Thông reo Ngàn Hống - Bài ca bất tận
của con người
“Bài ca bất tận của con người” là
trích từ một câu trong trang cuối cuốn tiểu thuyết lịch sử Thông reo
Ngàn Hống (*) dày trên 600 trang của Nguyễn Thế Quang viết về danh nhân Nguyễn
Công Trứ (1778-1859). Đó không phải là lời tụng ca cuốn tiểu thuyết, cũng
không phải là lời tác giả tôn vinh một biểu tượng của sự thanh cao, cứng cáp
ở vùng đất thiêng bên dòng sông Lam mà là suy ngẫm của Phương Đình Nguyễn
Siêu trên đỉnh Ngàn Hống khi nghe Nguyễn Công Trứ đàn hát vàviết nên những
câu thơ bất hủ: “…Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa
trời mà reo!...”.
Sau hơn ba chục năm làm người hùng “đánh
Nam dẹp Bắc”, đưa dân mở cõi vùng ven vịnh Bắc bộ được muôn dân thờ
phụng, nhưng cũng có lúc bị lưu đày làm anh lính chăn bò nơi rừng rú đất
Quảng…, Nguyễn Công Trứ “muốn một mình say cùng Ngàn Hống” để tạ
từ… kiếp người rồi về trời. Nhưng tác giả một lần nữa, đã “khéo sắp xếp”
cho Nguyễn Công Trứ gặp gỡ các danh sĩ đương thời để thổ lộ tâm can. Nguyễn
Siêu, rồi một đệ tử của Chu Thần Cao Bá Quát đã đến đưa thư cho ông vào giờ
phút thiêng liêng ấy, một chiều “gió mùa đông bắc từng trận, từng
trận ào ào thổi…” trên đỉnh Ngàn Hống.
“Trời đã chiều, gió vi vút trên rừng thông
già. Những đám mây đục đã phủ kín bầu trời. Nguyễn Công Trứ nhìn
Nguyễn Văn Siêu nói:
- Chín năm trước, chiều cuối cùng trên sông
Hương, Chu Thần cũng hỏi ta: “Tại sao Đại Nam mênh mông, dân tình ngày càng
khốn khổ, quan lại ngày càng tham tàn, họa xâm lăng đến gần mà bao kẻ
sĩ như chúng ta muốn làm điều ích quốc lợi dân mà không được làm, lại
còn bị đày đọa không chốn nương thân?”. Ta không trả lời được. Đến bây giờ
Cao đệ bị chém đầu…”.
Đó là năm 1858, khi giặc Tây Dương đã chiếm
Đà Nẵng, sắp tiến đánh Huế mà Triều Nguyễn hầu như bó tay! Nguyễn Công
Trứ xin được ra trận, nhưng nhà vua không chấp thuận, vìông đã 80 tuổi rồi.
Vậy thì ông lên đỉnh Ngàn Hống “làm cây thông đứng giữa trời mà reo!”.
Chọn một con người “độc đáo” và nổi tiếng
như Nguyễn Công Trứ làm nhân vật chính cho tiểu thuyết, tác giả rất dễ sa
vào kể lể công tích cũng như các giai thoại về cái tính “ngất ngưởng” và
“thói” đam mê hát “ả đào” của ông - những “chất liệu” mà bản thân chúng
cũng đã có sức hấp dẫn. Nhưng với kinh nghiệm sau thành công bước đầu với
tiểu thuyết Nguyễn Du, Nguyễn Thế Quang không bó hẹp vào chuyện đời một
con người mà trong khi tái hiện cả một giai đoạn lịch sử, đã chọn lựa các sự
kiện, các tình tiết thể hiện mối quan hệ giữa kẻ sĩ và quyền lực - mối quan
hệ chi phối mọi sự thành bại của toàn xã hội ở bất cứ thể chế nào.
Chính vì thế, nhiều trang trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang ẩn
chứa cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, gợi chúng ta suy ngẫm về
thời cuộc hôm nay.
Trong Thông reo Ngàn Hống, Nguyễn Thế
Quang một mặt tôn trọng những sự thật lịch sử, mặt khác, phát huy thế mạnh của
thể loại tiểu thuyết, mạnh dạn tưởng tượng “hư cấu” để làm bật nổi chủ
đề tác phẩm, miễn nó hợp với tính cách nhân vật; nói cách khác, đó là“cái
có thể có thật”. Trong chương cuối tiểu thuyết trích dẫn ở trên, chi
tiết, Nguyễn Công Trứ, xin đi đánh giặc ở tuổi 80 là có thật, còn khung
cảnh gặp Nguyễn Siêu trên Ngàn Hống là do tác giả “hư cấu”. Trong tác phẩm,
tác giả còn “tổ chức” nhiều cuộc gặp gỡ các tên tuổi như Nguyễn Siêu, Cao
Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh…; đây là dịp để tác giả “đối thoại” với tiền
nhân về thế sự, đồng thời góp phần nâng tầm văn hóa của tác phẩm. Những
trang độc thoại nội tâm của Nguyễn Công Trứ, cũng là cách tác giả hư cấu,
diễn tả những điều “có thể có thật”, gửi gắm những ý tứ sâu xa.
Cảnh Nguyễn Công Trứ cưỡi bò dạo quanh
Huế trước khi về quê thể hiện cái tính “ngông” của ông một cách độc đáo, đồng
thời cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Có người hỏi:
- À, ngựa xe là vua ban đi làm công
vụ, nay nghỉ rồi thì cưỡi bò thôi!
Nhìn thấy sát sau thân bò có tấm mo
cau treo vào đuôi, Tế Mỹ hỏi:
- Sao huynh lại che cái chỗ này lại?
Nguyễn hóm hỉnh:
- Để che miệng thế gian!...”
Tất nhiên, với một nhân vật như Nguyễn Công
Trứ, tác giả còn dành nhiều trang miêu tả ông như một nghệ sĩ đào hoa.
Cảnh ông “múa và hát” trên đỉnh Ngàn Hống trong chương cuối tác phẩm trước
danh sĩ Nguyễn Siêu thật đẹp: “Tiếng đàn kéo dài ra, tay Nguyễn miết
trên dây, rồi nhấn xuống và rung lên, cùng tiếng hát trầm hùng vừa xót
xa trĩu nặng và có cả nỗi đau khôn cùng làm lòng Siêu rưng rưng…”.
Tác giả đã mô tả hơn 10 lần các cuộc hát ca
trù, mỗi lần có ý nghĩa khác nhau, vẻ đẹp khác nhau, được miêu tả dưới cái
nhìn của Nguyễn Công Trứ, của đào nương và của các nhân vật khác.
Đoạn tác giả đưa bài thơ Chơi Xuân
kẻo hết Xuân đi khá thú vị, với 2 câu cuối (Cuộc hành lạc được bao
nhiêu là lãi đấy/ Nếu không chơi, thiệt ấy ai bù), với lời Nguyễn Công
Trứ giải thích về hai chữ “hành lạc” thể hiện một quan niệm sống mạnh mẽ
và táo bạo: “Hành lạc là vui sướng đến tận cùng, vui hết mình. Cái
vui đó là: cầm, kỳ, thi, họa, là tửu và… mỹ nhân. Không có mỹ
nhân, đời chúng ta nghèo lắm…”. Có lẽ cần nói thêm: Nguyễn Công Trứ không
khước từ bản năng trong quan niệm “hành lạc”, nhưng ông thiên về ngưỡng
mộ cái Đẹp, nhất là với Hiệu Thư. Mối tình Nguyễn Công Trứ - Hiệu Thư
xứng đáng là một thiên tình sử thật đẹp…
Nhắc đến chuyện “tình tang” của đại quan -
nghệ sĩ Nguyễn Công Trứ, bỗng nhớ đến đoạn đầu Thông reo Ngàn Hống,
tác giả đã “bố trí” cho Nguyễn Công Trứ trước khi lên đường đi khai mở
vùng đất ven biển Thái Bình - Ninh Bình, đã đến viếng mộ đại thi hào
Nguyễn Du - một người “đồng hương” với ông. “Rồi Nguyễn Công Trứ lại rót
rượu ra, lại mời, lại rưới lên mộ Nguyễn Du. Gió bắc bỗng thổi
mạnh hơn…”.
Lại là mùa gió đông bắc. Đã đành, đây là
mùa đông 30 năm trước khi Nguyễn lên đỉnh Ngàn Hống cất tiếng ca tạ từ đất
trời và kiếp người. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, tác giả mở đầu và kết
thúc tác phẩm trong khung cảnh gió mùa đông bắc thổi về - ngọn gió báo
hiệu vòng quay tạo hóa sắp kết thúc một chu kỳ. Và báo hiệu mùa xuân
sắp đến. Và 30 năm, quãng thời gian đủ để một kẻ sĩ như Nguyễn Công Trứ
“ngộ” ra, dù ở đâu, dù đóng vai gì, hãy luôn biết đứng thẳng và sống
thanh cao như “cây thông đứng giữa trời mà reo”…
(*) NXB Trẻ, 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét