Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Im lặng hố thẳm

Im lặng hố thẳm
PHƯƠNG PHÁP SUY TƯ VỀ VIỆT VÀ TÍNH
CON ĐƯỜNG CỦA TRIẾT LÝ VIỆT NAM 

Gửi về Nguyễn Du
Người cha tóc trắng của thi ca và tư tưởng Việt Nam, ngồi im lặng trên mây núi Hồng, già với gió thu, trở thành một trong năm nhà thơ vĩ đại nhất phương Đông.
Ngày 22/5/1966
Phạm Công Thiện
Đi vào giữa núi cao và hố thẳm
Thiền Sư Không Lộ ở thời Lý của quê hương một lần kia cô đơn bước lên tận một đỉnh núi chót vót và sực kêu lên một tiếng bơ vơ làm lạnh cả bầu trời xanh lơ đầy mây trắng; dưới kia là hố thẳm hoang sơ, hố thẳm của quê hương, niềm câm lặng của hố thẳm bỗng vọng lên Tính và Việt: triết lý của Việt Nam ra đời, vỗ cánh bay lên như phượng hoàng để rồi mười năm sau hóa thân làm rồng bay vút trời nhân loại. Máu lửa của quê hương làm hôn phối cho núi cao và hố thẳm. Trong một bài thơ đầu tiên trong đời, Nietzsche đã nói đến “hố thẳm của hiện thể”: “Des Daseins Abgrund” (An die Melancholie, 1871). Hiện thể của Nietzsche là hiện thể của Tây phương; hiện thể của Tây phương dính liền với hiện thể của Việt Nam, nhất là từ hạ bán thế kỷ XX; Việt và Tính là Việt của Việt Nam và Tính của Tính mệnh. Tư tưởng của Việt Nam là tư tưởng của Việt và Tính; nguồn gốc của Việt và Tính bắt đầu từ Trung Hoa, Ấn độ và Hy lạp; thế kỷ XX là thế kỷ tựu thành của Việt và Tính; sự tựu thành ấy chính là hố thẳm: tiếng nói của hố thẳm là tiếng nói trên đỉnh núi chót vót (hữu thì trực thượng cô phong đỉnh, trường khiếu nhất thanh hàn thái hư); tiếng nói ấy, tiếng kêu trầm thống ấy làm lạnh buốt cả bầu trời và xoáy vòng cuộn tròn xuống hố thẳm, xuống niềm im lặng của hố thẳm mà người xưa gọi là “uyên mặc”.
Tất cả triết lý phải trở về uyên mặc, từ đó ngôn ngữ con người mới trở thành tiếng kêu trên đỉnh núi: con người nói chuyện với quỷ thần, làm môi lưỡi cho trời cao và hố thẳm; con người không còn là bình nguyên mà là núi cao; thiên tính của núi cao là siêu việt trên tất cả đồng bằng của cuộc đời.
Phương pháp suy tư về Việt và Tính
I. Reductio Ad Impossible
II. Via Negativa

Chương nhất
Reductio ad Impossible
Con đường phá hủy Biện chứng pháp

Việt là gì? Tính là gì? Hai câu hỏi này không phải là câu hỏi; tất cả mọi câu hỏi đều có sẵn mọi câu trả lời. Tính và Việt làm cho những câu hỏi trở thành những câu hỏi; Tính và Việt là chân trời mở rộng hé mở cho con người nhìn thấy tất cả những câu hỏi và đồng thời tất cả những câu trả lời, tất cả những gì có thể hỏi được và đồng thời tất cả những gì có thể trả lời được trên cuộc đời này, từ thượng cổ đến hiện tại, từ số không đến vô số và vô hạn.
Nước Việt Nam đang bị tàn phá đến cùng độ, dân Việt Nam bỗng nhiên và tự nhiên được tính phú cho chịu đựng và thể nhận tất cả nỗi điêu đứng đau đớn cùng cực của thế kỷ XX; năm chục năm cuối cùng của 2.000 năm sau Thiên chúa giáng sinh là thuộc về Mệnh của Việt Nam: tất cả những xáo trộn hỗn mang kinh hoàng nhất của nhân loại đang đập vào người Việt Nam; hố thẳm mở rộng và sâu; máu lửa từ trời đất đổ xuống và vọt lên; tất cả những khám phá vĩ đại nhất của văn hóa loài người từ mấy ngàn năm nay bỗng nhiên và tự nhiên được thể nhận tựu hình tại Việt Nam (Cộng sản và Tư bản; Phật giáo và Thiên chúa giáo, tôn giáo và chính trị, quốc tế và dân tộc, cơ khí và con người, lý thuyết và hành động, truyền thống và cách mạng, thiên mạng và nhân mạng, tự do và nô lệ, bạo động và bất bạo động, chiến tranh và hòa bình, thực tại và ảo tưởng, sự thật và giả tạo, nhập thế và xuất thế, xã hội và tu viện; cá nhân và quần chúng, lý tưởng và tuyệt vọng, mộng và thức, sống và chết).
Tất cả những vấn đề, tất cả những vấn nạn, tất cả sự lưỡng lự, tất cả mọi mâu thuẫn, tất cả mọi niềm quyết định, tất cả sự tuyển trạch đều được trả lời hay không thể được trả lời. Hỏi và trả lời hay hỏi và không trả lời là thể cách của hiện thể Tây phương. Đông phương bây giờ cũng đã là Tây phương; phân biệt Đông phương với Tây phương, chọn bên này để bỏ bên kia cũng là tính bẩm của Tây phương. Việt là gì? Tính là gì? Hai câu hỏi này được hỏi theo thể điệu hỏi của Tây phương. Việt ngữ cũng dùng thể ngữ và ngữ thể của Tây phương; hồn của Việt ngữ đã bay trốn nơi nào và tại sao ẩn trốn? (Ngay đến chữ hồn của trở thành Tây phương, được hiểu như đối ngược lại xác).
Việt là gì? Tính là gì? Hai câu hỏi này quyết định mệnh hệ của Việt Nam và mệnh hệ của toàn thể nhân loại. Hai câu hỏi này phải được hỏi cho đến khi nào không thể hỏi được nữa, cho đến lúc người hỏi phải tuyệt vọng, tuyệt ý, tuyệt tư, tuyệt tưởng, tuyệt niệm; lúc ấy hai câu hỏi sẽ hóa thể thành ra hai tiếng: Việt và Tính. Hai tiếng này sẽ được đọc lên, đọc mãi cho đến lúc không còn sức để đọc nữa: lúc ấy, hai tiếng sẽ hóa thể thành ra một tiếng. Tiếng duy nhất này là tiếng Tính; tiếng Tính sẽ hóa thể thành ra một tiếng kêu, một tiếng hét, một tiếng la trên đỉnh núi chót vót, đỉnh núi trên hố thẳm. Đi lên đỉnh núi là Việt đi xuống hố thẳm là Tính; hố thẳm phá hủy Tính thành ra tuyệt tính, bấy giờ chỉ còn là niềm im lặng của hố thẳm; tất cả nằm vào trong quẻ Phục và một điểm Dương xuất sinh: văn hóa và văn minh xuất hiện và lưu động.
Muốn đặt lên câu hỏi về Việt và Tính thì phải dọn sạch lối đi và mở rộng phương trời; lối đi về Việt và Tính là đường lối phá hoại (via negativa). Phá hoại tư tưởng Đông phương và Tây phương, phá hoại tất cả những gì có thể phá hoại được, phá hoại tất cả những đã thể hiện trên ý thức con người. Mở rộng phương trời là phá hoại cùng lúc với sự phá hoại đã hiện trong ý thức con người; phá hoại theo, với, cùng; đồng loạt với, là nhập tính mà dụng thể là song thoại; song thoại là độc thoại trước mặt kính trong suốt.
Trong triết học kinh viện thời Trung cổ ở Tây phương, Việt là transcendens, Tính là esse. Tính và Việt là chữ Hán-Việt, viết theo mẫu tự La tinh là “Tính” và “Việt”: sự kiện “Tính” và “Việt” được viết theo mẫu tự La tinh không phải là chuyện ngẫu nhiên, cũng như sự kiện lịch sử của ngôn ngữ Việt Nam, từ chữ Nôm chuyển sang thể ngữ của bảng mẫu tự La tinh, cũng không phải là việc ngẫu nhiên; tất cả những sự việc ấy đã thuận theo Tính mệnh của Việt Nam và của nhân loại. Tất cả những tang tóc đổ vỡ ở Việt Nam hiện nay, tất cả những máu lửa ngút trời ở Việt Nam hiện nay đều là những hậu quả tất nhiên của tất cả những sự kiện ấy và của tất cả những gì làm những sự kiện ấy thành sự kiện. Tính và Việt hiện thể ra tính và việt, thuận theo ý nghĩa qui định của transcendens và esse của La tinh. Trong triết lý Hy lạp thời thượng cổ, Việt là έπέγεινα τής οϋσίας (Platon, République, VI, 509, B), Tính là tính trong τόόυ nằm ở câu τόόυ έστι μαθόλου μάλιστα πάντων của Aristote (Métaphisique, B4, 1001a21). Việt trong chữ Tàu là
trong hay trong ở đời Hùng Vương; Tính là trong câu mở đầu chương thứ nhất của sách Trung Dung, Chữ Phạn (Sanskrit) là nguồn của Việt và Tính; chữ Phạn của Việt là pàramità; chữ Phạn của Tính là Tad trong Ấn độ giáo hay Tattva trong Phật giáo.
Trong lịch sử nhân loại, Tính thể hiện giữa lòng đời nơi hóa thể của một người trên người, tên là Jésus mà esse của Jésus là essetrong nghĩa Ipsum Esse subsistens của thánh Thomas d’Aquin; Việt thể hiện giữa lòng sống nơi hóa thân của một người vượtngười, tên là Phật Thích Ca Mâu Ni.
Héraclite và Socrate mở rộng phương trời cho Jésus giáng sinh trong Lịch sử (nói đến Lịch sử thì chỉ là Lịch sử Tây phương); còn Parménide và Aristote mở rộng phương trời cho Hegel và Karl Marx trong phạm vi tư tưởng, cho Johannes Képler, Galilée, Isaac Newton, Christian Huygens, Jean Le Rond d’Alembert, Julien Offroy de La Mettrie; Heinrich Hertz, Louis de Broglie, Niels Bohr, Max Planck, Albert Einstein, Werner Heisenberg, J. Robert Oppenheimer, Auguste S. Eddington, Marie Curie, v.v. trong phạm vi khoa học vật lý.
Phật Thích Ca tự mở rộng phương trời cho hóa thân mình, điều động trọn cả Tính mệnh của phương Đông, mãnh liệt nhất là Tính mệnh của Việt Nam, nhất là từ đời Lý cho đến hôm nay. Việt thể hiện trong Phật Thích Ca một cách trọn vẹn nhất từ cử chỉ đầu tiên khi Phật đản sinh: vừa mới xuất sinh, Phật đã đi được ngay, nhìn khắp mọi phương trời, bước đi bảy bước, kêu to lên như tiếng sư tử: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn, vô lượng sinh tử, ư kim tận hỉ” (Trên trời dưới đất, duy ta là tôn, sống chết không cùng, từ nay là hết), nói xong rồi thì nằm xuống như mọi hài nhi khác. Trong kinh Majjhima-Nikâya (III, tr.123), trong kinh Nikâya-Agama, trong Vinaya, đều có thuật lại cử chỉ huyền bí của Phật. Bảy bước (sapta padâni) đánh dấu Việt nhập thể Tính, nói lên sự siêu việt không gian (Aggo, ham asmi lokassa), “duy ngã độc tôn” là siêu việt thời gian, đứng nơi đỉnh vũ trụ, đương thời và đồng thời với sự bắt đầu của vũ trụ (cf. Mircea Eliade, Les Sept Pas du Bouddha trong Pro Regno pro Sanctuario, Hommage Van Der Leeuw, Nijkerk, 1950, trang 169-175; cf. Mircea Eliade, Images et Symboles, Essais sur le symbolisme magico-religieux, 1952, Gallimard, trang 98-100).
Tính tựu thành nơi sự đóng đinh của Jésus; Việt tựu thành nơi bảy bước đi và nụ cười của Phật. Triết lý và Văn minh Tây phương khởi đầu và chấm dứt nơi sự chết của Socrate; triết lý và văn minh khởi đầu và chấm dứt nơi cái chết của Jésus và Socrate. Triết lý và Văn minh Đông phương khởi đầu và chấm dứt nơi ngoài thành cửa Đông, lúc Khổng Tử đứng tiều tụy và tự nói rằng mình giống “con chó mất chủ”, lúc Lão Tử cỡi trâu bỏ đi về phía Tây. Phật không khởi đầu và không chấm dứt, mà rộng mở phương trời cho khởi đầu thành khởi đầu và chấm dứt thành chấm dứt, vì Phật tính là Việt: Việt làm Tính thành ra Tính; đồng thời Việt cũng là Tính. Tính thành ra Tính là Thành mà danh từ thần học Thiên chúa giáo gọi là πίστις Thành (hay πίστις) là điều kiện tất yếu sine quanon của sự cứu rỗi; Thành chính là sự cứu rỗi. Thành là Tín: đứng ở trên nhìn xuống Thành, đứng ở dưới nhìn lên là Tín. πίστις bao gồm cả Thành là Tín, dịch gọn lại là Thành Tín; Thành Tín được gọi khác đi là đức tin. Trong kinh Kim Cang của Phật giáo có chữ Tín Tâm 
. Trong Đại Học của Khổng giáo có chữ Thành như ý thành ; trong Trung Dung có chí thành  và quan trọng nhất là chương thứ XXI; tự thành minh vị chi tính  . Điều động hàm dưỡng tư tưởng Khổng Tử là Kinh dịch; trong Kinh dịch, Tính ẩn trốn chập chờn như dòng suối sâu chảy ngầm trong cỏ làm cho cỏ xanh tươi: Tính làm Thái Cực thành Thái Cực; Tính là Dịch. Trong Đạo đức kinh, Tính mù mờ im lặng ngu ngơ huyền ảo, mở phương trời mây trắng cho Đạo thànhĐạo: Tính làm cho không tên thành tên: Tính là huyền trong huyền chi hựu huyền  . Toàn thể tư tưởng Véda xoay tròn chung quanh minh kiến về Thiên Tính (devatà-vidyà); đứng trên nhìn xuống thì gọi là Tính (-tà), đứng ở dưới nhìn lên thì gọi là Thiên (beva-): ý nghĩa chiếu từ trên đi xuống gọi là àdhi daivika; từ dưới đi lên gọi là àdhyàtmika. Trong những kinh Upanisads, Thiên tính (devatà) hòa đồng với Ngã Tính (àtman), chẳng hạn như câu devàtmasáktim trong Svetàs. Up 1,3. hay câu yadaitamanupasyaty àtmàmam devam añjasà trong Br. Up IV, iv. 15. (xin đọc Katha, I, ii, 12; cùng. Với Chà. Up. VI, iii, 2, và Kena Up. I, i); đứng trên nhìn xuống gọi là devatà, đứng ở dưới đất nhìn là àtman. Tính thường khi đổi danh như là Hiranyagarbha, Viràt và Prajàpati. Tóm tắt lại tất cả tư tưởng của Védas là Tính, gọi là Tat (như trong tattvam asi). Đến Phật Thích Ca thì con đường đi hoàn toàn khác hẳn; Phật Thích Ca phá hủy toàn thể tư tưởng Upanisads; đây không phải là phản ứng, vì Tính không thể là Tính nếu Việt không làm Tính thành Tính: nói cho dễ hiểu thì Việt là căn nguyên của Tính: Phật có nghĩa là Việt; nói khác đi là Bát Việt: chữ Hán âm là Bát nhã ba la mật đa: Prajñapàramità. Con đường mà Phật mở ra là con đường chưa ai bước (xem Mahàvagga, Vinaya Pitaka I, 5; Majjh. N.I, P.171, sutta, 26; Sam. N.II, tr. 105). Điều động hàm dưỡng toàn thể tư tưởng Đông phương là niềm im lặng của Phật Thích Ca; niềm im lặng ấy gọi là avyàkrta hay avyàkrta vastùni(xin đọc Màdhyamika-kàrikàs, XXVII; Majjh. N.I, tr.426-32, sutta 63; Sam. N.III, tr.257). Niềm im lặng huyền bí ấy nổ tung toàn triệt, khuynh đảo cả vũ trụ tư tưởng Đông phương, do thiên tài kỳ diệu của Long Thọ (Nàgàrjuna): Việt thành Không tính(sùnyatà); Không là sùnya: Tính là –tà. Sau Long Thọ là Vô Trước (Asanga) và Thể Thân (Vasubandhu): Không Tính thành Tính Không; Tính Không thành Vô Tính; Chân Như Thật Tính của Duy thức là Thắng Nghĩa Vô Tính (xem Duy thức tam thập tụng: cố Phật mật ý thuyết, nhứt thể pháp vô tính: thường như kỳ tính cố, tức Duy thức thật tính). Đến Thiền tông, Tính là Việt, Tính thành Phật: Kiến Tính.
Tư tưởng Việt Nam là tư tưởng của Tính và Việt; Tính và Việt tựu thành mãnh liệt nhất vào đời Lý và thể hiện huy hoàng nhất nơi Nguyễn Du và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một ông vua thời Lý đã mở đầu tập sách về Thiền với chữ Tính, trả Tính trở về với Việt. Nguyễn Bỉnh Khiêm trả Tính trở về với Dịch; Nguyễn Du trả Tính trở về Mệnh (cf. Thanh Hiên thi tập: Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn, Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri); Trang Tử đã phản bội Lão Tử, và phá hoại tư tưởng Lão Tử; chính Trang Tử đã mở đường cho tư tưởng Lão Tử đến chỗ điêu tàn; trong Nam hoa kinh, Trang Tử đưa Tính 
rơi xuống Sinh  và Sinh có nghĩa là Tính (cf. Đức Sung Phù: hạnh năng chính sinh, dĩ chính chúng sinh). Sự phản bội của Trang Tử đối với Lão Tử cũng giống như sự phản bội của Tống Nho, của Trình Tử, Chu Tử, của Mặc Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Đổng Trọng Thư đối với Khổng Tử; Vương Dương Minh muốn phục hồi, nhưng cũng thất bại.
Chính Nguyễn Du đã trả Tính trở về cho Mệnh, đưa Tính từ Sinh trở về Mệnh: Nguyễn Du đã chuyển hóa Trang Tử và vượt lên Trang Tử: phá hủy Sinh bằng cách trở về Tính và Việt. TínhNguyễn Du là Tính của Mệnh: Việt của Nguyễn Du là Việt củaThiền xuất sinh từ kinh Kim Cang (mà Nguyễn Du tự nói là đã đọc tụng trên một ngàn lần). Trong khi Kinh dịch bị phản bội trong tư tưởng Tàu thì Nguyễn Bỉnh Khiêm hồi dương Kinh dịch bằng chính cuộc đời 95 năm của mình: Nguyễn Bỉnh Khiêm trả Tính trở về với Dịch và thành tựu Dịch với Việt nơi Phật Tính.
Tính là gì? Việt là gì? Tính làm hai câu hỏi trên thành hai câu hỏi, vì thế câu hỏi không thể hỏi lại cái làm câu hỏi thành câu hỏi. Việt là cái làm Tính thành Tính. Tính làm một người trênngười thành Jésus; Việt làm một người vượt người thành Phật. Tính và Việt bằng nhau hay chênh lệch? Tính hơn Việt hay Việt hơn Tính? Tất cả những câu hỏi này đều đi xa Tính và Việt: bằng nhau, chênh lệch, hơn và thua là tính thể của sự suy tư chạy trốn hố thẳm.
Sự chạy trốn này tựu thành một cách oanh liệt nơi tư tưởng của Karl Marx. Karl Marx chối bỏ Tính và Việt, đưa Tính rơi xuống Thể và đưa Việt rơi xuống Dụng: Dụng thể là lao động: tính thể của Dụng Thể là sự sáng tạo của lao động trong lịch sử con người; dụng thể phá hủy sự ly thể của con người đối với con người và đưa con người đến chỗ ly tính với Nhiên tính để thành tựu hướng đi của biện chứng pháp. Chủ nghĩa Duy vật của Marx không phải là duy vật mà là duy thể, mà tính thể của Hành động là Dụng thể, như vậy Hành động có nghĩa là Hành thể: “Quan điểm của cuộc đời, của Hành thể, phải là quan điểm đầu tiên, căn bản của lý thuyết về tri thức” (Lénine, Matérialisme et empiriocriticisme, Moscou, 1952, tr.156).
Tri thức luận được điều động bởi và đồng thời là biện chứng pháp; phương pháp biện chứng duy thể đã được thể dụng trong kinh tế chính trị một cách toàn triệt, đồng thời cũng được thể dụng trong lịch sử, trong triết học, trong chính trị, trong sách lược chiến thuật của giai cấp thợ thuyền, trong những bộ môn khoa học. Đối với Lénine, chính sự thể dụng ấy là những gì chính yếu nhất và mới mẻ nhất mà Marx và Engels đã mang lại cho loài người; đó là “bước đi thiên tài phóng tới đằng trước trong lịch sử tư tưởng cách mạng” (Lénine, Marx-Engels-marxisme. Moscou, 1954, tr. 67-68). Karl Marx đã đảo ngược biện chứng pháp của Hegel, mặc dù chính Marx đã nói rằng phương pháp biện chứng của ông “không những khác phương pháp của Hegel về căn bản, mà còn đối lập hẳn với phương pháp ấy” (Marx, Capital, I, Préface de la deuxième édition). Mặc dù thế, cuộc cách mạng tư tưởng của Marx chỉ là một phản ứng đối lại một phản ứng và vẫn nằm trong tính thể của Tính mệnh Tây phương, cũng như thời đại nguyên tử, kỷ nguyên khoa học nguyên tử này cũng nằm trong tính thể của Tính mệnh Tây phương: khoa học, cơ khí và biện chứng pháp cùng chung một dòng máu. Sinh mệnh đồng nghĩa với Tây phương: Sinh mệnh làm Tây phương thành Tây phương. Đặt lên câu hỏi: “Tính thể của Sinh mệnh (Tây phương) là gì?”. Chỉ đặt lên câu hỏi ấy là đã lao vào con đường của tất cả những con đường: khoa học, cơ khí và biện chứng pháp đã bị giới hạn qui định bởi tính thể của sinh mệnh; sứ mệnh của Tây phương là thể hiện sinh mệnh mình mà chính Werner Heisenberg cũng đã ý thức một cách tự mãn hãnh tiến (xin đọc Werner Heisenberg, la nature dans physique contamporaine, chương les rapports entre la culture humaniste, les sciences de la nature et l’Ocident, trang 62-78. Gallimard, 1962).
Biện chứng pháp của Marx không thể nào tách rời cơ khí và khoa học: cơ khí và khoa học hiện đại không thể tách rời Sinh mệnh của Tây phương, vì chính sinh mệnh ấy đã khai sinh cơ khí và khoa học, chẳng những thế mà còn sinh thành hướng đi của cơ khí và khoa học trong tương lai: khoa học là tri thể, cơ khí là dụng thể. Đặt lên câu hỏi về tính thể của Sinh mệnh Tây phương là thấy được tiềm thể của cơ khí và khoa học, đồng thời thấy được liên thể giữa tiềm thể, hiện thể và vô thể; đặt lên câu hỏi về tiềm thể, hiện thể và vô thể là thấy được sự đổ vỡ và sự tàn phá điêu đứng của chủ nghĩa hư vô hiện nay. Hai chữ thể (τόόν) và thế (χόσμος) điều động Sinh mệnh Lịch sử Tây phương: dụng thể để chuyển thế: Thiên chúa giáo chuyển thế đểnhập thể tới siêu thể (transcendens): biện chứng pháp Marx dụng thể để chuyển thế qua cuộc cách mạng vô sản; Nietzsche thấy trước Sinh mệnh Tây phương, chuyển thế bằng cách việt thể nhân tính (Übermensch) qua mệnh ái (amor fati) và tri kiến về sự phục thể của đồng thể. Sartre thay thế siêu thể bằng vô thể (le néant) qua sự tự do của dự thể: chuyển thế bằng cái nhìn của dự thế (projet) trước vô thể. Karl Jaspers rọi sáng mọi liên cảm giữa hiện thể này với hiện thể khác, đặt lại những hạn thể(Grenzsituationen) để mở đường cho việt thể (Transcendenz) và kêu gọi viên thế (Das Umgreifende). Heidegger để cho thể và thếnhập nhau thành một (in der Welt sein): dụng thời (Zeit) mở rộng phương trời việt thể để đặt lên câu hỏi về Tính thể và Thể tính (Sein); Heidegger cô đơn chịu đựng tất cả thảm kịch của Sinh mệnh Tây phương, tất cả sự nghiệp tư tưởng của Heidegger là sự phân biệt thể tính giữa thể hay toàn thể (das Seiende) và thể tính (das Sein); sự phân biệt ấy là sự thành công vĩ đại nhất của Heidegger, nhưng đồng thời cũng là sự thất bại bi đát nhất, bi tráng nhất của con người: chính sự phân biệt thể tính ấy đã đặt căn thế cho Heidegger làm cuộc phá hủy lịch sử tính thể luận của trên hai nghìn năm Tây phương; sự phân biệt thể tính ấy là một thứ thuốc độc Heidegger dùng độc trị độc, nhưng thuốc độc này rất nguy hiểm, nó có thể quay ngược lại giết chết Heidegger; Heidegger hiểu thế, liền ôm ghì lấy Hoelderlin, cô độc chờ đợi sự điên loạn như Hoelderlin trong tuổi già quạnh hiu. Thay vì tống thuốc độc như Socrate, Heidegger làm thơ và viết nói bâng quơ. Chính sự phân biệt thể tính ấy đưa Heidegger đến ngõ cụt của tư tưởng vì, sự phân biệt thể tính ấy cùng nằm trong lòng Sinh mệnh của Tây phương: chính sự phân biệt thể tính của Heidegger là thoát thai từ sự ly tính mãnh liệt nhất trong chính tư tưởng Heidegger; Heidegger kêu gọi về sự quên lãng thể tính (Seinsvergessenheit), nhưng chính Heidegger nằm trong sự quên lãng ấy một cách bi đát nhất, vì chính sự phân biệt thể Tính đã là quên lãng Thể tính. Heidegger đi về bên hố thẳm; Heidegger chỉ còn thể thế cuối cùng là nhảy tung vào hố thẳm. Bên trong hố thẳm là niềm im lặng.
Không Việt và Tính thì không thể có sự phân biệt thể tính, vì Việt và Tính mở rộng phương trời: Tính là thể. Từ Như tính của Tính và thể mới có thể sinh ra sự phân biệt thể tính; sự phân biệt không thể phân biệt được thể tính của chính sự phân biệt; chỉ phân biệt được thể tính là khi đã ra ngoài Tính, tức là Vong tính (Seinsvergessenheit).
Biện chứng pháp là máu của Sinh mệnh Tây phương, không có Biện chứng pháp không có Triết lý và Khoa học. Chữ dialectique có thể dịch là “biện chứng pháp” và “dịch hóa pháp”. Tại sao chỉ cách dịch “biện chứng pháp” là thông dụng ở Việt ngữ mà “dịch hóa pháp” lại không được dùng? Tự thể này cũng đủ nói lên rằng Tính mệnh của Việt Nam đã bị chi phối theo Sinh mệnh của Tây Phương: “dịch hóa” hướng về Dịch và Tính, “biện chứng” hướng về Thể và Sinh.
Dialectique là “dịch hóa pháp” trong tư tưởng của Héraclite, nhưng đến Socrate, nhất là đến Platon thì dialectique chính là “biện chứng pháp” (xin đọc République, VII, 534e; Philébe, 15a); đối với Platon, “biện chứng pháp” là “kiến thức của những kiến thức” (xem Charmide 173b: έπιστήμη έπιστημών); đến Socrate, nhất là đến Platon Tư tưởng rơi xuống chỗ tàn tạ và biến thành Triết lý, cũng như Đạo đức rơi xuống chỗ tàn tạ thì Luân lý xuất hiện. Khi Nguyên lý rơi xuống chỗ tàn tạ thì Biện chứng pháp được khai sinh cùng với Luân lý học.
Tư tưởng trác việt nhất của con người thường nằm trong tác phẩm của thi sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, hơn là nằm trong tác phẩm của triết gia. Chỉ một câu thơ của Nguyễn Du cũng đủ phá hủy trọn tư tưởng Nam hoa kinh của Trang Tử. Một bài thơ của Trần Cao Vân (bài Vịnh tam tài) đủ thu gọn tất cả Tống Nho. Một vài câu thơ Hàn Mạc Tử đủ nói hết trọn sự nghiệp tư tưởng thánh Thomas d’Aquin và thánh Augustin. Một câu thơ của Rimbaud hay một dòng văn của Henry Miller đủ nói hết Kierkegaard, Paul Tillich hay Heidegger. Một đoạn văn ngắn của William Faulkner trong The Sound and the Fury cũng nói lên hết tất cả những gì mà Karl Jaspers và Jean Paul Sartre không thể nói được: “Này Quentin ạ, cha cho con đồng hồ này, cha cho con nấm mồ chôn hết tất cả hy vọng và tất cả ham muốn… con sẽ dùng đồng hồ này để quy hết tất cả kinh nghiệm loài người vào chỗ phi lý, reductio ad absurdum… tất cả nhu cầu của đời con sẽ không bao giờ được thỏa mãn, cũng như tất cả nhu cầu của những người chung quanh con, của cha con cũng thế. Cha cho con có cái đồng hồ này không phải để con nhớ đến thời giờ, mà để con có thể quên nó trong một khoảnh khắc để con đừng hì hục mệt nhọc cố gắng chinh phục nó. Bởi vì con ạ, người ta không bao giờ thắng trận. Người ta cũng chưa hề tuyên chiến nữa. Chiến trường chỉ là nơi khai mở cho con người thấy rõ tất cả sự điên rồ và tuyệt vọng của họ, và sự chiến thắng chỉ là ảo tưởng của những triết gia và những thằng khờ, reductio ad impossible” (The Sound and the Fury).
Chỉ nội câu văn trên của Faulkner cũng đủ phá hủy tất cả Biện chứng pháp kể từ Platon đến Marx và Jean Paul Sartre. Câu văn trên của Faulkner là suối nguồn của tất cả biện chứng pháp: ngay đến biện chứng pháp cũng được đưa đến hố thẳm bất khả thể, reductio ad impossible. Ngay đến triết lý phi lý của Albert Camus cũng bị đưa đến hố thẳm phi lý, reductio ad impossible.
Niềm im lặng của hố thẳm đã khiến cho ngài Nàgàrjuna (Long Thọ) đi đến pháp bội lý qui kết (reductio ad impossible), phá huỷ hết tất cả biện chứng pháp: con đường của Nàgàrjuna là con đường của prasanga hay prasanga-vàkya, nghĩa là đưa tất cả tư tưởng đến chỗ bội lý; đoạn văn trên của Faulkner mang âm hưởng của Long Thọ trong Trung quán luận (màdhyamika)
Việt và Tính là gì? Không thể định nghĩa Việt và Tính bằng tư tưởng, dù Tây phương hay Đông phương.
Tất cả những gì được trình diễn ở trên chỉ là sự trình diễn chung quanh sự thể: đó là chướng ngại mà phép quy kết bội lý (reductio ad impossible) sẽ phá hủy trọn vẹn.
Con đường đi đến niềm im lặng của hố thẳm là con đường phá hoại (via negativa) và đồng thời cũng là con đường bội lý (reductio ad impossible). Sau khi phá hoại và bội lý cùng cực rồi thì còn lại gì nữa?
Câu hỏi tối hậu này bay về sa mạc không cát, như con rồng trong Kinh Dịch nhảy tung vào vực thẳm.
Chương hai
Via Negativa
Con đường hủy diệt tư tưởng tây phương qua Héraclite, Parménide, Eckhart, Nietzsche, Rimbaud, Heidegger và Henry Miller
Tính không phải là Tính, cũng không phải là tính; Việt không phải là Việt, cũng không phải là việt. Câu này không hoàn toàn tối nghĩa: tất cả ý nghĩa của tư tưởng Korzybski là lọc sạch ý nghĩa của ngôn ngữ, trả ngôn ngữ về giới hạn của nó, để từ đó đặt lại một căn nghĩa mới cho tất cả khoa học, cho tất cả sinh hoạt, nhất là sinh hoạt thần kinh hệ của con người trong đời sống hiện đại; Korzybski gọi tư tưởng của ông là “nghĩa thế thuyết tổng quan” (sémantique générale). Khám phá của Korzybski là đặt lại liên quan giữa nghĩa và thể: thể không phải là thể mà chỉ là nghĩa; do đó, dụng thể phải đi từ dụng nghĩa. Thất bại lớn của Korzybski là chỉ dụng thể qua chuyển nghĩa và muốn chuyển nghĩa để chuyển thế. Korzybski muốn đi ngược lại Aristote để chuyển hướng Sinh mệnh Tây phương, nhưng Korzybski cũng chỉ bơi trong dòng sông mà Aristote đã vùng vẫy ngày xưa: nghĩa chính là thể. Trường hợp của Wittgenstein cũng giống như Korzybski.
Muốn thoát khỏi dòng Sinh mệnh Tây phương thì phải phá hủy thể và đi về Việt và Tính; cả Đông phương ngày nay cũng phải chịu đựng sự phá hủy Sinh mệnh của mình để đi về Tính Mệnhqua hố thẳm của Tính và núi cao của Việt.
Nghĩa là đặc thể của Sinh mệnh Tây phương. Tính mệnh phá hủy Nghĩa: Việt và Tính phá hủy Nghĩa và nghĩa.
Nghĩa, Ảnh, Hình là sự chạy trốn của Sinh mệnh trước Hố thẳm. Sự chạy trốn hình thành nơi ý nghĩa. Tất cả ý nghĩa đều đi xa Hố thẳm. Tất cả hình ảnh cũng thế.
Tính không phải là Tính trong triết lý Trung Hoa; Tính trong tất cả Triết lý Trung Hoa là ngụy tính. Tính và Việt cũng không phải Tính và Việt trong Triết lý Ấn Độ và Hy Lạp. Phá hủy hết tất cả Tư tưởng Trung Hoa, Hy Lạp và Ấn Độ thì mới đi đến niềm chờ đợi; Tính và Việt chính là niềm chờ đợi ấy. Tất cả sự chờ đợi trong đêm tối tức là bước đầu đi về niềm Chờ đợi bên Hố thẳm; nhảy vào Hố thẳm là sự thành tựu của niềm Chờ đợi.
Con đường đi đến chờ đợi là con đường phá hoại; phá hoại Sinh mệnh Tây phương là phá hoại với Sinh mệnh Tây phương; tính thể của song thoại là phá hoại với. Tư tưởng của Việt và Tính song hành với tư tưởng phá hoại; không có tư tưởng phá hoại thì Sinh mệnh Tây phương đã chết yểu từ lâu, chứ không còn ngự trị trên thế giới như ngày nay.
Song thoại với tư tưởng phá hoại là phá hoại với tư tưởng phá hủy; nhờ đó, tính thể của Sinh mệnh Tây phương và Đông phương mới hiện ra với tất cả ánh sáng của nó.
Tất cả sự phá hoại đều là phá hoại ý nghĩa, sự phá hoại nằm trong Sinh mệnh Tây phương là sự phá hoại ý nghĩa nằm trong Ý Nghĩa.
Đối thoại chỉ có ý nghĩa trong song thoại; song thoại chỉ có ý nghĩa trong sự phá hoại; mọi sự phá hoại chỉ có ý nghĩa trong sự phá hoại Ý Nghĩa.
Song thoại với tư tưởng phá hoại là phá hoại với tư tưởng ấy. Tư tưởng phá hoại nhất trong Sinh mệnh Tây phương là tư tưởng của bảy thiên tài sau đây: Héraclite, Parménide, Eckhart, Nietzsche, Rimbaud, Heidegger và Henry Miller.
Sinh mệnh Tây phương mở đầu và chấm dứt với những thiên tài này. Nhờ sự phá hoại của họ mà mới thành hình được những công trình xây dựng văn hóa của Socrate, Platon, Aristote, Augustin, Thomas d’Aquin, Kant, Hegel, Marx, Kepler, Galilée, Newton, Einstein, Oppenheimer, vân vân, tất cả những công trình xây dựng đều đi sau sự phá hoại. Tính tướng “đi sau” cũng là thể tướng của Tư tưởng. Tính tướng “đi trước cũng là thế tướng của Tư tưởng. Tính lý của Tư tưởng thì không “đi trước”, cũng không “đi sau” mà “đi ngang”. Đi trước sự vật, đi sau sự vật và đi ngang sự vật: ba tính tướng của Tư tưởng nằm trong Sinh mệnh Tây phương.
Héraclite là tư tưởng gia đi ngang sự vật; ông đưa Thể đi ngang qua Tính nhưng sự phá hoại của Héraclite chỉ mới bắt đầu, và sự bắt đầu của Héraclite là sự bắt đầu vĩ đại nhất trong cả dòng Sinh mệnh Tây phương; trong suốt trên hai nghìn năm, không có người thứ hai bắt đầu được như vậy. Người mở đường cho Héraclite là Anaximandre; Héraclite bắt đầu lại bằng cách phá hủy với sự bắt đầu của Anaximandre. Ý nghĩa của sự bắt đầu đã xuất hiện đầu tiên trong tư tưởng Anaximandre; ý nghĩa ấy không phải là ý nghĩa mà là Tính Nghĩa, sự bắt đầu là sự bắt đầu cho tất cả mọi sự bắt đầu mà chữ Hy lạp của Anaximandre gọi là άρχη. Trong tư tưởng Anaximandre, άρχη chính là nguyên thể. Nguyên thể là nguồn cho toàn thể; Anaximandre gọi “toàn thể” là. Nguyên thể cũng chính là vô hạn thể, mà Anaximandre gọi là απείρον. Toàn thể là όντα, nhưng khi toàn thể đã định phân ra những đối thể thì gọi là φιίσις (nhiên thể, hóa thể, tự thể). Đối với Anaximandre, đức chính διχη là dụng của vô hạn thể trong toàn thể. Đối thể hay mâu thuẫn xuất phát từ nguyên thể và vô hạn thể. Khi thể đối thể, khi thể tách rời thể hay mâu đối lại thuẫn thì là sự bắt đầu của toàn thể. Thể thế tương sinh tương hoại, khi đức thể này thịnh hơn đức thể kia thì gọi là nghịch đức chính. Đức chính giữ lại trung hòa cho toàn thể; toàn thể sinh loại thuận theo đức lý; vô hạn thể άπείρον viên thể περιέχειν, do đó ở ngoài sự tương khắc của toàn thể. Tất cả tư tưởng của Anaximandre cô đọng trong câu: “Nguyên thể” άρχη của toàn thể là vô hạn thể άπείοον; toàn thể trở về lại nơi nó phát sinh, thuận theo đức lý; bởi vì toàn thể tương dụng ứng cảm qua nghịch đức chính, tùy theo định thời”.
Qua câu độc nhất trên, Anaximandre làm một cuộc phá hoại vĩ đại trong tư tưởng Hy lạp; Anaximandre phá hủy toàn thể tư tưởng của Thalès; đối với Thalès, nguyên thể là nguyên thủy (thủy=nước); Anaximandre xem nguyên thủy như là thể và đặt thủy trong toàn thể όντα; toàn thể sinh thành hoại diệt; do đó, Anaximandre đi về con đường “nguyên nguyên bản bản”, đưa nguyên thể αρχη ra ngoài sự sinh thành hoại diệt của toàn thể όντα và gọi nguyên thể là vô hạn thể άπείρον nghĩa là ở ngoài toàn thể; nước (thủy) không thể là nguyên thể, vì nước chỉ là hạn chế trong những hạn thể (sự thể) của toàn thể όντα. Nguyên thể là vô hạn thể άπείρον mà Anaximandre cũng gọi là thiên thể.
Vô hạn thể là Tính nghĩa mà Anaximandre đã khai mở cho tư tưởng Tây phương; chính Anaximandre là người đầu tiên đi vào trong chân trời của Sinh mệnh Tây phương; kinh nghiệm thể tri của Anaximandre đã mở đường cho Héraclite và Parménide để mà hình thành tất cả Triết lý và Khoa học hiện nay. Bước đầu của Anaximandre đã mở lối cho tất cả mọi hướng đi chuyển thếcủa Tây phương trong trên hai nghìn năm. Thể hướng tượng thế và tượng thể của Anaximandre đã vạch ra Thể Tính cho Sinh mệnh Tây phương: Tư tưởng Anaximandre xuất hiện như một dòng suối mở nguồn cho thác nước lũ cuồng bạo chảy về Hố thẳm của Sinh mệnh.
Con đường của Anaximandre mở ra hai lối: Héraclite và Parménide, hai thiên tài cô độc nhất, cô đơn nhất, huyền viễn nhất, kiêu hãnh nhất, bi tráng nhất, im lặng nhất, vĩ đại nhất trong Tư tưởng Tây phương; hai thiên tài Hy Lạp này là hai đỉnh núi ngất ngưởng mờ ảo, thống ngự cả Sinh mệnh Tây phương. Anaximandre bắn ra Tính nghĩa; Héraclite và Parménide rọc rách thể nghĩa ra ngoài Tính Nghĩa. Anaximandre là Tính chuyển hóa thành song thể; dịch của Héraclite và thường của Parménide. Song thể chuyển hóa thành nhị thể, nhị thể chuyển hóa thành đối thể, đối thể chuyển hình thành song dụng, song dụng chuyển hình thành nhị dụng, nhị dụng chuyển hình thành đối dụng và đưa Sinh mệnh Tây phương đến tất mệnh: bài hát cuối cùng của con thiên nga sắp chấm dứt và niềm im lặng bay vờn lên hố thẳm.
Héraclite bay cuộn tròn vòng quanh hố thẳm như con ó trời; miệng của Héraclite thổi lửa thần đốt cháy cả vũ trụ con người: Héraclite nói lên ngôn ngữ kinh thiên của tiếng sét, mửa máu trên giấc ngủ loài người; phong thể của Héraclite lầm lì, tối tăm, đen kịt, sâu thẳm, huyền bí.
Héraclite phá hủy nguyên thể của Anaximandre; vô hạn thể của Anaximandre không làm bận tâm Héraclite; thay vì vô hạn thể άπείρον Héraclite đưa nguyên thể άρχη xuống toàn thể όντα, cột dính toàn thể với nguyên thể bằng lý thể λογος; lý thể chính là nhất toàn: ΕνΠάντα, – Nhất toàn tức là nhất toàn thể; nhất tức là nhất lý hay là Lý; toàn tức là toàn thể: Πάντα τά όντα; lý thể hợp nhất toàn thể trong tính thể, tức là đức lý ροφον; người yêu đức lý άνήρ φιλόσφος là người yêu σοφόν (ός φιλεί τό σοφόν) có nghĩa là đức lý hay minh đức; đối với Héraclite, yêu đức lý có nghĩa suất lý hay suất tính thể, tức là thuận theo lý thể Λόγος.
Tính thể xuất hiện qua Héraclite bằng lý thể Λόγος; lý thể là lý của toàn thể (gọi là Toàn Nhất hay Nhất Toàn: Εν Πάντα; yêu đức lý σοφόν là thuận theo lý thể Λόγος; lý thể bao trùm toàn thể, vì thế lý thể Λόγος là cộng thể ζυνόν không phải là tư thể ίδιον; do đó, lý thể là ly thể; ly thể là tách lìa ra ngoài thể, ngoài tư thể; tính cách ly thể ấy được Héraclite gọi là γεχωρισμένεν; do đó, việt thể xuất hiện cùng lúc với tính thể (lý thể) trong tư tưởng Héraclite. Lý thể Λόγος khai sinh pháp thể νόμος.
Héraclite phá hủy tất cả tư tưởng tiền nhân, phủ nhận tất cả mọi vĩ nhân, phủ nhận chính thể đương thời, phủ nhận tất cả mọi kiến thức chi li, để đi đến đức lý ροφν, nghĩa là lý thể Λόγος; tư tưởng của Héraclite hãy còn là tư tưởng theo nghĩa suy niệm φρονειν thuận theo đức lý σοφόν hành theo hóa thể φυσις, đúng nghĩa của minh đức άρετή.
Tư tưởng của Héraclite là tư tưởng của đức lý σοφον, phương trời của tính thể hàm dưỡng điều động; cả tư tưởng của Parménide cũng còn nằm trong đức lý σοφον; nhưng sau Héraclite và Parménide, tất cả tư tưởng của Tây phương trong hai ngàn năm sau chỉ là Triết lý φιλοσοφία chứ không còn là Đức lý σοφον nữa. Sau Héraclite và Parménide, tư tưởng không còn là tư tưởng nữa; lúc Tư tưởng bị rơi xuống chỗ tàn tạ thì Triết lý xuất hiện; lúc Triết Lý rơi xuống chỗ tàn tạ thì Triết học xuất hiện; lúc Triết học rơi xuống chỗ tàn tạ thì Khoa học xuất hiện; chỉ khi nào Khoa học rơi xuống chỗ tàn tạ thì Đức lý σοφον mới xuất sinh để phục hồi Triêu Dương của Tính Thể.
Đối với những con người bất thành απιστια thì lý thể Λόγος thường hay ẩn trốn, nhưng con người phải biết chờ đợi niềm không chờ đợi, “kỳ bất kỳ”, tư tưởng của Héraclite bay đến tuyệt đỉnh của thể phận qua thể dụng “kỳ bất kỳ” (chờ đợi cái không thể chờ đợi), vì “thể tính của con người là thần thể” ήθος άνθρώπφ δαίμων.
Héraclite đã ảnh hưởng mãnh liệt đến Socrate, Hegel, Nietzsche, Marx; Héraclite đồng thời ảnh hưởng mãnh liệt đến Thần học Thiên chúa giáo qua tư tưởng về lý thể Λόγος, chẳng hạn như trong Phúc Âm của thánh Jean.
Cuộc phá hủy của Héraclite lại bị Parménide phá hủy mạnh hơn nữa trong bình diện Sinh mệnh Tây phương; chính Parménide là người đầu tiên đã dùng chữ όν mà όν có nghĩa là thể; trước Parménide chỉ có chữ όντα nghĩa là toàn thể; Parménide tách rời thể ra ngoài toàn thể, tách όν ra ngoài όντα; sự tách rời này đánh dấu cuộc phá hủy mãnh liệt vô cùng, chữ όν của Parménide sẽ điều động toàn thể Tư tưởng Triết lý Tây phương; sau Parménide một thời gian gần hai trăm năm thì chính Aristote đã hệ thống hóa tư tưởng về thể όν thành ra tính thể của triết lý qua câu: “như thế cái mà triết lý vận hành từ lâu, cho đến nay và không hề ngừng, cái mà triết lý không thể đạt tới là câu hỏi được đặt lên: thể là gì?” χαί δή γαί το πάλαι τε γαι νϋν γαι άεί απορούμενον, τί τό όν (Métaphysique, 21, 1.028 b 2.599).
Câu hỏi của Aristote nêu lên về tính thể của thể τί τό όν là câu hỏi điều động tất cả Sinh mệnh của Siêu thể học (tức là Siêu hình học) Tây phương; sự trả lời của Aristote, cùng câu hỏi tính thể của ông, đã bắt đầu mở phương trời cho Triết lý và Khoa học Tây phương; Parménide đã ảnh hưởng mạnh đến Platon, Aristote và nhất là Heidegger ở thế kỷ XX này.
έών έμμεναι, tất thể ngôn niệm thể thể, cần nói và nghĩ rằng thể là; έστί γάρ ειναί, như thị thể thể, thế thể là; Parménide đã nói lên hai tư tưởng huyền bí mà ngay đến bây giờ, sau hai ngàn năm, mà tư tưởng của Tây phương cũng chưa lãnh hội được nội dung trung thực của hai câu trên.
Thể τί τό όν của Parménide là tính thể; chân tính của Parménide γλήθεια, phá hủy ngụy lý δόζα, lần mò theo “dấu vết”, “vết tích” σήματα để trở về thể tính εϊναι, phục hồi tĩnh tâm ήσυχια.
Đối với Parménide, “niệm thể nhất thể”, tư tưởng và tính thể đều cùng một thể tính. Parménide phá hoại dữ dội vô cùng, bằng cách trỏ lối rẽ của tính thể thành song thế qua thể và toàn thể,chân tính và ngụy lý; con đường song đôi của tư tưởng Parménide đã chuyển động cả Lịch sử Tây phương; từ đó, con người càng lúc càng rẽ đôi ra và phân chia chi ly đến cùng tận: cho đến ngày hôm nay, những nhà khoa học vĩ đại cố gắng đưa tất cả mọi nẻo đường chi ly trở về nhất lý hoặc nhất thể, nhưng họ đều thất bại.
Từ Parménide trở đi, thể tính εϊναι chia thành hai: toàn thể όντα và thể όν: toàn thể όντα chia ra thành hai: thể όν và thể tính ονοία; Aristote đã làm sáng nghĩa câu hỏi về thể όν (thể là gì?) thành ra: “thể tính của thể là gì?” τοϋτό έστι τίς ή ουσία; vào thế kỷ XX, Heidegger gọi “thể tính” là “Seiendheit” còn Karl Jaspers gọi “thể tính” là “Dasein”, “Sosein”, “Wesen”; còn hồi thượng cổ, Platon gọi “thể tính” ấy là ίδέα (quan tính); triết lý kinh viện Trung cổ của Thiên chúa giáo gọi là “essentia”.
Hy lạp La tinh Đức
είναι esse Sein
έντα existentia Existenz
όν ens
ens Seiendes
όνσία essentia Wesen
έστιν est ist
Pháp Việt
Etre tính thể
Etant thể, toàn thể
étant thể
essence thể tính
est là
Lần đầu tiên trong lịch sử Tây phương, Parménide đã đặt lên phương trời phong phú của Thể Tính, đánh lên mối Ngạc thểtrước Thể và Vô thể; tư tưởng Đông phương là Ngạc Nhiên, nhưng Tây phương thì Ngạc Thể, nghĩa là kinh hãi, lấy làm lạ trước sự có mặt của Thể.
Héraclite và Parménide, mỗi người đứng trên đỉnh đầu của một vòng tròn duy nhất, khi Héraclite lên thì Parménide xuống, khi Parménide xuống thì Héraclite lên; hai thiên tài kiêu hãnh này đều nêu lên câu hỏi: “Là là gì?”; Héraclite trả lời là “dịch thể” παντα ρεϊ; Parménide trả lời là “thường thể” όν; tức là thể tính εϊναι. Hai câu trả lời, tuy bề ngoài có vẻ khác biệt nhau, nhưng thực ra đều nằm chung trong một phương trời tư tưởng. Đó chỉ là hai lối đi xuất phát từ Anaximandre: όντα của Anaximandre tách rời ra hai lối rẽ: όν của Parménide và Λόγος của Héraclite.
Héraclite và Parménide là hai thiên tài kiêu hãnh cùng độ; họ sống cô đơn trong con đường của tư tưởng thuần túy; họ là những tư tưởng gia phá hoại một cách tinh thành nhất trong tư tưởng loài người; Parménide khinh bỉ Héraclite và Anaximandre; Héraclite khinh bỉ tất cả mọi người; Homère, Hésiode, Pythagore, Xénophane đều bị Héraclite khinh miệt một cách tận cùng. Héraclite bước đến “bài hát tối hậu và sự đối chất cuối cùng” (René Char).
Cuộc phá hoại của Héraclite mở đường đi về lý thể Λόγος qua tư thế φρονειν trong sự xung khắc mâu thuẫn đối nghịch mà lý thể Λόγος điều động ẩn hiện; còn cuộc phá hoại của Parménide mở đường đi về chân thể αληυειο qua hiển thể νοεϊν trong định thể γρισις giữa chân tính và ngụy tính. Tư tưởng của Héraclite và Parménide là tư tưởng đánh thức, tư tưởng phá hoại giấc ngủ mộng mị của loài người.
Sau Héraclite và Parménide đến trên mười lăm thế kỷ thì Tư tưởng dẫy chết quằn quại biến thành Triết Lý và Triết Học (nhất là Triết học kinh viện); cuộc phá hoại của Héraclite và Parménide đi quá mạnh trên lãnh vực tư tưởng con người, chỉ đến thế kỷ thứ XIII-XIV mới thấy xuất hiện một cuộc phá hoại kinh thiên động địa khác, lay chuyển cả Thần học Thiên chúa giáo; đó là sự xuất hiện của Eckhart trong dòng Sinh mệnh Tây phương: Eckhart đánh thức một lần nữa giấc ngủ triền miên của tư tưởng ly tính. Ngay vào thế kỷ XX này, trên con đường nội cỏ quê hương (Feldweg) của buổi xế chiều vàng vọt, khi Heidegger mở lòng lắng nghe niềm lạ vô ngôn của hóa thể, Heidegger cũng nhớ đến Eckhart với lòng triều mến “thần giao tính cảm”; Heidegger nói rằng Eckhart là kẻ dạy con người “đọc và sống” trên con đường trở về Thể Tính Thiên Mệnh (cf. Chemin de Campagne, in Questions III, Gallimard, Paris 1966, trang 12).
Thiên thể (Gottheit) và Không thể (Nichtheit) của Eckhart là phương trời cho sự phá hủy dữ dội của Eckhart; Eckhart tiêu trừ tất cả những tư tưởng thần học đi trước mình; dụng cụ của Eckhart là ngôn từ bắt cầu giữa Nguyên Ngôn (Wort) và Liên Ngôn (Beiwort); tư tưởng chủ động của Eckhart xoáy vào chính ý (rechte Meinung); Eckhart phủ nhận hết mọi sinh hoạt tín ngưỡng cũng như lòng từ thiện, cầu nguyện, cấm phòng, ăn năn chuộc tội, nhịn đói, vân vân; đối với Eckhart, những sinh hoạt ấy chỉ triển dương Hữu, chứ không khai triển Tính; Eckhart vạch ra ba mối chướng ngại chận lối không cho con người mở lòng ra đón Nguyên Ngôn; những chướng ngại ấy là:
1) Thân Thể
2) Phức Thể
3) Thời Thể

Con đường bước về Nguyên Ngôn và Thiên Thể (Gottheit) là bần cùng hóa tạm thể: thân thể, phức thể, thời thể. Bần cùng hóa thân thể để nhập thể cùng với thiên thể, bần cùng hóa phức thể để phục hồi nhất thể, bần cùng hóa thời thể để tiêu dao cõi việt thể, cõi phi thời gian cùng phi không gian. Chính ý (rechte Meinung) tức là bần cùng ý, cũng gọi là bần tâm (Beatipauperes spiritu, Matt. 5,3).
Sự phá hủy mãnh liệt nhất của Eckhart tựu về cùng tâm hay bần tâm. Đối với Eckhart, khi con người hãy còn tiếp nhận thiên ý, hãy còn cố gắng thành tựu thuận theo lòng trời thì con người vẫn chưa đạt đến cùng tâm, bởi vì con người hãy còn ý chí, ý chí thành tựu, ý chí muốn thành tựu thiên ý; khi con người có lòng hướng về Vĩnh cửu và hướng về Thượng đế thì con người vẫn chưa phải con người nghèo trí.
Muốn được cứu rỗi thì phải nghèo trí, nghèo tâm, pauvre en esprit (Matt. 5,3: Baeati pauperes spiritu quia ipsorum est regnum coelorum). Con người đạt đến cùng tâm là con người nghèo nàn thực sự, không tham muốn gì hết, không mong đợi, đòi hỏi gì hết.
Eckhart tự nhận mình đã giải thoát lìa khỏi Thượng đế và tất cả sự vật, Eckhart cầu nguyện Thượng đế “cho chúng tôi được giải thoát khỏi Thượng đế”; Eckhart phủ nhận tất cả ý chí, kiến thức, trí thức và bác ái. Tất cả tư tưởng phá hoại hiên ngang và thông minh nhất của Eckhart cô đọng trong bài thuyết pháp Warum wir sogar Gottes ledig werden sollen (Meister Eckhart, Predigten und Schriften, Fischer, Bücherei, Fr. am M. 1956, trang 191). Tư tưởng về bần tâm thể hiện minh bạch nhất trong đoạn văn này: “Chúng tôi nói rằng con người phải nghèo nàn đến nỗi con người không còn là một nơi chốn, không có một nơi chốn nào sót lại trong người để Thượng đế ngự trị. Khi mà con người còn giữ lại nơi chốn nào đó trong lòng thì hắn hãy còn giữ lại một sự phân biệt nào đó. Vì thế tôi cầu nguyện Chúa hãy giải phóng tôi ra ngoài Chúa, bởi vì tính thể thực sự của tôi còn cao hơn Chúa, khi Mà ta hãy còn quan niệm rằng Chúa là nguồn gốc của vạn vật” (Wir sagen also, der Mensch muss so arm stehen, dass er nicht einmal mehr eine Stätte in sich habe, darin Gott wirken konnte. Solange der Mensch noch irgendeine Stätte in sich behält, behält er auch noch Unterschied. Darum bitte ich Gott, dass er mich Gottes quitt mache; denn mein wesenhaftes Sein ist oberhalb von Gott, sofern wir Gott als Ursprung der Kreaturen auffassen).
Eckhart là tu sĩ dòng tu dominicain của Thiên chúa giáo, nhất là Thiên chúa giáo thời Trung cổ, thế mà tư tưởng Eckhart phá hoại một cách vũ bão như vậy thì hiển nhiên suốt đời tiếng nói của Eckhart chỉ là một tiếng la trong sa mạc, Eckhart là hiện thân cho tất cả mọi ngộ nhận lớn lao nhất trong đời; tất cả con người đương thời đều nằm trong thung lũng thì làm gì nghe được tiếng hét tự đỉnh núi ngất ngưỡng mà chỉ có Eckhart là đứng cô liêu đơn độc?
Eckhart chết năm 1327; hai năm sau (năm 1329), đức giáo hoàng Jean XXII đã kết án khai trừ tư tưởng Eckhart (bulle de Jean XXII, 27, III, 1329). Thế là Tư tưởng của Tây Phương bắt đầu ngủ lại triền miên cho đến khi Nietzsche xuất hiện, nghĩa là trên 500 năm sau.
Sau sự phá hoại của Eckhart, thì người ta thường chú trọng đến triết lý của Kant mà mọi người cho là một “cuộc cách mạng” trong triết học; thực sự, triết lý của Kant chỉ là một sự phá hoại cỏn con, sự tỉnh thức trong giấc ngủ thức trong mộng: Kant vạch ra những giới hạn của lý tưởng thuần túy qua những phạm trù của tư tưởng để rồi đi đến lý tưởng thực dụng, tức là bổn phận, sau cùng bị ru vào giấc ngủ của đức tin, nằm triên miên trong Tín điều của Tất mệnh Tây phương.
Chỉ khi Nietzsche ra đời mới là sấm sét nổ tung vào giấc ngủ Tây phương; Nietzsche đứng dậy vung tay trỏ ngón vào Hố thẳm:
Khi Hố thẳm không đáy mở ra…
(Und ein Abgrund ohne Schranken
That sich auf:[ - da war's vorbei!])
Và than thở một cách trầm thống:
Chúng ta đã ngủ, chúng ta đã ngủ
Tất cả đều ngủ - ừ, ngủ quá say, ngủ thiêm thiếp…
([Nichts geschah!] Wir schliefen, schliefen
Alle - ach, so gut! so gut)
Hai đoạn thơ trên nằm trong bài Der geheimnissvolle Nachen (Con thuyền huyền bí) của Nietzsche; đây là một trong vài bài thơ kỳ diệu nhất, cô đọng tất cả thần thức và tiềm thức của Nietzsche trước Sinh mệnh Tây phương, mà biểu tượng cho sinh mệnh ấy là chiếc thuyền (der Nachen).
Sau Eckhart chỉ có Nietzsche là đứng lên đánh thức tư tưởng con người và phá hoại tiếp theo cuộc phá hoại của Eckhart; chính Nietzsche kết án Thiên chúa giáo về việc tàn hại Eckhart, người mà Nietzsche gọi là “con người vẹn toàn” (cf. Ainsi parlai Zarathustra, Note et Aphorismes, Gallimard 1947, trang 319).
Cũng như Héraclite (người mà Nietzsche gọi là “tổ tiên của tôi”) Nietzsche đúng là “một người khiêu vũ trong trận chiến” (in den Schlacht ein Tanzer), leo lên “tầng cô đơn tối hậu, tầng cô đơn thứ bảy” (meine siebente letzte Einsamkeit), mỉm cười “những nụ cười không mây” và tự hỏi:
Nhưng, ngươi, hỡi Zarathustra,
Người có yêu Hố thẳm không như thông ngàn yêu Hố thẳm?
(Aber du, Zarathustra,
Liebst den Abgrund noch,
Thust der Tanne es gleich?)
Nietzsche ca ngợi Dionysos và khám phá rằng đỉnh núi chót vót và hố thẳm đen tối chỉ là một:
Không còn lối đi! Khắp nơi đều là hố thẳm và niềm im lặng!
(Kein Pfad mehr! Abgrund rings und Todtenstille!)
Lúc bấy giờ “ánh sáng rực ngời sẽ bắn lên từ Hố thẳm để vụt lên tận trời cao” ([aber plötzlich, ein Blitz, hell, furchtbar,] ein Schlag gen Himmel aus dem Abgrund); Nietzsche la hét bên Hố thẳm:
Con người yêu Hố thẳm thì phải mọc cánh.
(Man muss Flügel haben, wenn man den Abgrund liebt).
Trên Sinh mệnh của mình, Nietzsche đặt một sinh mệnh (auf seinem Schicksal ein Schicksal stehend), dè dặt, cẩn thận, bao dung, cứng rắn, im lặng, cô đơn, đứng giữa hai nỗi Hư Vô (zwischen zwei Nichtse) Nietzsche đánh lên một dấu hỏi (ein Fragezeichen), một dấu hiệu của Lửa (Feuerzeichen):
Hỡi đêm tối, hỡi niềm im lặng, hỡi tiếng động của niềm im lặng cõi chết.
(Oh Nacht, oh Schweigen, oh todtenstiller Lärm! …
Tôi thấy một dấu hiệu.
(Ich sehe ein Zeichen)
Dấu hiệu ấy là một dấu hỏi (ein Fragezeichen), là một chòm sao:
Tính tú tối thượng của Tính thể!
(Höchstes Gestirn des Seins!)
Đứng ở Sils Maria, Nietzsche sực thấy Một biến thể thành Hai(Da, plötzlich, Freundin, wurde Eins zu Zwei) và Nietzsche ngồi chờ đợi trong niềm Chờ Đợi mới:
Tôi ngồi đó trong niềm chờ đợi, không chờ đợi cái gì cả, chờ đợi vô thể, chờ đợi không chờ đợi…
(Hier sass ich, wartend, wartend, - doch auf Nichts).
Tất cả những câu thơ của Nietzsche vừa trích dẫn ở trên là những câu huyền bí, sâu thẳm, cô đọng, phong phú, nói hết tất cả sự phá hoại của Nietzsche trong dòng Sinh mệnh Tây phương; Nietzsche là người đầu tiên, tư tưởng gia đầu tiên đã đặt lên một Câu Hỏi Sinh Mệnh nằm trong Sinh mệnh Lịch sử Thế giới, với tất cả nỗi niềm trầm thống bi tráng của Sinh Mệnh Siêu thể (Siêu hình học); Nietzsche đặt lại sinh thể của con người, nêu lại tính thể của nhân sinh: con người đã ngủ từ Socrate cho đến hôm nay; sau thời vàng son của Triêu Dương Hy Lạp (qua Héraclite, Parménide, Empédocle, Eschyle); Sinh mệnh Tây phương nằm thiêm thiếp trong giấc ngủ trên “chiếc thuyền bí mật” (der geheimnissvolle Nachen), như thế con người có đủ chuẩn bị để cưu mang vai trò thống trị mặt đất, nếu không thì phải làm gì? Nietzsche kêu gọi việt thể cho tính thể con người: con người phải tự vượt lên trên con người để mà bước tới ngang vai trò sứ mệnh của mình: siêu việt con người gọi là việt nhân(Übermensch); lực ý hay ý lực là tính thể của toàn thể; tính thể của Zarathustra là dạy sự trở về vĩnh cửu, tức là phục thể của đồng thể; sinh mệnh là một vòng tròn bé nhỏ nằm trong vòng tròn to lớn của chu kỳ vũ trụ; giây phút quan trọng nhất trong sinh mệnh của con người là lúc con người đi đến vai trò thống trị mặt đất này (tiên tri của Nietzsche đã thể hiện vào thế kỷ XX, thời đại khoa học của kỷ nguyên nguyên tử), như thế con người phải vươn đến tính thể của con người là vượt lên con người tức là việt thể nhân tính để đủ khả năng điều động sinh mệnh của lịch sử nhân loại; chiếc cầu đưa con người đến tính thể thực thụ của con người (việt nhân) chính là con người phải giải thoát khỏi sự phẫn thể hay thể phẫn; chính sự phẫn thể này là khiến con người sinh ra tinh thần cừu thể; cừu thể là tinh thần trả thù của con người đối với thể; tất cả suy tưởng (nachdenken) của tất cả tư tưởng gia và triết gia từ Socrate đến trước lúc Nietzsche xuất hiện đều mang tinh thần cừu thể (Rache), suy tưởng con người là tương thể của con người với thể và tính thể; mối tương thể ấy được thể lập, do thể điệu tiền tượng (vorstellen), tiền tượng thể trong tính thể của thể tính qua hành thể, dụng thể và đối thể trong viễn thể của Việt thể. Tính tướng tiền tượng (vorstellung đã bị qui định bởi tính tướng cừu thể; do đó, con người giữ tương quan với thể và tính thể qua tính chất tích cựccủa dụng thể, và như thế tất cả tương thể của con người đối với thể đều có tính chất của Siêu thể học (Siêu hình học).
Từ Nietzsche đến Heidegger thì Sinh mệnh Tây phương đã tự ý thức một cách bi tráng; Heidegger đánh thức giấc ngủ của triết lý và triết học bằng sự phân biệt (Unterschied) giữa Tính thể và Thể tính (Sein-Seiendes) Heidegger khai triển tinh thần cừu thểvà khám phá rằng tinh thần ấy đã qui định âm hưởng (durchstimmt und bestimmt) tất cả tương thể của con người với thể và thể tính: tinh thần cừu thể ấy là tính chất của Siêu thể (Siêu hình học); Heidegger đồng hóa Sinh mệnh với Triết lý, đồng hóa Triết lý với Siêu hình học (Siêu thể học), đồng hóa Siêu thể học với Bản thể học, đồng hóa Sinh mệnh với Tây phương với Lịch sử; đối với Heidegger, Luân lý học, Tâm lý học, Triết học không thể nào giải thoát tính thể của con người, nếu con người không mở ra một phương trời khác cho tương thể của mình được hanh thông với Tính thể (Sein) (cf. Heidegger, Was heisst Denken, trang 34); Heidegger phá hủy Triết lý và Triết học Tây phương, đặt lại giới hạn của tư tưởng Nietzsche (Heidegger cho rằng mặc dù Nietzsche đã đưa tinh thần cừu thể (Rache) đến cho thành tựu với tất cả ý thức mãnh liệt bên Hố thẳm, nhưng Nietzsche vẫn không giải thoát khỏi tinh thần cừu thể ấy; Nietzsche không thể giải thoát khỏi cái mà Nietzsche muốn kêu gọi giải thoát); Heidegger mở song thoại với tư tưởng của Héraclite và Parménide (Heidegger cho rằng Héraclite và Parménide là hai nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Sinh mệnh Tây phương) để dọn lối đi trở về nội cỏ, lắng nghe tiếng nói của Tính thể qua niềm im lặng của cây lá bên lối mòn, qua hồn thơ, hồn nhạc của những nghệ sĩ cố hương, tìm về như thể (das Selbe), hồi phục đơn thể (das Einfache), lọc sạch tương thể của hiện thể (Dasein) đối với cơ khí của thời đại, trả con người trở lại gốc rễ của con người, một gốc rễ mới giữa nỗi mất quê hương của con người thời đại. Con người chỉ có thể trở lại gốc rễ mới ấy là khi sự suy tưởng của con người là Tính tưởng, chứ không là tính tưởng; Tính tưởng là suy tưởng về Tính thể, còn tính tưởng là suy tưởng của tính toán (calcul) (cf. Heidegger, Questions III).
Sự phá hủy của Heidegger tựu thành sự phá hủy của Nietzsche, mặc dù Heidegger ý thức sự thất bại của Nietzsche; nhưng chính Heidegger cũng đồng thời ý thức sự thất bại của chính tư tưởng mình; Heidegger cũng nhận rằng tư tưởng mình là tư tưởng thất bại (… “von einem scheiternden Denken”, Ueber den Humanismus), nhưng đồng thời Heidegger cũng kiêu hãnh vì biết rằng chính sự thất bại ấy là sự thành tựu oanh liệt nhất của Sinh mệnh Tây phương. Tư tưởng của Heidegger cô đọng trong hai câu văn này trong thiên cảo luận Hoelderlin und das Wesen der Dichtung (Hoelderlin và tính thể của thi ca):
I. Chúng ta không bao giờ tìm thấy căn nguyên (Grund) trong uyên nguyên (Abgrund);
II. Tính thể (Sein) không bao giờ là một thể (Seiende).
Hai câu văn đánh dấu sự tựu thành oanh liệt nhất của tư tưởng Heidegger, nhưng đồng thời cũng đánh dấu sự thất bại bi tráng nhất của Sinh mệnh Tây phương. Đứng trên thể diện Sinh mệnh Tây phương thì hai câu văn trên là một con đường mở ra một phương trời mới lạ để sinh mệnh không rơi vào tất mệnh; nhưng đứng trên tính diện Tính mệnh Đông phương thì phải nói ngược lại:
I. Chúng ta luôn luôn tìm thấy căn nguyên (Grund) trong uyên nguyên (Abgrund);
II. Tính thể (Sein) luôn luôn là một thể (Seiende).
Vì nằm trong chân trời của Việt và Tính thì không còn sự phân biệt nữa; còn giữ sự phân biệt (Unterschied) là còn nằm trong Sinh mệnh, mà còn nằm trong Sinh mệnh thì không thể điều động Sinh mệnh ra ngoài tất mệnh; chỉ có Tính mệnh mới điều động sinh mệnh; sự phân biệt (Unterschied) của Heidegger giữa tính thể (Sein) và thể (Seiende) là sự phân biệt (Underschied) của Heidegger giữa tính thể (Sein) và thể (Seiende) là sự phân biệt xuất phát từ Sinh mệnh Tây phương; do đó, Heidegger cũng không thể tự giải thoát khỏi sinh mệnh ấy để mà:
“Để tính thể được thể tính”
(sie lasst das Sein - sein)
(elle laisse l’Etre - être)
Vì Heidegger cũng đi trên con đường của Nietzsche, nghĩa là “trên sinh mệnh của mình mà đặt một sinh mệnh” (Nietzsche: “auf seinem Schicksal ein Schicksal stehend”).
Con đường Triết lý đi từ Nietzsche đến Heidegger cũng giống như con đường Văn nghệ đi từ Rimbaud đến Henry Miller trong dòng Sinh mệnh Tây phương, chỉ khác một điều duy nhất là Henry Miller đã thành tựu con đường phá hoại (via negativa) trong lãnh vực văn nghệ của Sinh mệnh Tây phương và đồng thời thành tựu luôn cả con đường bội lý (reductio ad impossible) trong Hố thẳm của Tính mệnh.
Tập thơ une saison en enfer của Arthur Rimbaud hình thành tư tưởng của sinh mệnh còn mãnh liệt dữ dội hơn toàn thể tác phẩm của Nietzsche; chữ “Merde à Dieu” của Rimbaud là một khẩu hiệu vĩ đại hơn câu “Thượng đế đã chết” (Dass Gott tot ist.) của Nietzsche; Rimbaud, một đứa con trai mười sáu tuổi, đã đủ sức đẩy lùi tất cả Văn hóa Văn minh Tây phương vào hố thẳm của tịch dương bằng một tập thơ mỏng không đầy 100 trang (cf. Rimbaud, une Saison en Enfer, Mercure de France, Paris, 1951).
Rimbaud đưa tất cả niềm hy vọng của con người đến chỗ tiêu ma (Je parvins à faire s’évanouir dans mon esprit toute l’espérance humaine); Rimbaud “tự võ trang để chống lại công lý, công bình” (je me suis armé contre la justice), sợ hãi tất cả nghề nghiệp (j’ai horreur de tous les métiers), chán chường tổ quốc quê hương (j’ai horreur de la patrie), tự xưng là “một con thú vật, một thằng mọi đen” (je suis une bête, un nègre), đói, khát, la hét, nhảy múa cuồng loạn (faim, soif, cris, danse, danse, danse, danse!), vẫn tiếp tục bước đi tới đằng trước, bước đi khi phổi thiêu đốt, bước đi khi thái dương hừng hực, vẫn bước đi, tiếp tục bước đi (en marche!), không tin tưởng vào lịch sử, bỏ quên mọi nguyên tắc (plus de foi en l’histoire, l’oubli des principes), khai mở tất cả mọi huyền bí (je vais dévoiler tous les mystère), la hét rằng “cuộc đời thật sự đã vắng mặt rồi“ (la vraie vie est absente) và “chúng ta không ở tại trần gian này” (nous ne sommes pas au monde), khinh miệt tất cả hội họa và thi ca hiện đại (trouvais dérisoires les célébrités de la peinture et de la poésie moderne), viết lên những niềm im lặng, những đêm tối (j’écrivais des silences, des nuits), ghi lại niềm vô ngôn (je notais l’inexprimable), yêu sa mạc và yêu những vườn cây bị đốt (j’aimais le désert, les vergers brûlés), thích lang thang vào những đường hẻm hôi thối và nhắm mắt lại hiến mình cho mặt trời, thần lửa của con người (je me trainais dans les ruelles puantes et, les yeux fermés, je m’offrais au soleil, dieu de feu), yêu thương đất và những tảng đá khô cháy (si j’ai du goût, ce n’est guère que pour la terre et les pierres), đêm tối cô đơn, ngày sáng bốc lửa (malgré la nuit seule et le jour en feu); Rimbaud vùng vẫy la hét cuồng loạn, phá hoại, bới tung cho mọi sự trở nên hỗn mang, để rồi rơi xuống đất liền (Je suis rendu au sol), tuyệt vọng cùng cực, không bàn tay đưa bắt (pas une main amie!) vẫn không thoát khỏi tinh thần cừu thể (dammnés, si je me vengeais!), đành chịu bơi chới với trong dòng Sinh mệnh Tây phương (tenir le pas gagné) cưu mang Sứ mệnh của Tính thể Tây phương (Il faut être absolument moderne), bỏ làm thơ, bỏ hết mọi hy vọng, rời bỏ Âu châu (ma journée est faite, je quitte l’Europe) đi về một phương trời miên viễn (parce qu’il faudra que je m’en aille, très loin, un jour).
Điều lạ lùng huyền bí nhất là Rimbaud đã biểu tượng Sinh mệnh Tây phương bằng hình ảnh của một con thuyền (cf. une Saison en Enfer trang 83: barque élevée dans les brumes immobiles) biểu tượng của Rimbaud cũng giống biểu tượng về con thuyền của Nietzsche (cf. Der geheimnissvolle Nachen).
Sự Phá hủy của Rimbaud nằm trong sáu câu thơ sau đây:
1) Tôi nằm trong đáy sâu của hố thẳm, và tôi không còn biết đọc kinh nữa (cf. une Saison en Enfer, trang 47: je suis au plus profond de l’abime, et je ne sais plus prier).
2) Tôi nhận thấy rằng mọi vật thể đều mang tất mệnh hạnh phúc (cf. une Saison en Enfer, trang 60: je vis que tous les êtres ont une fatalité de bonheur).
3) Từ khi có sự tuyên khai của khoa học, nghĩa là Thiên Chúa Giáo, con người tự đùa giỡn, tự chứng thể bằng những điều hiển nhiên, tự thổi phồng sung sướng khi lặp đi lặp lại những bằng chứng, và chỉ sống như thế thôi! (cf. une Saison en Enfer, trang 69: depuis cette déclaration de la science, le christianisme, l’homme se joue, se prouve les évidences, se gonfle du plaisir de répéter ces preves; et ne vit qua comme cela!).
4) Hỡi các triết gia, các người là thuộc về Tây phương của các người (cf. une Saison en Enfer, trang 70: Philosophes, vous êtes de votre Occident).
5) Lao động con người! Đó là sự nổ tung thỉnh thoảng làm vụt sáng hố thẳm tôi (cf. une Saison en Enfer, trang 75: Le travail humain! C’est l’explosion qui éclaire mon abime de temps en temps).
6) Tôi không còn biết nói nữa! (cf. une Saison en Enfer, trang 79: je ne sais plus parler!).
Câu 1 nói hết những gì Nietzsche muốn nói; câu 2 nói hết những gì Héraclite, Parménide, Eckhart đã nói; câu 3 nói hết những gì Heidegger muốn nói trong Was ist Metaphysik?, nghĩa là đặt lại giới hạn của khoa học qua tính thể của Siêu thể học (Siêu hình học), câu 4 nói hết những gì Heidegger muốn nói trong Was ist das - die Philosophie?, nghĩa là đồng hóa Tây phương với triết lý, đồng hóa triết lý với φιλοσοφια sự khai sinh của khoa học và sự thống trị của cơ giới trong lịch sử con người ở mặt đất này; câu 5 nói hết những gì Cộng sản và Tư bản đã làm cho con người trong Tính thể của Sinh mệnh; câu 6 nói hết những gì mà tất cả những nhà thần bí (mystiques) đã nói trong lịch sử con người.
Sự phá hoại của Rimbaud tựu thành trong sáu câu thơ trên; Rimbaud bỏ Tây phương mà trở về Đông phương để “tìm đức lý đầu tiên và vĩnh cữu” (cf. une Saison en Enfer, trang 69: je retournais à l’Orient et à la sagesse première et éternelle); đối với Rimbaud, “hành động không phải là đời sống” (cf. Une Saison en Enfer, trang 60: l’action n’est pas la vie) và “luân lý chỉ là cơn yếu đuối của óc não” (cf. Une Saison en Enfer, trang 60: la morale est la faiblesse de la cervelle).
Tính thể của Sinh mệnh Tây phương (và cả Đông phương hiện nay) là Hành động; nhưng đứng về chân trời của Tính mệnh thì “hành động không phải là sinh mệnh” như Rimbaud đã khám phá; nhưng ý thức và khám phá ấy đã khuynh đảo Rimbaud và khi lìa bỏ Tây phương mà đi, Rimbaud đã sống vất vưởng, không thoát khỏi tinh thần cừu thế và cừu thể và sống cho đến tận cùng nỗi thất bại điêu đứng của sinh mệnh mình và của cả Sinh mệnh Tây phương; cái chết của Héraclite, cái chết của Socrate, của Jésus, của Rimbaud tượng trưng cho cái chết bi tráng của Sinh mệnh Tây phương, một nỗi chết phũ phàng đến cực điểm, đau đớn, cô đơn, huyền bí, sâu thẳm, phong phú đến muôn vàn ý nghĩa; cái chết của Sinh mệnh Tây phương là cái chết mà Oswald Spengler gọi là “con đường đã vạch sẵn”, con đường không lối thoát, không hy vọng, vì “hy vọng là hèn nhát” (l’espérance est Lâcheté), cái chết hiên ngang bi tráng ấy là cái chết của một người lính gác La Mã, trong khi hỏa diệm sơn Vésuve nổ tung, mà vẫn đứng gác tại chỗ vì không ai đến thay phiên gác cho mình; Oswald Spengler muốn cho Sinh mệnh Tây phương đi đến Tất mệnh của mình một cách vinh dự như thế (cf. Oswald Spengler, l’homme et la technique, Gallimard, 1958, trang 157). 
Người duy nhất đã thực hiện cho sinh mệnh mình tất cả những gì mà Oswald Spengler, Nietzsche, Dostoievsky, Rimbaud, Whitman, Emerson, Thoreau v.v., không thực hiện hoàn tất cho sinh mệnh họ, người duy nhất ấy là Henry Miller hiện đang còn sống ở thế kỷ XX tàn bạo này. Kể từ Héraclite, Parménide, Eschyle, vân vân, cho đến Heidegger, không có tư tưởng gia nào hay nghệ sĩ nào đã phá hoại một cách tuyệt đối như Henry Miller.
Henry Miller đứng một mình, đứng trên đỉnh núi cao nhất của Hố thẳm Tính mệnh trong suốt hai ngàn năm trăm năm của Văn hóa và Văn minh Tây phương; Henry Miller siêu việt lên trên Sinh mệnh Tây phương, đứng chơi vơi làm tiên tri cho Tất mệnh của Tây phương và mở phương trời cho Cỏ thơm của Đông phương trên lối về Thiên Mệnh Việt Tính cho Toàn thể Nhân loại.
Henry Miller là người Mỹ, sinh tại New York, tại một thành phố tượng trưng cho Sinh mệnh Tây phương trong trạng thái huy hoàng nhất, với tất cả khám phá mới mẻ nhất của khoa học và cơ khí, mẫu mực của đời sống con người ở thời đại nguyên tử. Henry Miller chính là người đã phá hủy đời sống theo điệu Mỹ, đã phá Văn minh Mỹ một cách khốc liệt; đối với Henry Miller, tất cả những gì tàn bạo nhất, ngu xuẩn nhất, khờ khệch nhất, bi đát nhất, rỗng tuếch nhất, nhạt nhẽo nhất đều xuất phát từ Mỹ quốc, quê hương của ông. Tất cả những quyển sách của Henry Miller đều tố cáo Văn minh Mỹ quốc, tố cáo sự điêu tàn của Tây phương, tố cáo đời sống nông cạn của con người thời đại, tố cáo những ảo tưởng điên rồ của xã hội, đoàn thể, tôn giáo, đảng phái; luân lý, đạo đức; Henry Miller đánh dấu sự cáo chung của văn chương, thi ca và nghệ thuật: “Cách đây một năm, cách đây sáu tháng, tôi nghĩ rằng tôi là nghệ sĩ. Bây giờ tôi không nghĩ về việc ấy nữa, tôi LÀ!“ (Henry Miller, Tropic of Cancer, trang 1), “Tất cả những gì là văn chương, văn nghệ, văn học đều tách rời khỏi tôi” (op. cit, trang 1); Henry Miller “khạc nhổ vào mặt của nghệ thật, đá vào đít của Thượng đế, của Người, của Sinh mệnh, của Thời gian, của cái Đẹp, của Tình yêu!” (op. cit, trang 2); Henry Miller cho rằng Rimbaud đã thất bại một cách chua xót là vì “thời gian chưa chín muồi” (The time was not ripe) (cf. Henry Miller, the Books in my life, Icon Books; 1963, trang 96); Henry Miller khơi mở tất cả ý nghĩa trong sắc lệnh của Rimbaud: “A bas l’histoire!) (Đả đảo lịch sử!) (cf. Henry Miller, op. cit trang 86); Henry Miller ca tụng Rimbaud và gọi Rimbaud là “Kha Luân Bố của Tuổi trẻ” (cf. New Directions IX, New Directions XI) và cho rằng hành động của Rimbaud (khi lìa bỏ Tây phương để sống cuộc đời vất vả kỳ lạ ấy ở Phi châu) là một sự tự tử, vì Rimbaud thất vọng khi thấy Tây phương không còn thoát khỏi Tất mệnh đau thương kia. Bài văn đầu tiên trong đời Henry Miller là bài cảo luận ông viết về quyển Anti-Christ của Nietzsche; Henry Miller khinh miệt Heidegger, nhưng ông quí Eckhart và trích dẫn câu văn của Eckhart: “Hãy nhìn, tất cả là Bây giờ duy nhất” (cf. Henry Miller, Remember to Remember) và chính Henry Miller thốt lên: “Tất cả phải là một”. “Tất cả là một”, đi ngược lại với εν Πάντα của Héraclite trong tinh thần tương tức tương nhập của Kinh hoa nghiêm Phật giáo, “nhất tức nhất, nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất, nhất thiết tức nhất thiết”; khi đứng tại Mycenae tại Hy Lạp, trước mồ của Clytemnestra, Henry Miller đã sống lại tất cả những bi kịch Hy Lạp Thượng cổ (Eschyle, Sophocle, Euripide, vân vân); tác phẩm vĩ đại nhất của Henry Miller là quyển Colossus of Marcussi, nói lên sự trở về nguồn của Henry Miller khi ông khám phá lại đất trời Hy Lạp, sống lại buổi Triêu Dương của Sinh mệnh Tây phương; niềm vui vô hạn của sự tỉnh thức kỳ diệu lan tràn chan chứa trong quyển Colossus of Maroussi.
Henry Miller là người duy nhất (trong mấy ngàn năm của Sinh mệnh Tây phương) người độc nhất đã tỉnh thức hoàn toàn, yêu Hố thẳm và đã mọc cánh bay vút từ Hố thẳm lên đến Thiên Không xanh lơ; ông ôm choàng cuộc đời vũ trụ trong vòng tay âu yếm (Henry Miller: Instinctively; just as a bird takes wing, he threw ou: his arms in an all-encompassing embrace), run say sung sướng tràn trề trong niềm vui lai láng vô biên, thốt lên mừng rỡ ở giây phút tối hậu: “thế là đến rồi!” Đến rồi! (“At last, At last!”).
Henry Miller tự xưng là “một thằng hề” truyện The Smile at the Foot of the Ladder (Cười dưới chân thang) của Henry Miller là nói về một anh hề kỳ lạ nhất chưa từng có trong lịch sự loài người; Henry Miller cho rằng truyện ấy là “truyện kỳ lạ nhất mà tôi đã viết trong đời” (undoubtedly it is the strangest story I have yet written); trong truyện ấy, Henry Miller đã đưa Sinh mệnh đến Tất mệnh và bay lên bầu trời xanh lơ của Tính mệnh trong Bình minh của Hố thẳm:
“Niềm vui giống như một con sông: nó chảy miên man không ngừng. Đối với tôi, đó dường như tất cả lời nhắn gửi mà người hề đang cố gắng mang đến cho chúng ta, nhắn gửi chúng ta hãy nhập thế với dòng tuôn chảy di động không ngừng, nhắn gửi chúng ta đừng dừng lại để suy nghĩ, để so sánh, để phân tích, để ghì giữ, mà hãy tiếp tục tuôn chảy không ngừng vô cùng vô tận như dòng nhạc miên man. Đó là dâng bỏ, buông rơi, siêu thoát;người hề đã diễn tả sự siêu thoát ấy một cách tượng trưng. Còn chúng ta hãy làm sự siêu thoát ấy thành hiện thể”.
(Joy is like a river: it flows ceaselessly. It seems to me that this is the message which the clown is trying to convey to us, that we should participate through ceaseless flow and movement that we should not stop to reflect, compare, analyze, possess, but flow on and through, endlessly, like music. This is the gift of surrender, and the clown makes it symbolically. It is for us to make it real).
Henry Miller đã sống qua hết những mâu thuẫn, những bi kịch đau đớn khôn cùng của cuộc đời:
“Chúng ta chết đang khi vùng vẫy để sinh ra đời. Chúng ta không bao giờ đã là, không bao giờ đang là. Chúng ta đang luôn luôn trong tiến trình biến dịch, luôn luôn ly cách và đứt lìa. Luôn luôn ở bên ngoài”.
(We die struggling to get born. We never were, never are. We are always in process of becoming, always separate and detached. Forever outside).
Những dòng chữ trên nói lên Sinh mệnh cựa quậy trên bờ đất, khi Sinh mệnh không còn tuôn chảy trong dòng sông Tính mệnh.
Muốn sống lại, chúng ta chỉ cần khơi mở và khám phá: tất cả đều đã có sẵn trong ta rồi (we uncover and discover. All has been given, as the mystics say). Chúng ta chỉ cần mở mắt và lòng để trở nên một với toàn thể (we have only to open our eyes and hearts, to become one with that which is).
Henry Miller là một trong số rất ít người mà Sinh mệnh đã được giải thoát; Henry Miller nhìn thế giới này qua một màu sắc mới lạ khác hẳn cách nhìn của đôi mắt thường nhân. Henry Miller nhìn thấy cuộc đời với một đôi mắt khác. Henry Miller sống tràn trề trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại và sự hiện diện của Henry Miller chiếu tỏa rực ngời ánh dương buổi sớm, tuôn dậy một bài ca bất diệt của niềm vui chan chứa hương mai. Henry Miller mỉm cười dưới chân thang, một nụ cười thênh thang thiên sứ tuyệt trần (it was a broad, seraphic smile).
Henry Miller tự nhận là một anh hề. Giữa dòng Sinh mệnh mờ mịt của Tây phương, suốt hai ngàn năm trăm năm của Tư tưởng, bỗng nhiên từ thiên địa cất lên một tiếng cười rạng rỡ, tiếng cười phá vỡ hư vô, tiếng cười đập tan Tất mệnh, tiếng cười xanh, tím, vàng, đen, đỏ, trắng, xám, màu cam, màu lá cải, màu lục bình, màu dương liễu, màu trắc bá diệp, màu trùng-khơi-nổi-sóng, màu áo em-xanh-ngày-tháng-chơi-vơi,màu-hồng-tươi-của-cuộc-đời-đóng-đinh-trên-cây-thập-giá-giữa-mùa-xuân-đen, tiếng cười nổ sao, tiếng cười động đất, tiếng cười bể dâu, tiếng cười của Henry Miller, của một người hề, một thi sĩ trong hành động, của một câu chuyện mà mình là một trò chơi, của câu chuyện mà ngàn năm vẫn lặp lại: phụng thờ, thành bái, đóng đinh - đóng đinh với màu hồng tươi của Thiên Mệnh (adoration, devotion, crucifixion - “A Rosy Crucifixion”).
Đối với Henry Miller, Sinh mệnh là Tính mệnh; Tất mệnh là Thiên mệnh, Tây phương là Đông phương, Pháp quốc là Trung Quốc, Hy Lạp là Ấn Độ, tất cả đều là một, tất cả phải là một, tất cả đều là thơ, tất cả đều là mộng, tất cả đều là thực, tất cả đều là huyền bí, tất cả đều là thế giới của Đạo đức kinh, vũ trụ của kinh Vệ đà, thần thoại Hy lạp, truyện một ngàn lẻ một đêm.
“Tất cả đều chỉ xảy đến một lần, nhưng còn lại mãi mãi trong vạn đại… Nếu không có gì mất thì cũng chẳng có gì được. Chỉ còn lại những gì còn lại. Tôi Là” (Henry Miller, Remember to Remember).
Henry Miller thường tự nhận là một thiền sư của Phật giáo Thiền tông; điều ấy có đủ là một dấu hiệu nào đó cho sự rẽ dòng của nguồn Sinh mệnh Tây phương đi về Kiến tính của Không lộ? Của không đường? Không có con đường hủy diệt (via negativa) nào ở Tây phương hay Đông phương mà đi đến tận đỉnh núi cao chót vót và làm lạnh cả hố thẳm Thái cực như những dòng sau đây trong Prajñà-pàramità-hridaya-sùtram:
… Iha Çàriputra sarva-dharmàhçùnyatà - laksanà anytpannà aniruddha amala na vimalà nonà na paripurnah. Tasmàc Chàriputra çùnyatàyàm na rùpam na vedanà na samjñà na samskàrà na vijiñànàni. Na çaksuhçrotraghàna - jihvà - kàya - manàmsi. Na rùpa - çabda-gandha-ara sprastavya dhramàh. Na caksurdhàtur yàvanna mano-vijñàna-dhàtuh.
Na vidyà nàvidyà na vidyàksayo nàvidyà-ksayo yavan na jaràmaranam na jaràmarana-ksayo na duhkhà-samudaya-nirodha-màrgà na jñànam-napraptir apràptitvena.
Bodhisattvasya prajnà - pàramítàm áçritya viharaty acittàvaranah. Cittàvarana - nàstitvàd atrasto vipa ryàsàti-krànto nistha-nirvànah…
(Vì là mật chú, nên không tiện dịch lại Việt ngữ giữa hoàn cảnh điên đảo hời hợt của Việt Nam hiện nay).
Những chữ a và na (bất và vô) là tính thể của con đường hủy diệt (via negativa) cứu cánh của con đường phá hoại (neti, neti) là con đường không con đường, tức là Không lộ. Không lộ là con đường của Việt và Tính: con đường phá hủy con đường, phá hủy tất cả những hy vọng, phá hủy tất cả những niềm tin, phá hủy tất cả mọi sự mong đợi để còn lại một Niềm Chờ Đợi, niềm chờ đợi bên Hố thẳm của Thiên Thanh (Hoelderlin: Und hoch vom Äther bis zum Abgrund nieder…). Phải chăng con đường của Triết lý Việt Nam đã hiện lên giữa máu lửa của quê hương?
Ngày 22/5/1966
Phụ lục
Trên bước đi của Rimbaud…
… Bước chân của tôi, thi sĩ Việt Nam, đi và đạp trên bước chân của Rimbaud, thi sĩ nước Pháp.
Các ngài hãy cố gắng đi theo tôi và nếu có thể thì đi và đạp trên bước chân tôi.
Điều ấy dường như khó thực hiện, vì bước chân tôi không để lại dấu vết.
Tôi đi và đạp lên sinh mệnh như một con ma, một con quỉ, một con rắn.
Phạm Công Thiện
Trên đường đi từ Florence qua Genève về Athènes, cuối thu năm 1966.
I. Liều lĩnh sống, liều lĩnh sáng tạo cuộc đời mình theo cánh bay của ó biển, theo đôi mắt của quạ đen, Rimbaud bới sâu luống cày tuyệt đối trong lòng sa mạc ngôn ngữ thi ca. Trước Rimbaud và sau Rimbaud, chỉ còn lại cát nóng sa mạc và một đường chân trời vô tận, chẳng hứa hẹn và không chờ đợi, không thể chờ đợi mùa đông, mùa tiện nghi dễ dãi, nuôi mầm an lành ru ngủ. Tất cả thi sĩ đi trước và đi sau Rimbaud trườn mình qua sa mạc để rớt lại những dấu chân lạc đà, chỉ là những dấu vết của lạc đà, của một thời, một giai đoạn, một mùa, một bước chân chiều hoặc một hơi thở buổi sáng, để rồi cơn lốc tuyệt mù của rạng đông nổi động và sa mạc trở lại ngàn đời câm lặng; tiếng nói của sa mạc đồng vọng nhảy múa trên luống càng sâu thẳm, sâu như thung lũng, sâu như vực; sự câm lặng biến thành ngôn ngữ bằng luống cày tuyệt đối ngang qua sa mạc; luống cày trở thành con đường; sa mạc không bao giờ thấy cỏ mọc; luống cày, con đường, không là con sông, tưới nước sa mạc, sinh ra mùa xuân; mùa xuân và sa mạc chống đối nhau như thần thánh và quỷ ma; sa mạc nuôi dưỡng tất cả những loại quỷ dữ; sa mạc cũng là nơi trú ẩn tâm linh của tất cả những người tu kín, những bậc thánh khổ hạnh và cô đơn. Rimbaud mời mọc sa mạc, kêu gọi sa mạc, rủ rê sa mạc, đánh giặc với mặt trời, chạy trốn mặt trăng, ngất ngư trên cát nóng, đốt tim, đốt phổi, đốt gan, chối bỏ Âu châu và gửi Âu châu về mặt trăng, tỏ tình với mặt trời tại sa mạc để rồi hiểu rằng tất cả mặt trời đều cay đắng, tất cả mặt trăng đều tàn bạo.
Sinh ra đời để ôm sa mạc, sinh ra đời để ve vuốt mặt trời, Rimbaud đã ra đi và đã trở về; đi trong liều lĩnh bằng hai chân ngang tàng và bước về trong bạc mệnh bằng một chân kiêu hãnh, nằm trên giường bệnh, trong những giây phút cuối cùng, Rimbaud không thấy một bàn tay, không thấy hai bàn tay, mặt trời không mọc, mặt trăng không hiện, sa mạc chỉ là một trạng thái tâm hồn, quỷ ma và thần thánh là ngôn ngữ tượng hình, hai chân chuyển động là sự vận hành của ý thức, lửa là tim, lửa cháy lên thì tim đập, mỗi một ngọn lửa là một mặt trời con, mỗi một lời là khói vờn qua lửa, thơ và lửa, thơ và khói, hơi thơ và hơi thở, tiếng đập tim và tiếng búa đập vào đe, con đường và luống cày, người ăn cắp lửa và người giữ lửa, mặt trời và đôi mắt nhìn mặt trời, một mùa hỏa ngục và thiên thu hỏa ngục, Rimbaud nằm im lặng trên giường bệnh; chân giường là bốn, chân người là hai, chân Rimbaud chỉ còn lại một; lúc sinh ra đời, Rimbaud đi vào trái đất bằng hai chân, một chân tên là Hư vô, một chân là Thể tính; khi lìa đời, Rimbaud rời trái đất bằng một chân, hình ảnh của kẻ què quặt trước tuyệt đối, đứng một chân trên thời gian và không gian, như bóng quạ đen trên thung lũng, hiện và mất, sống và chết, sinh mệnh của một người đặt lên ý nghĩa sinh mệnh của con người; nạn nhân của quỷ ma và thần thánh hay là kẻ khai sinh, kẻ sáng tạo quỷ ma và thần thánh, đây là con đường hai lối và Rimbaud đã đi trên hai lối ấy với sự đồng lõa của mặt trời và mặt trăng rồi khi mặt trời và mặt trăng không còn mọc, quỷ ma và thần thánh cũng chạy trốn, hai chân chỉ còn lại một chân; một chân chỉ còn lại là một sự vật bất động, khi cơ thể đã tắt lửa; sự vật tàn rữa với thời gian và không gian; hai trở thành một và một trở thành KHÔNG, KHÔNG trở thành vũ trụ, vũ trụ trở thành mặt trời, mặt trăng và tất cả ngôi sao; trái đất xuất hiện; thi sĩ lại ra đời; mỗi một hơi thở tạo ra hơi thơ; hơi thở tắt; nhưng thơ vẫn còn sống, sống theo hơi thở của người sau; sa mạc và luống cày biến thành rừng và sông; thành phố làng mạc mọc lên, con người sống, ở đó, bỏ đi và trở về: ý nghĩa của sinh mệnh là sáng tạo ý nghĩa bằng vô nghĩa ban đầu và vô nghĩa cuối cùng.
Cuộc đời Rimbaud là tư tưởng của Rimbau: tư tưởng của sinh mệnh một người được điều động bởi ý nghĩa của việc bỏ đi bằng vô nghĩa của việc ở đó và vô nghĩa của việc trở về. Đó cũng là ý nghĩa của sinh mệnh Tây phương trong tính mệnh của nhân loại hiện nay.
II. Bắt đầu là những đêm tối lúc trăng chưa mọc, vô thức cựa quậy dữ dội. Charleville là biểu tượng của vô thức trong thế giới tâm thức của Rimbaud. Nơi mình ra đời cũng là nơi đuổi mình đi mất, nơi mình ra đời là nơi mình cựa quậy với vô thức, cựa quậy dữ dội và tuyệt vọng, cựa quậy trong nôi, cựa quậy trong lòng mẹ, cựa quậy cho rách, cho đứt lìa hẳn với đêm tối vũ trụ. Từ đó, bước chân của Rimbaud là một sự chối từ dứt khoát; Rimbaud chạy trốn đêm tối, chạy trốn vô thức, chạy trốn Charleville, chạy trốn tất cả những gì vồ ôm ý thức và cơ thể. Đứt rách, xé nát, tan rã, tất cả những động từ diễn tả sự chuyển động, vận hành, cựa quậy là ngữ vựng của đời sống ý thức vùng vẫy ra ngoài vô thức. Vùng vẫy vô vọng, vùng vẫy tuyệt vọng, vùng vẫy với hy vọng, đây là ba chặng đời của Rimbaud; chặng cuối của Rimbaud là trở về với đêm tối, nằm im và không vùng vẫy, tất cả hy vọng và vô vọng bị gạt ra ngoài, bên ngoài cửa sổ. Lỗ trống của vách tường mở lên một vòm trời mây trắng, Rimbaud bơi trên đó, tất cả vùng vẫy chấm dứt rã rời như những nốt nhạc thừa. Vũ trụ chỉ còn ở trong một cơn khói thoảng qua, Rimbaud ghì ôm sớm mai mùa hạ, một giấc mộng dài chỉ còn lại nhẹ nhàng như tiếng cười trẻ thơ; giữa mùa hạ, Rimbaud sống lại mùa xuân: “mùa xuân mang lại cho tôi tiếng cười của một thằng khờ”. Sinh mệnh thành tựu nơi hủy diệt, mở đầu với sự chạy trốn băng qua ngàn trùng núi non, sa mạc, thung lũng, thành phố, sông hồ, đất cát, rừng rú; mở đầu với nơi sinh ra và chấm dứt bằng một nụ cười trên giường bệnh, đôi mắt hấp hối, một khoảng trống man rợ, lỗ trống của vách tường, cánh cửa, tiếng động của thành phố. Thằng khờ trở thành Thượng đế, tiếng cười của nó là âm thanh phát từ những hành tinh xa; mùa xuân là nỗi chết được chờ đợi từ lâu, chờ đợi trong sa mạc và trong luống cày, giữa sớm mai mùa hạ. Cánh của ó biển làm lễ cưới với đôi mắt của quạ đen; hơi thở và hơi thơ làm lễ hôn phối; chiếc giường trắng phòng bệnh là luống cày trong sa mạc; quỷ ma là mẹ già, thần thánh là em gái; một chân độc nhất cựa quậy là vô thức trong chiếc nôi thủa thơ dại. Thành phố Charleville vẫn còn đó và việc bỏ đi của Rimbaud khiến Charleville trở thành bảo tàng viện, nơi ghi dấu và đánh dấu tất cả nỗi thất bại thiên thu của thiên tài, nấm mồ chôn ý thức, sa mạc của những dấu chân rã rời, luống cày hoang phế, một con sông chết yểu giữa hai bờ cát nóng, một con kiến bị nghiền nát giữa hai ngón tay của một thằng khờ, sinh mệnh tựu thành nơi định mệnh.
III. Tự do bắt đầu vào bình minh, đi vào buổi sáng và chấm dứt vào buổi trưa. Tôi đã ôm bình minh đầu hạ. Rimbaud và bình minh cùng ghì ôm nhau trọn buổi mai, lúc tỉnh dậy thì trời đã trưa.
Tại sao bình minh? Tại sao bắt đầu? Chấm dứt? Tỉnh dậy vào mười hai giờ trưa? Đây là những câu hỏi lạ lùng, những câu hỏi buổi sáng; những câu trả lời chỉ có thể trả lời được khi những câu hỏi chưa được đặt lên.
Tôi đã ghì chặt, ôm ghì buổi mai mùa hạ. Niềm hoan lạc mở đầu và chấm dứt vô tình như chuông nhà thờ buổi sáng. Tôi đã ôm buổi sáng? Tôi đã ôm bình minh? Bình minh mùa hạ là mối tình đầu? Cái gì đã bắt đầu thì cái ấy cũng chấm dứt như thế. Bình minh là buổi trưa ẩn núp. Lúc tỉnh dậy thì trời đã trưa. Trời đã trưa, nghĩa là trời đã trọn sáng, trọn nghĩa là dứt, sau trưa là mặt trời lặn.
Tôi bước đi, đánh thức những hơi thở ấm áp linh động. Đánh thức trong chiêm bao bình minh? Bình minh và tình yêu? Một đóa hoa nói tên cho mình? Đó là sự chinh phục ban đầu? Hoa ấy tên là Hương, Thu, Mai, Liên, Bích, Anh, Phương, Vân? Giữa lối mòn, thoáng ánh sáng mát và nhạt, sự chinh phục đầu tiên, sự phiêu lưu ban đầu là hoa, một đóa hoa nói tên cho mình. Bình minh tỉnh thức vào buổi trưa. Bình minh và đứa bé té rơi xuống dưới rừng. Té rơi xuống rừng để tự do thành tựu và để tự do thức tỉnh vào lúc mặt trời ngự trên tuyệt đỉnh. Tất cả ý nghĩa của sinh mệnh thụt lùi trước ánh sáng lạ lùng huyền bí của tính mệnh, bình minh của Hy Lạp thành tựu nơi buổi trưa của Đông phương. Lúc tỉnh dậy thì trời đã trưa.
IV. Những giây phút thiêng liêng, những giây phút cao quí, làm thành sinh mệnh và mở ra ý nghĩa sinh mệnh. Mỗi buổi mai là một buổi mai thiêng liêng; buổi trưa là cao quí, buổi chiều cao sang, buổi tối huyền diệu, ban đêm bí mật. Thời gian không là một cơn nước lũ; cuốn trôi mình ra trùng khơi tuyệt vọng. Thời gian biến thành không gian, trở thành con đường; con đường trở thành bước chân; bước chân bước đi trên buổi mai, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối; bước đi đưa mình về sinh mệnh của rạng đông và tất mệnh của hoàng hôn. Rimbaud đã bước đi trên những con đường khuya khoắt nhất của cõi sống và vùng chết. Mỗi bước chân của Rimbaud là mỗi giây phút linh thiêng, những giây phút cao quí, những giây phút tuyệt đối mà chủ tính và khách tính ôm nhau nhảy múa trên núi lửa đêm điên. Những giây phút cao quý, những giây phút ấy mở cửa thiên đàng và địa đàng, mở cửa bình minh và ban đêm, Rimbaud đã sống qua những giây phút quí phái, những giây phút đông đặc, những giây phút thoát trần tuyệt vời. Kiên nhẫn là nỗi đày đọa của tất cả thiên tài. Thiên tài sinh ra đời để đánh giặc với kiên nhẫn để rồi cuối cùng sẽ hiểu rằng chính sự đánh giặc quyết liệt ấy là nỗi kiên nhẫn khôn cùng mà tất cả những con người nhỏ nhoi không thể có được; sự kiên nhẫn của con người nhỏ nhoi chỉ là sự thỏa hiệp dễ dãi và ngu xuẩn; kiên nhẫn của thiên tài là kiên nhẫn của phượng hoàng và của ó biển. Kiên nhẫn của thiên tài là kiên nhẫn quí phái, nhập một với những giây phút quí phái, những giây phút chỉ đến một lần, và mất đi trong lửa thiêng vũ trụ, mỗi một giây phút quí phái là một vạn kiếp, kiên nhẫn thiên tài là bước chân đi trong giây phút tuyệt đối; kiên nhẫn của người nhỏ nhoi là lê lết trên thời gian đồng hồ, dùng thời giờ đúng cách, hợp lý, hợp lệ và nặng trĩu kết quả. Thiên tài đập vỡ kết quả, dù biết rằng phải chịu những hành hạ cực hình của đời sống lang bạt, đời sống tử hình, đời sống của quỷ ma, của kẻ tù tội. Thiên tài là kẻ ăn trộm lửa; kẻ ăn trộm lửa trời, là kẻ muốn nối liền giữa đường dài và đường ngắn. 
khoa học là kiên nhẫn
nỗi cực hình thực rõ ràng. 
Trong giai đoạn đầu, Rimbaud viết với giữa khoa học và kiên nhẫn: 
khoa học với kiên nhẫn 
Thời kỳ viết tập Một mùa hỏa ngục, Rimbaud chữa lại: 
khoa học và kiên nhẫn 
Từ với đến và đánh dấu một sự chuyển hướng dữ dội của tâm tư. Với là sự nối liền thân thiết; và là một cây cầu gỗ bắc qua hố thẳm, chỉ gợi thêm sự xa cách đứt lìa, tô đậm thêm sự xa cách biệt của hai bờ, nhưng chữ với mà biến thành và thì chữ vàkhông còn là một cây cầu gỗ, mà chỉ là một vạch đứt, một kẻ, một hố sâu chia đôi khoa học và kiên nhẫn. Muốn đi từ khoa học đến kiên nhẫn thì phải nhảy; chính cái nhảy này quyết định sinh mệnh Tây phương. Những gì cao quý, quý phái thì chậm rãi và bình thản; những gì thấp nhỏ thì nhanh nhẹn và vội vã. Khoa học là bước đi hấp tấp của ý thức; kiên nhẫn là bước đi chậm rãi của thi sĩ trong những giây phút quí phái. Sinh mệnh của Rimbaud là bước đi đầu tiên với khoa học và bước đi cuối cùng giữa kiên nhẫn và khoa học.
V. Đời sống, hai chữ đời sống, là lời nói dữ dội lúc ban đầu. Lời nói dữ dội đã phát xuất từ sự đứt rách của thức ra ngoài phi thức. Tính cách dữ dội lúc ban đầu nguội dần với thời gian, trở nên hiền lành; từ hiền lành đến dễ dãi chỉ cách nhau có một bước; từ dễ dãi đến bấp bênh chỉ cách nhau có một lý; từ bấp bênh đến yếu đuối lải nhải chỉ cách nhau có một giây. Đời sống không còn là đời sống; đời sống trở thành đời sống tầm thường, vắng mặt, hững hờ, lơ lửng, nhạt nhẽo, ồn ào; đời sống dễ dãi; người sống trở thành người bị bắt buộc phải sống; mỗi ngày là mỗi bổn phận bị bắt buộc phải làm; sự nhàn rỗi là tội lỗi bị bắt buộc phải trốn tránh; tất cả đều là bắt buộc. Cuộc đời là nỗi bắt buộc không dứt; đời sống là một chuỗi hành động ồn ào: hành động trở nên ý nghĩa của sự bắt buộc. Đời sống mất trọn tính cách dữ dội lúc vừa xuất sinh; đời sống không còn là lời nói dữ dội lúc ban đầu: đời sống chỉ còn là một chuỗi lời lẽ lênh đênh lờ mờ, không nguy hiểm, không hại, vô cùng ích lợi, vì tiếng nói và chữ viết là dụng cụ hiền lành để thôi thúc hành động, để viện nghĩa cho đời sống; nói ngược hay nói xuôi, nói cao hay nói thấp, nói nhẹ lời hay nói nặng lời, tất cả cách nói này đều ngụ ý một lòng an trí thảnh thơi vì ý thức của người nói hoàn toàn được lời lẽ bảo đảm rằng lời nói và chữ viết không nguy hiểm đến tính mệnh của người nói và người viết.
Không nguy hiểm đến tính mệnh là bảo đảm sự vẹn toàn của sinh mệnh và sinh mệnh bảo đảm thế mệnh; nói thấp xuống bình diện thông thường, cuộc đời, cuộc sống, đời sống, chính là thế giới, thế gian, trần gian. Mỗi khi đời sống vắng mặt, mỗi khi đời sống thực sự đã mất đi rồi thì con người cũng không còn thực sự ở lại tại trần gian. Cuộc đời thực sống đã vắng mất và chúng ta không còn ở trần gian. Câu thơ này là một câu thơ nguy hiểm, chứa đựng lời nói dữ dội lúc ban đầu, sự đứt rách đau đớn giữa bên này với bên kia, giữa đời sống hiền lành của một người trật tự với đời sống dữ dội của một người đứng ngoài hàng rào. Bản tính của tính mệnh không ở bên ngoài sự nguy hiểm, chính tính mệnh là tự thể của nguy hiểm; tính mệnh nuôi nấng sự nguy hiểm và gởi nguy hiểm ra ngoài đời sống; đời sống chỉ là đời sống, nghĩa là đời sống thực sự, chỉ khi nào đời sống là nói chuyện với nguy hiểm. Không sợ nguy hiểm đến tính mệnh thì tính mệnh mới giữ thế đứng giữa sinh mệnh và tất mệnh, giúp sinh mệnh giao hoan với tất mệnh, làm đời sống trở nên phong phú, quí báu, duy nhất, đông đặc trong từng giây, trong từng giây phút. Cuộc đời thực sự vắng mặt. Câu thơ này còn quan trọng hơn câu Thượng đế đã chết. Quan trọng không phải vì người nói là người báo tin; tin tức chỉ có giá trị đối với những người vắng mặt giữa lúc sự kiện xảy ra; cuộc đời thực sự vắng mặt: câu thơ không phải là tin tức loan truyền. Tất cả mọi sự thông tin đều xuất phát từ sự vắng mặt của đời sống. Mỗi giờ phút, mỗi ngày trong đời sống, con người đều chờ đợi thư từ hay chờ đợi tin tức; hộp thư, người phát thư và nhật báo là những dấu hiệu cho biết rằng đời sống vắng mặt. Sự vắng mặt muốn nối liền với sự có mặt, mà càng muốn nối liền thì sự rách đứt giữa vắng mặt và có mặt càng trở nên thấm thía; nối liền là cắt đứt sự liên tục của thức, vì chính sự có mặt là sự vắng mặt của ý thức trong tâm thức, do đó nối liền chỉ là muốn cắt đứt cuộc đời với trần gian và không hiểu rằng cuộc đời chính là trần gian, vì thế khi cuộc đời vắng mặt thì chúng ta không ở tại trần gian này.
Rimbaud muốn nối liền sự vắng mặt và sự có mặt mà không rơi vào mâu thuẫn giữa trần gian và đời sống, do đó Rimbaud đã dùng lời nói dữ dội và thể hiện sự dữ dội tàn bạo ấy trong đời sống mình bằng cuộc chạy trốn liên miên, sự bỏ đi vô tận, sự cắt đứt tàn nhẫn, chối từ, bỏ cuộc, trốn tránh, tuyệt đối đập vỡ phương trời và mặt đất, phá nát những gì sinh ra mình và tạo ra mình, cắt lìa dứt khoát sinh tính và mệnh tính. Cuộc đời thực vắng mặt, Rimbaud nói lên một lời vô cùng nguy hiểm, vì câu thơ ấy không chỉ có nghĩa là cuộc đời giả dối đang ngự trị, chẳng phải chỉ thế thôi, câu thơ còn muốn nói lên sự nguy hiểm cuối cùng trong đời sống chính là lúc đời sống không còn là nguy hiểm nữa, nghĩa là sinh và mệnh không còn đánh giặc với nhau, nghĩa là sự chết vắng mặt.
Cuộc đời thực sự vắng mặt. Ý nghĩa của câu thơ thực vô cùng giản dị: cuộc đời thực sự chính là sự chết, mỗi khi sự chết vắng mặt thì con người không còn sống; không còn biết sống. Chúng ta không ở trần gian này. Ý nghĩa của câu thơ tiếp theo cũng vô cùng giản dị: con người không có chỗ trú ẩn, vì chỉ có sự chết mới là nơi trú ẩn của đời sống thực sự, lời nói dữ dội lúc ban đầu.
VI. Tại sao phải sợ bạo động? Sống là bạo động, tất cả những cử chỉ, những hành vi, những cử động, những ý nghĩ, tất cả những gì làm thành cuộc sống con người đều trở nên tầm thường yếu đuối, chỉ vì con người sợ bạo động. Dám bạo động, dám chuyển hành động ra bạo động, dám chuyển thực hành ra bạo hành, sống táo bạo, sống bạo ngược, sống phũ phàng, vô cùng phũ phàng và tàn nhẫn, phũ phàng với mình và phũ phàng với những người chung quanh; sinh mệnh, ý nghĩa sinh mệnh của Rimbaud là ý nghĩa của cơn bạo động nổi lửa, cơn bạo hành ngất trời và động đất, một đời sống ba mươi bảy năm mà dữ dội và mạnh bạo như cơn động đất khủng khiếp kéo dài trong ba mươi bảy năm trời. Rimbaud xuất hiện trong thi ca nhân loại như một cơn động đất hãi hùng, như sự rạn nứt của trái đất, nước biển tràn ra và quét sạch những thành phố làng mạc. Bạo động trong ngôn ngữ, bạo hành trong đời sống, sinh mệnh được chuyển thành bạo mệnh trong ý thức của Rimbaud. Người thơ mười sáu tuổi ấy chẳng những tàn bạo với thi ca, với văn chương, mà còn tàn bạo dữ dội với tình yêu (tình yêu phải được phát minh lại!). Với quê hương, tổ quốc, con người, Thượng đế, mặt trời, mặt trăng, tất cả tinh tú trên trời. Không thể nào khiêm nhượng, không thể nào lễ độ, tất cả rụt rè, cẩn thận, dè dặt, kiêng nể phải chấm dứt lập tức. Bước chân con người bước đi hay sự dè dặt rụt rè bước đi? Đôi mắt con người đang nhìn hay là sự cẩn thận nhút nhát đang nhìn? Tai các ngài đang nghe hay sự lễ độ đang nghe? Tất cả sự kính trọng đều phải được tiêu trừ triệt để, đập tan mực thước, đập nát tất cả sự linh thiêng, phá hủy tất cả thần thánh, phải bạo hành, tuyệt đối phũ phàng, tàn nhẫn cùng độ, lạnh lùng hơn Bắc cực, nóng bức hơn sa mạc, phải bạo tàn, phải bạo động, các ngài có dám bạo động không? Tại sao phải sợ bạo động? Tại sao phải sợ Rimbaud? Dư luận đồn đại, dư luận bàn tán, dư luận chỉ trích, dư luận dòm ngó, các ngài đang nói gì? Hãy ném bạo động vào dư luận, như ném một trái bom, hãy đập nát dư luận ra từng mảnh bấy. Tình yêu phải được sáng tạo lại, ngôn ngữ phải được sáng tạo lại, con người phải được sáng tạo lại. Sáng tạo là ý nghĩa cuối cùng của bạo động, sợ sáng tạo là không dám liều mạng, sáng tạo không là kính trọng, sáng tạo là nổ mau hoặc nổ chậm như trái mìn. Bạo động để đảo ngược tất cả giác quan, bạo động để xới lên tất cả cảm giác, thôi thúc tất cả hơi thở. Tôi bước đi, đánh thức những hơi thở linh hoạt và ấm áp; những hòn đá quí ngước nhìn và những cách bay không tiếng động. Bạo động là đánh thức, hô hấp hơi thở, lấy đà cho cánh mọc và bay. Bạo động là ý thức vùng vẫy để bay thoát ra ngoài thành phố Charleville bé nhỏ. Tôi đã bước đi. Bước chân của Rimbaud là hình ảnh sống động nhất của sinh mệnh nguyên thủy của con người. Con người sinh ra để đi, và đi có nghĩa là bước đi, đi bằng hai chân, chứ không phải đi bằng ô tô hay tàu lửa hay tàu bay. Tôi bước đi. Câu thơ quan trọng nhất của Rimbaud trong bài Bình minh chính là câu. Tôi đã bước đi… Bước đi là vận hành, là cử động; bước đi là bạo động tất cả sự lặng yên; bình minh là bạo động ban đêm, mùa hạ là bạo động ba mùa khác; tôi đã ghì ôm bình minh mùa hạ; ghì ôm, vồ ôm, chụp lấy, ôm siết là những cử chỉ bạo động. Tôi đã ghì ôm bình minh mùa hạ. Tôi là ai? Tôi là kẻ khác. Có nghĩa là tôi là tôi nhờ sự bạo động cắt đứt tôi ra ngoài Charleville. Đây là giai đoạn biện chứng thứ nhất, giai đoạn biện chứng thứ hai là: tôi là tôi và chỉ là tôi nhờ sự bạo động cắt đứt tôi ra ngoài tôi để biến tôi thành kẻ khác. Giai đoạn biện chứng thứ ba là bạo động cả quá trình biện chứng để cho bạo động vẫn là hơi thở nuôi dưỡng tất cả hơi thở. Tôi đã ghì ôm: bạo động ghì ôm chính bạo động; tôi đã ghì ôm bình minh: bạo động ghì ôm chính sự bạo động của bình minh; bình minh nổ súng vào ban đêm; tôi nổ súng vào bình minh bằng sự ghì ôm siết chặt kia; bình minh nổ súng vào mùa hạ: tôi đã ghì ôm bình minh mùa hạ; nói khác đi, nghĩa là bạo động ý nghĩa của ngôn ngữ, thì câu thơ có nghĩa là sự bạo động ghì ôm chính sự bạo động. Tôi đã bước đi. Bước đi là đánh thực sự tĩnh lặng của thân thể. Tôi bước đi, đánh thức những hơi thở nồng ấm và sống động, những hòn đá quí ngước nhìn và những cánh bay không tiếng động. Rimbaud đã sống bạo động dữ dội để giờ phút cuối cùng trong đời mình, lúc mình vỗ cánh bay lên lìa bỏ mặt đất thì cánh bay lên không tiếng động. Nằm một chân trên giường bệnh ở nhà thương tại Marseille, một giây phút trước khi chết, Rimbaud đã hiểu rằng bạo động là bất động. Cánh bay lên không tiếng động, cánh là cánh của đêm tối, chiếc cánh của Hư vô, của nỗi chết trườn mình lên thân thể. Rimbaud hiểu và đã hiểu một cách bạo động rằng bạo động chỉ là bất động ở vùng vô tận, không bắt đầu và không chấm dứt; còn bắt đầu là bạo động và chấm dứt cũng là bạo động; đầu, giữa và cuối đều là bạo động; phải bạo động cùng độ thì mới hiểu một cách bạo động rằng bạo động là bất động, bởi vì hơi thở là bạo động, mỗi một bước đi, mỗi một hơi thở đều là bạo động. Bạo động lúc tôi bước đi; bạo động, lúc đánh thức; bạo động: những hơi thở nồng ấm và linh động. Mỗi một bước đi; mỗi một hơi thở. Mỗi một cái nhìn đều là bạo động. Nhìn, ngước nhìn là bạo động vào thế giới vô nghĩa. Bạo động: những hòn đá quí ngước nhìn. Bạo động: cánh bay; bạo động: không tiếng động.
Nằm ở nhà thương, lúc gần tắt thở Rimbaud đã nằm im không động đậy, bạo động trở thành bất động, cả sinh mệnh của Rimbaud nằm gọn trong câu thơ ngắn: tôi đã bước đi, đánh thức những hơi thở nồng ấm và sống động, những hòn đá quí ngước nhìn và cánh bay không tiếng động.
VII. Không bao giờ ở yên một chỗ, ngồi yên, nằm yên một nơi, luôn luôn cảm thấy bồn chồn áy náy khó thở, khó chịu, không bình thản, không thư thái trong cơ thể và trong tâm hồn; sinh lực của Rimbaud tràn trề ứ ra, không tìm được đường thoát, đọng lại thành khối, đè nặng cơ thể, dồn ép tư tưởng và hơi thở; Rimbaud cảm thấy rằng mình có thể làm muôn ngàn việc cao lớn mà không ai có thể làm nổi; chỉ cần đưa tay vào việc, chỉ cần cử động, chỉ cần bắt đầu lao vào việc làm, thể hiện, thực hiện, đặt chương trình, đặt kế hoạch, vạch ra dự tính, rồi hết lòng thực hiện tất cả chương trình, kế hoạch, dự tính ấy ngay lập tức, không đợi chờ thuận cảnh, không chần chờ, không hoãn lại bằng lối lập luận vô thức thờ ơ để chạy trốn việc làm; chỉ có thế thôi, chỉ bắt đầu làm ngay ý định của mình, chỉ dễ dãi thế thôi, mà Rimbaud không bao giờ làm được; ngồi ở đây, Rimbaud chỉ thấy bên kia; qua bên kia Rimbaud lại muốn về đây; ở đây và bên kialà cặp mâu thuẫn đối đãi mà Rimbaud không bao giờ nhập một được, không bao giờ bôi xóa được; ý thức Rimbaud không bao giờ ý thức về hiện tại, mà chỉ nhảy vọt ra đằng sau, vào ngày hôm qua, hoặc phóng nhảy tới đằng trước, vào giờ phút sắp tới, vào ngày mai, hoặc nhảy vọt lên cao, hoặc rơi xuống thấp; Rimbaud luôn luôn xua đuổi ý thức mình, chạy trốn nơi khác để hưởng thụ những cảm giác mới; những cảm giác mới lại kêu gọi những cảm giác mới khác, luôn luôn bất mãn; luôn luôn háo hức đi tìm, đi kiếm kết quả, chờ đợi cái gì khác xảy ra, luôn luôn mong muốn chực chờ, mãi mãi kiếm tìm mong đợi, sợ hãi những gì lặp lại, sợ hãi sự nhạt nhẽo tầm thường, khát khao tuyệt đối, tôi là kẻ khác, cũng còn có nghĩa là: tôi là khác; do đó, tôi không giống tôi, tương đối và tuyệt đối sụp đổ để TƯƠNG ĐỐI (viết hoa) hiện lên; hết mâu thuẫn này lại đi đến mâu thuẫn khác; tương đối, tuyệt đối và tuyệt đối: ba danh từ, ba tĩnh từ, ba biểu tượng cho nỗi mâu thuẫn khôn cùng của sinh mệnh, sự dằn vặt đứt lìa giữa hơi thở và hơi thở; hơi thở trước xô đẩy hơi thở sau, vũ trụ hủy diệt và vũ trụ thành hình, mặt trời và mặt trăng là hai bộ mặt của sinh mệnh, trung thành với mặt trời thì bị mặt trăng giết, trung thành với mặt trăng thì bị mặt trời đày đọa, không muốn trung thành thì phải chạy trốn; chạy trốn là không bao giờ làm xong những gì mình muốn làm xong: luôn luôn có đủ lý do để bào chữa, luôn luôn có đủ cớ để giải thích. Bất động và bạo động để xua đuổi bất động, bất lực và bạo lực để xua đuổi bất lực. Rimbaud bất lực, bất động trong không khí nặng nề của Charleville; Rimbaud vùng vẫy, vận chuyển tất cả năng lực để vũ bão hành động, đập tan sự bất lực, sự bất động của ý thức mình trước sự đè nén nặng nề của đời sống thụ động ở quê hương. Vừa làm xong chương trình thì đã muốn bỏ cuộc ngay lập tức: bi kịch vĩ đại nhất trong đời Rimbaud là thế giằng co tương tranh dễ sợ giữa chuyện nhập cuộc và bỏ cuộc. Bỏ rồi muốn nhập, đột ngột bỏ và đột ngột nhập, sau cùng chẳng đi đến đâu mà lại muốn đi đến một nơi nào đó, dù biết rằng chẳng có nơi nào đáng được đi tới. Lý do? Đặt lên lý do là muốn bỏ cuộc và muốn nhập cuộc: Tất cả sự đi tìm lý do đều ngụ ý biện chứng của bỏ và nắm, thế vận hành của biện chứng đưa đẩy hai ý niệm bỏ và nắm đồng một lúc với nhau: bỏ-nắm. Do đó, bỏ-nắm đểnắm, bỏ-nắm để bỏ. Vì thế, lý do có nghĩa là thể hiện của sự bỏ-nắm trong ý nghĩa của chính lý do ấy; lý do là ý nghĩa; đi tìm ý nghĩa, đi tìm lý do, cũng có nghĩa là đi tìm sự nắm của việc bỏ nắm; sự bỏ của việc bỏ-nắm; cái này kêu gọi cái kia, và chỉ kêu gọi được là nhờ cái kia, vì thế cắt đứt một thì là cắt đứt tất cả, cắt đứt cái này thì cái kia cũng sụp theo. Nói cho dễ hiểu hơn, đi tìm một lý do thì có nghĩa là đi tìm tất cả lý do, và đi tìm tất cả lý do là đi tìm tất cả, như thế tất cả bao gồm cả lý do đi tìm, Cuối cùng là người đi tìm bị xoay vào ban đêm và ban ngày, bị trói ngược đưa chân lên trời và thòng đầu xuống đất; chạy trốn khắp mặt đất để rồi thấy mình vẫn muốn chạy trốn và đồng thời không muốn chạy trốn; vừa muốn bỏ lại muốn nắm, muốn làm việc mà không thể bắt đầu làm việc. Bất động, bạo động, tự động, thụ động, tác động, tất cả hành động đều đẩy mình đến bế tắc và bế tắc là bất động trước bất động; muốn chuyển bế tắc thì lại phải bạo động, tất cả là tất cả, cả không, cả có, cả sinh mệnh, cả hủy mệnh, cả tất mệnh cả định mệnh, cả vận mệnh và cả tính mệnh, cả thể mệnh và cả tướng mệnh.
Rimbaud bị đẩy trước mê cung, Rimbaud bị kẹt vào mâu thuẫn của tiến trình dịch hóa của hành động; Rimbaud cảm thấy hoàn toàn bất lực và bất động. Hỡi trái tim bị đánh cắp, làm sao hành động? Câu thơ thống thiết đau khổ, một lời than tuyệt vọng, nỗi chán chường kiết lực vô biên: “làm gì, làm thế nào đây?”. Câu thơ nằm trong bài thơ mang tên là Trái tim bị đánh cắp, bài thơ còn có tên khác là Trái tim bị hình phạt. Bài thơ làm lúc Rimbaud được 17 tuổi, vào tháng Năm, năm 1871. Tháng Hai năm ấy, Rimbaud đã bỏ trốn Charleville lần thứ ba, trốn trong xe lửa và đến Paris ở được khoảng nửa tháng, rồi lại bị nghịch cảnh xô đẩy trở về. Đột ngột bỏ đi và đột ngột trở về, đột ngột sống, đột ngột nhìn, nói, đi và đứng; Rimbaud trọn đời sống trong đột ngột và sinh mệnh của Rimbaud là biến chuyển sự đột ngột thụ động thành ra sự bạo động đột ngột. Thình lình đột ngột Rimbaud thấy mình đã mất tim; người ta đã đánh cắp trái tim chàng và làm ô uế trái tim ấy. Hành động thế nào, hỡi tim bị đánh cắp? Rimbaud đặt lên một câu hỏi quan trọng, chẳng những cho sinh mệnh chàng, mà cho cả sinh mệnh Tây phương: câu hỏi của Rimbaud là câu hỏi quyết định; câu hỏi ấy quyết định sinh mệnh, trọn vẹn sinh mệnh của nền văn minh nhân loại. Rimbaud đã trả lời câu hỏi ấy bằng chính cuộc đời chàng và ý nghĩa của sinh mệnh Rimbaud là đẩy sinh mệnh ấy đến đường cùng: hành động là đánh cắp, đánh cắp lại những gì đã mất và đánh cắp những gì chưa có, không có, không thể có, không được quyền có. Hành động tối thượng là ăn trộm lửa, đánh cắp lửa và lấy lửa thiêng đốt sinh mệnh mình.
Làm việc thế nào, hành động thế nào, hỡi trái đã bị đánh cắp?Câu thơ là một câu hỏi, câu hỏi mở ra chân trời, chân trời mở ra hố thẳm. Hành động thế nào trước hố thẳm, khi mình không còn là mình nữa, khi mình đã bị đánh cắp, đã bị đánh mất giữa đám đông, dư luận, thiên hạ, quần chúng? Tôi là kẻ khác, nhưng đám đông là kẻ thù, kẻ che đậy hố thẳm. Đám đông đã đánh cắp trái tim mình, đám đông đã nhục mạ, làm nhơ nhớp trái tim mình. Mất tim là mất cuộc đời thực, mất tim là cuộc đời thực vắng mặt. Hãy ném lửa vào cuộc đời vắng mặt, hãy đốt thiêu đời sống mình bằng lửa đất và lửa trời, lửa thần và lửa quỉ, lửa địa ngục và lửa thiên đàng. Thi sĩ là người ăn cắp lửa. Thị sĩ là kẻ đốt cháy sinh mệnh mình. Thi sĩ không phải là người làm ướt át sinh mệnh, nước đã chết, câu thơ trong bài Rạng đông chứa đựng một ý nghĩa huyền bí: nước đã chết. Thi sĩ là kẻ ôm ghì rạng đông mùa hạ; rạng đông là lửa, mùa hạ là lửa; rạng đông mùa hạ là lửa của lửa. Tôi ôm ghì, tôi đã ôm ghì rạng đông mùa hạ, chưa có gì động đậy trong vầng trán của những lâu đài. Nước đã chết… Tất cả hãy còn bất động; thi sĩ xáo động, gieo bạo động, bằng cách ôm ghì lửa của mùa lửa; nước đã chết, bởi vì nước chính là sự chết, nước là biểu tượng của sự chết; thi sĩ không phải là kẻ sướt mướt, thi sĩ phải là kẻ đánh cắp lửa, ghì ôm rạng đông mùa hạ, chụp lấy lửa ngày của lửa mùa, đốt ngày ra lửa: 
Hỡi tâm hồn canh gác
Chúng mình hãy thì thầm
Lời nguyện của đêm rỗng
Và của ngày bốc lửa 
Mỗi ngày là một mặt trời, mỗi mùa là mùa hạ. Làm thế nào, khi tim đã bị đánh cắp? Câu thơ năm 17 tuổi ấy cũng là câu hỏi của sinh mệnh đặt trước sinh mệnh. Câu thơ ấy cũng có nghĩa là: làm thế nào, khi lửa đã mất? Năm 1871 là năm quan trọng nhất trong ý nghĩa của sinh mệnh Rimbaud; năm ấy, Rimbaud được 17 tuổi, tuổi quyết định, tuổi quyết liệt dữ dội; ý thức của Rimbaud bốc cháy thành lửa: Rimbaud thổi lửa vào thi ca, đem lửa vào đời sống, thiêu đốt sinh mệnh mình qua một mùa hỏa ngục để mang lửa thiêng về trả lại trái tim con người.
VIII. Hoảng hốt ngang tàng trong việc ghì ôm lấy hư vô, hoảng hốt mở mắt nhìn mười ngàn con sông quá đen, hoảng hốt đốt lửa cháy lên để thở khói qua mặt và mắt, tất cả cử chỉ và dáng điệu của Rimbaud đều nói lên nỗi hoảng hốt khôn cùng, của một con người sống sau hư vô và trước hư vô. Hư vô gửi hoảng hốt xuống cuộc đời. Tôi ghì ôm bình minh mùa hạ. Cũng có nghĩa là tôi ghì ôm hư vô của tính thể. Hư và thực, vô và hữu, giao hợp nhau nhờ sự ghì ôm của Rimbaud. Nước mắt và tiếng cười ngặt nghẽo của một anh hề đứng giữa sân khấu của sinh mệnh, những bước chân kiêu ngạo, băng qua những ngõ hẻm hôi thúi, những thung lũng và những đồng bằng. Băng qua đồng bằng, tôi tố cáo nàng với con gà trống. Rimbaud gọi bình minh là nàng tiên, nữ thần; Rimbaud cắm đầu chạy băng qua những con đường kín nhiệm, những con đường rừng chạy băng qua thung lũng và tố cáo bình minh với gà trống ban mai. Tôi ghì ôm bình minh mùa hạ. Rimbaud làm ái tình với sinh mệnh Tây phương, nghĩa là bình minh mùa hạ của Hy Lạp; Rimbaud chạy đuổi theo sinh mệnh ấy, ghì chụp lấy sinh mệnh ấy, cười cợt với mái tóc chảy dài của bình minh, của nữ thần (tức là con suối hoe vàng); Rimbaud chạy đuổi theo bình minh, chạy đuổi theo sinh mệnh mình, thể hiện sinh mệnh Tây phương, để rồi cùng té dài, nằm dài với bình minh dưới rừng; sự ghì ôm khắng khít của Rimbaud, cũng như sự té dài xuống rừng ấy, mang nặng nghĩa dục tình. Dục tình là sự phát xuất trực tiếp của dục tính và dục tính là bản tính của sinh mệnh. Dục tính, dục tình và sinh mệnh mở ra chân trời của thực và hư, của vô và hữu, nỗi hoảng hốt vô vọng của đời sống sinh ra từ sự va chạm dữ dội giữa bình minh và con người, giữa hư vô và đời sống, giữa tỉnh và thức. Khi tỉnh giấc thì trời đã trưa. Lúc mặt trời mọc lên trọn vẹn thì bình minh trốn đi và thực tại chỉ là sự thiêu đốt cùng độ của mặt trời; mặt trời khai sinh bình minh và thành tựu trọn vẹn nơi buổi trưa, lúc 12 giờ trưa, sự thức tỉnh cùng độ, nỗi căng thẳng thần kinh bốc lửa; chỉ cần một giây thì mặt trời sẽ nhập với mặt trăng, mười hai giờ trưa sẽ biến thành mười hai giờ khuya, bình minh là đứa con nít, sự tỉnh thức là chiêm bao, Tây phương là Đông phương và sinh mệnh là tính mệnh.
Nỗi hoảng hốt khôn cùng của đời sống Rimbaud xuất phát từ sự tỉnh thức khôn cùng của ý thức chàng; ý thức của Rimbaud là một mặt trời đúng ngọ; lúc giây phút cuối cùng trên giường bệnh, mặt trời mười hai giờ trưa ấy có nhập một với mặt trăng mười hai giờ khuya hay không, chỉ có Rimbaud mới biết được. Câu hỏi được đặt lên và câu trả lời không bao giờ hiện ra bởi vì tất cả con đường đều dẫn đến nỗi hoảng hốt cuối cùng: sự đối mặt giữa sống và chết. Tôi tố cáo bình minh với con gà trống, Rimbaud cũng chính là con gà trống lúc ban mai; gà trống đánh thức người ngủ; mỗi lúc gà bắt đầu gáy là nỗi hoảng hốt khôn cùng xuất hiện giữa đời sống; hoảng hốt là trạng thái thông thường của ý thức, sự tỉnh thức của ý thức. Rimbaud đẩy nỗi hoảng hốt đến cùng độ; đời sống và tư tưởng của Rimbaud là hoảng hốt từ đầu đến cuối; sự hoảng hốt cùng độ ấy là mặt trời 12 giờ trưa; bắt đầu bằng tiếng gáy của gà trống và chấm dứt bằng sự tỉnh thức cùng độ vào lúc mặt trời sắp chạy trốn. Sau ngọ là mặt trời bắt đầu đi xuống và “thời đại sát nhân” bắt đầu. le temps des ASSASSINS.RIMBAUD là con gà trống báo hiệu một thời đại tàn bạo, thời đại mà con người và con kiến bắt đầu đối thoại với nhau một cách tương đắc, bởi vì tất cả thi sĩ đều trở thành kẻ phạm tội, người bị kết án, kẻ bị đày đọa, một quái thai, một con quỉ, một vết thương thóa mạ mặt trời, một nỗi hoảng hốt tuyệt đối trước Tuyệt đối.
Tái bút:
Trong một bức thư gửi cho Verlaine, đề tháng 4 năm 1872, gửi từ Charleville, Rimbaud đã viết những dòng như sau:
Merde pour moi! Merde pour moi!
Merde pour moi! Merde pour moi!
Merde pour moi! Merde pour moi!
Merde pour moi! Merde pour moi!
Xin dùng những lời trên của Rimbaud như một điệp khúc thiêng liêng của bài kinh tuyệt đối để đánh nhịp phần phụ lục của quyển Im lặng Hố thẳm.
Phạm Công Thiện
Calcutta 10-11-1966
Credo
I. 
“Bổn phận mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng.” (Nikos Kazantzaki, Ascèse, trang 56)
Người viết đã mang linh hồn của Nikos Kazantzaki đi qua mái nhà trắng ở California, bước đi suốt đêm lạnh ở New York lúc Greenwich Village vừa thức dậy trong tiếng hát đèn đường của người da đen say rượu, giữa hầm cà phê mà thi sĩ Dylan Thomas đã ngã quị trong cơn men tử hình, giữa tiếng nhạc Jazz não nùng và bóng đèn không sáng; bước chân của người viết đi về Paris lúc mùa thu đang tàn tạ, đi theo bóng tối của Kazantzaki ngồi trong thư viện trên đồi Sainte Geneviève rêu xám, ngồi hút thuốc suốt đêm trên bậc đá Panthéon, đi dọc theo sông Seine vào lúc ba giờ sáng, để thấy mộng mị tan hoang như một trăm thành vách cũ, băng qua biên thùy Ý Đại Lợi vào 2 giờ khuya, mang trên vai một bao vải nặng chứa trọn vẹn sự nghiệp của Nietzsche và Henry Miller, vừa vĩnh biệt một người đàn bà Do thái lạc lõng, tên là Dana, ở vùng Montparnasse, để không bao giờ thấy lại lần thứ hai tất cả thảm kịch nặng nề của đền điện Jérusalem. Người viết trở về thành phố Basel ở Thụy sĩ, nơi đã chứng kiến mái tóc bồng bềnh của Nietzsche trong tuổi xuân mặt trời mười hai giờ trưa, đi dọc xuống Rome để gặp Anita Auden tại nhà Keats và Shelley ở công trường Tây Ban Nha (Anita Auden… Anita Auden… tên của một người con gái Anh mười bảy tuổi băng qua công trường Tây Ban Nha ở Rome vào lúc bốn giờ chiều mà người viết sẽ không bao giờ gặp lại nữa, trừ ra khi nào mười triệu năm đã trôi qua trên trái đất cháy đỏ).
II. Người tử tù thức dậy và đọc kinh chữ Phạn, “bất sinh bất diệt…” “anutpannà anỉuddhà…”
III. Trái đất vĩnh biệt trong hoa mồng gà đỏ, người viết vứt bỏ trọn sự nghiệp của Nietzsche tại đồi Bolligen ở Berne, vì túi vải quá nặng, vì Nietzsche trở nên vô nghĩa, khi mặt trời và mồ hôi va chạm nhau phũ phàng trên đường băng qua biên giới. Đàn chim tung cánh bay trắng đồi Bolligen, chim trắng hay mây trắng, người viết quá say và không còn phân biệt được nữa; mùi rượu whisky hay mùi gió, người viết quá say và không còn ngửi được nữa. Tiếng xe điện róc rách băng qua những đồi xanh Bolligen và trở về những chiếc cầu xi măng buồn thảm của thành phố Berne, một nóc nhà thờ cao, một con sông, một ngàn nét mặt xa lạ đã gặp trên mấy đường đời, đi và chết.
IV. “Bổn phận mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng”.
V. Những ngày héo mòn khô cạn ở New York, lá công viên trở thành đỏ sậm như máu khô, gió thổi lạnh thêm, người viết đã vứt bỏ trọn sự nghiệp của Henry Miller vào sọt rác. Bây giờ không biết tất cả những quyển sách ấy đi về đâu? Có người phu quét đường nào thu nhặt? Không, New York không có phu quét đường. New York không phải là Paris. New York là thành phố mà tất cả thi sĩ đều ngã quị trong cơn men tử hình, như Dylan Thomas ngày nào… Chỉ có Whitman là mới sống qua cơn men giết người ở New York, nhưng Whitman đã đi đâu mất, và Mỹ châu hoang vu như tiếng hát thiêng liêng của một người đầy tớ da đen đang dọn phòng ngoài hành lang buổi sáng. Những đường xe điện chạy giữa lưng chừng trời, băng qua những con đường không cây mọc, phi trường Idlewild sưởi điện quá nóng, hình ảnh cuối cùng của New York là đôi mắt lạnh lùng của người soát thông hành trên đường bay về Paris.

VI.

Người tử tù thức dậy nửa đêm lẩm nhẩm đọc: “bất sinh bất diệt…”

VII.

Tôi sống mà không sống trong tôi, và ngưỡng vọng bay cao đến nỗi tôi đang chết, bởi vì tôi không chết.

Vivo sin vivir en mí,
y de tal manera espero
que muero porque no muero
(San Juan de la Cruz)

VIII.

Người viết ném quyể Lettre au Gréco của Nikos Kazantzaki ra ngoài biển Nam Hải, để nó trôi về Hy Lạp, bằng đường biển hoặc bằng đường trời; cá sẽ rỉa những trang giấy vụn; khi cá chết, cá sẽ cung cấp lương thực cho rong rêu dưới biển, rong rêu nuôi dưỡng những con sò con hến; những con sò con hến sẽ trôi vào đất liền; người chài lưới sẽ bắt được một con hàu, đem về nấu ăn, hé miệng hàu ra thì thấy lại trọn quyển Lettre au Gréco.

Người viết đã vứt bỏ quyển sách cuối cùng của Kazantzaki về đại dương.

Một câu tầm thường, mà mãi đến sáu năm trời mới hiểu nghĩa:

“Bổn phận mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách im lặng, một cách rộng lượng và không hy vọng”

IX.

Mặc dù đêm đã đến, “aunque es de noche” (San Juan de la Cruz).

X.

Trên lối về im lặng, rắn độc biến thành chim họa mi, bay hót từ tháp chuông nhà thờ qua tháp chuông chùa, để rồi đậu lửng lơ trên hoa mồng gà đỏ, giữa hai cơn gió ru mùa.

XI.

Tôi biết rõ rằng suối nước không đáy và không ai có thể lội qua suối, mặc dù đêm đã đến.

Bien sé qua suelo en ella no se halla
Y que ninguno puede vadealla,
Aunque es de noche
(San Juan de la Cruz)

Suối nước vĩnh cửu ẩn kín, mà tôi biết rõ nguồn suối nơi đâu, mặc dù đêm đã đến.

Aquella eternàonte está asconsdida
que bien sé yo dó tiene su manida
aunque es de noche.
(San Juan de la Cruz)

Sau cùng, giấc ngủ chiếm lấy mọi sự; sau cùng, mọi sự được vây phủ bởi niềm im lặng ngay đến kẻ trộm cũng ngủ say; ngay đến người yêu cũng không còn nằm thức…

El sueño todo, en fin, lo poseta;
todo, en fin, el silencio lo ocupaba;
aun el lardrón dormía;
aun el amanto se desvelaba…
(Sor Juana Inés de la Cruz)

XII.

Tiếng chuông xưa vừa đánh xong năm tiếng và trôi lửng vào buổi chiều vàng nhẹ của Tây phương và Đông phương; tháp chuông nhà thờ cổ kính và tháp chuông chùa rêu phong thấp thoáng mờ nhạt trong sương chiều nhân loại. Sự kiên nhẫn thông minh của đá…

XIII.

Người tử tù thức dậy nửa đêm, vừa ca xong bài thánh ca Ave Maria thì lại đọc kinh chữ Phạn: “anutpannà aniruddhà amala na vimalà nonà na paripùrnàh…”

XIV.

Khi Janet chết trong Colline của Jean Giono thì dòng suối khô vụt chảy lại.

XV.

Chạy đuổi theo cơn gió trống rỗng, tôi thở dồn dập trong nỗi đau nhói ưu tư quằn quại?

Ôi, cánh đồng! Ôi những khu rừng! Ôi dòng sông!
Ôi, nơi trú ẩn bí mật tuyệt trần!

… Si en busca de este viento ando desalentado
con ansias vivas, y mortal cuidado?
¡oh, campo oh, monte oh, rio!
ioh, secreto seguro, deleitoso!
(Fray Luis de Léon)

XVI.

Nhật báo, máy phát thanh và máy vô tuyến truyền hình là ba biểu tượng của sự sa đọa cùng độ ở Việt Nam hiện nay; ngày đầu tiên trở về nhìn lại quê hương, người viết vụt thấy mình không có quê hương và vụt thấy trong tay mình là quyển “You can’t go home again” của Thomas Wolfe. “Mi không thể trở về quê hương nữa!”

XVII.

Tất cả những gì linh thiêng, riêng lẻ và cô đơn nhất của một tâm hồn bỗng trở thành trò hề cho những tờ nhật báo hai đồng.

Nơi trang 518 của quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết họctrong bức thư gửi Nietzsche, người viết đọc lại đoạn văn dịch của Nietzsche:

“Nhưng tại sao tôi phải nói khi mà không còn ai nghe tôi nữa? Thôi thì hãy để cho tôi la hét vào tất cả những phương trời gió loạn: các người đang trở nên nhỏ bé, càng lúc càng trở nên nhỏ bé hơn lên, hỡi các người nhỏ bé kia! Các người đang sụp đổ tàn phế, hỡi các người tự tại an nhàn kia! Rồi đây thì các người sẽ bị tiêu do diệt quá nhiều đức tính nhỏ bé của các người. Đất của các người quá dễ dãi, quá nhân nhượng. Nhưng muốn cho một cây có thể trở thành cao lớn VĨ ĐẠI thì cây ấy phải đâm rễ mạnh sâu vào những tầng đá cứng rắn” (Nietzsche, Also sprach Zarathustra, III).

XVIII.

Người viết lạnh lùng uống tách cà phê Hy Lạp dưới chân đồi đá nóng cháy ở Athènes. Mây bay vi vút như khói thuốc lá của một người điên ngồi giữa thành phố. Lại một chặng đường đã băng qua, một quãng đời xóa mờ trong hố thẳm. Người tử tù trở về biên giới, rộng lượng, im lặng, không hy vọng.

Dòng nước Arno ở Florence chỉ còn chảy trong căn phòng đóng kín giữa hai hành lang giảng đường, những ngày bom đạn tả tơi từng mái ngói nghèo nàn của Việt Nam.

Sống gượng với đôi mắt kính đen, vì cuộc đời không còn gì nữa để đáng nhìn; bạn bè lần lần rơi rụng như bao thuốc vơi dần những điếu thuốc cháy; những con chim chết dần theo dân quê Việt Nam; những con đường bị đào xới lên; những tiếng gà gáy trưa bị lạc mất trong tiếng cơ khí giữa trời; mọi người đều sợ chết; chỉ có người tử tù bước về hố thẳm một cách bình thản, chậm chạp, im lặng, lạnh lùng, không hy vọng và không sợ hãi, lòng rộng như mây, tim nhẹ như hoa mồng gà đỏ, giữa mặt trời và mặt trăng.

XIX.

Người tử tù nửa đêm thức dậy và đọc mấy câu chữ Phạn: “anutpanna aniruddha mala…”.

XX.

Người viết đọc đi đọc lại đến sáu trăm sáu mươi lần phần mở đầu Dostoievsky viết cho quyển Souvenirs de la maison des morts.

Alexandre Pétrovitch thức suốt đêm đi qua đi lại trong gian phòng nhỏ, tự nói chuyện với mình. Và rồi chàng chết đi vào mùa thu, trong sự cô đơn trọn vẹn, không một lần nào cho bác sĩ khám bệnh…

XXI.

“Bổn phận mi là lên đường đi đến hố thẳm, một cách rộng lượng, im lặng và không hy vọng”.

XXII.

Đi suốt con đường dài ở tỉnh lỵ Saint Maur des Fossés thuộc vùng ngoại ô Paris, người viết bước đi tìm một con đường thực vắng, không có người qua lại, ngó trước ngó sau, cẩn thận dở nắp và quăng quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào thùng rác bên lề đường. Không phải vì bất mãn: việc ấy xảy đến tự nhiên như cơn mưa cuối thu xô lá bay xuống đường dốc, khi mặt trời lặn.

XXIII.

Khi người viết đến Florence thì dòng sông Arno đã cạn nước.

XXIV.

Mặt trời, lửa, lửa, im lặng.

XXV.

Phương, Phương… Paris chỉ còn lại trong hai mươi ngón tay xưa, một buổi chiều mộng mị ở Quartier Latin. Bức tranh đôi chim xanh của Braque được trám vào lò sưởi.

XXVI.

Người tử tù nửa đêm thức dậy và ca khẽ những điệu hát lãng mạn trữ tình của những ngày đông đến muộn.

XXVII.

Lửa và Nước. Còn gì nữa? Đất và đá.

XXVIII.

Người tử tù nằm chiêm bao thấy một ông linh mục mở cửa xà lim bước vào giảng đạo và mời mọc hắn rửa tội trước khi chết. Người tử tù giựt mình khi nhận ra vị linh mục ấy chính là Nietzsche. Người tử tù ngồi nghe Nietzsche mở phúc âm ra đọc:

Đúng ngọ

Thế rồi Zarathustra bắt đầu chạy và tiếp tục chạy, nhưng chẳng gặp ai nữa; hắn lại cô đơn, tìm lại mình, say hưởng lòng cô đơn của mình, nhấp hớp nỗi cô đơn và triền miên nghĩ ngợi về những sự việc tuyệt vời trong suốt mấy giờ trọn. Nhưng lúc đúng ngọ, khi mặt nhựt đã hừng lên ngay đỉnh đầu Zarathustra, hắn bước qua trước một thân cây già xoắn mấu mà tình yêu đậm đà của gốc nho đã ôm riết tứ phía, đến nỗi thân cây bị phủ kín: từ thân cây treo lủng lẳng những trái nho vàng cốm đong đưa trù phú mời mọc kẻ lữ hành. Lúc ấy, Zarathustra muốn hái một chùm nho để giải nhẹ cơn khát mơn mơn trong lưỡi, nhưng vừa với tay lên hái thì hắn lại bị một cơn khát mãnh liệt khác vồ chụp lấy cơ thể: cơn khát vọng ngả người nằm ngủ dưới gốc cây vào giữa ngọ thiên.

Zarathustra liền nằm xuống; vừa nằm dài xuống đất, hắn đã quên cơn khát mơn mơn ấy và đã ngủ say ngay lập tức trong sự im lặng tịch mịch, trong niềm huyền ẩn của cỏ tươi vạn máu. Đúng như tục ngữ của Zarathustra: “Có việc cần thiết hơn việc khác”. Mặc dù ngủ, nhưng mắt Zarathustra vẫn mở: vì nhìn mãi và ca ngợi mãi thân cây và tình yêu của gốc nho, mà hắn vẫn không thấy chán mệt. Nhưng lúc đang ngủ, Zarathustra nói với lòng mình như vầy:

“Im lặng! Im lặng? Chẳng phải thế gian đã vừa thành tựu hay sao? Vậy thì những gì đang xảy đến trong ta?

Không khác gì một cơn gió dịu dàng bay nhảy vô hình trên mặt biển nhấp nhánh, mơn mơn, nhè nhẹ như lông chim: giấc ngủ cũng nhảy múa trên cơ thể ta như thế.

Giấc ngủ không khép lại đôi mắt ta, giấc ngủ vẫn để linh hồn ta tỉnh thức. Giấc ngủ mơn mơn nhè nhẹ, thực thế nhè nhẹ như lông chim.

Giấc ngủ khuyên nhủ ta, ta không còn hiểu thế nào cả; giấc ngủ vuốt ve trong sâu thẳm lòng ta với bàn tay mơn trớn; giấc ngủ cưỡng bức ta, ừ, nó chiếm lấy ta vì khiến hồn ta dàn rộng thênh thang:

Mỏi mệt, hồn dàn ra lê thê, linh hồn ta kỳ lạ! Buổi chiều của ngày thứ bảy phải chăng đã đến hồn ta vào giữa ngọ thiên? Có phải hồn ta đã lang thang diễm phúc từ vạn cổ giữa những hương sắc tuyệt vời chín đỏ?

Hồn ta trải dài ra, luôn luôn trải dài ra lướt thướt! Hồn ta nằm dài lặng lẽ, hồn ta kỳ lạ. Hồn ta đã nếm quá nhiều hương sắc; nỗi buồn chín vàng đàn áp hồn ta và hồn ta lảo đảo quằn quại.

Không khác gì một chiếc thuyền tấp vào vịnh biển tĩnh lặng nhất: — hồn ta bây giờ đang dựa vào mặt đất, mải mê những chuyến viễn trình và những vùng biển vô định. Mặt đất chẳng phải chung tình hơn sao?

Không khác gì một chiếc thuyền men vào bờ đất mơn trớn: và lúc ấy chỉ cần một con nhện giăng sợi tơ từ đất liền đến chiếc thuyền; không cần phải dùng đến dây thừng nào mạnh chắc hơn nữa.

Không khác gì một chiếc thuyền mỏi mệt trong cái vịnh tĩnh lặng nhất: bây giờ ta nghỉ ngơi như thế gần mặt đất liền, trung thành, đầy tin tưởng và nghỉ ngơi trong sự chờ đợi, chỉ dính với đất liền bằng những sợi tơ nhện mong manh nhất trong đời.

Ồ hạnh phúc! Ồ hạnh phúc! Sẽ ca hát gì, hỡi linh hồn ta? Mi đang nằm nghỉ trong cỏ. Nhưng tại đây giờ phút bí mật và trang nghiêm đang ngự trị, mà không có mục đồng nào thổi sáo vi vu.

Hãy cẩn thận! Giờ ngọ hứng lửa đang ngủ trên ruộng cỏ. Đừng ca hát! Im lặng! Thế giới đã thành tựu viên mãn.

Đừng ca hát, con chim của cánh đồng cỏ, hỡi linh hồn ta! Cũng đừng thì thầm! Hãy nhìn — IM LẶNG! Ngọ thiên đang ngủ, ngọ thiên động môi nhếch miệng: phải chăng ngọ thiên lúc này vừa hớp một giọt hạnh phúc — một giọt vàng xưa của hạnh phúc ửng vàng, của nước rượu ửng vàng? Cơn hạnh phúc cười cợt trong lòng đang lướt lén lút về bên hắn. Bậc thần thánh cũng cười như thế. IM LẶNG!

“Hạnh phúc, thực ra chỉ cần một chút thôi cũng đủ hạnh phúc!” Trước khi ta nói như thế và ngỡ rằng mình khôn ngoan. Nhưng đó thực chỉ là phạm thượng: ta đã học được điều ấy hôm nay. Những thằng điên khôn ngoan nói giỏi hơn ta nữa. Đúng ra chỉ cần một mảy may thôi, những gì thầm lặng nhất, những gì nhẹ nhàng nhất, tiếng xào xạc của con kỳ nhông trong cỏ, một hơi thở, một thoáng gió hiu hiu, một thoáng đảo mắt — chỉ cần một mảy may cũng đủ tạo ra cơn hạnh phúc tuyệt trần. IM LẶNG!

Những gì đã xảy đến ta? Hãy lắng nghe! Phải chăng thời gian đã bay đi rồi? Phải chăng ta đã rơi? Hãy lắng nghe! Phải chăng ta đã rơi trong giếng sâu của vĩnh cửu thiên thu? Những gì đã xảy đến trong ta? IM LẶNG! Hỡi ơi, ta đã bị chích trong tim? Trong tim! Ô hãy vỡ ra, hãy vỡ nát ra, tim ơi, sau cơn hạnh phúc như thế, sau sự nhói đau đâm chích như thế. Thế nào? Chẳng phải thế gian đã vừa thành tựu? Viên mãn và đỏ chín? Ồ, chiếc khoen tròn vàng ửng — nó có thể bay nơi đâu? Ta có nên chạy đuổi theo nó? Gấp lên! IM LẶNG! (Và đến đây Zarathustra duỗi người ra và cảm thấy rằng mình đang ngủ).

“Hãy dậy nào!” hắn tự nhủ; “Thằng ngủ ngày! Thằng ngây ngủ ban trưa! Thôi, dậy nào, đứng lên đi, hỡi đôi chân già lẩm cẩm! Đến giờ rồi, quá giờ rồi; bao nhiêu quãng đường xa vẫn còn nằm trước mặt mi. Mi đã ngây ngủ quá độ rồi — để mất đi bao nhiêu chặng đường — Bao nhiêu? Nửa thiên thu rồi! À! Thôi thức tỉnh đi, hỡi trái tim già cỗi của ta! Say ngủ như thế thì phải mất bao lâu mới lay thức được giấc ngủ kia?” (nhưng rồi hắn lại ngã lòng ngủ lại và linh hồn hắn nói cưỡng lại hắn, chống cưỡng lại, rồi nằm dài lại). “Hãy để ta một mình? IM LẶNG! Chẳng phải thế gian vừa mới thành tựu sao? Ồ, ồ quả tròn vàng ửng!”

“Dậy đi nào!”, Zarathustra nói: “mi, thằng trộm bé nhỏ, mi, thằng trộm cắp thời gian, thằng trộm biếng nhác bé nhỏ! Cái gì? Vẫn còn duỗi người, ngáp, thở dài, rơi té xuống lòng giếng sâu thẳm? Mi là ai? Hỡi linh hồn ta!” (Nói đến đây, hắn bỗng giựt mình, vì một luồng ánh sáng mặt trời từ cao đâm thẳng xuống vào mặt hắn). Hỡi trời cao trên ta!” hắn vừa nói vừa thở dài ngồi dậy. “Ngươi đang nhìn ta sao, hỡi trời? Ngươi có phải đang nghe linh hồn kỳ dị của ta? Khi nào ngươi sẽ uống giọt sương kia đang rơi trên tất cả sự vật trần gian này? Khi nào ngươi sẽ uống linh hồn kỳ dị này? Khi nào, đến khi nào, hỡi giếng sâu của thiên thu vĩnh cửu! Hỡi HỐ THẲM vui tươi và ghê rợn của mười hai giờ trưa! Khi nào ngươi sẽ nuốt linh hồn ta trong lòng ngươi?”

Zarathustra đã nói như thế, và hắn đứng dậy lìa bỏ nơi nghỉ ngơi dưới chân cây như lìa bỏ một cơn say kỳ dị; ô kìa, mặt trời vẫn ngự ngay trên đầu hắn. Việc ấy khiến người ta có thể kết luận không ngần ngại rằng Zarathustra đã không ngủ được lâu lắm.

Người tử tù vùng dậy sau cơn mộng, tiếng nói của Nietzsche vẫn còn xoáy tròn trong vô thức. Mặt trời đúng ngọ đang tạt ánh sáng gay gắt vào song sắt của xà lim.

XXIX.

Nửa đêm, người tử tù bỗng thức dậy và đọc kinh chữ Phạn: “a… a… na… na… na… a… a… na… na… sarva-dharmàh… çùnyatà… çùnyatà… çùnyatà… laksanà… anutpannà… aniruddhà… amala… na… vimalà… nonà… na paripùrnàh…”

XXX.

Rạn nứt thiên trì nghe hơi thở em
Gió thổi qua đền
Mưa bay đường hẻm
Tuổi thơ uất nghẹn
Mộng nhỏ thâu đêm trôi dòng Đông hải
Đất nổ thôn hời
Ma tru động gió
Đường đi nhổ gai
Trăng xanh đầu ngõ
Con gái buổi chiều đồng rộng chim heo
Bóng con mèo đen leo qua cửa sổ
Mẹ ơi đầu xuân con băng mặt nhựt
Lượm giẻ màu xanh lau nhẹ chiêm bao
Lầu chuông sáu giờ
Vách tường sơn đen
Đợi em từ sáng
Ông già ngủ quên
Trẻ con rớt tiền
Gió mùa đông thổi con nhện bơ vơ

XXXI.

Có con bướm gáy nửa đêm như gà
Cầu sắt bạch hà
Sông trắng hắc phong
Đánh trống lên đồng
Ma kêu như vịt
Gió rít trên dòng sông xưa
Em còn đó
Gió rít trên đồi không mưa
Trăng còn nhỏ
Sông trắng như cơn điên đỉnh ngọ
Buổi chiều cửa đóng
Một bóng qua đời
Hai bóng đi đưa
Ba bóng ngồi nhớ
Bóng tối đèn cầy
Bóng dáng em đi
Mỗi chiều ba mươi
Bóng dáng tôi đi
Những đường Paris
Mưa bay khói thuốc
Tôi ho sông chảy
Con cá chợ chiều
Người bán cải tươi
Nước còn dính ngọn
Em còn nhỏ khi lửa lò vừa nhóm
Một cốc rượu đỏ
Gió đuổi ngô đồng
Xe điện hầm không chạy hôm nay
Tôi vẫn còn ho khi mùa đông rắc phấn
Quán rượu buổi chiều
Kín gió chưa em

XXXII.

Người tử tù gõ nhịp những bài tình ca. Ngày xưa, xưa lắm, thuở ấy, khi con người chưa sinh ra…

XXXIII.

Tiếng chuông đọng không khí, tiếng gõ mười hai giờ; mười hai giờ trưa xoắn ốc nhập một với mười hai giờ khuya. Tiếng nói loài người đã chìm vào khói cát và bụi biển.

“bất sinh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm…”

Trời mưa phải chăng đã thành tựu? Bụi biển trắng xóa trên đầu ngọn sóng? Khói cát phải chăng đã thành tựu?

Im lặng, tịch tịnh, đường về mất lối. Đá khô, ta yêu đá khô; đá khô là nhạc điệu bất tận, trôi chảy, chậm chạp, lì lợm, du dương; đá khô xoáy ốc vào tận thế. Tận thế và tận thế là im lặng trở về với tiếng động: tiếng đá vỡ nát trong lòng Michelangelo.

Người tử tù ôm mặt cười như ông thánh bị lột truồng trong hoàng cung.

XXXIV.

Tiếng thở của ai? Của cát? Của biển? Của kẻ thù ghét mặt trăng và mặt trời? Im lặng, im lặng, lên đường trở về hố thẳm.

XXXV.

Rừng Đen đang nói? Ngọn đồi Todtnau đang nói? Heidegger đang nói? Tháp chuông gõ mười hai tiếng buông trôi…

“Với tiếng gõ sau cùng, sự im lặng lại trở thành sâu thẳm thêm nữa. Sự im lặng trải dài cho đến những kẻ đã hy sinh bỏ mình chết yểu trong hai trận chiến tranh thế giới. Đơn thể trở thành đơn giản hơn nữa. Cái gì vẫn luôn luôn là Như thế thì làm lạc lõng và giải phóng. Tiếng gọi của con đường đồng quê bây giờ đã trở nên rõ ràng hoàn toàn. Phải chăng linh hồn đang nói? Phải chăng thế gian? Phải chăng Thiên thể? Tất cả đều nói đến lòng buông thả dẫn đến Như thể. Sự buông thả không giữ lấy, nhưng gửi trao. Lòng buông thả gửi trao sức mạnh vô tận của Đơn thể. Qua tiếng gọi, từ vùng Uyên nguyên miên viễn, một giải đất quê hương được trả về cho ta”. (Heidegger, Der Feldweg).

XXXVI.

Rễ mọt từ trời cao, tàn lá đưa xuống đất, người viết lên đường đi về hố thẳm, không hy vọng, một cách im lặng, rộng lượng. Người tử tù không còn biết đọc kinh nữa. Mười hai tiếng gõ của tháp chuông buông thả về hư vô…

XXXVII.

Im lặng Hố thẳm ra đời để đánh dấu ngày người viết chấm dứt mọi liên hệ ý thức với hai ngàn năm trăm Triết lý Tây phương và chấm dứt mọi liên hệ huyết thống với tám ngàn năm Đạo lý Đông phương. Không còn truyền thống nào có thể trói buộc người viết với gốc rễ tơ nhện của mặt đất. Không còn thần tượng nào đáng được thờ lạy trên hải ngạn mùa đông. Sự có mặt của người viết ở trần gian này hoàn toàn không quan trọng trước màu đen của biển cả và màu xanh của hiện tại. Người viết đã đến và đang đi như hạt tiêu trong cơn lốc kinh động của vô vàn tinh tú. Văn hóa và Văn minh chỉ là khói độc truyền kiếp. Con người càng ngày càng sợ hãi, bần tiện, sa đọa và vô phương cứu chữa. Mộng mị bị xua đuổi như chim. Tất cả thi sĩ đều bị giết. Người viết sẽ chết nay mai như muôn triệu tỷ người đã chết đằng trước vô cùng và muôn triệu tỷ người sẽ chết đằng sau vô hạn. Người viết yêu đời như điên, vì biết chậm rãi chờ đợi nước chảy trong rừng quế. Người viết tầm thường như tất cả những gì tầm thường nhất trên đời, vì thế hẳn cao siêu như tất cả những gì cao siêu nhất trong hai phút trước khi chết. Người viết không đi tìm gì nữa vào lúc rạng đông. Tất cả mọi sự đều vô cùng cần thiết và chỉ có sự chịu đựng lì lợm cho đến cùng thì suối nước sẽ chảy lại như xưa, cần thiết nhất là phải thất bại liên tục, phải đuổi bỏ tất cả bạn bè thân thuộc, phải đau khổ cho đến tím người, phải tuyệt vọng và phải chết đi với cuộc đời thơ mộng.

Tên người viết, cuộc đời người viết, chỉ là mộng mị; do đó, thực hơn là sự thực. Tất cả mọi sự lầm lỗi lạc đường đều quan trọng gấp một ngàn lần hơn chân lý. Đời người viết thơ mộng hơn tất cả những bài thơ của loài bướm đen.

Người viết chỉ để lại cuộc đời này tất cả những gì không thể để lại được, như không khí, màu áo xanh phơi trên mái ngói và mây trời.

11-XI-1966

Credo auia absurdum
Abyssus abyssum invocat…


Trở về sự im lặng của Nietzsche
1889-1900

I.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Vì sao hố thẳm phải im lặng? Vì sao tất cả mọi sự cao ngất tuyệt vời của đời sống phải chấm dứt bằng im lặng? Vì sao Nietzsche cho rằng đêm tối cũng là mặt trời nổi lửa? Nietzsche đã bỏ dở dang tác phẩm lớn nhất trong đời: quyển Der Wille zur Macht (Volonté de Puissance) chỉ gồm toàn những mảnh giấy rời rạc. Thế rồi Heidegger lại ba hoa ồn ào về sự thất bại của Nietzsche? Và Heidegger cũng lại thất bại theo sự thất bại bi tráng của Nietzsche:

Bước tới và chịu đựng
Sự thất bại và câu hỏi,
Trung thành với lối đi duy nhất của mi

Mấy câu thơ trên của Heidegger mở đầu tập “Aus der Erfahrung des Denkens” (Từ lòng tư nghiệm).

Heidegger nghĩ rằng Nietzsche là nhà siêu hình học (siêu thể học) cuối cùng của truyền thống siêu thể học Tây phương; đối với Heidegger, Nietzsche vừa thành tựu truyền thống Tây phương, vừa phá hủy truyền thống ấy: phá hủy đồng lúc với thành tựu, vì phá hủy là thành tựu, thành tựu trong phá hủy và phá hủy vì chứa đựng trong tự thể tính thể mà mình muốn hủy thể.

Bước tới và chịu đựng…

Bước tới đâu? Tới hố thẳm? Chịu đựng gì? Chịu đựng sự im lặng của hố thẳm? Vì hố thẳm không bao giờ trả lời. Bước tới là bước tới sự thất bại; hố thẳm không bao giờ trả lời, do đó, mình phải chịu đựng câu hỏi; đặt lên câu hỏi và đành chịu sự thất bại vì không thể trả lời được:

Bước tới và chịu sự thất bại và câu hỏi…

Nietzsche đã sống hết tất cả sinh mệnh siêu thể học Tây phương và đã thành tựu khi đưa sinh mệnh ấy đến tất mệnh bằng cuộc đảo ngược giá trị của thể mệnh. Còn Heidegger thì sao? Heidegger cũng lại đi trên con đường của Nietzsche bằng cuộc đảo ngược căn thể của thể mệnh. Sự đảo ngược thể mệnh của Nietzsche, sự đảo ngược thức mệnh của Descartes (mà Jaspers gọi là “sự sai lầm căn nguyên”) và sự đảo ngược thể mệnh của Heidegger đều là sự đảo ngược của sinh mệnh trong sinh mệnh:

1) Descartes và thức mệnh.
2) Nietzsche và thế mệnh.
3) Jaspers và tổng mệnh.
4) Heidegger và thể mệnh.

Đó là bốn thể thế (tạm dịch chữ “thể thế” ra danh từ triết Đức là “Seinsart”) của bốn tư tưởng gia Tây phương trước sinh mệnh của tính thể Tây phương.

Descartes đã thất bại vì đã hời hợt chạy trốn hố thẳm; còn Nietzsche đã thất bại vì đã dám nhìn thẳng vào hố thẳm. Jaspers đã thất bại vì đã ý thức về sự thất bại căn nguyên của tất cả mọi thể chế (siêu thể học thành tựu: sự thất bại, “Scheitern”. cf. Philosophie, III, p.233, sqq.); còn Heidegger muốn đưa thể mệnh đến tính mệnh, nhưng cũng đã thất bại vì lửng lơ bất lực không thể hội thành được căn tính giữa song mệnh, vì muốn đi xa hơn Nietzsche thì chỉ còn im lặng và mọc cánh bay lên giữa hố thẳm, như Nietzsche đã thể hiện trong mười năm trời cuối cùng (1889-1900). Nhưng khi đã mọc cánh rồi thì còn nói gì đi xa hay đi gần, vì cánh ở đây là đôi cánh của hố thẳm, chứ không phải là cánh bay trên hố thẳm.

Heidegger không thể hiện như thế; trái lại, ông bướng bỉnh lì lợm trong tư tưởng, như Faulkner cũng bướng bỉnh lì lợm trong văn chương; cả hai đều bước tới:

và chịu đựng
sự thất bại và câu hỏi…

để rồi Heidegger ghì ôm Hoelderlin với Meister Eckhart trong lúc chới với trong đêm tối; còn Faulkner ghì ôm Thomas Wolfe và màu đất khô cằn của Miền Nam Hiệp Chủng Quốc.

… Bước tới và chịu đựng…

Heidegger bước tới khu rừng hoang, bới ra từng bụi cỏ dại, mở ra từng dấu vết, lang thang vào khoảng rừng thưa (khoáng lâm: “Lichtung”) và chịu đựng sự mất lối trên đường về bấp bênh trên hố thẳm: loài người chưa biết tư tưởng và trở nên xa lạ với chính mình. Heidegger nối tiếp tiếng la của Nietzsche trước hố thẳm không đáy; nhưng Heidegger không hét cuồng loạn như Nietzsche, Heidegger chỉ âm thầm cứng đầu lì lợm, bước tới các chịu đựng sức nặng tàn nhẫn của Tính thể ẩn kín. Nietzsche muốn tính thể hóa Dịch thể, còn Heidegger muốn dịch hóa Tính thể: con đường rẽ đôi của Héraclite và Parménide đã được phục hồi ở thời hiện đại: Nietzsche là Héraclite và Heidegger chính là Parménide: Parménide phủ nhận Héraclite, cũng như Heidegger phủ nhận Nietzsche, nhưng cả hai cùng đều hướng về một chân trời bảng lảng: dịch thể của Nietzsche chính là tính thể của Heidegger; không có sự khác biệt mảy may nào giữa tư tưởng Nietzsche và tư tưởng Heidegger, giữa tư tưởng Héraclite và Parménide, trong sinh diện thể mệnh Tây phương; không có sự khác biệt mảy may nào giữa núi cao và hố thẳm: Héraclite và Parménide nói trên núi cao: Nietzsche và Heidegger nói với hố thẳm. Riêng đối với hố thẳm thì chỉ còn lại im lặng.

Nhưng vì sao Parménide khinh bỉ Héraclite? Nhưng vì sao Heidegger khinh bỉ Nietzsche? Vì sao Heidegger nói rằng Nietzsche không vượt qua được siêu hình học (siêu thể học) Tây phương, không vượt qua được Platon? Sự rẽ đường giữa Nietzsche và Heidegger không khác gì sự rẽ đường bi tráng giữa Long thọ (Nâgârjuna) và Vô trước (Asanga), giữa Nguyệt xứng (Candrakirti) và Thanh biện (Bhâvaviveka), giữa Meister Eckhart và St. Thomas d’Aquin? Như sự rẽ đường bi tráng giữa hữu và vô? Giữa Đông phương và Tây phương? Giữa em và anh?

St. Thomas d’Aquin xây dựng một thành trì đóng kín để làm điện thờ và nhốt tất cả mọi sự vào trong ấy, nhưng St. Thomas d’Aquin còn chân thành cố ý chừa lại một lỗ hở kín đáo mở ra trời xanh và Meister Eckhart đã khôn ngoan chui ra khỏi lỗ hở ấy để mang mật thư của St. Thomas d’Aquin về phía mặt trời mọc; còn Heidegger thì lại đứng canh gác giữ gìn lỗ hở mà Nietzsche đã moi ra cho con người nhảy xuống hố thẳm để việt hóa tất mệnh.

Heidegger phủ nhận Nietzsche, nhưng không thể hiểu phủ nhận theo nghĩa thông thường: sự khinh bỉ của Heidegger là sự kính trọng kín đáo của Heidegger đối với sự im lặng tối hậu của Nietzsche trước hố thẳm bí ẩn.

II.

Vì sao Nietzsche phải im lặng?

Những việc làm của chúng ta đều không bao giờ được ai hiểu nổi, nhưng chỉ bị ngợi khen hoặc bị thống trách (Die fröhliche Wissenschaft, đoạn văn 264). Không có người nào xứng đáng để ngợi khen Nietzsche. Các ngài là ai mà dám ca ngợi tâm hồn bảng lảng của thiên tài? Các ngài là ai mà dám chỉ trích, phê phán, thống trách nỗi kiêu hùng kỳ dị của sói bình nguyên?

Chỉ có thiên tài mới được quyền tàn nhẫn với thiên tài. Chỉ có Heidegger mới được quyền phê phán, được quyền bất công với Nietzsche (nhưng Karl Jaspers không được quyền phê phán Nietzsche!).

Nietzsche phải im lặng, sau khi đã đảo ngược trọn thể mệnh Tây phương. Nietzsche đã nói với Việt Nam? Sự im lặng của hố thẳm có liên quan mật thiết nào đối với tính mệnh Việt Nam? Tại sao tất cả thanh niên Việt Nam đều thờ lạy Nietzsche? Có người trẻ tuổi nào ở Việt Nam dám bước tới và chịu đựng sự thất bại và câu hỏi? Đọc Nietzsche không phải để say sưa, đọc Nietzsche không phải là để bào chữa sự yếu đuối của mình, đọc Nietzsche không phải để trích đi trích lại một vài đoạn văn nào đó để an ủi, để thỏa mãn sự bất mãn hời hợt ở nội tâm. Đọc Nietzsche không phải để tôn Nietzsche như thần tượng để rồi suốt đời mình chỉ là một kẻ thỏa hiệp dễ dãi với hạnh phúc, với thanh bình, với những dòng sông cạn? Đọc Nietzsche là hỏi với Nietzsche, nghi ngờ Nietzsche, hộc máu mà chết, ngã gục mà chết trong một mớ mộng mị không cùng, với tuổi xuân đã mất, với hơi thở rã rời và trái tim cạn máu?

Còn gì nữa mà đọc? Còn gì nữa mà nói? Còn gì nữa mà viết? Bước tới và chịu đựng.

Tại sao Heidegger nói rằng Nietzsche là tập đại thành của siêu thể học Tây phương? Tại sao Heidegger nói rằng siêu thể học (siêu hình học) được tựu thành trong tính mệnh của thế giới hiện nay?

Chiến tranh đang nổ ra ở Việt Nam; những thôn làng và nhà cửa tan tác; trẻ con bị cắt đứt chân; trẻ con bị cắt đứt cổ; trẻ con bị cắt đứt cha mẹ; trẻ con bị cắt đứt gốc rễ quê hương.

Các ngài tranh đấu cho hòa bình, các ngài tranh đấu cho chiến tranh; các ngài tranh đấu cho một mớ tình cảm lải nhải của đàn bà. Tất cả mọi sự trên đời đều trở thành đàn bà! Các ngài khóc, các ngài than, các ngài lạnh lùng lãnh đạm. Các ngài đã hiểu gì? Đã nói gì? Đã nghe gì?

Siêu hình học xa vời viển vông ư? Ai gây ra chiến tranh? Chính các ngài, chính tư tưởng hòa bình của các ngài, chính tư tưởng hiếu chiến của các ngài. Siêu thể học (siêu hình học) đã tựu thành tại Việt Nam, tựu thành trên đôi mắt không hồn của quê hương. Chính chữ La tinh ob-jectum đã cắt đứt Việt Nam ra làm hai, cắt đứt Đức quốc ra làm hai, cắt đứt địa cầu ra làm hai, cắt đứt tinh thể con người ra làm hai. Và ob-jectum có nghĩa gì? Con người có biết suy tưởng chưa? Con người có biết tư tưởng chưa? Đây không phải là chủ nghĩa; đây không phải là một mớ triết lý. Tất cả sự học vấn từ chương, tất cả hành động ồn ào của các ngài xuất phát từ ob-jectum. Dịch ra Việt ngữ, ob-jectum có nghĩa là “đối thể”, “đối vật”; đối thể là thể đối với thể, thể đối nghịch lại con người; ob-jectum là cái được ném ra đó và đặt trước mặt ta. Con người cố gắng tóm lấy đối thể, ngự trị đối thể; làm chủ đối thể, chinh phục đối thể; quyền thế duy nhất của con người là quyền thế trên đối thể. Việt Nam là một đối thể, con người trở thành đối thể, tất cả mọi sự trở thành những đối thể. Thể thể ngự trị và chiến tranh nổ; thể thể chống đối tương tranh và quê hương tan nát. Con người cơ khí, con người kỹ thuật, con người chính trị, con người quân sự là con người của đối thể. Tính thể của đối thể là lực ý, quyền lực, ý chí quyền lực trên đối thể. Nietzsche gọi là ý chí quyền lực, volonté de puissance (Der Wille zur Macht), đối thể là một chướng ngại mà ý chí quyền lực muốn thâu đạt chinh phục và ngự trị. Heidegger cho rằng Nietzsche đã thành tựu siêu hình học (siêu thể học) Tây phương, vì ý chí quyền lực của Nietzsche muốn đưa con người đến vai trò thống lãnh trái đất, thống lãnh đối thể để việt hóa nhân thể: Nietzsche muốn lật ngược siêu thể của Platon để thay bằng hiện thể để thành tựu thế mệnh; nhưng sự lật ngược thế cờ của Nietzsche chỉ là ngược trong sinh mệnh Tây phương, nghĩa là sự lật ngược Platon trong lãnh địa Platon, và Nietzsche hoàn toàn thất bại trước hố thẳm của Tính mệnh, để rồi phải chịu thú thật rằng triết lý của mình là sự trở về với Platon? (cf. Heidegger, La fin de la philosophie et la tâche de la pensée, in Kierkegaard vivant, N. R. F. 1966).

Ý chí quyền lực cắt đứt tính thể ra ngoài thể tính và con người, càng ngày càng ly cách với thể tính bằng những công cuộc tổ chức sắp đặt ngăn nắp đời sống trong mọi lãnh vực: thể trở thànhđối thể và con người dùng ý chí quyền lực để chinh phục đối thể. Con người thời đại là con người chiếm hữu, chiếm thể, chứ không còn suất hữu, suất thể và suất tính.

Bom đạn và người chết hiện nay ở Việt Nam có liên hệ gì với siêu hình học (triết học) Tây phương? Siêu thể học (siêu hình học) Tây phương đã qui định sinh mệnh của Việt Nam như thế nào? Siêu hình học là gì? Tại sao siêu hình học Tây phương lại tham dự chủ động vào chiến tranh Việt Nam? Khi Heidegger nói rằng Nietzsche là tựu thành, tập đại hành của siêu hình học Tây phương thì câu nói ấy có nghĩa gì? Có nghĩa là Nietzsche đã giữ vai trò vô cùng quan trọng trong chiến cuộc thảm khốc ở Việt Nam. Sao lại có thể như thế?

Con người chưa biết suy tư, Heidegger đã nói như thế. Vì không biết suy tư, cho nên càng lúc máu lửa càng đổ ra tràn ngập giải đất Việt Nam, mà bao nhiêu thiện chí, bao nhiêu lý tưởng, bao nhiêu hội nghị, kế hoạch, dự án, phong trào đều đẩy thảm kịch Việt Nam lún sâu xuống hố thẳm không đáy, bởi vì con người chưa biết suy tư, bởi vì con người chưa biết được tính thể của siêu hình học Tây phương, chưa nắm được liên quan mật thiết giữa siêu hình học và sinh mệnh thế giới hiện nay, giữa siêu hình học và cơ khí kỹ thuật, giữa Nietzsche và vận mệnh Việt Nam.

Nietzsche là sự tựu thành của siêu hình học Tây phương. Câu nói này là vì ngợi khen ư? Không. Câu nói là lời thống trách ư? Không.

“Những việc làm của chúng ta đều không bao giờ được ai hiểu nổi, nhưng chỉ bị ngợi khen hay bị thống trách” (Nietzsche, Die fröhliche Wissenschaft, No 264).


III.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Vì sao Heidegger nói rằng Nietzsche là nhà siêu hình học cuối cùng của siêu hình học Tây phương? Vì sao Nietzsche chỉ là sự trở về với thuyết lý của Platon, như Heidegger đã nói?

“Tất cả siêu hình học (siêu thể học), ngay cả thuyết đối nghịch lại với siêu hình học như chủ nghĩa thực nghiệm, tất cả đều nói bằng ngôn ngữ của Platon”.

Heidegger đã tuyên bố như trên trong bài gửi tham dự buổi hội thảo về Kierkegaard tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Paris (cf Heidegger, La fin de la philosophie et de la tâche de la pensée).

Siêu hình học là gì? Con đường đi từ Platon đến Nietzsche là con đường gì? Con đường tư tưởng và con đường triết lý khác nhau thế nào? Tư tưởng và Triết học khác nhau thế nào? Tư tưởng của Nietzsche không phải là Tư tưởng, mà là Triết lý, như Heidegger đã giải bày. Như vậy thì Tư tưởng nào của Nietzsche mới là Tư tưởng? Tất cả những gì Nietzsche đã nói và viết là Triết lý, vậy tất cả những gì Nietzsche không nói và không viết thì là gì? Đây là một câu hỏi huyền bí và quan trọng mà chúng ta phải bước tời cùng Heidegger và chịu đựng.

… sự thất bại và câu hỏi…

Tại sao mười năm im lặng (1889-1900) Nietzsche đã bị hiểu sai trong trọn lịch sử triết học Tây phương? Ngay cả Heidegger cũng cố ý xóa nhòa mười năm im lặng của Nietzsche. Mặc dù Heidegger cũng hiểu chân trời vô ngôn và vô niệm của Nietzsche, nhưng Heidegger cứ cố ý nhấn mạnh triết lý của Nietzsche hơn là tư tưởng của Nietzsche. Vì lý do gì mà Heidegger đã cố ép Nietzsche và nhốt Nietzsche vào đường cùng của siêu hình học Tây phương?

Siêu hình học Tây phương là gì? Khi siêu hình học đã tựu thành thì sứ mệnh của Tư tưởng là gì? Trả lời được những câu hỏi này, rồi mới có thể hiểu vì lý do nào mà Heidegger gọi Nietzsche là nhà siêu hình học cuối cùng của truyền thống siêu hình học Tây phương, là tựu thành của nền siêu hình học ấy, là sự trở về với học thuyết Platon.

Chiến tranh Việt Nam và học thuyết Platon có liên quan mật thiết với nhau như thế nào? Nietzsche và sinh mệnh Việt Nam? Heidegger và thể mệnh Việt Nam? Chữ Phạn và tính mệnh Việt Nam? Chữ La tinh và tất mệnh Việt Nam? Chữ Hán và tướng mệnh Việt Nam? Chữ Việt và Việt mệnh của Việt Nam? Im lặng Hố thẳm và sự im lặng mười năm cuối cùng trong đời Nietzsche? Im lặng mà vẫn nói và phải nói? Và nói rất nhiều? Nói rất nhiều để rồi im lặng?

Sự hiện diện của Việt Nam nơi ý thức nhân loại nằm trong lãnh địa của khai thể (le domaine de l’Ouvert); khai thể nằm trong khai tính; khai tính nằm trong việt tính; việt tính là Việt của Tính và Tính của Việt; triết lý Việt Nam chỉ có thể gọi là triết lý, khi ý thức Việt Nam được đặt trong chân trời của Việt và Tính. Chân trời ấy mở ra truyền thống đạo lý Đông phương để cho Việt Nam được hiện diện vào đó với nền tảng triết lý riêng biệt của mình. Sự hiện diện ấy sẽ đặt Việt Nam vào sự tựu thành của siêu hình học Tây phương, mà kết quả cụ thể nhất hiện nay là cuộc chiến tranh toàn diện ở Việt Nam. Triết lý về Việt và Tính sẽ biến thành Tư tưởng về Việt và Tính; tư tưởng về Việt và Tính sẽ biến thành tư tưởng về Việt tính; tư tưởng về Việt tính sẽ biến thành tư tưởng về Tính; tư tưởng về Tính sẽ biến thành tính nghiệm: chặng đường đi là tư nghiệm, thể nghiệm và tính nghiệm. Tính nghiệm là Uyên mặc, sự Im lặng của Hố thẳm. Sự tựu thành của Triết lý chuẩn bị cho sứ mệnh của Tư tưởng. Trong quyển Hố thẳm tư tưởng (phần kết luận), sứ mệnh của Tư tưởng Hố thẳm được ví như đóa hoa kim tước trong bài thơ nổi tiếng nhất của thi sĩ Ý đại lợi Giacomo Leopardi:

Hoa kim tước thơm ngát an phận với sa mạc…

Câu thơ trên của Leopardi được trích ra từ bài La Ginestra, nói về hoa kim tước mọc bên cạnh triền núi lửa, mọc cheo leo bên bờ hố thẳm, giữa đá cát khô cằn, đóa hoa mong manh phất phơ bên hố lửa tàn bạo, mà vẫn tỏa hương thơm ngát, an vui thể phận với tính thể của sa mạc:

Hoa kim tước thơm ngát an phận với sa mạc.

Tư tưởng của Việt Nam sẽ là đóa hoa kim tước thơm ngát, đung đưa phất phơ trong buổi chiều ráng đỏ của sa mạc nhân loại.

Chiến tranh tàn phá Việt Nam, vì mọi người đều tự nhận là tranh đấu cho sự thật, cho chân lý. Nhưng chân lý là gì? Sự thực là gì? Câu hỏi chưa được trả lời thì hầu hết thanh niên Việt Nam đã ngã gục trên khắp mọi cánh đồng và rừng núi quê hương. Câu hỏi đã được trả lời bằng máu và nước mắt, bằng lửa và tro, bằng những vành khăn trắng, bằng đôi mắt lạnh lùng của trẻ thơ.

Chân lý là gì? Sự thật là gì? Tính thể như là tính thể (l’être en tant qu’être) là gì? Hiện thể, hay cao hơn: Hiện tính như là thế (présence comme telle) là gì? Chỉ có hiện tính là khi nào hiện tính nằm trong lãnh vực của Khai tính (Heidegger: “Présence il n’y a que dans le domaine de l’Ouvert”).

Những câu hỏi trên lất phất bay như cơn mưa chiều trên những chiến địa Việt Nam. Người ta sẽ nói rằng những câu hỏi viển vông, tháp ngà, không dính líu thiết thực gì với thực tế ở Việt Nam. Nhưng người ta không hiểu rằng tất cả những chữ người ta đang dùng như “thiết thực”, “thực tế” v.v. đều là những chữ xuất phát và bị qui định bởi truyền thống siêu hình học Tây phương, như câu nói của Heidegger trong bài gửi tham dự buổi hội thảo về Kierkergaard tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Paris, mà chúng ta đã dùng mở đầu phần III của buổi tư nghiệm hôm nay:

“Tất cả siêu hình học, ngay cả chủ nghĩa thực nghiệm (thuyết đối nghịch lại siêu hình học) tất cả đều nói bằng ngôn ngữ Platon”.

Nói khác đi, chủ nghĩa thực nghiệm cũng là một thứ siêu hình học (mặc dù thực nghiệm chối bỏ siêu hình); Nietzsche là người tựu thành siêu hình học Tây phương; siêu hình học Tây phương chính là con đường triết lý từ Platon đến Nietzsche. Triết lý của Nietzsche trở về với triết lý Platon, không khác gì đứa con hoang trở về nhà cha.

Khoa học thế kỷ XX là sự tựu thành của siêu hình học Tây phương: Siêu hình học Tây phương được tựu thành tại trận chiến tranh khốc liệt ở Việt Nam hiện nay.


IV.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Nietzsche tự hỏi và tự trả lời: “vì sao tôi là tất mệnh”; trong chương cuối quyển Ecce Homo, quyển sách cuối cùng của Nietzsche được xuất bản trước khi trở về im lặng trong trên mười năm trời, Nietzsche đã nhắc đi nhắc lại: “Người ta có hiểu nổi tôi?”. Câu hỏi đánh nhịp ba bốn lần trong chương cuối quyển Ecce Homo.

“Kẻ nào muốn là một người sáng tạo trong thiện và ác thì hắn trước hết phải biết phá hủy và phá vỡ nổ tung những giá trị…” (Ecce Homo, N. R. F. trang 165)

Phá vỡ hết tất cả giá trị trong tinh thần sáng tạo tuyệt đỉnh: Sứ mệnh của Nietzsche là hóa thân Thượng đế trên cao thành ra con rắn độc dưới gốc cây. Nietzsche phá vỡ đập tan những thần tượng linh thiêng trong suốt mấy ngàn năm truyền thống Tây phương; “Hoàng hôn của những thần tượng” (Götzen-Dämmerung) là tiếng nổ của sấm sét trên những đền điện rêu phong; đối với Nietzsche, “những thần tượng” là những chân lý, tất cả những chân lý trong toàn thể sinh mệnh Tây phương: Nietzsche quét sạch toàn thể những gì người ta gọi là sự thực, là chân lý trong mấy ngàn năm lịch sử Tây phương: Nietzsche tự nhận là chia đôi lịch sử nhân loại ra làm hai phần đối nghịch.

Tại sao Heidegger đã nói rằng Nietzsche là người đã hoàn thành truyền thống Tây phương? Lời nói Heidegger hoàn toàn là lời nói bấp bênh trên dòng nước bảng lảng của sự điêu tàn thế giới hiện nay. Câu nói ấy áp dụng cho chính Heidegger mới đúng hơn. Lời phê phán của Heidegger về Nietzsche chính là tự kết án, tự vạch giới hạn của chính triết lý Heidegger.

Siêu hình học là gì? Triết lý là gì? Tư tưởng là gì? Chân lý là gì? Ta hãy bước đi theo Heidegger để đặt lại cứu cánh của Triết lý và sứ mệnh của Tư tưởng trong thời thế hiện nay, nhất là trong hoàn cảnh tang thương của Việt Nam.

Cứu cánh của Triết lý là thành tựu của Triết lý; thành tựu của Triết lý là thành tựu của Siêu hình học; thành tựu của Siêu hình học là sự giải phóng của tất cả ngành khoa học ra ngoài sự điều khiển của triết lý và là sự hưng thịnh cực độ của cơ khí kỹ thuật trong toàn thể sinh hoạt đời sống của con người thời đại.

Siêu hình học Tây phương thành tựu nơi đâu? Điều lạ lùng nhất và huyền bí nhất là siêu hình học Tây phương lại thành tựu mãnh liệt nhất và toàn diện nhất tại Việt Nam vào năm mười năm cuối cùng của hai ngàn năm Tây lịch. Triết lý của Nietzsche đã được thành tựu trọn vẹn bằng máu lửa ở Việt Nam, nhưng Tư tưởng của Nietzsche thì sao? Triết lý của Nietzsche và Tư tưởng của Nietzsche khác nhau thế nào? Triết lý và Tư tưởng khác nhau thế nào? Lời nói của Nietzsche và sự im lặng của Nietzsche khác nhau thế nào? Heidegger đã hiểu lời nói của Nietzsche, nhưng về sự im lặng của Nietzsche thì Heidegger đã cố ý bỏ quên và vô tình xuyên tạc thế nào? Thanh niên Việt Nam say mê đọc Nietzsche và tôn thờ Nietzsche, nhưng chỉ say mê tôn thờ văn chương và đời sống Nietzsche, chỉ tôn thờ say mê những tác phẩm của Nietzsche và bỏ quên hoặc không hiểu mười năm im lặng cuối cùng (1889-1900) của Nietzsche. Người ta cho rằng những năm cuối cùng ấy là những năm Nietzsche bị mất trí điên loạn vô thức? Chỉ cần một chữ “điên” là đủ để người ta thanh toán mọi sự, kết thúc hồ sơ và không cần biết đến nữa!

Có ai hiểu tôi không? Nietzsche lặp lại câu hỏi này đến bốn lần trong chương cuối quyền Ecce Homo, quyển sách cuối cùng Nietzsche gửi lại cho đời trước khi rút lui về ẩn náu trong sự im lặng tối hậu.

Sự im lặng tối hậu của Nietzsche và sự im lặng tối hậu của Rimbaud là điều bí mật kỳ diệu nhất của Thi ca và Tư tưởng. Một người đã xô đẩy trọn vẹn truyền thống thi ca Tây phương đến hố thẳm của sinh mệnh; một người đã xô đẩy trọn vẹn truyền thống triết lý Tây phương đến hố thẳm của tất mệnh. Sự im lặng của cả hai là im lặng trong Hố thẳm của Tính mệnh.

Vì sao Heidegger đã im lặng về sự im lặng tối hậu của Nietzsche và đã nhốt Nietzsche vào trong cứu cánh của triết lý Tây phương? Nghĩa là nhốt Nietzsche vào nhà tù của Platon và cho rằng Nietzsche vẫn nằm trong vong tính, kẹt trong sự quên lãng về thể tính?

Heidegger đã im lặng về sự im lặng tối hậu của Nietzsche để mà cũng trở về sự im lặng tối hậu ấy một cách kín đáo, một cách thầm lặng và bi tráng?

Đường và cân
cầu và lời
hợp nhất đồng tiền
Bước tới và chịu đựng
Thất bại và câu hỏi
Chung thủy với lối đi độc nhất của mi

Những dòng lặng lẽ vời vợi trên của Heidegger đã nói lên nỗi bí ẩn nào trong con đường tư tưởng của Heidegger? Chính Heidegger là người đã thành tựu Nietzsche trọn vẹn nhất và bi tráng nhất? Chính Heidegger mới là nhà siêu hình học cuối cùng của truyền thống Tây phương? Chính ông đã là kẻ thừa tự của Nietzsche trong việc giải phóng tư tưởng ra ngoài triết lý?

“Có ai hiểu tôi không?”, Heidegger có hiểu Nietzsche? Nietzsche đã lặp lại câu hỏi bốn lần.


V.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Cứu cánh của Triết lý là thế nào? Cứu cánh của Triết lý và Vận Mệnh Việt Nam có dính líu mắc míu với nhau như thế nào? Những câu hỏi dồn dập tràn tới, nhưng nên để những câu hỏi ấy lửng lơ như những hoa mồng gà đỏ bay trong cơn gió chiều. Đến lúc câu hỏi được chín mùi thì câu trả lời sẽ rụng xuống vừa lúc cơn gió đồng thổi tới. Vì sao Nietzsche phải im lặng?

Giờ phút im lặng nhất

“Những gì đã xảy đến trong ta, hỡi các anh em? Các anh thấy ta bị phân tán bị xua đuổi khỏi nơi đây, bị buộc phải nghe lời và phải sẵn sàng để lên đường bỏ đi — hỡi ôi, phải đành lìa bỏ các anh em.

Ừ, Zarathustra lại phải trở về trong cô đơn hiu quạnh một lần nữa, nhưng lần nay con gấu lại trở về hang động mà lòng chẳng được vui.

Cái gì đã xảy đến trong ta! Ai đã xui khiến thế? Hỡi ôi, chính nàng tình nhân cáu kỉnh của ta đã đòi muốn thế, nàng đã tỏ bày với ta rồi; ta đã bao giờ nói tên nàng cho các người chưa?

Hôm qua, lúc chiều tối đến, giờ phút im lặng nhất đã thì thầm với ta: GIỜ PHÚT IM LẶNG NHẤT, đó là tên nàng tình nhân khủng khiếp của ta.

Đó, đó là những gì đã xảy đến trong ta ừ, ừ, vì ta phải nói hết tất cả cho các người nghe, không thì lòng các người sẽ lầm lì bực bội ta, vì đã vội bỏ đi quá đột ngột.

Các người có biết được nỗi ghê rợn của một kẻ ngủ say? Hắn thấy rợn rợn từ đầu đến ngón chân, vì đất lùi trượt dưới chân hắn và mộng mị bắt đầu lảng vảng bồng bềnh.

Ta đang dùng ẩn ngôn để nói với các người. Hôm qua, vào giờ phút im lặng nhất, đất đã lùi trượt khỏi chân ta và mộng mị bắt đầu.

Cây kim đồng hồ lay động, đồng hồ của đời sống ta thở dài, ta chưa bao giờ từng nghe sự im lặng tĩnh mịch vây phủ quanh ta lạnh lùng như thế: im lặng tĩnh mịch đến nỗi tim ta phải ớn lạnh rờn rợn.

Bỗng nhiên ta vụt nghe tiếng nói không lời: “Người biết rồi, Zarathustra?”. Ta hốt hoảng la lên khi vụt nghe tiếng thì thầm ấy, máu biến mất khỏi sắc mặt ta, nhưng ta vẫn âm thầm lẳng lặng ngồi im.

Thế rồi tiếng nói lại tiếp tục văng vẳng không lời: “Người biết rồi, Zarathustra, nhưng ngươi không chịu nói”. Sau cùng, ta phải trả lời một cách khiêu khích: “Vâng, ta biết rồi, nhưng ta không muốn nói!”

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Người không muốn sao, hỡi Zarathustra? Thực ư! Đừng giả vờ giấu giếm đằng sau giọng điệu thách đố ấy!”

Ta, ta khóc nức nở và run rẩy như một đứa con nít và nói: “Hỡi ôi! Ta muốn lắm, nhưng ta có thể làm sao bây giờ? Thôi hãy buông ta ra! Việc ấy quá sức ta!”

Thể rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Ngươi có đáng gì, hỡi Zarathustra? Hãy nói cho xong lời ngươi muốn nói, rồi ngươi vỡ bấy ra từng mảnh!”

Ta trả lời ngập ngừng: “Hỡi ôi, có phải lời ta nói là lời ta muốn nói? Ta là ai? Ta mong chờ một kẻ xứng đáng hơn; ta không xứng đáng để vỡ bấy trong lời nói”.

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Ngươi có đáng gì? Ngươi chưa đủ nhún nhường đối với ta. Lòng từ tốn kéo da dày dạn quá”.

Ta trả lời: “Màng da dày dạn của lòng từ tốn ta đã từng phải chịu đựng những gì rồi? Ta ngự dưới chân của đỉnh cao trong lòng ta. Chót đỉnh trong lòng ta cao vời vợi thế nào? Chưa ai nói cho ta biết. Nhưng ta hiểu rõ những thung lũng của lòng ta.

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Ồ Zarathustra, kẻ nào phải lay chuyển núi non thì cũng lay chuyển thung lũng và vực sâu”.

Ta trả lời: “Lời ta nói chưa lay chuyển được núi non và những gì ta đã nói chưa xuống tới loài người. Đúng ra thì ta đã đi xuống với loài người, nhưng ta chưa đi tới họ được.

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Ngươi biết gì về việc ấy? Giọt sương rơi trên cỏ vào lúc đêm tối trở về một cách im lặng nhất”.

Ta trả lời: “Họ cười cợt bỉ báng ta, lúc ta khai phá và đeo đuổi con đường riêng lẻ của ta; thực ra chân ta đã trơn trợt run rẩy. Rồi họ nói với ta rằng: “Người đã quên đường, bây giờ ngươi lại cũng không biết bước đi nữa!”

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Sự cười cợt bỉ báng của họ có hề gì? Người là kẻ đã quên tuân lệnh: bây giờ ngươi phải ban lệnh. Ngươi chẳng biết rằng kẻ nào là kẻ cần thiết nhất cho tất cả mọi người? Kẻ nào? Đó là kẻ ban lệnh để gây dựng những sự việc vĩ đại. Thành tựu những sự việc vĩ đại thì thực lắm gian nan; nhưng điều trị những sự việc vĩ đại lại còn khó khăn gian nan hơn nữa. Thực là ngươi không thể nào đáng được tha thứ nữa: Ngươi có quyền lực mà ngươi lại không muốn thống trị”.

Ta trả lời: “Ta thiếu tiếng rống của sư tử để mà thống trị”.

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy với giọng thì thầm khe khẽ: “Chính những lời nói im lặng nhất mới mang lại bão tố. Chính những tư tưởng hiện đến trên bước chân của bồ câu mới có thể điều động thế giới. Ồ Zarathustra, ngươi phải bước đi như bóng ma của những gì sẽ xảy đến ngày mai; có thế ngươi mới điều trị ban lệnh, và khi thống trị ban lệnh ngươi mới có thể tiến tới dẫn đường”.

Ta trả lời: “Ta cảm thấy tủi nhục”.

Thế rồi tiếng nói lại đưa đẩy không lời: “Ngươi phải trở thành trẻ thơ và đừng tủi hổ. Lòng kiêu hãnh của tuổi trẻ vẫn còn lại trong tâm hồn ngươi, tuổi trẻ ngươi đã đến muộn màng: nhưng kẻ nào muốn trở thành trẻ con thì cũng phải chiến thắng tuổi trẻ mình”.

Ta trầm tư suy tưởng một lúc lâu dài và cảm thấy run rẩy trong tâm hồn. Sau cùng, ta vẫn phải nói những gì ta đã nói từ lúc đầu: “ta không muốn làm việc ấy”.

Thế rồi tiếng cười ngặt nghẽo vụt nổ lên chung quanh ta. Hỡi ơi, tiếng cười đã xé rách lòng ta và moi rách tim ta một cách đau đớn biết bao!

Thế rồi tiếng nói đưa đẩy một lần cuối cùng: “Hỡi Zarathustra, trái cây ngươi đã chín muồi, nhưng ngươi, ngươi vẫn chưa chín muồi với trái cây ngươi. Thôi thì hãy trở về lại với nỗi cô đơn hiu quạnh của ngươi để cho được chín muồi dịu ngọt”. Rồi tiếng cười lại vụt nổ lên, rồi có một cái gì vụt lướt trốn đi; chung quanh ta vây phủ niềm im lặng tĩnh mịch gia tăng gấp đôi. Nhưng ta vẫn nằm dài trên đất và mồ hôi đổ ướt chân tay.

Bây giờ chắc các người đã nghe hết những gì ta nói và đã hiểu tại sao ta phải trở về nỗi cô đơn hiu quạnh của mình. Ta không giấu giếm gì nữa, hỡi các người bạn của ta.

Nhưng đồng thời các người cũng đã nghe ta nói cho các người biết rằng ai là kẻ kín đáo lầm lì lặng lẽ nhất trong tất cả loài người và rằng hắn vẫn muốn luôn luôn là thế!

Hỡi ơi, những người bạn của ta! Ta vẫn còn lời để nói cho các ngươi, ta vẫn còn điều để trao tặng các ngươi. Tại sao ta không trao tặng các ngươi. Tại sao ta lại phải tiết kiệm lời nói?”

Nhưng vừa lúc Zarathustra đã nói xong những lời như thế thì lòng hắn chùng nhói lên cơn đau ly biệt và hắn vụt khóc nức nở; chẳng ai còn biết khuây khỏa hắn. Khi đêm tối đến, hắn lên đường lìa bỏ những người bạn thân và bước đi trong niềm cô liêu bàng bạc. ?? ?? ?? ??
VI.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Heidegger đã hỏi: “Zarathustra là ai?” Kẻ dạy việt nhân? Kẻ dạy sự phục thể của đồng thể? Zarathustra chưa là việt nhân, như Heidegger đã nói? Zarathustra là ai? Việt nhân (Übermensch) là gì? Việt là gì? Đối với Heidegger, Zarathustra không phải thực sự là Nietzsche? Đối với Heidegger, Zarathustra chưa phải là việt nhân? Nietzsche chưa phải là việt nhân? Heidegger đã hiểu sai ẩn ý của Nietzsche? Hay đã hiểu mà cố ý khuây lấp? Khuây lấp để cùng sống chung trong sự im lặng hố thẳm?

Tất cả việt nhân đều im lặng. Vì sao Nietzsche phải im lặng? Việt tính của việt nhân là gì? Việt tính là gì? Việt là gì? Tính là gì? Việt thể là gì? Tính thể là gì? Thể là gì?

Những câu hỏi trên là những câu hỏi của siêu thể học? Siêu hình học (Siêu thể học) là gì? Thể là gì? Tính thể là gì? Thể tính là gì? Tính tính là gì? Thể thế là gì?

Song thể là gì? Song song thể (Zwiefalt) là gì?

Siêu thể học là tất mệnh, chứa đựng một tất mệnh (Verhängnis). Tất mệnh (Verhängnis) của Tây phương chính là siêu thể học. Nét đặc biệt, nét đậm làm nền tảng cho lịch sử Âu châu chính là siêu thể học đặt dưới thể diện của tất mệnh (Verhängnis). Nghĩa là thế nào? Trong quyển Vorträge und Aufsätze (Pfullingen, Neske, 1954), Heidegger giải thích rằng tất mệnh (Verhängnis) của siêu thể học Tây phương là treo (hängen lässt) những sự thể của loài người lửng lơ giữa thể mà thể tính của tính thể lại không bao giờ được thể nghiệm trong thể diện của Song song thể (Zwiefalt). Song song tính (Zwiefalt) có nghĩa là song song thể của tính thể và thể tính (cf. Essais et Conférences, p. 88-89).

Thể tính ẩn trốn đã qui định thể điệu mà con người thể nhận tính thể trong tòan thể. Tính thể trong toàn thể là gì? “Tính thể trong toàn thể” dịch ra danh từ triết của Đức ngữ chính là “das Seiende im Ganzen”, mà người Pháp dịch lại là “l’étant en totalité”.

Trong quyển bộ sách dày của Heidegger viết về Nietzsche, Heidegger đã xác định một lần nữa rằng siêu thể học (Metaphysik) chính là tư tưởng về thể tính của tính thể, nói khác đi thì có nghĩa là tư tưởng về tính thể trong toàn thể (cf. Heidegger, Nietzsche, t.II, p.75: “Die Metaphysik lässt sich bestimmen als die in das Wort des Denkens sich fügende Wahrheit über das Seiende als solches im Ganzen”).

Bởi vì siêu thể học (Metaphysik) chỉ tư nghiệm về thể tính của tính thể hay về tính thể trong toàn thể (das Seiende im Ganzen), cho nên siêu thể học đã bỏ quên và không biết đến thể tính của thể tính. Thể tính của Thể tính có nghĩa là gì? Chân tính (Wahrheit) chính là Thể tính của Thể tính. Đừng lầm lẫn “thể tính của thể tính” với “thể tính của tính thể”. Sự lầm lẫn này rất nguy hiểm, vì chính sự lầm lẫn ấy là đặc tính của siêu thể học Tây phương. “Thể Tính của Thể Tính” dịch ra danh từ triết lý Đức chính là “des Wesens des Seins”, mà trong bản dịch quyển Essais et Conférences (N. R. F, Paris, 1958), ông A. Préau dịch ra Pháp ngữ là “l’être de l’être”. Chữ Đức “Wesen” có nghĩa là “đặc tính” hay “tinh túy”; xin dịch theo phương trời của Triết lý về Việt và Tính thì “Wesen” chính là “Thể Tính”; Chữ Đức “Sein” thì xin dịch theo phương trời của Triết lý về Việt và Tính là “thể tính”, “tính thể”; “tính”: tùy theo sự biến tính của ý nghĩa từng đoạn văn.

- Sein dịch là tính để đối lại với thể;
- Sein dịch là tính thể để đối lại với thể thể.
- Sein dịch là thể tính đối lại với tính thể.

Chữ “Thể tính” vừa dùng để dịch chữ “Sein” mà đồng thời cũng dùng để dịch luôn chữ “Wesen” trong thể diện của Tính mệnh Tư tưởng Nhân loại. Chữ “Thể tính” biến tính tùy theo tính nghĩa:

- Thể tính (nhấn mạnh về thể của tính);
- Thể tính (nhấn mạnh về tính của thể).

Chữ “tính thể” cũng biến tính tùy theo thể nghĩa:

- tính thể (nhấn mạnh tính của thể);
- tính thể (nhấn mạnh thể của tính).

Đó là tính cách song song tính (Zwiefalt) của song song thể về thể và tính (chữ Pháp dịch là: le Pli de l’étant et l’Être”).

Dịch ra chuyển hóa tính diện và thể diện của ngôn ngữ trong Tính mệnh của Nhân loại; ở Việt Nam, từ trước tới nay chưa ai dịch được chữ Sein của Heidegger vì chưa đặt được liên hệ suy tư trong sứ mệnh Tư tưởng trước Hố thẳm (Hố thẳm tư tưởng và Im lặng Hố thẳm dịch “Sein” là “Tính”, “Tính Thể”, “Thể Tính” là đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng của Tư tưởng Việt Nam trong Sử tính và lịch sử triết học thế giới).

Chữ “Wesen” và “Sein” cùng được dịch chung là “Thể Tính” cũng là một bước đi quyết định của suy tư trong hố thẳm của căn thể (Grund).

Đối với Heidegger, siêu thể học (Metaphysik) của Tây phương chỉ tư nghiệm thể tính của tính thể mà không biết đến thể tính của thể tính (des Wesens des Seins = l’être de l’être).

Như vậy, khi Heidegger nói rằng Nietzsche là nhà siêu thể học thành tựu hay người thành tựu siêu thể học thì Heidegger đã cố ý khuây lấp mặt ý của Nietzsche như thế nào? Và tại sao?


VII.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Trong bộ sách (hai cuốn) của Heidegger viết về Nietzsche, Heidegger đã nhận rằng: “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân chính” (cf. Heidegger, Nietzsche, t. I, p. 475: “Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.”).

Câu nói trên của Heidegger về Nietzsche có nghĩa thế nào? Chữ “wesentlich” trong câu văn trên của Heidegger đáng lẽ phải dịch cho đúng là “chân tính”, và “tính” ở đây có nghĩa “tính thể”.

Heidegger có tài sử dụng chữ Đức rất trơn trượt, không có chữ nào hoàn toàn có một nghĩa nhất định; mỗi chữ của Heidegger đều tiềm tàng nhiều nghĩa đối nghịch. Chúng ta thử đọc lại câu văn của Heidegger và lắng nghe câu văn ấy trong tinh thần ngôn ngữ Đức đặc biệt của Heidegger:

“Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.”

Có thể dịch ra Việt ngữ bằng nhiều cách thể tùy theo thể nghĩa và tính nghĩa của ngôn ngữ:

1) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân chính”;
2) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia trung thực”;
3) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân tính”;
4) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân thể”;
5) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia tính thể”;
6) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia thể tính”.

Nhưng chữ “chân chính”, “chân tính”, “thể tính”, cùng nằm chung trong tính diện của Tính mệnh Tư tưởng; những chữ “trung thực”, “chân thể”, “tính thể” cùng nằm chung trong thể diện của Sinh mệnh và Tất mệnh của Triết lý.

Chúng ta hãy đọc lại câu văn của Heidegger nói về Nietzsche:

“Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.”

Người nào quen biết với tư tưởng Heidegger sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi đọc xong câu trên, vì chẳng phải Heidegger đã từng xô đẩy Nietzsche vào đường cuối của siêu thể học, đường cùng của Triết lý Tây phương? Và chẳng phải Heidegger đã từng muốn giải thoát Tư tưởng ra ngoài Triết lý? Chẳng phải Heidegger thường gọi rằng Nietzsche là nhà siêu thể học cuối cùng (tựu thành) của Tây phương? Trong toàn thể lịch sử triết học Tây phương chỉ có Héraclite và Parménide là được Heidegger gọi là “tư tưởng gia chân chính”, thế sao bây giờ nơi trang 475 trong quyển Nietzsche, cuốn I (Pfullingen, Günther Neske, 1961), Heidegger lại gọi Nietzsche là “tư tưởng gia chân chính”, nghĩa là cũng “[ein] wesentlicher Denker” như Héraclite và Parménide sao? Như thế Heidegger lại mâu thuẫn với Heidegger? Vì sao một nhà siêu thể học thành tựu lại đồng thời là nhà tư tưởng chân tính? Không thể như thế được. Vì chính Heidegger chẳng phải đã từng nói: “Tư tưởng ngày mai sẽ không còn là Triết lý”? (cf. Heidegger, Über den Humanismus: “Das künftige Denken ist nicht mehr Pholosophie”).

Tư tưởng gia chân chính (chân tính) là gì? “tư tưởng gia chân chính” hay “Tư tưởng gia chân tính” là dịch theo chữ Đức của Heidegger: “die wesentlichen Denker”. Đối với Heidegger “die wesentlichen Denker” có nghĩa là gì? Heidegger chỉ gọi “die wesentlichen Denker” những tư tưởng gia nào đã tư nghiệm với “Thể Tính của Thể Tính” (des Wesen des Seins); tĩnh từ “wesentlich” trong từ ngữ “die wesentlichen Denker “có nghĩa là thuộc về “Wesen” mà “Wesen” chính là “Thể Tính” Heidegger cho rằng siêu thể học (Metaphysik) là tất mệnh (Verhängnis) của Tây phương, vì siêu thể học đã qui định thể điệu của con người thời đại trong việc thể nhận “tính thể trong toàn thể” (das Seiende im Ganzen) và bỏ quên “Thể Tính của Thể Tính” (des Wesens des Seins). Tư tưởng gia chân chính (chân tính) là con người tư tưởng đi trên con đường uyên nguyên và không bỏ quân “Thể Tính của Thể Tính”.

Siêu thể học bỏ quên thể tính của thể tính và Heidegger đã xem Nietzsche như là nhà siêu thể học cuối cùng và trọn vẹn. Thế tại sao Heidegger lại nói rằng Nietzsche thuộc vào “tư tưởng gia chân chính”?

“Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.”

(Heidegger, Nietzsche, t. I, p.475)

Như thế Heidegger muốn nói gì? Heidegger đã hiểu ẩn ý, mật ý của Nietzsche? Không, xin hãy chậm rãi suy tư từng bước một với Heidegger. Theo dấu vết của Heidegger trên con đường của Thể Tính, chúng ta thấy Heidegger cho rằng những tư tưởng gia chân chính (die wesentlichen Denker) là những người đều nói Như Tính (Heidegger: “Darum sagen die wesentlischen Denker stets das Selbe”) và Heidegger lại xác định rõ ràng rằng “Như Tính” (das Selbe) không có nghĩa là “Đồng Tính” (das Gleiche) (cf. Heidegger: “Das heisst aber nicht: das Gleiche”).

Chữ “das Selbe” (le Même) có thể dịch ra hai thể cách:

1) Như Tính
2) Như Thể.

Dịch là “Như Tính” để nói lên “Đồng Tính” của “Như Thể”, dịch là “Như Thể” để nói lên “Như Tính” của “Đồng Thể”. Chữ “das Gleiche” (l’idientiqÜ) có thể dịch ra hai thể cách:

1) Đồng Tính
2) Đồng Thể

Dịch là “Đồng Tính” để nói lên “Như Tính” của “Đồng Thể”; dịch là “Đồng Thể” để nói lên “Đồng Tính” của “Như Thể”.

Dịch như trên là đã đánh dấu một bước đi quyết liệt mà quyển Hố thẳm tư tưởng và quyển Im lặng Hố thẳm đã thể hiện đầu tiên trong Tư Tưởng Việt Nam và Tư Tưởng Á Đông trong việc song thoại với Tư Tưởng Triết Lý Tây phương, mà đại diện bi tráng nhất hiện nay là Heidegger. Dịch “das Selbe” là “NhưTính” và “Như Thể” là một cửa ngõ hé mở ra lối thoát cho tư tưởng Heidegger trở về với phương trời “Như Thị” của Á đông; dịch “das Selbe” và “das Gleiche” là “Như Tính”, “Như Thể”, “Đồng Tính” và “Đồng Thể” là mở hé thêm cửa ngõ khác để cho Tư Tưởng Heidegger khỏi kẹt trong đường cụt để về với phương trời “viên dung môn” của Á Đông.

Có dịch bốn cách như trên trong tinh thần “tương dung tương nhiếp” của Hoa Nghiêm thì mới có thể bắc cầu cho Heidegger gặp lại Nietzsche trong Tính mệnh của Lịch sử Nhân loại, bắc cầu lại cho Đông phương và Tây phương gặp lại trong Núi cao của Hố thẳm.

Heidegger đã tự cắt đứt lìa khỏi Nietzsche, vì Heidegger đã xô đẩy Nietzsche vào “Đồng Thể” (das Gleiche = l’identiqÜ). Đối với Heidegger thì Nietzsche đã dạy về “sự phục thể vĩnh cửu” của đồng thể” (die ewige Wiederkehr des Gleichen = l’éternel retour de l’identiqÜ) (cf. Heidegger, Nietzsche, tI, p. 255)

Khi xô đẩy Nietzsche vào “das Gleiche” (Đồng Thể) thì Heidegger đã cố ý xô đẩy Nietzsche vào Tất Mệnh (Verhängnis) của siêu thể học Tây phương; như thế, Heidegger đã cố ý bỏ quên mật ý của Nietzsche và bỏ quên ý nghĩa huyền bí của sự im lặng cuối cùng mà Nietzsche đã kéo dài trên mười năm trời (1889-1900). Đối với Heidegger chỉ có những tư tưởng gia chân chính (die wesentlichen Denker) mới nói lên Như Tính (das Selbe), nhưng tại sao nơi trang 475 trong quyển Nietzsche (cuốn I), Heidegger lại cho rằng Nietzsche thuộc về “những tư tưởng gia chân chính”?

“Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.”

Như thế thì Nietzsche cũng nói lên “Như Tính” (das Selbe)? Nhưng tại sao Heidegger xô đẩy Nietzsche rơi vào “Đồng Tính” (das Gleiche)? Phải chăng lại là mật ý của Heidegger? Hay Heidegger lại mâu thuẫn với chính Heidegger?

Không phải thế. Khi gọi Nietzsche là “tư tưởng gia chân chính”, Heidegger chỉ muốn nói rằng Nietzsche là kẻ thành tựu tất mệnh của siêu thể học, nghĩa là muốn hiểu tư tưởng Nietzsche thì phải suy tưởng về thể tính của siêu thể học. Thể Tính của siêu thể học là thể nhận. thể tính của tính thể hay tính thể trong toàn thể (das Seinde im Ganzen), nghĩa là bỏ quên thể tính của thể tính (des Wesens des Seins).

Như thế, câu văn của Heidegger về Nietzsche:

“Nietzsche gehört zu den wesentlichen Denkern.”

không có nghĩa là:

1) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân chính”;
2) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân tính”;
3) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia thể tính”.

mà lại có nghĩa rõ ràng là:

1) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia trung thực”;
2) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia chân thể”;
3) “Nietzsche thuộc về loại tư tưởng gia tính thể”;

Thế là Heidegger đã tỏ ra dứt khoát với Nietzsche và tự đào hố phân chia biên giới giữa Heidegger và Nietzsche.

Thế tướng “viên dung” của bốn cách dịch:

1) như tính
2) đồng tính
3) như thể
4) đồng thể

Đã chứa đựng ẩn ý là nhảy qua (Satz) hố sâu mà Heidegger đã tự đào ra để phân chia giữa “das Selbe” và “das Gleiche”, giữa Heidegger và Nietzsche, giữa lời nói của Heidegger và sự im lặng bí mật của Nietzsche.

Sự trở về vĩnh cửu (Le Retour éternel) của Nietzsche phải chăng là “sự phục hồi vĩnh cửu của đồng thể” (Retour éternel de l’identiqÜ) như Heidegger đã cố ý giải thích? Phải chăng Heidegger đã lôi niềm bí ẩn (énigme) của Nietzsche xuống ngôn ngữ lạnh lùng của siêu thể học? Tại sao Heidegger có thể giản dị dễ dãi như thế? Hay Heidegger lại muốn tàn phá niềm bí ẩn của Nietzsche để che giấu niềm bí ẩn riêng lẻ nào đó của Heidegger? Trên Sinh mệnh mình, đặt một Sinh mệnh? Trên Hố thẳm lại đặt một Hố thẳm? Hố thẳm kêu gọi Hố thẳm? Abyssus abyssum invocat? Im lặng kêu gọi im lặng? Heidegger kêu gọi Nietzsche? Như tính kêu gọi Như tính bằng ngôn ngữ của Tất mệnh Đồng tính? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập kéo tới và người viết đến đây muốn nghẹt thở. Hố thẳm Im lặng lại còn trở nên im lặng hơn nữa…


VIII.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Người ta có hiểu tôi không? Có ai hiểu nổi tôi? Loài người có hiểu nổi ta? Có ai hiểu nổi tôi? — Hat man mich verstanden? — Nietzsche lặp lại câu hỏi này đến bốn lần trong chương cuối cùng của quyển sách cuối cùng trong đời, Ecce Homo:

1) Versteht man mich?
2) Hat man mich verstanden?
3) Hat man mich verstanden?
4) Hat man mich verstanden?

Câu 1 có nghĩa “người ta hiểu tôi?”; câu 2, 3 và 4 có nghĩa: “người ta đã hiểu tôi chưa?”

Câu thứ 4, Nietzsche nói thêm lời nói tối hậu:

Hat man mich verstanden? — Dionysos gegen den Gekreuzigten…
Người ta đã hiểu tôi? — Dionysos đối mặt lại với kẻ bị đóng đinh…

Heidegger, Karl Jaspers, Paul Valéry đã hiểu Nietzsche? Không bao giờ. Heidegger đã cố ý hiểu sai Nietzsche; Heidegger đã phê phán Nietzsche một cách quá giản dị và dễ dãi. Nietzsche chỉ là triết gia ư? Nietzsche chỉ là nhà siêu thể học ư? Tư tưởng Nietzsche chỉ là tư tưởng về ý chí quyền lực thôi sao? Chỉ là sự trở về vĩnh cửu của Đồng thể thôi sao?

Tại sao Heidegger đã phá vỡ sự bí ẩn kỳ diệu của Nietzsche? Tại sao Heidegger đã lạnh lùng hệ thống hóa tất cả những mảnh giấy rời rạc, mang tên là “Der Wille zur Macht”? Nietzsche chỉ là một triết gia có hệ thống đàng hoàng hay sao? Nietzsche chỉ là kẻ bị vướng trong triết lý Platon?

- Hat man mich verstanden?
- Người ta đã hiểu tôi chưa?

Máu của Nietzsche, nước mắt của Nietzsche, lửa của Nietzsche, những đêm tối của Nietzsche, sự im lặng cuối cùng của Nietzsche, Heidegger đã bỏ quên ở đâu? Tôi sẵn sàng vứt bỏ tất cả quyển sách của Heidegger vào sọt rác để đổi một câu thơ vô nghĩa của Nietzsche. Tôi sẵn sàng vứt bỏ tất cả quyển sách của Goethe, Paul Valéry, Platon, Socrate, Kant, Hegel, Shakespeare, Descartes, Sartre, Camus, vân vân. Tôi sẵn sàng vứt bỏ trọn sự nghiệp văn chương và tư tưởng của các triết gia văn thi hào trên để đổi lấy một câu văn duy nhất dưới đây của Nietzsche:

- Ich bin kein Mensch, ich bin Dynamit.
- Tôi không phải là một con người, tôi là một trái mìn.

Câu trên nằm ở chương cuối quyển Ecce Homo, nhan đề là: “Tại sao tôi là tất mệnh” (Warum ich ein Schicksal bin) (cf. F. Nietzsche, Werke in drei Bänden, cuốn II, trang 1152).

Tại sao Heidegger đã cố ý làm trái mìn ấy tịt ngòi? Heidegger sợ mình sẽ bị nổ bấy ra từng mảnh? Vì chân lý quá khủng khiếp?

- Aber meine Wahrheit ist furchtbar.

- Nhưng chân lý của tôi thì lại khủng khiếp (Nietzsche, op. cit, id.)

Tại sao Heidegger đã cố vội vàng kết luận? Đã cố ý nhốt Nietzsche vào một mớ lý luận về Tính thể và Thể tính? Thể tính của Thể tính là gì? Một trăm cuốn Sein und Zeit (l’Être et le Temps) của Heidegger cũng không đáng một chương trong quyển Also sprach Zarathustra của Nietzsche? Nói như thế là pensée calculante ư? Vậy không phải chính Heidegger đã ngu xuẩn biến đổi pensée médiante của Nietzsche thành ra pensée calculante hay sao? Nietzsche sẽ nghĩ gì, nếu ông còn sống và đọc hai cuốn sách dày trên cả ngàn trang mà Heidegger đã viết riêng về Nietzsche? Nietzsche sẽ nghĩ gì?

Trở về quê hương

Hỡi cô đơn! Hỡi cô đơn, quê hương của ta! Bao nhiêu năm trời ta đã sống man rợ nơi những vùng xa lạ hoang vu để mà không trở về mi với nước mắt chảy dài! Bây giờ mi có thể trỏ tay đe dọa ta như mẹ già đe dọa con cái; bây giờ mi có thể cười mơn ta như mẹ già cười mơn con cái; bây giờ mi có thể nói với ta:

Ai đấy, mà ngày xưa đã vũ bão xa lánh ta như cơn giông tố? Mà ngày xưa đã la hét lúc xa lìa ta? “Ta đã ngồi quá lâu với nỗi cô đơn và đã tập quên im lặng!” Ừ, thế thì bây giờ mi đã tập được im lặng lại rồi ư? Hỡi Zarathustra ta biết tất cả mọi sự. Biết rằng mi đã bị bỏ quên hất hủi hơn nữa giữa đám đông loài người; mi, mi, kẻ cô độc, mi lại bị hất hủi bỏ rơi giữa thiên hạ hơn là khi còn ở với ta! Bị bỏ rơi hất hủi là một việc, được cô đơn lại một việc khác: ừ, ừ; bây giờ, mi đã học được điều ấy rồi. Mi đã học được rằng giữa loài người mi vẫn chỉ luôn luôn là man dại và xa lạ — man dại và xa lạ ngay cả lúc họ thương yêu mi, bởi vì họ chỉ thích được nể nang xoay sở kiêng dè khéo léo, họ chỉ thích thế hơn tất cả mọi sự!

“Nhưng về đây, mi lại được thoải mái tự tại trong nhà cửa quê hương mi; về đây mi được tự do ăn nói, mi có thể nói bất cứ điều gì, mi có thể đổ ào ra tất cả lý lẽ của mi, mà không hề cảm thấy hổ thẹn vì đã có những cảm giác lì lợm kín đáo. Về đây, tất cả mọi sự vật mon men chạy đến ve vuốt lời nói của mi, ve vuốt vỗ về mi vì tất cả sự vật ấy muốn cỡi trên lưng mi. Ngồi cỡi trên tất cả những biểu tượng ẩn ý, mi phóng nước đại đến tất cả những chân lý. Về đây, mi có thể ăn nói với tất cả mọi sự một cách chân thành và chính trực: thực thế, lời nói văng vẳng đung đưa trong tai sự vật như là những lời tán tụng, khi mình ăn nói thẳng thắn chính trực.

“Bị bỏ rơi lại là chuyện khác. Ừ, vì lý do mà chắc mi còn nhớ chứ, hỡi Zarathustra? Lúc con chim mi hót cao vút trên đầu mi, khi mi đứng trong rừng và không thể quyết định quay đi về hướng nào, lưỡng lự bất định, gần bên một xác chết, lúc ấy mi nói: ước gì những con thú của ta sẽ dẫn đường ta đi! Ta thấy rằng sống giữa loài người lại còn nguy hiểm hơn là sống với loài thú vật”. Đó, đó chính là lúc bị bỏ rơi hất hủi! À, mi còn nhớ chứ, hỡi Zarathustra? Lúc mi ngồi trên hải đảo của mi, một giếng nước rượu giữa những thùng rỗng, phân phát ban hết cho tất cả những kẻ khát để rồi mi ngồi chết khát giữa những kẻ say rượu, rồi than thở cả đêm: “Lấy phải chăng phúc hơn là cho? Đánh cắp phải chăng phúc hơn là nhận lấy?” Đó, đó chính là bị bỏ rơi hất hủi! Và mi còn nhớ chứ, hỡi Zarathustra? Lúc giờ phút im lặng nhất hiện đến mi, xô đuổi mi ra ngoài mi, và nói với mi qua lời thì thầm tàn bạo: “Hãy nói đi và vỡ tung ra!” — lúc ấy giờ phút im lặng khiến mi phải hối hận ăn năn về tất cả sự chờ đợi của mi, về sự im lặng của mi; nó khiến mi buồn chán lòng can đảm nhún nhường của mi: Đó, đó chính là lúc bị bỏ rơi hất hủi!”.

Hỡi cô đơn! Hỡi cô đơn, quê hương của ta! Lời mi nói với ta thực là dịu dàng âu yếm triền miên biết bao! Chúng ta không cật vấn với nhau, chúng ta không than thở với nhau, chúng ta lại bước đi chung nhau qua những cánh cửa mở rộng. Bất cứ nơi nào mi bước tới thì mọi sự vật ở nơi đó liền mở rộng và ngời sáng lên; ngay đến những giờ phút cũng lướt qua với bước chân nhẹ nhàng. Bởi vì trong bóng tối, thời gian lại trở thành nặng nề hơn là ngoài ánh sáng. Nơi đây, những lời nói và những lăng thánh của lời nói về tất cả tính thể đã bật mở rộng ra trước ta: nơi đây, tất cả tính thể muốn trở thành ngôn ngữ, tất cả dịch thể muốn ta dạy nói cho nên lời.

Nhưng dưới kia, tất cả lời nói đều vô vọng hão huyền. Dưới kia, khôn ngoan nhất là cứ quên phứt đi và bỏ qua đi: — ừ, ta đã học được điều ấy. Kẻ nào muốn lãnh hội tất cả mọi sự thế nhân thì phải xông xáo nắm lấy tất cả mọi sự. Nhưng đôi tay ta quá sạch để mà có thể làm như vậy. Ta chán chường ghê tởm ngay cả hơi thở của họ; hỡi ôi, ta đã sống quá lâu trong sự ồn ào huyên náo của họ, trong hơi thở thối tha của họ!

Ồ sự im lặng tuyệt vời chung quanh ta! Ồ hương thơm thuần khiết chung quanh ta! Ôi, sung sướng biết bao, sự im lặng đã cho ta hít thở không khí trong sạch vào ứ cả phổi! Ồ, sự im lặng đang lắng nghe kìa, ồ, sự im lặng tuyệt vời!

Nhưng dưới kia thì mọi người đều nói và chẳng ai nghe. Mi có thể khua động đạo lý vào tai họ bằng những tiếng chuông; nhưng chủ hiệu buôn ở chợ búa lại khua động mạnh hơn mi bằng những đồng tiền của họ.

Trong đám họ ai cũng ham nói; không ai còn biết cách hiểu nữa. Tất cả mọi sự đều rơi xuống nước, chẳng có vật gì rơi xuống giếng sâu nữa. Trong đám họ ai cũng ham nói; không có gì ra hồn nữa và thành tựu được nữa. Tất cả mọi người đều cục tác như gà mái mắc đẻ, nhưng còn có ai chịu ngồi im trong ổ để ấp trứng?

Trong đám họ ai cũng ham nói; tất cả mọi sự đều bị nói lải nhải lằng nhằng ra từng mảnh. Những gì ngày qua còn quá cứng rắn, cứng rắn cả đối với thời gian và răng nhọn thời gian thì ngày hôm nay treo lửng lơ mòn nhẵn ngoài mồm miệng của con người thời đại.

Trong đám họ ai cũng ham nói; tất cả mọi sự đều bị phản bội. Và những gì mà ngày hôm qua còn là sự bí ẩn bí mật của những tâm hồn sâu thẳm thì ngày hôm nay trở thành vật sở hữu của những tên thổi kèn ngoài đường và của những con bướm đú đởn.

Ồ, tính thể con người! Mi kỳ dị lạ lùng! Ồn ào huyên náo trên những con đường tối! Nhưng bây giờ nó lại nằm đằng sau ta rồi: nỗi nguy hiểm lớn nhất của ta nằm đằng sau ta rồi!

Sự xoay xở kiêng dè và lòng thương xót đã từng là những nỗi nguy hiểm lớn nhất của ta, tất cả mọi người đều thích được kiêng dè nể nang và thích được thương hại. Mang chứa những chân lý giấu kín với đôi tay của một thằng khờ và trái tim ngơ ngác âu yếm đầy dẫy những sự láo khoét nhỏ nhoi của tình thương xót: ta đã phải luôn luôn sống như thế giữa loài người: Giả dạng trá hình ngồi với họ, sẵn sàng đánh lạc bản thể để mà có thể chịu đựng họ và sẵn sàng tự nhủ “Mi khờ khệch ngớ ngẩn! Mi không hiểu loài người”.

Mình quên những gì mình biết về loài người khi mình sống giữa loài người; có quá nhiều bình phong che đậy đằng trước tất cả loài người; đôi mắt viễn thị thẩm thấu có ích lợi gì ở đó? Khi nào họ không nhận ra ta, lúc khờ khệch ngu dại, ta lại xoay xở kiêng dè họ hơn là chính ta: vì vốn sẵn cứng rắn nghiêm khắc với mình, thường khi ta phải trả thù ta về sự xoay xở kiêng dè thái quá ấy. Bị những con ruồi nhặng độc địa đâm chích đầy người, và sâu hõm như một hòn đá bị những giọt nước gian manh đục khoét, ta ngồi đó, như thế đó, giữa loài người để rồi còn tự nhủ: “Những gì bé nhỏ thì vô tội, vì không tự biết rằng bé nhỏ”.

Nhất là những kẻ tự nhận là “những người hiền tốt” thì ta thấy đúng là những con ruồi nhặng độc địa nhất: chúng nó đâm chích một cách vô tội hoàn toàn, chúng nó láo khoét một cách vô tội hoàn toàn làm sao mà chúng nó có thể công chính với ta được? Lòng thương xót dạy rằng những kẻ nào sống giữa những người hiền lành thì phải nói dối. Lòng thương xót vây phủ không khí nặng nề meo mốc chung quanh những tâm hồn tự do phóng dật. Bởi vì sự ngu xuẩn của hạng người hiền lành thì không thể nào lường được.

Tự ẩn giấu mình và giấu sự giàu sang phong phú của mình, đó, đó là điều ta đã học được dưới kia, vì ta thấy tất cả mọi người đều nghèo trí, nghèo hồn. Đây là sự giả dối của ta: ta biết rằng ta có thể thấy và ngửi được trong bất cứ người nào đâu là vừa đủ hồn trí cho hắn, đâu là hồn trí quá thừa thãi cho hắn.

Những bậc thánh nhân cứng đơ của họ, ta gọi họ là thánh nhân, chứ tránh nói là cứng đơ, làm thế thì ta tập nuốt được lời lẽ. Những kẻ đào huyệt của họ: ta gọi là những nhà khảo cứu và những nhà thông thái khảo nghiệm; làm như thế thì ta tập đổi được lời lẽ.

Những kẻ đào huyệt ham đào đến phải đau bệnh; dưới đống dơ bẩn ấy chứa chấp bao nhiêu mùi hôi thối. Không nên bươi móc khuấy động vũng lầy. Nên lên núi cao mà sống.

Lỗ mũi thoải mái của ta được thở lại sự tự do phóng dật của núi cao. Thế là sau cùng mũi ta đã được giải thoát ra khỏi tất cả mùi hôi của thế sự!

Linh hồn ta cảm thấy nhột nhột nơi mũi bởi không khí sắc buốt như rượu sủi bọt, nó vụt hắt hơi, linh hồn ta nhảy mũi và reo vui: “Cầu trời ạ, sức khỏe ạ! Gesundheit!”

Zarathustra đã nói như thế.


IX.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Im lặng là gì? Im lặng chẳng phải không có âm thanh, im lặng nổ vỡ như một triệu mặt trời nát bấy ra bụi:

… Sprich und zerbrich!…

Câu trên nằm âm thầm lẳng lặng tịch mịch trong phần III của quyển Also sprach Zarathustra (cf. Friedrich Nietzsche, Werke in drei Bänden, II, 433); câu nói không lời nằm im nín thở:

… Sprich und zerbrich!…

Và nổ bấy ra trong ngôn ngữ Việt Nam:

…Hãy nói đi và nổ vỡ bấy ra từng mảnh!

Nietzsche đã nói xong và đã im lặng: sự im lặng của Nietzsche nổ vỡ bấy ra từng mảnh. Sự im lặng của Nietzsche như trái mìn ở trận chiến tranh Việt Nam:

Tôi không phải là một con người
Tôi là một trái mìn.

ICH BIN KEIN MENSCH,
ICH BIN DYNAMIT.

(Ecce Homo)

Lời nói của Nietzsche đã được thành lời; sự im lặng của Nietzsche làm nổ tung quyền Sein und Zeit của Heidegger. Và Heidegger đã nói gì và đã im lặng gì?

Trong quyển Sein und Zeit, Heidegger chỉ kín đáo nhắc đến tên Nietzsche có ba lần, một lần ở trang 264, một lần ở trang 272 nơi phần chú thích và một lần ở trang 396 (cf. Martin Heidegger Sein und Zeit, Max Niemeyer Verlag, Tübingen, 1960).

Trang 264, Heidegger trích lại một lời nói của Nietzsche để làm sáng tỏ ý tưởng mình; trang 272, Heidegger nhắc người đọc lưu ý đến cách giải thích về ý thức của Nietzsche, chỉ nhắc đến tên Nietzsche và không tỏ ý kiến rõ rệt; trang 396, Heidegger nhắc đến ba đoạn sử quan của Nietzsche vào năm 1874 và mượn ý Nietzsche để làm sáng tỏ nội dung về tính sử của Heidegger; Heidegger kết luận về Nietzsche ở trang 396:

“Sự khởi đầu cuộc khảo sát của Nietzsche cho phép ta nhận rằng Nietzsche đã hiểu nhiều hơn những điều mà Nietzsche đã cho ta được biết”.

(Der Anfang seiner “Betrachtung” lässt vermuten, dass er mehr verstand als er kundgab). (cf. Sein und Zeit, p. 369)

Quyển Sein und Zeit là tác phẩm vĩ đại nhất trong đời của Heidegger; trong toàn thể 437 trang của quyển sách, Heidegger chỉ kín đáo nhắc đến Nietzsche có ba lần như dẫn trên; cả ba lần nhắc đến Nietzsche đều nói lên sự kính trọng âm thầm của Heidegger đối với Nietzsche và quan trọng nhất là đoạn đã dịch trên, ở trang 396 của quyển Sein und Zeit.

Nhưng sau này, trong những tác phẩm khác, Heidegger lại xô đẩy Nietzsche vào cứu cánh của siêu thể học và sắp xếp Nietzsche vào đứng chung cùng đám triết gia thiếu máu và mất lửa như Platon và Descartes! Tại sao? Tại sao Heidegger lại gán vào Nietzsche tất cả những gì mà Nietzsche đã từng đả phá? Tại sao Heidegger lại làm thế? Phải chăng Heidegger cố ý làm thế để che đậy một đại mật niệm nào? Phải chăng Heidegger cố ý làm thế để giữ thể diện bi tráng của chính Heidegger? Bởi vì tất cả những gì Heidegger đã nói, muốn nói và không nói đều đã được Nietzsche nói hết và đập vỡ ra từng mảnh, bởi vì tư tưởng của Heidegger đã bị Nietzsche đưa vào chỗ bế tắc ngay trong lúc Heidegger vừa mới chào đời? Heidegger sinh vào năm 1889, năm ấy là năm đầu tiên mà Nietzsche rút về ẩn náu trong sự im lặng cho tới lúc chết (1889-1900).

Năm 1889 là một năm bí mật trong lịch sử Tây phương: năm đầu tiên của sự im lặng bí ẩn của Nietzsche và năm đầu tiên của sự hiện diện nhập thể của Heidegger trong sinh mệnh Tây phương.

Trái mìn đã nổ và Heidegger chỉ là kẻ sinh sau tàn phế: Heidegger đi lượm lại từng mảnh bấy để tạo lại một trái mìn khác và nói rằng trái mìn của Nietzsche chỉ là trái pháo tịt ngòi của Platon, Aristote và Descartes! Việc làm của Heidegger không khác gì việc làm của Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) đối với Long Thọ (Nâgârjuna).

Kinh nghiệm của Nietzsche là kinh nghiệm của Máu và Lửa; kinh nghiệm của Heidegger chỉ là kinh nghiệm buốt lạnh của một kẻ lạc đường giữa băng giá hoang vu của Nam Cực và Bắc Cực. Bên kia Bắc Cực và Nam Cực là mặt trời và mặt trăng, rắn và ó, máu và nước mắt, tiếng nổ ngút trời và sự im lặng huyền bí trong mười năm trời.

Nietzsche đã đi vào im lặng, còn Heidegger chỉ mới bắt đầu lên đường đi về im lặng. Sự bắt đầu ấy, sự khởi đầu ấy của Heidegger đã khiến ta muốn nhắc lại lời của Heidegger đã nói về Nietzsche trong Sein und Zeit; nhưng lần này, khi nhắc lại, ta đổi tên Nietzsche là Heidegger:

“Sự khởi đầu cuộc khảo sát của Heidegger cho phép ta nhận rằng Heidegger đã hiểu nhiều hơn những điều mà Heidegger đã cho ta biết được”.

(Der Anfang seiner “Betrachtung” lässt vermuten, das er mehr verstand, als er kundgab.)

Trên chỏm núi cô đơn ở vùng Hắc Lâm, có lẽ Heidegger cũng trải qua kinh nghiệm nhập tính và xuất thể mà Nietzsche đã sống qua vào đầu năm 1882 ở vùng núi cao của hố thẳm:

Ta ngồi đó chờ đợi, không chờ đợi gì cả, chờ đợi vô thể, chờ đợi không chờ đợi.
Vượt lên trên Thiện và Ác, khi thì hưởng nếm ánh sáng, khi thì bóng tối, chỉ toàn là trò đùa.
Chỉ toàn là biển, chỉ toàn là mười hai giờ trưa, chỉ toàn là thời gian không mục đích.
Thế rồi bỗng nhiên, em ơi, một trở thành hai và Zarathustra lướt qua bên ta…

Đọc qua nguyên tác, bài thơ phảng phất sự tĩnh mịch thì thầm se sẽ của nguyên ngôn Đức quốc:

Hier sass ich, wartend, wartend — doch auf nichts,
jenseits von Gut und Böse, bald des Lichts
geniessend, bald des Schattens, ganz nur Spiel,
ganz See, ganz Mittag, ganz Zeit ohne Ziel.
Da, plötzlich, Freundin, wurde eins zu zwei-
und Zarathustra ging an mir vorbei.

Ta nghe như tiếng gọi se sẽ của hư vô bàng bạc man mác trên non cao, khi hố thẳm của thể tính bỗng động mình biến thành song song thể:

… wurde eins zu zwei...
(một trở thành hai)

Như chiếc cánh khéo lại của con bướm bỗng xòe mở ra làm hai cánh chập chờn thoáng hiện trên nụ tầm xuân.

Xòe mở ra là Phusis và thoáng hiện là Ousia. Com bướm đen huyền lượn chơi trên hố thẳm của tính mệnh, bướm lượn chơi cuộn vòng không mục đích như thời gian không mục đích của Nietzsche:

… ganz Zeit ohne Ziel
Com bướm lượn chơi:

… ganz nur Spiel
(chỉ toàn là trò đùa)

và “một trở thành hai” của Nietzsche bỗng trở thành song song thể (Zwiefalt) của Heidegger.

Đọc lại đoạn thơ của Nietzsche đã dịch ở trên:

… Chỉ toàn là trò đùa
Chỉ toàn là biển, chỉ toàn là trưa, chỉ toàn là thời gian không mục đích…

… ganz nur Spiel,
ganz See; ganz Mittag, ganz Zeit ohne Ziel…

Rồi đọc lại đoạn cuối trong chương cuối quyển Der Satz vom Grund của Heidegger:

“Tính thể mà khi lập thể thì không có căn thể, nghĩa là không có đáy. Mà khi là hố thẳm (không đáy) thì thể tính chơi trò đùa, mà khi đùa thì đưa tính mệnh cho chúng ta bằng tính thể và căn thể”.

“Sein als Gründendes hat keinen Grund, spielt als der Ab-Grund jenes Spiel, das als Geschick uns Sein und Grund zuspielt”. (Heidegger, Der Satz vom Grund, Neske, Pfullingen, 1965, trang 188)

Câu văn dịch lại Việt ngữ ở trên có vẻ khó hiểu, bởi vì đây là lần đầu tiên tiếng nói của Hố Thẳm Việt Nam vọng lại đáp ứng nguyên ngôn của tư tưởng Tây phương:

“Tính thể mà khi lập thể thì không có căn thể”.
“Sein als Gründendes hat keinen Grund…”

Đó là ý nghĩa hàm súc của quyển Hố Thẳm Tư Tưởng.

“Khi hố thẳm (không đáy) thì thể tính chơi trò đùa…”
“spielt als des Ab-grund jenes Spiel…”

Đó là ý nghĩa hàm súc của quyển tiểu thuyết Trời tháng Tư.

“Mà khi đùa thì đưa tính mệnh cho chúng ta bằng tính thể và căn thể”
“… das als Geschick uns Sein und Grund zuspielt”

Đó là ý nghĩa súc tích của tính thể (Sein) trong quyển thơ Ngày sinh của rắn qua sự hiện diện bí ẩn của hình bóng Quế Hương xa xưa; và đó cũng là ý nghĩa súc tích của căn thể (Grund) trong quyển Im lặng Hố thẳm trở về nối kết với tính thể (Sein) của Ngày sinh của rắn trong Tính Diện của Hố Thẳm (als der Ab-Grund) cùng trong Thể Diện của Tính Mệnh (als Geschick) trong Trò Đùa muôn thuở của Bất Sinh và Bất Diệt giữa cuộc chiến tranh Việt Nam:

rắn cuộn tròn
tương lai

Đó là ý nghĩa hàm súc của thời gian không mục đích trong Ngày sinh của rắn:

… ganz Zeit ohne Ziel

Thời gian không mục đích đưa Heidegger lên đường bắt đầu trở về trong sự im lặng tối hậu với Nietzsche trong Trò chơi không lý do, không “tại sao” (Heidegger: “Das Spiel ist ohne “Warum”).

Trên chỏm núi cô đơn ở Todtnau ở vùng Hắc Lâm, Heidegger ngồi âm thầm lặng lẽ chờ đợi, chờ đợi không chờ đợi, không chờ đợi gì cả.

Sự im lặng của Nietzsche và tiếng nói heo hút của Heidegger cùng nhau vọng về bay vờn trên đôi mặt khép lại của những người trẻ tuổi đã bỏ mình trong trận chiến tranh Việt Nam, những người không tổ quốc, họ chết cho sự mất quê hương (Heimatlosigkeit) của toàn thể nhân loại. Hố thẳm không đáy đã mở ra và núi cao của Tính Mệnh hiện ra lồ lộ trong máu lửa ngút trời.

Khi tất cả đã mất rồi thì còn lại gì?

Còn lại gì?

Chỉ còn lại Trò Đùa: đó là cái gì cao siêu nhất và sâu thẳm nhất.

Es bleibt nur Spiel: das Höchste und Tiefste.

(Heidegger, Der Satz vom Grund, trang 188)

Cao siêu nhất như Núi Cao và sâu thẳm nhất như Hố Thẳm: Núi Cao là Việt và Hố Thẳm là Tính, phương pháp suy tư về Việt và Tính là con đường trở về: không lối, không cứu cánh, không lộ, không con đường, con đường của Tính Mệnh Việt Nam: “Phương pháp suy tư về Việt và Tính”: phương pháp có nghĩa là phương tiện của pháp tướng trong tính diện tư tưởng Đông phương; đồng thời phương pháp cũng có nghĩa là méthodos hiểu theo thể diện tư tưởng Hy Lạp (Tây phương): con đường là ódoscủa Hy Lạp; trở về là metá; phương pháp (methodos = méta + odos) là con đường trở về thể tính của Việt và Tính (cf. Der Satz vom Grund, trang 111; “Der Weg heisst griechisch ódos, metá heisst “nach”; méthodos ist der Weg, auf dem wir einer Sache nachgehen: die Methode”)

Tiếng nói heo hút của Heidegger lại làm sự im lặng của Nietzsche càng trở nên im lặng sâu thẳm hơn. Sự im lặng của Nietzsche bỗng xoáy tròn sâu thẳm hơn nữa trong Im lặng Hố thẳm cùa Tư Tưởng Việt Nam. Núi cao của Đông phương bỗng làm lễ cưới với Hố thẳm của Tây phương qua Trò Đùa Vô Biên của Thể mệnh, mà Việt Nam đã tựu thành qua Máu, Lửa, Nước Mắt và Sự Im Lặng của tất cả những người đã chết và của tất cả những người sẽ chết. Bên Im Lặng Hố Thẳm là sự chờ đợi không đối tượng, vượt lên trên Thiện và Ác, và thời gian thì không mục đích.

Giữa sự im lặng tịch mịch, bỗng vọng lên tiếng nói se sẽ của Nietzsche:

… chỉ toàn là trò đùa
(… ganz nur Spiel)

Giữa sự im lặng tịch mịch, bỗng đáp lại tiếng nói thì thầm của Heidegger:

… Chỉ còn lại là trò đùa
(Es bleibt nur Spiel…)

Giữa sự im lặng tịch mịch, Ngày sinh của rắn bỗng xuất hiện theo tiếng nổ của mặt trời, bởi vì:

Mặt Trời không có thực
Mặt Trời chỉ là ảo tưởng của con Người chạy trốn Hố Thẳm vả chạy trốn Trò Đùa của Vũ Trụ.

Và thi sĩ là một con rắn, một con rắn độc mọc cánh, cánh bay không tiếng động của Hố Thẳm.

Thượng đế hóa thân thành rắn, Nietzsche đã nói thế một lần trong đời sống để rồi im lặng trong mười năm trời trước khi trở về Trò Đùa bất khả thuyết, bất khả thuyết của Niềm Im Lặng bất sinh và bất diệt.


X.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Nietzsche có phải là Nietzsche hiểu theo Heidegger? Nietzsche hiểu theo Karl Jaspers, Nietzsche hiểu theo Eugen Fink, Nietzsche hiểu theo Jean Granier? Hiểu theo Gilles Deleuze? Hiểu theo Chaix-Ruy? Hiểu theo Pierre Garnier? Hiểu theo Henri Lefebvre? Hiểu theo Walter Kaufmann? Hiểu theo Albert Camus? Hiểu theo Karl Loewith? Hiểu theo Giovanni Papini? Hiểu theo Paul Valéry? Hiểu theo Stefan Zweig?

Nietzsche là ai? Các ngài là ai mà đặt câu hỏi về Nietzsche? Trong các ngài có ai đã leo lên nửa sườn núi? Chỉ nửa sườn núi thôi? Có ai đã leo lên giữa lưng chừng trời? Dù người ấy tên là Heidegger? Hay tên là Paul Valéry? Hay là Albert Camus? Hoặc là Giovanni Papini? Có ai đã nhảy xuống hố thẳm?

Các ngài chỉ đứng ở dưới lưng chừng trời để ngó lên đỉnh núi cao ngất trên kia; Nietzsche ngó xuống các ngài và chỉ mỉm cười:

“Các ngài ngó lên cao, lúc các ngài ngưỡng vọng lên cao. Còn ta, ta nhìn xuống, bởi vì ta đã ở trên cao vòi vọi.

“Trong các ngài có ai mà có thể cười cợt và đồng thời đứng trên cao tít mù?

“Kẻ nào leo được lên tận những đỉnh núi cao nhất thì cười cợt tất cả những vở kịch bi đát và thực tại trang trọng bi đát”.

(Zarathustra, I, đoạn III)

“Ihr seht nach oben, wenn ihr nach Erhebung verlangt. Und ich sehe hinab, weil ich erhoben bin.

Wer von euch kann zugleich lachen und erhoben sein?

Wer auf den höchsten Bergen steigt, der lacht über alle TraÜr-Spiele und TraÜr-Ernste”.

(Zarathustra, Vom Lesen und Schreiben)

Từ năm 1889 đến 1900, Nietzsche đã nhảy xuống hố thẳm và đã im lặng vĩnh viễn.

Sự im lặng của Nietzsche là một niềm bí ẩn kỳ lạ nhất trong toàn thể lịch sử loài người.

Sự im lặng ấy là một nỗi huyền bí trang nghiêm đáng kính sợ, hiểu theo nghĩa “mysterium tremendum” của Rudolf Otto (cf. R. Otto, Das Heilige).

Vì sao Nietzsche phải im lặng?

Mysterium tremendum!

Nietzsche đã nói gì trước khi im lặng?

“Đỉnh núi cao và hố thẳm — bây giờ cả hai đã nối liền làm một với nhau”
“Gipfel und Abgrund — das ist jetzt in eins beschlossen!”

(Also sprach Zarathustra, III, Der Wanderer)

Câu nói trên có nghĩa là gì?

Đỉnh núi cao chính là Việt nhân (Übermensch)

Hố thẳm chính là sự Phục hồi vĩnh cửu (Ewige Wiederkunft).

Dịch chữ “Übermensch” là “siêu nhân” thì chưa diễn tả hết nghĩa chữ “Über”; phải dịch “Übermensch” là “Việt nhân” trong tinh thần triết lý về Việt và Tính, vì Nietzsche đã đùa chữ theo tinh thần tương dung tương nhiếp giữa “trên” và “dưới”, “Über” và “Unter”, “đi lên” và “đi xuống”, “Übergehen” và “Untergehen”, “Übergang” và Untergang” trong tinh thần Tính Ngôn của Héraclite; do đó, “Übermensch” là kẻ vượt lên trên người, không phải bằng cách đi lên trên theo nghĩa không gian và thời gian, mà vượt lên trên người theo nghĩa đi lên núi cao và đi xuống hố thẳm: đi lên và đi xuống đồng lúc, đồng loạt với nhau để nối kết làm thành “khoen tròn vàng ửng” như tượng hình rắn và chim ó cuộn tròn nhau bay lượn giữa trời: rắn ở dưới hố thẳm, “Abgrund”; chim ó ở trên núi cao, “Gipfel”. Hơn nữa, chữ “việt nhân” diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của “Übermensch”, bởi vì chữ Hán “việt” vừa có nghĩa là “vượt lên” mà đồng thời cũng có nghĩa là “rớt xuống”. Do đó, chữ “việt” trong chữ “Việt Nam” đã vạch rõ thể tính của người Việt; trong tinh thần triết lý về Việt và Tính thì người Việt (Việt nhân) mang trong tự thể thể tính (Wesen) của ý nghĩa “Übermensch” của Nietzsche; người Việt hiện nay đang đi xuống Hố Thẳm của toàn thể nhân loại qua cuộc chiến tranh cơ khí tàn khốc hiện nay, nhưng đồng thời sự đi xuống (Untergang) ấy cũng có nghĩa là đi lên (Übergang), đi lên Núi Cao của Tính Mệnh của toàn thể nhân loại qua sự chịu đựng đau đớn nỗi phân tán bi tráng của Việt Tính trong sự tựu thành trọn vẹn của chủ nghĩa hư vô quốc tế.

Dịch chữ “Übermensch” của Nietzsche là “siêu nhân” thì chỉ nói đến sự đi lên (Übergang) mà bỏ quên sự đi xuống (Untergang); do đó, đánh lạc mất tinh túy của lời nói và sự im lặng tối hậu của Nietzsche.

“Đỉnh núi cao và hố thẳm — bây giờ cả hai đã nối liền làm một với nhau”.
“Gipfel und Abgrund — das ist jetzt in eins beschlossen!”

(F. Nietzsche, Werke in drei Bänden, II, 404)

Câu trên có nghĩa là sự đi lên (Übergang) và sự đi xuống (Untergang) chỉ là một, không khác nhau và tương dung tương nhiếp nhau (như tinh thần “viên dung” của Hoa nghiêm kinh).

Câu trên cũng có nghĩa rằng con sư tử biến thành trẻ thơ: Zarathustra biến thành Dionysos.

Zarathustra đi lên núi cao thì Dionysos đi xuống hố thẳm: Dionysos đi lên núi cao thì Zarathustra đi xuống hố thẳm: Dionysos và Zarathustra gặp nhau nhập thành một thì núi cao và hố thẳm gặp nhau nhập thành một: con sư tử tàn bạo trở thành đứa trẻ con hiền lành: TRÒ ĐÙA bắt đầu và vũ trụ lại sinh thành hoại diệt trong vòng tròn vĩnh cửu.

“Trẻ con là sự ngây thơ và quên lãng, một sự bắt đầu mới và một trò đùa, một bánh xe tự xoay chuyển…”

“Unschuld ist das Kind und Vergessen, ein Neubeginnen, ein Spiel, ein aus sich rollendes Rad…”

(Zarathustra, I, Von den drei Verwandlungen)

Nietzsche đã đi xuống tận hố thẳm (Abgrund) và thấy hố thẳm không đáy (Ab=không+Grund=đáy); khi vụt thấy thế, Nietzsche bỗng nhận rằng Hố Thẳm (Abgrund) chính là Đỉnh Núi Cao (Gipfel): Nietzsche liền im lặng.

Nietzsche đi xuống hố thẳm thì Heidegger đi lên núi cao: Heidegger mới đi tới lưng chừng núi và nhìn với lên trên đỉnh cao: Nietzsche ngó xuống. Sự đi lên (Übergang) của Heidegger chưa gặp sự đi xuống (Untergang) của Nietzsche: hố thẳm (Abgrund) chưa làm một với núi cao (Gipfel).

Bây giờ, ngồi cô đơn trên đỉnh núi Todtnau ở vùng Huyền Lâm, có lẽ Heidegger đã bắt đầu thấy rằng núi cao và hố thẳm nhập nhau làm một?

Heidegger bắt đầu im lặng: Qua tiếng gọi, từ vùng Uyên nguyên miên viễn…
XI.

Vì sao Nietzsche phải im lặng?

Tại sao Hố Thẳm và Núi Cao chỉ là một?

Hãy nghe tiếng nói không lời của Hố Thẳm trên đỉnh Núi Cao ngất trời

“Kẻ nào ở gần những ngôi sao mà cũng vẫn ở nơi Hố Thẳm u ám nhất?

“Wer wohnt den Sternen

“So nahe, wer des Abgrunds grausten Fernen?

(Nietzsche, Aus hohen Bergen)

Tại sao ngôi sao trên cao và hố thẳm dưới kia chỉ là một?

Kẻ nào sống trên những ngôi sao mà cũng vẫn sống dưới hố thẳm âm u nhất? Người ấy là ai mà những ngôi sao lại còn thấp hơn hẳn? Kẻ ấy là ai?

Kẻ lang bạt

Đêm đã khuya, lúc Zarathustra bắt đầu lên đường vượt qua đỉnh cao của hải đảo để sớm mai sang tới bờ bên kia, vì hắn muốn khởi trình nơi bờ biển ấy. Nơi bờ ấy có một vùng cạn ăn thông ra biển rất tiện lợi cho tàu bè, nhất là những tàu bè xa lạ thường hay bỏ neo ở đó và mang theo những kẻ ở vùng đảo thần tiên muốn vượt biển. Vừa leo lên đỉnh cao, Zarathustra vừa hồi tưởng lại muôn vàn chuyến hành trình cô đơn trong đời từ lúc lên đường phiêu dạt thuở còn trai trẻ, ở, biết bao là núi non đồi đỉnh mà hắn đã băng qua.

Ta vốn là kẻ lang bạt kỳ hồ, kẻ băng núi xuyên sơn, ở, hắn tự nói với lòng, ta không thích những đồng bằng, dường như là ta không thể ở yên nơi đâu được lâu nữa.

Dù vận số ta thế nào đi nữa, dù có biến cố gì xảy ra đi nữa — đối với ta, đó cũng chỉ là một dịp để phiêu lưu đăng trình, một cớ để thượng sơn: rốt ráo rồi thì mình chỉ sống với những gì còn lại với mình.

Đã qua rồi cái thời mà ta chỉ nương cậy trông đợi những sự việc ngẫu nhiên xảy đến, bây giờ thì có gì xảy đến lại chẳng nằm sẵn trong ta rồi?

Ta chỉ cần trở lại ta, cuối cùng trở về lại với mình, về nhóm lại những mảnh hồn ly tán trong cõi xa lạ và rã rời tan tác giữa vạn sự ngẫu nhiên ở đời.

Ờ, ta còn biết một điều này nữa: bây giờ ta đang đứng trước chóp đỉnh cuối cùng của đời ta, mà từ lâu ta vẫn chưa được đối mặt. Hỡi ôi, ta phải đi theo con đường mình, con đường khó khăn gian nan nhất trên đời: Ôi chao, ta bắt đầu chuyến đi cô đơn nhất của đời mình!

Kẻ nào mang một dòng máu như ta thì sớm muộn gì cũng không thoát khỏi giờ phút đó, giờ phút lên tiếng gọi thầm: “Chỉ có lúc này mới đúng là lúc mi đi theo con đường oanh liệt cao sang của mi! Chóp đỉnh và Hố thẳm chỉ là một thôi!

Mi đang đi theo con đường oanh liệt cao vút của mi: cho mãi đến bây giờ nỗi nguy hiểm cuối cùng của đời mi mới trở thành nơi ẩn náu tối thượng của lòng mi!

Mi đang đi theo con đường oanh liệt cao ngất của mi: bây giờ mới phải là lúc mi cần tỏ ra can đảm nhất vì không còn con đường nào nữa rớt lại sau mi!

Mi đang đi theo con đường oanh liệt cao vút của mi: bây giờ chẳng có ai còn lén lút đi theo nổi mi được nữa? Những bước chân mi đã xóa nhòa con đường đã đi qua và đằng trước con đường mi đi chỉ còn viết lại hàng chữ: Không thể đi tới được nữa!

Và từ đây trở đi nếu mi không còn nấc thang để bước lên nữa thì phải biết leo lên đầu mi mà vươn lên: chứ làm gì nữa bây giờ để mà có thể lên cao hơn nữa?

Leo lên đầu mi và vượt lên trên kia, lên trên tim mi! Bây giờ cái gì dịu dàng nhất trong lòng mi sắp trở thành cứng rắn nhất.

Kẻ nào chỉ e dè kiêng nể thì sự kiêng kị nể nang quá sức ấy rốt lại chỉ xui hắn đau bệnh thôi. Phúc cho kẻ nào trở nên cứng rắn lì lợm! Ta không hề xưng tụng vùng nào trù phú xôi mật!

Muốn nhìn thấy nhiều sự lạ thì phải tập nhìn xa ngoài mình: lòng cứng rắn lì lợm ấy rất cần thiết cho những kẻ nào muốn leo núi cao.

Nhưng kẻ nào muốn tìm hiểu với đôi mắt hờ hững, thì làm sao mà nhìn thấy được xuyên qua những ý tưởng bình phong hời hợt?

Nhưng mi, hỡi Zarathustra, mi muốn thấy hết những lý lẽ đằng sau sự vật: mi phải vượt qua chính mi để mà leo lên — leo lên cao vút, trên cao kia, leo cao ngất đến nỗi chính những ngôi sao cũng phải ở lại dưới mi!

Ừ, ờ, nhìn xuống dưới mình và xuống dưới những ngôi sao của mình: đó mới đúng là chóp đỉnh của ta, đó mới là chóp đỉnh tối thượng còn lại để ta leo lên!

Zarathustra tự nói như thế, lúc hắn leo lên cao và an ủi lòng mình với những lời lẽ cứng rắn: bởi vì tim hắn trở nên lở lói nhói đau hơn bao giờ hết. Vừa khi hắn leo tới chóp đỉnh cao, hắn vụt thấy đằng trước hắn mặt biển kia trải dài lóng lánh.

Thế rồi hắn ngồi im lặng bất động, không hề nói năng gì nữa một hồi lâu. Cao vòi vọi ở trên thượng đỉnh thì đêm tối trở lạnh buốt giá, trong suốt và nhấp nhánh những hạt sao cườm.

Ta nhận ra số phận ta rồi, hắn nói một cách buồn thảm. Thôi! Ta sẵn sàng chuẩn bị rồi! Nỗi cô đơn tối hậu của đời ta vừa mới bắt đầu.

Ồ! Mặt biển buồn thảm đen tối ở dưới chân ta! Ồ! Nỗi bất mãn tối đen khuya khoắt! Ồ! Tính mệnh và đại dương! Ta phải đi xuống ngươi!

Ta đang đứng đối mặt với đỉnh núi cao nhất đời mình và đối mặt với cuộc viễn trình dài nhất đời mình: vì thế ta phải đi xuống sâu, đi xuống sâu thẳm hơn bao giờ hết:

- Xuống sâu thẳm trong cơn đau nhói quằn quại hơn bao giờ hết, sâu thẳm trong lòng nước đen tối nhất của cơn đau đớn! Tính mệnh ta muốn như thế! Ồ, thôi, ta đã chuẩn bị sẵn sàng rồi!

Núi cao nhất mọc lên từ đâu? Trước kia ta đã từng hỏi thế. Thế rồi ra mới biết rằng những ngọn núi cao nhất đều mọc từ đáy biển sâu thẳm.

Chứng tích ấy đã được hằn vết trong những băng đá, tận trên vách đỉnh núi. Chính từ dưới lòng sâu thẳm nhất mà ngút đỉnh vòi vọi cao nhất phải đạt tới chóp ngọn của nó.

Zarathustra đã nói thế trên chóp đỉnh núi lạnh buốt, nhưng lúc hắn đi gần biển, rồi đứng lại cô thân độc ảnh giữa những mỏm đá loi nhoi hắn bỗng cảm thấy chán chường mỏi mệt về lộ trình của mình và cảm thấy khao khát u hoài hơn bao giờ cả.

Mọi sự hiện giờ đều đang còn ngủ say, hắn nói, ngay cả biển cũng đang ngủ say. Khóe mắt của biển đang hướng nhìn về ta, lạ lùng, mê man chập chờn nửa mê nửa tỉnh.

Nhưng hơi hám của biển cả vẫn nồng ấm, ờ, ta cảm thấy thế. Ờ, ta cũng cảm thấy rằng biển cả đang mê man, mộng mị, biển động đậy mơ màng trên những gối tảng chai cứng.

Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Bao nhiêu là kỷ niệm đau đớn xui biển kêu gào van vỉ! Phải chăng mộng triệu quái gở gì đây?

Ôi chao, ta cảm thấy đau buồn cùng mi, hỡi con quái vật đen tối kia và ta bực mình cũng chỉ vì mi.

Ơi trời, tại sao đôi tay ta lại không còn đủ sức! Ta hăm hở muốn rứt mi khỏi cơn ác mộng kia! Vừa lúc Zarathustra nói thế thì hắn vụt cười ầm lên để tự nhạo báng mình một cách bàng hoàng chua chát. Thế nào! Ồ Zarathustra! Hắn nói, mi lại còn muốn ca xướng vỗ về biển cả ư?

Chao ôi! Ồ Zarathustra, ồ thằng điên mà giàu nặng tình thương, tràn đầy tự mãn? Nhưng mi vẫn luôn luôn là thế kia mà: mi vẫn luôn luôn xoắn xuýt gần gũi với tất cả những con quái vật khủng khiếp.

Mi muốn vuốt ve mân mê tất cả những con quái vật. Chỉ cần một hơi hám ấm áp, một nhúm lông mơn mơn dưới chân móng quái vật — ờ, chỉ thế thôi, mi cũng đã sẵn sàng yêu đương và dụ dỗ quyến rũ nó cho mi.

Tình thương là nỗi nguy hiểm của kẻ cô đơn nhất; thương yêu tất cả mọi sự, miễn là chúng nó sống động! Ồ, cơn điên dại và lòng nhún nhường của ta trong tình thương! Ồ, thực là đáng cười!

Zarathustra đã nói thế và hắn vụt cười giòn một lần nữa: nhưng rồi bỗng hắn nhớ đến những bạn bè bỏ quên, ngỡ như là trong tâm tưởng mình đã phạm lỗi với chúng: hắn liền nổi giận với tâm tưởng mình. Thế rồi bỗng nhiên đang cười hắn sực khóc nức nở, vừa cười vừa khóc: Zarathustra khóc chua xót trong cơn thịnh nộ, diệu vợi mang mang khát vọng nuối tiếc.


XII.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Trong quyển Qu’appelle-t-on penser? (P.U.F., 1959, trang 125), phần đầu nói về Nietzsche trong khóa dạy mùa đông năm 1951-1952 tại trường Đại học Fribourg-en-Brisgau, Heidegger lại nhấn mạnh một lần nữa:

“Thể tính của tính thể xuất hiện trong siêu thể học hiện đại theo cách thể của ý tính”.

(L’Être de l’étant apparait dans la métaphysique moderne comme la volonté).

“Ý tính” diễn tả trọn vẹn danh từ “la volonté” trong ý nghĩa của Siêu thể học. Chúng ta hãy để ý chữ ý nghĩa trong chữ ý tính: ba chữ ý lại có thể diễn tả ba chữ khác nhau của ngôn ngữ Tây phương: để ý → remarquer; ý nghĩa → signification; ý tính → volonté. Điều này nói lên cái gì? Phải chăng nói lên rằng thể ngữ Đông phương có khả năng suy tư tận nguồn hơn thể ngữ Tây phương?

Nghĩa là ngôn ngữ của Việt và Tính có khả năng suy tư về ý nghĩa của tư tưởng Nietzsche hơn là bất cứ một triết gia hay tư tưởng gia Tây phương nào, dù người ấy là thiên tài tư tưởng như Heidegger, hay giáo sư tư tưởng như Karl Jaspers?

“Phục thể là phẫn thể của ý thể đối ngược lại với thời thể và tính thể quá thể của chính thời thể”.

Câu trên tối nghĩa? Đó là ngôn ngữ của tư tưởng về Việt và Tính, dùng để giải nghĩa và dịch nghĩa ý nghĩa câu văn dưới đây của Nietzsche:

- Dies, ja dies allein ist Rache selber: des Willens Widerwille gegen die Zeit und ihr “Es war”.

Câu trên nằm trong chương “Von der Erlösung” (Nói về giải thoát) ở phần II quyển Also sprach Zarathustra (cf. Nietzsche in drei Bänden, II, p. 394).

Trong bản dịch Essais et Conférences, André Préau dịch là:

“Ceci, oui, seul ceci est la vengeance elle-même: le ressentiment de la vonlonté envers le temps et son “il y avait””. (cf. op. cit., p. 133).

Trong bản dịch Qu’appelle-t-on penser? Aloys Becker và Gérard Granel dịch là:

“La vengeance est le ressentiment de la volonté contre le temps et son “il était”.” (cf. op. cit., p 125, 126).

Trong bản dịch Ainsi parlait Zarathustra, Henri Albert dịch là:

“Ceci, oui, ceci seul est la vengeance même: la répulsion de la volonté contre le temps et son “ce fut”.” (cf. op. cit. p., 163)

Trong bản dịch Ainsi parlait Zarathustra, Maurice Betz dịch là:

“Ceci, oui, ceci seul est la vengeance même: la répulsion de la volonté contre le temps et son “ce fut”.” (cf. op. cit., p. 164)

Trong bản dịch Thus spoke Zarathustra, Walter Kaufmann dịch là:

“This, indeed this alone, is what revenge is: the will’s ill will against time and its “it was””. (cf. The Portable Nietzsche, p. 252)

Chúng ta hãy đọc lại nguyên tác chữ Đức của Nietzsche:

- Diess, ja diess allein ist Rache selber: des Willens Widerwille gegen die Zeit und ihr “Es war”.

Và đọc lại bản dịch chữ Việt theo tư tưởng về Việt và Tính:

- Đây, ừ, đây mới chính là phục thể: phẫn thể của ý thể đối ngược lại với thời thể và quá thể của chính thời thể.

Chữ Đức “Rache” có nghĩa là sự trả thù; “Will” (Wille, Willens, Willen) có nghĩa là ý muốn, ý chí, chí hướng; “wider” có nghĩa là chống lại, đối lại, ngược lại, nghịch lại: “Widerwille” (Widerwillen) có nghĩa là phật ý, nghịch ý, cưỡng ý, phản ý, ác ý; “Zeit” là thời gian; “Es war” có nghĩa là đã qua, đã xảy ra, đã qua rồi.

Chúng ta hãy đọc lại một lần nữa nguyên tác Đức ngữ của Nietzsche:

- Diess, ja diess allein ist Rache selber: des Willens Widerwille gegen die Zeit und ihr “Es war”.

Đây không phải là nơi giảng văn Đức ngữ; việc tư tưởng không thể là việc trích cú từ chương hay tầm nguyên kinh sách. Im lặng Hố thẳm lưu ý đặc biệt câu văn trên của Nietzsche vì lý do là Heidegger đã tập trung tất cả nỗ lực suy tư của ông hướng về câu trên của Nietzsche để lật ngược thế cờ tư tưởng, để xô đẩy Nietzsche vào trong đường cùng của toàn thể Siêu thể học Tây phương (cf. Qu’appelle-t-on penser?; pp. 21-126; Essais et Conférences, p.p. 116-145).

Những chữ quan trọng trong câu văn của Nietzsche là chữ “Rache” (sự trả thù), “des Willens Widerwille” (sự phẫn hận của ý chí), “die Zeit und ihr “es war” (thời gian và cái “đã qua” của thời gian). Nếu dịch nôm na câu văn của Nietzsche ra ngôn ngữ thông thường thì có thể dịch như thế này:

- Đây, ừ, đây, mới thực chính là sự trả thù: sự phẫn hận của ý chí chống lại thời gian và cái “đã qua” của thời gian.

Nhưng nếu dịch lại một cách “triết lý” theo ngôn ngữ độc đáo của tư tưởng về Việt và Tính thì phải dịch như thế này:

- Đây, ừ, đây, mới chính là phục thể: phẫn thể của ý thể đối ngược lại thời thể và quá thể của thời thể.

Dịch là suy tư; dịch Nietzsche là suy tư với Nietzsche. Chữ Việt-Hán “phục” có hai nghĩa: 1. trở về; 2. đáp lại. Chữ “phục thể” dùng để dịch chung cho hai chữ của Nietzsche:

1) Rache

2) die ewige Wiederkehr

Dịch nôm na là:

1) Sự trả thù

2) Sự trở về vĩnh cửu

Dịch lại theo ngôn ngữ của hố thẳm:

1) phục thể

2) phục thể (phục thể vĩnh thể).

Chữ “phục” trong “phục thể” (1) có nghĩa là: “đáp lại”; chữ “phục” trong “phục thể” (2) có nghĩa là: “trở về” (Wiederkehr).

Theo Heidegger, “Rache” (trả thù), “rächen” (trả thù), “wreken” (cùng nghĩa), “uregeen” còn có nghĩa là: đuổi theo (poursuivre, être sur la piste…) (cf. Essais et Conférences, p 130), như thế chữ “phục” lại diễn tả trọn vẹn ý nghĩa chữ “Rache”, vì chữ “phục”, ngoài ý nghĩa “đáp lại”, còn có ý nghĩa là “theo”. Song thoại với tư tưởng Tây phương thì phải đặt lại tính thể của ngôn ngữ; đặt lại tính thể ngôn ngữ Đông phương thì phải cần nhấn mạnh tính thể nhất như của ngữ tính Đông phương để mở cửa ngõ cho sự đón nhận tính thể nhất đồng của ngữ tính Tây phương, để rồi cùng nhau chuẩn bị cho cuộc song hôn giữa thể tính Như Tính của Tư Tưởng Á Đông và tính thể Đồng Tính của Tư Tưởng Âu châu trong Tính Mệnh của Uyên Mặc (Im lặng Hố thẳm).

Đặc tính của Tư Tưởng Âu châu là sự phẫn thể, sự trả thù của thể đối với thể qua sự tiền tượng (Vor-stellen) của tư tưởng; đặc thể của tư tưởng ấy là ý thể (le vouloir) (cf. F. W. J. Schellig: “ý thể là tính thể uyên nguyên”: Vouloir est l’Être originel. Cf. F. W. J. Schelling, Écrits philosophiques, t. Ier, Landshut, 189, p. 419); chữ “ý thể” (vouloir) ở đây, theo Heidegger, chính là thể tính của tính thể trong toàn thể (l’être de l’étant dans son ensemble) và thể tính ấy chính là ý tính (cet être est vonlonté). Đối với Nietzsche, tinh thần phẫn thể (l’esprit de vengeance=Rache) đã qui định tư tưởng Tây phương từ trước đến nay, mà phẫn thể (Rache) có nghĩa là phẫn thể của ý thể (Des Willens Widerwille=la contre-volonté de la volonté=le ressentiment de la volonté):

- des Willens Widerwille gegen die Zeit und ihr “Es war”.

(Phẫn thể của ý thể đối ngược lại thời thể và quá thể của thời thể).

Đối với Heidegger, câu “quá thể của thời thể” (und ihr “Es war”) có nghĩa:

- đối với sự lướt qua của thời gian.

Thời gian là sự lướt qua, như thế là sự đi ngược chiều lại ý muốn, ý chí; do đó, ý chí, ý muốn phải đau đớn, đau đớn về sự lướt qua (souffrance du passer) và muốn mình lướt qua mình (souffrance qui veut alors son propre passer) (cf. Essais et Conférences, p. 135) Chấp nhận thời gian là ý tính (volonté) muốn rằng quá thể (le passer) được thường còn (le passer demeure); muốn quá thể còn lại thì quá thể không chỉ luôn luôn hiện đến (venir); đi và đến là trở về, trở về vĩnh cửu; phục thểvĩnh thể (die ewige Wiederkehr). Giải thoát khỏi phẫn thể là đạt đến ý tính (la volonté) tiền tượng tính thể (l’étant) trong sự phục thể vĩnh thể của đồng thể (le Retour éternel de l’Identique).

Heidegger giải thích: thể tính của tính thể xuất hiện cho con người như là sự phục thể vĩnh thể của đồng thể, chỉ có thế, con người mới đi qua cầu mà giải thoát khỏi sự phẫn thể để mà làm kẻ quá giang, gọi là việt nhân (le surhomme). Đó là lối giải thích của Heidegger về ý nghĩa của tư tưởng Nietzsche. Heidegger lại kết luận rằng Nietzsche không thể thể hiện ý tính của mình vì chính Nietzsche không thể giải thoát khỏi cái mình muốn giải thoát.

Heidegger đã hiểu sai Nietzsche: chính Heidegger mới không giải thoát khỏi cái mình muốn giải thoát: tinh thần phẫn thể đã qui định thái độ của Heidegger đối với Nietzsche.

Ý tính của Nietzsche đi qua hai chặng:

1. ý tính giải thoát ra khỏi phẫn thể đối lại với quá thể của thời gian;

2. ý tính trở về phục tính (Wiederkehr) phục tính ở đây chính là sự im lặng của ý tính: ý tính im lặng: trò đùa: trẻ con, sự ngây thơ: vòng tròn tự động: Dionysos: tiếng chấp nhận thiêng liêng của uyên mặc. Chặng hai chính là Im lặng của Hố thẳm:

Heidegger đã bỏ quên chặng hai và chỉ giải thích Nietzsche qua chặng đầu: do đó, mười năm im lặng cuối cùng (1889-1900) của Nietzsche vẫn đời đời giấu kín sự Huyền Bí lạ lùng của Phục Tính giữa Hiện Thể Tây phương.


XIII.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Buổi tư nghiệm vừa qua (XII), chúng ta đã nói về sự im lặng của Nietzsche và chấm dứt bằng một câu nói về Hiện Thể Tây phương. Hiện thể là gì? Câu hỏi này đã được đặt lên theo thể điệu “ti tó õn” của Aristote: thể là gì?

Thể có nghĩa là Hiện (an-wesend). Hiện Thể là Thể Hiện (l’Être en tant que Présence); Hiện thể thể hiện (là Présence pré-sente=Nune Stans) chính là phục thể của vĩnh thể (l’éternité); nhưng Phục Tính của Nietzsche thì không có nghĩa là “phục thể vĩnh thể của đồng thể” theo ngôn ngữ siêu thể học: Hiện Tính của Nietzsche trong Tính Mệnh Uyên Nguyên chính là Phục Tính, mà Phục Tính (Wiederkehr) có nghĩa là Phục Hương (hồi phục Quế Hương) lên đường trở về quê hương (Heimkehr) (cf. Im lặng Hố thẳm, trang 262-271); Phục Tính cũng có nghĩa là Phục Nguyên và Phục Uyên: Phục Tính đồng nghĩa với Uyên Mặc (Sự Im lặng của Hố thẳm). Giờ phút im lặng nhất chính là Phục Tính của Uyên Nguyên: thời gian đảo ngược xoáy tròn như con rắn ôm tròn con ó, lúc ó đảo vòng tròn lớn giữa trời.

Die stillste Stunde (giờ phút im lặng nhất) → Die ewige Wiederkehr (phục tính vĩnh cửu) → die Heimkehr (sự trở về quê hương: phục hương, hồi hương).

Zarathustra chính là kẻ bình phục, kẻ thoát bệnh (Der Genesende), con người lên đường trở về tính thể của mình, kẻ phục nguyên, phục tính, con người của Hố thẳm:

Ồ sung sướng cho ta, mi đến! Ta nghe mi! Hố thẳm của ta đang nói.

- Heil mir! Du kommst — icd höre dich! Mein Abgrund redet…

(Also Sprach Zarathustra, III, Der Genesende)

Phục tính chính là Uyên Tư: tư tưởng của Hố thẳm (cf. Zarathustra “meinen abgründigsten Gedanken!”).

Phục Tính là khoen tròn hôn phối của những khoen tròn (dem hochzeitlichen Ring der Ringe), khoen tròn của sự Phục Hồi (dem Ring der Wiederkunft).

Zarathustra nói lên tiếng nói của Hố thẳm:

- Ta, Zarathustra, kẻ phát ngôn của đời sống, kẻ phát ngôn của nỗi đau khổ, kẻ phát ngôn của vòng tròn.
Ich, Zarathustra, der Fürsprecher des Lebens, der Fürsprecher des Leidens, der Fürsprecher des Kreises…

(Zarathustra, III, Der Genesende)

Phục Tính chính là con rắn cuộn tròn và Việt Nhân (Übermensch) chính là kẻ nuốt con rắn đen trong cổ họng mình, cắn đứt đầu rắn và cười ầm lên một cách dị thường, tiếng cười, không phải của một người nữa (nicht mehr Mensch), tiếng cười của một kẻ hóa thể, nhập một với rắn, nhập thể vì đã phục tính trong vòng tròn vĩnh cửu của Tính thể và Dịch thể (cf. Zarathustra, III, Vom Gesicht und Rätsel).

Zarathustra dạy những gì?

1) Thượng đế đã chết (Gott ist tot).

2) Việt nhân (Übermensch).

3) Phục tính vĩnh cửu (ewige Wiederkunft).

Đó là ba hóa thể (drei Verwandlungen) của Tâm Thể (des Geistes): tâm thể biến thành con lạc đà, mang chở tất cả những gánh nặng nề nhất của loài người để băng qua sa mạc mênh mông lớn rộng, chịu đựng đói khát trong hồn vì quá yêu chân lý: sự chịu đựng lì lợm của một kẻ đau đớn và bệnh hoạn mà vẫn đuổi bỏ tất cả những ai muốn vỗ về an ủi mình, làm bạn bè với những kẻ điếc vì chúng nó không bao giờ nghe biết mình muốn gì trong lòng, lao mình xuống vũng nước lạnh đục ngầu của chân lý, mà không kinh tởm lũ cóc nhái sốt nóng ([Oder ist es das:] in schmutziges Wasser steigen, wenn es das Wasser der Wahrheit ist, und kalte Frösche und heisse Kröten nicht von sich weisen?), yêu thương những kẻ khinh bỉ mình, chìa tay cho quỉ ma bắt khi nó muốn nhát mình ([Oder ist es das:] Die lieben, die uns verachten, und dem Gespenste die Hand reichen, wenn es uns fürchten machen will?), vội vàng chạy lủi vào sa mạc (also eilt er in seine Wüste)

Trong vùng sa mạc cô liêu nhất:

Aber in der einsamsten Wüste…

Nhưng giữa vùng sa mạc hoang vu nhất, cô đơn nhất, hiu quạnh nhất:

Aber in der einsamsten Wüste

Giữa miền sa mạc hiu hắt ấy, con lạc đà bỗng hóa thể thành con sư tử: sư tử chinh phục tự do và làm chủ sa mạc của chính mình (Freiheit will er sich erbeuten und Herr sein in seiner eigenen Wüste).

Sư tử rống lên và vồ chụp tàn phá tất cả những gì thiêng liêng nhất trong bao nhiêu ngàn năm: tất cả những giá trị đều sụp đổ: Hư vô bắt đầu lan rộng vây phủ trần gian: Hư vô bay về ám đen tất cả lãnh thổ Việt Nam: Hư vô bay vèo trên đôi mắt khép lại của người trai trẻ Việt trên đèo heo hút gió, giữa sơn khê rừng quế, dưới đồng ruộng lúa đỏ: Hư vô bay vèo trên đôi mắt vời vợi của người con gái Việt, khi con bướm đen không còn bay về phố cũ: Hư vô bay vèo qua bước chân lạnh lùng của người về từ miền núi: Hư vô bàng bạc tràn ngập Trời tháng Tư: Hư vô cuộn tròn bí ẩn trong Ngày sinh của rắn; Hư vô viết thư gửi cho Nietzsche trong Ý thức mới trong văn nghệ và triết học: Hư vô mửa khói đen bi tráng trong Hố thẳm Tư tưởng: Hư vô ôm chân Nietzsche một cách bơ phờ trong Im lặng Hố thẳm — Hư vô ho lao, bể phổi, vỡ tim những hàng cây hững hờ âm thầm trên đất xưa.

Hư vô lại nói? Hư vô lại im lặng? Im lặng để nói? Nói để im lặng? Im lặng mà nói? Nói vì không còn gì để nói? Hư vô trở về với Hư vô. Hố thẳm kêu gọi Hố thẳm. Nhưng giữa vùng sa mạc hoang vu nhất…

Aber in der einsamsten Wüste…

Lạc đà biến thể thành sư tử: Sư tử làm chủ sa mạc của chính mình: làm chủ Hư vô của chính mình.

Có người trai trẻ Việt nào đã làm chủ Hư vô của chính mình? Có người Việt nào trở thành người Việt, nghĩa là “Việt nhân”, nghĩa là “Übermensch”?

“Übermensch” không có nghĩa là “siêu nhân”; “Übermensch” chỉ có nghĩa là “việt nhân”, vì “việt” có nghĩa là đi lên và đi xuống, đi lên núi cao và đi xuống hố thẳm, đi lên là Übergang và đi xuống là Untergang, đúng như nghĩa của chữ “Übermensch” mà Nietzsche muốn dựng lên để đối mặt với Hư vô của thế kỷ XX, và lạ lùng biết bao, Hư vô của thế kỷ XX lại thành tựu tại Việt Nam, và huyền bí biết bao, người Việt chính là ý nghĩa của chữ “Übermensch”?

Giữa vùng sa mạc hoang vu nhất của Việt Nam…

Aber in der einsamsten Wüste…

Có người Việt nào hóa thể thành sư tử để tàn phá tất cả những giá trị truyền thống? Tàn phá hết để cưu mang sứ mệnh của Hố thẳm? Phá hủy hết tất cả triết lý Đông phương và Tây phương để nhìn thẳng vào Hố thẳm? Phá hủy hết Văn hóa và Văn minh nhân loại để đứng trần truồng dưới ánh mắt của mặt trời? Lột truồng đứng thẳng dưới mắt mặt trời? Nackt vor den Augen der Sonne zu stehn (cf. Zarathustra, III, Von der grossen Sehnsucht) Chủ nghĩa quốc gia ư? Chủ nghĩa quốc tế ư? Dân tộc tính ư? Xã hội tính ư? Ái quốc ư? Tình thương ư? Vứt bỏ tất cả những thứ ấy vào sọt rác.

Hãy vứt bỏ tất cả những mớ giá trị lải nhải đàn bà ấy! Bước một bước là dân tộc, bước một bước là truyền thống dân tộc; bước hai bước là đạo pháp và giáo hội; bước hai bước là trách nhiệm và hy sinh; bước ba bước là đạo đức và xã hội. Dân tộc gì? Ái quốc gì? Truyền thống gì? Trách nhiệm gì?

Vứt hết tất cả thứ ấy vào sa mạc.

Đứng lên.

Đứng lên trần truồng nhìn thẳng vào mắt mặt trời. Giữa vùng sa mạc hoang vu nhất của Việt Nam, anh hãy đứng lên mà nhìn thẳng vào mắt mặt trời; anh hãy cắn đầu rắn đen mà phun nhổ vào mắt mặt trời. Nhảy múa trên hố thẳm và cười ầm lên, cười như chưa bao giờ biết cười. Leo lên tận đỉnh núi mà tru lên như điên, rồi nhảy xuống ôm hố thẳm của Empédocle. Bước đi giữa loài người như con sư tử, bởi vì chỉ có trách nhiệm duy nhất và tối thượng là trách nhiệm trước Hố thẳm.

Hãy cắn đầu Nietzsche và phun nhổ đầu tóc đen vào mắt Hư vô.

Im lặng Hố thẳm? Hố thẳm đang nói? Đánh rách tất cả ngôn ngữ để cho Hố thẳm lên tiếng…

Mein Abgrund redet…

Khi Hố thẳm lên tiếng thì sự sâu thẳm cuối cùng lật ngược lại ánh sáng (meine letzte Tiefe habe ich ans Licht gestülpt!) cf. (Zarathustra III, Der Genesende), Hố thẳm tiếp nối Núi cao: sư tử biến thành trẻ thơ và thành tựu chặng hóa thể thứ ba cuối cùng:

Ngây thơ và quên lãng là trẻ thơ, một sự bắt đầu mới, một trò chơi, một bánh xe tự xoay chuyển, một cử chỉ đầu tiên, một tiếng Dạ thiêng liêng…

Unschuld ist das Kind und Vergessen, ein Neubeginnen, ein Spiel, ein aus sich roolendes Rad, eine erste Bewegung, ein heiliges Ja-sagen.

(cf Zarathustra, I, Von den drei Verwandlungen)

Ba sự hóa thể của tâm thể: lạc đà biến thành sư tử, sư tử biến thành trẻ con (cf. Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, t.b. III, trang 524-535).

1) Thượng đế đã chết = lạc đà.

2) Việt nhân = sư tử.

3) Phúc tính vĩnh cửu = trẻ con.

Hay

1) Thượng đế đã chết = kẻ bị đóng đinh mà không sống lại.

2) Việt nhân = Zarathustra.

3) Phục tính vĩnh cửu = Dionysos

Hay

Nietzsche = le crucifié + Zarathustra + Dionysos.

Khi sư tử biến thành trẻ con thì Hố thẳm lại trở về với sự im lặng: Nietzsche trở về im lặng trên mười năm trời (1889-1900) và lìa bỏ mặt đất khi thế kỷ XX vừa bắt đầu xuất hiện.

Mặt trời lặn dưới chân thế kỷ XX.

Hãy đứng lên trần truồng dưới mắt đêm tối…


XIV.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Vì đã nói? Hay chưa nói? Để rồi im lặng?

Still! —

Von grossen Dingen — ich sehe Grosses! — soll man schweigen…

(cf, Nietzsche, Werke in drei Bänden, II, trang 1262)

Im lặng!

Về những sự thể vĩ đại — ta đã thấy sự vĩ đại! —

Ta phải im lặng…


XV.

Trong bức thư gửi cho Malwida von Meysenbug vào tháng Hai năm 1884, đang lúc ở Nice, Nietzsche xin lỗi về sự im lặng của mình:

“Tôi không có được người nào hiểu nổi tác phẩm của tôi muốn nói gì: không có ai đủ sức để giúp đỡ tôi. Đó chính là nhân thể của tôi: sống ở đời mà tôi đành phải im lặng một cách tế nhị về những ý định tối thượng của mình… Người ta sẽ chạy trốn xa tôi nếu họ biết được những bổn phận nào đã xuất phát từ đường lối suy tư của tôi! Và chính cô cũng thế! Cô bạn thân mến mà tôi kính trọng nhiều!

Tôi vẫn đập nát cái này, tôi vẫn phá hủy cái kia: xin cô hãy bỏ tôi trong nỗi cô đơn của tôi!!!

… Tôi đã ngu dại khờ khệch mà đi về “giữa loài người”: đáng lẽ tôi phải biết trước những gì có thể xảy đến cho tôi.

Nhưng điều quan trọng nhất là điều này: tôi mang trong hồn tôi những sự việc nặng trĩu gấp trăm lần sự ngu xuẩn của loài người. Có thể tôi là một định mệnh, tôi là tính mệnh cho tất cả những người trong tương lai và rất có thể một ngày nào tới đây tôi sẽ phải tự im lặng vì thương nhân loại !

… Ồ, ôi chao! Bây giờ tôi cảm thấy cần nghe nhạc quá!… Có còn người nào khao khát âm nhạc như thế?”

(cf. Nietzsche, Lettres choisies, traduite par A. Vialatte, Gallimard, pp. 214-216)

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Hãy đọc lại bức thư trên, đọc từng dấu phết, dấu chấm và nhất là những dấu chấm than!


XVI.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Vì sao Rimbaud phải im lặng? Vì sao Van Gogh phải im lặng? Vì sao Henry Miller phải nói với sự im lặng, bằng sự im lặng và qua sự im lặng? Vì sao trầm tư về Nietzsche hay trầm tư về Henry Miller là trầm tư về sự im lặng qua chính sự im lặng? (cf. Hố thẳm tư tưởng, ecce homo: Henry Miller, fire for fire). Vì sao Nietzsche phải im lặng? Rimbaud? Henry Miller?

René Char trả lời:

Vài ba người không ở trong xã hội, cũng không ở trong mộng mị. Họ thuộc về một tính mệnh đơn độc, thuộc về một nỗi hoài vọng xa lạ. Việc làm dễ thấy của họ dường như đi trước sự tố cáo đầu tiên của thời gian và đi trước niềm vô tư lự của những phương trời…

(Quelques êtres ne sont ni dans la société ni dans une rêverie. Ils appartiennent à un desti isolé, à une espérance inconnue. Leurs actes apparents semblent antérieurs à la première inculpation du temps et à l’insouciance des cieux…)

“Họ thuộc về một Tính mệnh đơn độc, thuộc về một nỗi hoài vọng xa lạ…” Họ là ai? Héraclite? Rimbaud? Nietzsche? Van Gogh? Henry Miller? Những người đi về từ Hố thẳm? Những người lên đường đi trở về lại Hố thẳm?

René Char trả lời mà không trả lời:

Tương lai chảy tan trước cái nhìn của họ. Họ là những người cao thượng quí phái nhất và xao xuyến ray rứt nhất…

(L’avenir fond devant leur regard. Ce sont les plus nobles et les plus inquiétants).


XVII.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Tại sao Zarathustra nằm ngủ mà vẫn mở mắt? Tại Zarathustra nằm mộng mà mắt vẫn mở?

- Mặc dù ngủ, nhưng mắt Zarathustra vẫn mở.

(cf. Im lặng Hố thẳm, Credo, trang 183)

Người nào mơ mộng mà mắt vẫn mở? Người nào nói mà môi vẫn bất động? Nói mà vẫn im lặng? Mơ mộng mà mắt vẫn mở? Mơ mộng mà vẫn thức tỉnh? Và quan trọng nhất là vì sao người viết cứ hỏi mãi mà không trả lời?

Và vì sao khi viết về Dostoievski, tình cờ André Gide đã viết một câu bất ngờ như sau:

Nỗi xao xuyến quằn quại bắt đầu xuất hiện, khi câu hỏi còn lại, mà vẫn không có sự trả lời…

- L’angoisse commence lorsque la question demeure sans réponse (André Gide, Dostoïevski, N.R.F., 1964, trang 191)

Khi tất cả mọi sự đều sụp đổ rồi thì còn lại gì nữa?

Còn lại gì?

Chỉ còn lại câu hỏi.

Chỉ còn lại một dấu hỏi: một dấu hỏi bằng lửa.

Một dấu hỏi bằng lửa mà Zarathustra đã nhóm lên trên đỉnh núi cao.

Một câu hỏi bằng lửa dưới bầu trời đen tối:

Nơi đây, châu đảo nhoai đầu lên giữa những mặt biển,
Nơi đây sừng sững vút lên mô đá tế trời,
Nơi đây, dưới lòng trời đen huyền,
Zarathustra nhóm dậy ngọn lửa của chóp cao ngút đỉnh:
Dấu hiệu lửa đỏ cho những hoa tiêu lạc hướng
Dấu hỏi cho những kẻ nào được hồi âm…
Ngọn lửa se lòng tro xám trắng phau
Phóng lưỡi khát khao liếm quanh vùng viễn phương buốt lạnh,
Ngọn lửa se cổ thon lên những đỉnh cao trong suốt
Con rắn ngoi thẳng lưng cao se dạ bồn chồn:
Đó là dấu hiệu mà ta đã dựng lên trước mặt ta
Chính hồn ta là ngọn lửa ấy:
Nó đốt cháy khôn nguôi nhiệt cuồng lặng lẽ vọng về những phương trời mới lạ
Vút cao nghi ngút, nghi ngút…
Tại sao Zarathustra phải trốn bỏ loài người, loài thú
Và bỏ trốn những giải đất triền miên?
Hắn đã quen biết sáu nỗi cô đơn
Biển cả không còn chứa đủ cô đơn cho hắn
Châu đảo bồng hắn lên cao; trên chóp cao, hắn hóa thể trở thành ngọn lửa
Và ném lưỡi câu lên đầu mình
Tìm kiếm nỗi cô đơn thứ bảy.
Ới những hoa tiêu lạc lõng! Ới những phế tích của những vì sao xưa!
Ới chúng mi, những biển cả của tương lai!
Ới chúng mi, những phương trời vô lượng!
Ta ném lưỡi câu đến tất cả niềm cô đơn:
Hãy đáp ứng lại nỗi bồn chồn của lửa ngọn
Ới nỗi cô đơn tối hậu, nỗi cô đơn thứ bảy!
Hãy bắt lấy ta, kẻ câu cá trên những đỉnh non cao.

Nguyên tác chữ Đức của Nietzsche gợi lên trọn vẹn tiếng kêu trên đỉnh núi của bảy nỗi niềm cô đơn:

Das Feuerzeichen

Hier, wo zwischen Meeren die Insel wuchs,
Ein Opferstein jäh hinaufgethürmt,
Hier zündet sich unter schwarzem Himmel
Zarathustra seine Höhenfeuer an,
Feuerzeichen für verschlagne Schiffer,
Fragezeichen für solche, die Antwort haben…

Die Flamme mit weissgrauem Bauche
- in kalte Fernen züngelt ihre Gier,
nach immer reineren Höhn biegt sie den Hals —
eine Schlange gerad aufgerichtet vor Ungeduld:
dieses Zeichen stellte ich vor mich hin.

Meine Seele selber ist diese Flamme,
Unersättlich nach neuen Fernen
Loder aufwärts, aufwärts ihre stille Gluth.
Was floh Zarathustra vor Thier und Menschen?
Was eintlief er jäh allem festen Lande?
Sechs Einsamkeiten kennt er schon -,
aber das Meer selbst war nicht genug ihm einsam,
Die Insel liess ihn steigen, auf dem Berg wurde er zur Flamme,
Nach einer siebenten Einsamkeit
Wirft er suchend jetzt die Angel über sein Haupt.

Verschlagne Schiffer! Trümmer alter Sterne!
Ihre Meere der Zukünft! Unnausgeforschte Himmel!
Nach allem Einsamen werfe ich jetzt die Angel:
Gebt Antwort auf die Ungeduld der Flamme,
Fangt mir, dem Fischer auf hohen Bergen,
Meine siebente letzte Einsamkeit! -

(Nietzsche, Dionysos-Dithyramben, cf. Werke in drei Bänden, p. 1253)

Hiểu được sự khác nhau giữa Biểu tượng (Sinnbild) và Dấu hiệu (Zeichen) là hiểu được sự khác nhau giữa Tính thể (Seiende) và Thể tính (Sein): ý thức được sự khác nhau giữa dấu hiệu và biểu tượng là một bước đi quan trọng trong tư tưởng (cf. Hố thẳm Tư tưởng, chương I-II); sự khác nhau giữa biểu tượng và dấu hiệu là sự khác nhau giữa văn minh và u minh (Ủngund).

Tư tưởng của Nietzsche là tư tưởng của dấu hiệu (Zeichen); tất cả truyền thống triết lý Tây phương chỉ là tư tưởng của biểu tượng (Sinnbild); ngay đến Heidegger, mặc dù Heidegger ý thức được sự bí ẩn huyền diệu của dấu hiệu (Zeichen), nhưng chính tư tưởng của Heidegger cũng chỉ là tư tưởng của biểu tượng về dấu hiệu: biểu tượng về dấu hiệu cũng chỉ là biểu tượng bất lực. Heidegger không hiểu tư tưởng Nietzsche, chỉ vì Heidegger chỉ muốn biến đổi dấu hiệu của Nietzsche thành biểu tượng: biểu tượng ấy là Siêu thể học; biểu tượng thì siêu thể; dấu hiệu thì nhập thể để phục tính (siêu thể: đi lên trên thể; nhập thể: đi vào trong thể).

Tư tưởng Nietzsche là một dấu hiệu (Zeichen).

Quan trọng hơn nữa, dấu hiệu của Nietzsche là một dấu hỏi (Fragezeichen).

Quan trọng nhất, dấu hỏi của Nietzsche là một dấu hỏi bằng lửa (Feuerzeichen).

Bài thơ trích dịch ở trên mang nhan đề là “Feuerzeichen”, nghĩa là “dấu hỏi bằng lửa”.

Nỗi cô đơn thứ bảy Nietzsche chính là ý thức sự im lặng tối hậu mà dấu hiệu đã đưa về trong ngọn lửa nghi ngút tận đỉnh non cao: hóa thể phục tính: nhìn thấy và im lặng: con người biến thành lửa núi: nỗi cô đơn cuối cùng của một kẻ suất tính để biến thành lửa của những vũ trụ mới: lửa tế trời biến thành lửa của trời.

Mặt trời chỉ là vết tích rớt lại của con rắn lửa se tròn đùa chơi trong khoen tròn của vòng tròn thế mệnh.


XVIII.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Tính thể của sự im là dấu hỏi; thể tính của dấu hỏi là sự im lặng. Nietzsche im lặng, vì đã hỏi; và khi dấu hỏi biến thành dấu hỏi lửa thì sự im lặng của Nietzsche đã được thành tựu. Lực ý chính là dấu hỏi; phục tính vĩnh cửu chính là dấu hỏi lửa: con rắn ngoi đầu thẳng lên đỉnh trời mà Zarathustra đã dựng lên trước mặt mình (eine Schlange gerad aufgerichtet… dieses Zeichen stellte ich vor mich hin).

Khi Zarathustra hóa thể thành Dionysos thì Nietzsche trở về im lặng (1889-1900).

Sự hóa thể phục tính trải qua hai giai đoạn:

1) Dionysos chống lại kẻ bị đóng đinh

2) Dionysos và kẻ bị đóng đinh chỉ là một.

Khi Dionysos chống lại kẻ bị đóng đinh thì Nietzsche đánh lên một dấu hỏi trước toàn thể giá trị truyền thống Tây phương. Đó là đảo ngược lại tất cả giá trị (Umwertung aller Werte); trong lời mở đầu của quyển Götzen – Dämmerung (Hoàng hôn của những thần tượng), Nietzsche gọi “sự đảo ngược tất cả giá trị ấy” là một dấu hỏi màu đen, một dấu hỏi quá đen:

Eine Umwertung aller Werte, dies Fragezeichen so schwarz…

(cf. Werke in drei Bänden, II, p. 941)

mà Nietzsche phải mang sinh mệnh mình để đổi lấy nó trong việc cưu mang thể mệnh nhân loại.

Khi Dionysos và kẻ bị đóng đinh nhập lại làm một, như trong năm đầu tiên đi vào im lặng, năm 1889, Nietzsche đã viết thư cho Peter Gast và ký ở dưới là:

- “kẻ bị đóng đinh”

- Der Gekreuzige

(cf. Werke in drei Bänden, III, p. 1350)

Lúc viết cho Georg Brandes, Nietzsche cũng ký tên là “kẻ bị đóng đinh” (Poststempel: Turin 4. I. 1889); còn viết cho Jacob Burckhardt, Nietzsche ký là “Dionysos” (Poststempel: Turin, 4.I.1889), nghĩa là cũng vào ngày 4 tháng 1 năm 1889, Nietzsche đã ký cùng lúc hai tên đối nghịch “kẻ bị đóng đinh” (Der Gekreuzigte) và “Dionysos”.

Khi Dionysos và kẻ bị đóng đinh nhập lại làm một (Der Gekreuzigte = Dionysos) thì Phục Tính vĩnh cửu xuất hiện như mười hai giờ trưa nhập với mười hai giờ khuya: Việt nhân(Übermensch) không còn mâu thuẫn với phục thể vĩnh thể của đồng thể (Die ewige Wiederkehr des Gleichen): lực ý (Der Wille zur Macht) và phục thể vĩnh thể của đồng thể nhập nhau làm một, tương dung tương nhiếp với nhau:

“Trong sự thể hữu hạn và độc nhất chiếu ngời lên sự vĩnh cửu của vũ trụ; sự thể biến mất trong thâm cùng Hố thẳm bỏ ngỏ lời trần gian”.

- Dans la chose finie et unique luit l’éternité du cosmos; la chose disparait pour ainsi dire dans la profondeur de l’ABIME ouvert du temps.

(Eugen Fink, La philosophie de Nietzsche, Editions de Minuit, p. 220)

Hố thẳm bỏ ngỏ là Uyên Nguyên khai thể: Thái cực sinh lưỡng nghi: con bướm xòe ra hai cánh và bay lượn tròn quanh thi thể của người con trai chết trong trận chiến tranh Việt Nam: Sự im lặng của lòng đất quê hương bốc lên trở về nhập một với sự im lặng cuối cùng của Nietzsche: Uyên Tư trở về với Uyên Mặc…
XIX.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Nietzsche là người ý thức rõ rệt rằng ngôn ngữ chỉ có thể là ngôn ngữ biểu tượng, khi ngôn ngữ muốn chuyển hóa thành dấu hiệu thì ngôn ngữ đã tự huỷ thể và không còn lý do tồn tại: người nói ồn ào nhất bỗng trở thành kẻ im lặng phũ phàng nhất: hắn bước vào một phương trời khác, phương trời linh thiêng của Uyên Mặc.

Tiếng kêu la của kẻ bị đóng đinh, “cha, cha, tại sao cha bỏ con”, tiếng kêu la bi đát và bi tráng ấy là tiếng kêu chót vót trên đỉnh núi cuối cùng của một kẻ đã ôm toàn thể nhân loại trong tim mình, tiếng kêu tối hậu của Hóa thể, của Ngôn thể trước khi đi vào Uyên Mặc, đi vào nỗi bí ẩn thăm thẳm của Bất sinh và Bất diệt. Trên đỉnh núi cuối cùng, một giây cuối cùng của đời sống, biên giới phân chia giữa sống và chết đã đảo ngược và biến mất; con người thể hiện đã lột xác lần cuối, vứt bỏ hiện thể mình để trở thành Thượng đế: kẻ giết Chúa trở thành kẻ cứu Chúa: người thù của kẻ bị đóng đinh chính là kẻ bị đóng đinh: hai trở về lại với một: phục tính xuất hiện: Dionysos và kẻ bị đóng đinh chỉ là một người: Antéchrist chính là Christ.

Trong quyển Lettre au Gréco, Nikos Kanzantzaki đã để ba chương trọn viết về Nietzsche; Nikos Kazantzaki đã thấy rằng Antéchrist cũng đã chiến đấu và đau khổ như chính Christ: thoáng vụt trong những khoảnh khắc đau đớn quằn quại, nét mặt của hai bỗng giống nhau. “L’Antéchrist lutte et souffre comme le Christ, et que parfois, dans leurs moments de souffrance, leurs visages se ressemblent” (cf. Lettre au Gréco, p 315).

Kẻ bị đóng đinh và kẻ bị chống đối người bị đóng đinh nhập lại với nhau thành một: “Le Christ et l’Antéchrist se sont confondus” (op. cit., p. 316).

Nikos Kazantzaki đã tóm tắt lại tất cả lộ trình tâm linh của Nietzsche trong một câu văn nặng nghĩa:

Chối bỏ tất cả sự an ủi vỗ về, chối bỏ tất cả sự tìm kiếm nương cậy an ủi vỗ về nơi những thần thánh, nơi những tổ quốc quê hương, nơi những chân lý. Chỉ đứng một mình đơn độc, còn lại một mình, đi một mình và bắt đầu sáng tạo với sức lực riêng lẻ của mình, tự sáng tạo một thế giới xứng đáng, một thế giới không bôi nhọ con tim mình. Nỗi nguy hiểm lớn nhất trong đời hiện ở đâu? Chính đó là điều ta mong muốn đối mặt. Hố thẳm ở nơi nào? Chính đó là nơi ta muốn lên đường trở về. Cơn khoái lạc ngây ngất mạnh bạo nhất là gì? Đó là mang trách nhiệm trọn vẹn. (Refuser toutes les consolations — dieux, patries, vérités — rester seul et se mettre à créer sou-même, avec sa seule force, un monde qui ne déshonore pas son coeur. Où est le plus grand danger? C’est cela que je veux. Où est le précipice? C’est vers lui que je fais route. Quelle est laf joue la plus virile? C’est d’assumer la pleine respnsabilité) (cf. op. cit., p. 327).

Mang trọn vẹn trách nhiệm là gì? Đây không phải là trách nhiệm đối với ai cả, vì tất cả chân lý, tất cả thần thánh, Thượng đế, tổ quốc đã bị chối bỏ phủ nhận. Mình mang trọn vẹn trách nhiệm đối với mình, nghĩa là trách nhiệm trọn vẹn trước Hố thẳm: chỉ có trách nhiệm duy nhất là trách nhiệm trước Hố thẳm:

“Bổn phận mi là lên đường đi đến Hố thẳm, một cách im lặng, rộng lượng và không hy vọng”.

XX.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Hố thẳm là gì? Nietzsche gọi là Abgrund; Meister Eckhart cũng gọi là Abgrund (đồng nghĩa với Gottheit); quan trọng nhất là Jakob Boehme: Hố thẳm chính là Urgrund của Jakob Boehme: Hố thẳm tư tưởng và Im lặng Hố thẳm khép lại sinh mệnh Tây phương và tính mệnh Đông phương để mở ra phương trời Uyên Mệnh bằng song thoại thầm kín với Urgrund của Jakob Boehme:

Der Urgrund ist ein ewig Nichts.

(Hố thẳm là Chân không vĩnh cửu)

(cf. Jakob Boehme, Sämtliche Werke)

(cf. Nocolas Berdyaev, The Meaning of The Creative Act, Collier books, 1962, pp. 139, 295)

Trở về sự im lặng cuối cùng của Nietzsche là khép lại một sinh mệnh để đặt lên một Sinh mệnh trong Toàn thể Tính mệnh của Nhân loại.

“Trong thời đại Đêm tối của thế giới Hố thẳm của thế giới phải được học và học cho cạn. Mà muốn thế thì phải có người với tới Hố thẳm”.

(Heidegger, pourquoi des poètes? in Chemins qui ne mènent nulle part, NRF, 1962, pp. 220-221)

Lộ trình suy tư của Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Hố thẳm tư tưởng và Im lặng Hố thẳm đã đi về trên phương hướng ấy.

Và đây là Credo:

“Mặc dù đêm đã đến” (Saint Jean de la Croix): AUNQUE ES DE NOCHE…

XXI.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Câu hỏi chỉ còn lại là câu hỏi: câu hỏi chỉ là câu hỏi: câu hỏi không có câu trả lời.

“Vì sao” và “Tại sao” chỉ là thể thế đặc biệt của con người chạy trốn Hố thẳm và không chịu tham dự thể nhập với Trò Đùa của Vũ trụ “Weltspiel”.

Trò Đùa của Vũ Trụ (Weltspiel) chơi vơi phiêu lãng trên Thiện và Ác: Thể Tính (Sein) chính là Trò Đùa (Spiel): Trò Đùa vũ trụ là Trò Đùa của Đứa Trẻ thơ, tên là Dionysos: “Das Spiel das Unnützliche — als Ideal des mit Kraft Überhäuften, als “kindlich”. Die “Kindlichkeit” Gottes…” (cf. Nietzsche, Der Wille zur Macht, III. 797, p. 226).

Trò Đùa không có “tại sao” (cf. Heidegger: Das Spiel ist ohne Warum). Vì sao Nietzsche phải im lặng? Sự im lặng không có “tại sao” hay “vì sao”: Nietzsche im lặng, bởi vì Nietzsche im lặng, giống như đóa hoa hồng của Angelus Silesius trong một bài thơ ở tập Der Cherubinische Wandersmann(1657, I, no 289).

Heidegger đã dùng đóa hoa hồng của Angelus Silesius để mở phương trời cho quyển Der Satz vom Grund (Pfullingen, Neske, 1957).

Đóa hoa hồng của Angelus Silesius nở trọn vẹn thơm ngát, không lý do, trong sự im lặng cuối cùng (1889-1900) của Nietzsche.

“Thể Tính như là Thể Tính thì không có căn tính… Thể Tính là: Hố thẳm” (Abgrund).

(Heidegger, Der Satz vom Grund, p. 185)

Heidegger đã nói được như trên, nhưng Heidegger đã bỏ quên đóa hoa hồng mọc trên sự im lặng trên mười năm cuối cùng của Nietzsche. Đó là sự ẩn tính (Verborgenheit) bi tráng nhất, bi đát nhất, mà Heidegger, tư tưởng gia vĩ đại nhất ở thế kỷ XX, tư tưởng gia ý thức nhất về sự vong tính ấy lại chính là người thể hiện sự vong tính mãnh liệt nhất trong thể thế của mình đối với Nietzsche: tư tưởng gia vĩ đại nhất của hai ngàn năm trong lịch sử văn hóa Tây phương, Nietzsche, con người đầu tỉên và cuối cùng, đứng chung với Héraclite, trong cuộc đối chất tối hậu với Uyên Mặc.

Vì sao Nietzsche phải im lặng?

“Như thế, tất cả mọi sự kêu gọi ta bằng những dấu hiệu: “Đã đến giờ rồi!”. Nhưng ta đã không nghe, cho mãi đến lúc cuối cùng HỐ THẲMcủa ta chuyển động và tư tưởng của ta cắn vào ta. Ôi chao, HỐ THẲM TƯ TƯỞNG là tư tưởng của ta, cho đến khi nào ta mới tìm được sức lực để nghe mi đào xới mà ta không còn run rẩy nữa, hỡi tư tưởng của ta? Tim ta nhảy thoi thóp quá mạnh mỗi lúc ta nghe mi đào xới. Ngay đến sự im lặng của mi cũng muốn bóp nghẹn ta; mi, hỡi tư tưởng, mi im lặng như IM LẶNG HỐ THẲM” (Also Sprach Zarathustra, III, Von der Seligkeit wider Willen)

“Also rief mir Alles in Zeichen zu: “es ist Zeit!” - Aber ich - hörte nicht: bis endlich mein ABGRUND sich rührte und mein Gedanke mich biss.

“Ach, ABGRÜNDLICHER GEDANKE, der du mein Gedanke bist! Wann finde ich die Stärke, dich graben zu hören und nicht mehr zu zittern?

Bis zu Kehle hinauf klopft mir das Herz, wenn ich dich graben höre! Dein Schweigen noch will mich würgen, du ABGRÜNDLICH SCHWEIGENDER!

(cf. Werke in drei Bänden, II, p. 413)

Zarathustra đã nói thế.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Câu hỏi không được trả lời.

Vì sao Nietzsche phải im lặng? Vì sao? Vì sao?

Chỉ còn câu hỏi rớt lại.

Vì sao Nietzsche phải im lặng?…


Coda

Kết luận Im lặng Hố thẳm

“Khi người muốn nghe tiếng ca của nỗi cô đơn thì hãy lắng nghe nhạc của Beethoven” (Und wenn ihr seine einsamen Gesänge hören wollt, so hört Beethoven’s Musik) (cf. Nietzsche, Unzeitgemässe Betrachtungen, III, 3).

Câu nói trên của Nietzsche về Beethoven là lời nói cuối mà người viết dùng mở ra lời kết luận của Im lặng Hố thẳm.

Im lặng Hố thẳm chấm dứt và trở về với sự im lặng của Nietzsche. Trọn phần “Trở về sự im lặng của Nietzsche” đã được viết ra trong suốt thời gian người viết chỉ nghe, sống, ngủ, và thức với tiếng nhạc bí ẩn của Beethoven.

Tiếng nhạc vòi vọi ngút đỉnh của Beethoven đã quyện lấy câu hỏi dồn dập “vì sao Nietzsche phải im lặng?” trong những tháng ngày chơi vơi mà người viết đã trong Hố thẳm không đáy, đã chết tàn tạ trong sự im lặng của đêm sâu, khi hai mươi lăm năm đầu tiên trong đời đã lùi mất trong triền phong của lửa và nước.

Chóp đỉnh cao nhất đã bắt đầu, Hố thẳm dưới kia đã mở ra…

Chỉ còn một bước nữa thôi.

Chỉ còn một bước.

Bao giờ? Bao giờ?

Phạm Công Thiện

I. VI. 1967

*

Phụ chú:

Dưới đây xin trích lại nguyên tác chữ Đức của Nietzsche về bốn bài giảng của Zarathustra (đã được dịch trong IM LẶNG HỐ THẲM, trang 181-190, trang 231-239, trang 262-271, và trang 262-303); bài thứ nhất thuộc chương IV của ALSO SPRACH ZARATHUSTRA, bài thứ hai thuộc chương II, bài thứ ba và thứ tư thuộc chương III của ALSO SPRACH ZARATHUSTRA. Nietzsche đã đưa ngôn ngữ Đức đến tuyệt đỉnh trong quyển ALSO SPRACH ZARATHUSTRA (Zarathustra đã nói thế): toàn thể quyển ALSO SPRACH ZARATHUSTRA bàng bạc đìu hiu tiếng nói se gió thì thầm của một tâm hồn cô đơn, khi thì bốc cháy như hỏa diệm sơn, khi thì xao xác như tiếng mùa đông trên cõi hư vô, khi thì bảng lảng như tiếng ru diệu vợi của rừng quế thưở mộng đầu, tất cả tiếng động xoáy với nhau nhảy múa chờn vờn trong sự im lặng huyền bí của những người đã ra đi và không bao giờ trở lại, của những người đi về từ miền núi và phải chết đi trong cơn mộng mị khôn cùng về một đỉnh cao tuyết phủ, mà mình đã bỏ mất để nhìn lại một lần cuối thung lũng hư vô, trong nỗi bàng hoàng triền miên buổi chiều nắng quái của những người dưới phố: Nietzsche đã thể hiện được tất cả âm thanh hình ảnh ấy trong nguyên tác chữ Đức. Dưới đây xin trích lại nguyên tác để những người nào biết chữ Đức được dịp đi thẳng vào tiếng nói của Nietzsche; những phần sau đây được trích theo những trang 512-515, trang 399-401, trang 432-435, và trang 403-406 trong bộ Friedrich Nietzsche, Werke in drei Bänden, cuốn II, do Karl Schlechta san nhuận (Carl Haner Verlag, München, 1960).

I. MITTAGS [1] (đã dịch trong IM LẶNG HỐ THẲM trang 181-190)

- Und Zarathustra lief und lief und fand Niemanden mehr und war allein und fand immer wieder sich und genoss und schlürfte seine Einsamkeit und dachte an gute Dinge, - stundenlang. Um die Stunde des Mittags aber, als die Sonne gerade über Zarathustra's Haupte stand, kam er an einem alten krummen und knorrichten Baume vorbei, der von der reichen Liebe eines Weinstocks rings umarmt und vor sich selber verborgen war: von dem hingen gelbe Trauben in Fülle dem Wandernden entgegen. Da gelüstete ihn, einen kleinen Durst zu löschen und sich eine Traube abzubrechen; als er aber schon den Arm dazu ausstreckte, da gelüstete ihn etwas Anderes noch mehr: nämlich sich neben den Baum niederzulegen, um die Stunde des vollkommnen Mittags, und zu schlafen.

Diess that Zarathustra; und sobald er auf dem Boden lag, in der Stille und Heimlichkeit des bunten Grases, hatte er auch schon seinen kleinen Durst vergessen und schlief ein. Denn, wie das Sprichwort Zarathustra's sagt: Eins ist nothwendiger als das Andre. Nur dass seine Augen offen blieben: - sie wurden nämlich nicht satt, den Baum und die Liebe des Weinstocks zu sehn und zu preisen. Im Einschlafen aber sprach Zarathustra also zu seinem Herzen:

Still! Still! Ward die Welt nicht eben vollkommen? Was geschieht mir doch?

Wie ein zierlicher Wind, ungesehn, auf getäfeltem Meere tanzt, leicht, federleicht: so - tanzt der Schlaf auf mir,

Kein Auge drückt er mir zu, die Seele lässt er mir wach. Leicht ist er, wahrlich! federleicht.

Er überredet mich, ich weiss nicht wie?, er betupft mich innewendig mit schmeichelnder Hand, er zwingt mich. Ja, er zwingt mich, dass meine Seele sich ausstreckt: -

- wie sie mir lang und müde wird, meine wunderliche Seele! Kam ihr eines siebenten Tages Abend gerade am Mittage? Wandelte sie zu lange schon selig zwischen guten und reifen Dingen?

Sie streckt sich lang aus, lang, - länger! sie liegt stille, meine wunderliche Seele. Zu viel Gutes hat sie schon geschmeckt, diese. goldene Traurigkeit drückt sie, sie verzieht den Mund.

- Wie ein Schiff, das in seine stillste Bucht einlief: - nun lehnt es sich an die Erde, der langen Reisen müde und der ungewissen Meere. Ist die Erde nicht treuer?

Wie solch ein Schiff sich dem Lande anlegt, anschmiegt: - da genügt's, dass eine Spinne vom Lande her zu ihm ihren Faden spinnt. Keiner stärkeren Taue bedarf es da.

Wie solch ein müdes Schiff in der stillsten Bucht: so ruhe auch ich nun der Erde nahe, treu, zutrauend, wartend, mit den leisesten Fäden ihr angebunden.

Oh Glück! Oh Glück! Willst du wohl singen, oh meine Seele? Du liegst im Grase. Aber das ist die heimliche feierliche Stunde, wo kein Hirt seine Flöte bläst.

Scheue dich! Heisser Mittag schläft auf den Fluren. Singe nicht! Still! Die Welt ist vollkommen.

Singe nicht, du Gras-Geflügel, oh meine Seele! Flüstere nicht einmal! Sieh doch - still! der alte Mittag schläft, er bewegt den Mund: trinkt er nicht eben einen Tropfen Glücks -

- einen alten braunen Tropfen goldenen Glücks, goldenen Weins? Es huscht über ihn hin, sein Glück lacht. So - lacht ein Gott. Still! -

- "Zum Glück, wie wenig genügt schon zum Glücke!'' So sprach ich einst, und dünkte mich klug. Aber es war eine Lästerung: das lernte ich nun. Kluge Narrn reden besser.

Das Wenigste gerade, das Leiseste, Leichteste, einer Eidechse Rascheln, ein Hauch, ein Husch, ein Augen-Blidk - Wenig macht die Art des bestenGlücks. Still!

- Was geschah mir: Horch! Flog die Zeit wohl davon? Falle ich nicht? Fiel ich nicht - horch! in den Brunnen der Ewigkeit?

- Was geschieht mir? Still! Es sticht mich - wehe - in's Herz? In's Herz! Oh zerbrich, zerbrich, Herz, nach solchem Glücke, nach solchem Stiche!

- Wie? Ward die Welt nicht eben vollkommen? Rund und reif? Oh des goldenen runden Reifs - wohin fliegt er wohl? Laufe ich ihm nach! Husch!

Still - - (und hier dehnte sich Zarathustra und fühlte, dass er schlafe.) -

Auf! sprach er zu sich selber, du Schläfer! Du Mittagsschläfer! Wohlan, wohlauf, ihr alten Beine! Zeit ist's und Überzeit, manch gut Stück Wegs blieb euch noch zurück -

Nun schlieft ihr euch aus, wie lange doch? Eine halbe Ewigkeit! Wohlan, wohlauf nun, mein altes Herz! Wie lange erst darfst du nach solchem Schlaf - dich auswachen?

(Aber da schlief er schon von Neuem ein, und seine Seele sprach gegen ihn und wehrte sich und legte sich wieder hin) - "Lass mich doch! Still! Ward nicht die Welt eben vollkommen? Oh des goldnen runden Balls!'' -

"Steh auf, sprach Zarathustra, du kleine Diebin, du Tagediebin! Wie? Immer noch sich strecken, gähnen, seufzen, hinunterfallen in tiefe Brunnen?

Wer bist du doch! Oh meine Seele!'' (und hier erschrak er, denn ein Sonnenstrahl fiel vom Himmel herunter auf sein Gesicht)

"Oh Himmel über mir, sprach er seufzend und setzte sich aufrecht, du schaust mir zu? Du horchst meiner wunderlichen Seele zu?

Wann trinkst du diesen Tropfen Thau's, der auf alle Erden-Dinge niederfiel, - wann trinkst du diese wunderliche Seele -

- wann, Brunnen der Ewigkeit! du heiterer schauerlicher Mittags-Abgrund! wann trinkst du meine Seele in dich zurück?''

Also sprach Zarathustra und erhob sich von seinem Lager am Baume wie aus einer fremden Trunkenheit: und siehe, da stand die Sonne immer noch gerade über seinem Haupte. Es möchte aber Einer daraus mit Recht abnehmen, dass Zarathustra damals nicht lange geschlafen habe.

II. DIE STILLSTE STUNDE [2] (đã dịch trong IM LẶNG HỐ THẲM trang 231-239)

Was geschah mir, meine Freunde? Ihr seht mich verstört, fortgetrieben, unwillig-folgsam, bereit zu gehen - ach, von euch fortzugehen!

Ja, noch Ein Mal muss Zarathustra in seine Einsamkeit: aber unlustig geht diessmal der Bär zurück in seine Höhle!

Was geschah mir? Wer gebeut diess? - Ach, meine zornige Herrin will es so, sie sprach zu mir: nannte ich je euch schon ihren Namen?

Gestern gen Abend sprach zu mir meine stillste Stunde: das ist der Name meiner furchtbaren Herrin.
Und so geschah's, - denn Alles muss ich euch sagen, dass euer Herz sich nicht verhärte gegen den plötzlich Scheidenden!

Kennt ihr den Schrecken des Einschlafenden? -

Bis in die Zehen hinein erschrickt er, darob, dass ihm der Boden weicht und der Traum beginnt.
Dieses sage ich euch zum Gleichniss. Gestern, zur stillsten Stunde, wich mir der Boden: der Traum begann.

Der Zeiger rückte, die Uhr meines Lebens holte Athem - nie hörte ich solche Stille um mich: also dass mein Herz erschrak.

Dann sprach es ohne Stimme zu mir: “Du weisst es, Zarathustra?” -

Und ich schrie vor Schrecken bei diesem Flüstern, und das Blut wich aus meinem Gesichte: aber ich schwieg.

Da sprach es abermals ohne Stimme zu mir: “Du weisst es, Zarathustra, aber du redest es nicht!” -

Und ich antwortete endlich gleich einem Trotzigen: “Ja, ich weiss es, aber ich will es nicht reden!”

Da sprach es wieder ohne Stimme zu mir: “Du willst nicht, Zarathustra? Ist diess auch wahr? Verstecke dich nicht in deinen Trotz!” -

Und ich weinte und zitterte wie ein Kind und sprach: “Ach, ich wollte schon, aber wie kann ich es! Erlass mir diess nur! Es ist über meine Kraft!”

Da sprach es wieder ohne Stimme zu mir: “Was liegt an dir, Zarathustra! Sprich dein Wort und zerbrich!” -

Und ich antwortete: “Ach, ist es mein Wort? Wer bin ich? Ich warte des Würdigeren; ich bin nicht werth, an ihm auch nur zu zerbrechen.”

Da sprach es wieder ohne Stimme zu mir: “Was liegt an dir? Du bist mir noch nicht demüthig genug. Die Demuth hat das härteste Fell.” -

Und ich antwortete: “Was trug nicht schon das Fell meiner Demuth! Am Fusse wohne ich meiner Höhe: wie hoch meine Gipfel sind? Niemand sagte es mir noch. Aber gut kenne ich meine Thäler.”

Da sprach es wieder ohne Stimme zu mir: “Oh Zarathustra, wer Berge zu versetzen hat, der versetzt auch Thäler und Niederungen.” -

Und ich antwortete: “Noch versetzte mein Wort keine Berge, und was ich redete, erreichte die Menschen nicht. Ich gieng wohl zu den Menschen, aber noch langte ich nicht bei ihnen an.”

Da sprach es wieder ohne Stimme zu mir: “Was weisst du davon! Der Thau fällt auf das Gras, wenn die Nacht am verschwiegensten ist.” -

Und ich antwortete: “sie verspotteten mich, als ich meinen eigenen Weg fand und gieng; und in Wahrheit zitterten damals meine Füsse.

Und so sprachen sie zu mir: "du verlerntest den Weg, nun verlernst du auch das Gehen!"

Da sprach es wieder ohne Stimme zu mir: “Was liegt an ihrem Spotte! Du bist Einer, der das Gehorchen verlernt hat: nun sollst du befehlen!

Weisst du nicht, wer Allen am nöthigsten thut? Der Grosses befiehlt.

Grosses vollführen ist schwer: aber das Schwerere ist, Grosses befehlen.

Das ist dein Unverzeihlichstes: du hast die Macht, und du willst nicht herrschen.” -

Und ich antwortete: “Mir fehlt des Löwen Stimme zu allem Befehlen.”

Da sprach es wieder wie ein Flüstern zu mir: “Die stillsten Worte sind es, welche den Sturm bringen. Gedanken, die mit Taubenfüssen kommen, lenken die Welt.

Oh Zarathustra, du sollst gehen als ein Schatten dessen, was kommen muss: so wirst du befehlen und befehlend vorangehen.” -

Und ich antwortete: “Ich schäme mich.”

Da sprach es wieder ohne Stimme zu mir: “Du musst noch Kind werden und ohne Scham.

Der Stolz der Jugend ist noch auf dir, spät bist du jung geworden: aber wer zum Kinde werden will, muss auch noch seine Jugend überwinden.” -

Und ich besann mich lange und zitterte. Endlich aber sagte ich, was ich zuerst sagte: “Ich will nicht.”

Da geschah ein Lachen um mich. Wehe, wie diess Lachen mir die Eingeweide zerriss und das Herz aufschlitzte!

Und es sprach zum letzten Male zu mir: “Oh Zarathustra, deine Früchte sind reif, aber du bist nicht reif für deine Früchte!

So musst du wieder in die Einsamkeit: denn du sollst noch mürbe werden.” -

Und wieder lachte es und floh: dann wurde es stille um mich wie mit einer zwiefachen Stille. Ich aber lag am Boden, und der Schweiss floss mir von den Gliedern.

- Nun hörtet ihr Alles, und warum ich in meine Einsamkeit zurück muss. Nichts verschwieg ich euch, meine Freunde.

Aber auch diess hörtet ihr von mir, wer immer noch aller Menschen Verschwiegenster ist - und es sein will!

Ach meine Freunde! Ich hätte euch noch Etwas zu sagen, ich hätte euch noch Etwas zu geben! Warum gebe ich es nicht? Bin ich denn geizig?” -

Als Zarathustra aber diese Worte gesprochen hatte, überfiel ihn die Gewalt des Schmerzes und die Nähe des Abschieds von seinen Freunden, also dass er laut weinte; und Niemand wusste ihn zu trösten. Des Nachts aber gieng er allein fort und verliess seine Freunde.

III. DIE HEIMKEHR [3] (đã dịch ở trang 262-271)

Oh Einsamkeit! Du meine Heimat Einsamkeit! Zu lange lebte ich wild in wilder Fremde, als dass ich nicht mit Thränen zu dir heimkehrte!

Nun drohe mir nur mit dem Finger, wie Mütter drohn, nein lächle mir zu, wie Mütter lächeln, nun sprich nur: "Und wer war das, der wie ein Sturmwind einst von mir davonstürmte?" -

- der scheidend rief: zu lange sass ich bei der Einsamkeit, da verlernte ich das Schweigen! Das -lerntest du nun wohl?

Oh Zarathustra, Alles weiss ich: und dass du unter den Vielen verlassenerwarst, du Einer, als je bei mir!
Ein Anderes ist Verlassenheit, ein Anderes Einsamkeit: Das - lerntest du nun! Und dass du unter Menschen immer wild und fremd sein wirst:

- Wild und fremd auch noch, wenn sie dich lieben: denn zuerst von Allem wollen sie geschont sein!
Hier aber bist du bei dir zu Heim und Hause; hier kannst du Alles hinausreden und alle Gründe ausschütten, Nichts schämt sich hier versteckter, verstockter Gefühle.

Hier kommen alle Dinge liebkosend zu deiner Rede und schmeicheln dir: denn sie wollen auf deinem Rücken reiten. Auf jedem Gleichniss reitest du hier zu jeder Wahrheit.

Aufrecht und aufrichtig darfst du hier zu allen Dingen reden: und wahrlich, wie Lob klingt es ihren Ohren, dass Einer mit allen Dingen - gerade redet!

Ein Anderes aber ist Verlassensein. Denn, weisst du noch, oh Zarathustra? Als damals dein Vogel über dir schrie, als du im Walde standest, unschlüssig, wohin? unkundig, einem Leichnam nahe: -

- als du sprachst: mögen mich meine Thiere führen! Gefährlicher fand ich's unter Menschen, als unter Thieren: - Das war Verlassenheit!

Und weisst du noch, oh Zarathustra? Als du auf deiner Insel sassest, unter leeren Eimern ein Brunnen Weins, gebend und ausgebend, unter Durstigen schenkend und ausschenkend:

- bis du endlich durstig allein unter Trunkenen sassest und nächtlich klagtest "ist Nehmen nicht seliger als Geben? Und Stehlen noch seliger als Nehmen?" - Das war Verlassenheit!

Und weisst du noch, oh Zarathustra? Als deine stillste Stunde kam und dich von dir selber forttrieb, als sie mit bösem Flüstern sprach: "Sprich und zerbrich! -

- als sie dir all dein Warten und Schweigen leid machte und deinen demüthigen Muth entmuthigte: Das war Verlassenheit!" -

Oh Einsamkeit! Du meine Heimat Einsamkeit! Wie selig und zärtlich redet deine Stimme zu mir!

Wir fragen einander nicht, wir klagen einander nicht, wir gehen offen mit einander durch offne Thüren.

Denn offen ist es bei dir und hell; und auch die Stunden laufen hier auf leichteren Füssen. Im Dunklen nämlich trägt man schwerer an der Zeit, als im Lichte.

Hier springen mir alles Seins Worte und Wort-Schreine auf: alles Sein will hier Wort werden, alles Werden will hier von mir reden lernen.

Da unten aber - da ist alles Reden umsonst! Da ist Vergessen und Vorübergehn die beste Weisheit: Das - lernte ich nun!

Wer Alles bei den Menschen begreifen wollte, der müsste Alles angreifen. Aber dazu habe ich zu reinliche Hände.

Ich mag schon ihren Athem nicht einathmen; ach, dass ich so lange unter ihrem Lärm und üblem Athem lebte!

Oh selige Stille um mich! Oh reine Gerüche um mich! Oh wie aus tiefer Brust diese Stille reinen Athem holt! Oh wie sie horcht, diese selige Stille!
Aber da unten - da redet Alles, da wird Alles überhört. Man mag seine Weisheit mit Glocken einläuten: die Krämer auf dem Markte werden sie mit Pfennigen überklingeln!
Alles bei ihnen redet, Niemand weiss mehr zu verstehn. Alles fällt in's Wasser, Nichts fällt mehr in tiefe Brunnen.
Alles bei ihnen redet, Nichts geräth mehr und kommt zu Ende. Alles gackert, aber wer will noch still auf dem Neste sitzen und Eier brüten?
Alles bei ihnen redet, Alles wird zerredet. Und was gestern noch zu hart war für die Zeit selber und ihren Zahn: heute hängt es zerschabt und zernagt aus den Mäulern der Heutigen.
Alles bei ihnen redet, Alles wird verrathen. Und was einst Geheimniss hiess und Heimlichkeit tiefer Seelen, heute gehört es den Gassen-Trompetern und andern Schmetterlingen.
Oh Menschenwesen, du wunderliches! Du Lärm auf dunklen Gassen! Nun liegst du wieder hinter mir: - meine grösste Gefahr liegt hinter mir!
Im Schonen und Mitleiden lag immer meine grösste Gefahr; und alles Menschenwesen will geschont und gelitten sein.
Mit verhaltenen Wahrheiten, mit Narrenhand und vernarrtem Herzen und reich an kleinen Lügen des Mitleidens: - also lebte ich immer unter Menschen.
Verkleidet sass ich unter ihnen, bereit, mich zu verkennen, dass ich sieertrüge, und gern mir zuredend "du Narr, du kennst die Menschen nicht!"
Man verlernt die Menschen, wenn man unter Menschen lebt: zu viel Vordergrund ist an allen Menschen, - was sollen da weitsichtige, weit-süchtige Augen!
Und wenn sie mich verkannten: ich Narr schonte sie darob mehr, als mich: gewohnt zur Härte gegen mich und oft noch an mir selber mich rächend für diese Schonung.
Zerstochen von giftigen Fliegen und ausgehöhlt, dem Steine gleich, von vielen Tropfen Bosheit, so sass ich unter ihnen und redete mir noch zu: "unschuldig ist alles Kleine an seiner Kleinheit!"
Sonderlich Die, welche sich "die Guten" heissen, fand ich als die giftigsten Fliegen: sie stechen in aller Unschuld, sie lügen in aller Unschuld; wie vermöchten sie, gegen mich - gerecht zu sein!
Wer unter den Guten lebt, den lehrt Mitleid lügen. Mitleid macht dumpfe Luft allen freien Seelen. Die Dummheit der Guten nämlich ist unergründlich.
Mich selber verbergen und meinen Reichthum - das lernte ich da unten: denn jeden fand ich noch arm am Geiste. Das war der Lug meines Mitleidens, dass ich bei jedem wusste,
- dass ich jedem es ansah und anroch, was ihm Geistes genug und was ihm schon Geistes zuviel war!
Ihre steifen Weisen: ich hiess sie weise, nicht steif, - so lernte ich Worte verschlucken. Ihre Todtengräber: ich hiess sie Forscher und Prüfer, - so lernte ich Worte vertauschen.
Die Todtengräber graben sich Krankheiten an. Unter altem Schutte ruhn schlimme Dünste. Man soll den Morast nicht aufrühren. Man soll auf Bergen leben.
Mit seligen Nüstern athme ich wieder Berges-Freiheit! Erlöst ist endlich meine Nase vom Geruch alles Menschenwesens!
Von scharfen Lüften gekitzelt, wie von schäumenden Weinen, niest meine Seele, - niest und jubelt sich zu: Gesundheit!
Also sprach Zarathustra.
IV. DER WANDERER [4] (đã dịch ở trang 296-303)
Um Mitternacht war es, da nahm Zarathustra seinen Weg über den Rücken der Insel, dass er mit dem frühen Morgen an das andre Gestade käme: denn dort wollte er zu Schiff steigen. Es gab nämlich allda eine gute Rhede, an der auch fremde Schiffe gern vor Anker giengen; die nahmen Manchen mit sich, der von den glückseligen Inseln über das Meer wollte. Als nun Zarathustra so den Berg hinanstieg, gedachte er unterwegs des vielen einsamen Wanderns von Jugend an, und wie viele Berge und Rücken und Gipfel er schon gestiegen sei.
"Ich bin ein Wanderer und ein Bergsteiger", sagte er zu seinem Herzen, “ich liebe die Ebenen nicht und es scheint, ich kann nicht lange still sitzen".
Und was mir nun auch noch als Schicksal und Erlebniss komme, - ein Wandern wird darin sein und ein Bergsteigen: man erlebt endlich nur noch sich selber.
Die Zeit ist abgeflossen, wo mir noch Zufälle begegnen durften; und was könnte jetzt noch zu mir fallen, was nicht schon mein Eigen wäre!
Es kehrt nur zurück, es kommt mir endlich heim - mein eigen Selbst, und was von ihm lange in der Fremde war und zerstreut unter alle Dinge und Zufälle.
Und noch Eins weiss ich: ich stehe jetzt vor meinem letzten Gipfel und vor dem, was mir am längsten aufgespart war. Ach, meinen härtesten Weg muss ich hinan! Ach, ich begann meine einsamste Wanderung!
Wer aber meiner Art ist, der entgeht einer solchen Stunde nicht: der Stunde, die zu ihm redet: "Jetzo erst gehst du deinen Weg der Grösse! Gipfel und Abgrund - das ist jetzt in Eins beschlossen!
Du gehst deinen Weg der Grösse: nun ist deine letzte Zuflucht worden, was bisher deine letzte Gefahr hiess!
Du gehst deinen Weg der Grösse: das muss nun dein bester Muth sein, dass es hinter dir keinen Weg mehr giebt!
Du gehst deinen Weg der Grösse; hier soll dir Keiner nachschleichen! Dein Fuss selber löschte hinter dir den Weg aus, und über ihm steht geschrieben: Unmöglichkeit.
Und wenn dir nunmehr alle Leitern fehlen, so musst du verstehen, noch auf deinen eigenen Kopf zu steigen: wie wolltest du anders aufwärts steigen?
Auf deinen eigenen Kopf und hinweg über dein eigenes Herz! Jetzt muss das Mildeste an dir noch zum Härtesten werden.
Wer sich stets viel geschont hat, der kränkelt zuletzt an seiner vielen Schonung. Gelobt sei, was hart macht! Ich lobe das Land nicht, wo Butter und Honig - fliesst!
Von sich absehn lernen ist nöthig, um Viel zu sehn: - diese Härte thut jedem Berge-Steigenden Noth.
Wer aber mit den Augen zudringlich ist als Erkennender, wie sollte der von allen Dingen mehr als ihre vorderen Gründe sehn!
Du aber, oh Zarathustra, wolltest aller Dinge Grund schaun und Hintergrund: so musst du schon über dich selber steigen, - hinan, hinauf, bis du auch deine Sterne noch unter dir hast!"
Ja! Hinab auf mich selber sehn und noch auf meine Sterne: das erst hiesse mir mein Gipfel, das blieb mir noch zurück als mein letzter Gipfel!” -
Also sprach Zarathustra im Steigen zu sich, mit harten Sprüchlein sein Herz tröstend: denn er war wund am Herzen wie noch niemals zuvor. Und als er auf die Höhe des Bergrückens kam, siehe, da lag das andere Meer vor ihm ausgebreitet: und er stand still und schwieg lange. Die Nacht aber war kalt in dieser Höhe und klar und hellgestirnt.
"Ich erkenne mein Loos", sagte er endlich mit Trauer. "Wohlan! Ich bin bereit. Eben begann meine letzte Einsamkeit".
Ach, diese schwarze traurige See unter mir! Ach, diese schwangere nächtliche Verdrossenheit! Ach, Schicksal und See! Zu euch muss ich nun hinab steigen!
Vor meinem höchsten Berge stehe ich und vor meiner längsten Wanderung: darum muss ich erst tiefer hinab als ich jemals stieg:
- tiefer hinab in den Schmerz als ich jemals stieg, bis hinein in seine schwärzeste Fluth! So will es mein Schicksal: Wohlan! Ich bin bereit.
"Woher kommen die höchsten Berge?" so fragte ich einst. Da lernte ich, dass sie aus dem Meere kommen.
Diess Zeugniss ist in ihr Gestein geschrieben und in die Wände ihrer Gipfel. Aus dem Tiefsten muss das Höchste zu seiner Höhe kommen. -"
Also sprach Zarathustra auf der Spitze des Berges, wo es kalt war; als er aber in die Nähe des Meeres kam und zuletzt allein unter den Klippen stand, da war er unterwegs müde geworden und sehnsüchtiger als noch zuvor.
"Es schläft jetzt Alles noch", sprach er; "auch das Meer schläft. Schlaftrunken und fremd blickt sein Auge nach mir.
Aber es athmet warm, das fühle ich. Und ich fühle auch, dass es träumt. Es windet sieh träumend auf harten Kissen.
Horch! Horch! Wie es stöhnt von bösen Erinnerungen! Oder bösen Erwartungen?
Ach, ich bin traurig mit dir, du dunkles Ungeheuer, und mir selber noch gram um deinetwillen.
Ach, dass meine Hand nicht Stärke genug hat! Gerne, wahrlich, möchte ich dich von bösen Träumen erlösen! -"
Und indem Zarathustra so sprach, lachte er mit Schwermuth und Bitterkeit über sich selber. "Wie! Zarathustra!" sagte er, "willst du noch dem Meere Trost singen?
Ach, du liebreicher Narr Zarathustra, du Vertrauens-Überseliger! Aber so warst du immer: immer kamst du vertraulich zu allem Furchtbaren.
Jedes Ungethüm wolltest du noch streicheln. Ein Hauch warmen Athems, ein Wenig weiches Gezottel an der Tatze -: und gleich warst du bereit, es zu lieben und zu locken.
Die Liebe ist die Gefahr des Einsamsten, die Liebe zu Allem, wenn es nur lebt! Zum Lachen ist wahrlich meine Narrheit und meine Bescheidenheit in der Liebe! -"

Also sprach Zarathustra und lachte dabei zum andern Male: da aber gedachte er seiner verlassenen Freunde -, und wie als ob er sich mit seinen Gedanken an ihnen vergangen habe, zürnte er sich ob seiner Gedanken. Und alsbald geschah es, dass der Lachende weinte: - vor Zorn und Sehnsucht weinte Zarathustra bitterlich.
IM LẶNG HỐ THẲM ĐI VỀ
TRÊN CON ĐƯỜNG HUYỀN BÍ
CỦA JACOB BOEHME
QUA UYÊN NGÔN VỀ
URGRUND
BẮT ĐẦU KHỞI HÀNH
TỪ TÍNH NGÔN CỦA
SAINT AUGUSTIN:
“CON NGƯỜI LÀ HỐ THẲM”
HOMO ABYSSUS EST
ĐÔNG PHƯƠNG VÀ TÂY PHƯƠNG
NHẬP MỘT VỚI NHAU
QUA TIẾNG NÓI CỦA HỐ THẲM
ĐỂ LÊN ĐƯỜNG TRỞ VỀ UYÊN MẶC
IM LẶNG HỐ THẲM ĐI VỀ
TRÊN CON ĐƯỜNG HUYỀN BÍ
CỦA ANAXIMANDRE
QUA UYÊN NGÔN VỀ
ADIKIA
BẮT ĐẦU KHỞI HÀNH
TỪ TÍNH NGÔN CỦA HÉRACLITE VỀ
POLEMOS
ĐỂ MỞ PHƯƠNG TRỜI MÂY TRẮNG
CHO CUỘC CHIẾN TRANH QUÊ HƯƠNG
Im lặng hố thẳm được ra đời lần đầu tiên vào mười hai giờ khuya ngày 24 tháng Tám năm 1967 rạng ngày 25 tháng Tám năm 1967 để đánh dấu ngày tạ thế của Nietzsche vào lúc mười hai giờ trưa ngày 25 tháng Tám năm 1900.
Mười hai giờ khuya xoáy tròn với mười hai giờ trưa và tựu thành.
Giờ Phút Im Lặng nhất
Giờ Phút Tối Thượng
của
Im Lặng Hố Thẳm.
Mục lục
ĐI VÀO GIỮA NÚI CAO VÀ HỐ THẲM
Chương nhất:
I. REDUCTIO AD IMPOSSIBLE
Con đường phá huỷ Biện chứng pháp
Chương hai:
II. VIA NEGATIVA
Con đường huỷ diệt tư tưởng Tây phương qua Héraclite, Parménide, Eckhart, Nietzsche, Rimbaud, Heidegger và Henry Miller
Phụ lục:
I. TRÊN BƯỚC ĐI CỦA RIMBAUD
II. CREDO
III. TRỞ VỀ SỰ IM LẶNG CỦA NIETZSCHE
IV. CODA
Kết luận Im lặng hố thẳm… 

Ghi chú:
[1] Chú thích của talawas: Vì bản đánh máy từ sách đã xuất bản có quá nhiều lỗi về hiển thị chữ nên phần nguyên tác tiếng Đức này sẽ được lấy từ các nguồn trên internet. Tuy nhiên, các nguồn này cũng có một số sự khác nhau, nhất là phần trình bày, nên chúng tôi sẽ liệt kê các nguồn mà chúng tôi đã tham khảo. 
Nguồn: http://www.hamilton.net.au/
http://literatur.org/
http://www.phil.euv-frankfurt-o.de/
[2] Nguồn: http://www.geocities.com/
[3] Nguồn: http://www.geocities.com/
[4] Nguồn: http://www.geocities.com/
Nguồn: Im lặng hố thẳm của Phạm Công Thiện. An Tiêm xuất bản 1967, tái bản lần 2 năm 1969.
16/8/2007
Phạm Công Thiện
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa

Lê Lựu - Người quê và nhà ngoại giao văn hóa Lê Lựu là nhà văn quân đội có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài bộ đội, đề tài chiến đấu...