Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

Câu chuyện về thi ca

Câu chuyện về thi ca 
LỜI MỞ ĐẦU
Nhà thi sĩ nói: “Con người sống ở đời như nhà thi sĩ.” Phải chăng, đời là một cõi mộng và con người là kẻ đi trong cõi mộng này? Phải chăng, đời là một cõi thực và con người không ai là không có riêng cho mình một cõi mộng từ trong những khổ lụy của cái cõi thực kia? Hay phải chăng, đời chỉ là một cõi của lưu đày và con người chỉ là kẻ mang niềm hoài vọng không nguôi, đi tìm lại quê hương đã mất của mình? Câu nói lơ lững như chính cái lơ lững của cuộc đời và của thi ca.
Nhưng chính vì thế mà, người ta có thể nói rất nhiều về thi ca, nói mãi cũng không cùng mà lại vẫn như không nói được gì. Cũng như con người, như cuộc đời… Tất cả vừa như hiển bày ra đó mà lại cũng vừa như một ẩn số muôn đời, kêu gọi và thách thức mọi tìm kiếm, khám phá. Thì ra, cái cụ thể nhứt - tưởng chừng như dễ hiểu nhứt-lại cũng là cái bất định nhứt và như khó hiểu nhứt. Triết lý, nghệ thuật, văn chương, thi ca… vốn không nằm trên một đường thẳng cho con người dễ dàng định được nẽo tiến đường lui. Và vì thế mà, những trình bày về thi ca ở đây chỉ là một “CÂU CHUYỆN VỀ THI CA”, một câu chuyện góp thêm vào muôn ngàn câu chuyện mà bao người đã nói trong suốt cả cuộc đời dài. Nó không phải là một công trình nghiên cứu, biên khảo để nhằm đưa ra một kết quả về mặt lý luận hay về lịch sử và khuynh hướng của thi ca. Nó chỉ là một trao đổi những kinh nghiệm về một số khía cạnh của thi ca mà chính thi ca đã tự mở ra trên con đường đi của nó; những khía cạnh về bản sắc của thi ca và về mối tương quan của nó với chân lý, triết lý, với cuộc đời, tôn giáo… Sự thiếu sót, do đó là điều không thể tránh. Ở một hai khía cạnh về mối tương quan, nó lại chỉ mới nói được một phần rất nhỏ với riêng một lãnh vực. Âu là xin mượn cái phần nhỏ với riêng một lãnh vực đó mà nói chung cái phần lớn với những lãnh vực tương tự vậy. Thêm nữa, nếu cuộc đời chỉ là cuộc đời với tôi trong ý nghĩa mà tôi đã cho nó thì thi ca với tôi, trong ý nghĩa mà tôi đã cho nó. Cái khách quan của những nhận định ở đây, đo đó cũng là điều không thể đáp ứng được.
“Khách lại bất vấn nhân gian sự,
Chỉ bạng lan can khán thúy vi”
Ngày xưa, có một người khách đã đến với cuộc đời không một câu thăm hỏi như thế. Người khách đến chỉ là để nhìn ngắm mây trời màu trời. Bởi hơn bất cứ ai, người khách biết rằng, có thăm hỏi, mở lời nói năng thì cũng chẳng biết thăm hỏi, nói năng sao cho cùng. Thôi thì chỉ còn IM LẶNG. Nhưng ai dám bảo ẩn sau cái im lặng kia, người khách đã không gởi lại cho đời cả một tấm lòng?
Nghệ thuật, thi ca rồi cũng sẽ đi trên con đường về của im lặng. Nhưng trên đường về của im lặng này, nghệ thuật, thi ca đích thực rồi sẽ còn mãi những âm hưởng vô cùng của cả một tấm lòng mà hơn một lần, nó đã được đem dâng hiến cho đời.
“CÂU CHUYỆN VỀ THI CA” ở đây chỉ là câu chuyện về những tấm lòng đó đây mà người trao đổi đã từng gặp gỡ cũng bằng cả cái tấm lòng của mình. Hay là bởi cái rung động của tấm lòng kia vốn chân thành thi thiết mà không hay, thì đó do cái vụng về của người trao đổi vậy.
Cuối xuân Tân Dậu
HUYỀN KHÔNG
I- ĐẶT VẤN ĐỀ
Trước khi phân tích thi ca, chúng ta hãy thử minh định lại vấn đề THI CA LÀ GÌ? Trong khuôn khổ của phần này thì quả thực đây chỉ là thủ tục, nhưng đồng thời cũng là một thủ tục cần thiết, như thủ tục chiếu khán nhập nội đối với một du khách trước khi đi vào một xứ lạ vậy.
Thi nhân đi vào đời với cảm nghĩ… “một con chom đến từ xứ lạ, ngửa cổ hát chơi.” (X.D) Chúng ta cũng sẽ đi vào thế giới thi ca với đôi mắt tò mò, tra hỏi về những tiếng hát lạ của những con chim lạ.
Trên căn bản câu hỏi “Thi ca là gì” chúng ta sẽ đi vào những câu hỏi chi tiết hơn, cụ thể hơn như thế này:
- Điều gì giúp chúng ta phân biệt đối tượng thông thường của cảm quan tri giác với đối tượng của thi ca, của nghệ thuật?
Điều gì làm cho một câu thơ khác với một câu văn, một bài thơ và một bức họa, một điêu khắc phẩm?
- Điều gì làm cho một bài thơ hay khác với bài thơ dở?
- Điều gì làm cho tho Đạo khác với thơ Đời? Làm cho thơ nhà Phật khác với thơ thông thường?
Đại để đó là những câu hỏi thủ tục mà chúng ta không thể bỏ qua trước khi nói đến thi ca. Và chúng ta sẽ dần dần đi vào từng câu hỏi một như đã nêu trên.
II- ĐỐI TƯỢNG CỦA THI CA. ĐỐI TƯỢNG CỦA CẢM QUAN.
Nhắc đến thi nhân, người ta vẫn thường liên tưởng đến những kẻ lêu bêu không tưởng, những người chỉ nói lên những chuyện đâu đâu. Homère nói đến thế giới huyền thoại với những tác phẩm trường thiên: Illiade và Odyssée. Dante nói đến Thiên Đàng và Hỏa Ngục với Comédie Divine. Nguyễn Du với văn tế Thập Loại Chúng Sanh ảo dị. Phái Dada ở Pháp làm thơ bằng cách xổ số ngôn từ: Viết trên mỗi miếng giấy một chữ, vò lại và bốc ra gặp chữ nào thì ghi chữ ấy kết lại mà thành “câu thơ” bất kể ý nghĩa. Bích Khê thích nói về Tinh Huyết. Huy Cận trước kia muốn đốt cháy cả cuộc đời để có ánh Lửa Thiêng.
Những sự kiện vừa nêu ra đã tạo cho chúng ta ấn tượng. Cuộc đời của thi sĩ khác hẳn cuộc đời của thế nhân bình thường và thi sĩ nhìn thấy những đối tượng mà đôi mắt trần tục của những con người thường như chúng ta không hề nhìn thấy, không thể nhìn thấy.
Quả thực đó chỉ là một cách thần tượng hóa nhà thơ, thần tượng hóa thi ca. Trước khi một thi sĩ, thì thi nhân ĐÃ LÀ một người. Trước khi ngôn ngữ trở thành tiếng thơ thì ngôn ngữ ĐÃ LÀ tiếng người.
Thơ không phải là điều từ trời cao rơi xuống, là một thiên ân phú bẫm hay một quà tặng của “Nàng Thơ”. Thi nhân không phải là kẻ bị phát vãng xuống trần vì phạm tội trên thiên cung. Nhà thơ là một người, và đối tượng của thơ, hay ít ra chất liệu của thơ là cuộc đời. Không sống thì không có thơ, không có cuộc đời thì cũng không có thơ, dù thơ có thể là một cách bạo hành với đời, một cách chạy trốn cuộc đời, một cách vượt thoát hiện hữu.
Nói như vậy không có nghĩa là xác nhận “nghệ thuật vị nhân sinh” hay phủ nhận “nghệ thuật vị nghệ thuật”, nghĩa là làm sống lại cuộc đời cãi vã chẳng đi đến đâu từng kéo dài bao thế hệ qua; thơ mà chỉ muốn vì đời sống thì tức là đã cực đoan đẩy thơ đến chỗ hò vè, hò bài chòi, hò giả gạo, văn công, thi công”. Thơ mà chỉ muốn vị nghệ thuật tức là đã tự ly khai khỏi hiện hữu, tự trừu tượng hóa cuộc đời. Có thơ vì có hiện hữu, nhưng không phải làm thơ là chỉ vì hiện hữu, chỉ cho hiện hữu thường thái này.
Đối tượng của thơ và đối tượng của hiện hữu thường thái, từ căn bản thực hữu, chỉ là một. Đối tượng đó chính là “muôn sự của chung” là “kho trời chung” vậy.
Những đối tượng của thi ca và nói cung của nghệ thuật lại cũng không phải chỉ là đối tượng của tri giác thông thường. Nếu chỉ có “kho trời chung” mà không có “vô tận của mình riêng” (NCT) thì sẽ không có thơ, không có nghệ thuật.
Sống là ở đời, nghĩa là mặc nhiên tạo nên những quan hệ giữa tự ngã với người đời. Quan hệ đó có hai đặc điểm, quan hệ sống mặc nhiên và quan hệ tra hỏi.
Chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật hay quan niệm “bài thơ hay nhất là bài thơ không bao giờ được viết ra” chẳng hạn là những chủ trương và quan niệm đã bỏ quên cái quan hệ hiện hữu mặc nhiên đó. Thi sĩ chẳng phải là kẻ trời sai xuống, chẳng phải là kẻ có một sứ mệnh thiêng liêng hoặc ân thiên khải nào. Thi ca cũng chẳng phải là một món quà ngoại thế, nhưng chính là sản phẩm của một cách thế ở đời, một cách thế nhìn đời khác thường. Một cách thế nhận thức về cái “kho trời chung" theo quan điểm “vô tận của mình riêng”.
Thi sĩ chính là người có cái nhìn vô tận, những ước vọng vô cùng khác thường đó. Khả năng lãnh hội, khả năng nhận thức vô tận, vô cùng đó đã biến những đối tượng thông thường của tri giác và cảm giác thông thường thành đối tượng của thi ca, thành đối tượng của thơ. Thi ca chẳng nói điều gì khác đời, không phải của đời. Đối tượng của thơ cũng chẳng gì khác hơn là trăng, là gió, là mây nước, là nhớ thương, là người yêu, người ghét, người buốn, người giận. Nghĩa là những đối tượng thông thường, những sự việc bình thường đã tạo ra thành đời sống bình thường.
Tuy nhiên, trăng được đem vào thơ thì không còn là trăng thường nữa. Và gió, và mây, và người yêu, ngươi ghét cũng thế. Chẳng vì thi sĩ có chiếc đủa thần hay có một huyển lực nào đó làm cho đối tượng thông thường trở thành khác thường. Đối tượng trước sau vẫn là đối tượng đó. Khác chăng chỉ là cái nhìn về đối tượng ấy mà thôi. Thi ca là một CÁI NHÌN BIỆT THUỘC về những đối tượng, những tương giao bình thường.
Những tâm trí bất thường, những người điên, những người bị bệnh thần kinh cũng có thể có những cái nhìn biệt thuộc như thế. Và như vậy thì phải chăng những hạng người đó cũng là thi sĩ? Rất có thể. Trang Chu có thể là kẻ đã mộng thấy mình là bướm. Nhưng ai dám chắc là không phải bướm đã mộng thấy mình là Trang Chu? Lý Bạch lầm trăng dưới lòng sông là trăng thật nên mới chết đuối, hay chính vì Lý Bạch đã thấy rõ trăng trên trời và bóng trăng dưới lòng sông cũng đều là trăng giả, và tất cả mọi sự đều là ảo hóa, giả tạm. Hiểu như vậy, thì cái chết của Lý Bạch lại chính là một hành động “tự tử” tuyệt đối phủ nhận cuộc đời chứ chẳng phải Lý Bạch đã chết vì say, vì nhận lầm.
Giữa say với tỉnh, điên với không điên, mộng với thực… biên giới quả là mong manh. Thi ca nằm ngay trên biên giới đó. Những điểm đặc sắc của thi ca, điều làm cho thi ca không phải là một chuyện điên khùng, ảo hoặc chính là ở chỗ thi ca cần có sự THÔNG CẢM, THƯỞNG THỨC của kẻ khác. Giá trị của thi ca không phải chỉ tùy thuộc vào bài thơ, hoặc chỉ tùy thuộc người thưởng thức hay độc giả nhưng là tùy vào TƯƠNG QUAN GIỮA BÀI THƠ VÀ NGƯỜI ĐỌC THƠ. Thi sĩ có thể là một con người cô đơn, nhưng thi ca không thể tồn tại trong sự cô độc, thơ không phải là một cách độc thoại mà là một cách truyền đạt kinh nghiệm cho tha nhân. Giá trị của thi nhân là một giá trị cần được tha nhân bảo chứng. Thiên tài có thể là người nhiều kiêu hãnh và tự đắc,... Không có niềm kiêu hãnh và tự đắc đó thì cũng không có thi ca, không có nghệ thuật, nhưng kiêu hãnh và tự đắc không phải là điều kiện tất yếu của thiên tài.
Không thiếu gì những thi sĩ chán ghét tha nhân, thù hằn với hiện hữu của chính mình; cũng không thiếu gì những thiên tài chỉ sống với niềm kiêu hảnh của sáng tạo, và đã tự xem như là Thượng Đế của thế giới kinh nghiệm và cảm xúc của riêng mình. Nhưng kiêu hãnh, hận đời, yếm thế và tự hào đến bao nhiêu chăng nữa thì thi nhân vẫn không thoát khỏi lệ định của sự sáng tạo: sự vật được sáng tạo phải có, nghĩa là phải tồn tại. Và bài thơ, cũng như bất cứ một sự vật nào khác, cũng chỉ TỒN TẠI CÓ Ý NGHĨA với một ý thức, nghĩa là với tha nhân, với đọc giả, với người thưởng ngoạn mà thôi. Đây là điều kiện vinh quang mà cũng là nguyên ủy sa đọa của thi sĩ, nhưng đây cũng là điều bất khả kháng. Nghệ thuật hay riêng thi ca, không phải là tất cả những gì đã được sáng tác, trái lại là những sáng tác đã được thưởng thức và còn được nhớ đến, nhắc nhở đến. Có những thiên tài lịm chết hay qua đi trong lãng quên là vì vậy.
Thi ca vẫn được xem là một nỗ lực thoát khỏi cuộc đời bình thường, cái nhìn bình dị. Nhưng giá trị của thi ca thì vẫn gắn liền với cuộc đời, với thế nhân. Không có sự gắn bó đó thì giá trị của thơ chỉ còn là một giả định. Không có nổ lực đó thì thơ cũng sẽ không còn là thơ nữa.
Nếu với nhà thơ “trăng gió” chỉ là trăng gió theo nghĩa thông thường được ghi trong tự điển hay trong các sách khoa học thì trăng gió TRONG thi ca sẽ không phải là trăng gió CỦA thi ca. Nhưng thi sĩ lại cũng không phải là kẻ có toàn quyền sáng tạo ra những Ý NGHĨA hoàn toàn mới cho ngôn ngữ thông thường, hoặc sáng tạo ra những NGÔN NGỮ hoàn toàn mới. Nỗ lực của thi nhân là khám phá ra những ý nghĩa còn đang bị che dấu, những khía cạnh còn đang bị khuất mờ của thực tại chứ không phải là sáng tạo một thực tại mới mà những quan điểm, những bận tâm, những chú ý khác đã không khám phá ra được. Giá trị của thi nhân tùy thuộc ở nổ lực vượt thoát và cố gắng khám phá vừa kể.
Thi ca không làm cho đời vui thêm hay buồn thêm. Thi ca chỉ làm cho đời thêm “mới lạ”. Và mỗi sự mới lạ đều chỉ là mới lạ khi được so sánh với các cái cũ, cái đã có và sẵn có mà thôi.
Khám phá điều mới lạ của cuộc đời không phải là chạy trốn đời nhưng là đến gần đời hơn, sống nhiều với đời hơn, để có thể yêu đời hơn. Cũng như yêu một người thì phải làm cho người yêu không còn là người thường nữa. Thi ca và thi nhân cũng thế. Thấy sự khác lạ của cuộc đời và làm cho cuộc đời trở nên mới lạ là căn bản sáng tạo của cuộc đời và làm cho cuộc đời trở nên mới lạ là căn bản sáng tạo của thi ca và của nghệ thuật nói chung vậy. Theo nghĩa ấy mà xét thì ai cũng có thể là thi sĩ cả. Tuy nhiên điều khác biệt ở đây chính là chỗ thi nhân đã quyết định và lựa chọn một "KỸ THUẬT" biệt thuộc để diễn tả kinh nghiệm khác lạ và mới lạ của mình. Kỹ thuật đó là kỹ thuật thi ca vậy. Mặt khác, thơ cũng chỉ là thơ chứ không phải như văn hay những hình thái diễn đạt khác không phải là thơ. Nói cách khác thơ chỉ là thơ khi nào thi nhân MUỐN TÔN TRỌNG KỸ THUẬT của thơ, và đọc giả cũng muốn nhìn thơ theo nhãn quan kỹ thuật đó.
Tóm lại, đến đây thì chúng ta có thể xác nhận vài điểm như sau về sự dị đồng giữa thi nhân và thường nhân, giữa cái nên thơ và cái bình thường: Giống nhau về ĐỐI TƯỢNG và KINH NGHIỆM, khác nhau về CÁCH NHÌNLỐI DIỄN ĐẠT cái nhìn đó, kỹ thuật diễn đạt kinh nghiệm đó.
III - BẢN SẮC CỦA THƠ
Điều gì làm cho một bài thơ một bài thơ, một bài thơ KHÁC một bài văn? Thơ là những nghệ thuật, nhưng thơ KHÁC VỚI NHỮNG NGHỆ THUẬT KHÁC như thế nào?
Trước tiên hãy nói đến thơ văn. Phải nhận rằng thơ chỉ là thơ khi người làm thơ tự nhận mình là nhà thơ và mình làm thơ chứ không phải làm văn. Mặt khác, thơ cũng chỉ là thơ và mình làm thơ chứ không phải làm văn. Mặt khác, thơ cũng chỉ là thơ khi nào người đọc nhận cái điều mình đang đọc là thơ chứ không phải gì khác. Bản sắc của thơ do đó mà tùy vào một sự XÁC QUYẾT và đồng thời, một thừa nhận. Thơ là một quy ước để diễn tả một kinh nghiệm, và đồng thời để lãnh hội sự diễn tả một kinh nghiệm.
Ngày xưa người ta có rất nhiều cách xác quyết hay định nghĩa về thơ, nhưng tiêu chuẩn chính của sự xác quyết ấy thì trước sau vẫn là NIÊM LUẬT. Niêm luật là định chuẩn, là khuôn thước của thơ, không có niêm luật thì không có thơ.
Nhưng niêm luật để làm gì? Bằng trắc để làm gì? Đã hẳn người ta có thể trả lời để cho bài thơ được nhận như là bài thơ. Thế nhưng đó chỉ là một định nghĩa vụ hình thức. Rất nhiều bài thơ dùng niêm luật nhưng lại không được nhận là một bài thơ. Và đã là thơ mà không hay thì cũng chẳng cần đến thơ hay kỹ thuật thơ làm gì nữa!
Niệm luật không phải tiêu chuẩn thiết yếu để định nghĩa thơ thơ vì lẽ d6ẽ hiểu là không hề có một niêm luật đơn nhứt tuyệt đối. Có rất nhiều thể thơ, nghĩa là có rất nhiều loại niêm luật. Mà đã có nhiều loại niêm luật thì cũng không còn là niêm luật nữa.
Niêm luật không phải là bản sắc của thơ, mà chỉ có điều kiện làm cho bản sắc của thơ có thể hiển lộ. Bản sắc đó chính là NHẠC TÍNH của thơ, nội dung của thơ vậy. Nhạc tính là một HÌNH THÁI ÂM THANH của thơ, nội dung của thơ vậy. Nhạc tính có một HÌNH THÁI ÂM THANH của thơ, là nhịp điệu, tiết điệu và âm điệu của thơ. Không có tiết điệu và âm điệu thì thơ không còn gì là thơ nữa. Thơ viết ra để mà NGÂM chứ không phải để mà đọc, như một bản nhạc được viết ra để mà hát, mà trình tấu chứ không phải để mà đọc vậy. Thi nhân ngày xưa thường đi đôi với “cô đầu”, ca kỷ là vậy.
Tiết điệu, âm thanh, nhạc tính là bản sắc của thi ca. Niêm luật là một phương thế lm àcho bản sắc ấy được hiển lộ. Cũng như những kỷ thuật tập luyện thể dục đã tạo điều kiện cho bản sắc một lực sĩ đẹp được hiển lộ vậy. Do đó, làm thơ mà cứ bo bo bám lấy niêm luật, để cho niêm luật ám ảnh thì cũng chẳng khác gì một người vừa cúi nhắc cặp tạ vài cái đã ngỡ mình là lực sĩ đẹp vậy. Thơ bảo đảm cho sự hiệu dụng của niêm luật, chứ không phải niêm luật bảo đảm cho sự thành công của thơ. Bảo đảm cho sự thành công của thơ chính là âm thanh, tiết điệu và nhạc tính của thơ vậy. Bảo đảm ở chỗ đó là những CHỈ SỐ, những dấu hiệu cho thấy được sự thành công của nhà thơ, của bài thơ. Thành công cái gì? Điều gì?
Vì quên mất hiện hữu uyên nguyên, kinh nghiệm uyên nguyên về cuộc đời cho nên nhiều lúc người ta cũng đã quên luôn bản chất của thơ là một kinh nghiệm, và cụ thể là một cách diễn tả kinh nghiệm về cuộc đời. Thơ là một cách hiểu, một cách sống với đối tượng, sống với hoàn cảnh. Có nhiều cách thế hiểu biết, hiểu biết thường nghiệm, hiểu biết thực nghiệm, hiểu biết siêu nghiệm. Hiểu biết gần với bản năng, hiểu biết thực nghiệm liên hệ với trí huệ, hiểu biết siêu nghiệm gần với linh giác, trực giác. Hiểu biết thường nghiệm chỉ là một cách né tránh hay sở hữu đối tượng, nghĩa là một cách kinh nghiệm trong đó CHỦ THỂ chiếm ưu thế. Hiểu biết thực nghiệm như khoa học là một kinh nghiệm trong đó ĐỐI TƯỢNG chiếm ưu thế. Hiểu biết siêu nghiệm thì chẳng còn ưu thế của ĐỐI TƯỢNG mà cũng chẳng còn ưu thế của CHỦ THỂ. Bergson gọi đó là trực quan. Trực quan hay linh giác là một hiểu biết trong đó chủ thể và đối tượng đã không còn một  biên giới ngăn cách cụ thể nào. Connaitre la co-naitre ( hiểu là cùng sanh thành).
Hiểu biết đích thực không phải là biết mình, biết người,nhưng là hiểu  được “mình với ta tuy hai mà một” vậy. Nói cách khác, hiểu biết đích thực là một sư HÒA ĐỒNG, hòa hợp vươn khói bản năng và trí tuệ vậy. Mình với ta tuy hai mà một, có nghĩa là không còn mình, cũng không còn ta nữa. Trong trình độ hiểu biết này, chủ thể đã tự xóa mình là chủ thể, để xóa luôn những ngăn cách trí huệ, bản năng, thành kiến, lý luận giữa chủ thể và đối tượng.
Không xóa được những ngăn cách đó thì cô thôn nữ sẽ không thế nào “múc ánh trăng vàng”, thì Huy Cận sẽ không thể nào mời gọi:
“Chiều ơi hãy đến thăm ta với
Thiên hạ đìu hiu đời trống không”
Người ta vẫn thường gọi những cách hiểu nên thơ ấy là “nhân cách hóa”, là tỉ dụ, hoán dụ… Thực ra, đó là một sự hòa đồng, hòa hợp. Không có được sự hòa đồng, hòa hợp đó, không có được tình trạng đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu đó thì thơ khó mà còn là thơ nữa.
Âm thanh, tiết điệu, nhạc tính, niêm luật… chính là những điều phát xuất từ kinh nghiệm hòa đồng hòa hợp ấy, và mặt khác là những phương tiện mở đường cho người đọc thơ sống với, và sống lại kinh nghiệm hòa đồng hòa hợp đó của thi nhân.
Làm thơ không chỉ là thấy sông sông, núi  núi, nhưng là thấy được sông núi HỮU TÌNH, nghĩa là sông núi  có một mối giao hòa với con người , với thi nhân. Thể nghiệm được mối giao hòa đó là SỐNG THƠ, diễn đạt được mối giao hòa la LÀM THƠ, truyền đạt được kinh nghiệm giao hòa đó cho kẻ khác tức thành công của thơ. Âm thanh, tiết điệu, nhạc tính giữ một vai trò tối quan trọng trong sự thành công đó.
Nếu văn, họa, điêu khắc cột chặt người thưởng ngoạn vào tác phẩm, thì trái lại, thơ và nhạc lại đưa người ta vào một thế giới không còn nghệ phẩm, không còn nghệ sĩ, không còn chủ thể thưởng ngoạn nữa. Bản sắc của thơ do đó cũng là siêu thực. Siêu thực không phải không tưởng nhưng là sống với thực tạu bằng một ý thức cao hơn ý thức duy sinh, duy dụng, duy lý. Ý thức cao hơn là thấy được sự vật NHƯ LÀ sự vật, không theo một thành kiến, một nhãn quan thực tiễn nào, hoặc chỉ theo thành kiến hay nhãn quan của “con tim” nghĩa là của cảm xúc, của rung động mà thôi.
Siêu thực không phải là phủ nhận sự vật nhưng chính là thấy được sự vật như là sự vật vậy. Có thể nói chính hiện hữu thường nhật, chính sự tính toán, suy luận, phân tích, đo lường thực nghiệm, thực dụng mới là những cách phủ nhận sự vật. Với cuộc sống thường nhựt, cái bàn chỉ ĐỂ MÀ viết, ghế ĐỂ MÀ ngồi, với cái nhìn thực nghiệm thì không bao giờ có cái hoa ĐẸP, vì theo quan điểm thực vật học chẳng hạn, hoa chỉ là một  cơ quan sinh dục.
Muốn thấy được sự vật như là sự vật thì phải ly khai với cái nhìn thường nghiệm, thực nghiệm nghĩa là với thành kiến này hay thành kiến khác. Thơ là một nổ lực ly khai ấy. Một sự ly khai gần như là phú bẩm, tự nhiên. Chính khả năng diêu thực hóa thực tại, khả năng ly khai ấy đã giúp cho thi nhân biến “ kho trời chung” thành “ vô tận của mình riêng”vậy.
Càng sống, càng lớn, càng già, con người càng xa nguồn sống, càng xa thế giới uyên nguyên, hiện hữu nguyên. Thế giới đó đã bị “ tiến bộ” vượt bỏ, lý trí phủ nhận, nhưng thế giới đó vẫn tồn tại trong ký ức của mỗi người, mỗi dân tộc; thế giới huyền thoại, nguyên thủy, trong đó người, cỏ cây và muôn thú đều hữu tình, hữu ngôn. Thi ca chính là một cách phục hồi khả năng tái hoạt thế giới ấy, một cách gọt giũa lại cái cảm xúc, rung động, đã chai lỳ, cùn nhựt của kiếp người chỉ còn biết những gì là hữu ích, hữu dụng, hữu lý mà thôi.
Vì muốn phục hồi và có khả năng phục hồi thế giới đích thực và uyên nguyên ấy, phục hồi tính cách tự tại của sự vật, tính cách thường hằng của đối tượng nên thi ca đã trở thành siêu thực, thi ca phải ly khai. Ly khai với thành kiến, với chấp kiến, vốn là những hàng rào ngăn cách con người với thực tại đích thực, không cho con người thấy được bản chất đích thực của thực tại. Thành bại hay giá trị của thi ca tuy thuộc ở khả năng siêu thực, khả năng ly khai, và đồng thời là khả năng giao hòa như vừa nói vậy.
Nói đến thành bại, giá trị đó của thơ là điều rất khó.
Bài thơ hay đã hẳn không phải là bài thơ chưa hề được viết ra.
Nhưng bài thơ hay cũng chưa hẳn là bài thơ từng được số đông nhận là hay hay bài thơ đã được trúng giải này nọ. Đó cũng chẳng qua chỉ là những lệ định. Hội đủ tất cả những điều kiện cụ thể của một bài thơ hay chưa hẳn đã là có được một bài thơ hay. Thơ là một kinh nghiệm sống thực chứ không phải là một sự kiện, sự vật. Vấn đề tiên quyết đặt ra là kinh nghiệm sống thực đó có giúp thi nhân, và kẻ thưởng ngoạn về sau đạt đến cùng đích của hiện hữu là giao hòa với vũ trụ, với cuộc đời, với môi trường sống hay không. Nói đến giá trị của thơ do đó là nói đến một giá trị TƯƠNG ĐỐI, không phải tương đối theo nghĩa TƯƠNG QUAN hoàn cảnh sống thực của nhà thơ khi sáng tạo cũng như của người thưởng ngoạn khi đọc, khi ngâm hay được nghe ngâm bài thơ đó vậy.
Càng sống thực thì thơ càng hay, và thơ càng hay thì càng cho người đọc nhiều cơ hội sống thực; Sống thực không phải là sống với cái cụ thể, mà đồng thời cũng là cái phù ảo. Sống thực chính là sống với cái thường hằng, siêu thực, vĩnh cữu. Sống thực là hòa tình người với tình núi sông, cây cỏ, là hòa tiểu ngã với đại ngã, là hòa hợp hồn cá nhân với hồn vũ trụ.
Sự hòa hợp đó cũng chính là sự hòa hợp có tính cách tín ngưỡng vậy.
IV- THI CA VÀ CHÂN LÝ, CHÂN LÝ CỦA THI CA.
Thi ca là một lối sống, và là một lối nhận thức, một lối dùng ngôn từ tiết điệu để diễn tả một kinhnghiệm. Mục tiêu của sự sống , của nhận thức và nền tảng giá trị của sự diễn tả kinh nghiệm đó là chân lý.
Thi ca có thể đạt đến chân lý không? Chân lý của thi ca có những đặc điểm nào?
Từ Platon và Aristote, thi ca đã được xem không phải như một hành động sáng tạo mà chỉ là một hành động mô phỏng, bắt chước. Thi ca là của cảm giác, của tưởng tượng, hữu hạn và sai lầm. Chỉ có lý trí, trí huệ mới là dụng cụ đích xác giúp con người đạt đến chân lý. Đạt đến chân lý là đạt đến ý niệm, đạt đến yếu tính trừu tượng và phổ  biến của sự vật. Trong khi đó cảm giác và tưởng tượng lại chỉ đạt đến hình sắc cụ thể. Thi ca không phải được xem như một sư say sưa uỷ mị mà còn là một con đường lầm lạc.
Sự độc quyền lý trí thời trung cổ đã được yểm trợ bằng sự độc tài của đức tin. Trung cổ Tây phương là thời đại khó khăn khắc kỷ. Thi ca chỉ được phục hồi khi con người Tây phương chán ngán kinh hoàng với nền độc tài của đức tin và lý trí. Sự chán ngán đó là một trong những nguyên ủy của thời phục hưng, thời lãng mạn và siêu thực.
Thi ca Tây Phương chỉ sống động khi con người đã chán ngán với những công thức sống, những mệnh lệnh nhận thức, những áp đặt của thần học. Sinh khì Thi Ca Tây phương chỉ được phục hoạt khi con người muốn từ bỏ mọi rào cản của lý trí, của tín lý, của đạo đức đã điều hướng cuộc sống và kinh nghiệm của mình để tự mình trở về với chính mình, tự mình tìm đến với nhân giới và nhiên giới, khi con người không còn muốn chỉ sống với lý trí, trí huệ mà còn muốn sống bằng tình cảm, bằng tưởng tượng, bằng cảm xúc. Thi ca là một làn hơi ấm thổi vào thế giới lạnh lung giá buốt của lý trí, một làn gió mát thổi vào thế giới nóng bức của mặc cảm tội lỗi và lòng kinh sợ hỏa ngục.
Bằng con đường tình cảm, cảm xúc và tưởng tượng, thi ca quả cũng đã đạt đến một chân lý nào đó. Một chân lý nồng nàn, sinh động và hữu hạn, hữu tình. Chân lý thi ca chấn động con tim và khiêu khích khối óc, đề cao tưởng tượng và xem thường lý trí, lựa chọn cái độc sáng đặc thừ và vứt bỏ cái phổ biến trừu tượng. Thi ca nói lên một kinh nghiệm đơn nhứt, biệt thuộc, ngay bây giờ và lúc này. Kinh nghiệm đó giúp con người trực tiếp với đối vật, sanh thành với đối vật.
Thi ca lãnh hội được những điều mà lý trí và đức tin không muốn thấy, không thể thấy. Nhà khoa học không thấy NƯỚC mà chỉ thấy OH2. Thi nhân lại chỉ thấy nước của một bến đò tiễn biệt, của một dòng sông hẹn hò, của một mặt hồ quạnh vắng, của một cái giếng hun hút rợn người. Đó không phải là hai chân lý (của khoa học và của thi ca) nhưng là hai cách nhìn về một chân lý một thực tại. Cái nhìn thực nghiệm và cái nhìn nên thơ. Lý trí lãnh hội đối vật như người ta hiểu một người qua bức hình chụp bằng quang tuyến X của người đó. Thi ca lãnh hội một người như một người thực, sống động, đơn nhứt, “không giống ai” và không ai có thể thay thế. Lý trí làm cho tất cả giống nhau (như những con số trên sổ thông hành). Tình cảm và cảm xúc làm cho tất cả đều khác nhau.
Có người bảo thi ca là hão huyền, là “tưởng tượng” theo nghĩa không nói có, có nió không. Thực tế thì thi ca đã nhìn thấy những điều mà nhận thức thường nhật và nhận thức khoa học không thấy được mà thôi. Nói cách khác, thi ca không chỉ nhìn thấy những gì khả dụng, khả lượng, khả tri. Khả dụng là đối tượng của cái nhìn thường nhựt, khả lượng là đối tượng của cái nhìn khoa học, khả tri là đối tượng của cái nhìn triết lý. Thi ca có thể nhìn thấy cái hữu dụng của điều vô dụng và cái vô dụng của điều hữu dụng. Thi ca có thể nhìn thấy cái khả tri như vô tri, cái vô tri như khả tri.
Người ta thường nhân danh thực tại, nhân danh lý trí, nhân danh thực nghiệm để phán đoán về chân lý của thi ca. Nhưng nhìn bằng mắt chưa phải là thấy được sự thật, và diễn đạt một điều hợp lý chưa hẳn là hợp với thị giác. Như cây gậy cắm vào nước thì GẢY, như hai đường tàu song song. Mắt nhìn cây gậy gảy trong nước, nhưng lý trí lại thấy chắc là không gảy. Mắt nhìn hai đường rầy chụm lại theo đúng phép phối hình viễn cận, nhưng thực tế, thì hai đường tàu không hề chụm lại, và nếu vẽ lên hai đường tàu không hề chụm lại thì mắt nhìn thấy không đúng… Một ngày bằng 12 giờ là một chân lý, nhưng “nhứt nhựt tại tù, thiên thu tại ngoại” lại cũng là một chân lý. Điều nào đúng? điều nào sai? Thực tế thì cả hai đều đúng. Tuy nhiên, có lúc nhân danh chân lý, người ta đã phủ nhận thi ca. Thái độ đó đã hàm ẩn nhiều hệ luận.
- Chân lý chỉ có một, và nhứt là chỉ có một cách đạt đến chân lý đó. Thi ca không phải là cách ấy.
- Chân lý là điều bó buộc ta phải hiểu dù ta không muốn hiểu, ta phải nhận dù ta không muốn nhận.
- Chân lý là điều có thể diễn tả đầy đủ trọn vẹn và thi ca bất lực trong khả năng diễn tả ấy thôi.
- Chân lý là chân lý của nhiều người phải được nhiều người công nhận.
Thi ca đã phủ nhận hoàn toàn quyết đáp độc tôn độc tài về chân lý ấy, và đồng thời xác quyết khả năng thành đạt và diễn đạt chân lý của mình:
“Bút mực tôi ai cướp giật đi,
Tôi sẽ cầm dao viết văn lên đá…”
(Phùng Quán)
Hiện tượng luận đã chứng minh “chơn lý chỉ có một”, chỉ một giả định, một cuồng vọng. Con người chỉ đạt đến những chơn lý tùy quan điểm, tùy hoàn cảnh sống mà thôi. Hột "nhứt lục” là một nhưng không bao giờ người ta có thể thấy MỘT LƯỢT cả sáu mặt của hột nhứt lục. Điều quan trọng không phải là những chơn lý khách quan, con người chẳng mấy ai chịu hy sinh cho những chơn lý khách quan như thế. Galilée “thấy rõ” quả đất quqay chung quanh mặt trời, nhưng ông đã không dại gì mà chết cho sự thấy rõ ấy. Điều đáng cho người ta sống chết là những lý chủ quan, những chơn lý đến với người qua ngõ con tim, qua lời cảm xúc, qua đường tình cảm. Người ta chỉ sống chết với những điều thông thường hay tầm thường đã được nhận như là “độc nhứt vô nhị” không thể thau thế: tự tử vì tình! Chơn lý của thi ca chính là chơn lý sống thực và có tác dụng làm cho con người sống chết đó.
Khoa học, triết học, thần học đã không còn đủ khả năng giúp con người lãnh hội chơn lý. Phương thức diễn đạt và lãnh hội chân lý hữu hiệu nhứt là thi ca. Đó là kết luận của Heidegger về thơ của Holderlin.
Điều đó, Đông phương đã quyết đáp từ mấy ngàn năm trước.
V- THƠ VÀ ĐẠO.THƠ VÀ CHƠN LÝ. THEO QUAN ĐIỂM ĐÔNG PHƯƠNG.
Người ta không thể đặt ra tương quan giữa thơ với Đạo, nếu không xác định được Đạo là gì?
Thơ là một kinh nghiệm nhận thức nặng phần cảm xúc, đầy hình sắc và âm thanh. Thơ vạch cho ta thấy một khía cạnh “KHÁC” của thực tại nếu không muốn nói là một khía cạnh sống động, đích thực của thực tại mà những lề lối nhận thức khác đã không vạch ra được hay không muốn vạch ra. Thơ đã giúp chúng ta thưởng thức được cái “ĐẸP” của thực tại, giống như vị tinh (bột ngọt) giúp cho chúng ta thưởng thức được vị ngon của thức ăn vậy.
Trí thức, khoa học chỉ có thấy cái khía cạnh LƯỢNG CHẤT của thực tại. Triết lý chỉ cho ta thấy khía cạnh siêu cảm, trừu tượng, lý luận chỉ cho ta thấy khía cạnh hữu lý hay vô lý. Chỉ có nghệ thuật, và riêng thơ, mới cho ta thấy được cả cái hữu lý của cái vô lý, cái vô lý của cái hữu lý. Nhãn quan bình thường cũng không phải là nhãn quan của thơ. Đó là một nhãn quan thực tiển, chỉ đủ cho ta phân biệt cái hữu dụng với cái vô dụng, cái lợi và cái bất lợi. Dưới nhãn quan đó, mọi sự đều trở thành thông thường, mà đã là thông thường thì không còn gì là kỳ diệu, hấp dẫn, mới lạ thì cũng không còn là thơ nữa. Thơ là một thứ “CON MẮT THỨ BA”, một lối nhìn “MỚI” (so với lối nhìn bình thường),một lối nhìn khác (so với cái lối nhìn chuyên biệt của luân lý, của khoa học, của triết học). Cái nhìn mới, khác đó có lien hệ gì với ĐẠO? với TÌN NGƯỠNG?
Muốn trả lời câu hỏi này thì trước tiên phải trả lời câu hỏi ĐẠO là gì?TÍN NGƯỠNG là gì?
Câu trả lời đúng nhứt đã hẳn là yên lặng vì, như Lão tử nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Thế nhưng chính lão tử lại cũng phải dùng cả một quyển Đạo Đức kinh để minh giải lý do tại sao lại bất khả đạo về phi thường đạo. Ngôn từ là một sự bất lực, nhưng là một sự bất lực cần thiết, chính với ý thức đó và trong giới hạn đó mà ta có thể đtạ Đạo về Đạo vậy.
Đạo là con đường theo nghĩa Trung Hoa, đạo là sự ràng buộc (religare) theo nghĩa Tây phương. Con đường dẫn đến đâu? Và ràng buộc với cái gì? Làm thế nào để đi đến đích? Và đi bằng cách nào?
Có rất nhiều cách trả lời. Đạo là đi về cõi khác, lên Niết-bàn xuống địa ngục, lên Thiên Đường. Trở về với Phật tánh chơn như, trở về với Thượng Đế, trở về với Đại Ngã, trở về với chơn giá trị của tự ngã… Bằng đức tin, bằng lý trí, bằng trí tuệ, bằng cách xóa bỏ tự ngã, bằng cách “Minh Minh đức”, hay sáng giá của tự ngã. Tóm lại ta có thể có hàng  trăm cách trả lời khác nhau, và bao giờ nhơn loại còn tồn tại thì có lẽ sẽ còn hàng trăm cách trả lời khác nhau, và bao giờ nhơn loại còn tồn tại thì có lẽ sẽ còn hàng trăm, ngàn cách trả lời khác nữa. Quả vậy, nếu Đạo là một vấn đề được  giải quyết thì nhân loại sẽ không còn tồn tại nữa, vì câu hỏi tối hậu đã được giải đáp, như một bài toán sẽ không còn là bài toán nữa khi ta tìm ra đáp số, như cuộc tình đã tự hủy vì mất “ VUI” mất “ĐẸP” khi “ĐÃ VẸN CÂU THỀ”,khi “KHÔNG CÒN DANG DỞ” (Hồ Dzếnh).
Còn hiện hữu, do đó,là còn Đạo, còn những câu hỏi và những cố gắng giải đáp về Đạo. Những giải đáp nêu trên, và nói chung những quan điểm bội tạp của con người về Đạo, tuy có xung đối, khác biệt nhưng có lẽ gặp nhau ở một điểm sau đây: HIỆN HỮU CÁ NHÂN VÀ CUỘC ĐỜI NÀY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT SỰ TOÀN THIỆN, TỰ TẠI. Hiện hữu do đó là đi, đi về, đi mãi cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt.
Ý thức về lộ trình tối hậu đó là Ý CHÍ ĐẠO ĐỨC, ý chí dấn thân vào lộ trình tối hậu đó là Ý CHÍ ĐẠO ĐỨC.
Sống Đạo và sống với Đạo là trở về. Đông Phương cũng đã có rất nhiều quan niệm trở về. Vệ Đà và Do Thái Giáo thì trở về có nghĩa là về với thần linh. Nhưng tổng quát mà xét thì Đông Phương đã rất sớm thoát khỏi quan niệm hữu thần đó. Upanishad, Vedanta và Jaina của Ấn Giáo, Phật Giáo và Nho Giáo cũng như Lão Giáo đều là những khuynh hướng muốn thoát khỏi con đường tín ngưỡng hữu thần sơ thủy của ý thức về Đạo. Vấn đề Thần Linh đã không bị phủ nhận, nhưng cũng không còn cấp thiết, sắc bén như trong khuynh hướng hữu thần. Trở về ở đây là trở về với Đại Ngã (Ấn Giáo), với Chân Như (Phật Giáo), với Thiên Địa (Nho Giáo), với Phi Thường Đạo (Lão Giáo). Nhìn chung thì những khuynh hướng này đều có mấy đặc điểm sau đây:
- Với ĐỐI TƯỢNG TÍN NGƯỠNG  thì chú trọng đến khía cạnh vô ngã hơn là hữu ngã, chú trọng đến tha nhân hơn là bản ngã.
- Với CHỦ THỂ TÍN NGƯỠNG thì chú trọng đến tự lực hơn tha lực. Nói cách khác, bản sắc của Đạo Đức Đông Phương là ĐƯA VÀO TỰ LỰC ĐỂ ĐẠT ĐẾN, ĐỂ TRỞ VỀ VỚI MỘT ĐỐI TƯỢNG VÔ NGÃ. Mà tự lực để đạt đến một đối tượng vô ngã tức là tự lực xóa bỏ hay giảm thiểu bản ngã vậy. Đạo học Đông Phương có tính cách vừa VỊ THA (với thế giới bên ngoài) vừa có tính cánh KHẮC KỶ (với chính tự thân) là vì vậy.
Và đó cũng  chính là ý nghĩa của ĐẠO HÒA của Đông Phương. Ý thức Đạo là Ý thức Hòa, ý chí Đạo lấy chí Hòa. Hòa là đạt đến, là trở về, là thông hợp với một đối tượng khác không phải để làm cho bản ngã thêm phong phú, lớn lao hơn nhưng là để giảm thiểu phạm vi của bản ngã, giảm thiểu tầm mức của ý thức tự ngã.
Nhưng thông thường thì tìm đâu cho ra cái ĐỐI TƯỢNG đó? Tìm đâu cho ra những điều kiện HÒA đó? Đương nhiên là trong nhân giới hay nhiên giới vậy.
Nhưng thông thường thì tìm đâu cho ra cái ĐỐI TƯỢNG đó? Tìm đâu cho ra những điều kiện HÒA đó? Đương nhiên là trong nhân giới hay nhiên giới vậy.
Muốn HÒA thì trước tiên phải đừng đặt nặng bản ngã. Ý thức tự ngã vốn là một ý thức phòng vệ, tham lam, muốn tất cả là của mình, muốn vo tất cả vào cho mình. Ý thức tự ngã như vậy là một ý thức làm cho tự ngã ngăn cách và xa cách với đối tượng của hòa, là làm trở ngại cho sự hòa hợp. Xóa bỏ ngăn cách và trở ngại đó là một hành động đạo đức. Nhưng với Đông Phương thì không chỉ đạo đức mới làm được công việc ấy. Đó là một trong những ý nghĩa của qun niệm “văn dỉ tải đạo” vậy.
Lâm Ngữ Đường đã cho rằng, với người Trung Hoa, thơ đã thế vai trò của Đạo. Câu nói đó có thể làm cho người ta hiểu lầm là người Trung Hoa không có đạo, như người ta đã có thể hiểu lầm với quan niệm của Phùng Hữu Lan. Người ta có thể hiểu rằng Nho, Lão cũng như Phật Giáo chủ trương “vô đạo” khi người ta quan niệm đạo là trở về với Thần LInh, với Thượng Đế. Hay nói cách khác, khi người ta dựa vào một đối tượng của Đạo để định nghĩa hành động Đạo. Vô đạo ở đây là đồng nghĩa với vô thần. Tuy nhiên, nếu hiểu đạo là một ý hướng hòa tuyệt đối, nghĩa là giảm thiểu tối đa bản ngã thì Phật, Nho, Lão đều là Đạo, đều là hữu Đạo. Thơ văn Trung Hoa chính là một cách sống Đạo của người Trung Hoa vậy. Bằng chứng là một trong những “Thánh Kinh” của Nho Giáo là Kinh Thi cũng như “Thánh Kinh” của Lão Giáo là tập thơ trường thiên “Đạo Đức Kinh” vậy. Phật Giáo là một biệt lệ. Kinh điển Phật Giáo không có thơ, thế nhưng một trong những cách sống Đạo và Hoằng Đạo cụ thể sống động nhứt của Phật Giáo lại cũng là thơ. Văn chương Thiền của Trung Hoa, Nhựt Bổn, Cao Ly, Việt Nam chẳng hạn là những bằng chứng.
Thơ là một cách sống Đạo, hay là một phương thế giúp người đông phương sống Đạo, hành Đạo và hoằng Đạo vì thơ là phương tiện giúp cho con người HÒA dễ dàng nhứt với đối tượng.
Lý trí, trí tuệ chỉ tạo sư ngăn cách và xa cách. Chỉ có tình cảm, chỉ có cảm xúc, trực giác mới đem lại sự gần gủi, thân thiết, mới tạo sự cảm thông, mở đường cho sự “chung sống” nghĩa là mở đường cho một sự hiểu biết đích thực, hòa hợp đích thực với đối tượng. Đó là công việc của thơ vậy. Không HÒA, không CẢM là không có thơ, không SỐNG THỰC với đối tượng là không có thơ.
Chúng ta hãy đi vào vài nhận định cụ thể hơn, để thấy rõ tương quan giữa Đạo và Thơ, và mặt khác, thấy rõ điểm dị đồng giữa quan niệm về tác dụng của thơ ở Đông Phương cũng như ở Tây Phương.
VI- TỪ HOMÈRE ĐẾN HOLDERLIN HAY CON ĐƯỜNG THI CA TÂY PHƯƠNG.
Tổng quát mà xét, Thơ và Đạo của Đông Phương gắn bó với nhau bao nhiêu thì trong diễn trình phát triển ở Tây Phương, Thơ và Đạo lại càng xa nhau nếu không muốn nió là chống nhay bấy nhiêu.
Nói như vậy không có nghĩa là từ khởi nguyên tư tưởng, Tây Phương đã không biết đến thơ. Trái lại nữa là khác.
Đúng vậy, theo quan điểm tín lý độc tôn, người ta vẫn nói Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo là một sản phẩm mặc khải, nghĩa là do Thượng Đế “đóc” cho MỘT lúc nào đó. Những lời lẽ của Thánh Kinh do đó chỉ có một nghĩa, phải đọc hiểu theo một nghĩa duy nhứt, như ngôn ngữ toán học hay khoa học mà thôi: nói cách khác, phải được hiểu theo quan điểm luận lý đồng nhất rằng A là A chứ A không thể là “không A” hay là B được.
Trước ngôn ngữ của Thánh Kinh, con người hoặc chỉ nhận hoặc không nhận chứ không thể nhận một cách khác hay theo quan điểm riêng tư của mình. Cơ quan hay tổ chức có nhiệm vụ xác định ý nghĩa của Thánh Kinh như thế là Giáo Hội. Giáo Hội là cơ quan độc quyền làm tự điển tôn giáo. Ngoài những định nghĩa của Giáo Hội, ngôn từ của Thánh Kinh sẽ không có một giá trị hay tác dụng khác được. Ai không chấp nhận ý nghĩa đó, ai muốn định nghĩa một cách khác thì sẽ không phải tín đồ và hơn nữa là phản đồ, phản Thượng Đế. Trường hợp Luther, Calvin là bằng chứng cụ thể. Luther và Calvin là những kẻ không hề nuôi tham vọng thành lập một tôn giáo mới, trái lại chỉ là những kẻ muốn ĐỊNH NGHĨAGIẢI THÍCH KHÁC HƠN Thánh Kinh mà thôi. Họ là những kẻ không hề làm “cách mạng” để triệt hạ tôn giáo của mình, trái lại họ chỉ nuôi ước vọng cải tạo (reforme) Thiên Chúa Giáo bằng cách phủ nhận sự độc quyền giải thích Thánh Kinh của Giáo Hội. Cũng vì vậy, đạo Tin Lành mới gọi là Đạo cải cách (Le Reformisme) hay cải lương Giáo Hội. Nhưng khốn nổi, quyền lực của Giáo Hội lại hoàn toàn dựa trên sự độc quyền kiến giải Thánh Kinh. Cũng vì vậy, muốn phủ nhận độc quyền kiến giải Thánh Kinh của Giáo Hội lại hoàn toàn dựa trên sự độc quyền kiến giải Thánh kinh của Giáo Hội để nhằm cải cách tôn giáo thì đồng thời Luther và Calvin cũng đã trở thành những nhà cách mạng cố ý hay vô tình lật đổ quyền lực của Giáo Hội vậy. Điều này giải thích lý do tại sao trước đây Giáo Hội La Mã đã khắc khe với tín đồ Tin Lành còn hơn cả với những kẻ ngoại đạo nghĩa là xem họ HOÀN TOÀN chưa biết hoặc hoàn toàn không muốn biết đến Thiên Chúa Giáo.
Nhưng chủ trương hiểu Thánh Kinh một chiều như vậy hình như đã không phải là tinh thần nguyên thủy của Thiên Chúa Giáo. Nói cách khác, ngôn ngữ nguyên ủy của Thánh Kinh không phải là ngôn ngữ toán học hay khoa học.
Thật vậy,nếu chủ trương “nói thế nào thì phải hiểu thế ấy” thì người ta sẽ không thể nào hiểu được những điều đã nói trong Cựu Ước Kinh, nhứt là trong sách Sáng Thế Ký. Dần dần người ta buộc lòng phải hiểu những điều nói trong Thánh Kinh như là những ký hiệu,những biểu tượng, những cách ví dụ mà thôi, và đã là biểu tượng thì mọi người có thể hiểu mỗi cách tùy trình độ, tùy tâm trạng, tùy hoàn cảnh và thời gian của mình.
Khổng giáo hay Nho giáo đã rất sớm tránh được tình trạng mâu thuẫn giữa lý trí và đức tin, giữa lý trí và tình cảm như Thiên Chúa Giáo bằng cách hướng mục địch tín ngưỡng về chính chủ nhân tín ngưỡng chứ không phải đối tượng tín ngưỡng.
Chủ trương thờ phượng Thượng Đế của Nhứt Thần Giáo thì cũng chẳng khác gì chủ trương thờ phượng tổ tiên của Nho giáo vậy. Nếu chỉ chú trọng đến đối tượng thờ kính mà thôi và cho đó như là yếu tính của hành động tín ngưỡng thì đến một lúc nào đó chủ thể tín ngưỡng sẽ vấp phải NHỮNG CÂU HỎI không thể nào bỏ mà cũng không thể nào nhận được như là hiển nhiên, minh bạch, hợp lý. Những câu hỏi đó là:
- Thượng Đế có thực hữu hay không (với Nhứt thần giáo) hay tổ tiên chết rồi có tồn tại nữa (để có thể hưởng dùng những phẩm lễ con cháu dâng cúng) hay không (với Nho giáo)?
- Thượng Đế là gì, là ai? Linh hồn tổ tiên ở đâu, như thế nào?
Nhứt thần giáo đã giải quyết vấn đề đó bằng chủ trương tín đồ phải chấp nhận tuyệt đối lối giải thích hay trả lời chính thức của Giáo Hội, không được băn khoăn, thắc mắc riêng tư. Nho giáo thì trái lại, đã giải quyết vấn đề theo một chiều hướng ôn hòa hơn bằng cách thừa nhận con người có hai cách hiểu biết khác nhau. Biết bằng lý và biết bằng tình. Trường hợp đối với tổ tiên và linh hồn của người tháo yên sau khi chết thì Nho giáo cho rằng nếu đứng về LỲ mà xét thì không thể quả quyết có linh hồn cha mẹ, tổ tiên đã khuất được. Nói cách khác, quả quyết tổ tiên cha mẹ vẫn “còn sống” sau khi đã chết là một quả quyết VÔ LÝBẤT TRÍ. Tuy nhiên, nếu chỉ vì như cầu của lý trí mà cho rằng chết là hết, con cháu với ông bà sẽ không còn một liên hệ nào sau khi chết thì đó là một quả quyết VÔ TÌNH,BẤT NHÂN, tàn nhẫn với chính mình.Con người không thể vô lý, mà cũng không thể vô tình và nếu theo quan điểm độc tôn mà xét thì cũng như vấn đề Thượng Đế thực hữu của Nhứt Thần giáo, trong trường hợp này con người hẳn phải lựa chọn một trong hai đường: hoặc theo lý bỏ tình, hoặc theo tình bỏ lý.
Nho giáo quả thực đã không muốn dẫn con người đến chỗ cực đoan như vậy. Do đó, Nho giáo đã đưa ra giải pháp theo đó điều quan trọng của một hành vi tín ngưỡng không phải chỉ là đối tượng của tín ngưỡng mà còn là chủ thể tín ngưỡng nữa. Nói cách khác, điều quan trọng không chỉ là “tin cái gì” mà là “tin như thế nào”, “để làm gì”, “có ích gì cho người tin” trong việc ở đời với chính mình và với kẻ khác. Đó chính là căn bản tôn giáo tổ tiên hay đạo Hiếu của Nho giáo. Thờ kính tổ tiên chẳng phải vì tổ tiên, vẫn còn sống sau khi chết nhưng chính là vì sự thờ kính đó sẽ làm cho con người trở nên tốt với nhân quần xã hội. Kẻ bất hiếu không phải là kẻ vô tín hoặc biết tôn trọng những yêu sách của lý trí, kẻ bất hiếu chính là kẻ bất nhân vậy. Nói cách khác, nho giáo đã khuyến cáo người ta “tin” chẳng phải vì đối tượng của đức tin đòi hỏi như vậy, (như Thượng Đế đòi hỏi con người phải tin Thượng Đế, và chỉ tin Thượng Đế nếu không sẽ bị trừng phạt) mà chính là vì điều ấy có ích cho nhu cầu của cá nhân và xã hội.
Nhứt thần giáo đã không thể quay về con đường tâm đạo và đạo nhân theo kiểu Nho giáo. Nói cách khác, Nhứt Thần giáo không chấp nhận tôn giáo như là MỘT SẢN PHẨM CỦA CON NGƯỜI mà là MỘT SẢN PHẨM CỦA THƯỢNG ĐẾ CHO CON NGƯỜI. Điều tiên quyết do đó là phải chấp nhận lời Thượng Đế NHƯ LÀ lời Thượng Đế nói về Thượng Đế chứ không phải như là lời của con người nói về Thượng Đế.
Hiểu như vậy thì kinh điển tôn giáo sẽ chỉ là một bài toán khó khăn chặt chẻ một chiều một nghĩa mà thôi. Tuy nhiên, nếu ta có thể nhìn Thánh Thư, Thánh Điển Nhứt Thần giáo, Nho giáo, Lão giáo thì có lẽ ta sẽ có dịp thấy rằng THÁNH KINH của Thiên Chúa Giáo đã có rất nhiều giá trị của thi ca, hiểu theo nghĩa là có rất nhiều GIÁ TRỊ BIỂU TƯỢNG. Sáng Thế Ký, sách của tiên tri Jeremie, của Isaie, sách của Job, của Thánh Kinh quả đã chứa đầy nững hình ảnh những tình cảm đầy giá trị tượng trưng, chủ quan, sống động và nên thơ vậy.
Một nguyên ủy tư tưởng khác của Tây Phương cũng không thiếu màu sắc thi vị đó là tư tưởng Hy Lạp chưa phân biệt rõ đâu mà lý đâu là tình, đâu là thơ và đâu là triết lý, đâu là huyền thoại và đâu là lịch sử, đâu là siêu hình học và đâu là khoa học. Người ta phải tự hỏi giữa Homère và Platon thì ai là kẻ đánh động lương tâm và ý thức nhiều nhứt, người ta cũng có thể tự hỏi tại sao suốt đời “hành đạo” mà Socrate lại không hề viết một chữ nào? Socrate không biết chữ hay Socrate đã ý thức rõ chữ nghĩa chính là điều để đưa con người đến chỗ cực đoan, quá khích, độc tôn?
Về tôn giáo, triết lý cũng như tư tưởng nói chung ta có thể nói rằng ĐIỀU HỢP LÝ là điều dễ nhớ, nhưng điều mà ai cũng thích nhớ, muốn nhớ lại chính là điều nên thơ là những gì gần gũi, sống động, là tiếng nói của con tim vậy.
Nguyên ủy nên thơ của tư tưởng Tây phương đã dần dà tàn lụi với sự thành hình của siêu hình học của Platon, luận lý học của Aristote để rồi trở thành những phương tiện cho Thánh Thomas và Thánh Augustin xử dụng để hợp lý hóa và thuận lý hóa… Thi ca đã bị loại khỏi phạm vi tư tưởng thời Trung cổ để rồi trở thành một phương tiện đào thoát và phản ứng tiêu cực thời Phục hưng trước những áp bức và độc tài tín ngưỡng. Phong trào Phục hưng Tây phương có thể nói là phong trào quay về với tư tưởng tiền Socrate, quay về với thiên nhiên, nghĩa là quay về với biểu tượng và Thơ vậy.
Nhưng phản ứng của thời phục hưng lại chỉ mở đường cho sự phục hoạt của lý trí chứ không hẳn là của tình cảm, phục hưng chỉ có lợi cho khoa học và cho những khuynh hướng mới chứ không có lợi cho văn học và thi ca bao nhiêu. Thơ văn chỉ là phương tiện của lý trí sống động tự do dùng để chống lại độc tài lý trí, và độc tài tín ngưỡng. Khoa học và triết lý đã thế vào khoảng trống do sự rút lui của độc tôn để lại. Cảm quan, con tim, biểu tượng vẫn không tìm thấy được một chổ đứng đích thực.
Nếu thời phục hưng là phản ứng của lý trí chống độc tài tín ngưỡng thì thời lãng mạn là một phản ứng của tình cảm, của con tim, của con người sống động toàn diện chống lại độc tài lý trí trên cả hai bình diện tâm linh và xã hội. Một phản ứng nhân danh “những lý lẽ mà lý trí không hiểu thấu được”.
Nhưng có thực, theo quan niệm trên đây, nghệ thuật nói chung, và thi ca, chỉ là một kinh nghiệm về cái phi lý (nghĩa là cái lý trí không thể hiểu được) không? Theo quan điểm Tây phương về thế lưỡng biến chân ngụy, lý trí - tình cảm, thiêng liêng - trần tục, vô hình- hữu hình, khách quan - chủ quan thì thi ca thường chỉ được gán cho những đặc điểm tình  cảm, trần tục, hữu hình, chủ quan, ngụy, nghĩa là giả ảo, vô thường mà thôi. Thi ca không giành được một chổ đứng đáng kể nào trong sinh hoạt thực tiễn cũng như sinh hoạt tri thức vậy.
Trong những nổ lực đáng ghi nhận nhằm xác định một vị thế cho thi ca và nghệ thuật nói chung trong diễn trình nhận thức có lẽ là nỗ lực của Hegel (1770-183) với giảng văn mỹ học (Esthetique) mà Hegel đã đào sâu để giảng dạy tại Đại Học Berlin từ năm 1818-1828 và sau được học trò của ông góp lại in thành sách.
Nhưng cho đến ngày nay, một khẳng định về vị thế của thi ca vẫn như chưa được giải quyết một cách dứt khoát và thỏa đáng. Và vì thế, con đường thi ca của Tây Phương vẫn như chưa được khai thông để ta có thể thấy trước được viễn tượng của nó.
VII- THI CA VÀ CUỘC ĐỜI.
Người làm thơ mà nói về thơ thì chẳng khác chi vũ công vừa múa vừa nhìn vào gương để xem mình múa vậy. Bản thể của thi ca cũng như cuộc đời là “chạy trốn” trước mọi ý hướng bắt đầu bằng ngôn từ… Suy nghĩ về thơ, thì thơ chỉ còn là một sự kiện, lặng đứng, nằm im bất động trong khi thực sự thơ là sống, thơ là một lối sống, một dòng sống, một nhịp sống cùng khởi động, cùng tan biến, cùng lịm tắt với những cảm xúc có một không hai duy chỉ có người làm thơ mới có. Suy nghĩ về thơ, nói về thi ca do đó là một sự mất mát, là mân mê những đất, những cát, những vôi hồ mà lòng thì vẫn nghĩ đang nâng niu một báu vật.
Cách nói về thi ca và cuộc đời hay nhứt là nói bằng thơ. Dù vậy, ngoài nhịp sống của thi ca lại còn những nhịp sống khác, cũng dung dị, thường tình: nhịp sống của cảm thông, truyền đạt và đối thoại. Buổi nói chuyện hôm nay, do đó, không phải đối thoại về thi ca mà là đối thoại với thi ca. Tất cả chúng ta sẽ cùng nói về thơ, và cùng nói với thơ vậy.
Và nói về thơ quả thật đã là một thất bại, như sự thất bại của một vị vua hào hoa, đa tình, điên cuồng thương nhớ đến độ muốn “đập vở kính ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hơi” vậy.
Mỵ Nương nhớ Trương Chi thì hình ảnh người thương hiện ra trong đáy chén, nhưng Mỵ Nương nghĩ đến cuộc tình tan vỡ của mình mà thầm khóc cho duyên kiếp thì hình ảnh người yêu tan. Nói về thi ca thì cũng vậy. Đó là điều khiến chúng tôi e ngại. Và ước vọng của chúng tôi là âm thanh tan biến thì sẽ không phải chỉ còn lại hư vô im lặng nhưng là còn lại âm hưởng của thơ, còn lại một chút gì rất thơ.
Nói đến thi ca và sự liên hệ giữa thi ca và cuộc đời thì trước hết phải nói đến thi nhân. Nhưng thi nhân là gì?
Đã hẳn thi nhân là người làm thơ. Tại sao lại là làm thơ mà không làm chiến tranh, không làm hòa bình, quan hay lính, thiên đàng hay hỏa ngục? Tất cả đều là thơ, và ngay cả cái chết của chính mình cũng là thơ nữa. Cũng bởi vì vậy mà Cao Bá Quát đã nhìn thấy:
Một chiếc cùm lim chân có “đế”
Ba vòng xích sắt bước thì “vương”
Thi ca đã thực hiện cho nhà thơ Cao Bá Quát những điều mà một Cao Bá quát phiến động đã không thực hiện nỗi bằng gươm đao vậy.
Xuân Diệu bảo rằng thi sĩ chỉ là một con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi.Mà thật vậy, chỉ khi nào con người ý thức được rằng mình muốn tất cả chỉ là đồ chơi và ngay cả hành động của mình cũng chỉ là trò chơi, thì mới có thơ vậy. Muốn làm chơi nghĩa là chẳng muốn đến đâu cả, chẳng muốn đạt đến mục đích nào cả, xa lạ với mọi mục đích, mọi phương tiện của đời này. Mà xa lạ với chính lối nhìn, với chính những mục đích và phương tiện của đời này cho nên, có thể nói, thơ là một cách trốn thực tại, và trong cuộc đời này nhà thơ chỉ là một người xa lạ giữa loài người xa lạ:
“Ba mươi chín trung thu về trước
Một gã Kim đồng rơi xuống trần
Giữa lúc trăng thanh lùa gió mát
Nam Tào ghi sổ: Kiếp thi nhân
Lòng ngóng thơ ngây, trời bắt được
Lại đày Ngọc Nữ xuống trần gian
Cho chừa những thói “trăng hoa” ấy
Nhưng đày hai đứa đi hai ngã
Bắt lạ lùng nhau suốt một đời
Kẻ ở đầu sông người ở cuối
Xa vời mây nước, lá vàng trôi…
Trần giới bao giờ trang trắng nợ
Hạc vàng trở lại chốn Thiền môn
Chư tiên chờ đón mừng rơi lệ
“Cửu biệt trùng lai nghệ sĩ hồn?
(Nguyễn Tố. Trung Thu nhớ Tiền Thân)
Vì là một người xa lạ ở đời này, cuộc đời thực tế và bon chen này cho nên ngôn ngữ của thi ca đã trở thành một ngôn ngữ xa lạ . Trăng không còn là trăng, nước không còn là nước và hiện hữu cũng chẳng còn lạ hiện hữu nữa. Cũng vì thế mà Lý Bạch đã cố sống trọn vẹn với trăng bằng cái chết của chính mình.
Thi ca không phải nói lên những gì mà chúng ta đã biết, biết bằng suy tư, luận lý.
Phân tích phê bình, giảng giải thi ca bằng đôi mắt tò mò, bằng thái độ “Kò kè bớt một thêm hai” sẽ giết chết tinh thể thi ca và đuổi thi nhân ra khỏi thiên đường mộng ảo của họ. Thi ca cũng không phải phụng sự cho mục đích này, hay một mục tiêu nọ như nhiều người đã cưỡng chế và mong muốn. Một cách trung thực, thi ca là thi ca, là tiếng nói của lòng người, là cảm xúc chân thành, là nói lên cái ước vọng của con người muôn thuở và muôn nơi, là tiếng kêu thương hay niềm hoan lạc của con người trước thực trạng mà nó đang sống trong đó, một cuộc sống vốn bằng những cảm hứng và ảnh tượng, và do vậy, thi nhân ở bất cứ thời nào và bất cứ ở đâu đều mang cái “Tâm tình một nẽo Quê Chung, Người về cố quận muôn trùng ta đi” (H.C).
Nếu cuộc đời chỉ là cuộc đời thông thường mà không phải là nghịch thường , khác thường thì không có thi ca, không còn là thi ca nữa. Nhưng cuộc đời bình thường lại không phải là cuộc đời thật mà chỉ là cuộc đời đã bị vặn méo vì những lo âu, những bận tâm, những hăm hở, những thất vọng và hy vọng bình thường. Cuộc đời bình thường là cuộc đời đã bị phóng thể. Sự phóng thể có thể là đối tượng của thi ca nhưng cuộc đời bị phóng thể đó thì không. Ý thức của thi nhân về cuộc đời đã bị phóng thể đó là một ý thức lưu xứ, lưu đày, một ý thức u hoài và bi đát:
Một chút linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu
(Huy Cận)
hay:
Ai người trước đã qua
Ai người sau chưa đẻ
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ.
(Trần Tử Ngang - Võ Liêm Sơn dịch)
Cuộc đời của thi nhân là cuộc đời không bị phóng thể, cuộc đời như là cuộc đời, hay nói như Husserl, cuộc đời đã bị đóng ngoặc đối với mọi thành kiến, thiên kiến, chấp kiến. Nhà danh họa Kandinsky, một buổi chiều đến phòng làm việc, bỗng thấy trong phòng mình có một bức tranh quá đẹp, sắc màu hòa hợp diệu vợi trong ánh nắng chiếu lung linh. Kandinky sửng sờ trên ngưỡng cửa, băn khuăn tự hỏi chẳng hiểu kiệt tác đó của ai, nếu là của ông thì ông đã vẽ lúc nào? Và cuối cùng ông đã khám phá đó chỉ là một bức tranh do chính ông sáng tác, và nó đã trở thành kiệt tác đó của ai, nếu là của ông đã vẽ lúc nào? Và cuối cùng ông đã khám phá đó chỉ là một bức tranh do chính ông sáng tác, và nó đã trở thánh kiệt tác chỉ vì… nó bị treo ngược. Chính kinh nghiệm đó đã khởi đầu cho phong trào nghệ thuật siêu thực.
Thơ chỉ là thơ, họa chỉ là họa khi núi sông không chỉ là sông núi trở ngại mà là sông núi vô thường, khi cuộc đời không chỉ để mà sống chết mà là cuộc đời “như là” cuộc đời, cuộc đời đã làm cho Roquentin của Sartre phải choáng váng, rợn ngợp. Khách quan chỉ là khách quan với chủ quan, và một khi đã trở thành vô thường tuyệt đối cũng sẽ trở thành chủ quan tuyệt đối. “Ta với mình tuy một mà hai” (Tản Đà) và cũng vì vậy mà “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.Sự thế chỉ vì biên cương giữa thi nhân và cuộc đời đã không còn nữa, nhờ vậy mà thi nhân không còn nhìn về cuộc đời, mà chính cuộc đời trong thi nhân đã nhìn về cuộc đời như Lamartine đã nói. Le spectacle est dans les yeux (cảnh ở trong đôi mắt)
Và bởi vì cuộc đời với thi nhân là một, cho nên cuộc đời của thi ca cũng đã chuyển thái theo nhịp sống của thi nhân.
Cuộc đời đối với em bé là bình minh nắng dịu, là cỏ xanh, trời hồng. Đâu đâu cũng thấy hiển hiện hoa và phảng phất hương.
Sang đến tuổi thanh niên, cái tuổi rực rỡ, huy hoàng và tươi sáng, họ không còn đuổi bướm hái hoa. Thế giới của họ mở rộng và mời gọi thiết tha từ những hương sắc trong vườn hoa, trong công viên: đó là bầu trời đầy sao, mặt đất ướp đầy hương, đó là thế giới trong huyết quản, vì tình lý còn sôi sục miên man, vì tình yêu muôn thuở vẫn là hương, biết mấy lòng thơm nở giữa đường” nên họ cảm thấy yêu đời một cách cuồng nhiệt, vội vàng: “Mau với chứ vội vùng lên với chứ! (Xuân Diệu).
Rồi lớn hơn, ở cái tuổi tam thập nhi lập, khi mà những ngậm ngùi, cay đắng của tình đời, khi mà nợ áo cơm và thê nhi ràng buộc níu kéo, họ trực nhận ra rằng đời thôi hết là màu hồng, thôi không còn những đam mê thời xuân sắc, bây giờ chính là lúc cảm nhận những ê chề, những thương đau vô lý mà thấy hồn mình se sắc:
Trời hỡi trời! Hôm nay ta chán hết
Những sắc màu hình ảnh của trần gian.
(Chế Lan Viên - Tạo Lập)
hoặc:
Thời gian chảy đá mòn, sông núi lở
Lòng ta muôn còn mãi vết thương đau.
(Chế Lan Viên - Thời Oanh Liệt)
Trước cái nỗi đời cơ cực như vậy làm sao chúng ta không kinh hoàng trước sự đổi thay và tàn phai của cuộc sống:
Trưa! một ít trưa, lạc vào lăng tẩm
Nhập làm hồn những tượng xưa u thảm
Trưa, theo tàu, bước xuống những sân ga
Dựng buồn lên xa gởi đến Muôn Xa
(Chế Lan Viên - Trưa Đơn Giản)
Với thi nhân, sống với cuộc đời là thể nhập với  đời. Sông núi là ta, ta là sông núi. Nhịp đập của con tim là nhịp rung động của cành là, ta nói là đời nói, đời nói là ta nói. Cuộc đời trở thành thần thoại, thi nhân trở thành thần tiên và ngòi bút, ngôn từ của thi nhân chính là chiếc đủa thần. Thi nhân gọi tên sự vật là sự vật “phải có” thi nhân trở thành phù thủy để có thể bắt tràng nằm sóng soải trên cành liễu (HMT), bắt gió hôn trên má xuân nữa như Xuân Diệu đã làm, hoặc tự buộc kiếp sau của mình phải làm cây thông đứng giữa trời mà reo như Nguyễn Công Trứ.
Không có ngôn từ ma thuật, thần thông đó thì thi ca sẽ không còn là thi ca nữa. Không có cái nhìn thần tiên huyền thoại đó thì cuộc đời này sẽ không còn là cuộc đời của thi nhân nữa. Và ngôn từ thần thông, cái nhìn huyền thoại đó, nói cho cùng chính là cái nhìn giúp thi nhân trực nhận được bản thể của cuộc đời. Trực nhận được bản thể của cuộc đời chính là một trực nhận triết lý vậy.
VIII- THI CA VÀ TRIẾT LÝ.
Trong kho tàng thi ca không thiếu gì “thơ triết”. Nhưng thơ triết thường không có nghĩa là triết lý bằng thi ca. Nhà thơ không thể đi vào con đường triết lý. Vì lẽ triết lý là phần tỉnh, là lui để nhìn về, nhìn lại trong khi thi ca là trực nhận, là sống thực, là sống trực nhiên. Có sao sống vậy, hay “còn ăn hết nhịn” thi ca chạy tìm cái tuyệt đối trong khoảnh khắc, chạy tìm “một phút huy hoàng rồi chợt tối” (Xuân Diệu), trong khi bản chất của triết lý là perennis philosophia, là chân lý tự tại, miên viễn.
Thi nhân chạy theo triết lý thì chỉ làm cho thi ca trở thành khô cằn, cứng nhắc, chỉ làm cho nàng thơ chạy trốn. Thi ca có thể là đối tượng của triết học, nhưng thi nhân không thể đi vào con đường triết lý. Triết lý có những giới hạn, thi ca thì vô cùng. Triết lý dừng lại ở biên giới tột cùng của lý luận. Thi ca thì vược biên giới đó bằng chính sự rung cảm, bằng chính cái nhìn và ngôn-từ thần-thoại,ma thuật của mình. Cũng  vì thế, khi đã thất bại với Zein und Zeit, thì Heidegger mới có thể quay về với Rilke, với Hoderlin. Quay về với Rilke, với Holderlin vì thi nhân sẵn có những giải pháp riêng của thi ca cho những bế tắc triết lý.
Giải pháp triết lý “riêng" của thi ca chính là chỗ thi nhân đã sống với triết lý mà không suy nghĩ theo lề lối của triết gia. Chỉ có sự sống, chỉ có hành động mới giải quyết được những mâu thuẫn và bế tắc của tư tưởng. Mọi vấn đề, mọi cảm nghĩ được đẩy đến chỗ tuyệt đối trở thành siêu hình, trở thành triết lý cả. Thi nhân khi sống với rung động của tâm hồn đã trở thành những triết gia vô thức và đã đặt những vấn đề triết lý một cách vô tình.
Một Tản Đà với những cuộc tình bơ vơ trong mộng, với nỗi đời cơ cực, với định mệnh oan nghiệt của một người đứng giữa cơn giao động mãnh liệt của buổi giao thời ly loạn, của những yêu sách đổi thay giữa mới và cũ. Thế mà sống trọn vẹn với đời, Tản Đà vẫn giữ được cái phong thái thung dung, cái chí trượng phu của một người thơ.
Điều đặc biệt đáng chú ý là những thất bại liên tiếp trên đường đời đã khiến cho Tản Đà chán nản, tuyệt vọng để từ đó thơ. Người đầy chất “ngông” và “rượu”. Ấy thế mà, một hôm đẹp trời nào đó, Tản Đà đã cảm nghiệm sâu xa lý thuyết luân hồi Phật Giáo:
“Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
(Tản Đà - Thề Non Nước)
Ở Chế Lan Viên ảnh - hưởng Phật Giáo rõ rệt hơn mà ít ai ngờ tới bởi lẽ trong thơ ông, chúng ta không tìm thấy một thuật ngữ nào của Phật Giáo. Và ngay đến cả Chế Lan Viên có lẽ cũng không ý thức được, vì Phật Giáo đã thâm nhập vào hồn ông tự bao giờ trong yên lặng:
“Sao ở đâu mọc lên trong đáy giếng
Lạnh như hồn u tối vạn yêu ma?
Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta
Ý của ai trào lên trong đáy óc?
Ai bảo giùm: Ta có ta không?”
(Chế Lan Viên Ta)
Nói đến Phật Giáo là nói đến luân- hồi,kiếp trước, thời gian xa xăm muôn vạn kiếp:
Lòng em nhớ lòng anh từ vạn kỷ
Gặp hôm nay nhưng hẹn đã ngàn xưa
(Huy Cận - Tình tự)
hoặc:
Về đâu, về đâu thời gian đã
In dấu mong manh trên càng đào
Về đâu hạt bụi vàng thao thức?”
(Huy Cận)
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng nói đến cái Ta như Chế Lan Viên, nhưng ở họ Vũ, ảnh hưởng của đạo Phật còn đậm đà hơn.
“… Nhớ thuở xưa khi chưa có ta hề đường đi thênh thênh,
Kịp đến khi có ta hề chông gai mông mênh.”
Tác giả “ Quê Ngoại” thì lại gợi lên một mối cảm hoài nhẹ nhàng từ những hình ảnh, sắc màu, âm thanh hiện thực:
“Hàng năm tôi đi lễ chùa
Chuông vàng khánh bạc ngày xưa vẫn còn
Chỉ hơi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn ngày thơ
Chân đi, đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm, tháng thời xưa trở về”
Một thi sĩ khác: Lưu Trọng Lư mà tiếng thơ của người thi sĩ đầy mộng mơ này đã làm lòng ta thổn thức với những vang vọng thiết tha của những cuộc tình dang dở…Kiếp này không thỏa ước-nguyện, nhà thơ đã hẹn với người yêu ở kiếp luân hồi mai sau.
… “Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau
Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau
Chờ anh bên gốc sim già nhé
Em gái đưa anh đóa mộng đầu”
(Lưu Trọng Lư - Một Chút Tình)
Trong bài Đi Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, chúng ta chứng kiến tình yêu chớm nở của hai nhân vật chánh trong không khí trầm hương, đạo vị, lòng mộ đạo thiết tha của ông bà thân sinh ra thiếu nữ, chúng ta còn bắt gặp hình ảnh một đức Phật bao dung, giúp cho những người yêu nhau thành đạt những mơ ước của đời sống thế tục:
… “Em đi, chàng theo sau
Em không dám đi mau
Ngại chàng chê hấp tấp
Số gian nan không giàu
Mẹ bảo đường còn lâu
Cứ vừa đi ta cầu
Quán Thế Âm Bồ Tát
Là tha hồ đi mau”
Em ư? Em không cầu
Đường vẫn thấy đi mau
Chàng cũng cho như thế
Ra ta hợp tâm đầu
Ngun ngút khói hương vàng
Say trong giấc mơ màng
Em cầu xin giời Phật
Sao cho em lấy chàng”
Nhưng trong trường hợp của Hàn Mạc Tử là một trường hợp khá đặc biệt, cần lưu ý. Hàn Mạc Tử vốn là người được nuôi dưỡng trong Thiên Chúa Giáo, bổn tánh vốn hiền hòa, ngoan đạo và sự ngoan đạo ngày càng lớn mạnh, vững chắc khi căn bệnh càng trầm trọng thế mà khi làm thơ, Hàn Mạc Tử đã mặc nhiên nói lên cái ảnh hưởng của Phật Giáo:
… “Thơ tôi thơm huyền diệu
Mọc lên đạo từ bi”
hoặc:
… “Trời từ bi cảm động ứa sương mờ”
Ngay đến cả bài “Thánh Nữ Đồng Trinh Maria”. Hàn Mạc Tử cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng bàng bạc và sâu xa của Phật Giáo:
… “Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu với bình minh
Chiếu cùng khắp ba nghìn thế giới”.
Làm sao chúng ta có thể cắt nghĩa được hiện tượng như hiện tượng của Hàn Mạc Tử mà không chấp nhận rằng tư tưởng Phật Giáo đã lắng sâu trong hồn dân tộc, trong nếp sống hàng ngày, gần gủi và thân thiết với chúng ta như cơm ăn, nước uống mà nhiều khi chúng ta không ý thức được.
Với lối kiến trúc đặc biệt, những ngôi chùa bao giờ cũng ẩn dấu sau lũy tre xanh, dưới gốc cây đa, ở một nơi thanh tịnh như bổn chất khiêm cung, mộc mạc, hồn nhiên, thích ứng và hòa hợp của Phật Giáo. Mái chùa còn chất chứa một sức mạnh vạn năng của đời sống tâm linh và tư tưởng Việt:
… “Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”
(Huyền Không - Nhớ Chùa)
Đây nhà thơ Nguyễn Bính:
… “Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng có chùa quanh năm
Sương hôm gió sớm trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi
Mai này tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.”
Hay:
… “Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm, rẫy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Lần tần tràng hạt niệm nam mô…”
(Nguyễn Bính - Xuân Về)
Chúng ta nhận thấy rằng mỗi khi nói đến cuộc sống thanh bình, an lạc của quê hương là các thi nhân không làm sao quên được ngôi chùa, tiếng chuông điệu mõ, tiếng nam mô…
Tình đạo không chỉ thấp thoáng trong tình đời mà lắm khi tình đạo còn thay thế cả tình đời. Phật Giáo đã trở thành giòng suối mát không chỉ cho “những anh hùng mạt vận”, mà cho cả những tâm hồn thường thái bị ”thiên hạ bỏ đìu hiu”
Đúng như thế, yêu là hy vọng, là quả quyết, là van xin, là thề hứa. Như Lưu Trọng Lư đã hẹn “đến luân hồi”, như Huy Cận nhớ về muôn kiếp:
… “Lòng em nhớ lòng anh từ vạn kỷ
Gặp hôm nay nhưng đã hẹn ngàn xưa”
(Huy Cận - Tình Tự)
Như Xuân Diệu đã khẩn cầu một tình yêu sắt son không lay chuyển:
… “Em hãy là nơi mấy khóm dừa
Dầm mình trong nước đứng say sưa
Để anh là kẻ qua sa mạc
Tạm lánh hè gay thế cũng vừa”
“Vừa” trong tình yêu chính là vừa tuyệt đối. Và bởi nhịp đập con tim chỉ là hữu hạn, sắt son chỉ tồn tại với kiếp người cho nên yêu cũng là thất vọng, thề nguyện cũng là một cách hứa hẹn phản bội khiến cho đóa mộng đầu trở thành mật đắng. Tình yêu muôn mặt cho nên tình lỡ và thất vọng cũng muôn hình. Thi ca trở thành những âm thanh thổn thức vì thực tế phủ phàng, vì hờ hững, vì trắc trở, vì lãng quên, vì phản bội.
Thi ca trở thành bách khoa tự điển về nổi thống khổ của con tim. Và chính vì tình yêu bao la của Phật Giáo đã không đòi hỏi một trả đáp nào, đã không chối từ một ai ngay cả những kẻ đã từ bỏ mình, đã như người mẹ tựa cửa chờ đứa con hoang đãng trở lại. Thế nên, thất vọng với tình đời thi nhân cũng như con người thường quay về với tình đạo. Lúc hy vọng và men tình ngây ngất người ta đã “cầu Quán Thế Âm Bồ Tát” (Nguyễn Nhược Pháp) thì lúc thất vọng người ta cũng chỉ còn một đường để đi:
“Cửa Phật đây rồi tôi đến đây
Van xin nước tịnh gội đêm say
Tôi người mê muội ham cùng cả
Xóa nhạt trăm năm hận một ngày”
(Thanh Tịnh)
Phật giáo quan niệm rằng cái nhỏ nhứt chứa trọn vẹn cái lớn nhứt, cái lớn nhứt thâu vào trong cái nhỏ nhứt. Một là tất cả, tất cả là Một..(tiểu nhi vô nội, đại nhu vô ngoại). Quan niệm này thể hiện trọn vẹn trong bốn câu thơ của Thi sĩ Thạch Trung Giả sáng tác cách đây trên 20 năm.
“Trâu đi vết lại
Thăm thẳm in trời
Ngàn ánh sao rơi
Mấy đời tang hải”
Bước chân trâu in vết trên đường quê vào một ngày mưa để rồi đêm đến, khi trăng lên, ngàn sao xuất hiện, cả bầu trời cao xanh thăm thẳm, thanh tịnh, hiện ra tròn đầy trong vết chân trâu.
XI- MÀU SẮC TÔN GIÁO TRONG THI CA.
Chính vì có khả năng hội nhập với những vấn đề tuyệt đối, có khả năng giải quyết vấn đề tuyệt đối đó bằng hành động, nghĩa là bằng tâm tình và cảm xúc, bằng cả hiện hữu toàn diện cho nên thơ đã rất gần với Đạo. Điều này giải thích lý do tại sao những tôn giáo nguyên thủy đều đã dùng “văn cùng thơ” để có Đạo. Vệ Đà của Ấn giáo; Kinh Dịch, Kinh thi của Nho giáo; Đạo Đức Kinh của Lão gáo; Thánh Kinh của Cựu Ước… đều là thơ, là cách dùng thơ để đem lòng người đến gần Đạo, thể nhập ý Đạo với thơ.
Sư liên hệ giữa thi ca với Phật giáo, nhứt là thi ca Việt Nam với Phật giáo Việt Nam lại còn cụ thể hơn nữa. Những bài thơ Việt đầu tiên là những bài kệ, những bài thị chúng, những nhà thơ Việt đầu tiên là những thiền sư, những cư sĩ Phật tử. Tư tưởng Phật giáo trước tiên đã đi vào tâm hồn người Việt không phải bằng những giáo lệnh không phải bằng những giới răn, không qua trung gian của quyền lực thế tục bằng những giới răn, không qua trung gian của quyền lực thế tục bằng những chỉ dụ, sắc lệnh của vua chúa nhưng là bằng lời thơ, bằng phong thái thi nhân của các Phật tử.
Đạo Phật gần với thơ vì cả hai đều có và đều muốn đạt đến một cái nhìn giống nhau về cuộc đời. Nhìn đời như một sự kiện vô thường, nhìn đời như một sự kiện “như thị, như thị”, hay nói như J.Paul Sartre, nhìn đời như “il est la comme ca?”
Tư tưởng Phật giáo đã lắng sâu, lắng mãi vào tận tâm hồn dân Việt, tạo nên một sức sống tràn đầy cho dân tộc. Tư tưởng Phật giáo đã thể hiện hồn nhiên, dung dị trong toàn diện nếp sống tâm linh của dân tộc.
Vì chất liệu tâm linh dạt dào, phong phú đó nên những nhà thơ Việt Nam, qua những thi phẩm đã mang nặng màu sắc Phật giáo. Chẳng hạn, nữ sĩ Anh Thơ qua Bức Tranh Quê đã thể hiện hồn nhiên dung dị trong toàn diện nếp sống tâm linh của dân tộc.
“Trong chùa điện hương đèn nghi ngút sáng
Tiếng mõ, chuông hòa nhịp trống bên đình.
Lời cầu cúng truyền theo làn khói thoảng
Quyện cô hồn nương gió lại nghe kinh…”
(Anh Thơ - Rằm tháng bảy)
Sau khi đã chán nản mọi sự, chùng mình trong cái buốt lạnh của đêm tàn cô đơn, Tản Đà chỉ còn biết tha thiết chờ đợi tiếng chuông chùa:
“Ngồi hết đêm sương, sương chẳng hết,
Chùa xa ai điểm mấy hồi chuông…?
Với Lam Sơn, tiếng chuông chùa như một bóng mát, một an ủi, vỗ về, xoa dịu:
“Chùa xa đưa lại lời an ủi
Của tiếng chuông ngân dịu vỗ về…”
Trần gian đầy những khổ đau, những gạt gẫm phỉnh phờ, u tối. Thanh Tịnh đã tìm thấy trong ngôi chùa mầu nhiệm, ánh đèn đầu lung linh lóe sáng, nụ cười bất diệt và giải thoát của Đức Phật hiện lên làm cho nhà thơ mãn nguyện:
“Gió luồn khe cửa chao đèn Phật,
Một nụ cười xưa mãn thệ nguyền…”
Chùa cũng còn là nơi trú ẩn cho những tâm hồn đau khổ, nơi đón nhận những kẻ sa cơ, lỡ vận, điều này chứng tỏ có sự liên hệ mật thiết giữa thi nhân và cửa Thiền.
“Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá,
Lệ lòng mong cạn chốn am không
Cửa Thiền một đóng duyên trần dứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng…”
(J. Leiba - Bến Giác)
Đạo Phật đến với cuộc đời bằng tình yêu, cho nên sống với tình yêu thì con người cũng như thi nhân sẽ gặp đạo Phật. Tình đời đi gần với tình Đạo, và trong tình đời đã thấp thoáng tình Đạo.
Các thi nhân thời tiền chiến sống một hoàn cảnh mà lịch sử có nhiều biến thiên lớn lao., nhiều đổi thay mau chóng và bị ảnh hướng nặng nề thi ca Pháp, tâm hồn họ đã bị Âu hóa đến chỗ sâu nhứt trong hồn. Ấy vậy mà ảnh hưởng của Phật giáo cũng phát lộ mạnh mẽ và sâu xa trong các thi phẩm của họ. Thế mới biết cái ảnh hưởng của Phật giáo trong thi ca tình yêu lớn mạnh đến ngần nào.
Chẳng hạn bài Rằm Tháng Giêng của Hồ Dzếnh:
“Ngày xưa còn nhỏ… ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang
Lòng vui quần áo xênh xang
Tay cầm hương, nến , đinh vàng mới mua
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên
“Lòng thánh lễ vật đầu tiên
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quan ngoài mái chị ngồi
Chị nghe đoán thẻ, chị cười luôn luôn
Quẻ thần, thánh mach mà khôn
Số nàng chồng đắt, mà con cũng nhiều
Chị tôi nay đã xế chiều
Chắt còn nhó mãi những điều chị mơ…”
Ở đoạn cuối bài thơ, thi nhân tỏ lộ niềm hoài vọng về một quá khứ, trong một khung trời thơ mộng đượm màu sắc Phật Giáo.
Tìm đến cửa Phật bởi vì:
Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá
Lệ lòng mong cạn, chốn am không
Cửa Thiền một đóng duyên trần dứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng
(J. Leiba - Bến Giác)
X- KẾT THÚC: SỰ CHÂN THÀNH CỦA THI NHÂN
Đời không có thơ, đời vẫn có. Thơ không có đời, thơ không có. Nhưng bám chặt cuộc đời với đôi mắt thế nhân thường tình thì cũng không có thơ, ngay cả khi thi nhân hướng nhìn những cảnh thông thường, bình dị nhứt như thi nhân vô danh nhìn người thôn nữ tát nước tưới ruộng.Người thôn nữ có thể đẹp nhưng đối tượng của thơ chính là những “ánh trăng vàng” bị người thôn nữ múc đổ đi.
Đời, do đó chỉ là chất liệu cho thi nhân tô điểm, làm cho hồng thành hồng thắm, xanh thành xanh biếc, âm u trở thành hắc ám. Tắt một lời, làm cho đời trở thành một sự kiện tuyệt đối, một sự kiện đáng sống, đáng yêu, và do đó, cũng có thể trở thành đáng chán, đáng ghét. Thi ca là một cách sống, một cách nhìn, và hơn nữa, thi ca là một cách sống tuyệt đối, là một cái nhìn bản thể. Thi nhân là kẻ lật mặt nà cuộc đời, để tô thêm hồng thắm, mà cũng có thể để bôi thêm lem luốc. Nhưng gì đi nữa thì thái độ tất yếu của thi nhân vẫn là sự chơn thành. Sự chơn thành của thi nhân là chơn thành với đời và với chính mình.
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
(Phùng Quán)
Không có sự chơn thành đó thì thi nhân sẽ không còn là thi nhân, và đời cũng chỉ là đời đã bị phóng thể vì ý thức hữu dụng. Ý thức đó làm cho con người không còn mơ mộng, nghĩa là không còn làm thơ, làm cho cuộc đời trở thành thực, nghĩa là không còn nên thơ nữa. Và như vậy cũng sẽ không đủ khả năng để thúc con người dám liều:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
(Xuân Diệu)
Cuộc đời hôm nay, con người hôm nay đang đi vào những lo sợ của Aldous Huxley, của George Owens, của Alain Toffer. Phải chăng, đến lúc và đã có lúc con người phải lựa chọn giữa “Người máy và hoa sen”, giữa kỉ thuật là thi ca.
Trở lại với thơ, nếu không phải là điều tất yếu thì ít ra cũng là một điều cần thiết để còn có thể tiếp tục dấn thân, để khỏi chai đá, để khỏi trở thành máy móc giữa một khung cảnh đang ngập khói xe và tiếng động cơ giới.
ĐÂY NGÀY PHẬT ĐẢN
Đây cả non sông còn vẹn mới
Đường vừa khai mạc đón người đi
Đây niềm hoài vọng ngàn thiên giới
Gót ngọc vờn qua lưu lại gì
Đây nắng ban đầu mưa gió dứt
Cỏ cây hớn hở đượm vui nhiều
Đây người cô quạnh nằm ray rức
Như được lòng đời đón ấy yêu
Đây cảnh thanh bình đang hé dậy
Muôn chim rộn rịp hót trên cành
Đây vàng, đây bạc vừa tìm thấy
Nhựa sống dâng đầy ngập tuổi xanh
Đây ánh trăng rằm soi xứ vắng
Đêm dài quên ngủ mãi vui say
Đây hồn dân tộc đang thầm lặng
Theo tiếng chuông ngân vọng tháng ngày
Đây cảnh chia ly vừa hội ngộ
Cảm thông, hoan lạc tận bao giờ
Đây niềm giao cảm qua hơi thở
Vũ trụ chìm trong thế giới thơ
Đây phố phường trong ngày Đại Hội
Hát ca vang dội khắp đô thành
Đây đàn con dại về bên gối
Lòng mẹ bao la bát ngát tình
Đây nước sông Hương ngừng đứng lại
Soi hình Phật Đản những năm qua
Đây đoàn rước Phật đi, đi mãi
Mạch sống dâng cao khắp nước nhà
Đây những sen xinh bừng nở mạnh
Mừng ngày Phật Đản thuở xa xưa
Đây đàn chim dại vừa tung cánh
Sắc nước, trời xanh vẫn đợi chờ
Đây lá cờ thiêng hồn Phật Giáo
Năm màu sắc Phật lộng muôn phương
Đây hương lòng thoảng thềm tôn giáo
Phật Đản: Ngày vui khắp nẻo đường
NHỚ CỐ HƯƠNG
Gởi Nguyên Đạt và tất cả anh em, 
với niềm thương nhớ Quê Hương không nguôi.
Mưa gió chiều nay thấy nhớ nhung
Trời ơi, sao lạnh thấm vô cùng
Chuông xưa ngân lại trong chùa mới
Người Việt muôn đời vẫn thủy chung
Thấm thoát bao ngày nhớ cố hương
Ruộng đồng, sông núi nặng tơ vương
Thời gian đếm mãi từng giây phút
Đất nước  vời xa mấy dặm trường
Xứ lạ quê người mây trắng bay
Cố hương nhớ mãi suốt đêm ngày
Tên đường, phố cũ còn nguyên đó
Tình cảm bao giờ có đổi thay
Đất mới trăng rằm cũng sáng trong
Nhìn lên Bảo Điện gợi đau lòng
Quê nhà khuất bóng từ khi ấy
Chín tháng qua rồi, có nhớ không?
Chùa Việt Nam cuối tháng 3/1978
PHẬT ĐẢN: NHỚ QUÊ HƯƠNG
Kỷ niệm ba năm xa quê hương
Ba năm rồi sống xa quê
Đến ngày Phật Đản chưa hề dám quên
Ở đây, bàng bạc hương Thiền
Việt Nam Phật Giáo triền miên muôn đời
Ngày xưa dưới cánh hoa tươi
Hôm nay Thái Tử ra đời độ sinh
Thế gian còn đó ảnh hình
Vô Ưu hoa nở tươi xinh sắc màu
Tình người vẫn giữ trước sau
Nhớ ngày Phật Đản lòng đau không cùng
Ai mang một mối tình chung
Quê Hương, Đạo Pháp trùng trùng nở hoa
Bây giờ ray rức tâm ta
Bèo mây phận nước, xót xa phận mình
Thắp lên một nén hương trinh
Cho ngày Phật Đản đượm tình Việt Nam
Cúi đầu dưới ánh Từ Quang
Cầu mong Phật độ vô vàn đó đây
Xa cành chim nhớ thương cây
Nửa vòng trái đất mang đầy tâm tư
Quê hương nhớ tự bao giờ
Mái chùa, dân tộc, hồn thơ, ruộng vườn
Ngày Phật Đản: nhớ Quê hương
Niềm đau xin gởi mười phương kiếp người
Mùa Phật Đản 2524
ĐẠT ĐẠO
Qua Thiền Môn: thấy trời xanh
Kim Cang kinh tụng chân thành từng trang
Khói hương quyện, cảnh mơ màng
Hư không là chiếc y vàng quấn thân
Thiền Môn xưa sạch phong trần
Kim Cang kinh phép trầm luân thoát rồi
Ta từ sanh tử về chơi
Ngồi trên chót đỉnh mỉm cười với trăng
Thân ta là giải đất bằng
Tâm ta là nước sông Hằng mênh mông
Tình ta là đóa hoa hồng
Ý ta là cả cánh đồng tâm linh
Còn đâu nữa Kim Cang kinh
Thiền Môn biến mất mà mình vô ngôn
Bình minh về ngập hoàng hôn
Kêu lên một tiếng tỉnh hồn ngàn xưa
Mồng 9 tháng 9 Canh Thân
BÊN CÁNH SONG
Không thể làm sao tả hết lời
Khi chiều thu vắng bóng chiều rơi
Bao nhiêu thương nhớ với mây nước
Lòng mẹ bao la gởi cuối trời
Quê cũ nghìn năm quá phũ phàng
Mà sao lòng mẹ ngập không gian
Mùa thu mang lại niềm vui cũ
Dù mẹ không còn giữa thế gian
Chuông vẳng đâu đây xao động lòng
Mục Liên sống dậy: nước sông trong
Phù Tang mây quyện Vu Lan đến
Hiếu hạnh đương về bên cánh song
Lý trí thua rồi với tháng năm
Ôi, tình mẹ sáng hơn trăng rằm
Bấy nhiêu ôm trọn tình lưu luyến
Đất lạ, Vu Lan về viếng thăm.
Tokyo, Vu Lan Nhâm Dần
NHỚ CHÙA
Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng
Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu
Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gủi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình
Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh
Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lễ
Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào
Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gởi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông .
Sài Gòn 1956
TỈNH GIẤC CHIÊM BAO
Viết cho Tánh Thiện (Đ.Phước) với những buổi công phu khuya đầy thiền vị
Hôm qua mộng thấy tụng kinh
Tỉnh ra mới biết chính mình là trăng
Bao nhiêu cát của sông Hằng
Là bấy nhiêu kiếp đã tằng tử sinh
Lang thang, nghiệp chướng, tội tình
Con chim nó hót, bình minh đến rồi
Thời gian phủ mộng đầy nôi
Mĩm cười bé ngủ xa xôi kiếp nào
Nôi hồng tràn ngập chiêm bao
Mà nay ta đã đi vào trần gian
Đêm ngày ngồi tụng Kim Cang
Sắc không mộng huyễn cưu mang với người
Trong mơ thấy đóa hoa tươi
Bây giờ tỉnh dậy ta cười với ta
Giang tay đón cả Ta Bà
Lòng nghe rợn ngợp hằng sa kiếp rồi
Ngày xưa Trang Tử bồi hồi
Giữa mình và bướm ai ngồi ngắm nhau
Bây giờ xuân đến lòng đau
Ai mang áo cũ bạc màu mùa đông
Cho xin một đóa hoa hồng
Đem về cắm giữa giòng sông cuộc đời
Hương thơm bát ngát tình người
Say sưa tụng mãi những lời kinh xưa
Cuối Xuân Canh Thân.
ĐƯỜNG HOLLYWOOD
gởi Linh Chi
Thấy không sao rụng lề đường
Tên ai gắn bó đang vương kiếp này
Nghìn năm còn đó mây bay
Đôi chân bước mãi tháng ngày nghe đau
Nơi đây sáng chói sắc màu
Nhân gian rộn rịp, hồn đau bao lần
Lại qua những dấu phù vân
Người ơi, có thấy tinh thần độc tôn
“Quê nhà khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng gợi buồn lòng ai!”
Patrioge Bookstore, một chiều tắt nắng.
HỒN CHÂU Á
Gió vờn qua cây cành
Rung rinh hàng tre xanh
Gió đi không trở lại
Trời xanh mây hiền lành
Hồ thu con nhạn sang
Nước trong tim mơ màng
Trăng treo cao lồng lộng
Bóng nhạn chìm mênh mang
Ngàn năm không giữ gió
Hàng tre đứng âm thầm
Hồ trong không lưu bóng
Nhạn qua rồi bặt tăm
Thao thức sao bóng chiều
Hồn Châu Á cao siêu
Ngàn năm ngàn năm vẫn
Như gấm dệt hoa thêu
TRẺ THƠ
Chùa xưa mái ngói cũ
Trèo lên nắm cây sào
Đêm khuya rồi không ngủ
Kéo rụng bao nhiêu sao?
NỤ CƯỜI
“Niêm hoa vi tiếu…” Gởi Pháp hữu Nhất Hạnh
Khát khao một nụ cười
Khi thấy cành Sen tươi
Mơ về ba ngàn cõi
Vào ra vạn cuộc đời
Bao giờ nhìn hạt cát
Là vũ trụ mênh mông
Ta-Bà là Cực-Lạc
Ta nhập với vô cùng
Ngày xưa ngài Ca Diếp
Nhìn hoa cười tự nhiên
Nụ cười qua muôn kiếp
Ngào ngạt làn hương Thiền
Cười khóc đã bao lần
Những tâm tình thế nhân
Vui buồn bay thấp thoáng
Trời xanh mây xoay vần
Khuya nay vừa tỉnh mộng
Ta cười đếm ngón tay
Ô, mình là Vang Bóng
Ngoài hiên, trăng sáng đầy
RA ĐI
Ra đi: biển cả vô cùng
Tâm tư góp lại, nhớ nhung gởi người
Biển lòng sóng vỗ mù khơi
Quê Hương, Đạo Pháp, Nụ Cười còn đây
Trăm năm vẫn ánh trăng đầy
Nghìn năm sau nữa vẫn mây cuối trời
Ta mang chút lửa trong người
Đem về sưởi ấm cuộc đời lao sinh
Ô hay! non nước của mình
Mà sao ta phải dứt tình ra đi?
6-4-1978
THIỀN MÔN CÒN ẢNH HÌNH THẦY
Kính tặng: Giác Linh H.T. THÍCH THIỆN MINH kỷ niệm ngày giỗ đầu của Hòa Thượng.
Trời chẳng bao giờ vắng bóng mây
Thiền môn còn đó ảnh hình Thầy
Tối khuya chuông vẳng nơi nào nhỉ
Có thấy lòng buồn khắp đó đây
Cách biệt Thầy ơi, mới tháng nào
Cuộc đời như thế giấc chiêm bao
Bích Khê còn đó, hồn quê cũ
Mường tượng từ dung bỗng nghẹn ngào
Lòng nghẹn chưa từng nói được đâu
Làm sao hết được nỗi u sầu
Mai này lá rụng xin về cội
Đốt nén tâm hương LỄ GIỖ ĐẦU
Thâm cảm thân người kiếp khổ không
Ngàn năm vẫn nhớ nổi đau lòng
Con đường lịch sự Thầy qua đó
Phật giáo dâng lên một đóa hồng
Tôi đã đêm đêm tưởng nhớ Thầy
Mái chùa, sông núi quẩn quanh đây
Đời như mộng huyễn sao mình khóc
Lệ đổ dâng cao nổi hận này
17-10-1979
VU LAN ĐẾN GIỮA LÒNG NGƯỜI
Xót xa giữa bến trần gian
Phút giây rợn ngợp, Vu Lan lại về
Cô đơn bao hủ bốn bề
Trời xanh còn lại hồn quê trong lòng
Bao giờ rũ áo chờ mong
Thị phi rồi cũng xuôi giòng thời gian
Đi lên tột đỉnh đồi hoang
Một mình mình biết, cơ hàn ai hay
Dừng chân trong mái chùa này
Sớm khuya kinh kệ, tháng ngày đi qua
Đi lên tột đỉnh đồi hoang
Một mình mình biết, cơ hàn ai hay
Dừng chân trong mái chùa này
Sớm khuya kinh kệ, tháng ngày đi qua
Ngậm ngùi nhớ nước nhớ nhà
Vu Lan đến giữa lòng ta phiêu bồng
Lạnh lung như cả mùa đông
Nắng vàng không ấm, mây hồng bay xa
Hôm nay cầu nguyện quê nhà
Qua cơn hoạn nạn, rồi ra môi cười
Vu Lan đến giữa lòng người
Mục Liên ẩn hiện sáng ngời độ sinh
Nhớ quê, tụng một thời kinh
Lắng nghe tất cả đạo tình mênh mông
Chùa Việt Nam, mùa Vu Lan 2524
NẮNG MỚI
Nắng mới
Sương sa
Hoa mới nở
Lòng Xuân phơi phới đổi lòng trời
Đạo Pháp chưa tròn
Quê Hương nợ,
Việt Nam gọi mãi suốt muôn đời
Chiều 8/6/1978
GỌI TÔI
Có ai gọi mãi tên tôi
Hai năm xa xứ đứng ngồi không yên
Quê Hương, Đạo Pháp chưa quên
Con tim ôm trọn ba miền nhớ thương
Gọi tôi chi suốt đêm trường
Chuông chùa vang vọng trên đường tôi đi
Gọi tôi, tôi biết làm gì
Nắng mưa đổ xuống lầm lì thời gian
Trăm năm trong chiếc áo vàng
Hoàng hôn đứng đợi đò ngang không bờ
Tôi đi giữa phố bơ vơ
Hai tay sờ soạng tôi chờ tìm tôi
Năm nay, năm mốt tuổi rồi
Đáy hồn ray rức nổi trôi kiếp người
Tha hương còn đó hoa tươi
Gọi tôi, xin gởi nụ cười đắng cay
Gọi tôi trên bến đò này
Sông kia núi nọ chia tay thuở nào
Sàigòn, còn đó chiêm bao
Gọi lên một tiếng, ngọt ngào nghìn năm…
Chiều 20-3-1979
TA GỌI XUÂN VỀ
Ta gọi xuân về, xuân ở đâu
Núi sông xa lạ nắng vương sầu
Tâm tư một kiếp còn nguyên vẹn
Thế sự bao lần hóa biển dâu
Ta gọi xuân về, xuân vẫn đang
Mênh mông trời biển gió lang thang
Ngồi trong đêm lạnh quê hương nhớ
Chùa cũ, vường xưa hoa cải vàng
Ta gọi xuân về, xuân đến chưa
Hồn xuân chưa đến giữa mong chờ
Hương xuân chưa ấm hồn dân tộc
Ngày tháng đi về trong ước mơ
Ta gọi xuân về, xuân quá cao
Lệ đâu ray rức mãi tuôn trào
Chuông xưa không đánh mà vang vọng
Tiếng pháo giao thừa mãi khát khao
Ta gọi xuân về, xuân đại dương
Khói chiều lam quyện bóng quê hương
Sóng dâng dào dạt tình thương nhớ
Nam Việt kêu hoài vẫn nhớ thương
Ta gọi xuân về, xuân ở đây
Hai tay nâng một đóa hoa này
Đong đưa cánh bướm vàng bay đến
Đã thấy xuân về với cỏ cây
Ta gọi xuân về, xuân bướm bay
Trang Sinh nằm mộng biết bao ngày
Thời gian dù có ngàn năm nữa
Xuân đến lâu rồi, ai có hay
Ta gọi xuân về, xuân của ta
Tâm xuân tô điểm cả Ta-Bà
Như trăng chiếu xuống khắp trần thế
Mỗi một con người mỗi đóa hoa
Ta gọi xuân về, xuân tự nhiên
Thoáng trong hơi thở có hương Thiền
Cành mai, khóm trúc vương mùi Đạo
Thế giới trong ta lắng não phiền
Ta gọi xuân về, xuân lặng thinh
Đẹp như trời mộng Kim Cang Kinh
Trước chùa một cánh đào xinh nở
Là cả vườn xuân của thái bình.
Xuân Tân Dậu
Huyền Không
Theo http://www.tuvienquangduc.com.au/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thời gian

Thời gian...! Có ai níu được thời gian! Níu lại những khoảnh khắc ấm áp, hạnh phúc, hay níu lấy thời gian mang lại cho ta sự vinh quang tr...