Tản mạn về chuyện sáng tác ca khúc
Người ta vẫn thường nghĩ, nhạc công là người chơi nhạc, nhạc sĩ là người viết
nhạc, ca sĩ là người hát, mỗi người đóng một vai trò khác nhau trong việc thể
hiện bản nhạc, nhưng thật ra, tất cả đều tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm,
nếu không thì máy vi tính đã có thể làm được hết?! Người nhạc công giỏi không
phải chỉ biết đàn đúng theo bản nhạc mà phải tham gia sáng tạo những nuance, những
câu feeling, đôi khi còn phải tham gia sáng tác thêm đoạn gian tấu (dựa vào qui
ước của bản hòa âm). Ca sĩ cũng phải xử lý sáng tạo, trau chuốt từng câu hát để
vừa toát được tinh thần bài hát vừa phù hợp với đặc điệm của chất giọng và
phong cách riêng của mình. Kể cả người thu âm cũng tham gia sáng tạo nên sức sống
của âm thanh thông qua việc xử lý âm thanh lớn, nhỏ, xa, gần, bay bổng, trầm lắng,
vang dội...
Nhạc sĩ Quốc Dũng
Theo tôi, giới ca sĩ, nhạc công, đặc biệt là những ca sĩ đã thành danh hầu như
ít nhiều đều đã tích lũy được một vốn liếng thẩm mỹ và âm nhạc nhất định. Do vậy,
họ chỉ cần có đam mê và chịu khó dấn thêm một bước nữa là đã có thể viết nên những
ca khúc phù hợp với chất giọng và tâm trạng của mình. Có thể nhắc đến các ca
khúc thành công của ca sĩ Nhật Trường, Duy Khánh như những ví dụ khá điển hình
cho trường hợp ca sĩ thành công trong lĩnh vực viết ca khúc.
Chỉ cần một chút kinh nghiệm về đàn hát, và chịu khó để ý học hỏi một chút nữa
về nhạc lý căn bản, bạn đã có thể sáng tác ca khúc được rồi, vấn đề chỉ nằm ở
chỗ ca khúc của bạn có chạm được đến trái tim người nghe hay không? Và điều đó
đòi hỏi bạn phải tích lũy một ít vốn liếng tối thiểu để bước vào hành trình
sáng tác ca khúc.
Một ca khúc bao giờ cũng có hai thành tố gắn bó mật thiết với nhau là giai điệu
và lời ca.
Để viết được những giai điệu đẹp và lời ca hay, điều đầu tiên bạn nên chú ý
trau dồi là không ngừng nân cao thẩm mỹ âm nhạc của mình.
Bạn có thể làm giàu nhận thức về cuộc sống và cái đẹp bằng nhiều cách, nhưng
theo tôi, để hỗ trợ cho việc sáng tác ca khúc, chúng ta nên quan tâm đến việc
Nghe, Nhìn, Đọc. Tập nghe nhiều thể loại nhạc khác nhau như: Pop, Rock, Jazz,
Cổ điển, Dân ca..v..v... sẽ giúp bạn thấm dần những giai điệu đẹp, những qui luật
biến đổi của hợp âm, nắm bắt được những thang âm (Scale) đã tạo nên âm hưởng của
từng loại nhạc. Tôi khuyên bạn nên nghe nhiều nhạc hòa tấu của Paulmauriat (Người
đã đạt tới đỉnh cao của nhiều thể loại âm nhạc và là nhạc sĩ hòa âm vĩ đại nhất
thế giới hơn nửa thế kỷ qua). Và có thể nghe thêm dòng nhạc quê hương là những
ca khúc hay và đầy học thuật của các nhạc sĩ thế hệ trước như ns Phạm Duy (Tình
ca, Quê nghèo, Nương chiều, Em bé quê, Bà mẹ quê..v..v) Toàn là những tuyệt phẩm!
Thêm vào đó, những tác phẩm của các nhạc sĩ đương thời đã in sâu trong lòng quần
chúng như Trịnh Công Sơn, Trần Thiện Thanh, Lam Phương,...Việc xem phim, video
clip và đọc các tác phẩm văn học, thơ ca cũng sẽ giúp bạn nâng cao thẩm mỹ của
bạn theo thời gian.
Để đạt được kết quả tốt, bạn nên chịu khó nghe đi nghe lại thực nhiều lần những
tác phẩm nào mà bạn thấy hay, nghe càng kỹ càng tốt. (Vấn đề là chất lương, chứ
không phải là số lượng). Với tôi, riêng nhạc hòa tấu của Paul, tôi sưu tầm được
gần 1000 bài, và đã nghe trung bình 1 giờ mỗi ngày trong hơn 30 năm qua mà
không chán! Việc nghe nhạc Paul đã giúp tôi dễ dàng và nhanh chóng làm hòa âm
cho hàng ngàn bài nhạc trong nhiều năm qua và cũng đã giúp tôi khững kinh nghiệm
rất hữu ích trong việc khai triển các chủ đề, motif và tạo nên những sắc thái
biến hóa thú vị trong ca khúc của mình.
2/Luyện kỹ năng chơi nhạc
Tác phẩm âm nhạc chỉ thật sự sống động khi được "vang lên". Do vậy, bạn
nên tập luyện sử dụng một nhạc cụ nào đó, tốt nhất là guitar hay organ, vì những
nhac cụ này dễ dàng tạo tiết tấu và hợp âm, hỗ trợ cho bạn kiểm tra lại hiệu quả
của giai điệu bạn mới nghĩ ra, cùng với hướng phát triển giai điệu đó. Việc sử
dụng thuần thục một nhạc cụ sẽ giúp bạn sáng tác dễ dàng và dễ hay hơn.
Bạn nên học sơ qua về nhạc lý (những điều đơn giản thôi) đủ để hiểu về cao độ,
trường độ của nốt nhạc, phách mạnh, phách nhẹ của mỗi ô nhịp. Và bạn cũng nên tập
hát, chỉ cần giữ thẳng giọng, và không bị "phô". Điều này giúp bạn thưởng
thức một cách khái quát bài hát, trước khi nó hoàn thành.
3/Tìm cảm hứng và viết nhập đề cho bài hát
Quan trọng nhất của bài hát là câu mở đầu phải có âm hình đẹp và mới mẻ, vì đã
có được câu mở đầu thú vị rồi thì phần kế tiếp chỉ là ứng dụng kinh nghiệm từ
việc nghe nhạc để phát triển giai điệu.
Để có câu mở đầu mới mẻ, bạn nên nghĩ một đoạn lời trước (dựa trên chủ đề mà bạn
muốn viết), hoặc chọn một câu thơ nào đó mà bạn thấy hay. Rồi cố gắng lồng
giai điệu vào, dựa trên một thang âm nào mà bạn thích, hoặc thấy phù hợp với nội
dung sắp diễn tả. Thí dụ thang âm cổ điển Tây Phương cho sự luyến tiếc, mất
mát, thang âm Ả Rập, Nhật Bản cho sự huyền bí, u uẩn, thang âm ngũ cung (Việt
Nam, Trung Quốc) cho những tình cảm về quê hương, đồng quê...
Giai đoạn này, bạn đừng rớ tới cây đàn, đừng rải một accord nào lên để đầu óc
đươc tự do bay bổng. Hãy dành nhiều thời gian nhất cho giai đoạn này để kiểm
tra kỹ xem câu mở đầu này có... giống ai không! Nếu chỉ giống dưới 50% thì OK,
yên tâm mà khai triển tiếp. Đừng hy vọng rằng hoàn toàn không giống ai vì không
thể có một bản nhạc nào trên đời mà không có một số câu na ná như nhiều bản nhạc
khác. Ngay cả tới phần khai triển motif cũng vậy, sẽ là một sự tổng hợp của rất
nhiều những bản nhạc đã có trước đây. Vấn đề đặt ra là sự khai triển phải có
logic... Mà logic trong âm nhạc chính là phản xạ của tư duy, được tích lũy từ việc
đã nghe nhiều nhạc phẩm hay và có giá trị của bạn.
Thông thường, sau câu mở đầu là một câu nhạc đối xứng, giống như cấu trúc của
thơ thất ngôn bát cú trong Đường luật. Nghĩa là sẽ có từng cặp câu mà âm hình
tương tự nhau, chỉ cách nhau một quãng nào đó. Khi khai triển xong câu 3 thì
câu 4 sẽ lại có sự đối xứng với câu 3. Chỉ tới câu kết của mỗi đoạn mới hoàn
toàn tự do để quay về chủ âm. Một bản nhạc muốn tạo một sự mới lạ thường thì chủ
âm được dấu cho tới câu cuối cùng mới cho xuất hiện (như bài "Biển mộng" - QD
chẳng hạn).
Khi đã tạm bằng lòng với câu nhập đề rồi thì bạn đừng nên viết lời tiếp nữa mà
hãy hát đi hát lại nhiều lần câu mở đầu cho tới khi bật ra được câu nhạc kế tiếp.
