Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Yếu tố tự sự trong trường ca trữ tình hiện đại

Yếu tố tự sự trong 
trường ca trữ tình hiện đại
Trường ca là một thể loại xuất hiện sớm trong văn học thế giới. Trong lịch sử phát triển nó đã ghi lại những giai đoạn hào hùng, những chiến công vang dội của các dân tộc. Bất kỳ một đất nước nào cũng mong có được những bản tráng ca muôn đời. Với tư cách là một thể loại mang đậm chất sử thi, gắn liền với tinh thần dân tộc, trường ca có một ý nghĩa rất đặc biệt. Từ thể loại này chúng ta sẽ thấy được sự vận động của ý thức cộng đồng, của lịch sử cũng như một phần thấy được sự vận động của một nền văn học nào đó.
Ở Việt Nam, trường ca với tư cách là một thể loại văn viết, văn bác học chỉ thực sự phát triển trong nền văn học hiện đại. Dù vậy, nó đã có tiền đề từ xa xưa, từ những thể loại như khan, mo, sử thi Tây Nguyên, diễn ca lịch sử, cho đến các truyện thơ Nôm khuyết danh hoặc có tác giả, những bài thơ dài... Trong nền văn học hiện đại, cách nhìn nhận về thể loại này cũng rất khác nhau, thậm chí có người cho rằng nó không tồn tại, nghĩa là không xứng đáng được trở thành một thể loại độc lập. Tuy nhiên, thực tế thì nó vẫn luôn tồn tại, dù sôi nổi như thời chống Mỹ hay tiềm tại như giai đoạn sau này. Và khó có thể bác bỏ nó, bởi dù có quan niệm như thế nào, nó vẫn luôn có được sự đồng thuận trong tầm đón đợi của độc giả. Nghĩa là khi nhìn thấy chữ "trường ca", chúng ta đã ít nhiều qui định nên những khả năng, chờ đón một dạng thức cho quá trình đọc hiểu. Điều đó dù mơ hồ hay hiển hiện thì nó vẫn tồn tại; thậm chí sau đó kỳ vọng đọc có bị phá vỡ, điều này vẫn thường xẩy ra đối với các thể loại và các văn bản cụ thể khác, bởi vì đó chỉ là một dự đoán, mà "văn bản ưu tú lại không dễ dàng bị đồng hóa, nó đã sớm định trước cơ chế chống đồng hóa rất đa dạng, và lấy điều đó để không ngừng giữ được sự kích thích mới đối với chủ thể tiếp nhận, nếu không, tất cả đều ở trong dự đoán, người tiếp nhận sẽ mất đi ngạc nhiên, cuối cùng mất đi động cơ tiếp nhận và sẽ từ bỏ tiếp nhận"[i]. Hơn nữa nếu soi chiếu những chiều kích mà lý thuyết nghiên cứu thể loại đưa ra như: chiều kích lịch sử, chiều kích xã hội, chiều kích cấu trúc thẩm mỹ thì những tác phẩm với tên gọi trường ca hoàn toàn có thể được chấp nhận. Chẳng hạn như trong bài viết "Hướng mở cho nghiên cứu thể loại" khi nhận xét về những nghiên cứu của Seitel, Ralp Cohen đã viết: "Hệ thống thể loại của Seitel là một cố gắng áp dụng quan điểm của Bakhtin, Todoro và Proop vào nghiên cứu chuyện cổ tích Haya. Nó đưa ra những phân tích toàn diện ở ba chiều kích: thể loại với tư cách là sự thể hiện của thế giới xã hội, là công cụ của giao tiếp, là khuôn định cho những khả năng", và "cần mở rộng tìm hiểu chúng hơn là thừa nhận một đồng thuận phi thực"[ii]. Thực sự, xét từ một số phương diện trên thì hoàn toàn có thể công nhận những tác phẩm như Bài ca chim Chơ rao (Thu Bồn), Mặt đường khát vọng (Nguyễn Khoa Điềm), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Những người đi tới biển Cấu trúc thẩm mỹ của những văn bản này. Nó có gì riêng biệt hay không, có khác với các thể loại khác hay không vẫn là một câu hỏi thường được đặt ra. Có thể nói, trường ca hiện đại Việt Nam đã đi từ cấu trúc tự sự đến trữ tình, diễn biến thể loại khá phức tạp, nhưng như Bakhtin viết: "vô số các thể loại thành văn là phái sinh". Trường ca cổ điển, sử thi cổ điển đa phần thuộc loại hình tự sự. Trường ca hiện đại Việt Nam, cũng như một số nước khác (như Nga, Pháp, Chile...) khởi đầu thường là tự sự nhưng khi đạt đến độ chín muồi hoàn chỉnh nó lại mang dáng dấp trữ tình. Vấn đề là nó vẫn giữ được cái cốt lõi nhất, có lẽ đó là những chiêm nghiệm gắn với các sự kiện thuộc về cái chung, của quê hương, đất nước, dân tộc. Nếu so sánh, cấu trúc của truyện ngắn hay tiểu thuyết truyền thống với cấu trúc của truyện ngắn, tiểu thuyết đương đại chắc chắn chúng ta cũng thấy những điểm vô cùng khác biệt. (Thanh Thảo) ... là trường ca hoặc trường ca hiện đại. 
Ở bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến một số đặc điểm trong cấu trúc thẩm mỹ của trường ca trữ tình - là dạng phổ biến hơn trường ca tự sự trong văn học hiện đại. Và như một qui luật, trong những tác phẩm dài hơi, yếu tố tự sự bao giờ cũng tồn tại. Vậy tự sự trong trường ca trữ tình có đặc điểm gì, từ đây có thể phân biệt được nó với các dạng trữ tình hay tự sự văn xuôi được không. Đó là những ước đoán của chúng tôi khi tìm hiểu vấn đề này.
Đầu tiên, có lẽ cần phải trả lời được câu hỏi: như thế nào là trường ca trữ tình (mà không phải là tự sự).
Trước hết, tự sự là một trong ba phương thức (tự sự, trữ tình, kịch) tái hiện đời sống, nó gắn liền với các yếu tố quan trọng như: tính khách quan, cốt truyện, nhân vật, trần thuật (kể). Nếu soi chiếu theo những tiêu chí này thì trường ca hiện đại hiếm có một văn bản nào có được mô hình tự sự hoàn chỉnh. Ngay cả những tác phẩm có cốt truyện khá đầy đủ và được viết bằng giọng điệu trần thuật gần như xuyên suốt như "Bài ca chim Chơ rao" (Thu Bồn), "Người anh hùng Đồng Tháp" (Giang Nam), "Nguyễn Văn Trỗi" (Lê Anh Xuân), "Khúc hát người anh hùng" (Trần Đằng Khoa) thì tính khách quan của nó cũng thường bị vi phạm - mà tính khách quan là yếu tố gắn liền với phương thức tự sự. Trường ca tự sự, có lẽ, phổ biến hơn trong các giai đoạn trước[iii]. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khi xem xét cụ thể thì rộng rãi có thể xếp những trường ca như trên (có cốt truyện, có nhân vật, có nhân vật trần thuật, chủ yếu được viết bằng giọng điệu khách quan) là trường ca tự sự - và nó nằm ngoài phạm vi khảo sát của chúng tôi.
Với loại hình trữ tình, nguyên tắc chủ quan là yếu tố cơ bản trong việc chiếm lĩnh hiện thực, là nhân tố quan trọng qui định những đặc điểm cốt yếu của tác phẩm. Tác phẩm trữ tình thể hiện tâm trạng, dó đó nó thường không có cốt truyện, hoặc cốt truyện đơn giản. Tuy nhiên các sự kiện, chi tiết vẫn đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt với thể loại trường ca - loại tác phẩm có dung lượng lớn, thì kể cả kết cấu theo phương thức trữ tình vẫn không thể tách rời các yếu tố tự sự, các sự kiện, chi tiết, nhân vật... Các trường ca hiện đại được viết ra trong một xã hội đã phát triển ở mức độ cao, nhận thức của con người về thế giới và chính bản thân mình gần như đã thấu suốt. Bên cạnh đó, một hiện thực lịch sử hào hùng khiến người ta có cảm giác như không phải phóng đại lên nữa, bản thân nó đã ngang với thần thánh, với những cái kì diệu, vì thế, một cốt truyện li kì, huyền ảo giống như Iliat, Odixe hầu như không còn tồn tại. Đề tài của nó không phải là quá khứ với khoảng cách lớn mà là cái quá khứ vừa mới diễn ra. Cũng chính cảm xúc cụ thể, tức thời, mãnh liệt đã khiến cho trường ca ngày nay không còn giữ cái qui mô đồ sộ hàng nghìn câu, nghìn trang như trước. Chính qui mô nhỏ hơn, cảm xúc tức thời hơn, kì vọng thể hiện được những chiêm nghiệm cá nhân  đã làm cho trường ca hiện đại nghiêng nhiều sang khuynh hướng trữ tình. Đây cũng chính là cái làm cho trường ca hiện đại trở thành một thể loại độc lập với một hình thức chặt chẽ, nhuần nhuyễn, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thể loại và thơ ca nói chung. Đối với sự phát triển của riêng nó, có lẽ sự gia tăng chất trữ tình đã làm tăng thêm chất suy tưởng, đồng thời phá vỡ cấu trúc tự sự vốn có (Cho nên tìm hiểu các yếu tố tự sự rồi để thấy được sự phá vỡ nó cũng có thể là một mục đích)
Trong phương thức trữ tình, cái Tôi luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Trường ca hiện đại có sự xuất hiện của cái tôi tác giả nhưng khác với thơ trữ tình nói chung, đó là cái tôi nhằm nhận thức sứ mệnh của mình trong dòng lịch sử. Cái mà họ hướng tới là tình trạng tổng thể của dân tộc chứ không phải để thể hiện những tình cảm cá nhân. Cái tôi tác giả chỉ là một nhân vật tham dự vào cuộc hành trình đó. Vấn đề mà họ muốn thể hiện trong tác phẩm là những sự kiện, sự việc, câu chuyện mang tính chất tiêu biểu cho tinh thần dân tộc. Mặt khác, chữ Tôi trong trường ca chủ yếu là nhà thơ nhằm nhận thức mình, đồng hóa mình vào số phận của lịch sử. Không thể nói chữ Tôi này không có cá tính, song cái cá tính ấy được biểu hiện, được nói ra bởi một nguyên nhân khách quan gắn liền với biến cố, với vận mệnh của dân tộc. Đó là sự khẳng định cá nhân ở một giới hạn khác. Và bởi vì tác phẩm trường ca không nhằm mục đích bộc lộ tâm trạng, tự biểu hiện chủ thể, tìm sự đồng cảm ở người khác; nó không phải là trạng thái buồn vui, cay đắng, hân hoan... mà đó là "trạng thái sử thi của dân tộc"[iv], là các sự kiện mang tầm vóc thời đại, những chiêm nghiệm gắn với vận mệnh quê hương, đất nước... nên nó có cấu trúc khác với thơ trữ tình bình thường. Thơ trữ tình trước hết phản ánh một trạng thái tâm trạng, mà một trạng thái tâm trạng thì không thể kéo dài. Hơn nữa, những yếu tố trên tồn tại đan xen và qui định lẫn nhau khiến cho cấu trúc thẩm mỹ của trường ca có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, với thể loại trường ca, dù thế nào nó vẫn khó tách rời các yếu tố tự sự, thậm chí một số tác phẩm có cấu trúc bề ngoài là trữ tình, bên trong là tự sự, đương nhiên tự sự trong trường ca trữ tình sẽ không tuyệt đối như các thể loại khác nhưng nó có thể là điểm để nhận biết cũng như để phân biệt với các thể loại khác.
Có thể nói kết cấu đa chiều kích được thể hiện trên mọi phương diện của trường ca trữ tình. Nó thể hiện đậm đặc trong sự đan xen giữa trữ tình và tự sự, chủ quan và khách quan, sự kiện và cảm xúc, hệ thống và ngẫu hứng, trần thuật và chiêm nghiệm...
Một trong những yếu tố thường có nhất trong tự sự là cốt truyện. Với trường ca trữ tình, dĩ nhiên cốt truyện - hay yếu tố truyện - không phải là điều bắt buộc và thường là đơn giản. Tuy vậy, để duy trì một cảm hứng dài hơi hầu như trường ca nào cũng xây dựng trên một cái sườn chung phục vụ cho một chủ đề. Cái sườn này, có thể là một dòng sự kiện, có thể là một dòng suy tưởng, cũng có thể là cả hai; với thể loại này, kết cấu của nó khá linh động.
