Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Xuân trong thi ca

Xuân trong thi ca
Đối với các văn nghệ sĩ một năm chia đều làm bốn mùa thì chỉ có hai mùa xuân và thu là họ cảm thấy gần gũi và có một mối cảm thông sâu rộng, thoáng đãng và đằm thắm, bởi vậy số thơ và nhạc viết về hai thời điểm này đã được nâng lên một số lượng đồ sộ, chất ngất thương yêu. Nguyễn Bính (1918-1996) bước chân vào làng thơ từ khoảng năm 1935-1936, đã được tặng giải thơ của Tự Lực Văn Đoàn, tập thơ Tâm Hồn Tôi, chính ông đã là người bỏ miền Bắc trốn vào miền Nam, và để tránh rắc rối với chính quyền bảo hộ Pháp, ông đổi căn cước lấy tên Nguyễn Bính Thuyết, thay vì mang tên thật Nguyễn Trọng Bình. Thơ ông đượm một nỗi buồn hầu như bất tận, vương một âm điệu trầm buồn, man mác dường như thương tiếc một dĩ vãng mơ hồ, xa xăm, những hình ảnh đớn đau, xa dời. Thơ ông gắn liền với cuộc đời ông, nhiều lao đao, lận đận, sống kiếp giang hồ, trôi nổi. Khác với Lưu Trọng Lư yêu thương, mộng mơ trong cõi tình hư ảo, Nguyễn Bính dành hết tâm tình mình cho những thiếu nữ sống chân chất trong nếp sống cổ xưa, ngập ngừng, e ngại trước bức tường đạo lý nghìn xưa của Nho giáo. Yêu tha thiết nhưng lại rụt rè, nhút nhát:
Nàng đến thăm tôi một buổi chiều
Những mong chắp nối mộng thương yêu
Nhưng tôi không dám, tôi không thể
Chắp nối bao nhiêu khổ bấy nhiêu.

Nhưng cõi lòng của nhà thơ sầu mộng đó cứ mỗi khi xuân trở về, mạch thơ đã như nguồn nước tuôn chảy, lén sâu vào tiềm thức, khơi dậy niềm xúc cảm dạt dào, hằn dấu ấn trong ký ức khơi nguồn từ ngôi đình làng, bờ tre, khóm trúc, con đường mòn dẫn vào thôn xóm đã bao ngày tháng sống êm đềm:
Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong.
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mưa tạnh, trời quang, nắng mới hoe
Lá nõn, nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận, gió bay đi.

Xuân về không chỉ phảng phất nơi cảnh sắc của vùng trời quê những hình tượng nghìn đời để lại, bất di bất dịch với không gian, thời gian mà nó nảy sinh từ ngay nơi con người muôn thuở, tình yêu son sắt. Chén rượu nồng mừng xuân chính là chén rượu chia ly của người con trai dành cho người con gái. Nàng ra đi, buồn thoáng chốc, bởi tình đầu đã lỡ bởi môn đăng hộ đối, hay bởi thành kiến cố hữu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nhưng biết đâu mối duyên sau lại không đem cho nàng hạnh phúc hơn:
Cao tay nâng chén rượu nồng
Mừng em: Em sắp lấy chồng, xuân nay
Uống đi! Em uống cho say!
Để trong mơ, sống những ngày xuân qua
Thấy tình duyên của đôi ta,
Đến đây là... đến, đây là… là thôi!
Em đi dệt mộng cùng người,
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh.

Tết quê xưa nay vẫn mang những sắc thái riêng cho nên muôn đời và cho dù đến nay có cách biệt quê hương cả nghìn trùng sóng vỗ của đại dương con người vẫn không quên cảnh cũ người xưa, nhưng tất nhiên phải trong môi trường tự do, hạnh phúc. Đoàn Văn Cừ (1913-2004) đúng như Hoài Thanh và Hoài Chân nhận định: “Trước sau đăng báo chỉ có sáu bảy bài. Bài thơ nào cũng hay. Cũng có bài đăng Ngày Nay số thường, nhưng chỉ nghĩ đến Đoàn Văn Cư là tôi lại nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng. Cứ mỗi lúc xuân về người lại gửi trên báo một chuỗi cười ngũ sắc. Tiếng cười ta còn nghe văng vẳng, thì người ta đã biến đâu rồi, và ta đành chờ mùa xuân khác.” Lập luận thế thôi, sự thực Đoàn Văn Cừ đã để lại cho đời một số thi phẩm như các tập Thôn ca 1, Thôn ca 2, Thơ lửa, Dọc đường xuân, Đường về quê mẹ chứ mùa xuân, hơn nữa trong thơ Đoàn Văn Cừ tưởng chừng không dời con người nửa gang tấc, đã tựa hình với bóng. Đi chợ Tết, Đoàn Văn Cừ buông thả cho thị giác, thính quan trải rộng khắp ngoại cảnh, say sưa theo đoàn người vui vẻ kéo từng hàng dài trên đường quê. Thằng bé chạy lon xon theo mẹ, cụ già lom khom trên chiếc gậy trúc, những cô áo thắm lòng nở rộ hoa. Người gánh, người gồng, bò lợn lũ lượt kéo về hướng chợ, vui tươi, nhộn nhịp.

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc,
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.

Thậm chí tới đồi núi kia từ bao thế kỷ im lìm, bất động mà nay bỗng nôn nao muốn uốn mình trở dậy, choàng vội lên người thảm cỏ xanh mướt, và thoa lên làn son thắm tươi của ngày trở giấc. Sự vật được Đoàn Văn Cừ khéo léo nhân cách hóa, hỗ trợ cho thêm tưng bừng hoạt cảnh, tưởng chừng của thế giới con người không bằng:
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the đen
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.

Bước chân thoăn thoắt vào chợ cảnh tượng thật ồn ào, tấp nập, kẻ qua người lại, chen lấn nhau, hàng quán xô bồ, ngổn ngang, chỉ chừa một lối đi, vậy mà Đoàn Văn Cừ không bỏ qua một hoạt cảnh nào, anh hàng tranh quảy đôi bồ tìm chỗ bán, tranh gà, tranh lợn, ngày xuân cô gái đánh đu, hứng dừa, chuột vinh quy bái tổ… cảnh thày khóa gò lưng trên phản mài mực viết thơ xuân:
Cụ đồ nho đứng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau

Tết quê trong thơ Đoàn Văn Cừ thấm đẫm hình ảnh quê hương, một quê hương không khói lửa của thời xa xưa, chưa nếm mùi vị cộng sản áp đặt, tàn bạo. Khung cảnh chợ Tết, đám hội rộng mở, ông nội ông ngoại lên tỉnh đón cháu trọ học xa trở vể làng, đêm xuống chuông trống vang rền, các cụ chơi tổ tôm xóc đĩa, các bà lên đồng khăn áo đỏ chạy loanh quăng, trên bãi cỏ: “một chị đương đu ngửa tít trên không”, bọn đô vật thi sức mạnh trước sân đình: “mình cởi trần gân cốt nổi như lươn”, tiếng hò reo của đám trẻ khuyến khích: “đoàn trải dài vùn vụt giữa dòng sông”. Hoạt cảnh đồng quê vô cùng linh hoạt, gần gũi và thân thương, trìu mến, chẳng qua do óc quan sát bén nhạy của Đoàn Văn Cừ, chữ dùng đắc dụng, hình ảnh bóng bảy:
Khi tế xong một cụ đứng trên thềm
Giơ bánh pháo cho người kia lại đốt
Bọn trai gái đứng xem đều chạy giạt
Một thằng cu sợ hãi khóc bi be.

Tết về trên những vùng quê đem tới cho con người những rộn ràng, tươi vui, những khoảnh khắc chan chứa xuân tình, quanh một năm cặm cụi với con trâu cái cầy, công việc đồng áng ngày nắng đêm sương, le te gồng gánh đi chợ huyện họp phiên, trời mù mịt sương muối. Bên ngoài cảnh vật xem ra còn rỡ ràng hơn. Dưới ngòi bút tả chân sắc bén của Đoàn Văn Cừ người ta tìm thấy nhiều nét đẹp rỡ ràng của quê mẹ, nào cảnh sắc, sinh hoạt của con người, mà có những cá nhân bởi đời sống kinh tế phải xa dời nơi đây, tha phương lên tỉnh thành làm ăn, thành thử không chiêm ngưỡng được hết. Chính những nét đẹp này đã gây cho họ tình yêu thương quê hương, họ lưu luyến không muốn xa dời làng xóm, nơi chôn rau cắt rốn, thế nên nguồn cội dân tộc đã lắng sâu trong tâm hồn họ. Họ gìn giữ bảo vệ nơi quê cha đất tổ đã bao đời, và dù cho lũ giặc Bắc phương kia có binh hùng tướng mạnh, vó ngựa trường chinh có soải dài khắp nơi vẫn chùn bước nơi đây, bị đuổi đánh không còn manh giáp. Phải cởi bỏ áo giáp, chui ống đồng trốn về nước, hay treo cổ trong thành mà chết:
Ngày xưa rạng, vàng son lồng mặt nước,
Trời thêu mây, núi tìm nắng phun hường
Cây xanh rờn sương nạm ngọc kim cương.
Dòng nước biếc lượn như dòng ngọc chảy.
Đàn chim sẻ nấp mình qua kẽ sậy,
Tia nắng hồng đốt cháy hạt sương trong.
Đám mây vàng lơ lửng lướt trên không.
Bóng trôi xuống dòng nước trong sâu thẳm
Ngoại cảnh tết vùng nông thôn đẹp là vậy, nhưng chỉ là vẻ đẹp bên ngoài, bên trong tâm tưởng con người vẻ đẹp còn sâu lắng hơn, nó là những kỷ niệm buồn vui không phai thời thơ ấu, làm nhân chứng cho những biến đổi thu hẹp trong cảnh gia đình, những cảnh sinh ly tử biệt. Đoàn Văn Cừ sống nhiều với nội tâm, không thờ ơ, lạnh nhạt với tâm tình, gói trọn được những hình ảnh hiền từ của ông bà, những cử chỉ chăm nom, trìu mến các cháu mà họ tin rằng đó là dòng dõi của tổ tiên được truyền qua dòng máu trong cơ thể của bầy trẻ thơ, biểu hiện cái tình yêu thương đậm đà của những cụm trẻ già cỗi bên búp măng non mới nhú mầm. Bởi vậy Đoàn Văn cừ không khỏi cảm thấy chua sót khi quá khứ được khơi gợi:
Từ khi ông tôi mất,
Bà tôi đã qua đời,
Tôi mỗi ngày mỗi lớn,
Nên chẳng thấy gì vui,
Tết đến tôi càng khổ,
Tôi nhớ bức tranh gà,
Chiếc phong bao giấy đỏ,
Bánh pháo tép ba xu.

Không riêng chỉ Đoàn Văn Cừ mới có những cái Tết quê được gợi nhớ trong thơ một cách thật tiếc nuối, bởi cảnh sắc linh hoạt, tươi vui, và lòng người phóng khoáng, đôn hậu; ngoài ra người ta còn thấy có Anh Thơ tên thật là Vương Kiều Ân sinh năm 1921, đã đoạt giải của Tự Lực Văn Đoàn, tập Bức Tranh Quê năm 1939. Khác một số các nhà thơ đương thời dùng tình yêu làm động lực, dùng sự mềm yếu tình cảm, sự khơi dậy dục vọng làm yếu tố, Anh Thơ tự tạo cho mình một sắc thái riêng biệt, lấy thiên nhiên làm bối cảnh, sinh hoạt thôn quê làm đề tài và phong tục nông thôn làm nguồn sáng tác. Nguyên nhân một phần cũng bởi Anh Thơ sinh trưởng trong một gia đình tại đất Ninh giang, cha làm công chức, bản thân Anh Thơ vốn dĩ nữ giới nên không được theo học nhiều bởi thành kiến cổ xưa hạn chế sẵn. Đã có người đả kích đường lối đi của Anh Thơ, cho rằng không hợp với quan niệm của lớp người trẻ đương thời. Nhưng Anh thơ vẫn kiên định với lối đi của mình, sau Anh thơ còn viết chung với Bàng Bá Lân trong thu tập Xưa. Thơ của Anh Thơ mang tính quê hương, tượng trưng tình non nước, ruộïng đồng bao la bát ngát, cánh đồng lúa chín, gạch nối liền dĩ vãng xưa, cho thấy thế nào là đời sống cổ truyền, phong tục, đời sống thực của quê hương. Những buổi chiều mùa gặt, người dân quê giã biệt đồng ruộng trở về nhà, tay cầy tay hái, miệng hát khúc ca thanh bình, những trưa hè, người mẹ phe phẩy chiếc quạt mo cau, yếm thắm xô lệch nằm ru con trên võng, trời sang thu, những câu hò giọng hát vang vang, cảnh bão lụt, mưa dông... Guy de Maupassant nhận định: “Làm văn, đối với nhà thơ không khó nhưng cái khó là phải làm sao phô diễn được sự thật những gì mình muốn nói, không gượng ép, giả tạo, diễn tả bằng lời chưa đủ, còn phải phô diễn được những hình ảnh sống thực, độc đáo.” Điều này, thu hẹp trong những ngày cuối năm ở thôn quê, phiên chợ chiều 30 ồn ào, nhộn nhịp, ngày Tết đàn trẻ thơ vui vẻ chào đón xuân mới, gia đình cùng nhau đi chúc thọ, một phong tục hiếm có của người Á đông, tỏ cho thấy Anh Thơ đã vững chắc khi cầm bút. Những cô thôn nữ nhộn nhịp đón Tết:
Lũ con gái rộn ràng cười, nói nói
Kho

Thật đa tình những cô gái quê, đôi mắt lá dăm, liếc sắc như câu hát quan họ. Chiếc áo tứ thân thắt vạt hờ hững che chiếc yếm thắm bên trong, nửa muốn phơi mở nửa còn ngập ngừng, e lệ, chiếc váy sồi đen tha thướt, che kín gót chân hồng. Họ trông chờ Tết đến như trông chờ một ngày xa cha mẹ, xa mái nhà thân thuộc ra đi. Hay:
Trong vườn đã nhiều bông nở đỏ
Và đã nhiều nêu dựng khánh khua thi

Đó cảnh tượng mọi người vui vẻ trong ngày vào ngày giáp Tết, mùa đông u ám đã tàn lụi, hoa lá bắt đầu đâm chồi nẩy lộc. Không ai bảo ai họ lo đi chợ mua sắm Tết, trong nhà người ta lo dọn dẹp nhà cửa, đánh những bộ đỉnh đồng, lư hương cho bóng, chẻ lạt, ra cầu ao rửa lá dong gói bánh chưng, chung đụng nhau giết heo gói giò chả, chuẩn bị nấu đông, nấu măng, kho thịt dùng trong những ngày Tết:
Và rất nhiều ông già ngồi lau quét,
Trước bàn thờ thành kính thắp tuàn nhang.
Trong khi ấy tiếng lợn kêu eng éc,
Khắp xóm làng lẫn tiếng chửi nhau vang.
Nơi nơi đều trang hoàng nhà cửa tiễn năm cũ đón năm mới, thật xôn xao sinh hoạt, hoạt náo và rộn ràng, ngay trên sông nước mêng mông, những chuyến đò ngang đã không còn tĩnh lặng của những ngày nào, họ nôn nao trông chờ ngày về của Tết, bàn tán chuyện trò, dự tính, tất cả dường như sợ một sự muộn màng, để đời người ngàn lẻ một lần lỡ dịp may hiếm có:
Trên sông nước trong khoang thuyền chở vội
Giữa những người về Tết chợ ba hoa
Một lữ khách lạnh lùng ôm khăn gói
Mắt mơ màng nhìn tiếng pháo xa xa

Trong sự vội vàng, hối hả của những khách tha phương về quê hưởng mấy ngày xuân, họ hớn hở, như đã trút đi được những lo âu, cực nhọc sau nhũng tháng ngày lưu lạc bởi công ăn việc làm, hoặc ba chìm bảy nổi trong chốn thương trường. Nhưng trong sự xôn xao hớn hở đó đã có một lữ khách lạnh lùng, nghe tiếng pháo nổ vọng từ xa mà lòng không khỏi trùng xuống, mắt mơ màng như gửi gấm một niềm tâm sự riêng, có thế bởi thân thế lao đao, thất chí trong tình đời, hoặc sống cô đơn, tết đến thân phận không biết phiêu bạt về đau. Anh Thơ đã khéo khơi gợi một hình ảnh tương phản đó trong hai ngã rẽ của đời người.
Trời tối quá, bên ngoài trời tối quá,
Những cây nêu tiếng khánh khẽ khua thầm.
Những cung vôi trong sân như mờ xóa
Những giấy điều trước cửa dán đen thâm

Đêm giao thừa trời tối đen như mực, khung cảnh thật vô cùng trang nghiêm, tĩnh lặng nếu không có tiếng gió bấc thổi, làm rung những chiếc khánh treo trên cây nêu đã được dựng lên mấy ngày trước, tiếng leng keng khua theo nhịp gió đưa như một điệp khúc buồn. Cung tên rắc bằng vôi bột, tượng trưng con đường công danh sự nghiệp, ứng với câu “tang bồng hồ thỉ’ của cổ nhân, gió đã làm mờ xóa trước sân, giấy điều dán cầu phép trong ngày Tết đã thâm đen. Mọi người nôn nao chờ đón giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa, tiễn năm cũ và đón năm mới, mong được may mắn hơn, tin rằng trái đất được cai quản bởi nhiều thần khác nhau, mỗi thần giữ một phần hành như Táo quân coi nhà bếp, Thổ Địa coi nhà đất, Thần Tài coi tiền bạc, Thần Thiện, Thần Ác coi điều thiện, điều ác... Họ chờ nghe tiếng pháo nở dòn dã và tiếng chuông chùa, nhà thờ vang vọng:
Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục
Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen nhúc,
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm

Có trải qua đêm giao thừa ở miền thôn quê mới thấy Anh Thơ có cái nhìn tinh tế, không những đã thấu hiểu tập quán, phong tục của người dân sống nơi đồng ruộng, họ lam lũ suốt một năm trời, nay mới có những giây phút thảnh thơi này, hơn nữa Anh Thơ còn cực cảm được nỗi bồn chồn của tâm trạng họ ra sao. Đêm đã khuya đứa trẻ buồn ngủ díp mắt còn cố dụi mắt ngồi chờ cho chín nồi bánh. Bà lão mong cho chóng giao thừa để tăng thêm tuổi. Chừng này cụ không còn thời con gái để phải giấu tuổi cho trẻ, mà chỉ mong lên lão. Trái lại cô gái lớn chỉ mơ có chiếc váy sồi đen rức mặc đi lễ chùa, hay ra sân đình hát đố kén chồng. Nồi bánh chưng canh thức trong đêm còn là một cơ hội để họ thức giữ nhà, bởi đây là tháng củ mật, trộm cắp rình mò, đục tường khoét vách vào nhà chỉ có một đêm nay, nếu không khéo canh chừng. Tiếng pháo giao thừa nổ ran, truyền từ nhà nọ sang nhà kia, người miền quê tin rằng tiếng pháo nổ xua đuổi được tà ma, báo hiệu một năm mới nở mày nở mặt, ăn nên làm ra:
Bỗng tiếng pháo đẹt đùng xa nổ, báo,
Ngoài đình trung làng đã tế giao thừa
Cả nhà vội giật mình không ai bảo,
Cùng đứng lên thăm bánh chín hay chưa?

Đọc thơ Anh Thơ người thành thị có một ý niệm rõ rệt về đời sống thôn quê vào những ngày Tết đến. Cảm thấy thích thú được biết thêm nếp sinh hoạt sau lũy tre xanh, tựa hồ người ta quen sống tại phố quanh năm chỉ thấy những xưởng máy, những ống khói. Đạt tới trình độ này đâu phải bất cứ mọi người đều có thể làm được. Nhưng có điều Anh Thơ ít khơi mở nội tâm, đưa xúc cảm vào trong tiếng thơ, mà chỉ có khả năng gây rung động nơi con người trước cảnh, bởi vậy tuy cùng một khuynh hướng thi ca đồng nội, người ta dễ gần gũi với tiếng thơ của Bàng Bá Lân, cũng thường ghi lại những nếp sinh hoạt của người dân miền thôn dã. Đi vào thế giới thơ của Bàng Bá Lân con người như chìm đắm trong kho tàng tập tục cổ truyền của dân tộc, thấy được sự mộc mạc, chất phác của người dân quê, quanh năm suốt tháng sống quần quật trên đồng ruộng, giọng thơ ngọt ngào, êm dịu, ý thơ hàm xúc tạo cho thơ mình một suy tưởng riêng.
Nhận định về Bàng Bá Lân, Thế Lữ viết trên báo Phong Hóa, số ngày 25.2.1935: “Ông biết nhìn những cảnh thường thấy ở trước mặt mọi người, nhưng chỉ có người làm thơ mới chú ý tới. Ông biết ghi những nét ánh trăng lóng lánh trong nước chậu thau rửa mặt, biết thấy cái buồn ngao ngán tịch mịch của lớp nhà tranh bên khóm chuối, bên rặng cau lúc trưa hè. Ông tìm về những cảnh êm đềm ; bà dùng kim khâu, cháu thôi nghịch đến bên bà, con mèo vờn cuộn chỉ, con vện nằm ngoài hiên. Ông thấy lòng rung động khi nghe tiếng ve mùa hạ kêu gào, làm rung rinh ánh nắng gay gắt, làm thở dài làn gió trong cành sấu mốc rêu. Lời thơ tha thiết, êm ái và thật dẫu chẳng phải là thi sĩ cũng thấy lòng rung động một cách nhẹ nhàng.” Cái nhìn của Bàng Bà Lân lãng mà kín đáo, người trong buổi đầu xuân người ta bất chợt gặp đã thật êm ấm:

Chiều quê trong lúa xanh non
Vẫn cô yếm thắm xinh ròn ngây thơ.

Khác Chế Lan Viên chỉ thích mùa thu và ghét mùa sâu, tâm hồn u uất mối sầu vong quốc của người dân Chàm, Bàng Bá Lân không phân biệt một mùa nào mà yêu cả bốn mùa:
Ta yêu mưa bốn mùa
Nghe nhạc trùng rên rỉ
Giun khóc chân tường, dế than dưới cỏ
Nhạc sầu dâng buồn bã suốt năm canh
Ta thích đêm mưa, nằm sát cửa sau mành
Nghe gió rít từng hồi qua kẽ hở,
Nghe gió đập tầu tiêu, mưa nức nở...
Nghe hồn mưa than thở với hồn ta.

Bốn mùa đều mưa, mà khác biệt nhau. Mưa hè ào ào thác đổ, tưởng chừng úng thối đất cát, lũ lụt dâng tràn. Mưa thu buồn rả rích, mối tình Ngưu Lang Chức Nữõ thấm đẫm lệ. Mưa đông lạnh cóng, từng hồi dứt hạt. Và mưa phùn mùa xuân như tro rắc trên những mái tóc huyền óng ả:
Ta yêu mưa xuân
Phơi phới gieo trên vườn mận nở
Trên cánh hoa đào rực rỡ,
Trên áo quần diêm dúa hội mừng xuân
Mưa rơi rơi...
Cho cảnh xuân căng nhựa,
Cho má em tươi hồng

Bàng Bá Lân đắm đuối bởi cảnh sắc xuân, mùa đông xám xịt héo rụng, mới thoáng thấy cái cổng làng, tâm hồn người đã nở hoa, cánh cửa khai hội kia mở ra, biết bao nhiêu những cô gái xô đảy trẩy hội làng, thả lời ong bướm mong se duyên Tấn Tần, phảng phất cái tâm trạng của Xuân Diệu khi say men tình, buông những lời tha thiết, nồng nàn, ý lời đều đằm thắm mà cảm thấy ngất ngây: “Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh - Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi.”
Ngày mùa lúa chín thơm đưa,
Rồi Đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng;
Mừng Xuân ngày hội cổng làng
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ.
Ngày nay dù ở nơi xa
Thăm quê, về đến cây đa đầu làng
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.
Đó là những nét xuân xưa, người dân quê mỗi năm vào hội xuân họ đã nao nức theo khí tiết trời đất sống trở dậy, đầm ấm hơn của mùa xuân, sau những ngày đông ủ ê, giá buốt. Bao nhiêu tập quán, phong tục nghìn đời của dân tộc được khơi mở, cho người sau thấy rõ những nét đẹp, nét hay mà trở về cội nguồn, bởi thế người xưa đã tránh thoát mọi nguồn ngoại nhập Tây Tàu đồng hóa. Nhưng như mọi người, qua không gian thời gian, cái cốt xuân trong bản thể họ vẫn cuồn cuộn của dòng máu chảy, luân lưu không ngừng. Nó đẹp quyến rũ, say mê một cách huyền ảo, mùa đi mà hương còn dừng bước, người ta khao khát đi tìm, y như bạo chúa Tần Thủy Hoàng xưa kia đã phái người vượt biển Đông đi kiếm thuốc trường sinh, xuân là thế, trách chi Xuân Diệu đã phải than lên: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người?”
Xuân mơn mởn độ dậy thì của của cô gái chớm yêu, cho nên không chỉ những nhà thơ mới dành cho xuân thứ tình thương yêu, chiều chuộng của đấng quân vương trao cho nàng cung phi, mà các nhạc sỹ cũng đắm say. Mỗi độ xuân về tết đến đâu đây lại thấy văng vẳng bản “Anh cho em mùa xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ từ bài thơ “Nụ hoa vàng cho em” của Kim Tuấn. Nguyễn hiền sinh năm 1927 tại Hà Nội mới qua đời 10 giờ sáng ngày 23.12.2005, bệnh ung thư phổi thời kỳ chót được phác giác, đã sáng tác cả trăm nhạc phẩm trong đó có nhiều bản được nhắc tới như: Mái tóc dạ hương phổ thơ Đinh Hùng, Ngàn năm mây bay, Hoa bướm ngày xưa, Tiếng hát học trò, Lá thư gửi mẹ phổ thơ Thái Thủy... Ngoài ra không thể không thể không nhắc tới bản “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương, kể từ những ngày miền Nam chưa đổi chủ tới nay tại hải ngoại, cứ vào mỗi cuối đông đầu xuân, khắp nơi lại vang vọng, gợi nhớ mùa thanh bình, tự do của đất nước. Lời chúc tết không dành riêng một giới nào, mà bao trùm xã hội, tạo sinh khí cho đời người thêm tin tưởng ở bước đường đi tới. Chu kỳ 12 tháng một năm, xuân cứ tuần tự đến tuần tự đi, xuân muôn tuổi, đối với con người hóa sinh đời kiếp, nhưng thi ca xuân không chết, và đời đời còn được bồi đắp, sáng tạo để ca ngợi xuân.
NHẬT THỊNH

Nguồn: http://www.calitoday.com/

Theo http://www.advite.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi trong miền giao thoa ngôn ngữ với văn học qua Phê bình “Đi tìm dấu vân chữ” của Hoàng Kim Ngọc Từ những hiện tượng lặp đi lặp lại của...