Mùa thu - Mùa thơ
Mùa thu là mùa thơ… Chỉ có thể nói đơn giản như vậy…
Mùa thơ là mùa của những cảm xúc mơ hồ nhưng đẹp đẽ, những ký ức không rõ kiếp này
hay kiếp khác, những tiếng lòng vang vọng từ cõi nội tâm. Người ta ngày càng ít
đọc thơ, thu cũng ngày càng mất đi chất thu… Đây âu cũng là câu chuyện buồn.
Chợt nhớ lại giai đoạn 30 – 45 của Phong trào Thơ Mới, lại thấy chạnh lòng.
Thôi thì ta đành hoài cổ, điểm lại một vài tập thơ xưa, nhớ lại chút mùa thu
xen lẫn mùa thơ.
Tản Đà là
nhà thơ chông chênh ở giữa thơ cũ và thơ mới. Mùa thu trong thơ ông vừa phảng
phất màu thu Đường thi, vừa phảng phất màu thu của thời đại mới. Tản Đà nổi
tiếng với cái ngông của ông, cái ngông của kẻ tài tử đã truyền từ Nguyễn Công
Trứ, Phạm Thái… Những bài thơ của ông được tập hợp thành các quyển “Khối
tình con”. Đọc thơ Tản Đà, ta vừa thấy một chút hoài cổ, một chút
than thở cho thời thế của kẻ khí phách hơn đời:
“Nào những ai
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi”
Kê vàng tỉnh mộng
Tóc bạc thương thân
Vèo trông lá rụng đầy sân
Công danh phù thế có ngần ấy thôi”
(“Cảm thu – Tiễn thu”)
Xuân Diệu lại
có chất thu khác hẳn Tản Đà. Nếu Tản Đà nghiêng về quá khứ thì Xuân Diệu hoàn
toàn sống trong hiện tại. Với ông, mùa xuân là hiện tại mà mùa thu cũng là hiện
tại. Chúng ta có thể đọc thơ ông qua hai tập “Gửi hương cho gió” và “Thơ
thơ”. Với cái buồn man mác của mùa thu, ông không nảy sinh tâm tư, ông
nhìn mọi vẻ tâm tư của mùa thu với một sự hồ hởi khác thường.
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng”
(“Đây mùa thu tới”)
Huy Cận - người bạn tri âm tri kỷ của Xuân Diệu, mới thực sự là nhà thơ của mùa thu, dù
ông không viết nhiều bài về mùa thu. Tại sao lại vậy? Bởi cái khí vị của mùa
thu đã thấm đẫm trong từng câu từng chữ của ông. Đọc tập “Lửa
thiêng” của Huy Cận khi nằm trên con thuyền lững lờ trôi giữa mặt
hồ chìm trong sương, với mưa lất phất bay, có lẽ là điều lý thú nhất.
“Một chiếc linh hồn ngọc
Mang mang thiên cổ sầu
Những nàng tiên dần chết
Mơ mộng thuở xưa đâu”
(“Ê chề”)
Có một cõi giới khác với Xuân Diệu và Huy Cận, đó là
cõi giới của Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng. Hai nhà thơ này
thực sự là những linh hồn thơ chân không chạm đất. Họ không màng tiền bạc,
không màng danh lợi, chỉ một lòng nghĩ tới thơ, hay là nghĩ tới phần sâu thẳm
bên trong con người mình. Vũ Hoàng Chương có “Thơ
say”. Giai điệu thu trong thơ ông mang âm hưởng của nhạc Jazz, vừa len
lỏi, vừa mơ hồ… vừa say:
“Không thi sĩ cũng nghe lòng rộng mở,
Trái tim nào then khóa với Nàng Thu?
Muôn dây đa cảm đều xao xuyến,
áo mỏng, chân êm Nàng đã đến.
– Chiếc đề cung vừa nhẹ lướt trên tơ.”
Trái tim nào then khóa với Nàng Thu?
Muôn dây đa cảm đều xao xuyến,
áo mỏng, chân êm Nàng đã đến.
– Chiếc đề cung vừa nhẹ lướt trên tơ.”
Đinh Hùng là
một kẻ xa lánh cõi trần. Thơ là thứ phép thuật để đưa ông tới một cõi giới
khác. Đó chính là “Mê hồn ca” của ông. Đinh Hùng như
loài hoa đến muộn trong Phong trào Thơ Mới. Ông đủ khiến cho Thế Lữ phải giật
mình và không viết thơ nữa, ông đủ khiến chúng ta rùng mình khi nghĩ tới những
vần thơ phảng phất khí liêu trai.
“Trời cuối thu rồi – Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu
Thu ơi đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu…”
(“Cuối thu”)
Có hai nhà thơ đoản mệnh khiến ta chỉ có thể thở dài
mà nghĩ đến sự mong manh của cái đẹp, đó là Hàn Mặc Tử và Bích Khê.
Nếu Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương là hai người bạn đồng hành thì Hàn Mặc Tử và
Bích Khê là hai người bạn tri âm. Họ yêu thơ của nhau, trân trọng thơ của nhau.
Nếu tìm hiểu về cuộc đời của hai nhà thơ các bạn sẽ bắt gặp những câu chuyện kể
về tình bạn thơ này. Hàn Mặc Tử là người đi trước, ông say
theo một mùa thu siêu thực trong tập “Đau thương”. Nhưng đọc
vần thơ của ông, ta không thấy đau buồn, ta cảm thấy nỗi đau ấy đã được chưng
cất lại thành rượu quý. Mà rượu quý uống trong khí trời mùa thu, hương thơm
nồng dẫn dắt tâm trí vào cõi siêu tưởng của các biểu tượng, thực sự là một điều
thống khoái.
“Thu héo nấc thành những tiếng khô.
Một vì sao lạ mọc phương mô?
Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ?
Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ?”
(“Cuối thu”)
Bích Khê mà
một kẻ say mộng lý tưởng đến mức vắt kiệt tất cả “Tinh hoa” và “Tinh
huyết” của bản thân (“Tinh hoa” và “Tinh huyết” là tên 2 tập thơ
của ông). Bích Khê làm thức lại vẻ đẹp Đường thi trong thơ của mình. Thu trong
thơ Bích Khê mang tính tượng trưng và ước lệ, giống như những khúc nhạc của De
Bussy. Thơ Bích Khê cũng mang nhiều nhạc điệu, một nhạc điệu riêng và rất thanh
nhẹ:
“Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông”
(“Tỳ bà”)
Cả Hàn Mặc Tử và Bích Khê đều qua đời rất sớm, nhưng
di sản thơ của cả hai ông thì người đời sau không dễ gì hiểu được. Mà đâu cần
phải hiểu, chỉ cần say theo cũng đã đủ rồi.
Người ta càng ngày càng ít đọc thơ đi có lẽ bởi thơ
say quá, hư ảo quá, mơ hồ quá… Kẻ đã từng một lần rung động trước thơ ca đích
thực, không dễ gì bán linh hồn mình cho tiền và quyền, không dễ gì quỳ gối
trước sự đạo mạo giả dối. Bởi thế, nhiều kẻ không những tránh xa thơ, mà còn sợ
hãi, còn đem lòng khinh mạn, còn dùng mọi trò làm xiếc ngôn từ để phá bỏ tính
thơ.
Mùa thu năm nào cũng về một lần, có lần thu thực là
thu, có lần thu chẳng ra thu, nhưng thu vẫn về. Nhưng mùa thơ thì không biết
khi nào mới về lần nữa. Ta sẽ nhớ mãi mùa thơ năm ngoái hay một lần nữa triệu
hồi mùa thơ mới?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét