Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Biểu tượng miệng trong thơ Hàn Mặc Tử

Biểu tượng miệng trong thơ Hàn Mặc Tử
(Qua ba tập Gái quê, Đau thương và Xuân như ý)
1. Trong thơ Việt Nam hiện đại, nổi lên như một hiện tượng đặc biệt giữa những tên tuổi “còn mãi với thời gian”, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã đem đến cho người đọc một thế giới thơ rất riêng, không trộn lẫn. Ở đó, người đọc bị ám ảnh bởi cái tôi quằn quại, đau đớn, bật ra “tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú” trong “đau thương”, trong nỗi cô độc đến tột cùng của bệnh tật, của ái tình. Tiếp xúc với lầu thơ của thi sĩ họ Hàn, bạn đọc sẽ bắt gặp những hình ảnh lặp đi lặp lại với nội hàm mang nhiều tầng nghĩa. Đó là trăng, hồn, máu, miệng, chân, tay, … Trong đó, miệng được xem là một biểu tượng nổi bật và có nhiều ý nghĩa. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ xin trình bày về biểu tượng miệng qua ba tập thơ Gái quê, Đau thương (tức Thơ điên) và Xuân như ý – ba tập thơ được đánh giá là xuất sắc nhất trong đời thơ Hàn Mặc Tử.
2. Khảo sát trực tiếp văn bản, chúng tôi đã thống kê được số lần biểu tượng miệng xuất hiện là 16 lần trên tổng số 86 bài thơ. Có thể nói số lượng ấy là không nhiều, nếu ta đặt miệng trong sự đối sánh với các biểu tượng nổi bật khác trong thơ Hàn Mặc Tử như trăng (186 lần), hồn (71 lần), máu (22 lần), tay (21 lần). Tuy nhiên, nếu mở rộng khảo sát trường từ ngữ có mối quan hệ với miệng, chẳng hạn các động từ chỉ những hành động được khởi phát từ miệng (như cắn, hớp, đớp, nhai, mửa, khạc, …), hay các bộ phận cơ thể gắn với miệng(như môi, hàm răng, cuống họng, lưỡi…), sẽ thấy số lần xuất hiện của chúng tăng lên rất đáng kể. Đọc thơ Hàn Mặc Tử ta dễ dàng thấy được các trường từ ngữ này có độ “phủ sóng” khá dày trong các bài thơ (như Gái quê, Biển hồn ta, Quả dưa, Say nắng, Lưu luyến, Muôn năm sầu thảm,…).
Như vậy, để có thể mô tả và lý giải được một cách chính xác, khách quan về ý nghĩa và giá trị của biểu tượng miệng, không thể không đặt nó trong trường từ ngữ liên quan. Chúng tôi đã khảo sát tần số xuất hiện của các trường từ ngữ này như sau: Các bộ phận cơ thể gắn với miệng: môi (14 lần), hàm răng (6 lần), lưỡi (3 lần), cuống họng (1 lần); các động từ chỉ hành động xuất phát từ miệng: 
Cắn (11 lần), ngậm (7 lần), hớp (6 lần), nuốt (5 lần), kêu (5 lần), rú (4 lần), mửa (3 lần), gào (2 lần), ọc (1 lần), ăn (1 lần), đớp (1 lần), nhai (1 lần), nhả (1 lần). Chúng tôi cũng khảo sát và so sánh tần số xuất hiện của miệng với một số biểu tượng cơ thể khác như chân (1 lần), mắt (11 lần), má (11 lần), mặt (4 lần), ngực (1 lần), bụng (2 lần) và nhận thấy miệng xuất hiện liên tục hơn, nhiều hơn và ám ảnh hơn.
Đặc biệt, tác giả thường đặt miệng trong những cấu trúc ngôn từ hết sức độc đáo. Đó là cách tổ chức ngôn từ mang đậm tính lạ hóa, thậm chí “kỳ lạ”, luôn đem đến những xúc cảm, những cảm giác vừa như cụ thể trong hành động mà hóa ra rất đỗi mơ hồ, mông lung, khó nắm bắt, khó kiểm soát, đôi khi có phần “Liêu Trai” (từ dùng của Đỗ Lai Thúy). Chẳng hạn, ở những câu thơ sau:
– Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng
(Say trăng)
– Cả miệng ta trăng là trăng
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan
Ta nhả ra đây một nàng
(Một miệng trăng)
– Tôi toan hớp cả ráng trời
Tôi toan đớp cả miếng cười trong khe
(Say nắng)
– Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường trổi
Để hớp tinh anh của Nguyệt Cầu
(Chơi trên trăng)
– Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái
Anh cắn lời thơ để máu trào …
(Lưu luyến)
– Nàng Trăng! Hãy mớm xuống hồn ta
Sức nóng bay hơi của ngọc ngà
Sức khỏe bay lan vườn ngự uyển
Nụ cười ta nở ngọt như hoa…
(Chơi trên trăng)
– Há mồm ra hứng giọt mật trăng rơi
(Say máu ngà)
– Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng
(Rướm máu)
– Mà sao ngậm kín thơ đầy miệng
(Cô liêu) v.v...
