Nghe gọi tên như thế dễ tưởng chừng như đi... nhặt thơ,
như vọng tưởng những thi sĩ mùa thu đang trở về bằng bước chân của gió, gọi hồn
cây lá xào xạc những âm vang, hoặc nghe tiếng “Thời gian lặng rót một dòng buồn
tênh” (Lưu Trọng Lư). Hoặc xa hơn nữa, xưa hơn nữa là cụ Tam Nguyên Yên Đỗ “Mấy
chùm trước giậu hoa năm ngoái”.
Không hề như thế. Mùa thu đến cùng tôi sớm hơn những thi sĩ -
người gieo rắc những hạt giống phong vàng đầy cám dỗ để sinh nở ra những mộng mị
hoang đường, ra bao tình yêu huyền thoại. Chiếc lá vàng đầu tiên tôi nhặt được
không từ những câu thơ lấp lánh kia, mà chính là từ đôi bàn tay xương xẩu của mẹ
tôi - người nông dân, suốt một cuộc đời thủy chung cùng đất đai cây trái vườn
tược.
Cho mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn tin một cách cuồng tín rằng:
Chiếc lá nhạy cảm nhất với mùa thu là chiếc lá trầu vàng. Trong vườn mẹ, tín hiệu
mùa thu mà tôi nghe thấy được đầu tiên chính là từ hàng trầu rụng rơi chao liệng
đầy trước hiên nhà. Không biết vì cớ gì mà người quê tôi thường hay trồng trầu
dưới những gốc cây chim chim. Rồi theo tháng ngày trầu tốt tươi bò lên xoay
quanh từ gốc đến ngọn cây như là nợ duyên tiền định của một lứa đôi. Ở những
nơi khác, có khi người ta trồng trầu dưới gốc cây cau hoặc là gốc sầu
đông.
Làng quê tôi ít như thế, chẳng rõ từ bao giờ, hầu như cây
chim chim là giống loài cây mà số phận dành cho trầu gởi gắm suốt cuộc đời. Và
hễ chớm thu, là trước mọi loài cây lá khác, lá trầu vàng sớm nhất và đẹp hơn bất
cứ mọi giống loài cây lá khác. Đến độ, trầu rụng rơi cũng trong cách thế chao
liệng đẹp nhất. Chẳng phải bằng cái nhìn cảm tính, qua khúc xạ thời gian hồi ức
soi về, kỷ niệm hiện lên lung linh để tôi hoang đường tưởng tượng ra, hoặc lãng
mạn ca cẩm bài ca lá trầu vàng giàu chất sử thi.
Mà quả thật, ngay từ thủa con mắt tuổi thơ, tôi đã biết ngồi
trước thềm hiên nhà, ngắm nhìn dọc theo suốt hàng trầu trút lá vàng bay chấp chới,
rồi nhẹ nhàng đậu xuống sáng ửng trước thềm hiên. Có khi gió còn lãng mạn đưa đẩy lá
rơi nghiêng nghiêng chao liệng bay vàng khắp đầy sân, đầy ngõ!
Mỗi lần như thế, sau khi thỏa thích ngồi nhìn trầu bay lượn
giống như những cánh diều nhỏ nhắn lơi lả trong gió thu, tôi lại lon ton chạy
theo mẹ nhặt trầu rụng. Cứ độ chừng vài mươi lá là ghép thành một xấp kẹp lại.
Hai mẹ con mải mê làm cái công việc như đùa với gió thu, cho đến khi nào chiếc
thúng của mẹ chất đầy những kẹp trầu là mẹ tôi gánh lên chợ bán. Lạ lùng là tiền
bán được trầu nhặt từ những cơn gió thu ấy, mẹ tôi không hề tiết kiệm như những
loại cây trái khác trong vườn, mà tất cả tiền trầu bán được mẹ đều mua quà cho
chị em chúng tôi. Có khi số tiền bán trầu rụng được khấm khá, mẹ sắm sửa luôn
cho tôi cả quần áo mới.
Cũng chính vì những món quà hào phóng ấy, nên thường mỗi độ
thu về là chúng tôi cứ ngong ngóng nhìn lên hàng trầu trước sân nhà chờ đợi, một
sự chờ đợi cũng đẹp đẽ như cổ tích “hú trái thị rớt bị bà già...”, không hằn một
dấu bụi nào.
Một điều lạ lùng hơn thế nữa, chính vì điều này mà tôi dám so
sánh mẹ với bao thi sĩ mùa thu vang bóng. Ấy là dường như mẹ tôi cũng biết
làm... thi sĩ. Cách cảm nhận này, thì mãi cho đến khi lớn khôn xa quê rồi tôi mới
nhận ra. Mẹ làm thi sĩ không tài hoa và cũng chẳng giỏi giang chữ nghĩa như người
ta, mà… giống như những chiếc lá trầu vàng rụng rơi vây! Rơi một cách “thơ”
không có cây lá nào sánh kịp. Rơi nghiêng nghiêng, rơi chầm chậm, la đà, nhẹ
nhàng và bình yên đến độ tưởng chừng như đậu hoài vào con mắt tuổi thơ và không
chịu rơi xuống mặt đất lấm lem cát bụi.
Mẹ lom khom lượm trầu vàng rụng, hay mẹ đang làm thơ mà nhiều
lần tôi thấy mẹ chạy theo lá vàng bay chừng muốn quên đi tuổi tác. Hình như những
lúc như thế tôi thấy mẹ trẻ ra hơn bất cứ bao giờ!
Bây giờ thì mẹ đã là người xưa. Những vườn trầu đẹp đẽ như thế
ở quê tôi cũng không còn mấy nữa. Cũng có thể mười mươi năm nữa thôi, trầu
cũng... người xưa nốt. Có còn bao nhiêu người ăn trầu nữa đâu mà trồng với trọt!
Nhưng đó là dự cảm, là nỗi buồn của mai sau, còn bây giờ trời vẫn đang thu. Một
ngày bất chợt tôi về làng cùng với những ngọn gió phong phanh se se chớm lạnh.
Làng tôi bây giờ gần như phố thị, điện đóm đầy trời, quán xá âm nhạc đủ kiểu ầm
vang ồn ã làng trên xóm dưới. Nhà đúc nhà xây chen chúc nhau. Những vườn tược của
từng nhà hầu như thu hẹp lại chật chội không còn mấy chỗ cho chim chóc
bay về. Và vì thế, mùa thu cũng cô đơn như số phận những nhánh trầu uột èo dần
hồi lùi vào cổ tích!
Nhưng ơ kìa, một góc vườn nhỏ nhoi nhà ai loáng thoáng như
bóng dáng mẹ tôi đang nhặt trầu rụng. Là cảm giác mơ hồ tưởng ra đấy thôi, biết
thế nhưng sao lòng chợt se sắt khi nhìn bà cụ già đang lom khom nhặt trầu vàng
dưới gốc sầu đông. Giống cây chim chim làng tôi cũng đã tuyệt chủng từ lâu rồi,
chỉ còn lại lẻ loi vài nhánh trầu thưa thớt lá vàng phai buồn tẻ bay trong gió.
Có vẻ như bà cụ không nghe thấy những gì xung quanh. Mải mê một cách lặng lẽ âm
thầm, dường như thế giới này chỉ còn mỗi cụ và cái cây sầu đông chơ vơ mấy
nhánh trầu lưa thưa vàng rụng.
Và rồi cũng như mẹ tôi ngày xưa, đôi lúc bà cụ không đợi trầu vàng rơi xuống mặt đất đã vội hứng bắt lá rơi theo chiều ngọn gió đung đưa, trông cứ như đùa, cứ như muốn bay lên. Có điều, nhìn bà cụ, tôi không có cái cảm giác giống như ngày xưa thấy mẹ mình đẹp ra trẻ ra, mà là hiu hắt, mà là lắt lay giữa gió thu nghiêng ngửa, lưa thưa dăm lá trầu vàng rơi như bay vào đậu giữa lãng quên!.
Và rồi cũng như mẹ tôi ngày xưa, đôi lúc bà cụ không đợi trầu vàng rơi xuống mặt đất đã vội hứng bắt lá rơi theo chiều ngọn gió đung đưa, trông cứ như đùa, cứ như muốn bay lên. Có điều, nhìn bà cụ, tôi không có cái cảm giác giống như ngày xưa thấy mẹ mình đẹp ra trẻ ra, mà là hiu hắt, mà là lắt lay giữa gió thu nghiêng ngửa, lưa thưa dăm lá trầu vàng rơi như bay vào đậu giữa lãng quên!.
Nguyễn Nhã Tiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét