Thứ Ba, 4 tháng 7, 2017

Những dấu chân mờ xa

Những dấu chân mờ xa
Ký ức như mũi dao, nhất là những khi nhìn vào tấm ảnh trên bàn thờ người chồng đầu quá cố, tôi như thấy một bàn tay vô hình rạch từng nhát giải phẫu những ung nhọt trong lòng mình.
Nghĩ về người mình yêu, bỗng nhiên tôi hiểu là mình đã không còn một ý niệm nào về cuộc tình với Bình khi đi qua tuổi bốn mươi. Tình yêu mà đứa con trai nhỏ mong đợi ở tôi là con người nó gọi là cha sẽ mãi là chồng tôi, thế nhưng đó là sự đổi dạ thay lòng mà mọi ảo tưởng về đức hạnh và lòng thủy chung của bản thân và ngụy tạo đều không đủ để tôi biện hộ cho mình. Một bài thơ Bình viết cho vợ sau ly hôn có câu “Anh yêu em! Anh làm thơ ca ngợi sắc đẹp trời cho hơ hớ!...(*)” bạn bè anh khen đây là câu thơ hay nhất trong nền thơ ca hậu hiện đại Việt Nam! Khen câu thơ của anh như thế khác nào chửi tôi.
Sự phản bội bắt đầu từ khi tôi thèm khát được nằm trong lòng người đàn ông không phải là Bình trong đêm chàng bị kẹt ở miền Trung vì ngoài ấy bão lớn. Chàng đã hẹn là sẽ về kịp trong ngày sinh nhật vợ. Tôi chuẩn bị cho bữa tiệc sinh nhật khá đơn sơ nhưng không thiếu rượu và hoa. Ngày hôm đó trời mưa tầm tã. Sài Gòn có giông ở vài nơi. Mười giờ đêm gió mỗi lúc một to. Bão tận miền Trung không làm mất không khí ngày sinh nhật. Khi người bạn gái thân nhất dứt khoát không cho phép Tiến đưa về, anh ta sa sầm làm tôi thấy tội nghiệp. Bàn tiệc thiu dần. Tiến ở lại với tôi đêm đó. Gần mười giờ đêm Bình gọi từ Đà Nẵng vào cho biết máy bay không cất cánh nổi vì bão quá to. Đường dây điện thoại bị đứt gần một ngày mới được nối lại. Nhà của mẹ anh ở quê bị bão tố tốc mái. Đường sá cây cối đổ ngổn ngang, hàng chục vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Chàng phải ra biển quay phim vì có tàu đắm. Bạn bè ở các đài truyền hình khắp miền Trung đều lao vào công việc. Chậm nhất là 3 ngày nữa chàng sẽ về tới nhà. Chàng hết tiền phải mua vé bay giá rẻ nên về hơi muộn. Chàng mong tôi đừng lo lắng nhiều.
Tôi nghe điện thoại của Bình khi Tiến đến ngồi bên cạnh. Sấm sét rền vang bầu trời thành phố. Hơi thở đượm mùi rượu của người đàn ông không phải là chồng trong đêm mưa gió và người chồng đang kẹt trong cơn bão làm tôi quay quắt. Nhưng điều đó không đến quá nhanh. Con trai tôi đang ngủ trong phòng. Tiến kêu “buồn lắm!” và hỏi tôi muốn gì không? Tôi đang muốn xem một bộ phim sex nhưng trả lời Tiến là muốn có thật nhiều tiền. Tôi thích được cùng Bình chu du khắp Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc. Khắp Việt Nam này tỉnh thành nào cũng in dấu chân Bình. Chàng đi nhiều bao nhiêu lòng tôi càng trống trải bấy nhiêu. Lần đó, Tiến lấp vào chỗ trống trong lòng tôi giữa cơn bão ngoài quê.
Lưỡi dao vô hình cứ khoét mãi vào hồi ức yêu đương khiến tôi day dứt. Nhiều lần gục trên ngực Tiến nhưng tôi lại như thấy Bình ôm tôi trong tay, giọng Bình nồng nàn:
- Anh chỉ muốn em là duy nhất của anh. Mình nghèo quá! Anh hối tiếc suốt đời đã không đưa em về quê sống. Anh chỉ là một con thiêu thân giữa đất Sài Gòn này.
Tôi nhìn làn da nâu tái của chàng. Gương mặt chàng sạm đi và ánh mắt càng trầm mặc. Lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau khi Bình đang tìm người để chọn vào một vai diễn trong bộ phim của một Việt kiều đạo diễn mà Bình là trợ lý. Hôm đó tôi đến thử vai khi xem thông báo tuyển dụng. Bình nhìn tôi thật lâu. Ngay giây phút ấy tôi nghe lòng mình rung động. Bình nói rất ấn tượng về quê quán của tôi. Thì ra chúng tôi cùng quê với nhau. Tôi xa quê hồi mới lên năm, nhưng ngoài quê nhà chúng tôi gần nhau lắm. Lần đó tôi quá thất vọng vì không hợp vai diễn Bình chọn. Nhưng Bình ghi số điện thoại của tôi, hẹn sẽ gọi lại.
Ba ngày sau tôi run lên khi nghe điện thoại của Bình từ một nơi rất xa. Hai chúng tôi hẹn đi chơi với nhau vào cuối tuần. Sau một tháng tôi yêu Bình điên cuồng. Tuần nào tôi cũng đến chỗ Bình. Hễ chàng đi công tác là tôi mong đợi, tính đếm từng ngày. Lần nào tôi cũng tiễn đưa và ra sân bay đón chàng trở về trong mối ngờ vực vì không khỏi xót xa, tủi hờn khi nghĩ rằng chàng biết tôi yêu chàng nên sẽ lợi dụng tình cảm này.
Anh ruột tôi có lần bảo Bình nhìn vậy chứ không có tiền. Làm phim với anh chàng đạo diễn Việt kiều Pháp nhưng thù lao, lương bổng chẳng bao nhiêu. Hơn nữa, bộ phim thành công hay thất bại thì anh chàng đạo diễn cũng quay lại Pháp. Sớm muộn Bình cũng bị anh ta bỏ rơi.
Tôi bỏ ngoài tai những điều ông anh ruột nói. Bình viết gì cũng hết sức sắc sảo, thâm thúy và thông minh. Những người tài như Bình ở đâu chả cần. Tôi biết anh trai tôi lo lắng khi tôi yêu một người đàn ông mà sự nghiệp bấp bênh thì hôn nhân sẽ trên bờ vực thẳm. Nhưng rồi ngay anh ruột tôi cũng chấp nhận Bình, anh còn biết rõ một người bạn giàu có của anh là Tiến cũng muốn cưới tôi. Anh còn cười với Bình rằng phụ nữ đẹp ai không yêu say đắm!
Ngày trước, tôi luôn hãnh diện Tiến yêu tôi đến mù quáng, cho dù tôi đang là vợ Bình và tôi quá sức thỏa mãn bởi tình yêu của anh ta. Tôi có con với Bình anh ta cũng không một chút hờn ghen.
Về sau Tiến lý sự tỉnh queo: “Em không yêu anh thì đã không gian díu và dám bỏ tất cả để làm vợ anh! Yêu đơn giản thôi. Em về sống với anh, vì yêu em, anh tha thứ tất cả!”.
Anh ruột tôi cười vào mũi Tiến:
- Ông đã dẫn truyền vào lòng Trang một thứ năng lượng gì đó gây ra những xung năng, xung động tính dục thì phải!
Tiến cười ha hả:
- Tôi không có tình nhân đâu anh ạ! Vậy nên khi tôi yêu một người phụ nữ, cô ấy không còn yêu ai tất cô ấy biết rõ tôi yêu cô ấy.
Anh ruột tôi đã không thể nào tin Tiến không có một người tình. Còn tôi chẳng bao giờ xấu hổ mình là một mụ đàn bà đa đoan, có đến mấy chồng. Tôi yêu Bình và điều đó làm tôi mơ hồ nhận ra mình dại dột hơn cả đứa con trai của chúng tôi. Có một thời tôi bất chấp lời ong tiếng ve. Tôi mê man làm người đàn bà lăng loàn mấy năm ròng và khi tỉnh cũng như mê tôi thấy hình như có một con điên cựa quậy trong lòng. Tôi không còn là chính mình, rồi ngày càng xa cách đứa con trai nhỏ, khi con trai càng lớn thì tôi càng ít quan tâm đến nó. Có lần con trai tôi bảo rằng:
- Tại mẹ không biết mẹ hư mới nông nỗi đó!
Bình tin chắc rồi đây con trai khôn lớn, ngày kia nó có trách nhiệm phụng dưỡng cha, còn tôi thì không biết con của mình lớn lên nó sẽ nghĩ sao về cha mẹ.
Rủi thay, con trai tôi mồ côi cha quá sớm.
Kỷ niệm cuối cùng về Bình gắn với căn phòng như chiếc hộp diêm nằm khuất trong hẻm sâu, nơi Bình đã vật vã trong những cơn đau dài và nhiều tháng liền chàng ho ra máu, tôi đã trốn Tiến đến thăm chàng. Vào một ngày nắng đẹp, Bình trông có vẻ hồng hào hơn mọi ngày, chàng đang đọc một cuốn tiểu thuyết của Orhan Pamuk, chàng nói với tôi về thi sĩ Ka, tên nhân vật chính trong tiểu thuyết Tuyết mà chàng đang đọc: Ka yêu một phụ nữ tuyệt sắc dẫn đến cuộc mưu hại người tình cũ của ý trung nhân và ông không bao giờ được người yêu tha thứ. Nàng không thể nào tiếp tục yêu ông như ông chờ đợi, và mối tình tuyệt vọng của Ka đẹp đến choáng ngợp Bình.
Giọng Bình âu yếm nhưng tinh ý sẽ biết chàng kinh khủng:
- Đám tang anh em phải trang điểm thật đẹp vào và xin phép chồng em cho em đưa tiễn anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Anh lúc nào cũng muốn thấy em đẹp. Nhớ là không được khóc dù là cố tình.
Tôi đã hứa với Bình là sẽ chiều đẹp chàng. Đó là lời hứa ngu xuẩn nhất chỉ vì tôi tưởng chàng sắp khỏi bệnh. Tôi chẳng bao giờ ngờ được là chỉ hai tháng sau cái ngày nắng đẹp đó Bình giã từ cõi đời.
Trong đám tang, tôi vô cùng mỏi mệt. Mẹ Bình áo xô trắng vật vã bên quan tài con trai. Linh cữu của Bình được đưa về an táng nơi nghĩa trang quê nhà. Có đến hàng ngàn người đưa tiễn. Tôi nhận ra một người con gái trẻ tên Thùy, chơi thân với Bình như em gái thỉnh thoảng nhìn tôi lắc đầu. Tôi đã đeo mạng che mặt nhưng cô gái vẫn chăm chăm nhìn tôi. Cô nàng cũng mắc bệnh và cứ đau đau hơn mười năm. Có lần cô vào Sài Gòn chữa bệnh, cô gọi điện thoại đến Bình hỏi vay chút ít tiền.
Hôm đó Bình và tôi đang ăn tối cùng con trai. Bình bảo tôi:
- Em còn tiền cho Thùy một triệu, nó đi chữa bệnh và đang cần tiền. Anh chỉ còn mấy chục ngàn, lúc nó cần mà không giúp, nhỡ vài bữa nữa nó chết mình sẽ ân hận suốt đời.
Thế nhưng người chết không phải Thùy mà là Bình, bữa đó tôi chỉ có thể cho Thùy nửa triệu, chúng tôi mời cô dùng bữa tối. Suốt bữa ăn cô hầu như không nói gì. Bình cho biết Thùy học văn chương. Cô nhỏ hơn anh gần mười tuổi, sống ở quê nhà. Bệnh nặng mới vào Sài Gòn điều trị.
- Bệnh gì? - Tôi hỏi.
- U não! Vừa tốt nghiệp đại học thì bệnh phát. Phải ra Hà Nội mổ. Ca mổ thành công nhưng vẫn cứ đau nhức đầu kinh niên.
Bình có vẻ không hài lòng Thùy vì một chọn lựa mà chàng xem là dại dột khi Thùy kết hôn rồi lại ly hôn ở cái tuổi quá trẻ. Nhưng tôi và chàng chẳng phải chưa bao giờ sai lầm hay sao?
- Anh không bao giờ tha thứ ai, chỉ tha thứ mình!
Bình thường cười vậy. Bình còn bảo chồng Thùy như cái mền rách lại không thiếu đàn bà con gái mê như điếu đổ. Thùy trông cậy gì nổi ở những thằng người loại đó.
Hai mươi tuổi tôi biết yêu, Bình là mối tình đầu của tôi. Yêu gần ba năm tôi có thai, chúng tôi ra phường đăng ký kết hôn. Tôi bỏ công việc của một diễn viên điện ảnh nghiệp dư chuyển hẳn sang nghề cắt tóc, trang điểm, chăm sóc sắc đẹp… sau khi sinh đứa con trai đầu lòng. Năm năm sau ngôi nhà của tôi trở thành một mỹ viện nhỏ. Rồi Tiến, ông khách si tình thích được tôi chăm sóc ngày nào cũng đến nhờ tôi chăm chút bề ngoài anh ta. Hồi tôi chưa chồng, Tiến đeo đuổi tôi nhưng ý tứ và nhút nhát khi thấy tôi lạnh nhạt. Bây giờ thì lửa gần rơm. Tiến ngồi hoài trong tiệm của tôi và thanh toán tiền nong một cách hào phóng.
Bình là một nhà thơ, những chuyến đi vô định, không mục đích của Bình ngày càng thường xuyên, càng dài, càng tiêu tốn. Máu giang hồ cộng với thú lãng du của chồng làm tôi tổn thương không ít. Mỗi lần Bình về hai vợ chồng lại cãi nhau. Tiền bạc của tôi và chàng làm ra không đủ chi tiêu, chàng vay đây, mượn đó. Ông đạo diễn Việt kiều về Pháp, Bình đi làm phim tài liệu và viết kịch bản truyền hình quanh năm. Khi biết tôi túng thiếu, Tiến sẵn sàng giúp đỡ và tôi ngày càng nợ nần, tôi cần tiền bao nhiêu ông dễ dãi bấy nhiêu. Tôi bắt đầu mừng rơn khi Bình vác máy đi khắp chân trời, góc biển. Đêm đêm Tiến ôm ấp tôi, rồi tôi sống như vợ chồng với Tiến trong nhà mình. Bình biết chuyện chửi tôi là người đàn bà không có đạo đức. Chúng tôi ly dị, sức khỏe chàng trở nên thất thường.
Tiến cưới tôi. Cuộc hôn nhân lần thứ hai đem đến cho tôi bạc tiền và sự sung mãn. Tôi đã sắm ô tô và cơ ngơi ngày càng bề thế. Sau năm năm có hơn mười cô gái phụ việc nên tôi ra hẳn một bà chủ sang trọng. Bên chồng mới, những trang thơ của Bình như xác lá trôi sông.
Rồi con trai báo tin Bình bị bệnh lao. Khi nghe tôi hỏi, chàng bất cần: “Thời buổi này ai hơi đâu để ý đến mấy cái chứng ho lao, ho gà...” và chàng chủ quan thật, nhiều bữa ho ra máu chàng vẫn ngồi với bạn bè, tào lao về những kịch bản phim chàng viết xong nhưng chưa kịp chỉnh sửa gửi nhà đài. Chàng uống, say tràn cung mây. Chàng gọi tôi. Khi chỉ có hai người trên giường, chàng bảo là chàng sắp chết.
Tôi đã trốn Tiến tìm đến với Bình ngày càng nhiều khi chàng trở về, kiệt sức sau những chuyến đi, cùng tôi im lặng nơi căn phòng khuất nẻo. Những bài thơ của chàng càng khó đọc. Tôi yêu Bình vì trách nhiệm với đứa con chung, với một niềm thương cảm vì ăn năn. Có lần Bình nói về thi sĩ Ka. Bình gọi tôi “Em yêu!” và bảo chàng cũng như Ka, chàng đã viết những tập thơ nơi quê hương lũ cuồng và bão tố. Lời cuối cùng Bình dành cho tôi là lời yêu thương, nhưng chàng không chắc mình không tự dối lòng. Điều ghê gớm hơn tình yêu và kịch độc khổ đau là sức tàn phá của những hội chứng nơi tâm can đã giết chết chàng trai suốt đời làm việc đầy lao lực.
Tôi còn thấy đâu đó xác một con chim trời bị bão đánh rơi treo lơ lửng trên đường dây điện cao thế trong một bài thơ mà Thùy viết tặng hương hồn Bình: “Anh giờ như dấu chân chim mờ xa!” (*).
(*) Thơ Nguyễn Trung Bình
Lê Thu Thùy
Theo http://thanhnien.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Quan niệm của một số cây bút văn xuôi cuối thế kỷ XIX

  Quan niệm của một số cây bút  văn xuôi cuối thế kỷ XIX Nói đến quan niệm về văn xuôi quốc ngữ giai đoạn cuối XIX, người ta thường chú ý đế...