Phải trở về.
Tôi phải trở về đồi thông Thanh Hóa.
Về để được
ngồi bên anh trò truyện, nói cho anh nghe những gì tôi giữ kín trong tim đứa
con gái nhớ đến một thần tượng, cho dù thần tượng đã mờ phai trong những ngày
tháng làm người. Nhưng đó là những gì tôi trân trọng quá khứ của mình, một khoảng
trời tươi mát ngây thơ chưa biết thế nào chiến tranh và thù hận. Về để được vuốt
ve bởi hương hoàng lan, đùa rỡn cùng phấn thông vàng và lang thang trên cánh đồng
hoang thời tuổi nhỏ. Tôi phải về để thì thầm cùng anh những gì tôi nghĩ và mong
ước cho anh trong thời chinh chiến không có anh trên cùng chiến tuyến.
Như chim
thiên di tìm đất lành, cha tôi đưa gia đình từ Hà Nam trở về Thanh Hóa tránh
các cuộc chiến đẫm máu của người Việt Nam chống Pháp. Thanh Hóa một thời của
cha mẹ tôi và gia đình nội ngoại ngày tôi còn nhỏ. Vài năm sau cha mẹ tôi mang
gia đình ra Nam Định, Hà Nội, xuống Hải Phòng. 1954 gia đình tôi vào Đà Nẵng,
Biên Hòa, ra Saigon. Miền nam là đất lành của
chúng tôi. Tôi có bao nhiêu kỷ niệm với Saigon, nắng mưa hai mùa nghe được niềm
mơ ước của con nhỏ bắc kỳ. Saigon đong đầy tình yêu và kỷ niệm của tôi. Saigon
đã chẳng từng nghe được tiếng khóc của cha mẹ, chị em tôi bạn bè xa gần những
ngày có người thân đổ máu cho một miền nam an bình.
Tháng tư 1975, mảnh đất
lành của bầy chim thiên di năm 1954 bị miền bắc chiếm đóng, chúng như
một hồng thủy tràn đến hủy diệt bao sinh mạng, bao nhiêu gia đình tan nát,
không chỉ trong giây lát như thiên tai, mà sự hành hạ kéo dài nhiều năm sau.
Tháng tư 1975, cha tôi như con chim có tuổi đời, khi tôi ngỏ ý với cha chạy ra
khỏi Việt Nam. Người trầm tư, mắt xa vắng, từ tốn nói: “Các con đi đi. Cha già
rồi. Nhà cửa tan hoang bao nhiêu lần. Xa anh chị em bao nhiêu năm. Cha chỉ muốn
được gặp các chú mà thôi.”
Trong những ngày tôi và thằng em chạy đôn đáo tìm
người quen để nghe tin tức về cuộc di tản (nếu có như 1954), để đi khỏi Việt
Nam. Cha tôi như con ngựa già, nghe đài phát thanh, uống trà và ánh mắt nhìn xa
vắng. Có gì khắc khoải trong ánh nhìn của cha tôi. Hai anh trai tôi mất năm Mậu
Thân (1968) đang nằm ngoài nghĩa trang đủ để ông ở lạị quê hương. Còn gì mất mát
hơn khi chiến tranh cướp đi những đứa con trai cha tôi đặt nhiều hy vọng.
Riêng
tôi nhìn con thơ, cháu khờ, mẹ già, tôi như ngộp thở. Tôi như con cá mắc cạn,
chồng tôi một hạm trưởng Hải Quân còn đâu đó trên sông biển. Tôi chẳng biết mặt
trận nào anh tham chiến, chảng biết hải cảng nào tầu anh đang cập bến. Cả nhà
tôi sống âm thầm không ai nói với ai một lời. Chúng tôi sẽ chết vì thiếu tự do,
vì tự do là hơi thở, là đất lành.
Tháng Tư 1975 đứa em duy nhất còn lại trong
gia đình tôi rất bình tĩnh và làm tài xế đưa tôi chạy khắp Saigon tìm tin tức.
Hai chị em tôi như hai con chim lạc đàn chạy hoảng loạn tìm một nơi dung thân
cho con cháu.
Chim thiên di bay về miền nắng ấm cho qua mùa đông tuyết giá rồi
lại trở về tổ cũ thân quen, còn chúng tôi sẽ đi vào nơi vô định. Tôi lao vào biển
Đông, mang con nhỏ cháu khờ, cha mẹ anh em tìm đất lành, tìm tự do. Các đoạn đường
chim thiên di là những đoạn đường chông gai, nhưng đường bay tìm đất lành của
chúng tôi và nhiều người khác khi phải rời quê hương là đau đớn nhất. Niềm ước
mơ thành hiện thực, chúng tôi đã tìm ra đất lành, chúng tôi đang có tự do,
chúng tôi đang hạnh phúc. Tất cả những bất hạnh trong đời, tôi cất nó trong một
kẽ hở nào đó trong sâu thẳm của linh hồn mình.
Rồi một ngày, niềm nhớ chôn vùi
bao nhiêu năm, trở về trong tôi những đêm dài không ngủ trong những ngày tôi
bình an nhất. Tôi hay nghĩ đến tuổi thơ. Tôi hay nghĩ đến Thanh của cha mẹ tôi.
Tôi hay nghĩ đến nền áng ở phố Bôn, con sông đào nơi thím tôi đưa bè giang từ
miền ngược về Thông, nơi tôi được cha tôi ôm ngang bụng cho tôi vùng vẫy tập
bơi và đêm đêm nghe tiếng hò của những người kéo thuyền ngược dòng. Tôi nhớ đến
cánh đồng hoang, con sông máng và những ngày giá lạnh mùa đông. Tôi mường tượng
ánh trăng trong căn nhà rộng chỉ có nửa mái sau một cơn bão cha mẹ tôi không đủ
tiền thuê người mua rạ lợp mái. Tôi ngậm ngùi nghĩ đến những ngày đói nghèo,
không cơm ăn, không áo ấm ở Thanh để thương những đứa em họ, con chú ba, chú
tư, chú năm và các anh chị họ tôi ở Hồi Xuân La Hán hay Cẩm Thủy. Chiến tranh
chủ nghĩa đã thành công, đám con nhà có học trung lưu nay không nghề ngỗng và sống
trong cảnh thiếu thốn đói nghèo. Cái học không có ích gì cho đời sống chăng cho
nên bà con tôi vẫn sống nơi núi rừng với ruộng đất nương khoai.
Tôi muốn về
Thanh một mình. Môt mình tìm về khoảng thời gian xưa cũ. Về Đồi Thông, về thăm
anh, thần tượng tuổi nhỏ của tôi . Có lẽ anh đã lập gia đình cũng như tôi đã lập
gia đình. Có lẽ anh già lắm bên bầy con cháu. Tôi mường tượng, khi tôi về hoàng
lan còn nở, mường tượng anh ngắt một bông, cài vào mái tóc của tôi và nói: cô
còn duyên dáng lắm. Anh có lẽ sẽ mỉm cười độ lượng và hỏi: “Còn nhớ hương thơm
của hoàng lan những ngày những tháng cô xa đây.” Có lẽ nước mắt tôi sẽ lăn nhẹ,
tôi sẽ không trả lời anh. Nếu anh biết, hương hoàng lan ngủ trong tiềm thức
tôi, để trong những giấc mơ, tôi thấy thiếu một cái gì thân yêu lắm mà không định
nghĩa được.
Một ngày mùa thu, tôi về Đồi Thông một mình như lòng mong ước. Tôi
không thể tưởng tượng nổi gần nửa thế kỷ con đường làng vẫn như xưa. Tôi đi
theo một một mùi thơm rất ngọt, thoảng trong gió và tôi ngừng lại ngôi nhà có
hương hoàng lan nồng ấm. Tôi đang ngơ ngẩn nhìn ngắm cây hoàng lan tàn lá rậm rạp
rạp phủ mái nhà, đã nghe tiếng người chào: “Chào cô…cô tìm ai” . Tôi giật
mình, từ vườn sau một người đàn bà lom khom bước về phía tôi, bà đang nhìn tôi
mỉm cười. Tôi ngẩn người nhìn bà, e ngại không biết nói thế nào. Không lẽ nói rằng
tôi đang tìm nhà thần tượng của tôi và kỷ niệm thời thơ ấu mang tôi về đây.
Không thể không trả lời và sợ khiếm lễ cùng chủ nhân ngôi nhà, tôi e ngại hỏi:
“Chào bà. Tôi tìm nhà thầy Lê, thưa bà. Gần 50 năm tôi trở về thăm Thanh, tôi
không biết gia đình thầy còn ở đây?”
Người đàn bà nhìn tôi ngạc nhiên, ân cần
trả lời “ Mời cô vào nhà. Cô không lầm nhà đâu.” Tôi theo chân bà vào nhà, ngẩn
ngơ nhìn chung quanh, nhìn người đàn bà và không biết nói thế nào cho phải
phép. Không biết người này là vợ anh hay người thân. Như đọc được ý tôi, bà
nhìn tôi như thầm nói, cô đừng vội. Bà mời tôi ngồi, rót cho tôi một bát chè
tươi còn nóng,bà lên tiếng:
- Thưa cô, cô ở xa lắm phải không? Thật quý hóa. Cô
biết cha mẹ tôi. Sau khi tự giới thiệu tên tôi, tôi cũng cho bà biết rằng ba
tôi một thầy giáo chạy loạn từ Hà Nam về Thanh, là bạn thân của thầy Lê, còn
tôi là đứa con gần út của gia đình.
- Em Nga. Chị Loan đây mà. Ngày ấy chị vẫn
nghe thầy mẹ nói về gia đình em chạy giặc từ bắc vào đây. Em có lẽ quá nhỏ nên
chị không có dịp gặp. Thầy mẹ chị mất lâu lắm rồi. Mọi người đều có gia đình.
Em biết đấy ngôi nhà của ba mẹ chị tuy cũ, nhưng chị yêu mến nó lắm và xin thầy
mẹ cho chị được ở đây. Hơn thế nữa biết bao nhiêu kỷ niệm của gia đình còn
trong căn nhà cũ kỹ xiêu vẹo này.
- Thưa chị, còn anh Hùng ở gần đây không? Có
lẽ các cháu khôn lớn chị nhỉ?
- Hùng mất lâu lắm rồi em. Chị không trả lời, có
vẻ buồn. Tôi lặng người, ngồi im không hỏi thêm được gì nữa. Tiếng chị Loan buồn
buồn:
- Cô còn nhớ Hùng. Chị nhớ Hùng hay nhắc đến tên cô những khi gia đình
nghe tin tức về cuộc chiến. Hùng chỉ nói, mong cho gia đình thầy mẹ em được
bình an
- Chị ơi! Anh có phải đi bộ đội và vào nam không? Anh mất ở đâu hả chị?
- Ai cũng phải đi bộ đội cô ạ. May mắn là Hùng không đi vào Nam. ..Hùng giống
thầy chị, thích vẽ và yêu thích văn chương. Hùng chưa có gia đình thì mất. Tội
nghiệp Hùng mất ở tuổi 30. Quá trẻ phải không? Chuyện còn dài, cô có phải về tỉnh
Thanh tối nay? Nếu không, nhà có chỗ cho cô. Nếu cô không ngại.
- Cám ơn chị.
Chị kể cho em đời sống ở Thanh những năm tháng chiến tranh thế nào.
- Vâng! Chị
sẽ kể cho cô nghe về hoàn cảnh gia đình chị và về Hùng. Cô có vẻ mệt đấy. Nga
ơi, cô đi đường xa nên nghỉ một chút, rồi hai chị em mình dùng cơm chiều nhé.
Tôi ngoan ngoãn đi theo chị như một em bé, đầu lãng đãng lênh đênh mường tượng
đến anh, những ngày xưa cũ gần năm mươi năm khi tôi là đứa bé sáu tuổi và anh
11 tuổi.
- Ăn sắn đi, mẹ cho tao Tao ăn một nửa còn phần cho mày. Không ăn là
đói đấy.
- Yên lặng.
- Đi! Đi. Đi ra đồng tránh máy bay. Mẹ giao tao bổn phận
canh mày đấy.
- Yên lặng.
- Ồ! Chùm trân châu này ăn ngọt đấy, thử xem. Chua
hả, nhăn mặt như con khỉ …ha …ha ..
- Đói lắm hả?…có khoai lang khô nấu với đậu
đen và gạo nếp, ngon lắm…
- Yên lặng …
- Lại đây, thơm không, hoa dẻ đấy. Chiều
nay mang hoa tươi về cho mẹ mày. Mẹ tao nói rằng mẹ mày thích hoa này lắm…
Anh
với tay bẻ một cành hoa đang nở, cánh dài mong manh, màu vàng chanh đưa vào tay
tôi. Tôi áp cành hoa vào mặt, không nói, chạy về nhà. Tôi có quà cho mẹ chiều
nay.
Hình ảnh cũ như những lượn sóng hiền, lặng lẽ, êm đềm đi vào bờ, khi nước
rút xa, chẳng để lại chút dấu vết gì, có chăng chút bọt nước biến nhanh trên nền
cát ẩm. Còn tôi, tôi đâu phải bãi cát vô tư, có chút gì nuối tiếc, nghèn nghẹn
trong cổ, nhoi nhói trong tim. Gân 50 năm, hơn nửa trái cầu, gần 24 giờ bay, để
đươc nếm chút ngậm ngùi. Tôi rơi vào giấc ngủ mắt còn hoen lệ cho tới khi nghe
tiếng chị đánh thức.
- Dạy dùng cơm chiều đi cô. Đường xa diệu vợi, cô về đây
phải ở đây vài ngày với chị. Muốn đi đâu chị dẫn cô đi. Tuy nằm trên giường,
nghe tiếng chị và tiếng bươc chân của chị, tôi vẫn giả vờ ngủ để được hít thở
mùi thơm thân quen từ bếp thoảng vào phòng
- Em ngủ quên. Cho em vài phút chị
nhé. Em ra ngay.
- Vâng! Cô ra ngay nhé.
Nghe tiếng chân xa dần, tôi lững thững
bước ra vườn sau rửa mặt, vẫn gáo dừa và chum nước đặt dưới hàng ba trên nền đất
sét nhẵn bằng phẳng. Cây hoàng lan, tàn lá rậm rì che một phần mái nhà và vườn
sau. Hình như thời gian ngừng ở đây, cũng vẫn luống cải hoa vàng, giàn mướp,
vài giây mồng tơi, vài cây rau ngót, rau đay …Khu vườn rất nhỏ, nhỏ hơn ngày
xưa vì bóng cây hoàng lan Tôi đắm hồn trong khung cảnh thân quen. Ai ngờ, mảnh
vườn xưa cũ, hương thơm một thưở nghèo nàn, lại in đậm trong hồn tôi.
Ngày đó,
tôi chỉ thèm được ăn cơm gạo trắng. Tôi ghét khoai, ngô, sắn. Tôi ít nói vì đói
nên chẳng thèm trả lời anh những khi anh chia phần ăn cho tôi. Nếu có cơm trắng
tôi sẽ trợn mắt nuốt nhanh cho đỡ thèm. Tôi dấu không cho ai biết, nhiều chiều
tôi chạy thục mạng lên nhà chị tôi, không biết bao xa, nhưng phải chạy qua làng
Phúc Triền để được ăn cơm trắng rồi ôm cái bụng no chạy về nhà trong bóng tối,
trống ngực đập thình thịch vì sợ ma. Nếu có anh chắc tôi sẽ đi chứ không chạy,
nhưng chị tôi sẽ không có cơm cho hai đứa trẻ háu ăn và đói lâu ngày. Còn miên
man trong vô thức, chị đang đứng nhìn tôi, ánh mắt như đọng chút ngạc nhiên,
đang chờ tôi ra khỏi cơn đồng thiếp:
- Gần năm giờ rồi. Mình dùng cơm nha cô.
Chị đoán cô đói rồi và chị cũng thế. Nấu cơm mà chị cứ nghĩ sao cô còn trở về
đây, nơi nghèo đói này. Thế mới biết, tiếng gọi quê hương là thế.
- Chị ơi!
Hương hoàng lan, mái nhà gianh, giàn mướp, luống cải hoa vàng, hàng dậu duối và
anh Hùng đưa em trở lại đây. Tuy em ở Thanh có bốn năm nhưng kỷ niệm thì tràn đầy
chị ạ.
- Minh, anh của Nga cùng tuổi với Hùng thế nào?
- Anh Minh đi rồi chị ạ,
ở tuổi 28. Nếu có các anh chắc là chị em mình sẽ vui lắm. Có lẽ em sẽ chẳng bao
giờ trân trọng kỷ niệm tuổi thơ như thế. Hình như những gì đẹp nhất lại là những
gì mình đánh mất và chẳng bao giờ tìm lại được.
Hai chúng tôi tự nhiên yên lặng
bước bên nhau lên nhà trên, bên ngoài nắng chiều còn sót lại trên hàng dậu cao.
Từ khung cửa sổ phòng khách, nắng chiều xuyên qua cành hoàng lang, lung linh
trên bữa ăn thanh đạm được bầy trên cái bàn tre nhỏ. Tô canh rau, nước trong
xanh mát mắt, đĩa trứng tráng với cà chua, đĩa cà pháo. Tự nhiên tôi đói quá, có
cảm tưởng một mình tôi có thể nuốt nguyên những thứ trên bàn vào bụng mình
trong một giây. Tôi nuốt nước miếng nhìn chị.
Chị Loan xới cho tôi nửa bát cơm:
“Cơm nhà quê, có gì trong vườn chị nấu, đừng chê nhe cô.”
Tôi lấy muổng chan canh vào bát. Tôi ngửi được mùi thơm của bát
canh tập tàng có lá ớt, có mồng tơi, có rau đay. Canh rất ngọt vì chị nấu với
trứng cáy. Tôi gầm đầu và miếng cơm đầu tiên, nghẹn ngào nhớ tới anh Minh và
anh Hùng. Tôi không mở miệng chỉ sợ không giữ được tiếng khóc nghẹn trong cổ họng.
Chị Loan cúi đầu ăn. Qua giây phút xúc động, tôi ăn như đói lâu ngày và chị
Loan nói nhiều như chưa bao giờ có dịp dể nói. Tôi lắng nghe, lắng nghe niềm
đau của chị. Hai người đàn bà trong căn nhà nhỏ thơm mùi hoàng lan và nỗi buồn
chiến tranh.
Sau bữa cơm chiều hai chị em đi theo bờ sông Bôn, nước mênh mang
tràn đầy. Phố Bôn nay trống trải không còn bao nhiêu nhà. Chúng tôi không nói
nhiều và đi bên nhau như đang thả hồn trong dĩ vãng.
Trở về nhà, tôi đã thấm mệt.
Chuyện trò vài phút, tôi xin chị đi ngủ sớm. Tôi trở lại phòng ngủ chị Loan
dành cho tôi, vài bức tranh treo trên tường, một chiếc bàn nhỏ, và giường tre.
Ban trưa, khi bước vào phòng, mọi thứ có đó nhưng tôi không còn tâm trạng đâu để
ngắm nghía căn phòng đơn sơ này. Tôi cầm đĩa đèn dầu lạc tỏa ánh sáng vàng
quách gần tường (tấm phên bằng tre) ngắm nghía hai bức tranh vẽ bằng mực tím
trên giấy, loại giấy làm trong khoảng thời gian 1950-1960. Một bức vẽ một con
bé cắt tóc dài, gió thổi tóc quấn vào mặt đang nhìn theo con diều cá mực bay
trên không. Đứng cạnh nó thằng con trai cao, gầy lòng thòng đang cười trên cánh
đồng rộng mênh mông và con sông lượn lờ đằng sau. Bức tranh khác, một đoá hoàng
lan, cánh mỏng manh màu vàng nhạt thướt tha trên cành. Có lẽ bức tranh vẽ vào
buổi chiều, cho nên vạt nắng xuyên qua hoa, lá có màu vàng đậm và
trong (transparent color) cho tôi cái cảm giác như hoa đang toả hương thơm. Góc
phòng hình một mẹ già, vấn tóc, mặt có nhiều nếp nhăn, miệng mỉm cười. Bên cạnh
bức tranh mẹ, bức tự hoạ bằng chì đen: gương mặt cuơng nghị, hàng lông mày rậm
và đôi môi đầy. Trong góc phòng kế giường ngủ một bàn gỗ nhỏ cũ vẫn còn một
nghiên mực. Bàn sạch không một hạt bụi. Tôi tò mò kéo ngăn tủ, một mớ giấy cũ
và vài viên mực tím khô đen, nửa cây bút chì than và vài gói bột màu, tôi đoán
thế vì nó được gói bằng giấy học trò đã cũ theo ngày tháng. Tôi trở lại giường,
tắt đen và rơi vào giấc ngủ đầy mộng mị.
Mấy ngày ở đây, chúng tôi đi vào
làng Giàng thăm người quen của chị. Táo làng Giàng có tiếng là ngọt và dòn.
Chúng tôi băng qua cánh đồng mênh mông ra Go. Leo các bực thang đá lên đồi nhìn
giòng sông Mã bao la. Chúng tôi đi dưới con đường có các rặng tre cành lá giao
nhau, thỉnh thoảng vài đóa mẫu đơn hồng( người miền nam gọi là hoa trang) ven
đường. Những cây lá han lá to bản màu vàng chanh mượt mà đầy lông măng đã làm
bao nhiêu người đau khổ trong đó có tôi. Những đám lông như tơ thế mà nó đụng
vào da cứ như trăm ngàn mũi kim. Có lần thấy tôi ôm mặt nhăn nhó khóc, chị tôi
đi mua xôi còn nóng, nắm thành nắm nhỏ rồi lăn trên mặt tôi để rút đám lông ra
cho tôi đỡ đau. Chị Loan dẫn tôi đi Sầm Sơn nhìn biển. Ba mẹ tôi khi sống ở
Thanh, những đêm nóng nực thường chở con cái ra biển cho mát trước khi đi ngủ.
Tôi được chị cho ăn các món ăn tôi thích như chả mực tươi, bánh khoái nồi rang,
dưa lê( rau cải làng lê), canh cua, riêu cua và bao nhiêu thứ khác, các món đặc
sản của Thanh mà ba mẹ tôi khi còn sống đã nhắc nhở hơi nhiều trong các bữa ăn.
Chị muốn tôi đi thăm nhiều nơi nữa nhưng thời gian có hạn.
Tôi đi thăm mộ anh một
mình trước ngày tôi về lại Seattle, Washington. Mộ anh nằm trên một gò đất
khiêm nhường trên đồi thông, nơi đây anh có thể nhìn màu chiều, chân trời tím
tuổi thơ với các đám mây kỳ lạ trong trí tưởng tượng.
Tôi đi ngủ sớm tối ngày
trước khi rời Thanh. Trong mơ màng tôi nghe tiếng lá cựa mình trong đêm yên
tĩnh, tiếng côn trùng, tiếng ễnh ương kêu xa gần. Tôi nghe như tiếng anh đang
thì thầm cùng tôi, giọng anh ấm trầm, dịu dàng:
- Welcome back. Cô vẫn còn
thích hương hoàng lan?
- Từ ngày bỏ Thanh ra Bắc, vào Nam, rồi định cư ở Hoa kỳ,
em chưa bao giờ được ngửi hương thơm thanh nhẹ và ngọt của hoàng lan.
- Con nhỏ
chui hàng rào bứt trộm hoa dẻ phải không? Người ở đây không gọi nó là Hoàng Lan
mà chỉ có thầy mẹ em từ Hà Nam tản cư vào đây cho nó cái tên đẹp như thế.
- Anh
không thay đổi là bao (hình ảnh anh và niềm ước mơ trong tôi, tôi nghe tiếng tôi
thì thầm mừng rỡ.)
- Không ngờ cô còn nhớ Thanh. Nơi này nghèo lắm cô. Nghèo
hơn thưở thanh bình của thầy me anh và thầy me cô. Ngày đó sao đẹp thế.
- Em
không nhớ! Khi tản cư về Thanh, em chỉ thấy đói và nghèo. Hình ảnh những người
đi dân công và những ông cha mặc áo đen lầm lũi đi qua truớc cửa nhà. Em sợ cái
lạnh xứ Thanh anh ơi.
- Có gì để cô lặn lội về đây?
- Thăm anh và tìm lại kỷ niệm
xưa.
- Truyện ngày nhỏ có gì để nhớ. Anh nghĩ người đi không bao giờ nhớ người
còn ở lại đây. Quê hương của anh không đãi người hiền những năm tháng chiến
tranh đâu cô.
- Em nghĩ anh chẳng bao giờ nhớ đến con nhỏ câm lặng, gầy còm như
em. Ngày đó, anh nói gì em cũng câm lặng đi bên anh. Giọng anh trầm buồn:
- Làm
sao quên được kỷ niệm . Cô là em gái của anh. Anh chẳng có bức họa nào mới
ngoài tuổi thơ. Sau ngày gia đình em về thành, anh nghe tin đồn cả nhà em chết
vì đò bị đắm ban đêm. Buồn lắm. Nhưng anh không tin. Không bao giờ tin những
tin đồn thất thiệt của họ. Anh vẫn nghĩ gia đình cô bình an. Cô thấy đó nơi anh
nằm, thưở nhỏ chúng mình hay chạy lên đồi nhìn chiều xuống và các cụm mây muôn
màu. Ngày đó anh nghĩ gia đinh cô cùng bao nhiêu người di cư khác đã bỏ xứ
Thanh, đang ở sau chân trời.
Anh biết cô về đây chỉ vì kỷ niêm và hưong thơm một
loài hoa. Cô biết đấy người ở đây quen với cuộc sống âm thầm thôn dã, đâu có thời
giờ nhớ nhung một mùi thơm. Tâm hồn người quanh đây vì miếng cơm manh áo nên
thiếu suy tư từ lâu rồi.
Ngày đó, mỗi lần anh bẻ một cành có nhiều hoa cho tôi
mang về cho mẹ, tôi áp nguyên cành hoa vào mặt, hít hà mùi thơm dịu dàng của
hoa. Anh hay cười bảo tôi, mỗi lần được anh cho hoa, tôi cười thật vui, tóc tôi
lòa sòa trước mặt, quần ông thấp ống cao, gầy còm. Anh tội nghiệp cho tôi, anh
ví tôi như con bé lọ lem trong một truyện thần thoại mẹ anh thường kể. Gia đình
tôi đi rồi, anh theo ngày tháng khôn lớn vào dòng đời. Anh nói anh không có nhật
ký vì anh muốn dấu những gì anh suy tư, những gì anh sót sa, những gì anh cảm
nhận khi sống ở đây. Anh sợ bị tù đầy vì những tư tưởng trong đầu anh.
Anh có
người yêu năm anh 18. Người anh yêu rất dịu dàng, cô bạn bé nhỏ hàng xóm, đời
anh không được may mắn, người yêu anh mất trong một chuyến công tác. Thỉnh thoảng
anh tìm về kỷ niệm để an ủi chính mình. Anh vẽ lại tuổi thơ và người thân. Anh
yêu quê hương tổ quốc như bao nhiêu thanh niên khác ở tuổi của anh.
- Anh đi bộ
đội? - Đúng đấy, cũng như Minh, hai anh không là những kẻ giết người nhưng lại
đứng bên hai chiến tuyến, đó là điều đau lòng phải không?
- Còn cô?
- Em mơ ước
nhân bản và tự do. Em mơ ước không có chiến tranh. Em mơ ước một Viet Nam thanh
bình. Em ước anh và anh Minh còn sống.
- Có nhiều điều con người muốn nhưng
không được. Cô nhạy cảm lắm. Cô đang đi tìm dĩ vãng? Nghe đâu cô thích viết?
-
Hoài niệm . Đôi khi em cứ luẩn quẩn trong mớ kỷ niệm. Phải lôi nó ra khỏi cái
rương cũ kỹ cất dấu trong linh hồn, khi em viết được nó thì các anh đi hết về một
thế giới khác và em già như cây cổ thụ.
- Sao cô nói như một người chán đời. Cô
đi những đâu và thấy những gì? Tôi nghe giọng anh mơ hồ thoảng nhẹ như một tiếng
thở dài …hay là tiếng gió thì thầm trong kẽ lá …
- Em đi ra cánh đồng, thăm các
con sông, đi quanh làng, nghe và tìm kỷ niệm thời chúng mình còn nhỏ .. đói
..nghèo …và lo sợ …
- Ừ nhỉ …kỷ niệm không làm con người thoải mái …chỉ là những
mảng vỡ của một thiên đường thơ ngây, chỉ là những hoài niệm …
- Mấy hôm nay cô
ăn uống thế nào …
- Rau lang héo luộc chấm mắm tép, dưa lê, canh rau tập tàng,
bún riêu và cơm gạo sớm muối, trắng toát …ngon lắm .
- Thật không hay cô đang
ăn trong niềm nhớ …
- Chả mực tươi, bánh khoái Thanh…Em ăn ngon lắm và nghĩ tới
ngày xưa … Tôi nghe tiếng anh thở dài …hay là tiếng gió lướt qua mái rạ mốc
meo..
- Hôm qua em được ăn đậu đen, khoai lang phơi khô nấu chung với gạo nếp
gói trong mo cau …chị Loan nấu theo yêu cầu của em.
- Ngon không ?
- Không ngon
bằng ngày xưa cho dù em nhịn đói cả ngày …
- Phải đói cả năm để thấy vị ngọt của
khoai, của đậu, của gạo khi mình nhai?
- Còn nhà cửa thì sao?
- Em ..Em thấy
không gì thay đổi mấy …cũng vẫn mái tranh ẩm mốc. Tỉnh Thanh hãy còn đơn sơ lắm
…khó tìm một khách sạn ưng ý.
- Tỉnh Thanh còn xa mặt trời …nên chưa được cảm
quan của du khách …người ta chỉ nói tới Hà Nội, Hoàn Kiếm chứ có ai để ý đến
Thanh, đến Vinh …tuổi trẻ ở đây không có đất để làm ruộng cho nên phần lớn vào
Saigon làm việc …Việc gì cho con cái nhà nông cô thử nghĩ …chữ nghĩa ít ỏi …
nghèo nàn. Dù sao thì Saigon dân hơn 8 triệu người, kiếm việc cũng dễ.
- …phần
thưởng của hòa bình …niềm mơ ước hoài bảo của chúng mình ..no cơm, áo ấm mùa
đông …
- Những thứ cần thiết, căn bản cho đời sống của con người trong một quốc
gia hòa bình phải không? Thôi, kể cho anh nghe đời sống của cô, của anh em con
cháu nơi quê hương mới.
- Khoảng thời gian đầu em và con vất vả với đời sống mới,
ngôn ngữ, và phong tục. Buồn phiền nhờ thế cũng lạc đâu đó trong tháng ngày bận
rộn. Điều hạnh phúc nhất là mẹ con em được ngủ yên giấc, không sợ đói sợ lạnh.
Theo ngày tháng con em tốt nghiệp đại học và đời sống khá hơn. Nhìn con khôn lớn,
hạnh phúc, em mãn nguyện. Cái giá mà em phải trả, đó là xa quê mình.
- Anh phục
cô lắm. Anh phục tất cả các bà mẹ đã mang con chạy ra biển Đông cũng như các mẹ
già sống trong đau khổ khi có con mất trong chiến tranh như mẹ em và mẹ anh.
-
Hạnh phúc nào cũng có giá phải trả phải không anh …cuộc đời con người, một dòng
sông dài, một hành trình không định hướng và mỗi chúng ta vác trên vai một thập
tự riêng. Tôi không nghe được tiếng anh cũng như tiếng rì rào của côn trùng
trong đêm. Tôi nghe tiếng tim tôi thổn thức. Anh ở đâu, có còn nghe tôi nói
không? Để trả lời tôi, giọng anh ấm hơn.
- Anh vẫn còn đây, hạnh phúc trừu tượng
lắm cô?
- Đôi khi em vẫn nhớ đến quê nhà. Kỷ niệm trong thời ở đây càng ngày
càng thôi thúc em về Thanh.
- Anh mừng lắm khi biết cô về . Mừng cô về hoàng
lan nở rộ, hương thơm nồng những hoàng hôn. Anh nằm đây trên đồi thông nhìn được
mỗi bước em đi.
- Yên lặng …
- Cô có vẻ không vui?
- Làm sao vui được khi không
có anh. Em chỉ ao ước hai anh em minh đi một vòng quanh đây, lên đồi thông ngắm
màu mây hư ảo khi chiều xuống và nhớ tới ngày còn nhỏ: một con bé câm lặng đứng
bên thằng nhỏ ốm tong teo mơ ước một thiên đường.
- Em thất vọng…
- Yên lặng.
-
…trong giọng nói của cô.
- Sao anh nói thế?
- Căn nhà cũ, con đường xưa, cánh
đồng vắng, cơm nghèo chỉ là lý do nhỏ mà thôi. Anh biết cô về đây để xem chúng
tôi có được an bình không? Tim cô vẫn khắc khoải niềm đau …Cô đang hạnh phúc,
cô biết không?
- Anh đang hạnh phúc?
- Có thể …ngay trong lúc này …đang nó
chuyện với cô. Biết đâu …sự chết chẳng là hạnh phúc … anh và Minh không là hai
kẻ tử thù và cô không nhìn anh với cái cười nửa miệng khinh khi …
- Anh vẫn còn
trong em …một hoài niệm …một once upon a time … in the far east of Asia, there
was two little children …..(ngày xửa ngày xưa, ở Viễn Đông, ….)
Tiếng cười nhẹ,
bao dung, xa dần như luồng gió nhẹ và hương hoàng lan phảng phất trong phòng.
Khi tôi thức giấc, nắng sớm lẻn qua cửa sổ, các đóa hoa vàng nhạt thướt tha
trên cành đang đong đưa nhè nhẹ như mỉm cười cùng tôi. Tôi đi chân đất ra vườn,
áp mặt vào đóa hoa vừa nở, hồn thênh thang êm đềm.
Tôi rời Thanh, kỷ niệm tràn
đầy như nước từ con sông đào chảy ngang Bôn, như hương hoàng lan những buổi chiều,
như mắt nhìn của chị Loan như giọng anh ấm trầm an ủi tôi khi nghe tôi kể lể
chuyện đời mình tuy rằng trong mơ.
Tôi đã gặp anh, thần tượng tuổi nhỏ của tôi.
Tôi được ngồi bên mộ anh, được thì thầm cùng anh những gì trong tim tôi. Được
cùng anh, linh hồn anh thì đúng hơn một lần nữa trong cuộc đời đi lang thang
trên đồng hoang, được ôm ấp bởi hương hoàng lan để kỷ niệm dò dẫm trở về chầm
chậm trải dài trên tháng ngày tôi được gặp lại anh. Các vằn khói nhạt từ các
nén hương trên mộ anh tản mạn trong nắng ngày tôi từ giã anh, từ giã kỷ niệm,
trở về cuộc đời thường nơi quê hương mới. Tôi hình như nghe trong không vẳng tiếng
anh đầm ấm hay tiếng lòng tôi đang thì thầm cùng anh người đã cùng tôi lang
thang trong thời tuổi nhỏ:
- Còn gì nữa không cô! Kể tiếp cho anh nghe! Ngày
mai cô đi rồi! Cô thấy đó. Cây hoàng lan tuy già nhưng hương thơm vẫn thân
quen. Phấn thông vàng vẫn xôn xao trong nắng. Cánh đồng vẫn bao la. Và anh sẽ
…sẽ …mãi …mãi cô đơn trên đồi nhìn ra những lượn sóng thênh thang trên biển
Đông một bờ Thái Bình Dương bên trời Tây.
- Chiến tranh tàn nhẫn lắm. Chiến
tranh Việt Nam đã đào thải đến tận cùng cội rễ một nền văn hóa mà cha ông chúng
ta trân trọng hơn 4000 ngàn năm. Nhưng anh ơi chiến tranh không thể và chưa bao
giờ hủy diệt được tình người phải không anh?
- Tiếng anh cười nhẹ như gió thoảng.
Tiếng thông vẫn reo vi vu trên đồi, phấn thông tan loãng trong không gian, và mộ
anh bơ vơ trên triền đồi quên lãng.
Lê Thu Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét