Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

Quán chiều, rượu - dé đắng môi


Quán chiều, 
rượu - dé đắng môi
Mưa  dầm dề  suốt  mấy  chiều  nay. Ăn trưa trễ, giấc trưa trễ lại thêm cái nỗi muộn màng, bởi nán lại giường nệm chiếu chăn. Mưa, lạnh và lười. Có ai đó rủ đi ra phố. Chợt nhận ra: hình như đã rất lâu mình chỉ ra khỏi nhà khi đang mưa để lo công việc. Đi, bởi việc nọ việc kia. Giờ đội mưa chỉ một chuyện chơi. Ăn cũng là chơi chứ bộ. Và uống. Và chuyện trò nhăng cuội với cả mấy người bạn. Rõ ra như thế không gọi là chơi thì gọi là gì. Và đấy! Nhu cầu. Nhu cầu thật sự của ít nhất là một người như tôi. Một người đã tự buộc chân trói người mình ở nhà cả ngày với công việc. Và cái thứ công việc này đây mới đến là nhức đầu. Thế nên thích lắm khi được tháp tùng cùng cả bọn. Đàn ông lẫn đàn bà, con trai và con gái đùm túm, che trùm áo mão rời nhà trong mưa.
Cái quán cả bọn chọn nằm khuất sâu trong một con hẻm rộng. Những bông điệp vàng bên cái cổng xây cũ kỹ. Khoảng sân ướt nhẹp nghe bảo cũng nhờ rộng rãi mà mùa hè thoáng mát nên khách tìm tới rất đông. Giờ, mưa vắng ngắt dẫu là chiều. Dẫu đó là giờ của vui vầy ly bia cốc rượu. Giờ của tan sở, rời cơ quan và túm tụm chén chú chén anh. Giờ của nhậu nhẹt. Quán vắng lại hay. Hay hơn khi chọn một chỗ ngồi ngay chái hiên. Nơi có thể ngó mưa. Nơi không khô ráo hanh hao như trong nhà nhưng cũng không đến nỗi sũng ướt như ngoài sân. Có ai đó nhắc đến bia và hầu hết đều lắc đầu. Điên sao mà đang mưa vậy nốc vào cái thứ lạnh ngắt khiến ách bụng đầy hơi. Sao không là một thứ gì đó in ít nhưng nồng đượm, cay sè. Nhưng đọng lại vị để lại hương. 
Chai rượu trong vắt được đem ra. Người bạn vong niên đưa lên mũi ngửi và gật gù. Ông này sành rượu và kỹ tính nên như thế là khen đấy! Khen chất cay ở quán. Cũng lạ cho một nơi bình dân tềnh toàng thế này mà có được rượu ngon. Xong phần rượu tiếp đến mồi. Đàn ông lặng thinh nhưng cánh phụ nữ ồn ào lên tiếng: “Ăn thôi! Đúng giờ cơm rồi! Đói bụng”. Có nghĩa mồi không những để nhắm mà còn có thể ăn no. A! Vậy là tìm đúng chỗ rồi bởi dé nóng chan bún tươi còn gì bằng? Ông chủ nói quán có rất nhiều món nhưng dé bò Tây Sơn đúng  là đặc sản ở đây. Quê ông ở ngay đó và ông đã phải lấy tất cả nguyên phụ liệu từ chính Tây Sơn đem về chế biến.
Thấy chúng tôi có vẻ muốn hóng chuyện, người chủ ngồi lại vừa nhìn chúng tôi háo hức thưởng thức vừa nhẩn nha nói chuyện dé quê mình. Đó chính là phần ruột non của lòng bò. Tuy gọi vậy nhưng để có được món này ngoài dé còn cần đến cả lá sách, gan, cật… Chắc nghĩ với cái bọn khách vô thưởng vô phạt như chúng tôi cũng chẳng cần gì phải dấu nghề nên ông ấy nói luôn cách nấu. Là thế này: lòng đưa về phải làm thật sạch. Chà xát muối thật kỹ không quên giã một ít gừng ngâm với rượu trắng rồi rửa lại thêm mấy nước nữa. Để cho thật ráo trước khi ướp gia vị.  Chế dầu phi hành đổ lòng vô tao cho thấm tháp, chế nước nêm nếm rồi bóp lá giang. Nên nhớ cũng phải là lá giang hái trên Tây Sơn chứ không phải lần quần mấy nơi dưới này đâu.Vậy là rồi. Ông ấy kết thúc cách nấu không quên đệm thêm hai từ Bình Định chay: dễ òm.
Tôi thắc mắc lòng bò đâu không có, lá giang núi nào không có. Thấy người ta hái về bán đầy chợ. Ông chủ cười. Vậy chứ mà nấu dé bằng lòng bò nơi khác lá giang nơi khác là hư ngay một món ngon của địa phương. Nghe chuyện bỗng dưng tôi thấy tộ dé bốc hơi ngào ngạt trước mặt mình giá trị gấp bội lần. Mà thứ đặc sản này mới thật là hay! Vị  đắng  lẫn hòa trong cái chua chua, chát chát của lá giang quyện chặt với ngon ngót, sần sật của lá sách, tim, gan bò. Tất cả khi nhai khi húp còn nhận biết rạch ròi nhưng đã nuốt rồi thì chỉ còn lại duy nhất một vị đắng mà cái vị đắng trong chính món ăn này mới đến là độc đáo chứ! Cái đắng trong dé không giống với bất cứ một thứ đắng nào. Đăng đắng, nhẫn nhẫn rất lạ. Rất dé. Ăn lần đầu rất khó tiếp nhận nhưng thử ăn thêm coi. Ghiền khi nào chẳng rõ. Dé ngon vậy thành chi tiệc tùng, giỗ chạp… ở Tây Sơn người ta thường dọn món này.
No nê thỏa mãn với một món ngon, tình bạn, không khí quán cùng những câu chuyện. Cả bọn lại lếch thếch trở về. Chiều đã chuyển đêm. Và chiều đã kết thúc. Chỉ có dé đăng đắng nơi vòm họng. Rượu nồng nồng nơi bờ môi. Và mưa nữa chứ! Mưa khiến cho sự gặp gỡ thêm ý vị và  chiều như thể rất lung linh… Thế nên cám ơn. Xin cám ơn tất cả.
Nguyễn Mỹ Nữ
Theo https://www.vanchuongviet.org/ 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý

Những khám phá, đóng góp không ngừng về nghệ thuật biểu cảm và tư tưởng thời cuộc trong văn học của thơ Trần Quang Quý Nhà thơ Trần Quang ...