Loanh quanh trên hòn Lớn mấy ngày, hết ra bãi Ngự vẽ tranh,
chụp ảnh lại lên Trạm ra đa ngắm bình minh. Rồi vào làng chài xem mọi người mua
bán cá tôm, thăm mấy gia đình định cư lâu đời trên đảo. Hôm nay nhóm chúng tôi
quyết định thuê tàu sang Hòn Ngang chơi.
Tàu chạy khoảng 30 phút là tới Hòn Ngang. Nhìn xa xa giữa biển
trời mênh mông, Hòn Ngang đẹp như một bức tranh thủy mặc. Con đường duy nhất
trên đảo quanh co với những bậc thang lên xuống, hai bên là nhà và cây cối thoạt
nhìn cứ tưởng như đang ở Đà Lạt. Hòn Ngang được xem là trung tâm của xã Nam Du
với cuộc sống tương đối nhộn nhịp. Có vẻ hơi hoang sơ nhưng thật yên bình và hạnh
phúc.
Chúng tôi dạo quanh Hòn Ngang. Chợ tuy nhỏ nhưng đầy đủ các vật
dụng. Cũng có quán cà phê, quán ăn, khu giải trí xem ra cũng không khác đất liền
lắm. Trên đảo có ngôi miếu Bà Chúa xứ. Miếu được xây thật đẹp, nhìn từ biển
vào, miếu Bà nổi bật trên nền trời xanh trong. Miếu rất thiêng, hàng năm vào những
ngày lễ lớn người dân trên đảo đều tổ chức cúng tế rất long trọng, cầu cho mưa
thuận gió hòa, sóng yên biển lặn.
Đi một lúc chúng tôi bắt đầu tách ra. Mấy ông họa sĩ thì tìm
chỗ bày giấy vẽ bắt đầu thả hồn vào thiên nhiên thơ mộng. Mấy nhiếp ảnh gia thì
“súng ống” đã sẵn sàng chỉ chờ thời cơ. Mà mấy cha này cũng ghê thiệt, mới đây
đã “chiêu dụ” được mấy em “người mẫu” ngay trên đảo, dắt nhau ra bãi biển hay
lên núi cao “sáng tác”. Cánh nhà văn chúng tôi thì bắt đầu lê la mấy chỗ tập
trung dân cư để bắt chuyện, tìm đề tài cho tác phẩm của mình.
Đi một vòng quanh đảo cũng hơi mệt, chúng tôi tìm chỗ nghỉ
chân. Thạch Sol, một phó nháy lại không chịu đi theo nhóm của mình mà cứ lẽo đẽo
theo sau chúng tôi. Hỏi sao không đi chụp ảnh với mấy cha nhiếp ảnh, hắn lắc đầu
phô hàm răng trắng hếu cười nói: “Thôi! Chùm nhum một cục chụp xong y chang còn
thi cử nỗi gì. Xé lẻ vậy mà còn có ảnh đẹp. Mấy người cứ lo chuyện mấy người.
Tui làm gì kệ tui, he he”.
Chiều - lụa - Nguyễn Hoàng Hoanh.
Con đường nhỏ duy nhất ở đảo ngoằn ngoèo như con mãng xà. Xem
như cưỡi ngựa xem hoa thôi chứ cũng chưa tìm được đề tài gì! Dừng chân tại một
căn nhà phía trước có cái tủ kem hấp dẫn, bên cạnh còn có một đống dưa, chúng
tôi thích thú ngồi bệt xuống sàn nhà. Đứa thì kêu chai nước ngọt, đứa thì hũ sữa
chua. Thằng Phong chạy qua nhà bên mua thêm trái dưa hấu giải nhiệt cho cái nắng
như thiêu đốt trên đảo. Cô chủ quán gương mặt rám nắng, cặp mắt sáng lanh lợi
ngồi trên võng đong đưa hóng chuyện. Cô không tỏ vẻ ngạc nhiên vì ở cái đảo Hòn
Ngang nầy khách lạ tới là chuyện bình thường. Đang ngồi tán dóc thằng Hoàng đứng
dậy, vươn vai ngắm nhìn trời mây. Bất chợt nó há hốc mồm kêu to: “Nhìn kìa! Tụi
bây ơi!”. Cả đám đứng lên nhìn theo tay nó. Trước mặt chúng tôi hiện ra một “ruộng”
tôm vàng rực. Cách chỗ chúng tôi vài bước một làn khói trắng cuồn cuộn bay ra.
Từ bên trong hai người đàn ông lực lưỡng lưng bóng mồ hôi đang gánh một cần xé
tôm mới luộc còn bốc khói nghi ngút bước thoăn thoắt lên khoảnh đất cao ngút tầm
mắt, nhịp nhàng hất mạnh cần xé, tôm vung vãi khắp nơi. Không bỏ lỡ cơ hội tụi
tôi lao lên mở máy chụp lia lịa. Thạch Sol còn đạo diễn cho mấy ông “người mẫu”
đứng góc độ nào để bắt ánh sáng, hất cách nào cho nghệ thuật. Mấy người mẫu này
cũng vui tính, nhanh nhẹn hợp tác với chúng tôi. Mỗi đứa tỏa ra một góc say sưa
chụp. Thằng Phong cười khà khà: “Cha Thạch Sol vô mánh rồi hé. Chuyến này chắc
có ảnh đẹp dự thi Đồng bằng rồi, tụi tôi chỉ chụp làm tư liệu cho bài viết thôi
không dám tranh với mấy nhiếp ảnh gia đâu, he he”. Chả là Thạch Sol mới tậu cái
máy ảnh cũng khá tầm cỡ nên gặp cảnh này mừng hơn bắt được vàng. Hết chụp ở
trên rồi chụp ở dưới, nơi mọi người đang luộc tôm. Xưởng luộc tôm được phủ bởi
một lớp khói mờ ảo, chút ánh sáng từ mặt biển hắt lên trông càng nghệ thuật. Lại
nhào vô… bấm máy!
Sau khi chụp xong cả bọn trở lại chỗ cũ. Thằng Hoàng vẫn còn
loay hoay chỗ phơi tôm. Lần đầu tiên nó mới thấy tôm nhiều như vậy nên trông có
vẻ thích thú lắm. Thúy, cô nhà văn nhỏ tuổi nhất chạy xuống rồi tinh nghịch chạy
ngược trở lên, không biết làm gì đây. Thì ra cô nàng định “chôm” tôm. Lợi dụng
lúc không có người, Thúy cúi xuống nhanh tay lượm mấy con. Thằng Hoàng đứng bên
kia thấy vậy ngoắt tay gọi: “Bỏ đi. Lại đây nè!”. Thúy chạy lại. Trời ạ! Thì ra
ở chỗ này con nào con nấy chà bá. Thúy cúi lượm mấy con hớn hở chạy xuống:
- Ha! Em chôm cho mỗi người 2 con. Không biết chủ là ai nên
mình đành “tạm ứng” vậy.
Năm đứa chia nhau vừa lột vừa nhai khen ngọt ngon rối rít. Vì
mải lo chụp hình, chia tôm ăn nên cả đám không thấy sự xuất hiện của người lạ mặt.
Người phụ nữ mới đến ăn mặc giản dị giống như một nhân công, gương mặt đen sạm
nhưng cặp mắt trông có vẻ cương nghị, độ khoảng 45, 46 tuổi gì đó đang mở to mắt
nhìn cả nhóm có vẻ… hơi bị giận. Cô chủ quán lặng im nãy giờ bỗng ngứa miệng hỏi
trỏng:
- Biết tôm của ai hông mà lột ăn ngon lành vậy?
Năm cái đầu ngẩng nhìn cô chủ quán, cùng… lắc một lượt. Thúy
lễ phép:
- Dạ hông ạ!
Cô chủ quán vặn tiếp:
- Biết vựa tôm này của ai hông?
Lại lắc đầu nhưng lần nầy có thêm mấy nụ cười… ái ngại. Cô chủ
quán lại nói trỏng:
- Ngồi kế bên mấy người đó.
Không hẹn mà năm cái đầu cùng quay sang người phụ nữ lạ. Năm
cặp mắt mở to sửng sốt. Trời! Lần này chết thật rồi! Người phụ nữ kế bên… lặng
im. Thúy hoảng sợ lắp bắp:
- Trời ơi! Em xin lỗi. Em xin lỗi chị. Em không biết tôm của
chị.
Thấy vẻ mặt hốt hoảng của tụi tôi cô chủ có vẻ thương hại nên
nói trỏng:
- Có gì đâu! Mấy con tôm.
Trời! Mấy con mà con nào cũng bự hết mới chết chứ. Mấy con
tôm đã trôi hết vào bụng rồi, giờ biết ăn nói sao với cô chủ đây! Tôi lục tung
cái túi đeo vai, cũng may còn ít bánh kẹo mang theo chống đói. Tôi lấy ra bỏ
lên cái dĩa rụt rè mời:
- Chị, chị ăn với tụi này cho vui đi chị.
Cô chủ vựa tôm chưng hửng:
- Thôi mấy người ăn đi. Ở đây thiếu gì, có ai thèm khát đâu
mà mời.
- Chị ăn dùm tụi em đi chị. Chị không ăn tụi em thấy… lương
tâm mình cắn rứt quá, híc… – Thằng Thạch Sol làm ra vẻ thê thảm.
Thằng này ma le thiệt, tính dùng thương hại làm mủi lòng. Vậy
mà chiêu này cũng hiệu nghiệm. Cô chủ vựa tôm lấy một cái bánh xé ra ăn chắc là
để trấn an nỗi lo sợ của tụi tôi. Cô hỏi trỏng:
- Ở đâu ra vậy?
- Dạ tụi em là đoàn văn nghệ sĩ Vĩnh Long đi thực tế sáng tác
ở Nam Du.
- Vĩnh Long hả? - Mắt cô sáng lên.
- Dạ, Vĩnh Long.
- Vậy là đồng hương. Trời ơi! Lâu dữ lắm rồi mới được gặp đồng
hương.
Rồi cô nhiệt tình:
- Đi! Đi về nhà tôi chơi. Tôi cũng dân Vĩnh Long nè.
Đúng là trong cái rủi nó có cái may. Chúng tôi theo bước cô
chủ vựa tôm về nhà cô. Nhà cô trông thật khang trang, sạch đẹp, nghe nói giàu
có bậc nhất ở cái đảo này. Tôi cảm nhận hình như nơi đây có một cái gì đó rất lạ,
rất đời thường, cũng rất nhiều nước mắt. Và… câu chuyện của hơn 30 năm về trước!
Con tàu băng mình trong đêm tối, The không biết là tàu đã đi được bao lâu, chỉ
thấy trời nước mênh mông. Nó nằm thiêm thiếp. Những cơn say sóng cứ chực chờ
làm nó buồn nôn. Mà có nôn thì chắc cũng không còn gì để nôn! Một con bé hơn 10
tuổi đầu mà đã phải chịu cảnh vất vả lênh đênh sông nước tìm cha thật tội làm
sao! Cha của The theo tàu đánh cá đi biển, những chuyến đi có khi hàng mấy
tháng trời. Số tiền làm công trên tàu đánh cá chỉ đủ cho mẹ con nó trang trải
sinh hoạt hàng ngày. Cha nó càng đi lâu thì nỗi nhớ cha trong nó càng dữ dội.
Trước đây khi chưa đi biển, cha nó làm đủ nghề để nuôi mẹ và nó, từ phụ hồ, móc
mương, hái dừa, làm cỏ, gặt lúa… ai thuê gì làm đó. Nhưng dạo gần đây khi cuộc
sống bắt đầu khó khăn, làm thuê cũng không có việc mà làm. Gia đình nó ngày
càng túng quẫn. Nghe người quen rủ đi theo tàu đánh cá, may ra còn có chút tiền
nuôi vợ con, cha nó đành nhắm mắt làm liều. Những chuyến cha nó ra khơi là những
tháng ngày dài nó nhớ mong. Cha đi càng lâu thì nó càng trông ngóng nhiều hơn.
Đêm nào nó cũng hỏi mẹ chừng nào cha về. Thường câu trả lời chỉ là cái lắc đầu
và ánh mắt xa xôi. Lần này cha nó đi lâu quá. Gần nửa năm rồi mà không có tin tức.
Bác Hai ở Trà Vinh, người đi chung với cha nó nghe nói đã về rồi mà cha nó sao
vẫn chưa thấy về! Mùa này biển động tàu không ra xa được, chỉ đánh bắt gần bờ
nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Nghe nói cha nó hiện giờ đang làm công đâu ở
tuốt ngoài đảo gì đó! Nỗi nhớ thương cha càng da diết trong lòng. Ngày nào nó
cũng khóc. Mẹ nó thấy cũng đau lòng nên quyết định đưa nó đi tìm cha.
Hai mẹ con dắt díu nhau xuống biển Ba Động. Tàu của bác Hai
đã chờ sẵn ở đó. Như mọi chuyến ra khơi. Nhưng lần này tàu có thêm hai người phụ
nữ. Chuyến hải trình đầy sóng gió. Mùa biển động mà! Tàu như một chiếc võng, cứ
đong đưa lắc lư, chồm lên từng ngọn sóng dữ. Nhìn thôi đã đủ khiếp sợ rồi nhưng
nỗi thương nhớ, mong chờ được gặp cha đủ làm nó quên đi nỗi sợ hãi sóng to gió
lớn. Tàu cứ đi mãi, đi mãi. Cứ mỗi lần nhìn thấy một hòn đảo mờ xa là nó hét
lên: “Đảo kìa mẹ ơi!”. Hai mẹ con ôm nhau mừng rỡ nhưng khi tàu chạy ngang mà
không cập bến hai mẹ con lại thất vọng buồn bã ngồi xuống. Hết hòn đảo này đến
hòn đảo khác. Hy vọng rồi lại thất vọng.
Cuối cùng thì cũng đến được Nam Du. Nam Du là một quần đảo nằm
ở phía Tây Nam tỉnh Kiên Giang. Khi tàu cập bến, bác Hai hỏi thăm người quen
thì được biết cha nó đã chuyển sang Hòn Ngang làm việc. Lại thất vọng. Nhưng
không sao đã có tin tức của cha. Tàu lại tiếp tục khởi hành sang Hòn Ngang.
Hòn Ngang hiện ra trong mắt nó thật hoang sơ. Lác đác vài căn
nhà nhỏ ven biển. Xóm chợ có đông hơn nhưng cũng ít người không như ở đất liền.
Cha nó đang làm công cho một cơ sở chế biến khô trên đảo. Gặp lại nhau cha nó mừng
vô hạn. Ông không ngờ mẹ con nó dám vượt biển đến tận nơi đây. Vì sóng gió đi lại
khó khăn nên ông định kiếm được kha khá sẽ về quê luôn thể. Nhưng giờ mẹ con đã
đùm túm nhau ra thôi thì cứ ở đảo lập nghiệp. Về quê cũng không có việc gì làm.
Ở đây tuy thiếu thốn vật chất nhưng tôm cá mặc sức mà ăn.
Cuộc sống của gia đình nó trên đảo Hòn Ngang trôi qua thật
yên bình và hạnh phúc. Có chồng có vợ dù thiếu thốn nhưng căn nhà nhỏ đơn sơ vẫn
đầy ắp tiếng cười. Những chuyến ra khơi sóng yên biển lặn cha nó cũng kiếm được
chút đỉnh, sắm sửa cho tổ ấm của mình đủ đầy và sung túc hơn. Duy chỉ có nước
ngọt trên đảo là lúc nào cũng khan hiếm. Nước mưa phải tiết kiệm lắm mới đủ
sinh hoạt. Có năm hạn hán kéo dài nước không đủ dùng phải mua lại từ những
thương lái với giá rất cao.
Ngày qua ngày thắm thoắt vậy mà gia đình nó đã định cư trên đảo
được mấy năm. Cuộc sống cũng ổn định. Hình như trời sinh nó ra dành cho biển cả
nên mấy năm ở đảo nó không hề thấy nhớ đất liền. Nó đã quen với cái nắng cháy
da, cái mặn mà của biển. Càng lớn nó càng xinh đẹp, đẩy đà. Những công việc nặng
nhọc như xách nước, khiêng cá nó đều làm rất giỏi. Nó cũng đã phụ được cho cha
mẹ trong công việc hàng ngày. Cuộc sống của nó tưởng sẽ bình yên như những cơn
sóng phẳng lặng. Nhưng… biển có bao giờ yên bình!
Cơn bão hung hãn đã càn quét qua đảo, cây cối nhà cửa đều tan
hoang đổ nát. Tài sản mất trắng, mọi người đau đớn nhìn thành quả bấy lâu phút
chốc tiêu tan! Càng đau đớn hơn khi một số tàu đánh cá của ngư dân trên đảo đã
bị sóng biển nhấn chìm mang theo nỗi đau thương tang tóc cho cả một xóm đảo. Và
cha nó đã mãi mãi nằm lại dưới lòng đại dương mênh mông. Biển đã cưu mang gia
đình nó giờ lại nhẫn tâm giành lấy cha của nó. Hai mẹ con nó vật vã, đợi chờ
trong hy vọng mong manh. Mong phép màu một ngày nào đó sẽ đưa cha nó về sum họp!
Cha mất, mẹ nó cũng không còn thiết sống. Sáng chiều bà chỉ
ngồi im lặng ngóng nhìn ra biển. Mười mấy tuổi đầu nó phải thay cha chăm sóc mẹ.
Việc lớn việc nhỏ ai cần gì nó cũng làm. Chỉ mong kiếm được tiền trang trải cuộc
sống.
Nhưng biển vẫn không ngừng nổi sóng…!
Không biết con ma đất ma biển nào xấu xa muốn hại mẹ nó. Vào
một đêm tối trời, mẹ nó chợt đau đớn quằn quại, ôm bụng rên la không ngớt. Bà
con kéo đến nhưng không ai biết làm cách nào. Đảo hoang thì làm gì có y tá hay
bác sĩ. Cả đảo chỉ trông cậy vào một “thầy mo”. Bệnh nhẹ thì thầy cho xông lá,
uống cây cỏ. Nặng thì thầy phán là ma quỷ ám phải lập đàn trừ tà. Sau khi cho uống
thuốc mà mẹ nó vẫn không thuyên giảm, thầy quyết định lập đàn đuổi quỷ. Đàn lập
sáng đêm, mọi người lăng xăng xem thầy đánh đuổi âm binh, tà khí. Đến sáng thì
mẹ nó trút hơi thở cuối cùng sau lời phán của thầy: “Cái này không phải ma quỷ
ám mà là ông nhà quyết bắt bả theo, phép thầy cũng đành chịu!”.
Vừa mới mất cha, giờ lại mất mẹ, The cảm thấy không còn thiết
sống trên cõi đời này nữa. Vượt biển gian nan, vất vả ra đây để gia đình được
sum họp nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì lại đau thương chia cách. Cha mẹ
đã bỏ nó đi, nó ở lại cõi đời này cũng đâu còn ý nghĩa. Ý định quyên sinh cứ lởn
vởn trong đầu nó.
… Nó còn nhớ như in cái đêm định mệnh ấy. Con trăng 16 rực
sáng trên bầu trời đêm. Mười sáu tuổi nó đã mất tất cả. Mười sáu tuổi nó không
còn thiết tha với cuộc sống.
Mười sáu tuổi nó mới biết trăng 16 đẹp biết bao nhiêu!
Chầm chậm, chầm chậm từng bước một, The để làn nước chạm nhẹ
vào đôi chân trần như muốn cảm nhận lần cuối sự vỗ về, ấp yêu của biển. Nó nhìn
ra mặt biển, xa xa lấp loáng những ánh bạc trông thật đẹp. Bên kia là hòn Lớn với
ánh sáng lấp lánh như dải Ngân hà. Có phải ông trời trải thảm ngân hà để đón
nó?! Lần đầu tiên nó mới cảm nhận hết vẻ đẹp của biển. Nó yêu biển biết bao
nhiêu! Nó nhẹ bước. Nước vỗ về mơn trớn làn da dậy thì, nước ôm lấy bầu ngực
căng tròn 16… Chỉ một chút nữa thôi nó sẽ hòa vào biển. Nó sẽ được gặp lại cha
mẹ nó. Nhắm mắt lại, nó hít thật sâu lần cuối cái hương vị biển, cái mùi hương
tưởng sẽ theo nó đến suốt cuộc đời. Nó nín thở, đi chầm chậm ra xa. Nước hôn
lên mắt, lên môi, vẽ lên những bức tranh ma mị. Lỗ tai nó bắt đầu lùng bùng, đầu
đau dữ dội. Nhưng nó vẫn rất tỉnh táo. Nó biết nó đang đứng giữa ranh giới của
sống – chết. Giờ phút này nó thấy ranh giới ấy thật mong manh làm sao. Chỉ vài
giây nữa thôi khi đã ngừng hơi thở là nó đã bước ra khỏi cuộc đời này! Nhưng… ý
chí sinh tồn của mỗi con người vẫn luôn hiện hữu đâu đó. Và cuối cùng… nó cũng
không thắng được lý trí.
Nó lại hít thở, từ từ mở mắt ra. Ô kìa! Những ánh bạc lóa
sáng quanh nó, chạm cả vào da thịt. Nó chợt bừng tỉnh và nó như không tin vào mắt
mình!
The đưa chúng tôi tham quan nhà xưởng làm tôm khô và cá khô. Quả là cơ ngơi thật
đáng nể! Nghe nói hiện nay The là người giàu nhất trên đảo. Xưởng khô của The
đã đem đến công ăn việc làm cho cư dân cũng như người từ đất liền ra đảo. Ngoài
ra, cô còn mấy nhà bè nuôi cá bóp và cá mú. Không ngờ con bé The tha phương
ngày nào bây giờ lại nổi tiếng khắp vùng biển Tây Nam với nhiều sản phẩm tôm,
cá khô nổi tiếng. Tiếp chúng tôi với những đặc sản nức tiếng của Hòn Ngang:
nhum nấu cháo, vọp nướng mỡ hành, cà xeo xào củ hành, cá nhái nướng bẹ chuối…
The muốn trải lòng với những người đồng hương. The vẫn đau đáu nỗi nhớ quê dù chưa
một lần về thăm. Cuộc đời The đã gắn bó với đảo, với The bây giờ đảo là nhà, biển
cả là quê hương không gì chia cắt được! The lập gia đình hơn 20 năm trước. Một
ngư dân hiền lành trên đảo. Vợ chồng chí thú làm ăn. The có hai con, một trai một
gái. Con trai hiện đang học Đại học Y. Nhớ lại cái chết của mẹ năm nào, bây giờ
các phương tiện truyền thông hiện đại đã ra đến đảo, mọi người dễ dàng nhận biết
mẹ The chết là do viêm ruột cấp chớ không phải ma quỷ hay cha The bắt đi gì hết.
Thầy mo đã không còn đất sống khi hiện tại đảo đã có Trạm Y tế với các y, bác
sĩ chuyên môn tận tình chăm sóc sức khỏe cư dân trên đảo. The muốn con trai
mình sau này làm bác sĩ, trở về phục vụ trên đảo. Còn cô con gái chuẩn bị thi
vào Đại học Sư phạm. Sau khi ra trường sẽ trở về đảo cống hiến sức mình cho sự
nghiệp trồng người. The muốn dành tất cả những gì yêu thương nhất cho nơi đã
cưu mang mình, đã cho mình tất cả.
… Mặt trời xuống nhanh, chúng tôi ước gì cho thời gian dừng lại.
Tôi bỗng thấy yêu biển đảo nơi đây biết bao nhiêu. The tiễn chúng tôi đến tận bến
tàu. Những đám mây ngũ sắc rực sáng trên mặt biển xanh nhạt nắng. Hoàng hôn
trên biển đẹp làm sao! Tôi chợt hiểu vì sao The chọn nơi đây làm quê hương. Mọi
người chuẩn bị xuống tàu, tranh thủ lúc không còn ai tôi chợt hỏi The:
- The có thể trả lời tôi một câu hỏi không?
- Câu gì? Anh hỏi đi – The nói.
- The có thể cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra đêm hôm ấy
không?
The hài hước:
- Tôi biết thế nào anh cũng hỏi tôi câu này vì nãy giờ tôi thấy
anh cứ im lặng nhìn tôi mà không nói gì. Mấy ông nhà văn là vua tò mò. Nếu tôi
không nói có lẽ đêm nay anh không ngủ được phải không?
Tôi im lặng cười. The chợt hỏi:
- Anh có nghe nói đến băng cướp “Cánh buồm đen” không?
Tôi gật đầu tiếp lời The:
- Băng cướp nổi tiếng này từng chiếm đảo Hải Tặc làm căn cứ,
thường cướp bóc tàu thuyền qua lại vùng biển Tây Nam và Vịnh Thái Lan. Nghe đồn
chúng còn có cả một kho báu 300 năm chôn giấu trên đảo Hải Tặc. Mấy năm trước
còn có hai người nước ngoài lén lút đến đảo Hải Tặc với tấm bản đồ tìm kho báu
bị cảnh sát biển bắt giữ. Mà sao The lại hỏi tôi như vậy?
- Dân đảo thường truyền miệng nhau một câu chuyện. Vào một
đêm sóng yên gió lặng, bọn cướp neo tàu giữa biển ăn nhậu chia chác chiến lợi
phẩm sau những chuyến cướp bóc. Vì kẻ ít người nhiều, lớn nhỏ không đều nên xảy
ra tranh chấp, gây gổ, cự cãi. Cuối cùng một trận chiến kinh hoàng đã diễn ra
trên biển. Sau đó không ai còn thấy bóng dáng băng cướp “Cánh buồm đen” nữa.
Toàn bộ tiền bạc, tài sản của chúng đã chìm xuống đáy biển hay trôi dạt vào hòn
đảo nào không ai biết. Thỉnh thoảng dân các đảo lại vớt được những xâu tiền đồng,
vàng bạc hay đồ cổ quý hiếm, họ cho là của băng cướp.
Mọi người đã lên tàu, mấy đứa bắt tay làm loa gọi tôi inh ỏi.
Tôi nóng ruột:
- Chuyện đâu có dính dáng gì đến
The đâu?!
The vẫn chậm rãi:
- Đêm đó khi tôi định trầm mình xuống biển tự vẫn. Tôi chỉ
nghĩ đơn giản là sẽ được gặp lại cha mẹ tôi. Nhưng không ngờ… đến phút cuối tôi
mới biết cuộc sống thật đáng quý biết bao nhiêu. Khi tôi mở mắt ra để hít thở
tôi chợt sững người… thì ra những dát bạc nhìn xa xa trên mặt biển thật ra
không phải là ánh sáng phản chiếu từ mặt trăng mà là… tiền. Mặt biển toàn tiền!
Tôi sững sờ nhìn The, ngạc nhiên hỏi:
- Tiền? Mặt biển toàn tiền?! Mà tiền ở đâu ra?
The cười bí hiểm.
- A! – Tôi la lên một tiếng “A” rồi im bặt!
The mơ màng nhìn ra biển xa:
- Anh có biết tại sao dù gian nan cực khổ mà dân đảo vẫn kiên
quyết bám biển không?! Biển lúc nào cũng công bằng, bao la và rộng mở, biển đã
lấy của ta cái gì thì sẽ đền bù lại cho ta tất cả!
Đáng lẽ tôi đã quyết định dừng câu chuyện ở đây nhưng tôi sợ có người nói tôi
nói láo. Đây là một câu chuyện có thật. Nếu ai không tin thì xin làm một chuyến
du lịch đến Nam Du và đặc biệt là nhớ ghé Hòn Ngang, xã Nam Du, tỉnh Kiên
Giang. Trước tiên quý vị sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp nổi tiếng ở Nam
Du, nơi được mệnh danh là Vịnh Hạ Long 2 ở vùng biển Tây Nam Tổ quốc, được ăn
những loại hải sản mà ở đất liền không bao giờ có và cuối cùng là quý vị sẽ có
dịp kiểm chứng xem câu chuyện của tôi là thật hay giả. Chúc mọi người có một
chuyến du lịch đầy hấp dẫn.
Gan Thị Phương Ánh
Nguồn: Báo Văn Nghệ TP.HCM số 536
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét