Lênh đênh muôn mặt
những thân phận đàn bà
Thân gái như hạt mưa sa, mười hai bến nước biết dòng nào
trong, nguồn đâu là đục. Họ khờ dại vì đau khổ cũng chẳng dám oán trách người
mình từng thương.
Khi một cuộc tình chấm dứt, người phụ nữ vẫn thường lưu luyến
nhiều hơn. Dù cho họ chủ động dứt áo ra đi, hay bị người mình yêu phụ bạc.
Bằng ngòi bút đa cảm, giàu nhân văn, tác giả trẻ Hoàng Khánh
Duy lặng lẽ viết về họ. Tập truyện ngắn "Lưng chừng nỗi nhớ" cho người
ta thấy trăm nỗi truân chuyên của những người đàn bà yếu đuối, chỉ biết yêu hết
lòng, hết dạ. Dẫu người đàn ông ấy chẳng quay về, họ vẫn thương vẫn nhớ. Để rồi,
sau nỗi thương người, ta mới thấy lòng xót xa!
Phần lớn các nhân vật trong tập truyện ngắn Lưng chừng nỗi
nhớ đều là những người phụ nữ miền Tây chân chất, hiền lành. Họ suy nghĩ rất giản
đơn và lấy sự chân thành làm lẽ sống.
Nếu người đàn ông nó sẽ trở về, cô gái hiền lành bên bến sông
sẽ dùng hết cả tuổi thanh xuân để đợi. Thế nhưng, người phụ nữ tội nghiệp ấy đợi
được những gì? Trong lòng họ đã có một vết thương mãi không liền miệng.
Người đi mãi sao chẳng về cùng em là câu chuyện đầy chua
xót của Thơ, người vợ đã cam tâm tình nguyện hóa thành “hòn vọng phu” đợi chồng
trong vô vọng. Mảnh đất cằn nơi họ gọi quê hương đã quá khó khăn, Quân muốn tìm
đến một chân trời mới. Ở nơi đó có những vườn cây màu mỡ, có con sông xanh mướt
chảy trước nhà. Đợi ổn định công việc làm ăn, Quân sẽ đón vợ con vào đoàn tụ.
Thơ tin vào giấc mộng đẹp ấy, chỉ mong chồng chí thú làm ăn.
Quân đi miết, mấy năm vẫn bặt tin. Vợ anh cứ ở nhà vò võ chờ
đợi. Tết năm nay anh không về, biết đâu Tết sang năm cả nhà sẽ được đoàn tụ. Cứ
thế suốt bốn, năm mùa nước nổi, để đến khi không đợi được nữa, Thơ mới dám đi
tìm chồng.
Ngày gặp anh, chị như chết lặng. Anh già hơn, mái tóc đã điểm
bạc. Bên cạnh là một người phụ nữ âu yếm nhổ tóc sâu cho anh, thi thoảng quay lại
nựng con. Hóa ra, anh đã có một mái ấm khác, nơi đó chẳng cần có mẹ con chị.
Thơ lặng lẽ ra đi, chỉ biết tự trách mình sao không giữ được bố cho đứa con còn
dại. Tình nghĩa vợ chồng son sắt liệu có ý nghĩa gì? Người ta có nên tin vào nó
không? Người đã ra đi phải chăng còn cơ hội trở về?
Truyện ngắn Tiếng còi tàu mang đến cho độc giả một
vọng âm đầy chua xót. Người ta không chỉ xót xa cho một người mẹ tần tảo nhưng
cả đời vẫn chẳng biết đến hạnh phúc, một người chị luôn hằng mong nhớ đứa em
thơ, một người cha đau đớn bất lực vì mất con… Nỗi bất hạnh khiến trái tim như
nghẹn lại.
Từ quê nghèo miền Trung, cả nhà khăn gói vào Nam kiếm kế sinh
nhai, mong đắp đổi bữa rau, bữa cháo qua ngày. Đến ga Diêm Phổ, bé út không may
bị lạc. Người mẹ thất thần đi tìm con, người cha gục ngã vì đã mong chờ một kỳ tích trong vô vọng. Những người bản xứ nhìn họ như đám dân tỵ nạn. Phải rồi, họ
đang sống nơi đất lạ quê người. Có sống mãi cũng chẳng thành quê hương…
Gia đình ấy nương náu ở gần ga, để đứa con thất lạc năm xưa dễ
dàng tìm về quê nhà. Mỗi đêm, nghe tiếng còi tàu, những xót xa lại dâng đầy
gương mặt chai sạn. Nỗi nhớ con thơ, nhớ quê nhà cứ thế cuộn lên trong lòng,
nhưng biết đâu mà tìm những điều ta mong mỏi…
Liệu cái kết có hậu của những nàng công chúa trong truyện cổ
tích có tồn tại hay không? Chỉ cần cô gái quê kiên nhẫn và chờ đợi với trái tim
son sắt, hoàng tử cuối cùng cũng trở về. Út Ngư trong Ký ức người con gái đã
tin như vậy. Cô yêu Liêu bằng cả con tim trong trẻo, vụng dại của thời thiếu nữ
vô ưu. Người con gái ấy tin rằng anh đi rồi sẽ quay về.
Chợ nổi dập dềnh cùng con nước lớn đã cùng cô ngắm những nụ
cười của anh. Dù cha mẹ nói gì, Út Ngư vẫn xuôi chèo ra chợ. Cứ ở trên chợ nổi
mà chờ đợi, biết đâu anh sẽ quay về. Nếu yêu thật lòng, hãy cứ mộng mơ. Bởi những
mơ mộng khiến con người ta bớt nhớ thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét