Thứ Ba, 2 tháng 4, 2019

Trịnh Công Sơn - Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật


Trịnh Công Sơn - Ngôn ngữ 
và những ám ảnh nghệ thuật
Tiểu luận dưới đây được viết và sắp xếp theo quy mô của một tập sách, với một phương pháp luận xuyên suốt và gắn bó với cấu trúc của toàn tập sách ấy. Nếu đăng toàn vẹn, nó sẽ chiếm khoảng hơn 100 trang báo Văn Học. Vì giới hạn của trang báo, mặc dù đây là số đôi, VH rất tiếc không thể đi hết tiểu luận công phu này. Chúng tôi xin phép trích đăng theo cách cắt bỏ và lắp ráp nhiều đoạn với sự đồng ý của nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc. Tất cả những ám ảnh nghệ thuật của TCS (ám ảnh nội tâm, ám ảnh về thời gian, không gian) được cắt bỏ gần một nửa; phần nghiên cứu chuyên biệt về ngôn ngữ nghệ thuật của TCS được cắt bỏ hầu như toàn bộ. VH, dù sao, vẫn muốn giữ nguyên tựa đề của tiểu luận này ở đây. Công trình này sẽ được in thành một cuốn sách riêng, hoặc in chung trong một quyển tiểu luận văn học của nhà văn BVP. Chúng tôi xin trân trọng cám ơn lòng quý mến của anh đã tin cẩn gửi cho VH bản thảo này, và cũng cám ơn anh đã cho phép chúng tôi sắp xếp để giới thiệu công trình này đến quý bạn đọc.
Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá
Góc phố nào cũng thấy quê nhà
(Tình Yêu Tìm Thấy, TCS)
Không ai là một hòn đảo, tự mình toàn vẹn trong chính mình (...); mỗi người là một mảnh của Đại lục (...). Cái chết của mỗi một người đều làm tôi bị mất mát đi, bởi lẽ tôi gắn liền với Nhân loại. 
Và, bởi thế, xin đừng bao giờ hỏi rằng chuông gọi hồn ai. 
Chuông gọi hồn anh đó.
(John Donne)
Trịnh Công Sơn đã ra đi. Những tiếng chuông gọi hồn đã được đánh lên. Và âm ba của những hồi chuông ấy vẫn còn vương đầy trong không gian tâm hồn của chúng ta. Qua những tiếc thương và suy tư của bao người còn ở lại. Nhưng thực ra, những tiếng chuông gọi hồn đó đã luôn cất lên, gióng giả, trong suốt cuộc hành trình làm người của Trịnh Công Sơn. Chúng vang vọng trong âm nhạc của anh, với những nhịp điệu đều đều, buồn buồn, nghe như những tiếng kinh cầu; trong những nhịp kể lể với những ca từ mang nặng tính siêu hình pha vào nhịp thở của thời đại. Những tiếng chuông gọi hồn đó vang vọng trong cõi thời gian chìm chìm ẩn ẩn một màu úa tàn, bềnh bồng trôi dạt về một nơi chốn thiên thu nào đó, một cõi thời gian luôn luôn in dấu những chiếc bóng trăm năm. Những tiếng chuông gọi hồn đó, chúng vang vọng trong những khoảng không gian đựng nhiều bóng tối, trong những cánh rừng xưa đã khép mắt, những cồn biển quạnh hiu và những núi đèo mờ mịt, trong những đường phố đầy bóng hư không, hay trong những quán xá bàn ghế không bầy... Nhưng những tiếng chuông cầu hồn ấy, trước hết, đã được đánh lên với những âm vang sắc buốt nhất qua những bài hát về thân phận con người, về cuộc chiến tang thương vỡ nát trên quê hương Việt Nam.
Những tiếng chuông ấy vang động khắp thế giới qua âm nhạc cũng như lời ca của Trịnh Công Sơn. Những lời ca như những dòng thơ buồn rầu vỡ sắc, tả về những kinh hoàng tưởng như không bao giờ có thật, nhưng chúng vẫn hiện hữu trong cuộc sống con người. Những lời ca như những dòng thơ đẩy con người chạm mặt với cõi siêu hình. Dù chỉ là trong những khoảnh khắc của cuộc sống. Và chính những tiếng chuông cầu hồn vang lên trong âm nhạc đó của anh đã đẩy anh, nhiều lần, ra trước những vành móng ngựa của đời. Con người là một con vật xã hội (social animal). Từ đó, nó cũng là một con vật chính trị (political animal) dù nó có muốn hay không. Và nếu chỉ nhìn về khía cạnh chính trị, từ góc độ của mình, có lẽ chúng ta có thể nhìn thấy Trịnh Công Sơn có những sai lầm, những vấp ngã; và chính anh, khi nhìn lại đời mình, cũng đã có những lúc thấy và hối tiếc về những vấp ngã và sai lầm của anh trong đời. Chúng ta, trong mắt nhìn của mình về anh như một con người của quần chúng, có quyền lên tiếng và bày tỏ thái độ của mình về những chọn lựa của Trịnh Công Sơn. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác, rộng lớn hơn, người nghệ sĩ ấy là một con vật xã hội. Hơn thế nữa, Trịnh Công Sơn là một con người với tất cả những yếu đuối và mỏng dòn của nó. Anh cũng là một con người hết sức thiết tha với cuộc đời. Anh yêu thương cuộc đời và đau xót vì thấy được cái thân phận mong manh và nhiều khổ đau của kiếp con người. Thật ra, trên hết và trước hết, Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ, một con người đã sống hết lòng với trái tim mình. Một trái tim thật nhậy cảm trước từng máy động của đời. Trịnh Công Sơn rung động với mỗi chuyển động tế vi của trời đất, với tiếng gió qua đèo, tiếng những giọt mưa, những nụ hoa hẹn hò nhau trước sân nhà anh. Những máy động mong manh như thế, con người nghệ sĩ ấy còn nghe thấy, thì làm sao những tiếng nổ làm vỡ nát thịt da người kia anh lại không nhận ra. Nhưng cuộc chiến nào cũng có hai phía, nếu không là nhiều phía, nên khi anh ghi nhận lại những hình ảnh đau thương tan nát và những âm thanh tàn phá ấy, anh dễ bị lôi ra trước những vành móng ngựa của đời. Cũng thế, những người góp tiếng nói để nhìn lại hoàn cảnh, vị trí, con người và những mơ ước, những thiết tha cùng những đóng góp nghệ thuật của anh cũng có thể bị ngộ nhận như thế. Nhưng, nếu ta nhìn cuộc đời này một cách rộng lớn hơn, nếu ta không đóng khung nó lại trong khoảng thời gian của một cuộc chiến; nếu ta nhìn con người như những tế bào, những sinh thể của một Đời Sống lớn hơn, những sinh thể được liên kết với nhau trong một sự gắn bó thiết tha sống chết, thì đúng như John Donne đã nói, “Không ai là một hòn đảo (...); mỗi người là một mảnh của Đại lục (...)

Cái chết của mỗi một người đều làm tôi bị mất mát đi, bởi lẽ tôi gắn liền với Nhân loại. Và, bởi thế, xin đừng bao giờ hỏi rằng chuông gọi hồn ai. Chuông gọi hồn anh đó”. Nếu một người có tội, tất cả mọi người đều trong những mức độ nào đó chia sẻ sự liên đới của tội lỗi kia. Để đạt đến sự cứu rỗi, tất cả mọi người đều phải có những nỗ lực đóng góp để vươn về điểm tới ấy. Một gương mặt hằn sâu những vết cắt của tội lỗi và đau khổ (in bóng một cánh rừng âm u, quằn quại những sức sống vươn lên trong bóng tối), cùng lúc, cũng khuôn mặt ấy với ánh sáng thánh thiện và nét cứu rỗi mọc lên trong đôi mắt, bỗng hiện dần ra trước cái nhìn của tôi. Đó là khuôn mặt của con người nghệ sĩ Dostoevski. Tôi muốn chảy nước mắt khi nhớ lại cái ánh sáng kia trong các tác phẩm của ông. Con người là một sự liên đới. Và trong sự nhận thức về tính cách liên đới ấy, nó bước gần đến chỗ tìm ra được sự cứu chuộc cho chính mình. Ý nghĩa cuộc hiện sinh của con người nằm ở chính trong sự liên đới và sự cứu chuộc kia.
Dù sao, tôi muốn viết bài này về Trịnh Công Sơn không phải chỉ để nhắc lại những tiếng chuông gọi hồn vẫn mãi còn gióng giả trong nhạc của anh. Thật ra, tôi muốn viết về anh nhiều hơn với tất cả những khía cạnh đẹp tươi, thơ mộng mà anh đã để lại trong âm nhạc và ca từ của mình, mặc dù những nét thơ và đẹp ấy gần như luôn luôn nằm trong vùng hồi quang của những chia lìa, mất mát để, khi nhìn lại, người ta thường chỉ thấy ở đó những con gió quạnh quẽ, những chiếc bóng trăm năm đi về mãi mãi. Nhưng, bây giờ, ít nhất, trong những giờ khắc tĩnh tại của lòng mình, trong những khoảng thời gian chớp mắt của đời sống mà chúng ta thỉnh thoảng tìm được cho mình trong dòng đời này, hãy để lòng mình lắng lại những tiếng quê nhà. Hãy thử gạt bỏ đi những tạp âm trong đời sống này để nghe lại những tiếng nói thân thiết mà chúng ta hằng quen thuộc. Trịnh Công Sơn đã để lại cho tất cả chúng ta một gia tài dung chứa bao nhiêu hình ảnh đau thương, xót xa cũng như thơ mộng và đẹp đẽ về quê hương Việt Nam, nói riêng, và quê hương của con người là cõi tạm này, nói chung. Những bài hát của anh đã làm cho chúng ta sống phong phú hơn biết bao về nhiều khía cạnh. Bài viết này, về ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật trong nhạc Trịnh Công Sơn, muốn cố gắng ghi nhớ và chắt lọc những điều tha thiết được để lại trong cái gia tài ấy; từ đó, hy vọng chúng ta sẽ dễ dàng nhìn lại được chân dung và những đóng góp của Trịnh Công Sơn hơn.
Phương pháp được sử dụng trong bài này là một phương pháp tổng hợp. Tôi sẽ áp dụng phương pháp xếp chồng văn bản (superposition) cùng với phương pháp sử dụng liên-văn-bản (intertextuality) (1). Cùng lúc, tôi cũng sẽ áp dụng những thao tác và phân tích của thi pháp học (poetics). Phương pháp xếp chồng văn bản của Charles Mauron, với nỗ lực gắn phân tâm học vào phê bình văn học, sẽ cho ta những cơ hội để nghiên cứu những mạng lưới liên tưởng trong ngôn ngữ và hình ảnh được thể hiện trong thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn. Nó sẽ giúp ta khám phá ra những ám ảnh mà anh luôn ôm ấp trong đời sống cũng như trong những giấc mơ của mình. Từ sự liên kết các mối ám ảnh này qua những văn bản là hàng trăm bài hát của Trịnh Công Sơn, ta có thể nghe ra các tiếng vọng dội âm nhau cũng như các hình ảnh phóng chiếu, khúc xạ lẫn nhau trong những giấc mơ về đời sống cũng như qua những giấc mơ về một cõi thiên thu giữa cuộc đời của anh. Tất cả những ám ảnh này làm nên con người vô thức của tác giả. Nó có thể phác họa nên một cấu trúc tinh thần, dẫn đến một thứ mà Mauron gọi là “huyền thoại cá nhân” của một nhà văn, một nghệ sĩ.
Khái niệm liên văn bản thường được coi là do Mikhail Bakhtin, một nhà phê bình văn học kiệt xuất của Nga, đề xuất. Sau đó, nó được phát triển thành hệ thống phương pháp với những áp dụng xuất sắc của Philippe Sollers và Julia Kristeva trong nhóm Tel Quel, và sau đó nữa với sự đóng góp phong phú của nhiều nhà phê bình khác (2). Khái niệm này cho rằng văn bản nào cũng là một liên văn bản (intertext), và mọi văn bản đều có liên hệ đến các văn bản khác, và không có văn bản nào có thể tự đứng độc lập với một bộ nghĩa đóng khung trong chính nó. Nói như Roland Barthes thì văn bản chỉ là một “tấm vải” được đan kết bằng vô số những lời trích dẫn được rút ra và tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều trung tâm văn hóa khác nhau, và không một trích dẫn nào được coi là có giá trị ưu quyết. Từ đó, ý nghĩa của một tác phẩm, một văn bản, được quyết định nơi người thưởng ngoạn (3). (...) Trong cái nhìn của tôi, qua sự nghiên cứu con người vô thức Trịnh Công Sơn với những ám ảnh và những giấc mơ giữa đời của anh, mặc dù coi những bài hát của anh là những văn bản chính để khảo sát, tôi còn muốn dựa vào một thứ “văn bản” khác. Đó là hoàn cảnh xã hội, không khí thời đại, bầu khí quyển triết học, chính trị trong đó những bài hát ra đời, và sự giáo dục cá nhân của chính con người nghệ sĩ. Đối với tôi, tất cả những điều ấy cũng là những loại “văn bản” khác nhau, cùng góp phần vào việc giúp ta nhìn rõ hơn chân dung, diện mạo của Trịnh Công Sơn (4).
Thi pháp học trong bài này giúp ta khảo sát kỹ hơn thời gian và không gian nghệ thuật trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Nó cũng giúp ta trong việc đi vào một số những phân tích trên mặt thao tác ngôn ngữ của người nghệ sĩ và phát hiện được hệ thống từ vựng của tác giả. Hệ thống từ vựng và thao tác ngôn ngữ nơi một người phản ánh thế giới tinh thần của người ấy. Thi pháp học cho ta một dụng cụ khá tốt để thực hiện những công việc trên.
Ngôn ngữ (5) được sử dụng ở đây, trong bài này, ở một số khía cạnh, là ngôn ngữ của nghiên cứu và phê bình văn học. Điều đó khó tránh khỏi. Trong một số khía cạnh khác, nó có thể là một thứ ngôn ngữ thơ. Dù sao, chủ yếu, nó là một thứ ngôn ngữ được sử dụng cho những phân tích hiện tượng học. Người viết bài này hy vọng, qua nó, sẽ đi vào một số ý nghĩa mang giá trị siêu hình trong mạch ngầm của những câu chữ, những từ ngữ và những hình ảnh nơi thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn. Những ý nghĩa mang giá trị siêu hình này, dù thế, không đẩy người thưởng ngoạn rời xa những gì thân thiết mà Trịnh Công Sơn muốn chia sẻ với những người nghe anh. Ngược lại, chúng là những gì có cội rễ ngay trong chính bản thể của mỗi người chúng ta. Dĩ nhiên, không có một thứ siêu hình học nào tách rời con người. Nhưng, nhiều khi, trong một số văn bản khác có tính siêu hình rõ nét hơn, nó lại biến thành những đám mây bay lơ lửng và lờ lững trên trời cao. Chúng bay ngang và che trên phận người. Trịnh Công Sơn, qua những sáng tác của anh, có lẽ là một trong những người đã đưa được những đám mây ấy xuống thấp. Một cách rất tài hoa. Để nó hòa quyện cùng con người. Bằng cách biến chúng thành những cơn mưa, rơi xuống rơi xuống và hòa quyện với đất đai sông núi để trở thành bao nhiêu hoa cỏ và những nét mặt của cuộc đời. Từ đó, chúng ta cảm nhận cuộc sống với những ý nghĩa của nó một cách sâu xa đằm thắm hơn. Và cũng từ đó, ta thiết tha và trân trọng với cuộc đời này nhiều hơn nữa.
Nhạc của Trịnh Công Sơn bao gồm những khúc thức giản dị, không cầu kỳ. Và nói như nhạc sĩ Văn Cao, “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra...” Có người coi sự giản dị này như một điểm yếu trong âm nhạc của họ Trịnh. Họ nghĩ rằng, với những khúc thức như thế, âm nhạc của anh không phong phú, và những cảm xúc của anh, vì thế, bị giới hạn bên trong một “cái vỏ” nghèo nàn. Nhận xét này có thể có những khía cạnh đúng, nhưng là đúng cho tất cả mọi nghệ sĩ, trong đó có cả những người làm nhạc. Mỗi nghệ sĩ có một phong cách riêng, và chính là với cái phong cách riêng ấy của mình, mỗi người nghệ sĩ tự định hình con người và sắc thái nghệ thuật mình. Trịnh Công Sơn, với những khúc nhạc giản dị nhưng có một phong cách riêng, đã nói được tất cả những gì mà anh muốn bày tỏ với chúng ta, những người nghe anh. Suy nghĩ này làm tôi nhớ đến Claude Lévi-Strauss. Nhà nhân học cơ cấu này tin và cả quyết rằng những thao tác trí tuệ cũng như sự hiểu biết của những con người mà chúng ta coi là “man mọi” thật ra cũng chẳng thua kém gì những thao tác trí tuệ cũng như sự hiểu biết của chúng ta cả (6). Các nhà ngôn ngữ học thời nay cũng đều cho rằng ngay trong những ngôn ngữ của những bộ lạc mà chúng ta, những con người sống trong thời hiện đại, coi là man dã đều có những quy tắc phức tạp của chúng, và những hệ thống ngôn ngữ ấy cũng có thể diễn đạt được tất cả những điều tế vi nhất mà nhu cầu của những xã hội phát sinh ra những ngôn ngữ ấy đòi hỏi. Qua sự liên tưởng và so sánh những điều này với những khúc thức được coi là giản dị của Trịnh Công Sơn, tôi chỉ muốn nói rằng họ Trịnh đã chọn đúng dạng thức cho những khúc nhạc mình để giúp chúng đi vào lòng người nghe. Anh bắt được tiếng thở dài cũng như nhu cầu tinh thần của cả một thời, lại tạo được cho mình một giọng nói không bị nhòa đi giữa nhiều giọng nói khác. Thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn, lại nói như Văn Cao, “với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi [...] đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, và ở cả bên ngoài biên giới nữa.”
Trước khi đi vào phân tích một cách khá chi tiết những ám ảnh, thời gian và không gian nghệ thuật, cũng như những hình ảnh biểu tượng và những nét đặc thù trong thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn, ta có thể tạm thời đưa ra một nhận xét tổng quát rằng, nhạc ngữ của anh rất mới. Chúng mới một cách giản dị. Không phải mới ở cách dùng những câu chữ phức tạp, cầu kỳ, nhưng là mới ở cách sắp đặt những từ ngữ và những hình ảnh bên nhau một cách bất ngờ và rất không truyền thống. Trịnh Công Sơn lớn lên trong một thời đại mà ảnh hưởng của văn hóa Âu Mỹ, đặc biệt là của Tây Phương, đã ghi những dấu ấn khá sâu đậm trong tâm hồn người Việt. Nó tạo nên một bầu khí quyển văn hóa đặc thù, và những trí thức trẻ Việt Nam là những người có nhiều cơ hội sống và hô hấp trong cái bầu khí quyển đó. Những nghệ sĩ, lại là trí thức, dễ trở nên những người nhạy cảm và tài hoa hơn ai hết trong việc khúc xạ những hình ảnh của thời đại, của thế giới, theo cách nói mới của con người thời đại. Trịnh Công Sơn có chịu những ảnh hưởng này, ở một mức độ nào đó. Và, trên khía cạnh ngôn ngữ và nghệ thuật, tôi cho rằng đây là những ảnh hưởng tốt, có khả năng giúp mở ra một thế giới hình tượng mới cho tuổi trẻ Việt Nam. Trong thi ca, chúng ta đã có nhiều nhà thơ, qua tiếp cận với những tiếng nói thời đại ở khắp nơi trên thế giới, làm mới được giọng nói và ngôn ngữ mình.
Nhớ, Apollinaire, trong bài Le Pont Mirabeau, đã có những câu thật đẹp:
Les mains dans les main restons face à face
Tandis que sous
Le pont de nos bras passe
Des éternels regards l'onde si lasse...
(Tay nắm lấy tay và mặt nhìn mặt
Trong lúc đó dưới
Cầu của những cánh tay đôi ta lướt chảy
Dòng nước mệt mỏi của những thoáng nhìn thiên thu...)
Hình ảnh cây cầu làm bằng những cánh tay bắc qua vai nhau này thật đẹp và mới. Nó cũng đã xuất hiện trong một câu thơ của ta vào những năm sáu mươi.
Cũng Apollinaire, trong bài Zone, có hình ảnh thật lạ:
Bergère ô tour Eiffel le troupeau des ponts bêle ce matin...
(Ô kẻ chăn cừu ơi hỡi tháp Eiffel, bầy cừu mà nàng chăn dắt
là những cây cầu kêu be be buổi sáng hôm nay... )
Và Trịnh Công Sơn có hình ảnh quá mới và đẹp sau đây mà chắc ít người để ý:
Ngày mai em đi/ biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn/ bàn tay chăn gió mưa sang...
Bàn tay chăn gió mưa sang (7). Gió mưa được xem như một bầy cừu hay một bầy dê nhỏ đáng yêu mà bàn tay ai đã chăn dắt sang đây. Hình ảnh mưa gió được làm cho mềm mại và sinh động để hòa nhịp với nỗi nhớ thiết tha đang bay trong trời không.
Jacques Prévert nói:
L'oiseau qui chante dans ma tête
Et me repète que je t'aime...
(Con chim hót trong đầu anh/
Và nhắc lại cho anh biết rằng anh yêu em...)
Và lời ca trong bài There's A Time, mà Nana Mouskouri hát rất hay, có hình ảnh:
... Now you ride the ocean, chase the stars underneath
some far-away skies
And the bird in my heart knows youõre never coming home, never coming home till the day the sea runs dry.
(Giờ đây anh cưỡi trên biển cả, đuổi theo những
vì sao dưới những bầu trời xa thẳm
Và con chim trong trái tim em biết rằng anh chẳng bao giờ quay về, chẳng bao giờ quay về cho đến khi nào biển cạn khô dòng.)
Hình ảnh con chim hót trong đầu hay trong trái tim của một con người không phải là hình ảnh có thể xảy ra trong thời xa xưa, chẳng hạn như trong thời của “Tuyết Hồng Lệ Sử”; nhưng nó là hình ảnh tự nhiên để diễn tả cảm xúc của thời năm mươi, sáu mươi, và sau đó nữa. Trịnh Công Sơn có thể chịu ảnh hưởng trong việc sử dụng biểu tượng này. Nhưng hình ảnh chim gắn với cảm xúc trong ca từ của ông được vẽ bằng một nét mạnh bạo và độc đáo hơn nhiều:
Trong trái tim con chim đau nằm yên/
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu

Trên giọt máu cuồng điên/ Con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa Đông/ Tay rong rêu muộn màng...
Trông đợi những cơn mưa, Trịnh Công Sơn viết:
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
“Mưa” được coi như những chuyến xe mà tác giả là người chờ ngóng mong đợi chúng. Để làm gì? Có thể là để lên đường đi đến cõi mộng mơ của mình chăng? Cũng nói về những chuyến mưa như thế, nhưng ở đây là những chuyến mưa đêm, Mai Thảo có viết một câu với đại ý là “từ những vùng xa thẳm, mưa bay qua những ga sao và những trạm trời để đến với ta.”
Tôi thử đưa ra một số những hình ảnh và ngôn ngữ ấy để chứng tỏ rằng thời đại làm nên con người. Và nó làm nên con người qua những hình ảnh và ngôn ngữ cùng lối suy nghĩ riêng của nó. Chính vì thế, qua thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn, ta nhận thấy rõ anh là một người chứng quan trọng của thời đại. Âm nhạc của anh cùng với ngôn ngữ và hình ảnh trong nó đã đem lại cho chúng ta một cái nhìn rõ nét về giai đoạn mà nó ra đời. Và Trịnh Công Sơn quả thật đã là người sai sử ngôn ngữ một cách tuyệt diệu.
Sau đây, trước hết, chúng ta hãy thử khảo sát một số ám ảnh của Trịnh Công Sơn.
[...]
(...) Một ám ảnh khác, thu gọn trong thân phận riêng của Trịnh Công Sơn, với những biểu hiện rất riêng của người nhạc sĩ, là ám ảnh về sự cô đơn của chính mình.
Hãy nghe anh nói về thế giới của anh:
Trời cao đất rộng/ Một mình tôi đi/ Một mình tôi đi
Đời như vô tận/ Một mình tôi về
Một mình tôi về với tôi
(Lặng Lẽ Nơi Này)
(...) Đời chỉ là một cuộc đi. Đi mãi đi mãi. Và đi một mình. Đi một mình như thế qua suốt cuộc trần gian này:
Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên
(Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng)
(...) Nếu có về chốn cũ của mình, anh chỉ nhìn thấy sự hoang vu quạnh quẽ. Tất cả những gì là êm ấm, gần gũi ngày xưa, bây giờ chỉ còn là sự hờ hững, vắng không, tăm tối, khiến cho nỗi cô đơn trong anh càng đầy, càng nặng:
Nhà im đứng cửa cài đóng then
Vườn mưa xuống hành lang tối tăm
Về thôi nhé, cổng chào cuối sân
Hờ hững thế loài hoa trắng hồng
(Vườn Xưa)
Trịnh Công Sơn nhìn ngắm thân phận mình như một cái gì hư ảo, chóng tàn, chóng mất. Phần nào giống như Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục ngày xưa:
Thân như băng kiến hiệu
Mệnh tựa chúc đương phong
(Thân như băng gặp nắng trời
Mệnh như ngọn đuốc giữa gió)
Dù sao, cái nhìn của anh về thân phận mình có chút gì mong manh, dễ tàn, dễ mất hơn:
Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya
(Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ)
ánh lửa ấy, rồi cũng như vệt nắng chiều mong manh hấp hối kia, sẽ đậy lại một ngày qua.
[...]
“Tâm hồn là kẻ săn đuổi cô đơn”. Đây là tựa đề tiếng Việt một novella của Carson McCullers. Kẻ săn đuổi ấy cô đơn? Hay kẻ ấy săn đuổi sự cô đơn? Nghĩa nào cũng đẩy tâm hồn con người đối mặt với chính nỗi cô đơn của mình. Tựa đề trong nguyên bản tiếng Anh rõ ràng hơn. The Heart Is A Lonely Hunter. Nghĩa thứ nhất. Dù sao, chính trong sự cô đơn, con người nghe ngóng được cuộc đời, cảm nhận được những hiện tượng thiên nhiên một cách rõ ràng hơn. Trịnh Công Sơn cũng thế. Trong tịch lặng của niềm cô đơn, thính giác anh trở nên mẫn cảm hơn bao giờ. Sự nghe ngóng cuộc đời, cảm nhận thiên nhiên của Trịnh Công Sơn, ở một góc cạnh nào đó, cũng là một nỗi ám ảnh muốn ôm lấy đời sống này, cho dù bên tai anh vẫn luôn nghe thấy những tiếng dục gọi lên đường:
Đêm nghe gió tự tình
Đêm nghe đất trở mình vì mưa
Đêm nghe gió thở dài
Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai ...
Đêm thân xác mịt mùng
Đêm nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa
(Nghe Tiếng Muôn Trùng)
Tôi Đang Lắng Nghe, bài hát đã được trích khá dài ở phần trên, cho ta thấy Trịnh Công Sơn hết sức thiết tha với cuộc sống. Anh luôn muốn sống cuộc đời mình một cách đầy tràn. Có lẽ vì anh đã cảm nhận được là mọi thứ trên đời này qua đi quá nhanh.
Nghe ngóng thiên nhiên, anh có dịp sống trở lại những cảm giác, những hạnh phúc và đau đớn cũ. Đời sống anh trở nên đậm nét và sâu lắng:
Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối
Đôi khi thấy trong mắt em một bóng tối nhỏ nhoi ...
Đôi khi thấy trong cánh chim từng đêm tối
Đôi khi nhớ trong tóc em mùi cây trái thơm tho
Đôi khi bước qua phố xưa lòng tôi nhớ
Đôi khi thấy trăm vết thương rồi như đá ngây ngô.
(Rồi Như Đá Ngây Ngô)
Trong đời ta, biết bao lần đã xảy ra những cuộc “đôi khi” đó, nhưng mấy ai là người cảm nhận rõ được hết những buốt sắc và ngọt ngào của những gì mà ta đã có trong đời. Phải là một người hết sức thiết tha với cuộc sống trong từng nếp gấp của nó, phải là người cứ mãi nuôi nấng trong lòng những tình cảm với người đã đi qua đời mình, người ta mới có thể sống trở lại một cách tận tuyệt như thế những đau đớn và hạnh phúc của đời. Bài hát trên có lẽ là một trong những bài hát đẹp lạ lùng mà Trịnh Công Sơn đã để lại cho chúng ta.
Trịnh Công Sơn có thể “tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá”. Thật sự, mỗi một nét của đời, mỗi một sự kiện trong đời sống con người đều thấp thoáng trong nó một bức vẽ hoàn chỉnh nào đó, lớn hơn chính nó. Với cảm nhận của riêng tôi, và trong cái nhìn của tâm lý hoàn hình Gestalt, tôi có thể nhìn thấy bất cứ một hình ảnh hay sự kiện nào đã xảy ra với tôi và được cất giữ lại trong ký ức của tôi qua bất cứ một nét, một dấu, một hình nào đó mà tôi gặp gỡ trong đời. Tất cả những nét, những hình, những dấu ấy, như là một vài nét phác của một bức tranh hoàn chỉnh, sẵn sàng được tái hiện trong nhận thức và cảm thức tôi. Miễn là tôi biết rung động. Và nhìn. ở đây, không phải cái nhìn đưa ta đến một phương pháp luận để đi vào phê bình văn học như phương pháp luận của Strarobinski. Dưới con mắt của nhà phê bình này, thế giới, thu gọn lại trong tác phẩm văn học, là một vật thể mờ đục chống lại cái ý muốn làm nó trở nên trong suốt. Cái nhìn giúp con người tạo nên một mối liên hệ sống động giữa nó và thế giới chung quanh, giữa cái tôi và những người khác. Mỗi một cái nhìn của ta, hay đúng hơn của một nhà văn, một con người sáng tạo, đều đặt lại vấn đề cấu trúc của hiện thực, của quá trình giao tiếp giữa anh ta với thế giới bên ngoài. Trịnh Công Sơn đã nhìn, nhưng không phải anh nhìn để tìm biết cấu trúc của hiện thực. Anh nhìn, để sống và để cảm lại những đường nét, những khía cạnh có ý nghĩa đối với anh trong cái hiện-thực-ngày-xưa mà bây giờ đã trở thành kinh nghiệm đó. Anh luôn nghe ngóng và nhìn ngắm đời sống để có thể bắt được trở lại những đường dây mong manh cũ. Những đường dây đã kết nối anh với những nỗi hạnh phúc bây giờ đã trở thành xa vắng.
Nhìn và nhớ. Từ đó, bắt đầu một quá trình làm sống dậy quá khứ. Từ đó, con người sống trong thời gian đồng hiện:
Mùa Xuân yêu em đồi núi thênh thang
Hồ nước long lanh ngàn cánh vàng
Ngày ta yêu em màu lá thanh xuân
Chờ đến thu sang rồi hãy tàn
Đàn chim bên sông chiều chiều rung cánh
Người ngồi trên bến nhớ mênh mông
(Người Về Bỗng Nhớ)
Có những khi, cái nhìn của Trịnh Công Sơn không phóng ra ngoại giới, mà lại chiếu thẳng vào bên trong. Đó là một cái nhìn có tính cách quán chiếu. Anh nhìn vào đời mình, nhìn vào lòng mình, lắng nghe lòng mình. Rồi, với những cảm xúc do sự quán chiếu vừa mang lại, anh nhìn ra thiên nhiên. Cảm nhận ngoại giới. Nhìn như thế, ta sẽ thấy mình không còn giữ cái tâm biện biệt trong/ngoài. Nội giới hòa vào ngoại giới. Và ta là kẻ bắt đầu thấy được cái ta đang máy động những nhịp điệu của vũ trụ bao quanh. Nhìn như thế là nhìn theo cái nhịp thiên địa dữ ngã tịnh sinh. Ta và trời đất cùng sinh ra và cùng chia nhau một nhịp thở:
Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây
Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ
Lời hẹn thề là những cơn mưa (...)
Đôi khi ta lắng nghe ta
Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá (...)
Đôi khi trên mái tình ta
Nghe những giọt mưa...
(Tình Xa)
[...]
Những sự mất mát trong đời sống đã mở mắt cho Trịnh Công Sơn thấy được cái vô thường của đời này. Nỗi ám ảnh về cái chết, về sự mất mát, về tính vô thường của đời sống, luôn luôn là một ám ảnh theo sát Trịnh Công Sơn từ những ngày anh còn khá trẻ. Có lẽ vì là một người sống ngay trong một thành phố mà lúc nào bom đạn cũng bủa vây tứ phía, được nhìn tận mặt chiến tranh, nghe và thấy cái chết một cách quá rõ nét trong cuộc đời, Trịnh Công Sơn đã có những cảm nhận sâu xa về những cái mất còn của đời sống. Cuộc chiến đã dựng lên những cận ảnh tang tóc và kinh hoàng ngay trong những thành phố mà anh đã từng sống với. Cái còn hay mất của tất cả mọi thứ, kể cả tình yêu, trong chiến tranh, cũng là một điều mà con người phải kinh nghiệm và chấp nhận. Hạnh Phúc hay Bất Hạnh. Nỗi Buồn hay Niềm Vui. Khổ Đau hay Hoan Lạc. Tất cả chỉ là hai mặt sấp ngửa của Cuộc Đời. Từ đó, người nhạc sĩ nhận ra rằng:
Một hôm bỗng nghe ra buồn vui kia là một
Như quên trong nỗi nhớ (...)
Vườn năm xưa em đã đến / Nay trăng quá vô vi
Giọt sương khuya rụng xuống lá
Như chân ai lần về
(Nguyệt Ca)
Anh nhìn ra là những ngày vui rồi sẽ tan mau như nắng:
Trong hội trần gian bao nhiêu ngày yêu dấu cũng không còn (...)
Người người yêu nhau đã mất nhau trong đời
Một ngày tăm tối khép nghìn sớm mai.
(Còn Có Bao Ngày)
Em theo đời cơm áo/ Mai ra cùng phố xôn xao
Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo
Ta ôm tình nặng trĩu/ Nghe quanh đời mưa bão
Ôi những ngày yêu dấu bọt bèo
(Yêu Dấu Tan Theo)
Trịnh Công Sơn nhìn thấy rất rõ những bào ảnh của đời. Tình trong hai tay, một hôm biến mất; Còn gì đâu những môi xưa hồng, vùng tuổi xanh thoảng bay như gió; Bốn mùa thay lá thay hoa thay hết đời ta; Trong xuân thì thấy bóng trăm năm; Chiều hôm thức dậy/ ngồi ôm tóc dài/ chập chờn lau trắng trong tay; Người đi quanh thân thế của người/ một trăm năm như tiếng thở dài. Tất cả những kinh nghiệm, những nhận thức ấy càng làm cho anh ý thức hơn nữa cái khoảng ngắn hẹp của thời gian mà chúng ta gọi là đời người này:
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi (...).
Cho trăm năm vào chết một ngày (...)
Vết mực nào xóa bỏ không hay.
(Cát Bụi)
Phải, đời sống con người cũng chỉ như một vết mực. Rồi nó sẽ nhòe đi. Rồi nó sẽ được xóa bỏ. Thực, biến. Có, không. Đi, về. Đối với ta, bây giờ, tất cả trông chỉ giống như một đường chỉ kéo dài tít tắp.
Dòng sông trước kia tôi về/ Bỗng giờ đây đã khô không ngờ
Lòng tôi có khi mơ hồ/ Tưởng mình đang là cơn gió (...)
Chợt tôi thấy thiên thu là/ Một đường không bến bờ
(Lời Thiên Thu Gọi)
Một ngày có đóa hoa lan trong vườn/ một ngày thấy dáng em
Một chiều bỗng thấy hoa lan úa tàn/
vườn chiều vừa mất dáng em
Một chiều núi bỗng mang thân cánh đồng
thì cùng dòng nước khóc giùm
Một lần thấy bóng em qua nơi này /một lần với bóng tôi
Một ngày đã có em xa nơi này/ một ngày với vắng tôi
(Một Lần Thoáng Có)
Giống như Nguyễn Du đã nhìn thấy hình ảnh vô thường trong bóng mây:
Du du vân ảnh biến thần tịch
(Bóng mây lững thững biến đổi sớm chiều)
(La Phù Giang Thủy Các Độc Tọa),
Trịnh Công Sơn cũng nhìn thấy cái chớp mắt của vô thường kia trong bóng nắng. Bóng nắng trong câu kinh Phật:
Con mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn em hư vô nhìn em bóng nắng
Thiền sư Vạn Hạnh trong bài Thị Đệ Tử nói rõ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
(Thân như ánh chớp có rồi không)
Người con gái yêu dấu bên cạnh đời ta kia rồi một ngày nào đó cũng sẽ bay đi. Bay đi như một ánh chớp. Bay mãi vào cuộc trăm năm hay vào những cõi bờ không còn không mất. Hình ảnh cánh hoa trắng ngần kia có phải là hình ảnh của em không?
Mùa mưa tới cành hoa trắng ngần
Đã ra đời đùa vui phút giây
Sau một lần đến bên người
Khép lại tấm lòng nghìn năm nhớ ai
(Chuyện Đóa Quỳnh Hương)
Và hình ảnh ngọn gió kia, chính là ta đó. Một ngọn gió hư vô:
Ôi phù du/ từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ/ Đời người như gió qua
(Phôi Pha)
Em hay ta, rồi thì cũng sẽ ra đi. Và cả trần gian này nữa. Tất cả rồi thì cũng sẽ mịt mù. Tất cả rồi sẽ nằm chìm dưới cơn mưa của trăm năm. Hay của ngàn năm. Trăm năm, cái dấu chấm bé cỏn con ấy cho một đời người. Và ngàn năm, so với thiên thu, thì cũng chỉ là một cơn gió phù du:
Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm trước mây qua mây qua ...
Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm nữa mây qua mây qua ...
Bờ bến thiên thu nằm chìm dưới cơn mưa
(Chìm Dưới Cơn Mưa)
Tất cả rồi sẽ chìm trôi. Đó là nỗi ám ảnh không nguôi của Trịnh Công Sơn. Tính chất vô thường của đời sống, và của mọi sự trong nó, dẫn đến một thứ hư vô rợn ngợp bao phủ không gian tinh thần của một số ca khúc Trịnh Công Sơn. Nhưng, vì là một con người luôn thiết tha gắn bó và yêu thương cuộc đời, như đã phân tích ở trên, nhận thức về hư vô này không đưa người nghệ sĩ đến một thứ hư vô luận có tính cách tàn phá và phủ nhận cuộc đời. Trái lại, chính sự thiết tha ấy đã làm nên một chiếc phao giúp cho Trịnh Công Sơn khỏi phải “chìm dưới cơn mưa”. ít ra, cho đến hết kỳ hạn của anh. Cho đến lúc “vết mực” kia bị xóa bỏ đi.
Thời gian nghệ thuật
Một lát cắt quan trọng để khảo sát nghệ thuật sử dụng hình tượng và ngôn ngữ trong thế giới của Trịnh Công Sơn, cũng như để tìm hiểu một nỗi ám ảnh lớn trong cuộc đời anh, là lát cắt về thời gian. Một cách chung, có thể nói thời gian là một đơn vị, một đại lượng để đo và xác định quá trình phát khởi, tồn tại, vận động, phát triển và suy tàn của mọi vật, mọi loài trong thế giới hiện tượng. Khoa học tự nhiên, với những định luật khách quan của nó, cho biết là thời gian chỉ vận động theo một chiều. Đó là chiều đi tới, từ quá khứ, sang hiện tại, rồi đến tương lai. Thời gian tự nhiên không đi theo chiều nghịch đảo, và nó cũng không thể cùng đồng hiện. Thời gian được biểu thị bằng một véc-tơ theo một chiều đi tới. Thế nhưng, trong thế giới nghệ thuật, thời gian có thể giong ruổi tới lui tùy theo sự sắp xếp của kẻ sáng tạo. Trong văn chương hiện đại, có lẽ Gabriel Garcia Marquez, bậc thầy của những tác phẩm hiện thực huyền ảo (magical realism), với nhiều tác phẩm được cả thế giới biết đến, đặc biệt là hai quyển Trăm Năm Cô Đơn (One Hundred Years Of Solitude) và Yêu Trong Mùa Dịch Tả (Love In The Time Of Cholera), đã cho thấy là thời gian có thể chạy ngược hay xuôi, và có nhiều lúc nó lại trở nên đồng hiện, tức là xảy ra cùng một lúc, cả quá khứ lẫn hiện tại. Tất cả bắt nguồn từ trong trí tưởng tượng, trong hoạt động nhận thức, trong tâm lý của chủ thể sáng tạo, và trong những nhu cầu thao tác nghệ thuật để cấu trúc tác phẩm của người nghệ sĩ. Thời gian trong tác phẩm nghệ thuật, như thế, không bị đóng khung trong một chiều đi tới, mà nó có thể được sử dụng như một hình tượng, được tái hiện, được dự phóng, để diễn đạt tâm và ý của kẻ sáng tạo.
Trong tinh thần đó, nhìn vào thế giới nghệ thuật của Trịnh Công Sơn, ta thấy bóng thời gian đầy khắp:
Ta về nơi đây tháng năm quá rộng
(Khói Trời Mênh Mông)
Tháng năm quá rộng đấy, nhưng có lúc nó lại như là những hạt cát trong chiếc đồng hồ cổ kia:
Ngựa xa rồi ngựa xa rồi trên ngày tháng vơi
(Phúc Âm Buồn)
Anh nghe tiếng thời gian chạy trong mùa, trong từng ngọn gió bấc:
Nghe tiếng em run
Theo từng ngọn gió bấc sang mùa
(Ru Đời Đã Mất)
Mùa xanh lá vội/ ru em miệt mài
(Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng)
Thời gian, trong cảm nhận của Trịnh Công Sơn, có thể rộng, vơi, có thể được nhìn thấy trong ngọn gió mùa sang, trong từng sắc lá. Nhưng, thời gian trong anh cũng còn có thể được nhìn thấy một cách đồng hiện trong dòng chảy mịt mù của thiên thu:
Dòng sông trước kia tôi về
Bỗng giờ đây đã khô không ngờ ...
Chợt tôi thấy thiên thu là
Một đường không bến bờ
(Lời Thiên Thu Gọi)
Thời gian trong Trịnh Công Sơn được cảm nhận nhiều và rõ nét trong những không gian buổi chiều, hay là khi bóng đêm đã phủ chụp xuống, hơn là trong những sớm mai hay trong những trưa nắng. Điều này có nguyên nhân của nó, và chúng ta sẽ xét sau ở phần phân tích bên dưới. ở đây, tạm thời chúng ta hãy ghi nhận điều đó. Và hãy thử bước vào những không gian chiều và đêm ấy của anh để cảm nhận rõ hơn nữa bước đi của thời gian, và cũng để thấy được những vùng bóng lá trong linh hồn của một người:
Xin vỗ tay cho đều/ khi đêm đổ xuống đời ta
Xin vỗ tay cho đều/ khi tình trôi đã trôi xa
Nụ cười đã cuốn ta đi/ một ngày lại thấy ta về
Xin đứng yên trong chiều/ trên môi thở khói quạnh hiu
Xin đứng yên trong chiều/ phơi tình cho nắng khô mau
Về đây thân xác hư hao/ Đêm đêm nằm nghe lá
Than van chút niềm đau ngọt ngào (...)
Xin đứng yên trong chiều/ lao xao từng bóng hoàng hôn
Xin đứng yên trong chiều/ treo tình trên chiếc đinh không...
(Tình Xót Xa Vừa)
Đêm, nó thật sự là một cõi thời gian đặc biệt. Trong nó, Trịnh Công Sơn có nhiều cơ hội để nhìn ngắm, nghiền ngẫm đời mình:
Tôi như ngọn đèn từng đêm vơi cạn
Lửa lên thắp một niềm riêng
Tôi như nụ hồng nhiều khi ưu phiền
Nhìn tôi rã cánh một lần
(Tự Tình Khúc)
Thật sự, Trịnh Công Sơn đã cảm nhận thời gian trong từng giờ phút của đời mình:
Từng giờ tiếc nuối/ chia tay ngậm ngùi
Một ngày còn sống/ chiếc bóng lung linh ...
(Vẫn Nhớ Cuộc Đời)
Trong anh, từng giờ phút, từng ngày tháng là những tiếng đinh thời gian gõ đều trên cuộc đời:
Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại
Cuộc tình nào đã ra khơi ta còn mãi nơi đây (...)
Khi bước chân ta về/ đêm khuya nhìn đường phố
Thành phố hoang vu như cuộc tình qua một lần
Làm sao em biết đời sống buồn tênh
(Tình Xa)
Trình bày qua như thế để thấy rằng, đối với Trịnh Công Sơn, thời gian không hẳn chỉ là một đại lượng. Mà nó còn là một nỗi ám ảnh. Một nỗi ám ảnh bao trùm lên hiện sinh anh, ôm ấp và ôm giữ lấy anh. Tôi thấy chúng ta có thể chia thời gian trong các tác phẩm của anh thành những loại thời gian như sau: thời gian phai tàn, thời gian tiếc nuối, thời gian trông ngóng (một hạnh phúc, một tin vui), thời gian hướng vọng thiên thu, và thời gian thực tại.
Dưới đây, ta sẽ lần lượt thử xét các loại thời gian này trong Trịnh Công Sơn qua những hình tượng và ngôn ngữ nghệ thuật mà anh đã sử dụng để diễn tả chúng.
Thời gian phai tàn:
Trịnh Công Sơn là một người luôn ý thức được bước đi của thời gian. Đối với anh, thời gian thường đi quá nhanh, để tất cả những gì là tươi đẹp trong cuộc sống này cứ thế mà phai úa, tàn héo dần. Gần như nhìn vào bất cứ hiện tượng thiên nhiên nào, anh (được diễn tả bằng những đại từ nhân xưng tôi, ta, hay em, những chủ thể tương thông và đối chiếu, đối điểm của chính tác giả) cũng thấy ẩn giấu trong chúng những hạt mầm của sự tàn phai. Nhìn vào trong lòng, những chủ thể tôi, ta, hay em đó cũng không thoát khỏi việc phải đối diện với những mầm hạt phai tàn hay những chiếc lá úa của những cuộc tình đã đi qua đời mình.
Trước hết, hãy nhìn vào những mùa thu của Trịnh Công Sơn:
Nhìn những mùa thu đi/ Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song/ Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng (...)
Đã mấy lần thu sang/ Công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa / Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai
(Nhìn Những Mùa Thu Đi)
Quên lãng, chết, rất ngắn, nhạt phai. Đó là những nhận thức của Trịnh Công Sơn về bước đi hững hờ mà gây nhiều xót xa, đau đớn của thời gian. Cũng thế, trong bài Còn Tuổi Nào Cho Em, ta thấy có những câu Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay và Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu. “Vàng úa”, “nghìn thu” đã là những biểu hiện buồn bã của sự phai tàn, mất mát. Tất cả đều đang hoặc đã trôi vuột ra ngoài tầm tay. Để con người ngồi đó xót xa.
Nhìn vào chính thân thế mình, Trịnh Công Sơn cũng bắt gặp sự úa tàn và phai héo đó:
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày
(Cát Bụi)
Chợt một chiều tóc trắng như vôi. Tiếng kêu nghe thật thảng thốt và xót xa. Cái khoảng thời gian chiều, rồi tối, rồi đêm ấy, hình như đã là khoảng thời gian đem lại cho Trịnh Công Sơn nhiều ám ảnh nhất trong những suy nghĩ về thời gian của anh. Trong hướng nhìn thời gian, như đã nói, không phải là chúng ta không thấy những bình minh và những ban mai, những sương sớm và ánh nắng trong thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn. Ta sẽ nhắc đến những nét hồng và vui này sau. Dù sao, nếu một ngày của con người được chia làm 24 tiếng với những thời khắc lớn hơn được xác định bằng cách chia thành từng mảng, từng đoạn, từng cụm thì, khảo sát kỹ, ta vẫn thấy Trịnh Công Sơn có nhiều, nếu không nói là rất nhiều, gắn bó với những khoảng thời gian chiều, tối, đêm, là những khoảng thời gian bắt đầu cho sự muộn màng của ngày để đi dần đến sự tàn tạ và chấm dứt của nó.
Hãy ngắm nhìn một buổi chiều khác trong anh:
Chiều hôm thức dậy/ Ngồi ôm tóc dài
Chập chờn lau trắng trong tay
(Chiếc Lá Thu Phai)
Tóc biến thành lau trắng. Một biểu tượng vừa có tính cách ẩn dụ, vừa có tính cách hoán dụ để chỉ kiếp người quá ngắn vội. Một biểu tượng xót xa. Chập chờn cũng mang một ý nghĩa đặc biệt. Nó làm gợi nhớ đến hình ảnh một ngọn nến lắt lay, chập chờn trong gió. Ngọn nến ấy có thể tắt bất cứ lúc nào trước những cơn gió đời.
