Mồng 5 tháng 9 2007 lại sắp đến!.
Ngày 5 tháng 9 đối với dân tộc Việt Nam hiếu học đã thành một ngày dành cho nghi thức Học, thể hiện thành một cuộc đại trình diễn: các bậc phụ huynh là cán bộ hành chính thì trốn việc cơ quan, nông dân thì bỏ việc đồng áng (công nhân đành phải đi làm nếu không sẽ bị đuổi việc) để dắt con đến trường vào lớp 1 và vào những lớp khác.
Hôm nay trên mạng báo Tuổi trẻ là bức ảnh trẻ em lớp 1 tươi tắn còn hơn cả búp trên cành. Và một ý nghĩ từ lâu day dứt nay bỗng lại thôi thúc nghĩ ngợi: những em bé thiên thần kia, những đứa nhỏ suốt sáu năm đầu đời đều bộc lộ những phẩm chất của những hạt giống tuyệt vời kia, hỡi ôi! - ngoại trừ một tỉ lệ ít ỏi - bầy em bé đó cứ lớn dần lên với 12 năm học đường để trở thành những trang thiếu niên ngớ ngẩn về khoa học và kỹ thuật, những người Việt Nam nói và viết không sõi tiếng Việt và mù tịt lịch sử nước nhà, những công dân ấp úng trước mọi vấn đề gai góc của Tổ quốc và Nhân loại.
Xã hội luận bàn đã nhiều và không sao đồng thuận nổi về những giải pháp cho một cuộc đại Cải cách Giáo dục, là cái địa hạt không cho phép con người phạm sai lầm. Giáo sư N.V.H., người từng nóng ruột xin ứng cử chân Bộ trưởng, thường khuyên tôi: “Các anh nói chuyện triết học cao siêu, không trúng đâu. Em tập trung vào chuyện tiền nong, cực kỳ nhạy cảm, may ra mới giải quyết được vấn đề”. Và giáo sư đó đã có nhiều bài viết, dẫn đến nội dung một số cuộc thanh tra. Thế mà, gần đây nhất, bị tai nạn gãy cẳng, giáo sư đó gọi điện cho tôi: “Thôi, em chịu thua rồi, em tập trung vào chuyên môn hẹp thôi”.
Thế mà, vẫn bướng bỉnh như thường lệ, bài viết này - như 80 đến 90 phần trăm nội dung các bài đã viết - lại vẫn nói đến cái gốc triết học cho một cuộc Cải cách Giáo dục, tại sao?
Cải cách bậc đại học và cải cách hệ giáo dục phổ thông
Nền giáo dục của một quốc gia có hai phần: giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục phổ thông. Nền giáo dục phổ thông là bắt buộc, “bắt buộc” hiểu theo nghĩa là, trong mọi thời đại - đặc biệt là trong thời đại công nghiệp hóa và hậu công nghiệp hóa - mỗi công dân cần có hành lý vào đời tối thiểu để có thể sống hài hòa trong nền văn minh đương thời. Nền giáo dục chuyên nghiệp thì không bắt buộc, đó là sự lựa chọn của những con người tự nhận thấy trách nhiệm phải học sâu hơn xa hơn để tham gia thúc đẩy phát triển nền văn minh đương thời.
Công cuộc cải cách ở bậc đại học tưởng như là khó, nhưng thực ra là không khó lắm (dĩ nhiên, không thể coi là dễ). Toàn bộ công việc cải cách bậc đại học bắt đầu từ một cái nút bấm, ngay sát nút bấm đó có ghi rõ hai chữ tạo thành một từ: Tự Chủ. Cần gì đâu mà phải rắc rồi đối với bậc học này! Hãy để cho các trường được tự do trong kế hoạch tuyển sinh và lập chương trình đào tạo, thế rồi thị trường nhân công bậc cao sẽ gửi lại thông điệp phản hồi cho họ để họ tự điều chỉnh.
