Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Suy nghĩ về thơ

Suy nghĩ về thơ
1. Tôi luôn tin rằng các nhà thơ đích thực là những người rất lương thiện. Bởi ngọn bút của họ (bây giờ có thể là bàn phím) hướng về tình thương yêu và sự cao đẹp của con người.
Từ xưa đến nay, các nhà thơ được quần chúng kính trọng yêu mến khi họ có những tác phẩm mang nỗi buồn vui và khát vọng của dân trăm họ. Không ai công bằng như nhân dân; những con người khổ đau và lam lũ ấy định giá chính xác minh chủ và thi nhân của họ. Chính họ, không ai khác, những kẻ nông, kẻ chợ, kẻ sĩ… đã thầm lặng bầu chọn ra anh hùng và nhà thơ cho dân tộc mình. Và, những gì bách tính thiên hạ tự nguyện bầu chọn ra, tự nguyện ghi tâm khắc cốt mới lâu bền, mới trở thành giá trị muôn thuở của đất nước.
Yêu nước thương dân, cái mẫu số vĩnh hằng ấy là tiêu chí số một để định vị giá trị của người cầm quân và người cầm bút. Tài năng nào, tài năng đến mấy cũng phải gắn với chữ Tâm mới mong tỏa sáng lưu truyền. Cốt lõi chữ Tâm phải chăng là lòng Thiện, diễn giải giản dị như thơ của bình dân là Thương người như thể thương thân… Lòng Thiện ấy, như Nguyễn Trãi từng viết Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, như Nguyễn Du từng khóc Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng, như Hồ Xuân Hương từng cảm Có phải duyên nhau thì thắm lại/ Đừng xanh như lá bạc như vôi… Đọc thơ của ông cha, tôi thấy họ đau đớn, thương yêu thật lắm, sâu lắm và tuyệt nhiên chẳng tù mù, cầu kỳ, rắm rối chút nào. Thơ thốt ra từ cõi lòng mình, không mượn vay ai cả và nó cũng thật gần với nhân dân. Trăm họ biết Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… là những thi hào, thi bá sáng tỏa của đất nước, của nhân loại trước hết họ đọc được trong từng con chữ những đau đớn lòng của chính thân phận mình.
2. Những câu thơ, bài thơ vượt thời gian, nằm lòng dân tộc, nhân loại bao thế kỷ chính vì nó đã giải mã được chiều sâu tâm hồn con người bằng những diễn đạt tinh tế và khúc chiết nhất. Sự sáng tạo thi ca không thể không bắt đầu bằng sự phát hiện cuộc sống và nó được khai triển bằng những lối đi nghệ thuật riêng mang dấu ấn của cá thể nhưng không xa lạ với dân tộc và nhân loại. Nói gì thì nói đặc trưng của ngôn ngữ thơ vẫn là biểu đạt tình cảm. Thơ vẫn dành để thông qua hình tượng ngôn ngữ người cầm bút gửi gắm cái tình, cái chí của mình trong đó. Điều này cũng xưa cổ như thể loại văn học này vậy. Thơ hiện nay, lắm khi ta tưởng tác giả nghĩ nhiều hơn cảm, nhưng ngẫm kỹ thì cái nghĩ đó không thể không mang rung động của người sáng tác. Thơ vần, thơ không vần, thơ văn xuôi, truyền thống hay hiện đại cũng đều không vượt ra khỏi quy luật của cảm xúc, sự thăng hoa xuất thần của tâm hồn, là cơ hội để người sáng tác tìm gặp được những ý thơ, tứ thơ, câu thơ, bài thơ hay. Sự thăng hoa có thể đến bất chợt khi nhà thơ chưa ngồi trước bàn phím hay cầm bút nhưng nó cũng có thể xuất hiện trong quá trình sáng tạo của họ. Đấy là ánh chớp của đam mê, là bùng nổ của mắt bão, là trào vọt của nham thạch, là tràn dâng của đỉnh lũ.

Người ta đang nói nhiều tới sự cách tân trong thơ. Cách tân! Muốn thơ có mặt trong cuộc sống đương đại và cả mai sau nữa, không còn con đường nào khác phải cách tân. Nhưng theo tôi, sự cách tân không phải là đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm, tôn vinh thác loạn, đưa hủ bại lên ngôi. Sự cách tân không phải là đốt quá khứ trong nỗi ngông cuồng được trở thành sao chói lọi trên bầu trời thi ca. Cách tân xa lạ với tùy tiện, cẩu thả, rối mù, hủ nút, đánh đố người đọc. Cử nhân, thạc sĩ cho đến tiến sĩ văn học cũng chẳng cảm nhận nổi, không hiểu được tác giả nói gì trong bài thơ của họ. Chớ lầm tưởng rằng thơ hiện đại, thơ mới phải là thơ khó hiểu; thơ dễ hiểu thuộc về kiểu thơ cũ, thơ truyền thống. Thực ra khó hiểu hay dễ hiểu không phải là tiêu chí của thơ, mà thơ hay chính là sự lay động người đọc ở cảm xúc mạnh, ở tính đa nghĩa của hình tượng, ở sự hợp lý đắc địa của ngôn từ. Giá trị của thơ nằm ở việc phát hiện vấn đề, tìm và dựng tứ độc đáo, ở tính sáng tạo trong thiết lập cấu trúc bài, chọn lựa hình tượng khác lạ, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhuyễn đổi mới.
Thơ muôn đời mang tính kế thừa. Hệ quả của những dè bỉu, mỉa mai, chà đạp, đoạn tuyệt truyền thống là sự giả tạo, hống hớt, hợm hĩnh, lai căng, mất gốc và một kết cục đuối sức, hụt hơi, èo uột, tự chết là khó tránh khỏi. Thơ sẽ tự chết khi không bám được vào cuộc sống đời thường. Đó chính là bài học vỡ lòng cho những người làm thơ.
Giấc mơ vòng nguyệt quế không có tội gì nhưng xin đừng ngộ nhận về tài năng. Ngọn đuốc soi đường khác hoàn toàn với mồi lửa của kẻ đốt đền. Thơ, là sứ giả của tình yêu, trong cuộc chạy tiếp sức của nhân loại, nó bồi đắp tiếp tế năng lượng cho tâm hồn, không chỉ cho một người mà cho nhiều người. Vì thế, thơ cần sự sáng tạo lại ngoài tác giả, để được truyền cảm, nhân lên trong những cảm thông, bênh vực, nâng đỡ không ngừng. Thơ gắn với đời, trong những lấm láp ruộng đồng, trong mặn mòi biển cả, trong khuất lấp nẻo rừng, trong xô bồ phố thị với từng hớn hở hay đớn đau của cuộc sống, bắt đầu từ một đến mười, mười đến một trăm rồi nghìn, vạn, triệu.
Thơ hay là thơ lan truyền theo cấp số nhân và nó sẽ trở thành tài sản chung của nhiều người. Tại sao những bài thơ hay lại được nhiều người biết, nhiều người nhớ, nhiều người thuộc. Bí quyết của nó là gì? Phải chăng, soi vào đó người ta nhận ra gương mặt tâm hồn của mình. Lặng lẽ, chậm rãi đọc lại những bài thơ hay của người khác ta thấy nó chính là ta đang thanh lọc tâm hồn.
Người làm thơ vì danh, tôi nghĩ ít thôi, làm thơ để thanh lọc tâm hồn mới là phổ biến. Đọc thơ, yêu thơ cũng để biết sống trầm tĩnh sâu sắc hơn. Thơ không phải là bài giáo huấn luân lý một cách thô thiển nhưng thơ mang vẻ đẹp thuần khiết của tình cảm và cả nhân cách con người do vậy không lý gì nó không góp phần chống lại sự băng hoại xuống cấp của đạo đức phẩm chất con người.
Chính vì thế, nên dù phải chống đỡ với sự chiếm lấn của bao nhiêu phương tiện nghe nhìn khác của thời kỷ trị và đang ở trong một tâm thế ít thuận lợi, thơ vẫn không chết như ai đó đã kêu lên. Thơ hay vẫn lặng lẽ đi vào lòng người như những mạch ngầm dịu mát làm lành lại bao vết thương đời, trong khổ đau mất mát lắm khi người ta vẫn còn phải vịn vào câu thơ để đứng dậy. Nhiều cuộc tranh luận sóng gió về thơ, đó là gì nếu không phải niềm yêu và lòng mong mỏi cho thơ hay lên. Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội văn hóa sang trọng có sự tham gia đông đảo của công chúng ở mọi miền đất nước.
Thơ còn cần cho cuộc sống biết bao. Với công chúng, người cầm bút đừng bao giờ làm cho thơ xa lạ hay thấp hèn đi. Muôn đời, thơ vẫn là nhịp cầu nối tâm hồn này đến tâm hồn khác. Sứ mệnh của thơ là thế, chẳng bao giờ đổi thay.
3. Thơ, đương nhiên là sản phẩm của nhà thơ. Nói một cách hình ảnh thì thơ chính là đứa con tinh thần của thi sĩ. Cũng giống như một người mẹ, nhà thơ nào chẳng mong muốn cho đứa con mình sinh ra lành lặn, khỏe khoắn, xinh đẹp. Cũng tựa hồ tình mẫu tử lai láng, nhà thơ yêu quý đứa - con - tác phẩm hơn cả yêu quý mình. Thơ, có gì khác cơ chứ, nó là con vàng con bạc của nhà thơ. Người mẹ thi sĩ sẵn sàng chết để đứa con thơ sống lâu bền với thời gian. Đó không phải là ngoa ngôn, tôi tin thế.
Bởi lẽ, sự sống của một người là hữu hạn còn sự sống của thơ có thể đạt đến vô hạn. Có những bài thơ nghìn tuổi vẫn đang sống trong lòng nhân loại. Thơ sống cũng có nghĩa là người sinh ra nó, nhà thơ, đang sống. Một cuộc sống sang trọng ý nghĩa gấp nhiều lần cuộc sống trần tục, bụi bặm. Nguyễn Du đang sống ở thời đại chúng ta đẹp hơn rất nhiều lần Nguyễn Du của thế kỷ 18. Nguyễn Du đương đại là Truyện Kiều, một tác phẩm thơ bất hủ của dân tộc Việt Nam. Vượt qua 300 năm, Nguyễn Du sẽ sống đến nghìn năm, rồi vạn năm hoặc lâu hơn nữa bởi cái Hay của Truyện Kiều.
Hai mươi tám tuổi, Hàn Mặc Tử đã chết vì bệnh phong nhưng thơ ông không yểu mệnh. Người đương thời như chúng ta còn đắm say ông lắm, không ít người đang phải loay hoay tìm cái bí ẩn của lá trúc che ngang mặt chữ điền, còn lâng lâng nhung nhớ tới bao cô thôn nữ theo chồng bỏ cuộc chơi trong bóng xuân sang… Hàn thi nhân nào đã chết, cái bệnh phong kia sao ăn mòn hủy hoại được hồn thơ siêu phàm lay động đến cả trăng sao của ông. Còn lâu Hàn Mặc Tử mới chịu nằm yên trong mộ, ghềnh Ráng ấy chỉ là một địa chỉ cư trú của ông, đêm nay người đang đợi trăng về nơi Vỹ Dạ, chiều mai đã ra Nhật Lệ đi dọc bờ sông trắng nắng chang chang… 
Nhà thơ chỉ được lưu danh trong tác phẩm của mình. Suy cho cùng, công chúng tôn vinh thơ chứ nào tôn vinh nhà thơ. Và, mọi cái thật công bằng, sòng phẳng qua sự sàng lọc thật nghiệt ngã của thời gian. Một tập thơ hay, một bài thơ hay đến một câu thơ hay, thiên hạ đều ghi nhận. Ghi nhận một cách nghiêm túc, không cánh hẩu, không vụ lợi, không vì phong bì lót tay, không phụ thuộc mối quan hệ anh anh chú chú, không sợ bị mủi lòng trước đáy thắt lưng ong…
Xếp hạng nhà thơ bằng thơ, đó là điều duy nhất đúng. Khốn nỗi, lắm khi xét tặng giải thưởng hay hội viên người ta lại đặt thơ sau mối quan hệ xã giao. Bi kịch của người làm thơ là ở chỗ này nhưng với thơ thì chẳng hề hấn gì, vì nó tồn tại bằng giá trị đích thực của tác phẩm. Chưa ai trao giải thưởng văn học cho Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… cả nhưng thơ của họ vẫn tỏa sáng nhiều thế hệ và có mặt ở muôn nơi.
Với nhà thơ, có vẻ như mọi sự hay được đẩy lên thái quá. Vui quá. Buồn quá. Sướng quá. Khổ quá. Yêu quá. Ghét quá. Hạnh phúc quá. Đau khổ quá. Tuyệt vời quá. Thậm tệ quá… Hàng trăm cái quá thường gắn với nhà thơ như thể Trời bắt phải thế.
Nhà thơ cần tránh xa vòng xoáy quyền lực bởi nó sẽ làm tổn hại tới sự tinh khiết hồn nhiên trung thực của thơ, đó là chưa nói tới tai bay vạ gió như bi kịch Nguyễn Trãi tiên sinh ở thế kỷ 15. Tôi chưa thấy nhà thơ nào ở nước ta làm chính trị chuyên nghiệp mà thuận buồm xuôi gió cả. Cái chất thi sĩ hình như không hợp với những hoạch định, tính toán, mưu mô, lo toan ở tầm chiến lược, vĩ mô. Ngay ở cấp thấp hơn thì nhà thơ vẫn thường bộc lộ sự run rẩy, đa cảm, chông chênh, chòng chành, rất dễ vỡ. Thôi, cứ để cho thi sĩ làm thơ, chỉ cần mở ra cho họ một không gian thoáng đãng, thế là đủ.
Hạnh phúc của thi sĩ là làm được thơ hay, có nhiều công chúng thừa nhận đón đợi tác phẩm của mình. Và, theo tôi nhà thơ có được hạnh phúc này cũng thật hiếm hoi. Thi sĩ có tài thời nào cũng ít. Nhân loại cũng vậy thôi, những tên tuổi chói ngời cũng không nhiều lắm. Thế thì, những nhà thơ đương đại chúng ta cũng đừng nên quá ảo tưởng về mình, có được một bài thơ, một câu thơ để đôi ba người nào đó nhớ đã là quý giá lắm. Đừng mong tên tuổi lưu danh hậu thế, đừng dại dột xưng danh rầm rĩ làm chi. Đừng vội kiêu ngạo lên mặt với bạn viết bạn đọc. Rất nhiều chúng ta đang lóp ngóp bơi trong dòng sông thơ mênh mông. Càng bơi càng thấy bến bờ tít tắp mù xa. Nhìn ra xung quanh, không ít người như ta cũng đang quẫy đạp um sùm. Hét hò ầm ĩ, nước bắn tung tóe, nhưng chẳng đi xa được bao lăm. Buồn và nản lắm chứ, bơi tiếp thì mệt mỏi mà dừng lại thì chìm.
Tự nhủ lòng cứ viết cho thật, truyền thống hay hiện đại, thực hay ảo đều phải thật. Rút ruột xé lòng mà viết may ra câu thơ đỡ nhạt, khỏi bị bắn bật ra khỏi cuộc sống. Đừng vì nhân danh cách tân đổi mới mà làm mọi thứ nhá nhem, rối tung lên. Cũng đừng dựa dẫm vào truyền thống mà cũ kỹ, sáo mòn mãi. Tôi chọn đổi mới trên nền truyền thống. Sông Lấp của Tú Xương đấy: Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò, có cầu kỳ đâu mà vẫn văng vẳng cho tới bây giờ. Và đây, hiện đại huyền ảo Đoàn Phú Tứ: Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngắt/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh vẫn còn lung linh trong ta. Sức lay động của thơ phụ thuộc vào độ cảm xúc (làm nên giọng, điệu, tiết tấu, âm vực...) và sự tạo dựng hình tượng (nhân vật, chi tiết, hình ảnh, màu sắc, đường nét…) mới mẻ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhuyễn, sáng tạo của người cầm bút.
Mỗi bài thơ là một sáng tạo. Nói thật ngắn gọn là như vậy. Nhưng sáng tạo ra sao, để không lặp lại mình, không giống người khác là vô cùng khó khăn. Khó khăn như hành trình của người thám hiểm mỏ quý vậy. Có lúc được nhiều nhưng lắm khi lại trắng tay. Bởi thế, tôi nghĩ danh hiệu nhà thơ không quan trọng bằng bài thơ. Có bài thơ hay, đương nhiên anh xứng đáng là thi sĩ chẳng cần tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn chứng nhận.
4. Tôi nghĩ, đã là nhà thơ chân chính thì không thể không trung thực. Dù rằng sự trung thực lắm khi mang lại cho thi nhân những hệ lụy rủi ro, những tai họa không lường trước được. Nguyễn Trãi đó, tài năng kiệt xuất bao nhiêu thì cũng bi thương tổn thất bấy nhiêu. Người dâng Bình Ngô sách, quân sư tài ba của Lê Lợi, được coi là nhà chiến lược, chiến thuật, ngoại giao xuất sắc và là linh hồn của cuộc kháng chiến chống giặc Minh, tác giả của áng hùng văn - bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước nhà - Bình Ngô đại cáo, của những Quân trung từ mệnh tập, Quốc âm thi tập, Ức Trai thi tập nổi tiếng muôn đời cuối cùng bị chết cùng với ba họ (tru di tam tộc) dưới lưỡi kiếm vương quyền thời Lê Thái Tôn. Ông chết, suy cho cùng đâu phải chỉ vì oan án Lệ Chi Viên mà bởi lòng căm tức ghen ghét của thói xu nịnh gian tham nơi chốn quan trường thời đó. Một con người thấu hiểu: Non cao non thấp mây thuộc;/ Cây cứng cây mềm gió hay/… Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết/ Bui một lòng người cực hiểm thay nhưng vẫn không thoát khỏi sự trả thù của mưu mô đen tối. Một hiền tài có tấm lòng trung liễn hiếu, mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen, yêu thiên nhiên tới độ lấy tiếng nước chảy rì rầm của khe suối làm đàn cầm, lấy đá rêu làm chiếu thảm phải chuốc lấy sự oan nghiệt thảm thê.
Đời nào cũng vậy, sự thẳng thắn trung thực luôn bị thói xu nịnh dối trá căm tức trả thù. Nguyễn Trãi đâu không thấu tỏ cái thâm hiểm của loại người ấy nhưng khí khái của một thanh quan, phẩm chất của một thi nhân không cho phép ông viết và hành động khác với tâm can vằng vặc của mình. Bởi vậy, dẫu đã hơn sáu trăm năm rồi, trải qua bao thăng trầm biến động nhà thơ Ức Trai Nguyễn Trãi vẫn sống cùng ta trong những vần thơ bất tử dào dạt tình yêu thiên nhiên: Núi láng giềng, chim bầu bạn;/ Mây khách khứa, nguyệt anh tam; sự chọn lựa thanh tao không ham hố: Công danh đã được chỉn về nhàn./ Lành dữ âu chi thế ngợi khen./ Ao cạn vớt bèo cấy muống./ Trì thành phát cỏ ương sen…; tình người thảo thơm rộng mở: Nghìn hàng cam quýt con đòi cũ/ Mấy đứa ngư tiều bậu bạn thân…; lòng thương dân canh cánh: Tuy đà chưa có tài lương đống,/ Bóng cả như còn rợp đến dân… 
Khi nghĩ về Ông, tôi đã xúc động viết bài thơ Nguyễn Trãi. Bài này có 2 câu tôi rất tâm đắc là: Lưỡi gươm chém Người Hiền treo giữa chốn vàng son/ Câu thơ của Người Hiền cất trong lòng thiên hạ. 
Điều tệ hại nhất với người cầm bút nói chung và nhà thơ nói riêng là đánh mất lòng trung thực. Không trung thực với đời, với xã hội, với mình, với nghệ thuật sẽ khó có những tác phẩm tâm huyết. Những bài thơ viết ra chỉ là những xác chữ vô hồn. Chẳng gì tệ hại hơn khi thơ bị chê là vô hồn (hiểu cụ thể hơn là thơ không có tình). Khóc sướt mướt chưa chắc đã thương đau thật sự.
Những bài thơ hay chính là sự kết hợp của phút thăng hoa tâm hồn với khoảnh khắc lóe sáng của trí tuệ. Người có nghề không mấy khi làm thơ kém nhưng chưa chắc đã viết được thơ hay. Nguồn gốc thơ, khởi thủy thơ, hành trình thơ, kết thúc thơ, trước thơ, trong thơ và sau thơ đều là cảm xúc. Cảm xúc chân thật và mãnh liệt dắt dẫn người làm thơ vào những cung bậc thi ca huyền diệu không ngờ tới. Cảm xúc ấy không chịu dừng lại khi tác giả đã dừng bút hay thôi gõ bàn phím vi tính mà nó tiếp tục cuộc thâm nhập, chinh phục bạn đọc, từ người này qua người khác, từ đời này qua đời khác. Sau trận động đất kinh hoàng và bi thương ở Tứ Xuyên hàng vạn bài thơ viết về sự kiện này đã ra đời tại Trung Quốc nhưng tác giả của bài thơ hay nhất, xúc động nhất lại là người làm thơ nghiệp dư. Người máy, sau khi lập trình sản xuất ra thơ nhưng tôi tin rằng các tác phẩm của rô bốt có thể rất lạ nhưng không bao giờ hay. Bởi vì cho đến nay người ta chưa lập trình được cảm xúc cho rô bốt. Và, giả dụ, người ta có thể lập trình được xúc cảm cho người máy thì đó cũng là thứ cảm xúc vay mượn, bắt chước mà thôi. Người máy, chỉ lắp ghép được từ ngữ, câu theo những vần điệu định sẵn chứ không thể, không bao giờ làm thơ hay được, đến bây giờ tôi vẫn nghĩ thế.

Việt Phương, là một dẫn dụ về lòng trung thực của người làm thơ. Ngợi ca hay phản biện cũng đều xuất phát từ lòng trung thực. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, ở một đất nước có sự kiểm duyệt văn học nghệ thuật rất chặt chẽ như Việt Nam ta mà có một Cửa mở của Việt Phương thì cũng ghê gớm thật. Thơ Việt Phương là thơ hai chiều, phản ánh đúng nhận thức thực tiễn của đời sống xã hội nước ta và thế giới thời ấy. Trong những tháng năm chống giặc Mỹ xâm lược, thơ ông mênh mông tình yêu và niềm tự hào đất nước chính nghĩa, anh hùng: Chỉ một áng mây chiều trên mặt sông Hồng bảng lảng/ Một giọt nắng vàng trong vòm hoa phượng Hồ Tây/ Một mùi dạ hương thoang thoảng heo may/ Một khoảng trời Việt Nam không mây, xanh biếc/ Đủ để hiến cả đời ta chẳng tiếc/ Trận đánh này là sự nghiệp tình yêu. (Ta đánh Mỹ, vậy thì ta tồn tại). Nhưng ở phía khác của trái tim, thì nhà thơ lại nhức nhối nỗi đớn đau trước sự chết chóc mất mát tang thương của con người.
Dù ở bên này hay bên kia, ta hay kẻ thù thì những cái chết vì chiến tranh đều xót xa cả: Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là “đánh đẹp”/ Con xóa chữ “đẹp” đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con/ Thêm hiểu lòng người đối với quân thù như sắt thép/ mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn (Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương). Con người mới là vốn quý nhất của hành tinh này; không con người thì dù trái đất, thiên nhiên có đẹp đến mấy cũng vô nghĩa: Đất được màu hoa, ta mùa đời/ Mỗi lòng thơm tỏa một hương vui/ Như người ươm hạt yêu quả chín/ Đi suốt đường hoa, chỉ ngắm người. (Chợ hoa ngày Tết). Con người nồng nàn yêu đất nước, yêu nhân dân, yêu Đảng, yêu Bác Hồ ấy đã rất trung thực và dũng cảm chỉ ra mặt trái của tấm huân chương, cái ngây thơ ấu trĩ của một thời: Chưa biết rằng “trời” còn xanh hơn “trời xanh”/ Ta thiếu sự trầm lắng đúc nên bởi nhiệt tình/ Ta cứ nghĩ đồng chí rồi thì không ai xấu nữa/ Trong hàng ngũ ta chỉ có chỗ của yêu thương/ Đã chọn đường đi, chẳng dừng ở giữa/ Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường/ Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/ Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào/ Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao/ Một phần tư thế kỷ qua đi và bây giờ ta đã biết/ Thế nào là thương yêu thế nào là chém giết/ Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao/ Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao (Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi). Những câu thơ như thế còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay và những lõm lồi, vết bùn nơi chốn cao xa không thể không giật mình trước nó.

Tôi đã học được bao điều từ những nhà thơ như thế!.
Nguyễn Hữu Quý 

Nguồn: (SH283/09-12)
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa tím bao giờ nở

Hoa tím bao giờ nở 1. Chuyến bay bị delay hai tiếng rưỡi, phòng đợi nháo nhào, tôi tìm một góc tĩnh lặng nhâm nhi ly cà phê Lão bạn già ngồi...