Trong Truyện Kiều có 106 lần thoại (73+33) với 1.393 dòng thơ
(1.181+212) gồm 73 cuộc thoại với 1.181 dòng thơ và 33 lần độc thoại nội tâm với
212 dòng. Trong bài trước, chúng tôi đã xem xét đến một cuộc song thoại và một
cuộc tam thoại, nay xét đến cuộc đa thoại dài nhất trong Truyện Kiều, trích từ
quyển Thế giới nghệ thuật Truyện Kiều (NXB Thanh niên - 2013).
Trong cuộc đời ba chìm bảy nổi của Thúy Kiều có một sự kiện
quan trọng mà nàng không thể nào quên, đó là phiên tòa Lâm Tri, nơi mà nàng có
thể thừa thiên hành đạo, đền ơn trả oán cho những bất công đau khổ mà nàng phải
chịu đựng trong mười mấy năm trời. Sự việc xảy ra chỉ trong một ngày được Nguyễn
Du miêu tả trong 118 dòng thơ (từ câu 2311 đến câu 2418).
Trước hết là cuộc song thoại giữa Từ Hải và Kiều.
Song thoại là cuộc thoại chỉ gồm có hai bên A và B. Trong
giao tiếp hai chiều, bên này nói bên kia nghe và phản hồi trở lại. Lúc đó vai
trò của hai bên thay đổi: bên nghe trở thành bên nói và bên nói lại trở thành
bên nghe.
2289. Trong quân có lúc vui vầy,
Thong dong mới kể sự ngày hàn vi:
2291. - “Khi Vô Tích, khi Lâm Tri,
“Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương.
2293. “Tấm thân rày đã nhẹ nhàng.
“Chút còn ân oán đôi đường chưa xong”.
Đoạn này Bản Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều tuy
sau chữ sự ngày hàn vi có hai dấu chấm, nhưng không có dấu ngoặc kép ở
4 câu tiếp theo nên ta có thể hiểu là lời thuật lại của Nguyễn Du. Tuy nhiên,
ta cũng có thể coi 4 câu ấy chính là lời kể của Thuý Kiều và coi đây là lời tâm
sự của nàng dẫn đến phiên toà Lâm Tri.
Sau khi nghe Kiều kể lại những ngày hàn vi hoặc trực tiếp hoặc
qua lời thuật trên đây của Nguyễn Du, Từ Hải nổi giận đùng đùng, nghiêm
quân tuyển tướng và chuẩn bị cho cuộc báo ân báo oán.
Trong bài này, chữ số trong ngoặc là số câu thơ đã dùng trong
cả cuộc thoại.
1. Phiên tòa bắt đầu, Từ Hải mở thoại (A) cho phép Kiều tự
mình xử quyết:
2319. Từ rằng: - “Ân oán hai bên,
“Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh”. (2)
2. Kiều vâng mệnh và xin được báo ơn trước rồi mới trả thù
sau bằng ba dòng thơ B (AB):
2321. Nàng rằng: - “Muôn cậy uy linh,
“Hãy xin báo đáp ân tình cho phu.
2323. “Báo ân rồi sẽ trả thù”. (5)
3. Cuộc song thoại này diễn tiến bình thường theo đúng nguyên
lý điều hành luân phiên lượt lời: mỗi lúc có một người nói và không nói đồng thời,
sau A là B. Cả hai đều hướng đến đúng mục đích của cuộc thoại, Từ Hải nói hai
dòng thơ nhưng Kiều nói những ba dòng, nàng muốn báo ơn trước đã. Và kết thúc
cuộc thoại là lượt lời của Từ chỉ bằng một câu:
Từ rằng: - “Việc ấy phó cho mặc nàng”. (6)
A,B rồi lại đến A (ABA). Và đến đây bắt đầu cuộc báo ân báo
oán.
(Không nên đưa mấy câu Kiều tâm sự ở trên vào cuộc thoại
này).
Trong một môi trường trang nghiêm với gươm lớn giáo dài,
Thuý Kiều là chủ toạ của phiên tòa. Trước hết nàng Cho gươm mời đến Thúc
lang, thì con người chàng trông thật là thảm hại Mặt như chàm đổ, mình dường
dẽ run. Nàng mở đầu cuộc xử án cũng coi là mở thoại bằng việc nói với Thúc
Sinh.
4. Cuộc xử án này là tiếp theo cuộc thoại ở trên, do Kiều (B)
khởi đầu:
2327. Nàng rằng: - “Nghĩa trọng nghìn non,
“Lâm Tri người cũ, chàng còn nhớ không?
2329. “Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,
“Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?
Kiều mang ơn Thúc Sinh vì trước khi được làm phu nhân của Từ
Hải, nàng đã trải qua biết bao lưu ly oan khổ thanh lâu hai lượt thanh y
hai lần với biết bao nhục nhã ê chề. Thúc Sinh đã đưa được nàng ra khỏi chốn
bùn nhơ, khỏi lầu xanh của Tú Bà và cho nàng một danh phận dù là danh phận của
một người vợ lẽ. Cuộc sống của nàng có được hơn hai năm hạnh phúc với cảnh Huệ
lan sực nức một nhà – Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa. Tuy nhiên sau
đó bão tố đã nổ ra và ở đấy không chỉ nàng phải chịu cảnh thanh y hai lần mà
còn phải chịu những trận đòn ghen khủng khiếp nhất. Nhưng nàng vẫn biết ơn con
người si tình mà theo một nghĩa nào đó đã yêu nàng hết mực và tỏ lòng biết ơn
chàng đã một thời vui vẻ mặn nồng bằng những lời đầy tình nghĩa dù không khỏi
có phần nhẹ nhàng trách móc: Tại ai?
Bốn câu thơ trên là hai câu hỏi, ít có sự ngắt nhịp nên nghe
êm đềm phù hợp với lời nói dịu dàng, đã một phần nào thể hiện được chân tình của
Kiều. Tuy có công khi cứu vớt nàng ra khỏi lầu xanh Tú Bà và có thương xót nàng
trong lúc bị Hoạn Thư đánh ghen, nhưng từ trong bản chất, Thúc Sinh là kẻ đớn
hèn, không dám xả thân vì người yêu nên cuối cùng bỏ cuộc nửa vời. Kiều là người
thông minh, nhạy cảm, nên hiểu được thực chất tình cảm ở chàng, và vì vậy tuy đền
ơn Thúc Sinh, nhưng trong lời lẽ của Kiều vẫn có phần chút gì gượng gạo dù thể
hiện bằng những từ Hán Việt trang trọng và hoa mỹ mang phong cách ngôn ngữ ước
lệ, khuôn sáo: nghĩa trọng nghìn non, chữ tòng, cố nhân và điển tích
Sâm Thương.
2331. “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân,
“Tạ lòng dễ xứng, báo ân gọi là.
Kiều không chỉ cảm ơn Thúc Sinh, 4 câu nhắc lại tình xưa
nghĩa cũ, 2 câu nói đến những tặng vật để báo ơn. Và sau đó là 4 câu đe doạ người
vợ của chàng:
2333. “Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
“Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
2335. “Kiến bò miệng chén chưa lâu,
“Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”. (16)
Chỗ này Thuý Kiều (Vẫn là B) cũng vi phạm nguyên lý hội thoại:
nói với Thúc Sinh nhưng kéo dài thêm 4 câu nhận xét và đưa ra những lời đe doạ
Hoạn Thư. Có lẽ do nàng quá “bức xúc” lại là chủ toạ phiên toà nên nàng được
quyền quyết định mọi diễn tiến của cuộc thoại.
Lời mở đầu phần xét xử của Kiều (B) dài tới 10 dòng thơ trên
đây bắt đầu cho một cuộc đa thoại với rất nhiều nhân vật nhưng chỉ có 3 người
tham thoại: Thuý Kiều, Hoạn Thư và Giác Duyên B-C-D.
5. Lẽ ra sau B là đến C hay D… nhưng trong cuộc thoại này, Kiều
đóng vai chủ động, chủ toạ một phiên tòa nên nàng có quyền quyết định cuộc giao
tiếp, nói với ai trước và nói về cái gì (đề tài giao tiếp). Nàng bắt đầu nói ơn
nghĩa với Thúc Sinh nhưng như ta thấy, chàng vẫn im hơi lặng tiếng, không biết
nói gì và không biết nói sao. Thúc vốn là một con người nhút nhát nay trước cảnh gươm
lớn giáo dài lại càng tỏ ra bạc nhược không nói được một lời cảm ơn, và bộ
mặt mới thật là thảm hại-Mồ hôi chàng đã như mưa ướt đầm. Chàng vốn
tính quen thói bốc trời nhưng luôn luôn tỏ ra ngại đụng chạm, đã từng có
cách Nghĩ đà bưng kín miệng bình - Nào ai có khảo mà mình lại xưng khi
về gặp Hoạn Thư.
Tiếp theo, Kiều cùng một lúc nói với mụ quản gia và Giác
Duyên lượt lời thứ hai B (BB) với 5 dòng thơ:
2343. Dắt tay mở mặt cho nhìn:
- “Hoa Nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi.
2345. “Nhớ khi lỡ bước sẩy vời,
“Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương.
2347. “Nghìn vàng, gọi chút lễ thường,
“Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân”. (21)
Dòng thơ đầu như nàng tự giới thiệu với cả hai người, tiếp
theo là mỗi vị hai câu mụ quản gia và Giác Duyên, rất chính xác mà ta nhận ra
được do tên của nàng lúc trước Hoa Nô và Trạc Tuyền (Cũng như trong lỡ bước
sẩy vời và mà lòng Phiếu mẫu). Quả là viết văn xuôi trình bày có thứ
tự lớp lang đủ ý được như vậy cũng đã khó mà Nguyễn Du lại chỉ dùng 5 dòng thơ
mới thật hay!
6. Rồi một lượt lời nữa B (BBB) chỉ có hai câu cũng nói với
hai vị khi thấy:
2349. Hai người trông mặt tần ngần,
Nửa phần khiếp sợ, nửa phần mừng vui.
2351. Nàng rằng: - “Xin hãy rốn ngồi,
“Xem cho rõ mặt biết tôi báo thù”. (23)
7. Hết trả ơn rồi đến báo oán mà trước hết là Hoạn Thư. Vẫn
là Kiều nói lượt lời thứ tư B (BBBB) ra vẻ chào hỏi mà cũng là đe dọa Hoạn Thư:
2357. Thoạt trông nàng đã chào thưa:
- “Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!
2359. “Đàn bà dễ có mấy tay,
“Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan!
2361. “Dễ dàng là thói hồng nhan,
“Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”. (28)
Trong lượt lời này của Thúy Kiều có một câu mà cụ Đào Duy Anh
cho là đặc sắc và bình luận: Chỉ một câu “Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!”
cũng tả cả vẻ đắc chí, cả giọng mỉa mai của Thúy Kiều.
Nguyên lý lịch sự là đặc biệt quan trọng trong giao tiếp vì
tính tế nhị lịch sự là một yếu tố tác động tới các hiện tượng, quy luật và cấu
trúc ngôn ngữ. Nó có ảnh hưởng rất lớn tới các phát ngôn trong quá trình giao
tiếp. Theo đó, phải giữ gìn thể diện cho người đối thoại, có phép lịch sự tích
cực gồm những hành vi đề cao người khác, quan tâm tới người khác, lại có phép lịch
sự tiêu cực gồm những hành vi tránh làm phương hại tới thể diện của người khác
và nếu không thể tránh được thì biết làm giảm nhẹ mức độ của những hành vi
phương hại đến thể diện đó. Nói chung đó là nói giảm mức độ của phát ngôn không
lịch sự và nói tăng mức độ của những phát ngôn lịch sự hay làm cho người
nghe tìm được cái may trong cái rủi, tìm được cái lợi trong cái tổn thất...
Chính nguyên lý lịch sự đã giúp cho cuộc thoại tiến triển bình thường không bị
cắt ngang, do một bên nào đó bị chạm tự ái bỏ cuộc. Hoạn Thư quan tâm đặc biệt
đến nguyên lý này vì đã không làm mất lòng Kiều. Nếu nói rằng trước đây Kiều đã
lấy trộm chuông vàng khánh bạc mà Hoạn không cho người đuổi theo để kể công
mình nhằm xin tha thì vi phạm nguyên lý lịch sự, Hoạn Thư đã không làm thế:
2365. Rằng: - “Tôi chút phận đàn bà,
“Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
2367. “Nghĩ cho khi gác viết kinh,
“Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
2369. “Lòng riêng, riêng những kính yêu,
“Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai.
2371. “Trót lòng gây việc chông gai,
“Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”. (36)
Bằng sự phản bác đúng lý, Hoạn Thư đã nhanh chóng lập lại thế
cân bằng giữa quan tòa và tội phạm. Từng từ ngữ một, Hoạn Thư đều cân nhắc kỹ
lưỡng: Không chỉ "đàn bà" mà còn thu nhỏ hết mức thân phận vốn mỏng
manh bằng chữ "chút phận"; lại dùng chữ "người ta" là quy
luật phổ biến rồi "thì cũng" (tất yếu), "thường tình" (chuyện
dễ hiểu); "chưa dễ ai chiều cho ai" (Ai lâm vào cảnh ấy, kể cả cô -
Thúy Kiều - cũng hành xử thế thôi!). Qua lời Hoạn Thư, đòn ghen hiểm độc xưa
kia mà mụ dành cho Kiều trở thành nhẹ bỗng.
Mụ lại biết nhận tội trót lòng, biết nịnh khéo Đại vương
phu nhân bằng chữ lượng bể nên đã thoát tội. Lời của Hoạn Thư thật vắn
tắt mà đầy đủ, lời ít mà ý nhiều, đủ cả tình cả lý. Tám dòng thơ là tám ý mà
chúng tôi đã đề cập đến trong những bài viết khác. Đúng như nhà văn Lê Văn Hòe nhận xét: “Cầu xin mà không khúm núm, khiêm tốn mà không nịnh hót, cứng cỏi mà
không khiến người ta giận, cúi lậy mà không để người ta khinh. Thái độ bình
tĩnh mà chững chạc, nói năng lễ độ mà đanh thép. So với thái độ nhút nhát hoang
mang của Thúc Sinh khác nhau một vực một trời. Hoạn Thư đáng trọng bao nhiêu
thì Thúc Sinh đáng khinh bấy nhiêu”.
9. Trước những lời tự thú mà thật ra là tự bào chữa (Như những
lý lẽ của một luật sư đại tài) của Hoạn Thư, Kiều vốn là con người có tình, có
nghĩa không thể nói gì khác hơn bằng lời khen 5 câu B (BBBBCB):
2373. - “Khen cho thật đã nên rằng,
“Khôn ngoan rất mực, nói năng phải lời.
2375. “Tha ra thì cũng may đời,
“Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.
2377. “Đã lòng tri quá thì nên”. (41)
10. Xong việc với tên chính danh thủ phạm thì đến các tên tội
khác nàng tuyên bố B (BBBBCBB):
2381. Nàng rằng: - “Lồng lộng trời cao,
“Hại nhân nhân hại, sự nào tại ta!”. (43)
11. Trước phiên tòa, nàng ra lệnh tiếp bằng lượt lời B
(BBBBCBBB):
2387. Lệnh quân truyền xuống nội đao:
- “Thề sao thì lại cứ sao gia hình!”. (44)
12. Trước cảnh đầu rơi máu chảy, không một ai dám lên tiếng
mà tất cả chỉ là im lặng. Chỉ một mình Giác Duyên nói với Kiều nhưng từ đây dẫn
đến lời tiên tri cho quãng thời gian còn lại trong 15 năm lưu lạc của nàng.
Giác Duyên muốn ra về và Kiều lại nói với nhà sư ở lượt lời B (BBBBCBBBB):
2397. Việc nàng báo phục vừa rồi,
Giác Duyên vội đã gửi lời từ quy.
2399. Nàng rằng: - “Thiên tải nhất thì,
“Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn.
2401. “Rồi đây bèo hợp mây tan,
“Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu?”. (48)
13. Đến đây mới là lời Giác Duyên D (BBBBCBBBBD):
“Trong năm năm, lại gặp nhau đó mà.
2405. “Nhớ ngày hành cước phương xa,
“Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri.
2407. “Bảo cho hội ngộ chi kỳ,
“Năm nay là một, nữa thì năm năm.
2409. “Mới hay tiền định chẳng lầm,
“Đã tin điều trước, ắt nhằm điều sau.
2411. “Còn nhiều ân ái với nhau,
“Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì!”. (58)
Lượt lời này dài tới 10 câu, cho biết sau 5 năm sẽ được gặp lại,
qua đó ta đọc thấy cả tư tưởng Phật giáo, thuyết nhân quả trong lời thoại của
Giác Duyên.
14. Kết thúc cuộc thoại Kiều nhờ Giác Duyên hỏi Tam Hợp đạo
cô về tương lai của nàng – B (BBBBCBBBBDB):
2413. Nàng rằng: - “Tiền định tiên tri,
“Lời sư đã dạy ắt thì chẳng sai.
2415. “Hoạ bao giờ có gặp người,
“Vì tôi, cậy hỏi một lời chung thân”. (62)
Như vậy ta thấy có 62 dòng thơ trong một cuộc thoại với 14 lượt
lời kể cả cuộc thoại giữa Từ Hải và Kiều (3 lượt lời ABA với 6 câu) trước khi
Kiều chủ trì phiên tòa. Đây là cuộc thoại dài thứ hai trong Truyện Kiều sau cuộc
tam thoại giữa Thuý Kiều, Thuý Vân và Kim Trọng để thuyết phục Kiều đồng ý tái
hợp với chàng Kim với 5 lượt lời và 63 dòng thơ.
Qua cuộc thoại, ta thấy được rõ hơn bản chất và tính cách của
các nhân vật: Kiều ân oán phân minh, đối xử ân tình, Hoạn Thư gian ngoan sắc sảo,
Thúc Sinh ích kỷ hèn nhát, Giác Duyên hiền lành chân thực, còn bọn buôn người
thì đê tiện xấu xa. Lần diễn ra cuộc báo ân, báo oán này được mô tả trong 118
câu (từ câu 2301 đến câu 2418) bằng trên 1/30 của tác phẩm diễn tả cả cuộc đời
15 năm lưu lạc của Thuý Kiều mà chỉ để tả có một ngày! Tác giả đã biết tập
trung vào một số thời điểm then chốt, đó cũng là một trong những đặc điểm nghệ
thuật kể chuyện của Nguyễn Du.
PHẠM ĐAN QUẾ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét