Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

Thơ tình Lưu Trọng Lư

Thơ tình Lưu Trọng Lư
Lưu Trọng Lư là nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ Mới
Với những cuộc luận chiến và bút chiến hào hùng sôi nổi với phái Thơ cũ, với những thi phẩm “Thơ Mới” đặc trưng và xuất sắc, Lưu Trọng Lư đã góp phần tích cực giành toàn thắng cho Thơ Mới
Như chúng ta đã biết, phong trào Thơ Mới khác nào một vườn hoa muôn hồng ngàn tía, đã tạo nên cả một thời đại thi ca rực rỡ trong lịch sử văn học Việt Nam. Thơ Mới bao gồm nhiều trường phái và hầu như mỗi nhà thơ đều có một phong cách riêng biệt
Thơ Lưu Trọng Lư ngay từ lúc mới xuất hiện đã “cát cứ” một góc của vườn thơ
Đó là thứ thơ Tình – Sầu – Mộng hết sức nhẹ nhàng, man mác, chơi vơi.
Lưu Trọng Lư có một giọng thơ vừa hồn nhiên vừa lạ, trong đó chúng ta như nghe thấy cái nhạc điệu muôn thuở của tâm hồn thơ mộng:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
(Tiếng thu)
Hoặc tiếng đập của một trái tim như ngẩn ngơ, như rời rạc trước cuộc đời lúc nào cũng sầu muộn, cũng tan vỡ mà người trong cuộc cứ nhìn nó với đôi mắt mơ màng, chẳng hề phản ứng, giành giật hay níu kéo:
Rồi ngày lại ngày
Sắc màu: phai.
Lá cành: rụng.
Ba gian: trống.
Xuân đi
Chàng cũng đi.
(Xuân về)

Cao hơn một mức nữa, đôi lúc thơ Lư Trọng Lư còn tìm đến cái “Khoái cảm của nỗi đau”, một thức ăn khá hợp khẩu vị của những tâm hồn trễ nải khi chưa tìm được lối thoát cho cuộc đời mình
Xin để gối nằm yên chỗ cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương .
Giờ đây ta đốt nén hương
Trên tay ta buộc dải tang cho tình .
(Thú đau thương)
Hoài Thanh(Tác giả Thi nhân Việt Nam) phải thú nhận rằng : “Dầu có ưa thơ của người này hay người khác, mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư … Bởi vì thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là nỗi lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta”
Phải chăng trong một thời đại vô cùng sôi động, dòng thơ mát dịu như hơi sương, như nước suối và đầy hoa mộng của Lưu Trọng Lư là phương thuốc màu nhiệm giúp mọi người lấy lại sự “cân bằng sinh thái” trong tâm hồn mình ?
Sự nghiệp thơ của Lưu Trọng Lư, theo chúng tôi, chỉ là như thế. Vì nhà thơ – như Hoài Thanh nói – là kẻ ngơ ngơ ngác ngác bước chập chững trên đường đời, nên thật khó đòi hỏi ở ông tầm vóc của một triết gia . Nhưng cái nhạy cảm bẩm sinh của một tâm hồn thi sĩ đã luôn giúp ông phát hiện được cái gọi là “Cây đời mãi mãi xanh tươi” .
Lưu Trọng Lư bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mĩ cũng tự nhiên như ông đắm mình trong cái “Thú đau thương” xưa kia, và chính ở khoảng trời mới mẻ và sinh động này, ngòi bút của ông đã lại một lần nữa khám phá được rất nhiều cái đẹp của cuộc sống, có điều không còn là cuộc sống trong mơ, nơi giường, nệm, gối, chăn, mà giữa núi rừng, sông suối:
Bóng chiều vừa ngủ
O lội sang khe
Quần áo đầm đìa
Bỗng O dừng bước
Mặt soi xuống nước
Cúc áo vội cài
Nhóm lại tóc mai
O vừa chợt thấy
Xuân gầy ba bảy
Da tuyết vàng khè
O sợ chồng chê
Nhưng O vẫn bước …
(O tiếp tế)

Điều cuối cùng cần nói về nhà thơ quá cố là : Trọn đời, tác giả bài thơ “Tiếng thu” mang trong ngực một trái tim dịu dàng, nhân ái .
Lưu Trọng Lư và thơ ông là một .Chính vì vậy khi tổng kết đời thơ của mình . Ông đã viết:
Đi giữa vườn nhân dạ ngẩn ngơ
Vì thương người lắm mới say thơ .
KIỀU VĂN
THƠ LƯU TRỌNG LƯ
KIỀU VĂN
Lưu Trọng Lư (1912 - 1991) là một trong vài nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ Mới, là một “chiến tướng” hăng hái trên trường nghị luận đã nổ những phát pháo đầu tiên vào dinh luỹ của phái “thơ cũ”. Bằng những hoạt động đắc lực và hiệu quả trên cả hai mặt trận sáng tác và tranh biện, ông góp phần đắc lực cho sự thắng lợi vẻ vang của Thơ Mới.
Sau khi đăng đàn, Thơ Mới phát triển và nở rộ như một vườn hoa muôn hồng ngàn tía với rất nhiều xu hướng khác nhau. Lúc bấy giờ các nhà thơ tuy học tập lẫn nhau nhưng ai cũng mang ý đồ sáng tạo nên một phong cách thơ riêng cho mình để khỏi lẫn với những người khác.
Lưu Trọng Lư – nói theo thuyết của Trang Tử – có sẵn một bản tính tự nhiên xác định. Có một câu thơ ông đã thú nhận bản tính ấy:
Biết sao trái được tính trời,
Giang hồ cốt ấy trọn đời phiêu linh.
Và Hoài Thanh cũng đã hết sức tinh tường nhận ra cái bản tính ấy: “Nếu… thi sĩ là một kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết”.
Chính cái bản tính ấy đóng vai trò quyết định tạo nên sắc thái riêng (style) cho thơ ông. Ngay từ đầu, sắc thái độc đáo ấy đã cát cứ một góc riêng trong vườn thơ Việt Nam đương thời. Đó là thứ thơ tình – sầu – mộng hết sức nhẹ nhàng, man mác, chơi vơi, chẳng đi đến đâu, chẳng để làm gì và cũng… chẳng bao giờ làm sao cả!
Lưu Trọng Lư có một giọng thơ tự nhiên như thể nó là hơi thở, là cái gì toát ra từ bản thân tạo vật chứ không phải do ông dụng công mang tài nghệ của nhà thơ ra mà đẽo gọt, chế tác. Nói cách khác, dường như ông có một bí thuật trong sáng tác, tương tự như phép “thiền” của các tu sĩ đạo Phật, là: không sáng tác gì hết, chỉ để mặc cho tâm hồn mình “lịm vào”, “hoá thân vào” với tạo vật để xem nó nói lên điều gì về nó. Chính lúc ấy cái hồn của tạo vật đã nhập làm một với hồn thơ của ông và thể hiện ra ngoài bằng những hình dáng, đường nét, ngôn từ thật ít ảo nhiều, nhưng có cái gì rất “thiêng”, làm rung cảm được lòng người. Bài “Tiếng thu” đã gợi được một cách thần tình cái “thiêng” ấy:
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Nhờ cái bí thuật đó, Lưu Trọng Lư đã ghi chép được khá nhiều tiếng vọng của tạo vật, của cuộc đời, của con người, nhất là của tâm hồn con người. Chúng ta luôn nghe thấy tiếng đập của một trái tim như ngẩn ngơ, như rời rạc trước một cuộc đời – rất giống với thế giới thiên nhiên – có thể xao xác lên bởi một nỗi vui nhẹ nhàng nhưng rồi lại chìm đắm ngay vào một nỗi sầu man mác, có thể đang hoà hợp một cách thiết tha nhưng rồi lại bỗng dưng tan vỡ… Thế nhưng những kẻ trong cuộc lại nhìn tất cả những vui buồn, hợp tan ấy với cặp mắt mơ màng, chẳng hề ngạc nhiên, chẳng hề phản ứng, giành giật, níu kéo, và hình như cũng chẳng chút phàn nàn:
Rồi ngày lại ngày
Sắc màu: phai,
Lá cành: rụng,
Ba gian: trống,
Xuân đi,
Chàng cũng đi.
(Xuân về)
Tâm hồn thơ của Lưu Trọng Lư cứ mặc sức buông thả theo bản tính cố hữu của nó cho đến khi nó tìm thấy khoái cảm ngay cả trong những nỗi sầu đau lãng mạn. Đó là thứ khoái cảm rất hợp “khẩu vị” của những con người ưa mơ mộng, thoát li thực tế, ít hoạt động:
Xin để gối nằm im chỗ cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương.
Giờ đây ta đốt nén hưong,
Trên tay ta buộc dải tang cho tình.
(Thú đau thương)
Quả thật thơ Lưu Trọng Lư giống như một linh hồn mộng mị đang lãng đãng trôi trong không gian. Người ta chỉ có thể cảm thấy, mơ thấy nó mà khó nắm bắt được nó. Đối với khoa học, sự mô tả một một đối tượng nào đó mà bị mờ, thiếu tính xác định, sẽ bị đánh giá là “kém chất lượng”. Nhưng đối với thi ca thì không thể lúc nào cũng xét theo chuẩn mực ấy của khoa học. Chính cái đối tượng mờ ảo, lãng đãng, cái trạng thái nửa thức nửa ngủ, nửa thực nửa mơ ấy cũng là một đối tượng thú vị mà thi ca cổ kim từng say sưa săn đuổi để nắm bắt, miêu tả. Chẳng hạn Nguyễn Du miêu tả hồn ma Đạm Tiên:
Sương in mặt, tuyết pha thân,
Sen vàng lãng đãng như gần như xa.

Có thể nói, Lưu Trọng Lư có biệt tài nắm bắt được cái điều rất mơ hồ ấy và ghi lại chúng trên giấy:
Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông…
Em là gái trong khung cửa,
Anh là mây bốn phương trời;
Anh theo cánh gió chơi vơi,
Em vẫn nằm trong nhung lụa.
Em chỉ là người em gái thôi,
Người em sầu mộng của muôn đời.
Tình em như tuyết giăng đầu núi,
Vằng vặc muôn thu nét tuyệt vời.
(Một mùa đông)
Thuyền bơi trong quãng trời xanh ngắt,
Thẳm xa xa thẳm một màu lơ;
Nhìn mây thẳm, trời xa chóng mặt,
Van nàng cắm lại chiếc thuyền mơ…
Bập bềnh vẫn trôi trên mây bạc,
Thuyền trôi đã quá dải Ngân Hà.
Giật mình nàng nhìn ta ngơ ngác:
Không biết còn trôi bến nào xa?
(Thuyền mộng)
Phải chăng trong thời đại công nghiệp vô cùng sôi động ngày nay, dòng thơ lãng mạn mát dịu như hơi sương, trong lành như nước suối và đầy hoa mộng của Lưu Trọng Lư giống như một phương thuốc mầu nhiệm giúp chúng ta lấy lại sự “cân bằng sinh thái” trong tâm hồn mình?
Như trên đã nói, Lưu Trọng Lư không chủ tâm làm công việc sáng tác văn chương cho nên nghệ thuật thơ của ông hoàn toàn không phải là kết quả của “trăm mài, nghìn luyện” như nhiều nhà thơ khác. Thơ ông là thứ thơ “tự nhiên mà thành” giống như một người con gái tự nhiên mà đẹp, mà duyên. Chính vì vậy, mặc dù là nhà thơ của thời đại Thơ Mới, đôi khi thơ ông cũng “rơi tự nhiên” vào dòng thơ truyền thống, gần với thơ Tản Đà:
Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Đừng trách nhau, đừng ái ngại nhau,
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng…
(Một mùa đông)
Tuy sống rất gần gũi với mọi người bằng trái tim vô cùng dịu dàng, nhân hậu, không lập dị, Lưu Trọng Lư vẫn có thể gây cho mọi người ấn tượng ông là mẫu người “gần với trời” hơn bao nhiêu người khác trong cõi trần gian này.
Ông tham gia vào các cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc có lẽ cũng với tâm hồn “hồn nhiên” như khi trước ông “đắm mình trong thú đau thương”. Chùm thơ ông tiếp tục viết trong các thời kì sau này vẫn toát lên sự chân thực của ông và cho thấy ông không bao giờ xa rời tính nhân bản của con người dù ở bất kì hoàn cảnh nào. Hình ảnh người phụ nữ miền ngược tham gia kháng chiến, dù phải sống giữa núi rừng, sông suối, không còn bóng dáng những “chăn, nệm, gối, nhung lụa, song cửa” nữa nhưng vẫn giữ nguyên nữ tính đáng yêu:
Bóng chiều vừa ngủ
O lội sang khe
Quần áo đầm đìa
Bỗng o dừng bước
Mặt soi xuống nước
Cúc áo vội cài
Nhóm lại tóc mai
O vừa chợt thấy
Xuân gầy ba bảy
Da tuyết vàng khè
O sợ chồng chê
Nhưng o vẫn bước…
(O tiếp tế)
Có lẽ nhờ thiên tính bất di bất dịch của mình mà Lưu Trọng Lư đã tránh được căn bệnh tạo ra trong thơ những nhân vật cứng nhắc, vô hồn chắc chắn không tồn tại được trong thế giới thi ca. Ông cũng đã để lại cho hậu thế một câu nói sâu sắc chứng tỏ ông là một nhà nhân văn chủ nghĩa đích thực mang lòng tin yêu mãnh liệt với con người: “Tôi thà bị lừa còn hơn không tin vào con người”.
KIỀU VĂN
Nguồn: Newvietart

Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...