâm nhập, những điều hay ho còn đọng lại của ngày xưa qua những lời kể, và sự mở cửa như được thả dàn, được thoát ra sự gò bó bấy lây nay, người ta mê mẫn với cái mới gặp, những điều lạ lẫm. Người ta mê mẫn những bộ phim chưởng, võ thuật, đánh đấm, xã hội đen và hài hước, một số ít phim tình cảm sướt mướt, lâm ly bi đát chủ yếu của Hồng Kông sản xuất du nhập vào, mê mẫn suốt ngày đêm, dán mắt vào màn mình suốt ngày đêm nếu rảnh rỗi. Chàng ta có tham gia nhưng không nhiều nên thấy trống vắng.
Chàng Sô thích hòa hợp với thiên nhiên. Thiên nhiên bị tàn phá nhiều, rừng bị đẩy xa đẩy xa khi bước chân con người bước tới bước tới. Chàng ta cuốn thời gian bằng bánh xe quay vòng, quay vòng vòng chậm rãi cuốn thời gian dư dả, đưa mình theo con đường mòn, con đường xe bò vào với thiên nhiên. Một bữa, mải mê cuốn thời gian và miên man bởi những cánh rừng lưa thưa đã quá thân thuộc, một khoảng không rộng lớn hiện ra, có nghĩa ở đây không có rừng cây và gặp một bất ngờ, một trảng cỏ rộng mênh mộng xuất hiện. Ngày ở làng có nghe tới những địa danh Trảng Cỏ, Trảng Bò thì bây giờ chàng ta mới vỡ lẽ. Trảng cỏ bằng phẳng trải dài không khác gì thảo nguyên bát ngát. Cỏ mọc đều như được tỉa tăm tắm chỉ cao độ năm phân, cỏ không xanh ngắt mà có pha chút màu vàng, cũng không phải màu xanh non, xanh pha vàng vàng, cỏ mịn tựa lông những con bò vàng tơ, trảng cỏ mịn lông bò người ta gọi tắt là trảng bò, phân biệt với những trảng cát, trảng sỏi… Điều độc đáo nữa, trên trảng cỏ đây đó xa xa có vài cây lớn đứng độc tôn, có lẽ cho chút bóng mát bởi trảng quá rộng, vài khóm cỏ dại mọc cao cao chừng đầu gối ra bông giống mảnh vườn nhỏ được chăm sóc hẳn hòi, tuyệt nhiên không có những lùm cây bụi cỏ um tùm gai góc và xác rác. Thiên nhiên tạo hóa vườn cỏ thơ mộng, vi diệu giữa rừng rú hoang dại thiệt độc đáo, đẹp không thua gì bàn tay con người! Chàng ta gọi là Trảng Cỏ bởi nghe tên Trảng Bò không được mượt mà lắm, trong tâm đã lưu những hình ảnh màu cỏ lông bò này rồi.
Chàng Sô không bao giờ đem bánh xe cuốn thời gian vào Trảng Cỏ. Chàng ta sợ nó bị dày xéo, phá nát. Bước đi vào rất nhẹ nhàng, bằng những đầu ngón chân tưởng tượng mình là chàng hiệp sĩ cỡi ngựa lướt nhè nhẹ trên thảo nguyên, lướt nhẹ nhàng như những đoạn phim chiếu chậm. Rồi ngồi tựa gốc cây cao ngắm nhìn đã mắt xong vẽ vào không gian những hình những màu cổ tích thành bứt tranh. Những màu ngày xưa xưa cha, má kể trước lúc đi ngủ, rất nhiều rất nhiều, hết chàng ta vẽ tiếp làng quê, những nơi mình đi qua và ghi nhớ… Chiều xuống thiệt chiều, ánh nắng có những tia chiếu nghiêng nghiêng một góc nhỏ và rải ra Trảng, một màu vàng của mùa thu nhẹ nhàng trong lòng chàng ta. Mát mẻ, cũng khá mỏi lưng, thử lăn một vòng, cỏ không bị đè bẹp mà bung trở lại bình thường, chàng ta tiếp tục nằm một chút rồi lăn lăn, mằm một chút rồi lăn lăn… Lăn tới những cụm hoa cỏ dại lúc này bươm bướm kéo tới bay đậu dày đặc mà lúc ánh nắng còn gắt bươm bướm không nhiều lắm, mảnh vườn trở nên đầy màu sắc, chẳng gì tuyệt mỹ hơn nữa. Ra về, bánh xe cuốn thời gian chạng vạng mà lòng nhẹ nhàng, cũng chẳng gì tuyệt vời hơn, có lố giờ, bánh xe cuốn thời giờ đêm tối chẳng sao cả, không chút u tối đè nặng lòng.
Chàng Sô thử ở Trảng cỏ với buổi sớm mai. Cũng chẳng gì tuyệt vời hơn. Lăn lăn với màu mát lạnh, tưởng tượng được màu se se lạnh của trời có mùa đông. Trên lá những khóm cỏ dại còn đọng những hạt sương tròn trong vắt, hạt sương tinh khiết chàng ta uống nghe ngọt ngào. Mặt trời lên, những tia nắng cũng nghiêng nghiêng góc nhỏ chiếc khúc xuyên qua cánh rừng thưa trước mặt, tỏa ánh vàng cam làm trảng cỏ ưng ửng, hừng hừng sắc. Bươm bướm nhiều nhưng không bằng buổi chiều tà dương, có lẽ các cô nàng còn nướng giấc đâu đó(?)
Có một lần Chàng Sô mang nỗi buồn, buồn với con người chứ không phải với Trảng Cỏ tuyệt vời, Trảng Cỏ bình yên giữa những cánh rừng không còn yên tĩnh. Nó bị bắt, bị mấy ông kiểm lâm bắt, bắt trói quặc tay đem về hạt, bỏ mặc những lời thanh minh, quyết gán cho chàng ta là kẻ dò la canh chừng cho lâm tặc. Một đêm nằm lạnh lẽo một mình giữa căn phòng trống không là gì đối với kẻ nhà quê, nhưng càng buồn, từ trường học cho tới hạt kiểm lâm không quá một cây số mà mấy ông này đổ cho trời đã tối không tới được để xác minh. Chính xác hơn thì mùi rượu mùi mồi và những lời mùi mẫn, những lời ẻo lả chả chớt, những lời ong bướm tán hưu tán vượn ở quán nhậu hấp dẫn bội phần nên bỏ qua thôi. Dĩ nhiên  tới trưa sau nó được thả nhưng khó loại bỏ nỗi buồn. Đêm đó, vài điều nữa văng vẳng chạy vòng trong căn phòng trống. Ngay bìa rừng, cạnh con đường có một tấm pano khá bự đổ bằng bê tông đứng sừng sững, uy nghiêm với Quốc huy bên trên và dòng chữ, “Nghiêm cấm chặt phá, đốt phá cây rừng, lấn đất rừng dưới mọi hình thức. Ai vi phạm sẽ bị pháp luật trừng trị.” Gần tấm pano này có căn nhà nhỏ cùng cái tháp canh để canh giữ rừng nhưng mấy khi có người, vài người kiểm lâm lâu lâu khăn gói ba lô súng ống đi vào rừng nhưng tựa hồ đi dạo một vòng rồi về. Chẳng thấy chặn hỏi han, ngăn cản một ai đi vào dù với rất nhiều xe bò, dụng cụ làm rừng. Họ chỉ canh chừng ở đây hay gần gần để bắt cây gỗ khai thác về mà thôi. Lâm trường thuộc hạt là một bãi đất trống chất đầy gỗ. Lâu lâu có xe tới chở đi ra các trại cưa. Lý ra ở đây phải tập hợp những người kinh nghiệm đầy mình về khai thác rừng, hướng dẫn họ khai thác cho đúng, không khai thác lấy gỗ lấy củi ở đâu ra? Và cũng không thấy trồng rừng ở những cánh rừng trơ trọi đã tàn phá. Không chính sách gì cả. Tấm pano giống con bù nhìn đứng giữa cánh đồng đã gặt xong, xi măng đúc pano nức nẻ, bong tróc từng mảng sơn và rêu phong đeo bám đầy.
Có những điều tưởng chừng chỉ có một, tuyệt vời nhứt không có gì tuyệt vời hơn nữa, không phải vậy, không có đỉnh điểm cố định cho sự cảm nhận, hiện hữu đỉnh điểm còn có thay đổi mà, ngọn núi cao vẫn cao thêm theo thời gian. Khúc nhạc của ta soạn cho cu Sô mang gam trưởng, rất vui, nhưng không chỉ vui mà còn mang âm hưởng tiết tấu của bản Sonata ánh trăng (Moonligth Sonata) của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig Van Beethoven, rất huyền ảo, rất lãng mạn!
Chàng Sô có thêm tuyệt vời hơn cả tuyệt vời với Trảng Cỏ. Cứ ngỡ rằng chàng ta mãi mãi một mình ở nơi đây, không người đồng cảm nổi với một người quá lạ lùng. Bánh xe cuộn thời gian đưa thêm cô gái xinh đẹp với chàng ta tới nơi này. Trảng Cỏ rạng lên hơn, bừng lên hơn, đẹp lên hơn. Cô nàng học dưới chàng ta một lớp, dĩ nhiên có sự đồng cảm nhưng không thể hiểu hết được, chàng ta cũng không thể diễn giải để hiểu hết những màu thăm thẳm phía khuất cho cô nàng, một ít đồng cảm thôi là đã quá tốt rồi!
Không gian lãng mạn của thế kỷ 18, 19 xuất hiện ở Trảng Cỏ, không phải chuyện cô gái ngủ trong rừng rồi chàng hoàng tử Sô đến giải cứu, một không gian với ánh trăng vàng sáng tròn quay, một không gian thực tế và phi thực tế, không gian thực tế và cổ tích kinh điển.
Cô nàng nói:
“Muốn lắm, muốn lắm được bay tới cung trăng.”
Chàng ta đáp liền:
“Ừ, ta sẽ tới cung trăng.”
“Bằng chiếc phi thuyền đa?”
“Không, ta đâu đủ giàu có để bay bằng phi thuyền. Ta xây một con đường đến và kết nối trái đất với cung trăng.”
“Xây một con đường?”
“Ừ, xây một con đường. Ta sẽ cùng mười cặp đôi cùng chí hướng, cùng lãng mạn xây từng tam cấp thành con đường, xây một đoạn dài ta dừng lại xây một trạm nghỉ, ở đây sẽ sản sinh sự sống như trái đất, đỡ bớt một chặn phải quay về lấy vật liệu, ở đây con cái chúng ta ra đời, ta tiếp tục xây tiếp con đường, một đoạn dài nữa tiếp tục xây chặng nghỉ thứ hai, sự sống tiếp nối ở trạm nghỉ thứ hai, có thể con cai chúng ta đã lớn, chúng thành hôn ở trạm này và cho ra đời hậu duệ thứ hai, chúng ta thành ông bà nội ngoại, cùng chung sức xây tiếp nữa con đường, tiếp một trạm nghỉ nữa, ta sẽ lên chức ông bà cố nội ngoại, hậu duệ thứ ba có mặt, có lẽ ở trạm nghỉ thứ ba ta tạm nghỉ, con cháu chúng ta xây tiếp tới cung trăng, ta tới an dưỡng tuổi già bạc tóc răng long và nằm lại nơi tuyệt đẹp này!”
“Hay quá, hay quá, nhưng sẽ không được trở lại trái đất, trở lại quê nhà, trở lại Trảng Cỏ?”
“Người khai phá phải chịu hy sinh.”
“Ừ hén, hy sinh cũng xứng đáng, chúng ta là những kẻ lãng mạn nhứt, hạnh phúc nhứt kết nối hai nơi một vàng rực một xanh rì này.”
Một màu xao xiết trong người chàng ta, nàng ta, xao xiết hạnh phúc bất tận cung trăng.
Nhưng đó là tương lai, hiện tại Trảng Cỏ đã là trạm nghỉ, ồ không là một nhà ga. Nơi này thường nghe tiếng còi tàu, nghe khá rõ, nghe cả tiếng cành cạch bánh xe chạy qua khớp nối thanh đường ray, con đường tàu lửa đi xuyên qua cách không xa mấy.
Cũng một đêm sáng trăng, đợi tiếng còi tàu vừa hú xong, chàng ta nói:
“Mai mốt đón ở ga này nhé.”
“Ừ, hứa chắn chắn phải về ga Trảng Cỏ đó.”
“Chắc chắn rồi.”
Hai thân thể nằm ngửa lắng nghe tiếng còi tàu còn văng vẳng và ngắm ánh trăng sáng tỏ, nằm có một khoảng cách rồi cánh tay chàng ta lần lần xê dịch nhưng giả vô tình tới sát cạnh cánh tay nàng, nàng cũng giả tảng lờ vô tình không biết, ngón tay út chàng ta tiếp tục giả vô tình chạm vào, chồng trên ngón út của nàng, một dấu móc ngoéo thay cho lời thề. Một màu giả tảng lờ đến là có duyên. Dòng máu trong người chàng ta chạy nóng rần, hồn phiêu diêu bất tận. Nàng ta cũng vậy. Người ta nói rằng, “Hãy nắm bắt lấy thời khắc”, chàng ta đã nắm lấy rất rộng khoảng thời gian, khoảng không gian, những thời khắc, nhưng đây là thời khắc rất diệu kỳ, thời khắc giao hòa dù chỉ là hành động nhỏ, chỉ vậy thôi, chỉ là móc ngoéo thôi nhưng đánh dấu đó là mối tình đầu của cặp đôi lãng mạn.
Chàng kỵ sĩ Sô sẽ rời thảo nguyên, rời ga Trảng Cỏ tới một nơi xa xa. Ta tiếp tục rải những nốt nhạc chậm, những nốt nhạc có cung bậc rõ ràng, nhiều giai điệu hơn, giai điệu miên man, giai điệu trầm lắng, giai điệu bay bỗng, giai điệu du dương tình tứ và dĩ nhiên còn đó giai điệu vui nhộn, nay thêm giai điệu ngỡ ngàng. Ta theo Chàng Sô đi về phía thành phố. Chàng ta đã là sinh viên Sô. Sinh viên mỹ thuật, đúng như dự đoán năng khiếu mà cha chàng ta đã đặt.
Ngày xưa những chàng học sĩ lên đường lai kinh ứng thí cần tay nải để quảy, các chàng học sĩ nay lên đường thường với cái rương. Sinh viên Sô nhớ lại cái rương nhốt những màu xa xỉ bỏ sau bụi chuối, và cứ mãi gặp cảnh trớ trêu, cái rương nằm giữa bùi nhùi đống rác, moi được ra thì đã mục tá lả, những màu xa xỉ cố chui thoát được ra, sắp sửa được chạm vào màu xa xỉ thì cái rương tiêu tùng. Thôi thì kiếm vài miếng ván đóng cái rương. Nhưng rồi nghĩ tới lui lại thôi. Đâu có đủ được ba bộ đồ, có hai bộ rưỡi chớ mấy. Hai bộ rưỡi? phải, hai bộ rưỡi, hai bộ áo sơ mi quần tây dài và một cái áo thun, mấy cái quần đùi cho de ra chớ ai mà tính. Ba cái áo ngả màu cháo lòng. Vài cuốn sách nữa cho vô giỏ sách với quần áo gọn băng, có chỗ trống trải cho chuyến xe.
Đó là chuyến xe không kém độc đáo. Một bó củi bự tổ chảng phía dưới, bên trên một bao gạo năm chục ký trên cái ba ga, chưa hết, cặp theo hai bên bánh xe dưới ba ga là hai bó củi nhỏ. Bánh xe không xa lạ gì, đó là cái bánh cuốn thời gian vào trảng cỏ. Nay nó sẽ cuốn thời gian trên con đường lộ tới thành phố. Để cân bằng chút đỉnh, giỏ sách được treo phía trước và một số đồ lỉnh kỉnh, nồi niêu chén dĩa, bột ngọt mắm muối… mà má chuẩn bị cho. Chưa mờ sáng chàng ta đã háo hức hết sức cuộn vòng giò dĩa ào ào để bánh xe cuộn thời gian nhanh nhanh. Một tiếng sau, bỏ lại hai mươi lăm cột cây số, trời ửng sáng, mồ hôi hơi rịn ra nên chậm lại và thưởng thức bầu không khí mát dịu yên bình. Một tiếng đồng hồ nữa, chỉ hai chục cột cây số lướt qua, háo hức ban đầu quá nên thấm mệt, cái câu “Đường dài mới biết ngựa hay” thiệt quá đúng, muốn bỏ vòng quay giò dĩa, nhưng thôi, còn dài dài lắm phía trước không chỉ con đường, tiếp tục ráng tuy có chậm lại. Sự ráng cũng khá dữ dội, hai tiếng thêm bốn chục cột cây số nữa thì đứt hơi, dù gì cũng đã gần nửa đoạn đường. Chiếc xe đạp được thảy lên mui còn chàng ta đứng trên cái bửng sau xe khách, vịn cầu thang leo lên trên đó đỡ một chút tiền, còn được xoay người nhìn con đường chạy ngược nuốt thời gian.
LÊ ĐẮC HOÀNG HỰU
Theo https://tuongtri.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện cha con người đốt than

Chuyện cha con người đốt than 1.  Tôi còn nhớ, khi ấy, từ mấy chục năm trước, trên đường từ Long Xuyên, Châu Đốc về Thất Sơn, ngồi trong c...