Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Nhà tâm lý học tài ba Nguyễn Du với hai kịch tác gia Pháp: Pierre Corneille và Jean Racine

Nhà tâm lý học tài ba Nguyễn Du với hai kịch 
tác gia Pháp: Pierre Corneille và Jean Racine
Khi kể lại câu chuyện về nàng Kiều, Nguyễn Du không những đã tăng miêu tả và kể chuyện theo đường dây tâm lý, trong đó hệ thống sự kiện hành động không phải là yếu tố thúc đẩy dòng tự sự vận động mà chính là tâm lý nhân vật sẽ quyết định mạch tự sự. Ông đi sâu vào tâm lý để xây dựng hình tượng nhân vật, những con người có cá tính riêng không lẫn được với những nhân vật khác.
Chính qua việc kể chuyện theo đường dây tâm lý, ta sẽ thấy giữa Nguyễn Du và hai nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp thế kỷ 17 là Pierre Corneille (1606 - 1684) và Jean Racine (1639 - 1699) có một sự trùng hợp khá độc đáo về cách mô tả tâm lý nhân vật của mình.
A. Thứ nhất là sự trùng hợp giữa hai nhân vật chính của Nguyễn Du và Corneille, giữa Thúy Kiều và Don Rodrigue, nhân vật chính trong vở bi kịch nổi tiếng Le Cid.
Nếu Truyện Kiều là tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Du thì Le Cid là vở kịch nổi tiếng nhất của Corneille. Nhân vật chính là Don Rodrigue, con trai Don Diègue, yêu nàng Chimène, con gái của Don Gormas, là hai đại thần dưới triều vua Don Fernand ở Tây Ban Nha. Hai họ đã thoả thuận về việc cưới xin sắp đến, thì việc bất hòa xảy ra do hai quan đại thần này tranh nhau chức quan thái phó cho thái tử. Don Gormas không được chọn, đã sinh sự và ra tay tát Don Diègue. Rodrigue đã phải hy sinh chữ tình, quyết giữ tròn chữ hiếu, trả thù cho cha, chàng đã giết Don Gormas, cha của người tình.
Như vậy Kiều và Rodrigue đều phải đắn đo giữa tình và hiếu để thực hiện một hành vi ý chí, hy sinh tình cảm của mình. Các nhà tâm lý thường chia một hành vi ý chí làm bốn giai đoạn: Xác định mục đích (1) - Cân nhắc điều hơn lẽ thiệt, đấu tranh tư tưởng diễn ra quyết liệt nhất (2) - Quyết định để chọn một phương cách chấm dứt mọi phân vân lưỡng lự (3) - Thực hiện để hoàn thành hành vi ý chí (4). Ta hãy thử xem.
a. Hành vi ý chí của nàng Kiều khi phải bán mình chuộc cha đã được Nguyễn Du diễn tả trong 8 câu được chia làm 4 ý rành mạch, mỗi giai đoạn 2 câu liên tiếp như sau:
Giai đoạn 1, Kiều tự đặt ra mục đích dưới dạng một câu hỏi:
0599. Sao cho cốt nhục vẹn tuyền.
Trong khi ngộ biến tòng quyền, biết sao?
Giai đoạn 2, Kiều tự vấn và đắn đo cân nhắc mà cũng là tự hỏi:
0601. Duyên hội ngộ, đức cù lao,
Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn?
Giai đoạn 3, nàng quyết định hy sinh tình yêu cho tròn chữ hiếu với chữ để là bỏ, bỏ lại, gác lại những lời thề nguyền với chàng Kim:
0603. Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Giai đoạn 4, thực hiện hành vi ý chí, bán mình chuộc cha:
0605. Quyết tình, nàng mới hạ tình:
- “Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha!”
Nguyễn Du khéo ở chỗ khi đề cập đến tình và hiếu đều rất có lớp lang thứ tự: Ở giai đoạn 1, nói hiếu trước (cốt nhục vẹn tuyền) tình sau (ngộ biến tòng quyền), ở giai đoạn 2 và 3 thì tình sẽ phải hy sinh đứng trước đều in nghiêng (Duyên hội ngộ, Bên tình, Để lời thệ hải minh sơn). Còn bên hiếu đứng sau để được nhắc đến ở câu cuối giai đoạn 4: bán mình chuộc cha!
b. Trong sách tâm lý, các nhà nghiên cứu Pháp thường nêu ra đoạn độc thoại của nhân vật chính Rodrigue trong vở kịch Le Cid làm dẫn chứng. Trong cảnh độc thoại này, Corneille đã để cho vai anh hùng của mình lưỡng lự khá lâu. Cũng như nàng Kiều của chúng ta phải đắn đo giữa tình và hiếu, Rodrigue phải thực hiện một hành vi ý chí là: Hy sinh ái tình của mình với nàng Chimène khi phải thách đấu với cha nàng – người đã làm nhục cha mình – để bảo vệ danh dự gia đình. Nhà bi kịch cổ điển Pháp đã dành 60 câu thơ trong Scène VI. Don Rodrigue để miêu tả tâm lý của chàng cũng qua 4 giai đoạn trên. Trong cảnh độc thoại này của Rodrigue, tác giả đã dành 30 câu thơ cho giai đoạn 2 mà chàng phải lưỡng lự cân nhắc nhiều trước khi lựa chọn, trong khi 3 giai đoạn kia mỗi giai đoạn chỉ có 10 câu (Chúng tôi có dẫn ra cụ thể cả nguyên văn tiếng Pháp và bản dịch thành thơ của dịch giả Hoàng Hữu Đản để minh chứng ở cuối quyển Thế giới nhân vật Truyện Kiều).
c. Trong bốn giai đoạn trên thì giai đoạn 2 phải suy nghĩ lợi hại thiệt hơn, lật đi lật lại vấn đề - cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra quyết liệt nhất - là dài hơn cả, nhưng với trường hợp Thuý Kiều, vì sao không cần phải dài dòng qua nhiều đắn đo suy tính, như với chàng Rodrigue. Sự xung đột mãnh liệt trong tâm hồn Rodrigue được diễn tả bằng 30 câu, dài bằng cả 3 giai đoạn kia cộng lại. Chàng hiệp sĩ phương Tây có ý thức đầy đủ và mạnh mẽ về cá nhân với nhiều khát vọng tự do nên phải dành nhiều thời gian để cân nhắc. Còn nàng Kiều của chúng ta theo nề nếp đạo đức phương Đông, với căn bản của nền giáo dục Khổng Mạnh nghiêm khắc quân sư phụ, Thúy Kiều bao giờ cũng phải đặt nhiệm vụ với gia đình lên hàng đầu (hiếu đứng trước tình). Nàng nhanh chóng đi đến quyết định hy sinh chữ tình cho chữ hiếu, mà không phải có quá nhiều lý luận để đắn đo, và mỗi giai đoạn đều chỉ có hai câu.
d. Nguyễn Du và Corneille quả là những nhà tâm lý học, đã viết theo sự mách bảo của bản năng, của thi hứng chứ không nhất thiết phải ý thức được đầy đủ qua bốn thời kỳ như các tâm lý gia sau này sẽ phân tích.
B. Thứ hai là sự trùng hợp trong cách trình bày tâm lý giữa hai nhân vật chính của Nguyễn Du và Racine. Nếu Truyện Kiều của Nguyễn Du được nhân dân ta đặt bằng tên nhân vật chính thì vở kịch của Racine cũng vậy, nàng Andromarque được lấy làm tên cho tác phẩm miêu tả cuộc đời nàng. Andromaque  là vở kịch đã được Racine sử dụng cốt truyện trong tác phẩm của các nhà thơ cổ đại một cách độc đáo về hình ảnh nàng Andromaque, người vợ góa của Hector. Nhưng ông đã không chỉ miêu tả một người mẹ dịu dàng, một người vợ chung thủy, mà hình ảnh Andromaque còn bộc lộ giá trị nhân đạo mà Racine thường đặt vào các nhân vật nữ tích cực của ông. Ðó là người phụ nữ có nhận thức sâu sắc về giá trị con người, có đạo đức cao cả, có tinh thần xã thân vì nghĩa vụ và chống đối lại những bất công của bọn vua chúa chuyên chế. 
a. Trong cảnh Thúy Kiều trao duyên, lúc đầu nàng cố gắng giải thích thuyết phục, tường thuật sự việc, trình bày lý lẽ nên giọng thơ điềm đạm, chậm rãi… Nàng dặn lại em:
0741. “…Mai sau dù có bao giờ,                  
“Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.    
0743. “Trông ra ngọn cỏ lá cây,         
“Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
0745. “Hồn còn mang nặng lời thề,
“Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.  
Nghĩ đến Kim Trọng cùng Thúy Vân đốt hương gảy đàn để tưởng nhớ đến mình, Kiều tưởng như hồn mình sẽ hiện về trong gió hiu hiu thổi mà oan hồn của mình vẫn mang nặng nỗi đau chưa trọn lời thề và chỉ xin em một chén nước để thêm nghĩa, thêm tình:
0747. “Dạ đài cách mặt khuất lời,     
“Rảy xin chén nước cho người thác oan.
Lời trao duyên biết bao tha thiết, Thuý Kiều nói với Thuý Vân nhưng đến cuối, có lúc nàng như mê đi không còn biết mình nói với ai. Trong lúc tình cảm đến độ lâm ly, Kiều như tự nói với mình trong câu độc thoại:
0749. “Bây giờ trâm gãy bình tan,     
“Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Để rồi, một cách như vô thức, nàng buông mình trong một cơn mơ, chuyển sang nói với Kim Trọng đang ở tận Liêu Dương xa xôi:
0751. “Trăm nghìn gửi lạy tình quân.
“Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
0753. “Phận sao phận bạc như vôi!   
“Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.            
0755. “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!  
“Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Giọng điệu về sau càng trở nên hối hả, để cuối cùng vỡ òa trong tiếng nấc nghẹn ngào, nàng ngã ra bất tỉnh:
0757. Cạn lời hồn dứt máu say,         
Một hơi lặng ngắt đôi tay giá đồng…            
b. Trong vở kịch Andromarque của Racine, nàng Andromarque cũng có lúc đang nói chuyện với Pyrrhus, kẻ thù của chồng nàng, bỗng quên hẳn Pyrrhus để chuyển sang nói chuyện với Hector, người chồng đã khuất.
Có một câu trong vở kịch tóm tắt nội dung là: Oreste aime Hermione, mais elle aime Pyrrhus, qui aime Andromaque, qui aime encore le souvenir de son mari, Hector, tué pendant la guerre de Troie (Oreste yêu nàng Hermione nhưng nàng lại yêu Pyrrhus. Pyrrhus yêu Andromarque nhưng nàng lại còn yêu kỷ niệm về Hector, người chồng của nàng đã bị giết trong cuộc chiến thành Troie).
C. Nguyễn Du và Corneille cùng Racine đã gặp nhau vì những cây bút lớn đều nắm chắc những diễn biến có quy luật tâm lý của con người và đều đi sâu vào tâm tư tình cảm của nhân vật, họ đã nhập vai, hòa làm một với nhân vật của mình. Quả là những tư tưởng lớn gặp nhau!.
PHẠM ĐAN QUẾ
Nguồn: Theo Thế giới nghệ thuật 
Truyện Kiều (NXB Thanh Niên - 2013)
Theo  http://newvietart.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...