Những tờ lịch cuối năm dương lịch hãy còn vương
trên tường, không màng gỡ xuống. Lịch mới chưa thấy treo lên. Thư phòng ngổn
ngang sách báo. Bàn viết bày biện giấy tờ và các tập hồ sơ trong ngăn bìa
màu nầy màu kia. Những mẩu giấy nhỏ, ghi chú chằng chịt với những dòng chữ vắn
tắt hay ký hiệu, con số gì đó khó ai đoán được, xếp từng hàng cạnh máy vi
tính. Thư từ cũng xếp từng lớp theo thứ tự thời gian, cái nào đến trước
thì nằm ở trước. Một đời sống vừa bề bộn nhiêu khê, vừa trật tự ngăn
nắp, thể hiện ngay nơi bàn làm việc của người cầm bút.
Đời sống của người trong những ngành nghề khác cũng
thế. Nhìn nơi làm việc là biết được tính cách của con người.
Không có tính cách nào giống hệt nhau. Nhưng đời sống của mọi
người, mọi loài, hầu như đều được sắp xếp trong một trình tự thời gian nào
đó, theo một chu kỳ sinh (trụ, dị) diệt nhất định - nhất định chứ không cố định.
Tình cảm, tư duy, tri kiến và sự biểu đạt của con
người cũng dần dà, vô tình trôi theo dòng chảy của thời gian.
Thời thanh xuân, tiếng nói trong trẻo, du dương; trung
niên, tiếng trầm như sấm; lão niên, tiếng khàn đục như cối xay. Tuổi càng trẻ,
càng nói nhiều, nói mạnh; tuổi càng cao, càng trầm lặng ít nói.
Các định kiến, thành kiến thời trẻ cũng bị
rạn vỡ qua những trận ma-xát trường kỳ của tư duy, đối chiếu,
phân loại và trải nghiệm thực tế trong đời sống; để rồi, từ một thiếu
niên tự hào, nông nổi, giờ đã thành cụ lão chín chắn, chững chạc,
nghĩ điều gì cũng ba lần bảy lượt, nói điều gì cũng rào trước đón sau...
Không có cách thế sinh diệt nào như nhau. Không có
những trật tự hay trình tự cố định của vạn hữu. Nên chi, mùa
xuân của người nầy lại là mùa thu của người kia, mùa đông của
nơi nầy là mùa hạ của chỗ khác. Trong mùa đông, có những lá vàng
khô rơi rụng, cùng lúc, cũng có những nụ hoa còn khoe sắc thắm; mà
vào mùa xuân, khi muôn hoa rộ nở thì cũng có những chiếc lá xanh lìa cành.
Có những người trẻ khóc người lão niên, và cũng có tre già khóc măng non. Niềm
đau nhân thế, nói sao cho cùng.
Lặng nhìn trời đất xoay vần, nhân gian dịch chuyển,
lòng vời vợi nhớ về cố quận quê xa. Chệch một bước đi, thần tiên nghìn
năm lạc lối. Chuếnh choáng bước vào cõi trần, mắt xanh đổi màu mây
xám. Trăng soi đường, trời mở lối, mà ngày đêm cứ quàng xiên đi mãi
như cùng tử lang thang. Thương mình lao đao, thương người thống
khổ, mà có làm, có nói được gì đâu!
Quả tình đôi lúc muốn được một lần như Không Lộ
năm xưa:
“Chọn nơi địa thế đẹp sông hồ
Vui thú tình quê quen sớm trưa
Có lúc trèo lên đầu chóp núi
Kêu dài một tiếng lạnh hư vô.” (1)
Một tiếng kêu dài hay một tràng cười cất lên từ đầu non,
khi ngôn ngữ không thể trực chỉ bản thể, không thể biểu đạt
được chí nguyện ban đầu, không thể trải phơi được tấm lòng, không diễn
bày hết nỗi phù du chóng vánh của cuộc đời trong chuỗi dài trùng điệp
tử-sinh.
Có khi cô đơn cùng tận giữa trần thế lao
xao, trong phố hội đông đúc nói cười; mà lòng tạnh như nước trong giếng cổ (2).
Phế hưng bao lớp sóng dồn. Người người lần lượt đến đi.
Ai chẳng bao phen đi tìm mùa xuân.
Ai chẳng một lần đi qua thuở xuân thì.
Tìm mùa xuân cho nỗi điêu linh thống khổ của cuộc
đời. Tìm mùa xuân cho vạn vật hồi sinh.
Ôi là nhớ, cây rừng, hốc đá ven suối. Tiếng chim kêu, một
sáng tinh mơ khi sương sớm chưa tàn trên cánh hoa rừng. Củi thông đã tắt trong
lò, hương trà cũng đã nguội lạnh. Lòng tịnh yên. Giấc mộng mùa xuân vừa
tàn (2).
Nhưng mùa lộc mới cũng vừa về trên những cành khô. Cỏ thơm
xanh rợp núi đồi. Ngàn hoa rực rỡ dưới trời xanh biêng biếc. Chim
oanh lại hót trên cành. Lòng cũng rộn ràng nao nức như trẻ thơ đón Tết. Xuân, thêm một lần vui đón xuân sang.
(1) Bản dịch của Nguyễn Lang, (trích từ Việt Nam Phật
Giáo Sử Luận, Tập I, Saigon, nxb Lá Bối 1973), nguyên văn bài
kệ Ngôn Hoài của Thiền Sư Không Lộ như sau:
“Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.”
(2) Ý và hình ảnh được mượn từ bài thơ Xuân Đán của
Chu Văn An (? - 1370) thời nhà Trần:
Xuân đán
Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn,
Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn.
Bích mê vân sắc thiên như túy,
Hồng thấp hoa tiêu lộ vị can.
Thân dữ cô vân trường luyến tụ,
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
Bách huân bán lãnh trà yên yết,
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.
Dịch nghĩa:
Sớm xuân
Nhà trên núi vắng vẻ, suốt ngày thảnh thơi,
Cánh cửa phên che nghiêng ngăn cái rét nhẹ.
Màu biếc át cả sắc mây, trời như say,
Ánh hồng thấm nhành hoa sương sớm chưa khô.
Thân ta cùng đám mây cô đơn mãi mãi lưu
luyến hốc núi,
Lòng giống như mặt giếng cổ, chẳng hề gợn sóng.
Mùi khói thông sắp hết, khói trà đã tắt,
Một tiếng chim bên suối làm tỉnh mộng xuân.
(Thơ Văn Lý Trần, Tập III, trang 61. NXB KHXH Hà Nội 1978)
24.1.2018
Vĩnh Hảo
Nguồn: www.vinhhao.info
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét