Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Điểm nhìn mỹ học từ "Những nẻo đường văn chương"

Điểm nhìn mỹ học từ 
"Những nẻo đường văn chương
Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền có bài đăng báo từ lúc còn là sinh viên năm thứ Hai. Đến nay, với hơn 100 bài viết, anh đã tạo được một phong cách phê bình riêng ở nước ta những năm đầu thế kỷ XXI. Năm 2007, công trình Những nẻo đường văn chương của Phạm Ngọc Hiền do NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành đã tiếp tục khẳng định năng lực sáng tạo của anh trong nghiên cứu phê bình văn học. Vận dụng các bút pháp phê bình vừa truyền thống vừa hiện đại, tác giả đã đưa đến cho người đọc những góc nhìn khái quát về văn học hiện đại Việt Nam. Nhẹ nhàng duyên thầm xứ Bắc đến sôi nổi trong màu nắng phương Nam, sâu lắng trong hương gió miền Trung và đầy trăn trở trong tầm nhìn văn học gần và xa là những gì Phạm Ngọc Hiền muốn chuyển tải đến người đọc. Xuyên suốt trong những bút pháp phê bình văn học mà tác giả đã vận dụng rất linh hoạt đó là điểm nhìn từ Mỹ học. Hẳn đây cũng là phương pháp tối ưu mà các triết gia đã sử dụng để tạo nên lực hút mạnh mẽ cho những công trình của họ.
1. Cái duyên
Mỹ học hiện đại xem cái duyên như một kiểu nhìn nhận về phạm trù cái đẹp. Đôi khi cái đẹp đã không chinh phục được lòng người như cái duyên. Cách viết phê bình của Phạm Ngọc Hiền đã tạo nên được cái duyên trong tố chất thuần hậu, chân chất của con người miền Trung. Ngay từ phần I, tiêu đề "Duyên thầm xứ Bắc" đã thay cho lời giới thiệu khiêm tốn về bút pháp phê bình của tác giả. Trong bài viết "Đi tìm lời giải đáp cho sức hấp dẫn của nhật ký Đặng Thùy Trâm" và "Mãi mãi tuổi hai mươi", anh khẳng định: Một trong những giá trị của văn chương là tính chân thực. Anh dẫn ra ý kiến của nhà Mỹ học D. Huisman: "Chẳng có gì đẹp hơn cái thật, chỉ có cái thật là đáng yêu...Tính xác thực là một phẩm chất của nghệ thuật" (1). Theo tôi, cội nguồn của cái duyên chính là cái thật. Hẳn trước đây, khi bàn đến cái đẹp, tuy chưa gọi tên cụ thể nhưng D. Husmain cũng đã có ý đưa ra vấn đề này. Mặt khác, từ góc độ người làm công tác phê bình, anh có đề nghị rất đáng được chúng ta quan tâm: sự thành công của hai quyển nhật ký cũng nhắc nhở các nhà nghiên cứu lí luận, phê bình cần quan tâm hơn nữa tới vị trí của thể loại nhật ký vì lâu nay nó rất ít được nhắc tới trong các công trình văn học sử. Để khẳng định vấn đề này, theo anh muốn cho tác phẩm có khả năng thổi bùng ngọn lửa đam mê thưởng thức ở bạn đọc thì trước hết ngọn lửa trong tim phải đủ mạnh. Anh dẫn ra ý kiến của Bachelard "Siêu lửa báo trước siêu nhân" và ý kiến của Rabelais "Lửa là vị đại sư của nghệ thuật" (2). Cũng từ góc nhìn Mỹ học, trong bài "Truyện ngắn Rừng xà nu" - nhìn từ loại hình sử thi, tác giả khẳng định: Đề tài nổi bật nhất của các sử thi cổ điển, hiện đại vẫn là chiến tranh. Anh dẫn ra ý kiến của Hegel trong công trình Mỹ học nổi tiếng nhân loại: "Tình huống phù hợp nhất với thơ sử thi là các xung đột của trạng thái chiến tranh. Thực vậy, trong chiến tranh, chính là toàn bộ dân tộc đang vận động" (3).
Khi phân tích nhân vật Tnú, tác giả đã liên tưởng đến Achille với cơn giận dữ điên cuồng của chàng cùng với ý kiến của của Hegel: "Chúng ta không cần phải tha lỗi cho chàng về chỗ đã nổi giận, bởi vì chàng có ưu điểm khác" (4). Hẳn góc nhìn Mỹ học đã tạo nên sự phong phú, sinh động trong cách phê bình của Phạm Ngọc Hiền. Khái quát về tập thơ "Trăm phần trăm gió sương" của Vũ Quang Tần, Phạm Ngọc Hiền cho rằng đây là những bài suy ngẫm về nghịch lý ở đời. Như chuyện những con chim bìm bịp cứ ngỡ con người là một loài hiền lành, biết sống chan hòa với muông thú nên tìm đến để làm bạn. Đến khi bị bắt nằm trong hũ rượu rồi mới có thời gian nghiền ngẫm lại những sai lầm của mình...Anh có lý khi đưa ra ý kiến của Đovzenko trong việc nói về khả năng quan sát việc đời của người nghệ sĩ: "Hai người cùng nhìn xuồng, một người nhìn thấy những vũng nước, người kia lại thấy những vì sao" (5). Đây là những góc nhìn Mỹ học đã được yêu quý đến sờn mòn nhưng lần đầu tiên được Phạm Ngọc Hiền vận dụng rất phù hợp trong trường hợp này. Chính cách viết đó chứng minh cho tính khoa học trong văn chương rất nghệ sĩ của tác giả. Không những thế, Phạm Ngọc hiền cũng rất tâm đắc khi đưa giá trị của thơ về với cuộc đời bằng ý kiến của L.Aragon: "Cuộc đời của mỗi con người đang sống đây như là một cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành" (6). Khi bình luận về tính triết lý trong thơ Vũ Quang Tần, anh cũng trích dẫn ý kiến của Hegel: "Trái ngược với dư luận cho rằng tuổi thanh niên là tuổi đẹp nhất để sáng tác thơ vì nó sôi nổi nhiệt tình, tôi cho rằng tuổi già - nếu nó vẫn giữ được nghị lực của trực giác và của tình cảm - là cái tuổi chín chắn nhất về mặt này" (7). Hay trong Nguyễn Khôi và nỗi nhớ ao làng, Phạm Ngọc Hiền nhắc đến  nhà thơ C.Culiep: "Khi nàng tắm ngoài sông/ Năm châu bốn bể không còn chiến tranh" (8). Cũng từ  quan niệm về cái đẹp, anh bình luận: giả sử vụ trụ kia có con mắt đa tình và ưa mơ mộng thì cũng có thể tắt trăng để thả hồn chiêm ngưỡng nàng trong bóng tối. Như V. Hugo nói: "Đứng trước một người con gái đẹp, hãy nhắm mắt lại mà nhìn" (9).
Có thể nói, con mắt và ý thức về cái duyên trong bút pháp của Phạm Ngọc Hiền được thể hiện rất rõ. Anh không ngại ngần và rất nghị lực trong cách bày tỏ quan niệm riêng của mình khi phê bình. Cảm quan mỹ học chất chứa trong tâm hồn được thổi vào giọng văn phê bình tạo mối thiện cảm với người đọc khi cùng anh phiêu lưu trên những trang văn.
2. Cái ám ảnh
Ám ảnh là một trạng thái đặc biệt quan trọng đối với nghệ sĩ. Đây chính là nhân tố kích động mạnh đến quá trình sáng tạo. Dù là ở người sáng tác hay phê bình thì lúc viết cũng chính là lúc họ sống với nỗi ám ảnh.
Ở phần II, màu nắng phương Nam, sự ám ảnh từ trong tiềm thức con người mang tố chất nghệ sĩ đã tạo ra nét riêng qua những trang viết về Phan Hoàng, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Thiếu Nhơn. Hay từ thế giới dị thường trong truyện ngắn Ngô Phan Lưu, các lớp trầm tích văn hóa trong thơ Triệu Lam Châu, thời gian trong văn Huỳnh Thạch Thảo, Phạm Ngọc Hiền tạo cho người đọc một niềm hy vọng lớn vào cái sâu lắng của văn học miền Trung. Ám ảnh vì sự "dị thường", ám ảnh văn hóa dân tộc, ám ảnh thời gian...khiến nhà phê bình khó có thể ngồi yên trước sự vận động của văn học. Anh đã đưa ra ý kiến của Hegel khi nói về thơ Triệu Lam Châu: "Trở về quá khứ là tiến lên phía trước" (10).
Có lẽ đây không phải là lời bình dành riêng cho nhà thơ này mà là lời tâm sự của anh về thành tựu văn học Phú Yên, về văn nghệ Việt Nam trong 30 năm chiến tranh, về nghệ thuật, về cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người và cuộc đời. 
Theo tôi, Mỹ học đã như một điểm nhìn xuyên suốt trong những bút pháp phê bình của Phạm Ngọc Hiền. Tùy theo đặc điểm của mỗi phương pháp đã sử dụng như Thi pháp học, Hiện tượng học, loại hình, phân tâm học, ấn tượng, ký hiệu, xã hội học, tâm lý..., Phạm Ngọc Hiền đã có một quá trình cụ thể hóa tích cực. Trong quá trình này, anh đã đưa tác phẩm đến gần với người đọc, giúp người đọc rút ngắn thời gian trên con đường tạo ra hiệu quả của tầm đón đợi.
Tài liệu tham khảo:
(*). Phạm Ngọc Hiền, Những nẻo đường văn chương, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2007.
1, 2, 3, 4, 5: Phạm Ngọc Hiền, Những nẻo đường văn chương, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2007, trang 8, 24, 44, 47, 51.
6, 7, 8, 9, 10: Phạm Ngọc Hiền, Những nẻo đường văn chương, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2007, trang  52, 53, 60, 61, 105.
  Mai Thị Liên Giang
Theo http://phamngochien.com/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đẹp Phần Thứ Nhất - I - Thôi, Loan ạ chờ Nam vào hãy hay. – Ngọc cứ để mặc em. Thu xếp trước đi thì vẫn hơn. Để bề bộn, anh ấy vào a...