Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Tiếng ghita bên rừng thông

Tiếng ghita bên rừng thông
Thật khó mà rời khỏi vùng sơn thuỷ Tuyền Lâm giữa buổi xế trưa cuối tuần thế này khi tiếng ghita của nhóm người trẻ nào đấy nơi cánh rừng thông bên kia cứ văng vẳng sang. Trời ạ, tiếng ghita gỗ, lại đánh flamenco mới "chết người"!. Rừng thông vốn là một chốn không gian luôn rót xuống thứ nắng sợi le lói từ trời cao, hương ngan ngát thanh trong của loài cây lá kim, lại pha thêm vào thanh âm của tiếng ghita thùng, tâm hồn con người, đong đưa cả vùng núi non mây nước thành miền thanh tao, hợp kết tâm hồn người vào thiên nhiên. Mọi thứ chợt liêu trai, mênh mông hơn, xa xăm hơn...
Sương mai Tuyền Lâm (Ảnh Nguyễn Hàng Tình)
Nghe đờn của thiên hạ mà mình cũng "hưởng ké" được mùi hạnh phúc, chợt thanh tân, thêm yêu đất, thương trời, nhớ người.
THƠ
Tiếng ghita cất lên từ  cánh rừng kiểu này dẫn mình đi từ buổi sinh viên với đám bạn hiền xinh dân  Nam-Ngãi-Bình -Phú ở khoa Sinh học thời Đại học Đà Lạt vào tít tận hồ Dankia_Suối Vàng thuở còn đường xa ngun ngút, nước mưa cao nguyên kẻ chỉ núi đồi bằng những vạch đỏ tự nhiên của đất feralit, bazan, rừng thông thì hoang vu với thảm lá thông mùa này đắp lên mùa kia dày đặc như tấm thảm thiên đường ban riêng cho tuổi giảng đường phố Núi vô tư, ngang tàng, và hoàn toàn vô nhiễm trước các say cuồng cố làm thay đổi thiên nhiên, vắt chanh rừng núi, chăm bẳm "khai thác", "đánh thức", "đầu tư", "mời gọi"... của những người nắm quyền dẫn dắt xứ sở, cùng với giới tư sản, tư bản, thô bạo nhất là đám muốn giàu nhanh bằng chiếm hữu thiên nhiên và địa ốc, cùng cả bởi lớp du khách mới trỗi dậy ở thành thị dưới xuôi chưa trang bị kịp phong thái lẫn tinh thần lữ khách để đi du lịch khi họ xuất hiện ở đâu là  náo động chốn đấy, ồn ào, xôn xao, ùn ùn tiền bạc, xe hơi xa xỉ... đổ vào tìm "khoái khẩu" ở thịt thú rừng và ngập tràn tiếng "dzô dzô", rượu bia lăn lóc như bây giờ (năm 2010).
Nhiều người Đà Lạt lớp trước 1975, lớp mới đây, cũng như lớp hiện thời khi ra đi khỏi phố núi thèm nhớ "tiếng ghia ta bên rừng thông", những khoảnh khắc vu vơ thế này. Đôi người bạn vong niên sinh trưởng ở Đà Lạt (còn mình là dân nhập cư mới_nên chắc hẳn mình cũng đã góp phần kéo lùi văn hoá Đà Lạt, làm bình dân và dung tục hoá Đà Lạt_nên nó mới ra nông nỗi như hôm nay) hay khoe những tấm hình đen trắng chụp thuở họ còn có thể mặc áo len ngồi bên rừng thông. Họ bảo đó là nét tĩnh tại, an nhiên, sang sang riêng có của người phố núi cao nguyên lạnh, cái thuở xứ này phần đông cư dân đều có phong thái "sống không vội", nhân hậu và thanh lịch, không có chuyện chốn học đường học trò có thể đâm chém nhau loang máu, thanh niên đua xe điên cuồng trên phố; không dễ có chuyện người gian xâm nhập khách sạn để chỉa tài sản du khách; kẻ cướp đánh úp tiệm vàng giữa phố; chợ Đà Lạt chẳng khi nghe thấy sạp hàng nào bán hàng nói thách; và cò nhà hàng, cò khách sạn, cò đồ đặc sản, cò đất, cò dự án, cò chính trị... không hề sinh tồn. Có phải thiên nhiên vơi cạn cũng làm con người hung hăng đi ? Chưa công trình khoa học nào phân tích sự phai nhạt đặc trưng, "đổi chất" bên trong của người Đà Lạt rằng có ảnh hưởng bởi tại không gian thiên nhiên lụi tàn, rừng thông teo táp, nhưng trước hết vẻ đẹp quê xứ tổn thương là điều nhìn ngay được bằng mắt. Đang lan man chạm vào thế tục, lại nghe thoảng hoặc cũng chính cánh rừng bên cù lao ấy, như có ai xúi mà một cô gái cất lên những lời tựa thánh ca của rừng: "Người đi hành hương/ Về đồi núi xa" (lời trong một ca khúc của Trịnh). Tìm về với rừng cũng là hành hương.
Cái thú mang ghita vào rừng chơi, hay gom lá ngo (thông) đốt lên một đống lửa le lói và đưa tay vào sưởi ấm vào đêm lạnh là sinh hoạt thuần hậu thường thấy của không ít người Đà Lạt xưa nay mà. Đó là trạng thái bình an, biểu hiện thuận hoà của con người với trời đất, cảm giác hạnh phúc an nhiên, nhẹ nhàng, "sống chậm", bình dị mà thanh nhã, dân dã mà uyên thâm, mà ở VN may ra chỉ còn có thể thụ hưởng tại xứ Đà Lạt này. Nhưng mà dưới tán rừng thông không chỉ để chơi, để người ta tìm cảm giác an bình, khi trước hết nó là nơi nông dân Đa Thiện, Phước Thành thu gom lá ngo về lót ổ cho dâu tây ra trái, và đặc biệt thiêng liêng sâu xa hơn nữa là cho bà con người Lạch đi tìm nấm, nhặt hái đọt Zớn về nấu canh, săn thỏ, thả bò kiếm sống, tồn tại... Ở đấy mùa mưa về bao giờ cũng trồi lên ngàn vạn  những thảm hoa đổng thảo hồng thắm, hoa bồ công anh li ti vàng au, những trảng hoa layơn dại đó đây nhiều màu, hay những dải sườn đồi dương xỉ thân mộc, thiên tuế phun đọt nõn nà... Và ai dám bảo rừng thông không phải là nguồn sữa chính nuôi bảy trăm khách sạn ở Đà Lạt hiện nay. Giản dị hơn, với rừng thông, xưa nay là nơi duy nhất mà người nông dân Đà Lạt muốn dạo chơi chẳng phải mất 20-30 kg sú(tiền vé), như để vào xem thác Prenn, hồ Thung lũng Tình Yêu, Thung lũng Vàng, hay Vườn hoa Thành phố đâu. Tất cả là thứ phúc lợi vĩ đại mà thiên nhiên ban tặng tưởng như vĩnh cửu cho người Đà Lạt, và dĩ nhiên cả du khách tứ phương. Mấy anh chàng câu cá sát mép nước vốn lặng thinh sáng giờ, cứ như chả thèm để ý đến tiếng đờn dớ dẩn phía mảnh rừng bên kia, chợt buông lời: "Những tiếng ghita cuối cùng bên rừng thông!".
BẠO
Khách sạn đồ sộ đang dồn dập 
trút xuống non bồng Tuyền Lâm (Ảnh Nguyễn Hàng Tình)
Vì ngồi đây hằng ngày, lắng nghe những gì vi tế nhất, nên hẳn các bác câu cá là những người cảm nhận rõ nhất những gì đang tác động lên non bồng Tuyền Lâm, cơ thể ngọc ngà của danh thắng Quốc gia này. Họ đã biết rất rõ rằng mấy ngàn hécta rừng thông này đã được phân giao, chia tách xong, đoạn cắt ra cho 34 dự án du lịch khổng lồ, mà thống kê số lượng khách sạn lên đến cả chục, cùng với hơn ba ngàn căn biệt thự đã đang và sắp mọc lên. Những cánh rừng thông bỗng chốc ngã nghiêng, cây đổ lăn lóc, núi đồi cày xới, sang gạt, đục xẻ lộ ra đất đỏ au tràn lan như máu chảy. Bất cứ ngọn đồi nào đẹp, góc nhìn nào khả dĩ nhìn được xuống hồ Tuyền Lâm đều đã được "gả", gả sạch, là chỗ của nhà đầu tư, vị trí để lần lượt từng khách sạn oai vệ soi bóng. Đây đó những căn biệt thự đã an nhiên nằm phơi mình sát mép nước. Cát đá, sắt thép, xi măng ùn ùn đổ xuống thế kia đủ để nhận ra người ta đang cố gắng... " hiện đại hoá thiên nhiên"...  Hôm trước gặp một vị từng cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng. Nghe mọi người trà dư tửu hậu chuyện hiện trạng hồ Tuyền Lâm, vị này trầm ngâm lắng nghe, rất lâu thì ngao ngán: "Hồi chúng tôi còn tham gia ở Uỷ ban, không ai trong lãnh đạo tỉnh dám nghĩ đến chuyện cho xây khách sạn trong Tuyền Lâm, dù chỉ một cái, chứ đừng nói đến làm sân Golf (đã cho phép một dự án xây sân Golf 36 lổ)!". Ông còn kể: Dạo đó có doanh nghiệp du lịch trực thuộc UBND tỉnh muốn làm một con đường từ đèo Prenn vào hồ, để từ đó du khách có thể toả ra đi dã ngoại, ngắm thắng cảnh, xin  chặt 1.700 cây thông. Người lãnh đạo đứng đầu tỉnh hay tin vậy  bảo: "17 cây thông cũng đau lòng chứ đừng nói 1.700 cây! Tính lại để sao cho khỏi chặt thông thì mới là làm, động não, có trách nhiệm, vì tương lai !". Lý lẽ xuyên suốt của người đứng đầu tỉnh ấy là nếu chặt thông thì còn gì Đà Lạt, còn gì để làm du lịch, còn gì đất sống, còn gì vẻ đẹp độc đáo của Tuyền Lâm.. Bây giờ thì nhiều chỗ tỉnh bơ cho "dọn", dọn thông, san bằng  những mảng rừng chứ nói chi cân nhắc đến từng cây thông. Còn một vị quan phụ trách phát triển du lịch ở sở Du Lịch Lâm Đồng thì nói: "Tôi nhớ hồi đó định hướng chiến lược lâu dài cho Tuyền Lâm là Khu du lịch chuyên đề sinh thái dưới tán rừng, chứ đâu phải chuyên đề... Biệt thự!".  Đôi cụ hưu trí hay ưu tư đã sốt ruột mà bảo "mấy đứa" đang làm cái gì ở Tuyền Lâm mà.... xa lạ với suy nghĩ, tính toán, tầm nhìn nghiêm túc của  mình lúc trước thật! Còn mới đây, một Dân biểu(Đại biểu quốc hội) nổi tiếng, là dân lâm học, khi tìm lên Đà Lạt để thị sát hồ Tuyền Lâm đã trần tình với tôi: "Thiên nhiên đẹp đến như báu vật thế này thách đố sự thông minh, và trái tim của Chính quyền!". Là Dân biểu  thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương khác, nên ông rất tế nhị: "Đà Lạt xác định du lịch là mũi nhọn kinh tế, là tương lai lâu dài, nên cái gì làm tổn thương đến du khách thì cũng cần nghĩ lại, rằng: có phải đang vì du lịch (!?)". Nhớ lại lời người bạn chuyên gia đô thị ở Hà Nội mỗi khi vào Đà Lạt đều đau đáu: "Để lãnh đạo được một xứ như Đà Lạt, cho mọi người an tâm, thì người đó phải là một chính khách có tâm hồn nghệ sĩ, nhà Kinh tế biết làm sinh lợi từ giọt sương, hiểu được cái "gen" của Đà Lạt thì Đà Lạt mới khỏi lạc đường; còn không họ sẽ hung hăng, lạm quyền, hoặc làm bậy. Riêng với thông, ông đề xuất: "Phải lập hồ sơ, lý lịch cho từng cây thông!".
Biệt thự đang xây dựng gần sát mép nước 
của hồ thắng cảnh xếp hạng quốc gia 
(Ảnh Nguyễn Hàng Tình)
Resort đang "đổ bộ" như thế xuống một vùng sinh cảnh nhỏ bé, ai chả biết, chủ khách sạn, biệt thự,  resort, "nhà đầu tư" nào rồi mà chả phải dựng lên những hàng rào, tường vách để thể hiện quyền sở hữu, cát cứ. (Mà bác câu cá nhé, kể cả các bác, lúc đó cũng chẳng lọt vào trong các cứ địa đấy được đâu để mà buông câu!).
Nghe các bác câu cá trần tình, lại giật mình nhớ lời ông bạn làm nghề đắp cỏ lá tre cho các công viên, vườn cảnh. Bạn nói, gần đây lội vào bất cứ cánh rừng thông nào ở Đà Lạt để xúc cỏ đều bị xua đuổi. Hỏi, sao? Người bạn rằng "gần như cánh rừng thông xinh đẹp nào cũng đã có chủ, được giao, cũng đã thuộc về dự án du lịch, biệt thự, địa ốc...". Bạn bảo, để có cỏ đắp cho lề đường, vườn cảnh, kể cả công viên công cộng, những người như anh phải tìm vào vùng rừng thông nào thẳm sâu hơn, trắc trở hơn, ở tận huyện Lạc Dương mới dạt xớt được cỏ. Xưa nay ở Đà Lạt chưa từng trắc trở thế với cỏ lá tre. Và điều kỳ cục nữa cũng đã xảy ra: muốn xớt cỏ lá tre phải hối lộ cho người canh rừng, chủ rừng. Mà ngay những dải rừng thông cuối cùng còn lấy cỏ lá tre được là vùng Đạ Sa ở Lạc Dương gần đây cũng đã được thiên hạ phân chia cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tư nhân có tiền lớn nhỏ cả rồi.
LẠC
Không thể quyến luyến với tiếng ghita mênh mông giữa non nước tươi xinh Tuyền Lâm nữa, tôi phóng xe thả theo hai con đèo cửa ngõ lên Đà Lạt là Prenn, và Mimôsa. Đây đó dải rừng thông bên hai con đèo lung linh ấy, bắt đầu thấy thiên hạ dựng lên những bản đồ qui hoạch thật to, trưng ra những dự án xây cất resort chi tiết, và cảnh những hàng rào kẽm gai cũng bắt đầu xuất hiện, hùng hổ và "hợp pháp", khoanh tròng lấy những dải rừng thông mảnh khảnh vắt từ núi này qua núi kia. Những hàng rào gai kẽm mang cái lạnh ngắt của quyền lực và tiền bạc, chia rẽ thiên nhiên, ngăn cách lòng người. Mai mốt rồi sẽ đến lượt vùng Dankia, suối Vàng, đến những dải rừng thông ở hồ Chiến Thắng, Manglin, Tà Nung, đến Trại Mát, Nam Hồ, Cầu Đất, Trạm Hành, hồ Đạ Ròn, lòng hồ Da Nhim, Núi Voi, núi Pinhat, núi Langbian... gồng mình lên... đón resort, và gọi đó là "phát triển", là thành tựu... Những nơi đó cũng đang có nhiều người "dặm hỏi", người ta cũng đang mời chào xôm tụ, kêu gọi đầu tư mọi nguồn, tất bật và hối hả từ mấy năm qua.
Ngay mặt đất ở rừng thông thường 
có những thảm hoa dại nên thơ thế này 
(Ảnh Nguyễn Hàng Tình)
Tôi mách mình, từ nay khi ngang qua nhìn những dải rừng thông còn lại hai bên đường cái quan ở cao nguyên Langbian, không ảo tưởng đó là phúc lợi của toàn dân nữa, vốn quí thiên nhiên chung nữa. Chiều kia, có người gọi điện bảo Trần Mỹ Hà và Đinh Anh Dũng_hai đạo diễn điện ảnh là những đứa con nghệ sĩ của Đà Lạt, đang hành nghề ở Tp.HCM_vốn say mê rừng thông_bảo nhanh về để còn mang được Ghita vào rừng thông Tuyền Lâm, vào núi Langbian để thưởng thức thiên nhiên, gãy đàn vang lên, vang ngang tàng, ngạo nghễ, hồn hậu, trước khi nó "được" các "Nhà đầu tư" khoanh lại, cát cứ, phế truất phúc lợi và tự do.
Thôi nhé, những cánh rừng thông cho trăm họ tung tăng, nơi chốn hiếm hoi cho người sang kẻ hèn, người giàu kẻ nghèo, người có quyền và người thường dân, người có học và người ít học... đều bình đẳng ngắm trông, hít thở. Nhưng tội nghiệp nhất vẫn là người Lạch, Cill bản địa, họ cần rừng như người ở phố cần đi "siêu thị", ngồi quán cà phê, vào rạp Cinéma, như cây cần nước, như mây cần gió, họ yêu thích sự lang thang trong rừng.
Lạy trời, vùng sơn nguyên báu vật, linh liêng và tốt bụng hôm nào, nếu có "xài", chí ít cũng đừng tiêu xài hết sạch mọi chỗ xinh đẹp, tốt tươi, đắc địa, thuận lợi_ nó là của để dành. Và nếu còn đủ bao dung, rộng lượng hãy chắc chiu, dành lại một số ngọn núi, con suối, dòng sông,  những dải rừng thông thân thương máu thịt cho họ_người Lạch, Cill, hiền hậu, vốn hồn nhiên, chưa đủ sức và có cơ hội để hội nhập toàn diện vào nhân loại Toàn cầu hoá, hay WTO_để họ còn thấy gần gụi với xứ sở, có trách nhiệm, tự tin, và có thể an nhiên rảo bước  trong thanh bình đi tìm kiếm cành cây, cái nấm, chiếc lá chữa bệnh ở thói quen mưu sinh giản dị thường tình bao đời chưa dứt(ngay được), và để họ gìn giữ nền văn hoá  sơn nguyên huyền ảo quí báu cho chính họ, và cho chúng ta( làm du lịch (!), và làm dồi dào quĩ di sản văn hoá dân tộc VN). Tiếng ghita để sầu mộng, tài tử, giải trí, thư giãn của bầu bạn giang hồ tôi, của gái trai thị dân Đà Lạt, của du khách thập phương đã cần đến sự lang thang, thì đồng bào sơn cước thân thương ở các làng bon thuần hậu nhỏ bé kia càng cần cho sự lang thang cho thế giới tâm linh, tinh thần, cho niềm tin, cho tình yêu thiêng liêng mang tên "Núi Rừng".
Sao có thể nỡ mang "gả" hết những cánh rừng Ngo( tiếng người Lạch bản địa ở đây gọi cây thông) ở Đà Lạt hỡi Yàng (?). Ta vẫn cứ cái tật ưa hỏi vu vơ, vu vơ như tiếng đàn dưới bóng thông ngàn vậy, dù biết mọi thứ đều có thể trả lời, hành sự nào cũng có lý lẽ, lập luận riêng. Còn chuyện nó có cấu thành "giá trị", được muôn đời thán phục, thừa nhận, nể trọng hay không lại là chuyện khác_Nhân dân sẽ chấm điểm. Thời gian sẽ lọc mọi hành động.
Còn tiếng đàn ghita Đà Lạt ơi, âm nhạc của trời đất, của tự do, sảng khoái, thanh bình, trong sáng và thuần hậu ạ, hãy tập thích nghi đi, nên biết ... thu mình lại trong những salon khách sạn, phòng trà, phòng khách, hay gác xếp căn hộ kẻ muốn gảy đờn...
Nguyễn Hàng Tình
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà phê vườn Hà Nội - Cho một ngày suy nghĩ

Cà phê vườn Hà Nội Cho một ngày suy nghĩ… Cà phê Hà Nội mà dung từ “uống” nghe có vẻ thô tục và không đúng. Cà phê Hà Nội là cái khoảng th...