Từ câu thứ ba trở đi, bạn mới cần tới sự hỗ trợ của cây đàn, vì với những chuyển
động của hợp âm (lệ thuộc vào trình độ chơi đàn và nghe nhạc của bạn) sẽ gợi ý
cho những giai điệu kế tiếp.
Trong cấu trúc ca khúc hai đoạn, khi mới bắt đầu làm quen với việc viết ca
khúc, bạn thường lúng túng khi phát triển đoạn B. Có nhiều cách khai triển đoạn
B, nhưng bạn nên khai triển từ âm hình của đoạn A để tạo nên sự nhất quán và thống
nhất của toàn bài. Tất nhiên là không phải lặp lại hoàn toàn mà phải vận dụng sự
những thủ pháp thay đổi về tiết tấu, cao độ, chuyển điệu để làm phong phú cho
giai điệu. Và công việc sẽ càng lúc càng dễ hơn cho tới lúc hoàn tất phần giai
điệu. Lúc này bạn mới nên quay lại nghĩ tiếp phần lời cho toàn bộ giai điệu của
bài hát. Nên nhớ bạn đừng hăng say viết lời trước nhiều quá rồi mới nghĩ tới phần
nhạc, vì như thế đến khi tìm giai điệu cho phù hợp, sẽ bị trói buộc vô lời ca.,
mà một ca khúc hay thì cái chính vẫn là phần giai điệu. Một bản nhạc thực sự
hay phải là bản nhạc chỉ dùng để hòa tấu mà vẫn... hay !
Bản nhạc thành công (nổi tiếng) chưa chắc đã là bản nhạc hay, mà còn tùy thuộc
vào nhiều yếu tố khác nữa. (Chưa nói tới ca sĩ trình bày và phần hòa âm). Phần
lời là một yếu tố rất quan trọng. Lời rất dễ gây sự chú ý của người nghe nếu như
nó có những ý tưởng thật mới mẻ và ngộ nghĩnh. Một vài ca khúc của tôi được yêu
thích có lẽ chính là nhờ phần lời, như: "Mai", "Chuyện 3
người,". Các nhac sĩ khác cũng khá thành công trong phần lời ca như Nguyễn
Ánh 9 với "Không", Song Ngọc với "Đàn bà".., Thanh
Tùng với "Một mình", Trần Tiến với "Chị tôi"..v..v... Đối với
tôi thì nếu như không thể đạt được cả nhạc và lời cùng xuất sắc như Phạm Duy,
Trịnh Công Sơn,thì tôi luôn xem phần nhạc là quan trọng hơn lời, bởi tôi luôn
mong muốn để lại cho đời những bản nhạc hòa tấu hơn là những ca khúc.
Sau cùng ,khi tác phẩm đã hoàn tất, bạn nên nhờ một nhạc sĩ đàn anh hay một ca
sĩ giàu kinh nghiệm nghe qua để thẩm định lại, bạn sẽ nhận ra đươc những thiếu
sót của mình. Ca sĩ Bảo Yến cũng đã từng góp ý cho tôi nhiều câu nhạc rất hay,
và theo tôi biết, ca sĩ Hương Lan cũng đã từng chỉnh lại hay hơn nhiều nốt nhạc
của vài nhạc sĩ chuyên về dòng nhạc quê hương.
Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ đang làm quen với việc viết ca khúc, nhiều ca sĩ
cũng tham gia viết ca khúc. Đó là những dấu hiệu đáng mừng, hứa hẹn sẽ có thêm
nhiều ca khúc phong phú, đa dạng. Sáng tác được một ca khúc là điều không khó,
nhưng để có được một ca khúc hay không phải là điều dễ. Nhưng nếu không khởi
hành làm sao bạn có thể đến đích? Cứ mạnh dạn sáng tác đi, rồi dần dần bạn sẽ
có được nhưng tác phẩm hay.
Để khép lại bài viết những chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác ca khúc này, tôi
muốn dẫn lại lời của nhà sản xuất Nik Venet, một lời nhận xét sâu sắc mà tôi rất
tâm đắc mỗi khi cầm bút viết một ca khúc:
"Ai cũng viết. Ai cũng hát.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều nói lên sự thật.
Những sự thật làm rung động lòng người."
Sài Gòn 2011
Quốc Dũng
Trích từ: "Tuyển Tập Hồi Ký Âm Nhạc Qua 100 Ca Khúc"
của nhạc sĩ Quốc
Dũng, NXB Thanh Niên, 2012.
Theo http://amnhac.fm/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét