Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Trên tất cả đỉnh cao là lặng im

Thay lời dẫn
cho thơ của Phạm Công Thiện: 
Trên tất cả đỉnh cao là lặng im 
Anh đã ra đi từ đó, từ thời buổi hỗn mang. Trong từng khoảnh khắc sát na, từng quãng liên tục vi tế của hạt bụi, anh từ chối chính mình. Khi mọi người ca tụng anh như một thiên tài, anh vất bỏ thần tượng để đi như một tên lãng tử vô lại. Khi người đời khinh miệt, khi những người thân yêu thù ghét, căm hận, anh đốt lửa soi đường độc hành bằng ánh sao Mai lẻ loi.
Đã đi thì đã đi rồi.
Bước chân thoạt chớm khởi hành ấy đã vấp phải âm vang địa chấn của Long Thọ:
gata na gamyate tāvad
agata naiva gamyate/ MK. ii. 1a
Có gì trong những bước đi, và còn gì trong những bước đi? Chỉ một khoảng ngắn cần vượt qua, khoảng ngắn được đo bằng chính tự ngã của ta. Anh nhảy qua hố thẳm. Hố thẳm như là, vì chính là, ý hướng tính của ta phóng xuất ra đó; bóng tối của thời gian tích tụ ảo ảnh ngông cuồng của tuổi trẻ. Anh nhảy qua hố thẳm, nhảy qua cái bóng của chính mình. Những bước nhảy vẽ thành chuỗi thất bại liên tục trong đời, trong dòng tương tục vô hạn của thời gian, lan tràn qua biên độ vô biên của thế giới:
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Cái đã đi, một cái gì đó vô nhân, vô ngã, đã đi qua trong tôi, trong người, trong đâu đó, hữu biên và vô biên, hữu hạn và vô hạn; cái đã đi ấy chưa hề được thực hiện, chưa hề được đi. Khoảnh khắc đột nhiên ngừng lại. Quá khứ biến mất. Cái đã đi, cái tôi nào đó đã đi, con đường nào đó đã được đi, ngày tháng nào đó đã trải đi; thời gian và thế gian ngưng tụ, ngưng đọng. Không quá khứ; phóng ảnh vị lai chợt dừng lại, như bị đẩy lùi lại sau, đẩy lui vào quá khứ, rồi biến mất. Câu chân ngôn xuất hiện:
O ga ga a: Án nga nga nẵng.
o sarva-saskāra-pariśuddha dharmate gagana samudgate svabhāva:
Hết thảy hiện tượng thảy đều thanh tịnh, tự tánh xuất hiện trong hư không pháp tánh!
Ồ, hư không! Hư không hủy diệt. Tìm dấu chim bay trong hư không:
Có còn gì nữa mà thương.
Sắt son tình cũ …
Người anh yêu, một phương trời mất dấu; như sợi lông thiên nga phất phơ trong không gian rực lửa. Lửa soi sáng trái tim, trong đó hiện hình Thiên nữ. Thiên nữ chuyển thân thành Thánh mẫu Bồ tát Cứu Độ Đa-la:
Án Đa La tịch mịch hồng.
O tāre tuttāre ture svāhā
Những giọt nước mắt từ khóe mắt Đại Bi của Bồ tát Quán Thế Âm rơi xuống; giọt nước mắt hiện thân thành Thánh nữ Đa-la. Ngài hiện thân sức mạnh để dẫn người khốn khổ vượt qua khỏi những tai họa hiểm nghèo. Tai họa bởi nước cuốn, bởi thú dữ, cũng như bởi sự phản bội của người tình. Bởi vì Tāra có nghĩa là Cứu độ.
Từng âm thanh mật ngôn như những ánh sao lấp lánh – bởi Tara cũng có nghĩa là Ngôi Sao, mờ nhạt nhưng có đủ uy lực để đưa người đến chỗ an toàn. Tara, hay Tāra, Mẹ của Đại Bi và Đại Trí, luôn nhìn xuống những đứa con ngu xuẩn, và yếu đuối, đang lang suốt cả đêm dài trên mặt đất hoang vu.
Bài thơ có năm đoạn, hay một thiên thơ có năm bài, đi theo nhịp bước chân của Bát-nhã: gate – gate – paragate – parasagate – svāhā! Hoặc vô tình, hoặc cố ý, để cho cảm xúc từ những hoài vọng tiếc nuối quá khứ, đã đi và đã mất, diễn theo từng đợt sóng xô. Người lữ hành bước đi, từng con sóng của đại dương cuốn theo, xóa sạch từng dấu chân đi. Lưu lại trong khách ảo ảnh tiền thân, phảng phất mùi hương, và sắc màu quá khứ không phai nhạt.
yathā māyā yathā svapno
gandharvanagara yathā/
tathotpādas tathā sthāna
tathā bhaga udāhtam // MK. vii. 35
Như huyễn tượng, như chiêm bao, như thành phố giữa hư không, cũng vậy, những gì xuất hiện, tồn tại, rồi hủy hoại.
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời. 
Lễ tháng bảy cho những oan hồn phiêu bạt
Tục truyền tháng bảy mưa ngâu
Trong các sinh hoạt nhân gian của truyền thống ta, tháng bảy là tháng đượm nhiều sắc thái văn chương nhất. Tháng bảy, mưa ngâu, nhịp cầu ô thước bắc qua giải Ngân-hà; hai tâm hồn lẻ loi cô độc, hằng đêm tư lự trong nỗi sầu ly biệt thiên thu giữa bầu trời cao rộng, chọn mùa mưa sụt sùi để gặp nhau, chỉ trong một thoáng chốc, rồi đời cũng như con nước trôi xuôi… Đây đó, giữa những cụm rừng khuya u tịch, vẫn còn có những oan hồn cô độc, lần mò tìm lại nẻo sống của một thời xa xưa. Kẻ chết và người sống, khéo hẹn nhau để chu tất những món nợ ân tình đã từng chôn sâu dưới lòng đất. Khi đêm càng về khuya, âm hưởng trầm buồn của người sống phảng phất trong lễ cúng thí cô hồn chen lẫn với tiếng trùng nỉ non, thì tình tự của kẻ sống và người chết càng nghe ra khúc điệu tha thiết vô cùng:
Dấu người thập loại biết là đâu
Hồn phách mơ màng trải mấy thu
Cồn biển nghinh ngang bầu thế giới
Những mồ vô chủ thấy mà đau [1]
Trong các lễ cúng thí cô hồn, trai đàn chẩn tế được tổ chức quy mô nhất. Nó bao hàm cả hai khía cạnh văn chương và triết lý, gần như tất cả tinh hoa của tư tưởng và văn học Phật giáo Đại thừa Mật tông được gói trọn vào đây.
I
Về hình thức, trai đàn này dựa trên nền tảng của triết học Mật giáo. Tức sắp xếp theo một hình thức đơn giản của Mạn-Đà-La (maṇḍala) [2]. Đó là một vòng tròn, được tượng trưng như một đóa hoa sen nở trọn, và vòng tròn này là căn bản vũ trụ luậncủa Mật giáo. Thông thường, có hai bộ Mạn-Đà-La. Kim cang giới Mạn-Đà-La (vajradhātu-maṇḍala) biểu tượng cho trí tuệ sở chứng của Phật. Thai tạng giới Mạn-Đà-La (garbhadhātu-maṇḍala) biểu tượng cho phương tiện độ sinh của Ngài[3]. Mỗi Mạn-Đà-La đều dựa trên một số chủ điểm tư tưởng của Đại thừa giáo. Chủ điểm đáng ghi nhớ nhất, đại lược như sau:
Trước hết, chúng ta nên biết rằng theo quan điểm truyền thống của Phật giáo, vũ trụ gồm hai thành phần. Một đằng là nhân cách, tức lấy con người hay các loài hữu tình làm bản vị, mà trên hết, lấy nhân cách của Phật làm biểu hiệu cho bản thểtuyệt đối. Đằng khác nữa, là thế giới của nhân cách, là những pháp sở chứng và thọ dụng bất khả tư nghì của Phật. Nhân cách có năm yếu tố, gọi là năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Chúng tập họp thành một bản ngã giả tưởng nên được gọi là uẩn. Thế giới của nhân cách được cấu tạo bởi năm yếu tố, gọi là năm đại [4]: địa, thủy, hỏa, phong và không.
Trên căn bản giáo nghĩa này, trước hết Mạn-Đà-La của Kim cang giới được thiết lập để biểu hiện trí tuệ sở chứng của Phật. Kim cang là loại chất rắn không bị bất cứ gì hủy hoại được. Do đó kim cang được vận dụng như một khái niệm cụ thể hóa yếu tính tồn tại của Phật thân, gọi là Kim cang bất hoại thân (vajrasahatanakāya). Thân ấy, cũng như thân của tất cả mọi loài chúng sinh, đều do năm uẩn, và năm đại cấu thành. Nhưng tồn tại của Phật thân không khác biệt với hoạt dụng của Phật trí. Do đó, năm đại tương ứng với năm trí (pañca jñānāni). Và nhân cách của Phật, như là chỉnh thể thống nhất của tồn tại và nhận thức, được biểu hiện thành năm đức Như Lai tương ứng, tức là Ngũ trí Như Lai, hay năm vị Thiền Phật (pañca dhyānibuddhā)
Kim cang giới Mạn-Đà-La thuyết minh hoạt dụng của trí tuệ sai biệt trong lý tính không sai biệt, do đó Ngũ trí Như Lai là trọng tâm của Mạn-Đà-La này. Hình dạng cơ bản là một hình tròn, gọi là nguyệt luân (candra-maṇḍala). Bên trong hình tròn này thiết lập các biểu tượng của năm vị Như Lai. Chính giữa là vị trí đức Đại Tỳ-Lô-Giá-Na, hay Đại Nhật Như-Lai (MahāVairocana-Tathāgata). Đó là Pháp thân Phật (DharmakāyaBuddha), như mặt trời bủa rộng ánh sáng bình đẳng và bao dung cùng khắp cả vũ trụ. Trong năm đại, Ngài biểu tượng cho không đại (ākāśadhātu), và bản chất của hư không là bao dung. Trong năm uẩn, Ngài là biểu tượng của thức uẩn (vijñāna-skandha). Trong năm loại trí, Ngài biểu tượng cho Pháp giới thể tánh trí (dharma-dhātu-svabhāva-jñāna).
Bốn phương chung quanh Đại Nhật Như Lai là vị trí của bốn đức Như Lai, theo thứ tự từ Đông qua Nam cho đến Bắc như sau:
A-Súc-Bệ Phật (Akobhya), hay Bất-Động Như Lai với các biểu tượng: Phong đại (vāyu-dhātu), nhờ đó mà vũ trụ có vận động; hành uẩn (saskāra-skandha), động cơ tạo tác của các loại hữu tình; đại viên cảnh trí (ādarśa-jñāna), như tấm gương tròn bao la và ngời sáng phản chiếu mọi hiện tượng sinh thành và hủy diệt của thế giới.
Bảo Sinh Phật (Ratnasambhava) với các biểu tượng: hỏa đại (tejo-dhātu), khả năng làm chín mùi để đưa đến chỗ thành tựucác vận động của chúng sinh và thế giới; tưởng uẩn (saưjñā-skandha), khả năng truy ức quá khứ và ước vọng tương lai để thúc đẩy sự tiến hành sinh hóa; bình đẳng tánh trí (samatā-jñāna), khả năng quan sát bình đẳng các pháp không bị ràng buộcngã và pháp.
A-Di-Đà Phật (Amitabhā): thủy đại (ab-dhātu), khả năng kết hợp các pháp để tác thành duyên sinh hay duyên khởi; thọ uẩn(vedana-skandha), khả năng hưởng thụ thành quả của các vận động; diệu quán sát trí (pratyavekśaā-jñāna), nhìn thấy rõ chân tướng của vạn hữu của tác dụng sinh khởi, tồn tại và hủy diệt.
Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi): Địa Đại (pthivī-dhātu), khả năng duy trì sự tồn tại của vũ trụ; sắc uẩn (rūpa-skandha), tác thành thế giới hữu tình; thành sở tác trí (ktyānuṣṭhāna-jñāna), thể hiện các phương tiện giáo hóa chúng sinh.
Mỗi đức Như Lai đều có bốn Bồ Tát thân cận. Tất cả là mười sáu Đại Bồ Tát. Ngoài ra, nội đàn có bốn cúng và ngoại đàn bốn cúng; tất cả tám cúng dường bồ-tát. Cùng với bốn Nhiếp Bồ Tát nữa. Cơ bản, Kim cang giới Mạn-Đà-La có tất cả ba mươi bảy tôn vị.
Thai tạng giới biểu hiện Đại Bi tâm của Phật, từ đó lưu xuất tất cả các phương tiện độ sinh. Từ Thai Tạng giới, vạn pháp được thai nghén và dưỡng dục, cho đến thành tựu các phẩm chất siêu việt của đại trí và Đại Bi. Do đó, đàn tràng của Thai Tạng giới được hình dung là một đóa sen có tám cánh. Đóa sen tám cánh này chính là hình ảnh trái tim bằng thịt của chúng sinh. Đại Bi Tâm không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là sự rung động của trái tim bằng thịt ấy. Hoa sen, theo ý nghĩa nhân quả đồng thời, nghĩa là khi chúng sinh vừa phát tâm Bồ-Đề, ngay lúc ấy Phật quả đã được thành tựu. Bởi vì, trong thể tính tuyệt đối, ý niệm về thời gian và không gian không tồn tại. Từ ý nghĩa đó, tám cánh sen gồm bốn Đại Bồ Tát, và bốn đức Như Lai, biểu hiện nhân cách của nhân và quả; tất cả đều phát xuất từ thể tính của Đại Nhật Như Lai vốn là đài sen, ở trung tâm của Mạn-Đà-La.
Bốn đức Như Lai, theo thứ tự từ Đông qua Bắc như sau:
Phương Đông, Bảo Tràng Phật (Ratnaketu). Ngài là hình ảnh của Bồ Đề Tâm (bodhicitta). Bảo tràng làm tiêu xí cho sự phát Bồ Đề Tâm. Dưới cội Bồ Đề, Như Lai đã dương cao tiêu xí này mà đánh bại binh chúng Ma, thành tựu Vô thượng Chánh giác.
Phương Nam, Khai Phu Hoa Vương Như Lai (Kusumita-rāja), an trụ trong ly cấu tam-muội (vimala-samādhi), bằng hạt giốngBồ-Đề Tâm mà vun trồng và phát triển thành vô số hành động của Đại Bi, như đóa hoa nở rộ.
Phương Tây, Vô Lương Thọ Như Lai (Amitayus), biểu hiện Báo thân hay Thọ dụng thân của Phật (Sambhoga-kāya), kết quả của vô số công đức tu tập, với hình ảnh hoa sen hàm tiếu.
Phương Bắc, Thiên Cổ Lôi Âm Phật (Divyadundubhi), biểu hiệu phẩm tính của Niết Bàn; được ví dụ như chiếc trống trời, vốn không hình tướng nhưng âm vang rền xa. Đó là pháp âm của Như Lai được công bố.
Ở bốn phương góc là bốn Đại Bồ Tát. Phương Đông Nam, Phổ Hiền Bồ-tát (Samantabhadra). Đông Bắc, Quán Tự Tại Bồ-tát (Avalokiteśvara). Tây Nam, Diệu Cát Tường Đồng tử (Mañjuśrì-kumàra). Tây Bắc, Từ Thị Bồ-Tát (Maitreya).
Chung quanh trung đài bát diệp viện gồm bốn lớp, mỗi lớp có bốn viện. Mỗi viện biểu thị một phương diện độ sinh của Phật.
Cả hai bộ Mạn-Đà-La cũng có thể tượng trưng như hai bàn tay. Bàn tay mặt là Kim cang giới. Từ ngón út cho tới ngón cái, theo thứ tự: Về năm uẩn, ngón út là sắc uẩn, và lần lượt là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Về năm đại, năm loại trí, và năm vị Như Lai cũng theo thứ tự tương xứng đó. Về các ba-la-mật, tính từ ngón út: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấncho đến ngón cái là thiền định ba-la-mật.
Bàn tay trái là Thai tạng giới; cũng tính từ ngón út cho đến ngón cái theo thứ tự, với năm đại, năm uẩn, v.v… như bàn tay mặt. Về các ba-la-mật: huệ, phương tiện, nguyện, lực và trí.
Như vậy, khi hai bàn tay hiệp lại, trọn vẹn cả bi và trí của Phật. Đàn tràng chẩn tế được sắp xếp dựa trên căn bản vũ trụ luậnkhái lược, với một ít thay đổi. Đơn giản mà nói, đàn tràng được sắp xếp như là thâu gọn thế giới vũ trụ thành một thực tếhiện hữu cụ thể trước mắt. Lời chú trong Du già tập yếu của Bất Không Tam tạng[5], dưới đoạn nói về kết ấn hiện đàn (ấn kết theo thế kim cang quyền, mười ngón tay móc tréo vào) có ghi; “Đặt ấn này trước mình, tức khắc cả hư không giới đều trở thành đại Mạn-Đà-La [6].”
Mục đích của sự sắp xếp này là cốt khai triển năng lực gia trì hỗ trợ của Phật (adhiṣṭhānādhiṣṭhita). Mật giáo nói: Phật thể hiện phương tiện độ sinh của Ngài bằng vào uy lực gia trì. Gia trì về ba phương diện, mà thuật ngữ gọi là “tam mật du-già”, tương xứng theo ba hành nghiệp của một chúng sinh: thân, miệng và ý. Sự gia trì, tức uy lực hỗ trợ của Phật, được thể hiệnnơi thân của một chúng sinh qua các tư thế ngồi và các thủ ấn, nghĩa là các ngón tay của hai bàn tay giao nhau trong một tư thế nào đó đã quy định. Gia trì nơi miệng được thể hiện qua sự tụng niệm các chân ngôn. Ý mật gia trì nhờ sự quán tưởng về hình tướng Phật, hay các văn tự theo lối viết Brahmì, mà trong Phật giáo gọi là tự mẫu tất-đàm (siddha).
II
Sau khi thiết trí đúng pháp đàn tràng Mạn-Đà-La, và thể hiện đầy đủ tam mật du-già, người chủ trì, gọi là Gia trì sư, được coi như hóa thân của Phật, thay Ngài thuyết giới cho chúng hữu tình. Bài thỉnh sư do sư thị giả hay người trợ lễ đọc trước khi đăng đàn chẩn tế, nói:
寶座高高無礙 Bảo tọa cao cao vô ngại
上有天垂寶蓋 Thượng hữu thiên thùy bảo cái
請師那步登亶 Thỉnh sư na bộ đăng đàn
為孤魂說戒 Đại vị cô hồn thuyết giới
(Bảo tọa cao vời không ngại, trên có trời giăng lọng báu. Thỉnh Sư dời bước lên đài, vì cô hồn mà thuyết giới).
Sư gia trì đứng dưới đàn đáp:

圓明一點本非空 Viên minh nhất điểm bổn phi không
了證無為向上宗 Liễu chứng vô vi hướng thượng tông
三世諸佛哪一步 Tam thế chư Phật na nhất bộ
權留寶座即吾登 Quyền lưu bảo tọa tức ngô đăng
(Một điểm ngời sáng, tròn đầy, vốn không phải là không hư. Từ đó mà hoàn toàn chứng nhập vô vi, là tông chỉ siêu việt. Ba đời chư Phật không hề đến hay đi. Nhưng tôi sẽ bước lên bảo tọa được lưu lại nơi đây bằng phương tiện quyền xảo).
Đó là xác nhận bản thân và bản nguyện của Phật, rồi xác nhận sự tin tưởng về tam mật gia trì nơi mình. Sự xác nhận này là một phát biểu về tư tưởng triết lý của Đại thừa, không phải riêng của Mật giáo. Bản tánh của các pháp là Tánh Không, vì do tương quan mà hiện khởi. Nhưng có hiện khởi tức không thuần là không hư. Cho nên hiệu là Như Lai, đúng như bản tánh của Pháp mà đến và cũng như các pháp mà đi. Trong tuyệt đối, Như Lai không đi cũng không đến. Vậy, bảo tòa cao vọi kia phía trên có chư thiên trương dù lọng ra che, là sự hóa hiện từ phương tiện Đại Bi tâm, Phật của Phật, cũng bằng vào Đại Bi tâmđó, gia trì sư sẽ bước lên bảo tọa vốn thiết trí dành cho Ngài.
Sau khi bước lên bảo tọa, phần nghi lể mở đầu có bài tán khởi, nói:
會起蒙山最勝緣 Hội khởi mông sơn tối thắng duyên
覺皇垂範利人天 Giác hoàng thùy phạm lợi nhân thiên
經宣祕典超塗炭 Kinh tuyên bí điển siêu đồ thán
教演真乘救倒懸 Giáo diễn chân thừa cứu đảo huyền
難陀尊者因習定 Nan-đà tôn giả nhân tập định
救苦觀音示面燃 Cứu khổ Quan Âm thị Diện Nhiên
興慈濟物真三昧 Hưng từ tế vật chân tam muội
感果叨恩萬古傳 Cảm quả thao ân vạn cổ truyền.
(Do nhân duyên đặc biệt mà lễ hội Mông sơn được tổ chức. Đức Giác hoàng đã chỉ dạy một nghi thức làm lợi ích cho cả chư thiên và loài người. Lời Kinh nêu rõ pháp điển bí mật có khả năng siêu hóa từ chốn lầm than. Giáo thuyết diễn rộng ba thừa để cứu vớt khổ đau bị treo ngược. Tôn giả Nan-đà nhân bởi lúc tập định; lúc đó Bồ-tát Quan Âm, vì để cứu khổ, nên hiện thân làm quỷ Diện Nhiên (quỷ mặt lửa). Từ đó, nêu cao đức từ bi, cứu tế vật loại, là tam-muội chân thật. Quả được chiêu cảm, ân được ban cho, lưu truyền vạn cổ).
Hội khởi mông sơn chỉ cho khoa nghi chẩn tế được tập thành bởi Ngài Mông Sơn. Nhưng khởi thủy vốn là do bi nguyện của đức Giác Hoàng, tức Phật. Ngài đã phương tiện thiết lập nghi thức này là làm lợi ích cho các cõi trời và người.
Khoa nghi thí thực này được truyền sang Trung hoa từ đời Đường do Bất Không Tam tạng, một truyền nhân của Mật giáo. Gọi đủ là Bất Không Kim Cang, tên dịch từ tiếng Phạn là Amoghavajra, người Bắc Ấn, thuộc dòng dõi Bà-la-môn. Trong số những kinh điển và khoa nghi của Mật giáo do Ngài dịch, các tác phẩm liên hệ khoa thí thực cô hồn gồm có: Phật thuyết cứu bạt diệm khẩu ngạ quỉ đà-la-ni kinh[7], Thí ngạ quỉ ẩm thực cập thủy pháp[8], Du-già tập yếu cứu A-nan đà-la-ni Diệm khẩu quỉ nghi kinh [9] và Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi [10].
Trong hai tác phẩm, Diệm khẩu kinh nói về nguyên nhân Phật dạy phép thí thực cô hồn. Bởi vì, vào một lúc nọ, giữa đêm khuya, Ngài A-nan trong khi đang ngồi tu tịnh tại chỗ vắng, bỗng thấy một con quỉ gọi là Diệm Khẩu, miệng đỏ rực như lửa, thân hình quái dị ghê gớm, bảo A-nan ba ngày nữa Ngài sẽ chết. A-nan nghe nói hoảng hồn, sáng hôm sau chạy tìm Phật hỏi phương tiện. Phật mới dạy phương pháp thí ngạ quỉ. Trước hết, phải theo một bậc thầy, mà Mật giáo gọi là A-xà-lê (ācāriya), đã chứng đến chỗ Du-già thậm thâm tam muội mà thọ pháp, học pháp vô thượng đại bồ-đề tâm, thọ tam muội giới, nhập Đại Mạn-Đà-La, chịu phép quán đảnh (tức phép truyền đạo bằng cách rưới nước lên đầu). Đàn tràng thì thiết trí theo Tam-muội-da mạn-đa-la (samaya-maṇḍala). Ở đây, Đại mạn-đa-la là tổng thể của các Mạn-Đà-La khác, an trí hình vẽ các Bổn tôn Du-già với các biểu hiệu cầm tay và thủ ấn, mỗi vị theo một dấu hiệu riêng nói lên bản thệ độ sinh của Ngài; chữ tam-muội-da (samaya) nơi đây có nghĩa là bản thệ.
Về quyển Du già Tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, đoạn đầu có phần giới thiệu gốc tích, đại khái giống như Diệm khẩu kinh. Trong khoa nghi này, không nói cách sắp xếp đàn tràng nữa, mà chỉ trình bày các thủ ấn… các mật chú và các nghi thức tụng niệm. Đầu tiên là nghi thức sái tịnh đàn tràng, mặc niệm chú Đại Luân Minh Vương và thủ ấn. Kế đó, thỉnh thập phương vô tận Tam bảo, Kim cang mật tích, Vệ pháp thần vương, vân vân, với thủ ấn “hiện đàn”. Mỗi phần về sau cũng đều có thủ ấn và mật chú như vậy. Phần cuối hết là văn tế thập loại cô hồn [11], phần này không có thủ ấn.
Trong một bài tựa cho Du già Diệm khẩu thí thực yếu tập, Bảo Hoa viết dưới thời vua Khang Hy, có dẫn sự lưu hành của khoa nghi này, nói rằng, nghi quỷ mà A-xà-lê Bất Không truyền, Ngài Hải Thượng cho là quá đơn giản, nên soạn thêm. Về sau, Ngài Thiên Cơ lại bớt đi những chỗ rườm rà, cho đến Ngài Vân Thê hiệu đính lại lần nữa. Như vậy, sở dĩ không để quá đơn giản là muốn cho sự thực hành có vẻ long trọng. Nhưng cũng không quá rườm rà, bởi vì thời gian cúng thí không được kéo dài quá giờ hợi; vào giờ này, quỷ thần không ăn uống gì được nữa.
Tại Việt Nam, không rõ khoa nghi này được truyền vào lúc nào và do ai [12] . Nhưng gần đây cũng có ít nhất ba diễn nôm về phần văn thỉnh thập loại, dịch từ nguyên văn chữ Hán. Bản diễn Nôm được lưu hành nhất là của Hòa Thượng Bích Liên, suốt từ Nha Trang cho tới Bình Định, ai cũng coi bản Nôm này là hay nhất.
III
Đường bạch dương bóng chiều man mác
Ngọn đường đê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm
(Nguyễn Du, Văn tế thập loại)

Vào những năm đầu thập niên 70, do chiến tranh gây ra nhiều cảnh chết chóc hãi hùng, khoa nghi chẩn tế được thực hiện rất nhiều, nhất là tại Huế. Hầu như tháng nào ở đây cũng có ít nhất một đàn.
Sống lưng chừng giữa cái sống và cái chết, người sống đã không thể nói được những uất hận chính mình, thì mượn ẩn tìnhtha thiết của người chết mà nói thay:
Thương thay thập loại chúng sinh
Phách đơn hồn chiếc lênh đênh quê người
Hương khói đã không nơi nương tựa
Phận mồ côi lần lữa đêm đêm
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu.
(Nguyễn Du, Sđd.)
Nếu gác qua tính chất tôn giáo, cùng nền tảng triết lý của nó, khoa nghi chẩn tế được đem ra thực hiện ở nhân gian, một cách nào đó, là những tiếng than ai oán, và uất ức, của những con người cô khổ, sống kiếp lưu linh đày đọa. Tác dụng văn chương của nó có thể thấy rõ qua kiệt tác Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du.
Nghi thức thực hành vẫn y nguyên chữ Hán [13], người không học chữ Hán tất nhiên không thưởng thức được khí vị văn chương trong đó. Tuy nhiên, khi đến đoạn thỉnh thập loại chúng sinh, bấy giờ thường gần khoảng giữa khuya tỉnh mịch, điệu thỉnh theo giọng ai của các kinh sư, mỗi người thay nhau đọc một đoạn, thì dù không hiểu lời văn, nhưng giọng văn vẫn có tác dụng truyền cảm đặc biệt. Cho nên, khi thiết lễ chẩn tế, không những người ta chỉ thỏa mãn một khía cạnh tín ngưỡng tôn giáo nào đó, mà còn là bị lôi cuốn bởi sức tác dụng văn chương và nghệ thuật qua giọng điệu thành khẩn thiết tha của nó.
Người nghe mà hiểu, thì có thể thấy cái đặc vị văn chương của nó là không lấy người sống làm đối tượng. Tình tự nồng nàn được phát tiết như là những tiếng ngậm hờn thiên cổ, sống không nói được, chết chôn vùi theo cát bụi. Văn chương điêu luyện và tao nhã [14], ý tứ thì thâm trầm mà nhiều ray rức. Người sống mà nghe được thì cũng có thể nghe ra một nỗi đời hư huyễn nào đó. Giấc mộng công hầu khanh tướng hay khát vọng trường sanh muốn đem sắc thân tứ đại giả hợp này mà vượt thoát ra ngoài cõi trần hoàn, tất cả rốt cuộc đều trở thành những nỗi oan khuất bị nhận chìm xuống đáy biển.
Dưới đây trích đoạn thỉnh:
Nào những kẻ tính đường kiêu hãnh
Chí những làm cất gánh non sông
(Nguyễn Du, Sđd.)
Đó là lời thỉnh những oan hồn lúc sống lăm le giấc mộng bá vương. Văn thỉnh chữ Hán nói:
(Sư gia trì đọc, giọng ai):
Lụy triều đế chúa, lịch đại hầu vương; cửu trùng điện khuyết cao cư, vạn lý sơn hà độc cứ.
累朝帝主歷代侯王九重殿闕高居萬里山河獨踞
(Một kinh sư bạch, cũng giọng ai):
Tây lai chiến hạm, thiên niên vượng khí nga thâu; bắc khứ loan dư, ngũ quốc oan thanh vị đoạn.
西來戰艦千年王氣俄收北去鸞輿五國冤聲未斷
(Tất cả cùng xướng):
Ô hô!
(Vị kinh sư tiếp):
Đỗ quyên khiếu lạc đào hoa nguyệt
Huyết nhiễm chi đầu hận chánh trường
杜鵑嘯落桃花月
血染枝頭恨正長
Diễn Nôm của Hòa Thượng Bích Liên:
Trước thỉnh kẻ hoàng vương đế bá
Triều đại xưa trải quá biết bao
Đền đài chín lớp ở cao
Non sông muôn dặm chén vào một tay
Thuyền chiến phút đổi dời vượng khí
Xe loan còn rủ rỉ oan thanh
Hỡi ôi!
Đỗ quyên kêu suốt tàn canh
Máu hờn nhuộm mãi trên cành đào hoa
Mộng tranh hùng tranh bá, làm chúa làm vua, nay chinh Nam mai tảo Bắc. Nhưng rồi từng đêm suốt những canh dài, từng tiếng quốc kêu rủ rỉ, màu sương trăng lạnh phủ trên cánh hoa đào, giòng máu oan thiên hận sự bất thành nhuộm đỏ đầu cây ngọn cỏ. Vậy thì, giang sơn như họa còn đó, mà anh hùng hào kiệt một thời ở đâu, và đâu là ảo vọng của đời người?
Nói chi đương thuở thị hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau
Bỗng phút đâu lò bay ngói lở
Khôn đem mình làm đứa thất phu
Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rã rời
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc
Quỉ không đầu van khóc đêm mưa
Đã hay thành bại là cơ
Màu hồn biết bao giờ cho tan
(Nguyễn Du, Sđd.)
Nhưng cũng có kẻ lúc sống đành cho thân và danh của mình cùng mục nát với cỏ cây, tìm những chỗ Đào nguyên hay Lãng uyển để tu chơn dưỡng tánh. Nhưng:
Tam hoa cửu luyện, thiên tào vị hứa tiêu danh,
Tứ đại vô thường, địa phủ nan dung chuyển hạn.
三花九煉天曹未許標名
四大無常地府難容轉限
Thuốc trường sinh đã mấy lần luyện, nhưng cung trời chưa ghi vào sổ trường sinh, mà cõi đời nông nổi thì không khứng diên trì thời hạn:
Ô hô!
Lâm quán yên hàn đơn [15] táo lãnh
Tiếu đàn phong thảm hạnh hoa hi!
呜呼臨觀煙寒蟬噪
焦壇風慘杏花希
Lò đơn lâm quán [16] lạnh sương
Tiếu đàn [17] gió thảm thổi tàn hạnh hoa
(HT. Bích Liên dịch)
Giấc mộng trường sinh bất tử, chẳng lẽ trong thoáng chốc chỉ còn ký thác cho ngọn gió gào thét hồn oan?
Chỗ khác là những bậc nuôi chí xuất trần, chống tích trượng phất phơ trên đỉnh núi cao vòi vọi. Nhưng rồi, “chuỗi hạt lần không mòn vách đá”, thì than ôi:
Hoàng hoa thúy trúc, không đàm bí mật chân thuyên,
Bạch cổ lê nô, đồ diễn khổ không diệu kệ.
Ô hô!
Kinh song lãnh tẩm tam canh nguyệt
Thiền thất hư minh bán dạ đăng
黃花翠竹空談祕密真詮
白牯黎奴徒演苦空妙偈
嗚呼
經窗冷寢三更月
禪厔虛冥半夜燈
Làng hoa trúc nào câu mật đế
Nhà cổ nô [18] vấn kệ khổ không
Hỡi ôi!
Kinh song trăng thảm lạnh lùng
Nhà thiền leo lét đèn chong canh dài.
(HT. Bích Liên dịch)
Cuối cùng, người ta tự hỏi: ước mong muôn thuở của nhân sinh là gì? Mối hận mà lúc sống đã không xong, bấy giờ chôn vùi dưới đất nghìn năm, biết bao giờ mối hận mới đông thành một viên ngọc bích long lanh? Nhưng cũng có thể:
Nhờ phép Phật siêu sinh tĩnh thổ
Bóng hào quang cứu khổ độ u
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền trút sạch, oán thù rửa không.
(Nguyễn Du, Văn tế thập loại)
Tuệ Sỹ
Phụ chú:
MAṆḌALA
I. Ý NGHĨA
Tiếng Phạn, maṇḍala, Hán phiên âm thông dụng là Mạn-Đà-La 曼陀羅 Các phiên âm khác: Mạn-Tra-La 曼吒羅, Mạn-Đồ-La 曼荼羅, Mạn-Noa-La 曼拏羅, …Chỉ đàn tràng tác pháp, hay hành trì bí pháp của Mật giáo. Đó là khu vực cấm chế các quỷ thần xâm nhập. Bên trong thiết trí các hình tượng hay biểu tượng, hay các ký tự tượng trưng một ý nghĩa nào đó. Đàn tràng có thể là hình vuông hay hình tròn. Nhưng thông thường được vẽ bằng hình tròn, nên Hán dịch nghĩa là luân viên 輪圓, hay luân viên cụ túc 輪圓具足. Đại nhật kinh sớ, quyển 4 giải thích:
“Mạn-Đồ-La, có nghĩa là phát sinh. Tức là điều mà ở đây Kinh gọi là Phát sinh Chư Phật Mạn-Đồ-La 發生諸佛曼荼羅 (Sarvabuddhasambhavamaṇḍala). Gieo hạt giống Bồ Đề (bodhibīja) vào trong mảnh đất tâm của Nhất Thiết Trí (sarvajñāna-cittabhāmi), rồi tưới nhuần bằng nước Đại Bi (mahākaruịavāri), soi rọi bằng mặt trời đại tuệ (mahāprajñāsūrya), cổ động bằng ngọn gió đại phương tiện (mahopāyavāyu), che bằng bầu trời đại không (mahāśūnyākāsa) bao la vô ngại, nuôi lớn dần chồi non của pháp tánh bất tư nghị (acintyadharmatākura) cho đến khi thành cây Phật cao lớn che phủ cả Pháp giới. Vì vậy, nói là phát sinh. (…) Mạn-Đồ-La còn có nghĩa là tô lạc 酥酪, tức là chất béo tinh thuần của sữa đông lại và nổi lên mặt sữa. (…) Do đó, Kinh nói Mạn-Đồ-La là hương vị vi diệu tối thượng.(…) Bằng phương tiện của ba bí mật (trayāni guhyāni), khuấy đều sữa Phật tính của chúng sinh, cho đến trải qua năm vị mà thành chất đề hồ của diệu giác, hòa tan một cách thuần tịnh và vi diệu, nhưng không hề thêm bớt tự bản chất. Tập hội tất cả Kim cang trí ấn (Vajrajñānamudra) mà thành hương vị tối thượng đệ nhất trong các vị cam lộ (amtarasa) chân tịnh bất biến.”
Tổng quát, theo giải thích trên, Mạn-Đà-La hay Mạn-Đồ-La có ba ý nghĩa: luân viên, hình tròn của bánh xe. Đây là từ dịch nghĩa tương đương chính xác với từ Phạn Maṇḍala. Thứ hai, phát sinh, dịch nghĩa của từ Phạn udbhava hay sambhava. Thứ ba, đề hồ, coi Maṇḍala như là từ phái sinh của maṇḍa. Từ ý nghĩa thứ ba này, về sau được chuyển thành ý nghĩa tập hội. Theo nghĩa này, Mạn-Đà-La là chỗ tập hội của Phật, Bồ Tát và Thánh chúng.
Phân loại theo hình thức, có bốn loại Mạn-Đà-La: Đại Mạn-Đà La, Tam-muội-da Man-Đà-La, Pháp Mạn-Đà-La và Kiết-ma Mạn-Đà-La.
Đại Mạn-Đà-La 大曼荼羅 (Mahà-maṇḍala): đàn tràng trong đó an trí hình tượng các Bổn tôn.
Tam-muội-da Mạn-Đà-La (Samayamaṇḍala); tam-muội-da, tiếng Phạn, dịch là bản thệ ? 本誓. Đây là đàn tràn sắp xếp các biểu tượng của các Bổn tôn. Các biểu tượng này tượng trưng cho bản thệ và phương tiện độ sinh của các Ngài.
Pháp Mạn-Đà-La 法曼荼羅 (Dharmamaṇḍala) tức đàn tràng hay đồ hình trong đó sắp xếp các chủng tử tự (bījākara), tức các ký tự, hoặc nguyên âm hoặc mẫu âm. Mỗi ký tự ký hiệu tự tính của mỗi bổn tôn. Kiết-ma Mạn-Đà-La 羯摩曼 荼羅 (Karmamaṇḍala), biểu tượng cho sự nghiệp độ sinh của các bổn tôn; thông thường, đây là đàn tràng an trí các hình tượngđiêu khắc.
II. LƯỠNG BỘ MẠN-ĐÀ-LA, hay nói tắt:
KIM THAI LƯỠNG BỘ 金胎兩部
Hai bộ Mạn-Đà-La, gồm Kim cang giới (Vajradhātu) thuộc trí môn, và Thai tạng giới (Garbhadhātu) thuộc lý môn. Đó là từ trên một nhất tâm pháp giới (ekacitta-dharmadhātu) mà hiển thị thành hai môn: Lý (nyāya) và Trí (jñāna).
Lý, tức lý tính bình đẳng và phổ quát (samānatā); tất cả các pháp, hữu vi hay vô vi, thường nghiệm hay siêu nghiệm, duy là nhất thể vô phân biệt (aviśeatā). Khi trí tuệ nhận thức tồn tại từ lý tính, từ nhất thể vô phân biệt, thì tất cả tồn tại là chân không (śūnya). Nhận thức như thế là không nhận thức gì cả. Lý và trí là Tuyệt đối Bất nhị (advaitā). Nhưng tác dụng của trí là nhận thức, là khám phá ra tính đặc thù trong mỗi yếu tính tồn tại. Ở đây, trí tức là nhận thức sai biệt (viśeajñāna) về tính đặc thù hay sai biệt (viśeatā) của vạn hữu.
Để biểu thị ứng dụng vô cùng của lý tính bình đẳng và trí tuệ sai biệt như vậy, Mật giáo thiết lập hai bộ Mạn-Đà-La. Căn cứ trên giáo nghĩa của kinh Đại nhật, tức Đại-Tỳ-Lô-Giá-Na thành Phật thần biến gia trì kinh (Mahā-Vairocanā bhisabodhi-vikurvitādhiṣṭhāna-vaipulya-sūtrendrarāja-nāma-dharmaparyāya) [19], Mật giáo thiết lập Thai tạng bộ, biểu hiện Đại Bi phương tiện cứu thế, phát xuất từ lý tính bình đẳng. Mặt khác, căn cứ trên giáo nghĩa của kinh Kim-cang đỉnh, gọi đủ là Kim cang đỉnh nhất thiết Như Lai chân thật nhiếp Đại thừa hiện chứng Đại giáo vương kinh (Vajraśekhara-sarvatathāgata-satya-sagraha-mahāyāna-pratyutpannābhisambuddha-mahātantrarāja-sūtra) [20], thiết lập Kim cang đỉnh bộ, thuyết minh sai biệt trí.
Kim cang giới (Vajradhātu) biểu thị ý nghĩa tùng bản thùy tích 從本垂跡, nghĩa là, thuyết minh lịch trình hiện tượng hóa của vạn hữu. Tức là, từ lý tính bình đẳng, từ nhất thể vô phân biệt, vạn hữu chuyển hiện thành thiên sai vạn biệt. Nhưng sai biệttính vẫn không tách rời vô phân biệt; đó là thể Tuyệt đối bất nhị. Thai Tạng giới (Garbhadhātu) thuyết minh quá trình tu tập và chúng ngộ, đi từ nhân là Đại Bi, với vô số phương tiện độ sinh sai biệt, cho đến khi chứng nhập lý tính bất nhị.
Nói tóm lại, do căn tính sai biệt của chúng sinh mà sự hành trì cũng có những sai biệt. Tuy vậy, con đường dẫn đến giác ngộvẫn được kinh qua trên cỗ xe hai bánh là Đại Bi và Đại Trí.
Chú thích:
[1] Nghi thức cúng cô hồn bằng nôm, HT Bích Liên, bản chép tay của Thích Nguyên Trạch, Bình Định
[2] Xem phụ chú 1 ở cuối bài.
[3] Xem phụ chú 2 ở cuối bài.
[4] Trong Hiển giáo, sắc pháp được phân tích thành 4 yếu tố cơ bản gọi là 4 đại chủng (mahābhūta). Trong Mật giáo, một yếu tố thứ năm được thêm vào, là không đại (ākāsadhātu), do tương đối với ngũ trí.
[5] Du-già tập yếu cứu A-nan đà-la-ni Diệm khẩu quỷ nghi kinh, Đường Bất Không dịch; Đại XXI, No. 1318.
[6] Về đại Mạn-Đà-La, xem phụ chú 1.
[7] Đại XXI. No. 1313. Tham chiếu, Phật thuyết cứu Diện nhiên ngạ quỷ đà-la-ni thần chú kinh, Đường Thật-xoa-nan-đà dịch; Đại XXI, No. 1314.
[8] Đại XXI, No. 1315. Tham chiếu, Phật thuyết cam lộ kinh đà-la-ni chú, vô danh dịch, Đại XXI, No.1316; Cam lộ đà-la-ni chú, Đường Thật-xoa-nan-đà dịch, Đại XXI, No. 1317.
[9] Đại XXI, No.1318. Tham chiếu, Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực khởi giáo A-nan-đà tự do, Đường Bất Không dịch, Đại XXI, No.1319.
[10] Vô danh dịch, Đại XXI, No.1320. Tham chiếu, Phật thuyết thí ngạ quỷ cam lộ vị đại đà-la-ni kinh, Đường Bạt-đà-mộc-a dịch, Đại XXI, No.1321.
[11] Về thập loại cô hồn, theo liệt kê của Du-già tập yếu Diệm khẩu thí thực nghi, Đại XXI, tr. 483b: 1. Thủ hộ quốc giới: những oan hồn “vị quốc vong thân.” 2. Phụ tài khiếm mạng: chết vì oan gia trái chủ, nợ nần, trụy thai. 3. Khinh bạc Tam bảo: bất hiếu, bội nghịch vô đạo. 4. Giang hà thủy nịch: thương khách chết sông chết biển. 5. Biên địa tà kiến: những người sống tại biên ải hẻo lánh. 6. Ly hương khách địa: cô khổ phiêu bạt, chết đường chết xá. 7. Phó hỏa đầu nhai: tự tử, nhảy sông, nhảy núi, chết đâm, chết cháy. 8. Ngục tù trí mạng: chết trong ngục tù. 9. Nô tì kết sứ: nô lệ cùng khổ, chết vì đày đọa lao dịch. 10. Manh lung ám á: đui, què, câm, điếc, không người chiếu cố. Thập loại theo khoa nghi Mông sơn, và thập loại trong văn tế Nguyễn Du có vài chỗ không đồng nhất.
[12] Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 4: triều Lý Anh Tông, niên hiệu Đại định 11 (1150), Đỗ Anh Vũ bị tội. Để cứu tình nhân của mình, Lê Thái Hậu tổ chức nhiều pháp hội, và vua ban hành lệnh đại xá thiên hạ. Nhờ vậy, Anh Vũ được hưởng lây, và lần lần phục chức. Không hiểu các pháp hội này có lập trai đàn hay không. Thiền Uyển Tập Anh: Tăng thống Huệ Sinh, tịch năm Gia khánh thứ 6 (1064), đời vua Lý Thánh Tông, có để lại tác phẩm Pháp Sự Trai Nghi, rất có thể có nói đến nghi thức chẩn tế. Nhà Nguyễn, các Chúa thường hay tổ chức các pháp sự hay trai đàn tại chùa Linh Mụ. Theo tiểu sử chùa, năm Giáp Ngọ, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, chùa được trùng tu, nhân đó, Chúa cho tổ chức đại trai đàn. Gia Long năm thứ 2 (1803), Vua tổ chức trai đàn bạt độ cho các quan lính tử trận. Ngoài ra còn nhiều tư liệu khác để có thể biết được sự phát triển và phổ biến trai đàn chẩn tế. Nhưng việc ấy dành cho các nhà viết sử. Ở đây chỉ đề cập đại khái.
[13] Cũng có bản dịch nôm, như của HT Bích Liên. Nhưng các thầy vì sính chữ Hán nên ít ai chịu làm theo khoa nghi tiếng Việt.
[14] Thực tế thì văn thỉnh thập loại chữ Hán không phải là áng văn chương nổi tiếng của Trung Hoa. Văn từ phần nhiều sáo rỗng, nhiều điển tích vô hồn. Nhưng được cho là hay, vì thói quen. Và cũng do trình độ thưởng thức văn chương của người nghe.
[15] Nguyên âm Hán là thiền (con ve), nhưng quen đọc là đơn.
[16] Đền hay miếu, nơi thờ tự của đạo sĩ.
[17] Chỉ đàn cúng tế của đạo sĩ.
[18] Bạch cổ lê nô: con bò trắng và nô lệ đen; chỉ chuông mõ nhà chùa.
[19] Tên tĩnh lược: Đại Nhật Kinh, hay Đại Tì-Lô-Giá-Na kinh; Skt. Mahāvairocanābhisambodhi. Đường Tam Tạng Thiện Vô Úy dịch (Khai nguyên 13, AD.725), Đại XVIII, No. 848.
[20] Tên kinh gọi lược: Kim Cang Đỉnh, hay Nhiếp Đại Thừa Hiện Chứng. Đường Bất Không dịch (Thiên bảo 3, AD.753), Đại XVIII, No.865.
Một Thời Truyền Luật
Tuệ Sỹ
Nguyễn Du khi cho Kiều đi tu phía sau vườn của nhà Hoạn Thư, chỉ cho cô thọ tam quy ngũ giới. Nhiều Thầy của chúng taphản đối, cho là Nguyễn Du không hiểu luật xuất gia cho nên nói như vậy, vì người xuất gia, theo luật, thấp nhất là thọ mười giới sa-di. Sự phản đối này thiếu căn bản lịch sử về vấn đề truyền thọ giới và thọ giới ở nước ta.
Ngày nay chúng ta đã quen với các từ tỳ kheo, đặt đầu danh hiệu nhiều vị xuất gia: Tỳ kheo Thích như vầy như vầy. Nhưng cách đây chừng nửa thế kỷ, việc ký danh ký hiệu như vậy thật là hiếm thấy. Các vị Trưởng lão thời trước như Hòa thượngThiện Hoa mà trước tác của Ngài còn lưu lại rất nhiều, trong đó chỉ thấy thường ghi “Sa-môn Thích Thiện Hoa”, chứ không không ghi “Tỳ kheo Thích Thiện Hoa” như trong các Thông Bạch của các Trưởng lão hiện tại. Điều này tất có lý do lịch sử. Thứ nhất, đó là do bởi tinh thần thượng tôn giới luật. Danh hiệu tỳ kheo, với đầy đủ phẩm chất như được quy định trong luật, cả đến nhiều vị Thiền sư nổi tiếng cũng dám không tự nhận. Như luật Trừng trị Tỳ-Ni sự nghĩa tập yếu của Ngài Trí Húc đời Minh có kể chuyện: Có người hỏi Thiền sư Thọ Xương: “Phật chế tỳ kheo không được quật địa tổn thượng thảo mộc. Nay sao các Ngài tự cày bừa, tự gieo trồng, tự gặt hái?” Đáp: “Bọn chúng tôi chỉ cốt ngộ được tâm Phật, kham truyền ý Tổ, chỉ thị đương cơ, khiến cho biết rõ tâm tính, thế thôi. Nếu quy cách theo Chánh pháp, thì chỉ có xưng là ‘Cư sĩ cạo tóc’ mà thôi. Đâu dám xưng danh mình là tỳ kheo!”
Trả lời của Thiền sư Thọ Xương thật ngụ nhiều ý nghĩa. Nhưng ở đây chúng ta không luận bàn chi tiết. Chỉ cốt nêu lên để thấy rằng, ngay từ xưa, tại Trung quốc, phần lớn các Thiền sư không thọ giới tỳ kheo như ngày nay chúng ta tưởng. Thêm nữa, xã hội Trung hoa có xu hướng tôn trọng ẩn sĩ. Nhiều người lánh đời ẩn dật, mà đức hạnh cao khiết, nhiều đời sau, thậm chí cả đến vua chúa cũng phải kính trọng. Cho nên, người xuất gia chỉ cốt ở phẩm hạnh cao khiết hơn đời. Thọ giới chỉ là hình thức. Như được thấy trong câu trả lời của Thiền sư Thọ Xương.
Thêm nữa, ngày nay chúng ta cũng quen với lối viết tiểu sử của những vị xuất gia, trong đó lúc nào cũng thấy ghi năm xuất gia và thọ đại giới. Điều này cũng ít thấy trong các sử truyện, nhất là sử Thiền tại Trung quốc. Ngay như sử Thiền nước ta, Thiền Uyển Tập Anh chép truyện các Thiền sư cũng ít khi nói các Ngài thọ giới lúc nào, hay ở đâu. Theo tập quán như vậy, nên khi chép truyện Ngài Pháp Thuận, Hòa thượng Thanh Từ viết: “Sư họ Đỗ, không rõ quê quán ở đâu, xuất gia từ thuở bé, thọ giới với Thiền sư Long Thọ Phù Trì..” Thực ra, đoạn này Tập Anh chỉ nói: “Nhỏ đã xuất gia, thờ Thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm Thầy.” Theo Thầy lúc còn nhỏ, thì lúc ấy không thể thọ đại giới được. Hòa thượng Thanh Từ viết theo quán tính.
Thế cho nên, không nên nội vàng mà kết luận: “Cụ Nguyễn Du không biết gì về đạo Phật”, lý do là nói xuất gia mà chỉ thọ năm giới. Thật sự nàng Kiều chưa phải xuất, chỉ bị cách ly khỏi Kim Trọng, nên Hoạn Thư mượn tiếng nâu sòng khoác lên cho nàng để mình khỏi bị mang tiếng ghen. Chẳng có ai làm Thầy, trong cái Quan Âm các nhà họ Hoạn, làm gì có Thầy truyền giới? Chúng ta không nên tự hào là mình biết rõ thời đại của Cụ Nguyễn Du hơn Nguyễn Du, trong thời đó, Phật giáo được hành như thế nào, Tăng đồ sinh hoạt như thế nào. Đem sinh hoạt người xuất gia thời ta mà gán cho thời đại Nguyễn Du, chẳng khác nào tự nhiên cho Ngài Pháp Loa hay Huyền Quang khi xuất gia theo Trúc Lâm Đại đầu đà thì cũng học Tì Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, như các chú tiểu ngày nay tại các chùa Báo Quốc hay Từ Hiếu!
Nguyễn Du cho Kiều tự xuống tóc, tự xuất gia, cho thọ tam quy ngũ giới mà chẳng có thấy Tăng truyền; vấn đề như vậy cần phải được nghiên cứu cẩn thận, vì liên quan đến sinh hoạt Tăng già và cư sĩ thời Nguyễn Du. Chúng ta cũng biết rằng trước đó Ngô Thời Nhiệm và một bộ phận lớn các đại thần của vua Quang Trung cũng theo Ngô Thời Nhiệm làm sư, mà không nói gì đến thọ sa-di hay tỳ kheo. Ngô Thời Nhiệm nhận là Tổ thứ tư của Thiền phái Trúc lâm.
Cho nên, hình ảnh Phật giáo mà ta thấy hôm này, với trật tự Tăng già, tổ chức sinh hoạt tu tập cho các Phật tử, không phải tự nhiên một sớm một chiều, cũng không phải được truyền thừa y như vậy, liên tục từ đời xa xưa cho đến ngày nay.
Có một giai đoạn vận động phục hưng Phật giáo, trong đó thật đã trải qua không biết bao nhiêu khổ nhọc, thậm chí không chỉ nước mắt mà cả máu cũng phải đổ. Đọc quyển Năm Mươi Năm Chấn Hưng Phật Giáo của Cố Trưởng Lão Thích Thiện Hoa, nguyên Viện trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, để thấy rõ những đoạn đường gian khổ mà các bậc Tôn Túc trong Tăng già, cùng với các Cư sĩ, các vị đã trải qua như thế nào.
Trong số những bậc Tôn Túc ấy, hiển hiện hình bóng của Trưởng Lão Thích Trí Thủ, cùng với các vị khác nữa, như Thừa Thiên Huế có Ngài Đôn Hậu, chùa Linh Mụ; ngoài Bắc có Sư Cụ Bình Minh, trong Nam có Trưởng lão Thiện Hòa, Trưởng lãoHành Trụ; những vị đã dày công bồi dưỡng, hoằng truyền Luật tạng.
Học, nghiên cứu Luật, hành trì Luật, và hoằng truyền Luật, thật không đơn giản, không dễ dàng. Tất nhiên cái học và cái hành nào cũng có chỗ khó; với Luật, cũng có những khó khăn riêng.
Trước hết, Phật giáo khởi nguyên từ Ấn Độ. Tăng già và các quy tắc sinh hoạt của Tăng già tất cũng chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán, và cả đến tín ngưỡng đặc thù, của xã hội và dân tộc, chủng tộc khác nhau tại Ấn Độ. Một điều như “khẩn thổ quật địa”, trong tín ngưỡng nhân gian của Ấn Độ thời cổ, tại địa phương mà điều luật ấy được chấp hành, điều này được hiểu rất đơn giản. Cao hơn nữa, ngày nay người ta có thể hiểu nó qua ảnh hưởng sinh thái học. Nhưng đối với truyền thống Trung quốc thì điều đó hơi khó hiểu, và cũng khó thực hành. Hàn Dũ, khi đề nghị dẹp bỏ Phật giáo, trong đó có lý do nói đến cộng đồng Tăng lữ, là “bọn không cày mà có cơm ăn; không dệt mà có áo bận”. Cộng đồng ấy chỉ là bọn ăn bám, gây hại cho xã hội. Thành ra, châm ngôn sống Thiền của Ngài Bách Trượng: “nhất nhật bất tác nhất nhật bất thực” có một giá trị xã hội rất lớn đối với Phật giáo tại Trung quốc; nhưng tại các nước Nam phương như Thái Lan hay Tích Lan, châm ngôn đó không áp dụng cho Tăng lữ được, vì nó trái với tinh thần Luật của Phật chế. Nhưng Trung quốc lại là một xã hội thượng tôn pháp luật, có xu hương thủ cựu. Danh từ “pháp của Tiên vương” thường thấy được nhắc nhở rất nhiều trong sử, khi các triều thần muốn can gián vua chúa một điều gì. Với tinh thần đó, thì những gì được xem là Phật chế, được truyền từ Ấn Độ sang, không ai được phép sửa đổi. Người ta thấy Tổ Bách Trượng chỉ dám viết Bách Trượng Thanh Quy, đề nghị những quy tắc sinh hoạt cho Thiền môn thích hợp với xã hội Trung quốc, chứ Ngài không hề dám sửa một điều gì trong Luật được truyền lại do Phật chế, truyền từ Ấn Độ sang. Những gì không thực hành được, các Ngài tự cho là vì “khứ Thánh thời diêu, Phật pháp sinh sơ, nhân đa giải đãi..” Vì thế không hành nổi. Nhưng vì phương tiện độ sinh, có thể hạ thấp xuống cho hợp căn cơ thời đại. Như vậy có nghĩa là hành trì từ thấp lên cao, chứ không phái kéo giới luật Phật chế xuống ngang tầm thời đại, cho hợp khẩu vị thời đại.
Thủa trước, có một vị Thiền sư nhận thấy những điều trong giới bổn tỳ kheo không còn thích hợp bèn sửa đổi. Thiền sư hỏi ý kiến học trò của mình, như để thăm dò căn cơ thời đại cho thích hợp. Nhưng gặp phải người học trò thủ cựu, hỏi lại Thầy: “Giới luật Phật chế, sao Thầy dám tự tiện sửa?” Thầy đáp: “Không giữ được, thì nên sửa. Chứ để như vậy mà làm gì?” Người học trò tỏ thái độ: “Thầy giữ không được thì mặc kệ Thầy. Ai giữ được, để người ta giữ. Sao Thầy lại tự tiện sửa?”
Cả hai tinh thần, vừa thượng tôn pháp luật, vừa thủ cựu tuân theo cựu chế của tiền nhân, cả hai khiến cho vấn đề nghiên cứu luật tại Trung quốc rất phức tạp. Ngày nay, sự hành trì luật của nước ta cũng chỉ phỏng theo các tông truyền luật của Trung quốc, nên khó khăn lại càng gấp bội. Thế nhưng, như một xã hội tồn tại được ổn định do bởi luật pháp trong sáng, được giải thích chính xác, và được áp dụng hợp tình hợp lý. Phật giáo để cho được tồn tại và phát triển, những đệ tử của Phật không thể chỉ nói, “tôi cốt tu tâm; còn giới luật là phụ.” Vì sự tu tập của mỗi người có những quan hệ ảnh hưởng đến nhiều người khác. Trong mười mục đích Phật chế luật có nói: “vì mục đích khiến cho người chưa tin Phật thì được tin; người đã tin thì tín tâm càng tăng trưởng.”
Tại Trung quốc, khi Ngài Thái Hư bắt đầu vận động cải cách Phật giáo, nổi bật với ba mục tiêu cách mạng: “Cách mạng giáo lý. Cách mạng giáo chế. Cách mạng giáo sản.” Trong đó mục tiêu cách mạng giáo chế nhắm đến cải cách tinh thần bại hoạicủa lớp Tăng lữ đương thời. Ngài tự nêu lên hai câu làm châm ngôn lý tưởng: “Hành tại Du-già Bồ Tát giới bổn. Chí tại chỉnh lý Tăng già chế độ.”
Về tình trạng Tăng lữ thời đó, có thể dẫn lời của Pháp Sư Tục Minh (1918 – 1966), viết trong Giới Học Khái Thuyết: “Cho đến thời đại gần đây, chế độ tòng lâm thời trước bị phế bỏ không hành nữa. Nghi thức thọ giới thì cũng chỉ như đem dê đi cúng thần. Phẩm hạnh của Tăng nhân do đó mà xuống thấp. Phật giáo suy bại đến cực điểm, suy cho ra nguyên nhân, thì là do bởibỏ phế việc học giới…”
Tình trạng nước ta có vậy hay không, để các vị cao Tăng đại đức, ẩn cư trong núi rừng vắng vẻ, bỗng đứng ra “gánh vác việc đời”. Nhưng thực tế có thể biết chắc là các vị Tôn Túc hàng đầu trong công cuộc vận động chấn hưng Phật giáo Việt Namchịu ảnh hưởng của Ngài Thái Hư không phải ít. Động lực chính của công cuộc chấn hưng, theo như lời Trưởng Lão Thiện Hoa nói trong Năm Mươi Năm Chấn Hưng Phật Giáo:
“Gần 100 năm về trước, quê hương Tổ quốc của chúng ta bị người Pháp đô hộ, Dân tộc ta và những gì mang nặng dân-tộc tính, có tinh thần quốc gia đều bị thực dân Pháp bóp chẹt. Phật-giáo Việt-Nam nằm trong tình trạng ấy.
Nhưng không hẹn mà nên, 50 năm về trước, các vị Tiền Bối cùng nằm trong một thời kỳ, cùng trong một hạnh nguyện, đã khởi xướng và đẩy mạnh Phong trào Chấn Hưng Phật-giáo Việt-Nam.”
Việc Phật giáo bấy giờ bị “thực dân bóp chẹt” không phải chỉ là cách nói suông. Sự thực lịch sử vẫn còn đó: chùa Khải Tường trong Nam, được dựng bởi vua Minh Mạng; tháp Báo Thiên ngoài Bắc, được dựng bởi vua Lý Thánh Tông, không phải tự nhiên biến mất, để rồi tình cờ sau đó xuất hiện Vương Cung Thánh Đường, và Nhà thờ Chúa Giuse.
Dẫu sao, đó cũng chỉ là ma chướng bên ngoài. Chính ma chướng bên trong mới đáng nói. Chúng ta hiện không có nhiều sử liệu từ phía nhà chùa để biết tình hình sinh hoạt Tăng lữ thời ấy ra sao, trước khi phong trào chấn hưng phát khởi. Tuy vậy, qua ca dao tục ngữ, vẫn biết một phần. Chỉ có điều, khó xác định thời đại của những câu châm biếm nhà chùa này.
Xã hội Việt Nam trong buổi giao thời, một đằng nếp sinh hoạt tinh thần đạo đức truyền thống bị suy thoái trầm trọng dưới sức ép tiến bộ vật chất của phương Tây. Như nhà thơ Trần Tế Xương đã phải cất tiếng than: “Văn minh Đông Á trời thu sạch. Này lúc cang thường đảo lộn ru?” Trong thơ của ông cũng không hiếm bài châm biếm nhà chùa: “công đức tu hành sư có lọng”. Tuy nhiên, chưa thấy ở đâu mô tả tình trạng bại hoại đến độ như lời tâu của Đàm Dĩ Mông đề nghị vua Trần Thánh Tông sa thải Tăng đồ (Việt Sử Lược, dẫn bởi Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông): “Nay Tăng đồ cùng với dịch phu quá nửa, bọn chúng tự kết bè đảng, dựng bậy thầy trò, tụ nhóm, ở bầy, làm nhiều việc dơ, hoặc ở giới trường tinh xá, hoặc ngang nhiên rượu thịt, hoặc tại thiền phòng tịnh viện, riêng tự gian dâm, ngày ẩn tối ra, như đàn cáo chuột. Chúng làm mất tục hư đạo, dần dần thành thói. Việc đó không cấm, để lâu càng tệ thêm.” Thường thì người ta hay khoa đại hoặc cường điệu cho vấn đề bi đát, với mục đích thuyết phục người khác nghe theo ý mình. Như chuyện Cụ Nguyễn Hiến Lê sau đọc một quyển tiểu thuyết mô tả tình trạng dân nghèo bị áp bức ở quê miền Bắc, nói rằng, chuyện áp bức thì tất nhiên là có rồi, nhưng đến mức như chuyện kể, thì Cụ sống ở Bắc cho đến lớn, biết rất nhiều chuyện các làng, chưa nghe nói đâu ác đến như thế. Cho nên cũng không thể căn cứ vào chuyện ông Đàm Dĩ Mông để đánh giá sinh hoạt của giới Tăng lữ dưới thời vua Lý Cao Tông được.
Nói vắn tắt, động cơ chính trong việc chấn hưng Phật giáo, như Ngài Trưởng lão Thiện Hoa nói rõ.
Trong bài “Tự ngôn” cho bản dịch Việt Luật Tứ phần của Hòa thượng Đỗng Minh, có đoạn viết: “Thế hệ thứ nhất trong phả hệ truyền thừa Luật tạng của Tăng già Việt Nam thời trùng hưng hiện đại bao gồm bóng mờ của nhiều bậc Thượng tôn Trưởng lão, uy nghi đĩnh đạc nhưng khó hình dung rõ nét đối với các thế hệ tiếp bước theo sau. Các Ngài xứng đáng là bậc Long Tượng chốn tòng lâm, mà đời sống phạm hạnh nghiêm túc, phản chiếu giới đức sáng ngời, tịnh như băng tuyết, mãi mãi ghi dấu trên các nẻo đường hành cước, tham phương, hoằng truyền Chánh pháp.”
Thế hệ thứ nhất được nói đó, trong Nam, là các Trưởng lão Hành Trụ và Thiện Hòa, ngoài Trung có Trưởng lão Đôn Hậu và Trí Thủ. Ngoài Bắc, tôi chỉ biết được Trưởng lão Bình Minh qua bản dịch Yết-Ma Chỉ Nam mà thôi. Tuy nhiên, qua các câu chuyện kể của Trưởng lão Đức Nhuận, chùa Giác minh Saigon, tôi biết thêm một ít về Tổ Tuệ Tạng, mà truyền thừa trực tiếp về luật là Ngài Bình Minh miền Bắc và Ngài Thiện Hòa miền Nam. Tổ là một trong các bậc Tôn Túc hàng đầu khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo.
Sự xưng tán đệ nhất hay đệ nhị ở đây tùy thuộc nhận thức chủ quan, trong ý tưởng đánh dấu khúc quanh chuyển mình của lịch sử Phật giáo Việt Nam, trong đó sự chấn chỉnh chế độ Tăng già, hoằng truyền Luật tạng là một thạch trụ vững chắc. Việc trì luật và truyền luật là mạng mạch liên tục của sự tồn tại Chánh pháp, nên khó có thể cắt từng giai đoạn theo thời đại. Tuy nhiên, để có thể dễ dàng nhận thức những gì đang chuyển biến và nhiều khi có khả năng biến dạng của truyền thống Tăng già, nên sự phân chia mốc lịch sử và thời đại mang tính chủ quan trong phạm vi ước lệ cũng là điều cần thiết.
Các thế hệ trước, vấn đề trì luật và truyền luật như thế nào, tình trạng Việt Nam không giống ở Trung quốc, không được ghi chép đầy đủ, dù ở mức tương đối. Vị truyền luật gần nhất trong lịch sử có thể biết được, đó là Tổ Pháp Chuyên, bổn sư của Ngài Toàn Nhật, dưới thời Tây Sơn. Nếu đi lần lên cho đến Ngài Khương Tăng Hội để biết buổi sơ khai luật đã được truyền và trì như thế nào trên đất Việt, để biết rõ hình thức tổ chức Phật giáo đã tồn tại như thế nào, vấn đề quá lớn so với bài viết này, nên không thể nói bâng quơ được.
Tuy nhiên, điều không thể không lưu ý là tính chất chính thống trong lịch sử truyền luật. Nghĩa là Tăng già mà các thành viên là tỳ kheo trực tiếp truyền thừa liên tục không đứt đoạn kể từ sau Phật nhập Niết-Nàn, dù sau đó theo bước chân hoằng hóa của các Thánh tăng Phật giáo đã lưu truyền gần khắp châu Á, từ phía Tây với Iran, cho đến viễn Đông với Nhật bản.
Trong lịch sử truyền thừa tại Trung quốc, tuy truyền thuyết bắt đầu từ Ma-Đằng và Trúc Pháp-Lan, từ đó nhiều người theo Phật, nhưng chỉ thọ trì tam quy ngũ giới. Cũng có người cạo tóc, khoác mạn y, song không ai trong đó thọ đại giới. Vì theo luật Phật chế, nếu nơi biên địa, cho phép túc số Tăng năm tỳ kheo truyền giới cụ túc. Lúc bấy giờ tại Trung quốc, các sa-môn nước ngoài, từ Tây vực, hay từ Ấn Độ trực tiếp đến, không khi nào hội đủ túc số năm tỳ kheo. Cho đến vào thời Tào Ngụy, trong khoảng Gia Bình (Tây lịch 249-253), bấy giờ có Đàm-Ma-Ca-La (Dharrmakāla) từ Thiên Trúc đến Lạc Dương, dịch luật Tăng Kỳ Giới Tâm, sau đó lại có sa-môn Đàm-Đế người An Tức đến trụ tại chùa Bạch Mã dịch Đàm-Vô-Đức Yết-Ma. Từ đó ởTrung quốc mới có sự truyền giới tỳ kheo theo túc số thập sư.
Về Ni giới cũng vậy. Cho đến đời Tấn, niên hiệu Thăng Bình (357), sa-môn Đàm-Ma-Kiết-Đa lập giới đàn truyền giới tỳ kheo Nicho Tịnh Kiểm và bốn cô nữa. Đây được kể là tỳ kheo Ni đầu tiên tại Trung quốc, nhưng không đủ nhị bộ tăng, mà trực tiếp tuyển từ tỳ kheo Tăng. Vấn đề đã được thảo luận, nhưng vì bấy giờ Trung quốc chưa có ni thì không thể đủ hai bộ để truyền như luật định. Đàm-Ma-Kiết-Đa cho rằng giới từ Đại Tăng mà có, nay Đại Tăng đủ số thì có thể truyền.
Sau đó, vào năm Nguyên Gia 6 (429), có sa-môn Cầu-Na-Bạt-Ma (Guavarma) đến Trung quốc, ni cô Huệ Quả đem vấn đề thọ giới đắc pháp ra hỏi, Ngài trả lời: không đắc, vì không đủ nhị bộ tăng. Lúc bấy giờ tại Trung quốc có 8 vị tỳ kheo Ni từ Tích Lan sang, nhưng Cầu-Na cho là chưa đủ số thập sư nên chưa chịu tổ chức giới đàn. Theo lời khẩn cầu của các ni cô bấy giờ, Cầu-Na-Bạt-Ma cử người sang đảo Sư Tử, tức Tích-Lan ngày nay, thỉnh thêm cho đủ Thập ni để truyền giới. Về sau, có thêm Thượng tọa ni Thiết-Sách-La cũng bốn vị nữa từ đảo Sư Tử sang, nhưng bấy giờ Cầu-Na-Bạt-Ma đã tịch. Giới đàn khi ấy do Tăng-Già-Bạt-Ma tổ chức, đủ hai bộ tăng túc số truyền giới tỳ kheo Ni. Đây gọi là chính thức tỳ kheo Ni như pháp được truyền thọ tại Trung quốc.
Điều này cho thấy vấn đề truyền giới, tuy chỉ nói là hình thức, nhưng rất hệ trọng nên các Tổ rất thận trọng. Vì mạng mạch Tăng già phải được kế thừa liên tục, như ngon đèn tiếp nối, không thể ở đâu đó một nhóm người nổi lên, tự lập thành chúng, tự thọ giới và tự nhận là Tăng già đệ tử Phật. Vấn đề cũng cho thấy sự nhiêu khê trong những ngày đầu truyền giáo và truyền luật. Ngay tại thời Phật, chúng ta cũng biết rằng sau khi đức Phật quy định 2 năm học giới trước khi thọ tỳ kheo Ni, nhiều vị ni đã thắc mắc về sự đắc giới của Đức Bà Kiều-Dàm-Di cùng với năm trăm Xá-di, vì trước đó các vị này thành tỳ-kheo Ni mà không có ai trải qua 2 năm học giới. Đức Bà phải lên thỉnh ý A-Nan. A-Nan lại phải một phen bạch lên Phật. Phật nói, tỳ kheo Ni đầu tiên đắc giới bằng Bát Kỉnh Pháp. Từ đó về sau, phải trải qua 2 năm học giới.
Câu chuyên tương tự cũng xảy ra tại Việt Nam. Mấy chục năm trước, có một vị Ni sư trưởng, nay đã tịch, nhân luận về giới pháp ni, bà nói nói tôi: “Sau này học luật, chúng tôi mới biết. Nhưng trước đó chúng tôi thọ tỳ-kheo-Ni mà không ai trải qua 2 năm học giới. Không biết có đắc giới hay không?” Tôi cũng không biết nên nghĩ thế nào, đắc hay không đắc. Nhưng Ni chúngdưới sự dạy dỗ của các vị Ni sư trưởng này đã đều trở thành các vị tỳ kheo Ni mà giới phẩm tuyệt vời, được mọi người kính trọng. Cho nên không ai dám “y Kinh giải nghĩa”, để mang tội là “tam thế Phật oan.”
Đấy là điểm khó khăn và cân nhắc mà các Tổ truyền luật phải thận trọng, chúng ta cũng hiểu những khó khăn của buổi đầu khai đạo. Vận dụng thế nào để mạng mạch truyền thừa như ngọn đèn tiếp sáng liên tục, gọi là “truyền đăng tục diệm”. Đó là sự vận dụng trí não sao cho khế lý và khế cơ, thật không đơn giản.
Trong nhiều lúc giảng luận về Luật tạng, Hòa thượng Trí Thủ thường kể cho nghe nhiều chuyện xảy ra trong thực tế tương tự, mà các Ngài nhiều khi thảo luận cả mấy tháng trời vẫn không dứt khoát. Khó khăn một phần vì tư liệu. Do tình trạng đất nước nghèo khó, và Tăng già sơn môn thường xuyên sinh hoạt trong sự túng thiếu, nên khó có đủ điều kiện để có được một bộ Đại Tạng Kinh như ngày nay, mà đa số các Chùa đều có thỉnh về để thờ. Có được bộ luật Trùng trị Trí Húc, hay bộ Tứ Phần như thích thì thật là quý giá vô cùng đối với vị thích nghiên cứu Luật. Khó khăn này tuy vậy không phải là quá khó. Điều khó khăn khó đả thông, là vấn đề phong tục dị biệt. Vì Luật tạng được kết tập tại Ấn Độ, mà ngay tại Trung hoa, với sự nghiên cứu và hành trì sâu rộng thế mà nhiều chỗ còn không đả thông được. Huống chi việc học luật của nước ta sau này chỉ có chỗ dựa duy nhất là các bộ Luật được truyền dịch, và sớ giải, tại Trung quốc. Một vấn đề thực tế đã xảy ra, theo kể lại của Hòa thượng.
Tại Huế, lúc bấy giờ có một mệnh phụ, chồng chết, mãn tang rồi, xin xuất gia. Chư sơn thảo luận, khi nào thì cho thọ tỳ kheo Ni? Nguyên trong Luật Tứ phần, theo Hán văn, có quy định: “đồng nữ thập bất, tầng giá thập nhị, các nhị tuế học giới.” Nếu theo giải thích của Yết-Ma Chỉ Nam, câu này có thể hiểu là: thiếu nữ chưa chồng, đúng 18 tuổi; phụ nữ đã có chồng, sau 12 năm chồng chết; thêm 2 năm học giới sau đó cho thọ tỳ kheo Ni. Theo đó, thiếu nữ chưa chồng, tuổi tối thiểu để thọ tỳ kheo Ni là 20. Đã có chồng thì tính từ ngày chồng chết phải 12 năm sau mới cho thọ. Các vị thảo luận, theo cách hiểu như vậy có điều không phù hợp thực tế. Thực sự, đây là vấn đề nhạy cảm. Vì trước sự nhiệt thành, với nhất là với sự hiểu Đạo sâu sắc của bà mà chư Tôn Túc xác nhận, để chờ 12 năm nữa thì thiệt thòi cho ni chúng; mà cũng bởi định luật vô thường, thế thì cũng tội cho người nữ nhiệt tâm vì Đạo. Nhưng chữ nghĩa như vậy, giải thích sao đây? Tất nhiên, có vị đã không tin là Luật sư Chiêu Minh, tác giả Yết-Ma Chỉ Nam, giải thích đúng Luật Phật. Tăng quyết định thế nào thì tôi quên mất. Nhưng theo lời Hòa thượng, ý kiến Hòa thượng lúc bấy giờ là cho thọ sa-di-ni rồi cho thọ thức-xoa ngay, để 2 năm sau bà thọ tỳ kheo Ni cho kịp thời.
Sau đó Hòa thượng dạy tôi về lục xem trong Luật tạng Pāli, điều này được nói như thế nào. Tôi đọc kỹ luật Pāli đoạn liên hệ, lại tham khảo các bản dịch Anh. Các bản này đều có chú thích, nêu ý kiến người dịch. Tôi cũng tìm thêm các tài liệu trực tiếp từ các bộ luật khác, ngoài luật Tứ Phần. Sau đó, trình lên Hòa thượng. Đây là những buổi học luật của tôi với Hòa thượng, cùng với sự tham dự của Hòa thượng Đỗng Minh. Tôi dẫn tài liệu, nêu ý kiến của mình. Vấn đề này liên hệ đến tục tảo hôn của Ấn Độ. Nhân duyên được ghi rõ trong luật Tăng-kỳ thế này: Sau khi dòng họ Thích bị tàn sát, Đức Bà Kiều-Đàm dẫn các Xá-di, đều là con cháu của các Ni trưởng trong vương tộc, về ngụ trong tinh xá ni để bảo dưỡng. Phần lớn là bé gái, tuổi chừng 12 trở lên. Theo luật, tỳ kheo và tỳ kheo Ni không được đem vật thực của tăng mà phân chia cho cư sĩ. Các cô bé này đều là cư sĩ, mà số lại rất đông, do không được mang vật thực của Tăng phân chia cho, nên rất chật vật cho Đức Bà, và cùng các tỳ kheo dòng họ Thích đã xuất gia trước đó theo Đức bà. Vấn đề được trình lên Đức Phật để thỉnh cầu chỉ giáo. Nếu các cô bé này được cho thọ tỳ kheo Ni, họ hợp pháp được tăng phân chia lợi dưỡng, thế thì các Bà không phải tự khất thực vất vả để nuôi con cháu nhỏ dại của mình. Đức Phật nhìn các cô bé, bảo rằng: “Còn nhỏ quá.” Nghĩa là con nít quá, làm sao kham nổi giới pháp tỳ kheo Ni? Các cô bạch Phật: “Chúng con đã từng làm vợ, đã từng chịu đựng hầu hạ chồng và mẹ chồng. Thế thì việc kham nhẫn giới tỳ kheo Ni, chắc là làm được.” Đây là gốc bởi tục tảo hôn. Con gái chừng 8 tuổi đã có thể được gả chồng. Thời tục cổ, nước nào cũng thế, do trọng nam khinh nữ, thân phận phụ nữ, không kể lớn nhỏ, thường xuyên bị áp bức, nhất là làm dâu. Bất cứ làm dâu khi mấy tuổi. Hầu hạ chồng, mẹ chồng, có thể cả nhà chồng. Sức chịu đựng không phải tầm thường. Vì thế, sau khi nghe các cô bé thỉnh nguyện, Đức Phật quy định, mà văn Hán dịch như đã dẫn. Tuy nhiên, con số chính xác về tuổi, các luật không thống nhất. Như Tứ Phần dẫn trên, nhỏ nhất là 12 tuổi thọ thức-xoa, vậy 14 tuổi là cô tỳ kheo Ni bé bỏng nhất. Nhưng có luật quy định, tuổi thọ thức-xoa thấp nhất là 14. Đây cũng là do phong tục quy định tuổi hôn nhân của mỗi địa phương.
Hòa thượng tán thành quan điểm, cho rằng ý Ngài trước đây cũng nghĩ vậy, nhưng không có đầy đủ minh văn để làm bằng. Duy có điều, ở nước ta, dù một thời cũng có tục tảo hôn, nhưng cô tỳ kheo Ni 14 tuổi thì con nít quá, khó chấp nhận.
Một lần khác, Hòa thương nói với tôi: vừa rồi có Sư bà nhiếp chúng ở một Ni viện đến trình Hòa thượng về việc ni chúng ở đó định tác pháp Yết-Ma tẩn xuất một cô tỳ kheo Ni do tội ăn căp tiền, có bằng chứng. Số tiền đâu khoảng vài trăm, cũng đồng như vài chục ngàn bây giờ. Hòa thượng dạy: ăn cắp chừng đó, đâu nhiều gì, mà sao xử nặng thế? Sư bà thưa: Ni chúng thảo luận, vì luật chế, ăn cắp năm tiền trở lên là bị diệt tẩn. Hòa thượng dạy, số tiền ấy là quy định mức tội theo mỗi nước, thời Phật tại thế. Chỉ khi nào ngang mức tử hình, mới gọi là thành tội diệt tẩn. Hòa thượng không cho phép chư ni tác pháp diệt tẩn đối với cô ây, mà chỉ bắt tác pháp sám hối đúng theo luật quy định. May mà Ni chúng bấy giờ không xử trị oan khuất một người.
Vấn đề này sau đó cũng được thảo luận trở lại với sự tham dự của Hòa thượng Đỗng Minh. Theo lời Hòa thượng dạy, tôi lại sao lục các tài liệu liên quan về quy định mức tội ăn cắp. Với các tài liệu tôi trình, nghe xong, Hòa thượng Đỗng Minh nêu ý kiến: Nếu xét 5 tiền là mức tử hình để định tội diệt tẩn, chắc thực tế khó có trường hợp diệt tẩn xảy ra. Ngoài đời, ngay cả trong thời vua chúa, chỉ khi ăn cướp có giết người, hay trộm đồ tế khí trong tông miếu, mới bị tử hình. Nếu đối chiếu theo mức định tội như luật ngoài đời hiện nay: thấp nhất là tội phạt vi cảnh. Kế nữa là tội xử theo mức tiểu hình. Cao nhất là mức của tòa đại hình. Tội ăn cắp, nếu tương đương mức xử đại hình thì bị diệt tẩn.
Hòa thượng đồng ý quan điểm giải thích này.
Đại loại các buổi học luật và thảo luận luật như vậy liên tục suốt trong ba năm, với Hòa thượng chủ trì, Hòa thượng Đỗng Minh nêu ý kiến về đề nghị những giải thích. Phần tôi thì ghi chép tổng hợp. Kết quả tập hợp thành bộ Tứ Phần Hiệp Chú, mà tên gọi đầy đủ là Đàm-Vô-Đức bộ Tứ Phần Luật Tỳ Kheo Giới Bổn Hiệp Chú. Đó là công trình tâm huyết một đời của Hòa thượng để lại.
Người học luật mà không hành trì, khó mà hiểu hết những điều được học có nghĩa lý gì. Trì luật, không phải chỉ sống thanh bạch một mình trên núi rừng với nai với khỉ, độc thiện kỳ thân. Luật, được Phật chế, với mục đích nhiếp tăng. Vị chưa từng sống nhiều năm trong tăng, chưa từng xử lý việc tăng, cũng khó mà hiểu hết giá trị những điều luật.
Thủa đời Tùy bên Trung quốc, có Luật sư Hồng chuyên giảng Tứ phần. Pháp sư Tăng Hưu nghe giảng có đến hơn 30 lần, rồi nói với đồ chúng: “Tôi dự nghe cũng nhiều. Về kinh luận, nghe qua một lần có thể hiểu hết. Nhưng về luật, càng nghe càng mờ mịt. Thế nên biết, lý thì có thể hư cấu, mà sự thì khó bề thông hội.” Bởi vì, về lý thì có thể hiểu suông, suy diễn thế nào cũng được. Cứ xem các triết gia tranh luận ráo riết với nhau từ thế kỷ này sang thế kỷ khác không bao giờ dứt, thì đủ biết. Nhưng về sự, nếu không đi vào thực tế, thì không thể thông được. Khi dẫn chuyện này, Hành sự sao Tư Trì Ký còn chua thêm: Vẽ quỷ vẽ ma thì dễ đẹp, nhưng vẽ chó vẽ ngựa thì khó mà giống cho được. Nói vậy, vẫn có nhiều trường hợp ông thầy vẽ vời nhiều chuyện, gọi là chế tác hay canh cải đúng theo tinh thần luật, rồi truyền trò, lâu đời thành nếp, khó sửa. Một người học Luật tốt nghiệp, lâu bao nhiêu năm chưa biết, nhưng có thể nổi tiếng. Tuy thế, ông chưa bao giờ ngồi ghế chánh án, hay bồi thẩm, cũng chưa giờ làm luật sư biện hộ cho ai; bất chợt ông được giao cho biên soạn bộ luật hình sự. Bộ luật ấy nếu áp dụng cho các tòa xét xử, chắc có nhiều chết oan mạng. Luật Phật hướng đến giải thoát. Người chưa giải thoát, còn đầy dẫy tham sân, may mà không gặp cơ hội để phát tác, tự bản thân đã chưa thể giải thoát, làm sao có thể đặt luật cho người khác hành trì! Hòa thượng thường hay nhắc nhở: “Ở đời đi dạy học, nếu dạy sai một vài bài toán, thì khổ lắm cũng chỉ trong một đời người thôi. Nhưng hướng dẫn người sai lạc, khiến người ta muôn kiếp đọa lạc, thì tội của mình không phải là nhỏ. Làm Thầy độ người, phải cẩn thận.” Trong suốt đời chuyên trách giáo dục đào tạo tăng tài, Hòa thượng cũng đã bao che cho nhiều học tăng phạm kỷ luật, theo lẽ phải bị trục xuất. Những vị ấy về sau lại trở nên tinh tấn, giới hạnh thanh khiết. Hòa thượng nói, giới luật để uốn nắn người xấu thành người tốt, chứ không phải chỉ để trừng trị.
Tuổi trẻ tất có những ngông cuồng, nhiều khi vượt quá quy luật. Nhân một hôm không có giờ dạy, tôi về chùa hầu Hòa thượng. Tối hôm đó, lúc tôi đang ngồi hầu chuyện Hòa thượng thì hai ông bà Ngô Trọng Anh cũng đến thăm. Sau một hồi chuyện trò, Bà Ngô bạch:
“Bạch Hòa thượng, con biết có mấy chú trong chùa trốn đi vô quán. Buổi đó trời mưa, con nhìn xuống thấy hai ống quần, biết mấy chú này trùm áo mưa đi quán.”
Hòa thượng không nói gì. Ông Anh lên tiếng:
“Bà này thật nhiều chuyện. Người ta đã sợ, nên phải lén che rồi, mà bà còn mách.”
Hòa thượng cũng không nói gì. Nhưng kể nhiều chuyện vui khác. Một lúc sau, lại kể chuyện xưa, thời Hòa thượng còn niên thiếu. Nói là niên thiếu, lúc bấy giờ cũng khoảng 40, hay nhiều hơn, lại thuộc hàng lãnh đạo Phật giáo Trung phần. Nhân một buổi được Hội Phật giáo phân công tác vào Bình Định giải quyết một số vấn đề Phật sự. Cùng đi là Ngài Mật Nguyện. Hai vị đến Qui nhơn, giải quyết xong Phật sự, bèn bàn riêng. Bình Định nổi tiếng là quê hương của hát bội. Các Ngài tán thưởng hát bội vì điệu bộ nghệ thuật, lại thêm văn chương thâm thúy. Nhân dịp này, nếu bỏ qua không thưởng thức thì cũng uổng. Nhưng trong cương vị lãnh đạo tinh thần đối với tăng ni và Phật tử ở đây, làm sao có thể đường đột mà đi. Hai vị bèn quấn khăn lên đầu, chỉ cốt không ra vẻ trang trọng để người đời không lưu ý thôi, chứ vẫn khoác y phục nhà chùa thì đi đâu cũng được nhận ra là ông Thầy. Nhưng hai vị tin rằng ở Bình định không mấy ai biết mặt mình.
Khi vào rạp, đang tìm chỗ ngồi, chẳng may gặp phải quan Tuần phủ cũng vừa đi đến. Ông quan này trước ở Kinh thành, lại là hàng văn nho tao nhã, nên cũng rất thân với Hòa thượng Trí Thủ. Bất chợt như người “đào trái tha hương ngộ tri cố”, kẻ trốn nợ đi tha phương mà ở đó lại còn gặp cố tri nhìn ra mặt, thật là không may. Trong khi chưa biết tránh đi đâu, thì ông quan vồn vã bước đến chào hỏi:
“Ủa, chớ hai Thầy, vô khi mô? đi mần chi trong ni? Nhân tiện, mời hai Thầy lên ngồi với tui.”
Hóa ra, là khách quý bất đắc dĩ, hai vị theo ông quan Tuần phủ lên ngồi hàng ghế danh dự trong rạp hát. Nghe xong câu chuyên, ông Ngô Trọng Anh phát cười, rất tâm đắc. Ông hiểu ý Hòa thượng muốn nói gì.
Những chuyện tương tự như vậy lớn có nhỏ có, chuyện tầm thường có, mà chuyện tày trời cũng có, đã xảy ra suốt cuộc đời của trì luật và truyền luật của Hòa thượng, cần phải có những phán đoán và quyết định, để giúp những người lỡ sa ngã còn có thể đứng dậy để tiếp tục cho đến cuối con đường Đạo của mình. Ở đây tôi chỉ có thể kể vài câu chuyện mà tự thân may mắn được nghe, được biết, để tưởng nhớ công hạnh một đời truyền luật. Không truyền luật như vị giáo thọ ngồi trên bục giảng, mà truyền dạy ngay trong thực tế sinh hoạt hằng ngày.
Nghiêm khắc, nhưng luôn luôn sẵn sàng tha thứ, để uốn nắn dần. Điều này đơn giản, nhưng trong thực tế, đâu tình, đâu lý; sự quyết đoán không phải dễ. Luật để nâng đỡ những tâm hồn yếu đuối, không phải để dẫm đạp những người đã té ngã, khiến cho vĩnh viễn đọa lạc. Cho nên, khi tôn giả Bạt-Đà-Lị hỏi Phật vì sao có trường hợp cùng phạm giới ngang nhau nhưng vị này được tăng xử trị nhẹ nhàng, trong khi vị khác bị xử trị rất nặng? Phật bảo: như người có hai con mắt mà một con đã bị hư thì cần phải giữ gìn con kia cẩn thận. Cũng vậy, người yếu đuối nên dễ hay phạm giới. Do tinh thần yếu đuối, nếu xử trịnặng, người ấy bất kham có thể dẫn đến đọa lạc. Với người ý chí kiên cường, việc xử trị nặng là tôi luyện cho ý chí được bền chắc hơn.
Bên ngoài, nhìn vào luật, với nhiều cấm đoán khắt khe, chỉ thấy sự nghiêm khắc của luật, mà không thấy được tâm từ bi bao dung rộng lớn của luật.
Vào những ngày cuối đời, Hòa thượng càng lưu tâm tha thiết với sứ mệnh giáo dục tăng ni. Khi lần đầu tôi được thả ra khỏi trại giam, chưa trở về chùa ngay; Hòa thượng gọi tôi đến dạy: Một ngày không thể thiếu mặt trời. Tăng chúng cũng không thể một ngày thiếu tu, thiếu học. Và do vậy lớp học tại chùa Già Lam được Hòa thượng cưu mang ròng rã bốn năm. Thời gian không dài lắm, nhưng một thời thử thách, và chịu đựng, thời gian đó không phải ngắn. Tôi vẫn còn ngậm ngùi khi hồi tưởng lại những hôm, thức dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng, đang chuẩn bị cho buổi trà sớm xong, để lên Chánh điện lễ Phật. Bỗng thị giả bước vào thưa: Hòa thượng dậy lúc 2 giờ sáng, đợi Thầy sang uống trà. Tôi biết Hòa thượng thường thức cho đến 12 giờ khuya mới chỉ tịnh. Có thể suốt đêm Hòa thượng không ngủ. Tâm sự năm canh một bóng đèn.
Tết năm đó Hòa thượng về thăm Huế. Chùa Già-Lam, Thầy Trụ trì Đức Chơn cũng chuẩn bị đón Hòa thượng về chùa. Trước khi đưa xe ra sân ga đón Hòa thượng, Đạt Đạo đến nói với tôi: “Mấy hôm nay Thầy Trụ trì bận việc, quên không gởi thơ thỉnh Ôn vô. Các Thầy ngoài Báo Quốc bảo, coi chừng Ôn không về Già Lam. Ôn nói, chùa không ai cần đến Ôn nữa, thì thôi. Anh đi đón Ôn cho Ôn vui.”
Tôi vui vẻ theo Đạt Đạo đi đón Hòa thượng. Hòa thượng cũng vui vẻ về chùa, không thấy có gì lạ.
Nhưng đây không phải đơn giản là chuyện vui buồn, để Hòa thượng về chùa với Chúng hay không. Bên trong đó là tâm sự thiết tha của người luôn luôn muốn sống, và chỉ sống, vì ích lợi cho người, vì mọi người đang cần. Đời cần thì ta đến, đời không cần nữa thì ta đi. Có gì mà vui hay buồn trong đây? Cho nên, năm đó, Hòa thượng làm bài thơ này:
Sáu bảy xuân thu giữa cuộc đời
Buồn vui mừng giận khéo trêu người
Thân này đã hứa cùng non nước
Vinh nhục khen chê chỉ mỉm cười
Năm đó, là năm mà Hòa thượng bị đặt trước một quyết định sinh tử, không chỉ quyết định vinh nhục của bản thân, mà quyết định liên hệ đến vinh nhục, tồn vong của Đạo pháp. Đó là quyết định mà người xưa nói, hoặc “lưu phương thiên cổ”, hoặc “di xú vạn niên”.
Hành xử của bậc trượng phu xuất thế, bằng tâm lượng nhỏ nhoi của người thường, đủ thiếu vào đâu mà đàm tiếu, khen chê? Chi nhị trùng hà tri chi? Mượn lời Trang Tử để nói vậy: “Hai con sâu con ấy mà biết gì?” Làm sao hai con chim sẻ nhỏ kia mà biết được chí con đại bàng vỗ cánh trên bầu trời vạn dặm kia?
Chuyện Trang Tử, ví cho trượng phu chí lớn giữa đời. Nhưng với những bậc “xuất trần thượng sĩ”, thì ví von ấy chỉ để ví von cho thú vị tao nhã văn chương vậy thôi. 
Tuệ Sỹ
Theo https://hoavouu.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...