Là một tiểu thư đài các xuất thân trên nhung lụa,
được bao bọc trong quyền hành vọng trọng của hoàng tộc - nhưng đồng
thời cũng từng bước qua những định kiến nặng nề của xã hội phong
kiến đương thời để bươn chải kiếm sống nuôi chồng con lúc gia cảnh
khó khăn nên Đạm Phương cảm nhận hết sức sâu sắc ý nghĩa của tự do -
dân chủ - bình đẳng đối với sự phát triển năng lực và hạnh phúc
riêng tư của người phụ nữ...
LTS: Nhân vật trong bài viết này là một phụ nữ trong
hoàng tộc Nhà Nguyễn: Nữ sử Đạm Phương. Trước khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời,
trước khi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập, bà đã làm được cái
việc như thể “Nữ Oa vá trời”: viết báo, lập báo, tạo dựng một tổ
chức xã hội làm cơ sở nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh cho nữ quyền...
Song, điều đáng chú ý hơn cả trong hàng loạt bài báo mang tính giáo
dục phụ nữ của Nữ sử Đạm Phương chính là bà luôn nhấn mạnh đến bổn
phận, nghĩa vụ, lương tâm và trách nhiệm của con người.
Nhân tháng mười, là tháng ngày nay được gọi thêm là “tháng Phụ
Nữ Việt Nam”, Người Đô Thị đăng lại một bài viết, xuất hiện lần đầu cách đây 22
năm với tựa đề “Đạm Phương Nữ sử”, trong cuộc hội thảo đầu tiên về Nữ sử Đạm
Phương, do gia đình phối hợp với Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP. HCM tổ chức. Bài viết
đã từng được công bố trên một số báo với các tựa khác, và trong lần đăng này,
tác giả có hiệu đính.
Hẳn ít ai trong chúng ta hôm nay còn nhớ được rằng ngay từ những
năm đầu của thế kỷ XX đã từng xảy ra những đổi thay hiếm hoi và kỳ lạ của thân
phận người phụ nữ Việt Nam. Từ chốn buồng the, từ nơi cung cấm, từ
những công việc quẩn quanh trong bếp núc, từ những xó tối của kiếp
cơ hàn, nhiều phụ nữ đã bước ra khỏi ngưỡng cửa nhà mình, đã vươn
tới hòa nhập cùng xã hội bằng những công việc mà hàng trăm năm trước
đó chỉ nam giới mới được làm.
Trong số những công việc ấy có viết văn, làm báo,
diễn thuyết và làm cách mạng. Điều có vẻ như kỳ lạ là, trong một
loạt những công việc không đơn giản ấy đối với phụ nữ nước ta ở đầu
thế kỷ XX, bỗng nổi bật lên một Đồng Canh Công nương năng nổ tháo vát
của hoàng tộc Nguyễn - một Đạm Phương nữ sử sáng chói cả về lòng
yêu nước và đầu óc cách mạng, cả về khả năng tổ chức và bút lực
trên văn đàn, cả về nghị lực hành động và nguồn lực tư tưởng.
Nữ sử Đạm Phương
(1881 - 1947). Ảnh: TLGĐ
(1881 - 1947). Ảnh: TLGĐ
Nói là kỳ lạ vì Đạm Phương, cũng như bao người phụ
nữ sinh ra trong xã hội phong kiến, bị hai trở lực nặng trĩu trên vai.
Đó là sự phân công trong xã hội nông nghiệp: đàn ông lo việc bên
ngoài, đàn bà lo việc quẩn quanh trong nhà đã đem đến nhiều ức chế
cho người phụ nữ, làm cho họ bị vô hiệu hóa và từ đó hình thành ý
thức trọng nam khinh nữ trong xã hội. Hoặc như Giáo sư Hoàng Như Mai
đã viết: “Nữ sử Đạm Phương sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, văn
hóa nghìn xưa của dân tộc đang buổi tàn đông, văn hóa ngoại lai thì xâm
lấn thô bạo”.
Biết bao cay đắng, tủi nhục, uất hận trĩu nặng tâm
trạng người dân - triều đình hoàng tộc còn trĩu nặng hơn ai hết vì
chính họ phải chịu trách nhiệm về cảnh thế ấy. Nữ sử Đạm Phương đã
bất chấp trở lực, đã vượt lên trên số phận.
Thế hệ hiện nay dường như chỉ biết về bà - Công Nữ
Đồng Canh với tư cách cháu nội của vua Minh Mạng, là người đã sinh ra
và nuôi dưỡng nên nhà lý luận văn nghệ mác-xít nổi tiếng Hải Triều
Nguyễn Khoa Văn và là bà nội của nhà thơ - Bộ trưởng Nguyễn Khoa
Điềm, chứ chưa được tường tận về bà trong vị trí một nữ trí thức
quý tộc có tinh thần can đảm và yêu nước nồng nàn, có uy tín lớn
trong xã hội, có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, đặc biệt trong
giới nữ lưu suốt nửa đầu thế kỷ XX”.
Dùng báo chí như một công cụ đấu tranh đắc lực cho
quyền tự do, dân chủ của con người và quyền bình đẳng của phụ nữ
Việt Nam
Đạm Phương khác với hầu hết các nữ sĩ xuất hiện
trên văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ này. Nếu như Sương Nguyệt Anh, Sầm
Phố, Cao Thị Ngọc Anh... chủ yếu chỉ làm thơ để bộc bạch nỗi niềm
nghĩa nước, tình nhà thì Đạm Phương - do thuở nhỏ được học cả chữ
Hán, chữ quốc ngữ và chữ Pháp, do truyền thống trí thức tốt đẹp
của gia đình và do tâm hồn nhạy cảm biết hấp thụ những tinh túy của
trào lưu tư tưởng tự do dân chủ đương thời nên ngoài những bài thơ
thấm đượm nhân tình thế thái, bà đã sớm cho xuất hiện trên báo chí
những áng văn xuôi sắc sảo bằng tiếng Việt từ năm 1918.
“Muốn bình quyền, bình đẳng với nam giới, trước hết
người phụ nữ phải có những khả năng cần thiết nhất - đó là đức
hạnh và tài năng. Đức hạnh và tài năng đó trước hết phải được giáo
dục và rèn luyện trong gia đình từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng
thành”
Thuở ấy, báo chí tiếng Việt chỉ đếm được trên đầu
ngón tay, biết bao bậc anh tài nam nhi phải ngóng chờ để được đua
tranh ngòi bút trên từng cột báo. Vậy mà Đạm Phương đã viết được
liên tục cho tạp chí Nam Phong, Hữu Thanh, Tràng An, Tiếng Dân -
đồng thời lại giữ cả chuyên mục “Lời Đàn Bà” cho báo Trung Bắc
Tân Văn. Giới nghiên cứu cho rằng, vì tờ báo đầu tiên của phụ nữ
Việt Nam là Nữ Giới Chung do nữ sĩ Sương Nguyệt Anh làm chủ
bút ra đời chưa đầy một quý đã bị đóng cửa (năm 1917), chứ không thì
bài viết của Đạm Phương thế nào cũng xuất hiện cả trên tờ báo
này.
Viết báo liên tục từ những năm 1918 đến năm 1926 trên
nhiều tờ báo chưa thỏa lòng mong muốn, tháng 5.1929, Đạm Phương còn
nhiệt tình vận động cho ra đời thêm một tờ báo nữa ở Huế: tờ Phụ
Nữ Tùng San. Không chỉ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết báo
bằng chữ quốc ngữ, Đạm Phương còn đóng góp đáng kể vào quá trình
xây dựng nền quốc văn bằng cách liên tục cho xuất hiện trên báo chí
thời đó nhiều bài viết ở các thể loại văn chương khác nhau như khảo
cứu, nghị luận, ký... Nhưng, vượt lên trên tất cả những đóng góp có
ý nghĩa ấy trong tư cách một nhà báo là tư tưởng dân chủ tiến
bộ của Đạm Phương được chuyển tải rõ ràng, sắc sảo, đầy thuyết
phục trong tất cả các bài báo mà bà dày công chăm chút để được
xuất hiện khá thường xuyên ngay từ những năm đầu thế kỷ này.
Là một tiểu thư đài các xuất thân trên nhung lụa,
được bao bọc trong quyền hành vọng trọng của hoàng tộc - nhưng đồng
thời cũng từng bước qua những định kiến nặng nề của xã hội phong
kiến đương thời để bươn chải kiếm sống nuôi chồng con lúc gia cảnh
khó khăn nên Đạm Phương cảm nhận hết sức sâu sắc ý nghĩa của tự do -
dân chủ - bình đẳng đối với sự phát triển năng lực và hạnh phúc
riêng tư của người phụ nữ. Tuyên bố nữ quyền của Đạm Phương được tóm
tắt thật đầy đủ và rõ rệt như sau:
Muốn bình quyền, bình đẳng với nam giới, trước hết
người phụ nữ phải có những khả năng cần thiết nhất - đó là đức
hạnh và tài năng.
Đức hạnh và tài năng đó trước hết phải được giáo
dục và rèn luyện trong gia đình từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng
thành.
Song song với giáo dục gia đình, người phụ nữ phải được tiếp nhận từ nhà trường một nền học vấn cơ bản tối thiểu là học hết bậc tiểu học (thời Pháp).
Song song với giáo dục gia đình, người phụ nữ phải được tiếp nhận từ nhà trường một nền học vấn cơ bản tối thiểu là học hết bậc tiểu học (thời Pháp).
Với vốn tri thức cơ bản đó, người phụ nữ phải học
lấy một nghề để có thể sống tự lập và góp phần phát triển kinh
tế, không phụ thuộc và ỷ lại vào nam giới, không ăn bám chồng con.
Xây dựng nữ quyền: từ tư tưởng đến hành động
Nhận rõ thân phận của người phụ nữ lúc bấy giờ:
tuyệt đại bộ phận mù chữ do không được học hành, bị khinh rẻ, bị
chà đạp, nên ngòi bút của Đạm Phương thường hướng mạnh về việc giải
phóng phụ nữ, làm cho phụ nữ được bình quyền, bình đẳng với nam
giới.
Ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ XX, bà đã viết
được những dòng thể hiện quan điểm mới mẻ và tầm nhìn sâu rộng sau
đây trong bài Bàn về giáo dục con gái trên tờ Trung Bắc
Tân Văn: “Giáo dục phụ nữ là một vấn đề rất quan hệ cho một dân tộc
tương lai. Phải giáo dục cho họ có cái gì làm chuẩn đích để sau này
ra đời họ biết đạo xử thế. Vì cuộc đời như một cái bể rộng mênh
mông mà cuộc đời mỗi con người như con thuyền đi trên mặt nước, có
vững tay lái chèo mới mong lướt sóng ra khơi, gặp khi ba đào phong vũ
cũng biết tìm thoan máy (bộ phận điều khiển hướng đi của con
thuyền - TG) mà đỡ gạt theo phương hướng đúng mà đi. Chiếc thuyền
kiên cố, lái chèo vững vàng là sự mạnh dạn, là học thức rộng rãi
để đảm đương sự đời”.
Đạm Phương nữ sử và chồng,
ông Nguyễn Khoa Tùng. Ảnh: TLGĐ
Đọc lại chuỗi bài báo của Đạm Phương từ những năm
1918 đến 1926 có thể nhận bắt được trong rất nhiều bài những tia
sáng rực rỡ, trói buộc sự tự do, dân chủ, bình đẳng giữa con người
với con người đều bị bà phản đối mạnh mẽ. Trong bài phi lộ cho số
ra mắt tờ Phụ Nữ Tùng San, tháng 5.1929, Đạm Phương phân tích, lên
án và đòi vứt bỏ những quy tắc phi nhân bản, bất bình đẳng của chế
độ phong kiến áp đặt cho người phụ nữ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”,
“đàn bà phải thủ tiết thờ chồng sau khi chồng chết”, “phụ nữ không
được học hành nhiều vì chỉ có bổn phận sinh con đẻ cái, cơm nước,
quanh quẩn trong nhà”.
Thế nhưng, trong khi phản đối những điều phi lý, bất công
nói trên đối với phụ nữ, Đạm Phương không bao giờ quên lưu ý phụ nữ,
trẻ cũng như già, thực hành tốt những chức năng gia đình của người
phụ nữ. Trong bài Người đàn bà phải nên trông coi việc nhà
đăng trên tờ Trung Bắc Tân Văn năm 1925, bà nhắc nhở phụ nữ
cần trui rèn chữ ngôn sao cho “có sở ngôn thì cũng phải có
sở hành”, rèn chữ kiệm ước làm đầu, rèn chữ nhân nghĩa sao
cho trên thuận dưới hòa, rèn chữ công sao cho có nghề nghiệp
nuôi sống mình và cả gia đình, rèn chữ hạnh sao cho toàn
vẹn học vấn và hạnh kiểm mới nên danh giá.
Những phẩm chất tinh thần mà con người cần hướng tới
hoặc tránh xa được Đạm Phương chỉ đích danh trong các bài giáo dục
dành cho các bậc cha mẹ: cần ngăn ngừa cho trẻ các thói xấu như tham
lam, nói dối, tin nhảm... ngược lại, cần rèn cho trẻ các tính tốt
như lòng trung hậu, tính kiên nhẫn, lòng thương người...
“Song song với giáo dục gia đình, người phụ nữ phải
được tiếp nhận từ nhà trường một nền học vấn cơ bản tối thiểu là
học hết bậc tiểu học (thời Pháp). Với vốn tri thức cơ bản đó,
người phụ nữ phải học lấy một nghề để có thể sống tự lập và góp
phần phát triển kinh tế, không phụ thuộc và ỷ lại vào nam giới,
không ăn bám chồng con”
Đạm Phương
Song, điều đáng chú ý hơn cả trong hàng loạt bài báo
mang tính giáo dục phụ nữ của Đạm Phương chính là, bà luôn nhấn mạnh
đến bổn phận, nghĩa vụ, lương tâm và trách nhiệm của con người. Theo
Đạm Phương, đóng góp cho xã hội là một nét đạo đức của người biết
bổn phận và có lương tâm. Và bà đã không ngần ngại kêu gọi, thúc
đẩy nữ lưu đương thời mạnh dạn lao vào con đường học tập để có một
nghề nghiệp - đồng thời phải hiệp lực để cho ra đời một tổ chức xã
hội nhằm đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp phụ nữ phấn đấu tiến bộ,
tạo được chỗ đứng bình đẳng trong một xã hội còn rất nặng nề ý
thức “trọng nam khinh nữ”.
Trong bài Muốn cho nữ lưu biết chức nghiệp, phải
có học hội nữ công, đăng trên tờ Trung Bắc Tân Văn năm 1926,
bà viết: “Nước mình đàn bà con gái không phải không có óc thông minh,
cũng không phải không có tài năng song không biết cách cùng nhau mà mưu
sự nghiệp hạnh phúc chung, làm cho sự nghiệp về đường nữ công là
cái phận sự của mình, phải nên chăm chút để gây dựng một nền giáo
dục hoàn toàn mới mong mở mặt mở mày với người ta”.
Sau những lời kích thích động viên chí tình ấy trong
các bài báo mang tính chất “dọn đường”, Đạm Phương sáng lập tổ chức
Nữ công Học hội ở Huế vào năm 1926 nhằm giúp nữ giới tự lập bằng
nghề nghiệp, đồng thời nhằm kết một sợi dây đoàn thể bênh vực quyền
lợi cho nhau. Trên thực tế, Nữ công Học hội là đoàn thể phụ nữ đầu
tiên ở nước ta, là trường rèn luyện tinh thần xã hội đầu tiên cho
phụ nữ, là nơi tập dượt sức mạnh của cộng đồng phụ nữ trong bước
khởi đầu tranh đấu cho nữ quyền những năm đầu thế kỷ này.
Sự có mặt của Nữ công Học hội trở thành chỗ dựa về tinh thần
cho nhiều phụ nữ ham tiến bộ ở Huế và nhiều năm sau nhiều bà đã trở thành những
phụ nữ ưu tú của phong trào phụ nữ nước nhà như bà Trần Thị Như Mân (vợ của học
giả Đào Duy Anh), bà Nguyễn Thị Giáo (sau này là vợ ông Hà Huy Tập), bà Đào Thị
Xuân Yến (sau này là bà Nguyễn Đình Chi).
Bìa sách Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành năm 2018
Năm 1927 cụ Phan Chu Trinh từ trần, lễ truy điệu và để tang
nhà chí sĩ nổi tiếng trở thành cuộc vận động biểu dương lòng yêu nước của mọi tầng
lớp đồng bào khi ấy. Trong lễ truy điệu tổ chức tại đàn Nam Giao, cụ Phan Bội
Châu không đến được, đã nhờ bà Đạm Phương đọc bài văn tế của mình. Bà Đạm
Phương cũng làm đôi câu đối phúng cụ Phan Chu Trinh như sau:
Mấy mươi năm góc biển ven trời, vằng vặc tấm cô trung, trên
vì nước, dưới vì dân, tinh thần vẫn lai láng sông núi Việt.
Đã nhiều thuở khua chuông gióng trống, thiết tha hồn cố quốc,
trước hiệp lòng, sau hiệp sức, sự nghiệp đành phó thác cháu con Hồng.
Đã hơn 70 năm trôi qua từ ngày Đạm Phương nữ sử lìa bỏ
cõi nhân gian mà bà hằng vô vàn yêu quý. Vì yêu quý cõi nhân gian ấy
mà bà đã đem hết tri thức, nghị lực và tâm huyết của một phụ nữ
thuộc hoàng tộc góp phần làm cho nó được công bằng hơn đối với tất
cả mọi con người - trong đó có người phụ nữ. Thời bà sống, đất
nước còn chìm đắm trong ách thống trị của thực dân phong kiến, thân
phận người phụ nữ còn bị chất chồng biết bao trói buộc bất công.
Vậy mà bà đã làm được cái việc như thể “Nữ Oa vá trời”: viết báo,
lập báo, tạo dựng một tổ chức xã hội làm cơ sở nuôi dưỡng tinh
thần đấu tranh cho nữ quyền. Ngay trước mũi của chính quyền thực dân
và triều đình phong kiến, bằng các bài báo sắc sảo và thiết thực,
bà không chỉ khuyến khích phụ nữ gìn giữ nữ tính, mà còn kêu gọi
họ đừng ngủ quên trước trách nhiệm xây dựng xã hội công bằng, tiến
bộ.
Mỗi phụ nữ có tri thức và giác ngộ về bình đẳng
giới trong xã hội Việt Nam đương đại hoàn toàn có quyền tự hào về
người khởi xướng phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng và tiến bộ
phụ nữ ở nước ta ngay từ buổi bình minh của thế kỷ XX, để hôm nay
nhiều thế hệ đang phát huy, tiếp nối.
Người ấy là Đạm Phương - một nhà báo xuất thân hoàng tộc.
Đạm Phương nữ sử (1881-1947) là thứ nữ của Hoằng Hóa Quận
vương - con trai thứ 66 của Vua Minh Mạng. Bà kết hôn với ông Nguyễn Khoa Tùng,
con trai một vị quan trong triều đình Huế. Ông bà có với nhau 6 người con. Đạm
Phương mất tại Thanh Hóa, mộ chôn bên cạnh mộ con trai Nguyễn Khoa Văn (mất năm
1954). Quý trọng một nữ ký giả có bút lực đáng khâm phục và là nhà hoạt động nữ
quyền vào hàng sớm nhất của Việt Nam, tháng 2.2018, Nhà xuất bản Phụ Nữ và “Tủ
sách Phụ nữ tùng thư - Giới và Phát triển” đã phối hợp xuất bản cuốn “Đạm
Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét