Một tấm tình mênh mông,
Mỗi bài hát đều gắn với kỷ niệm, một tình đời, tình người sâu sắc. Ấy
là điều tôi cảm nhận được khi trò chuyện với nhạc sĩ Thuận Yến. Nâng niu và cẩn
trọng, ông lật từng trang sổ nơi cất giữ tất cả những bài hát mà ông sáng tác từ
hồi còn trẻ. Những ca khúc luôn vút cao, ngân xa, cháy bỏng và mơ ước.
Rồi nhạc sĩ cầm cây đàn ghi ta trên tay. Trang sổ dừng lại ở nhạc
phẩm “Chia tay hoàng hôn” và ông xúc động khi kể về “phút thăng hoa” tạo nên nhạc
phẩm này. Tôi chợt nhận ra trên gương mặt ông, những nét của tuổi già, niềm cảm
xúc lớn lao dường như bằng cả đời người.
“Chia tay hoàng hôn”, bài hát gắn bao kỷ niệm của nhạc sĩ với người
vợ hiền. Khi còn là chàng trai 25 tuổi, đang trong quân ngũ, được đơn vị cử đi
học tại Nhạc viện Hà Nội và tình yêu đối với cô gái cùng trường Thanh Hương bắt
đầu nảy nở. Năm 1964, họ cùng nhau vào chiến trường miền Nam chiến đấu... Trong
cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, đội văn công quân đội chia thành nhiều
nhóm tiến vào thành phố Huế. Thanh Hương trong nhóm có nhiệm vụ tiến vào Ðài
phát thanh Huế, Thuận Yến thuộc nhóm khác. Họ gặp nhau trong căn hầm nhỏ dưới
tiếng bom rơi. Sau đó, cuộc kháng chiến của dân tộc bước vào giai đoạn khó
khăn, lại một cuộc chia tay nữa giữa Thuận Yến với người yêu. Ông trầm ngâm: Thế
rồi bao lần chia tay nữa, cuộc chia tay của những nhớ thương, trông đợi của những
giây phút gặp lại ngắn ngủi và thiêng liêng. Ấn tượng chia tay trong tâm hồn nhạc
sĩ cứ đầy lên mãi. Rồi như là một điều đồng cảm trong tâm hồn, năm 1990 ông nhận
được bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” của nhà thơ Hoài Vũ, để năm 1991, bài hát
“Chia tay hoàng hôn” ra đời và đến với người yêu âm nhạc.
Nếu thơ Hoài Vũ chỉ dừng lại ở một cuộc chia tay “êm đềm”: “Anh phải
về thôi xa em thôi, ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi...”. “Anh phải về thôi xa
em thôi, xa vườn xưa đôi chiền chiện tha mồi, hoa khế rụng tím hầm bí mật ...”,
thì trong nhạc Thuận Yến là chia tay trong khốc liệt của chiến tranh và biết
đâu có thể chỉ còn lại “một nửa vầng trăng”. Bừng lên trong nỗi nhớ thương,
trong những ngẩn ngơ với “đêm hò hẹn ta ngồi, hoa khế rụng tím ngần lối nhỏ, để
mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi...” sáng lên ở phút Chia tay hoàng hôn một “Trái
tim thắp lửa”, một niềm hy vọng không cùng với tình yêu, với cuộc sống ngày
mai. Và bắt đầu từ niềm xúc cảm trái tim cuộc đời, nhạc phẩm đã trở thành tình
khúc cho mọi người. Dường như bài hát thành công hơn khi chính con gái nhạc sĩ
- ca sĩ Thanh Lam, bằng chất giọng mạnh mẽ đã thổi thêm hồn vào nhạc phẩm.
Ðột nhiên ông dừng câu chuyện, hỏi tôi: “Cháu có thuộc nhiều thơ của
Ðoàn Thị Lam Luyến không?”. Tôi gật đầu bày tỏ. Thơ như đời người, như số phận
một người đàn bà bất hạnh, đã bao lần rung lên trong tiềm thức người đọc niềm
xót xa. Ông kể: Có nhiều người hỏi phải chăng những bài hát mới đây, những bài
hát về tình yêu tuổi trẻ, nhạc sĩ viết cho gia đình, viết cho con gái? Ông lắc
đầu, nhạc sĩ viết cho mọi người, trong đó có cô con gái, có nỗi niềm của một
nhà thơ... Ðó là ông đang nói về “Khát vọng”- nhạc phẩm thăng hoa từ những trắc
ẩn của tình yêu của một người con gái. “Khát vọng” được phổ nhạc từ bài thơ
cùng tên của Ðoàn Thị Lam Luyến, là sự cộng hưởng với tình đời, tình người
trong tấm lòng người nhạc sỹ. Phải đến năm 1997, trong một chương trình liên
hoan ca nhạc, “Khát vọng” mới thực sự chiếm được ưu thế trong giới yêu nhạc. Ðiệp
khúc “Em muốn ôm cả đất. Em muốn ôm cả trời, mà sao anh ơi, mà sao anh ơi,
không ôm nổi trái tim một con người” lời ca cứ nghẹn ngào, da diết trong mỗi
trái tim chúng ta. Nhạc sĩ đã thổi linh hồn vào những câu thơ, đã nói cho tâm sự
của bao người đó là cao hơn khát vọng của tình yêu đôi lứa, là khát vọng được sống
trong cuộc đời, được yêu, được bù đắp.
Hai nhạc phẩm của Thuận Yến bắt đầu từ những phút giây yêu thương,
ngập cảm trong tâm hồn của con người. Phải có tâm tình mênh mông, đồng cảm đầy
nhân văn mới có những ca khúc dạt dào tình cảm đến thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét