Phú Quang: Vẫn còn nhau,
Sau thời gian dài vào Nam sinh sống, nhạc sĩ Phú Quang đã quyết
định trở về Hà Nội định cư, thành lập Công ty Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật
Phú Quang và mới đây anh lại mở nhà hàng New Indochine tại 65C Trần Quốc Toản
(Hà Nội). Trong cuộc đời nhạc sĩ, kinh doanh và âm nhạc luôn đồng hành bổ trợ
cho nhau.
Hơn ai hết, nhắc đến Phú Quang là nhắc đến những ca khúc trữ
tình, nhất là các bài hát về Hà Nội như: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về,
Mơ về nơi xa lắm, Im lặng đêm Hà Nội, Tôi muốn mang Hồ Gươm đi. Về lại phố xưa,
Mây xưa, Bâng quơ, Thương tâm tóc dài ơi, Đâu phải bởi mùa thu, Khúc mùa thu,
Trong ánh chớp số phận...
Người nghệ sĩ lãng mạn
Nhạc sĩ Phú Quang sinh ngày 13/10/1949, quê
quán ở Hà Nội. Sự cống hiến của Phú Quang đối với âm
nhạc Việt Nam hiện đại được khẳng định qua hàng loạt ca khúc, album,
chương trình âm nhạc trong suốt mấy chục năm qua. Những ca khúc của Phú Quang da
diết, sâu lắng, khắc khoải cùng những lời ca mượt mà, ẩn chứa biết bao xúc cảm
sâu sắc tinh tế. Đa số nhạc phẩm của anh là tình ca. Anh viết xuất phát từ những
rung động, những cảm xúc của mình. Âm nhạc với Phú Quang đơn giản
đó chỉ là nhu cầu tự bộc lộ. Anh sáng tác trên nền những tình yêu có thật và cả
những ảo tưởng về tình yêu của mình.
Với Phú Quang không phải anh đã từng không thấy
"chưa phiêu” khi đã bỏ lỡ cơ hội được yêu chỉ vì lý tưởng hóa sự nghiệp.
Sắp bước vào tuổi lục tuần, gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp
âm nhạc, nom anh vẫn thật trẻ trung, phong độ... Anh là một trong những nhạc sĩ
tài hoa và cũng rất đào hoa. Khi không còn trẻ nữa, anh vẫn yêu và được yêu Người
con gái xinh tươi bé nhỏ đã khiến Phú Quang như trẻ lại, anh đã viết tặng nàng
vần thơ trong trẻo như mới đôi mươi: "Anh chỉ có một tình yêu thôi để nhớ,
Tình yêu mang khát vọng tuổi thơ/ Anh chỉ có một chiều tóc em lộng gió/ Ru anh
vào cõi mơ/ Anh chỉ có một hoàng hôn khép lại/ Ru anh mê mải cánh buồm xa/ Anh
chỉ có một vòng tay bé nhỏ/ Vòng tay đưa anh về khát vọng xưa" (Bài Gửi một
tình yêu).
Gửi Một Tình Yêu - Ngọc Anh - YouTube
Gửi Một Tình Yêu - Ngọc Anh - YouTube
Phú Quang còn là người có biệt tài về phổ nhạc cho
thơ, anh đã đem thơ vào nhạc, đưa âm nhạc làm đẹp chất thơ, tạo thành một thứ
ngôn ngữ nhạc thơ, thơ nhạc huyền ảo với nhiều biến thái của cảm xúc lẫn ca từ.
Trong "kho tàng" âm nhạc của Phú Quang. 70% ca khúc là phổ
thơ còn 30% là do chính nhạc sĩ tự viết lời. Với các nhà thơ Phú Quang luôn
tỏ lòng trân trọng, thân thiết. Rất nhiều bài thơ qua tay anh đã có một đời sống
khác, đời sống của một bài hát. Các giai điệu âm nhạc của Phú Quang luôn
thổi hồn cho những ý thơ bay bổng làm say đắm lòng người. Đôi khi trong ca khúc
chỉ cần đôi ba chữ, thậm chí là ý thơ của một nhà thơ cũng được nhạc sĩ đề tên
tác giả song hành với tên mình. Điều này không phải nhạc sĩ nào cũng làm được. Theo Phú Quang,
sử dụng lời của các nhà thơ là một biện pháp khôn ngoan, nhưng phải luôn tôn trọng
họ. Một nhạc sĩ chuyên nghiệp phải làm rất nhiều công việc: hòa âm, phối khí.
sáng tác nhạc... khó có nhiều cảm xúc, nhiều trạng thái tình cảm sâu, rộng để
có được lời thơ hay. Việc phổ nhạc cho thơ rất khó. Trước hết, nhạc sĩ phải đồng
cảm với tư duy của nhà thơ. Sau đó, cảm nhận của nhạc sĩ cũng phải ngang ngửa với
nhà thơ Ngoài ra, điều quan trọng nữa là việc biến lời thơ thành ca từ trong ca
khúc đòi hỏi người nhạc sĩ phải trị được thơ.
Bên cạnh các nhạc phẩm phổ theo lời thơ, Phú Quang cũng
sáng tác nhiều bản nhạc không lời và được không ít người yêu âm nhạc ngưỡng mộ.
Đạo diễn Lê Hữu Lương, Hãng phim Giải phóng cho biết: "Phú Quang là
tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc: giao hưởng, concerto, thơ giao hưởng tiểu
phẩm... Anh cũng viết nhạc cho rất nhiều phim, có những bài hát cho phim sau
này có đời sống độc lập và rất được yêu thích như Nỗi khát khao mặt trời (trong
phim Tình khúc 68), Tiếng dương cầm trong mưa...".
Mặc dù là một nhạc sĩ có đẳng cấp trong làng âm nhạc Việt Nam nhưng
anh thích những điều thật giản dị gần gũi đời thường. Anh sống hết tâm, viết
cho chính mình và nghiệm ra rằng khi đi đến tận cùng lòng mình sẽ tìm được bạn
bè. Phú Quang tâm sự: "Sống thật với mình là một điều không
dễ nhưng với người nghệ sĩ thì càng cần sống trung thực với chính mình. Tôi
quan niệm người nghệ sĩ ở trong cốt cách chứ không phải ở dáng vẻ. Giờ đây có một
vài anh nhạc sĩ có dăm bài bài hát được biết tên đã tự cho mình là thiên tài,
còn thiên hạ là rẻ tiền hết".
Trời đã phú cho Phú Quang tài năng âm nhạc và
trời cũng phú cho anh khả năng về kinh doanh. Máu kinh doanh cũng ngấm trong
anh từ nhỏ, anh được thừa hưởng gien di truyền của các cụ để lại. Anh cho hay:
“Tôi buộc lòng phải kinh doanh để có tiền làm nghệ thuật, đề không phải lệ thuộc
vào người khác. Kinh doanh là một công việc tôi có niềm đam mê. Hồi ở Sài Gòn tôi
quyết định mở nhà hàng, mục đích đơn giản là tổ chức một nơi để có thể "tự
bạ” bạn bè văn nghệ sĩ và những người mà tôi thích làm bạn. Sau rồi công việc
kinh doanh cuốn tôi đi và tôi nhận thấy mình có duyên với nó".
Theo anh nếu có tiền bạc thì sẽ bình tĩnh sáng tác, có
quyền kiêu hãnh nói không với những công việc những dự án liên quan đến âm nhạc
mà mình không thích và mình không bị chi phối bởi những công việc có khi làm mất
đi tư cách của một nhạc sĩ. Bởi vậy anh chỉ viết nhạc xuất phát từ những rung động
thật, tình cảm thật, chứ không viết theo đơn đặt hàng.
Về Hà Nội cư ngụ lần này với một tình yêu sâu
sắc với thành phố đầy kỷ niệm, Phú Quang muốn đóng góp một phần công sức
của mình khơi dậy các hoạt động nghệ thuật ở đây. Qua thời gian tổ chức chương
trình ở Hà Nội, anh nghiệm ra rằng: Các chương trình nếu làm đến nơi
đến chốn với người Thủ đô thì không bao giờ sợ họ đối xử "tệ" cả. Vấn
đề là người thực hiện có trân trọng họ hay không? Quan điểm của anh cho một sâu
diễn âm nhạc là một là bán đúng giá trị thực chất lượng của buổi biểu diễn, hai
là làm từ thiện tặng không, chứ không có biểu diễn hạ giá. Năm 2004, anh đã đứng
ra thành lập doanh nghiệp riêng. Công việc chính Công ty của anh là xây dựng
các chương trình nghệ thuật, băng đĩa, video ca nhạc... Thành lập Công ty đứng
tên của mình, anh có thể chủ động đứng ra chịu trách nhiệm mọi việc, mà không lệ
thuộc vào bất kỳ điều gì. Mục tiêu của Phú Quang là trong vòng 3
tháng có 2 show diễn và khoảng 2 tháng sẽ cho ra một đĩa. Để có thể tồn tại được
bắt buộc anh phải luôn có sự sáng tạo, làm mới ở mỗi chương trình kể cả về hình
thức, nội dung, lẫn cách thức biểu đạt.
Vào dịp tháng 7/2006, Phú Quang đã quyết định
mở nhà hàng New Indo-chine (Đông Dương mới) tại Hà Nội dựa theo ý
tưởng mới của mình. Một nhà hàng sang trọng nhưng cũng rất dân dã, có thể phục
vụ nhiều tầng lớp đến với anh. Mục đích của anh là xây dựng một điểm văn hóa ở
đây. Ngoài phục vụ ăn, uống theo phong cách ẩm thực Đông Dương, anh
còn tổ chức chương trình ca nhạc tại đây. Vào các tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần,
khách đến nhà hàng đều có thể được thưởng thức những chương trình âm nhạc chất
lượng cao mang thương hiệu Phú Quang. Mỗi tuần, anh lại tổ chức một
chương trình có chủ đề khác nhau. Bí quyết thành công trong kinh doanh của Phú Quang là
xây dựng một bộ máy điều hành tốt và bán ý tưởng để họ thực hiện. Muốn có bộ
máy điều hành tốt, điều cơ bản là phải biết dùng người tài cho công việc của
mình. Do có đội ngũ cộng sự phối hợp tốt nên sự nghiệp kinh doanh cũng không lấy
đi nhiều thời gian sáng tác của anh. Đón xuân Định Hợi, những người yêu mến Phú
Quang có thể tìm cho mình một cuốn lịch bàn có kèm 1 đĩa CD gồm 12 bài hát cho
12 tháng.
Cho đến nay, anh vẫn lao động nghệ thuật và hàng năm vẫn tổ
chức các đêm nhạc, vẫn cho ra đời những album mới. Phương châm sống của anh là:
Lao động, lao động và lao động cộng thêm vào đó là rất cần cù, thì sẽ luôn
thành công. Có lẽ sau thế hệ Trịnh Công Sơn, Phú Quang là một
trong những nhạc sĩ có sáng tác mang đậm chất nhân văn nhất trong dòng nhạc trữ
tình Việt Nam. Riêng về những ca khúc về Hà Nội, khó có ai có thể vượt
qua Phú Quang. Những ca khúc của anh phảng phất không khí khói sương,
luôn khắc khoải mong ước khát vọng tình cảm da diết... Hạnh phúc của người nghệ
sĩ là sáng tạo và tìm thấy sự đồng cảm của công chúng với những sáng tạo của
mình. Và với Phú Quang, người mê Hà Nội biết mình vẫn
còn nhau... mùi hoa sữa mùa yêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét