Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

Thương nhớ Nha Trang "Thiên đường du lịch biển của Việt Nam"

Thương nhớ Nha Trang "Thiên đường 
du lịch biển của Việt Nam" 
Thiên đường du lịch Vinpearl
Bờ biển nước Việt Nam bắt đầu từ Quảng Ninh cho tới Kiên Giang thì phải trải dọc qua theo 27 tỉnh thành thuộc miền duyên hải, và có độ dài là hơn 3.400km. Do điều kiện địa lý thiên nhiên ưu đãi từng vùng, bờ biển thuộc về miền đất Trung phần từ lâu được xem như là nơi có nhiều bãi đẹp nhờ lợi thế có hàng hàng dải cát trắng mịn chạy dài. Cùng với cảnh trí không gian hòa quyện chung nhau giữa hình ảnh núi non xanh biếc, vũng, vịnh nước sâu, hang động kỳ ảo, ghềnh đá chập chùng tạo thành ra được một bức tranh tổng hợp trộn pha sắc màu đa dạng. Và từ hàng thế kỷ trôi qua, đã kề vai bám trụ song hành soi hình bên sóng nước đại dương bao la dưới chân trời xa thẳm. Ven dọc bể khơi, theo quá trình sinh tồn mở mang của con người từ bao thế hệ, thì cũng đã có sự hiện diện của những thành phố lớn diện mạo khang trang được xây cất, phát triển thành hình lâu đời trên địa bàn sở tại.
Đi thực tế, Nha Trang là một thành phố du lịch ở miền Trung có vị trí địa dư nằm cạnh ven bờ biển đẹp, từ lâu đã được chính thức bình bầu công nhận xem như là nổi tiếng đứng hàng đầu của cả nước từng thu hút được con số thành tích kỷ lục là hàng chục triệu du khách nước ngoài tìm đến tham quan, nghỉ dưỡng. Và cũng từ lâu đã có ít nhiều blogger (s) người nước ngoài từng để lại dấu ấn kỷ niệm khám phá của mình về hình ảnh hòa bình, thân thiện Việt Nam bằng với những thể hiện văn phong cảm nhận tâm hồn chia sẻ mọi điều thú vị bất ngờ qua chuyến du hành kỳ thú xa xôi ở quanh vùng Đông Nam Á, đặc biệt là ở tại Nha Trang.
Nha Trang biển xanh vẫy gọi, Nha Trang phố biển tôi yêu, Nha Trang thiên đường biển đảo, Nha Trang thiên đường nghỉ dưỡng, Nha Trang thiên đường hạnh phúc, Nha trang thiên đường của... thiên đường du lịch v.v...
Bãi biển Nha Trang
Còn đối với các tổ chức công ty du lịch trong nước, thì tất cả những cái gì được gọi là nét đẹp của thắng cảnh hữu tình Nha Trang, thì cũng đều phải nói rằng là rất đầy ấn tượng gợi cảm, nên thơ ngoại hạng. Và thực tế, là điều đó có lẽ quả không sai. Vì trước đây, Nha Trang cũng từng lại là một thành viên gia nhập vào tổ chức Câu Lạc Bộ của 29 vịnh biển đẹp nhất hành tinh cách đây từ hơn thập niên qua, năm 2003. Và cũng do là sở hữu của huy chương vinh dự đó, mà từ lâu, lúc nào Nha Trang cũng luôn luôn tìm cách khẳng định lại cái thế thượng phong về giá trị vai trò thiên đường du lịch của mình. Vả lại, nhờ với lợi thế bãi biển cát trắng nằm sát cạnh thành phố, khí hậu quanh năm trung bình 26 độ C, tràn ngập ánh sáng bốn mùa thích hợp về sức khỏe con người. Cho nên, hình ảnh yên bình của Nha Trang ngày nay đã trở thành thân quen với hầu hết tất cả mọi thành phần du khách xa gần từ khắp bốn phương trời từng đã có dịp tìm đến để viếng thăm, thư dãn, trải nghiệm những vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ mê hồn ở tại địa phương.
Vịnh Nha Trang
Ngược dòng thời gian dưới thời nước nhà chưa thống nhất, thì Nha Trang là cửa ngõ chính ăn thông từ miền Nam lên tận cao nguyên, cũng như được xem là thị xã trung tâm của đường giao thông huyết mạch nối liền giữa các liên tỉnh duyên hải miền Trung với thành phố Sài Gòn. Dạo ấy, bộ mặt sinh hoạt toàn thành phố Nha Trang hãy còn như khép kín khiêm nhường với hình ảnh của những dãy phố sá nhỏ hẹp, lưu lượng xe cộ lác đác không được nhiều, và khách bộ hành chỉ ra đường nhộn nhịp vào buổi sáng, buổi trưa. Cùng lắm là vào những buổi cuối tuần, sau khi dạo phố trên con đường Độc Lập đẹp nhất, thì họ thường tấp vào hai rạp chiếu bóng ở hai đầu đường để xem phim giải trí. Và hiếm hoi, phải nói là không có, nhìn thấy được cảnh dập dìu du khách nội địa lẫn nước ngoài liên tục đêm ngày tràn ngập vào các khách sạn, nhà hàng, bãi bể, khu vực vui chơi giải trí. Nhất là, hình ảnh hấp dẫn tươi mát của những người đẹp gọn gàng thướt tha trong trang phục miền biển gợi tình như thời buổi hôm nay.
Đường Trần Phú chạy dài theo ven biển
Đường đến Nha Trang, khi xưa đối với người dân ở đất phương Nam thường được xem như là nghìn trùng xa cách. Do vậy, dạo ấy hễ ai có dịp đi chơi đến đó trở về, thì thường được xem như là một kẻ phiêu lưu thừa phương tiện, mới có thể tận hưởng với cái thú vị chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên ở một nơi từng được mệnh danh là thiên đường du lịch xa hoa, đầy hấp dẫn lôi cuốn theo sự tò mò khám phá của con người. Bây giờ, Nha Trang là một địa điểm du lịch tươi trẻ, hiện đại hơn nhưng lại là của chung tất cả mọi người dân trong nước, hiện tại đã có được một đời sống tương đối khá hơn khi xưa. Cho nên, người ta tìm cách đi du lịch ở nơi đây rất thường xuyên. Họ đến bằng nhiều lộ trình cũng như bằng những phương tiện khác nhau, và thành phố thân thiện Nha Trang lúc nào cũng sẵn sàng túc trực đón chào tiếp nhận đầy đủ tất cả mọi thành phần du khách, từ thượng vàng hạ cám đã bỏ thời giờ để tới viếng thăm vẻ đẹp biển đảo địa phương. Và gần đây, cũng kể từ ngày con lộ ven biển tuyệt đẹp như tranh nối liền sân bay quốc tế Cam Ranh với thành phố Nha Trang được thực hiện đi vào hoạt động, thì ngày càng ngày người ta thấy con số lưu lượng xe cộ du khách từ Hồ Chí Minh ra Nha Trang thường sử dụng lộ trình giao thông nầy nhiều hơn, thay vì phải đi theo quốc lộ 1 theo ngã Diên Khánh.
Đoạn đường đẹp như tranh
Là thành phố biển trong sạch, nên thơ, hữu tình và đẹp nhất của Việt Nam, từ lâu Nha Trang được xem như là một thủ phủ du lịch có nền kinh tế tương đối phát triển với lợi tức bình quân của mỗi đầu người là 3.184 USD, và tăng trưởng GDP hằng năm là từ 13-14%, theo thống kê cách đây khoảng 4 năm. Theo tổ chức hành chánh cũ, mới thì Nha Trang vẫn hiện còn là trung tâm về chính trị, khoa học, kỹ thuật, kinh tế và văn hóa của tỉnh Khánh Hòa. Và vùng địa lý của tỉnh Khánh Hòa thì nằm ở phía Nam Trung phần, là một dải đất thuộc ven miền duyên hải trải chạy dài ra theo chiều dọc có núi rừng ngút ngàn, biển đảo bao la.
Bãi Dài ở Nha Trang
Thành phố Nha Trang chính thức trở thành đô thị loại 1 vào năm 2009, và có tổng thể diện tích tự nhiên là 251km² bao gồm cả 19 hòn đảo (đảo lớn nhất là Hòn Tre rộng 32,5km², đảo nhỏ nhất là Hòn Nóc 4ha), với dân số là 392.279 đầu người được điều tra thống kê sống trong 19 phường nội thành của 27 khu vực đơn vị hành chánh. Riêng về tổ chức thành lập các cơ sở khoa học và giáo dục thì ngày nay Nha Trang đã có được tất cả là 6 trường Đại Học, 8 trường Cao Đẳng, 10 viện Nghiên Cứu, 6 trường Trung Học phổ thông công lập và 6 trường Trung Học phổ thông tư thục. Nha Trang nằm kề bên vịnh Nha Trang, mà vịnh Nha Trang là một hình mẫu tự nhiên được thiên nhiên ban tặng cho địa phương nầy. Và người ta có thể nói rằng, đây cũng là một hệ thống vũng vịnh đặc biệt hiếm hoi trên thế giới có đa dạng sinh học, gồm cả nhiều hệ sinh thái diển hình của vùng biển nhiệt đới. Và cũng như, sự quy tụ được tính tự nhiên giữa thiên nhiên với xã hội con người qua các hình ảnh trực giác núi sông, vũng đầm, hải đảo, từ thành thị đến nông thôn.
Cầu Xóm Bóng
Thành phố Nha Trang nằm giữa hai vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh, cách thủ đô Hà Nội 1.280km, cách Huế 630km và cách Hồ Chí Minh 448km. Như vậy, lộ trình từ Hồ Chí Minh ra Hà Nội và khi đến Nha Trang thì kể như là đã đi qua được một phần ba đoạn đường. Dưới thời xa xưa khi người dân Nam bộ có được nghe câu ca dao U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường, Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua thì ở tại Khánh Hòa lúc bấy giờ heo hùm thú dữ vẫn hãy còn nhiều. Ngay cả vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ vừa qua cũng còn có rất nhiều loại thú rừng, đặc biệt nhất là cọp. Và hình như người dân Khánh Hòa nào cũng đều đã từng có được nghe qua câu ca dao của địa phương Mây Hòn Hèo, Heo Đất Đỏ, Mưa Đồng Cọ, Gió Tu Hoa, Cọp Ổ Gà, Ma Đồng Lớn (Cháy). Vùng đất Khánh Hòa ngày xưa là nơi nổi tiếng có nhiều cọp từng gieo bao sự hãi hùng cho đời sống của người dân sở tại. Chúng rất bạo dạn thường xuyên xuất hiện trên quốc lộ 1 đi ngang qua địa phận của dải đất Nha Trang, và thỉnh thoảng người ta thấy có những người đi đường gan dạ tìm cách bắt lấy cọp con lạc bầy đem ra chợ Đầm ngồi bán được các người Pháp cư ngụ tại đây mua về nuôi chơi ở trong nhà.
Dưới cái nhìn phong thủy, thì Nha Trang là một vùng đất phú quý thịnh vượng nhờ có những yếu tố gấm hoa "Tứ thủy triều quy tứ thú tụ" (bốn mặt nước bao quanh, bên trong có bốn ngọn đồi hình thú là rồng, voi dơi, rùa) làm lá chắn thiên nhiên bảo vệ yên lành cho thành phố biển ở tại địa phương nầy. Do vậy, cho nên ở vào thời kỳ trước hay sau chiến tranh thì Nha Trang lúc nào cũng vẫn lại là một thành phố mở mang phát triển tiên phuông hơn nhiều thành phố khác, thật đúng với ý nghĩa thực tế của một vùng đất lành chim đậu. Và người ta đã không ngạc nhiên khi từng nhìn thấy có nhiều thành phần con số người (nhất là ở cùng miền Trung) kéo đến Nha Trang tìm kế sinh nhai, cần cù lập nghiệp với một giấc mơ có thể thay đổi được cuộc đời. Ngoài ra, ngày trước còn có người cho là vùng đất Nha Trang đã tự nó hữu xạ tự nhiên hương, nhưng hương mà họ nói ở đây mới chính là hương thứ thiệt. Đó là trầm hương, và trong toàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều rừng già, mà hễ nơi nào có rừng già thì nơi ấy dều có trầm hương và kỳ nam thơm ngát. Do vậy, người ta đã không ngạc nhiên khi tìm thấy trong sử liệu về địa lý ngày xưa thường gọi vùng đất nơi nầy là quê hương của xứ Trầm Hương.
Cây trầm hương
Nha Trang thuở xưa có tên thổ âm là Ya Trang hay Ea Trang của Chiêm Thành, bị phát âm trệch ra thành Nha Trang khi người Việt Nam vừa đặt gót chân vào lập nghiệp mở mang canh tác, phát triển dinh điền ở tại lãnh thổ địa phương nầy vào năm 1653. Về địa lý, thì vùng đất Nha Trang được xem như là lòng chảo trong một thung lũng được vây quanh bởi ốc đảo, đạị dương và những núi cao của dãy Trường Sơn. Còn thành phố, thì được xây cất thành hình và phát triển theo ven bờ biển nhìn ra mặt nước bao la, ẩn hiện từ xa với những ốc đảo, mây ngàn. Về tổ chức hành chánh, thì thành phố Nha Trang cũng như huyện đảo Trường Sa đều thuộc tỉnh Khánh Hoà, mà Khánh Hòa là nơi có vùng đất liền (huyện Vạn Ninh) nhô ra biển khơi trong điểm cực Đông của tổ quốc. Do vậy người ta có thể nói rằng, nếu du khách nội địa nào muốn mình có một lần được trở thành là người đầu tiên được dịp chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên của mặt trời mọc trong ngày, thì hãy chuẩn bị chọn Nha Trang làm điểm đến trong một chuyến du hành.
Thông thường du khách vừa mới đến Nha Trang, thì ai nấy cũng đều muốn ra ngay bờ biển để đổi gió dưới hàng dừa, hàng dương soi bóng biển xanh. Vả lại, con đường Trần Phú nằm theo ven biển bây giờ cũng là một con đường chính và đẹp nhất ở trong thành phố với những công trình kiến thiết hiện đại. Nếu ngày trước từ chợ Đầm muốn đi đến hòn Chồng thì phải đi vòng qua quốc lộ 1 rồi băng theo đồi dốc quanh co ngoằn ngoèo mới tới được, thì bây giờ xóm Cồn nghèo khổ khi xưa không còn nữa, và người ta chỉ cần đi dài theo con đường ven biển nầy là đến nơi rất dễ dàng. Để rồi từ đó bước qua ghé thăm đồi La San, Tháp Ponagar được nhìn thấy kề bên.
Hòn Chồng là một quần thể đá thiên nhiên, do bị nước biển xâm thực vào chân núi tạo dáng làm thành những hòn đá nằm chồng chất lên nhau. Tại đây, khung cảnh yên tịnh, sóng vỗ nhẹ nhàng do nhờ có núi chắn gió từ xa rất thích hợp cho những ai muốn tắm biển ở chỗ vắng người.
Hòn Chồng
Còn Tháp Bà Ponagar là một ngôi đền Chămpa thì có vị trí nằm trên đồi Cù Lao ở cửa sông Cái cách chợ Đầm chừng 2km về phía Bắc (bên kia quốc lộ 1 nhìn xuống cầu Xóm Bóng) thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Trong các tỉnh miền Trung bây giờ đều còn sót lại rất nhiều di tích tháp Chàm, nhưng ít có ngôi tháp nào lại có được một vị trí đặc biệt như là trường hợp của tháp Bà Ponagar với tổng thể kiến trúc gồm có ba tầng, mặt tiền hướng ra biển Đông, và toạ lạc trên đồi cao nhìn xuống cảnh quan cận thành phố, đồng ruộng, cầu đường, sông biển đẹp tuyệt vời như tranh vẻ. Hằng năm tại đây đều có tổ chức ngày lễ hội Vía Bà để tạo dịp cho đồng bào địa phương duy trì tục lệ tưởng nhớ về nguồn cội tổ tiên, và cũng để tạo cơ hội biểu dương tình đoàn kết của các sắc dân cộng cư từ hàng bao thế kỷ đã trôi qua trên vùng đất nầy. Theo những bia ký còn sót lại, thì nhóm tháp Bà nầy được xây cất và tu bổ từ khoảng thế kỷ thứ VIII cho đến thế kỷ thứ XIII, thời kỳ vàng son của ảnh hưởng Ấn Độ giáo tràn ngập vào trong lãnh thổ Chămpa.
Tháp Ponagar
Lễ hội tháp Bà Ponagar
Để tranh thủ thời gian, du khách đến Nha Trang, sau khi tham quan tháp Ponagar và hòn Chồng thì có thể đi ngay thẳng đến cầu Đá để ghé qua lầu Bảo Đại rồi vào thăm Viện Hải Dương học xem muôn loài cá biển tuyệt đẹp đủ loại sắc màu..
Viện Hải-Dương học ở Nha-Trang
Và bến cảng cầu Đá nay đã được tân trang, để làm nơi xuất phát cho nhiều tuyến du lịch biển đảo ra tận hòn Miễu (nơi có thủy cung Trí Nguyên), hòn Mun, hòn Tằm, hòn Tre v.v những nơi có bãi tắm sạch, đẹp cùng với các trò chơi giải trí cảm giác mạnh như lặn biển ngắm san hô, cỡi mô tô nước, kéo dù bay, lướt ván, chèo thuyền Kayak, tham quan tàu đáy kính xem nhiều loài cá đủ sắc màu.
Thủy cung Trí Nguyên trên đảo Hòn Miễu
Đặc biệt, du khách sẽ còn có được dịp thưởng thức những trò chơi mới mẻ vô cùng hấp dẫn, mạo hiểm bằng những pha nước đẩy lên cao như là trò Fly board (ván bay), dù bay lượn làm cho người ta có cảm giác rằng mình đang trải nghiệm qua những giây phút đu đưa, bay lượn, hụt hẫng ở giữa không trung.
Fly board
Thú vui trên biển giũa trời nước
Nước biển Nha Trang trong xanh, gió biển Nha Trang không thường thổi mạnh làm cho sóng biển chỉ gợn lăn tăn phản chiếu nhấp nhô ánh mặt trời, xa xa là hậu cảnh có biển đảo nhô lên, mây bay lang thang trông ngây ngất lòng người đứng nhìn hoạt cảnh thiên nhiên kỳ thú dọc dài ven theo bờ biển. Bờ biển Nha Trang có nhiều bãi tắm cát mịn trắng phao rất đẹp kéo dài từ đầm Nha Phu cho đến khu du lịch sinh thái sông Lô, và đi ngang qua Lương Sơn, bãi Tiên, cầu Đá. Từ lâu, đã có nhiều du khách nước ngoài sành điệu từng góp ý kiến cho rằng thắng cảnh Nha Trang đẹp hơn hẳn thắng cảnh ở Phuket ở Thái Lan, ngược lại, họ rất tiếc rằng vì giá sinh hoạt tại Việt Nam nói chung là có phần đắt đỏ.
Trở lại vấn đề đặc biệt nói riêng về một thắng cảnh khác, là vịnh Vân Phong sẽ được xem như là trung tâm của các địa điểm du lịch ở Nha Trang trong tương lai, vì nhờ có đầy đủ những yếu tố quan trọng cần thiết cho một dự án khai thác quy mô. Dự án khai thác quy mô vịnh Vân Phong sẽ trở thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ thế giới, hiện nay đã được các nhà đầu tư nước ngoài đang nghiên cứu chương trình phát triển kinh tế đa ngành như thương mại, công nghệ và du lịch. Và về ngành khai thác du lịch sinh thái biển tại VN hiện nay, thì không có khu vực biển nào có được nhiều lợi thế kết hợp tự nhiên thuận tiện cho bằng ở vịnh Vân Phong. Vịnh Vân Phong từ lâu đã được Viện Nghiên Cứu Phát Triển Du Lịch Việt Nam, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (PNUD) và các chuyên gia của Hiệp Hội Du Lịch Thế Giới (OMT) cùng hội nghị, bàn thảo. Và đánh giá thừa nhận địa điểm ở địa phương nầy, là nơi hội đủ điều kiện tối ưu để phát triển du lịch thể theo tinh thần đúc kết của một kế hoạch điều nghiên dự án khả thi. Và đồng thời, cũng lạc quan với triển vọng cho rằng vịnh Vân Phong có nhiều ưu điểm để trở thành một trong những nguồn du lịch nghỉ dưỡng thích hợp đứng đầu ở quanh vùng Đông Nam Á.
Vịnh Vân Phong
Tại Nha Trang ngày nay hiện có rất nhiều loại hình thức du lịch, nghỉ dưỡng đang túc trực đón chào du khách. Ngoài thú vui tắm biển, du khách còn có thể chọn cách thể thao leo núi hoặc săn bắn dưới nước. Hay lần lượt mỗi ngày thay đổi một địa điểm tham quan các đền miếu, đảo biển như hòn Chuông, suối Tiên, suối Ba Hồ, Dốc Lết, chùa Long Sơn, nhà thờ Núi v.v... Đặc biệt là hòn Yến. Trước hết, phải nói cảnh quan ở quanh vùng biển của các đảo Yến đúng thật là một nơi thiên nhiên vô cùng hoang sơ, xinh đẹp. Đứng trên bãi cát trắng phao, mịn màng, người ta trông thấy cảnh tượng chim hải âu chao liệng rợp trời, và cũng rất dễ dàng nhìn thấy xuyên qua làn nước trong xanh từ những con cá, con sứa bơi lội cho đến rặng san hô sắc màu kỳ ảo. Còn vào hang Yến thì nhìn thấy vách đá cheo leo, chim Yến cả đàn bay qua lượn lại hoặc đang miệt mài làm tổ trên từng vách đá tạo thành một hoạt cảnh hết sức là ấn tượng. Và người ta có thể ví von, các đảo Yến nầy như là hình ảnh của một nàng công chúa thủy cung đang tuổi dậy thì xinh đẹp đang còn e lệ, nép mình giữa sóng nước trùng dương. Đảo Yến là cái tên chung, dùng để gọi cho tất cả hòn đảo nào có sự xuất hiện của loài chim yến trong các hang yến, và chúng thường làm tổ từ tháng 4 cho đến thág 9 hằng năm.
Đảo Yến
Bãi biển Nha Trang có chiều dài 5km nằm ngay tại trung tâm thành phố, bãi Tiên thì nằm kề bên chạy dài về hướng Bắc.Từ đây du khách muốn thay đổi bãi tắm, thì đi tới bãi Dốc Lết dài 4km rồi đến bãi Đại Lãnh dài 2km. Ngoài ra, du khách cũng còn có thể đăng ký theo các tuyến du lịch ra các đảo khác có nhiều bãi tắm và những rặng san hô rất đẹp như bãi Tre, bãi Trũ, Bích Đầm v.v... Hoặc muốn đi đến địa đầu ranh giới giáp tỉnh Phú Yên, thì từ bãi Đại Lãnh hãy bước sang qua tham quan vịnh Vũng Rô.
Trước năm 1994, thôn Vũng Rô là địa phận thuộc tỉnh Khánh Hòa và vịnh Vũng Rô là ranh giới thiên nhiên giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Trong thời kỳ còn chiến tranh trước năm 1975, thì vịnh Vũng Rô này chính là nơi đã từng xảy ra nhiều huyền thoại về hình tung ẩn hiện những con tàu không số bí mật chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam để chi viện chiến trường Tây Nuyên và Nam Trung bộ. Cảnh trí nơi đây xinh đẹp hòa huyện cảnh quan tàu hỏa, xe hơi chạy song song trên đèo Cả nhìn xuống Vũng Rô sóng vỗ nhẹ nhàng, lấp lánh ánh mặt trời như di động, xa xa là hình ảnh tàu cá của dân chài sinh hoạt dưới trời nước bao la.
Vũng Rô một thời huyền thoại
Là xứ biển, Nha Trang cũng có nhiều nguồn lợi thật là phong phú như các miền duyên hải khác. Ngoài việc đánh bắt, chế biến thủy, hải sản, địa phận Nha Trang cũng còn có một diện tích nuôi trồng thủy sản với tiềm năng và triển vọng tăng trưởng rất nhanh trong tương lai. Và hiện tại, trên đường ra thăm đảo khỉ ở đầm Nha Phu du khách cũng có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh sinh hoạt của dân chài trên những chiếc bè nuôi trồng thủy sản ở trong khu vực nầy.
Bè nuôi thủy sản của ngư dân trên đầm Nha Phu
Sau khi tham quan ở khu du lịch Nha Phu, nếu du khách không muốn đi đến suối nóng thiên nhiên ở Ninh Hòa để luộc trứng gà theo thói quen, thì có thể ghé ngang qua suối Ba Hồ để lội suối, leo núi, xuyên rừng tận hưởng một vẻ đẹp hoang sơ lý tưởng có một không hai của cả tỉnh Khánh Hòa, hoặc trở về tắm bùn khoáng với dịch vụ "Ôn tuyền thủy liệu pháp" ở cạnh tháp Bà Ponagar.
Suối Ba Hồ
Hay đi thẳng vào Diên Khánh, vì nơi đây có khu du lịch sinh thái Nhân Tâm và rất nhiều khu di tích lịch sử không nên bỏ qua trong cuộc hành trình khi đến địa phương nầy. Ngoài cổ thành đươc xây từ năm 1793 từ thời vua Gia Long, địa phương nầy còn có nhiều khu di tích lịch sử như đền thờ Trần Quý Cáp, chùa Thiên Lộc, nhà thờ Cây Vông, đền thờ nữ thần Thiên Y Ana, văn miếu Khổng Tử, và kề bên huyện Cam Lâm còn có mộ phần của nhà bác học Alexandre Yersin v.v...
Cửa Đông cổng thành Diên-Khánh
Tỉnh Khánh Hòa là một nơi có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, và nói riêng, thì địa lý quanh vùng Nha Trang là vùng đất bọc điều với những núi rừng, sông suối, biển đảo, vũng vịnh cùng với những bãi cát trắng tinh mà bất cứ nơi nào người ta cũng có thể được gọi là thắng cảnh. Do đó, khi một cá nhân du hành mới đến Nha Trang lần đầu tiên thì hơi có điều phân vân để soạn lộ trình thăm viếng, tranh thủ chỗ nào trước sau sao cho thích hợp với thời gian. Ngay cả trong thành phố cũng vậy, không gian của nhà trưng bày tranh thêu "XQ" Nha Trang cũng đã từng là một điểm hẹn văn hóa thanh lịch dành cho hầu hết mọi thành phần du khách. Và không có tour du lịch quốc tế nào khi dến Nha Trang, mà lại không có lịch trình đưa du khách vào đến đó để tham quan.
Hoặc giới thiệu với du khách về địa điểm của khu phố Tây ba lô, từ lâu đã được thành hình phát triển kể từ năm 1995 cho đến ngày hôm nay. Người ta có thể nói khu vực của các con đường Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Biệt Thự, Trần Quang Khải là một góc hẻm trong một góc phố nhỏ của một thành phố nào đó ở phương Tây. Thoạt đầu, trong phạm vi nhà cửa ở nơi đây chỉ có những người Pháp lảng vảng tay cầm cuốn sách Routard đi bách bộ trên lề đường, rồi lần lần theo thời gian năm tháng thì ở ven phố có mọc lên những tiệm cà phê. Còn bây giờ thì có nhiều nhà hàng bày bán với giá phải chăng đủ loại rượu, và thức ăn của người nước ngoài như Pháp, Ý, Hàn, Nhật, Ấn v.v... Khu phố Tây ba lô ở Nha Trang hiện nay là nơi hẹn hò hấp dẫn của rất nhiều thành phần du khách quốc tịch nước ngoài, và họ mau chóng tìm đến kết bạn trò chuyện với nhau thật là vui vẻ, tạo thành một phong cách văn hóa mới góp phần vào cho nét đẹp của thành phố Nha Trang. Theo tác giả được biết thì có những du khách nhất là các cựu chiến binh Đông Dương người Pháp, mỗi năm họ thường có đến Nha Trang một lần, và nghỉ dưỡng từ hai cho đến sáu tháng rồi mới chịu trở về xứ. Ngoài ra, còn có nhiều du khách quốc tế khác vốn có một dời sống tương đối ổn định, cho nên họ thích phiêu lưu mạo hiểm tìm đến với Nha Trang, và ở lại tại khu Tây ba lô nầy rất lâu. Cách đây hơn hai thập niên dài, vào lúc bấy giờ giá sinh hoạt còn tương đối rẻ, người dân địa phương thường có được dịp nhìn thấy có nhiều ông tây khệ nệ trên vai với chiếc ba lô nặng trĩu bạc màu ngồi ăn đường, nhưng mà ngủ ở bất cứ nơi nào có thể! Hơn thế nữa, khi ra chợ mua gì thì cũng biết kỳ kèo bớt một thêm hai, cho nên con buôn thường trêu ghẹo thì thầm với nhau bằng câu nói: - Tây ba lô chỉ xài đúng 12 đô một ngày.
Góc phố Tây ở Nha Trang
Tuy nhiên, dù thế nào thì ai nấy cũng đều công nhận là hiện nay Nha Trang còn thiếu có những trung tâm sinh hoạt văn hóa giải trí tầm cỡ cần thiết về đêm dành cho nhiều thành phần du khách, ngoại trừ Hòn Ngọc Việt. Vấn đề nầy, từ lâu cũng từng đã có rất nhiều du khách nước ngoài trực tiếp nói lên ý kiến nhận xét của họ sau chuyến tham quan. Bù lại, các quán ăn về đêm ở Nha Trang luôn luôn quảng cáo thân thiện mời tất cả thành phần du khách hãy cùng nhau nếm thử các món ăn đặc sản địa phương như nào là yến sào, cầu gai, nem nuớng, khô nai, vịt quay v.v... đúng theo câu nói quen tai của ngườI dân ở Khánh Hòa là: yến sào hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh.
Đối với một du khách vãng lai thông thường, thì những món ăn đặc sản nói trên ngồi ăn ở đâu cũng được. Ngược lại, còn đối với những kẻ thừa phương tiện đi lại với Nha Trang gần như quen thuộc, thì mỗi khi thèm tôm hùm, thì họ sẽ đi thẳng ra đảo Bình Ba để có dịp thưởng thức khẩu vị món ăn đúng theo ý nghĩa của địa phương. Đảo Bình Ba từng được mệnh danh là đảo Tôm Hùm, do có nhiều bè nuôi tôm hùm và ngư dân thường xuyên đánh bắt được những con tôm hùm to lớn. Bình Ba la một hải đảo được đưa vào khai thác du lịch gần đây nhất của tỉnh Khánh Hòa, và cảnh trí nơi đây còn thiên nhiên, hoang sơ, vắng vẻ, dễ dàng thu hút được du khách bốn phương bởi sự tĩnh lặng, yên bình giữa trời nước bao la. Hiện nay du khách nội địa sành điệu có xu hướng mới là đi tắm biển ở đảo Bình Ba, để có dịp thưởng thức món đặc sản tôm hùm ngon tươi ở địa phương mà lại có giá mềm. Và ngày nay, hễ một khi nghe người nào nói họ đi du lịch ở Cam Ranh, thì có nghĩa là họ sẽ đến với đảo Bình Ba nằm trong vịnh Cam Ranh và cạnh sân bay quốc tế Cam Ranh..
Đảo Bình Ba
Và cũng kể từ ngày sân bay Cam Ranh được tân trang hiện đại để phục vụ thỏa mãn nhu cầu quốc tế, và vịnh Cam Ranh đã được trùng tu khai thác mở mang trở thành một hải cảng tân kỳ, thì con số du khách nước ngoài đến thẳng với Nha Trang ngày càng một đông hơn, nhất là người Nga. Hiện tại, đã có một làng Nga ở tại bán đảo Cam Ranh.
Cần nói thêm là vịnh Cam Ranh hiện nay là một hải cảng dân sự của Việt Nam nhưng có yếu tố đặc biệt vô cùng quan trọng về mặt phát triển kinh tế, quân sự, quốc phòng. Và theo sự nghiên cứu của các chuyên gia chiến lược về quân sự quốc tế, thì nếu đem so sánh với vịnh Subic của Phi Luật Tân, thì vị trí của vịnh Cam Ranh vẫn có nhiều ưu thế hơn. Do vậy, người ta có thể nói rằng trong Thái Bình Dương, thì vịnh Cam Ranh là một nơi thật là lý tưởng nhất nhờ diện tích to rộng, và đặc biệt là địa hình có núi chắn gió, vũng nước sâu rất thuận tiện và thích hợp cho hầu hết tất cả loại tàu bè lợi dụng để tránh bảo, giao thương hàng hải quốc tế.
Vịnh Cam Ranh
Bờ biển Khánh Hòa có chiều dài khoảng 385 km, và có tất cả khoảng gần 200 hòn đảo. Nhưng hòn đảo sáng giá nhất là đảo hòn Tre, vì nó nhờ có vị trí đặc biệt là nằm trước mặt của thành phố Nha Trang. Ngày nay, cái tên địa lý dân gian hòn Tre nhiều khi đã bị vô tình lãng quên trong câu chuyện, bởi vì có sự hiện diện của một công trình nguy nga, tráng lệ tầm cỡ quốc tế đã mọc lên tại đó, và nó được đặt gọi dưới một cái tên rất mỹ miều, sang trọng khác. Đó là Vinpearl hay Hòn Ngọc Việt.
Vinpearl hay Hòn Ngọc Việt là một quần thể du lịch phải nói rất là tuyệt vời nhất của Việt Nam được xây cất thành hình, khánh thành vào năm 2003, và sau đó vẫn còn tiếp tục mở mang phát triển kiến tạo thêm nhiều công trình mới cho đến ngày hôm nay. Trong một diện tích lớn lao trên đảo hòn Tre đã được xây dựng lên nhiều công trình quy mô, hiện đại, và được thiết kế kiến trúc theo hệ thống độc lập với vị thế liên hoàn, hài hòa cảnh quan trong các khu vực. Ngoài Vinpearl Golf, Vinpearl Luxury Nha Trang, Vinpearl Resort Nha Trang là những khu vực hoàn mỹ, sang trọng có sân gôn 18 lỗ, bãi đỗ trực thăng, khách sạn 5 sao với đầy đủ dịch vụ thư dãn về du lịch thể thao, nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn thích hợp. Và tiện nghi, có tầm cỡ đẳng cấp quốc tế, nơi đây còn có thêm cả những bãi biển đẹp tuyệt vời có khả năng cầm chân du khách nấn ná ở lại kéo dài thời gian kỷ niệm.
Cảnh quan Vinpearl Golf
Cảnh quan Vinpearl Luxury
Cảnh quan Vinpearl Resort
Còn lại, Vinpearl Land là một khu công viên giải trí đặc sắc, hiện đại có đẳng cấp quốc tế nằm trong một diện tích ước tính gần bằng 200.000m2 với đầy đủ các trò chơi thể thao sẵn sàng đáp ứng thỏa mãn nhu cầu du khách từ ở khắp nơi tìm đến tham quan. Tại đây, ngoài các loại hình thức vui chơi nơi bãi biển còn có hồ tắm nước ngọt, máng trượt nước, suối nước, đu quay, trò chơi điện tử, rạp chiếu phim, phố mua sắm, làng ẩm thực, câu lạc bộ thể hình, khu massage spa, hệ thống nhà hàng hải sản, quán bar, karaoke, chùa Trúc Lâm, hội trường đa năng v.v... Và tùy theo ý thích cá nhân của mọi thành phần du khách, mà họ chọn lựa thú vui nào.
Cảnh quan Vinpearl Land
Tuy nhiên, có hai địa điểm chính mà không có người nào có thể bỏ qua; đó là Thủy cung và Nhạc nước. Thủy cung Vinpearl Land là một công trình hoành tráng, hấp dẫn du khách bằng hình ảnh của nhiều loài sinh vật biển đẹp rực rở muôn sắc màu được tập trung vào hồ nước lớn, và có lối di chuyển vào tham quan bằng thang cuốn. Trong lòng hệ thống đường hầm dòm đâu cũng thấy cảnh tượng toàn là nước, rong rêu và cá bơi lội hòa quyện lẫn nhau, làm cho người xem được thú vị bất ngờ, khi có cảm tưởng rằng mình đang du ngoạn dưới thế giới đại dương.
Thủy cung Vinpearl Land
Còn Nhạc nước Vinpearl thì thường được trình diễn ngoài trời vào buổi tối, trước khi kết thúc chương trình tham quan trong ngày của tất cả du khách. Đây là một màn trình diễn nghệ thuật hiện đại được kết hợp bằng với những hệ thống chuyển động nước, lửa phối hợp nhịp nhàng cùng với kỹ thuật sử dụng hiệu ứng kỳ diệu độc đáo của ánh sáng, âm thanh, để tạo thành một hoạt cảnh lunh linh vô cùng ngoạn mục.
Nhạc nước Vinpearl Land
Đặc biệt, là với những phút giây làm cảm khái được lòng du khách mà họ sẽ còn có ấn tượng nhiều hơn; đó chính là lúc du khách đang ngồi trên cabine của cáp treo kéo sang qua khu du lịch Hòn Ngọc Việt. Du khách sẽ có được dịp trải nghiệm qua toàn cảnh một bức tranh lung linh, ngập tràn trong ánh sáng về đêm. Và ban ngày, thì họ có thể dễ dàng phóng tầm mắt từ trên cao nhìn xuống biển xanh bao la, nhấp nhô hình ảnh của những con thuyền lênh đênh trên sóng nước. Hay lợi dụng thời gian để chụp ảnh, quay phim ốc đảo, mây ngàn, hoặc thành phố Nha Trang thanh lịch hiện ra sau bãi cát chạy dài.
Về thú vị khi đi cáp treo Nha Trang thì phải nói rất là ấn tượng, vì đó là một công trình tối tân có một không hai ở Việt Nam, và là một trong những hệ thống cáp treo hiện đại dài nhất trên thế giới. Với chiếu dài là 3km320, tuyến cáp treo vượt biển vịnh Nha Trang làm con thoi phục vụ đưa đón du khách từ cầu Đá qua hòn Tre đã chính thức được đưa vào hoạt động kể từ năm 2007, và từ đó cho đến nay đã đưa rước được con số hàng triệu triệu lượt khách đến tham quan khu du lịch Hòn Ngọc Việt.
Cáp treo qua khu du lịch Vinpearl
Tại Nha-Trang theo thông lệ cứ hai năm một lần là đều có tổ chức một ngày lễ hội Festival Biển, để nhằm mục đích tôn vinh giá trị nét đẹp địa phương, và cũng để xác định lại lợi thế chiến lược phát triển về du lịch biển đảo. Trong tháng 6 năm 2013 vừa qua, đây là lần thứ sáu mà thành phố này đã liên tục tổ chức ngày lễ hội Festival Biển Nha Trang cùng với sự tham dự nhiệt tình của hơn hai chục ngàn khán giả địa phương cùng du khách. Với chủ đề "Tiếng Vọng Biển Xanh", chương trình trình diễn văn nghệ quy tụ được gần có tới 500 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên cùng với nhiều thành phần đân chúng tham gia phụ diễn đã tạo nên được những hoạt cảnh vô cùng linh động, ngoạn mục.
Festival biển Nha Trang 2013
Đặc biệt là các tiết mục trong chương trình văn hóa nghệ thuật, triển lãm hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, một vùng hải đảo thiêng liêng tuy xa mà gần, thân thương nhất đã mang lại cho khán giả những hiệu ứng truyền cảm vô cùng sâu sắc. Và được họ nhiệt liệt vỗ tay reo hò hoan nghinh, cổ vũ.
Sân bay trên đảo Trường-Sa
Ngoài ra, trong hàng năm phố biển Nha Trang cũng còn có tổ chức nhiều lễ hội truyền thống khác quy tụ rất đông đảo cư dân địa phương cùng đến tham gia thật là náo nhiệt, vui vẻ. Nhất là vào dịp các lễ hội lớn như: lễ hội tháp Bà Ponagar, lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền, lễ hội Cầu Ngư - Hát Bả Trạo v.v...
Từ lâu, đối với những thành phần du khách có trình độ nhận thức cao, thì sơn kỳ thủy tú ở quanh vùng đất Nha Trang không chỉ ngoài nét gấm hoa của thắng cảnh biển đảo mà nó còn phải được tìm hiểu nhắc thêm về mặt lịch sử nhân văn, xã hội con người. Và anh hùng hào kiệt khi xưa đã từng có rất nhiều ở vùng đất Khánh Hòa, nói riêng về trường hợp đặc biệt xảy ra trong thời kỳ chống Thực Dân đô hộ của nhà chí sĩ Trần Quý Cáp (1870-1908). Trần Quý Cáp là một nhà cách mạng lỗi lạc, và cũng là một nhà thơ tầm cỡ từng sáng tác ra nhiều thể loại văn thơ chứa đựng ý lời sắt son thể hiện tình yêu nước, có tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng của từng lớp sĩ phu thời đại của những năm đầu trong thế kỷ 20. Sau khi thi đỗ cấp bằng tiến sĩ khoa Giáp Thìn, thì ông liên lạc với Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và các vị nhân sĩ yêu nước vào buổi bấy giờ để khởi xướng lên phong trào Duy Tân, nhằm mục đích để dấy lên một cuộc cách mạng mới với cương lĩnh đề ra là "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Ông sinh tại Quảng Nam, nhưng bị Pháp kết án tử hình ở tại Gò Sông Cạn, Diên Khánh. Cho nên ông được nhân dân đồng bào của tỉnh Khánh Hòa lúc nào cũng hãnh diện xem như là môt vị tiền hiền ruột thịt tôn kính của địa phương. Và thay phiên nhau chăm sóc phần mộ của ông cho đến khi được cải táng về quê hương nơi chôn nhau cắt rún. Riêng đền thờ ông bên cạnh Gò Sông Cạn, thì luôn luôn bao giờ cũng vẫn được người dân Khánh Hòa trân trọng tôn sùng, và chu đáo lo mọi việc khói hương với tất cả tấm lòng thành kính. Về tấm gương lẫm liệt của con người ái quốc khí phách hiên ngang nầy, khi người dân trong nước nghe được tin ông đã bị giặc hành hình, thì hầu hết tất cả mọi người đều tỏ lòng thương tiếc vô biên.
Anh hùng tử khí hùng nào tử, sự hy sinh của con người nghĩa khí vị quốc vong thân Trần Quý Cáp đã được nhà chí sĩ Phan Bội Châu hết sức tiếc thương, và có làm câu liễn đối nổi tiếng như sau:
"Ngọc toái bất ngõa toàn, tam tự ngục, hàn sơn hải khấp.
Hồng khinh nhi Thái trọng, thiên thu luận định, nhật tinh huyền".
..
"Ngọc nát hơn ngói lành, ba chữ ngục thành, khóc rền núi biển.
Lông hồng nhẹ mà non Thái nặng, nghìn năm luận định chói rạng trời sao".
Còn nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng trong lúc đang bị giam cầm tại nhà lao Quảng Nam, thì tưởng niệm ông bằng một bài thơ thật là cảm động:
Thư kiếm tiêu nhiên độc xuất môn
Nhứt quan thác lạc vị thân tồn
Trực lương tân học khai nô lũy
Thùy tín dân quyền chủng họa côn
Bồng đảo xuân phong huyền viễn mộng
Nha Trang thu thảo khấp anh hồn
Khả liên nhứt biệt thành thiên cổ
Ðà Nẵng phân trầm tửu thượng ôn
...
Gươm xách xăm xăm tách dặm miền
Làm quan vì mẹ há vì tiền
Quyết đem học mới thay nô kiếp
Ai biết quyền dân nảy họa nguyên.
Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng,
Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng,
Chia tay chén rượu còn đương nóng,
Ðà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.
Riêng nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, từ ở trong nhà tù Côn Đảo khi nghe tin ông bị Thực Dân Pháp hành hình thì cũng có bài thơ ngậm ngùi khóc Trần Quý Cáp:
Anh biết cho chăng hởi Dã Hàng!
Thình lình sóng dậy cửa Nha Trang
Lời nguyền trời đất còn ghi tạc
Giọt máu non sông đã chảy tràn
Tinh vệ nghìn năm hờn khó dứt
Đổ quyên muôn kiếp oán chưa tan.

Đền thờ và bia tưởng niệm Trần Quý Cáp
Trong lịch sử danh nhân, người hiền xưa nay góp phần điểm tô làm đẹp quê hương và nói riêng là của vùng đất Khánh Hòa, thì có lẽ trường hợp xảy ra khi đất nước còn chiến tranh hỗn mang gần đây nhất của vị tu sĩ tôn kính Thích Quảng Đức (1890-1963) sinh trưởng tại Vạn Ninh, Khánh Hòa là trường hợp lịch sử vô cùng đặc biệt nhất. Hòa Thượng Thích Quảng Đức là một bậc chân tu suốt đời hành đạo, vân du hoằng pháp ở khắp mọi nơi. Ngoài ba năm ở tại Nam Vang (Campuchia) để giáo hóa và nghiên cứu kinh điển Pali, thì Ngài còn đã có công xây dựng, trùng tu được tất cả là 14 ngôi chùa ở miền Trung, và 17 ngôi chùa ở miền Nam. Ngài từng giữ chức vụ Phó Trị Sự và Trưởng Ban Nghi Lễ của Giáo Hội Tăng Già Miền Nam. Trong mùa pháp nạn xảy ra, Ngài đã hiện thân Bồ Tát hy sinh tấm thân tứ đại để nguyện đem công đức cá nhân cảnh tỉnh bạo lực, cường quyền. Ngày nay người dân Nha Trang, nhất là nói chung của cả vùng đất tỉnh Khánh Hòa, hơn nơi vùng miền nào hết, không ai mà không tự hào tưởng nhớ khôn nguôi đến ngọn đuốc lịch sử vị pháp vong thân của Hòa Thượng Thích Quảng Đức xảy ra cách nay hơn 50 năm về trước. Ngài đã tự thiêu tại Sài Gòn đúng vào ngày 11/6/1963 để phản đối chính sách kỳ thị đàn áp tôn giáo, cũng như để lên án phản đối chế độc tài gia đình trị của chính quyền nhà Ngô tại miền Nam vào lúc bấy giờ.
Ngọn lửa Từ Bi của Ngài Thích Quảng Đức
Trong quá trình lịch sử của Phật giáo tồn tại trên hai ngàn năm trăm năm tại Việt Nam, người ta có thể nói rằng trường hợp của Hòa Thượng Thích Quảng Đức là người đầu tiên tự đốt cháy thân mình để bảo vệ chánh pháp. Sự hy sinh cao cả đó từng đã được hầu hết nhân dân trong nước hết sức lấy làm kính phục. Và một nhà thơ lớn nhất của miền Nam vào lúc bấy giờ, là thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đã có làm một bài thơ tựa đề "Lửa Từ Bi" bằng với tất cả những ý lời súc tích vô ngần thật là cảm động.
Lửa Từ Bi
(Kính dâng lên Bồ tát Quảng Ðức)
Lửa! lửa cháy ngất tòa sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành THƠ, quỳ cả xuống.
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Ðông Tây nhòa lệ ngọc
chắp tay đón một Mặt trời mới mọc
ánh Ðạo Vàng phơi phới
đang bừng lên, dâng lên.
Ôi! Ðích thực hôm nay trời có mặt;
giờ là giờ Hoàng đạo nguy nga!
Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt
nhìn nhau: tình Huynh đệ bao la.
Nam mô Ðức Phật Di Ðà
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ
NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày
bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây;
gọi hết lửa vào xương da bỏ ngõ,
Phật Pháp chẳng rời tay.
Sáu ngả Luân hồi đâu đó
mang mang cùng nín thở,
tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh xe quay.
Không khí vặn mình theo
khóc òa lên nổi gió;
NGƯỜI siêu thăng
giông bão lắng từ đây.
Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây,
nhân gian mát rợi bóng cây Bồ-Ðề.
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc
lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi;
chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác
trong vô hình sáng chói nét Từ Bi.
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?
ngọc đá cũng thành tro
lụa tre dần mục nát
với Thời gian lê vết máu qua đi.
Còn mãi chứ! Còn Trái Tim Bồ Tát
gội hào quang xuống tận ngục A tỳ.
Ôi ngọn lửa huyền vi!
thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác
từ cõi Vô minh
hướng về Cực lạc;
vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác
và chỉ nguyện được là rơm rác,
THƠ cháy lên theo với lời Kinh
tụng cho Nhân loại hòa bình
trước sau bền vững tình Huynh đệ này.
Thổn thức nghe lòng trái Ðất
mong thành quả Phúc về cây;
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật;
đồng loại chúng con
nắm tay nhau tràn nước mắt,
tình thương hiện Tháp Chín Tầng xây.

Đài tưởng niệm Hòa Thượng
Thích Quảng Đức tại Hồ Chí Minh
Đất Khánh Hòa ngoài ra còn có một nhân vật lịch sử rất là đặc biệt nổi tiếng, từ lâu đã đi vào huyền thoại. Đó chính là bác sĩ Alexandre Yersin. Ông là một người Pháp trầm lặng ở Việt Nam mà cũng là một người bạn tốt của Việt Nam, một nhân vật sáng giá về khoa học của thế giới đã sớm tìm ra được vi trùng Yersinina Pestis, và nhờ đó mà loài người đã tránh khỏi được đại họa khủng khiếp của bệnh Dịch Hạch lan tràn khốc liệt. Và hình ảnh của Ông Năm hiền đức, thủy chung luôn luôn bao giờ cũng vẫn được dân bản địa xem như là một người thân thuộc gần gũi, quý mến trong đại gia đình của thành phố Nha Trang. Ông là một người Pháp gốc Thụy Sĩ từng sống ở tại thành phố Nha Trang nầy trên nửa thế kỷ để chuyên tâm nghiên cứu về khoa học, và Ông Năm là cái tên thể hiện tình gia đình chứa đầy mọi sự thân thương mà người dân tại Nha Trang đã trân trọng đặt cho ông.
Sự kiện mới xảy ra gần đây nhất, là trong cuốn tiểu thuyết "Yersin: Peste và Choléra" của nhà văn Patrick Deville ở Pháp cũng đã từng thừa nhận "Yersin nổi tiếng ở Việt Nam nhiều hơn là ở Pháp hay Thụy Sĩ". Và ngay như lời tựa trong bản dịch của cuốn sách nầy, thì chính ông Đại sứ Pháp tại Việt Nam là Jean Noel Poirier cũng đã có viết "Nếu như có một người Pháp được tất cả mọi người ở Việt Nam đồng lòng khi nhắc đến, thì đó chính là Alexandre Yersin". Đây là trường hợp của những chứng từ nhận xét thật hoàn toàn chính xác, vì Yersin là một người phương Tây đầu tiên, có lòng yêu mến đất nước Việt Nam bằng với tất cả tâm hồn cao đẹp của mình, khi ông đã quyết định chọn mảnh đất Nha Trang làm quê hương thứ nhì để yên nghỉ nghìn thu. Dưới con mắt của người Việt Nam thì ông là một nhà bác học, một nhà thám hiểm (Yersin là người đầu tiên khám phá ra cao nguyên Lang Biang), một nhà thiên văn học và thủy văn học, một nhà kinh doanh, một nhà cơ khí, một nguời có công du nhập cây cao su và cây canh ki na vào trồng ở VN. Ngoài ra, ông còn là người sáng lập và cũng là Hiệu Trưởng đầu tiên của Trường Y Khoa Đông Dương (tiền thân của Trường Đại Học Y Khoa Hà Nội), thành lập Viện Pasteur Nha Trang, và xây dựng nên thành phố Đà Lạt. Còn đối với người dân Khánh Hòa, và nói riêng là của Nha Trang, thì Yersin là hình ảnh của một Ông Năm nghiên cứu khoa học hiền đức, từ bi, hòa đồng với cuộc sống bình dân, giản dị, nhân hậu vô biên ngay với cả loài động vật chim muông cầm thú. Một người bạn khả kính, luôn tìm cách gần gũi trực tiếp vào trong cuộc sống với người dân sở tại. Hiện nay, trên đất nước Việt Nam cũng đã có nhiều thành phố lớn vinh dự chọn lấy tên ông để đặt tên cho những con đường. Riêng tại Khánh Hòa có ba khu tưởng niệm bác-sĩ Alexandre Yersin ở ba địa điểm khác nhau là Thư viện Alexandre Yersin tại Viện Pasteur Nha Trang, Chùa Linh Sơn Diên Khánh và Phần mộ của ông ở tại Cam Lâm.
Dưới đây là bộ tem đánh dấu kỷ niệm 100 năm, bác sĩ Alexandre Yersin tìm ra vi khuẩn dịch hạch Yersinina Pestis, và đã được Bưu chính Việt Nam phát hành vào năm 1994.
Alexandre Yersin (1863-1943)
Và nơi yên nghỉ nghìn thu của người hiền
Trong suốt thời kỳ còn chiến tranh, vì lý do an ninh cho nên du khách đến Nha Trang đã bị giới hạn rất nhiều về sự đi lại thăm viếng các danh lam thắng cảnh ở tại địa phương. Còn đài phát thanh Nha Trang hồi đó, thì mỗi buổi sáng luôn luôn đánh thức giấc họ mở đầu bản nhạc bằng tiếng hát - Nha Trang là miền quê hương cát trắng, có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa **... rồi tiếp liền theo là hình ảnh của những tháp Bà, hòn Chồng, cầu Đá nên thơ... được vang lên như nhắn gửi bản tin cho du khách khi đến đây thì chớ có quên bỏ qua ghé thăm viếng ở các nơi này. Thêm vào bên cạnh đó, các quầy hàng lại cũng còn có bán cả những tấm carte postale với hình ảnh cảnh sắc biển khơi, hải đảo kèm theo vỏn vẹn mấy câu thơ gợi cảm: Nha Trang phong cảnh hữu tình. Trời in đáy nước nước in da trời. Non xa xa tít mù khơi. Biết ai tâm sự ngỏ lời cùng ai.
Và thực tế vào lúc bấy giờ, thì Nha Trang làm gì có hình ảnh của các khu vui chơi giải trí hoành tráng, đường sá phố phường đẹp sạch khang trang, các hải đảo chưa được khai thác du lịch. Và đặc biệt làm làm gì có được Hòn Ngọc Việt, một công trình kiến trúc phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí văn minh hiện đại, đặc sắc quy mô, có tầm cỡ quốc tế nhô lên từ dưới đại dương, được người dân Nha Trang hết sức lấy làm tự hào, hãnh diện như ngày hôm nay. Và bộ mặt của thành phố Nha Trang hiện nay sở dĩ đã được rất nhiều thành phần du khách nước ngoài, nói riêng, chọn làm nơi nghỉ dưỡng, là do nhờ có nhiều điều kiện thích hợp với cuộc sống văn minh hiện đại. Do vậy, cho nên mỗi khi trước phút tạm biệt Nha Trang thì phần đông hầu hết tất cả du khách đều không khỏi chạnh lòng ấn tượng, về hình ảnh của một vùng địa phương từng được mệnh danh là rừng Trầm bể Yến có phố biển yên bình, tình người thân thiện.
Chính người con út của vua Duy Tân, là hoàng tử Vĩnh San Joseph cùng phu nhân từ nhiều năm qua cũng đã trở về Việt Nam. Và sinh sống hẳn ở tại Nha Trang, cùng với niềm tâm sự tận đáy lòng của ông là mong được mọi người nhìn nhận mình như một người Việt hơn là một Việt kiều.
Ngoài ra, ở Nha Trang một dạo còn có hai khuôn mặt phái nữ thường được người dân địa phương nói đến nhiều nhất là Nữ sĩ Tưong Phố (nhà văn Đỗ Thị Đàm) và Hoa hậu Thu Trang (nhà văn, Tiến sĩ Sử học Công Thị Nghĩa). Nữ sĩ Tương Phố là người sinh trưởng tại Bắc Giang, nhưng sau đó thì đã có một thời gian vào sinh sống tại thành phố Nha Trang. Còn nghệ sĩ điện ảnh Thu Trang là người sinh trưởng tại Hà Nội, sau đó vào sống ở Sài Gòn, và trường hợp hình ảnh Thu Trang được gắn liền vào thành phố Nha Trang là do bởi có một nguyên nhân thú vị. Số là sau khi cuốn phim "Chúng Tôi Muốn Sống" ra đời và có một đoạn quay trong trại quân đội ở Nha Trang, thì không hiểu sao lúc bấy giờ lại cũng có nhiều tiệm ảnh ở địa phương trưng bày những hình mẫu của diễn viên điện ảnh Thu Trang tuyệt đẹp trong tủ kính. Sự kiện nầy khiến cho một số không ít người khi thoáng qua, thì cứ nghĩ thầm rằng giai nhân nầy là người ở chính cống ở tại địa phương thanh lịch. Vả lại, người ta cũng còn được biết là người đẹp Thu Trang trong thời gian đó cũng đã có tham gia đóng một vai trò diễn viên xuất hiện trong cuốn phim nói trên.
Hơn thế nữa, ngôi sao màn bạc Thu Trang này ngoài ra lại cũng còn là người được vinh dự, từng đã đoạt giải đăng quang "Hoa hậu Lambretta" xảy ra trong đêm chung kết vào ngày 20/2/1955 tại Sài Gòn. Đây là một cuộc tổ chức thi hoa hậu lần đầu tiên, mở đường cho các cuộc tổ chức thi Hoa Hậu Việt Nam từ đó cho đến sau này.
Miss Thu Trang
(Hoa hậu Lambretta 1955)
Ngày nay, ở trong nước hằng năm đều có tổ chức nhiều hình thức thi hoa hậu như nào là: Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hâu du lịch Việt Nam, Hoa hậu thể thao Việt Nam, Hoa hậu đại dương Việt Nam, Hoa hậu phu nhân Việt Nam, Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh, Siêu mẫu Việt Nam.
Và đặc biệt, là Việt Nam cũng từng đã có tham gia đăng cai tổ chức thi Hoa Hậu Hoàn Vũ. Cách đây 7 năm, Nha Trang từng là nơi được chọn làm địa điểm cho cuộc thi Hoa Hậu Hoàn Vũ năm 2008.
Các thí sinh trong cuộc thi Hoa Hậu 
Hoàn Vũ 2008 tại Vinpearl Land Nha Trang
Và vương miện Hoa Hậu Hoàn Vũ lần thứ 57 kỳ đó đã lọt vào tay của cô Dayana Mendoza sinh năm 1986, quốc tịch Venezuela. Người đẹp đăng quang nầy nguyên là một cô gái chân dài từ lâu được nổi tiếng, từng có thành tích hợp tác với nhiều thương hiệu thời trang thượng thặng quốc tế của Ý Đại Lợi như là Versace, Roberto Cavalli, Max Mara.
Miss Dayana Mendoza
(Hoa Hậu Hoàn Vũ 2008)
Tại Việt Nam ta có rất nhiều thắng cảnh du lịch, nhất là vịnh Hạ Long một đại kỳ quan thiên nhiên từ lâu đặc biệt vô cùng nổi tiếng ở khắp nơi nơi như mọi người đều biết. Thứ nhì là thắng cảnh Nha Trang, một vùng đất đai, biển đảo nằm trong vị trí rất thuận tiện về mặt giao thông cho du khách bốn phương tìm đến tham quan. Và với ưu thế là trung tâm điểm đến du lịch ở vùng Đông Nam Á, thành phố Nha Trang trong tương lai sẽ còn có nhiều hứa hẹn hấp dẫn du khách quốc tế tìm đến ngày càng một đông hơn vì sự quyến rũ huyền ảo lạ kỳ tự nhiên của cảnh quan sở tại. Hơn thế nữa, là nếu ngày nay Đà Nẵng có bãi biển Mỹ Khê, Phú Quốc có bãi Dài, Côn Đảo có bãi biển hoang sơ từng được các tạp chí kinh tế, hãng tin du lịch hàng đầu hoàn vũ như Forbes, Travel và Leisure, ABC News bình chọn đánh giá xem như là một trong những nơi có sức quyến rũ nhất hành tinh. Còn trong quá khứ, thì Nha Trang cũng đã từng đi trước hơn một bước khá dài, khi vinh dự được bình chọn là một trong những nơi có vịnh biển đẹp nhất trên trái đất. Trong tương lai, nét đẹp của vịnh biển Nha Trang hãy còn vươn ra tận cả biển đảo Trường Sa* cùng chung địa phận Khánh Hòa. Đây là một quần đảo máu thịt thiêng liêng vô cùng xinh đẹp của đất nước Việt Nam nằm giữa bể khơi, ngay trục giao thoa hàng hải quốc tế từng đã được các tổ chức thẩm quyền thực hiện tham quan, để nhằm nghiên cứu về chương trình mở rộng tầm khai thác du lịch địa phương trong những thời gian sắp tới đây.
Tuy nhiên, ngay bây giờ thì Nha Trang cũng đã nằm trong trục tứ giác du lịch phong phú, đầy triển vọng tiềm năng gồm có thành phố Nha Trang - Đà Lạt - Hồ Chí Minh - Vũng Tàu. Và sự kết hợp nầy về lâu, về dài sẽ được xem như là một chương trình tổ chức du lịch truyền thống có khả năng đáp ứng đúng nhu cầu khám phá của du khách (nhất là người nước ngoài), bằng với những sắc màu cảnh quan kỳ ảo thiên nhiên cũng như về văn hóa, xã hội, con người.
Ngoài ra, nó cũng còn có tác dụng là sẽ mang lại cho đất nước một hình ảnh thân thiện, hòa bình, tự tin, đầy khởi sắc, để giới thiệu dáng đứng quê hương Việt Nam ra toàn thế giới.
* Hiện nay tại quần đảo Trường Sa có ba hòn đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao đã bị Trung Quốc thôn tính vào năm 1988. Riêng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thì bị Trung Quốc thôn tính vào năm 1974.
** Nguyên văn bài hát Nha Trang:
Nha Trang
Sáng tác:
Nhạc: Minh Kỳ
Thơ: Hồ Đình Phương

Tiếng hát: Hương Lan
Nha Trang là miền quê hương cát trắng
Có những đêm nghe vọng lại
Ầm ầm tiếng sóng xa đưa
Nha Trang cảnh đồng bao la bát ngát
Hương quê dâng lên ngào ngạt
Hòa cùng sức sống yên vui.
Nha Trang cảnh đẹp nên thơ khiến nhớ
Bao năm du khách hằng chờ
Một ngày ghé đến Nha Trang
Ai ơi người về cho ta nhắn với
Nha Trang quê hương dịu hiền
Ngàn đời lòng tôi mến yêu.
Còn đâu những chiều vui xưa
Còn đâu những chiều say sưa
Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông.
Còn đâu đá Chồng bơ vơ
Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ.
Nha Trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát
Ai qua không quên để lại
Một vài luyến tiếc xa xôi
Ai ơi người về cho ta nhắn với
Nha Trang quê hương dịu hiền
Ngàn đời lòng tôi mến yêu. 
Nha Trang - Hương Lan - NhacCuaTui
Nha Trang - Hạt Sương Long Lanh
Nhạc: Minh Kỳ - Thơ: Hồ Đình Phương
 Tiếng hát: Hoàng Hoa
Nhớ Nha Trang 
Sáng tác: Minh Kỳ - Hồ Đình Phương 
Tiếng hát: Ka Lang
Xuân Ất Mùi 2015
MAI LÝ CANG
Theo http://chimvie3.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn Lê cả đời Chí Thụy

Văn Lê cả đời Chí Thụy Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày nhà thơ, nhà văn, đạo diễn Văn Lê - Lê Chí Thụy (1948-2020) từ giã cõi trần, Văn Học Sài ...