Năm 1997 này, bác Nguyễn Tuân đi xa vậy là tròn mười năm. Với một người như nhà văn Nguyễn Tuân, chẳng cứ gì phải đợi 5 năm hay 10 năm, mà tháng năm nào cũng có người nhớ tới. Đó là các độc giả bên những kệ sách thư viện, các em học sinh trong những giờ giảng văn... Vào những tháng cuối năm 1996 thì triệu triệu con người trên đất nước này đã nhắc đến bác với lòng ngưỡng mộ và thỏa mãn, khi biết giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý đã được trao cho nhà văn tài năng và đầy cá tính này.
Dù vậy, một thập kỷ cũng là dịp đáng để chúng ta cùng nhắc nhớ lại ... Với riêng tôi, do công việc hồi còn đảm trách ở Tạp chí Sông Hương, những lần gặp bác Nguyễn Tuân đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên và cả những kỷ vật quý giá.
Vào một ngày Xuân trước lúc bác đi xa một năm, tôi đến gặp bác vừa lúc anh Lý Hải Châu và anh Thúy Toàn đem đến tặng bác tập ký vừa in xong. Rất vui vẻ, bác lấy bút ghi tặng tôi một cuốn. Hơn mười năm đã qua, nhưng lúc này trước mắt tôi lại như hiển hiện chữ ký và dòng phụ chú thời gian theo kiểu riêng của bác: “Hà Nội Xuân con Cọp” bên khuôn mặt hồng hào với nụ cười rất hóm của bác. Cũng lần đó, bác lật tờ Sông Hương số 21 và nói:
- Mình không có ý trịch thượng, đặt Nguyễn Tuân trước Huế đâu, ấy là tại người ghi.
Ây là bác nói đến bài hồi ký “Nguyễn Tuân với Huế” do chị Ngọc Trai ghi, in trên Sông Hương số 21. Tôi vội đáp:
- Cái vị trí trước sau tùy thuộc ở hiệu quả bác ạ...
Và tôi kể bác nghe, vào dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng, tại hội trường lớn ở Đà Nẵng, tôi được xếp ngồi trước một đồng chí cách mạng lão thành, từng là bí thư một tỉnh. Lần đầu trong đời, tôi được xếp chỗ ngồi cao sang như thế! Có gì đâu, chẳng qua Ban tổ chức muốn tạo điều kiện cho các nhà văn, nhà báo làm việc có hiệu quả. Nghe chuyện, bác nhấc chén rượu xinh xắn nhấp một chút, ngẫm nghĩ giây lát và có lẽ chợt nhớ ra ngày mai tôi về Huế bằng ô tô, bác bảo, giọng thân tình:
Hôm sau, khi xe đón tôi thì chỉ còn ghế trước để trống. Tôi nhớ lời dặn bác Nguyễn, nhưng chẳng lẽ đùn bạn lên chỗ nguy hiểm. Lần đó, về gần đến sông Gianh, xe húc vào một ống cống, trong xe đều an toàn, chỉ mình tôi bị thương ở mặt. Bây giờ, mỗi lúc đưa tay sờ vết sẹo nhỏ ở môi, ở mũi, tôi lại nhớ tới bác Nguyễn và thầm nghĩ: ”Cụ thật linh thiêng!”
Trước ngày bác đi xa một tháng, tôi lại có dịp bước lên những bậc cầu thang nhỏ trong căn hộ bên đường Trần Hưng Đạo, quãng đối diện phố Yết Kiêu. Tôi đến xin bác một bài, một vài dòng cũng được, để in vào số chuyên đề “Văn hóa du lịch”. Nét mặt bác vẫn hồng hào và cặp mắt, đôi môi chúm chím nụ cười thật hóm. Biết tôi không hay rượu, bác lấy cốc thủy tinh nhỏ rót rượu mơ cho tôi, rồi lấy giấy bút, định viết luôn vài dòng cho ”Sông Hương”. Bác ngẫm nghĩ, nhìn đâu rất xa về phía cửa sổ, đặt bút viết mấy chữ, rồi dừng lại bảo tôi:
- Này, mình định viết thế này, các ông có dám đăng không? Giả sử mất Huế đi..., ừ, cứ giả sử thế...
- Xin bác cứ viết. Phản đề nhiều khi rất có tác dụng.
Bác lại viết, rồi sửa, nhưng tôi nghĩ, ngồi chờ lấy bài “tức thì” thế này thì “ép” quá, nên hẹn bác sẽ trở lại vào một ngày khác. Bác hỏi kỹ ngày giờ, ghi lên tờ giấy mà bác vừa phác mấy dòng, ghi cả đềì nghị của tôi “viết ngắn, vui, ngồ ngộ”, rồi vẫn với nụ cười chúm chím, bác nói:
- Ừ, mình sẽ cố viết cho vui, ngồ ngộ. Không biết ông nghĩ thế nào, chứ mình thấy văn chương của ta gần đây nghiêm quá. Dân tộc mình có cả kho tiếu lâm, giai thoại. Trong văn chương, có khi nói vui, chơi chơi thôi mà hiệu quả hơn một anh nghiêm chỉnh...
Bác nói “chơi chơi” vậy, mà tôi thoáng giật thột, chợt nghĩ lại những trang viết của mình ...
Mấy hôm sau, đúng hẹn, tôi đến. Bác đã viết cái “phản đề” trên thành một câu chuyện ngắn hai trang với đầu đề: ”Huế, một kinh đô đổi ngôi”. Tôi cầm hai trang bản thảo và xin bác cả trang giấy bác thảo câu mở đầu với mấy dòng tùy hứng ngang dọc, ở giữa có chữ “Sông Hương” khá to với lối viết tắt đẹp như một bức tranh. Không ngờ đây là một trong những trang viết cuối cùng của bác. Trong câu chuyện bác đã kể lại nỗi ám ảnh của một người từng học ở Huế, khi vào bẹnh viện cứ nằm mơ ú ớ la hét: ”Răng, mi thấy cái chi? Nghe dễ sợ! - Chà chà, tao thấy con sông Hương không còn nước chảy, chỉ còn đôi bờ khô, bờ Bắc bờ Nam đều không có người chi cả!” Lần khác, trong chuyến tàu về thăm lại Huế, ông ta lại nằm mơ ú ớ la hét. “Mi lại thấy cái chi nữa? - Lại thấy mất con sông Hương!” Sau đó, khi đã nằm trên con đò đôi ngay giữa lòng sông Hương rồi, hai người bạn ấy vẫn còn “ôn vấn nhau về những ác mộng MẤT Huế“. Tôi còn nhớ bác gạch dưới chữ “mất”.
Cơn ác mộng nghe qua như là phi lý, nhưng ngẫm kỹ đó là lời cảnh báo cần thiết không chỉ đối với Huế mà với tất cả những nơi có may mắn lưu giữ được di sản văn hóa của dân tộc. Trên hành tinh này đã có biết bao cố đô bị tiêu hủy, biết bao di tích quý giá lụi tàn. Và mười năm qua, Huế cũng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đấu tranh để dìn giữ những di sản văn hóa dân tộc, để không đánh MẤT mình quả là không đơn giản. Những công trình ngạo ngược quanh hồ Gươm, những khối bê tông đồ sộ dự tính lấn đôi bờ sông Hương là bằng chứng hiển nhiên.
Cơn ác mộng nghe qua như là phi lý, nhưng ngẫm kỹ đó là lời cảnh báo cần thiết không chỉ đối với Huế mà với tất cả những nơi có may mắn lưu giữ được di sản văn hóa của dân tộc. Trên hành tinh này đã có biết bao cố đô bị tiêu hủy, biết bao di tích quý giá lụi tàn. Và mười năm qua, Huế cũng như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đấu tranh để dìn giữ những di sản văn hóa dân tộc, để không đánh MẤT mình quả là không đơn giản. Những công trình ngạo ngược quanh hồ Gươm, những khối bê tông đồ sộ dự tính lấn đôi bờ sông Hương là bằng chứng hiển nhiên.
Mười năm đã qua. Tôi lần mở trang báo đăng bài viết cuối cùng của nhà văn Nguyễn Tuân, tưởng như thấy bác đang chúm chím cười và bỗng muốn thưa với bác: Cảm ơn bác đã nổ phát súng báo động kịp thời. Mấy “anh chàng” ngạo ngược tính đè trùm lên vùng đất thiêng Hoàn Kiếm đã có lệnh phải “cạo trọc đầu“ và hai khối bê tông dù đã cắm chân ở đôi bờ sông Hương đã phải dỡ bỏ. Ờ, mà một người hay “xê dịch” như bác Nguyễn thì mọi sự hẳn bác đã thấy cả rồi. Hèn chi nụ cười bác trông thật vui.
Huế, ngày giỗ lần thứ 10 bác Nguyễn Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét