Khi cây trái vào mùa
Nữ thi sĩ Mary Oliver là một cây bút nổi tiếng về đề tài
thiên nhiên, từng giành giải thưởng Pulitzer. Bà có cách nghĩ về thơ rất sắc sảo
và đầy ấn tượng: “Thơ không phải là một nghề, đó là một cách sống. Nó là một
chiếc giỏ không, bạn đặt cuộc sống của mình vào đó và khiến một cái gì đó ra đời
từ đó”.
Quả thật, chúng ta là những "chiếc giỏ
không", để khi vào mùa nó được đựng đầy cây trái bằng "tấm lòng
của cây"!
Lê Hào là một người như vậy, anh dạy toán và đến
với thơ không phải là một nghề, đó là cách sống của anh. Anh đặt cuộc sống vào
chiếc giỏ không, và từ đó thơ ra đời.
Đời sống là gì, nếu không gắn với thiên nhiên. Lê Hào quan niệm,
thơ như đời sống của cây, gồm lá cành và hoa trái:
"Có phải lá là tấm lòng của cây?
hoa là niềm tin?
trái là hạnh phúc bao mùa cây cóp nhặt ?"
(Tấm lòng của cây)
Đúng vậy, anh góp nhặt "tấm lòng, niềm
tin và hạnh phúc", làm hành trang lên đường, một con đường chông gai không
bằng phẳng ở phía trước:
"Con đường vạch lằn ranh êm ả
thiện ác đôi bên"
(Đời sống cần cánh buồm)
thiện ác đôi bên"
(Đời sống cần cánh buồm)
Thơ là con đường thiện. Viết về thơ Lê Hào, nếu
được nói một điều gì đó, thì đó chính là sự chân thật. Nhà thơ Lê Hào theo tôi
biết là một người chân thật đúng nghĩa, nên trong cuộc tìm kiếm chính mình anh
đã vẽ ra được cái chất ấy:
"Tôi cố vẽ
ra tôi
bằng những gì chân thật"
Vâng, chân thật là đức tính cần thiết làm nên
thơ, làm nên tình yêu. Lê Hào yêu quá ruộng đồng tháng ba:
"Tháng ba bỏ quên cánh hoa bên cửa sổ
còn lại chút gì tim tím
như tình yêu sinh ra từ hơi ấm ruộng đồng ...
Sự sống khởi nguồn
từ hạt giống mùa gieo xuống..."
(Chiều tĩnh lặng)
Lãng đãng "bỏ quên cánh hoa", ấy
là thơ, là nhận ra thứ tình yêu từ hơi đất nồng ấm. Tôi yêu quá "Sự sống
khởi nguồn từ hạt giống mùa gieo xuống". Đó phải chăng là hạt nhân quả
nhà thơ đã gieo cho vụ mùa thơ? Thơ Lê Hào là giọt nước mắt Huế, anh mang vào xứ
Nẫu, và làm nên câu thơ tài mệnh cho xứ "Hoa vàng trên cỏ xanh":
"Nước mắt sinh ra em
Và đồng lúa Tuy Hòa, xứ Nẫu"
Bản chất của thi ca là nước mắt. Hóa ra, với Lê
Hào nước mắt sinh ra người con gái đẹp, và sinh ra đồng lúa Tuy Hòa; cũng như
bao nhiêu đồng lúa trên đất nước Việt Nam. Kỳ diệu thay, nước mắt còn chảy trên
từng câu chữ của thơ khi chúng ta đọc: "Sao khát vọng đổi đời cứ oằn
như dáng lúa"?
Kìa, khát vọng là gì? Phải chăng là những khắc
khoải đổi đời cứ bám vào cây lúa? Hay lúa là hệ quy chiếu cho tất cả
những hệ lụy trên đời của một đất nước nông nghiệp?
Thương quá phải không em, giọt nước mắt của thi
ca thời đại!
Thôi ta về tìm chút hạnh phúc bên cánh cửa nhà mình. Nhưng
không, hạnh phúc chưa ai định nghĩa được. Thì đây:
"niềm hạnh phúc cuộc đời
dệt nên từ hàng triệu nỗi đau thầm lặng"
(Những hạt cát vẹn nguyên)
Chính vì thế mà thơ lên tiếng. Bởi thơ cũng là
niềm hạnh phúc được dệt nên từ hàng triệu nỗi đau thầm lặng đó. Vì thế, thơ Lê
Hào luôn có dáng dấp của cuộc trải nghiệm bản thân. Không phải ngẫu nhiên câu
thơ hay hiện lên giữa cõi đời. Nó phải đau. Và niềm đau bật ra thơ:
"đá nhấp nhô phận mình
triệu năm còn thức"
"Triệu năm còn thức" trên chính
thân phận mình, không phải tiếng than, mà là quan niệm sống. Hồn thơ thức mãi với
thời gian để tìm kiếm chính mình, những mảnh hồn lưu lạc. Nhà thơ Mỹ Robert
Frost nói rằng: "Thơ là những gì đã thất lạc...". Phải chăng nhà
thơ Lê Hào đã gom lại những gì thất lạc làm thành "Tấm lòng của
cây", hay tấm lòng của anh sau bao năm chọn cách sống, mà vẫn để cho thơ rời
xa mãi...
Hôm nay, bạn cầm trên tay tập thơ này, là cầm một
tâm hồn biết rung động, biết chọn cách như loài ong:
"tâm hồn bồng bềnh, không chạm đời
là lúc mình có thể bay được như loài ong
xa dần đám bụi..."
(Theo quy luật bầu trời)
Phải xa dần đám bụi thôi, cho từng giọt mật tinh
khiết. Nhà thơ hiện thân là con ong cần mẫn hút mật ngọt dâng cho đời.
Quả vậy, bằng tâm hồn nhạy cảm "có thể bay
được", từng giọt mật thơ là niềm hy vọng mong manh hút từ nhụy hoa trong
cánh rừng muôn sắc. Thơ là mật, cần có đôi cánh của tâm hồn "bồng bềnh",
mới đem mật về chiếc tổ. Thật ra, thi nhân cũng là con ong "bồng bềnh" đôi
cánh, hút mật cho đời, để cuối cùng nhận ra:
"niềm hy vọng cuộc đời nẩy sinh từ cây cối
lòng mơ tiếng chim tu hú gọi bầy
cho bớt quạnh quẽ
chợt cơn gió nhẹ thổi rung cánh buồm.."
(Chiều tĩnh lặng)
Hiểu được niềm hy vọng cuộc đời, chúng ta
càng yêu cây, yêu hoa, yêu tiếng chim cho bớt nỗi cô đơn, bớt niềm quạnh quẽ.
Và yêu quá "cơn gió nhẹ thổi rung cánh buồm"...
Thơ là thế, là con thuyền đứng đợi, chỉ cần một cơn
gió nhẹ thổi rung cánh buồm...
Và mùa thơ bay đi!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét