Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

Về với biển quê

Về với biển quê 
Cũng như bao nhiêu cư dân phố Vinh nói riêng, cư dân xứ Nghệ nói chung, chỉ chờ cơn nắng đầu mùa vừa rực lên, là đã hẹn hò: Xuống Cửa Lò nhé! Cửa Lò - trở thành địa danh có tiếng trên bản đồ du lịch, nhưng với người Nghệ, đơn sơ lắm, ai cũng gọi đó là biển quê. Biển quê anh. Biển quê em đấy! Biển đang phập phồng, náo nức bước vào mùa vui, sóng hết mình xanh và cát hết mình mịn như để gọi mời…
Và bao nhiêu lần, đặt chân tới biển quê, vẫn mang nguyên nỗi ngỡ ngàng tươi mới. Bao nhiêu cao ốc, khách sạn,… mọc lên ken dày bên kia bờ sóng, dù chỉ cách đấy một dải cát thôi, vẫn là biển với vẹn nguyên hoang sơ thuở nào. Nhanh như một cái chớp mắt. Thật khó hình dung về nơi đây, thời mới chỉ hoang vu cát bạc, khi những dây muống tím và cúc biển vàng còn lan xuống tận chân sóng. Có lẽ thuở ấy, cũng như bao nhiêu vùng biển khác trên đất nước ta, Cửa Lò chỉ là một chấm nhỏ trên dải cát chữ S nghiêng bên Biển Đông với làng chài nghèo, những tấm lưng trần đàn ông sạm trong gió nắng, những ngọn đèn đêm của bao người đàn bà chờ chồng trở về sau chuyến ra khơi để mai sớm xôn xao gánh gồng chợ phiên. Cái tên không đẹp, không phải dành cho sự mộng mơ, chỉ giản dị như lô xô những dãy thuyền thúng úp mặt lên cát ướt. Vậy nhưng lại gợi tò mò cho bao người khi một lần đến với nơi này.
Sao lại gọi là Cửa Lò? Đã bao lần tôi nhận được câu hỏi ấy từ những người bạn phương xa, cũng bao lần chúng tôi - những người Nghệ vẫn tự hỏi câu đó với mình và với nhau. Đã có rất nhiều cách lý giải được đưa ra với những chứng cớ khoa học về địa lý, ngôn ngữ,… Nào mang nghĩa là cửa gió lùa, rồi cách gọi chệch âm, hay bắt nguồn từ danh từ gốc “kuala”… Nhưng có một cách lý giải mà tôi muốn tin, cách lý giải dân dã nhất về tên gọi của Cửa Lò: cư dân vùng biển xưa có nghề nấu muối, ánh lửa đỏ tỏa rạng từ những lò nấu muối đắp cao trong đêm đen đã làm thành chùm đèn hải đăng cho tàu thuyền ra vào sông Cấm, và từ tên gọi “cửa lò muối” đã trở thành “Cửa Lò”.
Từ vùng biển nghèo, chỉ có sóng gió, lò muối, bãi cá, chợ cá, làng làm mắm… đơn sơ, Cửa Lò bỗng dưng sôi động trong những tháng năm thuộc thập niên 90 thế kỷ trước, khi nơi này bỗng trở thành bãi đáp của hàng “secondhand”. Người khắp nơi biết tới Cửa Lò không phải là bãi biển du lịch mà là bãi đáp của “hàng điện tử nội địa”. Hàng điện tử Cửa Lò theo với những chuyến xe ra Bắc, vào Nam tỏa đi khắp cả nước. Cư dân Cửa Lò có nhiều người chuyển sang buôn hàng bãi. Săn hàng bên Nhật rồi tập kết theo tàu biển đổ về Cửa Lò. Bao nhiêu người phất lên, và cũng khối người tù tội từ những vụ buôn lậu.
Cũng mới chừng hai chục năm trước, từ Vinh xuống Cửa Lò chỉ có mỗi con đường chạy từ Hưng Lộc qua chợ Mai Trang, qua phường Nghi Tân. Cũng chưa có đường Sào Nam, Bình Minh…, mà chỉ là con đường nhỏ ngoằn nghoèo men theo bờ biển, giữa rừng phi lao xao xác gió. Quán xá thưa vắng, chỉ lác đác vài cái khách sạn đìu hiu… Người dân xuống biển, chưa có tâm lý đi du lịch, thăm thú, mà chỉ mới giỡn nước ngại ngần.
Thế rồi, chưa kịp hết tiếc nuối về rừng phi lao chạy dọc bãi cát mê mải bị đốn hạ, đã kịp mừng vui vì những con đường mới mở rộng thênh để tìm lối ra với biển, vươn ra bằng du lịch. Quảng trường, sân gôn, bãi cỏ, hàng cây, lối hoa… đã bừng lên sắc mới. Và hàng ngàn, hàng vạn bước chân chen về trong những đêm pháo hoa, những ngày nắng lửa… đã biến Cửa Lò thành một cái tên hàm chứa bao nhiêu niềm vui, hội ngộ. Về nhé, Cửa Lò!
Và, dẫu không hòa chung vào dòng người thác lũ đổ về Cửa Lò mỗi dịp lễ ngơi nghỉ kia, thì hẳn trong lòng tôi, lòng bạn, dù buồn hay vui cũng muốn tìm về với biển.
Tìm về một bình minh, khi mà thị xã còn đang mơ màng trong sương. Khát khao được chờ xem mặt trời nhô lên từ biển. Chân trần, cát mịn, gió còn mang hơi lành lạnh, và sóng đang rất dịu dàng. Và bất chợt trên cát, bạn sẽ bắt gặp những ngư dân với gương mặt như tự ngàn năm, đen đúa, rắn rỏi, chân chất. Họ đứng thành hàng, chung buộc một sợi dây kéo lưới. Bạn cứ ngỡ mình dậy sớm ư? Đây đã là mẻ lưới thứ 3 của họ rồi. Cư dân Cửa Lò vẫn căm cụi nhịp sống ấy từ bao đời, trở dậy từ nửa đêm để cùng đi rẻo lưới.
Cũng trên cát mịn, những người đàn ông đang xếp lại đồ nghề sau một đêm câu mực ngoài khơi trên chiếc thuyền thúng. Con thuyền nhỏ, xoay tròn, tròng trành nhấp nhô cùng nhịp sóng, ra biển khi đêm buông, để tinh mơ trở về cùng niềm vui lanh canh tiếng riềng câu và nhịp chèo gõ mạn.
Tôi đã gọi đó là những bình minh sau mắt lưới. Sau những mắt lưới phập phồng, đẫm ướt vị biển là cá, là mực nhấp nháy ánh sáng lân tinh.
Tìm về những chiều êm ả, khi chớm hè, vừa mới có nắng lên, bãi biển còn thưa thớt người, cùng người bạn tâm giao yên lặng ngồi duỗi dài chân trên ghế bố trong vô vàn quán hàng sát biển, nhìn ra trùng khơi. Hay đi men theo những dãy cây phi lao về phía Cửa Hội, trải một tấm thảm trên cát, để chân mình sát vào những khóm hoa cúc biển đang rừng rực cháy lên như những đốm lửa nhỏ kia. Lạ kỳ cái loài hoa, được cho là do chính tay Vua Bảo Đại đem giống về từ nước Pháp xa xôi, để trồng nơi những cồn cát hoang dại này, lại bừng lên sức sống mãnh liệt đến vậy. Hẳn muốn dâng tặng đến lòng ta một thông điệp nào?
Tìm về những đêm, chân bước xuống tới gần mép nước. Nhìn những con sóng đuổi nhau, cùng vỡ òa trong niềm vui hội ngộ. Tiếng reo trắng xóa ập vào bờ bãi. Trên cao kia, nơi mênh mang xanh thẫm, có mảnh trăng đứng chừng như cô lẻ, Nhưng đâu phải, trăng tràn khắp tình yêu của mình trên ngực biển đêm. Chợt nhận ra rằng, biển ồn ã nhưng cũng vô chừng dịu êm. Và hãy buông đi mọi lo toan, bận nhọc, biển đang thâu nhận tất thảy vào lòng đại dương thăm thẳm. Hãy làm một chuyến thuyền câu mực, hãy ra với bao la bằng con thuyền nhỏ xoay tròn kia, ánh sáng ngọn đèn măng xông kia và náo nức những cuộc di chuyển vĩ đại luân hồi trong lòng biển…
Và có khi, về với biển, chỉ để lơ ngơ tìm đường đi của một con sóng. Nó có vẻ độc lập và kiêu hãnh hơn chúng ta tưởng, hơn một sự nhòe mờ tan vào phía mênh mông. Cho dù sau đấy nó nhẹ nhàng liếm vào bãi cát để tự làm mới mình trong một sự hóa thân, để sống lại trong một lặng thầm con sóng khác.
Hay đi tìm cái mềm mại, dịu êm của bãi cát. Bước chân trần bên cạnh những con sóng, nhìn ngắm những tia óng ánh li ti từ cát, cảm nhận hơi ấm nóng mặt trời dưới gan bàn chân. Đó là cách tuyệt vời nhất được thấy mình là một phần của tự nhiên bao la, của đất trời vô thủy vô chung. Cũng giống nhiều người khác, tôi đi tìm những con dã tràng để thích thú và ngậm ngùi cho một đời xe cát. Trên đời này có biết bao sự tận tụy, vô lo như thế? Có biết bao nỗi khao khát và sự lấp đầy, biết bao nỗ lực và sự phũ phàng đáp trả, biết bao điều vô nghĩa như anh Dã Tràng trong câu chuyện cổ tích kia để tìm cho mình viên ngọc bị đánh cắp?
Cũng có khi đi tìm màu của biển. Người ta nói biển xanh nhưng thực sự biển có đủ mọi sắc màu. Những giận dữ đục ngàu, những niềm vui vỡ trắng, những mệt mỏi lam lũ đỏ au, những buồn bã tím ngắt, những hy vọng xanh biếc, những chờ đợi và khao khát rừng rực màu ráng chiều…
Đi để gặp nhau, gặp niềm vui, nụ cười. Những bà mẹ dịu dàng dắt đứa trẻ nhỏ đi men
theo đường viền của những con sóng, những đứa trẻ cười khúc khích, những ông bố đưa con ra tập bơi, những đôi tình nhân sánh bước, những cặp vợ chồng già nhìn về phía biển và mỉm cười với ký ức. Những ngư dân trở về từ một mẻ đánh ngoài khơi.
Bao nhiêu người đã đứng trước cái bao la, cái cồn cào, cái thẳm sâu của biển với những cảm giác ấy? Như tôi, giờ đây đang đứng trước biển quê? Để thấy bớt chơi vơi trong cuộc đời nhiều khi vô định. Để tìm một nguồn an ủi vỗ về khi mệt mỏi. Để tự trấn an sau một cơn bão lòng. Để nhìn sâu vào nỗi buồn trong mình, hiểu nó, với một lòng bao dung và cởi mở hơn với cuộc đời. Viên ngọc của tôi, có thể nằm sâu trong lòng biển, dưới một lớp rong rêu đẹp như chốn thủy cung, cũng có thể bị ngậm chặt bởi một con trai lầm lì nào đó đang quăng mình trong những đợt sóng ngầm dưới đáy cát, hay cũng có thể nổi trôi trên những lớp sóng bạc ngoài xa khơi…
Viên ngọc của tôi, cũng có thể đang ở ngay trong chính tâm hồn tôi, khi chiều Cửa Lò một mình đứng chân trần trên bãi cát nóng ấm nhìn ra biển. Lúc ấy tôi tin rằng tôi đã tìm thấy chính mình.
Bài: Thùy Vinh
Ảnh: Sách Nguyễn - Trung Hà

Thiết kế - Kỹ thuật: Hà Giang
Theo https://e.baonghean.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...