Những sự kết hợp trên đều rất “lạ”. Nó “lạ” trước hết được thể hiện ngay ở những hình ảnh không “thực”. Làm sao “miệng” lại “toàn trăng”, “miệng” ngậm “kín thơ”, ngậm “kín hương trăng” được? Làm sao “anh” có thể “cắn” được “lời thơ” để “máu trào” như ý “anh” muốn? Làm sao có thể “khạc hồn” ra ngoài “cửa miệng”? Làm sao “hớp” được “tinh anh của Nguyệt Cầu”, “hớp” được cả “ráng trời”, “đớp” cả “miếng cười trong khe”? Làm sao “mồm” (từ địa phương dùng để chỉ miệng của một số vùng miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế,…) lại có thể đưa ra “hứng giọt mật trăng rơi”? Làm sao “nàng Trăng” có thể “mớm” cho “hồn” “Sức nóng bay hơi của ngọc ngà – Sức khỏe bay lan vườn ngự uyển” để anh thỏa mãn, để “nụ cười” anh “nở ngọt như hoa”? Và làm sao “miệng” anh chứa được cả “vô số gái hồng nhan” để anh “thừa thãi” mà “nhả ra đây một nàng” cho thiên hạ biết, chiêm ngưỡng cùng “anh” khi những điều đó là không thể, không tồn tại trong cuộc sống? Dường như tất cả đều hết sức vô lí ngay trong cái nghĩa bề mặt mà lớp ngôn từ ấy tạo nên.
Bên cạnh đó, cái “vô lí” còn được tạo ra từ việc kết hợp các tổ hợp từ trong câu, bởi những trăng, hương trăng, giọt mật trăng, lời thơ, tinh anh của Nguyệt Cầu, hồn, miếng cười, ráng trời… đều là những khái niệm trừu tượng. Thực tế nó không thể kết hợp được với miệng, là một bộ phận trên mặt người hay ở phần trước của đầu động vật, dùng để ăn, nói, kêu, hót,… thường được coi là biểu tượng ăn uống hay nói năng của con người” [7]; với những hớp, đớp, khạc, cắn, mớm,… (những hoạt động thể chất trực tiếp gắn với miệng). Theo cách diễn đạt thông thường, miệng với nghĩa là “dùng để ăn” thì sẽ kết hợp với những danh từ chỉ thức ăn như: cơm, kẹo, bánh, dừa, …; hoặc kết hợp với những động từ liên quan đến ăn uống như: nuốt, mớm, ngậm, đớp, hớp,… Còn với nghĩa “dùng để nói”, giao tiếp thì miệng kết hợp với những động từ như: nói, bảo, đáp,… chứ nó không thể kết hợp được với những danh từ chỉ khái niệm trừu tượng như đã phân tích ở trên.
Tuy nhiên, tất cả những điều tưởng như phi lý lại trở nên có lý khi đặt trong cảm thức thơ, trong thế giới mộng và ảo của Hàn Mặc Tử – một con người luôn ám ảnh bởi sự sống và cái chết, tình yêu và cô đơn, luôn trong một trạng thái hư hư thực thực. Và khi bị bệnh tật dày vò, hành hạ đến “gần đứt sự sống”, khi cái chết luôn là kẻ thù thường trực trong suy nghĩ, trong dự cảm của nhà thơ thì những hình ảnh ấy xuất hiện là điều dễ hiểu. Thi nhân đã phải “gồng mình” lên chống lại bệnh tật, nỗi đau đớn về thể xác nhưng trong giờ phút ấy cũng là lúc ông sáng tạo. Khi nói về quá trình đó, Hàn Mặc Tử từng chia sẻ: “Mỗi lần tôi làm được một bài thơ là héo hắt đi một ít tâm hồn và xác thịt cũng hao mòn dần đi. Khi nào tôi òa lên khóc, hay gào thét như người điên, lúc bấy giờ mới làm thơ được”. Chính vì vậy, điều vô lí lại càng trở nên hợp lý khi thi nhân rơi vào một trạng thái mộng mị, hoảng loạn, không tỉnh táo mà ông tự gọi là “điên”. Dĩ nhiên, “điên” ở đây không phải là một trạng thái bệnh lí mà là một trạng thái thẩm mĩ, trạng thái sáng tạo lạ lùng, gần như “xuất thần”.
3. Đặt trong trường thơ Hàn Mặc Tử, miệng thoát ra khỏi nghĩa đen vốn có, trở thành một biểu tượng nghệ thuật. Vậy biểu tượng là gì? Trong tiếng Hán, người ta cắt nghĩa biểu tượng như sau: biểu có nghĩa là bày ra, trình bày, dấu hiệu để nhận biết một điều gì đó; tượng có nghĩa là hình tượng. Biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô bày ra trở thành một dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng nhằm để diễn đạt về một ý nghĩa mang tính trừu tượng. Còn theo C. G. Jung: Biểu tượng “là một hình ảnh thích hợp để chỉ ra đúng hơn cả bản chất ta mơ hồ nghi hoặc của tâm linh và nó không bó chặt gì hết, nó không cắt nghĩa, nó đưa ta ra bên ngoài chính nó đến một ý nghĩa còn nằm ở tận phía ngoài kia, không thể nắm bắt, được dự cảm một cách mơ hồ và không có từ nào trong ngôn ngữ của chúng ta có thể diễn đạt thỏa đáng” [2; 24,25]. Còn khi xem xét biểu tượng như là thuật ngữ của mỹ học, lý luận văn học và ngôn ngữ học thì nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “trong nghĩa rộng biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hình tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lý sâu xa về con người và cuộc đời” [3; 24]. Như vậy, có thể nói ngắn gọn biểu tượng trong thơ là những hình ảnh mang tính ngụ ý, mang tính quan niệm. Được xây dựng bằng ngôn từ và những thủ pháp đặc biệt, nó vượt qua những hình ảnh cụ thể, cảm tính bề mặt để trở thành những ảnh hình tượng trưng tích chứa quan niệm, tư tưởng sáng tạo của tác giả. Chính vì thế, biểu tượng thường chứa đựng nhiều ý tứ kín đáo, thâm trầm thậm chí bí hiểm.
4. Miệng, vì lẽ đó, có mặt trong thơ Hàn Mặc Tử không đơn thuần để chỉ một bộ phận trên cơ thể người, mà hơn thế, nó chính là một trong những điểm sáng thẩm mỹ góp phần thể hiện tư tưởng cũng như bút pháp nghệ thuật riêng, độc đáo của tác giả. Trước hết, bằng/ qua miệng, thi sĩ cảm biết nỗi đau đớn về thể xác và sự đe dọa của cái chết đang “rình rập”, chờ chực mình, ranh giới giữa sự sống và cái chết sao đỗi mong manh – và rồi tất cả vỡ tan ra, chẳng còn hình hài nguyên vẹn:
Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã
Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa
Hồn mất xác, hồn sẽ cười nghiêng ngã
Và kêu rêu thảm thiết khắp bao la
Đêm nay ta khạc hồn ra khỏi miệng
Để cho hồn đỡ bớt nỗi bi thương
Nhưng khốn nỗi xác ta đành câm điếng
Hồn đi rồi, không nhập xác thê lương.
(Hồn lìa khỏi xác)
Bằng miệng và qua miệng, thi sỹ nhận thấy những dấu hiệu của cái chết cận kề: “Ôi, ta đã mửa ra từng búng huyết” (Biển hồn ta), “Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy – Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra” (Say trăng), “Ta sẽ hộc ra từng búng huyết – Nhuộm đầy phong vị lúc mê li” (Người ngọc), “Há miệng cho hồn văng lên muôn trượng – Chơi vơi trong khí hậu chín tầng mây” (Hồn lìa khỏi xác),…
Và trong nỗi đau, sự sợ hãi xâm chiếm lấy thân thể mình như thế, miệng là nơi giải phóng cho “hồn” và cùng với đó những tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú cũng trở thành phương cách cho nhà thơ giảm bớt cơn đau, giảm bớt những “sượng sần và tê điếng”:
Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ
Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ
Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng
Rung tầng không khí, bạt vi lô.
(Cô liêu)
Và rồi thi nhân chấp nhận chọn cho mình sự cô độc, lạnh lẽo mà đôi khi sự “lựa chọn” ấy là điều bắt buộc bởi “chẳng ai hay”, chẳng ai có thể san sẻ nỗi đau bệnh tật khủng khiếp và số phận bi đát ấy của mình. Thế nên:
Lòng giếng lạnh! Lòng giếng lạnh.
Sao chẳng một ai hay
Nghe nói mùa thu náu chỗ này
Tất cả âm dương đều tụ họp
Và trăng mây ngừng lại ở nơi đây
Để nghe, à để nghe
Bao lời bí mật đêm thời loạn
Bao giọng buồn thương gió đã thề
Bao lời oán hận của si mê
Miệng giếng hả ra
Nuốt ực bao la
Nuốt vì sao rồi
Loạn rồi! Loạn rồi, ôi giếng loạn!
Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng thiên
Nhảy ùm xuống giếng vớt xác trăng lên
(Trăng tự tử)
Giống như bầu trời bao la, giống như các vì tinh tú, giống như khuôn trăng đang bị “lòng giếng lạnh” “nuốt” chửng chỉ còn lại “xác”, thi nhân giờ đây cũng thế, ông tự biến lòng mình thành lòng giếng lạnh để chính mình nhảy ùm xuống nó – nhà thơ chỉ còn lại một mình với cô độc, lạnh lẽo, và trống trải.
Tuy nhiên, cũng chính giữa những lúc như thế, miệng xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử còn thể hiện nỗi niềm khát khao về hạnh phúc lứa đôi, niềm hoan lạc của ái tình và vẻ đẹp của người con gái:
– Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự,
Tôi đều nhận thấy trên môi em.
– Làn môi mong mỏng tươi như máu,
Đã khiến môi tôi mấp máy thèm
(Gái quê)
– Mây hờ không phủ đồi cao nữa
Vì cả trời xuân tắm nắng tươi
Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu
Sau rào khẽ liếm cặp môi tươi…
– Môi tươi thiếu nữ vừa trang điểm,
Nắng mới âm thầm ước kết hôn
Đưa má hồng đào cho nắng nhuộm,
Tình thay! Một vẻ ngọt và ngon…
(Nắng tươi)
–  Ta liền ngắt đi rồi bóc xem
Má hồng ưng ửng lại răng đen
Đã nhìn tận mắt còn chi nữa
Ta vội kề môi cắn kẻo thèm
(Quả dưa)
“Môi” vốn tượng trưng cho nụ hôn, cho mối tình trai gái khi hai người đã quyện hòa làm một, vì thế môi là sự ngọt ngào, nồng thắm, là vẻ đẹp và những khát khao thể hiện tình yêu của con người. Nó không chỉ dừng lại ở một tình yêu vừa chớm bởi những cái nắm tay rụt rè, những lần “trộm nhìn nhau” mà giờ đây tình yêu với con tim đã hòa nhịp thì nó đã đạt đến độ chín. Là một người luôn hết mình trong tình yêu, luôn yêu và yêu say đắm, Hàn Mặc Tử luôn thèm khát được thể hiện, mong ước được đáp lại. Nhưng sự đời phũ phàng quá! Không như Xuân Diệu, được bạn tình đáp lại mà ông vẫn “tham lam” không ngừng đòi hỏi: “Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!” (Xa cách). Hàn Mặc Tử chỉ biết đắm chìm trong bờ vực của trí tưởng tượng mà thôi, bởi bệnh tật đã ngăn ông, ông không có điều kiện để thỏa mãn tình yêu đang trỗi dậy da diết và mãnh liệt trong lòng mình. Những chối bỏ đã đẩy ông vào cô đơn, tuyệt vọng, và thi nhân chỉ còn biết đắm chìm trong những ảnh hình tưởng tượng, đặc biệt khi cơn bệnh đến, chúng trở nên kì dị, góc cạnh và có mãnh lực điều khiển cảm xúc ghê gớm!
Thực ra, trong Thơ mới không chỉ có Hàn Mặc Tử mà Xuân Diệu – “ông vua của thơ tình”, cũng nói nhiều đến miệng:
Có lẽ người – hoa nay đã tươi
Nghe chiều âu yếm lấn vô người
Tình cờ ngoảnh gặp phương tôi đứng
Mắt vắng đâu xa, miệng gởi cười.
(Gặp gỡ)
Nên lúc môi ta kề miệng thắm
Trời ơi, ta muốn uống hồn em
(Vô biên)
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng)
Mở miệng vàng… và hãy nói yêu tôi…
Dầu chỉ là trong một phút mà thôi…
(Mời yêu)
Tuy nhiên, miệng trong thơ của Xuân Diệu chủ yếu là hình ảnh ẩn dụ hơn là biểu tượng, tần số xuất hiện cũng ít và không đậm nét như trong thơ Hàn Mặc Tử. Miệng cùng với các hình ảnh chân, tay,… tạo nên nét thi vị trong thơ Xuân Diệu, còn trong thơ Hàn Mặc Tử, nó lại mang đậm tính nhục thể, gợi cảm xúc khao khát, thèm muốn “da thịt”. Có lẽ điều này xuất phát từ việc Hàn Mặc Tử phải sống tách biệt với cuộc đời, sự “va chạm” cơ thể ấy chỉ là trong tưởng tượng, trong những ước muốn thầm kín rất đỗi con người của nhà thơ. Và từ sự tưởng tượng ban đầu ấy, ông đã đẩy nó lên thành những thèm khát cực điểm về sự “hôn phối” nhục thể. Từng có nhiều ý kiến, nhận định cho rằng những hình ảnh ấy là phi thơ, là bất nhã, là bậy; bởi với những độc giả này, thơ là nghệ thuật mang tính thẩm mĩ cao, và không thể có những ọc, mửa, rên siết, khạc,… Tuy nhiên, ta cần phải đặt trường từ ngữ, hình ảnh này trong mối quan hệ gần gũi với những gì mà thi nhân đã trải qua để thấu hiểu ông, thấu hiểu thơ ông, từ đó có những cảm thông, chia sẻ cho một cuộc đời “tài hoa bạc mệnh”. Mặt khác, về mặt thi pháp, đây thực chất là một hình thức diễn đạt riêng, mang đậm dấu ấn cá tính sáng tạo Hàn Mặc Tử.
4. Như vậy, miệng, tự thân nó có những giá trị thẩm mỹ riêng mà khó hình ảnh – biểu tượng nào thay thế được. Nó là một hiện thân của vẻ đẹp nhục thể, lối giải thoát tức thời cho “hồn” thi sĩ đang chìm trong cơn đau mộng mị, nhưng hơn hết nó là biểu hiện cho những khát khao về tình yêu, khát khao khỏa lấp nỗi trống trải và làm mờ đi nỗi tuyệt vọng đang bủa vây quanh ông. Tuy nhiên, với tư cách là một biểu tượng trùng phức, miệng luôn mang chứa trong nó nhiều lớp nghĩa phức tạp, mơ hồ, không dễ hiểu, thậm chí có thể đầy mâu thuẫn, trái ngược: Miệng vừa là hiện thân cho sự sống, chứa đựng sự sống nhưng đồng thời bằng/ qua miệng, thi nhân cũng cảm biết sâu sắc hơn bao giờ hết nỗi đau, cái chết và sự đe dọa đối với bản thân mình. Tùy vào tiếp nhận của độc giả, biểu tượng luôn có khả năng mở ra nhiều lớp nghĩa mới, không hoàn kết.
Có thể khẳng định, miệng cùng với trăng, máu, hồn,… đã góp phần tạo nên một thế giới thơ rất riêng, mang đậm màu sắc tượng trưng, siêu thực của Hàn Mặc Tử. Và dù nhà thơ đã đi xa, nhưng với cá tính sáng tạo rất “dị biệt” ấy, tên tuổi Hàn Mặc Tử sẽ mãi chói sáng, đúng như Chế Lan Viên nhận định từ hơn nửa thế kỷ trước: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử” [6; 296].               
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hà Minh Đức tuyển chọn và giới thiệu (2007), Xuân Diệu ông hoàng của thơ tình yêu, Nxb Giáo dục. Jean Chevalier – Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên, 2009), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục. Tôn Thảo Miên tuyển chọn (2007), Hàn Mặc Tử tác phẩm và lời bình, Nxb Văn Học. Hoài Thanh, Hoài Chân (2008), Thi nhân Việt Nam 1932 – 1941, Nxb Văn hóa – Thông tin. Chế Lan Viên (2009), “Những kỷ niệm về Hàn Mặc Tử”, Chế Lan Viên toàn tập, tập V, Nxb Văn học.
 Vinh, tháng 4/ 2015
Nguyễn Thị Yến
Theo https://phebinhvanhoc.com.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nắng lửa - Truyện ngắn thiếu nhi của Mạnh Hoài Nam Mạnh Hoài Nam còn có bút danh Trâm Trân, sinh năm 1973 ở Đồng Xuân, Phú Yên hiện là p...