Bếp lửa
Tặng Vũ Đạo Ánh
Tựa
Lần in thứ tư (1973)
Malraux có viết: “Người ta không thể nào viết lại một quyển tiểu thuyết.”
Tôi không tin như thế. Trong nhiều năm sau khi quyển sách này được xuất bản, dường như tôi đã hì hục viết một Bếp lửa khác. Mỗi lần sửa lỗi ấn loát để cho tái bản, tôi đều muốn được viết lại nó. Kể cả bây giờ, sau mười bảy năm.
Đây không phải là quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi.
Quyển đầu tay được một nhà xuất bản nhận in năm 1955, vào phút chót tôi đổi ý, rút lại sách, quyết định không xuất bản.
Quyển Bếp lửa rất có thể đã chịu chung số phận của quyển đầy tay, nếu không may mắn gặp ông Nguyễn Đình Vượng.
Được viết một hơi - khoảng đâu hai ba tháng - được in ngay sau khi viết - không có một quãng cách nào để kịp lùi, nhìn lại -, quyển Bếp lửa là quyển duy nhất của tôi chỉ có một lần bản thảo.
Trên trang đầu bản thảo có đề câu của Rimbaud: Je est un autre, nhưng khi đưa in tôi đã xoá bỏ.
Sách in lần đầu ba ngàn cuốn, chẳng rõ bán được bao nhiêu, chỉ biết ít lâu sau sách được mang bán “son”. Có hai bài viết về quyển sách: một trên nhật báo Tự Do tại Sài gòn, một trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn miền Bắc ở Hà Nội.
Tiếc là tôi không có thói quen lưu giữ tài liệu để có thể in kèm vào sách khi tái bản.
Đại cương cả hai bài viết đều là lời chê trách giống nhau: quyển sách bi quan tiêu cực.
Bài trên tờ Văn Nghệ ở Hà Nội chỉ là một cột điểm sách ngắn vài mươi dòng nhưng bây giờ đã mang đến cho tôi hãnh diện và sung sướng. Hãnh diện là thứ có ngày nghĩ lại khiến thẹn thùng. Nhưng sung sướng lúc nào cũng là sung sướng, dù cùng với thời gian có thể lẫn vẻ bùi ngùi. [1]
Tôi sung sướng nghĩ các bạn tôi ở Hà Nội đọc cột báo ấy, biết được tôi vẫn nhớ họ, đã viết về họ, về những ngày của chúng tôi. Họ có thể tức tối căm giận, nhưng chắc họ cũng cảm động bồi hồi.
Mười bẩy năm đã qua.
Kinh nghiệm dạy cho tôi là lời của Malraux đúng. Tôi đã loay hoay quá lâu với một quyển sách. Lần này tôi quyết định để là ấn bản chung quyết.
Tôi hiểu đã đến lúc nên viết những quyển sách khác.
Tháng 3-1973
Thanh Tâm Tuyền
Lần in thứ tư (1973)
Malraux có viết: “Người ta không thể nào viết lại một quyển tiểu thuyết.”
Tôi không tin như thế. Trong nhiều năm sau khi quyển sách này được xuất bản, dường như tôi đã hì hục viết một Bếp lửa khác. Mỗi lần sửa lỗi ấn loát để cho tái bản, tôi đều muốn được viết lại nó. Kể cả bây giờ, sau mười bảy năm.
Đây không phải là quyển tiểu thuyết đầu tay của tôi.
Quyển đầu tay được một nhà xuất bản nhận in năm 1955, vào phút chót tôi đổi ý, rút lại sách, quyết định không xuất bản.
Quyển Bếp lửa rất có thể đã chịu chung số phận của quyển đầy tay, nếu không may mắn gặp ông Nguyễn Đình Vượng.
Được viết một hơi - khoảng đâu hai ba tháng - được in ngay sau khi viết - không có một quãng cách nào để kịp lùi, nhìn lại -, quyển Bếp lửa là quyển duy nhất của tôi chỉ có một lần bản thảo.
Trên trang đầu bản thảo có đề câu của Rimbaud: Je est un autre, nhưng khi đưa in tôi đã xoá bỏ.
Sách in lần đầu ba ngàn cuốn, chẳng rõ bán được bao nhiêu, chỉ biết ít lâu sau sách được mang bán “son”. Có hai bài viết về quyển sách: một trên nhật báo Tự Do tại Sài gòn, một trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn miền Bắc ở Hà Nội.
Tiếc là tôi không có thói quen lưu giữ tài liệu để có thể in kèm vào sách khi tái bản.
Đại cương cả hai bài viết đều là lời chê trách giống nhau: quyển sách bi quan tiêu cực.
Bài trên tờ Văn Nghệ ở Hà Nội chỉ là một cột điểm sách ngắn vài mươi dòng nhưng bây giờ đã mang đến cho tôi hãnh diện và sung sướng. Hãnh diện là thứ có ngày nghĩ lại khiến thẹn thùng. Nhưng sung sướng lúc nào cũng là sung sướng, dù cùng với thời gian có thể lẫn vẻ bùi ngùi. [1]
Tôi sung sướng nghĩ các bạn tôi ở Hà Nội đọc cột báo ấy, biết được tôi vẫn nhớ họ, đã viết về họ, về những ngày của chúng tôi. Họ có thể tức tối căm giận, nhưng chắc họ cũng cảm động bồi hồi.
Mười bẩy năm đã qua.
Kinh nghiệm dạy cho tôi là lời của Malraux đúng. Tôi đã loay hoay quá lâu với một quyển sách. Lần này tôi quyết định để là ấn bản chung quyết.
Tôi hiểu đã đến lúc nên viết những quyển sách khác.
Tháng 3-1973
Thanh Tâm Tuyền
Tựa
Lần in thứ hai (1965)
Cuốn sách mỏng manh, non nớt và chưa thành hình dáng này của một người mới lớn lên. Hắn lớn lên trong một thành phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết, Hắn đọc Marx tìm thấy giấc mộng “biến cải thế giới”, đọc Rimbaud tìm thấy giấc mộng “thay đổi cuộc đời”, đọc Dostoievski tìm thấy thái độ “tất cả hay không có gì hết” đọc Gide tìm thấy “đời sống thành khẩn trung thực”, đọc Malraux tìm thấy cái hào quang của trí tuệ đối đầu với Định Mệnh, đọc Sartre tìm thấy “cuộc hiện sinh tự do và lựa chọn”. Hắn lớn lên cùng bè bạn, vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối văn mình theo mỗi cám dỗ lớn lao của hư vô. Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bè bạn, dấn mình vào lịch sử, đuổi theo giấc phiêu lưu của trí tuệ: sự thật được tạo nên từ niềm hư vô của tuổi trẻ bị tước đoạt.
Bây giờ hắn ba mươi tuổi, hắn vẫn quay tròn như một nỗi tự do trống rỗng, không làm được gì hơn ngoài một lựa chọn - khó khăn và buồn tủi -: trở thành một nhà văn. Lúc hắn viết cuốn sách này hắn chưa phải là một nhà văn, không muốn là một nhà văn. Hắn chưa biết mình muốn gì vì hắn muốn tất cả. Hắn viết với ý nghĩ trong khi mình viết, người khác chết. Ý nghĩ làm tê liệt hứng khởi tạo tác. Nên sau cuốn sách được in tình cờ, không dự tính, hắn nằm im trong sự bất lực hổ thẹn, hắn phá phách tiêu huỷ không thể hoàn thành những dự thảo, phóng tưởng kế tiếp. Mỗi ngày mỗi nghiền ngẫm trong bất giác của các tình thế kinh nghiệm, hắn nhận thức hắn chỉ là một nhà văn, không thế lực và hèn mọn như mỗi người - một nhà văn bị dìm ngập trong thời đại và xã hội của mình như giới hạn tự nhiên của cõi sống và cõi chết. Hắn dứt bỏ được những mê hoặc, ảo ảnh - về vai trò của nhà văn - của thứ tiếng nói hoàn toàn vang động và làm biến dạng đựơc sự vật một cách cụ thể. Tiếng nói của văn chương chỉ là những lời thầm thì giữa những hỗn độn của lịch sử, lời cô đơn không sức mạnh vì bị lấn áp về mọi phía.
Sự kiêu hãnh của tuổi nhỏ nhường chỗ cho sự bình tĩnh ý thức. Hắn bắt đầu cầm bút thực sự, làm việc giữa những đổ vỡ xáo trộn thách thức. Đối với hắn, cuộc lựa chọn gay go nhất đã xong, hắn biết hắn chỉ còn một tiếng nói để tìm kiếm bè bạn và quê hương.
Người được đề tặng sách này đã chết.
Hắn, tên Vũ Đạo Ánh, chết vào một buổi sáng chủ nhật đầu tháng 9 năm 1964, tại một khu rừng tỉnh Bình Dương, một viên đạn xuyên ngực năm mới ngoài ba mươi tuổi. Vào buổi chiều cuối tháng tám, hắn còn đứng trước một căn nhà trong hẻm ngoại ô, nhìn qua cửa sổ, đèn trong nhà thắp sáng như mọi người đi vắng, cất tiếng gọi. Như những ngày mùa thu, mùa đông nơi thành phố xa khuất cũng hơi ngửa đầu lên cao liếc mầu trời sẫm màu, hắn gọi đứa bạn của thời niên thiếu nghèo khốn, gọi những mộng phiêu lưu đã bị nghiền nát của tuổi trẻ như một Thiên đường cửa đóng. Hắn lủi thủi trở về như kẻ bị bỏ rơi, chạy qua thành phố Sài Gòn buổi tối còn ngơ ngác những âm vang của mấy ngày hỗn loạn. Có lẽ hắn nhớ tới thành phố của tuổi trẻ, như nhớ tới mấy đứa bạn, hắn đã chạy cuống trong đó trên chiếc xe đạp tồi tàn giữa những ngày tháng rách bươm, mơ ước cái cơ hội kết tập được ngày tháng tan rã thành một đời ý nghĩa. Có lẽ hắn muốn gặp đứa bạn để hỏi: tại sao mày không viết được gì thêm nữa ngoài cuốn sách để tặng tao? Cuốn sách hắn nhận được vào một ngày cuối năm nào khi còn đóng đồn trên sườn núi ngoài Trung nhớ quê hương đã lìa bỏ với mẹ và gia đình ở lại, cuốn sách vợ hắn mang liệm theo xác như một kỷ niệm hắn muốn mang đi. Hắn không gặp đứa bạn và tự hỏi: Nó ra sao? Đã lâu hắn không gặp, như ngày nào trong thành phố hoài nghi và khắc khoải, hắn thường tìm bạn và hỏi: thế nào, chúng mình sẽ đi về đâu?
Hắn chết gục nên một gốc cây mau lẹ, không đau đớn. Hắn nằm đó, ngoẹo sang một bên, gối lên cỏ như một người ngủ mệt sau đoạn đường hiểm trở của Định Mệnh - Định Mệnh của một thế hệ, những người còn sống là kẻ sống sót. Hắn đã đi từ tuổi trẻ bị tước đoạt, tới nằm đó trong khu rừng giữa cuộc chiến phơi mình làm một sự thật thô sơ: ở đây, trong xứ sở khốn nạn này, cuộc chiến phải chấp nhận không phải là lối phiêu lưu trốn chạy ngông cuồng. Cái chết của hắn không phải là một huyền thoại Rimbaud, một huyền thoại Lawrence, tên bạn hắn hiểu được như vậy.
Chúng muốn gì? Người chết cho kẻ khác sống sót. Chúng muốn gì?
Những nhà phê bình ở Hà Nội đã gọi các nhân vật trong cuốn sách này là bọn tôi mọi nô lệ, họ hỏi: trong khi họ xây dựng xã hội chủ nghĩa, bọn này đi đâu? Những người ở Hà Nội không khi nào tự đặt câu hỏi với mình, những câu họ thường đặt cho kẻ địch. Bọn chúng đã đi trong thống khổ của lịch sử với cái chết, cái chết như sự từ chối quyết liệt. Tại sao? Đáng lẽ họ phải tự hỏi: tại sao? Cái chết lựa chọn không phi lý, nó sẽ làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ sống sót.
Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót.
Sài Gòn, 1965
Thanh Tâm Tuyền
Lần in thứ hai (1965)
Cuốn sách mỏng manh, non nớt và chưa thành hình dáng này của một người mới lớn lên. Hắn lớn lên trong một thành phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết, Hắn đọc Marx tìm thấy giấc mộng “biến cải thế giới”, đọc Rimbaud tìm thấy giấc mộng “thay đổi cuộc đời”, đọc Dostoievski tìm thấy thái độ “tất cả hay không có gì hết” đọc Gide tìm thấy “đời sống thành khẩn trung thực”, đọc Malraux tìm thấy cái hào quang của trí tuệ đối đầu với Định Mệnh, đọc Sartre tìm thấy “cuộc hiện sinh tự do và lựa chọn”. Hắn lớn lên cùng bè bạn, vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối văn mình theo mỗi cám dỗ lớn lao của hư vô. Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bè bạn, dấn mình vào lịch sử, đuổi theo giấc phiêu lưu của trí tuệ: sự thật được tạo nên từ niềm hư vô của tuổi trẻ bị tước đoạt.
Bây giờ hắn ba mươi tuổi, hắn vẫn quay tròn như một nỗi tự do trống rỗng, không làm được gì hơn ngoài một lựa chọn - khó khăn và buồn tủi -: trở thành một nhà văn. Lúc hắn viết cuốn sách này hắn chưa phải là một nhà văn, không muốn là một nhà văn. Hắn chưa biết mình muốn gì vì hắn muốn tất cả. Hắn viết với ý nghĩ trong khi mình viết, người khác chết. Ý nghĩ làm tê liệt hứng khởi tạo tác. Nên sau cuốn sách được in tình cờ, không dự tính, hắn nằm im trong sự bất lực hổ thẹn, hắn phá phách tiêu huỷ không thể hoàn thành những dự thảo, phóng tưởng kế tiếp. Mỗi ngày mỗi nghiền ngẫm trong bất giác của các tình thế kinh nghiệm, hắn nhận thức hắn chỉ là một nhà văn, không thế lực và hèn mọn như mỗi người - một nhà văn bị dìm ngập trong thời đại và xã hội của mình như giới hạn tự nhiên của cõi sống và cõi chết. Hắn dứt bỏ được những mê hoặc, ảo ảnh - về vai trò của nhà văn - của thứ tiếng nói hoàn toàn vang động và làm biến dạng đựơc sự vật một cách cụ thể. Tiếng nói của văn chương chỉ là những lời thầm thì giữa những hỗn độn của lịch sử, lời cô đơn không sức mạnh vì bị lấn áp về mọi phía.
Sự kiêu hãnh của tuổi nhỏ nhường chỗ cho sự bình tĩnh ý thức. Hắn bắt đầu cầm bút thực sự, làm việc giữa những đổ vỡ xáo trộn thách thức. Đối với hắn, cuộc lựa chọn gay go nhất đã xong, hắn biết hắn chỉ còn một tiếng nói để tìm kiếm bè bạn và quê hương.
Người được đề tặng sách này đã chết.
Hắn, tên Vũ Đạo Ánh, chết vào một buổi sáng chủ nhật đầu tháng 9 năm 1964, tại một khu rừng tỉnh Bình Dương, một viên đạn xuyên ngực năm mới ngoài ba mươi tuổi. Vào buổi chiều cuối tháng tám, hắn còn đứng trước một căn nhà trong hẻm ngoại ô, nhìn qua cửa sổ, đèn trong nhà thắp sáng như mọi người đi vắng, cất tiếng gọi. Như những ngày mùa thu, mùa đông nơi thành phố xa khuất cũng hơi ngửa đầu lên cao liếc mầu trời sẫm màu, hắn gọi đứa bạn của thời niên thiếu nghèo khốn, gọi những mộng phiêu lưu đã bị nghiền nát của tuổi trẻ như một Thiên đường cửa đóng. Hắn lủi thủi trở về như kẻ bị bỏ rơi, chạy qua thành phố Sài Gòn buổi tối còn ngơ ngác những âm vang của mấy ngày hỗn loạn. Có lẽ hắn nhớ tới thành phố của tuổi trẻ, như nhớ tới mấy đứa bạn, hắn đã chạy cuống trong đó trên chiếc xe đạp tồi tàn giữa những ngày tháng rách bươm, mơ ước cái cơ hội kết tập được ngày tháng tan rã thành một đời ý nghĩa. Có lẽ hắn muốn gặp đứa bạn để hỏi: tại sao mày không viết được gì thêm nữa ngoài cuốn sách để tặng tao? Cuốn sách hắn nhận được vào một ngày cuối năm nào khi còn đóng đồn trên sườn núi ngoài Trung nhớ quê hương đã lìa bỏ với mẹ và gia đình ở lại, cuốn sách vợ hắn mang liệm theo xác như một kỷ niệm hắn muốn mang đi. Hắn không gặp đứa bạn và tự hỏi: Nó ra sao? Đã lâu hắn không gặp, như ngày nào trong thành phố hoài nghi và khắc khoải, hắn thường tìm bạn và hỏi: thế nào, chúng mình sẽ đi về đâu?
Hắn chết gục nên một gốc cây mau lẹ, không đau đớn. Hắn nằm đó, ngoẹo sang một bên, gối lên cỏ như một người ngủ mệt sau đoạn đường hiểm trở của Định Mệnh - Định Mệnh của một thế hệ, những người còn sống là kẻ sống sót. Hắn đã đi từ tuổi trẻ bị tước đoạt, tới nằm đó trong khu rừng giữa cuộc chiến phơi mình làm một sự thật thô sơ: ở đây, trong xứ sở khốn nạn này, cuộc chiến phải chấp nhận không phải là lối phiêu lưu trốn chạy ngông cuồng. Cái chết của hắn không phải là một huyền thoại Rimbaud, một huyền thoại Lawrence, tên bạn hắn hiểu được như vậy.
Chúng muốn gì? Người chết cho kẻ khác sống sót. Chúng muốn gì?
Những nhà phê bình ở Hà Nội đã gọi các nhân vật trong cuốn sách này là bọn tôi mọi nô lệ, họ hỏi: trong khi họ xây dựng xã hội chủ nghĩa, bọn này đi đâu? Những người ở Hà Nội không khi nào tự đặt câu hỏi với mình, những câu họ thường đặt cho kẻ địch. Bọn chúng đã đi trong thống khổ của lịch sử với cái chết, cái chết như sự từ chối quyết liệt. Tại sao? Đáng lẽ họ phải tự hỏi: tại sao? Cái chết lựa chọn không phi lý, nó sẽ làm nảy sinh sự thật, sự thật của những người chết truyền lưu cho kẻ sống sót.
Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót.
Sài Gòn, 1965
Thanh Tâm Tuyền
*
1.
Tôi tìm Thanh ở chỗ làm việc của nàng. Thanh là em họ tôi.
Bên trong cửa hiệu những cô gái chăm chú vào công việc của họ. Thanh bỏ cuộn len hồng xuống phản đón tôi. Nàng cười:
“Em đang có ý muốn gặp anh lắm.”
Tôi gật đầu. Người con gái đứng tuổi ngồi ở máy ngước mắt nhìn tôi có vẻ nghi ngờ. Có lẽ cô là người điển khiển cửa hiệu. Tôi lễ phép chào cô, lần thứ nhất tôi đến đây. Tôi bảo Thanh:
“Thế nào cô đã giúp anh việc anh nhờ chưa?”
“Sẵn sàng rồi ạ. Anh đợi em một tý.”
Thanh quay vào trong tìm kiếm. Trong khi ấy tôi ngắm những tủ kính sáng bầy vải vóc, len sợi, những chiếc áo dài, áo len đã hoàn thành. Tôi nhìn những ngón tay thoăn thoắt với mũi đan và tấm vải dạ trải dưới những mái cúi. Người con gái đứng tuổi ở bàn máy lên tiếng:
“Mời ông ngồi chơi.”
Tôi hơi nhích người đáp lễ:
“Cám ơn cô.”
Và tôi vẫn đứng nguyên cạnh quầy hàng. Thanh đưa cho tôi một gói giấy báo và mở ra nói:
“Chỉ mới có khăn quàng thôi, áo thì em chưa tìm được cái nào vừa ý cả.”
Tôi không nhìn đến màu của cái khăn và gói gọn lại.
“Cám ơn cô lắm. Áo thì cô mua sau hộ anh cũng được.”
Tôi vừa định trở gót.
“Anh chờ em, em có câu chuyện muốn nói với anh – Thanh quay nói với người con gái đứng tuổi ngồi ở máy - Chị Nga em ra ngoài một lát chị nhé.”
Nga tươi cười dễ dãi và tôi cúi chào nàng nói khẽ: “Xin phép cô.”
Ra đến ngoài hè, tôi hỏi:
“Minh đã đi học rồi chứ. Có chuyện gì quan trọng lắm không cô?”
Thanh không trả lời vào câu hỏi của tôi:
“Anh nên mời em uống một cái gì cho ấm bụng.”
“Cô phải để anh kiểm lại ngân sách cái đã.”
Tôi cười và lúc này gió nhiều ở chùm cây trên đầu.
“Anh làm như anh nghèo lắm ấy.”
“Cũng tạm thôi.”
Thanh đưa tôi vào tiệm trà đầu phố. Tôi gọi cho tôi một cốc cà phê nóng và Thanh một cốc sữa. Buổi sáng mùa đông ngây ngất, trưa còn xa. Trong tiệm nước chỉ có hai chúng tôi. Thanh choàng cái khăn đỏ mỏng suốt làm má đỏ hồng. Tôi nhớ vừa rồi đi cạnh tôi trên vỉa hè nhiều lá vàng lăn chạy, Thanh rất đẹp. Nàng đang đưa ngón tay vạch trên thành cốc.
“Cô có biết là cô nổi danh rồi không?”
“Ai bảo anh thế?
“Tôi bắt đầu phải nghe cô.”
“Hân hạnh.”
Thanh hát trên đài vô tuyến được vài tháng nay. Giọng nàng ấm và buồn. Lúc thường tính tình Thanh vui vẻ đua nghịch bao nhiêu thì lúc hát giọng Thanh ướt nước mắt bấy nhiêu. Tôi không ưa âm nhạc mà nghe Thanh hát cũng cảm động. Thanh mồ côi cha mẹ và còn em gái là Minh. Hai chị em đùm bọc nhau từ ngày hồi cư bằng nghề đan may của Thanh. Đôi khi tôi nghĩ tôi có thể yêu Thanh và che chở cho Thanh, dây thân thích giữa chúng tôi không đáng kể. Có lẽ Thanh cũng cảm thấy điều ấy ở tôi và sẵn sàng thuận ý nếu tôi ngỏ lời – Thanh thì không dám bộc lộ trước vì đối với tôi sự kính nể của nàng rất to lớn. Nhưng tôi chưa bao giờ nói ý nghĩ của tôi cả.
“Anh Tâm”, Thanh ngừng một chút và ngón tay đứng lại trên mặt bàn. “Hiền hỏi thăm anh…”
Tôi biết đây không phải là câu Thanh định nói với tôi, tôi tuy thế cũng gật đầu để làm vừa lòng nàng. Hiền là người yêu cũ của tôi.
“Hiền vẫn mạnh khoẻ chứ? Bao giờ thì chia trầu cau.” Tôi hỏi gỡ rối cho Thanh.
“Hiền còn đợi anh.”
“Cô không nịnh anh cô đấy chứ?”
Thanh nhìn tôi trách móc cho tôi đùa quá đáng bởi vì tôi cười hơi lớn. Thanh lại im lặng và tôi nhìn vào cái khăn đỏ suốt để đừng phải nghĩ về Hiền. Một lát Thanh hỏi:
“Anh quen thân với anh Chu phải không anh?”
Tôi hơi ngạc nhiên những câu trả lời:
“Có lẽ.”
Thanh tỏ ý không hiểu câu trả lời. Năm 45, ngày tiếng súng nổ ở Nam Bộ, Chu và tôi là đôi bạn thân cùng đi từ Nam ra Bắc. Cuộc hành trình của chúng tôi bằng xe lửa cho tới Đà Nẵng và thuyền Đà Nẵng trở ra. Chính trong không khí vừa vui mừng vừa Hà Nội và cũng ở Hà Nội tôi và Hiền yêu nhau một năm trước ngày kháng chiến. Mối tình của chúng tôi càng tha thiết đằm thắm gắn bó khi không khí chiến tranh, chết chóc tàn phá cũng mãnh liệt. Lần gặp gỡ đầu vào một đêm tối ở một đại lộ vắng. Trời không lạnh lắm. Không bao giờ tôi quên được người ta giết nhau trứơc mắt chúng tôi lúc đó. Trong đêm tối một tiếng la thất thanh rồi hai người bỏ chạy. Tôi không kịp cảm, suy nghĩ gì hết. Hiền run như một con chim nhỏ trong cánh tay tôi. Chúng tôi ôm nhau đứng đấy cho đến khi hồi tỉnh và lặng lẽ rẽ sang phố khác. Người chết vẫn nằm kia. Về Hà Nội trở lại, tôi không thể yêu Hiền được nữa, mặc dù Hiền không quên tôi.
“Thế nghĩa là thế nào?”
“Nghĩa là trước là thân mà bây giờ thì thôi.”
“Cô không phải là đàn ông. Hôm nay người ta có thể thân nhau lắm mà ngày mai đã hững hờ rồi, vì nhiều nguyên cớ mà cũng có thể chẳng có nguyên cớ nào hết. Rồi người ta lại có những người thân khác, thân khác nữa, ở mỗi ngày, mỗi năm, mỗi giai đoạn của cuộc sống.”
Thanh đã trở lại ngoan ngoãn. Nàng nhìn tôi đôi mắt phục tùng. Tôi hỏi:
“Nhưng tại sao cô lại hỏi tôi về Chu?”
Thanh không trả lời ngay và có vẻ đăm chiêu. Chu bây giờ làm một hãng buôn ngoại quốc. Tôi chỉ gặp Chu một lần từ ngày hồi cư. Câu nói đùa của tôi với Chu là:
“Cậu thôi nghiên cứu vấn đề khủng hoảng kinh tế rồi ư?”
Chu thật thà đáp:
“Chuyện viển vông chẳng ích lợi gì cả.”
Tôi lại hỏi Thanh”
“Tại sao cô lại hỏi tôi về Chu?’
“Cô Nghĩa bảo Chu muốn đánh tiếng hỏi em.”
“Nếu thế Chu là một người chồng tốt.”
“Cô nghĩ thế nào về chuyện ấy.”
“Em muốn hỏi ý kiến anh.”
“Cô hoàn toàn tự do.”
Thanh trông thẳng vào mắt tôi, giọng buồn như lúc nàng hát:
“Chúng em cũng chỉ còn anh gọi là thân, bởi thế em muốn được ý kiến anh về câu chuyện quan trọng này.”
Tôi nghiêm nét mặt:
“Cô cũng biết là tôi cũng chỉ có cô và Minh là thân thuộc…”
Tôi uống nốt cặn cà phê và im. Rồi tôi nói sau một lúc lâu:
“Cô để cho tôi suy nghĩ, trả lời cô sau.”
Nói thế, nhưng tôi không biết tôi sẽ suy nghĩ về cái gì.
Khi đứng lên, Thanh nhắc:
“Anh cầm gói khăn quàng chưa?”
Tôi đưa Thanh về đến cửa hiệu và đi xe điện xuống chợ Hôm thăm Đại. từ chỗ đỗ xe điện, tôi đi bộ qua một phố không trải nhựa rồi lên những viên đá xanh, đến phố Lò Đúc.
Căn nhà gác ba từng quét vôi đã đỏ uá, già nua. Qua một cái sân nhớp nước, tôi leo lên cầu thang ẩm mốc hôi hám. Gian buồng của Đại ở từng ba là gian buồng chứa vật dụng cũ bỏ không cho thuê với giá ba trăn đồng. Buồng kê vừa gọn một cái giường và cái bàn gỗ không có ghế thừa đủ một chỗ trống để bước vào trèo lên giường. Ngoài căn buồng là khoảng sân trời có những dây thép giăng ngang làm nơi phơi quần áo của những gia đình ở từng gác hai. Hôm nay trời nhiều hơi nước nên sân quang đãng.
Đại ngồi co ro ở một góc phản đọc sách. Còn một người thanh niên nữa ngồi học trước bàn. Tôi nói:
“Tôi mang xuống cho cậu cái khăn quàng.”
Đại mở gói: đó là một cái khăn dạ màu xám. Tôi tiếp lời:
“Để dùng lúc nào ra ngoài thôi, ở đây đóng cửa lại thì ấm chán.”
Đại cười chỉ lên chỗ những miếng trống hình chữ nhật dẹp cao hai bên giường:
“Anh đừng tưởng tượng, lạnh ghê lắm nhé. Gió hút, tôi phải hy sinh ánh sáng, dán giấy bít, mà gió còn thổi rách như thường.”
Chúng tôi bước ra sân. Người thanh niên vẫn chăm chú làm việc không để ý đến sự có mặt của tôi. Đại cầm ở tay cuốn Crime et châtiment. Tôi hỏi:
“Cậu đến trường luôn không?’’
“Không.’’
“Làm gì ở nhà?’’
“Đọc sách và suy nghĩ.’’
“Suy nghĩ về phép giết người chăng?’’, tôi nói đùa.
Đai không đáp. Chúng tôi đứng nhìn xuống khu xóm lao động phía dưới. Đại bỗng nói:
“Nó đến trường tìm mình dữ lắm.’’
“Cậu quyết định thế nào?’’
Đại trầm ngâm một phút:
“Chưa.’’
Đại là sinh viên khoa học, đã qua được chứng chỉ căn bản. Hắn bị gọi động viên và đang trốn.
“Nghĩ gì về Dostoievski?’’ Tôi hỏi.
“Bệnh.’’
Tôi không ưa lối nói cụt lủn của Đại. Hắn rất say đắm chủ nghĩa cộng sản. Những căn nhà thấp đã bốc khói. Không khí ấm hơn. Tôi nhìn bâng quơ những ngọn cây.
“Còn cậu có gì thay đổi không?’’ Hắn hỏi tay lật tiếp mấy trang sách.
“Chiều mai tôi sang Bắc Ninh.’’
Tôi chợt nhớ đến lời hứa với Thanh sẽ cho Thanh biết ý kiến mình về việc của Chu và nàng. Nhưng tôi không cho là quan trọng, Thanh sẽ quyết định theo ý riêng của nàng.
“Tại sao lại bỏ Hà Nội?’’
“Tôi chán đây rồi. Sang bên ấy ở ẩn cho qua ngày.’’
“Có chắc ẩn được hay không?’’
“Không biết. Nhưng chắc được, ở ngay trong trường với các linh mục. Bên này nó nghi ngờ những liên lạc và hành vi của mình quá rồi.’’
“Những liên lạc hành vi nào?’’ Đại hỏi ngạc nhiên.
“Một vài chỗ quen biết hoạt động nội thành, một vài chỗ các đảng phái khác, thư từ, sách đọc, công việc cũng đủ làm nó khó chịu, còn gì hơn.’’
Tôi ngồi trên bực gạch. Đại trông thẳng mặt tôi nghiêm trang. Hắn móc túi đưa cho tôi một lá thư.
“Thư của người bạn ở chiến khu Trình Minh Thế.’’
Tôi nhìn qua rồi trao trả cho Đại. Hắn vừa cất lá thư vừa nói:
“Tôi nghĩ rằng cho đến bây giờ không thể đi khác hơn được. Nó còn đúng. Mình còn phải nhắm mắt nhận lấy thân phận của giai cấp mình.’’
Nó - Đại muốn nói về chủ nghĩa cộng sản. Tôi cầm lên cuốn sách của Đại để sang bên và trông vào tấm hình. Tôi nói:
“Tôi cũng nghĩ như thế nhưng tôi lại muốn nghĩ thêm chút nữa. Tôi không nghĩ đến thân phận giai cấp mình, tôi muốn nghĩ đến thân phận giai cấp khác, thân phận ngay chính giai cấp vô sản ấy.’’
“Làm thế nào được khi đế quốc còn đủ nanh vuốt. Tôi không tin lực lượng thứ ba.’’
Câu chuyện ngừng ở đấy như thường lệ. Chúng tôi gặp nhau vì cùng ham thích nghiên cứu chủ nghĩa mác-xít. Trong khi trở vào buồng. Đại bảo:
“Tôi đang bị đuổi nhà.’’
Người thanh niên vẫn làm việc đều đặn.
Tôi nói:
“Tiện cậu xuống nhà tôi.’’
“Cậu vắng nhà?’’
“Không sao. Ông Chính dễ dãi.’’
Và tôi ra về. Đại đưa tôi xuống tận dưới đường và hình như còn điều gì muốn nói.
Ông Chính không về nhà buổi trưa. Tôi ở thư viện buổi chiều. Mưa bụi suốt. Chưa đến sáu giờ trời đã sập xuống. Tôi rời thư viện khi những ngọn đèn treo được bật soi trên các mặt bàn gỗ dài phẳng nhẵn và lò sưởi sắt dưới chân các cột được đốt lên. Tôi gặp ông Chính ở phố Hàng Trống nhưng chúng tôi làm như không nhận ra nhau dù hai người đã đi ngược chiều trên cùng một bờ hè. Tôi kéo cao cổ áo choàng và nhìn sang phái bên hồ.
Tôi về nhà bẩy giờ, ông Chính vẫn vắng mặt. Tôi đợi ông đến quá bẩy giờ rưỡi. Người thổi cơm ở chung nhà mang cơm sang và hỏi:
“Cụ chưa về thưa ông?’’
“Có lẽ cụ tôi không về ăn bữa nay.’’
Tôi ngồi ăn mỗi mình. Chín giờ ông Chính về. Tôi nghe được tiếng chân ông từ ngoài ngõ. Tôi đã đi nằm vì buổi trưa không ngủ và tinh thần căng thẳng sau mấy tiếng đồng hồ vùi đầu trong thư viện. Ông Chính thay quần áo, sửa soạn giường của ông, xong lên giường nằm đọc sách.
Chúng tôi biết sắp phải nói với nhau nhưng chưa ai mở đầu.
Ông Chính là cha ghẻ của tôi. Sau khi mẹ tôi mất đi, ông còn đủ tuổi để có thể lập một gia đình mới và tôi cũng có thể bỏ ông để sống độc thân. Dù vậy chúng tôi không xa nhau. Có lẽ chúng tôi rất thương nhau nhưng vì ít nói hoặc vì lẽ gì đó chúng tôi không được tự nhiên khi gần nhau. Chúng tôi làm việc chung một trường mà tôi chắc ít người rõ sự liên lạc giữa chúng tôi. Khi tính chuyện rời Hà Nội, tôi có nghĩ đến sự thoải mái cho hai người. Mỗi người chúng tôi theo đuổi một cuộc đời riêng. Tôi nghe ông Chính trở dậy tìm nước uống và tôi cũng ngồi lên. Trong khi rót nước, ông hỏi tôi:
“Anh đã nói với trường là anh nghỉ phải không.”
Tôi ngượng ngùng vài giây và trả lời:
“Vâng, tôi cũng định ngày mai nói với thầy mai tôi sang bên ấy.”
“Bắc Ninh?”
“Vâng, một trường công giáo.”
Chúng tôi đã bước qua sự khó khăn và ông Chính đến ngồi trước mặt tôi. Mỗi lần như thế tôi biết ông muốn nói với tôi điều gì quan trọng. Ông Chính nói:
“Chắc anh đã tính kỹ rồi?”
“Vâng.”
“Theo tôi anh vẫn có thể ở Hà Nội được.”
Tôi không trả lời mà nhìn thẳng vào ông. Tôi muốn bảo: “Ông không hiểu được chúng tôi.” Ông Chính đã già xuống nhiều, bàn tay ông úp sấp nổi gân và run. Năm 45, ông là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng và có dự vào cuộc tương tàn lịch sử. Tuy thế tôi cho là hai thế hệ gần nhau nhất vẫn khó đồng ý với nhau.
“Ở tỉnh nhỏ là một điều phiền phức.” Vẫn ông Chính nói, “Nhất là…”
“Không, nếu mình chẳng làm gì cũng không ngại.”
“Anh không thấy bên ấy không được an ninh lắm hay sao?”
Tôi lấy cớ đứng lên rót nước uống để chưa trả lời ngay. Xong tôi nói:
“Dạ, tôi cũng thích sống cái không khí bất trắc một chút. Ở đây có lẽ bình yên quá.”
Thật ra thành phố này cũng chẳng bình yên. Thỉnh thoảng nó vẫn rung động vì những tiếng nổ lớn vây quanh và đèn pha thường đốt sáng khoảng trời đen của nó về đêm tối. Ông Chính nhíu mày. Tôi đã ngồi lại trước mặt ông. Ông hỏi:
“Trường bên ấy có khá không?”
“Lớn và đẹp. Tôi được một buồng yên tĩnh để làm việc và cơm nước cũng do nhà trường lo.”
Ông Chính ngồi im, lưng cúi xuống. Tôi nghĩ chúng tôi sắp chia tay đi nghỉ. Ngoài trời mưa thành hạt lên tiếng, hắt qua cửa sổ vào đến chỗ chúng tôi.
“Mai anh đi buổi sáng hay chiều?”
“Dạ chiều. Chiều để tránh mìn.”
Ông Chính đứng lên khép cửa và cửa sổ. Bóng ông in lên vách. Ông dừng một phút nhìn qua cửa sổ ra ngoài và hỏi tôi - mưa lúc ấy đổ mạnh khiến tiếng ông thấp thoáng và tôi sởn gai ốc khắp người vì lạnh:
“Anh Tâm. Tôi muốn anh thành thật trả lời câu hỏi này của tôi.” Vài giây cách quãng, mưa to hơn. “Giữa chúng ta có xảy ra một chuyện gì không đẹp không? Anh cứ nói thẳng với tôi.”
Tôi muốn đứng dậy, nhưng không rời chỗ. Tôi nghe trong tiếng mưa vẫn còn vang tiếng của ông Chính khắp gian phòng.
“Thưa thầy không bao giờ tôi nghĩ lại có thể có câu hỏi ấy giữa thầy và tôi.” Tôi bị xúc động mạnh.
Ông Chính đã quay người lại. Mắt ông chớp nhanh, ông nói:
“Tôi muốn giữa chúng ta có được sự thẳng thắn.” Ông nuốt nước bọt. “Dù thế nào chúng ta cũng đã sống với nhau hơn mười lăm năm, lúc có mẹ cũng như lúc không. Lúc nào tôi cũng coi anh là người thân nhất của đời tôi và tôi chắc anh cũng như tôi vì anh cũng chẳng còn ai thân thích. Trước khi lấy mẹ, tôi có một đứa con gái nhưng chúng tôi không sống gần nhau…”
Ông Chính không gọi mẹ anh, ông gọi mẹ để tỏ sự kính trọng. Sự có mặt của người đàn bà ấy hiện lên giữa chúng tôi. Chính người đàn bà đau khổ cho đến khi nhắm mắt ấy là người buộc chúng tôi với nhau. Ngay những giờ phút mong manh nhất, người vẫn với sự âm thầm cố hữu nối kết chúng tôi; năm 45 tôi ở miền Nam, còm ông Chính ở biên giới Trung Hoa và rồi chúng tôi lại trở về bên người đàn bà ấy. Và chính bây giờ vẫn còn người ấy, mãi mãi chăng? Bắp thịt má ông Chính giật giật. Tôi bàng hoàng nói:
“Thầy đừng nên có ý nghĩ ấy. Không hề có một câu chuyện nhỏ nào cả. Nếu có chỉ là sự vụng về của tôi khiến thầy nghi ngờ thì tôi xin lỗi thầy. Thầy cũng hiểu những điều dự tính riêng, nhưng bao giờ tôi vẫn là con thầy như khi còn mẹ và…”
Mưa dịu hơn lúc trước. Ông Chính ngồi xuống.
Chúng tôi đi nằm vào lúc mười một giờ. Tôi thao thức không sao ngủ được. Mưa dầm và lạnh. Ông Chính chong đèn đọc sách khuya. Tôi biết ông cũng không ngủ được. Tôi thương ông vô cùng, sự già cả và cô đơn vây lấy ông. Tôi nhớ đến ngày giỗ mẹ tôi vừa qua, chúng tôi không ai làm gì cả; buổi tối hôm ấy, ông Chính không về nhà và tôi đi ngủ sớm. Giá có một người đàn bà chúng tôi sẽ thân nhau ở những chuyện nhỏ nhặt ấy. Khi tôi ngủ, đèn đọc sách của ông Chính vẫn sáng.
Gần ba giờ sáng. Mưa rơi sâu vào giấc mơ.
[1]"… c’est que l’idéal, jusqu’à
présent, a été la véritable force de dénigrement appliquée au monde et à
l’homme… la grande tentation du néant." Nietzsche (La volonté de puissance)
2.
Chiều nay là chiều thứ bảy.
Tôi khởi hành khi ông Chính vắng nhà. Hành lý gồm ba bộ quần áo mặc ngoài, ba bộ lót mình, tài liệu giáo khoa, một vài cuốn tiểu thuyết và thơ ưa thích trong một va ly nhỏ xách tay.
Ra bến xe, tôi qua những phố Tiên Tsin, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng. Lúc qua ngã tư Hàng Đường, tôi nhìn thấy đám đông ở dưới chợ Đồng Xuân và trên đầu Hàng Đào. Tôi có thể nán lại cho đến chiều chủ nhật nhưng tôi không muốn.
Chuyến xe nhỏ đưa tôi sang Bắc Ninh với tất cả buổi chiều theo nó. Hành khách chỉ có bốn người – hai người lái buôn ăn mặc nửa tỉnh nửa quê, và một người chừng có chức nghiệp ở tỉnh nhỏ và tôi. Không có đàn bà. Tôi và người chừng có chức nghiệp chia nhau trả tiền những chỗ trống để xe chạy sớm. Tôi ngồi cạnh người tài xế.
Qua Gia Lâm chuyến xe từ biệt những người bạn đường số 5 của nó, giờ này đã thưa, để chạy vào con đường riêng lẻ loi. Khỏi Cầu Đuống, tôi hoàn toàn ngồi trong sự bỡ ngỡ. Sở dĩ tôi biết được Cầu Đuống không phải vì tôi nhận ra nó mà chỉ vì tôi biết tôi phải qua Cầu Đuống. Cây cầu cũng tẻ nhạt như cảnh xung quanh: đồng ruộng, nhà cửa, chợ búa, rào gai, điếm canh, dòng sông và những người lính gác, những người khám xe, những người bán hàng bên đường. Cây cầu kêu dưới bánh xe với tiếng nước xoáy lạnh dưới chân trong buổi chiều ngất ngư chưa muốn ngã. Người tài xế đã giụi tắt mẩu thuốc lá để rớt những đường khói nhạt trên mặt kính và tàn lên tay lái. Không ai nói với nhau lời nào.
Tôi không nhận ra đâu là Yên Viên, đâu là Phủ Từ. Cảnh quen mắt và không thay đổi: những dãy chợ lá lèo tèo vắng ngắt, những người nhà quê ngồi xổm co ro mặt tái ngoét hai tay thu vào bụng. Thỉnh thoảng một chiếc xe hàng quay mũi vào lớp chợ thấp chờ đợi với sự trống trải yếu ớt. Không hiểu làm cách nào những chiếc xe ấy có thể về kịp thành phố trước khi người ta cấm cầu? Không ai nói một lời nào. Mọi người đều lạ nhau.
Tôi châm lửa đốt thuốc lá.
Chuyến xe đã đến gặp núi. Núi tím lớn làm nhỏ cả thế giới hiện có của chúng tôi. Những khu đồn chiến tranh với nứa nhọn, dây thép gai đứng đấy cho chiếc xe đi vào giữa. Đá xanh nhỏ bắn rào sang hai bên đường. Trên chòi canh, hai con mắt người lính gác tối đen nhìn sang núi.
Chuyến xe dừng lại trạm kiểm soát trước khi vào tình lỵ. Trong trạm người ta đã thắp đèn. Chúng tôi lần lượt trình thẻ căn cước. Ở trong trạm người ta nói chuyện với nhau không to lắm. Xe không chạy thẳng vào phố mà đi vòng quanh những khoảng đường còn bỏ hoang. Bến xe thưa. Hàng quán vắng người, có những gian quán trống. Không còn chuyến xe nào trở về Hà Nội. Chỉ còn vài chiếc đậu đấy bỏ không.
Tôi đứng xuống và xốc lại cổ áo, trước mô đất cao chạy dài như con đê. Trước kia đường xe lửa chạy trên ấy và đây là ga xe lửa. Con đường dốc Cầu Gỗ nhập vào bến xe, tôi không bước lên để nhìn xuống phía bên kia dốc.
Tôi đi bộ về trường. Các cửa hàng bắt đầu đóng. Hè đường là những nhóm binh sĩ tụ tập rong chơi. Điện thì mỏng như cánh chỉ một vài tiệm nước treo đèn măng sông ra trước cửa.
“Thầy là thầy Tâm."
Đó là câu hỏi đầu tiên riêng cho tôi ở buổi chiều nay của ông già gác trường, ngồi trên bực đá dưới mái hiên sâu thẳng cổng vào. Ông mặc một cái áo vét tông đã hỏng vai.
Tôi trả lời:
"Phải."
Ông già đưa tôi vào phòng khách nói:
"Thầy đợi đây, tôi đi mời cha Tân."
Ông bỏ tôi một mình và quên bật đèn.
Cha Tân vào, ông già đứng sau lưng. Cha bật đèn lên và hỏi:
"Chào thầy, thầy đi đường có mệt không?"
Chúng tôi bắt tay nhau và tôi trả lời:
"Cám ơn cha, giời lạnh nên không mệt lắm."
Trong khi đưa tôi về phòng riêng, chúng tôi đi qua dãy hành lang sâu tối om và vang vang trước những lớp học nghỉ ngơi, cha Tân nói:
"Tôi tưởng thầy không sang hôm nay."
Tôi hỏi:
"Tại sao cha lại đoán thế?"
Ông già sách va ly của tôi đi sau.
"Hôm nay chiều thứ bẩy mà", cha Tân cười thành tiếng. "Các thầy ở bên này về chơi Hà Nội cả rồi. Thầy vắng bạn."
"Ồ, thứ hai các thầy ấy phải trở về chứ, thưa cha?’’
"Tất nhiên’’, cha vừa nói vừa làm tiếng chậc chậc trong miệng.
Chúng tôi cùng cười. Gian buồng của tôi ở trên gác. Tôi lại phải đi qua một cái hành lang sâu như ở dưới nữa vì buồng gần cuối dãy. Khi chúng tôi hết nói chuyện, tôi nghe tiếng sột soạt của bộ áo nhà tu bên cạnh và tiếng chân không đều của ông già gác. Những căn phòng đóng chặt cửa.
Đứng lại trước cửa buồng của tôi, cha Tân dùng chìa khoá mở cửa và bảo:
"Đây là buồng của thầy. Thầy cần điều gì cứ hỏi.’’ Cha quay sang ông già gác vẫn xách cái va ly trên tay: "Ông đưa thầy đi rửa mặt nghỉ ngơi để dùng bữa.’’
"Cảm ơn cha.’’
Người tu sĩ bước trở lại vào bóng tối sâu hút với tiếng sột soạt của bộ áo xa dần. Còn hai người, ông già đặt va ly lên một cái ghế và bật đèn. Đó là một căn buồng vuông vắn. Ở một góc kê một cái giường sắt cho một người, một bàn đêm đầu giường, một bàn lớn làm việc giữa buồng với hai cái ghế. Buồng có một cửa sổ đối với cửa ra vào. Trên tường treo một chữ thập lớn bằng gỗ, tượng bạc chạm nổi. Tôi thay quần áo và ông già thu dọn lại giường chiếu. Tôi yêu cầu ông phụ tôi kê lại cái bàn làm việc vào một góc khuất. Ông già không nói gì nữa.
Ông đưa tôi đến phòng rửa mặt ở đầu dãy.
Tôi xuống phòng ăn, một phòng rộng và dài, ở phía trong và cuối sân, nền đất. Gian phòng rất rộng chỉ kê một bàn ăn dài còn trống trải vô cùng. Điện yếu, người ta thắp nến ở một góc bàn. Cha Tân đứng lên tiếp tôi và giới thiệu với mọi người.
"Giới thiệu với các thầy, thầy Tâm giáo sư Việt văn mới của nhà trường.’’
Tôi cúi chào tất cả. Độ gần hai mươi người hầu hết là nhà thầy mặc áo dài đen. Hai người thanh niên còn nhiều vẻ nhà quê đứng hầu bàn. Tôi ngồi bên cạnh cha Tân. Người ta đọc một đoạn kinh trước khi cầm đũa. Gió vi vút thổi từ những phía tối vào. Sau đó tôi mời mọi người. Rất ít tiếng chuyện trò nếu có chỉ đủ vừa hai người nghe với nhau. Cha Tân bảo tôi:
"Có hai thầy ở ngoài như thầy lại về Hà Nội chơi cả.’’
Tôi mỉm cười và không đáp lại.
Sau bữa cơm trời lạnh thêm nhiều. Về phòng tôi đi cùng với một nhà thầy. Cha Tân từ biệt tôi để đi dự khoá lễ buổi tối. Chúng tôi không vào mà đứng tựa lan can ngoài hành lang nhìn xuống sân trường. Ngoài trời tối và gió. Tiếng chuông nhà thờ chụp xuống.
"Anh vẫn còn học chứ?’’ Người bạn mới hỏi.
"Vâng.’’
"Anh có bị gọi động viên không?’’
"Chưa anh ạ.’’
Đứng lâu, ngoài những dãy lớp học đối diện thấp và căn nhà làm phòng ăn, tôi nhận thêm được cây cột cờ ở giữa sân. Từ xa vọng lại những tiếng nổ lớn. Tôi mời người bạn hút thuốc nhưng anh từ chối. Tôi châm lửa, ánh sáng bốc lên một khoảng nhỏ đủ cho tôi nhìn khuôn mặt người đứng gần.
"Ở bên này không được yên phải không anh?’’
"Vâng, anh sẽ gặp những buổi họp lớp vắng tanh vì học sinh phần đông ở các làng chung quanh, những dịp hành quân, họ không thể lên tỉnh được.’’
"Nhưng tâm hồn thì bình yên.’’ Tôi nói.
Có lẽ người bạn hơi ngạc nhiên vì câu nói. Anh ta ngước trông về phía nhà thờ. Những tiếng nổ gần thêm và rung động mạnh.
"Anh đi tìm sự bình yên của tâm hồn. Anh mất lòng tin rồi hay sao?’’
Người bạn nhầm tôi là người Công giáo. Tôi không trả lời.
Chúng tôi chia tay vào phòng trong khi tiếng nổ liên tiếp dữ dội hơn. Người bạn đứng lại ở cửa buồng nói:
"Đã có lần trường bị moóc-chê đấy!’’
Tôi mỉm cười, đốt tiếp điếu thuốc nữa. Tôi đọc sách đến khuya, súng vẫn không ngớt.
Nửa tháng đi qua. Tôi làm việc ba giờ mỗi ngày về buổi sáng. Buổi chiều là giờ soạn bài hoặc chấm bài hoặc đọc sách. Buổi tối là cái hành lang sâu hút và nền trời đen thẫm. Ngoài cha Tân, người bạn độc nhất của tôi là Nhiên - nhà thầy tôi quen hôm mới đến. Trường không nhận nữ sinh, tôi không liên lạc với ngoài đường và rất ít xuống dưới ngoài hai bữa ăn, ngại phải đi qua những phòng học trống. Mỗi buổi trưa ông già gác gõ cửa trao cho tôi tờ báo hằng ngày.
Trưa nay tôi tỉnh giấc, nghe tiếng chân lạ đi ở ngoài và tiếng nói vang chạy. Tiếng gõ cửa của ông già gác và ông mang lại cho tôi Đại. Chúng tôi bắt tay nhau và Đại ngồi xuống ghế. Tôi hỏi ông già:
“Hôm nay chưa có báo hả ông?”
Ông già:
“Không thấy xe thường ngày đi qua, chắc xảy ra chuyện gì. Thầy đợi tôi ra phố mua vậy.”
Ông già ra khuất, tôi hỏi Đại:
“Hà Nội không có gì lạ chứ?”
Đại lấy trong túi áo ra đưa cho tôi một xấp thư nói:
“Đây là thư của cậu. Tôi đã bị đuổi nhà và xuống ở nhà cậu được mấy hôm nay. Không thấy cậu về ông Chính bảo tôi sang chơi thăm.”
Tôi cầm xấp thư, cả thảy năm cái: hai cái của Francoise, một của Bình, một của Hoà, và một cái thư lạ. Tôi để cả vào túi áo hỏi:
“Ông Chính vẫn mạnh?”
Đại gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
“Còn chuyện của cậu ra sao?”
“Dạo này bố ráp nhiều. Nhưng sang đây không bị khám xét gắt gao lắm. Cũng dễ chịu đấy nhỉ?”
Đại đi dạo quanh quan sát căn buồng.
Tôi thay quần áo rồi bảo:
“Chúng ta xuống phố.”
Phố chỉ là một con đường chạy qua cửa trường nhà thờ nối trạm kiểm soát đầu tỉnh và chợ. Chúng tôi sang bến xe vào một cái quán giữa sự nhộn nhịp. Chúng tôi ngồi xuống ghế dài trước một cái bàn gỗ thấp có ống đũa, ngọn đèn dầu, bình điếu thuốc lào. Hai người phu xe, một trẻ một già, bàn cãi về vụ nổ mìn buổi sáng. Tôi nhìn ra ngoài bến. Từ một chiếc xe hàng sắp chạy một người thanh niên nhảy xuống đi hấp tấp về phía chúng tôi ngồi gọi:
“Anh Tâm, anh Tâm.”
Hắn có khuôn mặt vuông và miệng rộng, áo len đỏ cũ và áo Blouson ka ki. Hắn nắm lấy cánh tay tôi hỏi:
“Anh Tâm, anh còn nhớ tôi không? Long đây. Long lớp nhất trường núi.”
Tôi ngồi dịch một khoảng ghế nói:
“Có tôi nhớ rồi. Anh ngồi xuống đây.” Tôi chỉ Đại, “anh Đại bạn tôi.”
Long ngượng nghịu vì người thứ ba. Nhưng Long lại quên đi và nói:
“Xe gần chạy thoáng thấy anh tôi nhớ ngay. Chúng tôi đã về Đáp Cầu rồi. Tôi về với gia đình cô Mùi tôi. Hôm nào anh lên chơi. Anh làm gì bên này?”
Tôi đáp:
“Tôi dạy học ở trường gần đây.”
“Hôm nào anh lên chơi. Nhà chúng tôi vẫn ở chỗ cũ.”
Tôi hỏi:
“Không bị phá huỷ hay sao?”
Long cười:
“Có chứ. Nhưng chúng tôi dựng tạm nhà trên nền cũ. Tan hoang hết cả. Anh lên sẽ biết. Nhiều sự thay đổi lắm."
Long nháy mắt coi như sự thân mật đã tìm thấy giữa chúng tôi. Tôi hỏi:
"Bây giờ anh đi đâu?"
"Tôi sang Hà Nội. Anh ở đâu hôm nào tôi đón anh đi cho anh đỡ lạ."
Tôi cho Long biết chỗ ở của tôi và Long bắt tay từ biệt. Khi Long Khuất, tôi nói với Đại:
“Bạn thân lắm thuở nhỏ. Ngày đi khỏi Đáp Cầu hắn gói kỷ niệm cho mình ba mươi đồng xu chì và đồng.’’
Đại không nói chỉ mỉm cười. Hắn quàng cái khăn do Thanh mua. Tôi bỗng nói:
“Tôi cần nhờ cậu một việc.’’
Tôi lấy giấy bút viết cho Thanh một cái thư ngắn trong ấy tôi khuyên Thanh nên nhận lời lấy Chu. Tôi trao mảnh giấy cho Đại và bảo:
“Cậu đưa hộ tôi mảnh giấy này cho cô Thanh, địa chỉ tôi biên ở trong ấy. Có thể cậu cho nó vào phong bì kín hộ.”
Đại cầm cất vào ví, xong rồi nói:
“Tôi định bàn với cậu là tôi ra ngoài.”
Tôi trả tiền người bán hàng và bảo Đại:
“Chúng ta ra ngoài kia.”
Trời không một ngọn cây. Những chiếc xe hàng thô lỗ quay đi quay lại ngang lối đi. Được một quãng ngắn tôi hỏi:
“Bao giờ thì khởi hành?”
“Tôi đã bắt được liên lạc. Chỗ đến là Phú Thọ.”
"Nhưng cậu hẳn biết tôi không đồng ý kiến với cậu. Nhưng tôi không thể phản đối cũng như khuyên cậu điều gì cả. Ở lại đây ư? Để làm gì mới được? Bằng chứng là tôi cũng không giải quyết nổi cho tôi. Còn đi? Nhưng cũng để làm gì mới được?’’
“Hẳn phải có việc để mà làm. Tất cả những người ở bên kia, người ta không biết người ta đang làm gì hay sao?’’
Chúng tôi đi qua một miếng đất hoang.
“Tôi biết như thế: cậu sẽ đi. Cái chua xót là tất cả chúng ta đều thành thật, thành thật đến cái độ có thể chết. Tôi cũng mong cậu làm được điều gì ở đấy như tôi mong tôi sẽ làm được điều gì ở đây.”
Chúng tôi quay trở lại bến xe và đi qua miếng đất hoang. Đại nói:
“Tôi không thể tưởng được cậu có thể tìm thấy lòng tin ở một chỗ vô lý đến như thế. Tin rằng mình làm được cái gì ở đây, tôi nhất định không thể được, đừng vì cá nhân mình.”
“Cậu vẫn còn nghĩ rằng chỉ vì cá nhân thôi ư? Có lẽ tôi hiểu cậu hơn cậu hiểu tôi.”
Chúng tôi về đến bến xe. Một người đón mời chúng tôi. Đại bắt tay tôi nói:
“Tôi về Hà Nội.”
Đại lên xe và tôi về trường, lên buồng riêng đọc thư. Francoise cho tôi hay gia đình nàng đã lên Ba Lê. Nàng trách tôi lười viết, khen tôi có nhiều nhận xét thú vị về chiến tranh. Nàng đã đi học và gặp nhiều bạn sinh viên Việt Nam. Nàng đang ở trong thời gian dự bị vào Đảng Cộng sản. Nàng kể những buổi sinh hoạt tiểu tổ, những buổi đi bán báo Humanité ở trước cửa nhà thờ Thánh Tâm sáng chủ nhật – và nàng nói hôn tôi mỗi cuối thư.
Bình và Hoà đều ở Nam Việt. Bình ở Sài Gòn. Anh cho tôi biết về tình hình chính trị ở thủ đô miền Nam. Anh bảo tôi có thể vào Sài Gòn với một chỗ làm trong hãng anh chủ trương. Nếu cần tôi chỉ việc đánh điện tín, anh sẽ gửi tiền vận chuyển ra cho tôi. Hoà ở Thủ Dầu Một. Anh dạy học tại nhà một chủ đồn điền cao su người Pháp. Anh tả cảnh thành phố này, đời sống ở đồn điền và đời sống của anh. Anh đang dự định viết một cuốn tiểu thuyết và anh gửi cho tôi một bài thơ “nhớ Hà Nội”.
Còn một bức thư là của một học sinh cũ.
Bức thư gửi qua trường ở Hà Nội. Hắn hỏi thăm sức khoẻ tôi, tình hình sinh hoạt của tôi và cuối cùng nhờ tôi giải quyết vấn đề sinh kế cho hắn có thể tiếp tục sự học.
3.
Tôi về thăm nơi đã sống những năm mồ côi đầu tiên thuở nhỏ. Mẹ tôi buôn bán xa và tôi ở với bà ngoại. Những đồng trinh để mua những bát bánh đúc nóng, kê, xôi lúa, bánh khúc, quà sáng, đều do bà tôi chu cấp. Ở đây có những nghĩa địa, ao chuôm, bến sông, đường lên núi, giếng nước, cánh đồng, kè đá… để bắt dế câu cá, đi đồng, leo trèo, vùng vẫy.
Tôi bảo Long:
“Tôi nhìn những con đường hẹp hơn ngày trước.”
Long chỉ tay vào giải thích:
“Nhà cửa đổ xuống, không ai cất dọn. Cỏ hoang mọc lan tràn với lại mắt mình lớn lên chứ.”
Chúng tôi theo một con đường mòn - trước kia là đường lớn - ra phía bờ sông. Đi đến một nơi đường nhiều đá và rộng ra nhưng không có nhà cửa, tôi hỏi bạn:
“Đây là phố Chi Ly chợ gạo?”
“Phải. Anh nhớ lâu nhỉ?”
“Dân Chi Ly ai mà không nhớ, du côn khét tiếng.”
Chúng tôi cất tiếng cười. Long hỏi:
“Còn nhớ những trận đánh nhau?”
Tôi gật đầu.
Bờ sông là khu đất nhà binh. Người ta biến nó thành sân bay cho phi cơ quân sự. Bến sông không người tắm. Tôi hỏi:
“Không còn đường lên núi sao?”
Long kéo tay.
“Đi đường này.”
Chúng tôi bước trên những đống gạch vụn bên cạnh những mảnh tường đổ dở, thấp cao. Qua một chỗ có những người kéo nước tôi hỏi:
“Xóm Giếng?”
“Đúng.”
Tôi nhìn xuống lòng giếng thật rộng nước vẫn trong trông được những gạch sỏi. Qua một căn nhà, cổng gỗ thấp cánh mở cánh đóng, Long nói:
“Đây là nhà Phú, thầy Phú ngồi trong kia kìa. Nhớ Phú không?”
Tôi thấy một ông già che mắt bằng miếng vải đen đang hút thuốc lào.
Chúng tôi ra khỏi con đường đổ nát đứng trên dốc. Long bảo:
“Không lên được chùa Núi.”
Một đồn binh đóng trên đỉnh núi. Gió thổi từ cao xuống. Dưới chân dốc là nhà bà Mùi, bên cạnh là đống gạch vụn lớn. Cỏ rậm hai bờ dốc. Long chỉ tay:
“Trường mình học quá trên kia.”
Theo tay trỏ, tôi thấy một lớp nhà vàng nhạt.
Long lại nói:
“Tôi đi lấy máy ảnh chụp mấy cái làm kỷ niệm.”
Chúng tôi xuống nhà bà Mùi. Bà mở cửa hàng bún riêu. Chị Mùi con gái lớn goá chồng. Chị đang tình tiền trên cuốn sổ tay nhỏ. Thấy tôi chị nói:
“Cậu Long đã đưa cậu Tâm đi hết chưa?”
Tôi nói:
“Chị bán hết nồi bún rồi chứ?”
Long dẫn tôi đi về phía sau, để sang nhà Long. Bà Mùi đang lúi húi trong bếp quay lại bảo:
“Hai anh em chốc quay về đây ăn cơm nhé.”
Long đáp:
“Vâng.”
Long lấy máy ảnh và hai chúng tôi đi ra một căn nhà đổ. Tôi đứng lên trên đống gạch vụn, sau lưng là bức tường còn những hàng khẩu hiệu tuyên truyền từ năm mới nổi cách mạng. Chụp xong hai kiểu, Long hỏi tôi:
“Anh còn nhớ đây là nhà ai không?”
Tôi đáp:
“Không.”
“Nhà Hạnh đây. Hạnh hàng vàng mà ngày xưa chúng mình trêu để nó về mách nhà cho ấy.”
Tôi kêu lên:
“A - Hạnh. Hạnh về đây chưa?”
Long cười xoà nói:
“Hạnh bây giờ buồn lắm. Gia đình sa sút và goá chồng. Hạnh đi chợ đường Hà Nội. Anh gặp sẽ không nhận ra đâu. Bây giờ Hạnh không còn đẹp như xưa. Hôm nào đám cưới tôi, anh sẽ gặp Hạnh.”
Trên đường về tôi nhắc lại kỷ niệm lúc chúng tôi còn đi học. Về đến nhà, cơm đã dọn. Bà Mùi nấu món tôi ưa thích thuở bé: canh riêu. Chị Mùi hái ở vườn những quả ớt tươi lớn, ăn chảy nước mắt.
Tôi không trở về Bắc Ninh và ngủ lại. Đĩa đèn dầu thắp lên, chúng tôi ngồi quanh trên phản nhắc lại chuyện cũ giữa những gia đình chúng tôi. Tôi ngủ với Long ở gian buồng ngày trước của gia đình tôi – gian buồng độc nhất may mắn còn nguyên vẹn – Chúng tôi đắp chung chăn và tôi ngủ giấc say đến sáng.
Những cái bàn dài nối liền dọc theo sân là chỗ tụ họp của đàn ông. Đàn bà con gái ở trong bếp và trong buồng cưới: đó là một buồng nhỏ cạnh bếp. Các cụ ngồi trên phản giữa nhà. Những người đàn ông nói chuyện, uống nước cam chai và hút thuốc lào. Trong bếp người ta thái từng rổ thịt lợn luộc.
Thấy tôi đến chị Mùi vẫy tay vào buồng cưới có Long ở trong ấy. Chị bảo:
“Cậu Tâm đi phù rể đấy nhé.”
Tôi từ chối:
“Không được quen biết lắm, đi không tiện.”
Long xen vào:
"Anh cứ đi không sao. Hạnh là phù dâu đấy."
Chị Mùi tiếp:
“Cậu đi rồi về đây tôi giới thiệu lại cho."
Một người đàn ông ngó vào buồng và gọi chị Mùi ra ngoài. Long nói:
“Đấy là anh Hoà. Định hỏi chị Mùi, cũng ở Hà Nội sang.’’
Và Long chỉ những người ngồi ngoài sân hỏi:
“Anh còn nhớ được ai không?’’
Tôi lắc đầu. Long bảo:
“Bạn học cũ cả.’’
Bà Mùi gọi Long để dặn điều gì. Tôi ngồi lại một mình trong buồng. Giường trải nệm có đôi gối thêu lớn màu hồng, màn trắng nhưng không mới. Ở một góc là cái bà mộc có ấm nước khay tách và đĩa trầu.
Tôi đi xuống sân và chưa biết ngồi vào chỗ nào thì Hoà lại gần hỏi chuyện. Chúng tôi theo ngã sau ra đồng. Thỉnh thoảng một giọt nước lớn bay đập vào mặt. Không hiểu sao, Hoà lại khoe với tôi là hắn làm việc cho Phòng nhì Pháp và có thế lực. Tôi cũng hỏi cho qua những công việc hắn làm.
Tuy thế khi đón dâu tôi cũng đi bên cạnh Hoà. Trước tôi, Long đi giữa hai người cùng mặc bồ đồ xám gần giống nhau. Bộ của chú rể màu nâu. Đám cưới đi chân trên đường chính của thị trấn Đáp Cầu, một bên đường cỏ hoang và núi đóng đồn binh, một bên là nhà cửa đổ nát ít dấu hiệu của sự sống, ngoài những đứa trẻ nghèo nàn chạy theo trông. Người ta rẽ vào một đống gạch vụn cao, vòng ra sau lưng một bức tường chưa đổ hết, và bước vào gian nhà tối. chúng tôi phải dừng lại ở ngưỡng cửa vì trong nhà đông người. Ánh sáng của nến chập chờn. Có tiếng hỏi:
“Chú rể đâu?’’
Ở trên rẽ ra một lối để cho Long và hai người phù rể vào. Tôi và Hoà còn lại ở ngoài. Tôi ra khỏi bức tường để đỡ cảm giác bịt bùng. Không khí no hơi nước và nặng nề. Trước mắt tôi là núi. Mười lăm phút sau, đám cưới trở về. Vẫn cụ già mặc áo thụng xanh cầm hương đi đầu. Rồi đến chúng tôi, chú rể và những người phù rể. Hai họ đi liền và cuối cùng là cô dâu và những người phù dâu. Ở nhà gái ra, mặt Long đỏ như vừa uống rượu.
Ở nhà cỗ bàn dọn sẵn sàng. Bà Mùi và người con gái lớn đại diện cho bố mẹ Long chưa hồi cư mời khách ngồi vào mâm. Thứ bậc tuổi tác được định rõ rệt. Cô dâu và các bạn vào buồng cưới đã được che ở cửa một tấm vải hoa. Long bận mời các cụ cầm đũa ở trên nhà. Chị Mùi lại gần chỗ tôi và Hoà đứng hỏi tôi:
“Cậu đã trông thấy mặt cô Hạnh chưa?’’
Tôi trả lời:
“Chưa.’’
Lúc ấy những người đàn ông yêu cầu cô dâu chú rể ra mừng rượu. Một người nói to:
“Yêu cầu mời cả các cô phù dâu ngồi chung bàn.’’
Long nói:
“Phải từ từ mời được.”
“Mình chú rể nói không nghe. Phải có đôi, có tuyên bố lý do đây mới ăn.”
Tất cả những người đàn ông ngồi quanh bàn kêu lên: Đồng ý. Và họ cười ầm ỹ.
Chú rể đi vào buồng rồi quay lại trả lời:
“Xin phép cho cô dâu bị mệt.”
“Không được. Chưa uống rượu chưa mệt.”
Một người khác lên tiếng:
“Thôi nếu cô dâu mệt thì các cô phù dâu thay cũng được.”
Chú rể lại trở vào buồng rồi đi lên nhà trên. Chị Mùi nói:
“Tôi phải vào mời các cô ấy.”
Chị Mùi cầm tay một người con gái đi ra gặp tôi. Chị hỏi:
“Cậu nhớ ai không?”
“Cô Hạnh.”
Hạnh có vẻ ngạc nhiên. Chị Mùi nói:
“Cậu Tâm trước cùng học một trường với cô. Sau cậu ấy vào Sài Gòn.”
Hạnh búi tóc và mặc áo tím. Trông Hạnh buồn và xanh. Tôi nói:
“Lâu quá cô không nhớ được nhỉ?”
Hạnh hơi mỉm cười nói khẽ:
“Cũng có nhớ.”
Chị Mùi vào bếp. Tôi định mời Hạnh ra sau nói chuyện thì Long xuống. Long bảo:
“Đây là cô Hạnh, đây là anh Tâm. Cô nhớ không? Anh Tâm nghịch có tiếng dạo ấy.”
Tôi cười trả lời:
"Dễ còn anh thì hiền lành lắm.’’
Long cười và bỏ đi. Một cô phù dâu đến gọi Hạnh:
“Chị ra ăn cỗ còn về chứ.’’
Hạnh chào tôi và tôi cũng về bàn.
Buổi chiều tôi đi bộ từ Đáp Cầu về trường vì không còn xe. Tôi qua chợ Thị Cầu, sân đá bóng. Từ sân đá bóng về đầu tỉnh, đường lồi lõm, cây cối trơ trụi. Ở đầu tỉnh một công an viên giữ tôi lại để xét giấy tờ và đưa tôi về tận trường. Khoảng đó hơn bẩy giờ tối. Nhà trường vừa xong bữa cơm chiều. Đại sang và để giấy lại trong đó nói Thanh cần gặp mặt tôi ở Hà Nội.
Chiều nay là chiều thứ bảy.
Tôi khởi hành khi ông Chính vắng nhà. Hành lý gồm ba bộ quần áo mặc ngoài, ba bộ lót mình, tài liệu giáo khoa, một vài cuốn tiểu thuyết và thơ ưa thích trong một va ly nhỏ xách tay.
Ra bến xe, tôi qua những phố Tiên Tsin, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng. Lúc qua ngã tư Hàng Đường, tôi nhìn thấy đám đông ở dưới chợ Đồng Xuân và trên đầu Hàng Đào. Tôi có thể nán lại cho đến chiều chủ nhật nhưng tôi không muốn.
Chuyến xe nhỏ đưa tôi sang Bắc Ninh với tất cả buổi chiều theo nó. Hành khách chỉ có bốn người – hai người lái buôn ăn mặc nửa tỉnh nửa quê, và một người chừng có chức nghiệp ở tỉnh nhỏ và tôi. Không có đàn bà. Tôi và người chừng có chức nghiệp chia nhau trả tiền những chỗ trống để xe chạy sớm. Tôi ngồi cạnh người tài xế.
Qua Gia Lâm chuyến xe từ biệt những người bạn đường số 5 của nó, giờ này đã thưa, để chạy vào con đường riêng lẻ loi. Khỏi Cầu Đuống, tôi hoàn toàn ngồi trong sự bỡ ngỡ. Sở dĩ tôi biết được Cầu Đuống không phải vì tôi nhận ra nó mà chỉ vì tôi biết tôi phải qua Cầu Đuống. Cây cầu cũng tẻ nhạt như cảnh xung quanh: đồng ruộng, nhà cửa, chợ búa, rào gai, điếm canh, dòng sông và những người lính gác, những người khám xe, những người bán hàng bên đường. Cây cầu kêu dưới bánh xe với tiếng nước xoáy lạnh dưới chân trong buổi chiều ngất ngư chưa muốn ngã. Người tài xế đã giụi tắt mẩu thuốc lá để rớt những đường khói nhạt trên mặt kính và tàn lên tay lái. Không ai nói với nhau lời nào.
Tôi không nhận ra đâu là Yên Viên, đâu là Phủ Từ. Cảnh quen mắt và không thay đổi: những dãy chợ lá lèo tèo vắng ngắt, những người nhà quê ngồi xổm co ro mặt tái ngoét hai tay thu vào bụng. Thỉnh thoảng một chiếc xe hàng quay mũi vào lớp chợ thấp chờ đợi với sự trống trải yếu ớt. Không hiểu làm cách nào những chiếc xe ấy có thể về kịp thành phố trước khi người ta cấm cầu? Không ai nói một lời nào. Mọi người đều lạ nhau.
Tôi châm lửa đốt thuốc lá.
Chuyến xe đã đến gặp núi. Núi tím lớn làm nhỏ cả thế giới hiện có của chúng tôi. Những khu đồn chiến tranh với nứa nhọn, dây thép gai đứng đấy cho chiếc xe đi vào giữa. Đá xanh nhỏ bắn rào sang hai bên đường. Trên chòi canh, hai con mắt người lính gác tối đen nhìn sang núi.
Chuyến xe dừng lại trạm kiểm soát trước khi vào tình lỵ. Trong trạm người ta đã thắp đèn. Chúng tôi lần lượt trình thẻ căn cước. Ở trong trạm người ta nói chuyện với nhau không to lắm. Xe không chạy thẳng vào phố mà đi vòng quanh những khoảng đường còn bỏ hoang. Bến xe thưa. Hàng quán vắng người, có những gian quán trống. Không còn chuyến xe nào trở về Hà Nội. Chỉ còn vài chiếc đậu đấy bỏ không.
Tôi đứng xuống và xốc lại cổ áo, trước mô đất cao chạy dài như con đê. Trước kia đường xe lửa chạy trên ấy và đây là ga xe lửa. Con đường dốc Cầu Gỗ nhập vào bến xe, tôi không bước lên để nhìn xuống phía bên kia dốc.
Tôi đi bộ về trường. Các cửa hàng bắt đầu đóng. Hè đường là những nhóm binh sĩ tụ tập rong chơi. Điện thì mỏng như cánh chỉ một vài tiệm nước treo đèn măng sông ra trước cửa.
“Thầy là thầy Tâm."
Đó là câu hỏi đầu tiên riêng cho tôi ở buổi chiều nay của ông già gác trường, ngồi trên bực đá dưới mái hiên sâu thẳng cổng vào. Ông mặc một cái áo vét tông đã hỏng vai.
Tôi trả lời:
"Phải."
Ông già đưa tôi vào phòng khách nói:
"Thầy đợi đây, tôi đi mời cha Tân."
Ông bỏ tôi một mình và quên bật đèn.
Cha Tân vào, ông già đứng sau lưng. Cha bật đèn lên và hỏi:
"Chào thầy, thầy đi đường có mệt không?"
Chúng tôi bắt tay nhau và tôi trả lời:
"Cám ơn cha, giời lạnh nên không mệt lắm."
Trong khi đưa tôi về phòng riêng, chúng tôi đi qua dãy hành lang sâu tối om và vang vang trước những lớp học nghỉ ngơi, cha Tân nói:
"Tôi tưởng thầy không sang hôm nay."
Tôi hỏi:
"Tại sao cha lại đoán thế?"
Ông già sách va ly của tôi đi sau.
"Hôm nay chiều thứ bẩy mà", cha Tân cười thành tiếng. "Các thầy ở bên này về chơi Hà Nội cả rồi. Thầy vắng bạn."
"Ồ, thứ hai các thầy ấy phải trở về chứ, thưa cha?’’
"Tất nhiên’’, cha vừa nói vừa làm tiếng chậc chậc trong miệng.
Chúng tôi cùng cười. Gian buồng của tôi ở trên gác. Tôi lại phải đi qua một cái hành lang sâu như ở dưới nữa vì buồng gần cuối dãy. Khi chúng tôi hết nói chuyện, tôi nghe tiếng sột soạt của bộ áo nhà tu bên cạnh và tiếng chân không đều của ông già gác. Những căn phòng đóng chặt cửa.
Đứng lại trước cửa buồng của tôi, cha Tân dùng chìa khoá mở cửa và bảo:
"Đây là buồng của thầy. Thầy cần điều gì cứ hỏi.’’ Cha quay sang ông già gác vẫn xách cái va ly trên tay: "Ông đưa thầy đi rửa mặt nghỉ ngơi để dùng bữa.’’
"Cảm ơn cha.’’
Người tu sĩ bước trở lại vào bóng tối sâu hút với tiếng sột soạt của bộ áo xa dần. Còn hai người, ông già đặt va ly lên một cái ghế và bật đèn. Đó là một căn buồng vuông vắn. Ở một góc kê một cái giường sắt cho một người, một bàn đêm đầu giường, một bàn lớn làm việc giữa buồng với hai cái ghế. Buồng có một cửa sổ đối với cửa ra vào. Trên tường treo một chữ thập lớn bằng gỗ, tượng bạc chạm nổi. Tôi thay quần áo và ông già thu dọn lại giường chiếu. Tôi yêu cầu ông phụ tôi kê lại cái bàn làm việc vào một góc khuất. Ông già không nói gì nữa.
Ông đưa tôi đến phòng rửa mặt ở đầu dãy.
Tôi xuống phòng ăn, một phòng rộng và dài, ở phía trong và cuối sân, nền đất. Gian phòng rất rộng chỉ kê một bàn ăn dài còn trống trải vô cùng. Điện yếu, người ta thắp nến ở một góc bàn. Cha Tân đứng lên tiếp tôi và giới thiệu với mọi người.
"Giới thiệu với các thầy, thầy Tâm giáo sư Việt văn mới của nhà trường.’’
Tôi cúi chào tất cả. Độ gần hai mươi người hầu hết là nhà thầy mặc áo dài đen. Hai người thanh niên còn nhiều vẻ nhà quê đứng hầu bàn. Tôi ngồi bên cạnh cha Tân. Người ta đọc một đoạn kinh trước khi cầm đũa. Gió vi vút thổi từ những phía tối vào. Sau đó tôi mời mọi người. Rất ít tiếng chuyện trò nếu có chỉ đủ vừa hai người nghe với nhau. Cha Tân bảo tôi:
"Có hai thầy ở ngoài như thầy lại về Hà Nội chơi cả.’’
Tôi mỉm cười và không đáp lại.
Sau bữa cơm trời lạnh thêm nhiều. Về phòng tôi đi cùng với một nhà thầy. Cha Tân từ biệt tôi để đi dự khoá lễ buổi tối. Chúng tôi không vào mà đứng tựa lan can ngoài hành lang nhìn xuống sân trường. Ngoài trời tối và gió. Tiếng chuông nhà thờ chụp xuống.
"Anh vẫn còn học chứ?’’ Người bạn mới hỏi.
"Vâng.’’
"Anh có bị gọi động viên không?’’
"Chưa anh ạ.’’
Đứng lâu, ngoài những dãy lớp học đối diện thấp và căn nhà làm phòng ăn, tôi nhận thêm được cây cột cờ ở giữa sân. Từ xa vọng lại những tiếng nổ lớn. Tôi mời người bạn hút thuốc nhưng anh từ chối. Tôi châm lửa, ánh sáng bốc lên một khoảng nhỏ đủ cho tôi nhìn khuôn mặt người đứng gần.
"Ở bên này không được yên phải không anh?’’
"Vâng, anh sẽ gặp những buổi họp lớp vắng tanh vì học sinh phần đông ở các làng chung quanh, những dịp hành quân, họ không thể lên tỉnh được.’’
"Nhưng tâm hồn thì bình yên.’’ Tôi nói.
Có lẽ người bạn hơi ngạc nhiên vì câu nói. Anh ta ngước trông về phía nhà thờ. Những tiếng nổ gần thêm và rung động mạnh.
"Anh đi tìm sự bình yên của tâm hồn. Anh mất lòng tin rồi hay sao?’’
Người bạn nhầm tôi là người Công giáo. Tôi không trả lời.
Chúng tôi chia tay vào phòng trong khi tiếng nổ liên tiếp dữ dội hơn. Người bạn đứng lại ở cửa buồng nói:
"Đã có lần trường bị moóc-chê đấy!’’
Tôi mỉm cười, đốt tiếp điếu thuốc nữa. Tôi đọc sách đến khuya, súng vẫn không ngớt.
Nửa tháng đi qua. Tôi làm việc ba giờ mỗi ngày về buổi sáng. Buổi chiều là giờ soạn bài hoặc chấm bài hoặc đọc sách. Buổi tối là cái hành lang sâu hút và nền trời đen thẫm. Ngoài cha Tân, người bạn độc nhất của tôi là Nhiên - nhà thầy tôi quen hôm mới đến. Trường không nhận nữ sinh, tôi không liên lạc với ngoài đường và rất ít xuống dưới ngoài hai bữa ăn, ngại phải đi qua những phòng học trống. Mỗi buổi trưa ông già gác gõ cửa trao cho tôi tờ báo hằng ngày.
Trưa nay tôi tỉnh giấc, nghe tiếng chân lạ đi ở ngoài và tiếng nói vang chạy. Tiếng gõ cửa của ông già gác và ông mang lại cho tôi Đại. Chúng tôi bắt tay nhau và Đại ngồi xuống ghế. Tôi hỏi ông già:
“Hôm nay chưa có báo hả ông?”
Ông già:
“Không thấy xe thường ngày đi qua, chắc xảy ra chuyện gì. Thầy đợi tôi ra phố mua vậy.”
Ông già ra khuất, tôi hỏi Đại:
“Hà Nội không có gì lạ chứ?”
Đại lấy trong túi áo ra đưa cho tôi một xấp thư nói:
“Đây là thư của cậu. Tôi đã bị đuổi nhà và xuống ở nhà cậu được mấy hôm nay. Không thấy cậu về ông Chính bảo tôi sang chơi thăm.”
Tôi cầm xấp thư, cả thảy năm cái: hai cái của Francoise, một của Bình, một của Hoà, và một cái thư lạ. Tôi để cả vào túi áo hỏi:
“Ông Chính vẫn mạnh?”
Đại gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
“Còn chuyện của cậu ra sao?”
“Dạo này bố ráp nhiều. Nhưng sang đây không bị khám xét gắt gao lắm. Cũng dễ chịu đấy nhỉ?”
Đại đi dạo quanh quan sát căn buồng.
Tôi thay quần áo rồi bảo:
“Chúng ta xuống phố.”
Phố chỉ là một con đường chạy qua cửa trường nhà thờ nối trạm kiểm soát đầu tỉnh và chợ. Chúng tôi sang bến xe vào một cái quán giữa sự nhộn nhịp. Chúng tôi ngồi xuống ghế dài trước một cái bàn gỗ thấp có ống đũa, ngọn đèn dầu, bình điếu thuốc lào. Hai người phu xe, một trẻ một già, bàn cãi về vụ nổ mìn buổi sáng. Tôi nhìn ra ngoài bến. Từ một chiếc xe hàng sắp chạy một người thanh niên nhảy xuống đi hấp tấp về phía chúng tôi ngồi gọi:
“Anh Tâm, anh Tâm.”
Hắn có khuôn mặt vuông và miệng rộng, áo len đỏ cũ và áo Blouson ka ki. Hắn nắm lấy cánh tay tôi hỏi:
“Anh Tâm, anh còn nhớ tôi không? Long đây. Long lớp nhất trường núi.”
Tôi ngồi dịch một khoảng ghế nói:
“Có tôi nhớ rồi. Anh ngồi xuống đây.” Tôi chỉ Đại, “anh Đại bạn tôi.”
Long ngượng nghịu vì người thứ ba. Nhưng Long lại quên đi và nói:
“Xe gần chạy thoáng thấy anh tôi nhớ ngay. Chúng tôi đã về Đáp Cầu rồi. Tôi về với gia đình cô Mùi tôi. Hôm nào anh lên chơi. Anh làm gì bên này?”
Tôi đáp:
“Tôi dạy học ở trường gần đây.”
“Hôm nào anh lên chơi. Nhà chúng tôi vẫn ở chỗ cũ.”
Tôi hỏi:
“Không bị phá huỷ hay sao?”
Long cười:
“Có chứ. Nhưng chúng tôi dựng tạm nhà trên nền cũ. Tan hoang hết cả. Anh lên sẽ biết. Nhiều sự thay đổi lắm."
Long nháy mắt coi như sự thân mật đã tìm thấy giữa chúng tôi. Tôi hỏi:
"Bây giờ anh đi đâu?"
"Tôi sang Hà Nội. Anh ở đâu hôm nào tôi đón anh đi cho anh đỡ lạ."
Tôi cho Long biết chỗ ở của tôi và Long bắt tay từ biệt. Khi Long Khuất, tôi nói với Đại:
“Bạn thân lắm thuở nhỏ. Ngày đi khỏi Đáp Cầu hắn gói kỷ niệm cho mình ba mươi đồng xu chì và đồng.’’
Đại không nói chỉ mỉm cười. Hắn quàng cái khăn do Thanh mua. Tôi bỗng nói:
“Tôi cần nhờ cậu một việc.’’
Tôi lấy giấy bút viết cho Thanh một cái thư ngắn trong ấy tôi khuyên Thanh nên nhận lời lấy Chu. Tôi trao mảnh giấy cho Đại và bảo:
“Cậu đưa hộ tôi mảnh giấy này cho cô Thanh, địa chỉ tôi biên ở trong ấy. Có thể cậu cho nó vào phong bì kín hộ.”
Đại cầm cất vào ví, xong rồi nói:
“Tôi định bàn với cậu là tôi ra ngoài.”
Tôi trả tiền người bán hàng và bảo Đại:
“Chúng ta ra ngoài kia.”
Trời không một ngọn cây. Những chiếc xe hàng thô lỗ quay đi quay lại ngang lối đi. Được một quãng ngắn tôi hỏi:
“Bao giờ thì khởi hành?”
“Tôi đã bắt được liên lạc. Chỗ đến là Phú Thọ.”
"Nhưng cậu hẳn biết tôi không đồng ý kiến với cậu. Nhưng tôi không thể phản đối cũng như khuyên cậu điều gì cả. Ở lại đây ư? Để làm gì mới được? Bằng chứng là tôi cũng không giải quyết nổi cho tôi. Còn đi? Nhưng cũng để làm gì mới được?’’
“Hẳn phải có việc để mà làm. Tất cả những người ở bên kia, người ta không biết người ta đang làm gì hay sao?’’
Chúng tôi đi qua một miếng đất hoang.
“Tôi biết như thế: cậu sẽ đi. Cái chua xót là tất cả chúng ta đều thành thật, thành thật đến cái độ có thể chết. Tôi cũng mong cậu làm được điều gì ở đấy như tôi mong tôi sẽ làm được điều gì ở đây.”
Chúng tôi quay trở lại bến xe và đi qua miếng đất hoang. Đại nói:
“Tôi không thể tưởng được cậu có thể tìm thấy lòng tin ở một chỗ vô lý đến như thế. Tin rằng mình làm được cái gì ở đây, tôi nhất định không thể được, đừng vì cá nhân mình.”
“Cậu vẫn còn nghĩ rằng chỉ vì cá nhân thôi ư? Có lẽ tôi hiểu cậu hơn cậu hiểu tôi.”
Chúng tôi về đến bến xe. Một người đón mời chúng tôi. Đại bắt tay tôi nói:
“Tôi về Hà Nội.”
Đại lên xe và tôi về trường, lên buồng riêng đọc thư. Francoise cho tôi hay gia đình nàng đã lên Ba Lê. Nàng trách tôi lười viết, khen tôi có nhiều nhận xét thú vị về chiến tranh. Nàng đã đi học và gặp nhiều bạn sinh viên Việt Nam. Nàng đang ở trong thời gian dự bị vào Đảng Cộng sản. Nàng kể những buổi sinh hoạt tiểu tổ, những buổi đi bán báo Humanité ở trước cửa nhà thờ Thánh Tâm sáng chủ nhật – và nàng nói hôn tôi mỗi cuối thư.
Bình và Hoà đều ở Nam Việt. Bình ở Sài Gòn. Anh cho tôi biết về tình hình chính trị ở thủ đô miền Nam. Anh bảo tôi có thể vào Sài Gòn với một chỗ làm trong hãng anh chủ trương. Nếu cần tôi chỉ việc đánh điện tín, anh sẽ gửi tiền vận chuyển ra cho tôi. Hoà ở Thủ Dầu Một. Anh dạy học tại nhà một chủ đồn điền cao su người Pháp. Anh tả cảnh thành phố này, đời sống ở đồn điền và đời sống của anh. Anh đang dự định viết một cuốn tiểu thuyết và anh gửi cho tôi một bài thơ “nhớ Hà Nội”.
Còn một bức thư là của một học sinh cũ.
Bức thư gửi qua trường ở Hà Nội. Hắn hỏi thăm sức khoẻ tôi, tình hình sinh hoạt của tôi và cuối cùng nhờ tôi giải quyết vấn đề sinh kế cho hắn có thể tiếp tục sự học.
3.
Tôi về thăm nơi đã sống những năm mồ côi đầu tiên thuở nhỏ. Mẹ tôi buôn bán xa và tôi ở với bà ngoại. Những đồng trinh để mua những bát bánh đúc nóng, kê, xôi lúa, bánh khúc, quà sáng, đều do bà tôi chu cấp. Ở đây có những nghĩa địa, ao chuôm, bến sông, đường lên núi, giếng nước, cánh đồng, kè đá… để bắt dế câu cá, đi đồng, leo trèo, vùng vẫy.
Tôi bảo Long:
“Tôi nhìn những con đường hẹp hơn ngày trước.”
Long chỉ tay vào giải thích:
“Nhà cửa đổ xuống, không ai cất dọn. Cỏ hoang mọc lan tràn với lại mắt mình lớn lên chứ.”
Chúng tôi theo một con đường mòn - trước kia là đường lớn - ra phía bờ sông. Đi đến một nơi đường nhiều đá và rộng ra nhưng không có nhà cửa, tôi hỏi bạn:
“Đây là phố Chi Ly chợ gạo?”
“Phải. Anh nhớ lâu nhỉ?”
“Dân Chi Ly ai mà không nhớ, du côn khét tiếng.”
Chúng tôi cất tiếng cười. Long hỏi:
“Còn nhớ những trận đánh nhau?”
Tôi gật đầu.
Bờ sông là khu đất nhà binh. Người ta biến nó thành sân bay cho phi cơ quân sự. Bến sông không người tắm. Tôi hỏi:
“Không còn đường lên núi sao?”
Long kéo tay.
“Đi đường này.”
Chúng tôi bước trên những đống gạch vụn bên cạnh những mảnh tường đổ dở, thấp cao. Qua một chỗ có những người kéo nước tôi hỏi:
“Xóm Giếng?”
“Đúng.”
Tôi nhìn xuống lòng giếng thật rộng nước vẫn trong trông được những gạch sỏi. Qua một căn nhà, cổng gỗ thấp cánh mở cánh đóng, Long nói:
“Đây là nhà Phú, thầy Phú ngồi trong kia kìa. Nhớ Phú không?”
Tôi thấy một ông già che mắt bằng miếng vải đen đang hút thuốc lào.
Chúng tôi ra khỏi con đường đổ nát đứng trên dốc. Long bảo:
“Không lên được chùa Núi.”
Một đồn binh đóng trên đỉnh núi. Gió thổi từ cao xuống. Dưới chân dốc là nhà bà Mùi, bên cạnh là đống gạch vụn lớn. Cỏ rậm hai bờ dốc. Long chỉ tay:
“Trường mình học quá trên kia.”
Theo tay trỏ, tôi thấy một lớp nhà vàng nhạt.
Long lại nói:
“Tôi đi lấy máy ảnh chụp mấy cái làm kỷ niệm.”
Chúng tôi xuống nhà bà Mùi. Bà mở cửa hàng bún riêu. Chị Mùi con gái lớn goá chồng. Chị đang tình tiền trên cuốn sổ tay nhỏ. Thấy tôi chị nói:
“Cậu Long đã đưa cậu Tâm đi hết chưa?”
Tôi nói:
“Chị bán hết nồi bún rồi chứ?”
Long dẫn tôi đi về phía sau, để sang nhà Long. Bà Mùi đang lúi húi trong bếp quay lại bảo:
“Hai anh em chốc quay về đây ăn cơm nhé.”
Long đáp:
“Vâng.”
Long lấy máy ảnh và hai chúng tôi đi ra một căn nhà đổ. Tôi đứng lên trên đống gạch vụn, sau lưng là bức tường còn những hàng khẩu hiệu tuyên truyền từ năm mới nổi cách mạng. Chụp xong hai kiểu, Long hỏi tôi:
“Anh còn nhớ đây là nhà ai không?”
Tôi đáp:
“Không.”
“Nhà Hạnh đây. Hạnh hàng vàng mà ngày xưa chúng mình trêu để nó về mách nhà cho ấy.”
Tôi kêu lên:
“A - Hạnh. Hạnh về đây chưa?”
Long cười xoà nói:
“Hạnh bây giờ buồn lắm. Gia đình sa sút và goá chồng. Hạnh đi chợ đường Hà Nội. Anh gặp sẽ không nhận ra đâu. Bây giờ Hạnh không còn đẹp như xưa. Hôm nào đám cưới tôi, anh sẽ gặp Hạnh.”
Trên đường về tôi nhắc lại kỷ niệm lúc chúng tôi còn đi học. Về đến nhà, cơm đã dọn. Bà Mùi nấu món tôi ưa thích thuở bé: canh riêu. Chị Mùi hái ở vườn những quả ớt tươi lớn, ăn chảy nước mắt.
Tôi không trở về Bắc Ninh và ngủ lại. Đĩa đèn dầu thắp lên, chúng tôi ngồi quanh trên phản nhắc lại chuyện cũ giữa những gia đình chúng tôi. Tôi ngủ với Long ở gian buồng ngày trước của gia đình tôi – gian buồng độc nhất may mắn còn nguyên vẹn – Chúng tôi đắp chung chăn và tôi ngủ giấc say đến sáng.
Những cái bàn dài nối liền dọc theo sân là chỗ tụ họp của đàn ông. Đàn bà con gái ở trong bếp và trong buồng cưới: đó là một buồng nhỏ cạnh bếp. Các cụ ngồi trên phản giữa nhà. Những người đàn ông nói chuyện, uống nước cam chai và hút thuốc lào. Trong bếp người ta thái từng rổ thịt lợn luộc.
Thấy tôi đến chị Mùi vẫy tay vào buồng cưới có Long ở trong ấy. Chị bảo:
“Cậu Tâm đi phù rể đấy nhé.”
Tôi từ chối:
“Không được quen biết lắm, đi không tiện.”
Long xen vào:
"Anh cứ đi không sao. Hạnh là phù dâu đấy."
Chị Mùi tiếp:
“Cậu đi rồi về đây tôi giới thiệu lại cho."
Một người đàn ông ngó vào buồng và gọi chị Mùi ra ngoài. Long nói:
“Đấy là anh Hoà. Định hỏi chị Mùi, cũng ở Hà Nội sang.’’
Và Long chỉ những người ngồi ngoài sân hỏi:
“Anh còn nhớ được ai không?’’
Tôi lắc đầu. Long bảo:
“Bạn học cũ cả.’’
Bà Mùi gọi Long để dặn điều gì. Tôi ngồi lại một mình trong buồng. Giường trải nệm có đôi gối thêu lớn màu hồng, màn trắng nhưng không mới. Ở một góc là cái bà mộc có ấm nước khay tách và đĩa trầu.
Tôi đi xuống sân và chưa biết ngồi vào chỗ nào thì Hoà lại gần hỏi chuyện. Chúng tôi theo ngã sau ra đồng. Thỉnh thoảng một giọt nước lớn bay đập vào mặt. Không hiểu sao, Hoà lại khoe với tôi là hắn làm việc cho Phòng nhì Pháp và có thế lực. Tôi cũng hỏi cho qua những công việc hắn làm.
Tuy thế khi đón dâu tôi cũng đi bên cạnh Hoà. Trước tôi, Long đi giữa hai người cùng mặc bồ đồ xám gần giống nhau. Bộ của chú rể màu nâu. Đám cưới đi chân trên đường chính của thị trấn Đáp Cầu, một bên đường cỏ hoang và núi đóng đồn binh, một bên là nhà cửa đổ nát ít dấu hiệu của sự sống, ngoài những đứa trẻ nghèo nàn chạy theo trông. Người ta rẽ vào một đống gạch vụn cao, vòng ra sau lưng một bức tường chưa đổ hết, và bước vào gian nhà tối. chúng tôi phải dừng lại ở ngưỡng cửa vì trong nhà đông người. Ánh sáng của nến chập chờn. Có tiếng hỏi:
“Chú rể đâu?’’
Ở trên rẽ ra một lối để cho Long và hai người phù rể vào. Tôi và Hoà còn lại ở ngoài. Tôi ra khỏi bức tường để đỡ cảm giác bịt bùng. Không khí no hơi nước và nặng nề. Trước mắt tôi là núi. Mười lăm phút sau, đám cưới trở về. Vẫn cụ già mặc áo thụng xanh cầm hương đi đầu. Rồi đến chúng tôi, chú rể và những người phù rể. Hai họ đi liền và cuối cùng là cô dâu và những người phù dâu. Ở nhà gái ra, mặt Long đỏ như vừa uống rượu.
Ở nhà cỗ bàn dọn sẵn sàng. Bà Mùi và người con gái lớn đại diện cho bố mẹ Long chưa hồi cư mời khách ngồi vào mâm. Thứ bậc tuổi tác được định rõ rệt. Cô dâu và các bạn vào buồng cưới đã được che ở cửa một tấm vải hoa. Long bận mời các cụ cầm đũa ở trên nhà. Chị Mùi lại gần chỗ tôi và Hoà đứng hỏi tôi:
“Cậu đã trông thấy mặt cô Hạnh chưa?’’
Tôi trả lời:
“Chưa.’’
Lúc ấy những người đàn ông yêu cầu cô dâu chú rể ra mừng rượu. Một người nói to:
“Yêu cầu mời cả các cô phù dâu ngồi chung bàn.’’
Long nói:
“Phải từ từ mời được.”
“Mình chú rể nói không nghe. Phải có đôi, có tuyên bố lý do đây mới ăn.”
Tất cả những người đàn ông ngồi quanh bàn kêu lên: Đồng ý. Và họ cười ầm ỹ.
Chú rể đi vào buồng rồi quay lại trả lời:
“Xin phép cho cô dâu bị mệt.”
“Không được. Chưa uống rượu chưa mệt.”
Một người khác lên tiếng:
“Thôi nếu cô dâu mệt thì các cô phù dâu thay cũng được.”
Chú rể lại trở vào buồng rồi đi lên nhà trên. Chị Mùi nói:
“Tôi phải vào mời các cô ấy.”
Chị Mùi cầm tay một người con gái đi ra gặp tôi. Chị hỏi:
“Cậu nhớ ai không?”
“Cô Hạnh.”
Hạnh có vẻ ngạc nhiên. Chị Mùi nói:
“Cậu Tâm trước cùng học một trường với cô. Sau cậu ấy vào Sài Gòn.”
Hạnh búi tóc và mặc áo tím. Trông Hạnh buồn và xanh. Tôi nói:
“Lâu quá cô không nhớ được nhỉ?”
Hạnh hơi mỉm cười nói khẽ:
“Cũng có nhớ.”
Chị Mùi vào bếp. Tôi định mời Hạnh ra sau nói chuyện thì Long xuống. Long bảo:
“Đây là cô Hạnh, đây là anh Tâm. Cô nhớ không? Anh Tâm nghịch có tiếng dạo ấy.”
Tôi cười trả lời:
"Dễ còn anh thì hiền lành lắm.’’
Long cười và bỏ đi. Một cô phù dâu đến gọi Hạnh:
“Chị ra ăn cỗ còn về chứ.’’
Hạnh chào tôi và tôi cũng về bàn.
Buổi chiều tôi đi bộ từ Đáp Cầu về trường vì không còn xe. Tôi qua chợ Thị Cầu, sân đá bóng. Từ sân đá bóng về đầu tỉnh, đường lồi lõm, cây cối trơ trụi. Ở đầu tỉnh một công an viên giữ tôi lại để xét giấy tờ và đưa tôi về tận trường. Khoảng đó hơn bẩy giờ tối. Nhà trường vừa xong bữa cơm chiều. Đại sang và để giấy lại trong đó nói Thanh cần gặp mặt tôi ở Hà Nội.
4.
Ông Chính vắng nhà như thường lệ. Đại đọc sách bên cốc nước nóng, vẫn Crime et châtiment. Giá sách bày ra sự lục lọi, điều ấy tôi không ưa. Đại đứng lên nói:
“Cậu đã về.”
Tôi hỏi một câu:
“Ông Chính không có nhà?”
Tôi cởi áo khoác ngoài xoa tay cho ấm và uống một cốc nước. Tôi hỏi:
“Tại sao nhà lại có nước nóng giờ này?”
Đại mỉm cười:
“Cô Thịnh, con ông Chính mới về.”
Tôi ngạc nhiên bước lại xếp giá sách. Đại tiếp:
“Bây giờ cô ấy trông nom cơm nước.”
Tôi nhìn lại hai căn buồng nhỏ khít nhau, với hai cửa sổ, hai bộ phản và một cái đi-văng làm bằng những cái thùng. Cái mắc áo tỏ sự ngăn nắp của bàn tay đàn bà, tôi mang treo áo khoác lên đấy.
Một người đàn bà dưới bếp lên – đó là Thịnh - chị có tất cả nét của người đã sống nhiều năm ở vùng kháng chiến. Chị chưa đến ba mươi, quấn tóc và răng đen, mặc một cái áo cánh trắng và một cái áo len xanh màu mực.
Tôi nói:
“Chào chị.”
Đại thân mật:
“Đây là anh Tâm vửa ở Bắc Ninh về.”
Thịnh cười dễ dàng, tay cầm giá đi lại phía thùng dùng làm đi-văng mở lấy gạo. Chị nói:
“Vừa may anh về tôi mới lấy gạo. Anh đi đường có nguy hiểm không?”
Tôi im lặng không trả lời. Tôi muốn chị gọi tôi bằng chú hay cậu.
Khi Thịnh xuống bếp, tôi hỏi Đại:
“Cô Thanh cần gặp tôi?”
Đại gấp cuốn sách và gật đầu. Rồi Đại nói:
“Tôi đã gặp cô Thanh. Cô ấy có bề ngoài hiền và ngoan” - Đại ngừng một phút nhìn ra ngoài, tôi không trả lời. “Cô ấy có thể là người tốt, rất tốt. Nhưng tại sao cô lại chọn nghề hát? Anh có nghe biết điều gì không?” – Tôi vẫn không trả lời. “Cô bị nhiều điều tiếng, người ta đồn cô không đứng đắn.”
Tôi tháo bỏ cái ca-vát cho đỡ vướng cổ, tai tôi nóng bừng. Tôi rót một cốc nước và muốn bỏ ra phố, xong tôi nói:
“Tôi cảm ơn cậu đã cho biết điều đó” – Tôi ngừng lại đến một phút. “Nhưng tôi không hiểu cậu có những ý nghĩ gì về Thanh. Làm thế nào ở giữa một xã hội hư hỏng như thế này, bị tước đoạt hết khí giới, bị ném vào vũng bùn? Cậu thử nghĩ nếu tôi và cậu cũng là con gái, chúng ta sẽ làm gì?”
Tôi biết tôi sắp chảy nước mắt, tôi thường như thế mỗi khi bị xúc phạm.
Đại im, tôi nói tiếp:
“Cậu sẽ bảo tôi cậu bỏ ra ngoài ấy. Bỏ ra ngoài cũng là một lối đánh đĩ, đánh đĩ tinh thần mình. Tôi không muốn nghe, không muốn nghe một lời nào. Lẽ ra cậu đừng nói với tôi mới phải.”
Đại giận lắm, hắn lắp bắp:
“Không, tôi định…”
Tôi lấy cái áo choàng trên mắc xuống và ra phố. Tôi lang thang đến chiều tối mới đến nhà Thanh. Minh đang thổi cơm bằng bếp cồn ngay trong buồng. Cái cặp tóc của Minh làm tôi dịu hẳn. Sau lưng tôi là gian phòng tối ngăn bằng những miếng vải, ngoài nữa là một cửa hàng da có tiếng máy may chạy. Minh quay lai reo mừng:
“Ô kìa anh Tâm. Lâu lắm anh mới gặp anh.”
Minh treo cho tôi cái áo vào thành ghế và bắt tôi uống nước cho ấm người và bảo:
“Anh đi dạy học xa phải không? Sao anh ít về Hà Nội thế? Hôm nay anh phải ở đây ăn cơm với em và chị Thanh…”
Tôi ngắt lời:
“Cô không để tôi hỏi cô điều gì cả?”
Minh đứng ngay ngắn:
“Xin tuân lệnh.”
Tôi vỗ vai Minh chỉ xuống ghế nói:
“Minh ngồi xuống. Chị Thanh không có nhà?”
“Thưa anh không?”
“Chị đi đâu?”
“Chị em hát ở đài.”
“Cô học hành có tấn tới không?”
“Rất tấn tới nhưng vẫn dốt món anh dạy.”
Minh đứng lên mở nắp soong, khói bồng lên ấm áp. Ghế cơm xong, Minh nói:
“Anh có nghe chị Thanh hát không?”
Minh mở máy thu thanh và với giọng nhỏ nhẻ:
“Chị Thanh hát hay nhưng em lại không thích nghe. Anh biết tại sao không?” – Tôi gật đầu. “Em muốn thôi học và chị ấy thôi hát, nhưng chị không bằng lòng.”
Làn sóng điện rõ dần và Thanh đang hát bài Trở về mái nhà xưa. Minh ngồi xuống, tôi đốt thuốc lá. Minh bỗng hỏi:
“Anh Đại là bạn thân của anh?”
Tôi đáp:
“Phải. Thì sao?”
Minh nói rất rõ ràng:
“Em không ưa anh ấy. em không ưa cái bộ mặt nghiêm trọng, cái cử chỉ làm cao thượng, cái giọng nói làm người trên… Anh ấy hay đến đây nói chuyện với chị Thanh, rủ em với chị Thanh đi phố nhưng em không thích đi cùng với anh ấy” – Minh tắt máy thu thanh. “Có phải thế không anh?”
Tôi im lặng hít một hơi dài thuốc lá rồi bảo:
“Em xem cơm coi chừng khê thì đen anh lắm.”
Tám giờ kém mười lăm Thanh về. Nàng phủi những giọt mưa trên vai áo và nói:
“Thiêng thật, đang hát mà em cảm ngay là ở nhà có khách. Em rẽ vào Hàng Mành mua chả cốm đây nhé.”
Minh dọn cơm bảo chị:
“Ban nãy em có mở cho anh Tâm nghe chị hát.”
Không khí gia đình ấm cúng suốt bữa cơm. Thanh đặt cái bếp cồn cạnh chỗ ngồi của nàng đun nước sôi pha cà phê. Tôi hỏi:
“Nhà ai uống cà phê mà có?”
Thanh đáp:
“Không, ăn cơm xong Minh sẽ đi mua cà phê chứ. Anh đỡ phải ra ngoài mưa lạnh.”
Tôi nhìn vào mắt Thanh. Chúng tôi nhắc đến những người thân đã khuất. Đã từ lâu chúng tôi mới họp mặt nhau. Minh ra phố mua cà phê. Thanh pha ấm nước sôi vào bình trà và đặt ấm nước thứ hai lên bếp đợi cà phê, tôi đốt điếu thuốc lá thứ ba.
Thanh nói sau khi bơm cho ngọn lửa đều:
“Có phải anh khuyên em nên nhận lời không?”
Tôi gõ tàn thuốc không trả lời cũng không biểu lộ cử chỉ nào khác. Mãi thấy Thanh không nói gì tôi mới hỏi:
“Sao?”
Thanh không ngước nói rất khẽ:
“Từ hôm đấy không thấy cô Nghĩa nhắc lại chuyện nữa. Chu có đến đây gặp em một lần.”
Thanh trầm ngâm. Thanh tìm cuốn len đan dở và xỏ lại những múi tuột. Nàng bắt đầu làm việc, tôi nói:
“Ngay hôm cô hỏi ý kiến tôi đã cảm giác là chuyện ấy khó thành, hôm nay tôi có thể nói thẳng như thế.”
Thanh ngừng mũi kim ngẩng lên hỏi:
“Tại sao vậy anh?”
“Tại vì… Tôi khó nói quá.”
“Em không xứng đáng chứ gì?” Thanh nói thẳng giọng chắc nịch. Tôi thấy tròng mắt nàng rưng rưng.
“Không, không phải thế. Tôi cho rằng những người như Chu không có quyền phán đoán chúng ta. Chu có dám sống như cô bao giờ đâu để mà dám phán đoán cô. Những người như thế…”
“Nhưng đôi khi… đôi khi chính mình cũng nhận thấy rằng…”
“Mình nhận thấy, phải. Mình là tội phạm và chỉ mình đủ tư cách là quan tòa xét xử mà thôi. Ngoài ra không ai được quyền cả, kẻ nào đã dám sống cái thân phận một người con gái không được che chở - mà phải che chở cho người khác – trong một hoàn cảnh xã hội như thế này. Những đứa con gái là lượt tưởng là đoan chính kia đáng lẽ cô có quyền khinh vào mặt họ, nhưng không, đừng để ý đến họ, coi như họ không có mặt giữa chúng ta… giữa cái xã hội đáng tởm này…”
Thanh ngồi lặng người, đầu cúi xuống.
Tôi châm một điếu thuốc khác.
Trấn tĩnh xong, Thanh hỏi:
“Còn Đại?”
Tôi im khá lâu:
"Hắn định bỏ ra ngoài."
Minh mua cà phê về, tự tay Thanh pha cho tôi. Tôi uống cà phê và nói chuyện với Minh. Thanh làm việc và lắng nghe. Mười giờ tôi từ giã hai chị em Thanh.
Tôi không về nhà mà thuê xe xuống nhà Bảo dưới Hàng Bột, gần Ô chợ Dừa.
Chiếc xích lô nhịp nhàng ra ngoại ô.
Đường vắng và bóng. Mọi căn nhà đã ngủ, trừ dãy nhà điếm quét vôi hồng mắc đèn đỏ chăng dây thép gai trên đầu tường. Những bóng người ra vào ở đây lẩn lút câm nín.
Xe dừng bên đuờng tàu điện. Tôi bước qua đường sắt vào ngõ. Nhà Bảo cũng không còn tiếng nói, ánh dèn dần hiu hắt trên bàn.
Tôi gõ cửa và nghe tiếng vợ Bảo.
“Ai đấy?”
Tôi chậm rãi trả lời:
“Tôi.”
Trong khi người đàn bà lệt xệt guốc trên nền đất ra phía cửa.
“Anh Tâm đi khuya thế?”
Tôi mang cả luồng gió vào gian nhà. Bảo đã vặn to ngọn đèn ở trên bàn. Tôi nói với Bảo:
“Hôm nay tôi xuống ngủ với anh.”
Bảo tươi cười hỏi:
“Anh mới về?”
Vợ Bảo thu xếp những hộp gỗ đựng hàng cho gọn cái phản lớn làm nơi ngủ của tôi và Bảo. Gia đình Bảo bán những thứ hàng vặt vãnh cần dùng cho mọi người trong xóm: gạo, nước mắm, củi, xà phòng… Chị Bảo giăng màn xong nói với chồng:
“Anh mời anh Tâm nằm nghỉ không mệt.”
Chị trở về chỗ nằm cũ. Chúng tôi vào màn.
Tôi thao thức rất lâu và cựa mình luôn
Gió trên mái nhà và sau nhà. Gần đấy một con chó thỉnh thoảng lại tru lên những tiếng kinh hãi. Chuột rúc trong có nhà. Có lẽ vợ Bảo đã ngủ yên, ôm con trong lòng, thằng bé chép miệng luôn.
Bảo chợt quay sang phía tôi hỏi:
“Tâm vẫn còn thức đấy hả?”
Tôi nói nhỏ:
“Làm sao?”
Bảo thì thầm:
“Thằng Ngọc xuống Hải Phòng rồi. Nó vừa viết thư cho tôi.”
“Thế à? Lâu lắm tôi không được gặp nó, dễ thường đến gần một năm.”
“Nó làm gì anh có biết không ? Phu khuân vác bến Sáu Kho.”
“Phu khuân vác?”
Nó viết thư cho tôi toàn khói nhà máy, khói tàu biển, thợ thuyền, bữa cơm đầu chợ. Nó chờ đợi một chuyến đi xa, đi không trở về cái đất nước nhục nhã này, đi tìm cái chết nơi hải cảng trong quán rượu xa lạ, chết một mình bên chai rượu… Nó lãng mạn quá sức.’
Bảo nói đều đều vừa đủ nghe.
“Lãng mạn.” Tôi lặp lại.
“Nó không đủ điều kiên nhẫn khiến cho mình thêm rúng động. Còn phải sống như thế này đến bao giờ? Bao nhiêu năm nữa? Nó làm cho tôi sợ cái chuỗi ngày thường của tôi, có phải mình đang kiên nhẫn chịu đựng hay mình đang chết đi? Hay đã chết rồi? Nếu thật chết rồi thì cái hành động nổi loạn vô ý thức của nó có nghĩa hơn cái cuộc đời bên cái hàng tạp hoá và vợ con này của tôi. Tâm, cậu nghĩ xem nó kiên nhẫn hay mình đã chết rồi?”
Tôi không trả lời, gác một chân ra ngoài chăn. Bảo đã dự trong phong trào Ngũ Xã. Anh bị hư một chân, khi trải qua nhà tù Pháp và Việt Minh.
“Tâm, cậu nghĩ xem mình đang cố gìn giữ những hơi thở cách mạng hay mình đang thở hắt ra còn cố lấy vòng hoa cách mạng che mặt?”
Vợ Bảo trở mình ở bên giường. Con chó đâu đây lại tru lên từng hồi dữ tợn hơn. Lát sau tôi bảo:
"Nếu anh viết thư cho Ngọc, anh bảo nó liên lạc với tôi cho tôi được biết tin tức nó."
5.
Về Bắc Ninh tôi bị cảm khản tiếng mất một tuần phải nghỉ làm việc. Những buổi sáng mủa đông buồn rầu thêm. Tôi nằm lỳ trên giường không buồn trở dậy. Những tiếng ồn ào từ trong lớp học giờ làm việc, ngoài sân giờ ra chơi, bay lên qua một khoảng xa cách lắm, tôi đợi từng bước chân ngoài hành lang.
Mỗi bữa cơm ông già gác mang lại phòng cho tôi một bát cháo nóng - buổi trưa kèm theo một tờ báo hằng ngày. Tôi lười, thoái thác không xuống phòng ăn. Tôi đọc báo, nhìn cuộc đời bình thản qua như những cuộn mây xám thường ngoài cửa sổ buổi chiều. Và tôi ngủ những giấc ngủ đầy hơi thở nóng và mồ hôi cùng trống ngực.
Linh mục Tân đến thăm tôi hàng ngày khoảng 4 giờ chiều và ở phòng tôi chừng mười lăm phút. Nhiên săn sóc tôi vào buổi tối khi những tiếng chuông khoá lễ chiểu đã im. Nhiên thường ngồi nói chuyện. Anh kể về gia đình, về thời thơ ấu, và ơn trên đã kêu gọi anh để dâng mình cho Chúa, bằng giọng bình thản như đọc một đoạn sách thánh kinh. Bà nội anh muốn có một người con dâng mình cho Chúa, nhưng cha anh lại là con một. Tiếp theo Nhiên là đứa cháu độc nhất. Đứa cháu độc nhất ấy nghe ở linh hồn mình từ nhỏ âm vang lời kêu gọi của Thiên chúa và Nhiên mong rằng sẽ làm thoả mãn khát vọng của những người sinh thành. Trong những lúc ấy tôi nhó lên ngọn điện yếu mỏng chập chờn như muốn tắt.
Đại không sang, những thư từ của tôi được cho vào phong bì lớn dán kín gởi sang trường. Tôi nhận được thư của Francoise trách tôi lười viết, nàng hỏi tôi có nhận được thư của nàng không. Nàng cho biết hiện công tác vận động những gia đình có con em chiến đấu ở Đông Dương để làm kiến nghị yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở đây. Đồng thời cùng với một nhóm bạn hữu thanh niên nàng đã gặp Sartre, chất vấn về vấn đề cộng sản và cách mạng. Nàng bảo nàng hơi đen và gầy hơn nhưng cũng cao hơn. Nàng vừa kỷ niệm sinh nhật thứ mười chín của nàng.
"Pauvre Francoise!"
Hoà tả những trận mưa ở đồn điền dài ba trang giấy mỏng. Và Ngọc:
"Mày ơi!"
"Mày còn thì giờ để ý đến tao ư? Tao tưởng mày nghĩ đến thân phận mày cũng đáng đủ lắm rồi. Thằng Bảo cho tao lãng mạn và chắc rằng chúng mày cũng đồng ý với nhau. Nhưng hỡi ôi! Lãng mạn phải là chúng mày mới đúng. Đau khổ cho nhiều vào, đọc sách cho nhiều vào, xót thương mình chưa đủ rồi xót thương người…. để mơ mộng: cách mạng. Ôi chao cách mạng. Cách mạng để làm gì? Những con ngựa bị hành hạ đau quá thì lồng lên hất thằng dô kề ngã mà chạy. Chạy đi đâu? Thằng dô kề nó sẽ túm được, nó đánh đập tàn nhẫn hơn và lại xỏ cương trèo lên lưng.
Thế nào tao cũng bỏ đất này đi, tao can đảm thú thực như thế, chết ở chỗ khác yên thân hơn. Còn hơn chúng mày lòng tin đã mất mà không dám thú thực, mà vẫn cố gắng giả tin.
Bằng chứng là chúng mày có tự do đâu, thằng Bảo vợ cái be nước mắm, mày bỏ trường này rồi cũng đến trường khác. A-men, mày đang tìm đến với Chúa đấy.
Cầu Chúa che chở cho cái thằng sâu kiến lúc nào cũng tưởng mình lớn ngang đức Chúa. Làm dấu thánh giá và quỳ xuống."
Tôi quên lá thư của Ngọc. Ngọc mở ở bàn đêm đầu giường. Buổi chiều tôi ngủ chập chờn, khi mở mắt Nhiên ngồi cạnh và đã bật đèn. Nhiên hỏi:
"Anh không ăn cháo? Để tôi bổ cam anh xơi."
Tôi ngồi dậy nói:
"Cám ơn anh, tôi có thể làm lấy được."
Tôi bổ cam ở bàn, nhìn ra cửa sổ, gió khoan khoái một chút.
Nhiên hỏi:
"Anh cho là có Thượng Đế hay không?"
Tôi suy nghĩ rồi trả lời:
"Câu hỏi ấy chưa bao giờ làm tôi thắc mắc cả.’’
Tôi không nghĩ đến nó.
Nhiên lại hỏi:
"Anh có nhận rằng ở đời có một cái gọi là Thiện, một cái gọi là Ác, có công bằng, có tự do, có bác ái…"
Tôi trông thẳng vào mặt Nhiên đáp:
"Có chứ tại sao không?"
"Vậy mà anh lại không tin Thượng Đế thì lạ thật?"
"Tôi tưởng những ý niệm ấy họp nhau thành một ý niệm hoàn hảo hơn tất cả là Thượng Đế. Thường thường người ta nghĩ một vài ý niệm khó thoả hiệp được với nhau như bình đẳng và tự do, những đạt đến sự hoà hiệp chính là tìm về Thượng Đế rồi còn gì?"
Tôi bước vài bước đắn đo:
"Tôi nhắc lại với anh tôi không suy nghĩ về vấn đề ấy. Theo tôi có những lúc người ta giải quyết giữa người với người và Thượng Đế không nên có mặt ở lúc ấy. Thượng Đế cần một hình ảnh tinh khiết. Có mặt khi không cần thiết, Thượng Đế sẽ bị nhơ nhuốc lây và có thể bị mất ngôi. Mà ngôi Thượng Đế có lẽ cần thiết lúc khác."
"Thượng Đế sẽ giải quyết những vấn đề của loài người nếu loài người biết tìm về đến Người."
"Không, tôi không tin như thế, Thượng Đế không sống cái sống xác thịt của nhân loại. Khi Thượng Đế nhập thể thành người như Chúa Jesus hay Phật tổ thì chính ở người ấy Thượng Đế đã bị lôi kéo vào tấm thảm kịch riêng tư của loài người và chỉ có thể thoát ra với sự thất bại…"
Những buổi tiếp theo, Nhiên thưa sang thăm tôi – tôi nằm nghe tiếng động ngoài hành lang và lòng mình.
Tôi trả lời Ngọc:
"Ngọc,
Con sâu ở giữa tim giữa hồn, giữa não, mày nhớ không? Đi đâu cũng vẫn chỉ là mày – đau khổ và nhục nhã. Mà nào riêng có đất nước này hổ nhục thôi đâu, mọi nơi mắt mày cũng chỉ nhìn thấy như đây. Không trốn được đâu, trừ khi mày trốn được lòng mày.
Nhưng thôi tao vẫn cầu chúc cho mày đi đi cho thoả dồn nén, để ngó thấy ở bất cứ một góc địa cầu nào những điều ghê tởm không muốn ngó, rồi mày sẽ trở lại. Tất nhiên chán chường hơn nữa, nhưng từ chỗ chán chường cuối cùng ấy tao còn mày hay mất mày vĩnh viễn.
Ngọc ơi! Mày còn nhảy xuống biển ngủ ở dưới ấy không? Con sâu ở giữa tim, giữa hồn, giữa não.
Trước khi đi hãy thư cho bạn mày: Tâm."
Lễ Chúa Giáng sinh đến gần với những ngày rét cóng hơn. Nhà trường vắng ngắt, những giáo sư ngoài như tôi đã về Hà Nội cả. Mặt sân cứng ướt hiu quạnh trơ trọi không cây cối, tôi bước trên sạn vụn theo một cửa ngách sang nhà thờ. Màu đá xám cao và lạnh lẽo thêm.
Những chiếc đèn màu hình ngôi sao, những dây hoa giấy sặc sỡ buồn cười.
Vòm nhà thờ sâu, ánh sáng mờ ảo.
Tôi đi bên những hàng ghế mộc, đến máng cỏ Chúa hài đồng. Tôi đứng cách xa ngắm những hình tượng được xếp đặt khéo léo. Vài người đàn bà nhà quê mình như ở chợ rẽ vào, quỳ gối kính cẩn.
Rồi tôi xuống Đáp Cầu cho đến hết buổi sáng.
Tôi vẫn chưa biết nên về Hà Nội hay nên giam mình một tuần lễ nữa trong chuỗi ngày rét mướt ở tỉnh lỵ. Con đường dốc, những sườn núi trơ đất và đá đỏ, gió và hơi nước quyến lấy nhau ở không trung làm thành khói đặc nặng nề, không một tiếng động ngoài một tiếng nổ của động cơ. Chiếc xe hàng đã đổ hết khách ở Bắc Ninh chỉ còn lại vài người. thị xã tiêu điều với những nhà méo lệch. Quán chợ lụp xụp nhớp nháp; chợ còn lại dẫy tường trắng loang lổ vết tích cũ.
Bữa cơm ăn với vợ chồng Long trong một gian buồng hẹp ấm. Mâm bằng gỗ.
Tôi trở về Bắc Ninh gần ba giờ chiều.
Tôi ngồi trong một quán nước ở bến xe trong sự náo nhiệt ấm áp của những người xuôi ngược và những người làm xe. Ở đây có những bát nước chè tươi nóng, điếu thuốc lào. Trời mưa bay. Bỗng tôi trông thấy Hạnh, nàng mặc tấm áo dài thâm đi ở ngoài. Nàng chào tôi và ghé vào quán.
Tôi hỏi:
“Cô đi Hà Nội?”
“Vâng”, Hạnh đáp.
Tôi mời nàng uống nước và chúng tôi uống những bát nước chè tươi xanh nóng rộp lưỡi. Hạnh hỏi tôi:
“Anh cũng về Hà Nội?”
Tôi chưa biết trả lời thế nào Hạnh đã tiếp:
“Nếu tiện anh đi xe của em cùng về.”
Nàng nói tự nhiên còn tôi lúng túng. Hạnh lại nói:
“Chỉ sợ anh đi xe chở hàng thôi.”
Hạnh đưa tôi ra xe, chiếc xe cam nhông chuyên chở hàng hoá. Sau xe trống, ngoài một thùng đựng ét xăng của nhà binh bỏ không và mấy tấm bao tải.
Tôi và Hạnh ngồi phía trên cùng người tài xế và người phụ xe ở đằng sau. Xe ra khỏi thị xã cùng với hạt mưa dầy hơn. Người tài xế đứng tuổi hai bàn tay khô khan gân guốc chụp trên đầu chiếc mũ cát két dạ. Anh phụ xe trẻ tuổi nói qua lỗ hổng lên với bác tài một câu gì. Hạnh ngồi sát vào tôi và tôi nhận hơi ấm của nàng.
Nhìn thấy ở ngực Hạnh đeo hình thánh giá, tôi hỏi:
“Em theo đạo?”
Hạnh gật đầu trả lời:
“Khi còn ở hậu phương, bây giờ thì thôi rồi.”
Một lát sau xe chạy đều tốc lực, màu trắng phủ những cánh đồng hai bên đường. Tôi hỏi Hạnh:
“Em còn nhớ anh xưa hay không?”
Hạnh ngước nhìn tôi rồi trả lời:
“Em nhớ những ngày nghỉ học anh thường hay đi theo em. Hồi ấy nhà em ở hai nơi, Thị Cầu và Đáp Cầu. Đi về em phải qua nhà anh. Em mặc áo trắng và cặp tóc và em đã được nghe anh nói là em đẹp nhất Thị Cầu.”
Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Hạnh để vào lòng tay tôi từ lúc nào, rất cảm động.
Hạnh nói tiếp:
“Một lần anh Long và một người bạn nữa đã thách anh đến vuốt tóc em và anh đã làm thật. Ở con đường ra đồng trước cửa nhà một người Pháp có nuôi một đàn ngỗng dữ và em đã về mách nhà anh cái tội trêu trọc em và tội đứng đó ăn cắp trứng ngỗng.”
Tôi nắm chặt hơn bàn tay Hạnh, có cảm giác hổ thẹn về những hành động ngây thơ táo bạo và tôi đáp:
“Nhưng em cũng biết là bà ngoại anh chẳng bao giờ trị tội anh cả.”
Hạnh gật đầu và cái búi tóc nghiêng xuống vai về phía tôi. Hạnh hỏi lại tôi:
“Học hết lớp nhất anh đi Sài Gòn? Anh làm gì?”
Tôi nói điềm nhiên và thành thật, ngoài ý muốn:
“Anh đã bán báo, làm thợ và học nghề chữa ô tô.”
Đến Hà Nội, mưa to lớn hơn. Chúng tôi cùng đi ăn cơm với nhau.
Và đêm ấy tôi ngủ với Hạnh ở khách sạn.
6.
Tết đã qua. Mùa xuân kéo dài với những trận mưa phùn làm bẩn hè phố. Tôi không đặt chân về nhà nữa. Ngọc và tôi ăn Tết cùng gia đình Bảo.
Chiều mùng một, tôi lên đón hai chị em Thanh đi chơi. Thanh bày bàn thờ trên cái xích đông làm giá sách trước bàn học của Minh. Thanh bảo tôi lễ tổ tiên. Tôi chắp hai tay và lòng bâng khuâng. Mùng ba Ngọc trở xuống Hải Phòng. Chúng tôi uống rượu trước khi chia tay. Và Bảo đặt cái bánh chưng lên bàn và bảo với Ngọc:
“Anh ăn bánh chưng đi, biết đâu chẳng là miếng cuối cùng trước khi đi.”
“Vâng biết trước thế nào được”, Ngọc trả lời.
Ngoài ngõ những đứa bé nghèo nàn đang đánh đáo. Chúng tôi không đưa tiễn nhau. Mùng chín tôi trở sang Bắc Ninh. Cái Tết đi qua có lẽ đã quá vui khiến để lại cho thị trấn này vẻ trơ trẽn. Mưa bay ngoài cửa sổ và sự chuyển vận của chiến tranh mỗi lúc thêm hấp tấp.
Đại vẫn chưa bỏ ra hậu phương. Trước khi về trường tôi có ghé nhà thăm và chúc Tết ông Chính. Tình cờ tôi được biết Đại dan díu với Thịnh. Trong suốt mấy tháng tôi không nhận được một hàng chữ nào của bạn bè. Tôi cùng về Hà Nội với Hạnh vài lần. Những ngày ấy tôi dành riêng cho mình Hạnh. Gần nhau, tôi nhận thấy chiến tranh, tổng quát là sự khủng bố tinh thần – đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương.
Sau mỗi lần như thế, khi lấy lại bình thường. Hạnh ngượng ngùng. Một lần nằm cạnh tôi, Hạnh nắm tay tôi để lên ngực nàng và hỏi:
“Anh có khinh em không?”
Lúc ấy tôi đau đớn tất cả thân thể. Trời chạng vạng với mưa bụi căm căm. Tôi thở dài trả lời:
“Em đừng hỏi và đừng bắt anh phải trả lời.”
Ở Đáp Cầu người ta phong phanh biết sự đi lại giữa Hạnh và tôi.
Một buổi sáng rét tháng ba tôi lặn lội xuống thăm Long. Tôi được ăn một bát bún riêu bỏng môi vì cay và nóng của chị Mùi và được chị cho biết tin là Hạnh không trở về nữa. Chị Mùi nói:
“Cô ấy ra ngoài đến nửa tháng nay không thấy về.”
Tôi hỏi chị:
“Có tin tức gì không chị?”
“Có lẽ bị giữ lại. Người ta nghi cô ấy…”
Long đi Hà Nội vắng. Vợ Long đang có mang. Tôi nghĩ không ở lại ăn cơm, trên đường về tôi nghĩ nhiều đến Hạnh. Nghĩ đến sự đam mê của Hạnh, tôi bồn chồn cả người. Tôi tin rằng chẳng có bao giờ gặp lại người con gái ấy nữa. Lễ Phục sinh tôi thăm Thanh gặp lúc nàng ốm nghỉ nằm nhà. Minh đi học vắng. Thanh gượng dậy tiếp tôi. Tôi khuyên nàng nằm nghỉ và tôi kê ghế ngồi cạnh giường. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ của Thanh tôi ngồi im và không biết nói chuyện gì. Tôi nhìn Thanh và mi mắt nàng hơi khép xuống nặng nặng. Nàng thở một cách đắn đo. Tôi đứng dậy để đốt thuốc lá, Thanh bảo:
"Anh cứ tự nhiên, em không sợ thuốc lá đâu."
Tôi ngồi xuống và thở khói nhè nhẹ. Thanh bỗng nói với tôi:
"Anh rót cho em xin cốc nước."
Tôi sửng sốt vì sự quá đáng của Thanh. Chưa bao giờ Thanh dám làm thế với tôi cả. Mặt tôi hơi sầm suống. Thanh lại nói tiếp như van lơn:
"Anh cho em xin cốc nước…"
Thanh định nói thêm điều gì lại thôi. Tôi miễn cưỡng làm theo lời Thanh. Uống xong nước, Thanh nói:
"Em có câu chuyện muốn nói với anh."
Thanh cố ý giừng lại. Tôi hít một hơi thuốc lá dài và thở khói um khiến Thanh phải sặc.
Nàng quay mặt đi bảo:
"Anh thổi khói vào mặt em."
Tôi thở nhẹ và khói tan dần. Mắt Thanh ướt ngấn nước và da mặt nàng hồng lên mệt nhọc. Thanh kéo chăn chấm nước mắt nói rất nhỏ:
"Anh Tâm, anh xem Minh đã có thể lấy chồng được chưa?"
Tôi ngạc nhiên không hiểu.
"Có người hỏi cưới Minh mà em phân vân quá."
Tôi gõ tàn thuốc lá đánh nhịp chân, hỏi:
"Minh năm nay bao nhiêu tuổi?"
"Mười tám."
Chúng tôi cùng im lặng, tôi thì nhìn khói thuốc. Tôi lại hỏi:
"Còn cô?"
"Hai mươi ba. Già rồi còn gì?”
“Ai bảo cô già?”
Thanh không trả lời và hình như mơ mộng điều gì. Một lát, Thanh hỏi:
“Anh biết người thế nào hỏi Minh không?”
“Ai?”
“Chu.”
Giọng nói của Thanh cố gắng bình thản và mắt Thanh mọng cộm lên. Tôi nhắc: Chu. Tôi cố gắng nói tự nhiên:
“Cô định sao? Đã hỏi ý kiến Minh chưa?”
“Em bằng lòng.”
Nghĩ hồi lâu, tôi trả lời buông xuống:
“Cũng được.”
Đám cưới Minh giản dị và mau chóng.
Chưa đầy một tháng sau câu chuyện giữa tôi và Thanh, Minh nghỉ học ở nhà. Trầu cau được chia cho vài chỗ quen biết thân.
Theo ý của Chu, hai bên nhà trai gái mở chung một tiệc khách sạn Phú Gia.
Khách khứa cũng không nhiều. Tôi phụ với Thanh thu xếp công việc vì nàng vẫn chưa được khoẻ hẳn. Bữa ăn vào buổi tối gồm chưa đến ba mươi người.
Mươi người họ hàng thân quyến của Chu, mươi người bạn cùng sở Chu; bên này có mặt cô Nghĩa, ông Chính, Bảo, Nga – cô thợ cả của Thanh – hai ba người bạn thợ của Thanh, mấy cô phù dâu và bạn bè của Minh.
Lâu không gặp tôi, cô Nghĩa nói đùa:
“Bao giờ thì anh lập gia đình?”
Thanh cũng đứng đấy cười trả lời thay:
“Dì không biết anh ấy lập gia đình rồi hay sao?”
Cô Nghĩa tưởng thật.
Chu đến. Lần thứ nhì tôi gặp lại Chu trong mấy năm về Hà Nội. Chu nói:
“Minh đang ngồi khóc ở nhà.”
Tôi bảo:
“Cô gái nào chẳng vậy” - rồi tôi kéo Chu ra ngoài.
“Tôi cần nói chuyện với anh một lát.”
Nhưng khi ra ngoài, gió hơi lạnh, nhìn sang hồ nước im lặng và thấp thoáng phản chiếu ánh đèn, tôi không biết tôi muốn nói gì với Chu.
Ông Chính gặp tôi hỏi:
“Sao anh ít về nhà?”
Tôi cho là ông quá tàn nhẫn khi đặt câu hỏi. Mà có lẽ ông đã quỵ luỵ chăng?
Tôi ấp úng. Tôi bắt tay Đại hững hờ.
Thanh giới thiệu tôi với Nga. Tôi nói:
“Chúng tôi đã gặp nhau một lần.”
Nga cúi đầu nhận. Thanh quên buổi tôi lại đón Thanh ở cửa hàng để lấy cái khăn quàng cho Đại. Đại quàng cái khăn ấy.
Nga hỏi câu mở đầu khiến tôi ngạc nhiên vô cùng:
“Ông viết văn?”
Tôi bị lúng túng và trả lời:
“Thưa cô, không. Tôi chưa bao giờ” - ngừng một giây nhỏ - “À! thời trước thì có. Cô nghĩ tuổi trẻ người nào đã chẳng từng viết đôi ba dòng. Làm một vài câu thơ. Bây giờ thì tôi chưa hề nghĩ đến.”
Nga nhìn ý tứ:
“Thế mà tôi vẫn đinh ninh ông viết văn.”
Tôi thấy được không khí thân mật và bạo dạn nói:
“Nếu thế có lẽ chính cô viết văn.”
Nga đáp thẳng thắn:
“Vâng tôi bắt đầu.”
Bảo bước vào với tất cả vẻ cũ kỹ ngô nghê ngày thường của anh: bộ quần áo kaki kiểu nhà binh. Tôi bảo với Nga khi Bảo còn ở đầu phòng:
“Cô có thể nói chuyện văn chương với ông bạn tôi.”
Đại cũng đi về phía chúng tôi. Tôi khó chịu về sự góp mặt của những người không ưa nhau, Bảo và Đại.
Bữa ăn chưa xong thì Đại kiếu từ ra về dù Thanh cố mời giữ. Thanh tiễn Đại ra ngoài.
Tiệc tan vào khoảng hơn mười giờ đêm. Tôi và Bảo đưa Thanh và Nga về nhà. Thanh giữ Nga về ngủ chung. Chúng tôi qua đường phố hiu quạnh. Mọi vật ấm lạnh se se, cây cối, vỉa hè, mặt nhà. Thanh và Nga đi sát nhau. Tôi và Bảo cách xa, Thanh nói:
“Có lẽ anh Đại không bằng lòng điều gì. Em đã xin lỗi với anh ấy mãi.”
Tôi muốn kêu lên: Hắn là một thằng hèn. Tôi biết hắn về tình tự với Thịnh. Bảo vẫn trầm ngâm.
Thanh nói, tiếng nói vang trên chòm cây xôn xao:
“Hôm nay không có chị Nga ngủ một mình đến khóc mất” – Không ai trả lời, chỉ những tiếng bước bâng quơ. “Con gái nào chẳng vậy phải không anh Tâm?”
Nga lên tiếng:
“Chị đã hứa về ở với tôi cơ mà.”
Tôi tiếp lời:
“Phải đấy cô về ở với cô Nga. Hai người một mình ở với nhau cho vui.”
“Không, còn mẹ tôi nữa.”
Tôi rùng mình gần như đứng lại vì lạnh.
Có lẽ lạnh, không phải vì câu nói bâng quơ ấy? Sắp sửa đến ngày giỗ mẹ.
Thanh hát nhỏ, rất nhỏ trong cổ họng, điệu quen thuộc, tôi đã nghe. Trở về mái nhà xưa.
Bảo bỗng nói với Thanh:
“Từ ngày cô hát trên đài chưa bao giờ tôi được nghe cô cả.”
“Thế thì không bao giờ anh được nghe nữa cả bởi vì tôi đã giải nghệ.”
Nga: “Giải nghệ?”
Thanh: “Chứ sao!”
Tôi đợi đến một ngã tư mới nói:
“Không, cô nên hát.”
Thanh nhại:
“Không, cô nên giải nghệ.”
Từ đấy không ai nói một lời.
Thanh cứ hát nhỏ như cho mọi người nghe lần cuối. Hàng phố bé lại trong đêm khuya và lùi xa như tiếng hát.
Khi cánh cửa đã đóng sau lưng Thanh và Nga, tôi tôi còn nghe thấy tiếng hát ấy ở trên tay tôi. Trở về mái nhà.
Xưa.
Còn lại hai người đàn ông đi chân về ngoại ô.
Ông Chính vắng nhà như thường lệ. Đại đọc sách bên cốc nước nóng, vẫn Crime et châtiment. Giá sách bày ra sự lục lọi, điều ấy tôi không ưa. Đại đứng lên nói:
“Cậu đã về.”
Tôi hỏi một câu:
“Ông Chính không có nhà?”
Tôi cởi áo khoác ngoài xoa tay cho ấm và uống một cốc nước. Tôi hỏi:
“Tại sao nhà lại có nước nóng giờ này?”
Đại mỉm cười:
“Cô Thịnh, con ông Chính mới về.”
Tôi ngạc nhiên bước lại xếp giá sách. Đại tiếp:
“Bây giờ cô ấy trông nom cơm nước.”
Tôi nhìn lại hai căn buồng nhỏ khít nhau, với hai cửa sổ, hai bộ phản và một cái đi-văng làm bằng những cái thùng. Cái mắc áo tỏ sự ngăn nắp của bàn tay đàn bà, tôi mang treo áo khoác lên đấy.
Một người đàn bà dưới bếp lên – đó là Thịnh - chị có tất cả nét của người đã sống nhiều năm ở vùng kháng chiến. Chị chưa đến ba mươi, quấn tóc và răng đen, mặc một cái áo cánh trắng và một cái áo len xanh màu mực.
Tôi nói:
“Chào chị.”
Đại thân mật:
“Đây là anh Tâm vửa ở Bắc Ninh về.”
Thịnh cười dễ dàng, tay cầm giá đi lại phía thùng dùng làm đi-văng mở lấy gạo. Chị nói:
“Vừa may anh về tôi mới lấy gạo. Anh đi đường có nguy hiểm không?”
Tôi im lặng không trả lời. Tôi muốn chị gọi tôi bằng chú hay cậu.
Khi Thịnh xuống bếp, tôi hỏi Đại:
“Cô Thanh cần gặp tôi?”
Đại gấp cuốn sách và gật đầu. Rồi Đại nói:
“Tôi đã gặp cô Thanh. Cô ấy có bề ngoài hiền và ngoan” - Đại ngừng một phút nhìn ra ngoài, tôi không trả lời. “Cô ấy có thể là người tốt, rất tốt. Nhưng tại sao cô lại chọn nghề hát? Anh có nghe biết điều gì không?” – Tôi vẫn không trả lời. “Cô bị nhiều điều tiếng, người ta đồn cô không đứng đắn.”
Tôi tháo bỏ cái ca-vát cho đỡ vướng cổ, tai tôi nóng bừng. Tôi rót một cốc nước và muốn bỏ ra phố, xong tôi nói:
“Tôi cảm ơn cậu đã cho biết điều đó” – Tôi ngừng lại đến một phút. “Nhưng tôi không hiểu cậu có những ý nghĩ gì về Thanh. Làm thế nào ở giữa một xã hội hư hỏng như thế này, bị tước đoạt hết khí giới, bị ném vào vũng bùn? Cậu thử nghĩ nếu tôi và cậu cũng là con gái, chúng ta sẽ làm gì?”
Tôi biết tôi sắp chảy nước mắt, tôi thường như thế mỗi khi bị xúc phạm.
Đại im, tôi nói tiếp:
“Cậu sẽ bảo tôi cậu bỏ ra ngoài ấy. Bỏ ra ngoài cũng là một lối đánh đĩ, đánh đĩ tinh thần mình. Tôi không muốn nghe, không muốn nghe một lời nào. Lẽ ra cậu đừng nói với tôi mới phải.”
Đại giận lắm, hắn lắp bắp:
“Không, tôi định…”
Tôi lấy cái áo choàng trên mắc xuống và ra phố. Tôi lang thang đến chiều tối mới đến nhà Thanh. Minh đang thổi cơm bằng bếp cồn ngay trong buồng. Cái cặp tóc của Minh làm tôi dịu hẳn. Sau lưng tôi là gian phòng tối ngăn bằng những miếng vải, ngoài nữa là một cửa hàng da có tiếng máy may chạy. Minh quay lai reo mừng:
“Ô kìa anh Tâm. Lâu lắm anh mới gặp anh.”
Minh treo cho tôi cái áo vào thành ghế và bắt tôi uống nước cho ấm người và bảo:
“Anh đi dạy học xa phải không? Sao anh ít về Hà Nội thế? Hôm nay anh phải ở đây ăn cơm với em và chị Thanh…”
Tôi ngắt lời:
“Cô không để tôi hỏi cô điều gì cả?”
Minh đứng ngay ngắn:
“Xin tuân lệnh.”
Tôi vỗ vai Minh chỉ xuống ghế nói:
“Minh ngồi xuống. Chị Thanh không có nhà?”
“Thưa anh không?”
“Chị đi đâu?”
“Chị em hát ở đài.”
“Cô học hành có tấn tới không?”
“Rất tấn tới nhưng vẫn dốt món anh dạy.”
Minh đứng lên mở nắp soong, khói bồng lên ấm áp. Ghế cơm xong, Minh nói:
“Anh có nghe chị Thanh hát không?”
Minh mở máy thu thanh và với giọng nhỏ nhẻ:
“Chị Thanh hát hay nhưng em lại không thích nghe. Anh biết tại sao không?” – Tôi gật đầu. “Em muốn thôi học và chị ấy thôi hát, nhưng chị không bằng lòng.”
Làn sóng điện rõ dần và Thanh đang hát bài Trở về mái nhà xưa. Minh ngồi xuống, tôi đốt thuốc lá. Minh bỗng hỏi:
“Anh Đại là bạn thân của anh?”
Tôi đáp:
“Phải. Thì sao?”
Minh nói rất rõ ràng:
“Em không ưa anh ấy. em không ưa cái bộ mặt nghiêm trọng, cái cử chỉ làm cao thượng, cái giọng nói làm người trên… Anh ấy hay đến đây nói chuyện với chị Thanh, rủ em với chị Thanh đi phố nhưng em không thích đi cùng với anh ấy” – Minh tắt máy thu thanh. “Có phải thế không anh?”
Tôi im lặng hít một hơi dài thuốc lá rồi bảo:
“Em xem cơm coi chừng khê thì đen anh lắm.”
Tám giờ kém mười lăm Thanh về. Nàng phủi những giọt mưa trên vai áo và nói:
“Thiêng thật, đang hát mà em cảm ngay là ở nhà có khách. Em rẽ vào Hàng Mành mua chả cốm đây nhé.”
Minh dọn cơm bảo chị:
“Ban nãy em có mở cho anh Tâm nghe chị hát.”
Không khí gia đình ấm cúng suốt bữa cơm. Thanh đặt cái bếp cồn cạnh chỗ ngồi của nàng đun nước sôi pha cà phê. Tôi hỏi:
“Nhà ai uống cà phê mà có?”
Thanh đáp:
“Không, ăn cơm xong Minh sẽ đi mua cà phê chứ. Anh đỡ phải ra ngoài mưa lạnh.”
Tôi nhìn vào mắt Thanh. Chúng tôi nhắc đến những người thân đã khuất. Đã từ lâu chúng tôi mới họp mặt nhau. Minh ra phố mua cà phê. Thanh pha ấm nước sôi vào bình trà và đặt ấm nước thứ hai lên bếp đợi cà phê, tôi đốt điếu thuốc lá thứ ba.
Thanh nói sau khi bơm cho ngọn lửa đều:
“Có phải anh khuyên em nên nhận lời không?”
Tôi gõ tàn thuốc không trả lời cũng không biểu lộ cử chỉ nào khác. Mãi thấy Thanh không nói gì tôi mới hỏi:
“Sao?”
Thanh không ngước nói rất khẽ:
“Từ hôm đấy không thấy cô Nghĩa nhắc lại chuyện nữa. Chu có đến đây gặp em một lần.”
Thanh trầm ngâm. Thanh tìm cuốn len đan dở và xỏ lại những múi tuột. Nàng bắt đầu làm việc, tôi nói:
“Ngay hôm cô hỏi ý kiến tôi đã cảm giác là chuyện ấy khó thành, hôm nay tôi có thể nói thẳng như thế.”
Thanh ngừng mũi kim ngẩng lên hỏi:
“Tại sao vậy anh?”
“Tại vì… Tôi khó nói quá.”
“Em không xứng đáng chứ gì?” Thanh nói thẳng giọng chắc nịch. Tôi thấy tròng mắt nàng rưng rưng.
“Không, không phải thế. Tôi cho rằng những người như Chu không có quyền phán đoán chúng ta. Chu có dám sống như cô bao giờ đâu để mà dám phán đoán cô. Những người như thế…”
“Nhưng đôi khi… đôi khi chính mình cũng nhận thấy rằng…”
“Mình nhận thấy, phải. Mình là tội phạm và chỉ mình đủ tư cách là quan tòa xét xử mà thôi. Ngoài ra không ai được quyền cả, kẻ nào đã dám sống cái thân phận một người con gái không được che chở - mà phải che chở cho người khác – trong một hoàn cảnh xã hội như thế này. Những đứa con gái là lượt tưởng là đoan chính kia đáng lẽ cô có quyền khinh vào mặt họ, nhưng không, đừng để ý đến họ, coi như họ không có mặt giữa chúng ta… giữa cái xã hội đáng tởm này…”
Thanh ngồi lặng người, đầu cúi xuống.
Tôi châm một điếu thuốc khác.
Trấn tĩnh xong, Thanh hỏi:
“Còn Đại?”
Tôi im khá lâu:
"Hắn định bỏ ra ngoài."
Minh mua cà phê về, tự tay Thanh pha cho tôi. Tôi uống cà phê và nói chuyện với Minh. Thanh làm việc và lắng nghe. Mười giờ tôi từ giã hai chị em Thanh.
Tôi không về nhà mà thuê xe xuống nhà Bảo dưới Hàng Bột, gần Ô chợ Dừa.
Chiếc xích lô nhịp nhàng ra ngoại ô.
Đường vắng và bóng. Mọi căn nhà đã ngủ, trừ dãy nhà điếm quét vôi hồng mắc đèn đỏ chăng dây thép gai trên đầu tường. Những bóng người ra vào ở đây lẩn lút câm nín.
Xe dừng bên đuờng tàu điện. Tôi bước qua đường sắt vào ngõ. Nhà Bảo cũng không còn tiếng nói, ánh dèn dần hiu hắt trên bàn.
Tôi gõ cửa và nghe tiếng vợ Bảo.
“Ai đấy?”
Tôi chậm rãi trả lời:
“Tôi.”
Trong khi người đàn bà lệt xệt guốc trên nền đất ra phía cửa.
“Anh Tâm đi khuya thế?”
Tôi mang cả luồng gió vào gian nhà. Bảo đã vặn to ngọn đèn ở trên bàn. Tôi nói với Bảo:
“Hôm nay tôi xuống ngủ với anh.”
Bảo tươi cười hỏi:
“Anh mới về?”
Vợ Bảo thu xếp những hộp gỗ đựng hàng cho gọn cái phản lớn làm nơi ngủ của tôi và Bảo. Gia đình Bảo bán những thứ hàng vặt vãnh cần dùng cho mọi người trong xóm: gạo, nước mắm, củi, xà phòng… Chị Bảo giăng màn xong nói với chồng:
“Anh mời anh Tâm nằm nghỉ không mệt.”
Chị trở về chỗ nằm cũ. Chúng tôi vào màn.
Tôi thao thức rất lâu và cựa mình luôn
Gió trên mái nhà và sau nhà. Gần đấy một con chó thỉnh thoảng lại tru lên những tiếng kinh hãi. Chuột rúc trong có nhà. Có lẽ vợ Bảo đã ngủ yên, ôm con trong lòng, thằng bé chép miệng luôn.
Bảo chợt quay sang phía tôi hỏi:
“Tâm vẫn còn thức đấy hả?”
Tôi nói nhỏ:
“Làm sao?”
Bảo thì thầm:
“Thằng Ngọc xuống Hải Phòng rồi. Nó vừa viết thư cho tôi.”
“Thế à? Lâu lắm tôi không được gặp nó, dễ thường đến gần một năm.”
“Nó làm gì anh có biết không ? Phu khuân vác bến Sáu Kho.”
“Phu khuân vác?”
Nó viết thư cho tôi toàn khói nhà máy, khói tàu biển, thợ thuyền, bữa cơm đầu chợ. Nó chờ đợi một chuyến đi xa, đi không trở về cái đất nước nhục nhã này, đi tìm cái chết nơi hải cảng trong quán rượu xa lạ, chết một mình bên chai rượu… Nó lãng mạn quá sức.’
Bảo nói đều đều vừa đủ nghe.
“Lãng mạn.” Tôi lặp lại.
“Nó không đủ điều kiên nhẫn khiến cho mình thêm rúng động. Còn phải sống như thế này đến bao giờ? Bao nhiêu năm nữa? Nó làm cho tôi sợ cái chuỗi ngày thường của tôi, có phải mình đang kiên nhẫn chịu đựng hay mình đang chết đi? Hay đã chết rồi? Nếu thật chết rồi thì cái hành động nổi loạn vô ý thức của nó có nghĩa hơn cái cuộc đời bên cái hàng tạp hoá và vợ con này của tôi. Tâm, cậu nghĩ xem nó kiên nhẫn hay mình đã chết rồi?”
Tôi không trả lời, gác một chân ra ngoài chăn. Bảo đã dự trong phong trào Ngũ Xã. Anh bị hư một chân, khi trải qua nhà tù Pháp và Việt Minh.
“Tâm, cậu nghĩ xem mình đang cố gìn giữ những hơi thở cách mạng hay mình đang thở hắt ra còn cố lấy vòng hoa cách mạng che mặt?”
Vợ Bảo trở mình ở bên giường. Con chó đâu đây lại tru lên từng hồi dữ tợn hơn. Lát sau tôi bảo:
"Nếu anh viết thư cho Ngọc, anh bảo nó liên lạc với tôi cho tôi được biết tin tức nó."
5.
Về Bắc Ninh tôi bị cảm khản tiếng mất một tuần phải nghỉ làm việc. Những buổi sáng mủa đông buồn rầu thêm. Tôi nằm lỳ trên giường không buồn trở dậy. Những tiếng ồn ào từ trong lớp học giờ làm việc, ngoài sân giờ ra chơi, bay lên qua một khoảng xa cách lắm, tôi đợi từng bước chân ngoài hành lang.
Mỗi bữa cơm ông già gác mang lại phòng cho tôi một bát cháo nóng - buổi trưa kèm theo một tờ báo hằng ngày. Tôi lười, thoái thác không xuống phòng ăn. Tôi đọc báo, nhìn cuộc đời bình thản qua như những cuộn mây xám thường ngoài cửa sổ buổi chiều. Và tôi ngủ những giấc ngủ đầy hơi thở nóng và mồ hôi cùng trống ngực.
Linh mục Tân đến thăm tôi hàng ngày khoảng 4 giờ chiều và ở phòng tôi chừng mười lăm phút. Nhiên săn sóc tôi vào buổi tối khi những tiếng chuông khoá lễ chiểu đã im. Nhiên thường ngồi nói chuyện. Anh kể về gia đình, về thời thơ ấu, và ơn trên đã kêu gọi anh để dâng mình cho Chúa, bằng giọng bình thản như đọc một đoạn sách thánh kinh. Bà nội anh muốn có một người con dâng mình cho Chúa, nhưng cha anh lại là con một. Tiếp theo Nhiên là đứa cháu độc nhất. Đứa cháu độc nhất ấy nghe ở linh hồn mình từ nhỏ âm vang lời kêu gọi của Thiên chúa và Nhiên mong rằng sẽ làm thoả mãn khát vọng của những người sinh thành. Trong những lúc ấy tôi nhó lên ngọn điện yếu mỏng chập chờn như muốn tắt.
Đại không sang, những thư từ của tôi được cho vào phong bì lớn dán kín gởi sang trường. Tôi nhận được thư của Francoise trách tôi lười viết, nàng hỏi tôi có nhận được thư của nàng không. Nàng cho biết hiện công tác vận động những gia đình có con em chiến đấu ở Đông Dương để làm kiến nghị yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở đây. Đồng thời cùng với một nhóm bạn hữu thanh niên nàng đã gặp Sartre, chất vấn về vấn đề cộng sản và cách mạng. Nàng bảo nàng hơi đen và gầy hơn nhưng cũng cao hơn. Nàng vừa kỷ niệm sinh nhật thứ mười chín của nàng.
"Pauvre Francoise!"
Hoà tả những trận mưa ở đồn điền dài ba trang giấy mỏng. Và Ngọc:
"Mày ơi!"
"Mày còn thì giờ để ý đến tao ư? Tao tưởng mày nghĩ đến thân phận mày cũng đáng đủ lắm rồi. Thằng Bảo cho tao lãng mạn và chắc rằng chúng mày cũng đồng ý với nhau. Nhưng hỡi ôi! Lãng mạn phải là chúng mày mới đúng. Đau khổ cho nhiều vào, đọc sách cho nhiều vào, xót thương mình chưa đủ rồi xót thương người…. để mơ mộng: cách mạng. Ôi chao cách mạng. Cách mạng để làm gì? Những con ngựa bị hành hạ đau quá thì lồng lên hất thằng dô kề ngã mà chạy. Chạy đi đâu? Thằng dô kề nó sẽ túm được, nó đánh đập tàn nhẫn hơn và lại xỏ cương trèo lên lưng.
Thế nào tao cũng bỏ đất này đi, tao can đảm thú thực như thế, chết ở chỗ khác yên thân hơn. Còn hơn chúng mày lòng tin đã mất mà không dám thú thực, mà vẫn cố gắng giả tin.
Bằng chứng là chúng mày có tự do đâu, thằng Bảo vợ cái be nước mắm, mày bỏ trường này rồi cũng đến trường khác. A-men, mày đang tìm đến với Chúa đấy.
Cầu Chúa che chở cho cái thằng sâu kiến lúc nào cũng tưởng mình lớn ngang đức Chúa. Làm dấu thánh giá và quỳ xuống."
Tôi quên lá thư của Ngọc. Ngọc mở ở bàn đêm đầu giường. Buổi chiều tôi ngủ chập chờn, khi mở mắt Nhiên ngồi cạnh và đã bật đèn. Nhiên hỏi:
"Anh không ăn cháo? Để tôi bổ cam anh xơi."
Tôi ngồi dậy nói:
"Cám ơn anh, tôi có thể làm lấy được."
Tôi bổ cam ở bàn, nhìn ra cửa sổ, gió khoan khoái một chút.
Nhiên hỏi:
"Anh cho là có Thượng Đế hay không?"
Tôi suy nghĩ rồi trả lời:
"Câu hỏi ấy chưa bao giờ làm tôi thắc mắc cả.’’
Tôi không nghĩ đến nó.
Nhiên lại hỏi:
"Anh có nhận rằng ở đời có một cái gọi là Thiện, một cái gọi là Ác, có công bằng, có tự do, có bác ái…"
Tôi trông thẳng vào mặt Nhiên đáp:
"Có chứ tại sao không?"
"Vậy mà anh lại không tin Thượng Đế thì lạ thật?"
"Tôi tưởng những ý niệm ấy họp nhau thành một ý niệm hoàn hảo hơn tất cả là Thượng Đế. Thường thường người ta nghĩ một vài ý niệm khó thoả hiệp được với nhau như bình đẳng và tự do, những đạt đến sự hoà hiệp chính là tìm về Thượng Đế rồi còn gì?"
Tôi bước vài bước đắn đo:
"Tôi nhắc lại với anh tôi không suy nghĩ về vấn đề ấy. Theo tôi có những lúc người ta giải quyết giữa người với người và Thượng Đế không nên có mặt ở lúc ấy. Thượng Đế cần một hình ảnh tinh khiết. Có mặt khi không cần thiết, Thượng Đế sẽ bị nhơ nhuốc lây và có thể bị mất ngôi. Mà ngôi Thượng Đế có lẽ cần thiết lúc khác."
"Thượng Đế sẽ giải quyết những vấn đề của loài người nếu loài người biết tìm về đến Người."
"Không, tôi không tin như thế, Thượng Đế không sống cái sống xác thịt của nhân loại. Khi Thượng Đế nhập thể thành người như Chúa Jesus hay Phật tổ thì chính ở người ấy Thượng Đế đã bị lôi kéo vào tấm thảm kịch riêng tư của loài người và chỉ có thể thoát ra với sự thất bại…"
Những buổi tiếp theo, Nhiên thưa sang thăm tôi – tôi nằm nghe tiếng động ngoài hành lang và lòng mình.
Tôi trả lời Ngọc:
"Ngọc,
Con sâu ở giữa tim giữa hồn, giữa não, mày nhớ không? Đi đâu cũng vẫn chỉ là mày – đau khổ và nhục nhã. Mà nào riêng có đất nước này hổ nhục thôi đâu, mọi nơi mắt mày cũng chỉ nhìn thấy như đây. Không trốn được đâu, trừ khi mày trốn được lòng mày.
Nhưng thôi tao vẫn cầu chúc cho mày đi đi cho thoả dồn nén, để ngó thấy ở bất cứ một góc địa cầu nào những điều ghê tởm không muốn ngó, rồi mày sẽ trở lại. Tất nhiên chán chường hơn nữa, nhưng từ chỗ chán chường cuối cùng ấy tao còn mày hay mất mày vĩnh viễn.
Ngọc ơi! Mày còn nhảy xuống biển ngủ ở dưới ấy không? Con sâu ở giữa tim, giữa hồn, giữa não.
Trước khi đi hãy thư cho bạn mày: Tâm."
Lễ Chúa Giáng sinh đến gần với những ngày rét cóng hơn. Nhà trường vắng ngắt, những giáo sư ngoài như tôi đã về Hà Nội cả. Mặt sân cứng ướt hiu quạnh trơ trọi không cây cối, tôi bước trên sạn vụn theo một cửa ngách sang nhà thờ. Màu đá xám cao và lạnh lẽo thêm.
Những chiếc đèn màu hình ngôi sao, những dây hoa giấy sặc sỡ buồn cười.
Vòm nhà thờ sâu, ánh sáng mờ ảo.
Tôi đi bên những hàng ghế mộc, đến máng cỏ Chúa hài đồng. Tôi đứng cách xa ngắm những hình tượng được xếp đặt khéo léo. Vài người đàn bà nhà quê mình như ở chợ rẽ vào, quỳ gối kính cẩn.
Rồi tôi xuống Đáp Cầu cho đến hết buổi sáng.
Tôi vẫn chưa biết nên về Hà Nội hay nên giam mình một tuần lễ nữa trong chuỗi ngày rét mướt ở tỉnh lỵ. Con đường dốc, những sườn núi trơ đất và đá đỏ, gió và hơi nước quyến lấy nhau ở không trung làm thành khói đặc nặng nề, không một tiếng động ngoài một tiếng nổ của động cơ. Chiếc xe hàng đã đổ hết khách ở Bắc Ninh chỉ còn lại vài người. thị xã tiêu điều với những nhà méo lệch. Quán chợ lụp xụp nhớp nháp; chợ còn lại dẫy tường trắng loang lổ vết tích cũ.
Bữa cơm ăn với vợ chồng Long trong một gian buồng hẹp ấm. Mâm bằng gỗ.
Tôi trở về Bắc Ninh gần ba giờ chiều.
Tôi ngồi trong một quán nước ở bến xe trong sự náo nhiệt ấm áp của những người xuôi ngược và những người làm xe. Ở đây có những bát nước chè tươi nóng, điếu thuốc lào. Trời mưa bay. Bỗng tôi trông thấy Hạnh, nàng mặc tấm áo dài thâm đi ở ngoài. Nàng chào tôi và ghé vào quán.
Tôi hỏi:
“Cô đi Hà Nội?”
“Vâng”, Hạnh đáp.
Tôi mời nàng uống nước và chúng tôi uống những bát nước chè tươi xanh nóng rộp lưỡi. Hạnh hỏi tôi:
“Anh cũng về Hà Nội?”
Tôi chưa biết trả lời thế nào Hạnh đã tiếp:
“Nếu tiện anh đi xe của em cùng về.”
Nàng nói tự nhiên còn tôi lúng túng. Hạnh lại nói:
“Chỉ sợ anh đi xe chở hàng thôi.”
Hạnh đưa tôi ra xe, chiếc xe cam nhông chuyên chở hàng hoá. Sau xe trống, ngoài một thùng đựng ét xăng của nhà binh bỏ không và mấy tấm bao tải.
Tôi và Hạnh ngồi phía trên cùng người tài xế và người phụ xe ở đằng sau. Xe ra khỏi thị xã cùng với hạt mưa dầy hơn. Người tài xế đứng tuổi hai bàn tay khô khan gân guốc chụp trên đầu chiếc mũ cát két dạ. Anh phụ xe trẻ tuổi nói qua lỗ hổng lên với bác tài một câu gì. Hạnh ngồi sát vào tôi và tôi nhận hơi ấm của nàng.
Nhìn thấy ở ngực Hạnh đeo hình thánh giá, tôi hỏi:
“Em theo đạo?”
Hạnh gật đầu trả lời:
“Khi còn ở hậu phương, bây giờ thì thôi rồi.”
Một lát sau xe chạy đều tốc lực, màu trắng phủ những cánh đồng hai bên đường. Tôi hỏi Hạnh:
“Em còn nhớ anh xưa hay không?”
Hạnh ngước nhìn tôi rồi trả lời:
“Em nhớ những ngày nghỉ học anh thường hay đi theo em. Hồi ấy nhà em ở hai nơi, Thị Cầu và Đáp Cầu. Đi về em phải qua nhà anh. Em mặc áo trắng và cặp tóc và em đã được nghe anh nói là em đẹp nhất Thị Cầu.”
Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Hạnh để vào lòng tay tôi từ lúc nào, rất cảm động.
Hạnh nói tiếp:
“Một lần anh Long và một người bạn nữa đã thách anh đến vuốt tóc em và anh đã làm thật. Ở con đường ra đồng trước cửa nhà một người Pháp có nuôi một đàn ngỗng dữ và em đã về mách nhà anh cái tội trêu trọc em và tội đứng đó ăn cắp trứng ngỗng.”
Tôi nắm chặt hơn bàn tay Hạnh, có cảm giác hổ thẹn về những hành động ngây thơ táo bạo và tôi đáp:
“Nhưng em cũng biết là bà ngoại anh chẳng bao giờ trị tội anh cả.”
Hạnh gật đầu và cái búi tóc nghiêng xuống vai về phía tôi. Hạnh hỏi lại tôi:
“Học hết lớp nhất anh đi Sài Gòn? Anh làm gì?”
Tôi nói điềm nhiên và thành thật, ngoài ý muốn:
“Anh đã bán báo, làm thợ và học nghề chữa ô tô.”
Đến Hà Nội, mưa to lớn hơn. Chúng tôi cùng đi ăn cơm với nhau.
Và đêm ấy tôi ngủ với Hạnh ở khách sạn.
6.
Tết đã qua. Mùa xuân kéo dài với những trận mưa phùn làm bẩn hè phố. Tôi không đặt chân về nhà nữa. Ngọc và tôi ăn Tết cùng gia đình Bảo.
Chiều mùng một, tôi lên đón hai chị em Thanh đi chơi. Thanh bày bàn thờ trên cái xích đông làm giá sách trước bàn học của Minh. Thanh bảo tôi lễ tổ tiên. Tôi chắp hai tay và lòng bâng khuâng. Mùng ba Ngọc trở xuống Hải Phòng. Chúng tôi uống rượu trước khi chia tay. Và Bảo đặt cái bánh chưng lên bàn và bảo với Ngọc:
“Anh ăn bánh chưng đi, biết đâu chẳng là miếng cuối cùng trước khi đi.”
“Vâng biết trước thế nào được”, Ngọc trả lời.
Ngoài ngõ những đứa bé nghèo nàn đang đánh đáo. Chúng tôi không đưa tiễn nhau. Mùng chín tôi trở sang Bắc Ninh. Cái Tết đi qua có lẽ đã quá vui khiến để lại cho thị trấn này vẻ trơ trẽn. Mưa bay ngoài cửa sổ và sự chuyển vận của chiến tranh mỗi lúc thêm hấp tấp.
Đại vẫn chưa bỏ ra hậu phương. Trước khi về trường tôi có ghé nhà thăm và chúc Tết ông Chính. Tình cờ tôi được biết Đại dan díu với Thịnh. Trong suốt mấy tháng tôi không nhận được một hàng chữ nào của bạn bè. Tôi cùng về Hà Nội với Hạnh vài lần. Những ngày ấy tôi dành riêng cho mình Hạnh. Gần nhau, tôi nhận thấy chiến tranh, tổng quát là sự khủng bố tinh thần – đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương.
Sau mỗi lần như thế, khi lấy lại bình thường. Hạnh ngượng ngùng. Một lần nằm cạnh tôi, Hạnh nắm tay tôi để lên ngực nàng và hỏi:
“Anh có khinh em không?”
Lúc ấy tôi đau đớn tất cả thân thể. Trời chạng vạng với mưa bụi căm căm. Tôi thở dài trả lời:
“Em đừng hỏi và đừng bắt anh phải trả lời.”
Ở Đáp Cầu người ta phong phanh biết sự đi lại giữa Hạnh và tôi.
Một buổi sáng rét tháng ba tôi lặn lội xuống thăm Long. Tôi được ăn một bát bún riêu bỏng môi vì cay và nóng của chị Mùi và được chị cho biết tin là Hạnh không trở về nữa. Chị Mùi nói:
“Cô ấy ra ngoài đến nửa tháng nay không thấy về.”
Tôi hỏi chị:
“Có tin tức gì không chị?”
“Có lẽ bị giữ lại. Người ta nghi cô ấy…”
Long đi Hà Nội vắng. Vợ Long đang có mang. Tôi nghĩ không ở lại ăn cơm, trên đường về tôi nghĩ nhiều đến Hạnh. Nghĩ đến sự đam mê của Hạnh, tôi bồn chồn cả người. Tôi tin rằng chẳng có bao giờ gặp lại người con gái ấy nữa. Lễ Phục sinh tôi thăm Thanh gặp lúc nàng ốm nghỉ nằm nhà. Minh đi học vắng. Thanh gượng dậy tiếp tôi. Tôi khuyên nàng nằm nghỉ và tôi kê ghế ngồi cạnh giường. Sau khi hỏi thăm sức khoẻ của Thanh tôi ngồi im và không biết nói chuyện gì. Tôi nhìn Thanh và mi mắt nàng hơi khép xuống nặng nặng. Nàng thở một cách đắn đo. Tôi đứng dậy để đốt thuốc lá, Thanh bảo:
"Anh cứ tự nhiên, em không sợ thuốc lá đâu."
Tôi ngồi xuống và thở khói nhè nhẹ. Thanh bỗng nói với tôi:
"Anh rót cho em xin cốc nước."
Tôi sửng sốt vì sự quá đáng của Thanh. Chưa bao giờ Thanh dám làm thế với tôi cả. Mặt tôi hơi sầm suống. Thanh lại nói tiếp như van lơn:
"Anh cho em xin cốc nước…"
Thanh định nói thêm điều gì lại thôi. Tôi miễn cưỡng làm theo lời Thanh. Uống xong nước, Thanh nói:
"Em có câu chuyện muốn nói với anh."
Thanh cố ý giừng lại. Tôi hít một hơi thuốc lá dài và thở khói um khiến Thanh phải sặc.
Nàng quay mặt đi bảo:
"Anh thổi khói vào mặt em."
Tôi thở nhẹ và khói tan dần. Mắt Thanh ướt ngấn nước và da mặt nàng hồng lên mệt nhọc. Thanh kéo chăn chấm nước mắt nói rất nhỏ:
"Anh Tâm, anh xem Minh đã có thể lấy chồng được chưa?"
Tôi ngạc nhiên không hiểu.
"Có người hỏi cưới Minh mà em phân vân quá."
Tôi gõ tàn thuốc lá đánh nhịp chân, hỏi:
"Minh năm nay bao nhiêu tuổi?"
"Mười tám."
Chúng tôi cùng im lặng, tôi thì nhìn khói thuốc. Tôi lại hỏi:
"Còn cô?"
"Hai mươi ba. Già rồi còn gì?”
“Ai bảo cô già?”
Thanh không trả lời và hình như mơ mộng điều gì. Một lát, Thanh hỏi:
“Anh biết người thế nào hỏi Minh không?”
“Ai?”
“Chu.”
Giọng nói của Thanh cố gắng bình thản và mắt Thanh mọng cộm lên. Tôi nhắc: Chu. Tôi cố gắng nói tự nhiên:
“Cô định sao? Đã hỏi ý kiến Minh chưa?”
“Em bằng lòng.”
Nghĩ hồi lâu, tôi trả lời buông xuống:
“Cũng được.”
Đám cưới Minh giản dị và mau chóng.
Chưa đầy một tháng sau câu chuyện giữa tôi và Thanh, Minh nghỉ học ở nhà. Trầu cau được chia cho vài chỗ quen biết thân.
Theo ý của Chu, hai bên nhà trai gái mở chung một tiệc khách sạn Phú Gia.
Khách khứa cũng không nhiều. Tôi phụ với Thanh thu xếp công việc vì nàng vẫn chưa được khoẻ hẳn. Bữa ăn vào buổi tối gồm chưa đến ba mươi người.
Mươi người họ hàng thân quyến của Chu, mươi người bạn cùng sở Chu; bên này có mặt cô Nghĩa, ông Chính, Bảo, Nga – cô thợ cả của Thanh – hai ba người bạn thợ của Thanh, mấy cô phù dâu và bạn bè của Minh.
Lâu không gặp tôi, cô Nghĩa nói đùa:
“Bao giờ thì anh lập gia đình?”
Thanh cũng đứng đấy cười trả lời thay:
“Dì không biết anh ấy lập gia đình rồi hay sao?”
Cô Nghĩa tưởng thật.
Chu đến. Lần thứ nhì tôi gặp lại Chu trong mấy năm về Hà Nội. Chu nói:
“Minh đang ngồi khóc ở nhà.”
Tôi bảo:
“Cô gái nào chẳng vậy” - rồi tôi kéo Chu ra ngoài.
“Tôi cần nói chuyện với anh một lát.”
Nhưng khi ra ngoài, gió hơi lạnh, nhìn sang hồ nước im lặng và thấp thoáng phản chiếu ánh đèn, tôi không biết tôi muốn nói gì với Chu.
Ông Chính gặp tôi hỏi:
“Sao anh ít về nhà?”
Tôi cho là ông quá tàn nhẫn khi đặt câu hỏi. Mà có lẽ ông đã quỵ luỵ chăng?
Tôi ấp úng. Tôi bắt tay Đại hững hờ.
Thanh giới thiệu tôi với Nga. Tôi nói:
“Chúng tôi đã gặp nhau một lần.”
Nga cúi đầu nhận. Thanh quên buổi tôi lại đón Thanh ở cửa hàng để lấy cái khăn quàng cho Đại. Đại quàng cái khăn ấy.
Nga hỏi câu mở đầu khiến tôi ngạc nhiên vô cùng:
“Ông viết văn?”
Tôi bị lúng túng và trả lời:
“Thưa cô, không. Tôi chưa bao giờ” - ngừng một giây nhỏ - “À! thời trước thì có. Cô nghĩ tuổi trẻ người nào đã chẳng từng viết đôi ba dòng. Làm một vài câu thơ. Bây giờ thì tôi chưa hề nghĩ đến.”
Nga nhìn ý tứ:
“Thế mà tôi vẫn đinh ninh ông viết văn.”
Tôi thấy được không khí thân mật và bạo dạn nói:
“Nếu thế có lẽ chính cô viết văn.”
Nga đáp thẳng thắn:
“Vâng tôi bắt đầu.”
Bảo bước vào với tất cả vẻ cũ kỹ ngô nghê ngày thường của anh: bộ quần áo kaki kiểu nhà binh. Tôi bảo với Nga khi Bảo còn ở đầu phòng:
“Cô có thể nói chuyện văn chương với ông bạn tôi.”
Đại cũng đi về phía chúng tôi. Tôi khó chịu về sự góp mặt của những người không ưa nhau, Bảo và Đại.
Bữa ăn chưa xong thì Đại kiếu từ ra về dù Thanh cố mời giữ. Thanh tiễn Đại ra ngoài.
Tiệc tan vào khoảng hơn mười giờ đêm. Tôi và Bảo đưa Thanh và Nga về nhà. Thanh giữ Nga về ngủ chung. Chúng tôi qua đường phố hiu quạnh. Mọi vật ấm lạnh se se, cây cối, vỉa hè, mặt nhà. Thanh và Nga đi sát nhau. Tôi và Bảo cách xa, Thanh nói:
“Có lẽ anh Đại không bằng lòng điều gì. Em đã xin lỗi với anh ấy mãi.”
Tôi muốn kêu lên: Hắn là một thằng hèn. Tôi biết hắn về tình tự với Thịnh. Bảo vẫn trầm ngâm.
Thanh nói, tiếng nói vang trên chòm cây xôn xao:
“Hôm nay không có chị Nga ngủ một mình đến khóc mất” – Không ai trả lời, chỉ những tiếng bước bâng quơ. “Con gái nào chẳng vậy phải không anh Tâm?”
Nga lên tiếng:
“Chị đã hứa về ở với tôi cơ mà.”
Tôi tiếp lời:
“Phải đấy cô về ở với cô Nga. Hai người một mình ở với nhau cho vui.”
“Không, còn mẹ tôi nữa.”
Tôi rùng mình gần như đứng lại vì lạnh.
Có lẽ lạnh, không phải vì câu nói bâng quơ ấy? Sắp sửa đến ngày giỗ mẹ.
Thanh hát nhỏ, rất nhỏ trong cổ họng, điệu quen thuộc, tôi đã nghe. Trở về mái nhà xưa.
Bảo bỗng nói với Thanh:
“Từ ngày cô hát trên đài chưa bao giờ tôi được nghe cô cả.”
“Thế thì không bao giờ anh được nghe nữa cả bởi vì tôi đã giải nghệ.”
Nga: “Giải nghệ?”
Thanh: “Chứ sao!”
Tôi đợi đến một ngã tư mới nói:
“Không, cô nên hát.”
Thanh nhại:
“Không, cô nên giải nghệ.”
Từ đấy không ai nói một lời.
Thanh cứ hát nhỏ như cho mọi người nghe lần cuối. Hàng phố bé lại trong đêm khuya và lùi xa như tiếng hát.
Khi cánh cửa đã đóng sau lưng Thanh và Nga, tôi tôi còn nghe thấy tiếng hát ấy ở trên tay tôi. Trở về mái nhà.
Xưa.
Còn lại hai người đàn ông đi chân về ngoại ô.
7.
Những ngày làm việc đều đều tiếp nhau. Nhiên không còn ở lại trường nữa, anh phải đổi về Nam Định. Hôm chia tay tôi tiễn Nhiên ra bến xe. Rồi tôi thui thủi trong gian phòng cách biệt những giờ trống. Phòng bên – Nhiên ở trước – không có người, khoá cửa. Buổi tối vẫn bóng đen nặng nề, với cái sân sỏi, cột cờ khẳng khiu, nóc nhà thờ lạnh lẽo với những đợt bách kích pháo rung chuyển xa xa gần gần và ngọn điện đỏ như đầu que diêm chưa tắt. Không ai còn nhớ đến tôi vì không ai gửi cho tôi chữ nào, Francoise, Bình, Hoà, hay những học trò tôi không còn nhớ. Ngày nghỉ tôi xuống Đáp Cầu thăm tin tức Hạnh. Ngọn núi bắt đầu thấy cứng mình vì nghe nắng sắp về dữ dội. Những con đường cỏ hoang không dọn. Gạch ngói còn nằm im. Quán hàng của chị Nùi đông khách thêm vì sự chuyển vận binh sĩ không ngừng qua vùng này. Bát bún riêu nóng là món quà thường lệ của tôi.
Long đã xin được một chân hương sư. Lớp học chữ dưới ngôi đình cũ chỉ còn mái. Bàn ghế quyên tặng làm bằng đủ mọi thứ: có thể là cánh tủ, cánh phản, câu đối… Những đứa trẻ nhỏ cũng nô đùa tự nhiên nhưng không đủ át cái không khí vây quanh. Trời cao, cỏ rậm và bãi tha ma, những ngôi nhà lẩn lút. Buổi sáng chết lặng đi với những tiếng động tưởng như không có chút nào liên lạc với nhau. Tiếng búa gõ trên gỗ, tiếng máy nổ, tiếng phi cơ, trẻ con cười đùa và tiếng bước của thời tiết, trên lá cỏ, và trên nóc nhà.
Ở Hà Nội, Thanh về với Nga, Thanh không hát nữa. Từ ngày ấy tôi chưa về Hà Nội lần nào mà cũng không muốn về. Một ngày nhận được thư của Ngọc:
"Tâm,
Mày hãy tỏ ra mày tự do. Bằng cách nào? Từ cái chức giáo sư quèn ấy đi. Nếu không kiếm được công việc làm nào khác thì xuống đây tao nuôi. Tao cho mày tự do. Mày sẽ sống như cuộc đời của tao đây này. Rồi mày sẽ hiểu tại sao tao lại nghĩ vậy. Tao đã ăn một cái Tết khá đầy đủ với chúng mày. Cám ơn, cái Tết cuối cùng đấy vì tao sắp đi rồi. Chuyến này thành sự thực. Mày hãy xuống mau sống nốt với tao những ngày ở xứ này. Mai kia tao còn nhớ mãi mãi.
Dù con sâu con mọt có nằm giữa tim giữa óc hay giữa… ông cũng đếch cần. Ông cần mày, cần ngay để ông đi. Truyền lệnh! Ngọc.”
Tôi nằm rất lâu trong bóng tối. Hình như tôi sốt. Cho đến khi cha Tân vào phòng. Ông nói:
“Thầy không bật đèn lên?”
Tôi ngồi lên xin lỗi và làm theo lời ông. Ông ngồi xuống vẻ mặt nghiêm trọng. Tôi cất lá thư của Ngọc, khoác thêm áo đến ngồi đối diện với ông. Vẫn những tiếng nổ thường lệ làm nền cho buổi tối. Ông Tân hỏi:
“Hình như thầy không được khoẻ?”
Tôi vẽ một nụ cười.
“Bị sốt xoàng thôi, cám ơn cha.”
Một lát cha Tân vẫn chưa nói thêm. Tôi bỗng nói:
“Tôi muốn xin phép cha nghỉ độ nửa tháng.”
“Thày có thể nghỉ dài hạn cũng được.”
À đó là lý do ông đến thăm tôi buổi tối hôm nay trong giờ cầu nguyện của ông. Tôi ngạc nhiên một chút rồi dửng dưng ngay.
“Vâng thế cũng được.”
Tôi ngồi lại trong buồng nghe tiếng sột soạt của bộ quần áo tu sĩ xa dần ngoài hành lang. Tôi thấy nhẹ nhõm. Tôi không hỏi vì cớ gì ông muốn tôi nghỉ việc cũng như ông đã quên không nói cho tôi biết. Lối làm việc cẩu thả của tôi chăng? Những tư tưởng tôi đã nói trong giờ học đáng lẽ không nên nói chăng? Tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Tôi nhẹ nhõm vô cùng và ngủ một giấc thật say.
Tôi thức dậy sớm khi trời chưa sáng, thu xếp hành lý. Ông già gác đã thức dậy thấy ánh đèn, lên phòng tôi, ngạc nhiên:
“Thầy sửa soạn đi đâu sớm?”
Tôi hơi buồn vì giọng nói và sự có mặt của ông già. Ông vẫn khoác tấm áo dạ tôi trông thấy ngày mới đến trường này. Tôi đáp:
“Tôi nghỉ việc rồi.”
Ông già không hỏi gì thêm lẳng lặng giúp tôi một tay. Tôi nói:
“Từ hôm nay ông không lấy báo cho tôi nữa nhé.”
Tôi đi trong sự vắng lặng hoàn toàn của buổi mai chưa một ai trở dậy. Vẫn ông già xách giúp tôi cái va ly đi sau như ngày mới đến. Trời nắng đục, gác chuông cao và lạnh. Tôi giẫm trên những viên đá sỏi.
Ông già gác đặt va ly xuống mở khóa cổng. Tôi bảo ông:
“Ông nói với cha Tân và cả trường tôi xin lỗi gửi lời từ biệt vì đi sớm quá. Đi thế này cho mát.”
Và tôi bắt tay, bàn tay răn reo khô khan:
“Chào ông.”
Tiếng cửa sắt đóng sau lưng tôi và phố còn ngủ với những căn nhà yếu ớt của nó. Bến xe đã ầm tiếng nói cười. Tôi vào quán ăn điểm tâm và nhớ cuộc gặp gỡ với Hạnh. Mưa thoang thoáng.
Người phu xe nói:
“Đi giờ này là cảm tử nhất.”
Xe ra đầu tỉnh trời đã sáng hẳn, tiếng ồn ào ở phía sau rồi. Một vài học sinh đi ngang xe cúi đầu chào tôi.
Xuống bến xe ở Hà Nội nắng mới bắt đầu lên. Tôi nghĩ đến ông Chính và tôi nghĩ phải về nhà.
Nhà khoá trái cửa. Tôi hỏi thăm người ở chung. Ông Chính bệnh nặng đêm qua, sáng này phải đưa sớm xuống nhà thương Bạch Mai. Tôi gửi hành lý và thuê xe xuống Bạch Mai.
Ông Chính đã chết.
Tôi đến không kịp nhìn ông lúc hấp hối. Người ta đã mang ông xuống nhà xác. Ông bị bệnh màng óc. Từ trên gác cao lạnh lùng nhạt nắng, tôi đi xuống theo những con đường ngang đến nhà xác. Những tiếng động ở đâu, còn tôi tiến dần đến vào sự im lặng. Tôi nghe thấy một tràng cười rũ rượi. Khu điên gần đấy. Những cây cao ngó xuống.
Thịnh ngồi gác ủ rũ trên đầu ông Chính và Đại đứng cạnh. Thấy tôi vào Thịnh khóc nức nở. Tôi giở tấm khăn phủ mặt ông Chính và nước mắt tuôn tràn. Mặt ông đó còn tất cả sự đau đớn hành hạ trên nếp răn. Tôi cúi đầu rất lâu để mặc cho nước mắt chảy. Tôi ghi hình ảnh người cha ghẻ lần cuối. Người thân cuối.
Sao Thịnh lại không khóc nữa và tiếng chim sẻ ríu rít ngoài kia? Rồi tiếng ai tấm tức. Đó là một thiếu phụ trẻ ngồi bên một cái xác cuối phòng. Chắc là chồng nàng.
Tôi bảo với Thịnh:
"Chúng tôi đi ra ngoài."
Con đường rợp. Đại húng hắng ho. Thịnh sụt sịt. Tôi chỉ còn một ý nghĩ: Ông Chính chết, chết đột ngột quá.
“Sao anh ít về nhà?”
Câu trối trăng của ông với tôi đó chăng? Về nhà ư? Còn ít ngày nữa là đến giỗ mẹ. Tôi thắp hương chỗ nào. Mộ mẹ tôi nằm tận vùng quê ngoại mà chiến tranh đã vây lấp.
Uống xong bát nước nóng - Thịnh bảo cho khỏi cảm – tôi từ biệt hai người.
Tôi đến với Thanh.
Thanh va Nga bỏ công việc ra tiếp. Tôi muốn tiếng máy may cứ nhịp đều. Tôi bảo Thanh:
“Ông Chính mất rồi, sáng nay.”
Thanh nhắc lại:
“Ông Chính mất rồi.”
Tôi thấy Nga kín đáo đưa khăn tay chấm cuối mắt. À, giữa Thanh và ông Chính có liên lạc gì. Cứ nói ngay với tôi nữa.
“Sao anh ít về nhà?”
Nga bảo:
“Chúng mình có thể về được đấy Thanh ạ.”
Ngoài đường vẫn còn đôi người nhàn rỗi đi dạo nốt mùa xuân muộn sót.
Tôi theo hai người cho đến khi gặp một bà cụ già ngồi ở đầu phản: mẹ của Nga. Tôi cúi chào.
Đám ma của ông Chính đưa về nghĩa trang Quảng Thiện. Có mặt Bảo, Thanh, Nga những học trò của ông Chính, vắng mặt Đại. Một vài người bạn của ông Chính tôi chưa gặp bao giờ thì thầm ngơ ngác. Nghĩa trang đẹp trên khu đồi nhiều cây cao. Tôi ném viên đất thứ nhất lên nắp quan tài, Thịnh lăn lộn trên cỏ như một con chó điên, tóc tai rũ rượi, tay chân cào cấu. Người ta đã mang đặt những vòng hoa lên nắm đất. Thịnh vẫn úp mặt xuống cỏ. Không có Đại. Tôi chẳng quan tâm. Thanh và Nga đỡ Thịnh dậy. Và Thịnh cũng im bặt. Chúng tôi đi về.
Buổi tối về nhà. Căn nhà vắng vẻ không hương khói. Thịnh ngồi co ro trong một góc phản, tôi hỏi:
"Chị không lập bàn thờ thầy?"
Tôi không được tự nhiên khi nói tiếng thầy. Không còn liên lạc gì nữa. Quá khứ rồi.
"Tôi không ở đây" – Thịnh bình thản trả lời. "Tôi với anh không có bổn phận gì với nhau. Tôi đợi để trả nhà anh."
"Nhà tôi." Tôi muốn cười lớn. Nhưng tôi cho Thịnh nghĩ phải. Tôi lại hỏi:
"Anh Đại đâu không thấy về?"
"Anh ấy đi rồi. Anh ấy được liên lạc từ tuần trước nhưng nán lại vì thầy chết. Anh đi hôm qua."
"Còn chị?"
"Tôi đã nhận được chân vú em đi xa." Tôi quay ra mặt đường. Tôi đã nhận thấy bụng Thịnh mang thai. Đến lượt Thịnh hỏi tôi:
"Còn anh?"
"Tôi thất nghiệp, tôi cũng không còn gì để ở đây nữa. Chị có thể bán hết đồ đạc trong nhà này giữ làm vốn, tôi không cần bằng chị."
Chúng tôi im lặng. Ở giữa chúng tôi không còn gì ngoài người đã chết. Tôi nhớ đến buổi tối trước hôm sang Bắc Ninh tôi đã nói chuyện với ông Chính. Ở giữa chúng tôi cũng có một người chết. Cuốn Crime et châtiment lật ngửa ở đầu giường. Tôi muốn kêu lớn: nó là thằng hèn, có nó ở đây tôi đập vào mặt nó.
Tôi bỏ Thịnh với gian nhà và xuống Bảo.
Vợ Bảo dọn giường cho chúng tôi. Đứa con Bảo khóc và mẹ nó ru. Nửa đêm chúng tôi thức giấc, tôi nói:
"Mai tôi xuống Phòng với Ngọc."
Bảo không trả lời.
Bảo đưa tôi ra xe xuống Phòng. Chúng tôi đi xe điện xuống bờ và đi chân lên bến xe. Tay tôi vẫn xách chiếc va ly nhỏ ngày sang Bắc Ninh đựng chừng ấy thứ quần áo và vật dụng. Bảo hỏi:
"Anh xuống chơi hay ở hẳn dưới với Ngọc?"
Tôi đáp:
"Chưa biết."
Ngồi trên xe đợi chạy, tôi có ý định bỏ dở cuộc đi. Tôi không biết xuống Ngọc xong tôi sẽ làm gì hoặc đi đâu. Xe đến Hải Phòng đã quá trưa, tôi ghé quán ăn cơm trước khi tìm địa chỉ Ngọc.
Đến nơi tôi bước lên căn gác trong ngõ Cô Ba Chìa, ọp ẹp trống trơn trơ một cái bàn mộc và một manh chiếu.
Ngọc đã đi theo một chiếc tàu biển được hai hôm. Người đàn bà thổi cơm cho Ngọc trao tôi mảnh giấy Ngọc viết lại và nói:
"Ông ấy đi gấp quá. Ông dặn nếu ông xuống ông có thể ở đây vài hôm rồi hãy về."
Thư của Ngọc:
"Tâm ơi,
Thế là tao đi rồi. Không hiểu sao tao cứ đinh ninh mày sẽ xuống gặp tao. Nghĩ rằng mặt mày sẽ ngơ ngác như chú chim chích trong rừng sao tao khoái làm vậy.
Còi tàu đã rúc, khói tàu đã nhả, sóng biển đã vỗ và hồn đây căng buồm.
Còn bao giờ tôi trở lại mảnh đất này không?
Không biết, mặc.
Tao đi không mang theo hành lý chỉ có hình ảnh mẹ, các em và chúng mày.
Thế là quá nặng cho một người. Mày sẽ về từ biệt hộ tao với vợ chồng Bảo.
Ờ tao đi không phải chia ly mà chính chúng mày chia ly hộ tao mới sướng chứ. Tao đã dặn bà chủ nhà trong trường hợp mày xuống bà sẽ trao bức thư này, cho mày tá túc vài hôm tuỳ ý mày. Cứ yên chí ở chơi coi như tao vắng nhà ít bữa."
Tôi không biết nên bắt đầu như thế nào buổi chiều này.
Ra khỏi nơi Ngọc ở, tôi đứng trước một khúc phố rộng nhưng xơ xác chạy tới phía nhà ga hiu quạnh. Bên kia đường vài gian nhà đang xây dở.
Tôi đi mãi trong phố đông người và rẽ vào một rạp chiếu bóng. Tôi dẫn một đứa bé lem luốc ở cửa rạp vào. Tôi trở ra khi buổi chiều lặng lẽ xuống. Những người đi làm về. Tôi gặp những toán lao động trai gái. Tôi cứ cảm tưởng Ngọc lẫn đâu trong ấy và trêu cợt tôi.
Dần dần tôi đến khu nhà Tây vắng vẻ. Tôi mong gặp một người quen.
Ngồi bên kè đá tôi nhìn mặt nước rộng, nước cuộn chảy. Những chiếc thuyền và những thân tàu.
Một người ngoại quốc biễu diễn trượt nước trên dòng sông. Sau lưng tôi người ta đi hứng gió. Một vài đôi tình nhân, một vài cặp vợ chồng, một chiếc xe nôi của con Tây.
Chiều xuống thấp mãi gần mặt nước. Tiếng còi tàu um um.
Tôi đứng lên, đèn đã thắp. Cây cao tối như trong vườn nhà thương.
Tôi về trải chiếu trên căn góc ọp ẹp Ngọc đã ở. Hắn đi thật rồi, như ông Chính chết như Đại đã đi. Không muỗi nhưng hơi lạnh về giữa đêm. Tôi mê gặp Hạnh và tỉnh giấc. Tôi không nhớ mình đang nằm ở đâu, mình đến đây làm gì. Chưa bao giờ tôi cảm nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế. Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: Cũng thế thôi, phải, cũng thế thôi.
Những ngày làm việc đều đều tiếp nhau. Nhiên không còn ở lại trường nữa, anh phải đổi về Nam Định. Hôm chia tay tôi tiễn Nhiên ra bến xe. Rồi tôi thui thủi trong gian phòng cách biệt những giờ trống. Phòng bên – Nhiên ở trước – không có người, khoá cửa. Buổi tối vẫn bóng đen nặng nề, với cái sân sỏi, cột cờ khẳng khiu, nóc nhà thờ lạnh lẽo với những đợt bách kích pháo rung chuyển xa xa gần gần và ngọn điện đỏ như đầu que diêm chưa tắt. Không ai còn nhớ đến tôi vì không ai gửi cho tôi chữ nào, Francoise, Bình, Hoà, hay những học trò tôi không còn nhớ. Ngày nghỉ tôi xuống Đáp Cầu thăm tin tức Hạnh. Ngọn núi bắt đầu thấy cứng mình vì nghe nắng sắp về dữ dội. Những con đường cỏ hoang không dọn. Gạch ngói còn nằm im. Quán hàng của chị Nùi đông khách thêm vì sự chuyển vận binh sĩ không ngừng qua vùng này. Bát bún riêu nóng là món quà thường lệ của tôi.
Long đã xin được một chân hương sư. Lớp học chữ dưới ngôi đình cũ chỉ còn mái. Bàn ghế quyên tặng làm bằng đủ mọi thứ: có thể là cánh tủ, cánh phản, câu đối… Những đứa trẻ nhỏ cũng nô đùa tự nhiên nhưng không đủ át cái không khí vây quanh. Trời cao, cỏ rậm và bãi tha ma, những ngôi nhà lẩn lút. Buổi sáng chết lặng đi với những tiếng động tưởng như không có chút nào liên lạc với nhau. Tiếng búa gõ trên gỗ, tiếng máy nổ, tiếng phi cơ, trẻ con cười đùa và tiếng bước của thời tiết, trên lá cỏ, và trên nóc nhà.
Ở Hà Nội, Thanh về với Nga, Thanh không hát nữa. Từ ngày ấy tôi chưa về Hà Nội lần nào mà cũng không muốn về. Một ngày nhận được thư của Ngọc:
"Tâm,
Mày hãy tỏ ra mày tự do. Bằng cách nào? Từ cái chức giáo sư quèn ấy đi. Nếu không kiếm được công việc làm nào khác thì xuống đây tao nuôi. Tao cho mày tự do. Mày sẽ sống như cuộc đời của tao đây này. Rồi mày sẽ hiểu tại sao tao lại nghĩ vậy. Tao đã ăn một cái Tết khá đầy đủ với chúng mày. Cám ơn, cái Tết cuối cùng đấy vì tao sắp đi rồi. Chuyến này thành sự thực. Mày hãy xuống mau sống nốt với tao những ngày ở xứ này. Mai kia tao còn nhớ mãi mãi.
Dù con sâu con mọt có nằm giữa tim giữa óc hay giữa… ông cũng đếch cần. Ông cần mày, cần ngay để ông đi. Truyền lệnh! Ngọc.”
Tôi nằm rất lâu trong bóng tối. Hình như tôi sốt. Cho đến khi cha Tân vào phòng. Ông nói:
“Thầy không bật đèn lên?”
Tôi ngồi lên xin lỗi và làm theo lời ông. Ông ngồi xuống vẻ mặt nghiêm trọng. Tôi cất lá thư của Ngọc, khoác thêm áo đến ngồi đối diện với ông. Vẫn những tiếng nổ thường lệ làm nền cho buổi tối. Ông Tân hỏi:
“Hình như thầy không được khoẻ?”
Tôi vẽ một nụ cười.
“Bị sốt xoàng thôi, cám ơn cha.”
Một lát cha Tân vẫn chưa nói thêm. Tôi bỗng nói:
“Tôi muốn xin phép cha nghỉ độ nửa tháng.”
“Thày có thể nghỉ dài hạn cũng được.”
À đó là lý do ông đến thăm tôi buổi tối hôm nay trong giờ cầu nguyện của ông. Tôi ngạc nhiên một chút rồi dửng dưng ngay.
“Vâng thế cũng được.”
Tôi ngồi lại trong buồng nghe tiếng sột soạt của bộ quần áo tu sĩ xa dần ngoài hành lang. Tôi thấy nhẹ nhõm. Tôi không hỏi vì cớ gì ông muốn tôi nghỉ việc cũng như ông đã quên không nói cho tôi biết. Lối làm việc cẩu thả của tôi chăng? Những tư tưởng tôi đã nói trong giờ học đáng lẽ không nên nói chăng? Tôi cũng chẳng buồn quan tâm. Tôi nhẹ nhõm vô cùng và ngủ một giấc thật say.
Tôi thức dậy sớm khi trời chưa sáng, thu xếp hành lý. Ông già gác đã thức dậy thấy ánh đèn, lên phòng tôi, ngạc nhiên:
“Thầy sửa soạn đi đâu sớm?”
Tôi hơi buồn vì giọng nói và sự có mặt của ông già. Ông vẫn khoác tấm áo dạ tôi trông thấy ngày mới đến trường này. Tôi đáp:
“Tôi nghỉ việc rồi.”
Ông già không hỏi gì thêm lẳng lặng giúp tôi một tay. Tôi nói:
“Từ hôm nay ông không lấy báo cho tôi nữa nhé.”
Tôi đi trong sự vắng lặng hoàn toàn của buổi mai chưa một ai trở dậy. Vẫn ông già xách giúp tôi cái va ly đi sau như ngày mới đến. Trời nắng đục, gác chuông cao và lạnh. Tôi giẫm trên những viên đá sỏi.
Ông già gác đặt va ly xuống mở khóa cổng. Tôi bảo ông:
“Ông nói với cha Tân và cả trường tôi xin lỗi gửi lời từ biệt vì đi sớm quá. Đi thế này cho mát.”
Và tôi bắt tay, bàn tay răn reo khô khan:
“Chào ông.”
Tiếng cửa sắt đóng sau lưng tôi và phố còn ngủ với những căn nhà yếu ớt của nó. Bến xe đã ầm tiếng nói cười. Tôi vào quán ăn điểm tâm và nhớ cuộc gặp gỡ với Hạnh. Mưa thoang thoáng.
Người phu xe nói:
“Đi giờ này là cảm tử nhất.”
Xe ra đầu tỉnh trời đã sáng hẳn, tiếng ồn ào ở phía sau rồi. Một vài học sinh đi ngang xe cúi đầu chào tôi.
Xuống bến xe ở Hà Nội nắng mới bắt đầu lên. Tôi nghĩ đến ông Chính và tôi nghĩ phải về nhà.
Nhà khoá trái cửa. Tôi hỏi thăm người ở chung. Ông Chính bệnh nặng đêm qua, sáng này phải đưa sớm xuống nhà thương Bạch Mai. Tôi gửi hành lý và thuê xe xuống Bạch Mai.
Ông Chính đã chết.
Tôi đến không kịp nhìn ông lúc hấp hối. Người ta đã mang ông xuống nhà xác. Ông bị bệnh màng óc. Từ trên gác cao lạnh lùng nhạt nắng, tôi đi xuống theo những con đường ngang đến nhà xác. Những tiếng động ở đâu, còn tôi tiến dần đến vào sự im lặng. Tôi nghe thấy một tràng cười rũ rượi. Khu điên gần đấy. Những cây cao ngó xuống.
Thịnh ngồi gác ủ rũ trên đầu ông Chính và Đại đứng cạnh. Thấy tôi vào Thịnh khóc nức nở. Tôi giở tấm khăn phủ mặt ông Chính và nước mắt tuôn tràn. Mặt ông đó còn tất cả sự đau đớn hành hạ trên nếp răn. Tôi cúi đầu rất lâu để mặc cho nước mắt chảy. Tôi ghi hình ảnh người cha ghẻ lần cuối. Người thân cuối.
Sao Thịnh lại không khóc nữa và tiếng chim sẻ ríu rít ngoài kia? Rồi tiếng ai tấm tức. Đó là một thiếu phụ trẻ ngồi bên một cái xác cuối phòng. Chắc là chồng nàng.
Tôi bảo với Thịnh:
"Chúng tôi đi ra ngoài."
Con đường rợp. Đại húng hắng ho. Thịnh sụt sịt. Tôi chỉ còn một ý nghĩ: Ông Chính chết, chết đột ngột quá.
“Sao anh ít về nhà?”
Câu trối trăng của ông với tôi đó chăng? Về nhà ư? Còn ít ngày nữa là đến giỗ mẹ. Tôi thắp hương chỗ nào. Mộ mẹ tôi nằm tận vùng quê ngoại mà chiến tranh đã vây lấp.
Uống xong bát nước nóng - Thịnh bảo cho khỏi cảm – tôi từ biệt hai người.
Tôi đến với Thanh.
Thanh va Nga bỏ công việc ra tiếp. Tôi muốn tiếng máy may cứ nhịp đều. Tôi bảo Thanh:
“Ông Chính mất rồi, sáng nay.”
Thanh nhắc lại:
“Ông Chính mất rồi.”
Tôi thấy Nga kín đáo đưa khăn tay chấm cuối mắt. À, giữa Thanh và ông Chính có liên lạc gì. Cứ nói ngay với tôi nữa.
“Sao anh ít về nhà?”
Nga bảo:
“Chúng mình có thể về được đấy Thanh ạ.”
Ngoài đường vẫn còn đôi người nhàn rỗi đi dạo nốt mùa xuân muộn sót.
Tôi theo hai người cho đến khi gặp một bà cụ già ngồi ở đầu phản: mẹ của Nga. Tôi cúi chào.
Đám ma của ông Chính đưa về nghĩa trang Quảng Thiện. Có mặt Bảo, Thanh, Nga những học trò của ông Chính, vắng mặt Đại. Một vài người bạn của ông Chính tôi chưa gặp bao giờ thì thầm ngơ ngác. Nghĩa trang đẹp trên khu đồi nhiều cây cao. Tôi ném viên đất thứ nhất lên nắp quan tài, Thịnh lăn lộn trên cỏ như một con chó điên, tóc tai rũ rượi, tay chân cào cấu. Người ta đã mang đặt những vòng hoa lên nắm đất. Thịnh vẫn úp mặt xuống cỏ. Không có Đại. Tôi chẳng quan tâm. Thanh và Nga đỡ Thịnh dậy. Và Thịnh cũng im bặt. Chúng tôi đi về.
Buổi tối về nhà. Căn nhà vắng vẻ không hương khói. Thịnh ngồi co ro trong một góc phản, tôi hỏi:
"Chị không lập bàn thờ thầy?"
Tôi không được tự nhiên khi nói tiếng thầy. Không còn liên lạc gì nữa. Quá khứ rồi.
"Tôi không ở đây" – Thịnh bình thản trả lời. "Tôi với anh không có bổn phận gì với nhau. Tôi đợi để trả nhà anh."
"Nhà tôi." Tôi muốn cười lớn. Nhưng tôi cho Thịnh nghĩ phải. Tôi lại hỏi:
"Anh Đại đâu không thấy về?"
"Anh ấy đi rồi. Anh ấy được liên lạc từ tuần trước nhưng nán lại vì thầy chết. Anh đi hôm qua."
"Còn chị?"
"Tôi đã nhận được chân vú em đi xa." Tôi quay ra mặt đường. Tôi đã nhận thấy bụng Thịnh mang thai. Đến lượt Thịnh hỏi tôi:
"Còn anh?"
"Tôi thất nghiệp, tôi cũng không còn gì để ở đây nữa. Chị có thể bán hết đồ đạc trong nhà này giữ làm vốn, tôi không cần bằng chị."
Chúng tôi im lặng. Ở giữa chúng tôi không còn gì ngoài người đã chết. Tôi nhớ đến buổi tối trước hôm sang Bắc Ninh tôi đã nói chuyện với ông Chính. Ở giữa chúng tôi cũng có một người chết. Cuốn Crime et châtiment lật ngửa ở đầu giường. Tôi muốn kêu lớn: nó là thằng hèn, có nó ở đây tôi đập vào mặt nó.
Tôi bỏ Thịnh với gian nhà và xuống Bảo.
Vợ Bảo dọn giường cho chúng tôi. Đứa con Bảo khóc và mẹ nó ru. Nửa đêm chúng tôi thức giấc, tôi nói:
"Mai tôi xuống Phòng với Ngọc."
Bảo không trả lời.
Bảo đưa tôi ra xe xuống Phòng. Chúng tôi đi xe điện xuống bờ và đi chân lên bến xe. Tay tôi vẫn xách chiếc va ly nhỏ ngày sang Bắc Ninh đựng chừng ấy thứ quần áo và vật dụng. Bảo hỏi:
"Anh xuống chơi hay ở hẳn dưới với Ngọc?"
Tôi đáp:
"Chưa biết."
Ngồi trên xe đợi chạy, tôi có ý định bỏ dở cuộc đi. Tôi không biết xuống Ngọc xong tôi sẽ làm gì hoặc đi đâu. Xe đến Hải Phòng đã quá trưa, tôi ghé quán ăn cơm trước khi tìm địa chỉ Ngọc.
Đến nơi tôi bước lên căn gác trong ngõ Cô Ba Chìa, ọp ẹp trống trơn trơ một cái bàn mộc và một manh chiếu.
Ngọc đã đi theo một chiếc tàu biển được hai hôm. Người đàn bà thổi cơm cho Ngọc trao tôi mảnh giấy Ngọc viết lại và nói:
"Ông ấy đi gấp quá. Ông dặn nếu ông xuống ông có thể ở đây vài hôm rồi hãy về."
Thư của Ngọc:
"Tâm ơi,
Thế là tao đi rồi. Không hiểu sao tao cứ đinh ninh mày sẽ xuống gặp tao. Nghĩ rằng mặt mày sẽ ngơ ngác như chú chim chích trong rừng sao tao khoái làm vậy.
Còi tàu đã rúc, khói tàu đã nhả, sóng biển đã vỗ và hồn đây căng buồm.
Còn bao giờ tôi trở lại mảnh đất này không?
Không biết, mặc.
Tao đi không mang theo hành lý chỉ có hình ảnh mẹ, các em và chúng mày.
Thế là quá nặng cho một người. Mày sẽ về từ biệt hộ tao với vợ chồng Bảo.
Ờ tao đi không phải chia ly mà chính chúng mày chia ly hộ tao mới sướng chứ. Tao đã dặn bà chủ nhà trong trường hợp mày xuống bà sẽ trao bức thư này, cho mày tá túc vài hôm tuỳ ý mày. Cứ yên chí ở chơi coi như tao vắng nhà ít bữa."
Tôi không biết nên bắt đầu như thế nào buổi chiều này.
Ra khỏi nơi Ngọc ở, tôi đứng trước một khúc phố rộng nhưng xơ xác chạy tới phía nhà ga hiu quạnh. Bên kia đường vài gian nhà đang xây dở.
Tôi đi mãi trong phố đông người và rẽ vào một rạp chiếu bóng. Tôi dẫn một đứa bé lem luốc ở cửa rạp vào. Tôi trở ra khi buổi chiều lặng lẽ xuống. Những người đi làm về. Tôi gặp những toán lao động trai gái. Tôi cứ cảm tưởng Ngọc lẫn đâu trong ấy và trêu cợt tôi.
Dần dần tôi đến khu nhà Tây vắng vẻ. Tôi mong gặp một người quen.
Ngồi bên kè đá tôi nhìn mặt nước rộng, nước cuộn chảy. Những chiếc thuyền và những thân tàu.
Một người ngoại quốc biễu diễn trượt nước trên dòng sông. Sau lưng tôi người ta đi hứng gió. Một vài đôi tình nhân, một vài cặp vợ chồng, một chiếc xe nôi của con Tây.
Chiều xuống thấp mãi gần mặt nước. Tiếng còi tàu um um.
Tôi đứng lên, đèn đã thắp. Cây cao tối như trong vườn nhà thương.
Tôi về trải chiếu trên căn góc ọp ẹp Ngọc đã ở. Hắn đi thật rồi, như ông Chính chết như Đại đã đi. Không muỗi nhưng hơi lạnh về giữa đêm. Tôi mê gặp Hạnh và tỉnh giấc. Tôi không nhớ mình đang nằm ở đâu, mình đến đây làm gì. Chưa bao giờ tôi cảm nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế. Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: Cũng thế thôi, phải, cũng thế thôi.
*
"Thanh,
Không ngờ Thanh còn nhớ đến anh.
Anh cảm động khi đọc thư. Anh tưởng nơi quê hương không còn ai nhớ đến anh nữa. Đôi lúc anh vẫn ân hận rằng không buộc với xứ sở một dây liên lạc nào ngoài anh ra. Người ta gặp nhau ngoài phố rồi quên nhau ngay, thì ở quê hương hay một phương trời nào khác gì nhau.
Một hôm tình cờ anh nghe đài phát thanh nhà và được gặp giọng hát Thanh.
Vẫn giọng ấy?Trở về mái nhà xưa. Anh định viết cho Thanh nhưng anh nghĩ biết đâu Thanh đã chẳng quên anh rồi như mọi người. Được thư Thanh anh phải cám ơn Thanh nhiều.
Thanh lại sống một mình. Nga đã lấy chồng. Chắc Nga đã thôi viết văn rồi nhỉ? Bên này anh cũng có người bạn gái là văn sĩ nổi danh. Thanh hát lại là phải, anh đã chẳng nói thế hay sao? Vợ chồng Minh vẫn mạnh khoẻ, được mấy cháu rồi? Hãy nói với Minh lấy tên anh đặt cho một đứa con của Minh để anh được đinh ninh anh còn nhiều liên lạc với quê hương.
Chúng ta là những người sinh ra để đi một mình suốt đời. Thanh hãy can đảm nhận ra điều ấy. Đi một mình suốt đời khó nhọc đấy chứ. Không một sự gì ràng buộc ta, thật là bất hạnh.
Những buổi trời lạnh, tự sửa soạn bữa ăn lấy, anh nhớ Thanh hơn hết. Anh chỉ còn có Thanh và chắc Thanh chỉ còn có anh. Hãy cho anh sự tin tưởng khi anh có dịp trở về quê hương, anh đã có sự ràng buộc thật thà từ trước, ràng buộc, ấy là Thanh. Không phải những người cùng máu mủ với mình.
Chúng ta phải tự tạo lấy sự ràng buộc nhau để cùng nhau bám chặt quê hương nếu không chúng ta sẽ mất trong sự quên lãng.
Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng.
Tâm."
Viết xong tại Thủ Dầu Một vào tháng 10-1956
Bạt
Mấy ghi nhận về Bếp lửa
Nhà văn thường là kẻ bất công với chính mình: bất công với những gì hắn đã viết ra. Hắn thường nhìn lại tác phẩm của hắn với con mắt nghi ngờ, không toại nguyện. Càng nghi ngờ, không toại nguyện khi đó là tác phẩm đầu tay mà ngày nào, khi “chưa phải là nhà văn”, hắn đã hoàn tất với tất cả sự say mê cuồng nhiệt, tình cảm mà mai đây, khi đã là nhà văn rồi, không dễ dầu gì hắn tìm lại được. Với hắn dường như tác phẩm thật sự là tác phẩm hắn đang viết, sẽ viết, đang hoàn tất, sẽ không hoàn tất bao giờ. Trong khi cuốn sách đầu tiên, đối với hắn, chỉ là những bước chân dọ dẫm, những âm vang ngơ ngác của một thời: thời mới lớn. Dường như tác phẩm đầu tay của một nhà văn luôn luôn gắn bó vào chính cái thời mới lớn của nhà văn đó. Nó đánh dấu một thời mới lớn, nó chính là cái thời ngu ngơ bất trắc đó. Cho nên trong chủ quan của nhà văn, nó là cái gì nhất thiết phải được vượt qua, một cách nào đó, phải được chối bỏ. Nó không còn là một khởi điểm. Nói là một bước lỗi lầm mà nhà văn muốn quên đi như một nỗi thất bại. Trường hợp Philippe Sollers mới đây khi lên tiếng phủ nhận và loại bỏ tác phẩm đầu tay [1] ra khỏi toàn bộ tác phẩm của mình là một trường hợp điển hình. Tác phẩm đầu tay càng sớm trở thành cổ điển, nó càng là lý do để tác giả nó hoài nghi và phủ nhận chính nó. Phải chăng đó là ý thức khốn khổ của nhà văn khi bắt đầu nhận thức rằng mình “chỉ là một nhà văn”, bắt đầu có một cái nhìn thấu suốt qua căn phần và định mệnh “nhà văn” của mình. Phảỉ chăng nơi đây, nhà văn cũng không khác gì nhà triết học, nói theo một bực thầy hiện đại, chính là kẻ ”đời đời khởi nghiệp”. Viết, một cách nào đó, là viết chống lại những gì mình đã viết, nhất là chống lại những tình cảm sôi nổi ngày nào thể hiện qua những trang sách đầu tiên. Viết, một cách nào đó, là viết chống lại tác phẩm đầu tay của mình, một khi “sự kiêu hãnh của tuổi nhỏ (đã) nhường chỗ cho sự bình tĩnh ý thức”, một khi nguời ta “bắt đầu cầm bút thực sự”.
Mấy ý nghĩa tự phát và chủ quan trên đây đã đến với tôi sau khi đọc lại Bếp lửa và sau khi đọc lại bài tựa do chính tác giả viết lên đầu tác phẩm đầu tay của mình trong lần xuất bản thứ hai (Sáng Tạo, 1965). Tám năm sau lần xuất bản thứ nhất (1957-1965), Thanh Tâm Tuyền đã có dịp nhìn lại tác phẩm đầu tay của mình như một kẻ đứng ngoài kinh nghiệm của chính mình, nhìn vào lại nó bằng một cái nhìn chân thật đến tàn ác, nếu cần. Tác giả muốn nói gì với chúng ta qua lời thú thật đó? Một cuốn sách chưa thành hình, một tác phẩm dở dang hay đúng hơn là một kinh nghiệm đã hoàn tất? Cuốn sách của một người mới lớn liệu có thoát ngoài kinh nghiệm của chính tâm hồn mới lớn đó? “Lúc hắn viết cuốn sách này, hắn chưa phải là một nhà văn, không muốn là một nhà văn. Hắn chưa biết mình muốn gì vì hắn muốn tất cả”. Tất cả ở đây phải chăng là toàn thể cái kinh nghiệm sống mà hắn muốn thể hiện lên những trang sách thứ nhất đó? Cuốn sách đầu tiên, đó chưa là kinh nghiệm của tác phẩm mà là tác phẩm của một kinh nghiệm. Cho nên khi nhìn lại cuốn sách đầu tay của mình, để trở lại với một ý nghĩa ở trên, tôi nghĩ nhà văn có thể phủ nhận nó như một kinh nghiệm, một kinh nghiệm khốc liệt mà chính hắn đã trải qua, một kinh nghiệm đã làm biến đổi tâm hồn hắn, đã dìu hắn đến ngồi vào bàn, viết dòng chữ dầu tiên, “Tôi tìm Thanh ở chỗ làm việc của nàng…”, dòng chữ đầu tiên hay chính là lời nói đã tìm được cơ hội thốt lên và chính hắn cũng đã tan biến vào lời nói đó.
Có lẽ không phải tình cờ khi phần đông các tác phẩm tiểu thuyết đầu tay đều viết ngôi thứ nhất. Hãy nói một cách đơn giản hơn: nó là lời nói của một con người, một kinh nghiệm. Con người đó đã từng sống thật trước khi biến thành nhân vật tiểu thuyết và tác giả không là kẻ sáng tạo nên nhân vật tiểu thuyết của mình: hắn chính là nhân vật tiểu thuyết đó (Narcisse chết: hắn là kẻ không biết dùng chữ, đáng tiếc!)
Tác phẩm hay là một sự nối tiếp của một kinh nghiệm sống, một thảm kịch sống. Phải chăng chính trong ý nghĩa đó, Bếp lửa nhất thiết là một cuốn sách, nói theo tác giả, của một người “chưa phải là một nhà văn”. Viết Bếp lửa, điều này cũng có nghĩa là sống (một lần nữa) cái thảm kịch của chính nó đồng thời mời gọi người đọc tham dự không phải vào một thế giới phù phép, giả ảo của chữ nghĩa mà vào thế giới còn nồng nàn hơi thở của sự sống. Nếu nhận rằng có một hố sâu ngăn cách giữa văn chương và thực tại, giữa chữ và nghĩa, thì ở đây, sự vinh quang của Bếp lửachính là ở chỗ nó chưa rơi vào sự sa đoạ của tác phẩm, nó là cuốn sách còn là cuốn sách hiểu trong ý nghĩa đơn sơ nhất của danh từ, cuốn sách của một người "Chưa phải là một nhà văn, chưa muốn là một nhà văn". Bởi nhà văn cần thiết là một con người sa đoạ, hắn hy sinh thực tại cho mộng tưởng, hắn hy sinh thế giới cho hình ảnh, hắn hy sinh sự sống cho chữ nghĩa, vân vân… Hãy nghe Thanh Tâm Tuyền nói: “Mỗi nhà văn chính là một kẻ sống sót”. Kẻ sống sót với “sự thật” của những người chết “truyền lưu” cho hắn. Nói khác đi, sự thật chính là sứ mạng của nhà văn.
Nếu Bếp lửa thể hiện một sự thật, một kinh nghiệm thì thất bại chính là tên gọi của sự thật, của kinh nghiệm đó. Trong một bài viết của Thanh Tâm Tuyền, tôi có đi tới một nhận xét: “Đọc Thanh Tâm Tuyền tức là một cách nào đó tham dự vào cuộc phiêu lưu trắc trở của một kiến thức lạc loài và bất hạnh". [2]
Nhân vật Bếp lửa chính là một trường hợp điển hình của ý thức khốn khổ đó. Một ý thức khốn khổ hay một ý thức trong cuộc hành trình vô vọng giữa hư vô và đổ vỡ. Một ý thức mà giấc mộng “biến cải thế giới”, “thay đổi cuộc đời”, “tự do và lựa chọn”… chỉ còn là một nỗi “đam mê và vô ích” giữa những thế lực mù quáng của định mệnh của lịch sử không ngừng lấn áp ở mọi phía. Một ý thức, trong cô đơn và bất lực, bị kết án phải “đi một mình suốt đời” giữa bốn bề hỗn độn, tối tăm. Cuốn sách mở ra một cuộc hành trình, hành trình vào cõi đêm thâu. Trên từng câu văn ngắn, trên từng chữ nghĩa cô đơn, người đọc không đọc mà lắng nghe, lắng nghe cái âm vang lạc loài của những bước chân cô đơn, quờ quạng. Thảm kịch Bếp lửa là thảm kịch của con người như một ý thức bị vây khổn. Nó bị kẹt vì nó là một ý thức. Nó khốn khổ vì nó là một ý thức. Ý thức, đó chính là một căn bệnh khốc liệt nhất, là “con sâu ở giữa tim, giữa hồn, giữa não”, là cái chết ngày một lớn lên, là sa mạc ngày một rộng mở. Hay là định nghĩa của con người như một ý thức, một ý thức như một nỗi khốn khổ. “Đi đâu cũng vẫn chỉ là mày – đau khổ và nhục nhã. Mà nào riêng có đất này hổ nhục thôi đâu, mọi nơi mắt mày cũng chỉ nhìn thấy như vậy. Không trốn được đâu, trừ phi mày trốn được lòng mày”. Đi đâu? Đó là câu hỏi khốc liệt từng phút từng giây đốt cháy tâm tư con người giữa sa mạc quạnh hiu bát ngát. Đi đâu rồi cũng vẫn thế, ý thức đời đời vẫn là nỗi bất lực đớn đau, ý thức sau cùng chỉ còn là những tiếng ngọ nguậy của bầy cua trong giỏ, nó vô vọng bẻ gẫy và vượt qua những giới hạn của mình, tìm đến những chân trời kỳ diệu của ước muốn và mộng tưởng. Nhân vật Bếp lửa không ngừng loay hoay, tìm kiếm, lặn hụp, phá phách trong một thế giới đầy ắp những cái ngẫu nhiên, không thường tồn, không tất yếu, một thế giới rạn nứt, vô phương hàn gắn. Một thế giới về chiều. “Về đâu bây giờ?” Trong cái thế giới âm u, xám ngắt câu hỏi thốt lên, âm thầm nhưng man rợ làm sao, bởi đó còn là câu hỏi, bởi đó là tiếng thét gọi của một ý thức đang lâm vào đường cùng, bởi đáp lại nó, chỉ có niềm im lặng hư vô và bóng tối điệp trùng. Và cuộc hành trình vẫn tiếp tục, còn mãi mãi tiếp tục với nhân vật Bếp lửa, cuộc hành trình không hứa hẹn về đâu: “Tôi không nhớ mình đang ở đâu, mình đến đây làm gì. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi tuyệt vọng ghê gớm đên như thế. Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: cũng thế thôi”. Hoạ may, cuộc hành trình kia rồi sẽ đưa người ta tới cái chết, như một thất bại sau cùng, như một đoạn đường sau chót của một chuyến phiêu lưu.
Liệu còn có cách kết thúc nào khác cho một câu chuyện như thế? Cái chết xuất hiện như một người tình đúng hẹn. Cái chết không kết thúc nhưng hoàn tất, như người ta hoàn tất một tác phẩm, một công trình có ý nghĩa, một ý nghĩa. ”Tôi có thể tự tử được”. Tưởng tượng nhân vật Bếp lửa đã thốt lên câu đó với tất cả sung sướng cuả tâm hồn. Tưởng tượng đó cũng là câu văn hồn nhiên trong sáng nhất của Bếp Lửa. Bởi thảm kịch ý thức đã đạt tới độ cao của nó: ”Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế”: Cái chết như một cách giải quyết sau cùng. Thất bại sau cùng là chiến thắng đầu tiên của ý thức khốn khổ.
Nhưng tại sao nhân vật Bếp lửa đã không chấp nhận cái chết lựa chọn và tự do đó? Tôi nghĩ rằng hơn ai hết hắn thừa hiểu rằng cái chết thể hiện sự tự do tuyệt đối của con người như một khả năng lựa chọn, đồng thời chính nó cũng phủ nhận con người như một khả năng lựa chọn, đồng thời cũng chính nó huỷ diệt khả năng lựa chọn đó. “Cũng thế thôi”. Cái chết không thay đổi được gì. Hơn thế nữa, cái chết ở đây còn là sự thất bại của chính sự thất bại.
Trong viễn tưởng đó, ta có thể nói Bếp lửa là hành trình của một ý thức khốn khổ còn Là ý thức khốn khổ, là kinh nghiệm của một sự thất bại. Chấp nhận con người như một nỗi thất bại, phải chăng đó cũng là cách chấp nhận chính đời sống này. Cái chết là khởi điểm của Bếp lửa nhưng không là cùng đích của nó. Đúng hơn nó là sự hình thành của một thái độ. Phải chăng đó cũng là một giá trị cao cả của Bếp lửa?
Huỳnh Phan Anh
Nguồn: Thanh Tâm Tuyền. Bếp lửa. Tiểu thuyết. Ấn bản
chung quyết, kèm Tựa lần in thứ hai (1965), Tựa lần in thứ tư (1973) và Bạt của
Huỳnh Phan Anh. Bìa tranh sơn dầu “Bích đào” của Thái Tuấn. Kẻ Sĩ xuất bản lần
thứ tư 4100 ấn bản quý trên giấy trắng dày. Sài Gòn, tháng 3 năm 1973. Giấy
phép số 582/PTUDV/PHBCNT/KSALP ngày 19-3-73. In tại nhà in Quốc Ấn, 324 Phan
Thanh Giản, Sài Gòn. Bản điện tử do talawas thực hiện.
Thanh Tâm Tuyền
Theo http://www.talawas.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét