Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Rực rỡ mai vàng phương Nam

Rực rỡ mai vàng phương Nam
Thật lạ, dải đất cong cong hình chữ “S” nhỏ bé, thế mà ông Trời ban cho mùa xuân phương Bắc phương Nam hai khí sắc khác nhau lạ lùng. Phương Bắc lạnh, ẩm ướt, sương mưa giăng mắc. Phương Nam nắng ấm tràn trề như rắc vàng mật. Và hoa, cũng kì lạ, cùng một họ nhưng phương Bắc là sắc Đào hồng đỏ tuyệt mĩ, kiều diễm như má hồng môi son thiếu nữ, còn phương Nam vàng rực cánh Mai, quý phái nhưng cũng đầy phóng khoáng của miền nắng gió.
Cũng không hiểu từ khi nào và như thế nào mà những cây mai rừng đã “vượt thoát” khỏi các triền núi cao ngất lởm chởm đá, để rồi có mặt như một sứ giả mùa xuân ở khắp vùng châu thổ phương Nam, hay chính do những thần tiên theo ý Trời ban tặng cho miền đất này loài hoa tượng trưng cho mùa xuân nơi những khí chất đặc biệt không loài hoa nào có được.
Ở những lễ hội hoa, “Tứ hữu”: Mai - Lan - Cúc - Trúc luôn là tâm điểm, và Mai, bao giờ cũng đứng hàng đầu. Trong vườn xuân rực rỡ đủ các loài kỳ hoa dị thảo, hồng nhung kiêu sa lộng lẫy, mẫu đơn loan phụng sang trọng, thủy tiên nguyệt cầm thơm ngát… hoa Mai nổi bật lên với dáng vẻ cứng cáp của thân gốc, mạnh mẽ của những cành đâm ngang sổ dọc, dịu dàng mềm mại của những đường uốn cong, mảnh mai quí phái của cành hoa và màu vàng cứ rực lên trong nắng, hòa lẫn vào nắng, cho người ngắm hoa phải say, cái say ngấm từ từ như uống ly rượu ngọt.

Hoa Mai không đẹp lồ lộ như các loài hoa khác, mà kín đáo phô diễn vẻ đẹp tiềm ẩn của mình, chỉ có con mắt nhìn, có tâm cảm được mới nhìn thấy vẻ đẹp đó. Từ dáng cây theo những thế tượng trưng: Long - Phụng - Phong - Vân - Sơn - Thủy…, dáng cành Tam Tài: Thiên - Địa - Nhân, Bốn phương: Thượng  Hạ  Tả  Hữu, đến búp trên cây: búp tròn như hạt cườm là những chùm hoa vàng đang ẩn náu chờ đúng thời khắc bung nở, búp hình móng gà là nơi ẩn thân của những lá non xanh trong như ngọc. Khi hoa nở, lá chồi ra điểm xuyết cho màu vàng mai thêm quyến rũ. Và hương hoa, không phải ai cũng biết được mùi thơm của Mai vàng. Nó là một thứ hương gọi là “ám hương”, chỉ khi đêm xuống, tiết trời hơi se se, vạn vật ngủ yên, lúc ấy tâm người cũng phải tịnh không vọng động thì mới cảm nhận được hương thơm thanh khiết đầy bí ẩn lẩn quất. Càng tịnh, hương thơm càng tỏa ra… Chính điều này cũng tạo nên cốt cách của Mai.
Có lẽ vì thế mà Mai đã song hành cùng nhiều nhà thơ xưa nay. Mai đã đi vào thơ Thiền sư Không Lộ thời Lý,… nhà sư Huyền Quang Tôn Giả, một trong ba vị Thiền Tố Trúc Lâm thời Trần, Mai có mặt trong thơ Thần của Nguyễn Trãi thời Lê, được Nguyễn Du, triều Nguyễn mượn để ví vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Rồi tới Tản Đà, Nguyễn Đình Chiểu, mãi như một tri âm tri kỉ trong thơ của mình. Những năm tháng chiến tranh chống Mỹ khốc liệt đầy gian khổ hy sinh , nhưng Mai trong vần thơ của Thanh Hải, Chế Lan Viên, Thanh Thảo… vẫn đằm thắm và chứa đựng bao tình yêu trong từng cánh mai. Người quân tử phương Đông cũng lấy Mai tượng trưng cho khí tiết của mình, như Chu - Thần- Cao - Bá Quát với câu thơ để đời:
“Thập tái luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đề thứ bái hoa mai

Mười năm chu du tìm gươm cổ
Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai”.
Khi những cơn mưa mùa vừa chấm dứt, tiết trời heo may về đêm như ủ sương cho những gốc mai, cái nắng hanh như vuốt nhẹ thức tỉnh mầm lộc mai.. Và lúc những bầy chim én lũ lượt làm tổ báo hiệu Xuân đến Tết về. Tết ở phương Nam có hai đặc sản không có miền nào sánh được: Dưa hấu - Mai vàng. Không có mai thì không còn là Tết. Hoa chỉ nở rộ trong 3 ngày Tết nhưng sắc vàng nắng theo suốt cả năm.
Những ngày đầu xuân, Mai từ các vườn cây đổ dồn về khu thị tứ, về phố chợ, những cây mai đặc kín nụ xanh tròn, loáng thoáng vài chiếc lá non xanh tơ, điểm xuyết vài nụ vàng chúm chím, tạo nên không khí Tết. Nhà giàu đem cả cây mai về nhà, nhà nghèo dù khó đến đâu cũng cố kiếm một nhành mai nhỏ bày trên bàn thờ tổ tiên ông bà. Mai không chỉ là hoa để trang trí cho sắc màu Tết, mà còn là biểu tượng Phúc - Lộc trong năm, Mai như vị thần linh tiên đoán tương lai trong năm mới. Nếu Mai nở hoa rộ trong ba ngày Tết, cánh hoa đều đặn, sắc vàng tươi là năm đó gia chủ phúc lộc mỹ mãn. Nếu hoa nụ héo, rụng, cánh hoa bé quăn, thì gia chủ sẽ gặp nhiều khó khăn vất vả. Mai là buồn vui một năm mới… nên đối với Mai, không chỉ gượng nhẹ nâng niu “hứng hoa”, mà còn cả sự tôn kính ngầm như “linh hoa” của Xuân. Hết Tết, dù hoa đã rụng hết, không vứt bỏ cành mà giâm dưới đất để trồng thành một cây mai cho mùa Xuân tới.
Ngoài kia, nhìn những nụ mai bắt đầu động đậy, tách vỏ xanh, hé màu vàng mơ màng rồi bung từng cánh một trong nắng, là biết, Xuân phương Nam đang đến thật gần…
Theo http://www.vinacomin.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm Quýt, quê xa

Xóm Quýt, quê xa… “Tháng chạp, quýt to bằng nắm tay trẻ nhỏ, da bóng lưỡng như ướt mỡ. Khi ấy gió dịu, trời ửng hồng sáng trong, nắng mới ...