Trong hệ thống đại học cải cách chỉ có một ngoại lệ, đó là các trường sư phạm. Các trường sư phạm không thể hoàn toàn tự chủ, hiểu theo nghĩa là không thể hoàn toàn tự do trong chương trình đào tạo. Sau phần học “liên thông” với chương trình khoa học cơ bản giống như tại tất cả các trường đại học khác, chương trình đào tạo của trường sư phạm sẽ phải đi theo một định hướng có thể gọi tên dài dòng là nơi thể hiện những thành tựu nghiên cứu mới nhất đối với cách học của trẻ em. Chương trình môn Toán hoặc môn Tiếng Việt chẳng hạn sẽ không còn là Toán hoặc Tiếng Việt thuần tuý, mà là môn Toán và Tiếng Việt được thiết kế để dạy cho một lớp nhất định trong một bậc học nhất định. Có đi sâu hơn, “đại học” hơn, thì cũng chỉ để hiểu cho thấu đáo hơn cái/các bản thiết kế mang tính thực hành kia.
“Sư phạm đi trước một bước”
Biết bao nhiêu năm qua, người ta hô hào trường sư phạm phải đi trước một bước! Nhưng hô hào chỉ là hô hào suông. Gần đây nữa lại hô hào “lấy trẻ em làm trung tâm” thay cho “lấy bục giảng làm trung tâm”. Nhưng công việc vẫn chỉ là hô hào. Nguyên nhân: không có một hệ thống nghiên cứu và thực nghiệm cách làm thế nào để trường sư phạm đi trước một bước đào tạo ra những giáo viên đủ sức thực thi đường lối lấy trẻ em làm trung tâm.
Lấy trẻ em làm trung tâm không có nghĩa là chiều chuộng, hôn hít, coi trẻ em là “cái rốn của vũ trụ”. Hiểu theo khái niệm khoa học, lấy trẻ em làm trung tâm là coi trẻ em là những thực thể hoạt động, là tổ chức cho những thực thể đó tự chiếm lĩnh các đối tượng học tập do đó mà biến công cuộc giáo dục vốn vẫn quen để cho giáo viên tiến hành từ trên xuống thành công cuộc tự giáo dục.
Thực ra, từ năm học 1978-1979 ở Việt Nam đã có một cơ sở nghiên cứu và thực nghiệm một nền giáo dục phổ thông theo hướng đó. Cơ sở đó ban đầu không có tên, cứ gọi nôm là “trường thực nghiệm Giảng Võ”. Đó là một công trình mang dụng ý khoa học làm cho lý thuyết cao siêu về giáo dục trở nên hiển nhiên trước mắt một công chúng - trong đó có nhiều “nhà khoa học” - đã quá xa lạ với những vấn đề lý thuyết đích thực, đã bắt đầu hư hỏng đi trong sự giành giật bằng cấp và đã quá quen thuộc với những sự vật mang giá trị trung bình được nống lên thành cao siêu.
Ý đồ tạo ra một demonstration plot - khoảnh ruộng làm mẫu - đã có tác dụng. Nhiều nhà khoa học cho con em vào đây học. Nhiều cán bộ cấp cao ở Bộ Giáo dục cũng cho con em vào đây học1. Từ năm 1985-1986, bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình là người thực sự cầu thị đã cho phép cơ sở này mở rộng ra những tỉnh nào “có nhu cầu”. Trường thực nghiệm Giảng Võ được có mặt ở 13 tỉnh. Năm 1990, hệ thống này được Nhà nước nghiệm thu, đổi tên thành Công nghệ Giáo dục. Tiếp đó, cho tới năm học 1994-1995, Công nghệ Giáo dục đã có mặt ở 43 tỉnh và thành phố. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, nó có trên 60 phần trăm học sinh lớp 1. Trong hai mươi lăm năm hoạt động, tổng chỉ phí cho Công nghệ Giáo dục tương đương với mười nghìn đô-la. Cái nguyên tắc cao siêu “về khoa học, trẻ em đi lại con đường nhà khoa học đã đi” được “dẫn chứng” ngay trên thực địa. Trẻ em học tiếng Việt ở lớp 1 đúng là đã đi lại con đường các nhà nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt đã đi. Các em không bị đâm bổ vào và bị nhồi sọ với chữ i chữ t, với chữ o chữ c hoặc như về sau này chữ e chữ b, mà giống như nhà ngữ âm xuống thực địa, phân tích lời nói thành những tiếng đơn âm, rồi từ những tiếng đơn âm đó tìm ra cấu tạo của tiếng [ba] khác tiếng [loa] khác tiếng [lan] và khác tiếng [loan] và tự các em tìm cách ghi lại để tự đọc tất cả các văn bản viết các em bắt gặp.
Nền tảng triết học gì?
Giáo viên các tỉnh nhập Công nghệ Giáo dục thích dạy theo quy trình này, vì công việc “giảng dạy” chỉ là giao việc và làm mẫu cho học sinh; còn học sinh thì thông minh hơn, không cần học thêm, không cần “phụ đạo”. Thành tựu rõ rệt nhất là ở vùng dân tộc thiểu số: ở đây, cha mẹ học sinh không sao giúp nổi con em “học thêm”, nhưng chỉ cần 7 tháng các em lớp 1 đã đọc và viết tiếng Việt thành thục. Cán bộ chỉ đạo cũng thích Công nghệ Giáo dục vì công việc thanh tra rất đơn giản: giáo viên nào không thực hiện đúng thiết kế thì lộ ra ngay, khiến cho giáo viên nào cũng thấy thà tự giác còn hơn gian dối. Quan hệ thày trò cũng thay đổi vì hệ thống Công nghệ Giáo dục làm cho trẻ em cùng tham gia hoạt động học, khó mà có học sinh “cá biệt” khiến cô giáo phải cáu kỉnh đến độ bắt liếm ghế!
Thế mà, đùng một cái đầu thiên niên kỷ này, Công nghệ Giáo dục bị buộc phải ngừng, để cho cái gọi bằng chương trình năm 2000 thay thế, thể theo một nghị quyết chỉ cho phép trên nước Việt Nam chỉ có một bộ sách giáo khoa. Công nghệ Giáo dục duy trì một “chốt” ở Hà Nội, tập trung “rèn cán chỉnh quân”, và chờ những vùng khó khăn kêu cứu. Thật vậy, một bộ sách giáo khoa tiểu học ngớ ngẩn vẫn tồn tại được ở các trung tâm văn hoá cao: tại đây cha mẹ học sinh dạy thay được cho giáo viên. Nhưng ở miền núi và vùng xa xôi hẻo lánh thì sự thể sẽ khác… Quả nhiên, sáp tới năm học 2005-2006 thì tỉnh Lào Cai đề nghị Công nghệ Giáo dục hãy quay trở lại. Có kẻ xấu tìm cách hãm hại trẻ em và đã ngăn cản được một năm học. Tôi có thể kể lể chi tiết chuyện này và nhiều chuyện khác. Nhưng tôi cần tự kiềm chế đi đúng lề đường bên phải. Bên trái đường và giữa lòng đường có những điều bất bằng, thà mang tiếng ngu và hèn nhưng ở bên này an toàn hơn. Cuộc đời dẫu sao cũng vẫn công bằng: năm học 2006-2007 Công nghệ Giáo dục lại trở về với các em dân tộc thiểu số Lao Cai. Một năm học các em đại thắng. Vì qua năm học sau các em lại tiếp tục đến được với một công cuộc Cải cách Giáo dục đích thực có một nền tảng triết học đích đáng.
Nền tảng gì? Lấy trẻ em làm trung tâm. Nhưng còn phải có những giải pháp nghiệp vụ dựa vào cách học của các em để tổ chức quá trình các em chiếm lĩnh đối tượng học. Một quá trình tự giáo dục. Chuyện này khó hơn chuyện cải cách ở bậc đại học nhiều! Không nhìn rõ chân lý đó nhất định sẽ lại “cải cách” qua loa thôi. Đầu năm học mới, vui thì cứ vui, chớ vội mừng trước những việc làm hời hợt.
Ngày 5 tháng 9 đối với dân tộc Việt Nam hiếu học đã thành một ngày dành cho nghi thức Học, thể hiện thành một cuộc đại trình diễn: các bậc phụ huynh là cán bộ hành chính thì trốn việc cơ quan, nông dân thì bỏ việc đồng áng (công nhân đành phải đi làm nếu không sẽ bị đuổi việc) để dắt con đến trường vào lớp 1 và vào những lớp khác.
Hôm nay trên mạng báo Tuổi trẻ là bức ảnh trẻ em lớp 1 tươi tắn còn hơn cả búp trên cành. Và một ý nghĩ từ lâu day dứt nay bỗng lại thôi thúc nghĩ ngợi: những em bé thiên thần kia, những đứa nhỏ suốt sáu năm đầu đời đều bộc lộ những phẩm chất của những hạt giống tuyệt vời kia, hỡi ôi! - ngoại trừ một tỉ lệ ít ỏi - bầy em bé đó cứ lớn dần lên với 12 năm học đường để trở thành những trang thiếu niên ngớ ngẩn về khoa học và kỹ thuật, những người Việt Nam nói và viết không sõi tiếng Việt và mù tịt lịch sử nước nhà, những công dân ấp úng trước mọi vấn đề gai góc của Tổ quốc và Nhân loại.
Xã hội luận bàn đã nhiều và không sao đồng thuận nổi về những giải pháp cho một cuộc đại Cải cách Giáo dục, là cái địa hạt không cho phép con người phạm sai lầm. Giáo sư N.V.H., người từng nóng ruột xin ứng cử chân Bộ trưởng, thường khuyên tôi: “Các anh nói chuyện triết học cao siêu, không trúng đâu. Em tập trung vào chuyện tiền nong, cực kỳ nhạy cảm, may ra mới giải quyết được vấn đề”. Và giáo sư đó đã có nhiều bài viết, dẫn đến nội dung một số cuộc thanh tra. Thế mà, gần đây nhất, bị tai nạn gãy cẳng, giáo sư đó gọi điện cho tôi: “Thôi, em chịu thua rồi, em tập trung vào chuyên môn hẹp thôi”.
Thế mà, vẫn bướng bỉnh như thường lệ, bài viết này - như 80 đến 90 phần trăm nội dung các bài đã viết - lại vẫn nói đến cái gốc triết học cho một cuộc Cải cách Giáo dục, tại sao?
Cải cách bậc đại học và cải cách hệ giáo dục phổ thông
Nền giáo dục của một quốc gia có hai phần: giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục phổ thông. Nền giáo dục phổ thông là bắt buộc, “bắt buộc” hiểu theo nghĩa là, trong mọi thời đại - đặc biệt là trong thời đại công nghiệp hóa và hậu công nghiệp hóa - mỗi công dân cần có hành lý vào đời tối thiểu để có thể sống hài hòa trong nền văn minh đương thời. Nền giáo dục chuyên nghiệp thì không bắt buộc, đó là sự lựa chọn của những con người tự nhận thấy trách nhiệm phải học sâu hơn xa hơn để tham gia thúc đẩy phát triển nền văn minh đương thời.
Công cuộc cải cách ở bậc đại học tưởng như là khó, nhưng thực ra là không khó lắm (dĩ nhiên, không thể coi là dễ). Toàn bộ công việc cải cách bậc đại học bắt đầu từ một cái nút bấm, ngay sát nút bấm đó có ghi rõ hai chữ tạo thành một từ: Tự Chủ. Cần gì đâu mà phải rắc rồi đối với bậc học này! Hãy để cho các trường được tự do trong kế hoạch tuyển sinh và lập chương trình đào tạo, thế rồi thị trường nhân công bậc cao sẽ gửi lại thông điệp phản hồi cho họ để họ tự điều chỉnh.
Trong hệ thống đại học cải cách chỉ có một ngoại lệ, đó là các trường sư phạm. Các trường sư phạm không thể hoàn toàn tự chủ, hiểu theo nghĩa là không thể hoàn toàn tự do trong chương trình đào tạo. Sau phần học “liên thông” với chương trình khoa học cơ bản giống như tại tất cả các trường đại học khác, chương trình đào tạo của trường sư phạm sẽ phải đi theo một định hướng có thể gọi tên dài dòng là nơi thể hiện những thành tựu nghiên cứu mới nhất đối với cách học của trẻ em. Chương trình môn Toán hoặc môn Tiếng Việt chẳng hạn sẽ không còn là Toán hoặc Tiếng Việt thuần tuý, mà là môn Toán và Tiếng Việt được thiết kế để dạy cho một lớp nhất định trong một bậc học nhất định. Có đi sâu hơn, “đại học” hơn, thì cũng chỉ để hiểu cho thấu đáo hơn cái/các bản thiết kế mang tính thực hành kia.
“Sư phạm đi trước một bước”
Biết bao nhiêu năm qua, người ta hô hào trường sư phạm phải đi trước một bước! Nhưng hô hào chỉ là hô hào suông. Gần đây nữa lại hô hào “lấy trẻ em làm trung tâm” thay cho “lấy bục giảng làm trung tâm”. Nhưng công việc vẫn chỉ là hô hào. Nguyên nhân: không có một hệ thống nghiên cứu và thực nghiệm cách làm thế nào để trường sư phạm đi trước một bước đào tạo ra những giáo viên đủ sức thực thi đường lối lấy trẻ em làm trung tâm.
Lấy trẻ em làm trung tâm không có nghĩa là chiều chuộng, hôn hít, coi trẻ em là “cái rốn của vũ trụ”. Hiểu theo khái niệm khoa học, lấy trẻ em làm trung tâm là coi trẻ em là những thực thể hoạt động, là tổ chức cho những thực thể đó tự chiếm lĩnh các đối tượng học tập do đó mà biến công cuộc giáo dục vốn vẫn quen để cho giáo viên tiến hành từ trên xuống thành công cuộc tự giáo dục.
Thực ra, từ năm học 1978-1979 ở Việt Nam đã có một cơ sở nghiên cứu và thực nghiệm một nền giáo dục phổ thông theo hướng đó. Cơ sở đó ban đầu không có tên, cứ gọi nôm là “trường thực nghiệm Giảng Võ”. Đó là một công trình mang dụng ý khoa học làm cho lý thuyết cao siêu về giáo dục trở nên hiển nhiên trước mắt một công chúng - trong đó có nhiều “nhà khoa học” - đã quá xa lạ với những vấn đề lý thuyết đích thực, đã bắt đầu hư hỏng đi trong sự giành giật bằng cấp và đã quá quen thuộc với những sự vật mang giá trị trung bình được nống lên thành cao siêu.
Ý đồ tạo ra một demonstration plot - khoảnh ruộng làm mẫu - đã có tác dụng. Nhiều nhà khoa học cho con em vào đây học. Nhiều cán bộ cấp cao ở Bộ Giáo dục cũng cho con em vào đây học1. Từ năm 1985-1986, bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình là người thực sự cầu thị đã cho phép cơ sở này mở rộng ra những tỉnh nào “có nhu cầu”. Trường thực nghiệm Giảng Võ được có mặt ở 13 tỉnh. Năm 1990, hệ thống này được Nhà nước nghiệm thu, đổi tên thành Công nghệ Giáo dục. Tiếp đó, cho tới năm học 1994-1995, Công nghệ Giáo dục đã có mặt ở 43 tỉnh và thành phố. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, nó có trên 60 phần trăm học sinh lớp 1. Trong hai mươi lăm năm hoạt động, tổng chỉ phí cho Công nghệ Giáo dục tương đương với mười nghìn đô-la. Cái nguyên tắc cao siêu “về khoa học, trẻ em đi lại con đường nhà khoa học đã đi” được “dẫn chứng” ngay trên thực địa. Trẻ em học tiếng Việt ở lớp 1 đúng là đã đi lại con đường các nhà nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt đã đi. Các em không bị đâm bổ vào và bị nhồi sọ với chữ i chữ t, với chữ o chữ c hoặc như về sau này chữ e chữ b, mà giống như nhà ngữ âm xuống thực địa, phân tích lời nói thành những tiếng đơn âm, rồi từ những tiếng đơn âm đó tìm ra cấu tạo của tiếng [ba] khác tiếng [loa] khác tiếng [lan] và khác tiếng [loan] và tự các em tìm cách ghi lại để tự đọc tất cả các văn bản viết các em bắt gặp.
Nền tảng triết học gì?
Giáo viên các tỉnh nhập Công nghệ Giáo dục thích dạy theo quy trình này, vì công việc “giảng dạy” chỉ là giao việc và làm mẫu cho học sinh; còn học sinh thì thông minh hơn, không cần học thêm, không cần “phụ đạo”. Thành tựu rõ rệt nhất là ở vùng dân tộc thiểu số: ở đây, cha mẹ học sinh không sao giúp nổi con em “học thêm”, nhưng chỉ cần 7 tháng các em lớp 1 đã đọc và viết tiếng Việt thành thục. Cán bộ chỉ đạo cũng thích Công nghệ Giáo dục vì công việc thanh tra rất đơn giản: giáo viên nào không thực hiện đúng thiết kế thì lộ ra ngay, khiến cho giáo viên nào cũng thấy thà tự giác còn hơn gian dối. Quan hệ thày trò cũng thay đổi vì hệ thống Công nghệ Giáo dục làm cho trẻ em cùng tham gia hoạt động học, khó mà có học sinh “cá biệt” khiến cô giáo phải cáu kỉnh đến độ bắt liếm ghế!
Thế mà, đùng một cái đầu thiên niên kỷ này, Công nghệ Giáo dục bị buộc phải ngừng, để cho cái gọi bằng chương trình năm 2000 thay thế, thể theo một nghị quyết chỉ cho phép trên nước Việt Nam chỉ có một bộ sách giáo khoa. Công nghệ Giáo dục duy trì một “chốt” ở Hà Nội, tập trung “rèn cán chỉnh quân”, và chờ những vùng khó khăn kêu cứu. Thật vậy, một bộ sách giáo khoa tiểu học ngớ ngẩn vẫn tồn tại được ở các trung tâm văn hoá cao: tại đây cha mẹ học sinh dạy thay được cho giáo viên. Nhưng ở miền núi và vùng xa xôi hẻo lánh thì sự thể sẽ khác… Quả nhiên, sáp tới năm học 2005-2006 thì tỉnh Lào Cai đề nghị Công nghệ Giáo dục hãy quay trở lại. Có kẻ xấu tìm cách hãm hại trẻ em và đã ngăn cản được một năm học. Tôi có thể kể lể chi tiết chuyện này và nhiều chuyện khác. Nhưng tôi cần tự kiềm chế đi đúng lề đường bên phải. Bên trái đường và giữa lòng đường có những điều bất bằng, thà mang tiếng ngu và hèn nhưng ở bên này an toàn hơn. Cuộc đời dẫu sao cũng vẫn công bằng: năm học 2006-2007 Công nghệ Giáo dục lại trở về với các em dân tộc thiểu số Lao Cai. Một năm học các em đại thắng. Vì qua năm học sau các em lại tiếp tục đến được với một công cuộc Cải cách Giáo dục đích thực có một nền tảng triết học đích đáng.
Nền tảng gì? Lấy trẻ em làm trung tâm. Nhưng còn phải có những giải pháp nghiệp vụ dựa vào cách học của các em để tổ chức quá trình các em chiếm lĩnh đối tượng học. Một quá trình tự giáo dục. Chuyện này khó hơn chuyện cải cách ở bậc đại học nhiều! Không nhìn rõ chân lý đó nhất định sẽ lại “cải cách” qua loa thôi. Đầu năm học mới, vui thì cứ vui, chớ vội mừng trước những việc làm hời hợt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét