Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Biểu tượng hoa cúc của Đào Uyên Minh trong thơ ca cổ điển Việt Nam và Hàn Quốc

Biểu tượng hoa cúc của Đào Uyên Minh 
trong thơ ca cổ điển Việt Nam và Hàn Quốc
LƯU HỒNG SƠN [i]
Đào Uyên Minh (陶渊明: 365-427) thời Đông Tấn là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất Trung Quốc, người mở đầu cho dòng thơ Điền viên, có ảnh hưởng lớn đến thơ ca cổ điển các nước Đông Á. Các biểu tượng mang tính cá nhân của ông như Hoa Cúc (菊花), Đào Nguyên (桃源), Tố Cầm (素琴)… xuất hiện thường xuyên trong thơ ca Việt Nam, Hàn Quốc. Không những về thơ ca, mà thậm chí bản thân con người và cái tên Đào Uyên Minh cũng trở thành một biểu tuợng về một nhân cách cao đẹp được mọi người ngưỡng mộ ca tụng, học tập. Tuy vậy, do xuất phát từ hai nền văn hóa khác nhau, các biểu tượng thẩm mỹ trong thơ ca của các thi nhân Việt - Hàn bên cạnh những điểm tương đồng trong tiếp nhận, cũng có nhiều nét khác biệt. Điều này thể hiện bản sắc hay tinh thần nghệ thuật đặc thù của mỗi dân tộc.
TAO-YUANMING’S SYMBOL OF 菊花
IN VIETNAM AND KOREAN CLASSIC POETRY
LUU HONG SON [ii]
ABSTRACT
Tao Yuanming (陶渊: 365-427) is one of the greatest poet of China. He is considered as the pioneer of idylls poetry in China and had a great effect on a lot of the East Asian poets. The symbols which he created such as 菊花 (Chrysanthemum), 桃源 (Peach Blossom Spring), 素琴 (Harp not adornment)… usually appear in Vietnamese and Korean poetry. Not only being famous in poetry but Tao Yuanming himself also become a symbol of the lofty and noble character which is admired and adored by many of people. However, because of the differences between Vietnamese and Korean cultures, Tao Yuanming’s special symbols which are used and recreated in these two countries’ poetries have a lot of different points. These differences express the separated national artistic character or spirit of two countries, Vietnam and Korea.
Lịch sử văn học Việt Nam và Hàn Quốc cho thấy, thực sự thời cổ điển giữa hai nước không có nhiều mối quan hệ về văn học, “cái chung giữa chúng là truyền thống văn học Trung Quốc” [iii]. Vì Trung Quốc đương thời là trung tâm văn hóa của vùng Đông Á, có sức hút lớn đối với các quốc gia lân bang. Chính ở đây, đã diễn ra những điểm gặp gỡ đáng chú ý trong việc tiếp nhận giữa văn học Việt Nam và Hàn Quốc, mà trong đó Trung Quốc đóng vai trò như chiếc cầu nối. Trong phạm vi và khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày một số vấn đề về hiện tượng tiếp nhận biểu tượng Cúc của Đào Uyên Minh trong văn học Việt - Hàn thế kỷ X-XIX.
1. ĐÀO UYÊN MINH VÀ NHỮNG HÌNH ẢNH ĐẦU TIÊN CỦA HOA CÚC TRONG VĂN HỌC VIỆT - HÀN
1.1. Con đường sử liệu cho biết Đào Uyên Minh vào Hàn Quốc từ thế kỷ VII, nhưng xem xét từ con đường văn liệu thì cho thấy muộn hơn. Trong tập Quế uyển bút canh 桂苑筆耕 của Thôi Trí Viễn 崔致遠(857-915), ở bài Họa Lý Triển truởng quan chung nhật du sơn tự和李展長官終日遊山寺 có nhắc đến Đào Uyên Minh với hình ảnh “Đào công thi tửu hứng” (陶公詩酒興), hình ảnh “quy khứ” (歸去), hình ảnh Cúc tiết Trùng dương trong bài Hòa Cố Vân thị ngự Trùng dương vịnh cúc 和顧雲侍御重陽咏菊. Khi từ giã quan trường hỗn loạn về ẩn cư, Thôi Trí Viễn còn sáng tác nhiều tác phẩm khác như Nhập sơn thi入山詩, Đề Gia Na sơn độc thư đường 題耶那山讀書堂, Tặng Kim Xuyên tự chủ 贈金川寺主 thể hiện tâm sự và tư tuởng gần gũi với Đào Uyên Minh. Như vậy, những dấu vết trên chứng tỏ từ thế kỷ X văn nhân Hàn Quốc đã tiếp xúc với tác phẩm Đào Uyên Minh và hoa Cúc.
Trong thơ chữ Hán thời Koryo (thế kỷ X-XIV) cũng có một số bài nhắc đến hình ảnh hoa Cúc với tên gọi “hoàng hoa” (黄花) hoặc “hàn hoa” (寒花) như Quyền cận 權近, Kim Tân Doãn 金莘尹, Kim Xuân Trạch 金春澤, Kim Xương Hiệp 金昌,… Từ đầu thế kỷ XIII, người ta đã thấy khá rõ không khí văn nhân trí thức Hàn Quốc tiếp thu “Ngụy Tấn phong độ” (魏晉風度 ), tức tinh thần nghệ thuật văn hóa ẩn dật của văn nhân trí thức Trung Quốc thời Ngụy Tấn, mà tiêu biểu là Trúc Lâm Thất Hiền và Đào Uyên Minh. Lý Nhân Lão 李仁老 (1152-1230) được xem là người khẳng định sự có mặt và ảnh hưởng sâu xa của Đào Uyên Minh đến văn nhân trí thức Hàn Quốc đương thời, trong bài Họa Quy khứ lai từ 歸去來 ông mở đầu: “Quy khứ lai hề, Đào Tiềm tích quy ngô diệc quy” (歸去來兮陶潛昔歸吾亦歸) chứng tỏ tác phẩm và nhân sinh quan của Đào Uyên Minh lúc này đã phổ biến trong giới trí thức Hàn Quốc. Đến giữa thế kỷ XVI thì ở Hàn Quốc đã xuất hiện nhiều bản in Đào Uyên Minh tập 陶渊明集, thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc tiếp nhận, tái tạo các biểu tượng nghệ thuật cá nhân của Đào Uyên Minh của các văn nhân Hàn Quốc.
1.2. Ở Việt Nam, chúng tôi chưa tìm thấy dấu vết Đào Uyên Minh trong sử liệu, đi theo con đường văn liệu cho thấy ông đã vào Việt Nam từ thế kỷ XIII. Đương nhiên có thể sớm hơn nhiều, nhưng những tư liệu hiện còn cho biết, hình ảnh hoa cúc thời kỳ đầu trong văn học Việt Nam mang ý nghĩa thuyết pháp của Phật giáo. Như thấy ở bài Quy thanh chướng 歸青嶂 của thiền sư Phan Trường Nguyên 潘長元 (1110-1165) trong Thiền uyển tập anh 禅苑集英: “Thu chí cúc khai một mô dạng” (秋至菊開沒模樣). Trong tác phẩm Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ 說向上一路 của vua Trần Thái tông Trần Cảnh 陳煚 (1218-1277) nhắc đến “Vô huyền cầm” (無絃琴) là một biểu tượng gắn liền với Đào Uyên Minh, khả năng có gốc gác từ kinh điển Phật giáo, ngụ Thiền lý. Chúng ta biết, thời Lý Trần là thời cực thịnh của Phật giáo Việt Nam, với rất nhiều Thiền sư và Thiền tác giả.
Sự xuất hiện của Đào Uyên Minh trong kinh điển và thơ văn Phật giáo Việt Nam thể hiện đặc biệt rõ nét và tiêu biểu trong các tác phẩm của Tuệ Trung Thượng sĩ Trần Tung 慧中上士 (1230-1291), vì tần số xuất hiện các từ khóa cũng như các biểu tượng đặc trưng của Đào Uyên Minh. Bài Đối cơ 對幾 trong Thượng sĩ ngữ lục 上士語 có từ “hoàng cúc ly biên” (黄菊籬邊), bài Tụng cổ 誦古 có chữ “Vũ Lăng khê” (武陵溪), bài Thượng Phúc đường Tiêu Dao thiền sư 上福堂逍遙禪師 có chữ “một huyền cầm” (沒絃琴); bài Tự thuật 自述 của Trần Thánh tông 陳聖宗 (1240-1290) có chữ “bất điệu cầm” (不調琴); hay  “cầm vốn thiếu huyền” của Trần Nhân tông 陳仁宗 (1258-1308) trong bài phú Nôm Cư trần lạc đạo 居塵樂道… Đây đều là những “từ khóa” quan trọng chứng minh rõ rằng, từ thế kỷ XIII Đào Uyên Minh đã được giới quý tộc trí thức Việt Nam biết đến một cách rộng rãi.
Trên cơ sở những tác phẩm hiện còn, có thể nói Đỗ Khắc Chung 杜克鍾 (?-1330) là tác giả thời kỳ đầu mang Cúc từ Đào gia sang gieo trồng trên thi đàn Việt Nam với hai bài tứ tuyệt vịnh Cúc. Đến hậu kỳ thời Trần, Nho giáo dần dần thay thế vị trí của Phật giáo, tình hình chính trị thiếu ổn định lúc này càng tạo điều kiện cho tinh thần và tác phẩm Đào Uyên Minh thâm nhập giới văn nhân trí thức Việt Nam sâu rộng hơn, qua hàng loạt tác phẩm của Huyền Quang 玄光, Mạc Đĩnh Chi 莫挺之, Trương Hán Siêu 張漢超, Trần Minh tông 陳明宗, Trần Hiệu Khả 陳效可, Phạm Tông Mại 笵宗邁,… Như vậy thời Trần đã đánh dấu một thời kỳ mới trong tiến trình tiếp nhận Đào Uyên Minh tại Việt Nam qua hình ảnh trung tâm là Hoa Cúc.
2. VĂN NHÂN VIỆT NAM - HÀN QUỐC VÀ BIỂU TƯỢNG HOA CÚC CỦA ĐÀO UYÊN MINH
2.1. CÚC NHƯ BIỂU TƯỢNG CỦA NGƯỜI ẨN SĨ VÀ SỰ THANH CAO
2.1.1. Ở Việt Nam, vào giữa thế kỷ XIII nhà Trần thay nhà Lý. Lúc này cả nước đứng lên chống quân Mông Cổ, nên ngay cả người tiên phong trong thơ vịnh Cúc ở Việt Nam là tướng Trần Khắc Chung, hiệu Cúc Ẩn cũng kêu gọi các anh tài ra kiến công lập nghiệp giúp vua cứu nước, không nên lánh đời hưởng nhàn:
重陽摘蕊陶攘醉,秋夕餐英屈愛香
二老風流千載遠,天教菊隱出承當
(Trùng dương hái cúc ủ men Đào, Thu đến ăn hoa bác Khuất cao; Phong lưu nhị lão nghìn năm cũ, Cúc ẩn đành ra gánh trời trao)
Sau khi đánh bại quân Mông Cổ, cơ cấu Tam giáo ở Việt Nam có nhiều thay đổi, nhưng Phật giáo vẫn rất thịnh với nhiều trước tác danh tiếng của vua chúa và thiền sư. Huyền Quang Lý Đạo Tái 玄光禪師 (1254-1334) là một thiền sư-thi sĩ huyền thoại, bài đầu tiên trong chùm Cúc hoa 菊花 của ông đã cho thấy bóng dáng hoa Cúc trong tương quan với Tùng, Mai và Đào Uyên Minh trong tương quan với hai cao sĩ khác là Tưởng Hủ thời Hán và Hàn Thế Trung thời Tống, những người đã vứt bỏ công danh ẩn cư tìm niềm vui trong hoa cỏ:
松聲蔣詡先生逕梅景西湖處士家
義氣不同難苟合故圓隨處吐黃花
(Tiếng tùng trong ngõ Tưởng tiên sinh, Tây hồ mai thắm nước in hình; Nghĩa khí bất đồng sao dung hợp, hoa vàng vườn cũ nở rung rinh)
Cuối đời Trần chính sự rối loạn, nhà Hồ thay, quân Minh sang xâm lược, nhà Lê lên. Những biến cố chính trị như vậy đã tác động lớn lao đến tầng lớp văn nhân trí thức. Họ thấy mặt trái của con đường công danh và nhiều người lui về ẩn dật tìm tới thú điền viên, lâm tuyền… Từ đó hình thành nên dòng thơ ca điền viên sơn thủy và thẩm mỹ mới thấm đượm tinh thần Thiền Lão và tầng lớp “ẩn sĩ” không bước vào chính sự hoặc từ giã quan trường, xem thanh đạm nhàn nhã là linh hồn của cuộc sống như Lý Tử Cấu, Chu Văn An, Trần Nguyên Đán… ngày càng nhiều. Và trong khi đi tìm một hình mẫu về nhân cách để hướng theo, họ tìm ra Đào Uyên Minh, trong khi đi tìm một biểu tượng cho thế giới tinh thần và thẩm mỹ nghệ thuật của mình, họ tìm ra hoa Cúc. Người ta tìm thấy niềm hạnh phúc, cũng như sự an ủi, sự tự do trong mái nhà tranh, khu vườn nhỏ, những hàng hoa Cúc và Tùng.
到處知均臭味蘭杖藜敲破碧苔斑
一襟人物渾無分數畝田園足自寬
陶令歸心帶松菊少陵吟興動江山
多情最愛堂前景雲外悠悠倦鳥還
(Phạm Tú Châu dịch: Chốn chốn hương lan đã nức danh, gậy lê dầm nát đấu rêu xanh; Một tà áo gấm thôi vương vấn, vài mẫu vườn ao cũng thoả tình; Bành Trạch lòng về thông cúc sẵn, Thiếu Lăng ngâm hứng nước non quanh; Đa tình mến cảnh nơi nhà cũ, mây thẳm chim về gắng lướt nhanh)
Phạm Tông Mại 范宗邁 (tk.13-14) vốn là người nhập thế, nhưng lời ông nói trong bài Đề ẩn giả sở cư họa vận 題隱者所居和韻 trên đây lại có thể xem là một tác phẩm tiêu biểu chứng minh cho cuộc sống và tinh thần của những “ẩn sĩ” thời bấy giờ. Như chúng ta thấy, Cúc và Đào Uyên Minh ở đây được xem như hình mẫu lý tưởng để người ta tìm về. Nền tảng tư tưởng của trí thức văn nhân Việt Nam từ thời Trần đã được xây dựng chủ yếu trên tinh thần Nho giáo, vậy nên lúc nào họ cũng nghĩ tới “trung hiếu”, “phận sự”, “chí nam nhi”, “nợ tang bồng”, “công danh nam tử”… Ngay cả những người từ bỏ hay chán ngán quan trường cũng phải làm sao cho đúng mực “quân tử” không chịu thờ hai chúa, không chịu khuất nhục vì miếng cơm manh áo, không a dua với đám nịnh thần, ôn nhu đôn hậu, giữ tròn tiết tháo. Và thế là người ta lại thấy tất cả những chuẩn mực ấy trong Đào Uyên Minh và Cúc, từ đó Đào Uyên Minh và Cúc lại càng được yêu thích sùng kính. Người ta nói về mà ra nói về mình, mượn Cúc để thổ lộ tâm tình. Như lời Nguyễn Trãi trong Cúc:
Người đua nhan sắc thuở xuân đương
Nghỉ chờ thu, cực lạ dường
Hoa nhẵn rằng đeo danh ẩn dật
Thức còn phô bạn khách văn chương
Tính thanh nào đoái bề ong bướm
Tiết muộn chẳng nài thuở tuyết sương
Dầu thấy xuân lan cùng lọn được
Ai ai đều có mấy mùi hương
Khi nhà Lê suy yếu, chúa Trịnh lấn át, rồi nhà Tây Sơn chống Mãn Thanh và nhà Nguyễn, Pháp xâm lược Việt Nam khiến dòng thơ điền viên sơn thủy và tầng lớp ẩn sĩ tiếp tục có lý do tồn tại và phát triển. Như ta thấy ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến…
2.1.2. Cuối thời Koryo, Hàn Quốc cũng bị Mông Cổ xâm chiếm và nội loạn tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn thống trị, đất nước điêu linh, con người tan tác. Vậy nên âm điệu nổi trội của thơ ca thời kỳ này như trong Thanh sơn biệt khúc, Tỉnh ấp từ, Tương chử ca… là sự bi thương vì mất mát chia lìa và ước mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn. Cuối thế kỷ XIV, Choson thay Koryo, Nho giáo được đề cao. Văn đàn Hàn Quốc lúc này hình thành ba khuynh hướng: (1) Phái Quán các: những văn nhân cung đình, (2) Phái Sĩ lâm: những văn nhân Nho giáo, (3) Phái Phương ngoại: những văn nhân không tham chính. Họ có  thể chống đối nhau rất quyết liệt về quan điểm thẩm mỹ và sáng tác văn học, nhưng đối với Đào Uyên Minh và hoa Cúc thì không ai phủ nhận, hơn nữa còn rất đề cao. Thời Choson là thời người Hàn luôn hướng tới thẩm mỹ điền viên sơn thủy qua những bài ca sông hồ. Hoa Cúc lúc này như là một điểm tựa tinh thần, cảm hứng nghệ thuật đối với giới trí thức, họ tự ví mình với Cúc hoặc dùng Cúc để so sánh và ca ngợi người mà mình mến mộ yêu quý nhất. Như chúng ta thấy ở bài sijo của Triệu Hoảng 趙榥:
(Cúc giậu Đào xử sĩ, nở trong ngọn núi này; Đầy trời lá cây rụng, riêng mình vẫn thắm tươi; ngạo sương và cao tiết, như người bạn của tôi)
Cúc luôn gợi lên hình ảnh của xử sĩ Đào Uyên Minh với tất cả những gì cao đẹp nhất của người văn nhân trí thức sống cuộc đời ẩn dật. Đối với Thành Nhữ Hoàn 成汝完, hoa Cúc vãn khai riêng mình là biểu tượng của đức độ cao vời của người quân tử, không sợ gió lạnh sương giá là biểu tượng của chí khí kẻ anh hùng. Mà Đào Uyên Minh chính là kẻ tri âm của Cúc, vì rằng giả như không có ông, hẳn là thế gian này không ai yêu Cúc:
(Trồng sớm lại nở muộn, đức người quân tử cao; Gió sương không nao núng, chí khí kẻ anh hào; Thế gian ai yêu cúc, nếu chẳng có ông Đào) [iv]
Ý nghĩa thẩm mỹ ấy thể hiện trong rất nhiều tác giả tác phẩm khác, như là cốt lõi tinh thần trong biểu tượng hoa Cúc mà các văn nhân Hàn Quốc luôn luôn ca ngợi. Trong một bài sijo khác sau đây của Tống Thuần  , gió sương đối với các loài hoa khác là nỗi kinh hoàng vì nó đem đến sự tàn lụi, nhưng với Cúc, điều đó chỉ khiến Cúc thêm rực rỡ đậm đà, Đào Mận cũng phải ganh tỵ:
(Phong sương bao ngày nhuộm, thúc giục cúc nở hoa; Sắc vàng tràn ngoài chậu, gửi ngọc đường cho ta; Đào lý thôi đắc ý, nhan sắc thêm đậm đà)
Hay một bài sijo khác của Kim Thọ Trường 金壽長 cũng diễn tả ý nghĩa tương tự:
(Sau mưa tiết Hàn thực, cúc nảy nhánh vươn cành; Ngắm nhìn hoa dần lớn, Mỗi ngày một thêm xanh; Phong sương bao nhiêu độ, Quân tử càng rạng danh)
Các văn nhân Hàn Quốc mến mộ Đào Uyên Minh không những trực tiếp qua các tác phẩm của ông, mà còn gián tiếp qua Tô Đông Pha, Chu Đôn Di. Bởi Tống là thời thịnh vượng nhất trong lịch sử tiếp nhận Đào Uyên Minh tại Trung Quốc, những văn nhân vĩ đại nhất thời kỳ này như Tô Đông Pha, Lục Du, Tân Khí Tật… đồng thời là những người sùng mộ thi phong và nhân cách của Đào Uyên Minh nhất, đặc biệt là Tô Đông Pha. Tống cũng là thời Lý học Nho gia phát triển và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến xã hội Trung Quốc mà Trình - Chu là những đại biểu xuất sắc nhất. Tống Nho đã xây dựng nên hình mẫu của kẻ sĩ, “quân tử” mới với những quy tắc ứng xử mới đối với xã hội và cả bản thân con người. Khuôn mẫu ấy đã được Trung Quốc và các nước Đông Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đón nhận một cách nhiệt liệt. Từ đó “tiết” được xem là tiêu chuẩn cao nhất của của người quân tử.
2.2. CÚC NHƯ BIỂU TƯỢNG CHO QUÊ NHÀ, GIẤC MỘNG ĐIỀN VIÊN HAY CHỐN NƯƠNG NÁU TÂM HỒN
2.2.1. Để thực hiện hoài bão, tức là bước vào chính trường, các trí thức phải rời xa quê hương. Hoạn lộ đối với họ không khi nào bằng phẳng. Trên con đường đó, dù thành công hay thất bại, quê nhà vẫn luôn là niềm nhớ thương trăn trở khôn nguôi, nhất là khi nhìn thấy hoa Cúc nở, bởi Cúc trong lòng họ chính là biểu tượng của đường xưa lối cũ, nhớ nhà là nhớ “cố viên” với hình ảnh hoa Cúc.
重陽時節今朝是故國黃花開未開
卻憶琴樽前日雅幾回搔首賦歸來
(Trùng dương tiết đến sáng hôm nay, vườn cũ hoa vàng đã nở hay?; Nhớ những hôm xưa tình đàn rượu, gãi đầu ngâm mãi khúc Quy lai)
Mâu thuẫn ở và về không chỉ của riêng Trương Hán Siêu 張漢超(tk.14) trong bài Cúc hoa bách vịnh số 3 菊花百詠 trên, mà còn là niềm tâm sự của hầu hết văn nhân trí thức dấn thân vào dặm thanh vân. Nguyễn Công Trứ 阮公著 (1778-1858) mũ cao áo rộng hồi hương, nhưng không luyến tiếc buồn bã mà có vẻ rất sung sướng vì “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”, vì “thoát vòng danh lợi” trở thành con người tự do, trở về với tùng cúc non xanh nước biếc gió trăng, ung dung hưởng lạc:
Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu
Hẹn với non xanh ba chén rượu
Vui cùng phong nguyệt một câu thơ
Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt
Mặc xa mã thị thành không dám biết
Thú yên hà trời đất để riêng ta
Với một người cáo quan về làng, cũng có thể nói là công thành danh toại nhưng sống giản dị thanh nhàn như Nguyễn Khuyến 阮勸(1835-1909) thì thôn quê thực sự là một thiên đường. Ở đó không có mối nguy “phong lãng hiểm”, “thương cung điểu” đáng sợ trên chính trường như lời than thở của Trần Nguyên Đán và Nguyễn Trãi. Bản thân Nguyễn Khuyến cũng mến mộ và thường ví mình với “ông Đào”.
Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
Hình ảnh “giậu” và “cúc” được Nguyễn Khuyến tái tạo lại một cách thật tự nhiên sinh động lại trong Vịnh cúc, Thu ẩm… như không có dấu vết ảnh hưởng. Câu “mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” trong bài Thu vịnh là một cách điệu nghệ thuật tài hoa độc đáo của Nguyễn Khuyến từ nguyên liệu “Thái cúc đông ly hạ” của Đào Uyên Minh.
2.2.2. Trong lòng người đi xa, hình ảnh hoa Cúc bên Bờ Giậu luôn luôn được xem là hình ảnh đáng nhớ nhất, đẹp nhất của quê hương. Điều này còn bởi Cúc là loài hoa báo mùa nơi đồng quê, người nông thôn nhận biết thời gian qua sự thay đổi của thiên nhiên như ánh mặt trời, ánh trăng, dòng nước, tiếng chim kêu, màu hoa nở… Và khi Cúc bên bờ giậu đơm hoa, nghĩa là mùa thu đã sang, là tiết Trùng dương đã đến. Giậu Cúc cũng gắn với các sinh hoạt, nhã thú của chủ nhân, những khi nhàn rỗi người ta ra ngồi giữa không gian thanh bình ấy gảy đàn ca hát và ngắm hoa cúc nở dưới ánh trăng, thiên nhiên và con người như là tri kỷ tri âm của nhau:
(Trăng thu sáng sân nhà, cúc vàng dường hữu ý; Hương mai thế nào nhỉ, như hiển hiện lòng ta; Không quên tình tri kỷ, nên ngạo tiết đơm hoa)
Hơn thế nữa, đối với văn nhân Hàn Quốc, Cúc đã trở thành một loài hoa có khả năng xua đi những nỗi ưu phiền. Chính thế nên Cúc được họ gọi là “vong ưu vật” (忘憂物) và đó cũng là cách lý giải nguyên nhân tại sao người ta chỉ chọn trồng Cúc trong vườn nhà mà không trồng những loài hoa diễm lệ phong lưu hay phú quý vương giả khác. Như lời bài sijo khuyết danh:
(Người ẩn sĩ nhàn nhã, đội mưa trồng hoa trong núi sâu; Không phải mẫu đơn phú quý, không phải đào tam sắc phong lưu, không đinh hương tứ quý, cũng không đậu khấu hợp hoan, không lăng tiêu đỗ quyên, không quỳ hoa hải đường, đấu kê sơn hồng cũng chẳng, và không phụng tiên triêu nhan hoặc nhạn lai hồng; Chỉ trồng vong ưu vật, bên giậu đông Uyên Minh. chờ đón ngày Trùng cửu)
An Văn Anh 安玟英 của Hàn Quốc chỉ là một người bình thường, không thuộc tầng lớp thượng lưu, nhưng nhờ tài năng, dù không làm quan, ông vẫn được trọng thị và thường qua lại trong giới quý tộc. Cuối đời, ông sống nhàn cư và ca hát về cuộc sống của mình.
(Chu Liêm Khê yêu sen, Đào Tĩnh Tiết yêu cúc; Hoa sen là quân tử, còn cúc ẩn sĩ phong; Ta có mặt ao nhỏ, gọi tên Hồ Sen trong)
Trong khi đi tìm một hình mẫu có đủ tư cách lý tưởng đại diện cho học thuyết của mình, Chu Đôn Di (hiệu Liêm Khê) - đại biểu của Lý học, đã chọn được Đào Uyên Minh và xây dựng tô điểm thêm khiến chân dung ông càng trở nên sáng chói hơn. Chính vì thế, khi “sốt Tô Đông Pha” và “sốt Chu Hy” lan sang các nước lân cận như Hàn Quốc, Việt Nam, đã góp phần không nhỏ trong việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Đào Uyên Minh đối với các nước này. Bài sijo trên đây dù tiêu điểm là hoa Sen và Chu Liêm Khê, nhưng qua đó cũng cho thấy phần nào vị trí của Đào Uyên Minh cũng như hoa Cúc trong đời sống tinh thần của văn nhân Hàn Quốc thời bấy giờ.
2.3. CÚC NHƯ BIỂU TƯỢNG CHO SỰ CÔ ĐƠN, U BUỒN VÀ TANG THƯƠNG
2.3.1. Với đặc tính nở riêng mình trong mùa thu khi các loài hoa khác đã tàn lụi, lại thường được trồng ở những nơi vắng vẻ như góc vườn bờ giậu, vậy nên một mặt Cúc tượng trưng cho sự cô cao ngạo thế, mặt khác nó cũng có khi được dùng để diễn tả những nỗi cô đơn, u buồn vì chia ly giữa người với người hay giữa người với quê nhà. Nỗi cô đơn u buồn trong các bài ca Hàn Quốc cũng có khi nhẹ nhàng như hương hoa Cúc:
(Trăm hoa rơi rụng theo gió sương, khóm cúc vì ai khoe sắc hương)
Đó là mấy câu trong bài Tự điếu từ 自悼詞 của Tào Hữu Nhân 曺友仁. Hay như ở bài Tiên lâu biệt khúc 仙樓別曲, rồi Cảm hoài ca 感懷歌 của các tác giả khuyết danh cũng mang âm điệu man mác ấy:
(Hoa cúc có ý gì, nở riêng trong trời lạnh)
(Trước song đóa đóa cúc vàng, hắt hiu gió lạnh ngút ngàn lá rơi)
Cũng có khi trong thơ ca Hàn Quốc hoa Cúc còn được dùng để tượng trưng cho tâm tình hay thân phận của người kỹ nữ. Như đóa “dã cúc” trong bài Hán thi Tống biệt Tô phán thư 别苏判書 của nữ sĩ Hoàng Chân Y 黄真伊. Hình ảnh “dã cúc” ở đây hẳn không chỉ nhằm miêu tả khung cảnh một đêm tình tứ hay vẻ đẹp của người ca kỹ, mà còn mang ý nghĩa tượng trưng cho chính bản thân, tình cảm người con gái ấy. Cũng có thể nhận ra ở đó những nét lãng đãng u buồn của một đóa hoa cúc dại, một thân phận nhỏ bé cô đơn, bất hạnh.
 月下庭梧尽,霜中野菊黄
 楼高天一尺,人醉酒千
 流水和琴冷,梅花入笛香
 明朝相别後,情與碧波
(Dưới trăng ngô trụi lá, trong sương cúc dại vàng; Lầu cao trời một thước, người say nghìn chén tràn; Cung đàn họa tiếng nước, sáo cùng hương mai tan; Sáng mai mình từ biệt, tình như sóng miên man)
Như thế, hoa Cúc trong  thơ ca Hàn Quốc không chỉ là biểu tượng tượng trưng cho người quân tử, kẻ anh hùng, ẩn sĩ, lạc thú, niềm kiêu hãnh… của các văn nhân tài tử, mà còn tượng trưng cho những nỗi cô đơn, u buồn biệt ly, cảm hoài, thở than cho số phận hẩm hiu.
2.3.2. Trong khi cuối thời Choson, việc tiếp nhận Đào Uyên ở Hàn Quốc đi vào thoái trào, thì tại Việt Nam cuối thời Nguyễn, Đào Uyên Minh cũng như biểu tượng Cúc vẫn hiện diện khắp nơi trong thơ ca. Và trong khi Cúc ở Hàn Quốc mang nhiều nữ tính ngay qua cách họ gọi tên Cúc: Cửu hoa nhi, Cửu tiết thảo, Tiên mẫu thảo và gọi tháng chín là Cúc nguyệt, Cúc tiết thần, Nữ cửu nhật… thì ở Việt Nam nó lại thiên hơn về nam tính khi thường được dùng tượng trưng cho mặt trời hoặc tính dương trong kiến trúc, điêu khắc cổ, hoặc trong thơ ca Cúc rất thường được đặt sóng đôi với Tùng để tăng cường nam tính. Có lẽ vì thế mà sự cô đơn hay nỗi u buồn của các văn nhân qua hình ảnh hoa Cúc thường là nỗi buồn bôn ba xa xứ, vắng tri âm. Nguyễn Du đi qua Lạng Sơn thấy nhà sư bên khóm trúc, mục đồng trên lưng trâu, các cụ già chuyện trò với nhau trong làng xóm… Tất cả sao mà an nhàn ung dung quá, còn mình thì già nua, tha hương khốn khổ chỉ vì “thức tự đa ưu hoạn”. Đó là nỗi buồn của riêng người trí thức văn nhân, kéo dài từ Tô Đông Pha, qua Nguyễn Trãi và đến Tố Như:
萬木山前可卜居白雲在岫水通渠
山僧對竹兩無恙牧豎騎牛一不如
影裏鬚眉看老矣夢中松菊憶歸與
坐家村叟多閒事只為平生不讀書
(Nguyễn Thạch Giang dịch: Trước núi um tùm dựng được nhà; hang đùn mây núi, nước khe ra; Sư bên khóm trúc bình yên cả, mục cưỡi lưng trâu sướng nhất mà!; Trước kính mày râu nhìn cảnh lão, trong mơ tùng cúc nhớ quê ta; Ngồi nhà, mấy cụ sao thư thả, chỉ vị không hề đọc sách qua)
Từ cuối thế kỷ XIX, Việt Nam đã bị Pháp xâm lược, tinh thần bi tráng lúc này lại được thể hiện khá rõ nét trong thơ của những người yêu nước đương thời như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Hữu Huân… Nỗi buồn trong thơ họ không phải man mác kín đáo mà đã đến mức u uất, đau thương vì cảnh nước mất nhà tan.
Tùng cúc ngày xưa thấy đặng còn
Thân này chẳng thẹn với sông non
Miếu đường xa cách niềm tôi chúa
Gia thất buộc ràng nghĩa vợ con
Áo Hán mười phần thay cách lạ
Rượu Hồ một mực đắm mùi ngon
Giang Đông vẫn biết nhiều anh tuấn
Cuộc đất kìa ai dám hỏi don
Tùng Cúc - biểu tượng của quê hương, lúc này đối với Nguyễn Hữu Huân 阮友勳 (1830-1875) không còn là nơi bình yên êm ấm khi trở lại nữa, mà là sự tang thương, là nỗi chua xót đắng cay vì quê hương điêu tàn dưới ách đô hộ của ngoại bang. Và ông cũng như bao nhiêu người anh hùng khác của Việt Nam đã hy sinh tính mạng của mình để tái tạo lại quê hương, cho “mùa thu vàng hoa Cúc”.
3. BIỂU TƯỢNG HOA CÚC - RIÊNG VÀ CHUNG
Các văn nhân Việt Nam và Hàn Quốc tiếp nhận Đào Uyên Minh như tiếp nhận một dòng nước chung, cũng như các văn nhân Trung Quốc hay Nhật Bản. Nhưng mỗi nơi có một cách uống khác nhau, cách uống khác nhau ấy tất nhiên do văn hóa của họ quy định và khi dòng nước ấy chảy qua những miền đất khác nhau, hẳn màu sắc và mùi vị của chúng nó cũng sẽ không giống nhau. Hoa Cúc sinh ra trên đất Trung Quốc sẽ không thể nào hoàn toàn giống với hoa Cúc sinh ra trên đất Việt Nam hay Hàn Quốc, cũng có nghĩa Cúc trong thơ Việt Nam, Hàn Quốc không thể là một với Cúc trong thơ Trung Quốc.
Việt Nam và Hàn Quốc có những tương đồng về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa dẫn đến những tương đồng trong việc chọn lựa tiếp nhận văn hóa văn học Trung Quốc. Nhưng đi sâu hơn nữa ngoài những hiện tượng, lại thấy mỗi nước đều có một bản sắc rất riêng. Người Hàn Quốc và người Việt Nam ngắm nhìn hoa Cúc sẽ có cảm giác không giống nhau, cũng như Cúc trong thơ Đỗ Khắc Chung, Huyền Quang, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Phan Văn Trị… và thơ Thôi Trí Viễn, Lý Nhân Lão, Triệu Hoảng, Thành Nhữ Hoàn, An Văn Anh, Tào Hữu Nhân, Hoàng Chân Y… không giống nhau; hoặc Cúc trong hát nói và kasa, sijo ngoài những nét tương đồng trong đại thể, vẫn luôn có hương vị và sắc thái riêng biệt. Điều đó hẳn nhiên do văn hóa và tinh thần nghệ thuật của hai nước không giống nhau. Hoa Cúc của Đào Uyên Minh đã kéo các văn nhân Việt - Hàn lại gần nhau bằng sự cộng cảm đồng điệu, đồng thời các văn nhân Hàn - Việt cũng bồi đắp thêm cho biểu tượng Cúc những nội hàm thẩm mỹ mới khiến Cúc từ biểu tượng mang tính đặc thù của Đào Uyên Minh, của Trung Quốc đã trở thành biểu tượng chung cho cả vùng văn học Đông Á.
Trên đây chỉ là một vài nét phác thảo về việc tiếp nhận Đào Uyên Minh tại Việt Nam và Hàn Quốc. Thực tế, vấn đề Đào Uyên Minh trong văn học Việt và Hàn phức tạp, phong phú hơn rất nhiều, chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội được tiếp tục vấn đề này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề. 1995. Việt Nam ca trù biên khảo. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Komisook, Jungmin, Jung Byung Sul. 2006. Văn học sử Hàn Quốc. Jeon Hye Kyung và Lý Xuân Chung biên dịch, chú giải. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. N.I.Nikulin. 2007. Lịch sử văn học Việt Nam. Nhiều người dịch. Nxb. Văn học.
4. Nguyễn Đăng Na chủ biên. 2004. Văn học thế kỷ X-XIV. Nxb. Khoa học xã hội
5. Nguyễn Huệ Chi chủ biên. 1989. Thơ văn Lý Trần, tập 2: quyển thượng. Nxb. Khoa học xã hội.
6. Tồn Am Bùi Huy Bích. 2007. Hoàng Việt thi tuyển. Nhiều người dịch. Nxb. Văn học.
7. 張伯偉. 1-2003. 文選與韓國文學文史總弟六十二輯中華書局// Trương Bá Vĩ. 2003. Văn tuyển và văn học chữ Hán của Hàn Quốc. Tạp chí Văn Sử, số 62, tháng 1.
8. 红梅.2009.韩国古典诗歌中的陶渊明硏究--鲜朝时期的时调歌辞为中心边大学博士学位论文// Lỳ Hồng Mai. 2009. Nghiên cứu Đào Uyên Minh trong thơ ca cổ điển Hàn Quốc – lấy thể Sijo và Kasa thời Choson làm trung tâm. Luận văn tiến sĩ  - Đại học Diên Biên.
9. 秦惠,黄意明. 2004. 菊文化中国农业出版社// Tần Huệ Lan, Hoàng Ý Minh. 2004. Văn hóa Cúc. Nxb. Nông nghiệp Trung Quốc.
10. 袁行霈. 1997. 陶渊明研究北京学出版社 // Viên Hành Bái. 1997. Nghiên cứu Đào Uyên Minh. Nxb. Đại học Bắc Kinh.
11. 欽立校注. 1979. 陶淵明集 . 中華書局// Lục Khâm Lập hiệu chú. 1979. Đào Uyên Minh tập. Trung Hoa thư cục.
12. 金英今. 2009. 韩国文学简史南开大学出版社// Kim Anh Kim. 2009. Giản sử văn học Hàn Quốc. Nxb. Đại học Nam Khai.
陈蒲清,权锡焕. 2006. 韩国古典文学精 . 岳麓书社// Trần Bồ Thanh, Quyền Tích Hoán. 2006. Tinh hoa văn học cổ điển Hàn Quốc. Nhạc Lộc thư xã xuất bản.
Ghi chú:
[i] Nghiên cứu viên. Trung tâm nghiên cứu Văn hóa - Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ.
[ii] Researcher - Institute of Sustainable Development for The South
[iii] Nikulin, tr.40.
[iv] Tất cả phần tạm dịch nghĩa các bài Sijo và Kasa trong bài này, chúng tôi đều căn cứ theo phần dịch Hàn - Hán của Lý Hồng Mai (xem tài liệu tham khảo). Riêng các bài thơ chữ Hán không để tên người dịch trong bài này, đều do chúng tôi tạm phiên diễn.
Nguồn: Tham luận đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai” (International Conference on Vietnam - Korea Relationship in the past, the present and the future) do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Nghiên cứu văn hóa trung ương Hàn Quốc (The Academy of Korean Studies) vào ngày 1.12.2012.
Lưu Hồng Sơn
Theo http://www.hanquochoc.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...