Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

100 năm chữ Quốc ngữ: Sự lựa chọn của dân tộc Việt

100 năm chữ Quốc ngữ: 
Sự lựa chọn của dân tộc Việt
“Đây thực sự là một ngôn ngữ làm cho tất cả chúng ta tự hào. Quý vị là con rồng cháu tiên và chúng tôi là những người có lòng mến yêu đất nước, con người, ngôn ngữ với tất cả những gì ngôn ngữ ấy biểu thị” - GS-TS Roland Jacques, ĐH Saint Paul (Canada), bộc bạch.
Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng và Công ty Tao Đàn Thư Quán vừa phối hợp tổ chức hội thảo 100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam (VN) tại TP Đà Nẵng.
Đây là hội thảo thứ sáu về chữ Quốc ngữ được tổ chức sau các cuộc hội thảo/tọa đàm tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM và Lisbon (Bồ Đào Nha).
Sự suy diễn có thể “vu oan giá họa cho tiền nhân”
Đến từ Huế, ông Lê Công Vĩnh cho biết ông chỉ là một người dân bình thường, vì yêu mến chữ viết của dân tộc nên đã bắt xe vào TP Đà Nẵng tham dự hội thảo.
“Chúng ta đang có một thứ ngôn ngữ rất đẹp nhưng sự vinh danh người sáng tạo ra nó hình như vẫn chưa được rõ ràng. Gần đây dư luận cho rằng các giáo sĩ Bồ Đào Nha tạo ra chữ Quốc ngữ ngoài mục đích phục vụ cho việc truyền đạo thì họ còn giống như một dạng gián điệp mở đường cho thực dân xâm lược nước ta. Tôi rất mong các nhà nghiên cứu có mặt ở đây giải đáp thật thỏa đáng về nỗi băn khoăn này” - ông nói.
GS Nguyễn Đăng Hưng cho hay hai vị giáo sĩ Bồ Đào Nha sang Việt Nam sau đó Latinh hóa tiếng Việt vì mục đích truyền đạo chứ không phải vì mục đích khai hóa nước ta. Đây là sự thật lịch sử.
Cả hai ông Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes đều là những nhà ngôn ngữ học uyên thâm, nhất là ông Pina còn là một nhạc sĩ nên đánh giá được một cách xác đáng những âm thanh, âm vị của tiếng Việt. Khi Latinh hóa, ông Pina còn phát minh thêm những ký tự ở Bồ Đào Nha không có để chữ viết thể hiện hết những âm thanh phong phú của tiếng Việt.
“Có thể họ vô tình nhưng chắc chắn chúng ta phải tri ân vì họ là những người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Còn ý kiến cho rằng hai ông là gián điệp thì không đúng. Bởi ông Pina và Rhodes sang Việt Nam từ thế kỷ XVII, còn Pháp bắn phát súng đầu tiên xâm lược nước ta vào thế kỷ XIX. Không thể nói một sự việc của hai thế kỷ trước có dính líu đến những biến động lịch sử sau này. Nói như thế là không đúng với lịch sử và là sự vu oan giá họa cho những bậc tiền nhân” - ông Hưng nói.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng ngoài tri ân công lao của hai giáo sĩ, chúng ta cần ghi nhận và đánh giá đúng những đóng góp thầm lặng của đội ngũ người Việt trong quá trình tạo ra chữ viết của dân tộc. 
GS Nguyễn Đăng Hưng (giữa) trao đổi, 
giải đáp câu hỏi của các đại biểu. Ảnh: T.An
Theo TS Trần Quốc Anh, ĐH Santa Clara (Mỹ), 400 năm qua kể từ khi ông Pina bắt đầu ghi âm tiếng Việt, ban đầu có sự đóng góp lớn của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Ý. Tuy nhiên, họ không thể làm điều đó một mình mà có sự hỗ trợ đắc lực từ những người Việt. Ngoài vài tác giả được ghi nhận như Bento Thiện, Philipphê Rosario Bỉnh, Phan Văn Minh, Trương Vĩnh Ký…, nhiều người trong số họ đã bị lịch sử lãng quên.
ThS Dương Xuân Quang, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng chữ Quốc ngữ đã đảm đương, nếu không muốn nói là hoàn thành xuất sắc vai trò của một văn tự chính thức đối với đời sống Việt Nam. Nếu không có chữ Quốc ngữ, văn hóa Việt Nam sẽ không thể hiện đại hóa mà hội tụ nên bản sắc văn hóa riêng của mình như đã đạt được trong suốt cả thế kỷ XX. “Rõ ràng chữ Quốc ngữ là một sự lựa chọn phù hợp của dân tộc Việt” - ông nói.
Thành lập quỹ tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ
UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cũng vừa ban hành quyết định cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Theo đó, quỹ chịu sự quản lý nhà nước của UBND thị xã nhưng có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, tự đảm bảo kinh phí, phương tiện hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, GS Nguyễn Đăng Hưng bày tỏ sự vui mừng về quyết định này của UBND thị xã Điện Bàn. “Đây là điều mà chúng tôi luôn mong mỏi. Điều này cho thấy chính quyền địa phương rất quan tâm đến chữ Quốc ngữ, nhất là khi Điện Bàn có trấn Thanh Chiêm là nơi các giáo sĩ đặt chân đến đầu tiên. Đây cũng là nơi ông Pina cho thành lập ngôi trường tiếng Việt đầu tiên, dù nhỏ thôi nhưng là bước đi có tính lịch sử” - ông cho hay.
GS Hưng cho biết quỹ đã thành lập hội đồng quản lý gồm 10 người do ông làm chủ tịch. Mục tiêu của quỹ là kêu gọi, huy động sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để từng bước xây dựng không gian tôn vinh trấn Thanh Chiêm tiếng Việt và chữ Quốc ngữ tại thị xã Điện Bàn. Đây sẽ là nơi tri ân những bậc tiền nhân nước ngoài cũng như người Việt đã góp phần khai sinh, hoàn thiện, phổ biến và từng bước đưa chữ Quốc ngữ trở thành hồn cốt của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam chưa có một khuôn viên như vậy nên đây là dịp để ta làm. Cái hay của việc này là nó được làm theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước và người dân cùng làm nên hiệu quả sẽ cao hơn. Chúng tôi cũng mong mỏi có một thư viện là nơi thu thập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về chữ Quốc ngữ và tiếng Việt để học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về chữ viết của dân tộc. Nơi đây cũng có thể trở thành điểm du lịch để khách bốn phương đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử chữ Quốc ngữ, một trong những ngôn ngữ tôi cho là tuyệt vời của thế giới” - ông nói thêm.
Những người phản đối đặt tên đường vắng mặt
Trước đó một số nhà nghiên cứu lịch sử (chủ yếu ở Huế) đã cùng ký đơn kiến nghị Đà Nẵng không nên đặt tên đường Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina.
Nhóm nghiên cứu này cho rằng hai vị giáo sĩ không phải là người sáng tác ra chữ Quốc ngữ và việc họ truyền bá chữ Quốc ngữ vào VN nhằm dọn đường cho thực dân Pháp xâm lược nước ta. Bản kiến nghị này sau đó tạo ra những luồng tranh cãi không ngừng. Trước các ý kiến trái chiều, TP Đà Nẵng đã quyết định dừng việc lấy tên hai ông đặt cho đường phố.
Được biết bằng các hình thức khác nhau, ban tổ chức đã gửi lời mời nhóm nghiên cứu này tham gia hội thảo để cùng trao đổi những vấn đề gây tranh cãi nhưng họ không đến vì nhiều lý do. Trao đổi với PV, GS Nguyễn Đăng Hưng cho rằng việc lấy tên hai giáo sĩ để đặt tên cho đường phố là hợp lý và không có gì phải lăn tăn vì nó thể hiện đúng đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
“Tôi cho rằng không chỉ Đà Nẵng mà các TP khác họ cũng sẽ làm thôi, nhất là vùng Quảng Nam vì họ rất hãnh diện khi có cái nôi Thanh Chiêm” - ông nói.
Cần có ngày tôn vinh chữ Quốc ngữ
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần có riêng một ngày để nhân dân tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ.
Ủng hộ đề án xây dựng không gian chữ Quốc ngữ ở Quảng Nam, nhà thơ Võ Xuân Tòng cho rằng việc kỷ niệm và tôn vinh chữ viết Việt Nam lẽ ra phải làm từ lâu chứ không phải đợi đến giờ. “Kỷ niệm 100 năm chữ Quốc ngữ là cơ hội đầu tiên để chúng ta làm điều không hổ thẹn với con cháu sau này. Việc xây dựng không gian văn hóa chữ Quốc ngữ cần được phổ biến và xã hội hóa sâu rộng để người dân hiểu rõ nguồn gốc và giá trị to lớn của chữ Quốc ngữ trong lịch sử Việt Nam” - ông nói. 
30/12/2019
Tâm An
Theo https://nguoidothi.net.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...