Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Phân tích bài thơ “Thánh nữ đồng trinh Maria” của Hàn Mặc Tử

Phân tích bài thơ “Thánh nữ đồng trinh Maria” của Hàn Mặc Tử
Trong phong trào Thơ mới, Hàn Mặc Tử là một tài năng lạ. Mặc dù cuộc sống  trần thế của thi nhân với nhân loại quá ngắn ngủi nhưng không vì thế mà khi rời xa cõi trần lại không ai biết đến. Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) sinh ra trong một gia đình sùng mến đạo, từ đó đã xây dựng cho Hàn Mặc Tử một nền tảng đức tin vững vàng, kiên cố. Hàn Mặc Tử sớm “thấm nhuần ơn trìu mến” của Đức Chúa chí nhân và Mẹ Maria từ bi. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, lúc vui cũng như lúc buồn, lúc khỏe mạnh cũng như lúc đau đớn ông luôn nghĩ đến Chúa - Mẹ, đặc biệt là lúc cận kề với cái chết “suốt ngày chỉ biết đọc thơ và nghĩ đến Chúa”. Những hoạn nạn ở cuộc đời trần thế như vậy nhờ có niềm tin tôn giáo mà ông đã phần nào trấn an được tinh thần để có thêm nghị lực chống chọi với căn bệnh quái ác này. Trong số các sáng tác mang đậm màu sắc tôn giáo thì bài thơ mà Hàn Mặc Tử đã làm để ca ngợi vẻ đẹp của Đức Mẹ Đồng Trinh là đặc biệt hơn cả. Bởi bài thơ đã chứa đựng một cái gì đó rất riêng, rất độc đáo và đây còn là tư tưởng của nhiều “con chiên” sùng kính đạo. Hơn nữa, bài thơ đã kết hợp được ngôn ngữ của Đạo phật với ngôn ngữ của Thánh Kinh và tâm tình thành kính của chính thi sĩ.
Chúng ta thấy rằng trong tất cả các hình thái ý thức xã hội ít có lĩnh vực nào lại có nhiều điểm gặp gỡ và tương đồng như trong tôn giáo và thi ca. Cả hai hiện tượng này khác nhau nhưng lại dễ gặp nhau trên nhiều phương diện. Cả hai đều có hướng nội sâu sắc, có sự thể hiện nội tâm nhạy bén, cả hai đều trầm tư, tĩnh lự, coi trọng niềm tin và chúng đều cần đến một thứ ngôn ngữ diễn đạt “ý tại ngôn ngoại”…Tôn giáo cũng như thơ ca luôn luôn vận động, biến đổi để phù hợp với thời đại. Trong thời đại mới này, tôn giáo  cũng tìm cách chuyển mình để thích ứng bằng cách loại bỏ những lối  tư duy cổ hủ, hình thức cầu kỳ, tính chất câu nệ và giáo điều, thay vào đó là sự khoan dung, hòa hợp và vô ngã. Cùng viết về tôn giáo không chỉ riêng Hàn Mặc Tử mà còn có rất nhiều nhà thơ cũng tìm đến địa hạt của tôn giáo như: R. Targor (Ấn Độ), Êxênhin (Nga), Vương Duy,…
Chúng ta biết rằng cuộc sống của nhà thơ là sự vật lộn suốt đời với bệnh tật đeo bám dai dẳng, bất phân thắng bại. Sự đau khổ về bệnh tật đã đày đọa thi sĩ lên đến tột đỉnh mà dường như người đọc luôn có cảm nhận rằng mọi sự đau đớn nhất, bi thảm và kinh hoàng nhất của cuộc sống xã hội nhân thế đang trút bỏ lên đôi vai gầy mòn của một thi mệnh thiên tài. Chính vì thế trong thơ ông có không ít những vần thơ quằn quại, đau đớn kiểu như:
Ta trút linh hồn giữa lúc đấy
Gió sầu vô hạn nuối trong cây
(Trút linh hồn)
Hay:
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mãnh giấy mong manh
(Rướm máu)
Đọc thơ Hàn Mặc Tử, độc giả luôn có cảm nhận trong tâm hồn nhà thơ trẻ không có sự xuất hiện của bức tường thành kiên cố nào về khoảng cách tôn giáo của mình và tôn giáo của người. Thơ ông luôn có sự đan xen giữa ngôn ngữ của Phật và ngôn ngữ của Thiên Chúa giáo. Chính sự kết hợp ngôn ngữ của các tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử đã phần nào cho chúng ta thấy được sự bình đẳng và ảnh hưởng giữa các tôn giáo với nhau trong cuộc sống của con người. Bên cạnh bài thơ Thánh nữ đồng trinh Maria, Hàn Mặc Tử cũng đã sáng tác rất nhiều những bài thơ ca ngợi lý tưởng đạo thiên chúa của mình như: Đêm xuân cầu nguyện, Nguồn thơm, Ra đời, Ngoài vũ trụ, Say thơ,…Là thi sĩ của “Đạo quân Thánh giá” Hàn Mặc Tử đã không ngần ngại chủ trương sáng tác thi văn của mình khi khẳng định lý tưởng: “Đức chúa trời đã tạo ra Trăng, Hoa, Nhạc, Hương là để cho người đời hưởng thụ nhưng người đời phần nhiều u mê không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí tôn”.
Thánh nữ Đồng trinh Maria như là sự hội tụ niềm tôn kính, ngưỡng vọng của Hàn Mặc Tử đối với Đấng Chí tôn mang nhiều tước hiệu và đây cũng là tâm lý chung của hết thảy “Con chiên” đang một lòng hướng đến nguồn ân sủng đặc biệt mà tình yêu Thiên chúa đã dành tặng cho nhân loại.
Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
Và tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Đọc thơ Hàn Mặc Tử chúng ta thấy xuất hiện hàng loạt những từ như: Ánh sáng, Lời kinh, Hương thơm, Hoa, Tiếng nhạc,…Những từ này không phải là một sự đưa vào thơ ngẫu nhiên mà có chủ đích của tác giả. Trong mỗi nhà Nguyện đều có đầy đủ những thứ này- Đây là sự trang hoàng trong Thánh đường, một cách khang trang, trọng thể và mỗi thứ đó đều mang trong nó một ý nghĩa khác nhau. Tất cả những thứ ấy kết hợp hài hòa với nhau tạo cho con người một cảm giác thanh tịnh, bình yên, đến với nơi đó ta như được trải nỗi lòng, quên đi hết những muộn phiền của thế gian và trở về với cái tôi bản ngã của chính mình. Đó cũng là nơi lòng ta tĩnh lại, tâm ta có thể lắng để hiểu sâu hơn thế giới nội tâm bên trong.. Hơn nữa, đây còn là một sự tưởng tưởng của nhà thơ về một cõi Thiên đàng tràn ngập ánh sáng và hương hoa, một niềm hạnh phúc vĩnh cửu của hết thảy con người đang trông vọng về Đấng Cứu Thế.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm luy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ
Ngọc như ý vô tri còn biết cả
Một điều hiển nhiên mà ai cũng biết về quá trình sáng tác thơ của Hàn Mặc Tử là càng về thời gian cuối đời thơ ông càng tha thiết sự thanh thản, an phận để chấp nhận chứ không còn là sự gào thét điên cuồng, dữ dội như thơ những giai đoạn trước. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, thi sĩ trẻ đang chuẩn bị tâm tình dọn mình cầu nguyện, ăn năn, sám hối để trở về cùng Chúa, cùng với các Thánh và Mẹ Maria để đi vào cõi vĩnh hằng nơi Vườn Xuân Như Ý. Cái “rưng rưng hai hàng lệ” bởi chàng đã nhận ra “nhân đức, từ bi” của các Đấng Tối Cao đã để cho chàng được vui vẻ “hớp bao nhiêu khí vị” của cuộc sống thực tại trần gian. Hình ảnh Mẹ Maria trong đoạn thơ gây một cảm xúc sâu xa trong lòng người đọc bất kể người theo tôn giáo hay không theo tôn giáo và hình ảnh này còn xuất hiện trong một số bài thơ khác như: Nguồn thơm, Say thơ:
“Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc
Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng”
(Nguồn thơm)
Hay:           
“Trăng tờ mờ một trời thơ sớm nở
Bao hoa hồng mầu nhiệm Nữ Vương xưa”
(Say thơ)
Rồi sự ngợi ca, “khong khen”, cảm tạ còn được biết đến khi ngày đầu tiên Đức Trinh nữ Maria nhận được ân sủng Thánh đức của Thiên Chúa từ sứ thần Gabriel:
Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe muôn vàn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng bằng hương hoa sáng lạng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh
“Chính trong cơn bệnh hoạn của Chàng, mỗi lần chàng chết đi sống lại là chàng đều cảm thấy Bà Thánh Nữ đồng chinh Maria đến cứu chàng cả”. Vì thế, Người là “Nguồn Trăng”, là “Nguồn đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh” để cho tôi “Thắp hai hàng cây bạch lạp” thể hiện lòng yêu mếm và “Sốt sắng cho đê mê nguyện ước” của một con chiên sùng kính đang đón đợi ngày giờ được cất về trời bên hữu Chúa. Và không ngừng hướng về “Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu bi”:
Tấu lạy Bà, Lạy bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tựa trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu!
Bên cạnh đó, những lời thơ bung trào thể hiện lòng yêu mến niềm tôn kính trọng vọng đến mầu nhiệm “Tình yêu Thiên chúa” đã mời gọi nhà thơ như nguồn mạch suối mát tắm dịu cho tâm hồn đầy đau khổ:
Đây tất cả hỡi ôi mình Thánh Chúa
Của tế lễ là nguồn thương chan chứa
Đáng trọng thiên nhiên và rất đáng mong ơn
Ly tao rằng đàn ngọc cũng đeo đờn
Bởi đạo hạnh rung muôn dây tình cảm
(Say thơ)
Màu sắc tôn giáo cũng thể hiện rõ trong thơ Exenhin: đó là hình tượng gác mái nhà thờ, những gác chuông, cây thánh giá,...  
Bóng hoàng hôn là là sà xuống thấp
Trên mái tròn tầng tầng lớp nhà thơ
hay:
Ngày lễ thánh nhà thờ trên mọi nẻo
Hương mật ong táo chín tỏa ngất ngây
Bài thơ “Thánh nữ đồng trinh Maria” đã đánh dấu một chặng đường quan trọng trong hành trình tinh thần của tác giả. Hơn nữa, bài thơ như là một minh chứng cho sự cách tân về ngôn ngữ thơ. Bài thơ có sự xuất hiện rất nhiều những từ ngữ của nhà Phật, chẳng hạn như: “Từ bi”, “Ba ngàn thế giới” và rất nhiều từ ngữ khác gốc Phật giáo đã được dùng theo mục đích đáp ứng yêu cầu của văn chương mà không hề mâu thuẫn với nhau. Đồng thời với việc sử dụng từ ngữ thì bài thơ còn chịu ảnh hưởng cả tư tưởng lẫn tinh thần của nhà Phật. Không những vậy, thơ Hàn Mặc Tử còn có cả sự kết hợp của ngôn ngữ thơ ca với ngôn ngữ Thánh kinh công giáo. Mở đầu bài thơ tác giả đã sử dụng ý tứ của Thánh vịnh trong Kinh thánh.
Như một con nai khát khao nguồn suối
Hồn con khao khát tìm Chúa, Chúa ơi !
“Song lộc triều nguyên” với ý nghĩa hai con nai chầu suối, Hàn Mặc Tử đã rất tinh tế và điệu nghệ để sáng tạo ra từ ngữ gọn và đầy đủ ý nghĩa như trong Thánh vịnh. Thơ Hàn còn có cả những từ ngữ được dùng thường xuyên trong các lời kinh nguyện và ngôn ngữ của Đạo Công giáo: Thiên đàng, kinh trọng thể, thánh thể, mầu nhiệm, tràng hạt, tông đồ, …
Bài thơ Thánh nữ đồng trinh Maria nói riêng và trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của Hàn Mặc Tử nói chung đã cho độc giả thấy được một con người sống hết mình cho thơ và sáng tạo không ngừng. Với quan điểm “Sáng tạo là điều kiện cần thiết, tối yếu của thơ”, thơ Hàn Mặc tử có một sự khác biệt về chất - Đó là tư duy tôn giáo kết hợp nhuần nhuyễn với chất trữ tình trên cơ sở cái tôi cá nhân hiện đại. Chính tư duy tôn giáo là một công cụ hiện hữu để nâng cánh cho trực giác nghệ thuật tuyệt vời của thi nhân bay cao, bay xa vào cõi siêu hình.
Bùi Ánh
Theo http://anhbui6688.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cành cong phận số vẽ nên bầu trời bình yên Mừng rơn nghe mây nói// Trăng treo lủng lẳng câu thề/ Bồng bềnh thương, dắt nhớ bay lả cánh đ...