Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Dưới mái học đường 3

Dưới mái học đường 3

47. Con Mắt Quý
Ngày 18 tháng 3
Thầy giáo tôi dạo này ốm quá, phải xin nghỉ chữa bệnh. Thầy giáo lớp Nhì tạm thay ít bữa.
Vừa vào đến lớp, thấy một anh có con mắt bên trái đỏ ngầu, thầy lại gần bảo:
- Mắt con đau rồi đó! Phải cẩn thận đấy nhé! Chớ dụi tay bẩn lên mắt mà khốn đấy!
Anh Sinh đứng lên hỏi:
- Thưa, có phải trước thầy đã dạy ở trường Mù phải không ạ?
- Phải, thầy đã dạy ở đấy, mà dậy lâu năm nữa là đàng khác!
Thế là cả lớp ồn ồn lên:
- Thầy kể chuyện trường Mù chúng con nghe đi!
Anh Tý nói to lên:
- Thưa, có phải trước kia ở Hà Nội cũng có trường Mù không ạ?
Thầy ngồi vào chỗ, nghiêm mặt nói:
- Các con nói tiếng “mù” dửng dưng như khi nói đến tiếng “ốm”, tiếng “đau”… Các con có biết thế nào là mù không?
Mù là không thấy gì cả; không biết thế nào là ngày, thế nào là đêm; là không thấy ánh sáng rực rỡ, hay mầu hoa lá xanh tươi; là không trông thấy cha mẹ họ hàng, cùng với những vật thân yêu; là suốt đời chìm trong bóng tối, ngập dưới đất đen…
Các con thử nhắm mắt lại một lúc xem nào, và tưởng tượng rằng suốt đời sẽ ở trong cảnh tối tăm như vậy, chẳng khác gì trong tù ngục, các con sẽ thấy khổ sở, bực bội thế nào!
Các con sẽ thấy nghẹn ngào, đau đớn, rồi căm hờn đến nỗi muốn đấm ngực mà hét lên những tiếng kêu tuyệt vọng!
Đến thăm trường mù ta sẽ thấy có những trẻ trông khỏe mạnh, coi bộ thản nhiên, nhưng nếu nhìn thấy những nét buồn rầu in trên khuôn mặt, ta phải phục chúng đã nhiều can đảm để chịu đựng bao nỗi khồ đau.
Có những trẻ khác, trên khuôn mặt xanh xao, hiền hậu còn in những nét sầu vô hạn, tỏ ra chúng đã nhiều lần khóc vụng, khóc thầm.
Các con ơi! Đứng quên rằng có đứa đã mất mắt trong có vài ngày, có đứa sau nhiều năm bệnh não, hay sau những lần mổ sẻ đớn đau. Lại có những đứa mù ngay thủa lọt lòng, tuy được ra đời, mà chẳng khác gì lại chui vào nấm mộ sâu, chẳng được biết ánh sáng mặt trời, màu sắc của hoa lá. So với những kẻ có diễm phúc mở mắt trông đời thì chúng thiệt thòi, đau khổ biết chừng nào! Mà chúng làm gì nên tội? Ông trời thật chẳng công bằng!
Ở lâu năm bên những trẻ mù, hàng ngày trông thấy đôi mắt nhắm nghiền, chẳng bao giờ mở cả, giờ lại trông thấy các con với đôi mắt long lanh trong sáng, thầy không khỏi ngậm ngùi thương xót cho cái số kiếp hẩm hiu của chúng, mà bảo rằng: ”Các con là những người sung sướng”.
Thế mà ở nước ta nay có tới một phần ba dân số bị bệnh đau mắt, và có đến hàng vạn người mù. Hàng vạn người mù! Các con có ai dám ngờ như vậy không?
Thầy giáo ngừng lại. Cả lớp im phăng phắc. Thày lại nói tiếp:
- Chúng học rất chăm. Sách của chúng viết bằng chữ nổi. Chúng lấy tay sờ lên, rồi đọc rất nhanh. Nhầm một chữ là chúng thẹn đỏ mặt. Chúng biết cả viết nữa. Trên mảnh giấy dầy, chúng lấy dùi đục thủng từng lỗ nhỏ, rồi lật tờ giấy lại, sờ lên chỗ gợn đằng sau, đọc những điều đã viết. Bằng cách ấy, chúng làm bài, làm tính, viết cả thư cho nhau nữa.
Nhân tiện đây (Theo Hiếu học), thầy cũng cho các con biết gốc tích chữ “Bờ-Ray” (Braille), thứ chữ của người mù, cùng sự kiên-nhẫn vô bờ của người phát minh ra thứ chữ ấy, khiến cho những con người xấu số cũng học được, viết được như những người có mắt.
Năm 1912, cậu Bờ-Ray, con một người thợ đóng giày ở một làng nhỏ nước Pháp, một hôm mang dùi của cha ra nghịch, chẳng may ngã, thủng mất một mắt. Còn mắt kia sau cũng hỏng nốt, cậu thành mù tịt.
Năm mười tuổi, cậu vào trường mù ở Ba-Lê. Ông Hiệu-Trưởng lấy những cuống rơm, xếp thành 25 chữ cái để cậu sờ tay vào mà nhận mặt chữ. Sau đó, cậu đọc vào cuốn sách, có chữ bằng vải dán lên giấy. Mỗi chữ cao 7 phân và rộng 5 phân, to gần bằng một gói thuốc lá. Sau ông Hiệu-Trưởng làm thứ chữ nhỏ hơn, cao chừng hai phân một, nhưng cũng vẫn còn lớn quá. Chương trình người thường học trong ba tháng, người mù phải học đến 5 năm.
Một hôm cậu Bờ-Ray nghe thấy người ta kể rằng có một viên đại-úy đã nghĩ ra cách dùng những dấu chấm và vạch nổi, có thể viết, và lấy tay sờ để đọc trong đêm tối. Cậu bèn theo cách ấy.
Sau 5 năm nghiên cứu, năm 1936, lúc 27 tuổi, cậu đã có thể dùng dấu nổi đọc nhanh như nói, lại có thể đem ra áp dụng vào toán học, và âm nhạc nữa.
Nhưng sáng kiến ấy bị bao kẻ dèm pha, đố kỵ. Cho đến một buổi hòa nhạc, một nữ nhạc-sĩ mù, sau một bản đàn tuyệt-diệu, được thính giả nhiệt liệt hoan nghênh. Nữ nhạc-sĩ chống gậy bước ra khỏi chiếc dương cầm, rồi quá cảm-động nức nở lên không ra tiếng. Một lát sau, nàng mới nghẹn ngào nói trong nước mắt:
- Thưa các ngài, những lời khen ngợi ấy, tôi xin nhường lại cho giáo sư Bờ-Ray, người đã dùng thứ chữ nổi để phổ vào đàn cho tôi học tập.
Từ đó báo chí và dân chúng hết lời ca-tụng sáng-chế của ông. Hay tin sự thành công của mình, ông cảm-động đến ứa nước mắt:
- Đời tôi chỉ mới khóc có ba lần. Lần thứ nhất khi tôi bị mù. Lần thứ hai, khi tôi tìm ra được lối viết trong bóng tối, và lần thứ ba, khi tôi được biết công cuộc làm của tôi không đến nỗi uổng.
Nghỉ một lát, thầy kể tiếp:
- Vì không có mắt nên chúng có một trí nhớ phi thường, nhiều đứa có bộ óc thông minh kỳ-dị. Trong lớp, chúng ngồi học rất ngoan, chăm chú nghe, ai trông thấy cũng phải ngợi khen.
Anh Tý khẽ nói vào tai tôi:
- Chả bù với cánh ta nhỉ?
Thầy suỵt một tiếng, bảo im, rồi nói tiếp:
- Chúng yêu kính thầy giáo lắm. Chỉ nghe bước chân đi là chúng biết rõ thầy giáo nào rồi. Nghe giọng nói, chúng biết được thầy vui hay buồn, khỏe hay đau. Được các thầy xoa má, vỗ vai thì chúng sung-sướng khôn cùng, sờ-soạng nắm lấy áo thầy để tỏ dấu biết ơn.
Chúng chơi với nhau rất thân, chẳng thấy chúng cãi nhau, giận nhau bao giờ. Cùng trong cảnh đui mù, tàn tật, chúng thương yêu nhau hơn hết, tưởng anh em ruột cũng không bằng. Chúng vỗ về săn sóc nhau, thương xót, âu yếm nhau, khiến ai trông thấy cũng phải mủi lòng.
Còn âm nhạc thì đó là nguồn an ủi độc nhất của chúng. Có nhìn chúng chơi nhạc với bộ mặt tươi sáng, nụ cười hớn hở, mới biết chúng say mê nhạc là chừng nào! Nếu bảo chúng chậm tiến, hay không có khiếu, thì chúng vô cùng thất vọng, và cố gắng học tập cho đến được khen mới thôi.
Với chúng, người giỏi nhạc nhất được chúng kính mến như người anh trưởng. Âm-nhạc đối với chúng là tất cả một cái gì quý báu, thiêng liêng chẳng khác gì ánh sáng với con mắt của ta. Cho nên các thầy giáo chưa ai nỡ phạt không cho chúng chơi nhạc bao giờ, cả đến đọc sách cũng vậy.
Vào lớp học của chúng mà nhìn những bộ mặt héo hắt, mất hết tinh thần, yên lặng trông thẳng… mà chẳng nhìn thấy gì, thì thật là một cảnh tượng não lòng, làm rung động những con tim sắt đá nhất.
Những trẻ mù từ thuở lọt lòng chẳng nói làm gì, nhưng còn những trẻ sau này mới bị mất mắt thì ôi thôi! Cuộc đời chúng đến đây là hết, là vì chúng hiểu rằng những hình ảnh thân yêu rồi đây sẽ bị mờ dần trong trí nhớ, để chìm sâu vào trong bóng đêm mờ mịt.
Có đứa đã từng nức nở nói với ta rằng:”Con chỉ cầu mong được mở mắt trong giây phút để được nhìn lại bộ mặt hiền hậu của mẹ con, mà đến nay con không còn nhớ nữa”
Hỡi ơi! Chỉ nghe có một câu nói ấy mà ta không ngăn được giọt lệ thương tâm. Còn các con, nhờ trời còn đủ cả hai con mắt, các con hãy thương giùm cho số phận hẩm hiu của những con người có mặt trời mà không biết ánh sáng, có mẹ hiền, mà chẳng biết dung nhan!
Có mắt, con phải biết mắt là quý để thận-trọng giử gìn cho trong, cho sáng. Có mắt, các con phải chăm chỉ học hành; có mắt, các con phải biết phân biệt cái đẹp, cái xấu! biết nhìn thấy cái đau khổ của đồng-bào, cái nhục của người dân mất nước, để giúp đỡ người đồng-loại, để vùng lên đánh đuổi ngoại xâm.
Con mắt đó mới là con mắt có ích, và người có mắt ấy mới xứng đáng là người!
48. Thăm Thầy Giáo Ốm
Ngày 25 tháng 3
Chiều hôm qua, lúc tan học về, tôi lại thăm thầy giáo bị ốm, chỉ vì thầy chăm việc quá.
Thày mệt đã lâu, nhưng không chịu nghỉ. Thày bảo lớp đi thi phải làm việc nhiều hơn các lớp khác. Trong khi ấy thầy cứ sút dần, sút dần, cho đến lúc Bác-Sĩ phải đe không chữa cho nữa, bấy giờ thày mới chịu làm đơn xin nghỉ.
Thày lo cho hai lá phổi, đôi phổi đã khô héo đi, sau những năm tận tụy với nghề.
Lúc tôi vào thì gặp thầy giáo lớp Nhì ra. Tôi chắp tay chào. Thày chẳng nói, chẳng rằng, béo má tôi, rồi nhẩy lên xe đạp, đi thẳng. Trong căn buồng tranh tối, tranh sáng, thầy giáo tôi nằm dài trên giường, chiếc chăn trắng phủ lên đến tận cầm.
Thấy tôi vào, thày quay mặt ra, khẽ nói:
- Dũng đấy ư? Vào đây con! Hôm qua ba con cũng có lại đây thăm ta.
Tôi dón dén, bước lại gần giường. Thầy giơ bàn tay gầy nóng hổi nắm lấy tay tôi:
- Mấy hôm nọ, thày ốm nhiều; đã tưởng nguy, nhưng hôm nay đã khá. Các con vẫn chịu khó học đấy chứ? Còn mấy tháng nữa thi rồi đấy! Phải cố mới được!
Nói đấn đây, thầy ngưng lại, bảo tôi rót cho ngụm nước. Uống xong, thày lại nói:
- Thày biết nghỉ lâu, thiệt cho các con lắm. Nhưng đã có thày khác.
Rồi thày gượng một nụ cười:
- Còn cái thầy giáo già này, gần kề miệng lỗ, thì “cho về vườn”, phải không con nhỉ?
Trông nụ cười chua chát trên khuôn mặt héo khô ấy mà lòng tôi thấy buốt như có kim châm. Tôi toan nói “không”, thì thày đã chỉ tay lên tường nói tiếp:
- Thày nói đùa vậy thôi, chứ các con chả đời nào quên thày, phải không con? Con nhìn kia mà xem! Đó toàn là ảnh những hoc-trò cũ của thày cả đấy. Có anh đã làm đến bác-sĩ, trạng-sư; có anh xoay ngang học nghề, nhưng dù làm thày hay làm thợ, tất cả đều giữ được nhân-phẩm, không phụ ơn ta dạy bảo.
Con xem đấy! Nhiều tấm đã ngả màu vàng vì đã quá lâu. Trên hai mươi năm trời rồi còn gì! Đó là kỷ-niệm duy nhất của thầy. Thầy chỉ còn có nó để nhìn trước khi nhắm mắt. Cuối năm nay, các con cũng mỗi anh cho thầy một chiếc nhé!
Nói nhiều, thầy như bị mệt, ôm ngực hổn hển. Tôi nhân dịp khẽ đặt hai hộp sữa trên mặt bàn, rồi chẳng biết nói thế nào, mặt cứ đỏ bừng lên.
Nhưng không để ý, thày nói tiếp:
- Con kém toán lắm đấy! Phải chịu khó thêm mới được! Cứ làm cho thật nhiều tính là giỏi… Thày còn ốm nằm đây, biết bao giờ mới đứng lên được? Nghĩ đến việc học của các con mà thày sốt ruột!
Thày vừa nói, vừa thở hổn hển, mặt co rúm lại, coi như đau đớn lắm:
- Thày đã lên cơn sốt rồi đây!... Thôi con về nhé kẻo Ba Mẹ con mong. Cảm ơn con… Không biết thầy còn sức nữa đây không?... Kìa sao con khóc?... Thầy đã chết đâu!... Anh em bảo nhau cố gắng mà học…
Thế là nước mắt tôi cứ từng dòng chẩy trên gò má.
49. Lớp Học Bình Dân
Ngày 3 tháng 4
Tối hôm nay có trăng, chúng tôi rủ nhau ra xem lớp học BÌNH DÂN dậy nhờ ngay ở trường tôi. Đèn các lớp đã bật sáng trưng và hoc-viên từ mọi ngả lục tục kéo đến.
Ông Hiệu-Trưởng đang tức giận vì một viên đá bí mật vừa ném vỡ một ô kính lớn ngay cửa lớp Ba. Bác gác trường chạy đuổi theo. Nắm được một đứa trẻ dẫn về. Nó rẫy rụa, vừa la, vừa chối.
May có em gái anh Tác trông thấy người ném đá, bèn minh oan cho nó. Thủ phạm chính là anh Canh, học sinh lớp Nhất B, đã ném, lại còn đe em không được mách. Nhưng cô bé sợ, cứ sự thực mà nói kẻo lại có kẻ bị oan.
Ông Hiệu-Trưởng bèn tha cho đứa nhỏ và dọa sẽ đuổi cổ thủ-phạm thẳng tay. Tôi chẳng ưa gì anh Canh-vốn tay ngỗ ngược, xưa kia cùng đảng “cao-bồi” với chàng Pha lớp tôi, nhưng thấy nói đuổi anh, lòng tôi cũng thấy thương thương.
Tám giờ vừa điểm. Lớp học bắt đầu. Có tới bẩy tám chục hoc-viên, từ đứa trẻ lên mười, đến cụ già râu bạc, cả đàn ông, đàn bà, người làm thợ, người bán hàng… Tôi trông thấy cả thằng bán kem ở cửa trường và bác đưa báo tháng cho cha tôi nữa…
Trông thấy những mái đầu xanh chen lẫn với mái đầu bạc, ngồi cặm cụi học hành, lòng tôi bỗng thấy xúc động lạ thường.
Lớp học yên lặng quá. Ai nấy chăm chú viết, chẳng trò chuyện nghịch ngợm như chúng tôi. Đúng chỗ tôi ngồi, có một người thợ thì phải, tay trái quấn băng, có vẻ đau đớn lắm, nhưng vẫn thấy ông ta say sưa ngồi nắn nót từng dòng, từng chữ.
Nhìn vào chỗ anh Tư-Húi thì thấy ông phó Cạo, cha anh. Người ông cao lớn, lom khom trước cái bàn thấp, trông đến tức cười. Ông không chịu xuống bàn cao cuối lớp, cứ nhất định ngồi chỗ con ông, ai tranh cũng không được. Được ngồi chỗ ấy, ông thú lắm! cứ thấy vừa viết, vừa rung đùi.
Trông thấy lớp người bình-dân học hành chăm chỉ mà tôi phát ngượng, cảm thấy mình hèn không bằng họ.
Lúc tan học, ngoài cổng trường, một vài bà ra đón chồng, tay bế con. Thấy bố về, đứa nhỏ bập bẹ: “Ba, Ba”, rồi quài tay ra đòi bế.
Thế là ông bố bồng con đi trước, bà mẹ đỡ lấy sách, lững thững đi sau, vừa đi vừa giục:
- Bố nó có nhanh chân một tí không nào? Các con nó đói cả rồi đấy!
Chồng cười khì, cắn má con nựng:
- Con bố đói rồi phải không? Cho bố cái má này nhắm rượu nhé!
Mọi người đã về cả, mỗi người một ngả. Ngôi trường trở nên vắng ngắt. Tôi còn trông thấy bóng ông Hiệu-Trưởng với cái lưng gầy, chậm rãi đi các lớp, soát lại một lượt… Thì ra, là người đến sớm nhất, bao giờ ông vẫn là người về muộn nhất!
Chao ôi! Trước những gương cố gắng ấy, lòng tôi hổ thẹn biết bao! Tôi phải học hành thế nào cho xứng đáng đây?
50. Bênh Em
Ngày 9 tháng 4
Thấy anh chàng Canh phải đuổi, chúng tôi đoán trước thế nào cũng có chuyện xẩy ra.
Quả nhiên sáng nay, quần túm, tóc tém, hắn đứng chực ở đầu phố, chờ gây sự. Lúc anh em Tác đi học về qua, hắn túm lấy đuôi tóc cô bé, nghiến răng giật một cái thật mạnh. Em bé đau quá khóc thét lên, ngã vật xuống hè.
Hắn tưởng yếu ớt và bé bỏng như anh Tác thì co vòi lại chứ dám làm gì! Nhưng hắn lầm. Chỉ trong nháy mắt, Tác đã nhẩy sổ vào, vật hắn ngã xuống và thụi lấy thụi để. Nhưng anh địch làm sao nổi, nên chỉ một phút sau, mặt anh đã tím bầm lên, có chỗ rướm máu.
Ngoài đường lúc ấy chỉ có một vài nữ-sinh nhỏ, nên hai anh mặc sức đấm đá. Bé thì bé, nhưng Tác đâu có chịu lùi! Anh lồng lên, lăn xả vào mà chống cự. Môi anh mím chặt, da anh tái ngắt, ngã rồi lại đứng lên, lùi rồi lại xông vào, cứ đấm, cứ đá, hăng đến nỗi anh chàng Canh phải lùi vào tận chân tường.
Hắn bị thua đến nơi! Say máu, hắn rút ngay bút sắt trong túi, nhằm vào mặt Tác mà đâm.
Giữa phút nguy hiểm ấy, một bàn tay nắm chặt lấy tay vặn mạnh, làm hắn văng mất bút, ngã chúi xuống một bên, lóp ngóp dậy, ôm đầu chạy mất.
Có tiếng reo:
- Hay quá! Hay lắm!
- Ê! Đồ “cao-bồi”! Đồ khốn nạn! bắt nạt, ê…ê…
Một bà đứng trên cửa sổ nói:
- Bé người mà anh hùng, biết bênh em…
Người bạn vừa cứu anh Tác chẳng phải ai xa lạ: đó là anh Pha, anh đang cúi xuống nhặt đống sách rơi vãi tung tóe dưới đất. Trong khi ấy mọi người đổ sô lại, bàn tán ồn ào. Mỗi người một câu:
- Cái thằng hèn mạt kia đâu rồi? Sao không bắt ngay lấy nó mà đem lên quận?
- Con cái nhà ai mà du-côn, du kề thế vậy?
- Không có cậu kia thì thủng mặt với nó chứ không chơi !...
- Ừ, can đảm bênh em như thế mới là phải… Có đau lắm không em ?
Anh Tác mặt mũi sưng vêu, không nghĩ đến sự đắc thắng, lẳng lặng cầm lấy sách mà anh Pha đưa cho, xem từng quyển một, phải từng quyển một, chỉ sợ mất, sợ rách.
Anh cảm ơn anh Pha, rồi lau nước mắt cho em, anh bảo :
- Về đi em, chẳng mẹ chờ cơm ! Không sợ ! Đã có anh !...
Về nhà thuật chuyện lại với mẹ, mẹ tôi bảo:
- Còn con, con chỉ được cái chòng em là không ai bằng. Em nó còn bé dại, em không biết thì phải bảo em, thương em, chiều em mới phải. Xem anh Tác đấy!
Cô ả Huyền đứng gần đấy được thể:
- Hễ anh Dũng bắt nạt con, mẹ cứ đánh thật đau, mẹ nhé!
51. Phí Của
Ngày 10 tháng 4
Ai trông thấy anh Đỉnh phí của cũng phải tiếc hộ của trời!
Quyển vở mua về mới nguyên, thế nào anh cũng xé vài tờ để gấp thuyền hay làm tàu bay chơi. Cái ngòi bút hãy còn tốt, giá vào tay tôi còn dùng được tuần lễ, thế mà anh đã mang vứt vào sọt. Thậm chí cái cặp da vừa mua hôm trước, hôm sau anh đã đặt xuống thềm rồi ngồi lên.
Vì biết tính anh hay giận- cái nết thường có của con nhà giàu-nên anh Tôn chưa dám ngỏ lời khuyên can. Nhưng anh có nói với tôi, thế nào cũng có phen phải làm anh đến sửa đổi mới nghe!
Dịp đã đến hôm qua, khi anh Đỉnh bóc cái bánh dò, bửa ra ăn mỗi tí nhân thịt bên trong, rồi vứt toẹt xuống đất. Anh Tôn điềm nhiên, làm như không biết, từ từ đi lại, dắt anh ra phía sau trường. Vốn quí anh Tôn, nên anh Đỉnh thấy rủ bèn đi ngay.
Lúc ấy tôi đang ngồi dưới gốc cây xem lại bài Địa-lý. Tôi ngồi im nghe hai anh nói chuyện với nhau.
Tôi thấy anh Tôn vỗ vai anh Đỉnh mà bảo :
- Tôn nghèo lắm, chẳng mấy khi có tiền. Nhân hôm qua có bà cô ở Gia-Định lên chơi cho vài đồng. Tôn định rủ Đỉnh ăn quà cho vui thì đã thấy Đỉnh ăn no mất rồi.
Đỉnh vui vẻ nói:
- Cảm ơn Tôn! Sao Tôn biết Đỉnh no?
Tôn nghiêm nét mặt :
- Vừa rồi Đỉnh chả vứt cái bánh dò xuống đất là gì? Không no sao lại thế?
Đỉnh bĩu môi:
- Thế không phải là một cớ để bảo Đỉnh no! Cái bánh nhạt phèo ăn vào chỉ tổ đầy bụng chứ báu gì!
Tôn cười lạt:
- Đỉnh đã biết thế còn mua làm gì! Vật nhỏ thế mà quý đấy!
Đỉnh nhún vai, nói mỉa:
- Phải rồi, nó quý vì nó đáng những 10 cắc chứ gì?
- Đỉnh không nghĩ sâu xa nên mới nói thế. Này nhé! Cái bánh ấy làm bằng gì, Đỉnh có biết không?
Đỉnh phá lên cười:
- Thưa “giáo sư Canh-Nông”! Làm bằng bột gạo ạ!
Giá phải tôi thì tôi tức lắm rồi, nhưng thấy Tôn vẫn cứ điềm nhiên như không mà bảo:
- Thế làm thế nào để có được bột gạo?
- Cấy lúa chứ còn gì nữa! Sao hôm nay “Ngài” lẩn thẩn thế?
- Vậy thế Đỉnh quên cái công phu của người dân quê rồi sao? Trong khi Đỉnh ngồi dưới quạt điện, hưởng gió mát thì họ phải phơi đầu dưới nắng, manh áo rách chẳng đủ che thân, sới từng luống cày trong khu ruộng bùn lầy, ngập đến tận đầu gối. Sáng ra Đỉnh còn nằm trong chăn chưa thèm trở dậy, ngại gió lạnh sương gieo, thì họ đã đứng lên từ trống canh năm. Ai tưới mảnh đất cày bằng mồ hôi, xương máu, để có được cây lúa ta ăn, Đỉnh có biết không?
Thế đã xong đâu! Còn phải ngày đêm lo bão, lo sâu, lo lụt. Rồi khi lúa chín còn phải gặt về đập, phơi, xay, giã, trăm nghìn tội nữa mới thành thứ bột nấu bánh mà Đỉnh quăng đi mới rồi chứ!
Anh Đỉnh khẽ thở dài, nắm chặt tay Tôn:
- Thế ra Đỉnh phí của quá, Tôn nhỉ! Tôn đừng khinh Đỉnh nhé!
- Sao Đỉnh nói thế? Vì Đỉnh sống trong cảnh phú quý đã quen, nên không nghĩ đến những con người lao-động, đã vì mình mà chân lấm tay bùn, vì mình mà hai sương, một nắng…
Rồi Tôn bỗng rầu rầu nét mặt, nói thêm:
- Trong khi Đỉnh phí của thế này, Đỉnh có biết đồng-bào miền Bắc bây giờ ra sao không? Dưới chính-thể hà-khắc, các đồng-bào ấy không còn đủ áo mặc, cơm ăn, sống quằn quại trong đói rét, bệnh tật… Nơi ấy, hiện nay còn bao nhiêu thân quyến của Tôn, cùng cả hàng triệu người khác, đang ngã gục và sắp sửa ngã gục, hèn mọn chẳng khác gì kiếp con giun, con kiến… Chao ôi! Nói ra mà đau lòng xót ruột!
Xem chừng anh xúc-động quá, không nói được nữa. Nước mắt anh ràn ra. Anh lấy tay áo quệt ngang. Anh Đỉnh xem ra cũng hối hận băn khoăn, cứ cầm tay anh Tôn lay mạnh:
- Thôi Tôn! Thôi Tôn! Đỉnh biết lỗi rồi! Đỉnh quyết chẳng bao giờ để Tôn phiền lòng nữa.
- Nếu Đỉnh nghĩ thế thì còn nói gì nữa!
Anh Tôn chỉ có nói thế, rồi anh hấp tấp quay đi, như tránh không muốn khóc trước mặt bạn.
Cũng tự đấy, tôi thấy anh Đỉnh không phí của nữa, căn cơ từ giọt mực trở đi.
52. Thư-Viện Của Anh Tác
Ngày 12 tháng 4
Nhớ lời mời của anh Tác, tôi xin phép Ba tôi lại thăm “thư-viện” của anh. Anh mời tôi đã lâu mà vì bận nên chưa đến được. Nay thấy anh mời lần nữa, có vẻ chí tình, nên tôi cố xin phép đến thăm anh nhân thể.
Sách của anh chẳng được là bao, nhưng quyển nào cũng giữ gìn như mới. Vì anh ham học, lại nghèo nên đành chịu nhịn quà để thêm tiền mua sách, gom góp được thành một tủ sách nhỏ, mà anh gọi đùa là “thư-viện” cho sang.
Anh cẩn-thận trong việc chọn sách lắm. Quyển nào trước khi mua, anh cũng hỏi ý-kiến thầy, không xem mà cũng không mua những loại sách trinh-thám, võ-hiệp, hay tiểu-thuyết nhảm nhí bao giờ.
Thầy anh làm cai thợ nề, không dư-dật lắm, nhưng thấy anh có chí, nên mua mấy cái thùng gỗ về đóng cho anh một cái tủ nhỏ, bốn ngăn. Anh mua thêm hộp sơn xanh quét ra ngoài một lượt, trông cũng ra vẻ lắm.
Quyển nào mua về, anh cũng trân trọng lấy giấy bóng bọc sạch sẽ. Anh chia thành từng loại, mỗi loại xếp vào một ô riêng: loại Toán, loại Việt-văn, loại Giải-trí, loại nào vào chỗ ấy, rất thứ-tự, muốn xem quyển nào tìm đến thấy ngay.
Mỗi quyển sách anh dán cho một con số vào gáy sách, lúc tìm, đến là dễ. Anh lại còn cẩn thận chép tất cả vào quyển sổ riêng, mua ngày nào, ở đâu, bao nhiêu tiền, có ghi cả. Bên cạnh có chỗ biên tên người mượn, mượn ngày nào, trả ngày nào, nhất nhất ghi chép rõ ràng.
Luôn luôn anh lau chùi tủ sách, tỉ mỉ khâu từng túi nhỏ, nhét đầy băng-phiến treo vào trong tủ để tránh gián, tránh nhậy. Những hôm nắng ráo, anh mang sách ra phơi và ngồi canh hàng giờ không chán.
Có thấy anh giở quyển sách mới biết anh quý sách đến bực nào! Anh chùi tay vào quần, rồi trịnh-trọng lật từng tờ, say sưa ngắm như người mẹ hiền ngắm đứa con thơ. Có quyển, tôi thấy anh mua đã lâu mà còn mới nguyên, chưa sờn góc. Tôi ngỏ ý phục, thì anh mỉm cười bảo:
- Nhà Tác nghèo! Đánh rách, lấy gì mà mua!
Thỉnh thoảng thầy anh đang làm việc, lại ngừng ngắm con. Có lần ông lại gần, vỗ vào đầu con mà bảo:
- Cái óc bùn tăm tối này đã sáng ra nhiều rồi phải không cậu?
Thấy tôi có vẻ thích cái tủ sách của anh, ông ngậm ngùi bảo:
- Chúng tôi con nhà lao-động, không có tiền dư thóc mục để lại cho con, thôi đành cố gắng cho em chút chữ nghĩa, làm vốn liếng sau này vậy…
Tôi đang ấp úng chưa biết nói gì, thì anh trỏ tay vào tủ sách, vỗ vai tôi:
- Gia tài của Tác đấy! có to không hở Dũng?
53. Lòng Yêu Nước
Ngày 26 tháng 4
Sáng nay, giở sách Công-Dân, con học đến bài Tổ-Quốc với một giọng thờ ơ, chán nản. Có lẽ vì con chưa hiểu YÊU NƯỚC là thế nào! Yêu nước để làm gì?
Con ơi! Yêu nước vì cha mẹ, ông bà ta sinh-trưởng ở đó; vì dưới lớp đất dày đã chôn vùi bao hình hài của các đấng tổ tiên; vì đường ta đi, nhà ta ở, giọng ta nói, quyển sách ta học; các anh chị em, các đồng bào, bạn hữu đang cùng ta chung sống; cánh đồng xanh, ruộng lúa chín, núi cao, rừng rậm, sông dài ở chung quanh ta; những cái gì ta trông thấy, ta mến yêu, ta cảm phục… đều là xứ sở của ta, là máu thịt của ta.
Con sẽ cảm thấy yêu nước một ngày kia, khi con lớn lên, phải xa xứ sở. Rồi có những buổi hoàng-hôn hiu hắt, hay những buổi chiều tà ủ dột, ở chốn quê người đất khách, ngửa mặt lên trời ngắm cánh mây lưu lạc, con sẽ ngậm ngùi nhớ đến quê hương.
Thế rồi khi trở về quê cũ, trên con đường dài ngoằn ngoèo, trông thấy cây đa, quán nước, đình làng… chốn xưa, cảnh cũ sẽ lảm cho con phải thổn thức trong lòng mà trào ra nước mắt.
Con sẽ thấy lòng yêu nước dâng lên, khi ở chốn tha hương, trên bước đường lữ-thứ, con vô tình gặp được người đồng bang, đang nói cùng một thứ tiếng với con. Con sẽ đến làm quen với họ, ân cần mời họ về nhà để hỏi thăm tin tức từng người, từng chốn, để được nghe giọng nói quê hương, để được ngắm bộ y phục của xứ sở, tất cả gợi lên cho con những nỗi nhớ nước, thương nhà.
Con sẽ biết thế nào là lòng yêu nước khi có kẻ ngoại bang nói phạm đến nước Việt thân yêu của con, làm cho con phải đỏ mặt, nghẹn ngào vì tức giận.
Chính sự căm hờn ấy đã thúc đẩy đám thanh-niên học-sinh yêu nước, tổ chức cuộc biểu tình vĩ đại vứa qua, đập tan mưu-mô xâm-lược của bọn thực, cộng.
Lòng yêu nước ấy đã được hun-đúc từ bốn ngàn năm trước, khi hai bà Trưng bắt đầu khởi nghĩa, đuổi quân Đông-Hán xâm lăng. Rồi thì liên tiếp trong những năm dòng, từ Lê-lợi dấy binh ở đất Lam Sơn, đến Nguyễn Huệ kéo binh ra Bắc, biết bao thanh-niên Việt-Nam đã nối nhau đổ máu để giữ gìn đất nước của ông cha.
Không phải chỉ có thế. Trong suốt thế-kỷ qua, để chống lại chế độ giết chóc tù-đầy dưới ách thực-dân, biết bao nhà cách mạng oanh liệt bỏ mình vì nước, và đã có ngay những mầm non ưu-tú đứng lên, tiếp tục sự nghiệp đấu tranh.
Con ơi! Để bảo vệ giang sơn của tổ tiên, người Việt chúng ta đã chiến đấu từ lâu, khi âm thầm, khi quật khởi, và vẫn còn kế tiếp nhau chiến-đấu đến cùng, chiến-đấu mãi mãi, cho nền tự-do của dân-tộc.
Lòng yêu nước sẽ cảm thấy sâu sắc hơn (trong?) các ngày vừa qua, mà khắp nơi làn sóng căm hờn cuồn cuộn dâng lên để phá tan xiềng xích thực-dân. Con sẽ thấy lòng hồi hộp lúc đứng trước đoàn quân tiễu giặc trở về, mệt nhọc tang thương, nhưng trong khóe mắt lóe ra những tia đắc thắng.
Con sẽ cảm thấy xót xa yêu nước khi thấy lá quốc kỳ tả tơi vết đạn, kéo theo sau hàng đoàn người trai anh dũng, đầu ngửng cao còn ghi dấu thương đau, đi hùng mạnh giữa tiếng reo mừng của toàn dân. Con muốn nhẩy xổ ra, bá lấy cổ từng người. Con muốn quỳ xuống chân họ, ngẹn ngào bảo:
- Các anh là ân-nhân cùa dân-tộc… Các anh là những người đáng sống…
Lúc đó, Dũng ơi! Con sẽ hiểu thế nào là lòng yêu nước. Đó là điều hết sức cao quý và thiêng liêng đến nỗi, nếu một ngày kia, để chống lại kẻ thù, con hèn nhát tránh cho con cái chết ở ngoài mặt trận, thì con sẽ đem lại cho cha đây cái chết nhục nhã, tủi hờn.
54. Trọng Quốc Kỳ
Ngày 29 tháng 4
Từ hôm cha tôi nói về lòng yêu nước, lại được thầy giảng bài Công-Dân về “Bổn phận đối với Quốc-Kỳ”, tôi định bụng thế nào cũng cho anh Vân một bài học. Là vì từ bữa tôi lên xếp hàng bên anh, thường thấy anh nô đùa trong những buổi lễ chào cờ.
Trước khi thấy các bạn nói, tôi vẫn chưa tin. Nay đứng gần anh, tôi mới nhận rõ những lời phê bình ấy chẳng oan tí nào. Thật thế, lúc thầy đi qua thì anh đứng ngay ngắn, ra dáng nghiêm chỉnh lắm. Nhưng thầy đi khỏi rồi, anh cấu anh nọ, véo anh kia, cười khúc kha, khúc khích.
Dịp hay đã đến. Sáng nay lúc tan học, trên đường về, chỉ có anh và tôi, tôi thân mật vỗ vai anh mà bảo:
- Vân này, nghe Dũng bảo cái này nhé! Chỗ anh em có điều gì không phải, ta có nên sửa chữa cho nhau không?
Anh sửng sốt quay lại:
- Có chứ! Thế nào là anh em? Cứ thực mà nói mới phải chứ!
Được lời anh nói, tôi nghiêm nét mặt, nắm lấy tay anh:
- Trong những buổi chào cờ, thực tình Dũng không bằng lòng Vân tí nào cả…
Tôi chưa nói hết câu, Vân đã cướp lời:
- Chà! Chà! Dũng lại sắp sửa giở bầu đạo-đức khuyên Vân đừng nghịch chứ gì?
- Thế là Vân biết lỗi rồi đấy nhé! Vân đã biết thế sao còn cứ nghịch! Thế Vân có hiểu ý nghĩa lễ chào cờ là thế nào không nhỉ?
Vân cười nhạt:
- Vân chỉ biết rằng ngày nào cũng như ngày nào, phơi đầu trần dưới nắng như lũ tượng gỗ thì khổ thân lắm lắm và vân vân…
Tôi tuy trong bụng tức quám nhưng cũng phải điềm nhiên mà nói:
- Như vậy là Vân nhầm rồi! Học bài Công-Dân chúng ta đều biết Cờ không phải là mảnh vải vô hồn, mà Cờ tượng trưng cho ý chí độc-lập, quật cường của cả dân-tộc Việt-Nam chúng ta.
Vân rún vai, cau mặt:
- Sao Vân lại chẳng biết thế  Nhưng cứ treo lên đỉnh cột cao, hàng ngày ra vào trông thấy, can chi phải chào chiếc lôi thôi. Chúng ta không nên máy móc quá…
Tôi cười gằn:
- Nếu thế thì Vân lại càng chưa hiểu rõ lắm! Vân ơi! Chào cờ là để tỏ lòng nhớ ơn Tổ-Quốc, là để tưởng niệm đến công-lao của các bậc tiền-nhân; chào cờ là để nhớ bổn phận giữ gìn đất nước, bổn phận làm cho giang sơn ngày ngày rực rỡ, dân tộc ngày ngày hùng cường…
Từ Lê-Lợi, Quốc-Tuấn ngày xưa cho đến các chiến sỹ Cộng-Hòa ngày nay, và còn biết bao nhiêu anh hùng vô danh khác nữa, đã nhỏ đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ TỰ-DO, tô thắm màu cờ. Bởi vậy, trông thấy cờ cũng như ta trông thấy Tổ-Quốc Việt-Nam yêu dấu. Cái phút chào cờ thiêng-liêng là như thế mà Vân dám coi như một trò chơi giải-trí thì thật càn-rỡ quá lắm! Giả sử, người ngoại quốc trông vào, họ sẽ khinh bỉ, chê cười dân tộc ta đến thế nào! Giả sử linh-hồn Tổ-tiên có lảng vảng đâu đây, hẳn cũng phải căm hờn, tủi hổ.
Dưới chính thể Cộng-Hòa ngày nay, dân-tộc ta phải là một dân-tộc hùng mạnh, để người thế giới trông vào, thấy Quốc-Kỳ nước Việt là phải đem lòng bái phục…
Tôi còn đang say sưa đem những lời thầy giảng trong lớp để nhắc lại anh nghe, tôi định nói thêm nhiều nữa, thì anh Vân bỗng đứng lại, nắm chặt tay tôi ngậm ngùi nói:
- Thôi Dũng! Vân biết là người có tội rồi. Vân hối hận quá! Dũng thật là bạn tốt của Vân. Dũng ơi! Hẳn các bạn chê cười Vân lắm đấy nhỉ?
Tôi vội vàng ngọt-ngào, an-ủi anh :
- Đừng buồn Vân ạ! Biết hối-lỗi như Vân thì còn ai dám trách nữa. Mong rằng, sau này lớn lên, Vân và Dũng sẽ cùng chiến-đấu dưới một lá cờ, trong hàng ngũ chống địch…
Vân hớn hở bảo tôi:
- Vân mong thế lắm! Chúng ta sẽ chiến-đấu đến cùng để làm sáng tỏ chính-nghĩa Quốc-Gia, Dũng nhé! Và từ nay, Vân xin hết sức nghiêm-chỉnh trong những buổi lễ chào cờ, và cũng nhờ Dũng xin lỗi các bạn hộ.
Nói đến đây đã đến con đường rẽ. Chúng tôi chia tay, mỗi người một ngả. Tôi thủng-thỉnh bước một về nhà. Trước mặt tôi, trên nóc dinh Độc-Lập, lá Quốc-Kỳ đang tung bay trước gió, rực rỡ trong muôn ánh hào-quang.
Lòng tôi bỗng hồi-hộp như chưa từng thấy bao giờ…
55. Đại Lượng
Ngày 14 tháng 4
Chiều nay, đang hí hoáy chép bài thì anh Tý chạm ngay phải tay tôi, làm hỏng cả chữ. Thế có giận không chứ! Thôi văng tục ngay với anh. Anh cười bảo tôi:
- Tớ nhỡ tí mà! Nóng thế! Thôi để tớ tẩy đền!
Tôi biết anh ấy không chí bụng, nhưng trông cái cười ấy mà phát ghét. Tôi thầm nghĩ:
- Chà! Tháng này hắn cậy ngồi trên mình nên làm bộ đây! Được rồi!
Đến giờ viết tập, thừa lúc anh đang viết, tôi huých cho anh một cái khuỷu tay: một giọt mực rơi xuống đen ngòm. Anh giận đỏ mặt lên:
- À! Cậu sỏ tôi phải không?
Rối anh giơ tay lên. Nhưng thầy đã trông thấy cả. Thầy gọi tôi lên. Nhưng tôi không nhận lỗi, mặt sưng, mày xỉa rồi vùng vằng về chỗ. Anh Tý khẽ bảo tôi:
- Được, chốc nữa ra cổng trường…
Tôi cau mặt lại, ra bộ bất cần, nhưng thực ra tôi đang hối hận. Anh Tý vẫn là bạn thân của tôi, cuộc chơi nào chẳng có nhau? Còn nhớ hôm nào tôi lại nhà, thấy anh vừa học bài vừa trông nom mẹ ốm, làm tôi mến anh, phục anh là đằng khác! Hôm anh đến tôi, chúng tôi chơi vui vẻ lắm; cả Ba tôi cũng tỏ vẻ quí anh. Anh em chơi với nhau thân thiết, nào có điều tiếng gì đâu! Thế mà trong cơn nóng giận không đâu, đâm ra càn rỡ. Tôi nhớ lại câu cha tôi thường dặn:
- Nếu con có lỗi, thì con cứ thẳng thắn xin lỗi!
Xin lỗi anh Tý! Tôi muốn lắm! Nhưng nếu thế thì chịu lép quá nhỉ? Đời nào! Tôi lấm lét nhìn anh Tý! Chỉ thấy anh ngồi cắm cúi viết, cái lưng nhô lên, cái lưng hàng ngày ghé xuống vác củi cho cha. Lòng tôi se lại. Tôi tự nhủ:
- Sau giờ này, ta xin lỗi cũng được!
Nhưng sau giờ ấy, tôi vẫn không giám hé môi. Chỉ thấy thỉnh thoảng anh Tý đưa mắt liếc tôi, coi bộ buồn rầu hơn là oán giận. Còn tôi, tôi cũng trừng trừng nhìn lại, làm ra vẻ đây không hãi. Anh lại nhắc:
- Chốc nữa ra cổng đấy!
Tôi chợt nhớ đến lời Ba tôi dậy: “Nếu ai đánh con, phải tự vệ, nhưng chớ đánh lại!”
Rồi tôi tự bảo: “Phải, ta sẽ chống cự, ta không đánh lại thì thôi chứ gì!” Lòng tôi rạo rực bối rối. Ngồi trên ghế mà như có kim châm. Tôi bực bội trong người, tai ù lên chẳng nghe thấy gì cả.
Thế rồi chuông tan học nổi lên, chúng tôi xếp hàng về. Đến đầu phố, tôi liếc mắt lại: anh Tý đang theo tôi…
Anh đã gần tới… Tôi rút thước ra đứng thủ thế. Anh tiến lại. Tôi giơ thước lên. Anh mỉm cười, lắc đầu nói: Ồ! Cùng bọn cả mà!...
Tôi còn đang sửng sốt, thì anh đã nắm lấy tay tôi:
- Thôi hòa cả làng, Dũng nhé!
Lúc về nhà, tôi đem chuyện thuật lại với cha tôi, tưởng cha tôi vui lòng, nào ngờ người nghiêm nét mặt mà bảo:
- Con có lỗi, con phải xin lỗi bạn trước mới phải chứ! Chỉ những kẻ hèn nhát mới dám giơ thước lên đánh người bạn hơn mình!
Rồi giật lấy thước ở tay tôi, cha tôi bẻ ra làm đôi, vứt mạnh xuống đất.
56. Hối Hận
Ngày 16 tháng 4
Giờ mới biết là tôi đã điên cuồng, dại dột. Câu chuyện vừa qua ở trường vẫn quay cuồng trong óc tôi, làm tôi bận chí. Đành rằng tôi đã xin lỗi anh Tý rồi, và chúng tôi đã hết giận nhau rồi, nhưng còn thầy nữa, không biết thày có tha tội cho tôi không?
Tội tôi đối với thày nặng biết bao nhiêu!
Bữa cơm chiều, tôi thấy đói mà ăn không ngon miệng. Tôi cáo ốm, lên gác nằm sõng sượt trên giường. Lương-tâm tôi cắn rứt tôi, hành hạ tôi. Tôi muốn quên đi, không nghĩ tới, nhưng càng quên lại cứ càng nhớ đến.
Đêm xuống đã lâu mà tôi vẫn còn thao thức. Ừ mà sao tôi lại có thái-độ hỗn hào thế nhỉ? Anh Tý chót lỡ chạm tay tôi, anh đã biết lỗi xin tẩy đền rồi! Thì anh ấy lỡ chứ có chí bụng đâu! Giá như người ta, thì dù có bực mình đến thế nào chăng nữa, cũng cứ cười như không mới phải! Đàng này tôi cố tình trả thù anh cho bõ ghét, định làm anh phải thiệt hại mới nghe. Đến lúc thầy gọi lên hỏi, tôi còn mặt sưng, mày xỉa, vùng vằng về chỗ. Thầy không nói gì, chỉ nhìn tôi khẽ thở dài.
Thầy ơi! Con biết thầy buồn vì con lắm! Xưa kia thầy vẫn thương con, vẫn quý con, vì thấy con ngoan ngoãn, chăm chỉ, nên cả những khi mệt mỏi, thầy vẫn ân-cần nhẫn-nại giảng dậy cho con.
Thế mà, sáng nay con đã hỗn-sược với thầy! Cái ơn dậy dỗ, con chưa báo được chút nào, thì con đã trả nghĩa thầy như thế đấy. Giờ đây, hối hận đang dầy vò lòng con. Một thứ hình phạt đang ngấm ngầm hành hạ, làm cho con băn khoăn khổ sở, đứng ngồi không yên.
Cứ thế, tôi hết tự trách tôi, lại tự mắng tôi. Tôi muốn chạy đến nhà thầy, đập cửa xin vào mà tạ tội. Nhưng tôi không đủ can đảm. Tôi đành cúi đầu ngồi bên quyển sách mở trên bàn như một tội nhân.
Trước mặt tôi, còn trông rõ cặp mắt não nùng của thầy nhìn tôi mà không nói. Tai tôi còn nghe tiếng thở dài não nuột, phát ra tự tấm lòng thương rộng như bể cả của thầy.
Tôi biết làm thế nào bây giờ? Thôi chỉ còn có cách là hết sức ngoan ngoãn cho thầy vui lòng, sẽ hết sức chăm chỉ cho thầy hả dạ.
Chỉ có cách ấy, may ra tôi mới đáp đền được tội lỗi trong muôn một mà thôi.
57. Kẻ Có Lòng
Ngày 23 tháng 4
Buổi chiều hôm nay tôi hơi bực mình vì thấy anh Tôn cứ lầm lầm lỳ lỳ, hỏi chẳng buồn nói, gọi chẳng buồn thưa. Sau hỏi ra mới biết là em anh ấy mấy ngày nay bị bệnh đậu, nhiều lúc mê man bất tỉnh. Anh thương em lắm, đã tính xin nghỉ học nhiều lần để trông em đỡ mẹ. Nhưng cha anh gạt đi, sợ gần kỳ thi nghỉ học, mất bài.
Lúc gần về, bỗng thấy thày bảo:
- Buổi trưa người nhà anh Cảnh có đến xin phép cho anh nghỉ thêm vài bữa. Anh còn mệt lắm các con ạ! Anh nào rỗi, hãy đến thăm anh một chút, và nhớ nói hộ thầy chúc anh chóng khỏi.
Ra đến cổng trưởng, tôi thấy anh Tôn lưỡng lự một lát, rồi quay lại bào tôi:
- Thế nào? Các anh nghĩ sao? Ta đi thăm anh Cảnh chứ?
Anh Sinh bàn:
- Anh không nói ra, chúng tôi cũng đã nhất định đi rồi. Còn anh nên về nhà thăm em… Đã có chúng tôi thay mặt…
Anh cứ khăng khăng một mực:
- Chúng ta đã biết anh mệt nặng mà không đi thăm anh thì sao cho đành lòng! Vả lại tôi đến qua một lát, rồi về ngay cũng được.
Chợt thấy anh Pha le te chạy đến:
- Các anh đi thăm Tư-Húi đấy ư? Cho tôi đi mấy nhé!
Chúng tôi chưa kịp trả lời, đã thấy anh sịu mặt ra. Nhưng anh Tôn đã vui vẻ nói:
- Có chứ, chúng tôi cũng đang định đi tìm anh, để mời anh nhập bọn đấy mà!
Thấy được đi với chúng tôi, mặt anh tươi hẳn lên. Khốn nạn, từ ngày anh bị đuổi, anh chỉ lo chúng tôi «tẩy chay». Nhưng thực ra, thấy tính nết anh đổi khác nhiều, ngoan ngoãn, chăm chỉ, chúng tôi ai cũng có bụng mến. Ngay đến thày cũng vẫn thường đem anh ra để răn chúng tôi.
Thế là bốn đứa chúng tôi cùng đi. Lúc đi đường xem ra anh Tôn vẫn còn rầu rĩ, không vui, ít cười, ít nói. Khốn nạn, lo cho em mà anh sút hẳn đi.
Được một quãng, anh Sinh bảo:
- Này! Anh ấy mệt, chả lẽ chúng ta đến chơi suông! Hay chúng ta chung nhau mua cái gì đi!...
Chúng tôi vui vẻ đồng ý ngay. Anh Pha có năm đồng, định mua cái ngòi bút máy, anh bỏ cả ra. Thế rồi chúng tôi dốc túi, góp nhau vào được 12 đồng. Anh Tôn mặc cả mua được bốn quả cam. Anh Pha tranh lấy cầm, rồi gói vào mùi-xoa xách lon ton đi trước; chúng tôi nhìn anh, bấm nhau cười.
Đến cửa nhà anh Tư-Húi, anh Sinh tháo «huy chương Học Giỏi» mà bỏ túi. Tôi hỏi, thì anh thủng thẳng đáp:
- Vào thăm anh ấy, ta không đeo cái này thì hơn.
Thày anh Tư-Húi ra mở cửa cho chúng tôi, nét mặt đầy vẻ lo âu:
- Các anh hỏi gì đấy?
Anh Tôn lễ phép ngả mũ nói:
- Thưa ông, chúng cháu là bạn anh Cảnh. Thấy nói anh mệt, thầy giáo cho lại thăm anh.
Thầy anh lắc đầu, chán nản:
- Vào đây các anh! Thầy giáo thương em lắm, nhưng không biết em có sống để được học thầy nữa không? Em còn mệt lắm các anh ạ!
Ông vừa nói, vừa rơm rớm nước mắt. Chúng tôi buồn rầu theo ông vào trong nhà. Anh Tư-Húi đang nằm thiêm thiếp trên giường, mặt trắng nhột. Má anh ủ-rũ ngồi bên cạnh.
Anh nằm đờ, hai mắt nhắm nghiền, trông chẳng khác gì cái xác chết. Khốn nạn thân anh! Vừa mới hôm nào vui vẻ đánh cờ „ca-rô“ với chúng tôi, đã thua lại còn làm „mắt lác“ để pha trò, thế mà hôm nay đã đau ốm nằm kia!
Chúng tôi đứng sững nhìn anh, ngực như có gì đè nặng. Anh Tôn mở gói cam, sẽ đặt bên gối. Thấy động, anh Tư-Húi lờ dờ mở mắt ra, cầm lấy quả cam, nhưng không nhắc nổi, quả cam lăn xuống chân giường. Mắt anh cứ mở trừng trừng nhìn thẳng.
Anh Tôn cúi xuống cầm tay anh, hỏi sẽ:
- Tôn đây mà! Cả Dũng, Sinh, Pha nữa… Cảnh có nhận được anh em tôi không?
Cảnh không nói gì, chỉ khẽ nhếch mép, rồi nhắm nghiền ngay mắt lại:
- Cảnh ơi! Chịu khó uống thuốc Cảnh nhé! Thày giáo hỏi thăm đấy!
Cảnh không nói gì, thoi thóp thở xem chừng mệt nhọc lắm. Má anh khóc lên rưng rức:
- Con ơi! Con cứ ở với mẹ nhé, đừng bỏ mẹ, con ơi!
Ông phó cạo sồng sộc chạy vào:
- Má nó có im ngay không nào? Đã nẫu cả ruột cả gan, lại còn gở mồm, gở miệng…
Rồi ông quay lại bảo chúng tôi:
- Các anh có lòng với em như thế, là quý hóa lắm. Thôi các anh về. Hôm nào em khỏi, em sẽ đến cảm ơn thày giáo với các anh.
Chúng tôi buồn rầu chào hai ông bà, rồi rón rén đi ra. Được mươi bước, thấy có tiếng gọi đằng sau:
- Tôn, anh Tôn!
Không hiểu chuyện gì, chúng tôi hốt hoảng quay cả lại. Ông phó, vẻ mặt hớn hở:
- Em vừa gọi đến tên anh Tôn xong. Hai hôm nay, em mê man chẳng biết gì. Giờ em mới tỉnh, bác mừng quá…
Anh Tôn nhìn chúng tôi:
- Thôi thế các anh về trước vậy! Để Tôn ở lại đây với anh Cảnh. Sinh nhớ tạt qua nhà, xin phép hộ Tôn mấy nhé!
Rồi anh thì thầm như nói một mình: "Còn em mình nữa, không biết đã đỡ chưa đây?“
Trên đường về, còn tôi với anh Sinh. Thấy mắt anh long lanh ướt lệ, tôi an ủi anh:
- Anh Cảnh sắp khỏi rồi mà… Đừng buồn nữa Sinh!
- Anh Cảnh thì thế nào cũng khỏi rồi… Nhưng tôi nghĩ đến anh Tôn. Đó mới thật là một kẻ có lòng phải không hở Dũng?
58. Một Đời Tận Tụy
Ngày 3 tháng 5
Bữa cơm trưa vừa xong, Ba tôi đang đọc báo, bỗng reo lên:
- Này! Cụ giáo Tám hãy còn sống đây này! Báo đăng cụ được thưởng Học-Chính-Bội-Tinh đây này…
Mẹ tôi đang ngồi khâu ngửng lên:
- Vậy ư! Có lẽ năm nay cụ nhiều tuổi lắm rồi nhỉ! Cụ được thưởng xứng đáng quá! Thật là một nhà đạo-đức, suốt đời tận-tụy với chức-nghiệp. Thế giờ cụ ở đâu?
Cha tôi nhìn vào tờ báo để kiếm địa-chỉ của cụ:
- Cụ về hưu ở làng Phúc-Hải. Có lẽ đó là quê cụ… Mai nhớ đánh thức cha con tôi dậy sớm. Nhân ngày chủ-nhật, ta đi thăm cụ, và mừng cụ nhân thể… Thầy giáo cũ của Ba đấy, Dũng ạ ! Mai Ba cho con cùng đi.
Rồi suốt buổi hôm ấy, cha tôi luôn nhắc tới cụ.
Chín giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã tới quê cụ. Trên xe lửa, cha tôi nói:
- Đã gần 30 năm nay, ba chưa gặp lại thầy cũ. Đó là thày giáo đầu tiên của Ba ở lớp Năm, trường Hàng-Than. Trước kia cụ yêu Ba lắm, mà Ba quý cụ cũng chẳng khác gì bố đẻ. Ba còn nhớ những lời cụ khuyên, cả những lời cụ mắng nữa, cùng là những thói quen, tính nết, dáng điệu của cụ.
Ba còn nhớ có lần chí chóe đánh nhau với bạn ở trong lớp. Lúc gần về, cụ sai Ba cầm giấy lên gác cho ông nội con-hồi đó dạy lớp Nhì ở trên gác-Ba hí hửng cầm giấy lên, thì ra đó là một bản cáo-trạng với những chữ: «THỌ vừa đánh nhau với bạn. Tôi đã véo tai hai cái rồi»
Ba tôi tủm tỉm cười một mình trước kỷ niệm đã qua, rồi bùi ngùi nói tiếp:
- Ba chưa từng thấy ai yêu nghề như cụ, đến nỗi suốt một niên học, dù đau ốm, bận việc thế nào, cũng không nghỉ một ngày. Thật là một nhà mô phạm đã đào-tạo biết bao hoc-sinh nên người, đáng để cho chúng ta tôn thờ, kính mến.
Chúng tôi không phải hỏi thăm nhiều. Nhà cụ cũng dễ tìm, ở ngay phía sau đình. Qua một cái ngõ gạch quanh co thì đến nhà. Một ông cụ râu tóc bạc phơ, chống gậy trúc đứng tựa cổng, nhìn xuống ao bèo.
Cha tôi khẽ reo lên:
- A! cụ kia rồi!
Thế là cha tôi ngả mũ cầm tay, săm săm tiến đến, ôm chầm lấy cụ:
- Lậy thày ạ! Thầy còn nhớ con không?
Cụ giáo ngạc nhiên, trố mắt nhìn:
- Tôi không giám, chào ngài.
Cha tôi nắm lấy tay cụ, nghẹn ngào:
- Thày không nhận ra con ư? Con là Thọ đây mà! Học trò cũ của thày ở trường Hàng-Than đây mà!
- Thế à!... quý hóa quá… thế mà tôi quên mất đấy!... Chết chưa, mời ngài… mời ông quá bộ vào chơi. Các ông không chê thày nghèo, quá bộ đến thăm thế này, thật là quý hóa quá!
Nhà cụ là một ngôi nhà ngói nhỏ, ba gian, hai chái, có ao trước, vườn sau, mát mẻ, yên tĩnh. Chúng tôi theo cụ vào gian giữa; đồ đạc sơ sài, nhưng ngăn nắp sạch sẽ, tỏ ra cụ sống một cuộc đời đạm bạc.
Thấy khách lạ, một đứa cháu nhỏ đứng lên đi đun nước.
Cụ giáo bỗng vỗ vai Ba tôi cười:
- Tôi nhớ ra rồi! ông là con trai cụ giáo Phú phải không? Lâu quá nhỉ!... Cụ giáo nhà, bây giờ ở đâu?... Cụ có mạnh không?
Rồi cụ lẩm nhẩm tính:
- 1927 đến giờ… Ngót 30 năm rồi còn gì! Thế nào? Anh trông thày có già nhiều không? Tính ra vừa 30 năm dạy học. Từ ngày được về hưu, thày về nghỉ quê nhà, theo tiền-nhân:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Tiêu dao tháng ngày, hà, hà… chờ ngày xuống lỗ, anh ạ!
Nước đã mang lên, Ba tôi rót vào ấm xong hỏi thăm sức khỏe cùng gia-sự của cụ. Cụ vừa thông điếu, vừa nói:
- Hiện giờ tôi ở đây có một mình, với vài đứa cháu ngoại nhỏ. Hai anh lớn thì hiện giờ ở trong quân đội cả, lâu lâu mới về thăm nhà. Con gái thì đi lấy chồng xa. Tôi giữ lại thằng cháu để làm vui cảnh già. Sinh sống đã có vài ba mẫu ruộng, mấy luống rau vườn với số lương hưu, thanh bạch lắm, anh ạ! Được cái một đời chưa từng làm gì trái lý, về già lương-tâm yên ổn, thôi thế cũng đủ… Quãng đời đã đi gần hết, ngảnh mặt nhìn lại, được cái không có điều gì đáng tiếc…
Sau một tuần nước, cụ tiếp:
- Tôi còn nhớ hồi nhỏ, anh nói ngọng líu, ngọng lìu. Dạy cho anh nói được L với N thật là khó nhọc. Anh ngồi đầu bàn, ngay bên cửa sổ, mắt lúc nào cũng nhìn ra ngoài, ngắm hoa tơi, bướm lượn, phải phạt đến chết mà vẫn không chừa…
Cụ thở dài nói tiếp:
- Chốc đã 28, 29 năm trời! Chóng thật! Tôi về đây đã được hơn sáu năm rồi. Thỉnh thoảng cũng được vài các anh nhớ đến thầy cũ đến thăm. Anh nào cũng làm nên cả, thật đáng mừng. Thế giờ anh làm gì rồi?
Cha tôi nói làm nghề dạy học, rồi hai tay cầm bọc sách đưa ra biếu cụ. Cụ đón lấy, giở từng quyển ra xem, rồi vuốt râu cười:
- Hay lắm! Hay lắm! anh chọn nghề đó thật là hay. Tôi lấy làm mừng thấy anh theo nghề của ông cha, rồi lại có công viết những loại sách giáo khoa này!
Cụ rung đùi, rót nước ra chén:
- Cái nghề dạy học, tưởng là tầm thường, mà thật cao quý lắm anh ạ! Chỉ những kẻ bất-nhân mới dám mở mồm khinh nghề dạy học. Thế mà hơn cả luật-sư, bác-sĩ đấy!... Song anh phải giữ gìn sức khỏe lắm mới được, vì cái nghề “bán phổi” ấy tiêu mòn sức khỏe của ta một cách tai hại. Trông anh cũng yếu lắm đấy, không được như người ta đâu.
Cha tôi tuy vâng dạ, nhưng hiểu rằng cụ khuyên như thế, mà chính cụ, cụ đã hy-sinh đến quên cả thân mình.
Một lát, cụ đưa Ba tôi ra ngồi trước hè, dưới giàn thiên lý:
- Anh ạ, hôm nhận được giấy báo về hưu mà tôi lặng người đi, tưởng như đời mình đã tắt, chẳng khác cảnh trời chiều đang xuống, chờ bóng đêm trùm lấy mang đi. Nếu bây giờ tôi trẻ lại, ai hỏi tôi muốn làm gì? Tôi xin mạnh bạo trả lời: MUỐN NGHỀ DẠY HỌC. Giờ tôi chỉ còn mấy chồng sách cũ làm vui; vài quyển vở học-sinh, dăm tập HỌC-BÁO, tất cả đều cất kỹ trong tủ kia, thỉnh thoảng lấy ra xem, nhớ lại những ngày vui bên đàn trò nhỏ. Cũng có anh chăm chỉ, nết na, cũng có anh nghịch ngợm, hỗn hào, nhưng anh nào thầy cũng thương, cũng nhớ.
Cụ bước vào trong nhà lục lọi một lúc, đưa cho cha tôi một quyển vở cũ, bìa đã phai màu:
- Anh có biết quyển vở này của ai không?
Cha tôi đỡ lấy, giở ra xem, rồi nước mắt cứ ràn ra:
- Này Dũng! Đây là tập vở cũ của Ba hồi học lớp cụ. Đây là dòng chữ đỏ của cụ phê. Đây là bài tính khó bị “zô”, vì tội đi “cóp”. Nhìn đến nó, Ba lại chạnh lòng nhớ đến mẹ già, đêm đêm dạy Ba làm tính, nhẫn nại giảng đi, giảng lại cho Ba thế nào là tiền lỗ, thế nào là tiền lãi, mà Ba quên vẫn hoàn quên…
Cụ giáo rót thêm nước vào ấm, bảo cha tôi:
- Cứ giở chồng sách cũ là bao nhiêu kỳ-niệm xưa, bao nhiêu hình ảnh cũ lại hiện ra. Lớp này qua, lớp khác đến, hàng nghìn, hàng vạn học-sinh kế tiếp nhau ngồi trên một chiếc ghế, học cùng một bài, trong cùng một căn buồng, qua năm này sang năm khác… Ôi chao! Cả một đời lăn lộn trong nghề, chỉ còn lại bấy nhiêu!
Cha tôi đứng lên, nghẹn ngào nắm lấy tay thày cũ:
- Thưa thày không… Cuộc đời thày tuy thanh-bạch, nhưng nói lên nhiều những sự hy-sinh. Sự nghiệp thầy tuy âm thầm, nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng chúng con. Cũng chỉ vì thế mà sau 30 năm trời xa cách, hôm nay chúng con mới lặn lội tìm tới thăm thầy với cả một tấm lòng biết ơn tha thiết, và để thưa với thầy rằng: “Chính nhờ ơn thầy, chúng con mới được có ngày nay”
Cụ giáo nghe nói, cúi mặt xuống; nhưng sau đôi kính trắng, tôi trông rõ hai giọt nước mắt long lanh. Khuôn mặt khô héo già nua, như tươi lại sau trận mưa xuân.
59. Qua Trận Ốm
Ngày 15 tháng 5
Thế ra tôi ốm đã 10 ngày rồi! Luôn trong mười ngày, tôi mê man bất tỉnh, chẳng còn biết trời đất là gì.
Tôi mang máng như có nghe thấy tiếng mẹ tôi nức nở nhiều lấn, và trông thấy nét mặt sầu thảm của cha tôi. Tôi nghiệp mẹ tôi! Thấy tôi ốm đau thế này, hẳn đau lòng xót ruột lắm đây!
Hình như tôi thấy cả cô giáo cũ đứng bên tôi thì phải. Quyết chẳng phải là giấc mộng! Rõ ràng cô cầm tay tôi, còn tay đưa mùi-xoa lên miệng, cố nén cơn ho. Cả thày giáo tôi nữa, mà tiếng nói ồ ồ làm tôi giật mình, mở mắt…
Còn ai đến thăm tôi nữa nhỉ?... À, còn nhiều… Anh Sỹ, cái đầu húi trọc này; anh Tư-Húi, cái mũi tẹt dí này!... Anh Tôn mang cho quả quýt còn cả lá này… Tất cả những hình ảnh thân yêu ấy hiện ra trước mắt, hỗn độn như ẩn, như hiện trong đám sương mù. Thì ra rôi vừa thoát chết, và trận ốm ấy đã làm bao nhiêu người rầu rĩ vì tôi. Giờ tôi đã thoát hiểm, đem lại nụ cười cho cha mẹ, giọng hát véo von cho em.
Thì ra tôi đã đi bên tử-thần mà không biết, chỉ còn nhớ đã trải qua giấc mộng kinh hoàng. Tôi đã bình phục dần dần.
Hôm anh Tư-Húi đến thăm tôi, người tôi hãy còn mệt, mà trông thấy anh làm mắt lác, cũng phải bật cười. Từ hôm anh ốm khỏi, chưa lại sức, cái mặt dài ngoẵng, đôi mắt trố ra, lác sệch sang một bên, trông lại càng thêm ngộ.
Cả anh Phi cũng đến, mang tặng tôi một cái gọt bút chì kiểu tàu bay, trông cũng hay hay. Hôm qua anh Pha đến thì tôi đang ngủ, anh dón dén ngồi xuống bên tôi mà ngắm. Mẹ tôi bảo anh cứ ngồi nguyên thế, lâu lắm mới về. Tôi cứ phàn nàn mãi. Chẳng ai đánh thức tôi dậy chơi với anh. Ấy, từ ngày anh đổi tính, đổi nết, thì chúng tôi đâm ra thân nhau.
Tôi lấy làm lạ không thấy anh Tý đến chơi. Tôi hỏi em Huyền, thì em mới nhớ ra bữa trước anh Tý ở trường có đưa cho em cái thư, bảo đem về cho tôi, nhưng em quên mất, còn bỏ hộp.
Tôi sung sướng mở thư của anh ra đọc:
Dũng thân mến,
Trước hết phải xin lỗi Dũng đã, xin lỗi rất nhiều. Mấy hôm trước Dũng nghỉ, cứ vô tình tưởng thời tiết thay đổi, mệt nhọc qua loq, mấy hôm khỏi, lại đi học cho vui.
Nào ngờ Dũng vắng mặt họm nay đã gần một tuần, có sốt ruột không chứ! Tý luôn luôn hỏi thăm, còn thày cũng luôn luôn nhắc đến. Thế mà Tý không đến được, là vì Dũng ơi! Mẹ Tý hiện đang đau nặng chưa biết sống chết thế nào!
Thôi Dũng ơi! Cố uống thuốc cho chóng khỏi nhé! Đừng sốt ruột về kỳ thi nhé! Tý sẽ chép đỡ bài cho Dũng, và nếu cần, sẽ nhắc lại Dũng nghe những lời thầy giảng. Vả lại, với sự chăm chỉ, với sức học của Dũng, không lo thua anh kém em đâu! Cứ chịu khó thuốc thang, tĩnh dưỡng cho mau khỏe, kẻo Ba, Mợ Dũng buồn, và riêng Tý đây cũng chẳng vui nào.
Từ ngày Dũng nghĩ, trong lớp chẳng có chuyện gì lạ. Bài thi Toán mới rồi, anh Sinh được nhất, và bét vẫn anh Long. Vừa lười, vừa dốt như anh ấy, thì bao giờ chẳng đội sổ! Cũng vì Dũng nghỉ mà đội ta tháng này kém đội Quốc-Toản mất. Dũng cố chóng khỏi mà đi học, kẻo thiệt lây cho toàn đội. Mong lắm đấy!
Thôi xin phép Dũng ngừng bút. Mẹ Tý đã đến giờ uống thuốc. Còn Tý đã bắt đầu phải nghỉ nhà từ hôm qua rồi. Mẹ Tý có mệnh-hệ nào, thì Tý cũng chết mất thôi, Dũng ạ!
Thôi Dũng nằm nghỉ. Chúc Dũng chóng khỏi. Tý muốn viết thêm, mà không sao cầm nổi bút nữa…
Thân ái chào Dũng
Đọc xong thư anh mà tôi buồn quá! Thì ra ai cũng nghĩ đến tôi. Cả anh Tý, mẹ ốm như thế, việc bận như thế, mà cũng cố viết cho tôi bức thư nồng nàn thế ấy!
Tôi thẫn thờ nhìn qua cửa sổ. Nghe tiếng guốc rộn ràng trên hè phố, tôi muốn chạy ù ra cửa để nhìn các bạn tung tăng cắp sách đến trường… Tôi thèm đi học quá… thèm gặp bạn…thèm gặp thầy… Hẳn ai cũng mừng rỡ tôi đã mạnh.
Nhưng thôi, chỉ vài hôm nữa là tôi đi học được rồi. Mẹ tôi bảo thế. Nhưng thời khắc mới chậm chạp làm sao! Tôi nóng lòng trở lại trường, muốn nghe bạn thuật lại những chuyện vừa qua, muốn ngồi trong lớp, giữa thầy, giữa bạn thân yêu…
Nhìn mẹ tôi ngồi đan bên cửa sổ, đôi mắt quầng thâm, sau những đêm không ngủ, lòng tôi quặn đau. Cha tôi hẳn cũng trải qua những phút lo sợ hãi hùng vì tôi. Lại còn các bạn, ai cũng đến thăm tôi với một lòng thương xót…
Tưởng tượng đến một kia, anh em phải xa nhau, thì chịu sao nổi? Tôi sẽ theo học đến cùng với anh Sinh, anh Bích,… Nhưng còn anh Tôn, anh Tý, anh Sỹ… chắc chắn phải thôi vì cảnh nhà eo hẹp.
Thế là chúng tôi sẽ chia tay để biệt nhau mãi mãi. Giá có ốm đau, chắc cũng chẳng bạn nào biết đến mà thăm!
Các bạn ơi! Biệt-ly chưa đến, sao lòng tôi đã nhiều chua xót thế này?
60. Tình Bạn
Ngày 17 tháng 5
Nói làm cho vội hai chữ "BIỆT LY" hả con? Hết hè, con lên trường Trung-Học. Các bạn con, vì hoàn cảnh, đành phải phá ngang, rồi tùy theo năng lực mà chọn một nghề, hoặc đi kiếm việc.

Còn học hành ở tỉnh này, con còn nhiều phen gặp bạn, chứ đâu đã phải biệt nhau mãi mãi! Mà xa cách hay không, cũng là tùy ở như con.
Muốn gần các bạn thì có khó gì? Những khi đi học, con sẽ có dịp tạt thăm các bạn con ở các tiệm buôn, hay trong xưởng thợ, nơi mà các bạn đồng học nay đã ra đời làm việc kiếm kế sinh-nhai.
Con hãy dừng chân lại vài ba phút, chuyện trò thăm hỏi các bạn. Con có dịp quan sát đời là thế nào, có dịp học hỏi cuộc sống bên ngoài xã-hội, và vô số điều bổ ích khác nữa, mà con chưa từng, hay không thể biết, ở dưới mái gia-đình hay trong lớp học.
Nếu con không có tình thân-ái với chúng bạn lúc còn trên ghế nhà trường, thì sau này ra đời, con khó tìm được những bạn tâm giao. Con sẽ sống khô khan, không tình cảm, và tuy đứng giữa lòng đời tấp-nập mà vẫn thấy mình trơ trọi, lẻ loi.
Hãy thân thiết chơi bời với các bạn con-nhất là đối với những bạn con nhà lao-động-để sau này đi lại chơi bời, giúp đỡ lẫn nhau như người trong thân quyến.
Trong xã-hội, những người thuộc giai cấp thượng lưu, chẳng khác gì những sĩ-quan, mà thợ thuyền thì là binh sĩ. Người lính cũng cao quý, chẳng kém gì vị sĩ quan, vì giá trị con người là ở trong công việc, chứ không phải ở đồng lương; ở trong phẩm-cách chứ không phải là ở cấp bậc.
Mà giai-cấp cần-lao kia mới đáng được ta tôn sùng, là bởi đã hàng bao thế-kỷ nay, cái lâu-đài văn-hóa sở dĩ được đồ-sộ như ta có ngày nay là bởi đã có hàng triệu bàn tay gân-guốc từng mất bao nhiêu mồ-hôi xương-máu để xây nền, đắp móng.
Cho nên con ơi! Con phải hết lòng yêu mến và kính trọng các bạn con nhà lao-động hơn cả, để tỏ lòng biết ơn những nỗi vất vả hy-sinh của cha mẹ họ.
Hãy yêu anh Tôn, anh Tý, anh Sỹ… vì ở trong những con người thợ thuyền ấy, có chứa đựng những tấm lòng vàng vô giá.
Vậy hãy thề rằng, dù sau này có may mắn được giàu sang, phú quý đến thế nào, thì tâm tình bằng hữu của tuổi ấu thơ cũng không hề phai lạt.
Và rồi đây, ba bốn mươi năm về sau, trên đường đời rong ruổi, nếu vô tình gặp anh Tôn trong bộ áo xanh thợ máy lấm dầu, Ba mong rằng con sẽ sung sướng, thổn thức ôm chầm lấy bạn, dù khi ấy con có là một đại phú-thương hay một nhân-vật quan trọng trong chính-quyền.
61. Người Con Mất Mẹ
Ngày 23 tháng 5
Hôm nay, tôi đã bình-phục hẳn. Tôi hớn hở cắp sách đến trường, vui sướng được gặp thầy, gặp bạn, thì lại được tin má anh Tý mất. Vắng anh, tôi ngơ ngẩn cả người, mà anh buồn, thì tôi vui sao được?
Lúc vào lớp, thầy rầu rầu nét mặt bảo chúng tôi:
- Không có gì đau đớn bằng cảnh người con mất mẹ, mà cuộc đời tàn nhẫn đã cướp lấy mang đi. Vậy ngày mai, khi anh Tý đi học, thầy mong rằng các con phải kính trọng sự đau đớn của anh, phải rất thân mật, dịu dàng với anh. Chớ có cười cợt bông đùa trước mặt anh. Có thế, anh mới đỡ tủi thân vì nỗi từ nay trơ trọi. Các con đã hiểu thầy nói gì chưa?
Nghe thầy nói, tôi buồn quá, tự trách mình rằng có mẹ, mà không biết là sướng. Tôi cũng phàn nàn không được đi tiễn má anh ra đến mộ, như các anh em khác.
Hôm sau, khi chúng tôi vào lớp, ngồi yên chỗ, đâu đấy cả rồi, mới thấy anh vào. Trông thấy anh ủ rũ trong bộ áo đại-tang mà tôi giật mình. Mới có mấy hôm, mà trông anh sút đi chóng quá! Hai con mắt ngơ ngác, quầng thâm như đã khóc nhiều. Mọi người yên lặng nhìn anh, riêng tôi cảm thấy trong lòng một niềm thương xót dâng lên rào rạt.
Trông thấy chúng tôi, bỗng anh tủi thân, khóc nấc lên. Thầy giáo âu yếm cầm tay anh dắt vào chỗ ngồi:
- Thầy biết con buồn lắm, nhưng phải can-đảm lên mới được! Từ nay con sống bơ-vơ, thiếu tình mẫu-tử, nhưng thầy đây, các bạn con đây, ai cũng xót xa thương mến con. Hãy cố gắng, tỏ ra xứng đáng với lòng mẹ con hằng tha thiết mong mỏi. Có thế, mẹ con ở dưới kia, hay có lẩn quất trên đây, cũng được ngậm cười…
Nước mắt anh ràn rụa trên má, coi bộ sầu thảm quá, khiến tôi không dám nhìn anh nữa. Anh thơ thẩn giở quyển sách Tập-Đọc ra, và trước tấm tranh “Gia Đình” vẽ trên trang sách, anh lại gục đầu xuống cánh tay mà đầm đìa nước mắt.
Thầy ra hiệu cho chúng tôi mặc anh, rồi tiếp tục giảng bài. Tôi muốn vỗ về anh, muốn an ủi anh một đôi câu, mà chẳng biết nói gì, đành cứ lấm lét nhìn anh. Sau tôi lấy mảnh giấy viết mấy chữ: “Đừng khóc nữa, Tý ơi!”, rồi đưa sang cho anh. Anh không nói gì, mà cũng chẳng ngẩng đầu lên, chỉ nắm tay tôi xiết chặt.
Lúc tan học, ai cũng nhìn anh bằng cặp mắt thương đau, nhưng không ai dám hỏi anh câu nào. Tôi còn đang phân vân, không biết nói gì với anh, thì thấy mẹ tôi đến đón. Tôi chạy lại, nhưng mẹ tôi đã ra hiệu chỉ vào anh Tý, rồi quay ngoắt đi.
Tôi đã hiểu mẹ tôi chẳng muốn Tý tủi lòng vì cảnh côi cút của mình, nên để cho mẹ đi trước, tôi yên lặng lùi lũi theo sau…
62. Lòng Con
Ngày 30 tháng 5
Tôi đang ngồi chép bài. thì thấy em Huyền gión-gién lại gần, vẻ mặt nghiêm trọng. Em thì thầm vào tai tôi:
- Anh Dũng, em bảo cái này!
Tôi giật mình, ngẩng đầu lên. Em nói tiếp:
- Có lẽ Ba chúng mình mất việc rồi, anh ạ!
Tôi trợn mắt lên, hỏi:
- Sao? Em nói sao?
- Hôm qua em thấy Ba bàn nhỏ với Mợ rằng có lẽ Ba phải nghỉ nhà vì kém sức khỏe… Ba, Mợ có vẻ lo buồn lắm… Làm thế nào bây giờ hả anh?... Anh em chúng ta chết đói mất, anh ơi!
Nói rồi, em rơm rớm nhìn tôi. Tôi cũng cầm lấy tay em, mà chẳng biết nói gì!
- Anh ạ! Em không mua xe đạp ba bánh nữa đâu! Anh cũng đừng đòi Mợ mua đồng-hồ nữa nhé! Anh nhé! Anh ừ đi! Chúng ta vào nói với Mợ đi!
Thế rồi em lôi tay tôi vào buồng trong. Mẹ tôi đang lặng lẽ ngồi khâu bên cửa sổ, cái lưng gầy khom xuống, mấy sợi tóc dài vương trên trán hẹp, dường như chứa đầy sóng gió. Tôi bất giác thương mẹ vô cùng, nước mắt cứ chực trào ra.
Huyền níu áo tôi ngồi xuống, rồi nói:
- Mẹ ơi! Mẹ nghe chúng con nói cái này, mẹ nhé!
Mẹ tôi ngạc nhiên, buông kim xuống, trố mắt nhìn:
- Gì vậy con?
- Có phải Ba sắp không được đi làm nữa không ạ?
Mẹ tôi hỏi dồn:
- Ai bảo con thế? Sao con biết? Ai nói?
- Con biết rồi, mẹ đừng dấu con nữa. Ba đi khám sức khỏe, bác-sĩ bảo yếu phổi… Ba không được đi làm… Anh em con ai nuôi, hả mẹ?
Nói rồi em khóc lên rưng rức. Tôi nói :
- Thưa Mợ, chúng con bàn nhau không mua xe đạp, đồng-hồ nữa, Mợ ạ! Cho khỏi tốn tiền…
- Chúng con cũng không ăn quà sáng nữa đâu! Đi học, chúng con cứ đi bộ cho khỏe chân, không đi xe nữa! Mẹ nhé! Mẹ bằng lòng không? Mẹ ừ đi!...
Mẹ tôi cất tiếng cười, mà nghe như tiếng khóc, bế Huyền lên lòng mà bảo:
- Ba con có sao đâu hả con! Bác-sĩ bảo tiêm thuốc ít ngày sẽ khỏi mà! Không sao! Đấy các con xem, Ba con khó nhọc vì các con đấy! Nhưng các con ngoan ngoãn, biết thương mẹ, thương cha, thì Ba Mợ cũng vui lòng.
Rồi hôn Huyền vào hai bên má, mẹ tôi nựng:
- Chưa chi các con mẹ đã sợ chết đói rồi! Hễ đói thì mẹ đi bán rau, bán cháo nuôi các con chứ sao!
Đến trưa. Mẹ tôi đem chuyện thuật lại với cha tôi. Ba tôi chẳng nói, chẳng rằng. Chiều đi học về, tôi mở ô kéo ra, thì lạ chưa, một cái đồng-hồ đeo tay mới nguyên, không biết ai đã để vào đó tự bao giờ.
Tôi còn đang cầm lên tay ngắm nghía, thì có tiếng em Huyền ở ngoài sân reo lên:
- Anh Dũng ơi! Anh Dũng ơi! Ra đây mà xem xe đạp mới của em này!
63. Mùa Nắng Mới
Mùng 3 tháng 6
Tấm lịch trên tường cứ vơi dần trong khi tiếng ve đã bắt đầu kêu rộn rã. Dưới nắng hè, hoa phượng đỏ rực trên cành, lốm đốm rải xuống mặt đường như những vết lửa. Nắng từ trên xuống dưới, từ dưới hắt lên, từ sáng đến chiều. Nắng khô cổ, nắng cháy da. Giếng không còn một giọt nước! Chó nằm dài dưới đất, lưỡi lè ra, hồng hộc thở. Người và vật đều uể oải, mệt mỏi.
Trong lớp, anh nào cũng nhoài người vì nóng! Nhất là anh Tôn, chưa quen với cái nóng miền Nam, lúc nào cũng kêu khát cháy cổ, lắm lúc ngồi thừ dưới bóng cây mà thở hổn hển. Lại còn anh Ninh! Tàn tật ốm yếu như anh, chịu sao nổi cái nóng hè như thiêu, như đốt, có khi ngủ gục ngay trên bàn, đầu kê lên sách. Anh Sỹ thì khôn ngoan đặt dựng quyển sách trên bàn để dấu cặp mắt lờ đờ thèm ngủ. Anh nào cũng thẫn thờ dưới nắng mới, kém vẻ nhanh nhẹn mọi ngày.
Gần đến kỳ thi lại nóng bức thế này, chúng tôi học làm sao? Tôi nhìn qua cừa sổ: bóng lá xanh rờn, vài cánh mây bay lờ lững trên trời cao, gợi cho tôi bao cảnh vui thú trong kỳ nghỉ hè sắp đến. Tôi đâm ra chán nản thẫn thờ.
Mẹ tôi biết ý, luôn hỏi tôi:
- Con có mệt lắm không? Cố lên con ạ! Đỗ rồi tha hồ mà chơi! Còn có một tháng nữa thôi mà!
Để khỏi nản chí, tôi luôn luôn nhớ đến lời cha khuyên, mẹ dạy để quyết chống chọi với cái nhọc mệt của mùa nắng mới vừa sang.
Phải rồi, nghe mẹ nói, tôi mới nghĩ ra rằng tôi còn sung sướng hơn chán vạn kẻ khác. Trong lúc tôi được ngồi trong nhà cao, cửa rộng mà học, thì có bao nhiêu trẻ đang cặm cụi ngoài đồng, dưới mặt trời nắng cháy, trong xưởng thợ chật hẹp ồn ào, hay trên mặt đường nóng bỏng. Những trẻ ấy làm việc từ sáng sớm tinh sương cho đến khi trời đổ tối, làm gì được no đủ như tôi, làm gì có nghỉ hè như tôi!
Ta phải can đảm lên, lấy anh Sinh làm gương mới được. Anh vẫn như cái máy, chẳng chịu lùi một bước. Anh Tác cũng chẳng chịu kém. Để khỏi ngủ gật trong lớp, anh đã có cách thần tình: tay thì véo đùi thật mạnh, còn răng thì nghiến chặt, mở mắt trừng trừng như dán lên bảng đen. Anh Phi cũng chẳng chịu nhịn bỏ lỡ cơ hội. Anh cứ chờ lúc rỗi làm quạt giấy, không phải để bán như mọi khi, mà để tặng các bạn làm kỷ niệm.
Người đáng phục nhất là anh Tý. Tội nghiệp anh! Từ ngày mất mẹ, anh lại càng vất vả. Anh dậy từ tờ mờ sáng, khuân vác củi đỡ cha. Đến lớp mắt cứ đờ ra, đầu nặng chĩu, như muốn gập xuống ngực. Những lúc ấy, anh phải xin phép ra nhúng đầu vào nước lạnh, hoặc nhờ bạn cấu mạnh vào đùi. Sáng nay, sau một hồi gắng gượng, anh gục đầu xuống bàn, đánh một giấc say sưa. Chúng tôi bấm thế nào, anh cũng không tỉnh.
Thầy trông thấy, gọi to lên:
- Tý!
Một anh bạn ở gần nhà anh đứng lên thưa:
- Thưa thầy, sáng nào anh ấy cũng dậy vác củi cho cha từ 5 giờ đấy ạ!
Mọi người chờ thầy mắng Tý. Nhưng chỉ thấy thầy khẽ thở dài, quay mặt đi, tiếp tục giảng bài, mặc cho anh ngủ.
Nửa giờ sau, dạy hết bài, thày đi xuống khẽ lay anh dậy. Mở mắt ra, trông thấy thầy, anh giật bắn mình, khép nép đứng lên, nhưng thầy âu-yếm nhìn anh, ngọt ngào nói:
- Không! Thầy không nỡ mắng con! Thày biết con đã làm việc nhiều trước khi đến lớp. Giấc ngủ của con không phải là giấc ngủ của kẻ lười biếng. Thày tha cho.
64. Một Ngày Vui
Ngày 7 tháng 8
Hôm qua được thưởng “huy-chương cố-gắng”-lần đầu mà tôi được hân-hạnh ấy-lại được thầy tổ-chức cuộc đi cắm trại cuối năm, thật là vui quá!
Trời đã sáng rõ. Chúng tôi, đội nào vào đội ấy, đã tập họp đông đủ ở trường. Mọi người đều mặc đồng phục, quần cộc xanh, áo sơ-mi trắng. Trên tay mỗi người một chiếc gậy quấn thừng. Vai thì đeo “ba-lô” hoặc túi vải, lủng-củng những thức ăn, sổ sách, bát đũa…
Đặc biệt nhất là anh tý với cái “binh-đoong” đầy nước vối, kỷ niệm của cha anh đi lính ngày xưa. Anh Sỹ thì cha anh cũng nhường cho cái mũ “cát-két” để đội cho khỏi nắng. Anh Côn thì vai khoác thêm cái ruột xe bơm căng để phòng sẵn có suối thì tập bơi. Còn cái lều nặng thì anh Pha cứ nhất định đòi mang, khiến anh cứ phải gò người đi mà bước.
Sau khi tập họp để hát bài ca của đoàn, anh Tôn, đoàn-trưởng huýt còi ra lệnh khởi-hành. Dẫn đầu là lá cờ đoàn, nền xanh, chữ đỏ, tua vàng. Đi sau là các đội, xếp hàng đôi, có lá cờ đỏ thêu tên đội, và có đội-trưởng dẫn đầu. Trên đường dài, chúng tôi lần lượt mỗi đội hát một bản hùng ca cho thêm phấn khởi.
Ra khỏi thành phố, ánh nắng êm dịu buổi sớm bắt đầu rải rộng trên cánh đồng bát ngát. Từng làn gió phần phật trên ngọn lúa chín, làm gợn những đợt sóng vàng. Chúng tôi thấy khoan khoái, nhẹ nhàng trong bầu không khí khoáng đãng và quang cảnh bao la của thiên nhiên. Thỉnh thoảng gặp một cây gì lạ mắt, con sâu, chiếc lá, thầy lại giảng cho chúng tôi nghe đến tận nơi tận chốn, để bổ khuyết thêm vào những bài học trong lớp. Chúng tôi thấy rạng ra, hiểu nhiều, biết rộng hơn lên. Thế mới biết, những bài học ở ngoài trời lại còn có phần hơn cả những bài học giữa bốn bức tường chật hẹp ở nhà trường.
Anh Sỹ xem chừng khoái lắm! Cứ thấy anh huýt sáo miệng luôn. Anh Tác câm như hến là thế, đã phải nói đùa:
- Trời đi vắng đấy, anh em ạ!
Anh Tý thì miệng nhai kẹo cao-xu mà mặt vẫn rầu rầu. Từ hôm mẹ mất, chưa thấy anh cười bao giờ. Tội nghiệp quá!
Anh Tôn thì nhanh như con vượn, con dao trên tay, luôn gọt đủ thứ bằng cành cây nhặt bên đường.
Anh Sinh thì trầm ngâm như nhà hiền-triết. Thấy cái gì lạ mắt cũng hỏi thày, rồi rút sổ tay biên vội, biên vàng. Đối với anh, đây không những là cuộc đi chơi giải-trí mà còn là buổi đi để học thực-hành. Anh Phi thì trái lại, gặp cái gì hay hay cũng nhặt lấy, bỏ bị, tưởng chừng như sắp đem bán được đến nơi.
Sau hơn một tiếng đồng-hồ đi chân, chúng tôi đã tới nơi. Đó là một ngọn đồi nhỏ, có thông reo, suối chẩy, có phong cảnh hữu tình. Chúng tôi vui sướng, thoăn thoắt trèo lên đỉnh đồi. Anh đoàn-trưởng rít lên một hồi còi dài, báo hiệu nghỉ chân, cắm trại.
Sau 10 phút nghỉ ngơi, chúng tôi bắt tay vào việc. Người nào việc ấy, cứ tăm tắp. Vừa làm vừa hát, chỉ một loáng, lều đã dựng xong. Chúng tôi chia nhau, người đi kiếm củi, kẻ khoét đất làm lò, hay đào hố rác. Riêng anh Ninh, yếu đuối tàn tật, thầy cho miễn những công việc khó nhọc, nhưng anh cứ ấm ức, nhất định đòi làm chung.
Đội tôi nhận công-tác đi kiếm củi, do anh Tôn hướng dẫn. Qua rãnh, qua cầu. Anh giơ tay đỡ từng người. Thực chưa thấy ai chu đáo và săn sóc bạn như anh! Anh Tý, tuy kém vui, nhưng cũng làm hết phận sự và khi có mang vác, nhất định nhận phần hơn. Chỉ buồn cười cho anh Sỹ! lanh chanh trèo cây, kiếm cành thế nào mà xoạc ngay ra một mảnh quần tướng. May anh Phi đã sẵn ghim-băng trong túi, cài cho, khéo quá, trông xa đố ai biết rách!
Lúc trở về lều, bỗng anh Tý hoảng hốt kêu lên; một chú bò, sừng nhọn hoắt, đang đứng sừng sững giữa đường như thách chúng tôi đi qua. Chúng tôi sợ hết vía, nhưng anh Pha và anh Tôn đã xấp lên trước, sua nó đi chỗ khác, rồi dắt tay anh Tý đi lên. Đối với bạn được như anh Tôn, anh Pha, thật là hiếm có! Nhất là anh Pha, xưa kia như thế, mà bây giờ khác hẳn; có đánh bạn với anh cũng chẳng phải lầm!
Về đến lều thì đồng-hồ chỉ 9 giờ. Thày giáo bắt đầu tập họp cho chép chương-trình và kể cho nghe một vài mẩu chuyện lich-sử trong vùng rất lý-thú, cả chuyện Lưu-Bình, Dương-Lễ mà chúng tôi nghe ai cũng lấy làm cảm động. Sau đến anh Tôn, đoàn-trưởng, dậy nút rồi cùng nhau ôn lại những bài hát mới. Sau đấy, chúng tôi bắt đầu sửa soạn bữa cơm trưa, Anh thì đi múc nước, anh vo gạo, người nhặt rau, kẻ nhóm bếp, cứ tíu tít lên. Anh Ninh cũng lăng-xăng đi lại giúp chúng tôi những việc nhẹ. Thế rồi chẳng mấy chốc, dưới những bóng cây râm mát, hay trên ô đất phẳng, từng làn khói cuồn cuộn bốc cao.
Mười một giờ đúng, chúng tôi bắt đầu dọn cơm. Thày cũng ngồi vào cùng ăn với chúng tôi. Sau vài bài hát vui nữa, chúng tôi cầm đũa. Bữa cơm tập đoàn ăn mới ngon miệng làm sao! Tuy chỉ có muối vừng rang chưa kỹ, trứng tráng hơi cháy, rau muống luộc chưa nhừ. Anh Bích xem chừng quen thói ăn ngon, nên thấy mở hộp ruốc ra, vui vẻ mời chúng tôi. Thấy anh thành thực, chẳng ai làm khách, vét cho đến tận đáy. Được cái cơm dẻo, bụng đói, thầy trò vui vẻ chuyện ran, nên chỉ một loáng, nồi nào cũng hết veo.
Ăn cơm, rửa bát xong, chúng tôi được tự-do, mỗi người một nơi để nói chuyện, đánh cờ, lội suối hay nằm nghỉ. Một số người xúm quanh anh Pha để nghe chuyện cổ-tích. Anh thuộc nhiều chuyện hay đáo để, lại kể chuyện có duyên, nghe mãi không chán, chả bù với trước kia, đi đâu cũng như chó cụp tai, chẳng ai thèm chơi với.
Đến hai giờ, theo hiệu còi của anh đoàn-trưởng, chúng tôi hội họp, rồi đứng thành vòng tròn, trên một bãi cỏ rộng và phẳng. Các trò chơi bắt đầu. Thoạt tiên là trò vui luyện trí khôn, rồi đến các trò chơi thể-thao, luyện mắt cho tinh, tay bắt cho khéo, chân chạy cho nhanh. Sau cùng là một trò chơi lớn, có tính cách hoạt-động, mạo-hiểm, để áp dụng những điều thực-hành về dấu hiệu đi đường, dấu “móoc”, đã được học trong những buổi họp đoàn.
Đến bốn giờ rưỡi, chúng tôi hội-họp nhau lại để kiểm điểm công tác. Thầy giáo lấy làm hài lòng và chúng tôi ai cũng vui vẻ. Ngồi gần tôi, thầy bảo:
- Nghỉ hè sắp tới, các con sắp phải chia tay. Giờ còn được anh anh, em em, xum họp vui chơi thế này. Mai đây, mỗi người một ngả, các con phải nhớ lấy những kỷ niệm này mới được! Như anh Sinh, anh Dũng… sau này, nhờ ơn cha mẹ được học đến nơi, đền chốn, rồi ra đời làm nên ông nọ, ông kia, trông thấy các bạn cũ buôn bán lầm than, hay thợ thuyền lam lũ, chẳng biết có thân yêu nhau như bây giờ không, hay lại xem nhẹ tình bằng hữu?
Anh Sinh vội thưa:
- Thưa thày! Thày cứ dạy thế làm con tủi thẹn. Nghề nào cũng quý, cứ có ích là đáng quý, đáng trọng, như lời thày dạy trong lớp, mà chúng con chẳng bao giờ quên. Vả lại, đối với con, anh Tôn bao giờ cũng là anh Tôn, anh Tý cũng vẫn là anh Tý. Cả các anh khác cũng vậy, dù sau này có làm nên đến gì chăng nữa, thì con cũng xin thề để tình bạn hữu lên trên! Chúng con đã hiểu ý thày răn dạy khi đem chuyện Lưu, Dương mà kể cho nghe. Thưa thày, có tiền, thì cái gì cũng có, nhưng còn tình bạn, thì mua được làm sao?
Chúng tôi vỗ tay đôm đốp. Thày nói:
- Các anh nghe anh Sinh nói đấy! Hoan hô hoc-đường! (chúng tôi lại hoan hô rầm lên). Chỉ có HỌC ĐƯỜNG mới gây cho ta được cái tình thân ái cao đẹp, thắm thiết như thế. Vậy các con cứ nhớ đến hôm nay mà đừng quên nhau nhé! Mà cũng nên nhớ đến lời anh Sinh, đừng có nghĩ rằng đi học là chỉ mong đỗ cao, để sau này vợ đẹp, con khôn, chẳng nghĩ đến việc giúp nước, ích dân.
Thày đứng dậy, rút đồng-hồ ra xem: 5 giờ đúng! Mặt trời xế bóng, nhuộm đỏ cả dãy núi đàng xa. Chúng tôi sửa soạn ra về, để lại trên ngọn đồi những lỗ hố sâu, những đám cỏ bị dẫm nát nhừ, những mẩu củi cháy đen…
Về đến trường, anh em chia tay, cùng cảm thấy bùi ngùi luyến tiếc những phút vui đẹp trong buổi chung sống vừa qua.
65. Những Tấm Gương Nhẫn Nại
Ngày 11 tháng 6
Hôm nay chủ nhật, Ba tôi dẫn tôi cùng với anh Sinh tới tòa Đô-Sảnh để dự lễ phát thưởng cho toàn thể những lớp Bình-dân trong quận III vừa mãn khóa.
Vì đây là khóa Trung-Cấp, nên được tổ-chức rất là long-trọng. Gian phòng rộng lớn như thế mà đông nghịt những người. Dãy bên trái dành riêng cho quan-khách và người đến xem. Dãy bên phải là chỗ của các hoc-viên được thưởng, già có, trẻ có.
Gian phòng khánh-tiết hôm nay được trang hoàng lộng lẫy. Ảnh Tổng-Thống treo cao trên tường, giữa hai lá quốc-kỳ, rải từ trần xuống đến đất. Trên bàn thờ Tổ-Quốc, lư trầm đang tỏa khói xanh làm cho phiên họp đượm màu cổ kính.
Trong đám quan khách, tôi nhận thấy có ông Hiệu-Trưởng trường tôi-ông không vắng mặt những buổi như thế này bao giờ-cả thày giáo lớp Nhì và cô giáo lớp Năm. Góc bên kia có anh Tư-Húi đang ngồi nép vào với bà mẹ. Trông thấy tôi, anh mỉm cười, làm “mắt lác” chào tôi.
Sau bài quốc-ca là một bài diễn-văn khai mạc ngắn, trong đó nhắc lại công cuộc chống nạn thất học của chính-phủ và ca ngợi lòng hiếu học của giới cần-lao… Rồi cuộc gọi tên bắt đầu. Người được phần thưởng DANH DỰ của khóa này không phải là một thanh-niên, hay một người trọng tuổi. Cũng không phải là một cụ già như kỳ trước. Lúc nghe gọi:”Cậu Võ văn Bát, 14 tuổi, đỗ đầu, phần thưởng danh-dự của Tổng-Thống”, thì tất cả mọi người đều ngạc nhiên, vỗ tay hoan hô nhiệt-liệt. Rồi thấy một cậu bé, người loắt choắt, mặt xạm đen vì cháy nắng, bước lên.
Trông gương mặt quen quen, thì anh Sinh bỗng nhớ ra là thằng bé đánh giày dạo nọ, khiến tôi phải phục là anh tài nhớ. Trông cu cậu hôm nay bảnh quá, hèn nào chúng tôi không nhận được ra! Cái áo sơ-mi tuy điểm miếng vá ở vai mà được giặt, là, sạch sẽ, thêm đôi giày da bóng nhoáng dưới chân, mà có lẽ nó đã mang hết công phu nghệ-thuật và kinh-nghiệm của nghề ra để chải. Tôi nghĩ thầm:
- Có lẽ nó bôi hết một hộp kem chứ không chơi!
Nhưng ông trưởng ban đã đứng ra trước máy vi-âm:
- Thưa quý vị, giới thiệu tên của em này chưa đủ. Các ngài cũng nên biết em nhiều thêm một chút, vì đó là một gương nhẫn-nại hiếm có, đã được Tổng-Thống ban khen, và đáng cho chúng ta khuyến-khích. Em Bát đây mồ côi cha từ thuở lên ba. Sống trong gia-đình cùng túng, em cũng như bao trẻ khác đồng hoàn cảnh, không được đi học, và bắt đầu từ năm 11, làm nghề đánh giầy sinh nhai.
Có chí muốn học, em thường say sưa ngắm những trẻ nhỏ trạc tuổi em, hàng ngày tung tăng cắp sách đến trường. Nhưng vì tuổi còn non, lại sớm phải lầm than vất vả, nên suốt hai năm trời nay ốm mai đau. Mãi đến năm 13, nghề của em đã thạo, sức lực cũng thêm cứng cáp, em quyết bắt đầu học chữ. Trong khi các bạn đồng-nghiệp của em chơi đùa hư hỏng, thì em vừa làm, vừa học, mặc cho chúng chế riễu, có khi đánh đập em nữa. Bút của em là cái long gà vót nhọn, mà sách của em là những mảnh giấy trắng góp nhặt ở bên đường. Chữ nào không biết thì đã có những ông thày riêng, họ là những ông khách chải giày. Bảng đen của em đã có cái nắp hộp gỗ, đựng đồ dùng. Em mê mải với việc học, bất cứ chỗ nào cũng là lớp học của em: dưới gốc cây, ngoài đầu hè, trong xó chợ… Những ngày mưa, em lần đến các trường, đứng nhòm bên cửa lớp để nghe. Cứ thế rồi em biết đọc, biết viết, biết cả làm tính nữa. Đến khi bà mẹ thấy con ham học, bèn cho em theo lớp Bình-Dân, khóa trung-cấp, cao hơn. Ở đây, các giảng-viên đều phải công nhận em là xuất sắc, nên hết lòng để tâm giảng dạy thêm cho.
Thế rồi, với một lòng ham học hiếm có, một chí nhẫn-nại phi thường, em luôn luôn đứng đầu trong các kỳ thi, để đến hôm nay được hân-hạnh ra mắt quí ngài, và lĩnh tặng phẩm của Tổng-Thống ban cho… Thưa quí Ngài! Chúng tôi xin giới thiệu lần nữa: Đây, em bé Võ văn Bát!
Ông chưa nói dứt câu, tiếng vỗ tay đã nổi lên như sấm. Cậu Bát sướng tê cả người, cứ đứng đờ ra. Ông Giám-Đốc Dân-học-vụ tự tay gắn huy-chương Tổng-Thống vào ngực cho nó, trong khi một vị khách trao gói phần thưởng, có bọc giấy bóng, và buộc băng kim tuyến bên ngoài. Một bà ngồi hàng đầu bỗng đứng lên, cúi xuống hôn nó, rồi ngảnh mặt về phía khán-giả, bà nói:
- Tôi xin phép các Ngài tặng thêm cho em một ngàn đồng để may mặc, và từ nay tuyên bố nhận đỡ đầu cho em đi học đến nơi, đến chốn…
Tiếng vỗ tay nổi lên như sấm. Lúc nó ôm chồng sách bước xuống, mắt nó đã nhòa lệ. Để mừng nó, tôi vỗ tay đến rát bỏng lên.
Rồi tiếp đến những người khác. Đây là những người thợ ngượng nghịu trong bộ quần áo mới thẳng nếp, nọ là các bà bán hàng, tươi cười mà vẫn không dấu được vẻ e lệ sượng sùng. Mỗi người được lĩnh một tập sách tự tay các vị tân khách trao cho. Tiếng vỗ tay từng hồi nổi lên rầm rập.
Trong số những người được thưởng có cả ông Phó cạo, tay ôm chồng sách, cái đầu hói cúi thấp xuống để cảm ơn. Tôi quay lại thấy anh Tư-Húi đang chăm chú nhìn thày anh bằng con mắt cảm động, pha nỗi hân hoan.
Tôi còn đang mải trông ông, thì tiếng vỗ tay lại ran lên. Đó là bác gác trường tôi, được phần thưởng khuyến khích. Bác sung sướng, hướng về phía ông Hiệu-Trưởng, khẽ ngả đầu như muốn nói cám ơn. Rồi lúc bước xuống bục, nhìn chúng tôi, bác nháy một cái làm chúng tôi lại phải vỗ thêm một tràng pháo tay nữa để hoan nghênh bác.
Lúc ra về, ai cũng cảm thấy lòng vui vẻ. Ba tôi bảo:
- Con được nuôi cho ăn học mà không bằng một em bé đánh giày nghèo khổ, mồ côi, không bằng những người công-nhân lầm-than sớm tối, chẳng đáng thẹn lắm sao?
Tôi cúi đầu không nói, nhưng lòng tự hứa quyết chẳng chịu hèn.
66. Ghi Ơn
Ngày 16 tháng 6
Còn có ít ngày nữa là hết niên học. So với năm ngoái, sức học tôi đã tiến rất nhiều. Nhớ lại hồi mới tựu trường, chỉ ngay ngáy lo bài học khó mà xấu hổ, ngượng thầm. Thế mà nay được xếp thứ sáu trong lớp, lại được thày khen học khá. Thì ra ở đời, chẳng có gì là khó cả! Chỉ sợ không có chí mà thôi.
Hôm nay tôi dành riêng trang này để ghi ơn tất cả những người đã cùng tôi qua một niên học vui vẻ. Trước hết tôi phải trân trọng ghi lời cảm ơn thày giáo tôi, người đã hy-sinh rất nhiều để dạy-dỗ tôi, không quản ốm đau mệt nhọc. Nếu sau này, tôi được nên người, công thày rất lớn vậy.
Tôi cảm ơn anh Sinh đã cất công giảng lại bài vở cho tôi rất chu đáo, đến nỗi tôi đã coi anh như ông thầy thứ hai của tôi. Chả trách Ba Mợ tôi vẫn bảo: “Học thày, không tày học bạn”.
Tôi cảm ơn anh Tác, mà cái gương cần-cù nhẫn-nại đã cho tôi rõ ý nghĩa câu cách-ngôn:”Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
Tôi không quên cảm ơn anh Tôn, anh bạn di-cư. Với tấm lòng vàng ẩn trong tình bạn, anh dìu-dắt, khuyên nhủ tôi, chẳng khác gì người anh cả. Gần anh, ai cũng phải tốt, ai cũng phải hay, thật đúng như câu:”Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
Tôi cũng không quên cảm ơn anh Sỹ, anh Tý, đối với tôi là cả một tấm gương hiếu thảo, cần cù, trong gia-đình cũng như trong học-đường.
Nhưng người mà tôi phải chịu ơn nhiều nhất phải là cha tôi, người đã dạy tôi được biết bao nhiêu điều hay lẽ phải, để cho tôi ra đời sau này không đến nỗi phải hổ thẹn, người đã quên mình đi, để chỉ nghĩ đến tương-lai hạnh-phúc của con. Còn mẹ tôi, mẹ hiền của tôi, cũng đã góp vào công cuộc dạy dỗ tôi một phần quá lớn. Người đã vui khi tôi vui, buồn khi tôi buồn, đã bao lần rồi, và còn mãi mãi, khó nhọc lo ốm vì tôi. Tôi muốn lăn vào lòng mẹ, bá lấy cổ cha, như hồi thơ ấu, dâng lên các Người cả tấm lòng thành kính, yêu thương để tạ cái ơn dưỡng-dục trong suốt 12 năm trời đằng đẵng…
67. Lời Mẹ
Ngày 21 tháng 6
Thế là niên học đã qua, Dũng nhỉ? Con sắp phải cách thày, xa bạn, và con ơi! Không phải chỉ có hai tháng trời hè, mà biệt nhau mãi mãi.
Là vì cha con đã xin được đổi đi ĐaLat. Nơi đó khí hậu mát mẻ, có lợi cho sức khỏe của cha con đang suy yếu. Con sẽ lên Trung-Học, có thày mới, bạn mới và cả trường mới nữa. Con buồn lắm nhỉ?
Ai mà chẳng buồn lòng khi tưởng-tượng đến rằng, không bao giờ được trông thấy ngôi trường cũ thân yêu, mà suốt năm năm trường dòng dã, đã để lại biết bao nhiêu kỷ-niệm êm-đềm, nơi đã rèn-luyện cho con nên người học trò giỏi giang, người con hiếu-hạnh, người bạn trung-thành.
Đó là nơi đã khai sáng bộ óc còn tăm tối của con, nơi đã ghi lại bao nhiêu hình ảnh của thời thơ ấu, giữa bạn yêu, thày mến.
Trong số các bạn con, cũng có người được hưởng sung sướng trong cuộc đời nhàn nhã. Nhưng sẽ còn bao nhiêu bạn khác phải nếm nhiều đau khổ, hoặc vì côi cút bơ-vơ, hoặc vì lưu lạc lầm than, hoặc đã hy-sinh để bảo vệ tự-do cho Tổ-Quốc.
Nhưng hầu hết sẽ là những công-nhân đáng kính, những người cha gương mẫu, và biết đâu lại không có một vài anh, rồi đây làm rạng rỡ cho nhà, cho nước, ghi lại tên tuổi trong sử sách về sau?
Hãy từ biệt các bạn con với một lòng luyến-ái thiết-tha, và gởi lại một chút linh-hồn trong cái đại gia-đình học đường, mà lúc con bước chân vào hãy còn ngu tối, đến khi rời bước chân đi, thì đã trưởng-thành.
Sau này khi con lớn lên, con sẽ có dịp đi du-lịch phương xa, dừng chân trên những đô-thành mỹ-lệ. Nhưng những nơi ấy dù có to đẹp thế nào, con cũng không thể quên được tòa nhà nhỏ bé kia, có cửa xanh, có cây mát, nơi đã ương giống, nảy mầm bông hoa trí-tuệ của con.
Con sẽ mang cái hình ảnh ấy mãi cho đến phut cuối cùng của đời con, cũng như mẹ đây, mẹ còn nhớ mãi căn nhà nhỏ, mà mẹ đã nghe tiếng con bập bẹ lần đầu…
68. Tin Vui
Sàigon, ngày 28 tháng 6/p.
Chú Thành kính mến,
Thưa chú, cháu mừng rỡ báo tin chú biết rằng cháu đã trúng tuyển kỳ thi Tiểu-học vừa qua để chú mừng cho cháu. Hẳn chú đang mong tin cháu của chú đấy nhỉ?
Sau đây, cháu xin thuật ngày vào thi cho chú nghe:
Chẳng nói chú cũng rõ, trước ngày thi, cháu hồi hộp thế nào? Tuy vẫn cười, vẫn nói, mà trong óc cháu ngổn ngang vì những chuyện thi cử. Lần đầu tiên ra thi tài đọ sức với người, chú bảo cháu của chú không lo làm sao được?
Thế rồi cái ngày “ghê gớm” ấy cũng tới. Cháu đã lo xếp đặt đồ dùng từ trước, vậy mà cứ có cảm-tưởng như còn thiếu sót cái gì. Chú thím Phúc ở Mỹ-Tho, rồi vợ chồng chú Khang ở Biên-Hòa, các cô, các chú, đến chơi, người khuyên cái nọ, người chúc điều kia, làm như cháu thi cử-nhân, hay thi Tiến-sĩ ấy, chú ạ.
Đến hôm thi, vào trong lớp ngồi rồi, bao nhiêu nỗi lo sợ bỗng biến đâu mất cả, chú ạ. Là vì cháu thấy cũng buồng học, bàn ghế, bảng đen như ở trường nhà, có gì là khác đâu! Trong phòng cháu, cũng được một vài anh cùng lớp, lác đác mỗi người một chỗ. Còn những thí-sinh khác, thì cũng như chúng cháu, ngây thơ, hồn nhiên lắm. Chúng cháu thân nhau ngay.
Nhìn những vị giám-khảo, cháu càng yên dạ. Các vị ấy cũng chẳng khác gì thày giáo cháu, cũng cái nhìn dịu dàng, giọng nói hiền từ, không dữ dội như chúng cháu đã tưởng.
Bài đầu là Chính-Tả, viết bài “Đoàn-kết”, đại ý hô hào toàn dân phải xiết chặt hàng ngũ, trên dưới một lòng để diệt giặc trong, thù ngoài. Có một vài chữ khó không đáng kể, còn 4 câu hỏi, cháu làm được cả.
Bài luận là một câu tuc-ngữ: “LÁ LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH”. Nghĩa đen và nghĩa bóng chẳng có gì là khó, chỉ còn lo tìm thí-dụ cho sát. Cháu lấy chuyện giúp đỡ đồng bào di-cư để chứng minh. Chả biết cháu làm có hay hay không, chỉ thấy giám-khảo dừng lại, gật gù đọc, xem chừng thích lắm.
Cháu chỉ còn lo bài tính buổi chiều. Cũng may, mấy câu hỏi trên dễ, cháu làm được ngay, xem lại kỹ càng, rồi chép vào giấy. Bài tính dưới về phân số, cháu mới tìm thấy một đáp số trên thì đã đến giờ thu bài. Cháu lo quá, trống ngực đánh bằng trống làng, suýt phát khóc chú ạ.
Nhưng cháu không kịp lo nữa, vì đầu bài câu hỏi Thường-Thức đã ra. Thấy toàn những bài trong chương-trình đã học, cháu mừng quá. Trong lúc chép đầu bài, bỗng cháu có cảm tưởng như là quên hết cả, óc rỗng tuếch như không còn một chữ. Nhưng đến lúc viết đến đâu lại nhớ đến đấy, thế có lạ không, thưa chú?
Lúc vào vấn-đáp, đọc xong bài Tập đọc “Trưng cầu dân ý”, giám-khảo hỏi có một câu:”Nước ta theo chính-thể nào?” Cháu trả lời: “Nước Việt Nam sau ngày Trưng cầu dân ý, theo chính-thể Cộng-Hòa”, Giám-khảo gật đầu. Đến khi hát thì khỏi phải nói. Bài “Việt Nam thống-nhất”, cháu vẫn hát theo máy truyền thanh ở nhà, nên cất tiếng lên, thày nào cũng khen.
Bốn hôm sau, có kết quả. Chao ôi! Cháu tưởng mọc cánh lên được, khi thấy tên: “CAO NGUYÊN DŨNG” trên bảng. Cháu cố giữ vẻ nghiêm trang mà chân tay cứ múa lên. Cháu muốn vồ lấy mọi người, hét vào tai họ: “Tôi đỗ đây, tôi đỗ đây!”.
Các bạn thân của cháu, như anh Sinh, anh Tôn, anh Tý, anh Phi, anh Sỷ cũng đỗ cả. Thưa chú, chú có nhớ anh Pha không ạ? Anh bạn ngỗ ngược ngày xưa, mà đã có lần cháu thưa chuyện cùng chú. Anh ta cũng đỗ kỳ này, mà đỗ hạng bình cơ chú ạ! Lúc má anh ta ra đón cứ ôm lấy anh mà khóc rưng rức…
Nhưng thú nhất phải là anh Sỹ. Má anh hy-sinh nghỉ hẳn một buổi hàng để chầu chực xem bảng. Lúc thấy anh có tên rồi, hai mẹ con tất tả kéo nhau đến nhà thầy giáo cám ơn.
Lớp cháu trượt có bốn anh, toàn những anh thường ngày lười biếng. Thôi chẳng còn phàn nàn “học tài thi phận” vào đâu nữa. Được kết quả rực rỡ như thế, thầy giáo cháu hẳn cũng hài lòng, bõ công dạy dỗ bấy lâu.
Lúc đi về, cháu ưỡn ngực nhìn ngang nhìn ngửa, tưởng chừng như khách đi đường sẽ nhìn cháu mà thán phục, ngợi khen. Nhưng không, họ đều lặng lẽ bước nhanh, hoặc nhìn cháu bằng con mắt thản-nhiên, có tức không hả chú?
Chú ơi! Chú ơi! Hôm nay thuật lại mấy giòng này, một niềm vui chan chứa lại dào dạt dâng lên, khiến cháu xúc-động vô cùng. Chú khen cháu của chú đi! Chú mừng cháu của chú đi!
Nhưng thưa chú, kỳ thi này qua rồi, cháu lại lo kỳ thi đệ Thất sắp tới, làm sao được vào trường Trung-Học mới thỏa lòng mong ước của Ba Mợ cháu.
Kính chúc chú vui mạnh luôn, và cháu mong được lên thăm chú kỳ hè năm nay ở Ban-Mê-Thuột.
Cháu yêu của chú vẫn cố gắng học hành
DŨNG
69. Chào Vĩnh Biệt
Ngày 30 tháng 6
Trưa hôm nay, chúng tôi tụ tập tất cả ở nhà trường lần cuối cùng trước khi chia tay vĩnh-biệt.
Một lát thầy vào lớp. Lần đầu tiên thấy thầy vận y-phục như đi dự ngày đại-hội. Thầy đưa mắt nhìn chúng tôi suốt lượt, rồi rầu rầu nét mặt mà bảo:
- Các con ơi! Thầy ăn mặc thế này, các con chớ lấy làm lạ, vì thầy muốn cho buổi mặt cuối cùng của thầy trò ta được long trọng. Chúng ta đã cùng nhau chung sống một niên học. Giờ đây sắp phải chia tay, ta hãy xa nhau cho vui vẻ. Riêng thầy, thầy rất buồn lòng không được gần các con nữa.
Thầy ngừng lại giây lát, như để nén cơn cảm xúc đang rào rạt trong lòng, rồi nói tiếp:
- Còn như kỳ thi năm nay đỗ được nhiều như vậy, thật là điều đáng mừng cho các con, mà cũng là cái phần thưởng quý báu cho ta. Nhất là anh Pha, anh Sỹ, anh Bích biết sửa đổi, lại đỗ được cao, thì trong đời ta, thật chẳng còn điều gì ân hận. Trong năm vừa qua, nếu một đôi khi thầy quá nóng đến nỗi phải mắng, phải phạt, các con, các con cũng đừng để tâm giận thầy mà tội nghiệp.
Tất cả chúng tôi nhao nhao lên:
- Thưa không ạ! Thưa không đời nào ạ!... Thầy muốn cho chúng con hay, đâu chúng con dám giận?
- Cám ơn các con… để thày nói… Vậy nếu quên đi cho thầy thì tốt lắm. Sang niên học mới, các con mỗi người, mỗi ngả, chẳng còn được cùng nhau ngồi đây nữa, nhưng lúc nào lòng thầy cũng tưởng nhớ đến các con. Các con hãy về nghỉ hè cho vui vẻ. Những anh đỗ, thầy có lời mừng. Một vài anh chẳng may trượt, thầy khuyên cố gắng, nhưng dù đỗ, dù trượt, dù làm thầy hay làm thợ, các con cũng nên ăn ở làm sao cho phải đạo làm người, phải cố gắng thế nào cho thành người hữu ích, xứng đáng với lòng kỳ-vọng của các bậc tiền-nhân. Thầy chỉ muốn nói có thế thôi, các con nên ghi nhớ lấy, và có về, cho thầy gửi nhời chào thày mẹ ở nhà.
- Nói rồi thầy đi thẳng xuống dưới lớp như còn lưu luyến chưa nỡ rời đám trò yêu. Chúng tôi nhìn thầy cảm động. Có anh thò tay ra vuốt áo thầy; có anh giở sách xin thầy chữ ký.
Anh Tôn đứng lên, hai tay dâng biếu thầy tập ảnh của chúng tôi, rồi xin phép cho mỗi đội hát một bài để chào thầy. Thầy gật đầu ưng thuận. Thế là trong lớp vang lên những lời ca nhịp nhàng, thắm thiết… Hát xong, thấy thầy sắp sửa bước ra cửa, chúng tôi đứng cả lên, đồng thanh nói:”Lạy thày ạ, chúc thày mạnh luôn ạ!”
Xem chừng thầy cảm động lắm, vì thấy tay thầy cầm mũ run run. Thầy đưa mắt nhìn khắp lượt chúng tôi một lần nữa, ngưng lại một giây về phía chúng tôi mà mỉm cười. Lần đầu tiên, tôi thấy thầy cười. Mà nụ cười ấy mới chua xót làm sao!
Đợi thầy ra khỏi, chúng tôi mới kéo nhau xuống. Dưới sân cũng đông nghịt những phụ-huynh hoc-sinh đang đón con, đợi cháu. Mấy cô giáo bị lũ trò nhỏ vây quanh, gỡ tay đứa nọ, thì đến đứa kia lại níu lấy; rồi cứ bi ba bi bô “Chào cô ạ, chào cô ạ…” ầm ỹ cả lên.

Tôi hồi hộp tiến lại gần cô giáo Ngọc-Hồng. Từ buổi gần cô, cô đã đem lại cho tôi một nguồn sinh-lực mới, khiến tôi có đủ sức chống chọi với những nỗi chán nản hàng ngày. Tôi muốn chúc cô được luôn luôn vui mạnh, và hứa không bao giờ quên cô, nhưng trước mặt cô, tôi bỗng cảm động không nói được nên lời.
Khắp sân vang lên lời chào vĩnh-biệt. Chỗ này “Anh về nhé! Sang năm nhé!”, chỗ kia “viết thư cho tớ nhé!”
Mọi người bịn rịn, quyến luyến, chẳng muốn rời nhau, hầu như quên mọi sự giận hờn, thù ghét trong năm. Vân mọi khi vẫn ghen với anh Sinh, vậy mà cứ quấn lấy anh, dặn đi, dặn lại, có rỗi về quê anh chơi.
Tôi thờ thẫn giơ tay chào tất cả mọi người. Tôi bắt tay anh Tư-Húi để nhìn anh làm “mắt lác” lần cuối cùng, rồi tôi đến chào anh Phi, anh Tý. Phi tặng tôi một cái quạt kiểu Nhật do chính anh vẽ, có một cái tem Nhật-Bản dán ở giữa, với hai chữ "MẾN DŨNG" kẻ bằng màu lơ.
Tôi nghiệp anh Ninh! Cứ níu lấy anh Tôn mà rơm rớm nước mắt, trong khi các bạn khác cũng vây chặt lấy anh, mà săn đón hỏi han.
Tôi chờ anh Tôn ra đến đầu phố, lúc anh chỉ còn một mình, mới lại gần anh để biếu anh tấm hình mới chụp của tôi. Hai chúng tôi cứ nắm lấy tay nhau, bịn-rịn, nước mắt chảy vòng quanh.
Một lát sau, anh cố gượng cười bảo tôi: ”Thôi Dũng về cho mạnh khỏe nhé! Nhớ Tôn luôn nhé!”
Rồi anh lùi lũi bước đi. Tôi còn đứng lại nhìn anh đi khuất, rồi lại nhìn ngôi trường vắng tanh mà tưởng như đời tôi từ nay chẳng còn sinh thú, bởi đã mất đi biết bao hình bóng thân yêu.
Nước mắt tôi lúc nãy đọng ở trên mi, giờ chảy đầm đìa trên má.
Sài Gòn 1955-1956
Cao Văn Thái
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...