Ngày nay, chèo đã bước lên sân khấu chuyên nghiệp và trở
thành một di sản văn hóa dân tộc cần được phát huy và bảo vệ. Cốt lõi của sân
khấu chèo là kịch bản, đặc sắc là nghệ thuật biểu diễn.
Chèo cổ (chèo truyền thống, chèo sân đình) là thể loại sân khấu
dân gian tổng hợp, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kịch bản, lời hát, động tác
múa và âm nhạc (1). Cần phân biệt giữa chèo với cải lương, tuồng, ca kịch hiện đại:
– Về nguồn gốc: Chèo là thể loại sân khấu bản địa Việt Nam;
cải lương, tuồng du nhập từ Trung Quốc; ca kịch du nhập từ phương Tây.
– Về phương thức biểu diễn: Chèo có phương thức biểu diễn
dân dã, gần gũi với môi trường sinh hoạt bình dân hơn; trang phục, sân khấu
khá đơn giản; quy định về nhạc cụ, vũ điệu, điệu hát,… khác với những loại
hình kịch hát khác.
– Về thị hiếu, vùng thịnh hành: Chèo phổ biến, được ưa chuộng
nhiều ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; cải lương, tuồng được ưa chuộng nhiều ở miền
Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Tác phẩm
Vở chèo kể tích Kim Nham – một học trò nghèo từ Nam Định lên
Tràng An (Hà Nội) trọ học, được huyện Tể gả con gái là Xúy Vân – một
cô gái nết na, thùy mị. Trong khi chờ đợi chồng “dùi mài kinh sử” xa nhà, Xúy Vân bị Trần Phương – một gã nhà giàu nổi tiếng phong tình ở Đông Ngàn (Bắc
Ninh) tán tỉnh và xúi nàng giả dại để thoát khỏi Kim Nham. Thúy Vân giả điên,
Kim Nham tận tình chạy chữa không được đành phải trả tự do cho nàng. Trần
Phương bội hứa, Xúy Vân đau khổ và điên thật. Kim Nham thành đạt, được
bổ làm quan. Nhận ra vợ cũ điên dại phải đi ăn xin, Kim Nham bỏ nén bạc vào nắm
cơm sai người đem cho, Xúy Vân nhận ra và xấu hổ nhảy xuống sông tự vẫn.
Mỗi vở chèo thường có một đến hai cảnh đặc sắc và trở thành
linh hồn và sức sống của tác phẩm như cảnh “Thị Mầu lên chùa”, “Xã trưởng mẹ Đốp”
của vở Quan Âm Thị Kính, cảnh “Thoại Khanh cứu mẹ chồng” trong vở Thoại Khanh –
Châu Tuấn, “Tuần ty đào Huế” trong vở Chu Mãi Thần… Cảnh “Xúy Vân giả dại”
trong Kim Nham là một đoạn trích như vậy. Đoạn trích thể hiện tâm trạng bi kịch
của Xúy Vân.
Đoạn trích rất tiêu biểu cho nghệ thuật chèo. Xúy Vân thuộc
loại đào pha. Xúy Vân giả dại là hiện thân của số phận bi kịch bị giằng xé giữa
khát vọng tình yêu và hạnh phúc đối với hoàn cảnh sống khắc nghiệt của người phụ
nữ trong chế độ xưa. Sự bất bình đẳng trong xã hội cũ là một trong những nguyên
nhân gây nên vô số những tấn thảm kịch số phận của người phụ nữ xưa. Xúy Vân là
người phụ nữ đáng thương hơn đáng trách. Xúy Vân và Thị Mầu là
những cô đào nổi loạn trong làng chèo dân gian.
Tóm tắt
Xúy Vân bước ra sân khấu với những câu hát nửa điên dại,
ngô nghê, nửa chân thực tỉnh táo về thân phận dang dở, bẽ bàng. Sau những câu
hát xưng danh là tâm sự đau xót về một cuộc đời lạc lõng, cô đơn, vô nghĩa. Đoạn
trích tiếp tục những lời độc thoại về nỗi thất vọng trước mâu thuẫn vì ước mơ hạnh
phúc tốt đẹp gặp phải thực tế phũ phàng. Màn kịch kết thúc trong tiếng cười
điên dại, bất ổn, trớ trêu trong tâm trạng của Xúy Vân.
Cách đọc
Chèo được viết ra để diễn. Với một vở chèo cổ như Kim Nham,
các nhân vật đối đáp bằng những giọng điệu phức tạp (nói lệch, vỉa, hát quá
giang, hát sắp, hát ngược,…), rất khó để thể hiện đúng giọng điệu của nhân vật
trên sân khấu. Để khắc phục, người đọc cần căn cứ vào diễn biến sự kiện để hình
dung tâm trạng của các nhân vật, từ đó xác định giọng đọc phù hợp.
Xúy Vân là một nhân vật bi kịch. Trong trích đoạn Xúy Vân giả dại, bi kịch ấy phần nào được bộc lộ. Một người phụ nữ đảm đang,
khéo léo (có thể thấy qua hình ảnh Xúy Vân múa điệu quay tơ, dệt cửi,…) có ước
mong, khát vọng hạnh phúc thật giản dị : gia đình đầm ấm với những việc cày cấy
của nhà nông (Chờ cho bông lúa chín vàng – Để anh đi gặt, để nàng mang cơm), sống
trong một gia đình với người chồng đặt tất cả vào sự nghiệp đèn sách, thi cử.
Đó là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Xúy Vân. ở khía cạnh này, nàng là
người rất đáng thương.
Đặt trong toàn bộ vở chèo, số phận Xúy Vân còn thể
hiện những điểm đáng thương khác nữa. Xúy Vân không được lựa chọn hôn nhân, lấy
Kim Nham là do cha mẹ sắp đặt, nàng phải chung sống với người mình không yêu.
Tác giả dân gian phê phán Xúy Vân “phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương” thì cũng
có phương diện đúng. Nhưng với cái nhìn cảm thông hơn, con người hơn thì sẽ thấy
không chỉ có thế. Xúy Vân đến với Trần Phương là một hành động mạnh mẽ,
dám vì tình yêu. Chính cái ước mơ chính đáng và tình cảnh bế tắc, cô đơn, lạc
lõng giữa gia đình nhà chồng đã đẩy Xúy Vân đến sự lựa chọn tự do nhưng đầy bi
kịch. Những tình tiết như Xúy Vân bị Trần Phương phụ bạc, rồi ra người điên dại
và cuối cùng tự vẫn có vẻ như là sự trừng phạt đối với người vợ phụ chồng. Trước
tính cách và số phận Xúy Vân, đáng trách và đáng thương đi liền với nhau cũng
như chính tính chất mâu thuẫn, phức tạp bên trong người phụ nữ này.
Xúy Vân giả dại
Lời trong đoạn trích là lời Xúy Vân khi giả dại, nhưng không
phải tất cả đều là những lời điên dại mà ngược lại, phần lớn các câu nói và lời
hát ở đây lại là những câu nói tỉnh táo. Lời tỉnh táo xen lẫn những lời điên dại,
khi trực diện, khi bóng gió góp phần bộc lộ nổi bật trạng thái nội tâm nhân vật Xúy Vân. Chẳng hạn:
Than ôi!
Tôi thương nhân ngãi, tôi nhớ nhân tình,
Đêm năm canh tôi thức cả vừa năm.
Than rằng nhân ngãi, cựu tình tôi đâu,
Con cá rô nằm trong vũng chân trâu,
Để cho năm bảy cần câu châu vào!
Không những không phải những lời điên dại mà còn là những
lời nói rất thật.
Trong đoạn trích, tâm trạng của Xúy Vân được diễn tả
rất sâu sắc, thể hiện qua diễn biến phức tạp, với nhiều trạng thái đan xen:
– Có khi là tâm trạng của người tự thấy mình đã lỡ làng, dở
dang, bẽ bàng: Tôi kêu đò, đò nọ không thưa – Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa
chuyến đò; Chả nên gia thất thì về – ở làm chi mãi cho chúng chê, bạn cười,…
– Có khi là tâm trạng của người phụ nữ tự thấy mình lạc lõng,
cô đơn, vô nghĩa trong gia đình chồng: Con gà rừng ăn lẫn với công – Đắng cay
chẳng có chịu được, ức!
– Có khi là nỗi thất vọng trước mâu thuẫn giữa ước mơ hạnh
phúc gia đình đầm ấm (Để anh đi gặt, để nàng mang cơm) với thực tế bị chồng xao
nhãng, bỏ bê vì mải mê đèn sách. Duyên phận dắt díu, ràng buộc họ với nhau,
những khát vọng của họ không gặp nhau. Lời hát “Bông bông dắt, bông bông díu –
Xa xa lắc, xa xa líu” điệp lại trong lời hát của Xúy Vân là nhằm tô đậm,
lột tả trạng thái tâm lý đó.
– Có khi là trạng thái ấm ức, cô đơn, quẫn bách : Con cá rô nằm
trong vũng chân trâu – Để cho năm bảy cần câu châu vào. Hình ảnh này vừa gợi tả
tình cảnh bế tắc, tù đọng đầy bất trắc, vừa phản ánh sức nặng của áp lực từ nhiều
phía, thậm chí là từ chính khát vọng hạnh phúc của mình đang đè nặng tâm trạng
Xúy Vân. Câu “Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên” được điệp lại trong lời hát
Xúy Vân khắc họa sự cô đơn, nỗi tủi phận vì không có người sẻ chia.
Ở cuối đoạn trích, tâm trạng của Xúy Vân lại là một
trạng thái tâm lý khác của nhân vật được bộc lộ. Những câu nói ngược, đầy những
phi lí, nghịch dị khơi gợi về một thực trạng nội tâm xáo trộn, bất ổn, đầy trớ
trêu. Nhân vật dường như rơi vào trạng thái hỗn loạn, điên dại, rối bời, mất
phương hướng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét