Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Trí huệ ngàn năm qua cuộc hội ngộ giữa Lão Tử và Khổng Tử

Trí huệ ngàn năm qua cuộc hội ngộ 
giữa Lão Tử và Khổng Tử
Hai vị Thánh nhân trong lịch sử - Lão Tử và Khổng Tử đã từng có một lần tương ngộ, những lời tâm đắc của các ngài đã để lại giai thoại ngàn năm. Chúng ta cùng lắng nghe, suy ngẫm và thưởng thức, cảm nhận tấm lòng và trí huệ của bậc Thánh hiền xưa.
Một ngày vào năm 538 TCN, Khổng Tử nói với đệ tử Nam Cung Kính Thúc: “Nhà Chu có Lão Đam, thông kim bác cổ, biết khởi nguồn của Lễ Nhạc, hiểu sự thiết yếu của đạo đức. Nay ta muốn tới Chu cầu được dạy dỗ, ngươi muốn đi cùng chăng?”
Nam Cung Kính Thúc vui mừng đồng ý và báo với vua nước Lỗ. Lỗ vương đồng ý cho anh ta đi, còn cấp cho một cỗ song mã, một thằng hầu và một người đánh xe, rồi Nam Cung hộ tống Khổng Tử lên đường.
Lão Tử thấy Khổng Khâu từ ngàn dặm xa xôi tới thì vô cùng vui mừng, bèn dạy dỗ và lại dẫn Khổng Khâu bái phỏng đại phu Trường Hoằng. Trường Hoằng rất giỏi về Nhạc lý, dạy Khổng Khâu Nhạc luật, Nhạc lý; Ngoài ra dẫn Khổng Khâu quan sát lễ tế thần, khảo sát nơi truyền giáo, tìm hiểu lễ nghi trong miếu, khiến Khổng Khâu cảm thán không dứt, thọ ích rất nhiều.
Lão Tử và Khổng Tử: Ảnh dẫn theo violet.vn
Khổng Tử lưu tại đây vài ngày rồi hướng tới Lão Tử từ biệt. Lão Tử tiễn đưa ra ngoài công quán rồi có lời tặng:
“Tôi nghe nói, kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa tặng người lời nói. Tôi không phú cũng chẳng quý, không có của cải tặng ông, muốn tặng ông vài lời. Thời nay, kẻ thông minh mà sâu sắc, lý do người ấy gặp nạn, thậm chí dẫn đến cái chết, là do hay mỉa mai cái xấu của người khác; kẻ giỏi hùng biện lại thông hiểu sự việc, lý do người ấy gặp họa liên miên, là do hay vạch ra cái xấu của người khác. Là bậc làm con, đừng cho mình là cao; là bậc bề tôi, đừng cho mình là hơn, mong ông nhớ kỹ”.
Khổng Tử bái lạy nói:
“Đệ tử nhất định ghi nhớ trong lòng!”
Lão Tử nói:
“Không tranh giành với người đời, thì trong thiên hạ không có ai có thể tranh cùng, đây là học theo đức của nước vậy. Nước gần với Đạo; Đạo không nơi nào không có, nước không nơi nào không có lợi, tránh chỗ cao mà về chỗ thấp, chưa bao giờ ngược lại, là giỏi tìm chỗ đứng vậy. Ở nơi không trung nên trong vắt tĩnh lặng, sâu không thể đo biết được, là vực sâu vậy. Tổn mà không kiệt, làm mà không cầu báo, là giỏi làm việc nhân vậy. Tròn ắt sẽ quay, vuông ắt sẽ gãy, bịt ắt sẽ dừng, khơi ắt sẽ chảy, là giỏi giữ chữ tín vậy.
Cho nên bậc Thánh giả tùy thời mà thi hành, bậc hiền giả tùy tình hình sự việc mà thay đổi. Bậc trí giả vô vi mà trị, bậc đạt giả thuận theo Trời mà sinh. Ông lần này đi rồi, nên bỏ cái ngạo khí trong lời nói và biểu cảm, trừ cái chí dục ở dung mạo. Nếu không, người chưa đến mà tiếng tăm đã đến, thân chưa tới mà gió đã động, hiển lộ phô trương, như hổ đi trên phố, ai dám dùng ông?”
Khổng Tử đáp:
“Lời của tiên sinh, là từ đáy lòng của tiên sinh, đi vào tận tâm can đệ tử, đệ tử thọ ích rất nhiều, cả đời không quên. Đệ tử sẽ tuân theo chẳng dám trễ nải, để cảm tạ cái ân của tiên sinh”.
Nói xong, Khổng Tử từ biệt Lão Tử, lên xe cùng Nam Cung Kính Thúc, lưu luyến đi về hướng nước Lỗ.
Lão Tử nói:
“Muốn thấy đại Đạo, trước tiên phải đưa cái tâm về lúc ban đầu của sự vật. Trong trời đất, ngoài vũ trụ. Trời đất người vật, nhật nguyệt núi sông, hình dáng tính chất khác nhau. Nhưng cái giống nhau, đều thuận theo tự nhiên mà sinh diệt, đều thuận theo tự nhiên mà chuyển động hay đứng yên.
Biết được cái khác nhau của chúng, là thấy cái bề ngoài vậy. Biết chúng đều giống nhau, là biết được  bản chất của chúng vậy. Bỏ cái khác nhau mà quan sát cái giống nhau, thì có thể đưa cái tâm về lúc ban đầu của sự vật. Cái ban đầu của sự vật, hỗn độn nhưng là nhất thể, không có hình dáng, không có tính chất, cũng không khác nhau vậy”.
Lão Tử cưỡi trâu xanh đi truyền đạo. Ảnh dẫn theo 360.doc.com
Khổng Tử hỏi:
“Quan sát cái giống nhau của chúng, có gì vui nhỉ?”
Lão Tử nói:
“Quan sát cái giống nhau của chúng, tức là vạn vật là như nhau, vạn vật và ta như nhau, thị phi cũng như nhau. Do đó có thể xem sống chết như ngày đêm, họa với phúc cũng như nhau, cát (lành) bằng với hung (dữ), không sang, không hèn, không vinh, không nhục, có chỗ nào mà chẳng vui đây?”.
Lão Tử thấy Khổng Tử đã vào đến cửa của đại Đạo, nên đĩnh đạc nói:
“Bậc Thánh nhân sống trên đời, gặp sự việc mà không làm trái Đạo, sự việc dời đi mà không cố giữ, thuận theo sự vật lưu chuyển, để sự vật theo tự nhiên. Người có thể điều hòa mà thuận ứng theo tự nhiên, là người có đức vậy. Người có thể tùy thế mà thuận ứng theo, là người đắc đạo vậy.”
Khổng Tử nghe, như mây phiêu đãng, tùy theo gió mà bay; như nước lưu chuyển, thùy theo thế mà di dời, mừng rỡ nói:
“Thật ung dung làm sao! Thật nhàn nhã làm sao! Như ngồi thuyền mà phiêu du trên biển, như ngồi xe mà đi lại trên đường vậy.
Tiến thì cùng tiến, dừng thì cùng dừng, đâu phải lấy cái sức của mình mà khoe xe thuyền nhỉ? Bản tính người quân tử là không khác nhau, đều giỏi mượn ở sự vật (để hiểu đạo) vậy! Người đắc đạo, xem sống chết là một đường, sống yên vui, chết yên nghỉ. Xem thị phi (đúng sai) là đồng nhất, đúng cũng không đúng, sai cũng không sai. Xem sang hèn là nhất thể, hèn cũng không hèn, sang cũng không sang. Xem vinh nhục là bằng nhau, vinh cũng không vinh, nhục cũng không nhục”.
Tại sao vậy?
Đứng ở đại Đạo, thấy được cội nguồn sự vật, sống chết, thị phi, sang hèn, vinh nhục, đều là quan niệm giá trị do con người tạo ra, cũng chớp mắt là thay đổi trạng thái.
Truy xét nguồn gốc của nó, là đồng nhất chứ không khác biệt vậy. Hiểu được đại Đạo này, thì thuận theo sự thay đổi của nó mà vướng bận tâm, nhật nguyệt thay nhau, đất trời rung động, gió gầm biển thét, sấm vang chớp lòe, mà vẫn cứ sống yên vui”.
Dương Tử Cư (một đệ tử của Lão Tử) nói:
“Tiên sinh tu thân, ngồi cần tĩnh lặng, đi cần khoan thai, ăn uống cần thanh đạm, ngủ cần yên tĩnh, không có nhà riêng nơi rừng sâu, làm sao có thể được như vậy? Nhà riêng nơi rừng sâu, không người phục dịch, không đồ dụng cụ, làm sao có thể ở được?
Thuê người phục dịch, sắm đủ đồ dùng, không lập gia quy, lấy gì để tề gia?”
Lão Tử cười trả lời:
“Đại Đạo tự nhiên, sao phải ép mình tĩnh. Làm vô cầu mà tự khoan thai, ăn uống không xa hoa mà tự thanh bạch, ngủ không ham muốn mà tự yên.
Tu thân sao cần nhà trong rừng sâu? Bụng đói thì ăn, người mệt thì nghỉ, mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì ngủ. Ở nhà sao cần người phục dịch? Thuận theo tự nhiên mà vô vi, thì thần an, thân khỏe. Trái tự nhiên mà mưu lợi, thì thần loạn, thân tổn”.
Lão Tử nói:
“Người quân tử sống với người, như băng tan trong nước, làm việc với người, khiêm hạ như đứa hầu; trong trắng vô ngần mà như có dơ bẩn, đức đầy đặn mà như thế tục bình thường”.
Dương Tử Cư nghe xong, sửa hết những gì cao ngạo vốn có, dung mạo ông không kiêu căng, cũng không cung kính, ông nói năng không kiêu ngạo cũng không nịnh nọt. Lão Tử khen rằng:
“Con có chút tiến bộ đó! Con người, từ thân cha mẹ sinh ra, đứng giữa nơi trời đất, là một trong những vật của tự nhiên.
Quý mình mà coi thường vật là trái với tự nhiên, quý người mà coi thường mình là trái với bản tính, xem mọi vật ngang bằng như nhau, vạn vật và ta nhất thể, thuận thế mà thực hiện, dựa vào thế mà dừng, nói năng, hành động tự nhiên, tức là hợp với Đạo vậy!”
Lão Tử và Dương Tử Cư. Ảnh minh họa dẫn theo tinhhoa.net
Lão Tử nói:
“Cái đạo dưỡng sinh, là ở thần tĩnh, tâm thanh. Người thần tĩnh tâm thanh, là tẩy rửa các dơ bẩn trong tâm vậy.
Dơ bẩn trong tâm, một là ham muốn, một là truy cầu hiểu biết. Bỏ ham muốn, bỏ truy cầu, thì trong tâm bình thản. Trong tâm bình thản thì động tĩnh tự nhiên, trong tâm không có gì vướng bận, thế thì đáng ngủ thì ngủ, đáng dậy thì dậy, đáng làm thì làm, đáng dừng thì dừng, những vật bên ngoài không thể can nhiễu đến tâm họ được. Cho nên, con đường học Đạo, là trừ bỏ cả trong và ngoài vậy.
Người đắc đạo, trong ngoài đều quên. Trong, là tâm vậy. Ngoài, là vật vậy. Trong ngoài đều trừ bỏ, trong bỏ ham muốn, truy cầu, ngoài bỏ mê hoặc vật chất. Từ trừ bỏ sẽ đến quên, thì trong ngoài nhất thể, đều trở về với tự nhiên, thế là đạt đến Đại Đạo vậy!
Ngày nay, trong lòng con mỗi một niệm đều không quên học Đạo, cũng là ham muốn truy cầu vậy. Trừ bỏ cái ham muốn cầu Đạo, thì trong tâm tự tĩnh. Trong tâm thanh tĩnh, thì Đại Đạo có thể tu luyện được”.
Lão Tử nói:
“Bộ kinh để dưỡng sinh, là ở tự nhiên.
Động không biết hướng nào, dừng không biết làm gì, tùy vật mà uốn gấp, tùy theo sóng mà chảy, động thì cùng đức với dương, tĩnh thì cùng sóng với dương. Nó động như nước, nó tĩnh như kính, nó ứng như tiếng vang, đó chính là bộ kinh của dưỡng sinh vậy”.
Nam Vinh hỏi:
“Đó là cảnh giới hoàn mỹ chăng?”.
Lão Tử trả lời:
“Không phải. Đó là làm sạch tan tâm mình, bắt đầu nhập vào tự nhiên vậy. Nếu vào cảnh giới hoàn mỹ, thì sống dưới đất cùng cầm thú vẫn không thấy thấp kém, vui chơi trên trời với thần tiên cũng không cảm thấy cao quý. Làm không mới lạ khác thường, dừng không suy nghĩ đắn đo mưu kế, động không lao tâm tổn thần, đến mà không biết truy cầu gì, đi mà không biết ham muốn gì”.
Nam Vinh hỏi:
“Như vậy tức là cảnh giới cao nhất rồi nhỉ?”
Lão Tử nói:
“Chưa đâu. Thân ở giữa trong trời đất, giống như cành khô cây khô. Tâm ở trong hình thể, như lá cháy tro nguội. Như thế thì Mặt trời ngùn ngụt mà không cảm thấy nóng, băng tuyết trắng xóa mà không biết lạnh, đao kiếm chẳng thể gây thương tích, hổ báo chẳng thể làm hại. Như thế thì họa cũng không đến, phúc cũng chẳng tới. Phúc họa đều không, khổ vui đều quên hết vậy”.
Nguồn: soundofhope.org
Sơn Hà biên dịch

Theo http://www.daikynguyenvn.com/ 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thư gửi người làng từ giữa "Mép xanh"

Thư gửi người làng từ giữa "Mép xanh"* Người làng ạ! Người làng đã bao giờ nghe tiếng gà trưa? Người làng đã khi nào nghe tiếng ...