Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Cùng một chuyến xe

Cùng một chuyến xe
Tiếng vỗ tay rào rào. Đám đông chợt im lặng khi đại diện nhà đầu tư đưa hai tay lên cao, rồi lại trịnh trọng cúi đầu, nhắc lại nhiều lần: ”Chúng tôi thật biết ơn! Quá phấn khởi! Làm sao kể xiết!”. Lại một tràng pháo tay của các quan chức địa phương, của lố nhố của những người dân quê đứng chung quanh xem lễ động thổ xây dựng ba phòng học cho một ngôi trường ở vùng quê. Mấy cánh tay đứng trên bục gỗ lúc lắc qua lại như các nhà vô địch chào khi lãnh cúp …
Tôi cứ tần ngần, ngờ ngợ nhìn ông đại diện nhà đầu tư từ thiện, đại diện nhà đầu tư xây dựng ngôi trường … Cái cách rút khăn tay trong túi quần ra chấm chấm mồ hôi trên mắt miệng trong khi miệng vẫn hoác ra cười; cái cách trịnh trọng nghiêng nghiêng cái đầu to tròn như viên bi bóng loáng làm cứ ngờ ngợ như quen quen, là lạ ở đâu đó trong quá khứ mù mờ. Cái giọng nói của dân vùng cận nam Trung bộ, trong các âm trắc như từ “hết nỗi”, “kể xiết” … cứ chợt vút lên bất ngờ trong câu nói. Tôi đã gặp người này ở đâu đó, ở nơi nào đây; tôi cố lục lọi, gán ghép các hình ảnh nụ cười khi mắt híp lại, miệng rộng toác với hàm răng ngựa; âm trắc cứ chợt cao vút của các từ “kể xiết”, “quá ….phấn khởi” … nó đâu đó mơ hồ trong trí nhớ. Người dân ở Quảng Ngãi, Bình Định trở vào, khi phát âm, trong câu nói các âm trắc bao giờ cũng có dấu nhấn vút lên!
Tôi được mời đến dự lễ tặng ba phòng học cho một xóm nghèo ở một làng dưới tỉnh Cà Mau, một làng ở gần tận cùng Tổ quốc. Bà con người Việt xa xứ giao cho một tổ chức thiện nguyện trong nước làm đại diện xây cầu khỉ, làm nhà tình thương, làm trường học … Mấy trăm người lố nhố đứng quanh một nền đất bên cạnh một ngôi trường tiểu học, mấy trăm cặp mắt dồn vào ông đại diện nhà đầu tư từ thiện. Ông đứng giữa đám quan chức địa phương, đôi cánh tay múp tròn, ngắn cũn vẫy lia lịa. Mọi người đang chờ ông phát biểu, còn tôi cứ loay hoay tìm cách kết nối các dấu nhấn trước mắt với dĩ vãng, tìm chút manh mối để xem người này đang ở đâu đâu trong mù mờ quá khứ của mình.
 - Bà con còn quá khó khăn, ông phát biểu, chúng tôi làm được gì trước những khó khăn này? – Trầm giọng, trong chiếc cổ bạnh và ngắn của lão như có tiếng nấc – Chúng tôi sẽ cố hết sức giúp đỡ bà con. Tại địa phương này, cũng như một số nơi, chúng tôi đã làm mấy chiếc cầu qua kênh rạch, mấy chiếc nhà che mưa nắng, tất cả những việc đó –Ông lại trầm giọng – cũng không đáp ứng đủ một phần nhỏ khó khăn quá đỗi của bà con. Những bà con Việt Kiều xa xứ đã góp tiền của, những tổ chức thiện nguyện mà chúng tôi liên lạc được đã đóng góp, những hình ảnh vui mừng, phấn khởi hôm nay tôi sẽ ghi hình và gởi đi để minh chứng rằng tiền bạc gởi về đã làm đúng mục đích cao cả. Ôi, quý hóa biết bao! Rất hân hạnh! Rất biết ơn! Làm sao kể xiết! Có thể làm gì hơn thế nữa, tôi sẽ …
 - A! Tôi đã thấy ông ta! Tôi đã nhớ ra ông ta! A, tôi nhớ ra rồi … trong mù mờ dĩ vãng, chính cái âm thanh câu : “Có thể làm gì hơn thế nữa!” – Hai cặp âm trắc “có thể” và “thế nữa” chói tai, cái cách cúi đầu hai cánh tay thõng xuống như một diễn viên, làm tôi nhớ ra… 
Mùa hè năm ấy …
Hè đã qua nhanh được báo hiệu bởi lốm đốm sắc vàng của dã quỳ chạy dài bên lề đường đất đỏ cao nguyên. Loài hoa như hàng triệu mặt trời nhỏ lao xao trong gió lộng lại là loài hoa báo mùa mưa sắp chấm dứt. Gió oằn mây đen cuồn cuộn vắt ngang lưng núi tạo nên những dải nắng vàng như lụa chạy vắt ngang qua các đồi cà phê nằm sau lưng là cả rừng dã quỳ vàng chao đảo. Từng cánh riêng thì dã quỳ đẹp thô, như nụ cười quê bộc bạch không ẩn dấu; nhưng cả một mảng vàng lớn chao đảo trong gió, hay lớp lớp cả một khoảng trời nhún nhảy thì cái riêng đã mất hẳn, chỉ còn là một cái chung nhất là một nền màu vàng nguyên thủy của cả đất trời … Ta có cảm giác không nhìn một chiếc thuyền con trên bức tranh trong phòng mà mở toang cánh cửa, gió táp vào mặt và trước mắt là sóng cả, là đại dương, là những chiếc thuyền đang chèo chống với sóng gió, là cuộc đối đầu sinh tử … Những ngày cuối hè, trãi dài trên đường cao nguyên, trên từng đường đất đỏ, trên từng đồi thoai thoải là một trời hoa trong điệu luân vũ của gió và mưa.
Thằng bé cùng nằm dài bên tôi trên chuồng cu xe tải, qua ô cửa vuông vuông, tôi và nó nhìn hàng hàng lớp lớp hoa vàng lướt qua khi xe chạy.
- Nè, chú Hai ơi, ngoài quê con đâu có hoa này. Quê chú có không?
- Đó là loài hoa của vùng đất đỏ, đất sét. Quê chú chỉ toàn cát trắng, chỉ có mai vàng ngày tết.
- Ngoài cháu cũng vậy. Thằng nhỏ gãi sột soạt đám ghẻ ngứa lấm tấm dọc bàn tay. Chú biết không, hoa quỳ nấu nước tắm, lấy lá chà xát cũng hết ghẻ ngứa. Bác Bảy chỉ cho con làm hai lần rồi mới đỡ ngứa đó.
Bốn năm sau ngày giải phóng, bệnh ghẻ ngứa như cơn dịch tràn lan khắp nơi. Nơi đâu, ai ai cũng sột soạt gãi, nhất là các kẽ tay chân. Người ở vùng này trị ghẻ bằng cách dùng lá dã quỳ nấu tắm. Nghe thằng nhỏ nói, tôi nhìn vào kẽ ngón tay út của mình hăm đỏ, bỗng dưng thấy ngứa nôn nao.
- Cháu là cháu bác Bảy? Cháu tên gì?
- Cháu tên Nghinh, là Út Nghinh, con của Tư Hải tài xế đó. Cha cháu là em họ bác Bảy, ở ngoài quê cực quá cháu vô đây sống với cha và bác Bảy. Thằng nhỏ ốm nhom, đen lẻm, tóc hoe hoe thưa, trên khuôn mặt ốm đó chỉ có đôi mắt lớn láo liên, là thật thông minh và lanh lợi. Nó nói luyên thuyên không dứt làm cảnh nằm dài trên chiếc xe tải cứ dập dình chạy không còn buồn nản. Chuồng cu xe tải là một khoảng rộng đủ một người nằm với hai tấm ván lót ngang để cho nhà xe, hoặc người đi phụ, chia nhau ngủ nghỉ trên đường dài. Tôi và thằng bé, gối đầu trên xắc cá nhân, nằm dài lúc chập chờn ngủ, lúc nhìn qua ô cửa nhìn những hàng cây, đồi núi chậm chậm chạy về phía sau.
Đã mấy hôm rồi tôi lên phòng điều độ vận chuyển tỉnh để đăng ký một xe đi Đà Nẵng. Tất cả xe tải của tư nhân đều gom lại thành xí nghiệp vận tải của nhà nước, vẫn chủ xe, tài xế cũ nhưng nay là công nhân quốc doanh được hưởng lương, được cấp phát xăng dầu, được cấp vật tư thiết bị để đi chở hàng hóa do phòng điều độ xí nghiệp phân bổ. Lý thuyết là vậy, nhưng phòng điều độ bao giờ cũng cho các chủ xe chọn các tuyến đường, các loại hàng hóa và thời gian thích hợp. Buổi sáng sớm khách hàng đem giấy giới thiệu đến làm hợp đồng chuyển hàng của đơn vị mình với phòng điều độ. Trên bảng đen ghi tên đơn vị chủ hàng, loại hàng, nơi đến, dự trù ngày đi, về … Buổi sáng, các chủ xe đọc và đăng ký lộ trình. Các chủng loại hàng hóa có chút “phe phẩy” thường được tranh nhau đăng ký, ví như: chở cà phê, trà, lương thực, rau quả … những loại đặc sản địa phương mà khi vượt qua các “ải” quản lý thị trường thì chủ xe, tài xế có thể chen chút ít hàng, cải thiện đời sống khó khăn. Ngày ấy, bên trên mặt phẳng lì lững lờ của đời sống, chính các mạch ngầm âm ỉ đó mới là nguồn sống thật sự của bao gia đình.
Trên bảng đen ở phòng điều độ, ở hàng thứ 7, chủ hàng: “Cửa hàng phát hành sách tỉnh”, mặt hàng chở đi: “Sọt tre, giỏ mây mỹ nghệ”.; mặt hàng chở vào: “tượng thạch cao”… đã bốn ngày rồi, sáng nào tôi cũng lên ngồi chờ mà chẳng có chủ xe nào đăng ký. Ngồi ở căn-tin xí nghiệp, rỉ rả rít thuốc lá chờ. Bên kia tường rào, mấy đồi cà phê xanh rờn chập chờn trong nắng rát, con đường đất đỏ như vết roi hằn trên lưng ngựa. Tôi đang lơ mơ, cồn cào vì cà phê sáng trong bụng trống, thì có giọng xé toạc sự yên tĩnh:
- Anh là chủ hàng mỹ nghệ? Ối dào! Đợi mấy ngày rồi hả?
- Chẳng ai chịu chạy đường xa - tôi tần ngần nhìn gã.
- Cũng phải thôi anh à, thời buổi khó khăn quá, đường xá thì trần ai, một chiếc lốp được mua định mức mấy ngàn cây số, ai cũng sợ đi đường xa, đường xấu, ai cũng sợ nằm đường mà … hàng hóa của anh thì cũng trần ai! Khó quá mà! – Giọng gã chợt the thé vút lên ở những âm trắc “khó quá!” - Chất giọng người Trung vùng khu 5 không lẫn vào đâu được.
- Tôi cũng phải chờ thôi, hàng vào là hàng của đơn vị tôi : năm mươi tượng thạch cao ở Bắc chuyển vào.
- Xe tôi đã đăng ký chở hàng cho anh, ngày mốt mình đi, đường xa tôi phải lo dầu mỡ cho chiếc xe một chút - Gã chần chừ nhìn mông ra con đường đầt đỏ, xuống giọng - Tôi đã từng chiến đấu cho đất nước, tôi đã từng gian khổ … nhiều lắm, nhiều lắm rồi … Vì đám trẻ, vì ngày mai … tôi sẽ nhận lãnh trách nhiệm đi chở tượng Bác vào cho bà con vùng Tây nguyên đất đỏ này. Nghĩ mà thương quá!. Mình không làm thì ai làm đây, phải không anh? Rốt cuộc thì phải đương đầu với khó khăn chứ! Cứ thấy gian khổ, thấy khó khăn thì né cả thì ai làm cho? Như vậy thì làm sao có được ngày hôm nay …
Tôi bắt tay gã cảm ơn rồi vào phòng điều vận ký nhận lệnh điều xe. Gã cùng đi với tôi vào văn phòng:
- Tôi là chủ xe nhưng là công nhân phụ xế; anh ra đây tôi giới thiệu với anh tài xế Tư Hải, cả tuần lễ sống bên nhau cần phải biết nhau chớ.
Ngoài bãi đậu xe có mấy chòi lợp bạt vải, một nhóm tài xế phụ xe đang lố nhố nói cười bên quán cà phê dã chiến, ghế đẩu vừa là ghế vừa là bàn, tự người uống kéo ra nơi nào tùy tiện, làm sao cho hợp với mình là được. Khác với ông Bảy chủ xe, Tư Hải ít nói, mặt luôn luôn đăm đăm, tư lự. Giọng Tư đều đều, câu nói luôn như bị ngúc ngắc ở chừng cổ họng, câu cụt đầu, cụt đuôi lúc nào cũng như bị cắt, cứa đâu đó.
- Đi tới Đà Nẵng à? Xa dữ!
- Ba ngày đi, ba ngày về - Tôi nói.
- Ra, tôi ghé Tam Quan, một buổi. Về, một buổi.
- Tôi đã nói với chú rồi, ghé một buổi chiều thôi – Gã chủ xe chen vào.
- Chiều sao đá?
- Cứ ra khớp độ là có liền mà! Tụi ngoài đó nó chờ chú sẵn, lo gì.
- Đá gì vậy các anh? - Tôi hỏi xen vào
- Chú Tư này thì có gì ngoài mấy con gà! Vợ con cũng chẳng cần, chỉ cần con gà ô dậm chân gáy - Gã chủ xe cười toét miệng giải thích - Trưa trưa tới, anh đảo một vòng khớp độ là chiều chơi được rồi. Anh chơi đá gà, tôi và bà vợ loanh quanh thăm bà con. Ăn tối xong là mình đi tiếp.
Tư tài xế liếc nhìn, miệng lẩm bẩm, lơ đãng nhìn chỗ khác không trả lời. Dù là chủ xe, nhưng với xí nghiệp ông Bảy chỉ là phụ xe của lái chính là Tư, chính Tư mới là người ký nhận lệnh điều xe của tôi đưa tới. Bảy quay sang nói với tôi:
- Chuyến này đi có vợ tôi đi theo nghe anh, ghé tạt quê vợ cho bà thăm ông bà già. Anh không phiền, để tôi nói vợ chở mấy giỏ bắp cải, su su trái kiếm tiền ăn dọc đường.
Tôi thừa hiểu ý nghĩa của yêu cầu trên, vừa làm bốc xếp vừa là áp tải hàng của cơ quan, tôi đã cùng cánh xe tải dong ruổi các con đường từ tỉnh thành này qua tỉnh thành khác. Sau chiến tranh làng xóm hốc hác trong đói kém, người người lơ láo nhìn nhau, e dè sợ hãi từng chút đổi thay. Đâu đâu cũng rợp cờ đỏ, cổng chào và loa phóng thanh … những cửa hàng tạp hóa tiều tụy, những ngôi chợ quê trống hoác cho gió lùa. Tôi đã thấy, tôi đã nghe … hàng tre già xơ xác kọt kẹt rạp xuống trong cơn gió xoáy đổi thay. Thuở ấy, cánh xe tải, xe khách là phong lưu nhất; có di chuyển, có đem chút ít hàng hóa từ nơi này qua nơi khác là có sống được. Mỗi tỉnh, mỗi huyện là một pháo đài, dày đặc và kín kẽ rào cản kiểm tra. Sự lưu thông hàng hóa bị quản lý chặt, càng khó khăn con người chỉ còn loay hoay nghĩ đến cái ăn, đâu còn đầu óc nghĩ đến cái gì. Kiểm soát cái ăn, cái bao tử là khởi đầu cho hướng dẫn, lãnh đạo tư duy. Vài ký cá khô từ biển lên núi, vài bịch trà cà phê từ núi về biển, dăm ký thịt, ký gạo từ đồng bằng về thành phố là nguồn sống của bao gia đình.
Và bà Bảy đi theo với vài giỏ rau củ lại là cơm cháo của chuyến đi công tác xa.
Tôi im lặng thỏa hiệp những bữa cơm có chút cá thịt trên đường công tác.
Bởi có bà chủ xe đi cùng, nên dù là người áp tải hàng, là chủ thuê xe tôi vẫn phải nằm trên chuồng cu cùng thằng bé Nghinh. Nếu bố nó, Tư Hải tài xế, gầm gừ ít nói cười thì nó liếng thoắng, nói luôn miệng và lanh như con sóc. Cạnh chuồng cu có cửa ô vuông, có cầu thang sắt trèo xuống, trên là bàn thiên với một thùng nhỏ đựng nước có ống dẫn xuống làm mát máy xe. Bên thùng nước là giỏ tre có một con gà đá màu đen, càng cổ đỏ au to bự như cánh tay em bé. Chú gà trố mắt nhìn khi tôi vạch màn vải ra hé nhìn. Dù xe có chạy nhanh, dù trời mưa nắng, chú gà vẫn oai vệ, yên ổn trong lồng gà trên chụp một chiếc nón lá, bọc quanh một lớp vải ni-lông màu xám đen. Bất cứ lúc nào, xe ngừng lại, là Tư tài xế leo lên vạch lớp vải xem con gà:
- Chụt! Chụt! – Mệt không? Ráng chút nghe Uất-Trì.
Mặc cho ông Bảy đi trình giấy tờ, châm nước máy hay hỏi mua khoai, sắn dọc đường … Tư chỉ lên nhỏ nhẹ nói chuyện với Uất –Trì của gã.
- Anh Tư, có thắng trận nào chưa anh? - Tôi hỏi.
Tư quay lại nhìn tôi không trả lời, hình như chẳng có ai đáng cho gã phải nói bất cứ điều gì ngoài Uất-Trì-Cung của gã! Tôi thầm nhủ, gà lông đen chứ đâu phải da đen chì mà gã gọi Uất-Trì. Thằng con của Tư tài xế nhanh nhảu:
- Xá gì! Chú không biết chớ gà của cha thắng mấy trận rồi, nó có cú “ép dĩa song cước” hay lắm chú ơi.
- Là cú đá ra sao cháu?
- Nó đá thốc mặt tiền làm đấu thủ ép đầu rúc vào cánh nó để tránh, gọi là ép dĩa, nó kẹp cánh, đá cả hai chân vào ức địch thủ, song cước nha chú nha! – Thằng bé đen và gầy như cành củi cháy co giò, đưa hai cánh tay phùng lên như đôi cánh gà, đầu gối hạ thấp như thế võ “kim kê độc lập” – Chỉ cần ba cú song cước, cặp cựa như đôi chùy vỗ tới tấp vào ức, vào ngực địch thủ. Ha! Ha! Thế là chạy dài, kêu hoác, hoác!
- Nghe cháu tả chú thấy cháu đúng là con nhà võ, võ Bình Định, hay quá!
Anh Tư tài xế cười khục khặc trong cổ, trầm giọng:
- Dùng cánh kẹp chặt cổ đối phương, đè thấp xuống mới thượng song chùy lên chớ!
- Dạ, dạ đúng rồi cha!
Con đèo Phượng Hoàng đổ tuột xuống, nhiều trạm kiểm soát đã đi qua, xe mở bửng; kiểm tra mấy chồng giỏ mây, giỏ tre mỹ nghệ, thật nhanh rồi cho qua.
Từ quốc lộ, rẽ vào đường lên An Lão hơn ba cây số là quê của vợ chồng anh Bảy, cũng là quê của cha con Tư tài xế. Nắng xế xiên khoai, tôi ngồi tựa gốc mít sau vườn, xem con Uất-Trì đá với con gà Nổ của người bà con anh Tư. Hơn mười người lớn tuổi và khoảng chục thằng bé cở cu Nghinh vây quanh, nhìn hai con gà kè sát vào nhau ra đòn. Tôi đã từng xem những trận đá gà giải quyết chớp nhoáng ở Long Thành, ở Bà Rịa với việc ghép hai lưỡi dao lá lúa vào chân gà – máu đổ, ăn thua thấy liền và tiếp đó là kẻ bại vào nồi cháo. Ở đây lại khác, đá gà yên ắng như cầu kinh, cặp gà lựa thế xuất chiêu thế nào thì người ngồi xem cũng suýt xoa, tấm tắt, gật gù … Những tiếng thở dài vì một cú đá hụt, những hồi càm ràm vì kẹp mỏ, dụi đầu vào cánh mà né đương đầu với đối thủ cho xứng đáng một “trượng phu”. Gà đá thì trầm, chậm, thận trọng, còn người thì ồn ào la lối chói tai. Thấy người Bình Định chơi đá gà, mới thấy rõ tinh thần thượng võ; tinh thần ăn thua đủ; mới thấy trường gà nó giải tỏa được bao đè nén, bao cảnh con người sống mà phải “bậm môi, trợn mắt” làm thinh cúi đầu, lảng ra xa, không dám lên tiếng trước cảnh trái tai gai mắt!
Mặt trời đỏ ệch, sà xuống dãy Trường Sơn, cánh đồng lúa và hàng dừa như lúp xúp vội cuốn ánh sáng tàn úa cất giấu vào đêm thâu. Canh gà rồi cũng dừng lại, hơn hai giờ song đấu, Tư Hải ôm con Uất-Trì vào lòng hể hả:
- Út Trưng, thôi xử huề nghe mậy! Tiếc là trời tối rồi không thì Uất-Trì sẽ ra chiêu hồi mã để hạ con Nổ của mày.
- Anh nói vậy em không chịu đâu anh Tư, biết thắng biết thua, biết đâu hồi mã thương hay hạ mã tử! Anh em mình huề là phải anh Tư ơi, chuyến sau ra sớm sớm nghe, em nghênh tiếp.
Anh Tư quàng khăn ướt quanh cổ vào đầu con Uất-Trì rớm máu, anh áp miệng vào hút mạnh dòng máu đỏ và nhổ toẹt xuống đất. Anh tiếp tục hút nhổ, vắt khăn, lại hút nhổ toẹt nước và máu, miệng anh lốm đốm máu đỏ, mặt anh rạng rỡ cười; từ ngày gặp anh, đây là lần đầu tôi thấy anh mất hẳn nét u ám, buồn rầu. Anh Tư Hải thật sự là mình khi ôm cánh cổ gà Uất-Trì tươm máu mà hút, mà nhổ toẹt.
Con gà được thằng cu Nghinh cho ăn một nhúm lúa đã được ủ có mầm trắng như giá đậu, được lấy thuốc lá vít mấy vết thương nhỏ trên cần cổ đỏ tươm tướp máu.
Xe lại lên đường, thằng cu Nghinh nằm sát vào tôi nhìn lên bầu trời có ánh trăng xanh, thì thào kể chuyện :
- Chú Hai có biết không, cha cháu dẫn cháu vào đây với bác Bảy, nhà cháu cách chỗ đá gà lúc chiều trên hai cây số. Ngày giải phóng má cháu chết trong chạy loạn, còn cháu thì bà ngoại dắt chạy xuống tới Phú Mỹ để trốn giặc. Ba cháu lái xe cho bác Bảy, và cùng đi lính nghĩa quân ở trên Cao Nguyên trước ngày giải phóng. Ngoài quê bây giờ chẳng còn ai, bàn thờ mẹ, cha cháu gởi bên nhà ngoại. Cháu vào ở với bác Bảy, đi học. Năm này cháu là học sinh giỏi, được bác Bảy cho đi theo xe về quê, và ra Trung cho biết. Chú nè, mình đi rước tượng hả chú?
- Ừ, chú đi chở tượng về để phân phối cho các huyện, các trường, các cơ quan.
- Tượng Bác phải không chú?
- Đúng rồi. Sao cháu biết?
- Cháu biết hết, trường của cháu chỉ có ảnh chớ đâu có tượng. Hồi làm lễ phát thưởng phải mượn tượng trên sở về đó chú, cô giáo nói cho cả lớp nghe vậy đó. Bác Bảy nói hay lắm đó chú.
- Bác Bảy nói gì?
- Bác nói với cha cháu là bác nhận lệnh đi chở tượng vì lòng biết ơn người Cha già của dân tôc, vì lòng mong ước của bao nhiêu người. Bác Bảy nói nếu không có Người làm sao có ngày hôm nay, phải tôn vinh, phải phấn khởi, phải … - Thằng nhỏ khựng lại, lơ mơ không nhớ hết bài thuyết giảng của bác Bảy - Đúng quá phải không chú? Có lần bác Bảy nói với cha cháu là bác đã góp công lớn cho sự nghiệp chung. Cháu cứ nghe cha cháu gầm gừ nói bác Bảy xạo! – phải vậy không chú? Cháu tin bác Bảy đã làm được nhiều thứ tốt lắm, bác mới lãnh công nhân lao động tiên tiến đó chú ơi!.
- Cháu biết nhiều quá trời luôn nghen! – tôi vò đầu thằng nhỏ, và nằm nghiêng người nhìn ánh sáng đèn xe tải quét qua hai hàng cây ven đường. Đêm thăm thẳm, xe ì ạch chạy qua các ổ gà, ổ voi, những vì sao cứ như chập chờn còn mình thì lúc lắc một chỗ mà nhìn trời đất quay.
Thằng cu Nghinh kể luyên thuyên đủ chuyện, nó thèm nói thật nhiều trong khi cha nó thì cứ ủ rủ, u sầu khó tiếp chuyện. Nó tiếc vì khi chiều con Uất-Trì không thắng được con Nổ. Nó nói, đáng ra là nó đã kẹp dĩa được con Nổ, mà không bung được cú song phi là bởi ở trên xe lúc lắc cả ngày con gà Uất-Trì không ngủ được, nó mất sức!
- Chú không tin à! Gà nó cần ngủ hơn người đó nghe chú. Nó chỉ cần đứng yên, sau khi vỗ cánh bạch bạch gáy lên mấy tiếng là nó chợp mắt ngủ ngon lành. Không ngủ nó mất sức, gáy xong nó ngủ một chập rồi mới ví gà mái được. Chú tin không? Cháu ở quê nuôi gà cháu biết hết. Khi gáy, khi đạp mái nó đều nhắm mắt là chuẩn bị ngủ đó chú ơi.
 Nghe tôi cười, thằng nhỏ càng hăng kể cho tôi nghe về cách nuôi gà đá, về cách cho gà ngủ cách đất, ngủ trên một nhánh tre trơn để móng gà phải cong lại bám cứng, đó là luyện gân để khi gà đá, nó rảy vuốt ra là xé da địch thủ …
 Về khuya, tiếng kể nhỏ dần, rồi thằng nhỏ dụi đầu vào tôi thở đều đều ru vào giấc ngủ.
 Tượng thạch cao làm ở ngoài Bắc chở theo đường xe lửa vào ga Đà Nẵng, tôi đến nhận tượng từ kho quốc doanh phát hành sách Đà Nẵng. Loại tượng cao 80 phân để trong giỏ tre lớn chung quanh chèn rơm, tượng nhỏ 50 phân đặt trong thùng gỗ cũng chèn rơm. Mỗi tượng thạch cao là mỗi bao bì. Các thùng gỗ nhỏ có nắp gỗ đậy để dưới, các giỏ tre để trên theo hàng theo lớp thật uy nghi, nghiêm trang. Tượng cao to mà ruột rỗng nên nhẹ, đặt tượng trên lớp rơm trong giỏ tre, chèn rơm quanh áo đại-cán, còn phần đầu thì vẫn trắng toát nằm cân đối, dù xe có lúc lắc cũng không thể nào va chạm. Tôi thật vui vì đã xong công việc mà tôi cứ lo sợ đường xa đổ bể, nhưng nhìn các lớp bao bì tôi thật sự yên tâm. Tôi có tiêu chuẩn được ở khách sạn quốc doanh, cơm tập thể của ngành phát hành sách. Tôi dắt thằng cu Nghinh theo để nó lên tắm, vừa ngủ lại sức. Ông Bảy đề nghị ở lại một ngày đêm cho khỏe rồi ngày kia sẽ vào. Tối qua, khi ghé cầu Trà Khúc Quảng Ngãi ăn don xúc bánh tráng làm ly bia quốc doanh, anh Tư tài xế và ông Bảy lại gây nhau khi thằng cu Nghinh muốn hỏi bác Bảy để khoe với tôi :
 - Bác Bảy ơi, phải bác đưa xe gạo vào rừng ủng hộ bộ đội giải phóng không bác? – Bác nói cho chú Hai nghe đi. Thằng bé có ý khoe với tôi về thành tích bác nó.
 - Đúng rồi, bác có giấy chứng nhận của Mặt Trận nữa. Cha cháu lái xe gạo, bác hướng dẫn đường.
 - Ông lại dóc tổ! Tổ nói dóc! Anh Tư gầm gừ cúi mặt nhai bánh tráng rôm rốp như để che lấp ý mình.
- Chớ bộ anh Tư không lái xe à? Anh Bảy trố mắt hỏi.
- Có, nhưng không đúng như anh nói, tôi ghét nói dóc và nói láo! Cái gì thiệt cứ nói thiệt, đừng láo!! Hồi ấy, tôi lái xe cùng anh xuống Nha Trang chở gạo cho hãng buôn đại-bài gạo; cả đoàn xe, đủ loại xe bị Việt Cộng đắp ụ nằm đường, mấy ổng lùa xe gạo vào nói mượn gạo, và viết giấy mượn gạo chờ khi hòa bình sẽ trả. Anh khóc tu tu, ỉ ôi xin tha, giờ đem tờ giấy đó nói là … dóc quá ai chịu nổi! Sau ngày thống nhất, biết bao người cơ hội, biết bao kẻ chỉ có chút điều kiện nhúng một chân vào nước biển đã vỗ ngực bi bô bơi trong biển cả cách mạng. Tôi không ưa nói láo!!
- Anh Tư hè, tại sao anh cứ ngang như cua với tui vậy hà? Tui có giấy chứng nhận ủng hộ giải phóng quân. Tui là công nhân tiên tiến ở xí nghiệp vận tải đó, đâu cần phải láo!
Chưa lúc nào, tôi thấy cặp mắt dữ dằn như thế của Tư Hải. Gã quắc mắt hệt như cặp mắt của con gà Uất-Trì sắp ra cước song phi.
- Tôi không muốn nói chuyện đó à nghen! Đừng chọc tui!! Anh có nghe anh em tài xế xí nghiệp nói gì không? – Hay anh nghe mà anh giả điếc! Tôi nghe cánh anh em tài phụ xe nói về xe mình mà muốn độn thổ vì xấu hổ! Còn anh, anh cứ trân trân mặt khoe nhẵn!! – Anh biết anh chơi vậy là không đẹp, còn người thưởng anh tiên tiến, anh hùng thì dùng anh như con giun móc đầu lưỡi câu! – Anh biết rõ bây giờ đời sống quá khó khăn, quá chật vật, ai cũng có vợ con, ai cũng ráng sống qua ngày, giới xe sống nhờ chút xăng dầu dư được sau khi nhà nước định mức. Họ không sợ cả hiểm nguy, lắm khi xuống dốc thấp thấp thả mo tắt máy, để kiếm lít dầu, lít xăng đổi gạo cho con … Anh biết quá mà phải không anh Bảy? Vậy mà kết toán sáu tháng đầu năm ở xí nghiệp, chỉ có mình anh khai là đã chạy dư 180 lít dầu xin trả lại cho xí nghiệp để đóng góp vào … để chào mừng … để đẩy mạnh phong trào … - … Anh tốt quá, anh là người duy nhất của gần một trăm đầu xe; anh là tiên tiến, anh là gương mẫu điển hình để cả xí nghiệp học tập. Anh làm vậy thì té ra cả trăm xe kia là lũ chuột, lũ ăn gian nói dối cả sao? Anh nổi lên để cho cả lũ thành xấu xa, thành hủ lậu, thành gian dối … Anh có thấy tội nghiệp anh em đói khổ đó không? – Mà thực sáu tháng anh dư có chừng ấy thôi sao? Anh cần tôi nói huỵch toẹt ra không? Anh dư bao nhiêu tôi là tài xế tôi biết; nhưng anh chỉ khai đủ để giết người khác, đủ để anh làm anh hùng còn ai chết kệ ai!! Anh làm anh hùng còn ai là cáo là chuột kệ ai!!
 Tư Hải cúi đầu nói như gầm lên, nói như lực ép bị bung ra, như bịch nylon đựng nước căn phồng bị xé toạt. Ông Bảy sững sờ, chị Bảy nhả nhớt.
- Thôi mà anh Tư, có gì đâu mà nóng, anh là tài xế chính của xe, anh Bảy chỉ là phụ thôi mà. Có gì anh em nhỏ nhẹ với nhau mà.
Tôi đứng dậy ra ngoài, cái bánh guồng quay nước gần đầu cầu, nép cạnh lũy tre, đã dừng quay từ lâu; dãi cát vàng nằm giữa sông trong mùa nắng này được trồng bắp xanh rờn, oằn trong gió. Từ cầu sông Trà Khúc, nhìn về phía Thu Xà, màu cây, màu cát, màu trời sao buồn thê thiết đến vậy. 
Trên đường về nhà nghỉ Sở văn hóa Thông tin Đà Nẵng, thằng cu Nghinh lủi thủi bước theo, mặt đen nhẻm, buồn thiu. Tôi cầm bàn tay nhỏ xíu, ốm gầy của thằng nhỏ mà thấy nhớ hai đứa con trai ở nhà.
- Sao cháu câm như hến vậy Nghinh?
- Chú Hai ơi, chiều qua bác Bảy và cha cháu to tiếng với nhau, có phải đúng vậy không chú?
- Đúng cái gì mà không đúng cái gì?
- Đúng là cái xe chở gạo vào rừng, đúng là cái dầu gì đó trên xe, đúng là thi đua tiên tiến gì gì đó … Thấy bác Bảy và cha cháu cãi nhau cháu buồn quá, đã nhiều lần cãi nhau, cha cháu nói là muốn dắt cháu về quê làm ruộng. Cha nói với cháu thà cuốc đất trồng khoai còn sướng hơn.
- Ồ, chuyện người lớn hay nói đùa cháu nghĩ ngợi làm gì. Đằng nào cha cháu và bác Bảy là anh em, đằng nào chúng ta cùng đi đến đây…
- Đúng rồi đó chú, bác Bảy không tốt sao phải giúp chú làm việc này. Đường xa, đường xấu, phải chạy chậm, không thì tượng bị va chạm, bị bể. Khó khăn quá mà bác Bảy lại nhận đi rước tượng Bác phải không chú? Khi trưa, nhìn mấy tượng Bác uy nghi, sáng rỡ, xếp lên xe cháu thấy vui quá chừng. Cháu vui lắm chú à!
- Chú cũng vậy. Chiều nay, chú sẽ dẫn cháu đến góc đường Trần Bình Trọng đãi cháu một tô bún bò. Thằng bé cười toét miệng, mắt ngời sáng, chạy lúp xúp theo tôi. Anh Tư, cha nó đưa xe về nhà người quen của chị Bảy để gởi và anh Tư đi Túy Loan thăm người anh chú bác ở đó. 
Hai đêm ngủ thoải mái ở Đà Nẵng, xe trở về, chạy chậm và liên tục, trình giấy tờ ở các trạm đầu tỉnh cuối tỉnh. Đến mỗi trạm, xe đùn nhau xếp hàng, từng chiếc qua trạm kiểm tra. Cái màn kịch mở bửng xe, trình hợp đồng, trình hóa đơn xuất hàng, áp tải hay phụ xe ca cẩm, xin xỏ … Cán bộ quản lý và bộ đội, công an xăm xỉa từng món hàng. Xe từ Đà Nẵng vào Nam người ta kiểm tra chở thuốc lá Samit, vải vóc các loại, mỹ phẩm … hàng tuồn từ Thái Lan qua ngã ba biên giới Lào – Việt, chuyển từ cửa khẩu Lao Bảo vào. Xe trong ra thì chở gạo, trà, thịt cá, đường các loại từ Quảng Ngãi ra … Trạm nào cũng diễn cảnh ỉ ôi xin xỏ, cũng xạc hàng xuống, cũng chất hàng lên … Cũng từng chuỗi dài các bà, các cô xơ xác chạy gạo hàng ngày bằng ít hàng hóa cấm. Các trạm như Nước Mặn giữa Quảng Nam - Quảng Ngãi, trạm Bồng Sơn, trạm Bình Đê, trạm Du Long, trạm Sông Pha, Phượng Hoàng … Nhìn những người đàn bà ngơ ngác, khóc lóc xin xỏ, những lời mắng chửi những người đáng chị đáng mẹ mình …
Xe dừng lại ở trạm nào, anh Tư cũng tìm chỗ vắng phì phập một điếu thuốc lá, lững lờ chờ anh Bảy vào trạm làm việc. Bảy người thấp tròn, đi như lăn lông lốc, quày quả, đon đả, nụ cười hàm răng ngựa kéo toạc đến mang tai. Anh chạy vội vào trình giấy tờ rồi cùng cán bộ quản lý thị trường và mấy anh công an ra xe làm thủ tục kiểm soát. Tôi và thằng cu Nghinh, ngồi trên chuồng cu, nhìn các vở kịch cứ lần lượt diễn ra : anh Bảy mở bửng xe, hai hàng giỏ tượng thạch cao thẳng tắp uy nghi, lơ thơ những cọng rơm vàng xóc ra ngoài giỏ tre như ổ trứng gà. Dưới ấy các anh lính trẻ cung kính đứng nhìn hàng tượng trắng, dưới ấy mấy anh công an cúi dòm qua kẽ hở chiếu lệ, tôi nghe oang oang giọng anh Bảy.
- Nhận tượng ở Đà Nẵng hà? Chở lên Cao Nguyên hả? Có tuồn hàng lậu không đó? - Anh cán bộ kiểm tra hỏi.
- Các đồng chí xem - anh Bảy nhanh nhảu - chúng tôi rước tượng Bác lên Cao Nguyên. Chúng tôi chạy thật chậm, thật êm sợ xóc vỡ. Đồng chí thấy đó, trong ấy, cơ quan trường học thiếu tượng, nhu cầu lớn lắm … thật là khó khăn, đường xa, trở ngại khó khăn lắm, khó khăn sao kể xiết!!
Anh Bảy khúm núm như thầy tế lễ dâng hương trước đàn cúng tế; mấy anh cán bộ leo lên thùng xe nhìn bốn hàng giỏ tre, nhìn màu trắng sáng mịn màng của hàng tượng, ai ai cũng toát lên vẻ cung kính xen lẫn chút lo âu vì lo sợ mình đang mang tội phạm thượng. Rồi se sẻ bước xuống, rồi se sẻ đóng bửng xe, trả giấy tờ kiểm tra để xe lại tiếp tục lên đường. Anh Bảy tay nhận giấy tờ, ngẩng cao đầu, miệng cười toét rộng, như muốn ưỡn cao ngực xưng tụng công lao to lớn. Tôi chợt nghĩ đến khuôn mặt con lừa mang ấn ngọc trên lưng trong thơ La Fontaine.
Thằng cu Nghinh như được bơm thêm năng lực, mắt cậu bé ngời lên mỗi khi bửng xe mở ra; mỗi khi bác Bảy của cậu huyên thuyên về sự nổ lực, sự cố gắng, sự cực nhọc để rước tượng về các vùng sâu, vùng xa … huyên thuyên về việc sẽ có bao nhiêu em bé ngẩng cao đầu nhìn lên tượng Bác, huyên thuyên về việc anh ta phải hy sinh gian khổ bao nhiêu để đưa tượng về cao nguyên. Cái giọng the thé ở câu kết bao giờ cũng làm cho thằng bé ưỡn ngực, như đang được quàng khăn đỏ đi diễu hành theo tiếng trống nghi thức của trường ngày em nhận thưởng, nhận giấy khen.
Bửng xe đã đóng lại, anh Tư Hải lái xe qua ba ri e trạm mà thằng cu vẫn còn bần thần.
- Nè, chú Hai ơi, chú thấy không, thật là hãnh diện, mấy anh kiểm tra nhìn bốn dãy tượng thật kính phục. Họ có nhìn lên chú cháu mình nữa … Chú có thấy bác Bảy nói quá hay không chú? Cái cách bác đứng nghiêm,dở nón, cúi đầu khi hạ bửng xe làm họ phải thấy xe mình làm việc quá tốt phải không chú? Chú ơi, bác Bảy nói mà các anh cán bộ kiểm tra khúm núm, đi giật lùi. Phải không chú? Cháu hãnh diện với bác Bảy quá chừng chú Hai à. Chú đừng cười cháu nghe chú, cháu ước mơ mình được quàng khăn đỏ đi giữa hai hàng trống chào nghi thức của trường, cháu là học sinh tiên tiến, học sinh giỏi,.. sẽ nghiêm trang đứng trước tượng Bác nhận giấy khen. Cháu mơ ước sẽ làm được những điều thật tốt, thật gương mẫu như bác Bảy. Chú ơi, cháu vẫn mơ ước là …
Tôi ầm ừ, và nằm dài gối đầu trên xắc áo quần, mùi cá bống cát kho khô tôi mua ở đầu cầu Trà Khúc đem về cho mẹ già, đang treo lủng lẳng trên vách chuồng cu ủ hơi nóng bốc lên cay cay hơi tiêu. Sông Trà Khúc Quảng Ngãi có giống cá bống đặc sản, kho rim cho đến khi “cá bống ngó đuôi”, nghĩa là cá cong hình chữ O, đầu cá thấy đuôi cá gọi là cá ngó đuôi, là ngon tuyệt. Tôi nghĩ đến mẹ già, miệng móm mém nhai cơm sẽ thích thú biết mấy khi tôi đem mấy dĩa cá bống sông Trà Khúc kho tiêu này về. Xe vẫn xập xình đều nhịp, lưng tôi ê ẩm trên tấm ván gỗ cứng, còn thằng cu thì ngáy ngon lành, nụ cười trong mơ trên khuôn mặt đen nhẻm, chắc cháu đang mơ được quàng khăn đỏ, xếp hàng theo tiếng trống nghi thức ở trường. Cháu mơ ước bác Bảy sẽ nắm chặt hai tay nó mà lắc mạnh và nói: “Nè, Nghinh ơi, cháu phải học giỏi phải theo gương các bác các chú… Cháu là tương lai đất nước, cháu là hy vọng của dân tộc, cháu là …” Những bé như cu Nghinh, như hai đứa con trai tôi ở nhà, vui sướng biết bao khi nhìn cha anh mình sống xứng đáng, nó ngẩng cao đầu hãnh diện. Nhìn mái tóc hoe hoe cháy nắng của thằng nhỏ, nụ cười trong mơ trên khuôn mặt đen đen gầy, tôi thực sự thấy hạnh phúc.
Từ buổi chiều to tiếng với anh Bảy ở quán đầu cầu sông Trà, Tư Hải không lần nào lên tiếng. Trong bữa cơm dọc đường, Tư gầm đầu ăn, ai hỏi thì trả lời nhát gừng rồi lảng ra ngoài hiên hút thuốc. Tư Hải có đôi mắt sâu thẳm, gã luôn luôn nhìn mông lung, vời vợi buồn. Bà Bảy khi tiếp thức ăn, khi thì hỏi han, gần như muốn dàn hòa giữa chồng và anh Tư. Anh Tư chỉ ầm ừ, trao đổi lấy lệ và lấy cớ chăm sóc con Uất Trì mà tránh đi chỗ khác. Nhìn cách gã ôm con Uất Trì, cách gã vuốt lớp lông đen óng, ánh mắt gã như ánh lên rồi tắt ngúm. Niềm vui của anh Tư thật nhỏ và thật xa.
Xe qua đèo và về tỉnh lị khoảng xế chiều, anh Bảy kéo tay tôi xởi lởi:
- Công việc của anh em mình vậy là quá tốt đẹp, công tác đã hoàn tất. Tôi chở anh về chỗ nhà tôi cho biết, rồi lấy honda chở anh về nhà, nghỉ ngơi mai giao hàng. Tôi phải lau rửa xe, sửa sang hàng hóa cho tươm tất, chở tượng lãnh tụ chứ đâu phải thứ hàng hóa thường thường, phải lau rửa, phải xịt bụi … Sớm mai anh đến, mình đi giao hàng nghen?
Nhà của vợ chồng anh Bảy ở khu phố ngoại ô, trong một vườn cà phê rộng, cách nơi tôi ở một ngọn đồi. Mới có mấy ngày nằm trên chuồng cu xe tải, cùng nhìn mọi sinh hoạt bên ngoài qua tấm bửng xe mà thằng cu Nghinh quyến luyến tôi:
- Chú Hai này, hôm nào ghé qua chơi, hôm nào có độ gà, cháu nhắn chú à nghen.
Tôi cầm gọn bàn tay gầy của thằng nhỏ lắc nhanh và hứa chắc, nhìn cặp mắt sắc cạnh và đen nhánh của nó đầy sức sống, tôi chợt thấy một hy vọng mơ hồ. Tôi xách xắc áo quần vội vã về nhà – dãy phố vùng cao xen trong tán cây xanh, bên lề đường hoa quỳ từng cụm lao xao trong gió. Chiều về, trời mây xuống thấp, và khí lạnh từ đất đá dưới khe suối bắt đầu dâng lên cao. Đi đâu xa về, tôi lại có một thích thú hít dài, căng hơi vào lồng ngực, cảm nhận được làn khí trong lành rót chảy ngập tràn. Một cảm giác ngây ngất vô cớ tràn dâng lên cao, tâm hồn như chìm đắm trong thoáng đê mê. Những dãy đồi cà phê, trà cao thấp uốn lượn dịu dàng, xa xa mấy nét núi xanh lững lơ giữa chừng mây trắng. Tôi thích bước chậm trong ánh chiều nghiêng, gió vùng cao mát lạnh phà vào như có ai nghiêng đầu bên vai thở phù vào tóc gáy. Cảm giác an bình, tĩnh lặng và riêng tư đến rất nhanh trong nắng chiều nhàn nhạt ở nơi này.
Về nhà, mẹ già ngủ gà gật bên võng, giấc ngủ tuổi già chập chờn, thiu thiu xen lẫn mơ và thực. Vợ con tôi đi làm, đi học chưa về. Tôi lặng lẽ tắm rửa và chợt nhớ ra mình bỏ quên gói cá bống cát sông Trà treo bên vách chuồng cu xe anh Bảy. Hai giờ sau tôi đã lóc cóc đạp xe trở lại nhà anh Bảy, bên kia đồi nắng vàng đã rời thung sâu bò lần lên chóp đồi, dưới thung lũng mây trắng đục lướt thướt từng vệt kéo dài trong màu sậm tối.
Thằng cu Nghinh đang đứng lớ ngớ ngoài đầu hẻm chơi với mấy nhỏ hàng xóm. Trông thấy tôi, nó chạy vù tới cầm tay lái xe đạp tía lia:
- Chú Hai quên gói cá bống kho phải không? Con cất trong nhà kho xe cho chú rồi.
- Cha con đâu rồi? Còn bác Bảy? - Tôi hỏi.
- Cha con kia kìa - nó với tay chỉ về hiên nhà cuối hẻm - ổng đang đánh cờ tướng với mấy ông già hàng xóm. Còn bác Bảy bảo con ra coi chừng để bác chùi xe sắp xếp lại tượng mai giao cho nhà sách.
- Con nhỏ xíu như cái kẹo mà ai sợ - Tôi dắt tay nó đi chậm chậm vào bãi xe sau nhà.
- Bác Bảy nói rằng với tượng phải kính trọng đó chú Hai, phải tôn thờ, không cho người lạ vào ra loẻn ngoẻn rủi bể gãy thì mang tội! “Khó khăn sao kể xiết!” – Thằng nhỏ cười hề hề bắt chước giọng the thé bốc cao lên của bác nó.
Quanh ra sau nhà, xe de sát đít vào nhà kho, cửa nhà kho khép kín. Thằng cu kéo tay tôi, nhanh nhảu đẩy cửa kho đi vào sau, miệng liếng thoắng:
- Đây chú Hai, cháu để gói cá trong này.
Cánh cửa lợp tôn khép hờ mở toang ra, tất cả giỏ tượng lớn nhỏ đã khiêng xuống hết, xếp ngổn ngang. Rơm lót bốc ra ngoài, những tượng thạch cao trắng muốt được lật nằm nghiêng ngã, dọc ngang. Trong kho ngổn ngang chỗ này dăm bảy cây thuốc lá Samít Thái Lan, chỗ kia các xấp vải sa tanh, vải màu bó từng bó được kéo ra từ các tượng thạch cao. Ông Bảy đang nâng tượng lên cao ôm chặt đầu, lật nghiêng, bà Bảy đang thò tay vào phần rỗng ruột tượng lôi ra các gói thuốc lá rời, các xấp vải khéo léo xếp ép trong lồng ngực tượng. Người ôm ghì tượng, kẻ lôi hàng, hàng hóa và tượng ngổn ngang trong kho …
Tôi mở choàng mắt, ú ớ, bàng hoàng. Thằng bé bám chặt vào tay tôi nấc lên như khóc:
- Chú Hai ơi! Chú Hai ơi! Trời ơi! Chú Hai ơi …Tượng Bác!! Sao lại làm như vậy? Chú Hai ơi!
Ông Bảy đặt bức tượng lớn xuống nệm rơm trên sàn, xấp vải xa-tanh trơn láng màu xanh mạ và mấy bao thuốc lá phều phào trong tay bà Bảy rút ra chưa dứt; bà Bảy tay vẫn còn cầm hai xấp vải run lập cập, mắt thảng thốt. Ông Bảy sấn tới, tóm lấy thằng cu Nghinh :
- Tổ cha mày, đồ mất dạy, đồ phản chủ, đồ ngu đần! Tao bảo mày coi nhà, tao bảo mày canh cổng, tao … tao …
Gã đánh tới tấp vào đầu, mặt thằng bé. Thằng nhỏ choài mình cố núp sau tôi, nhưng bị ông Bảy kéo lê và dí đầu vào bửng xe mà tán mạnh đánh rầm! Cu Nghinh đưa hai tay lên che mặt, hai cánh tay gầy đen đúa rụm lại trong tiếng nấc vỡ òa.
- Bác Bảy ơi, cháu lạy bác! Cháu lạy bác, bác Bảy ơi!
Tôi chụp tay ông Bảy kéo giật lại:
- Bộ anh muốn giết thằng nhỏ sao? Anh chị làm gì thế này hả?
- Nó là đồ chó chết! Lấy đâu cơm thịt cho cha con nó ăn, nó sống mà nó hại tui! Tao đã bảo mày coi nhà! Đồ ngu! Đồ chó!
Thằng cu Nghinh dụi đầu vào núp sau tôi, miệng và mũi tóe máu chảy dài dài xuống chiếc áo học sinh màu trắng mỏng manh.
- Chú Hai ơi, chết cháu mất chú ơi!
Tôi kéo thằng bé đi ra, ông Bảy nói với theo:
- Xin lỗi anh, vợ chồng tôi chỉ cải thiện chút chút, tôi định rồi sẽ thưa chuyện với anh! - Lão lại rít lên, mắt long lên sòng sọc- Thằng nhãi khốn kia, rồi mày sẽ chết với tao! Tao giết mày!
Cánh cửa lợp tôn đóng sầm lại. Tôi còn thoáng thấy mười mấy bức tượng ngã nghiêng trên lớp rơm lót trên sàn; tôi còn thấy vải, thuốc lá, mỹ phẩm ngổn ngang, có thứ kéo chưa ra hết lòng tượng rỗng, tôi còn thấy bao giỏ tượng, thùng tượng xếp lớp chưa được mở bung ra … Tôi không buồn nghĩ đến gói cá bống kho đem về cho mẹ, vội vàng cầm tay thằng nhỏ đi như chạy ra khỏi nhà kho.
Môi thằng cu Nghinh rách toạc một bên, mắt trái bầm tím, máu chảy thành giọt loang trên chiếc áo học sinh màu trắng … Nó mếu máo, tuyệt vọng:
- Chú ơi, con đâu có biết gì đâu chú! Chú ơi, mấy tượng Bác! Trời ơi! Chú ơi chú.
Tôi tựa lưng vào gốc mít bên con hẻm, kéo sát hai vai gầy gò của thằng nhỏ vào lòng. Thằng bé nấc lên từng hồi, đôi vai gầy guộc run lên bần bật.
- Chú ơi, chú ơi, con có biết gì đâu! Trời, sao lạ vậy chú! Bác Bảy mà vậy sao chú ơi!
Tôi ôm chặt đầu thằng nhỏ vào lòng mình, bỗng dưng lòng tôi tê điếng và mắt chợt cay cay. Tôi như muốn gào to lên cho thằng nhỏ nghe những suy nghĩ thầm kín của mình: “Con ơi, cu Nghinh ơi, thế giới này đầy rẫy những bác Bảy của cháu, những kẻ cơ hội, những người dùng quá khứ hào hùng của kẻ khác làm phương tiện để đi lên. Với hành vi của họ, họ tô son đánh phấn cho quá khứ là làm ô danh quá khứ! Trên dòng chảy của cuộc đời này lều bều chảy đầy loại rơm rác đó. Cháu ơi! Lịch sử một dân tộc đâu chỉ có vài ba chục năm, hay trăm năm; Lịch sử một dân tộc như dòng nước chảy, lúc lững lờ lúc sôi sục nhưng bản chất của nước là cùng với thời gian sẽ tự làm sạch mình. Rồi những rơm rác cặn bã này, với thời gian, sẽ trôi dạt cả vào quên lãng thôi cháu ơi! Đừng tuyệt vọng! Con hãy khóc nhiều hơn nữa trước cảnh sống này, vẫn thắp sáng ước mơ cao hơn và xa hơn: sẽ có một ngày không còn những con người gian dối lừa bịp; quanh đời sống con sẽ là những con người trung thực, là những con người được đem hết tài năng trí tuệ và tấm lòng ra xây đắp quê hương; quanh con là những con người trung thực yêu ai nói yêu, ghét ai nói ghét.
Rồi có ngày con sẽ ngẩng cao đầu sống như một con người chính trực dưới ánh sáng mặt trời
Đôi vai gầy thằng bé ấm ức run lên từng cơn và tiếng khóc nó vỡ òa, lạc lõng:
- Cha ơi! Cha ơi, về quê thôi cha ơi! Hu hu … hu hu … Chú ơi, con về quê sống với cha thôi chú ơi! Hu … hu …
Nắng chiều vàng lên cao dần ở các đỉnh đồi xa xa, một chút sáng vàng mờ mờ gần tắt lịm, bóng tối từ lũng sâu tràn lên, tràn lên ngập cả không gian!! 
 2007
Nguyễn Quang Tuyến
Theo http://www.thunhan.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...