Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Bức chân dung "Thiếu phụ" màu xanh


Bức chân dung "Thiếu phụ" màu xanh
Họa sĩ Lương Xuân Nhị (1914-2006) quê quán ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Đông Dương khóa VIII (1932 - 1937). Ông từng giành các giải Bạc (1935), Vàng (1936) và Ngoại hạng (1937) của Hội khuyến khích Mỹ thuật Mỹ nghệ Đông Dương. Năm 1938, tác phẩm lụa Quán nước của ông được Viện bảo tàng World Headquarters New York sưu tầm. Năm 1990, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001) và có tên trong Từ điển Bách khoa Việt Nam. Ông là một họa sĩ tài hoa và kỹ càng trong sáng tác với những gam màu xanh đặc trưng, mang vẻ đẹp bình dị, đằm thắm của tâm hồn Việt…
Trong cuốn sách “Hội họa Hà Nội - những ký ức còn lại”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến dành riêng cho họa sĩ Lương Xuân Nhị những trang viết trang trọng, khẳng định vị trí của ông trong nền mỹ thuật Việt Nam cùng với các tên tuổi như Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn, Lưu Văn Sìn… Một nhà phê bình mỹ thuật Pháp đã nhận xét: "Vẻ đẹp phương Đông hiện lên lung linh trong tranh của họa sĩ Lương Xuân Nhị". Thật vậy, điển hình những tác phẩm mỹ thuật đậm chất mộc mạc, trữ tình phương Đông của Lương Xuân Nhị có thể kể như: Mùa hạ (sơn dầu, 1934), Đi chợ tết (lụa, 1938), Gia đình thuyền chài (lụa, 1938), Bên bờ giếng (sơn dầu,1960), Nương sắn (sơn dầu, 1960), Thuyền và sông Hương (sơn dầu, 1980)…Bên cạnh đó, Lương Xuân Nhị còn được gọi là họa sĩ của phái đẹp. Hầu hết những tranh vẽ của ông về phái đẹp luôn để lại những ấn tượng đặc biệt, với những nét riêng không trộn lẫn. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - người cháu họ của ông cho hay: “Đây cũng là một điều rất kỳ lạ trong con người ông. Một chàng trai Hà Nội hào hoa, phong nhã, đẹp trai, bản thân phái đẹp cũng rất yêu quý ông. Ở những thập kỷ 1930 - 1940, ông cũng là một người được phụ nữ đẹp tin cậy để thổ lộ những tâm tình".
Theo giới chuyên môn, tranh thiếu nữ của Lương Xuân Nhị không có cái đài các, gợi cảm như trong tranh Tô Ngọc Vân, cũng không có vẻ lộng lẫy, quý phái ở những cô gái của Nguyễn Gia Trí. Nhưng ông lại có cái mà các họa sĩ khác còn thiếu, đó là sự tĩnh tâm của một vẻ đẹp bình dị không cần đến trang điểm. Ông vẽ để tìm đến nét đẹp thật của đời sống. Kể cả tranh phong cảnh của ông cũng vậy:  lặng lẽ, bình dị đúng như cách sống của ông. Năm 1942, họa sĩ Lương Xuân Nhị đi Nhật, nhiều tác phẩm của ông về thiếu nữ và phong cảnh Nhật đã được đánh giá cao về màu sắc, bút pháp. Từ năm 1955 tới năm 1981, ông là giảng viên ở Ðại học Mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm của ông được trưng bầy ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng ở Paris, New York, Tokyo và ở nhiều bộ sưu tập cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong số những bức tranh thiếu nữ, chân dung thiếu phụ trẻ qua nhiều thời kỳ, sinh thời ông cho biết: “Dường như là tôi không còn giữ được những bức đẹp nhất vẽ chân dung thiếu nữ. Ngay khi đang vẽ, đã có người này, nhóm nọ đến xem và đòi mua ngay sau khi tác phẩm đã hoàn thành. Đúng là đã có nét tương đồng giữa người yêu thích hội họa và họa sĩ. Cái nhìn của tôi đã nói thay họ trên tác phẩm khi bày tỏ sự mến chuộng nét đẹp sang nhã, hồn hậu và chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam”.
Sau ngày họa sĩ Lương Xuân Nhị qua đời, tìm hiểu thêm về cái duyên nghệ thuật của ông với phái đẹp, nhiều tài liệu tiết lộ cho thấy, nguyên nhân là từ thời trai trẻ, nhiều bạn bè đến nhờ ông vẽ cho vợ mình để kỷ niệm (ông thường vẽ 2 bức, một bức để cho tặng người bạn, còn một bức giữ lại). Cũng có nhiều cô, nhiều bà đến đặt hay nhờ ông vẽ. Không ít bức họa ông được giới chơi tranh đặt mua ngay khi còn đang vẽ. Dù vậy, đáng chú ý, là  trong vô số những bức chân dung ấy, vẫn có một bức chân dung dường như ông luôn giữ lại bên mình. Đó là bức chân dung vẽ người thiếu phụ có nét đẹp đoan trang, đài các, nhưng đôi mắt đượm buồn, gợi nhắc đến một nỗi niềm u uẩn. Nhiều năm khi ông còn sống, từng có một người  khách Israel, tìm đến nhà ông đòi mua bằng được, với bất cứ giá nào, bởi bức tranh gợi nhớ đến người yêu anh ta, nhưng ông không bán. Bức tranh ấy có tên “Thiếu phụ”, là chân dung người vợ của bạn ông vào khoảng những năm 1940.
Khi gặp bà, Lương Xuân Nhị linh cảm mình cần phải lưu giữ lại hình ảnh người phụ nữ vào khoảnh khắc này, không thể chậm trễ hơn. Dù trong ánh mắt bà ẩn chứa sự u buồn, nhưng nhìn bà, người ta vẫn thấy sự bình lặng, viên mãn. Một thời gian sau, người thiếu phụ qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói rằng, dù lúc cuối đời ông không căn dặn gì, nhưng gia đình hiểu tâm nguyện của ông mong muốn giữ lại bức chân dung Thiếu phụ này.
Tác giả Kỳ Thư, trong một bài viết có nói thêm: “Bức tranh “Thiếu phụ” không phải là một tác phẩm có kích cở lớn như nhiều người nghĩ. Nó chỉ khoảng khổ tờ báo A3. Đó thực ra chỉ là một bức ký họa sâu, một phác thảo nhanh, chứ chưa phải là một tác phẩm đúng nghĩa. Vẻ đẹp của nó là do người mẫu, và do nét vẽ “nịnh mắt” khoáng đạt của một họa sĩ trẻ tuổi có kỹ năng tốt, rất hấp dẫn với người ít xem tranh. Có lẽ họa sĩ đã giữ nó với sự trân trọng kỷ niệm đúng như ông nói hơn là để nghiên cứu đưa nó vào một tác phẩm hoàn hảo hơn. Bức phác thảo đó như là một bài thơ rất ngắn, và rất rất duyên xinh.
Những ngày này, sau 8 năm, kể từ lúc họa sĩ Lương Xuân Nhị vĩnh viễn đi xa, tại căn gác nhỏ (29 Cửa Nam, Hà Nội) - nơi ông từng sống và làm việc vẫn được gia đình gìn giữ nguyên vẹn, với đủ đầy những kỷ vật thân thiết xưa cũ. Nhiều thân hữu và những người yêu quý nghệ thuật Lương Xuân Nhị vẫn tìm đến không gian hoài cổ với những bức tranh đẹp mê hồn của người họa sĩ tài hoa. Bởi đằng sau những bức tranh, đằng sau những toan màu của ông vẫn còn ẩn chứa bao điều bí mật diệu kỳ, và là hiện thân của cái đẹp trường tồn vượt thời gian…
Ảnh: 
1/ Bức tranh chân dung “Thiếu phụ” 
của họa sĩ Lương Xuân Nhị

2/ Họa sĩ Lương Xuân Nhị 
qua nét vẽ Đỗ Mạnh Cương
Box:
Làm nghệ thuật, bất kỳ môn gì, trước hết phải bằng những tình cảm thật trong lòng mình. Như thế nghệ thuật mới phong phú, vì quả là không ai giống ai. Mỗi người một đời, một quan niệm. Người ta có thể thay đổi cách vẽ, cách nghĩ, điều đó phần lớn chịu tác động bởi dòng chảy thực của đời sống xã hội. Khi mới học xong, tôi cứ nghĩ mình sẽ gắn bó với tranh lụa bởi một trong những tác phẩm đầu tiên vẽ lụa của tôi đã được người Mỹ mua vào năm 1938, với một món tiền kha khá thời đó. Và hơn nữa vẽ lụa dễ truyền đạt tình cảm, vẻ đẹp Á Đông của người mình. Chúng tôi ngày xưa được học rất kỹ lưỡng, nhất là hình họa, nhưng con mắt nhìn cảnh vật vẫn hoàn toàn bị chi phối bởi chủ nghĩa ấn tượng Pháp. Điều đó cũng tốt, nhưng rõ ràng thiên nhiên và con người Việt mình vẫn có cái huyền bí, tế nhị riêng, làm sao thể hiện được cái đó mới thoát khỏi cái bóng của các thầy mình. Khi tôi lên Sa Pa vẽ cảnh núi chìm trong mây, chỗ mờ, chỗ tỏ bằng sơn dầu, tôi mới thấy hết được giá trị của cách nhìn thuỷ mặc lại được thể hiện bằng màu dầu. Nó sẽ khác xa với hội hoạ Trung Hoa lại ít bị lệ thuộc vào ánh sáng của chủ nghĩa ấn tượng. Tôi chuyển hẳn sang sơn dầu từ ngày đó.
(Họa sĩ Lương Xuân Nhị)
Trần Trung Sáng
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đẹp Phần Thứ Nhất - I - Thôi, Loan ạ chờ Nam vào hãy hay. – Ngọc cứ để mặc em. Thu xếp trước đi thì vẫn hơn. Để bề bộn, anh ấy vào a...