(...) Cuộc đời chóng tàn, và những cuộc tình trong cuộc đời ấy cũng qua đi quá nhanh. Con người sinh ra giữa đời là để hạnh phúc hay là để hứng chịu những nỗi đời ấy. Hạnh phúc hay đau khổ có những lúc rất rõ ràng với nhiều người; nhưng ít ai ngờ là chúng có thể là những đóa hoa nở ra từ cùng một nhánh. Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay, hình như đó là một câu trong bài Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ Thành An phổ theo thơ của Nguyễn Đình Toàn. Nhưng nói như Camus, con người tìm được hạnh phúc chính là ở chỗ nó sống trong những nỗi đời, những giới hạn và những ràng buộc của đời sống. Bởi lẽ con người chỉ có thể tìm ra ý nghĩa của cuộc hiện sinh mình ngay trong những ràng buộc và giới hạn ấy. Cũng thế, nó tìm được những cơ hội để sống hạnh phúc ở chính ngay trong những nỗi đời và những ràng buộc, những giới hạn của cuộc đời này. Nhưng Camus là một triết gia hiện sinh, và “hiện sinh” với những ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó. Trịnh Công Sơn không phải như thế. Anh là người sống trong cuộc hiện sinh nhưng luôn nhìn thấy những chiếc bóng trăm năm trôi qua đời mình. Anh yêu cuộc đời, muốn ôm ghì lấy cuộc đời, nhưng cuộc đời này hình như chỉ muốn để lộ cho anh thấy những nét tàn phai của nó. Đó có phải chăng là một vết thương trong cuộc sống của chàng nghệ sĩ? Bởi anh đã nhìn thấy quá rõ nét tàn tạ trong những nụ đời:
Đã có nghìn trùng trên môi người tình
Đã giấu nụ tàn bên trong nụ hồng
Có chớm lạnh lùng trên môi nồng nàn
Có thoáng gập ghềnh trên con đường mòn
Đời sẽ buồn như một vết thương
Tình sẽ buồn như là nấm hoang
Ôi hiu quạnh với nến tàn...
(Như Một Vết Thương)
[...]
Thời Gian Trông Ngóng:
Nhận thức được sự tàn phai của thời gian và tất cả mọi thứ nằm trong nó, Trịnh Công Sơn nuối tiếc những gì đẹp đẽ đã qua. Nhưng anh không chỉ nuối tiếc mà anh vẫn tiếp tục trông ngóng. Trông ngóng một tin vui nào đó sẽ tới. Trông ngóng một hạnh phúc mới trong đời. Một nụ hồng mới và một xao xuyến khác. Cho dù, hầu như tất cả những nụ hồng trong thế giới nhạc ngữ của anh đều là những nụ tàn, những nụ ẩn giấu trong nó ít nhiều những pha phôi, héo úa.
Người nhạc sĩ, trong cơn mưa bay của một bầu trời ôm đầy những tầng tháp cổ, những thành quách cũ, ngóng chờ bước chân người yêu, đã lên tiếng gọi:
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhớ mãi trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau/ hằn lên nỗi đau...
(Diễm Xưa)
Cũng thế, anh gọi người yêu trong cơn mưa hồng, trong màu lá xanh đang vẫy mềm ngoài hiên mưa, và trong tiếng nước dâng tràn lên ngoài sông vắng:
Người ngồi xuống mây ngang đầu/
Mong em qua bao nhiêu chiều
Vòng tay đã xanh xao nhiều...
Người ngồi xuống xin mưa đầy/ Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
(Mưa Hồng)
Cũng là những lời mời gọi yêu thương, những tiếng trông ngóng yêu thương, mà ở Trịnh Công Sơn, chúng nghe như có chút gì buồn bã, chịu đựng. Trong khi đó, ở Xuân Diệu thì đó là sự giục giã, sự hối thúc. Hãy yêu tôi vội vã, vì thời gian đang thúc hối ngoài kia, “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi, tình non đã già rồi”, và “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Và trong thơ Tây thì “Mignonne/ Allons voir si la rose... “Trịnh Công Sơn chỉ mong và chờ. Với sự thiết tha chân thành của anh. ở anh, hình như không bao giờ có sự thúc hối, ngoại trừ khi anh cất tiếng mời gọi tất cả mọi người hãy yêu nhau vì “rừng thay lá”, và vì “dòng nước đã trôi xa”. Chủ yếu, người nghệ sĩ chỉ mong chờ và cất lên lời kêu gọi tha thiết tự lòng mình.
(...) Nhìn ngắm người yêu, Trịnh Công Sơn thường thấy những ẩn hiện phi trần thế nơi người con gái anh yêu. Em hoặc là người trong tiền kiếp, hoặc là người mang những phẩm tính thiên thần. Thế nên, trong những suy nghĩ liên tưởng đó, trong những buổi chiều chủ nhật buồn, với tiếng gió hiu hắt đi về ngoài kia, anh trông ngóng được nhìn thấy em. Hoặc là chỉ xin năm ngón tay em dẫn lối để đưa anh đi vào cô đơn:
Chiều chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa trời mưa không dứt (...)
Tôi xin năm ngón tay em thiên thần
Trên vùng ăn năn/ qua cơn hờn dỗi
Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn
(Lời Buồn Thánh)
Thời gian trông ngóng trong Trịnh Công Sơn không chỉ thể hiện với đối tượng chính của anh là người nữ anh yêu, nhưng còn được thể hiện ra trong cái nhìn thiết tha chờ đợi của anh để được thấy lại những mặt người. Cho dù đó là bạn bè, anh em, những người thân yêu, hay chỉ là thuần túy những mặt người. Những mặt người xa lạ đi chăng nữa. Anh cần nghe được những tiếng con người, tiếng cộ xe, tiếng đời sống... Anh rất sợ sự vắng lặng. Vắng lặng của đời sống hay của bất cứ điều gì. Anh có thể yêu sự im lặng, vì trong nó, anh có cơ hội để nghe ngóng đời, nghe ngóng lại lòng mình. Nhưng sự vắng lặng, không. Nếu nó đã là một sự hiện hữu, anh kiên nhẫn chờ để nó đi qua:
Xin chờ những rạng đông
Đời sao im vắng như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình/ Giữa tường trắng lặng câm
(Ru Ta Ngậm Ngùi)
[...]
Thời Gian Hướng Vọng Thiên Thu:
Đối với Trịnh Công Sơn, dù có những lúc tiếc nuối một niềm vui, một hạnh phúc đã qua, hay dù có những khi trông đợi một niềm vui mới, trong anh, thời gian vẫn luôn luôn đem lại một ám ảnh khác, bền vững, day dứt, và giằng xé hơn. Đó là ám ảnh thiên thu, ám ảnh của bóng trăm năm. Thiên thu chạm mặt anh ở khắp mọi nơi:
Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ
Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa
Người sẽ đến và người sẽ về bên kia núi
Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời
Còn lại tiếng cười khóc giữa đời (...)
Nghe tiền thân về chào tiếng lạ
Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu
(Cỏ Xót Xa Đưa)
Trịnh Công Sơn biết rằng anh chỉ là một người khách trọ ở chốn trần gian này:
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
(ở Trọ)
Và những chiếc bóng trăm năm luôn vây phủ con người:
Từng chiếc bóng trăm năm đã về vây người giữa nến não nùng
Từng tiếng khóc trăm năm đã về vây người giữa chốn mông lung
(Từng Ngày Qua)
Anh biết là rồi một ngày nào đó anh sẽ lên đường để đuổi theo “nghìn trùng cơn gió bay”. Nhưng, giữa chốn trần gian này, những buổi sáng còn trông thấy mặt người, thấy bạn bè anh em, còn nghe tiếng ngựa xe trên phường phố, tiếng nắng trên lá vẫy gọi qua hiên, tiếng mưa ngoài sông nước lớn, tiếng đời sống líu lo trong giọng chim non, tiếng xuân thì lấp lửng trong những nụ ngọt, anh còn dễ hòa nhập vào cuộc nhân gian. Nhưng những đêm ở trọ trong chốn trần gian này, một mình anh nằm nghe hết những tiếng gọi thiên thu ấy. Những tiếng gọi quá gần gũi. Tưởng như còn gần gũi hơn cả những tiếng gọi của đời sống mà anh vừa tạm từ giã khi mặt trời đã đóng sập cửa một ngày:
Đêm ta nằm bóng tối che ngang
Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm
Gọi thì thầm gọi thì thầm gọi thì thầm
Đêm nghe trời như hú như than
Ta nghe đời như có như không
Còn lại mình/ Đời bềnh bồng/ Đời buồn tênh
(Còn Có Bao Ngày)
Sau những đêm nghe những lời thiên thu gọi như thế, Trịnh Công Sơn, có lúc, hình như bị đẩy tới chiếc hố sâu của niềm tuyệt vọng. Nhìn đi đâu anh cũng thấy bóng trăm năm bao phủ. Chỉ nhìn một vạt nắng vàng, cũng là chạm mặt thiên thu. Vạt nắng vàng, nhắc lời thiên thu/ Nhớ ngàn năm trôi qua. Anh biết anh, rồi cũng sẽ như tất cả mọi người, không thể tìm ra lối thoát khỏi cuộc vây của những tiếng gọi muôn trùng đó. Một điều gì gần như niềm tuyệt vọng dấy lên:
Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Trong xuân thì thấy bóng trăm năm ...
Những ngàn xưa trôi đến bây giờ
Sông ra đi hay mới bước về
(Gần Như Niềm Tuyệt Vọng)
Trong nỗi niềm gần như tuyệt vọng như thế, Trịnh Công Sơn nhìn cơn mưa bây giờ khác trước. Đây không còn là những cơn mưa hồng để “em đi về cầu mưa ướt áo/ đường phượng bay mù không lối vào”, hoặc là những cơn “mưa bay trên tầng tháp cổ” nữa. Bây giờ là những cơn mưa mù mịt đất trời và mờ mịt thiên thu:
Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm trước mây qua mây qua...
Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm nữa mây qua mây qua...
Bờ bến thiên thu nằm chìm dưới cơn mưa
(Chìm Dưới Cơn Mưa)
Trịnh Công Sơn tự hỏi, “Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này / Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người / Còn bao lâu cho tôi xa anh, xa em, xa tôi.” Những câu hỏi không có câu trả lời đích xác. Nhưng thật sự, có ai cần một câu trả lời không? Bởi lẽ, trong cảm nhận riêng của mình, mỗi người phải tự có câu trả lời riêng cho chính mình. Từ đó, đưa đến những thái độ sống khác nhau, những xác tín khác nhau trước cuộc đời. Câu hỏi về thiên thu thật ra là câu hỏi về đời sống. Anh nghĩ về thiên thu ra sao thì đời sống anh sẽ phản ánh rõ rệt điều đó như vậy trong cuộc làm người của anh. Trịnh Công Sơn luôn bị tiếng gọi của thiên thu nhắc nhở. Có những lúc anh cảm thấy mỏi mệt và nặng nề trước cuộc đời này. Nhưng anh vẫn luôn cảm thấy tiếng gọi và hình bóng của con người thu hút anh. Anh là chiếc cân để nhật nguyệt lên xuống hai bên. Anh là chiếc bóng để ngày và đêm tha hồ giỡn đuổi. Anh là cơn mê giữa Thực và Ảo, giữa Mộng và Giác, giữa Tiếng Xuân Thì và Bóng Trăm Năm. Cuộc đi của anh, một mình, là cuộc đi về của một con người đã nghe rõ quá những tiếng gọi thiên thu nhưng vẫn không đành lòng rời bỏ con người:
Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về (...)
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe (...)
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người
(Một Cõi Đi Về)
[...]
Không Gian Nghệ Thuật
Một lát cắt lớn khác, ngoài lát cắt về thời gian, cho ta cơ hội khảo sát kỹ những ám ảnh cũng như những hình tượng và nghệ thuật ngôn từ của Trịnh Công Sơn, là lát cắt về không gian.
Con người sống trong không gian, hay, nói khác đi, không gian là nơi cư trú của con người. Không những không gian thể hiện lối sống, phong cách sống của những con người chiếm hữu nó, mà không gian còn cho thấy nó có khả năng “uốn nắn” con người. Chúng ta có thể thấy rõ được điều đó khi nhận thức rằng thổ ngơi và địa lý đã là những yếu tố quan trọng, đóng góp vào việc quyết định tính cách và, rất nhiều khi, cả định mệnh của một dân tộc. Lịch sử hiện đại cho ta một thí dụ rõ nét: Nhật Bản. Định mệnh của dân tộc này, những bước thăng trầm của nó, và ngay cả tính cách của con người Nhật Bản, phần lớn, cũng đã do không gian sống của nó quyết định.
Không gian sinh tồn của con người, nhỏ thì là một túp lều, một mái nhà, lớn thì là cả trời đất mênh mang, không chỉ thể hiện khung cảnh và điều kiện sống của nó. Không gian còn thể hiện tâm trạng của con người. Nhất là nếu không gian này được nhìn xét dưới nhiều góc cạnh khác nhau và nếu nó xuất hiện trong khung cảnh sống nói chung của con người theo một tần số nào đó. Lúc ấy, có thể không gian đó không còn chỉ mang tính chất vật lý nữa; bấy giờ, nó mang nặng tính chất tinh thần. Nó thể hiện tâm trạng của con người. Nó thể hiện thế giới bên trong, thế giới nội tâm thầm kín của con người đã chiếm hữu hay bầu bạn với nó. Không gian lúc đó, như thế, trở nên một hình tượng. Nó là một hình tượng nghệ thuật mà người nghệ sĩ đưa vào trong tác phẩm của mình để diễn tả tâm ý mình trong những hoàn cảnh nhất định.
Đi vào thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn, xét riêng về mặt nhạc ngữ, ta có thể nhận ra là không gian sống của anh có thể chia ra thành nhiều loại. Rộng lớn thì là đất trời mênh mang nói chung, rồi thì là biển, sông, rừng, núi. Nhỏ thì là phố, quán, và những con đường. Nhưng trong những vùng không gian vừa mang tính vật lý vừa mang tính tâm trạng này, người ta thấy sáng lên những biểu tượng, chẳng hạn như mặt trăng, mặt trời, sóng, nước, mây, mưa, nắng, khói... Và con người, kẻ sống giữa không gian, trong cái nhìn của Trịnh Công Sơn, và trong thế giới âm nhạc của anh, đã được phản ánh như thế nào. Nó là một biểu tượng để tô, dập lại những đường nét của thiên nhiên, hay, có nhiều khi, ngược lại, nó lại là thước đo để từ đó thiên nhiên được diễn tả, phản ánh.
Sau đây, chúng ta hảy thử lần lượt đi vào những không gian vừa có tính vật lý vừa có tính tâm trạng đó trong thế giới của anh.
Không Gian Trời Đất:
Trời đất là không gian lớn rộng để Trịnh Công Sơn và những con người, những chủ thể trong thế giới của anh, đi về. Nhưng trước hết, đó là nơi đi, về của chính anh:
Trời cao đất rộng một mình tôi đi, một mình tôi đi
Đời như vô tận một mình tôi về
Một mình tôi về, với tôi
(Lặng Lẽ Nơi Này)
Trong không gian ấy, anh lắng nghe và cảm nhận được hết cái im lặng của đất trời. Và của lòng mình. Đời rộng thênh như im vắng tiếng rơi khô. Nhưng, cũng có khi, lạc vào vùng không gian mênh mông ấy, anh như tìm thấy ở nó những biểu tượng tôn giáo. Không gian đất trời, bây giờ, kéo anh (và những chủ thể trong thế giới của anh) xích lại với những không gian trong Kinh Thánh, trong Cựu Ước:
Mặt trời hãy ngủ yên/ Xin mặt trời hãy ngủ yên
Người hãy nhớ mang theo hành trang/
qua khung trời vắng chân mây địa đàng
(Xin Mặt Trời Ngủ Yên)
Ôi môi hờn/ xin đừng/ kể lại tích xưa buồn hơn
Đợi chờ năm
Làm gió qua truông thiên đàng
(Vết Lăn Trầm)
Trời đất trong anh cũng còn là một trang giấy, một ấn bản của những giấc mơ mà anh có giữa đời. Đó chính là những giấc mơ trong lòng anh, những giấc mơ nhiều khi trở nên hiện thực hơn khi con người mở mắt:
Trời còn in dấu chim xa nguồn
Đời còn bay những cơn mưa phùn
(Khói Trời Mênh Mông)
Tình đi âm thầm/ Nghìn trùng như vết sương
Lạnh lùng như dấu chim
Tình mong manh như nắng
Tình còn đầy không em?
(Tình Sầu)
Nói trời đất là một ấn bản của những giấc mơ giữa đời của Trịnh Công Sơn thì có thể cũng đúng. Nhưng, có lẽ đúng hơn, nó chính là một tấm phông lớn, một màn ảnh lớn để anh nhìn ra những mộng ảnh, những hư ảnh, những thực ảnh hay những hiện ảnh của đời mình.
Đây có phải là thực ảnh:
Ta về nơi đây thoáng nghe gió lạnh
Hết mùa thu sang đã đến ngày đông
Những hàng cây xanh đón em áo lộng
Bây giờ ta nhìn khói trời mênh mông
(Khói Trời Mênh Mông)
Và đây có phải là mộng ảnh:
Tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng
Người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều
Như từng con nước rộng xóa một ngày đìu hiu
(Tình Nhớ)
Còn đây là hiện ảnh chăng?
Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng
Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me
(Tuổi Đời Mênh Mông)
Và đây là hư hay là thực, hay đó chỉ là một chút phù ảnh khi người nghệ sĩ nhìn mây bay ngang đầu mà gọi thầm tên em:
Có còn trong em những đêm gió lộng
Ngồi bên hiên nhìn bến nước đầy dâng
Có còn trong em những cây nến hồng
Những cầu qua sông những chút tình duyên
Gió trời lênh đênh nhớ con phố hẹn
Ta nhìn ta về giữa trời hư không
(Khói Trời Mênh Mông)
Trịnh Công Sơn hỏi thầm trong lòng mình về những cơn mơ đời đã là rất thực mà cũng là rất hư ấy. Chân hay mộng thì những phiên bản của trời đất kia gửi tới cho anh cũng chỉ làm anh nhận thức được rõ thêm một điều này: đất trời quá bao la và con người quá nhỏ bé. Đôi khi do những cảm xúc chủ quan và thiết tha của mình, anh đã nâng lên thành cận ảnh những đường nét yêu dấu trong đời, ôi áo xưa lồng lộng đã xô dạt trời chiều, nhưng anh biết rằng con người chỉ là một hạt bụi trong cõi trời đất thiên thu này. Ý nghĩ về sự mênh mông, bao la của không gian lại làm anh đụng chạm đến một nỗi ám ảnh lớn khác của mình: ám ảnh về thời gian:
Rộng nghìn thu một tà dương ấy ...
Vàng phai sẽ cuốn đi mịt mù
(Vàng Phai Trước Ngõ)
Và ám ảnh về thời gian, lại dẫn Trịnh Công Sơn, và cả chúng ta, đến một không gian khác trong tâm hồn của chàng nghệ sĩ.
Không Gian Núi và Biển:
Trong Trịnh Công Sơn, có một không gian ở dưới thấp, thu gọn lại nơi những con phố và những quán xá, nơi anh thường tìm thấy mỗi ngày hình ảnh của chính mình và những khuôn mặt bè bạn cũng như những người nữ thiết tha mà anh có trong đời; nhưng cũng có một không gian ở trên cao, như núi, trầm ngâm, chờ đợi, và một không gian ở khá xa, nhưng vẫn ầm ì tiếng gọi, như biển. Núi và Biển là những không gian vật lý, chắc chắn thế. Nhưng càng chắc chắn hơn trong thế giới âm nhạc của Trịnh Công Sơn, đó là những không gian tâm trạng. Núi và biển đều là những biểu tượng lớn trong thế giới của anh. Khi anh nói “Về bên núi đợi”, hay “buồn lên núi nằm xuống”, không có nghĩa thật là anh sẽ trèo lên núi hay về sống bên núi để làm cái công việc đợi chờ hay nghỉ ngơi (!) kia. Trịnh Công Sơn muốn nói đến một cái gì khác. Cái đó chúng ta ai cũng biết. Ngoài ra, trong anh, núi còn có thể đưa đến những liên tưởng khác nữa. Cũng thế, đối với Biển.
Trước hết, hãy trở lại với những núi non trong Trịnh Công Sơn. Trước hết, núi là một điểm hẹn. Một điểm hẹn trăm năm. Khi con người, dù như một ngọn gió kia, đã thấy mệt mỏi với đôi cánh lang thanh của mình:
Cuồng phong cánh mỏi
Về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay
(Chiếc Lá Thu Phai)
Vẫn ngọn gió mệt mỏi ấy. Bay về. Nó thiết tha quay về điểm hẹn:
Chợt như xác thân không còn
Tưởng mình như là cơn gió
Về chân núi thăm nấm mồ
(Lời Thiên Thu Gọi)
Tôi như là người ngồi trong đêm dài
nhìn tôi đang quá ngậm ngùi ...
Một hôm buồn lên núi nằm xuống
(Tự Tình Khúc)
Tại sao chàng nghệ sĩ lại muốn trở về núi. Có phải vì chàng mong ước rằng, nơi núi, ở bên kia của núi, chàng sẽ tìm lại được những yêu dấu cũ. Chàng sẽ dựng lại được những kỷ niệm tươi đẹp bên người:
Người đã đến và người sẽ về bên kia núi
Từng câu nói là từng cánh buồm giong cuối trời
Còn lại tiếng cười khóc giữa đời
(Cỏ Xót Xa Đưa)
Ngày xưa, khi người còn ở bên ta, ta đã dự cảm một cuộc chia ly loang màu xanh xẫm của núi chiều, hay màu tím than của dáng đêm đổ đầy trên bóng núi. Ta đã dự cảm điều đó, và, thật sự, bây giờ, người đã đi xa. Chỉ còn lại ta đứng đây nhìn bóng núi. Và nghe tiếng núi thầm thì. Hay than vãn. Yama no Oto. Như Kawabata đã nghe, có lẽ trong suốt cuộc đời ông.
Trịnh Công Sơn có những lúc đã muốn trở về. Núi là điểm hẹn. Núi là biểu tượng của một nơi xa xôi, hoang vắng, là một chốn cao và xa, thoát khỏi cuộc đời lắm mộng ảo, nhiều phiền tạp và bụi bặm này. Và núi cũng là một cứ điểm bền vững để người nhạc sĩ lui về cố thủ trong những lúc mệt mỏi với cuộc đời. Thế nhưng, đó có phải thực sự là nơi mà con người có thể lui về để kiếm tìm sự thực? Hay nó cũng vẫn nằm trong một cuộc mộng lớn hơn giữa chốn thiên thu này:
Một chiều núi bỗng mang thân cánh đồng/
thì cùng dòng nước khóc giùm
(Một Lần Thoáng Có)
Núi, như thế, chưa hẳn là một cứ điểm bền vững. Nhưng nó vẫn cứ là một biểu tượng của cuộc hẹn hò trăm năm trong lòng Trịnh Công Sơn. Anh đã cùng dòng nước khóc cuộc ra đi của núi. Nước, như thế, là sự vỗ về, là sự che chở, cưu mang ta. Từ đó, ta cũng hiểu rằng biển chính là sự vỗ về, an ủi và cưu mang thiết tha đó. Và ai, nếu không phải là em, đã hòa thân và hóa thân vào biển. Biển luôn mang đặc tính nữ trong thế giới của nghệ thuật của con người. La mer. Những tiếng nhạc mênh mang ôm đỡ và vứt đẩy ta vào những vùng lênh đênh xanh. Người Tây ban nha cũng xem biển mang đầy nữ tính. La mar. Chỉ có bọn chài tuổi trẻ hung hăng là có những lúc nhìn biển trong vẻ nam tính của nó để muốn mang thân mình ra đọ sức cùng. Chúng gọi Biển là El mar. Nhắc lại những điều này làm chúng ta lại nhớ đến Hemingway (8)
Núi và biển như thế là ôm ấp, gắn bó với nhau. Như trong những suy nghĩ của Trịnh Công Sơn về trời đất:
Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
(Một Cõi Đi Về)
Núi là nơi để nằm xuống, để trả về. Nhưng biển là nơi để tâm sự, để thầm thì kể lể:
Người tìm về biển xanh/ nói thầm về đời mình
Ăn năn dấu rêu phong
(Lời Của Dòng Sông)
Biển là sự dịu dàng mềm mại, trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm. Biển luôn luôn là nơi cất giấu hay lưu giữ những gì thân thiết, đẹp đẽ và dịu dàng ở nơi em:
Tóc người dòng sông xưa ấy đã phai
Đã lênh đênh biển khơi
(Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời)
Biển có khi là nơi chốn em về, để cho tôi hoang mang tìm kiếm. Nào tôi có biết em vẫn đang chờ mong một lời hò hẹn:
Chân nhuộm phố phường em về biển xa
Bàn chân thoát chốn lao tù
Em về đứng chờ dưới ngọn tình ca
(Góp Lá Mùa Xuân)
Thế nhưng, có khi biển cũng mang tâm sự của con người, hoài mong và tiếc nhớ. Biển lên tiếng gọi, và cả không gian con người, bây giờ, cùng chia sẻ nỗi buồn đau của biển. Bởi lẽ, hình như đó chính là nỗi đau của con người được biển ôm giữ hộ trong lòng. Và tiếng biển đó, thật ra, chỉ là tiếng vọng âm của con người quắt quay trong nỗi hoài nhớ của chính mình. Biển Nhớ đã là một trong những bài hát đẹp và buồn, mang tính cách Trịnh Công Sơn nhất trong thập niên sáu mươi, một thập niên mà xã hội miền Nam Việt Nam và con người sống trong xã hội ấy đang có những chuyển mình thay đổi một cách tàn khốc. Giai đoạn đó là một cơn đau dài. Nhiều giá trị xã hội cũng như nhiều giá trị con người, mặc dù không hẳn là toàn vẹn về mọi mặt, nhưng đã được thiết lập một cách khá bền vững trước đó và mang lại cho con người một sự bình an tạm bợ, nay đang vặn mình trong một cơn thoát xác. Những cơn lốc bắt đầu cuốn lên. Tiếng gọi của Biển Nhớ, bây giờ, nghe lại, thấy như là tiếng gọi xót xa, đau đớn về một điều gì êm đềm, tha thiết đã không còn nữa. Đặt nó trong nhịp thở chung của thời đại, và thử đối chiếu nó với nét đẹp dịu mềm và tha thiết, đằm thắm, một sự tha thiết phản ánh cái bình an của hơi thở con người, của bài Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn chẳng hạn, ta sẽ thấy là Biển Nhớ mang trong nó hơi thở của thời đại mà nó ra đời biết bao (9):
Ngày mai em đi/ Biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê/ Gọi bờ cát trắng đêm khuya (...)
Ngày mai em đi/ Biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn
Bàn tay chăn gió mưa sang
Ngày mai em đi/ thành phố mắt đêm đèn vàng
Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn
Nghe ngoài biển động buồn hơn (...)
Ngày mai em đi/ Biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê/ Trời cao níu bước sơn khê
Ngày mai em đi/ Cồn đá rêu phong rũ buồn
Đèn phố nghe mưa tủi hờn (...)
Ngày mai em đi/ thành phố mắt đêm đèn vàng
Nửa bóng xuân qua ngập ngừng
Nghe trời gió lộng mà thương
Không Gian Sông:
Đây cũng là một không gian ám ảnh của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ. Nhưng không như Biển, Sông thường là gần gụi với con người hơn, về khía cạnh địa lý cũng như về khía cạnh tâm trạng. Thường, sông quấn quanh không gian cuộc sống của con người và đem lại cho con người những mơ ước thoát dòng. Những không gian cuộc đời nhiều khi quá chật hẹp và làm con người cảm thấy bí bức. Sông cho con người một lối thoát. Sông sẵn sàng nghe những lời tâm sự của người, và chở những mơ ước của nó đi xa. Hoặc, có khi, sông nâng những mơ ước của con người lên cao, thành mây, rồi thành mưa. Như thế, sông là người bạn mà con người gần như luôn luôn có thể tin cậy được. Sông bồi đắp và nuôi dưỡng. Và khi những mơ ước của con người được sông đưa lên cao để nở giữa trời, sông quả thật đã dìu con người và khiêu vũ với nó giữa cuộc thênh thang trời đất:
Những dòng sông nối đôi tay liền với biển khơi ...
Con sông là thuyền / mây xa là buồm
Từng giọt sương thu hết mênh mông
(Bốn Mùa Thay Lá)
Sông mở rộng không gian cho con người. Và có khi, nó dìm chết một ngày của đời người trong vũng không gian ấy.
Dòng sông nắng cho bờ bến rộng...
Một dòng sông chở ngày hấp hối
(Vàng Phai Trước Ngõ)
Nhưng, dù sao đi nữa, sông với người vẫn gần như luôn cần có nhau. Bởi vì, hai thực thể đó, có lẽ đã là những chiếc bóng của nhau. Sông đã giữ gìn hình ảnh của con người trong nó. Và con người, không phải nó vẫn luôn mang trong lòng một dòng sông hay sao? Một dòng sông êm đềm hay một dòng nước cuồn cuộn chảy. Để con người nghe ra những tiếng thời gian. Thế nên, nếu có một lần nào đó người bỏ đi, dòng sông kia còn lại gì?
Người ra đi bến sông nằm lạnh
Này nhân gian, có nghe đời nghiêng?
(Có Nghe Đời Nghiêng)
Bởi lẽ ấy, rồi người lại trở về. Sông ôm ấp, gìn giữ và chở đi xa những mơ ước hay những dấu buồn đau của con người:
Dường như bão qua / dòng sông nước lên
Đời không có mưa mà vẫn ướt mềm
(Gần Như Niềm Tuyệt Vọng)
Tìm lại trên sông những dấu hài
(Đóa Hoa Vô Thường)
Một dòng sông sâu / chở hồn thương đau
(Em Đi Trong Chiều)
Chính vì sông là nguồn an ủi, là nơi ôm ấp những thiết tha, đau đớn của ta, là nơi rửa sạch những vết thương mà ta có thể bắt gặp giữa đời này, Trịnh Công Sơn (và cả người nữ của anh) thường tìm về với sông để kể lể, hỏi han. Người tìm về dòng sông/ hỏi thầm về đời mình. Thậm chí, sông còn là nơi để nhận giữ những lời trăn trối cuối:
Một chiều em đứng cuối sông/ Gió mùa thu rất ân cần
Chở lời kinh đến núi non/ Những lời tình em trối trăn
(Đóa Hoa Vô Thường)
Cũng chính vì biết em đã ra sông để thả bay những lời trối trăn trong nắng, Trịnh Công Sơn, khi đi tìm em, cũng đi về dòng sông ấy. Vì anh hiểu rằng, sông kia đã trở nên một điểm hẹn giữa hai người:
Gọi em cho nắng chết trên sông dài
(Hạ Trắng)
Còn một lời gọi nào đẹp hơn thế? Người nhạc sĩ đứng bên bờ sông và gọi người yêu của mình. Anh gọi mãi, gọi mãi. Cho đến khi chiều hấp hối. Và chết trên dòng sông trắng. Tưởng như tiếng gọi đã đụng vào cõi vô biên.
Sóng:
Biển, sông, cũng như núi, đó là những bến hẹn. Những điểm đợi của con người. Nhưng một trong những biểu hiện của sông và biển là sóng. Sóng là tiếng nói của cả hai. Sóng là những nỗi dội đập của lòng ta trong lời sông, tiếng biển. Thật ra sóng cũng là ta, và ta là sóng. Làm sao tách hai ra được. Đó là sự phân thân. Bởi thế, khi ta nói với sóng, thì cũng chính là ta nói với ta. Đó là những lời tự nhủ thầm. Đó là những tiếng kêu trong ta. Để nhắc rằng ta vẫn còn những cảm nhận, những đau đớn xót xa buốt sắc trong lòng. Làm sao sóng không hiểu? Chỉ có người với người là còn có những lúc không hiểu nhau, còn có những lúc quay mặt đi. Nhưng sóng là ta, ta là sóng, làm sao sóng không hiểu những tiếng kêu đau đớn của chính mình?
Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu?
Sóng bạc đầu/ và núi chìm sâu
Ta về đâu đó (...)
Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng nằm đau
Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã giữa tim người
(Sóng Về Đâu?)
[...]
Mưa:
Có mây thì phải có mưa. Đó là hai mặt gắn bó của đời sống tự nhiên. Thật ra, mây và mưa cũng chỉ là một. Như vui và buồn. Như nụ cười và giọt nước mắt. Đó chỉ là những cách nói. Thực ra, mưa dễ nhắc con người đến những kỷ niệm buồn của đời sống. Như những cơn mưa bay nghiêng trên tầng tháp cổ nhắc người ta về những cơn đau vùi lúc người ta nằm nhớ người yêu. Đó là những ngày khởi đầu thế giới Trịnh Công Sơn mở ra với chúng ta, làm chúng ta bỗng thấy rằng ở trong những cơn mưa hình như còn có những điều khác nữa:
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ (...)
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa...
(Diễm Xưa)
Trịnh Công Sơn nghe mưa để thấy đời biển động. Ngoài kia dâng lên tiếng sóng. Anh nghĩ về những bia đá lạc loài, những đời sỏi đá buồn thảm để nghĩ đến thân phận của chính mình. Và thân phận của con người. Làm sao em biết bia đá không đau? Câu hỏi khơi dậy tư tưởng vạn vật nhất thể. Nó đánh bật lên một hơi lửa ấm trong cảm xúc của con người. Hơi lửa mong tìm sự sẻ chia và đồng cảm. Lúc yêu Diễm, Trịnh Công Sơn vẫn còn trẻ lắm.
Tiếng mưa đánh lên những ngọn lửa cho con người hơi ấm. Mưa còn làm tiếng ru, vỗ về con người, thôi ngủ đi em/ mưa ru em ngủ/ tay em kết nụ/ nuôi trọn một đời/ nuôi một đời người... Những tiếng mưa bốn chữ vẫn tiếp tục làm nhịp võng đong đưa.
Mưa cũng nhắc ta đến những lời hò hẹn. Những giọt mưa, những nụ hoa, hẹn hò gặp nhau trước sân nhà. Đó là những giọt mưa làm cho những nụ hoa hạnh phúc. Hay ngược lại.
Và chợt nhớ những cơn mưa hồng. Có lẽ trên cuộc đời này, Trịnh Công Sơn là người duy nhất giữ được mầu nắng hồng trong mây và giữ được mầu mưa hồng trong nắng. Những giọt mưa hồng ấy đã giữ được sự thủy chung với cội nguồn mình:
Trời ươm nắng cho mây hồng/ Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào/
Em đến thăm mây âm thầm mang gió lên
Người ngồi đó trông mưa nguồn/ Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng
(Mưa Hồng)
Cơn mưa hồng, cơn mưa thủy chung của mầu trời, rơi xuống thành người con gái đi trong phố xá Sài Gòn đẫm nước của mùa hạ:
Mưa mùa mưa Sài Gòn mưa
Mưa phố vai mưa mềm
Bàn tay em đôi tay mùa hạ/ Phố mưa tôi tìm
(Mưa Mùa Hạ)
Nhưng tiếng mưa bềnh bồng thánh thót nhất của Trịnh Công Sơn có lẽ vẫn là những tiếng mưa trong Tuổi Đá Buồn. Tiếng mưa ấy đã nghe một lần rồi thì không sao quên được. Tiếng mưa đánh trên những phím dương cầm của lá xanh, tiếnh mưa òa vang những nốt nhạc của mây trên cao, mây trôi từng phiến, và, đâu đó, từng vạt mây đánh chéo xuống thành những vạt mưa. Một cơn mưa kỳ ảo ướp mùi những đóa hồng tàn. Một cơn mưa nghe văng vẳng trong nó những tiếng chuông nhà thờ ngân thênh thang và đánh trầm trầm như những tiếng dương cầm ở những octave cao và trầm nhất. Cơn mưa bay ngang trên thành phố và làm rụng xuống rất nhiều giọt nước mắt của trời:
Trời còn làm mưa mưa rơi mênh mang
Từng ngón tay buồn em mang em mang
Đi về giáo đường
Ngày chủ nhật buồn còn ai còn ai
Đóa hoa hồng cài lên tóc mây
Ôi đường phố dài lời ru miệt mài ...
Đóa hoa hồng vùi quên trong tay...
Trời còn làm mưa mưa rơi thênh thang
Từng gót chân trần em quên em quên...
Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi ...
(Tuổi Đá Buồn)
Và, cùng với cơn mưa, những tiếng chuông vẫn còn tiếp tục bềnh bồng gõ nhịp trong trái tim ta.
[...]
Mặt trời:
Cùng với mặt trăng, đây là một biểu tượng xuất hiện theo một tần số cao trong thế giới nhạc ngữ của Trịnh Công Sơn. Mặt trời là nguồn sống, là dấu chỉ cho sự tiếp diễn của cuộc lữ thứ trên trần gian. Nhưng, đối với Trịnh Công Sơn, mặt trời cũng có khi mang trong nó những xót xa, những dấu hiệu của nỗi tuyệt vọng của con người. Thật ra, đó là một biểu tượng muôn đời vẫn tiếp tục soi dấu của nó mãi trên trần gian này. Nhớ Zarathustra của Nietzsche có lần đứng trên đỉnh núi cao mà nói với mặt trời về sự liên hệ của nó với con người. Nếu không có con người khốn cùng đang lăn lộn dưới mặt đất kia, mặt trời lấy đâu ra sự huy hoàng và tìm đâu ra được ý nghĩa cho sự tồn tại của mình? Đối với Trịnh Công Sơn, mặt trời trong mắt anh đôi khi được nhìn với con mắt nhận xét của đứa bé khôn ngoan mà một lần Khổng Tử đã gặp trên đường đi của mình. Mặt trời lúc xa lúc gần:
Mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần
(Bốn Mùa Thay Lá)
Mặt trời xa đã bay về gần/ Rơi trên sông rơi sau bờ thành
Nhìn cỏ cây ráng pha mầu hồng/ Nhìn lại em áo lụa thinh không
(Níu Tay Nghìn Trùng)
Mặt trời của Trịnh Công Sơn thật đẹp và thơ. Nó cũng có những nét thơ và đẹp như chiếc “tịch dương hồng” của Nguyễn Du. Mặt trời của Nguyễn Du mang trong nó một mầu cổ kính, tịch lặng. Nó rơi xuống, và lặng lẽ cháy, đỏ hồng trong chiều. Còn mặt trời của Trịnh Công Sơn mang trong nó cái dáng dấp và hơi thở phập phồng của thời đại. Hơi thở trong “tà áo lụa thinh không” kia. Hãy nhìn lại một lần nữa mặt trời của Nguyễn Du, và nhớ đến mặt trời của Trịnh Công Sơn, để nghe và cảm lại, một lần nữa, cái không khí của những thời đại:
Hoàng Mai kiều thượng tịch dương hồng
(Trên cầu Hoàng Mai, bóng chiều cháy đỏ)
(Hoàng Mai kiều vãn diểu)
Có thiền sư nhìn ra mặt trời là trái tim của con người (10). Nó là nhịp đập của sự sống con người. Nó gắn con người vào nhịp đập, vào trái tim của vũ trụ. Có phải là chính người nhạc sĩ cũng có những lúc nhìn ra điều đó không?
Mặt trời nào soi sáng tim tôi.../ Mặt trời soi một kiếp rong chơi
(Cát Bụi)
Nhưng mặt trời cũng có những khi tạo ra những ảnh hưởng có tính hỗn hóa. Mặt trời làm cho mọi thứ hóa ra những hình ảnh hỗn loạn, không nằm trong ý thức của con người. Con người như bị hôn mê đi dưới ảnh hưởng thôi miên của con mắt vĩ đại treo trên cao kia. Mặt đất im, mặt trời cúi nhìn. Hay, có khi ngược lại, chính trong lúc bị mặt trời thôi miên ấy mà con người nhìn ra những sự thật của đời sống, những sự thật không bị những ảo tưởng đời che chắn khiến cho chúng thường mang dáng dấp của những mộng-ảo-thật trong mắt người. Mặt trời giúp mở ra một cái nhìn vào hiện thực:
Trên đời người trổ nhánh hoang vu/
Trên ngày đi mọc cành lá mù
Những tim đời đập lời hoang phế/ Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê
Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ/ Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa
(Cỏ Xót Xa Đưa)
Mặt trời có thể tạo ra những cơn hôn mê; nó cũng có thể giúp đưa con người vào cái nhìn xuyên suốt để đi đến sự tìm hiểu cấu trúc của hiện thực. Nó cho ta một cái nhìn vào trái tim của thực tại. Nó là sự có mặt cần thiết cho cuộc sống của con người trên trần gian này. Trong tất cả những ý nghĩa vừa có tính vật lý (physical) vừa có tính siêu hình (metaphysical) của nó. (...)
[...]
Không Gian Phố:
Trước hết, đối với Trịnh Công Sơn, phố là nơi có những mặt người, những mặt người xa lạ cũng như những mặt người thân quen. Phố là nơi có sự sống, sự sống cứ mãi tiếp diễn và như một dòng chảy vô tận. Phố là sự sinh động. Với những quán xá, những con đường. Trong phố có nắng, có mưa, có những lá cây và có những cỏ hoa lấp lánh. ở phố, con người có thể tìm ra mọi dạng thức của đời sống. Trong phố, con người có thể thấy được đủ mọi nét vẽ của cuộc đời. Trong đó, có những nét nhạc vui và những tiếng nhạc buồn. Có những thiết tha và có những khổ lụy. Có những nụ cười, có những giọt nước mắt, có vị mặn đắng của đời sống, và có những chất ngọt thơm của cuộc đời. Hãy xem thử một cuộc triển lãm về phố trong thế giới của Trịnh Công Sơn.
Trước hết là một con phố hồng, một con phố lạ. Nó đẹp và tươi đến độ chúng ta cảm thấy là nó không có thật giữa cuộc đời này. Nhưng nó đã mọc lên giữa lòng ta qua mắt nhìn của người nhạc sĩ:
Trời đất kia, có hay ta về
Một phố hồng, một phố hư không
Đường lên cao, bước chân nhè nhẹ
Sương, ô kìa, sương rơi bềnh bồng
(Có Nghe Đời Nghiêng)
Một phố vui. Với nắng và lá:
Bên trời còn nắng/ Lá trời còn xanh
Phố còn người đông
(Hãy Cứ Vui Như Mọi Ngày)
Một phố có em, với hoa vàng, với trời hạ, với một thoáng hương mềm tha thiết, và với tiếng cười em thoảng bay, đâu đó, tưởng chừng như có như không:
Em đến bên đời/ hoa vàng một đóa
Một thoáng hương bay/ bên trời phố hạ (...)
Em cười đâu đó giữa lòng phố xá đông vui
(Hoa Vàng Mấy Độ)
Và một phố hoa khác. Với em, trong một cảnh quay chậm, giữa những loài hoa vàng và tím. Và có thể với một chùm hoa giấy màu đỏ cam đong đưa. Tất cả bồng bế nhau, hơi nhòe đi trong nhịp chuyển động, trên nền đen của tóc:
Đường phố em về/ tóc cùng hoa quyến luyến
(Thành Phố Mùa Xuân)
Trịnh Công Sơn là con người của phố, một con người luôn nhớ phố phường. Anh không thể sống một ngày mà không xuống phố. “Từng ngày chôn chân nhớ phố lang thang” là nỗi khổ đau cụ thể của một người bị giam hãm trong bốn bức tường, không được nghe những tiếng nói bạn bè, những tiếng cười thân yêu. Hạnh phúc của anh là sự gặp gỡ tất cả những con người thân quen cũng như những con người xa lạ mà trần gian đã gửi đến cuộc đời này. Anh muốn dang rộng vòng tay để ôm lấy và yêu thương tất cả những con người:
Gặp nhau trong phố, xin yêu khôn nguôi những thân người
(Đời Cho Ta Thế)
Người nhạc sĩ yêu những đường phố trần gian. Anh nhìn ra mọi vẻ mặt thân thiết của những đường phố đó:
Đường phố dài một đường phố dài
Đường phố này một chiều tôi tới
Đi thong dong tôi chào vẫy mọi người
Đường phố cười (...)
Đường rất tình một đường rất tình
Đường rất gần một ngày xưa lắm
Khi chân qua bỗng nghe đầy tiếng chim
Đường trái tim
Đường tình yêu nghe tiếng ai nỉ non
Đường hàm oan nghe tiếng ai than thầm
Đường máu xương chờ lau hết dấu vinh quang
Đường đến tôi chờ em đã quá lâu năm...
(Có Những Con Đường)
Trịnh Công Sơn đã đi qua nhiều loại phố phường khác nhau. Anh đã đi “về trên phố cao nguyên ngồi” để nghe “tiếng gà trưa gáy khan bên đồi” vắng. Anh đã đi thăm “phố xưa dấu đạn” để thấy những vết tích của “cỏ lá buồn tênh”. Những đường phố ấy buồn bã vì thưa vắng bóng người, và ở đó, “tháng năm quá rộng”, “khói trời mênh mông”, và đời lúc nào cũng vẫn “còn bay những cơn mưa phùn”. ở Huế, nơi quê hương của tâm hồn Trịnh Công Sơn, trong những đường phố của thành quách hoang vu, ẩm mốc, giữa đêm thâu vắng lặng với những “tiếng muôn trùng đẩy đưa”, anh nằm nghe ngóng cuộc đời:
Nghe trăm tiếng ngậm ngùi/ Nghe lăng miếu trùng vây
Nghe xa cách cuộc đời/ Nghe hoang phế cạnh đây
Xin trên những đường dài/ Cho nghe bước rộn vui
Xin trên những nụ cười/ Còn rạng rỡ mặt trời
(Nghe Tiếng Muôn Trùng)
Đó là hình ảnh những con đường ở Huế, như Trịnh Công Sơn trong một bài viết đã hé mở cho ta thấy, hay đó là những con đường của bất cứ nơi nào trên quê hương Việt Nam mà Trịnh Công Sơn đã phả cái tâm hồn rất Huế của mình vào. Nhưng, khi đến Hà Nội, Trịnh Công Sơn cũng bắt ngay được cái hình ảnh rất Hà Nội này, cái hình ảnh “nhòa phố mong manh nhòe phố mưa” mà Trần Anh Hùng cũng đã tìm thấy trong Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng(À la Verticale de lõété). Trịnh Công Sơn đã bắt được cái hồn của những con phố cổ. Dòng nhạc của anh, ở đây, lan chảy thành một dòng dài với những ngoắt khúc bất chợt để làm thành những ngõ dài ngõ ngắn của Hà Nội. Trong dòng nhạc ấy và trong những ca từ mà anh đặt trên nó, có ai lại không thấy hiện lên tha thiết những con đường Hà Nội cổ xưa:
Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng
Cây bàng ngói đỏ nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua...
(Nhớ Mùa Thu Hà Nội)
Phố luôn gắn liền với quán xá. Đó là những chiếc cửa sổ mở ra mở vào những tâm sự của nó. Có khi đó là một tâm sự buồn:
Có chén rượu chờ trong quán đêm đêm
(Bay Đi Thầm Lặng)
Có khi người nhạc sĩ mong được làm cái quán kia, để chờ đón em vào. Để mong được chia sẻ những tâm sự vui buồn của em:
Tôi xin làm quán đợi/ buồn chân em ghé chơi
(Biết Đâu Nguồn Cội)
Trong những đường phố mà Trịnh Công Sơn đã đi qua đó, tình cờ, một hôm người nhạc sĩ gặp em, một ngày tình cờ biết em/ là ngày lạ lùng biết trần gian. Sự gặp gỡ đó mang trong nó những hạt mầm hạnh phúc và bất hạnh lớn:
Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố
Trong lòng bỗng vui như đời rất lạ
Tôi tìm thấy tôi theo từng gót xa
Làm lời lá bay trên đường đi
Tôi tìm thấy tôi như giọt nắng kia
Làm hồng chút môi cho em nhờ (...)
Dưới phường phố kia có người nhớ em
Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường
(Cho Đời Chút Ơn)
Vẫn em. Và hạnh phúc ấy nghe như một tiếng chim bay trong thành phố:
Em cùng lá tung tăng như loài chim đến
Và đã hót giữa phố nhà (...)
Bao đường phố em qua nắng lên đứng chờ
(Tuổi Đời Mênh Mông)
(...) Chính vì em là một nét xanh của lá, một nét tím của mây, một nét hồng của nắng, một nét trắng của mưa, một nét vàng của hoa, chính vì em là một nét mềm của tiếng chim kia, một nét vui của bờ tường ấy, nên khi em ra đi, phố trở nên trống vắng, như bức tranh thiếu cái sinh động của một linh hồn:
Nếu thật hôm nào em bỏ đi
Em bỏ đi
Sau lưng em còn con phố dài
Những hàng cây loan tin nhau rồi im tiếng nói
Quanh đây hoang vu tiếng cười
(Rơi Lệ Ru Người )
Trịnh Công Sơn nhắc lại những cảnh phố cũ. Đó là những điều thân thiết mà phố mang đến cho chúng ta. Đó là phố của tất cả mọi người; đồng thời, đó cũng là phố của chỉ hai người mà thôi. Phố là thế. Phố mở rộng cho tất cả, nhưng phố cũng gìn giữ những riêng tư cho mỗi hai người:
Nhớ phố xưa quen/ biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức
Sáng cho em vòm lá me xanh (...)
Nhớ bạn bè chào nhau quen tiếng
Phố em qua gạch ngói quen tên...
Khi chiều xuống bên sông nước lên
én nô đùa giữa phố nhà
Có nắng vàng lạc trên lối đi (...)
Trong lòng phố/ mưa đêm trói chân
Dưới hiên nhìn nước dâng tràn
Phố bỗng là dòng sông uốn quanh
(Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên)
Phố là nơi gặp gỡ, phố là chỗ khởi đầu, thế nên, khi người con gái ra đi, tan loãng vào cuộc đời này, “em theo đời cơm áo/ mai ra cùng phố xôn xao/ bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo”, hay khi bóng người đã khuất lấp mịt mù, “ngủ đi em đôi vai lụa mát/ ngủ đi em da thơm quả ngọt”, Trịnh Công Sơn cũng vẫn không thể quên được những ngày yêu dấu cũ. Anh sống với cuộc hồi tưởng:
Tôi đã đưa em qua nhiều phố
Những sáng mênh mông tôi ngồi nhớ
(Trong Nỗi Đau Tình Cờ)
Nhìn lại những con phố, những con phố mà ngày xưa đã từng là những lưu điểm của hạnh phúc, đã là những điểm lập lòa ánh sáng và lấp lánh những tiếng cười vui, những sắc màu tươi thắm của đời, Trịnh Công Sơn lắng nghe lại những âm hao cũ. Lúc đó, chỉ còn nỗi buồn rớt lại, trong một không gian xa lạc và mất dấu:
Giật mình nhìn quanh
ồ phố xa lạ
(Bên Đời Hiu Quạnh)
Con người chợt nhận thức ra rằng tất cả cuộc đời bây giờ là lạ mặt:
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều
Có người lòng như nắng qua đèo
(Có Một Dòng Sông Đã Qua Đời)
Tất cả những đường phố trong anh, bây giờ, đều đã chết. Còn nếu không, chúng chỉ là những chứng tích của sự buồn thảm. Không còn những ngày cũ, với ta nhìn “gió trời thênh thang / nhớ con phố hẹn”. Không còn những ngày đã xa rồi, như bản tính của bất cứ một người con gái nào, đùa vui với hạnh phúc trông ngóng của người yêu, em “tặng hết cho tôi một phố chờ”. Không còn những ngày tôi đã cùng em chạy trốn mưa trong thành phố cũ, “mưa phố vai mưa mềm/ bàn tay em đôi tay mùa hạ phố mưa tôi tìm”. Có còn lại chăng chỉ là một nỗi quạnh hiu rụng đầy trong ta:
Có đường phố nào vui cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn không còn ai / ta trôi trong cuộc đời...
(Ru Ta Ngậm Ngùi)
Phố, không có dáng em, bây giờ, chỉ còn là nỗi buồn đau của đời sống này kéo dài, kéo dài mãi. Phố xưa không còn là tiếng chim hót bay vào trời xanh, bây giờ “phố xưa nằm bệnh/ đàn chim non réo bên vườn hoang”. Phố, đóa hoa hồng ngày xưa nở tươi trên môi cuộc đời, bây giờ, không có bóng em, nó chỉ còn là một nụ hồng “vùi quên trong tay”. Thành phố, “đóa hoa hồng tàn hôn lên môi” kia, bây giờ, chỉ là một cơn nhớ bay dài trong mưa, là vị mặn của một giọt thầm trên mắt, hay của nhiều giọt thầm như thế. Chợt nhớ những câu thơ cũ, về một nỗi đau khi bước trên thành phố nhầu nát và mất bóng em:
Đi trên thành phố phai nhầu
Bước chân xiêu vẹo nghe sầu vọng âm
Lời em trên mắt âm thầm
Khua chân phố nhỏ giọt đầm đìa tuôn
(Hoài Khanh)
Hình ảnh phố khi con người đã không còn bên nhau nữa chỉ mang toàn những nét xiêu vẹo và nhầu nát như thế. Nếu bị dầm trong mưa, hình ảnh buồn bã và khốn khổ ấy sẽ lại được càng làm cho rõ nét hơn. Và người đi trong phố, lúc đó, nghe đèn phố trong mưa kể lể những tiếng buồn qua ánh điện vàng. ánh điện vàng đó chính là ánh đèn soi chiếu những chiếc bóng hấp hối trong đời mình:
Cồn đá rêu phong rũ buồn
Đèn phố nghe mưa tủi hờn (...)
Thành phố mắt đêm đèn vàng
Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn
(Biển Nhớ)
Trịnh Công Sơn là một người thiết tha với phố, bởi lẽ, như đã nói, phố là bến đợi một thời của tuổi trẻ anh, là không gian in đẫm những hạnh phúc có thật mà anh tìm ra được giữa cuộc đời này. Phố, với anh, thật sự không còn là một khoảng không gian mang tính vật lý nữa. Nó đã trở nên một khoảng không gian tinh thần, tô đậm những hình bóng và những nhớ tiếc, xót xa có những tên gọi cụ thể trong hồn anh. Trong những phố ấy, đi đâu Trịnh Công Sơn cũng chạm mặt với những hạnh phúc cũ, mà nay đã trở nên những nỗi buồn. Những nỗi buồn mà anh vẫn mãi không muốn từ bỏ:
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ, nhớ tên em
Gió ơi, gió ơi bay lên / để bụi đường cay lòng mắt (...)
Chiều qua bao nhiêu lần môi cười, cho mình còn nhớ nhau
Chiều qua bao nhiêu lần tay rời, nghe buồn ghé môi sầu
Ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu
Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau
(Chiều Một Mình Qua Phố)
Người đi trên phố, và phố nhắc nhở người những cơn đau. Đau vì một người đã ra đi, một người đã về bên kia núi. Nhưng cũng có khi đau vì một người đã không còn bên cạnh ta nữa. Cho dù người vẫn còn đâu đó trong cuộc đời này, vẫn còn cười nói “đâu đó trong lòng phố xá đông vui”; nhưng thật sự, đời sống đã dạy cho con người biết rằng “trong cuộc bể dâu ôi trăm ngày phố xá cũng trôi theo/ Trong hội trần gian ôi bao ngày yêu dấu cũng không còn”. Từ đó, cho dù, “có lần bàn chân qua phố thấy người/ sóng lao xao bờ tôi”, thì người vẫn biết rằng tất cả mọi sự, như dòng nước kia, đã theo nhau chảy dưới chân cầu. Người đi trên phố, đi mãi đi mãi, và phố kia, bây giờ, như một mũi tên, bay tới đâm thẳng vào trái tim người. Phố đóng đinh ta trên cây thập tự:
Tưởng rằng đã quên/ cuộc tình sẽ yên
Tưởng rằng đã quên/ thân đau muốn nằm
Vì từng bước em là từng mũi đinh cuồng điên (...)
Tưởng rằng đã quên/ cuộc tình sẽ yên
Tưởng rằng đã quên/ em qua phố rộng
Một lời trối trăn còn tìm thấy trong đôi mắt (...)
Tưởng rằng đã quên / tay em vẫn còn
Dựng đời bão lên/ làm từng vết thương hồn nhiên
(Tưởng Rằng Đã Quên)
Nhưng không phải phố chỉ là nơi cho Trịnh Công Sơn, con người ở vị trí chủ thể, cơ hội thẩm thấu những kinh nghiệm của đời mình. Phố còn là nơi để người nữ, con người đối trọng của anh, cảm nhận cuộc sống. Em là tôi và tôi cũng là em. Bởi thế, người nữ của Trịnh Công Sơn, như anh, cũng đã có những cơ hội cảm nhận đời với tất cả những gam màu, những sắc độ, và những cung bậc của nó. Nhưng, cũng như anh, hình như những cảm nhận sâu sắc nhất của con người ấy cũng đều nằm trong vùng hồi quang của những bất hạnh, xót xa và đau khổ:
Chiều nay em ra phố về/ thấy đời mình là những chuyến xe
Còn đây âm vang não nề
Ngày đi đêm tới/ trăm tiếng mơ hồ
Chiều nay em ra phố về/ thấy đời mình là những đám đông
Người chia tay nhau cuối đường
Ngày đi đêm tới/ nghe tiếng hư không (...)
Chiều nay em ra phố về/ thấy đời mình là những quán không
Bàn im hơi bên ghế ngồi
Ngày đi đêm tới/ đã vắng bóng người
Chiều nay em ra phố về/ thấy đời mình là con nước trôi
Đèn soi trên vai rã rời
Ngày đi đêm tới/ còn chút hao gầy
(Nghe Những Tàn Phai)
Phố, như vậy, chính là không gian tục lụy của Trịnh Công Sơn. Tục lụy với tất cả những hạnh phúc và khổ đau của nó, với tất cả những sắc độ và gam mầu của nó. Nếu rừng, núi, sông, biển, cho dù là những biểu tượng khá thân thiết với con người, vẫn có những khi mang những nét xa cách với nó, thì phố là một biểu tượng gắn chặt với những cảm nhận và thức nhận của con người về cuộc đời với đủ nét tân toan cam khổ này. Phố là không gian để con người sống cùng và sống với. Đó là một không gian nhỏ hẹp của cuộc đời, nhưng, qua nó, người ta nhìn ra những phản ánh của cuộc sống rộng lớn hơn ngoài kia. Như thế, phố, đối với Trịnh Công Sơn, là một không gian cắm mốc trong bản ngã của anh. Và, có lẽ, cũng đúng nữa, đó là một không gian cắm một dấu mốc rõ nét trong bản ngã của con người thời nay. Nó mang trong nó dấu ấn của cuộc sống và hơi thở của con người thời đại.
Con Người, Những Bản Vị Trong Không Gian:
Không gian của Trịnh Công Sơn mang chứa trong nó nhiều biểu tượng. Những biểu tượng ấy gắn vào con người và hòa quyện với nó. Con người của anh sống giữa thiên nhiên, đặt mình trong lòng thiên nhiên, và cũng phản ánh thiên nhiên qua chính nó. Nhưng, một nét đặc biệt nơi Trịnh Công Sơn là, con người trong thế giới của anh, nhất là người nữ, thường có khuynh hướng trở thành những bản vị để, qua đó, anh đo đạc, nhìn ngắm và hạnh phúc với thiên nhiên chung quanh. Trời đất, thiên nhiên, bây giờ, không còn là một bản vị chính yếu nữa để con người theo đó mà được mô tả, so sánh. Chính con người bây giờ là những bản vị. Những bản vị nhỏ bé và duyên dáng làm ngơ ngẩn cả đất trời.
Ngày xưa, để tả Thúy Vân và Thúy Kiều, Nguyễn Du đã nói tới “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, “khuôn trăng”, “nét ngài”, “mây”, “tuyết”, “làn thu thủy, nét xuân sơn”, “hoa ghen”, “liễu hờn”... Nguyễn Du đã lấy thiên nhiên làm thước đo để khen ngợi chị em Thúy Vân, Thúy Kiều. Vân, Kiều, như thế, được mang ra so sánh với thiên nhiên, cho dù sự so sánh, qua ngòi bút của Nguyễn Du, có phần hơi thiên vị hai người con gái duyên dáng và đáng yêu này. So sánh như thế là so sánh theo những ước lệ cổ điển, theo những quy phạm về văn chương mà Nguyễn Du, như một con người của thời đại mình, không thể tránh khỏi. Thiên nhiên là những bản vị, con người là những nét để bên cạnh. Nguyễn Du đã thực hiện được một sự so sánh tài tình: những nét để bên cạnh lại như nổi bật hơn cả những nét chính.
Trong thế giới của Trịnh Công Sơn, tình hình lại có vẻ như ngược lại. Con người trở thành thước đo của thiên nhiên:
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh (...)
Ta nghe nghìn giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh
(Như Cánh Vạc Bay)
Ở đây, nắng được mang ra để so sánh với đôi môi em; mưa, với đôi mắt. Đó là một vị thế đảo ngược trong sự so sánh. Tóc em rớt xuống đời làm thành sóng, chứ không phải lênh đênh như sóng. Nước mắt em rơi xuống thành, chứ không như, hồ nước long lanh. Tóc và những giọt nước mắt em trở nên những hình ảnh trung tâm, những hình ảnh ở ngôi thứ nhất để, từ đó, chúng được phản chiếu, khúc xạ vào thiên nhiên. Những thao tác nghệ thuật này gần với ẩn dụ hơn là với so sánh, cho dù “ẩn dụ” thì cũng là một loại tu từ dùng để so sánh. Thế nhưng, chúng lại đưa ra những ảnh hưởng khác biệt nhau, tạo ra những nét gần như đối nghịch về mặt nhận thức trên cảm quan thẩm mỹ của người thưởng ngoạn.
Cũng thế, trong bài Níu Tay Nghìn Trùng, lời ca của người tình trẻ rớt thành cơn mưa:
Từ bờ môi hát lên nhè nhẹ
Từ lời ca rớt thành cơn mưa
Chúng ta có thể tìm được nhiều thí dụ khác nữa. Chẳng hạn:
Đã có nghìn trùng trên môi người tình
Đã chớm lạnh lùng trên môi nồng nàn
“Môi người tình” là nơi để người yêu cảm nhận nỗi cách xa “nghìn trùng”, cảm nhận sự chia ly và nhìn thấy hình ảnh của chiếc bóng trăm năm.
Hình ảnh “đêm thấy ta là thác đổ” cũng mang chứa trong nó nét trung tâm của chủ thể “ta”. Cũng như vậy, trong:
Ôi áo xưa em là một chút mây phù du
Đã thoáng qua đời ta
Trịnh Công Sơn, qua biện pháp ẩn dụ, đã đưa hình ảnh “áo em ngày xưa” vào trong khung cận ảnh, phóng lớn nó lên, để cho thấy hình ảnh lênh đênh trôi nổi của áo em (như mây nhẹ); hay đúng hơn, kết hợp chung với biện pháp hoán dụ (dùng áo để chỉ người), câu hát cho thấy hình ảnh vô thường của em, của liên hệ giữa tôi và em, những liên hệ rất phù du mây nổi, và chút mây kia cũng đã trôi về một biên giới khác.
Hình ảnh “ôi áo xưa lồng lộng / đã xô dạt trời chiều” cũng đem “áo xưa” vào cận ảnh, để cả một khung trời chiều bé nhỏ lạc mất phía sau, và càng lúc càng bị mất vị thế trung tâm qua trạng từ “dạt”. Thiên nhiên bị những hình ảnh con người lấn chiếm, để càng lúc càng bị đẩy xuống vị trí thứ yếu.
Trong bài “ở Trọ”, có câu:
Mây kia ở đậu từng không
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người
Có phải là Trịnh Công Sơn đã lấy mắt người để đo thời tiết không? Mưa nắng ở trong mắt. Và mắt ấy là mắt của một người con gái. ở đây, không phải con người nằm trong thiên nhiên mà, ngược lại, thiên nhiên nằm trong con người. Nhìn vào em, tôi thấy thiên nhiên và tất cả những mưa nắng cuộc đời.
Nhưng em, dù có đẹp và có thu trọn thiên nhiên trong mình đấy, cũng không phải là sẽ còn lại mãi với cuộc đời này. Em cũng chỉ là một cái chớp mắt, một cái vụt qua của cuộc sống:
Đôi mắt còn lại nhìn đời là không
Nhìn em hư vô, nhìn em bóng nắng
(Con Mắt Còn Lại)
Tác giả thấy rõ em là bóng nắng, là hư vô. Em không phải như những ảo ảnh phù du kia, đang tan đi tan đi và biến mất. Em chính là sự phù du, em đang lung linh, hư ảo, và tan đi. Bóng nắng, một nét thiên nhiên, nếu có còn rớt lại đâu đó, chỉ cho thấy rõ là em, con người, đã ra đi mà thôi. Thiên nhiên, như thế, lại hóa ra là một nét của con người. Chứ không phải là ngược lại.
Câu hỏi “Mầu nắng hay là mầu mắt em”, trên bề mặt hình thức, đặt hai chủ thể ngang nhau; nhưng dưới mạch ngầm lại để “mầu mắt em” vào vị trí trung tâm. Câu “Quỳnh thơm hay môi em thơm” cũng thế, cũng cho ta thấy rõ tác giả thiên vị “môi em” nhiều hơn, cho dù nụ quỳnh cũng là một hình ảnh đáng yêu của trần gian.
Như thế, trong thế giới của Trịnh Công Sơn, con người, đặc biệt là người nữ, trở nên nổi bật. Nhìn kỹ, người nữ ấy hiện diện như một bản vị. Nó đứng độc lập, hay được đặt để vào những vị trí để giúp cho thiên nhiên được nhận diện một cách rõ nét hơn. Nó là ánh cầu vồng bảy sắc phản chiếu hình ảnh thiên nhiên lung linh và đẹp đẽ này.
[...]

Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ lớn. Điều đó có lẽ chúng ta đều có thể công nhận với nhau, dù chúng ta có đứng ở bất cứ vị trí hay góc độ nào để nhìn ngắm, quan sát hay đánh giá anh. Có những người không ngại gọi anh là một thiên tài. Họ có cái lý của họ. Tôi nói Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ lớn theo cái nghĩa mà con người trên thế giới nói chung, bất kể là họ sống dưới chủ nghĩa nào hay khoác trên mình những màu áo khác nhau nào, đã dùng để nói về Pablo Neruda, Pablo Picasso, Paul Eluard, Jean-Paul Sartre, Romain Rolland, v.v..., hay để nói về bất cứ một nghệ sĩ lớn nào khác của nhân loại đã cống hiến cho con người những rung động thiết tha, đẹp đẽ. Những nghệ sĩ lớn ấy, trong những hoàn cảnh riêng của mình, đã mở ra cho con người những viễn tượng mới. Họ đem đến cho con người những thế giới mới, hay, nói cho đúng hơn, họ đem lại cho con người những cái nhìn mới về thế giới, về cuộc đời. Họ làm con người trở nên giàu có hơn về mặt tinh thần.
Từ trong những hang đá cổ sơ, con người đã nhìn thấy và tìm ra những giấc mơ và những mộng ước của mình. Và họ đã để lại dấu tích của những mơ ước đó trên các vách đá mà con người thời đại ngày nay vẫn còn đang lần dò tìm hiểu. Nghệ thuật gắn liền với ước mơ, và nó là cái đến trước. Đến trước lúc con người tìm ra cách kéo sợi, dệt vải, và dùng các loại thuốc nhuộm mà nó sáng chế ra để nhuộm các màu xanh đỏ đen vàng cho quần áo của mình. Nghệ thuật có mặt trước khi con người biết lợi dụng, mạt sát, lên án và chém giết nhau qua sự phân chia của những mầu áo. Nó là tiếng nói đầu tiên của con người để xác nhận trước thiên nhiên và cuộc đời cái dấu ấn mà Thượng Đế, kẻ sáng tạo, đã để lại trong nó. Tất cả những giải thích khác về cuộc đời, kể cả tiếng nói của chính trị, là những cái đến sau.
Trịnh Công Sơn là một con người sống trong cuộc đời. Anh phải chấp nhận những giới hạn của cuộc sống, nhưng đồng thời anh cũng đã cất lên tiếng nói của mình để mơ ước và hoài vọng những điều tốt đẹp cho anh, cho những người thân yêu, những người chung quanh, và cho cả nhân loại, nói chung. Dù sao, nhìn một cách nào đó, có thể anh là kẻ đã đến quá muộn trong một thế giới đã “tam sao thất bản”. Một thế giới đã không còn y nguyên bản gốc. Một thế giới đã chia năm xẻ bảy với những màu quần áo sặc sỡ khác nhau. Trong bối cảnh của lịch sử, chiến tranh và xã hội Việt Nam, tiếng nói của anh có thể đã bị tô mầu, có thể đã bị lợi dụng. Và cái thân xác mỏng manh của anh có thể đã bị giằng kéo từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Cái thân xác ấy là thân xác của một con người.
Nhưng tiếng nói ước mơ của Trịnh Công Sơn có lẽ không hẳn chỉ là tiếng nói của một con người. Những giấc mơ cũng như cái thế giới mà anh vẽ ra là những giấc mơ và thế giới của bao nhiêu con người thiết tha với cuộc đời này nhưng vẫn nuôi nấng trong trái tim mình những mầm hạt cho một cuộc sống đẹp đẽ, đáng yêu và thơ mộng hơn nữa. Những giấc mơ vẫn cố bay lên cao, cho dù nhiều khi chúng bị giằng giật và bị dìm kéo xuống dưới đất bằng. Con người còn sống là con người còn những mơ ước. Và những nghệ sĩ lớn là những người thiết tha với những giấc mơ của mình hơn bất cứ ai. Cho dù đó là những giấc mơ nhỏ bé hay những mộng tưởng thơ ngây.
Trịnh Công Sơn là một thi sĩ. Anh sống trong thời đại của mình, và anh có những giấc mơ. Và, nói như Jirí Wolker, “Qua nhà thơ, người ta nhìn ra được tầm cỡ của thời đại mà ông ta sống”. Có lẽ, nếu muốn, chúng ta cũng thấy được tầm cỡ của thời đại mình qua những giấc mơ và thế giới mà Trịnh Công Sơn đã sống, đã yêu và đã cùng xót xa với chúng.
Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ lớn. Anh đã yêu trần gian này biết bao, và anh đã hiểu được thế nào là hạnh phúc và xót xa trong cuộc sống của anh với trần gian này. Anh cũng đã mơ thật đẹp những giấc mơ của mình. Cho dù là chúng rộn vui tiếng cười hay đầy tràn nước mắt. Chúng ta là những người được chia sẻ những giấc mơ đó. Hãy nghe anh nói, và, nếu có thể, hãy khóc cười, hãy đau khổ và hạnh phúc cùng anh. Đừng tô mầu những giấc mơ của anh. Hãy để chúng y nguyên như thế. Vì, cẩn thận, có thể chúng ta sẽ tự đánh mất mình trong việc bóp méo hay chà đạp những giấc mơ của người khác. Nhất là giấc mơ của một nghệ sĩ, kẻ, như Robert W. Corrigan nói, “là máy đo độ chấn động của thời đại hắn.”
Trịnh Công Sơn đã làm chúng ta yêu cuộc đời này hơn qua chính những vẻ đẹp mong manh của nó. Anh cũng làm cho chúng ta thiết tha yêu thương con người hơn, muốn gắn bó với mọi người chung quanh hơn. Trịnh Công Sơn làm được tất cả những điều ấy qua những giấc mơ nhỏ bé của anh.
Và Trịnh Công Sơn đã để lại những giấc mơ của anh ở trần gian này.
Chúng ta, mỗi người, hãy tự nhìn lại những giấc mơ của chính mình.
Chú thích:
(1) Trong cái nhìn của tôi, phương pháp xếp chồng văn bản của Charles Mauron chỉ là một trường hợp đặc biệt của phương pháp sử dụng liên văn bản. Liên văn bản nối kết nhiều loại văn bản khác nhau, từ nhiều nguồn, nhiều trung tâm văn hóa khác nhau, để làm thành một “tấm vải” đan kết chằng chịt bởi những trích dẫn khác biệt. Những “tấm vải” này sẽ có hình dáng khác nhau trong sự nhìn ngắm cụ thể của mỗi một người đọc. Với kinh nghiệm, cá tính, cùng tất cả những yếu tố khác tạo nên con người đặc thù của mình, người đọc sẽ nhìn ra trong tác phẩm mình đang đọc dần dần hiện lên hình dáng “tấm vải văn bản” của tác phẩm mà người ấy đang tiếp cận. Từ đó, dẫn đến ý nghĩa của tác phẩm đối với riêng người ấy. Khái niệm “liên văn bản”, như thế, gắn bó chặt chẽ với vai trò và cá tính của người đọc. Từ đó, nó lại liên hệ đến phương pháp phê bình dựa trên sự hồi ứng của người đọc (reader-response criticism). Và, nói rộng hơn, nó liên hệ đến mỹ học tiếp nhận (reception theory) phát xuất từ trường phái Kontstanz của Đức.
Phương pháp liên văn bản thường sử dụng không những các văn bản có tính văn học khác để soi chiếu một tác phẩm, mà nó còn sử dụng các huyền thoại, truyền thuyết như là những nguồn, cung cấp những dữ kiện, những hình ảnh, những yếu tố để, qua đó, mỗi người đọc đặc thù tự “dệt” nên “tấm thảm văn bản” cho chính mình. Trong khi đó, phương pháp xếp chồng văn bản thường chỉ sử dụng những tác phẩm khác nhau của một tác giả, hoặc “chồng” các văn bản cùng thể loại của một số tác giả khác nhau được nghiên cứu để tìm những đường nét của huyền thoại tập thể; từ đó, cũng làm phát hiện huyền thoại cá nhân của mỗi tác giả. Mauron đã xếp chồng một số tác phẩm của Baudelaire để tìm hiểu những ẩn dụ ám ảnh của nhà thơ này. Ông cũng đã làm thế với Mallarmé để tìm hiểu hệ thống từ vựng, từ đó, đi đến hệ thống ẩn dụ của nhà thơ.
(2) Có tác giả lại nghĩ rằng phương pháp liên văn bản có thể được coi là đã xuất hiện khi nhà phân tâm học Freud so sánh những giấc mơ điển hình về sự khỏa thân với truyện cổ tích của Andersen về bộ quần áo “trong suốt” của ông vua trong bộ sách “Phân Giải Những Giấc Mơ”. Freud đi từ văn bản để phát hiện ra con người vô thức của tác giả; từ những xung đột nội tâm trong các nhân vật của tiểu thuyết để tìm ra xung đột cá nhân nơi chính con người nhà văn. Khá rõ nét về sự thể hiện phương pháp liên văn bản trong công trình của Freud là, trong tác phẩm “Ba cái hộp”, ông không chỉ bằng lòng trong việc so sánh một số tác phẩm cùng chủ đề của Shakespeare với nhau, mà ông còn tìm ra cùng đề tài đó trong huyền thoại và truyền thuyết. Từ đó, ông tìm ra được các lớp vỏ khác nhau của cùng một chủ đề. Những lớp vỏ này đưa đến sự phát hiện cả những điểm khác biệt chứ không chỉ những điểm đồng nhất khi ông nghiên cứu về một chủ đề.
(3) Roland Barthes, Image-Music-Text, do Stephen Heath dịch và biên tập, New York: Hill & Wang, 1977.
(4) Roland Barthes đã nhìn như một “văn bản” để khảo sát các hiện tượng và biểu tượng như: trò đô vật, tháp Eiffel, quần áo, để tìm ý nghĩa hiện tượng học của chúng. Tôi cũng đã viết một bài, nhìn cinéma như một văn bản, để khảo sát cấu trúc ý nghĩa của nghệ thuật phim ảnh. Xin xem “Cinéma, một văn bản đầy kỳ bí” (Hợp Lưu số 43, tháng 10 & 11, 1998)
(5) Từ “ngôn ngữ” được sử dụng ở đây không mang ý nghĩa bình thường, hay ý nghĩa từ điển, của nó. Đúng hơn, có thể nói nó là một thứ “ngôn ngữ diễn dịch và lý luận”. Như thế, ở đây, “ngôn ngữ” gần như đồng nghĩa với “phương pháp”. Như trong câu, “Nếu hai người không cùng nói chung một thứ ngôn ngữ [cho dù họ đều nói tiếng Pháp chẳng hạn], làm sao họ có thể thảo luận về vấn đề này được.” Như thế, “ngôn ngữ” ở đây là nền tảng để nhìn vấn đề. Một thứ phương pháp luận. Một hướng diễn dịch, một hướng nhìn. Phương pháp luận này bao trùm lên những kỹ thuật, tự chúng cũng là những phương pháp, được sử dụng trong bài như phương pháp xếp chồng văn bản, phương pháp sử dụng liên văn bản, và phương pháp sử dụng những thao tác phân tích phong cách học, v.v...
(6) Claude Lévi-Strauss, La Pensée Sauvage, Paris: Librairie Plon, 1962.
(7) Bài “Biển Nhớ”, trong một số sách nhạc, câu “Bàn tay chăn gió mưa sang” bị đánh lộn là “Bàn tay chắn gió mưa sang”. Điều đó làm mất hẳn đi cách dùng chữ tài hoa và đầy sáng tạo của người nhạc sĩ. Trong văn cảnh của bài hát, “chắn gió mưa sang” trở nên lạc, không thích hợp với khí hậu và tinh thần chung của toàn bài, trong đó, ta thấy có “triều sương ướt đẫm cơn mê”, có “hồn liễu rũ”, “bờ cát trắng”, “biển động”, “sầu lên”, “cồn đá rêu phong rũ buồn, đèn phố nghe mưa tủi hờn”... Thật ra, trong bản nhạc rời in ở Việt Nam thời sáu mươi, tôi đã thấy nhà xuất bản in đúng là “chăn gió mưa sang”. Trong tập nhạc “Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên” (nhà xuất bản Trẻ, Saigon, 1991), in lại tại Mỹ cùng năm (nhà xuất bản Hồng Lĩnh, Westminster, California), tất cả các bài hát đều do chính tay Trịnh Công Sơn viết chữ lấy, câu hát này đã được viết và in đúng. Trong tuyển tập “Những Bài Ca Không Năm Tháng” của Trịnh Công Sơn do nhà xuất bản Âm Nhạc tái bản lần thứ tư, tôi còn thấy khá nhiều những ca từ của người nhạc sĩ bị đánh máy sai. Nếu không để ý ngay từ bây giờ, khoảng một vài trăm năm sau (!), nếu bể dâu cuộc đời vẫn cho phép những bài hát này sống sót và được lưu giữ, chắc lúc đó, vấn đề nghiên cứu văn bản sẽ lại là một chuyện nhức đầu cho những người sau. Giống như bây giờ chúng ta đang nhức đầu với các văn bản của người đời xưa để lại.
(8) Ernest Hemingway, The Old Man and The Sea, New York: Charles Scribnerõs Sons, 1952. Trích: “He always thought of the sea as la mar which is what people call her in Spanish when they love her. Sometimes those who love her say bad things of her but they are always said as those she were a woman. Some of the younger fishermen, those who used buoys as floats for their lines and had motoboats, bought when the shark livers had brought much money, spoke of her as el mar which is masculine. They spoke of her as a contestant or a place or even an enemy. But the old man always thought of her as feminine and as something that gave or withheld great favours, and if she did wild or wicked things it was because she could not help them. The moon affects her as it does a woman, he thought.”
(9) Dĩ nhiên, Biển Nhớ và Nắng Chiều chỉ là những thí dụ bất chợt của tác giả bài viết này để so sánh hai hơi thở của thời đại. Có thể làm điều này bằng cách lấy một bài hát khác của Trịnh Công Sơn để so sánh với một ca khúc khác của một tác giả thời Lê Trọng Nguyễn, hay trước và sau đó một chút. Chúng ta cũng có thể đi đến một hệ quả tương tự. Tuy nhiên, trong cảm thức của tôi, dù cho đó có là những thí dụ bất chợt, chúng vẫn, ở một mức độ nào đó, biểu hiện trung thực cả cảm xúc lẫn nhận thức của tôi về những tiếng nói của người nghệ sĩ. Chúng phản ánh cả một hơi thở của thời đại. Có lẽ, đúng hơn, nó chính là hơi thở của thời đại. Cũng giống như nhạc thời Nắng Chiều khác nhạc thời Biển Nhớ thế nào, thì nhạc thời Biển Nhớ cũng khác nhạc thời sau Biển Nhớ như vậy.
(10) Xem Thích Nhất Hạnh, Trái Tim Mặt Trời: Từ Chánh Niệm Đến Thiền Quán. Paris: Lá Bối, 1982. Bản dịch tiếng Anh, The Sun My Heart: From Mindfulness to Insight Contemplation. Berkeley, California: Parallax Press (không rõ năm in).

 2/9/2001
Bùi Vĩnh Phúc
Nguồn: Văn Học
Theo http://www.truclyhoang.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tôtem sói - Chiếc gương đạo sĩ Trong Hồng lâu mộng có chuyện cái gương một vị đạo sĩ tặng cho nhân vật Giả Tường. Anh ta đưa gương lên...