Thứ Hai, 8 tháng 4, 2019

Trên những nẻo đường "Một phong cảnh kỳ vĩ" ở Jindo Hòn đảo hàn gắn vết thương quá khứ

Trên những nẻo đường "Một phong cảnh kỳ vĩ" 
ở Jindo Hòn đảo hàn gắn vết thương quá khứ
Nằm ở mũi Tây Nam bán đảo Hàn, Jindo là hòn đảo lớn thứ ba cả nước, bao quanh là vô số đảo lớn nhỏ tạo nên một khung cảnh kỳ vĩ. Nhờ nằm ở vị trí giao lộ của tuyến đường biển thông thương giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nơi này từ rất sớm đã có giao lưu với bên ngoài tạo nên một quá trình lịch sử phát triển lúc thăng lúc trầm phong phú. Chính môi trường như vậy hình thành nét văn hóa độc đáo cho hòn đảo.
Jindo thì xa xôi. Để đến đảo, nếu đi tàu cao tốc từ Seoul đến Mokpo với tốc độ tối đa 300km/h mất hai tiếng rưỡi, rồi từ Mokpo phải đi thêm một giờ bằng xe ô tô. Quãng đường này khiến hòn đảo trở thành địa điểm lưu đày lý tưởng suốt gần 1.000 năm qua. Là nơi nhiều người bị đưa đến lưu đày, Jindo được xem là hình phạt tàn khốc hơn cả vì ở xa tận cùng biên giới. Nhưng người phương Tây lại nhìn nhận khác người Hàn Quốc về Jindo. Mặc dù nằm ở phía bên kia bán cầu về phía Đông, về mặt khoảng cách, Jindo xa là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của người phương Tây, Joseon vừa là nước lân bang, trong khi đó Jindo lại là nơi gần bờ biển Trung Quốc.
Đảo chim Jodo và Sebang Nakjo
Vào năm 1816, hai tàu chiến của Anh đã đến Quảng Đông qua Thiên Tân, Trung Quốc. William Pitt Amherst (1773 - 1857), người sau này trở thành thống đốc Ấn Độ đã đi trên con tàu này đến Trung Quốc với tư cách là đại sứ đặc biệt thực hiện sứ mệnh thúc đẩy thương mại giữa Anh và nhà Thanh. Trong thời gian ở Trung Quốc, hai tàu chiến Lyra và Alceste được chính phủ Anh ra lệnh khai phá toàn bộ vùng duyên hải phía Tây Hàn Quốc khi đó. Vào ngày 9 tháng 9 năm 1816, Basil Hall (1788 - 1844), thuyền trưởng tàu Lyra, đã lên đỉnh cao nhất của đảo Sangjo (
上鳥島, Thượng Điểu Đảo) nằm ngoài khơi Jindo. Khoảnh khắc phóng tầm mắt ra xung quanh nhìn 154 hòn đảo lớn nhỏ mấp mô, ông phải thốt lên rằng “một khung cảnh kỳ vĩ”. Bất cứ ai từng đến đài quan sát núi Dori trên đảo Sangjo đều hiểu điều gì đã thu phục ánh nhìn của vị thuyền trưởng khi đó.
Bảo tồn và du nhập văn hóa
Vùng biển ngoài khơi Jindo chính là nơi giao nhau giữa dòng hải lưu lạnh chảy từ phía bắc biển Đông bán đảo Hàn xuống và dòng hải lưu nóng đi từ vùng xích đạo lên. Thêm vào đó, ảnh hưởng của thủy triều làm cho dòng nước quanh đảo càng thêm chảy xiết. Dòng chảy nhanh bao quanh Jindo từ xa xưa không những là đường qua lại tấp nập của sứ thần Trung Quốc và Nhật Bản, mà còn là ngã rẽ của tàu chở hàng từ Namhae (Nam Hải) qua Seohae (Tây Hải) của bán đảo Hàn đến Gaegyeong (Khai Kinh) và Hanyang (Hán Dương). Đặc sản của Jindo gồm ghẹ xanh (ghẹ hoa) và nhiều loại cá như cá lù đù, cá cơm, bào ngư và bạch tuộc cùng nhiều loại tảo biển có chất lượng tốt như rong biển, rong biển khô, tảo bẹ.

Quân nổi dậy Sambyeolcho và trận hải chiến Myeongnyang
Ngày nay, nếu đi ô tô từ Haenam, băng qua một chiếc cầu là tới đảo Jindo trong phút chốc. Tuy nhiên, vào thời Joseon, con đường để đến Jindo là đi thuyền từ căn cứ hải quân Usuyeong qua bến phà Nokjin - nơi có tượng đồng của tướng quân Yi Sun-sin đang đứng ngày nay. Nhưng dân chúng thường đi tuyến đường xa hơn một cây số từ bến phà Okdong qua cảng Byeokpa thay vì chọn đường ngắn có dòng nước xiết. Từ cảng Byeokpa, băng qua sườn núi sẽ thấy khu di tích pháo đài núi Yongjang. Đây là thủ phủ của chính quyền quân sự Sambyeolcho (Tam Biệt Sao). Sambyeolcho là lực lượng nổi dậy phản đối quyết định giảng hòa với Mông Cổ sau 39 năm giao chiến của chính quyền Goryeo, quyết chống trả đến cùng với quân Mông Cổ với mơ ước xây dựng “một Goryeo mới”.
Pháo đài Namdo Garrison, hay Namdo Jinseong, được xây dựng vào thế kỷ 13 để bảo vệ vùng ven biển thời kỳ Sambyeolcho - đội quân tinh nhuệ của triều Goryeo - chiến đấu chống quân xâm lược Mông Cổ. Trong triều đại Joseon kế tiếp, nó được sử dụng như một pháo đài hải quân để ngăn chặn quân xâm lược Nhật Bản.
Hai nghĩa trang
Dưới chân núi, cạnh con đường làng thuộc xã Dopyeong, huyện Gogun, nằm giữa eo biển Myeongnang và cảng Byeokpa có một quần thể gồm khoảng 230 ngôi mộ. Tên gọi chính thức cho quần thể mộ này là “Nghĩa trang những người hy sinh trong cuộc chiến Jeongyu Jaeran (chiến tranh Đinh Dậu)”. Đây là nơi an táng những người lính Joseon tử trận trong trận hải chiến Myeongnang và những người dân thường chết do quân Nhật báo thù. Trừ 10 ngôi mộ ra thì tất cả đều là mộ không rõ danh tính. Các ngôi mộ đều hướng về phía Bắc, nơi nhà vua ngự.
Bộ ba tượng Phật bằng đá ở đền Yongjang, ở giữa là tượng Phật Dược Sư có chiều cao 2 mét. Phật ngự trên tòa sen, phần thân dưới cao và rộng, cho thấy tỷ lệ điển hình của tượng Phật Goreyo.
Hòa giải giữa người sống và người chết
“Ssitgim-gut” là một nghi lễ giúp tháo gỡ tâm hồn bị trói buộc của người chết, an ủi để giúp họ thanh thản ra đi. Nếu so sánh với tôn giáo phương Tây, “ssitgim” tương tự với “thanh tẩy” và cũng không khác biệt về nguyên lý tôn giáo. Nhưng tùy vào trạng thái, nơi chốn và tình huống của cái chết mà nghi lễ có tên gọi khác nhau, thứ tự và cách thức cử hành cũng đa dạng. Ví dụ như “nghi lễ geonjigi (trục vớt) ssitgim-gut” được cử hành khi vớt linh hồn người chết đuối lên, hay đối với người chết nơi đất khách trở thành cô hồn thì cử hành “nghi lễ honmaji (đón vong hồn) ssitgim-gut”. Ngoài ra, không giống những địa phương khác, ssitgim-gut của đảo Jindo đặc biệt là nhờ những yếu tố nghệ thuật xuất sắc như “điệu nhảy dành cho các vị thần” vừa đơn giản lại vừa lôi cuốn, câu chuyện được truyền tải qua ca từ bài hát hay dụng cụ đa dạng của pháp sư (thầy tế). Chính vì vậy ssitgim-gut của Jindo không chỉ là một nghi thức tôn giáo mà còn được coi là một tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng của quốc gia.
Lee Chang-guy Nhà thơ, nhà phê bình văn học
Ahn Hong-beom Ảnh.
Mai Kim Chi Dịch.
Nguồn: Tạp chí Koreana - Văn hóa Nghệ thuật Hàn Quốc, số Mùa đông 2018 (vol 5, no.4) phiên bản tiếng Việt (xem bản đầy đủ tại đây)
* Vì lý do bản quyền nên chúng tôi chỉ trích giới thiệu một đoạn nhỏ trong bài viết. Bạn đọc vui lòng nhấp vào đường link trên để đọc toàn văn bài viết.
Theo http://www.hanquochoc.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...