Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Cảo thơm lần giở: Balzac nghĩ gì

Cảo thơm lần giở: Balzac nghĩ gì?
Về sự phát triển của nhân loại qua nghìn năm văn minh, trong cuốn từ điển triết học Larousse - Paris, 2011, D. Julia nhận định như sau: tiến bộ vật chất nhảy vọt do khoa học kỹ thuật phát triển. Về sự tiến bộ của bản chất con người, phải xét về hai phương diện: 
1) Về phương diện lịch sử nhân loại thì có sự tiến bộ của những cố gắng của các dân tộc xích lại gần nhau, cố tránh chiến tranh bằng giải quyết hòa bình mọi sự tranh chấp [thực ra từ Hội Quốc liên đến Liên hiệp quốc hiện nay, bóng ma chiến tranh, bạo lực, khủng bố vẫn in nét đậm]; 
2) Về phương diện tiến bộ cá nhân của bản chất con người thì không có và sẽ không bao giờ có tiến bộ, vì ai sau khi sinh ra cũng đều có xung năng thiện và ác (theo Freud), phải tự học cách kiềm chế dục vọng theo lý trí, luôn luôn sẽ còn có kẻ tham lam, kẻ hung hăng, kẻ thích uy quyền v.v...
Các tác phẩm văn học cổ điển lớn trên thế giới đều minh họa cho sự không thay đổi của bản chất con người: từ xưa đến nay, ở khắp nơi nơi, con người không dứt bỏ được mối thất tình (theo Phật giáo), cho nên rất giống nhau. Đọc thơ ngụ ngôn của nhà văn Pháp La Fontaine thế kỷ XVII (Một tấn tuồng có trăm hồi khác nhau) và các tiểu thuyết của nhà văn Balzac thế kỷ XIX (Tấn trò đời) ta có cảm giác gặp những người bằng xương bằng thịt ở xã hội Việt Nam ngày nay.
Honoré de Balzac (1799-1850) là nhà văn Pháp viết tiểu thuyết hiện thực phê phán. Mẹ xuất thân từ một gia đình tiểu tư sản ở Paris. Cha từ tỉnh nhỏ lên Paris làm viên chức. Năm 20 tuổi, ông bỏ học luật và bắt đầu viết văn. Ông viết tiểu thuyết trữ tình, ký nhiều bút danh khác nhau. Năm 1825, ông có ý đồ làm giàu bằng nghề xuất bản và nghề in, do đó tìm hiểu các mánh khóe làm ăn của giới tư sản. Nhưng thất bại và nợ nần lại khiến ông trở về sáng tác văn học. Từ đó, trong khoảng 20 năm lao động nghệ thuật gian khổ, ông đã xây dựng được một văn nghiệp vĩ đại. Từ 1829, ông nổi tiếng với hai tác phẩm lớn đầu tiên Sinh lý học hôn nhân (La physiologie du mariage) và Những người Chouans (Les Chouans). Trong tác phẩm Lão Goriot (Le père Goriot, 1834), ông bắt đầu đưa ra một hệ thống nhân vật lặp đi lặp lại trong nhiều tiểu thuyết, khiến cho toàn bộ tác phẩm (kể cả các cuốn viết từ 1829) thành một bộ tổng hợp gồm khoảng 95 cuốn, dưới nhan đề chung là Nghiên cứu xã hội (Études sociales), sau đổi tên là Tấn trò đời (La comédie humaine). Tấn trò đời gồm những loại truyện: Nghiên cứu phân tích (Études analytiques), Nghiên cứu triết học (Études philosophiques) và Nghiên cứu phong tục (Études de moeurs). Loại thứ ba phong phú nhất, có những truyện về Cảnh đời sống riêng tư, Cảnh đời sống tỉnh nhỏ, Cảnh đời sống Paris, Cảnh đời sống nông thôn, Cảnh đời sống nhà binh... Đầu năm 1830, ông cho xuất bản Cảnh đời sống riêng tư (Scènes de la vie privée) gồm 6 truyện vừa, được coi là bộ phận đầu tiên của Tấn trò đời. Miếng da lừa (La peau de chagrin, 1831) khẳng định vị trí của ông trên văn đàn. Ông viết một loạt tác phẩm, đề tài đa dạng, nhằm thể hiện cuộc sống của giới quý tộc và tư sản ở Paris và tỉnh nhỏ, triển khai các chủ đề chính trị và xã hội: Quan năm Chabert (Le colonel Chabert), Ferragus, Cô gái mắt vàng (La fille aux yeux d’or), Thầy thuốc thôn quê (Le médecin de campagne), Eugénie Grandet v.v... Năm 1838, ông đến Sardegna ở Ý định tìm mỏ bạc thời cổ. Trong thời gian này, ông viết César Birotteau, Cô gái già (La vieille fille), phần đầu tác phẩm nổi tiếng Vỡ mộng (Illusions perdues) hoàn thành vào năm 1843. Các tác phẩm lớn cuối cùng của ông là Người chị em họ Bette (La cousine Bette, 1846) và Người anh em họ Pons (Le cousin Pons, 1847). Sau đó, sức khỏe và sáng tác của ông xuống dần.
Từ sinh thời đến nay, Balzac được ngưỡng mộ như một thiên tài có sức sáng tạo lớn. Ông là nhà văn sáng lập và là đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực phê phán với quan niệm: hoàn cảnh xã hội tạo ra con người, và con người ảnh hưởng lại đến xã hội, xã hội tiến hóa theo quy luật. Thế giới quan của ông chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Một mặt, ông tin tưởng là trật tự xã hội tư bản chủ nghĩa nhất định thắng; nhưng mặt khác, ông không tán thành hẳn nó, không tin vào thắng lợi lâu dài của nó. Toàn bộ tác phẩm của ông là một bản tố cáo sâu sắc xã hội tư bản Pháp, ông miêu tả số phận con người thuộc các tầng lớp xã hội khi giai cấp tư sản Pháp đang vươn lên, nhất là từ 1789 đến 1848; đồng thời, ông lại lý tưởng hóa nhân vật quý tộc, và do cái nhìn bi quan, có những tư tưởng bảo thủ không tưởng, đề cao tôn giáo. Dù sao, ông cũng vẫn là nhà văn hiện thực lớn nhất của Pháp, một trong số nhà văn hiện thực lớn của thế giới, có một sự hiểu biết sâu rộng về con người và xã hội, có ảnh hưởng lớn đến văn học Pháp và thế giới.
Sau đây là một số tư duy của Balzac:
+ Ngẫu nhiên là nhà viết tiểu thuyết vĩ đại nhất thế giới: muốn được phong phú, chỉ cần nghiên cứu ngẫu nhiên.
+ Sự đam mê đánh dấu nhân loại. Không có đam mê, tôn giáo, lịch sử, tiểu thuyết, nghệ thuật sẽ trở thành vô dụng.
+ Biết được sự tàn ác của những con người duyên dáng ấy mà sự đam mê tăng cường bốc lên, thì ta phải thấy các bà, các cô quan hệ với nhau như thế nào.
+ Niềm vui chỉ có thể nảy nở giữa những người đồng cảm.
+ Tình yêu chân thật của người phụ nữ bắt đầu bằng họ cho là cái gì của người yêu cũng tốt đẹp.
+ Không có gì vụng về hơn khi đức ông chồng ca ngợi đức hạnh phu nhân của mình với tình nhân, hoặc với vợ về cái đẹp của tình nhân.
+ Lòng biết ơn là một món nợ mà con cái luôn luôn không chịu nhận.
+ Người già dễ dàng có khuynh hướng để lại những nỗi buồn của mình cho tương lai những người trẻ.
+ Đối với tình cảm thì lý tính luôn luôn tỏ ra ti tiện; lý tính thì hiển nhiên là hẹp hòi, như trong lĩnh vực cái gì là tích cực, còn tình cảm thì vô biên; lý luận khi mà cần đến cảm xúc, đó là bản chất của những tâm hồn nhỏ nhen.
Hữu Ngọc
Cảo thơm lần giở: Hemingway nghĩ gì?
Nếu tôi nhớ không nhầm, thì có hai nhà văn được giải Nobel đã tự tử: Kawabata - nhà văn Nhật Bản tự tử năm 73 tuổi; Hemingway - nhà văn Mỹ tự tử năm 62 tuổi, sau cuộc đời lãng mạn phiêu lưu, tìm nguy hiểm để tự thử thách mình.
Hemingway đã tự tử bằng súng trường.
Ông không học đại học, bản thân tự học là chính. Ông tình nguyện đi làm cứu thương trên mặt trận Ý vào năm 1917 và bị thương nặng. Ông qua nhiều nước, đặc biệt ở Pháp, làm thông tín viên báo chí. Cuốn Mặt trời vẫn mọc (1926), tiểu thuyết đầu tay của ông khi vừa xuất bản lập tức trở thành một hiện tượng trên văn đàn. Bằng bút pháp hiện thực, ông miêu tả cuộc sống không nội dung, không mục đích trước và sau thế chiến I của nhóm nhà văn Mỹ sống lưu vong ở Paris. Giã từ vũ khí (1929) là một tiểu thuyết chống chiến tranh, nêu lên tính vô nhân đạo của chủ nghĩa quân phiệt. Chuyện kể về một sĩ quan trẻ bị thương, đào ngũ, trốn đi cùng người yêu là nữ cứu thương, nhưng người yêu chết. Chính chiến tranh là thủ phạm phá hoại hạnh phúc. Hemingway tiêu biểu cho thế hệ bị mất (lost generation) của một số nhà văn Mỹ vào những năm 1920, mất hết lý tưởng và tin tưởng, lạc lõng và lạc loài.
Trong 10 năm, 1929-1939, Hemingway say mê xem đấu bò tót ở Tây Ban Nha để viết Chết vào buổi chiều (1932), săn thú rừng ở châu Phi (Những ngọn đồi xanh châu Phi, 1935), câu cá ở biển Caribe. Ông cho săn bắn và đấu bò là một cuộc thử thách và phương tiện để tìm hiểu cái chết. Ông làm phóng viên mặt trận trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936), ca ngợi nhân dân anh hùng trong cuốn Chuông nguyện hồn ai (1940) và vở kịch phản gián Đội quân thứ năm (1938). Cuốn tiểu thuyết ngắn Có và không có (1937) nêu một cảnh chua chát của thời kinh tế khủng hoảng, phê phán xã hội, nói lên nỗi băn khoăn của tác giả. Ngay từ Đại hội thứ hai của các nhà văn Mỹ, ông đã lần đầu tiên công khai công kích chủ nghĩa phát xít. Trong thế chiến II, ông làm thông tín viên mặt trận ở Anh và Pháp, theo du kích vào giải phóng Paris. Bên kia sông và trong rừng cây (1950) kể lại tình yêu và cái chết của một viên tướng bị giáng xuống cấp tá ngay sau chiến tranh. Truyện ngắn Ông già và biển cả (1952) ca ngợi con người chiến thắng thiên nhiên, đó là một tác phẩm nổi tiếng thế giới. Từ nỗi buồn của “thế hệ bị mất”, Hemingway đã chuyển biến, ca ngợi sức mạnh tinh thần của con người đương đầu với thiên nhiên trong cuộc vật lộn cô đơn mà ác liệt.
Là con người của hành động, Hemingway viết văn kiểu “điện tín”, ngắn gọn, chính xác, giản dị, đóng góp nhiều vào văn phong hiện đại.
Chuông nguyện hồn ai, tiểu thuyết ra đời năm 1940, phản ánh tâm hồn người trí thức những năm 1930, nhu cầu dấn thân của họ cho một lý tưởng, ngược với thái độ chán chường, thất vọng trong những năm 1920 của chính Hemingway. Cuốn tiểu thuyết này mang phong cách không khô khan như ông thường viết mà đầy chất trữ tình lãng mạn, thể hiện thân phận của con người trong trò chơi của tình yêu và cái chết. Bối cảnh câu chuyện là cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939). Robert Jordan, một giáo sư đại học Mỹ có lý tưởng sang Tây Ban Nha để đứng về phía Cộng hòa chiến đấu. Nhiệm vụ của anh là phá sập một cây cầu chiến lược. Anh gia nhập đội du kích do Pablo và vợ là Pilar chỉ huy. Pilar, một nữ nông dân cương nghị, là hiện thân của nước Tây Ban Nha và ý chí tự do. Jordan yêu cô Maria, cô du kích đã từng bị bọn phát xít cưỡng hiếp. Trong ba ngày chung sống, mặc dù thần chết kề bên họ, hai người yêu nhau nồng nhiệt, quên cả thời gian và chiến tranh. Bọn phát xít dẹp tan đội du kích bên cầu, Jordan biết là dù làm nổ cây cầu lúc này cũng là vô ích, nhưng bộ tổng tham mưu đã quyết định, anh vẫn thi hành mệnh lệnh. Cầu bị sập nhưng anh bị gãy một chân. Anh lệnh cho mọi người rút lui, mình anh ở lại rìa rừng, đợi địch. Tuy muốn sống, nhưng anh chấp nhận cái chết. Cuốn tiểu thuyết Chuông nguyện hồn ai có thể coi là một tác phẩm “chuộc lỗi”, sám hối của tác giả, chuyển sang con đường dấn thân, ngược với giai đoạn trước mà ông sống, sống như người vô trách nhiệm với xã hội. Những nhân vật trong tác phẩm có tính cách giống như bản thân ông từng giai đoạn, thường bị ám ảnh bởi cặp biện chứng “sợ hãi - can đảm” hay “cứng rắn - yếu mềm”.
Sau đây xin trích dẫn một số câu thể hiện tư duy của Hemingway:
- Cái hợp luân lý là cái mà về sau ta thấy là tốt, còn cái vô luân là cái mà về sau ta thấy là xấu.
- Liều thuốc bách bệnh của một quốc gia cai trị tồi là lạm phát, liều thứ hai là chiến tranh. Cả hai liều thuốc cũng đều mang lại một sự thịnh vượng nhất thời. Cả hai đều mang lại một sự tàn phá vĩnh viễn. Cả hai đều là nơi ẩn nấp của bọn cơ hội chính trị và kinh tế.
- Minh triết của người già là một sai lầm lớn. Không phải các cụ đã trở nên minh triết hơn, mà các cụ chỉ trở nên thận trọng hơn.
- Khi thất bại, người ta trở thành con chiên đạo Thiên Chúa.
- Nếu bạn có may mắn tuổi trẻ sống ở Paris, rồi từ sau đó đi bất cứ nơi nào cho đến khi chết, thì điều đó sẽ mãi mãi ở lại trong tâm trí bạn, vì Paris là một địa điểm hội hè.
- Mèo có tính lương thiện tuyệt đối: con người vì lý do này hay lý do khác che giấu cảm xúc của mình. Mèo thì không.
- Cái chết chỉ xấu xa khi nó kéo dài và nó gây đau đớn đến mức mình tự cảm thấy bị sỉ nhục.
- Tại sao người già lại dậy sớm? Phải chăng để có những ngày dài hơn?
- Anh nhìn bao quát mặt bể và thấy sự cô đơn không bờ bến của mình.
- Chúng ta phải làm quen với điều này: ở những ngã ba đường quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta thì không có biển chỉ đường.
- Điều viết ra duy nhất có giá trị là cái mà ta tạo ra… Chính cái đó lại làm ra hiện thực.
- Người ta đã nghe quá nhiều những truyện tàn ác cho nên không cảm xúc bởi những truyện có thật.
- Không nên nhận xét một người dựa vào những mối quan hệ của người ấy. Ta đừng quên là tên Judas (phản bội Jesus) đã có những người bạn rất tốt.
- Dù một cuộc chiến tranh là cần thiết hay chính nghĩa, không bao giờ nên coi chiến tranh không là một tội ác.
- Tôi thích lắng nghe. Điều đó khiến tôi học được rất nhiều. Rất nhiều người không bao giờ chịu lắng tai nghe.

 Hữu Ngọc
Cảo thơm lần giở: Pirandello nghĩ gì?
Nửa đầu thế kỷ XX, Brecht (Đức) và Pirandello (Ý) đã thổi luồng gió mới vào sân khấu hiện đại phương Tây. Brecht thì lạc quan cách mạng, tin vào trí tuệ con người. Còn Pirandello thì bi quan yếm thế và không tin vào trí tuệ con người.
Vở Sáu nhân vật đi tìm tác giả điển hình cho sáng tác của Pirandello. Kịch của ông chủ yếu đi sâu vào tính cách con người. Trong mỗi con người có nhiều cái tôi đối lập nhau, quan hệ con người với nhau dựa vào một ảo tưởng và người ta thường hiểu người khác một cách giản đơn. Không ai hiểu đúng mình và người khác, kể cả tác giả sáng tạo ra nhân vật của chính mình. Sự thật là tương đối, cuộc sống là một sự vô lý bi hài kịch. Có thể những quan điểm này phản ánh sự hoang mang của tác giả (nhân vật vợ điên luôn nghĩ chồng ngoại tình, sự khủng hoảng đạo lý của xã hội tư bản). Sáu nhân vật đi tìm tác giả là một trong ba vở thuộc chủ đề “Sân khấu trong sân khấu” nói lên sự cách biệt giữa hư cấu và hiện thực, giữa nhân vật trong vở diễn và vở diễn: thế này hoặc thế kia; tối nay ta diễn kịch cương (diễn viên cứ bịa ra lời mà nói, không có kịch bản sẵn). Tác phẩm nêu lên sự bất lực của sáng tác. Câu chuyện xảy ra trên một sân khấu chưa được chuẩn bị; các diễn viên đang họp nhau để diễn tập. Sáu người xuất hiện và tự giới thiệu họ là sáu nhân vật do óc tưởng tượng của tác giả tạo ra, nhưng chưa được hoàn tất. Họ đòi phải được diễn ngay vở kịch chưa được viết ra, còn họ đã sống thật cuộc đời họ. Sau đó, họ tự trình bày cuộc đời họ ngay trước đạo diễn: họ tranh nhau nói, thương thân xót phận, ý mâu thuẫn nhau rất là rối ren. Sáu nhân vật là: bố (tiểu tư sản, khoảng 50 tuổi), mẹ (buồn tẻ), con trai cả (con chung của bố và mẹ), ba đứa con riêng của mẹ (đẻ với nhân tình nguyên là thư ký của bố, mẹ bỏ đi biệt tăm, mãi khi nhân tình chết mới trở về thành phố cũ). Ba con riêng gồm có cô gái lớn bướng bỉnh, xinh đẹp và hai đứa con nhỏ, một trai một gái. Cô gái lớn đi làm đĩ - bố không biết bắt nhân tình với cô, mẹ phát hiện ra liền nói rõ sự thật. Xấu hổ, bố đưa mẹ và các con riêng về nhà ở cùng. Con trai cả gây sự, không muốn ở cùng với những người lạ. Trong khi mẹ cố thuyết phục hắn thì được tin con gái nhỏ chết đuối và con trai nhỏ tự sát bằng súng. Cả nhà hoang mang. Cô gái lớn bình tâm lại, cất tiếng cười chua cay, rồi bỏ đi.
Luigi Pirandello là nhà văn và nhà viết kịch Ý. Ông được giải thưởng Nobel năm 1934. Ông xuất thân từ một gia đình tư sản, cha có mỏ lưu hoàng. Ông học triết và văn ở Ý và Đức. Ông dạy học và làm báo, sáng tác văn học (thơ, tiểu thuyết, truyện, kịch), đồng thời thành lập Đoàn kịch sân khấu nghệ thuật. Cuối đời, ông theo chủ nghĩa phát xít.
Ban đầu, ông làm thơ, phần nhiều mang màu sắc bi quan. Truyện và tiểu thuyết của ông theo khuynh hướng duy thực, đi sâu vào các vấn đề tâm lý, miêu tả nỗi đau khổ và số phận của những nhân vật đáng mến ở trong nhân dân; ông thích tìm những trường hợp bệnh hoạn: Chuyện cho một năm (Novelle per un anno, 1932-1937), tập truyện: Mattia Pascal quá cố (Il fu Mattia Pascal, 1904), tiểu thuyết: Một, không và mười vạn (Uno, nessuno e centomila, 1926). Ông thành công trong thể truyện hơn là tiểu thuyết, nổi tiếng thế giới về kịch; ông bắt đầu viết kịch từ năm 33 tuổi: Liolà (1917), Sáu nhân vật đi tìm tác giả (Sei personaggi in cerca d’autore, 1921), Vua Enrico đệ tứ (Enrico IV, 1922).
Sau đây là một số suy nghĩ của Pirandello:
+ Điều mà tôi muốn là thoát ly khỏi chính bản thân mình.
+ Chúng ta bao giờ cũng cần tìm ai đó để đổ lỗi cho họ đã gây ra cho ta những nỗi chán chường và đau khổ của bản thân ta.
+ Người ta cứ tưởng hiểu nhau, thực ra người ta không bao giờ hiểu nhau.
+ Cuộc đời đầy những cái vô lý dường như không thể có thực được. Các vị có biết tại sao không? Là vì những cái vô lý ấy lại có thật.
+ Có tình trạng hiểu nhầm nhau (ông nói gà, bà nói vịt) là bởi vì chính cuộc đời cũng như vậy.
+ Mỗi sự việc như một cái bao rỗng, không dựng đứng được. Muốn cho nó đứng được, phải nhét vào trong đó lý do và các tình cảm gây ra sự việc ấy.
+ Làm người anh hùng dễ hơn làm người lương thiện. Làm anh hùng chỉ cần một lần ngẫu nhiên, còn người lương thiện thì phải thường xuyên.
Hữu Ngọc
Theo http://honvietquochoc.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cun...