Trước hết truyện trong trường ca trữ tình có thể gọi là những câu chuyện phân mảnh, trong câu chuyện lớn là những câu chuyện nhỏ. Về mặt hình thức nó hiện lên khá đơn giản nhưng để xây dựng được một cái sườn tốt, phục vụ đắc lực cho cảm hứng thì cần có một cấu trúc khá phức tạp. Các tầng lớp cấu trúc của trường ca thường được xây dựng theo phép xen kẽ, có thể mượn mô hình mà Phương Lựu đã đưa ra trong bài viết Bút ký về Tự sự học [v] như sau:
A1[B(1,2,3)] A2 [C(1,2,3)] A3 [D(1,2,3)]
Mô hình này là một cấu trúc mở có thể khá thoải mái trong việc lồng ghép các câu chuyện nhỏ, nó cũng khá hiện đại (truyện lồng trong truyện là một kết cấu mới của tự sự hiện đại) và đậm chất tự sự. Đối với một số trường ca trữ tình hiện đại Việt Nam có yếu tố truyện, mô hình này có thể được xây dựng trên cả hai chiều dọc và ngang. Chẳng hạn như trường ca "Đường tới thành phố" của Hữu Thỉnh có thể sắp xếp theo những mô hình như sau:
- Theo chiều dọc:
Ngọn lửa chiến trường [câu chuyện của những người mới đến (chúng tôi, xạ thủ trung liên, tâm trạng trước khi tiến vào thành phố)] Tư lệnhĐiệp khúc những cây cầu- hay câu chuyện những người lính [chuyện về một anh lính cộng sản, giai đoạn thần tốc] Tờ lịch cuối cùng - ngày cuối cùng trước khi tiến vào Sài Gòn [đoàn quân, chuyện về người chị chờ chồng, chuyện về mẹ, chuyện về người yêu] Tự do. [Một lần lỡ hẹn, câu chuyện trong hầm, chuyện chúng tôi]
- Theo chiều ngang:
Câu chuyện của đất nước [Câu chuyện chiến đấu của chúng tôi (những người lính, xạ thủ trung liên, tư lệnh, anh lính cộng sản trốn dưới hầm, tôi) Câu chuyện của những người phụ nữ(người chị chờ chồng, người chị có chồng trốn dưới hầm bí mật, người mẹ, người yêu)].
Không chỉ các trường ca có thể phân tách cốt truyện như trên, những trường ca có chất trữ tình đậm đặc, chẳng hạn như "Những người đi tới biển" (Thanh Thảo) cũng có thể dễ dàng nhận thấy tính chất đa chiều, xen kẽ trong cấu trúc kể. Chủ đề chính (câu chuyện chính) của "Những người đi tới biển" là câu chuyện về những con người trẻ tuổi đã hi sinh khát vọng, mơ ước, tuổi thanh xuân để đi ra chiến trường khốc liệt, làm nên cuộc hành trình "tới biển" của dân tộc. Trong câu chuyện lớn đó, ngoài những trải nghiệm của chính tác giả ta còn thấy được số phận của các nhân vật có tên như ông Chín, bé Bảy, anh Út, anh Sáu, anh Tư tròn, anh Ba tốt, Tám Hùng... chưa kể đến những đoạn trữ tình xen kẽ mà hầu như tất cả các trường ca trữ tình đều có.
Có thể nói, dù bề ngoài là trữ tình nhưng những trường ca được viết trước thời kì đổi mới chủ yếu vẫn có nhiều sự kiện, nhiều số phận cuộc đời. Tính chất đa chiều kích của nó thể hiện rõ ở mô hình lồng ghép, xen kẽ giữa chủ quan và khách quan, trần thuật và bộc lộ cảm xúc. Điều này, về sau, dần dần có những biến đổi. Tuy nhiên sự biến đổi này không diễn ra một cách triệt để mà chỉ ở một số tác giả, tác phẩm. Nhưng đây là xu hướng có ưu thế, có thể tạo nên chỗ đứng cho thể loại trường ca phát triển và được đón nhận trong tương lai. Đó là xu hướng trường ca ngày càng mang tính chất chiêm nghiệm hơn, các sự kiện cụ thể giảm thiểu để nhường chỗ cho những chủ đề liên hoàn. Tính ẩn dụ tượng trưng mang tính hệ thống cũng cao hơn khiến cho yếu tố kể - trần  thuật- ngày càng mờ nhạt. Chẳng hạn như cùng một tác giả nhưng "Trường ca Biển" (được sáng tác năm 1994) của Hữu Thỉnh đã rất khác với "Đường tới thành phố" (được sáng tác xong năm 1978) của ông. Sự phân mảnh trong cốt truyện của trường ca đôi khi không còn là sự phân mảnh của sự kiện mà là những mảnh ghép của hiện thực - từng bộ phận của một bức tranh, một hình tượng lớn.
Những trường ca như "Trầm tích" của Hoàng Trần Cương, "Vỡ ra mưa ấm" của Lê Vĩnh Tài ... là như vậy. Chẳng hạn như "Trầm tích" [vi] được chia thành 19 chương: Nguồn cội, Đất mật, Cật tre, Thóc giống, Những viên đá lẻ, Quặng lửa, Mưa ốc đảo, Hoàng hôn màu cỏ, Bóng đa làng, Tảo mộ, Địa linh, Thành hoàng, Thiên nhiên, Cấu trúc lang, Cá gỗ, Đá đỏ, Giao cảm phù sa, Vốn và lãi, Miền Trung. Chỉ nhìn vào các đề mục chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy cấu trúc Dàn hàng ngang của trường ca. Những hình ảnh ẩn chứa "trầm tích" đều là một lát cắt, một câu chuyện, chúng phục vụ cho chủ đề chính là tình yêu, là sức mạnh, sức sống bền bỉ của quê hương miền Trung, đồng thời cũng là chỗ dựa cho những suy tưởng thơ triền miên. Còn "Vỡ ra mưa ấm"[vii] của Lê Vĩnh Tài được chia thành 14 chương, đánh số, không đề mục. Tính truyện hiện diện rất mờ nhạt trong trường ca này, có những câu mang tính chất dẫn chuyện như "Em mới về em có nhận ra không" đặt đầu các chương, có lúc đặt ngẫu nhiên nhưng dường như đó chỉ là cái cớ cho những câu thơ huyền diệu và mê muội, cho cảm hứng lớn về Tây Nguyên được tuôn trào. Cái mê đắm nồng nhiệt của cảm xúc, cái tinh tế của từ ngữ và hình ảnh làm cho những phiến đoạn, những câu đơn lẻ dường như chẳng ăn nhập gì trở thành một hệ thống hấp dẫn và lôi cuốn, đồng thời cũng không kém phần bi tráng so với các trường ca viết trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ. Với trường ca này thì sự kiện không còn là sợi dây nối kết nữa mà chính là tư tưởng, là cảm xúc, là những trường hợp tưởng chừng độc lập. Tuy vậy, mỗi văn bản là một sinh mệnh, dĩ nhiên sẽ không thể có một mô hình chung cho tất cả, như trên đã nói, xu hướng này tỏ ra có ưu thế nhưng không phải là triệt để, là hoàn toàn phổ biến (nó phổ biến hơn ở các tác giả Việt Nam ở hải ngoại). Bên cạnh những trường ca suy tưởng như trên vẫn xuất hiện những trường ca mang yếu tố truyện, chẳng hạn như "Ngày đang mở sáng" (Trần Anh Thái), "Ru xanh áo lính" (Tô Nhuần). Trường ca khác với tự sự văn xuôi, nó không hoàn toàn là khách quan, nên dấu ấn chủ thể của nó khá rõ trong tác phẩm. Nó cũng không phải là dạng tác phẩm viết chỉ để tự thể hiện, mà nó gắn với các vấn đề lớn, thuộc về cái chung nhiều hơn, vậy nên sẽ có những lúc chúng ta thấy nó không hề chạy theo xu hướng, theo trường phái, theo phong trào. Nó là dạng nằm ngoài các loại chủ nghĩa, viết là để trải nghiệm, đồng thời cũng là để thể  hiện ý thức, tinh thần của cộng đồng, để tôn vinh và trả món nợ tinh thần. Vậy nên rất khó để gò ép tất cả vào một cái lồng chung, dù có người sẽ cho rằng chỉ những cái mang dáng dấp hậu hiện đại mới là hoàn chỉnh, nhuần nhuyễn nhất. Nhưng chúng tôi thì tôn trọng cá tính sáng tạo của từng tác giả và luôn xem trường ca không chỉ là nghệ thuật ngôn từ mà còn là ký ức của một dân tộc.
Trong trường ca trữ tình, ngoài yếu tố truyện thì điểm nhìn và nhân vật trần thuật cũng là điểm cần bàn đến. Trước hết, đã là trữ tình thì điểm nhìn thường là từ chủ thể sáng tạo, và đương nhiên có nhân vật trữ tình để bộc lộ tư tưởng, cảm xúc... Nhưng khác với thơ trữ tình bình thường, nhân vật trữ tình trong trường ca xuất hiện với tư cách là chứng nhân lịch sử, là một cách đồng hóa mình vào số phận cộng đồng; hơn nữa, với trường ca, tác giả có thể không nhất thiết phải chọn điểm đứng ở ngôi thứ nhất như thơ trữ tình (tuy nhiên điều này ít xảy ra trong trường ca trữ tình Việt Nam, xuất hiện nhiều hơn ở những trường ca tự sự), và nhân vật trữ tình đồng thời cũng là người phát ngôn, người kết nối các sự kiện, các phiến đoạn, người kể lại những gì mà mình đã chiêm nghiệm, chứng kiến. Vì thế nó cũng mang hình dáng của nhân vật trần thuật - loại nhân vật trần thuật mà lí thuyết hiện đại gọi là Nhân vật trần thuật toàn năng.
Vấn đề điểm nhìn trong trường ca trữ tình nhìn qua thì dường như đơn giản nhưng thực ra lại khá phức tạp. Bởi vì nhân vật trần thuật- dù thường ở ngôi thứ nhất nhưng lại thường xuyên biến đổi vai trò. Chẳng hạn như trường ca "Những người đi tới biển" (Thanh Thảo) người kể đã hóa thân vào những vai như sau: Tôi, chúng tôi, con (nói với mẹ), chúng con, anh (nói với em), ta... Cách xưng hô thay đổi qua từng đoạn nhỏ nó cho thấy người kể đứng ở những vai trò khác nhau để bộc lộ suy nghĩ. Trong trường ca "Đường tới thành phố" (Hữu Thỉnh) ngoài những vai như: tôi, chúng tôi, chúng ta, con, anh... thì một số khúc đoạn tác giả để cho nhân vật tự kể, chẳng hạn như đoạn 3, đoạn 4, đoạn 5 (Câu chuyện trong hầm, Văn xuôi một người lính, Thơ của chính ủy sư đoàn trong chương 2), và như thế nhân vật trần thuật đã thay đổi. Ở trường ca này còn có dạng nhân vật trữ tình nhập vai như ở những đoạn "Đất ru" trong chương 3. Trường ca "Con đường của những vì sao" (Nguyễn Trọng Tạo) lại tồn tại song song hai loại nhân vật: trữ tình và trần thuật gần như độc lập. Nhân vật trần thuật ngôi thứ ba dấu mặt xuất hiện để kể lại mối tình của hai nhân vật Mùa và La, còn nhân vật trữ tình thường xuất hiện ở dạng nhập vai vào Nắng, vào Gió, vào Máu, vào Cây ... để ca ngợi tình yêu và sự hi sinh bất khuất của họ. Có lẽ ở trường ca này tác giả muốn bày tỏ tình cảm một cách khách quan, hướng đến tinh thần chung mà không muốn bày tỏ cái Tôi của mình. Mặt khác, đây là trường ca viết chủ yếu để ca ngợi các cô gái ngã ba Đồng Lộc (đối tượng cụ thể) vì thế tác giả là người đứng ngoài, không tham gia vào các sự kiện.
Như vậy, chúng ta thấy, khác với thơ (thơ cũng có nhiều bài mang yếu tố tự sự, chẳng hạn như Núi đôi của Vũ Cao...) trường ca viết ra không phải chỉ để kể chuyện mình mà là để kể chuyện người khác, cho nên người kể trong trường ca thường biến đổi chứ không nhất quán từ đầu đến cuối. Nhìn chung thì chủ thể trần thuật của trường ca có nhiều cấp bậc:
+ Chủ thể trần thuật toàn bộ văn bản - thường là ngôi thứ nhất, là tác giả hóa thân.
+ Chủ thể trần thuật của từng chương, đoạn: cũng thường là ngôi thứ nhất nhưng người trần thuật là một vai trong tác phẩm - nhân vật tự kể về mình.
+ Chủ thể thường đứng ở nhiều vai trò khác nhau để trần thuật, bộc lộ cảm xúc, đối diện với các đối tượng khác nhau. Điều này làm cho dung lượng phản ánh của trường ca được mở rộng hơn so với thơ bình thường.
+ Trong trường ca chủ thể trần thuật và chủ thể trữ tình thường lồng ghép trong nhau. Sự xen kẽ này vốn được qui định bởi cấu trúc của trường ca hiện đại, thể hiện tính đa chiều kích của trường ca.
Theo Yu. Lotman, "khái niệm 'cái nhìn nghệ thuật' thể hiện với tư cách là quan hệ của hệ thống đối với chủ thể của mình"[viii]. Nghĩa là chủ thể của hệ thống có năng lực chi phối cấu trúc bề sâu của văn bản, nó xác định hướng đi và khả năng có thể của văn bản ở từng cấp độ khác nhau, đồng thời cũng chi phối người đọc trong khi tri giác văn bản. Ngoài ra, "quan hệ 'điểm nhìn - văn bản' luôn luôn là quan hệ 'người sáng tạo - sản phẩm sáng tạo'. Đối với văn bản văn học thì đây là vấn đề vị thế của tác giả, của nhân vật trữ tình"[ix]. Với trường ca, quyền năng của tác giả, của nhân vật trữ tình ít nhiều có khác với thơ trữ tình bình thường và tự sự nghệ thuật. Tác giả trường ca, với vai trò là nhân vật trần thuật toàn năng nhưng lại không hoàn toàn có đặc quyền sáng tạo nên tất cả, đặc biệt với những trường ca có đề tài gắn với lịch sử  dân tộc - mà điều này là phổ biến. Theo lý thuyết truyền thống, với một tác phẩm, chẳng hạn như truyện ngắn hay tiểu thuyết, chủ thể sáng tạo dù sáng tạo thế nào vẫn bị chi phối một phần bởi qui luật hiện thực, và họ phải phản ánh những gì "giống hiện thực". Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt với văn học hiện đại hay hậu hiện đại, điều này rất dễ bị nghi ngờ; sự thật người sáng tạo có quyền nhiều hơn thế, bởi không chỉ sáng tạo ra cái mới, họ còn có quyền lựa chọn và sắp đặt. Và mô hình văn bản đương nhiên chịu sự chi phối gần như tuyệt đối của họ. Thể loại trường ca thì cái nhìn của chủ thể không thể đi chệch với cái nhìn của lịch sử, không thể đối lập với ý thức dân tộc. Hơn nữa, tác giả trường ca, với vai trò là nhân vật trữ tình thì quyền bộc lộ cảm xúc riêng tư của họ hạn chế hơn rất nhiều so với thơ bình thường (đương nhiên là một hình thái ý thức xã hội, cái 'quyền' này sẽ không bao giờ là tuyệt đối). Trong giọng điệu thẩm mỹ, khi nhìn nhận về lịch sử dân tộc, họ hầu như chỉ có quyền ngợi ca. Đây là một đặc trưng của thể loại chứ không phải là hạn chế. Vì thế, có thể nói, nếu xét trên phương diện văn hóa thì quan hệ "điểm nhìn - văn bản" hay "người sáng tạo - sản phẩm sáng tạo" trong trường ca là sự đồng nhất trọn vẹn. Dù nhân vật trần thuật có sự thay đổi, có thể hóa thân bằng các hình thức khác nhau nhưng điểm nhìn vẫn là điểm nhìn hội tụ, nó tập trung từ một điểm mà tỏa ra. Điều này khác với văn xuôi hiện đại, cố gắng sáng tạo nên điểm nhìn phân tán - từ các góc độ khác nhau - mong muốn thể hiện được một hiện thực khách quan nhất.
Một trong những yếu tố tự sự luôn hiện diện trong trường ca trữ tình đó là kết cấu theo kiểu chương đoạn. Từ những trường ca của giai đoạn chống Mỹ gắn với sự kiện như Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), Trường ca sư đoàn (Nguyễn Đức Mậu)... đến các trường ca đậm đặc chất trữ tình suy tưởng sau này như Trầm tích (Hoàng Trần Cương), Vỡ ra mưa ấm (Lê Vĩnh Tài), Thơ thời gian (Đỗ Quyên) đều vẫn giữ nguyên kiểu sắp xếp này. Kết cấu chương đoạn một phần tạo ra tính hệ thống, đảm bảo được mối liên hệ chặt chẽ về mặt hình thức cho cấu trúc, một mặt tạo ra được sự linh động cho tác phẩm. Hình thức chương đoạn là hình thức của tiểu thuyết, nhưng khác với tiểu thuyết, chương đoạn trong trường ca trữ tình lại luôn tiềm ẩn những ngẫu hứng[x]. Về mặt hình thức, ngẫu hứng được thể hiện ở các phân đoạn viết theo thể thơ khác. Chẳng hạn như trong Đường tới thành phốcủa Hữu Thỉnh đoạn "Đất ru" được viết theo thể lục bát, "Văn xuôi một người lính" được viết theo thể thơ văn xuôi. Trong Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Khúc sáu được viết theo thể lục bát. Trong Trường ca sư đoàn những đoạn in nghiêng và được viết theo thể lục bát hoặc thể 7 chữ đều là những đoạn ngẫu hứng, là những trữ tình ngoại đề. Nhìn chung, những ngẫu hứng của trường ca viết về chiến tranh chống Mỹ đều là những ngẫu hứng cả về hình thức và nội dung. Các nhà thơ thường sử dụng các thể thơ khác hệ thống (thể thơ chính của trường ca là thơ tự do) - được dùng nhiều nhất là các thể thơ cổ điển - để thể hiện được tính tự phát của suy tưởng. Các trường ca sau này, cái ngẫu hứng không rõ ràng và có chủ ý về mặt hình thức như vậy. Nếu trước đây là ngẫu hứng theo kiểu nhạc truyền thống, nhạc Pop thì đến Hoàng Trần Cương, Nguyễn Quang Thiều, Lê Vĩnh Tài, Đỗ Quyên... là ngẫu hứng theo kiểu nhạc Rock, nhạc Jazz, mang đậm tính chất hậu hiện đại. Chẳng hạn như đọc trường ca của Đỗ Quyên[xi] chúng ta có thể thấy đầy rẫy những lát cắt, những rẽ ngang rẽ ngửa, những cảm xúc có khi là bốc đồng của tác giả. Đọc trường ca của Lê Vĩnh Tài thì các chương đoạn đều không có đề mục, chỉ đánh số thứ tự (điều này khác hẳn các trường ca được nêu trên - tên các đề mục nhỏ to rất đầy đủ)  Điều này cho thấy cảm thức thời đại đã xâm nhập khá sâu sắc vào thể loại vốn được xem là "cao cả", là có "khoảng cách sử thi" so với cuộc sống. Đồng thời, yếu tố này cũng cho thấy tính chương đoạn đã bắt đầu bị nới lỏng, hình thức tự sự truyền thống, có lẽ cũng như ở nhiều thể loại khác, đang không ngừng đổi mới. Trường ca là một thể loại có dung lượng lớn, đương nhiên không thể tách rời kiểu kết cấu chương đoạn, cái làm cho nó khác tự sự văn xuôi, một phần, chính là ở những ngẫu hứng trong cảm xúc; cái làm nó khác với thơ bình thường cũng chính là sự kết hợp giữa hệ thống chặt chẽ và ngẫu hứng nhất thời này.
Bàn về tự sự trong trường ca trữ tình, có thể còn có nhiều khía cạnh như Nhân vật, giọng điệu, cú pháp, thời gian nghệ thuật... Trong bài viết này chúng tôi chỉ mới nêu ra một số yếu tố tác động trực tiếp lên cấu trúc thẩm mỹ của thể loại và hơn nữa, có tham gia trực tiếp trong tiến trình vận động phát triển của trường ca.
Ghi chú:
[i] Đổng Học Văn, Trương Vĩnh Cương, Nguyên lí văn học, bản tiếng Trung, NXB Đại học Bắc Kinh, 2003, tr 144.
[ii] Ralp Cohen, Hướng mở cho nghiên cứu thể loại, Trần Hải Yến dịch, Vienvanhoc.org (Tạp chí nghiên cứu văn học, số 10 /2007)
[iii] Thực ra, trường ca hiện đại, trong ý thức, nó không phải cùng một loại hình với trường ca cổ điển; nhưng do các điều kiện lịch sử tạo nên, nó đã tiếp thu tinh thần của trường ca cổ điển, cho nên cũng có thể cho đó là sự vận động để phù hợp với thời gian lịch sử của thể loại. Theo Đỗ Lai Thúy thì trường ca là cuộc hôn phối kỳ thú giữa tự sự và trữ tình trong một thời đại sử thi (hóa), và Bài ca chim Chơ rao của Thu Bồn còn mang nặng tính tự sự, kể chuyện. Đó cũng có thể là đặc điểm của thời kì mở đầu. (Trần Dần -một thi trình sạch - Vietnamnet). Cũng có thể có nhận xét tương tự với các tác phẩm trên.
[iv] Chữ dùng của Hegel
[v] Phương Lựu, Bút kí về tự sự học, đăng trong Tự sự học - một số vấn đề lý luận và lịch sử, Trần Đình Sử chủ biên,  NXB Đại học Sư phạm, 2004, tr 110.
[vi] Hoàng Trần Cương, Trầm tích, NXb Hội nhà văn, 1999.
[vii] Lê Vĩnh Tài, Vỡ ra mưa ấm, NXB Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 2005.
[viii] Yu Lotman, Kết cấu tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, in trong cuốn Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Trịnh Bá Đĩnh dịch, NXB Văn học, 2002, tr 268.
[ix] Như trên, tr 271.
[x] Thực ra, xu hướng Liên văn bản trong tiểu thuyết hiện đại cũng tạo cho tiểu thuyết có kết cấu rộng rãi hơn và cũng tiềm ẩn những ngẫu nhiên, ngẫu hứng. Đối với một văn bản cụ thể khó có một nhận định nào là tuyệt đối. Ở đây chúng tôi chỉ xét về mặt tổng thể. Hơn nữa, cái khác giữa trường ca và tiểu thuyết là: cái ngẫu hứng của trường ca thường là chủ quan, vẫn được viết theo phong cách nghệ thuật (có thể là văn vần hoặc văn xuôi); cái ngẫu hứng của tiểu thuyết là ngẫu hứng xác định, có sắp xếp, và Liên văn bản thường là những chương đoạn được viết bằng thể loại khác, phong cách khác (ví dụ như phong cách báo chí trong Paris 11 tháng 8 của Thuận).
[xi] Đỗ Quyên có các trường ca như: Thơ thời gian, Buồn muộn cùng thế kỷ. Có thể đọc trên trang web Maivanphan.com/.
 Diêu Thị Lan Phương
Nguồn: Nghiên cứu Văn học, số 4/2009
Theo http://khoavanhoc.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...