Kinh nghiệm thân xác với kinh nghiệm
Cho đến nay những ý kiến về phương diện thể loại
của tác phẩm Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử vẫn chưa thống nhất. Theo Trần
Thanh Mại, đó là bài văn xuôi: “Nay xin đơn cử ra đây một vài đoạn của một bài
văn xuôi của Hàn để chứng tỏ thêm cái sức cảm thụ vô cùng mãnh liệt ở nơi nhà
thơ lạ lùng ấy.
Bài ấy, nhan đề là Chơi giữa mùa trăng, là một bài văn
mới lạ, xưa nay trong văn giới của toàn thể hoàn cầu cũng chưa ai nghĩ đến
nó, hay đến có thể để ngang hàng với những bài hay nhất thế giới, cả Đông
phương và Tây phương.” (Hàn Mặc Tử (1912-1940), NXB Văn Học, Hà Nội
2006, tr. 148-149).
Có lẽ theo Lữ Huy Nguyên, trong Hàn Mặc Tử - Thơ và Đời, NXB Văn Học 2004, đó là thơ văn xuôi. Tôi nói có lẽ bởi vì ngay dưới tên tác phẩm Chơi giữa mùa trăng, trong quyển sách này có dòng ghi: (Thơ văn xuôi). Tôi dài dòng như vậy để thấy một điều là “có lẽ” (vì hiện nay chúng tôi không có bản in đầu tiên) khi viết Chơi giữa mùa trăng, chính Hàn Mặc Tử cũng không chú thích thể loại cho cái tác phẩm đặc biệt này. Thực tế khi nghiên cứu về thơ Hàn Mặc Tử cũng ít người quan tâm đến tác phẩm này, mặc dù các nhà nghiên cứu chả ai là không nói đến trăng của Hàn Mặc Tử. Vì thế, bài Chơi giữa mùa trăng cứ như là tác phẩm ngoại vi của thơ ông, cứ như một thân phận bị bỏ quên. Hiện tượng này khiến tôi nhớ đến tên của một nhân vật trong Cựu Ước và trong tác phẩm vĩ đại Moby Dick của văn học Mỹ. Đó là Ishmael. Thực ra, khi chúng ta gọi hay là coi hay là đối xử (với) Chơi giữa mùa trăng (như) là tác phẩm ngoại vi của Hàn Mặc Tử là chúng ta đã không công bằng với nó. Tình trạng chúng ta nhìn nhận như thế kia có lẽ xuất phát từ chất lạ lẫm của nó hay là từ cái giọng điệu nửa ma quái nửa lả lơi của nó? nửa u sầu nửa phấn khích của nó? nửa triết học nửa tôn giáo của nó? nửa siêu thực nửa lãng mạn của nó? Dù gì thì nó cũng đã không được chú ý lắm rồi. Có lẽ đó là lý do tôi chú ý đến Chơi giữa mùa trăng, chú ý đến nó như một tác phẩm chuyển tải kinh nghiệm thân xác của Hàn Mặc Tử. Mà đối với tôi, chính kinh nghiệm thân xác đã làm nên cái tuyệt tác của thơ ông. Đã có những nhà nghiên cứu chú ý đến đặc điểm thân xác của thơ Hàn Mặc Tử dù chưa đẩy nó lên đến thứ kinh nghiệm thi ca (huyền thoại). Trần Thanh Mại có lần đã đề cập đến mối liên hệ giữa bệnh phong của Hàn Mặc Tử với trăng, sau này Thế Phong có nhắc lại nội dung đó khi viết về trăng trong thơ Hàn Mặc Tử: “Hàn đã hòa đồng thẩm mỹ quan của mình vào thiên nhiên và riêng vào TRĂNG. Có thể nói là TRĂNG đã chiếm một địa vị quan trọng trong thơ Hàn” (Hàn Mặc Tử nhà thơ siêu thoát, NXB Đồng Nai 2002, tr. 48)… Có lẽ, theo tôi, Đỗ Lai Thúy đã thực sự chú ý đến đặc điểm này của thơ Hàn Mặc Tử trong bài “Hàn Mặc Tử, một tư duy thơ độc đáo” (Con mắt thơ I, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2000). Tôi xin trích ra đây những đoạn tập trung nhất: “Có thể nói, trăng, ánh trăng đã để lại những cảm giác vật chất lên thân xác Hàn Mặc Tử… trăng với Hàn Mặc Tử như một con vật lưỡng thê, vừa vật chất vừa tinh thần, vừa trần tục vừa thiêng liêng…” (tr.229), “Ba hình tượng trăng, hồn, máu, theo Đặng Tiến, dồn đọng lại trong một tương quan chặt chẽ: nhà thơ khạc hồn ra khỏi miệng, điên cuồng mửa máu ra hay ngậm cả một miệng trăng. Như vậy cả ba, trăng, hồn, máu đều từ thân xác, thân xác Đau thương” (tr. 230). Nhìn từ đây, tức nhìn từ góc nhìn của Đau thương, thì Chơi giữa mùa trăng dường như không bao hàm trong nó một thứ kinh nghiệm thân xác nào cả mà là thứ kinh nghiệm khác. Một cách khác, kinh nghiệm thân xác, nếu có trong tác phẩm này, là ở về phía khác, hướng khác so với thứ kinh nghiệm thân xác của Đau thương. Nhưng nó không thể tách ly khỏi kinh nghiệm thân xác Đau thương như một thứ chủ âm trong thơ Hàn Mặc Tử, nói rõ hơn, chủ âm trong giai đoạn đau thương tột cùng của thơ ông. Cái chủ âm ấy gắn với ông như máu thịt, như nhiều nơi ông thổ lộ trong thơ. Mối quan hệ ấy được đặt định như sau: hai bờ sáng tối. Bờ sáng của Chơi giữa mùa trăng, bờ tối của Đau thương, và cả hai bờ sáng tối bao giờ cũng tương chiếu ở khắp nơi trong thơ ông, và tương đồng trong cấu trúc cảm xúc thơ. Cái hiện sinh đầu tiên và cuối cùng của con người là thân xác. Cái kinh nghiệm đầu tiên của con người cũng là thân xác: Thảo nào khi mới chôn nhau Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra! (Cung oán ngâm khúc) Và cực kỳ quan trọng là kinh nghiệm cuối cùng về thân xác mãi mãi là một bí mật. Nhà thơ, người gắn bó hơn với kinh nghiệm thân xác, đã có lúc hướng tới cái bí mật mãi mãi này như một cách khám phá tự ngã. Họ, đôi khi trong trạng thái xuất thần, đã sống trong kinh nghiệm về cái chết - xuất hồn như một thứ chứng ngộ. Có lẽ chính ở đây thơ ca (nghệ thuật) gặp gỡ triết học, gặp gỡ tôn giáo, gặp gỡ huyền thoại (Xin nhớ lại ý kiến của Giambattista Vico và F. Schelling). Theo tôi, yếu tố làm nên hiện tượng trên là thân xác được hiểu như thứ cửa ngõ của con người mở ra vũ trụ. Đó là thứ cửa ngõ mà nếu không có nó con người hoàn toàn bị cô lập với tự nhiên. (Nhưng làm sao mà không có nó!). Đó là thứ tài sản mà con người mang theo qua rất nhiều những biến thái, biến động của loài với tư cách là bộ phận của tự nhiên. Đó là thứ di sản xác tín với tự nhiên, vũ trụ về con người, và xác tín với chính bản thân con người về mình. Những cơn gió đông làm cho xương cốt của tuổi già xao động như là cách nhắc chúng ta về mối quan hệ với vũ trụ, về thứ cửa ngõ đi vào vũ trụ đó. Mọi ý tưởng gắn bó với vũ trụ đều trở nên vô nghĩa, vô căn cứ nếu thân xác đông cứng, không lên tiếng. Walt Whitman đã đọc thấy ngôn ngữ của thân xác trong Lá cỏ, và qua thân xác ông bắt được tiếng nói của vũ trụ, của tự nhiên. Tiếng nói dân chủ trong thơ Walt Whitman khởi đầu bằng thân xác, và đó cũng là thứ tiếng nói của triết học và tôn giáo trong thơ ông: Mỗi nguyên tử thuộc tôi cũng thuộc về anh nữa Kinh nghiệm thân xác cũng đã từng dẫn Hàn Mặc Tử đến tôn giáo. Tôn giáo trong thơ Hàn Mặc Tử là vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập, thậm chí đã có người cho rằng thơ chính là tôn giáo của Hàn Mặc Tử! Ở đây, chúng tôi sẽ không đề cập đến một vấn đề như thế mà chỉ quan tâm đến một dấu hiệu là trong Chơi giữa mùa trăng, kinh nghiệm thân xác đã dẫn Hàn Mặc Tử nhập vào vũ trụ, mở ra thế giới của thứ huyền thoại vừa nguyên thuỷ vừa hiện đại. (Chúng ta chú ý đến mối quan hệ của huyền thoại với nghi lễ, huyền thoại với ma thuật, huyền thoại với tôn giáo). Nhưng trước hết chúng ta hãy bắt đầu với kinh nghiệm thân xác từ bờ tối bởi vì ở đây nó lộ ra những biểu hiện đặc thù dễ nhận diện trong thơ ông. Ví dụ từ một Say trăng: Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi…. Ta nằm với vũng trăng đêm ấy Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra Bốn dòng thơ trên chúng tôi trích theo hai cặp; mỗi cặp có một con đường triển khai khác nhau. Cặp thơ thứ nhất là ta - hồn - ngàn khơi, trong khi cặp thơ thứ hai: ta - trăng - máu. Trong trường hợp này chúng tôi giả định yếu tố thời gian trong cặp thơ thứ hai không tác động đến quá trình hình thành và phát triển cảm xúc của thân xác và trạng thái mộng và tỉnh chỉ là hai mặt tương chiếu, đồng thời của một tổng thể tự ngã. Cái lý do để chúng tôi giả định như vậy là vì nhà thơ bằng vào độ lùi thời gian đã tách cái cảm xúc thơ đồng thời của quá khứ thành một quá trình ngôn ngữ. (Đây là một dạng bất lực của ngôn ngữ). Cảm xúc thơ đồng thời ấy vẫn được nhà thơ bảo lưu trong tổng thể tự ngã Ta ở đầu câu thơ: Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra Hiện tượng ấy sẽ tương đồng với cặp thơ thứ nhất: Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng Cho bay lên hí hửng với ngàn khơi Kinh nghiệm thân xác bắt đầu bằng sự vận động nội tại chuyển dần ra ngoại tại để tạo lập thế nối kết: khạc hồn ra, mửa máu ra. Và từ đây mở ra hướng vũ trụ: ngàn khơi, vũng trăng. Ta - tự ngã thân xác đi vào vũ trụ qua cây cầu hồn và máu. Chúng ta có cảm tưởng như hồn là dạng tinh thần của máu, còn máu là dạng vật chất của hồn. Và cả hai là tồn thể của ta. Nhưng thực ra cái tồn thể của ta ấy thật sự đa dạng trong thơ Hàn Mặc Tử. Sở dĩ đa dạng như vậy là vì ta tương đồng với vũ trụ. Ví dụ từ Một miệng trăng: Cả miệng ta trăng là trăng Cả lòng ta vô số gái hồng nhan. Ta nhả ra đây một nàng Cho mây lặng lờ cho nước ngất ngây, Cho vì sao rụng xuống mái rừng say, Gió thổi rào rào như lá đổ. Thoạt nhìn chúng ta tưởng như nhà thơ đang tả vẻ đẹp của gái hồng nhan, sắc đẹp làm xao động mây và nước, sao và rừng, gió và lá. Nhưng cái bóng hiện ra trong thế lưỡng phân tạm thời (Bóng ai theo dõi bóng mình) của ảo giác đã đẩy nhà thơ đến chỗ tột cùng của cảm thức không gian vũ trụ. Hàn Mặc Tử soi mình vào mình rồi soi mình vào vũ trụ theo kiểu con người nguyên thủy soi mình lên nước. Vẫn là mình đó thôi nhưng đã khác. Vì thế nàng cũng là một tồn thể của ta, là cây cầu để ta - tự ngã thân xác đi vào vũ trụ: Thưa, tôi không dám say mê Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền. Bây giờ tôi dại tôi điên, Chắp tay tôi lạy cả miền không gian. Một ví dụ khác với Cô liêu: Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ, Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ. Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng, Rung tầng không khí, bạt vi lô. Ai đi lẳng lặng trên làn nước Với lại ai ngồi khít cạnh tôi Mà sao ngậm cứng* thơ đầy miệng, Không nói không rằng nín cả hơi? (* Có bản ghi là ngậm kín) Chính từ cái nhìn con người - vũ trụ của Hàn Mặc Tử mà thiên nhiên như một điềm triệu: Đêm qua trăng vướng trong cành trúc, Cô láng giềng bên chết thiệt rồi. Và hai dòng thơ trên là tất cả cái tưởng như thật, gần với thật nhất trong bài thơ cực kỳ lạ là Cô gái đồng trinh. Còn tất cả phần còn lại là hư ảo, đúng ra là ảo hóa từ thứ kinh nghiệm thân xác lưỡng phân của Hàn Mặc Tử ở điểm tột cùng. Chỉ có điều là ở điểm tột cùng này dường như vũ trụ không hiện ra mà chìm sâu trong cảm thức về toàn bộ bí mật của ta với tư cách là bộ phận của cái vũ trụ rộng lớn hồn và xác ấy. (Hàn Mặc Tử vẫn thường nói hồn trăng, hương trăng, trăng vướng là vì thế. Ở đây không phải là hiện tượng nhân hóa như một biện pháp nghệ thuật đơn thuần mà xuất phát từ thứ kinh nghiệm thân xác-vũ trụ): Đêm qua trăng vướng trong cành trúc, Cô láng giềng bên chết thiệt rồi. Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới, Chưa hề âu yếm ở đầu môi. Xác cô thơm quá, thơm hơn ngọc, Cả một mùa xuân đã hiện hình. Thinh sắc cơ hồ lưu luyến mãi, Chết rồi - xiêm áo trắng như tinh. Có tôi đây, hồn phách tôi đây, Tôi nhập vào trong xác thịt này. Cốt để dò xem tình ý lạ Trong lòng bí mật ả thơ ngây. Biết rồi, biết rồi? Thôi biết cả Té ra Nàng sắp sửa yêu ta. Bao nhiêu mơ ước trong tim ấy Như chực xuân về thổ lộ ra. Xin hãy thử nối kết Cô gái đồng trinh với Người ngọc như một cách mở rộng sự nối kết (theo hướng liên văn bản) trong thế giới thơ của Hàn Mặc Tử, đồng thời như một cách xác tín kinh nghiệm thân xác phân lập và kinh nghiệm thân xác-vũ trụ trong thơ ông: A ha! Ta vốn người trong mộng, Hư thực như là một ý thơ. Ta đi góp nhặt từng tia sáng Và kết duyên tình để ước mơ. Hôm nay trăng sáng là trăng sáng, Không biết thiêng liêng ở cõi nào. Cô nường gái đẹp đương nằm chết Trên cánh tay mình, hãi xiết bao! Bài thơ Trăng tự tử của ông, và nhiều bài khác nữa (ví dụ Hồn là ai), cũng hiện ra theo hướng ấy dù rất đỗi biến ảo giữa giếng, âm dương, trăng, miệng giếng, trai gái tự tình, (cõi) bao la, vì sao, và rồi: Loạn rồi! Loạn rồi, ôi giếng loạn! Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng thiên Nhảy ùm xuống giếng vớt xác trăng lên. Kinh nghiệm thân xác kiểu như vậy cũng có trong Chơi giữa mùa trăng, và những cảm thức thi ca trong Chơi giữa mùa trăng cũng tồn tại trong một số những bài thơ khác của Hàn Mặc Tử đã làm nên một quần thể, cho thấy hướng vận hành thi tứ của ông. Có lẽ vì những lý do đó mà tôi đã bắt đầu với Đau thương và bây giờ là Chơi giữa mùa trăng. Tôi xin được trở lại với ý kiến của Giambattista Vico (1668-1744), một triết gia người Ý, trong Nền khoa học mới (The New Science): “Phải bắt đầu với siêu hình học nhưng không phải là thứ siêu hình học lý tính và trừu tượng của các nhà bác học ngày nay mà là thứ siêu hình học phun trào ra từ các giác quan và sự tưởng tượng của con người đầu tiên… Siêu hình học này là thơ ca của chính họ, nó phun trào ra từ năng lực thi ca bẩm sinh: bởi vì họ được trời phú cho giác quan và sự tưởng tượng một cách tự nhiên… Trong sự u tối khoẻ khoắn của mình, con người đầu tiên chỉ có thể sáng tạo bằng cách sử dụng sự tưởng tượng, (thứ năng lực) gắn chặt với cơ thể. Thế nhưng chính cơ thể này đã làm cho sự sáng tạo của họ trở nên siêu phàm đến kinh ngạc, và tính siêu phàm này vĩ đại và mạnh mẽ đến nỗi nó kích thích sự tưởng tượng của họ đi đến trạng thái xuất thần. Bởi sự sáng tạo đầy chất tưởng tượng này mà họ được gọi là các nhà thơ, trong nghĩa của tiếng Hy Lạp, là những người sáng tạo.” Tôi sẽ có dịp trở lại đoạn trích trên của Giambattista Vico nhưng ngay ở đây tôi muốn bàn thêm một khái niệm dễ gây hiểu lầm được Vico đề cập đến. Đó là sự u tối khoẻ khoắn. Tôi nghĩ là có lẽ Vico không cho rằng “sự u tối khoẻ khoắn” là sự ngu muội theo nghĩa đối lập với sự thông tuệ bởi vì, trong chính công trình trên, chính Vico đã gán khái niệm sự thông tuệ cho con người nguyên thủy. Vì thế sự u tối khoẻ khoắn cần được hiểu như huyền, một mặt khác của sự thông tuệ. Đó là khi mà cái ánh sáng và bóng tối nhất thể đang vận hành trong một tổng thể, chực chờ cuộc bùng nổ. Cuộc bùng nổ sẽ làm nên sự thông tuệ. Cả một tiến trình như thế vẫn gắn với thân xác với tư cách là một tập hợp đầu tiên, một tổng thể tương ứng với tổng thể tự nhiên. Cố nhiên, các ý tưởng trên là nói về con người nguyên thủy trong sáng tạo thi ca huyền thoại, nhưng Hàn Mặc Tử trong cơn cớ của cuộc đời mình, đã gắn chặt với thứ cơ thể như một định mệnh, và ngay lúc ấy kinh nghiệm thân xác chi phối nhà thơ theo hướng phun trào tưởng tượng từ các giác quan mở đường về phía tự nhiên, vũ trụ. Đó là (đặc điểm tập trung trong) Chơi giữa mùa trăng. Trước khi nói được một điều gì đó về kinh nghiệm thân xác của Hàn Mặc Tử trong Chơi giữa mùa trăng, có lẽ chúng ta nên bắt đầu với một nhận định rằng những cảm thức thi ca về thiên nhiên/trăng có trong Chơi giữa mùa trăng cũng tồn tại trong những bài thơ khác của Hàn Mặc Tử, đặc biệt trong tập Đau thương. Sự tồn tại theo kiểu song lập này là một hiện tượng đặc biệt trong thơ Hàn Mặc Tử, mà trên kia chúng tôi đã lưu ý, khi chúng ta lấy Chơi giữa mùa trăng (như một tác phẩm ngoại vi) làm trung tâm khảo sát. Đó là lá trăng: - Chị tôi làm thinh, - mà từng lá trăng rơi trên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng. (CGMT) - Tôi lượm lá trăng làm chiếu trải, Chúng tôi kề đầu lên khối sao băng. (Rượu trăng) Đó là trăng vướng: - “Thôi rồi! Trí ơi! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi mà không sao thoát được, biết làm thế nào, hở Trí?” (CGMT) - Trăng vướng lên cành lên mái tóc cô ơi Này đứng yên tôi gỡ cho rồi cô đi! (Say trăng) - Đêm qua trăng vướng trong cành trúc Cô láng giềng bên chết thiệt rồi. (Cô gái đồng trinh) Đó là hương trăng, vị trăng, sông trăng, lụa trăng, là trăng rơi, trăng rụng, là người trăng, là ánh sáng, là màu trắng… Một số những hình ảnh như thế đã đạt đến độ đậm đặc của những cổ mẫu theo cách nhìn của Jung. Và vì thế, một không khí huyền thoại tràn ngập Chơi giữa mùa trăng. Tại đây kinh nghiệm thân xác mở ra từ bờ sáng, nghĩa là từ những cảm nhận về tự ngã đồng nhất với những huyền nhiệm của vũ trụ. Lúc này kinh nghiệm thân xác khởi phát từ sự vận động đồng thời của nội với ngoại tại, và cảm thức thi ca nảy sinh từ sự tác động bao hàm ta-vũ trụ và ngược lại. Tất cả khởi đầu bằng ánh sáng: “Trăng là ánh sáng?”.. Tất cả đều là ánh sáng, ngợp trong ánh sáng, trăng hoá ánh sáng: Vây chúng tôi bằng ánh sáng, bằng huyền diệu… Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diễu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lóa… Ở chỗ nào cũng có ánh trăng, có ánh sáng cả, tưởng như cả bầu thế giới chở chúng tôi đây cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bềnh bồng đến một địa cầu nào khác. Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu… Khi chạm vào nỗi ngạc nhiên tột cùng của nhà thơ, như sự kinh ngạc của con người đầu tiên, lúc đôi đồng tử lờ đi vì chói lóa, và lúc nhà thơ cảm nhận như đang trôi nổi bềnh bồng đến một địa cầu nào khác, chúng ta chợt nhận ra rằng đó là thứ ánh sáng thuở trời đất hồng hoang của huyền thoại. Thứ ánh sáng ấy đã đẫm ngập suốt tác phẩm, thực và hư. Trong ánh sáng huyền thoại đó, với thứ kinh nghiệm thân xác nguyên ủy đó, mọi giác quan chan chứa những cảm nhận hương sắc của đất trời buổi nguyên sơ. Sông? Là một giải lụa bạch, không, là một đường trăng trải chiếu vàng, hai bên bờ là động cát và rừng xanh và hoang vu và thanh tịnh… Thuyền đi êm quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê không còn biết là có mình và nhận mình là ai nữa… Tôi muốn hỏi xem chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong một ngụm nước lạnh, mát đến tê hết lưỡi và hàm răng?... Động là một thứ hòn non bằng cát, trắng quá, trắng hơn da thịt của người tiên, của lụa bạch, hơn phẩm giá tiết trinh - một màu trắng mà tôi cứ muốn lăn lộn điên cuồng, muốn kề môi hôn, hay áp má lên để hưởng sức mát rượi dịu dàng của cát. Trạng thái “đê mê” càng lúc càng dấn cao lên, đẩy tất cả vào chỗ “vong thân”: người hoá trăng, người là trăng, ấy là người-trăng. Tôi chợt nhớ mười bức tranh chăn trâu của Phật giáo vẽ về hai đối tượng nhưng là một và là không: hành giả (người chăn) với tâm của mình (con trâu). Ít nhất là có hai bộ, một bộ gồm mười bức tranh của Đại thừa, bộ kia của Thiền tông. Cả hai bộ đều nói đến chuyện “chế ngự” tâm, đều nói đến chuyện “tu hành” không dính dáng gì đến thi ca kiểu Chơi giữa mùa trăng. Điều tôi muốn nói là bức tranh thứ tám của cả hai bộ, tuy tiểu tiết có khác nhau, nhưng đều nói đến trạng thái vong thân - người quên trâu, trâu quên người, người quên người và trâu quên trâu. Ấy là tương vong hay là nhân ngưu câu vong. Còn Chơi giữa mùa trăng là người với tự nhiên, là tâm với cảnh, là người quên người, là người hoà vào vũ trụ, vong thân. C.Jung cũng nói tương tự như thế nhưng với vô thức tập thể trong tiểu luận Cổ mẫu của vô thức tập thể: “Ở đó (tức ở trong vô thức tập thể - ĐNC) tôi tuyệt đối là một với thế giới, chẳng khác gì một phần của nó đến nỗi tôi thật dễ dàng quên mất tôi thật sự là ai. “Vong thân” là cách tốt nhất để miêu tả trạng thái này.” Chúng ta thử tái lập con đường nhà thơ bước vào cõi mộng, bước vào vũng chiêm bao, bước vào cõi huyền thoại. Ban đầu nhà thơ cùng chị chèo thuyền theo sông trăng, sông trăng dâng cao lên mãi; con thuyền đi giữa hai tầng thế giới (trên trời và dưới nước) mà thực ra vũ trụ đang mở ra ba cõi: địa giới, thủy giới và thiên giới. Rồi tất cả dâng lên, hòa điệu, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói… Cuối cùng thuyền gần tới sông Ngân, dự định cập bến Hàn Giang. Và lơ lửng thế cho đến khi trăng vướng vào cành trúc. Nhà thơ cùng chị lại theo lối cát, dẫn vào cõi tiên, cố tìm dấu vết chân của Đào Nguyên Tiên nữ nhưng chỉ cát phẳng lờ như lụa bạch, trinh nguyên. Và, cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diễu… Tôi nắm tay chị tôi giật lia lịa và hỏi một câu hỏi tức cười làm sao: “Có phải chị không hở chị?” Tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ: Chị tôi là một nàng Ngọc nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên: “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa!” Rõ ràng, con đường đi của kinh nghiệm thân xác nguyên uỷ trong Chơi giữa mùa trăng đã dẫn đến chỗ vong thân chứ không phải đến nẻo phân thân như trong Đau thương. Đây là điều kiện để cảm thức thi ca phát triển theo hướng huyền thoại. Kinh nghiệm thân xác kiểu nguyên uỷ ấy chính là kinh nghiệm huyền thoại. Những Ngưu Lang Chức Nữ, những sông Ngân Hà, những bến Hàn Giang, những nước Nhược non Bồng, những Đào Nguyên Tiên nữ, những chín phương trời mười phương Phật, những Đức Bà Maria hiện ra là vì thế. Đến đây có lẽ chúng ta cần lưu ý thêm rằng bản thân Hàn Mặc Tử gọi đêm trăng rằm trung thu ấy là một đêm siêu hình và những huyền thoại được chính nhà thơ nhắc tới, trừ hình ảnh Maria liên quan đến tôn giáo, tất cả đều gắn với một nỗi niềm. Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly, và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chán chê… Phải không hở chàng Ngưu và ả Chức? Chính chất siêu hình này đẩy trăng đi về phía huyền thoại (xin đọc lại ý kiến của Vico trên đây về siêu hình), và cùng với nó, nỗi niềm kia làm hiện ra một khao khát vĩnh cửu như là sự giải thoát. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi. Sự kết hợp ấy đã làm nên một phát triển mới trong cảm xúc thi ca: tiến tới thứ kinh nghiệm thân xác viên mãn của cơn thoát xác. Hiện tượng vong thân được biểu hiện ở đỉnh điểm của sự hoà nhập nhiên giới: Những phút sáng láng như hôm nay, soi sáng linh hồn tôi và giải thoát cái “ta” của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt… Tôi bỗng rú lên một cách điên cuồng, và chực ngửa tay hứng một vì sao đang rụng. Cũng tiếng rú nhưng trong bài thơ Cô liêu có một điều gì đó đau đớn và phát triển theo hướng phóng chiếu cá nhân lên ngoại giới: Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng, Rung tầng không khí, bạt vi lô. Còn trong Chơi giữa mùa trăng thì đã khác. Tất cả bắt đầu bằng thứ kinh nghiệm thân xác: giải thoát cái tôi (nhưng thực ra là cái ta) ra khỏi nơi giam cầm là xác thịt để cái tôi (trước nay bị hiểu lầm) kia hóa cái ta, và nhập cái ta cá thể tương đồng với vũ trụ ấy vào tự nhiên. Vì thế, kinh nghiệm thân xác được biểu hiện trong thế hòa điệu: chực ngửa tay hứng một vì sao đang rụng. Thực ra, trong Đau thương, những cảm thức thi ca kiểu như vậy đã trở thành chủ đạo: choàng trăng, lượm tơ trăng, lượm lá trăng, đuổi theo trăng, tìm con trăng lạc… Ví dụ rất gần, với một Rượu trăng: Chúng tôi lại là người của ước mơ Không xác thịt chỉ có linh hồn đang mộng. Chao ôi! Chúng tôi rú lên kinh động Vì trăng ghen, trăng ngã, trăng rụng xuống mình hai tôi. Cũng xác thịt, cũng rú và cũng (trăng/sao) rụng. Nhưng xác thịt trong Rượu trăng đối lập với linh hồn chứ không phải hướng tới giải thoát ta bị giam cầm trong đó; và rú như cơn bột phát của xúc cảm vì sự đối lập, sự tác động của ngoại giới chứ không phải từ niềm hạnh phúc thoát xác, giải phóng ta. Vì thế có lẽ chỉ trong Chơi giữa mùa trăng cảm xúc (thi ca) hòa điệu với nhiên giới, so với Đau thương, mới được thể hiện trọn vẹn. Trong nền thơ ca Việt Nam, cho đến nay chưa một thi sĩ nào gắn toàn bộ cảm xúc thơ ca của mình trên thân xác như Hàn Mặc Tử. Và chính kinh nghiệm thân xác ấy với những biến điệu của nó đã làm nên những giá trị còn mãi của thơ Hàn Mặc Tử. Kinh nghiệm thân xác đồng nhất với kinh nghiệm huyền thoại, theo chúng tôi, chỉ có trong Chơi giữa mùa trăng. Và điều này đã làm nên giá trị của tác phẩm, làm nên cái phong vị rất riêng của Chơi giữa mùa trăng: nửa như cuộc rong chơi của câu chữ tìm về với vẻ rực rỡ vô biên của nghĩa và ý một khi xóa nhòa được ranh giới của danh và sự; nửa như cuộc lữ của đời người tưởng đã đến hồi quay về với nhiên giới vẫn lơ lửng một nỗi niềm khi mà trăng kia đã nhuộm ba cõi một màu đại mộng. Chơi giữa mùa trăng như xác tín với chúng ta rằng có một dòng chảy của huyền thoại trong thơ Hàn Mặc Tử, không phải chỉ những cổ mẫu, không chỉ những huyền tích mà cả thứ kinh nghiệm tưởng đã bị quên lãng nhưng trong một cơn cớ hy hữu nhất của cuộc đời thi sĩ đã sống dậy một cách mãnh liệt: kinh nghiệm thân xác và huyền thoại.
Đào Ngọc Chương
Nguồn: TCSH số 234 - 8 - 2008
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét