Dưới mái học đường 2
24. Lòng Thương Kẻ Khó
Mồng 1 tháng 12
Sáng nay lúc đến đón con ở trường về, mẹ thấy một người đàn bà nghèo khó, tay bế con thơ, tay ngả nón xin tiền, mà con cứ lẳng lặng bước đi, chẳng thèm ngoái cổ.
Con ơi! Chớ có thái-độ lạnh lùng trước sự nghèo khó, nhất là trước một người mẹ ngửa tay xin miếng cháo cho con. Đứa trẻ ấy đang đói lòng, người mẹ ấy đang xót xa, sự thờ ơ của con làm cho họ tủi nhục nhường nào!
Có lẽ vì con còn nhỏ, nên quên rằng những năm gần đây, khi gia đình ta sa sút vì chiến tranh, lang thang lưu lạc ngoài hậu phương, nếu không nhờ được lòng từ-thiện của đổng-bào giúp ta nơi ăn, chốn ở, thì đâu còn có ngày nay !
Mỗi khi mẹ cho tiền kẻ khó, bao giờ họ cũng cám ơn và thành khẩn cầu chúc cho gia đình ta được Trời Phật độ trì. Cứ mỗi lần được nghe những lời thiết tha ấy phát ra tự đáy lòng kẻ khó, mẹ thường tự bảo:
- Kẻ khó ấy đã trả ta quá nhiều so với đồng tiền nhỏ mọn mà ta giúp họ.
Dũng, con ạ! Hãy bớt ra vài cắc ăn quà để đặt vào tay người già lão không nơi nương tựa, vào tay người mẹ đói cơm, hay vào tay đứa nhỏ bơ vơ côi cút.
Kẻ khó thường thích của bố thí của trẻ, vì của bố thí ấy không làm họ tủi lòng. Của bố thí của người lớn chỉ là bởi lòng nhân-đạo, nhưng của trẻ mới thật do lòng thương yêu kẻ khó mà ra, cho nên đồng xu của đứa trẻ nhỏ đưa ra, tưởng như kèm theo một bàn tay mơn trớn.
Con nên nghĩ rằng: con nhờ ơn cha mẹ chẳng thiếu thức gì, nhưng họ, họ thiếu thốn đủ mọi điều. Trong khi con còn có những ước vọng cao xa, thì họ chỉ mong được bữa no lòng.
Này con! Trong đô-thành này, nhà cao, cửa rộng san sát, ngựa xe lộng lẫy rập rìu, thế mà còn có biết bao người nghèo đói, cơm không đủ ăn, nhà không có ở, đấy con ạ! Mà những người ấy cũng là đồng bào ruột thịt với ta. Ta ăn no mặc đủ, trông thấy họ lầm than đói rách, ta nỡ nào ngảnh mặt làm thinh?
Dũng con ơi! Hãy nhớ lấy lời mẹ dậy. Đừng bao giờ quay mặt đi trước một người nghèo khổ, ngửa tay ra xin con bố thí
25. Lá Lành Đùm Lá Rách
Ngày 2 tháng 12
Nghĩ lại lời mẹ tôi khuyên bữa qua mà tôi hãy còn hổ thẹn vì sự lãnh đạm của mình trước sự nghèo khó.
Bỗng tôi nghe ngoài cửa có tiếng quát tháo. Tôi tất-tả chạy ra, thấy em Huyền tôi đang phồng má trợn mắt, hoa chân múa tay trước một bọn người lạ mặt, ngồi xệp dưới đất.
Thấy tôi ra, một bà cụ già trong bọn đứng lên phân trần:
- Cậu xem! Chúng tôi đâu có phải hạng người bậy bạ!....
Chưa hết câu, em tôi định sấn sổ toan nói. Tôi mắng cho em im, rồi đưa mắt nhìn bọn người trước mặt. Ngoài bà cụ già, da mặt dăn deo như quả táo khô, mình gầy như hạc, còn bốn người nữa: một người đàn ông, xanh như tàu lá, khoác chiếc áo tây vàng; tuy ốm yếu như vậy mà trông ông ta cũng không kém vẻ ngang tàng khí phách. Đàng sau, một thiếu phụ, mắt quầng thâm, vẻ cương quyết hiền hậu, đang ngồi cho con bú. Đứa trẻ, mắt dương thao láo, cố nhay cái vú đã hầu cạn sữa. Bên cạnh, một em bé lớn hơn, vẻ nhanh nhẹn thông minh, đang cầm bắp ngô mà gặm.
Nhìn đến đồ hành lý, mới thảm hại làm sao! Một cái rương đã mọt, mấy cái bị đựng quần áo cũ, một cái bồ lổng chổng mâm nồi, bát dĩa… Giang sơn chỉ còn có vậy!
Tôi còn đang ngơ ngác thì Huyền đã kéo áo tôi mà bảo:
- Nhà người ta đi vắng cả, cứ đến ngồi trước cửa là nghĩa làm sao?
Tôi gạt em đi, rồi ôn-tồn lễ-phép hỏi:
- Thưa cụ, xin cụ tha lỗi cho, chắc các cụ mới di-cư vào Nam? Mời cụ quá bộ vào trong nhà cháu nghỉ chân, sơi nước…
- Thôi cảm ơn cậu, chúng tôi ngồi đây cũng được… Chúng tôi quê mãi tận Thái-Bình cơ đấy, cậu ạ!... Vì loạn lạc, tôi đem gia đình chạy lên Việt-Bắc, bẩy tám năm trời, đói khổ lắm. Hai thằng con trai lớn đi dân công chết bỏ xác trong rừng, còn lại thằng thứ ba ngồi kia, thì ngã nước, quặt quẹo đến hơn một năm nay. Nay chính phủ giúp đỡ di-cư vào đây, chúng tôi vui mừng hết sức, nhất định gạt nước mắt rời bỏ quê hương, làng nước đi lập cuộc đời mới, chờ ngày Bắc-tiến hồi-hương. Nhân đi tìm người thân thích qua đây, chưa thấy, chúng tôi ngồi nhờ dưới mái hiên…
Có lẽ nhắc lại tình cảnh đau khổ của mình, bà cụ động lòng sụt sịt, đưa tay lên quệt ngang nước mắt. Tôi mủi lòng, quay lại bảo em:
- Đây là những đồng bào di-cư đấy em ạ! Có lẽ em không biết chăng?
Huyền vênh mặt lên đáp:
- Nhưng em trông họ có vẻ gian lắm cơ!
- Em lầm rồi! Vì em còn bé dại dột nên các cụ không chấp. Chớ có nói càn, Ba Mợ biết thì lại chết đòn. Đây là những người cùng nòi, cùng giống, cùng một ông Tổ với ta. Chỉ vì không may mà bị điêu-linh khổ-ải suốt mấy năm tời nay rồi. Em không động tâm hay sao?
Huyền nghe ra, cúi đầu nói:
- Thật quả là em tàn tệ!
Em đứng suy nghĩ một giây, rồi hớn hở bảo khẽ vào tai tôi:
- Anh ạ! Hôm nọ mợ cho em hai chục để mua “cúp-bê”. Em biếu bà cụ một nửa nhé! Anh nhé!
Tôi cảm-động, xoa đầu em mà bảo:
- Em biết thương người đồng loại như thế thì ngoan lắm. Nhân tiện anh còn tám đồng để trong ô kéo chưa tiêu đến, em cầm cả ra đây!
Huyền sung sướng chạy ù vào. Chỉ một thoáng đã đem tiền ra cho tôi. Tôi hai tay cầm đưa cho bà cụ, thì bà cảm động bảo tôi:
- Cảm ơn cậu, chúng tôi vào đây đã có chính-phủ giúp đỡ; chỉ ngồi nhờ tránh nắng một lát rồi đi. Cô cậu cần tiền mua sách, chịu khó học. Tổ-Quốc trông chờ các cô, các cậu nhiều lắm đấy!
Chiều về, thuật chuyện lại với Ba Mợ tôi, thỉ mợ tôi bảo:
- Mợ khen các con lắm. Thế mới là “lá lành đùm lá rách”
Còn cha tôi thì ngậm ngùi nói:
- Các con ạ! Đó mới thật là những anh hùng áo vải đã treo cao gương tranh-đấu cho nền tự-do. Chúng ta thêm được những đồng-bào ấy lo gì một ngày kia không thống nhất được giang-san, xứ-sở?
Tôi tuy không hiểu rõ cha tôi muốn nói gì, nhưng trông vẻ mặt người, rồi lại nhớ đến lời bà cụ nói, tôi bỗng cảm thấy có một cái gì nghiêm-trọng, thiêng-liêng, mà nghe như chúng tôi cũng có dự phần thì phải.
26. Anh Thủ Quỹ
Ngày 8 tháng 12
Hợp-tác-xã hoc-sinh của chúng tôi khuyết chân thủ-quỹ, và chúng tôi đồng thanh bầu cho anh Phi, anh bạn luôn luôn tính chuyện bán buôn trong đầu óc. Không một ai dám tranh cử với anh, vì tất cả đều tự thấy kém anh nhiều về phương-diện ấy.
Luôn tôi thấy anh mang tiền ra đếm đi đếm lại, rồi cộng, trừ, nhân, chia, tính rất khéo trên đầu ngón tay, chẳng sai bao giờ. Tiền anh kiếm được do sự bán buôn riêng của anh, anh cất đi một chỗ, chẳng ai đoán được vốn liếng anh có bao nhiêu.
Nếu lỡ đánh rơi, chỉ một xu nhỏ thôi, thì anh tìm bằng được, dù nó nằm dưới đám cỏ dầy, hay lẩn trong khe tường kín. Gặp cái gì anh cũng nhặt: từ cái đanh ghim, lưỡi dao rỉ, cái thước gẫy, cái hộp không, cái tem thơ, bất cứ cái gì.
Ngòi bút hỏng thì anh kỳ cạch chữa lại, viết được mới nghe. Thước gẫy thì anh chắp, anh gọt; hộp không thì anh dán giấy xanh, giấy đỏ ra ngoài; lưỡi dao rỉ thì anh mài cho thật sáng, thật sắc. Có khi đem thứ này chế thành thứ khác để dùng, vì anh vốn có hoa tay.
Nhất là tem thì anh quý lắm, để riêng ra, chờ đủ bộ đem bán cho hiệu sách. Anh lại dẫn các bạn đến đó mua luôn, nên ông chủ tiệm càng chiều anh, mua gì cũng được bớt, còn giấy thẩm, nhãn vở thì anh chẳng phải mua cũng có.
Ở trường, anh luôn luôn bận việc mua bán. Ai có thừa thì anh mua lại, ai thiếu gì, anh bán cho. Mua bán thứ gì anh cũng vào sổ sách phân minh. Ngày nào ra ngày ấy, thứ nào vào thứ ấy, chẳng khác gì sổ hàng nhà buôn.
Thỉnh thoảng anh tổ chức cuộc xổ-số lấy đồ, mỗi vé năm hào, mà kẻ được người thua, ai nấy đều hỉ hả.
Ở lớp, anh chỉ thích có môn toán, và anh cũng chỉ khá có môn ấy. Tính trầm anh làm rất nhanh, và công thức nào cũng thuộc lầu, nhất là về lỗ lãi thì anh thuộc trên đầu ngón tay, chẳng khác gì trông vào sách.
Các bạn bầu anh chức thủ-quỹ thật là đúng chỗ! Tiền nong minh bạch, chẳng sai một đồng nào bao giờ. Điều mà chúng tôi phục anh là món hàng nào anh cũng thuộc giá, biết phân biệt thứ xấu thứ tốt, thứ cũ thứ mới, nên đồ hàng trong hợp-tác-xã, từ ngày có anh, bán rất chạy, số thu, số nhập vượt hẳn lên.
Anh gói ghém nhanh nhẹn chẳng khác gì nhà hàng, còn mặc cả lại càng khéo lắm, chẳng chịu mua hớ bao giờ. Có lẽ vì thế chúng tôi thường gặp anh đi chợ mua thức ăn cho mẹ.
Sở dĩ anh hay lại chơi với tôi, một phần cũng bởi cha tôi thường nhận thư của các nhà xuất-bản các nơi gửi tới. Tôi vẫn xin những con tem ấy, cất đi để phần anh. Anh chỉ dẫn cho tôi biết loại tem nào quý, loại nào không, rành chẳng khác gì người trong nghề.
Những hôm anh lại chơi, cha tôi vẫn tủm tỉm ngồi nghe anh nói chuyện. Có lần anh giở cho xem cái cặp da khổng lồ của anh. Chẳng khác gì cửa hàng xén: thứ gì cũng có, xếp đặt đâu ra đấy. Anh thích nhất là quyển sách tem mà anh quý như vàng. Anh thường nâng niu nó trên tay mà bảo: “Biết đâu nó chẳng giúp Phi sau này thành triệu phú?”
Các bạn có người cho anh là biển-lận, là “sét-ty”, nhưng tôi, tôi không đồng ý. Gần anh tôi cũng học được lắm điều hay: sự dành dụm, sự khéo léo, sự xét đoán tinh tường…
Anh Pha thì lại càng ghét anh lắm. Anh bảo, nếu má anh Phi có ốm đau, thiếu tiền thuốc, chưa chắc Phi đã dám bỏ tập tem ra bán. Riêng tôi, tôi có cảm tưởng dù sao cái óc buôn bán của anh cũng không đến nỗi làm anh mất nhân-cách con người.
Cha tôi biết chuyện, đủng đỉnh nói:
- Thì hãy chờ xem! Đã biết thế nào mà nói trước!
27. Tự Xét Mình
Ngày 17 tháng 12
Đêm đã khuya, vừa hoc bài, làm bài xong, chuông đồng-hồ dõng-dạc buông mười tiếng. Thế là ngày thứ Hai đã trôi qua. Tôi thu xếp sách vở đi nằm. Trước khi đi ngủ, như mọi hôm, tôi nhớ lại những việc đã làm ban ngày.
Sáng nay vì mải vui dọc đường, chợt nhớ giờ học đã tới, tôi cắm cổ mải miết chạy một mạch tới trường, thì các bạn đã bắt đầu vào lớp. Trước vẻ nghiêm khắc của thầy, tôi len lét cúi chào. May thầy tha không phạt, nhưng tôi cũng cảm thấy rằng thầy không vui lòng, và tôi tự trách mình đã quá ham chơi.
Nhưng tôi hết buồn ngay, vì đến giờ Toán tôi trả lời được nhiều câu hiểm hóc, lấy làm tự-đắc được thầy khen, bạn phục.
Giờ Việt-Sử, thầy giảng bài “Cuộc đô-hộ của quân Minh”, tôi nghe mà lòng sôi uất hận, nghĩ xót xa cho Tổ-Quốc thân yêu. Bài học ấy tôi thuộc không chơn. Tôi thề từ nay phải quan tâm thêm đến lịch-sử nước nhà, để noi gương các bậc tiền-nhân.
Đến bài Địa-lý thầy dạy về nguồn lợi kinh-tế của nước Việt Nam. Tôi cảm thấy nền kinh-tế nước nhà trong thời đô-hộ vừa qua đã bị ngoại-bang bóp nghẹt. Tuy vậy, dưới chính thể Cộng-Hòa, với những tài nguyên phong phú, nước Việt ta sẽ kiến thiết và khai thác mau chóng để có một tương lai vô cùng rực rỡ.
Giờ vẽ, tôi tìm đến bút chì, sực nhớ ra còn bỏ quên trong ô kéo ở nhà. Anh Tôn nhường cho bút chì của anh, còn anh thì dùng cái bút chì ở đầu “công-pa”. Nhưng ai lại “ăn mày đòi xôi gấc” thế! Tôi mượn bút chì ngắn ấy vậy. Cầm đã khó, chì lại cứng, vẽ chẳng ra gì, điểm thầy cho xấu quá. Tôi lo cho điểm trung-bình cuối tháng của tôi. Nhưng lỗi lơ-đễnh tại mình, còn biết kêu ai!
Giờ ra chơi tôi cũng được vui vẻ với anh em. Duy lúc lên thang, chen nhau lên trước, thành bất hòa với anh Tác. Mai xin lỗi anh vậy.
Lúc tan học về nhà gặp một chiếc chai vỡ. Tuy đói bụng, đang rảo bước đi nhanh, tôi cũng dừng lại, nhặt bỏ qua bên đường. Biết đâu chẳng vì thế mà tránh cho bao kẻ lơ đãng cái nạn què chân?
Về đến nhà, các việc cha tôi dặn làm, tôi đều chu tất cả. Lúc chập tối, tôi vô ý đánh vỡ chiếc bát kiểu của mẹ tôi. Tôi hãy còn xếp vào một chỗ, định mai đổ tội cho chị Sen. Nhưng nghĩ ra, thế là không phải; chị thì bị mắng oan, mà mình thì mang tiếng trí trá. Thôi đành rồi sẽ thú tội, mẹ tôi chắc cũng rộng lòng tha thứ.
Cứ thành thực mà nhận xét, thì qua những buổi kiểm điểm như thế, tôi đã sửa đổi được nhiều thói xấu tật hư. Tôi mong mỗi ngày một tiến dần, quyết nghe lời thầy dạy, lời cha mẹ khuyên, không phí thì giờ, để mỗi ngày thêm hoàn toàn, cả Trí-Dục lẫn Đức-Dục.
Có thế kỳ thi này mới mong kết quả, và có thể sau này ra đời, mới thành người hữu ích.
28. Thú Tội
Ngày 19 tháng 12
Chiều hôm nay, khi tan học, trời còn sớm, lũ hoc-trò chưa chịu về nhà, rủ nhau ra bãi xa nô nghịch. Đá cầu, đánh quay chán, chúng xoay ra chơi tập trận giả.
Mới đầu còn ném nhau bằng đạn giấy, bằng vỏ chuối, vỏ cam, sau đến dùng sỏi, dùng gạch thay súng đạn. Một vài người đi đường, thấy lũ trẻ chơi đùa dại dột, sợ sẩy ra nguy hiểm, dừng chân ngăn cản. Nhưng không kịp nữa rồi! Bên kia đường, một ông cụ bỗng rú lên một tiếng, tay bưng lấy mắt, loạng choạng ngã. Cậu bé đi với ông cụ, khóc thét lên.
Mọi người đổ xô lại, nâng ông cụ lên. Thì ra ông cụ bị lũ trẻ ném đá trúng phải mắt, vỡ cả kính. Lũ hoc-trò sô chạy tán loạn. Trong số đó, tôi thấy có anh Tôn, anh Tư Húi, anh Phi.
Một người túm được vài anh, tra hỏi xem ai là thủ-phạm. Nhưng chẳng ai nhận cả. Anh nào cũng mặt xám như gà cắt tiết, tíu tít đổ lỗi cho nhau. Riêng anh Phi, chẳng nói chẳng rằng, mặt cứ tái nhợt tái nhạt.
Viên cảnh-binh đã tới, giơ tay lên dọa:
- Đứa nào ném? Nói ngay!
Một bà nói:
- Con cái nhà ai mà như lũ quỷ sứ! Cho nó lên quận, cho biết thân!
- Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học-trò mà lị!... Có thế bận sau mới chừa!
Mỗi người xúm vào góp một câu, rồi tra, rồi hỏi, nhưng chẳng ai nhận cả. Tôi thấy anh Tôn huých tay anh Phi khẽ nói:
- Nhận đi Phi!
- Nhưng tôi nhỡ phải, chứ có định tâm đâu!
- Cũng phải nhận. Đừng để bạn khác bị oan.
- Nhưng tôi sợ lắm!
- Để Tôn nói đỡ cho…
Viên cảnh-binh vẫn trợn mắt trừng trừng:
- Không đứa nào chịu thú nhận à? Học-trò gì mà hèn thế?
Một người nói:
- Cứ cho cả lũ lên bóp là xong!
- Không biết ông cụ có việc gì không?
- Mù chứ còn gì nữa! Mặt kính dâm vào con ngươi thì còn gì là mắt?
Anh Phi nghe nói lại càng hoảng sợ, đứng dựa váo anh Tôn, tưởng như sắp ngất đến nơi.
- Cứ ra thú đi! Tôi bênh vực cho!
Vừa nói, Tôn vừa cầm tay anh Phi dắt ra. Vừa trông thấy Phi, người ta đã biết anh là thủ-phạm. Vài người giơ tay lên định đánh anh. Anh Tôn vội sấn vào, đứng chắn, không cho phạm đến người bạn. Anh nói:
- Các ông người nhớn lại súm vào đánh một đứa trẻ là thế nào?
Viên cảnh binh cầm tay lôi anh Phi vào một cửa hiệu may, mà người ta vừa đưa ông cụ vào băng bó tạm. Tôi cũng theo vào, và nhận ngay ra đó là cụ Phán Ích ở gần nhà tôi! Cụ đang nằm trên giường, mùi-xoa bưng lấy mắt. Đứa cháu đứng bên cạnh, sụt sùi khóc:
Phi nức nở:
- Thưa cụ… cháu…cháu nhỡ tay… dại dột…
Một người nóng tính, túm ngay lấy cổ anh mà dúi mạnh xuống:
- Quỳ xuống mà chịu tội!
Anh Phi khóc nấc lên, nắm chặt lấy tay ông cụ. Những giọt nước mắt thi nhau chảy xuống bàn tay ông. Thấy anh biết hối lỗi, cụ Phán giơ bàn tay xương xẩu sờ soạng, rồi xoa đầu anh mà bảo:
- Cháu nhỡ, ta biết! Thôi về đi, kẻo mẹ cháu mong. Ta chỉ hơi đau thôi chứ không hề gì.
Trên đường về, cha tôi hỏi:
- Như con, trong trường hợp ấy, con có can-đảm thú tội hay không?
Tôi trả lời rằng có. Cha tôi tiếp:
- Thế con giữ lấy lời nhé!
Tôi mạnh dạn trả lời:
- Thưa Ba vâng! Con xin nhớ!
29. Ba Bức Thư
Ngày 22 tháng 12
I.- Sinh thân mến,
Chủ nhật sắp tới, Ba Dũng sẽ cho Dũng đi về miền quê câu cá. Tuy vậy đi được hay không là còn nhờ Sinh. Chắc Sinh chẳng nỡ để Dũng hụt mất một cuộc vui.
Sinh có biết tại sao không? Là vì còn bài luận thứ Hai phải nộp, Dũng chưa làm. Sinh đừng cười nhé! Và chớ cho Dũng là cái đồ lười đấy!
Dũng xin thề rằng không phải tại lười, chỉ vì không biết tại sao, Dũng ghét món Việt văn thậm tệ, ghét như đào đất đổ đi. Đối với Dũng, không có gì nhạt nhẽo và vô vị hơn cái món Việt văn! Hễ Dũng cứ cầm bút định làm luận là y như buồn ngủ.
Vậy nhờ Sinh làm giúp Dũng bài luận nhé, vì Dũng chả biết nhờ ai được nữa, mà ai giỏi Việt văn bằng Sinh được? Sinh đừng từ chối đấy! Xoàng của Sinh cũng bằng trăm của Dũng. Vậy ngoáy vài chữ hộ Dũng cho xong cái của nợ ấy đi nhé!
Cảm ơn Sinh trước và tin tưởng ở Sinh nhiều lắm đấy!
Dũng
T.B. Nhờ bí mật hộ, đừng cho ai biết đấy nhé.
II.- Dũng thân yêu,
Sinh đã nhận được thư Dũng. Cảm tưởng đầu tiên của Sinh là sự khoái trá, vì đó là một cái hân hạnh lớn cho Sinh. Hân hạnh được Dũng phục, lại còn tin cậy giao phó cho cái công việc”vĩ-đại” ấy. Sinh lại rất sung sướng được có dịp giúp bạn, điều mà cha Sinh luôn luôn căn dặn.
Sinh đã lấy giấy bút định làm để cho Dũng yên chí đi chơi. Nhưng chợt nhớ lại nhời thầy ngày nọ, Sinh buông bút xuống, đọc thư Dũng một lần nữa rồi Sinh cảm thấy cái sung sướng ban nẫy biến đi. Sinh không khoái trá nữa, mà trái lại thấy buồn buồn, mới lạ chớ!
Sinh buồn là vì không biết làm hộ như thế là giúp Dũng hay làm hại Dũng? Nếu làm cho Dũng lười thêm thì chẳng hóa ra làm ơn mà thành ra hại Dũng sao? Hại Dũng mà lại mang tiếng lừa thầy nữa, điều mà Sinh không có can đảm làm.
Không phải chỉ có thế mà thôi. Sinh còn buồn nhiều hơn nữa khi thấy Dũng ghét Việt-văn, không muốn trau giồi tiếng mẹ. Theo Dũng thì đó là “môn học vô vị” là “cái của nợ”. Thực ra, thì thích hay không, đó là quyền của Dũng.
Nhưng còn tình bạn của chúng ta nữa! Chúng ta chẳng đã giao ước với nhau rằng sẽ tận tình khuyên bảo nhau là gì?
Dũng ạ, chúng ta là người Việt, chả lẽ lại khinh tiếng Việt để yêu tiếng ngoại-quốc hay sao? Biết bao lần báo chí đã thẳng tay phê bình những ông người lớn có thói quen đệm thêm tiếng Pháp trong câu nói chuyện là gì.
Chúng ta ngày nay còn bé, phải tập nói tiếng mẹ cho thông, viết tiếng mẹ cho gọn, kẻo bị người chê là mất gốc. Một nhà văn tiền bối của chúng ta đã nói:
- Nước ta hay, hay dở, sau này là nhờ chữ quốc-ngữ.
Dũng thấy không! Tiếng mẹ quan hệ đến vận-mệnh nước nhà như thế đấy! Cho nên, với Sinh thì Việt-văn là môn quan trọng vào bậc nhất. Ta có thể dốt tính, kém cách-trí, nhưng sao nhãng Việt-văn thì không thể được: ấy là một tội to đối với Tổ-Quốc.
Trong thời nô-lệ vừa qua-Sinh viết mấy chữ này mà nóng bừng cả mặt-ta vô tình coi thường tiếng mẹ đã đành. Nhưng ngày nay, nền độc-lập đã được kiện-toàn, người Việt đã làm chủ nước Việt, chúng ta cần phải trau-giồi Việt-ngữ, để dưới chính-thể Cộng-Hòa xây dựng một nền văn-hóa mới.
Nhất là trong giai-đoạn kiến-quốc hiện tại, tiếng Việt lại cần hơn thế nữa. Trong chương trình giáo dục hiện nay, tiếng Việt đã đứng hàng đầu trong các môn học, lấy lại địa-vị quan trọng, xứng đáng với nó, Dũng không thấy sao?
Chẳng có gì là khó. Cũng chẳng có gì là phiền. Trước hết cần phải đọc sách nhiều. Ba Sinh đã chọn mua cho một số sách, loại giáo-dục lành mạnh. Đọc được đoạn văn hay, Sinh lại có sổ tay ghi chép, riêng ra từng loại: tả cảnh, tả người, thuật chuyện, v.v…
Quyển sách ấy Sinh xem đi, xem lại nhiều lần, đến nỗi thuộc lòng rồi đấy.
Đã có những tài liệu ấy rồi, Sinh cứ việc mang ra dùng, thay đổi lại cho hợp với đầu bài thầy ra trong lớp, chẳng lại mang tiếng là “cóp” nguyên văn.
Sinh lại còn một quyển nhật-ký nữa cơ! Hằng ngày Sinh tập viết văn bằng cách ghi lại những kỷ-niệm riêng, những tâm-sự của mình. Còn những bài luận thầy ra thì về nhà Sinh cứ theo dàn bài làm ngay vào giấy dáp. Rồi mỗi hôm lại mang ra sửa đi, sửa lại. Đến kỳ nộp là Sinh đã sẵn có một bài kha khá mà Dũng thường nghe thầy đọc trong lớp làm mẫu.
Đấy, cách luyện Việt-văn của Sinh đấy! Giản dị không? Nào có gì khó đâu! Có mất tiền, mất bạc gì đâu! Chỉ một chút kiên nhẫn, rồi sau quen đi. Cái gì cũng do thói quen cả, Dũng nhỉ!
Có vốn rồi, lúc làm văn, tìm chữ cũng chóng, mà có muốn phô diễn ý tưởng gì cũng dễ, cũng thông.
Ấy chỉ có thế mà Sinh được tiếng khá Việt-văn đấy, có chi lạ đâu!
Dũng cần phải kiên nhẫn một chút, chỉ một chút thôi-vả lại có khó mới nhiều giá trị chứ!-rồi sau sẽ thấy mình viết văn trôi chảy dễ dàng, và hưởng được cái thú viết văn. Ngoài ra lại chẳng ai bỉ được mình là nhãng sao tiếng mẹ.
Sinh không dám lên mặt dậy đời, chỉ thành-thực mách Dũng cái phương-pháp hay, mà Sinh đang áp-dụng thấy nhiều kết-quả. Dũng hiểu cho thế thì không có gì làm Sinh vui lòng hơn…
Bạn thân của Dũng
III.- Thân ái gửi Sinh
Đọc xong thư Sinh, Dũng cảm động vô cùng. Xin lỗi đã làm phiền Sinh nhé! Chủ nhật nầy Dũng chẳng đi câu nữa đâu. Sinh xin phép Ba lại nhà Dũng để chúng ta cùng làm bài nhé! Có Sinh bên cạnh, Dũng sẽ thêm nhiều nghị-lực.
Dũng chẳng chịu hèn đâu. Rồi Sinh xem!
Mong đợi Sinh nhiều.
30. Lòng Tương Trợ
Ngày 24 tháng 12
Lớp học không một tiếng động. Mọi người đem hết tinh thần chú ý vào bài thi Đức-Dục, về lòng tương trợ. Tôi còn đang mải tìm câu thí-dụ, thì bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, rồi ông Hiệu-Trưởng bước vào, tay cầm tờ báo.
Ông ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống, trao đổi vài câu gì với thầy giáo không rõ, rồi quay lại chúng tôi, ông cất giọng nói:
- Này các con! Hãy tạm dừng bút vài phút đồng-hồ, nghe ta nói chuyện này…
Chúng tôi ngạc nhiên, hạ cả bút xuống, nghiêm chỉnh ngồi ngay ngắn.
- Các con ạ, các con hẳn xem báo, hoặc được nghe kể lại cái thiên-tai khủng khiếp vừa xẩy ra cho đồng-bào chúng ta ở miền Huế. Đó là một trận bão lụt ghê gớm nhất chưa hề có trong lịch-sử, chỉ có hai ngày, đã giết hàng chục người, cuốn trôi hàng trăm trâu bò, đánh đổ hàng trăm nhà cửa… Hàng vạn con người hiện nay không có cơm ăn, nhà ở. Đồng ruộng mênh mông những nước, tài sản gây dựng hàng bao nhiêu năm bị phá sạch trơn…
Một vài tiếng suýt soa nổi lên. Ông Hiệu-Trưởng ngưng lại một giây như để nén cơn cảm xúc, rồi rầu rầu nét mặt kể tiếp:
- Trong khi các con yên ổn ngồi đây học tập, chốc nữa về dưới mái gia đình, vui-vẻ hội họp quanh mâm cơm nóng dẻo, thì còn một số đông đồng-bào của chúng ta ở miền Trung-trong số đó có cả ông già bà cả, có người ốm, trẻ thơ, có cả trăm ngàn hoc-sinh ngây thơ như các con nữa-hiện nay sống cảnh màn trời chiếu đất, cơm không có, áo thì không, sống dở, chết dở, nỗi khổ cực không sao tả xiết.
“Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”
Chúng ta được diễm phúc sống trong cảnh thanh bình, sung túc, nếu không biết thương xót những người đồng loại, thì hóa chẳng bằng giống vật ru?
Lớp học yên lặng như nặng chĩu một tình thương xót. Mấy chữ “lòng tương trợ” viết trên bảng, lúc này như tô một nét vàng son chói lọi. Thầy trò chúng tôi nhìn nhau, lòng rào rạt một nỗi đau xót mênh mang.
Ông Hiệu-Trưởng ngậm ngùi nói tiếp:
- Tiếng than khóc của những người chẳng may mất nghiệp vang dậy cả một góc trời, tiếng kêu ai-oán kia từ ngàn xa vọng lại, nghĩ đến mà héo ruột đứt gan. Này đây báo-chí đô-thành đang kêu gọi lòng từ thiện của tất cả mọi người. Ta nghĩ ngay đến các con. Đây cũng là một dịp để các con làm việc xã hội, đồng thời tỏ lòng yêu nước thương nòi, thực hiện một phần nào những điều thầy giáo con đã giảng dậy ở nhà trường.
Thầy giáo tôi tiếp lời:
- Tôi thay mặt học sinh trong lớp hoan-nghênh ý kiến hay đó. Các con ạ! Thầy tin rằng các con sẽ hưởng ứng nhiệt-liệt lời kêu gọi của ông Hiệu-Trưởng để chúng ta có dịp bắt tay vào cái công cuộc rất có ý nghĩa này. Chúng ta học về “lòng tương trợ”, nhưng nếu không thực-hiện được bằng việc làm thì những điều học ấy có hay đến đâu cũng bằng vô ích.
Các con tuy nhỏ, tuy ít, nhưng thầy nghĩ rằng:
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cậy chụm lại, nên hòn núi cao.
Chúng ta đông người họp lại, thì kết quả chắc chắn sẽ được khả quan. Các con nghĩ thế có phải không?
Thầy chưa nói dứt lời, cả lớ đã nhao nhao lên:
- Vâng ạ, thầy cho chúng con đóng tiền ạ…
Anh Tác-vừa được cha cho tiền mua sách-hấp tấp đứng lên:
- Con xin quyên 10 đồng ạ! Thầy cho anh Tôn thu ngay ạ…
Thế rồi mỗi người một câu, lớp học ồn ào như cái chợ. Thầy đập mạnh thước xuống bàn ra hiệu cho im:
- Thầy lấy làm vui lòng thấy các con biết thương yêu đồng loại và nhiệt thành với công cuộc hữu ích, nhưng cần phải bàn bạc trong vòng trật-tự, không được làm loạn lên như thế. Từng anh một, ai có sáng kiến nào hay, thầy cho đứng lên tự-do phát biểu ý-kiến.
Anh Sinh giơ tay đứng lên:
- Con muốn xin thầy cho cả trường tổ chức “một tuần lễ nhịn quà” để lớn bé chúng con đều được làm việc thiện. Nếu có thể, thì mỗi lớp một hộp tiền riêng, để thi đua cho được nhiều. Thưa thầy, nếu cả trường cùng gom lại chắc cũng được món tiền khá…
Ông Hiệu trưởng ghi chép đề-nghị của anh vào sổ tay rồi hỏi:
- Thế còn anh nào có ý kiến gì khác không?
Đến lượt anh Tý:
- Thưa, con muốn xin phép các thầy cho từng đội chia nhau ra, đi từng khu phố để quyên quần áo. Nhà con đã có xe bò chở củi. Chúng con chở lấy được, không phải thuê mướn gì cả ạ…
Tiếng vỗ tay lại nổi lên để hoan nghênh sáng kiến của anh Tý.
Nhưng tôi thấy anh Phi không vỗ tay, cứ ngồi im như pho tượng. Vầng trán anh cau lại. Anh cắn chặt lấy môi, như có điều gì suy nghĩ mà chưa giải quyết xong.
Rồi tôi thấy anh quả quyết mở cặp, đứng bật người lên, giọng run run nói:
- Thưa thầy… con có tập … tập sách tem … Con xin biếu đồng-bào để bán lấy tiền sung vào quỹ…
Có một vài tiếng cười lẻ tẻ, nhưng rồi im bặt. Ông Hiệu-Trưởng ngơ ngác nhìn thầy giáo. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau. Thầy giáo nói nhỏ với ông Hiệu-Trưởng vài câu. Rồi thấy ông Hiệu-Trưởng đi xuống, âu yếm đặt tay lên vai anh:
- Cảm ơn con đã có lòng thương xót đồng-bào. Nhưng ta không muốn riêng con phải hy sinh cái kỷ-vật quí báu của mình. Con cứ giữ lấy, rồi sau đây cùng đóng góp chung vào với anh em trong trường là đủ…
Chúng tôi cảm động nhìn nhau. Thì ra để giúp đồng-bào gặp nạn, anh đã vui lòng xa tập tem quí, vui lòng hiến cả nửa phần hồn, lẫn phần xác của mình.
Còn đang xì xào vế anh Phi, thì thấy anh Tôn giơ tay lên xin nói. Thầy mỉm cười bảo:
- À anh Tôn! Chắc con có ý kiến hay thì phải…
- Thưa thầy, hai ý kiến đưa ra mới rồi đều hay cả. Con còn muốn làm to chuyện hơn một chút nữa: không những để mọi người chú ý đến trường ta, lại chắc chắn kiếm được món tiền khá lớn. Thầy xin phép cho chúng con được tổ-chức một buổi chiếu bóng có ca kịch. Phần chiếu bóng thì nghe đâu có phim “Một Tâm Hồn Trong Trắng”, loại phim giáo duc, hấp dẫn lắm. Còn phần ca kịch thì đã có chúng con xin đảm nhận; chúng con đã có sẵn mấy vở kịch tố cộng rồi ạ.
Thế là cả lớp vỗ tay rầm lên; thầy phải hai ba phen làm hiệu mới chịu im…
Hai tuần lễ sau, những ai đi ngang qua rạp Độc-Lập ở đường Lý Thái Tổ đều thấy hàng ngàn người chen chúc nhau vào lấy vé, dưới tấm băng dài, kẻ rõ mấy hàng chữ lớn:
Buổi Ca Kịch Chiếu Bóng
Giúp Đồng Bào Miền Trung
Do Học-Sinh Trường Trần-Quốc-Tuấn Tổ Chức
31. Kiên Nhẫn Là Mẹ Thành Công
Ngày 27 tháng 12
Sáng hôm nay, lớp tôi có hai kẻ sung sướng, phải nói là ba nới
đúng: một là anh Phi được ông Hiệu-Trưởng gọi xuống buồng giấy thưởng cho ba
chiếc tem Liên-hiệp-Quốc mà anh ao ước từ lâu; hai là anh Tác, tháng này được
đeo huy-chương “Cố Gắng”, đứng thứ nhì sau anh Sinh.
Còn người thứ ba là anh Sỹ được cờ danh-dự đem về cho đội.
Anh Sỹ, từ khi được thầy cấp đỡ, anh luôn luôn tiến. Nhưng còn Tác thì thật là
điều không ngờ. Vài tháng trước, cha anh đến lớp thưa với thầy giáo:
- Thưa, cháu nó đần độn lắm; mong thầy thương cháu, rèn cập
cho.
Anh em đều chế anh, gọi là thằng “óc bùn”. Còn anh, anh tự bảo:
“Thà chịu chết cho rồi, chứ nhất định không chịu kém ai!”
Thế rồi anh học đêm, học ngày, ai ngăn cũng không được, học cả
lúc đi đường, học cả lúc giờ chơi, chịu khó và kiên nhẫn chẳng khác con trâu
cày ruộng.
Thế rồi, ngày này sang ngày khác, sau bao nhiêu cố gắng, nhẫn
nại, bỏ ngoài tai những lời chế nhạo, tiếp tục tặng những cái đá ngầm cho những
anh bên cạnh đã quấy rầy anh, anh tiến dần, tiến mãi, cho tới tháng nầy, vuợt
lên hàng đầu chúng bạn. Thật là chuyện bất ngờ.
Thực tế, còn nhớ hồi nào vào học, anh viết chính tả hàng tá lỗi,
cứ bài tính nào khó là lĩnh “số tròn”, chẳng bài học nào là không ấp-úng, vậy
mà bây giờ chính-tả anh viết đã sạch lỗi, tính khó đến đâu cũng làm được, bài
dài đến đâu cũng thuộc lầu. Cứ trông thấy cái thân hình cục mịch của anh, cái đầu
to vuông vắn, ngón tay như quả chuối mắn, người ta đoán được lòng cương quyết,
sự nhẫn nại vô bờ cùa anh.
Chẳng ai thấy anh ăn quà bao giờ! Có đồng nào, anh lại gom
góp để mua sách. Mới có mấy tháng mà anh đã có đầy một ngăn sách. Được lúc
khoái chí, anh ngỏ ý mời tôi hôm nào lại thăm “thư viện” của anh.
Đấy là anh coi tôi là thân lắm đấy! chứ ở trường anh cứ lầm lầm,
lì lì, có chơi với ai, có nói với ai bao giờ đâu! Ngồi thì như đóng đinh xuống
ghế, hai tai vểnh lên nghe thầy giảng.
Sáng nay, thầy đang giận, mà lúc thưởng huy-chương cho anh,
thầy cũng tươi cười nét mặt dịu dàng nói:
- Thầy có lời khen anh: “kiên nhẫn là mẹ thành công”. Nhưng
cũng đừng học quá. Học mà đến nỗi nhồi sọ, rất là nguy hiểm, không nên. Các anh
nên lấy anh Tác làm gương. Trời cho khối óc thông minh, cũng chưa đủ để thành
công. Cần phải nhẫn nại nữa mới được.
Anh Tác vẫn lạnh như tiền, không lấy thế làm tự-đắc, lùi-lũi
về chỗ, tay chống cằm, lại ngồi nghe giảng bài, chăm chú hơn bao giờ hết.
Lúc tan hoc, cha anh đến đón, thấy anh đeo huy chương trên ngực;
ngạc nhiên hết sức, cứ hỏi đi hỏi lại mãi. Thầy giáo phải nói ra cho nghe, bấy
giờ ông mới chịu tin, vỗ vai con, cười ha hả:
- Con thầy giỏi thật! Cha chả là giỏi! hà, hà…
Mọi người tủm tỉm cười. Riêng anh, vẻ mặt vẫn như không, miệng
nhẩm lại bài học ngày mai…
32. Ơn Thầy
Ngày 2 tháng 1
Dũng con!
Ba lấy làm phiền lòng thấy bữa qua con phàn nàn với chúng bạn
rằng thầy giáo con hay nóng giận.
Thầy giáo con lúc nổi nóng không phải là vô cớ. Đã hàng bấy
nhiêu năm, chỉ vì lũ hoc-trò mà thầy con tiêu hao biết bao sinh-lực của tuổi
xanh rồi, và nếu có may gặp được vài kẻ ngoan ngoãn nết na, biết nhớ công thầy,
thì cũng lại có bao nhiêu kẻ vô ơn bạc nghĩa, nhìn thầy như khách qua đường.
Vậy mà tất cả các con làm thầy hài lòng thì ít, mà làm thầy
buồn khổ thì nhiều. Ở vào địa vị thầy, người nào nhẫn nại đến đâu cũng nhiều
khi phải bực mình, cáu giận.
Con có biết rằng đã bao lần thầy con gắng gượng chống với đau
ốm, mệt mỏi để giảng dạy cho chúng con đến nơi đến chốn không? Quên cái đau của
mình để chỉ nghĩ đến tương lai của kẻ khác, hẳn thầy phải đau xót thấy lũ
hoc-trò vô ơn, không hiểu lòng thầy, mà chỉ biết có làm cho thầy phiền não.
Con nên nhớ rằng dân tộc Việt-Nam có hàng ngàn năm văn-hiến,
và lòng tôn trọng ông thầy của chúng ta chưa từng một nước nào ở trên thế gian
sánh kịp.
Tiện đây tưởng cha cũng cần nhắc lại cho con một câu chuyện
hãy còn ghi trong sử nước nhà. Ông Đào-duy-Từ, thủa nhỏ, một hôm bị thầy quở trách
dữ dội, mà nét mặt không hề hờn giận. Khi tan buổi học, bạn hỏi tại sao, thì
ông buồn rầu trả lời :
-Phận sự chúng ta đi học là phải chăm chỉ để thầy được vui
lòng. Ta đã làm thầy phải tức giận, ấy là cái lỗi của ta. Mà thầy có mắng, có
phạt, ấy là muốn cho ta hay, lẽ nào ta lại oán thầy được? Tôi chỉ hối hận rằng
đã chót làm cho thầy phải giận, thế thôi…
Ba mươi năm sau, ông Đào-duy-Từ nổi tiếng là một người có đủ
tài thao-lược, và với thành Trường-Dục, danh ông còn sống muôn đời với hậu-thế.
Con cũng đừng quên rằng trong thời nho học, những học-trò làm
nên đến Thái-Sư, Tể-Tướng mà khi đến thăm thầy vẫn phải đứng chắp tay, châm
đóm, rót nước hầu thầy, chẳng khác gì lúc còn cắp sách đến trường. Cả đến những
khi có điều lầm lỗi, lỡ đến tai thầy, thì dù lúc ấy có làm đến chức gì chăng nữa,
thầy vẫn gọi đến nhà trách mắng như thường.
Chính cái tình sư-đệ của thời mực tầu, giấy bản ấy đã làm
căn-bản cho cái đạo-đức của người Việt thời xưa và đã làm cho người thế-giới phải
kính phục ngạc nhiên.
Con ơi! Con đừng có dại dột bắt chước một vài kẻ vô giáo-dục
nhạo lại thầy mà làm cho cha đây phải tủi lòng có đứa con hư. Con nên nhớ rằng,
hỗn xược với thầy, thì cũng như hỗn xược với cha, chẳng khác gì bôi tro trát trấu
vào mặt mẹ cha, lại còn làm nhục cả đến vong hồn ông bà đã khuất.
Vậy Dũng ơi! Con phải kính trọng và yêu mến thầy giáo con.
Yêu mến người, vì chính ông nội và cha con đây cũng làm nghề ấy. Hơn nữa, yêu mến
người, vì thầy là người dậy dỗ, khai sáng con, đưa đường chỉ lối cho con. Yêu mến
người, vì thầy đã hy sinh nhiều sức khỏe của thầy để gây cho các con một chút
tương lai.
Đừng bao giờ bắt chước bạn mà xưng «tôi» với thầy. Thầy không
phải là người «cha tinh thần» của con sao! Dù viện cớ nào đi nữa, học trò xưng
«con» với thầy không phải là hèn. Chỉ có những kẻ hư lười bạc bẽo mới hèn, mới
xấu thôi.
Cũng đừng coi thầy là một công-chức ăn lương tháng để ngồi dậy
học. Không! Thầy không phải là một công-chức thường! Thầy cao hơn thế nhiều lắm,
bởi thầy có cái nhiệm-vụ tối thiêng liêng là đào-tạo cho tương- lai cả một thế-hệ
thanh-niên lành mạnh, làm rường-cột cho quốc-gia sau này.
Nghĩ được như thế mới biết công thầy không phải nhỏ và sứ mệnh
của thầy chẳng phải tầm thường! Chỗ của thầy trong xã-hội cần phải tôn cao nhiều
nữa, và tất cả mọi giai-cấp, dù ở địa-vị nào, cũng không sao sánh kịp.
Sau này khi con lớn lên, lúc thầy và ta không còn ở trên đời
này nữa, hễ con nhớ đến cha thì cũng đồng thời tưởng niệm đến thầy. Lúc đó, dù
có hàng 30 năm trời xa cách, tưởng tượng đến nét mặt đăm chiêu của thầy, con sẽ
đau lòng hối hận vì đã làm cho thầy phiền não và đã không yêu thầy như thầy đã
yêu con.
Nếu con chỉ yêu Ba mà không nghĩ đến những người đã làm ơn
cho con-mà thầy là người có công hơn cả-thì Ba đây thật chẳng vui lòng. Thực thế,
Ba chỉ có công nuôi dưỡng, còn thầy mới là người «cha trí tuệ» có công giáo huấn,
uốn nắn cho con thành người. Trong hai cái công ấy, thì công của thầy bao giờ
cũng vẫn nặng hơn, đến nỗi không còn gì để mà so sánh cả.
Không thầy đố mày làm nên
Câu ấy con phải thuộc lấy làm lòng, nếu con muốn nên người
khá giả. Và sau này, dù được địa-vị nào trong xã hội, con cũng phải nhớ rằng được
như thế là nhờ có công của thầy nhiều lắm.
Dũng ơi! Yêu Ba thế nào thì con yêu thầy như thế. Yêu thầy
khi thầy vỗ về con, hay cả khi thầy trách mắng con. Yêu thầy những lúc thầy vui
cười hớn hở, và càng yêu thầy hơn nữa khi thầy rầu rĩ, ưu phiền.
Bất cứ lúc nào con cũng phải nói tiếng «thầy» với tất cả một
tấm lòng thành kính, và cùng với «cha», «thầy» phải là những người đáng cho con
tôn thờ hơn hết.
Ba của Dũng hy vọng vào Dũng.
33. Một Lời Cảm Hóa
Mồng 6 tháng 1
Ba tôi nói thật có lý. Sau cơn ốm hôm nọ, thầy giáo tôi cứ gắng
gượng đến trường, cho đến hôm nay thì thầy đã quỵ hẳn, đành chịu nghỉ nhà, chữa
bệnh. Ốm đau như thế, hèn nào mà thầy chẳng hay bực bội, gắt gỏng với lũ học-trò
lười, nghịch như chúng tôi ?
Đã ba ngày hôm nay, thầy giáo trẻ lên dậy thay. Hai ngày đầu,
học-sinh luôn luôn làm ồn, nhưng thầy chỉ ngọt ngào bảo:
- Im đi các em! Ngồi yên, mà học đi các em!
Nhưng đến sáng nay thì quá lắm! Lớp học chẳng khác gì cái chợ.
Anh đứng, anh ngồi, anh cười, anh nói, chẳng còn ra cái thể thống gì. Thầy hết
sẵng, lại ngọt, hết ngọt lại sẵng, cũng như nước đổ đầu vịt. Chả ai thèm để ý.
Hai ba lần ông Hiệu-Trưởng phải chạy lên, nhưng ông đi khỏi rồi
thì đâu lại hoàn đấy. Luôn luôn anh Tôn và anh Sinh làm hiệu khuyên anh em bớt
nghịch, đừng lợi dụng lòng tốt của thầy, nhưng nào có ai để ý cho đâu! Người ta
còn mải đùa. Người ta còn mải nghịch.
Chỉ có anh Tác là như pho tượng, vẫn ngồi yên chống vào cằm,
có lẽ đang mơ màng đến cái „thư-viện“ của anh, và anh Phi đang rủ rỉ kể lại với
anh Vân về cuộc đi thăm cụ Phán Ích bữa chiều qua. Anh vui mừng thấy mắt cụ
không việc gì, đã gần khỏi hẳn.
Trong khi ấy, các bạn khác vẫn thi nhau nghịch, chẳng khác lũ
giặc non. Khắp lớp, đạn giấy vun vút bay từ góc nọ đến góc kia, tiếng dây
cao-su bật tanh tách.
Thầy giáo lắc vai anh này, bắt quỳ anh nọ, nhưng đôi mắt dịu
hiền kia không đủ làm cho chúng sợ. Thầy hét, rồi thầy đập tay xuống thình thịch:
- Im! Im ngay!
Tiếng kêu lạc vào trong tiếng đùa ầm ĩ, chẳng gây được một hiệu-lực
nào. Anh Pha liệng ngay cái tàu bay giấy lên bàn thầy. Một anh tung mũ lên đến
tận sát trần, trong khi anh khác bịt mũi giả tiếng mèo kêu.
Giữa lúc ấy, người tùy-phái bước vào:
- Thưa ông xuống ngay, cụ đốc hỏi gì ạ.
Thầy giáo phụ tái mặt đi, hấp tấp theo xuống cầu thang.
Tiếng cười đùa lại nhân dịp nổi lên ầm ỹ.
Bỗng anh Tôn nhẩy sổ lên bàn thầy giáo, giơ hai tay lên như
có điều gì muốn nói. Mọi người chưa biết chuyện gì, nhưng thấy anh thì đều reo
lên:
- A! Tôn! Hay lắm! chuyện gì thế?
Tôn lại giơ tay ra hiệu cho mọi người yên lặng, rồi cất tiếng
lên:
- Anh em này! Yên lặng để Tôn kề chuyện này cho mà nghe!
Anh Bích, anh Bảo reo lên:
- Hoan hô! Yên lặng nghe anh Tôn kể chuyện!
- Suỵt! Suỵt! Im nào! Kể đi Tôn! Kể đi!
Đứng trên bục cao, anh Tôn đưa mắt nhìn khắp lớp:
- Muốn nghe thì về chỗ ngồi cả xuống đã nào! Xong chưa? Bắt đầu
kể đây này!
Mọi người ai đã về ngồi nguyên chỗ đó, khoanh tay để lên bàn,
yên lặng chờ nghe…
Anh Tôn xoa tay, rồi lên tiếng kể:
- Cách đây 500 năm, cũng ở ngay chỗ chúng ta đang ngồi này là
một khu rừng rậm. Ở đó có chừng năm chục tên cướp vẫy vùng ngang dọc. Tất cả đều
tinh thông võ nghệ và có một sức khỏe phi thường: một tay búng chết cọp, đẩy
ngã voi.
Mọi người nhìn nhau kính phục. Anh Tôn tiếp:
- Một hôm, lỡ ăn phải nước suối độc, cả bọn bị mù. Thế là hết
đời oanh-liệt. Thế là cuộc đời bỏ đi. Chúng buồn rầu, thất vọng đau đớn, chẳng
còn thiết sống. Nhưng rồi có một ông lang trứ danh động lòng nhân đạo đến xin
chữa cho chúng, với một điều kiện là bắt chúng trở về với đời lương-thiện một
khi sáng mắt.
Chúng reo mừng ưng chịu. Nhưng mắt chưa khỏi, chúng nuốt lời
thề cũ, hùa nhau vào hành hạ ông thầy…
Có tiếng sì sào bất mãn:
- Ồ quân bạc ác! Quân bất nhân!
- Đồ vô ơn! Giết hết chúng đi mới đáng tội…
- Hay quá! Kể nốt đi Tôn!...
Tôn đằng hắng một tiếng, kể tiếp:
- Tôn cũng đồng ý với các bạn là muốn lên án chém đầu bọn cướp
vô ơn… Thế lũ kẻ cướp ấy, các bạn có biết là ai không? Là chúng ta bây giờ đó.
Còn ông lang tức là thầy giáo ta đó. Thầy giáo dạy dỗ ta khác nào mở mắt cho kẻ
mù? Vậy mà chúng ta nỡ hỗn hào với thầy như thế, hỏi có đáng tội hay không? Có
đáng chém hay không? Riêng Tôn, Tôn nhục nhã, xấu hổ lắm…
Cả lớp im lặng. Một bàu không khí ngượng nghịu bao trùm. Cả mấy
anh đầu sừng, đầu sỏ cũng thấy ngồi yên.
Anh Sinh đứng lên:
- Thay mặt các bạn trong lớp, tôi xin cám ơn anh Tôn đã cho
chúng ta một bài học quí giá. Vậy tôi đề nghị từ giờ hút này phải hết sức ngồi
nghiêm chỉnh, cho thầy vui lòng. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù là thày phụ,
chúng ta cũng phải coi thày như cha mới được!
Giữa lúc ấy, thầy giáo chán nản bước vào cửa lớp, cặp mắt đỏ
hoe. Lớp học không một tiếng động nhỏ. Anh Tôn thì vừa ngồi xuống ghế, mặt còn
đỏ gay. Thày còn đang sửng sốt thì anh Tý đứng lên:
- Chúng con chót dại…, Xin thầy tha cho…
Thầy không nói gì, sẽ nhếch mép cười trong khi một hạt lệ từ
từ lăn trên gò má…
Còn tôi, đã phục anh Tôn, tôi lại càng phục anh hơn nữa.
34. Hiếu Thảo
Ngày 10 tháng 1
Mọi sáng anh Côn vẫn đến rủ tôi đi học, vì anh ở ngay đằng
sau nhà tôi. Thầy anh mở một cửa hiệu nhỏ chữa xe đạp.
Anh người nhỏ bé, yếu đuối, cặp mắt buồn rầu, sợ sệt, luôn mồm
nói câu “xin lỗi”. Anh tuy thế xem ra mà chịu khó học đáo để.
Chờ anh mãi không thấy, tôi cắp cặp bước ra, thì thấy anh lại,
một bên má tím bầm, mắt còn ngấn lẽ. Thì ra anh vừa phải đòn. Anh phải đòn là sự
thường lắm. Cha anh nát rượu nên đánh đập anh luôn. Lắm khi chỉ vì những cớ
không đâu mà anh bị những trận đòn thừa sống thiếu chết.
Không buổi chiều nào mà thầy anh không say bét nhè. Cứ ở trường
về, thấp thoáng bóng cha là anh chết khiếp đi rồi, sẵn sàng chờ vài chiếc bạt
tai hay mấy câu chửi rủa.
Gặp cơn say của cha anh thì hãi lắm! Đi học về muộn cũng phải
đòn, mà về sớm cũng phải đòn, nghĩa là khi ấy phải có cớ gì đánh đập anh, hay
ít ra cũng quăng sách vở, hò hét vài câu thì cha anh mới yên. Nó đã thành cái lệ,
mà trong bao nhiêu năm rồi, anh phải cắn răng chịu đựng. Tội nghiệp má anh! Có
thương con cũng chỉ đành khóc vụng, khóc thầm!
Do đó, anh trở thành nhút nhát, ra đường sợ từ đứa bé trở đi.
Nhiều khi, anh đến trường mặt mày thâm tím, mắt sưng húp lên vì khóc. Nhưng
không bao giờ, chưa bao giờ, người ta thấy anh tỏ lời kêu ca, oán hận cha.
Có lần thầy giáo thấy sách anh rách nát, hỏi anh. Anh sợ hãi,
run bắn người lên, đứng dậy thưa:
- Thưa thầy… thưa… con chót nhỡ tay…
Nhưng tất cả chúng tôi đều biết là anh không nói thật, muốn
che lỗi cho cha, và riêng tôi, tôi cảm thấy thương anh vô hạn. Nhất là hôm em
Huyền tôi nghe thấy thầy anh quát tháo chửi mắng rầm rĩ rồi cầm roi đuổi anh khắp
xóm, chỉ vì anh cứ nhũng nhẵng xin tiền mua quyển Đia-Lý.
Ấy cũng bởi bê tha rượu mà thầy anh chẳng chịu làm ăn gì cả
phải đóng cửa hàng. Có mấy chiếc xe đạp cho thuê, cứ bán dần, bán mòn để lấy tiền
ăn, rồi hết cả, đành nằm khoèo, chờ cái đói sau lưng.
Bởi thế, anh thường đến trường với cái dạ dày lép kẹp. Thỉnh
thoảng được anh Tôn chia cho mẩu bánh, hoặc cô giáo cũ thưởng cho ít tiền ăn
quà. Thế thôi.
Nhưng cũng chẳng ai biết anh đói, vì có bao giờ anh phàn nàn
rằng thầy anh để tiền uống rượu, không đong gạo đâu!
Một đôi lần, lúc tan học, thầy anh đi đâu về ngang qua, đứng
đón anh, quần áo sốc sếch, đầu tóc rối bù.
Anh Côn nhác trông thấy bố sợ xanh mặt đi! Nhưng anh cũng cố
thu lấy can đảm, làm bộ mặt tươi tỉnh. Thế là cha anh lững thững đi trước, chẳng
hỏi con lấy một lời, còn anh cắp cặp thất thểu đi sau.
Khổ thân anh, sách vở đã thiếu thốn, lại bị cha quẳng xé
luôn, anh khâu, anh dán mãi cũng không kịp. Anh hết mượn sách người này đến người
khác. Được cái anh Tác, anh Tôn cũng sẵn lòng với anh, không thì anh cũng chẳng
biết xoay sở thế nào.
Quần áo anh mới lại tang thương! Vá đằng trước thì rách đằng
sau, lắm khi phải lấy ghim-băng mà gài cho kín, trông đến là thiểu não.
Tuy vậy mà anh chăm chỉ lắm, luôn luôn cố gắng, ít khi chịu
nghỉ học. Chưa bao giờ tôi thấy anh bỏ bài không làm, hay không học. Giá có
hoàn-cảnh như ai, thì tương lai anh cũng chẳng đến nỗi nào.
Sáng hôm nay, trông thấy anh bên má tím bầm, tôi biết ngay mà
không dám hỏi, sợ anh tủi thân. Nhưng lúc anh đến trường, thì chúng bạn xúm lại
lục vấn:
- Thầy “đằng ấy” lại say rượu rồi “choảng” chứ gì?
Anh đỏ mặt lên mà cãi:
- Bậy nào! Tôi ngã đấy chứ! Hỏi Dũng xem…
Nhưng lúc giờ chơi, có người bắt gặp anh đứng ở góc sân, đang
chùi nước mắt!
Tội nghiệp anh! Tôi thương anh quá! Ngày mai, các anh Sinh,
Tý, Ninh,… đến chơi, tôi phải rủ anh nhập bọn mới được. Tôi sẽ nói với mẹ tôi
làm bánh để cùng ăn. Tôi sẽ chọn mấy cái tranh đẹp, mấy quyển sách vui để tặng
riêng anh.
Thôi thì cũng cố làm cho anh được hưởng một giờ vui với bạn,
cho bõ những lúc anh sống âu-sầu bên người cha hung dữ!
35. Họp Bạn
Ngày 16 tháng 1
Hôm nay thật là ngày vui của tôi! Đã xin được phép của Ba
tôi, nên đúng ba giờ, theo lời hẹn trước, các anh Sinh, Tý cùng đến với anh Ninh
gù. Chỉ có anh Côn không xin được phép, còn anh Tư-Húi thì hẹn đến sau.
Tới cửa, anh Sinh và anh Tý còn rúc rích bàn tán về anh Sỹ,
con bà bán đậu phọng rang. Đâu họ gặp anh cắp rổ trứng gà mang ra chợ bán. Con
gà mái của má anh đẻ được 15 trứng, bà cụ tiếc không dám ăn. Anh bèn xin đem
bán lấy tiền mua sách. Anh vừa đi, vừa ti tỉ hát, có dáng vui lắm, vì mới nhận
được thư cha anh ở Tân-thế-Giới báo tin sắp về.
Hai anh vừa đến, chưa ngồi nóng chỗ thì anh Tư-Húi bước vào.
Chưa trông thấy tôi, anh đã làm “mắt lác” khiến cả nhà phải tủm tỉm cười. Em
Huyền thấy anh đến thì thích lắm, cứ níu lấy anh mà bắt làm mắt lác cho xem. Rồi
em mang hộp chơi chắp hình ra khoe.
Anh Tư-Húi chưa chắp bao giờ mà anh chắp rất khéo, cả những
cái khó như tầu bay, ô-tô,… cũng đúng, chẳng sai chút nào. Tôi không ngờ, ngoài
cái tài làm mắt lác, anh còn có tài chắp hình đến thế, tỏ ra là người thợ khéo,
có nhiều sáng kiến.
Anh vừa chơi, vừa kể chuyện gia-đình cho nghe. Nhà anh ở ngoại
ô, trong một căn nhà tôn, nhưng sạch sẽ. Cha anh làm thợ cạo, buổi tối vẫn theo
lớp Bình-Dân. Cứ trông cách ăn mặc của anh, cũng biết cha mẹ anh thương anh đến
thế nào! Quần áo anh bằng thứ vải nội-hóa rẻ tiền, nhưng giặt trắng bong, không
một cái khuy thiếu, một cái khuyết đứt. Tuy mát trời, má anh cũng bắt anh đội
mũ, sợ con đi nắng nhức đầu.
Lại được hai anh Sinh, anh Tý, bản tính hồn nhiên, hay pha
trò, nên cuộc họp mặt của chúng tôi thú vị lắm. Ba tôi thấy chúng tôi vui, cũng
lấy làm hỉ hả.
Anh Tý, cái mũ nồi luôn luôn sùm sụp trên đầu, cười nói to hơn
cả. Ấy là buổi sáng, anh đã dậy từ năm giờ, chẻ đỡ cha anh đến gần một tạ củi rồi.
Anh cười đùa, nhảy nhót như con thỏ. Lúc qua bếp, anh không quên hỏi mẹ tôi về
giá than củi để so sánh với giá nhà anh, và mời mẹ tôi mua giúp. Thì ra, chơi
thì chơi, anh vẫn nghĩ đến việc nhà!
Anh Sinh thì không thế! Anh nghĩ đến việc học của anh. Thấy
quyển sách nào của cha tôi, anh cũng xin phép mở xem. Tài nhất là anh thuộc Địa-Lý,
chẳng kém gì thầy giáo. Giở bản-đồ Việt-Nam ra, anh nhắm mắt lại mà chỉ cho biết
đâu là Hà-Nội, đâu là Sàigòn, dẫy Trường-Sơn chạy từ đâu đến đâu, sông Cửu-Long
chảy qua những miền nào, rất đúng, chẳng sai một ly.
Khi tôi đố anh chỉ dòng Bến-Hải thì anh sịu mặt lại, nói lảng
đi chuyện khác. Rồi như chợt nhớ ra điều gì thú vị, anh thọc tay vào túi mà bảo:
- Tí nữa quên mất cái này! Tuyệt lắm cơ! Ai muốn xem phải nhắm
chặt mắt vào đã. Khi nào đếm xong “một, hai, ba”, mới được mở mắt ra đấy! bằng
lòng không?
Tất nhiên là chúng tôi bằng lòng, vì tất cả đều tò mò muốn biết.
Để trêu chúng tôi, tay anh giữ túi, miệng chậm rãi đếm:
- Một!... Mới có một thôi đấy nhé! Xin các bạn chớ nóng ruột
đấy!... Một rưỡi!... Hai!... ấy, không được!... Tư-Húi ti hí mắt… Không chơi thế
đâu!... Nhắm mắt vào, để tôi đếm lại đấy!
- Anh Tý tức quá càu nhàu, còn anh Tư-Húi thì hi hi cười xin
nhận lỗi. Lúc đếm xong “ba”, chúng tôi mở mắt cả ra, thì thú chưa! Một quả địa-cầu
tí hon bằng thủy-tinh tuyệt đẹp đang nằm gọn trong lòng bàn tay anh Sinh. Chúng
tôi reo lên, rồi vồ lấy xem. Đó là món quà của chú anh đi chơi Hồng-Kông về tặng
cho, anh mang đến cho chúng tôi cùng chơi.
Quả cầu tròn đặt trên cái đế nhỏ xíu bằng bạc, và quay chung
quanh một cái trục. Có cả năm châu, lại đủ cả năm đại-dương nữa, chiếu ra mặt
trời óng ánh muôn phần. Chúng tôi chuyền tay ngắm xem mà không chán mắt. Anh
Ninh lanh chanh thế nào tuột tay đánh rơi ngay xuống đất lăn long lốc! Mọi người
kêu lên một tiếng! Anh Ninh luống cuống chẳng biết làm thế nào, mặt cứ tái đi
chực khóc.
Anh Tư-Húi nhanh nhẹn chui tuột xuống gầm giường nhặt lên: quả
cầu gẫy mất cái đế. Anh Tý luôn mồm xuýt xoa tiếc rẻ, còn anh Ninh thì cứ lấm
lét nhìn anh Sinh. Anh Sinh cầm quả cầu lên tay, chắp thử, rồi điềm nhiên nói:
- Không sao! Cái này đưa cho thợ bạc chắp lại được ngay đấy
mà!
Rồi để anh Ninh khỏi buồn, anh liền tổ chức cuộc chơi đố chữ,
tìm hình, rồi vẽ thi một nét…, nhiều trò vui lắm, mà lại có ích nữa, chơi mãi
cũng chẳng biết chán. Nhất là anh Ninh, thấy anh Sinh không giận thì mới yên
tâm, cứ ngồi xem mà mủm mỉm cười.
Chơi mãi đến năm giờ, ăn quà bánh xong, chúng tôi mới tan cuộc.
Thấy anh Côn không sang, em Huyền bảo:
- Các anh gói bánh lại để phần anh Côn mấy. Em mang sang cho!
Nói rồi em cầm gói bánh le te chạy đi. Chúng tôi nhìn theo mỉm
cười, rồi vui vẻ chia tay từ giã…
36. Học-Sinh “Cao-Bồi”
Ngày 23 tháng 1
Các bạn trong lớp chẳng ai ưa anh Pha! Riêng tôi, tôi lại
càng không thích lắm.
Học hành đã chẳng ra gì, lại xấu nết, xấu na. Tôi không thấy
ai tồi như anh. Hễ có bạn nào phải phạt là anh hí hửng như người bắt được của.
Đến trường, anh hết chọc người này, lại chọc người kia, luôn luôn nghĩ ra những
trò chơi tai ác, hoặc xúi ngầm cho các bạn cãi nhau, đánh nhau chơi.
Trông thấy anh Tôn đâu thì cứ nen nét như rắn mồng năm, vậy
mà hễ gặp anh Tư-Húi là hung hung hổ hổ định bắt nạt anh, hoặc bắt anh làm mắt
lác để cười.
Người hay bị anh chòng ghẹo nhiều nhất là anh Sỹ có cánh tay
bị liệt. Đến anh Côn là người được tất cả anh em vì nể, mà anh cũng không tha.
Lắm khi không còn ai mà chòng ghẹo, anh lại ghẹo đến anh Ninh, úp mũ lên cái bứu
của anh. Đã thế anh lại hay cáu, có đùa nhau với ai, cứ nhè vào chỗ hiểm người
ta mà đánh.
Trông dáng điệu anh thật là khả ố! Lúc đi, tay cứ khuỳnh ra,
cái đầu lắc la lắc lư; dưới cái trán thấp, đôi mắt gườm gườm trông mà phát
ghét.
Anh thích đi coi “chớp bóng” lắm, thường la-cà suốt ngày ở cửa
mấy rạp thường trực. Có tiền thì vào xem, không tiền thì coi tranh ảnh. Có lẽ
vì thế mà anh ăn mặc đến nực cười! Áo thì sặc sỡ, chim cò, hoa lá; quần thì ống
túm, hẹp đến nỗi xỏ chân qua không lọt. Anh bảo thế mới đúng mốt “cao bồi”.
Anh ta không được cái nết gì, bắt nạt bạn, cãi trả thầy, chẳng
coi ai vào đâu! Nói dối như cuội, ăn tục như gấu, hàng quà bánh nào cũng chịu
tiền. Bài học chẳng bao giờ thuộc, sách vở nhem nhuốc, thi thì nhòm hết người nầy
đến người kia, đồ dùng thiếu cái gì thì giật ngay của người ta. Trong túi anh
lúc nào cũng có cái súng cao-su với túi sỏi để bắn chim, hoặc cao hứng, thì
rình bắn trộm người đi đường.
Tôi nghe nói, thầy anh đã nhiều lần đuổi anh đi, hoặc nhốt
anh vào buồng tắm, bắt nhịn cơm. Còn mẹ anh thì sầu não héo hắt vì con, thỉnh
thoảng lại đến lớp hỏi han về anh, lần nào ra về cũng sụt sùi mếu máo.
Bị thầy mách, anh căm lắm!
Trước kia, thầy vẫn muốn dùng lời lẽ cảm hóa anh, sau không
được, ngơ đi, thì anh lại làm già. Thầy phải dùng cách sẵng, có lần dọa đuổi.
Anh gục mặt xuống bàn, không phải để ăn năn tội lỗi, mà để giấu mặt cười. Lần ấy,
anh bị đuổi ba hôm. Sau ba hôm, anh lại đi học, bướng bỉnh và hỗn hào hơn trước.
Một hôm, anh Sinh nhẹ nhàng bảo anh:
- Thầy giáo tốt khuyên răn anh để anh nên người, mà anh cứ thế
mãi là nghĩa làm sao?
Anh Pha không trả lời, lại còn đe có bữa bắn cho vỡ mặt.
Nhưng nhất là sáng nay, thì ai cũng phải căm tức trước cái
thái độ của anh. Lúc đó thầy đang lúi cúi chép bảng, anh Pha ném ngay một quả
pháo ra giữa lớp, nổ đánh đùng một tiếng. Mọi người giật bắn mình lên, còn anh,
mím chặt môi để khỏi cười ra tiếng.
Thầy giận tái mặt đi, hét lên:
- Ra ngay, Pha!
Pha đứng lên, nhăn nhẳn cái mặt:
- Có phải con đâu!
- Ra ngay! Không thèm nói với anh!
Pha ngồi xuống ghế:
- Nhưng mà không phải con!
Thầy giận quá, chạy xuống chỗ anh, nắm cổ anh lôi xuống cho
ông Hiệu-Trưởng.
Khi thầy trở vào, mặt thầy còn tái mét, ngồi chống tay xuống
bàn mà thở. Một lát, thầy rút khăn lau mồ hôi trán, thở dài nói:
- Đã 30 năm trời nay ta dạy học, chưa từng gặp những quân ấy
bao giờ!
Chúng tôi nửa thương, nửa hãi, thin thít ngồi im, không ai
nhúc nhích. Bàn tay thầy run lên, nếp nhăn trên trán hằn sâu xuống như vết dao
băm.
Tội nghiệp thầy quá! Trông thấy mà thương!
Anh Sinh đứng lên nói:
- Xin thầy đừng phiền lòng. Chúng con đây ai cũng mến thầy và
hứa chăm chỉ ngoan ngoãn cho thầy vui lòng.
Thầy xem chừng bớt giận, chậm rãi mở sách ra:
- Thôi học đi các con!
37. Ghen Tị
Ngày 3 tháng 2
Kỳ thi Việt-văn này, lại anh Sinh được nhất. Anh Bích choáng
người lên, vì anh đinh ninh đè bẹp anh Sinh chuyến này.
Trước kia tôi vẫn có lòng mến anh Bích, dù anh có tính dỏm
dáng, nhưng cứ thấy ghen lồng, ghen lộn với anh Sinh, tôi đâm ra ác cảm với
anh.
Muốn ganh đua thì phải chịu khó học, chứ có phải ghen là hơn
được đâu!
Kể ra thì anh Vân cũng ghen với anh Sinh, nhưng anh khéo che
đậy, nên ai tinh ý mới nhận ra được. Còn anh Bích thì cứ hậm hà, hậm hực, về
nhà lại còn phàn nàn rằng thầy không công bình, chỉ bênh anh Sinh.
Khi thầy hỏi câu gì khó, anh Sinh đứng lên trả lời, thì Vân bịt
tai lại, ra điều không thèm nghe, hoặc bĩu môi, ra điều khinh bỉ, có khi cố mỉm
một nụ cười gượng gạo. Ai cũng nhận thấy điều đó, nên mỗi lần anh Sinh được thầy
khen, thì mọi người đều ngảnh lại nhìn cái bộ mặt sưng sỉa của anh mà cười thầm,
nhất là anh Tư-Húi, thế nào cũng quay xuống làm mắt lác, trêu anh.
Sáng hôm nay cũng vậy, thầy vừa giở cặp ra, vừa nói:
- Anh Sinh lại nhất! Đội Quang-Trung lại đứng đầu!
Anh Bích ho lên một tiếng thật to. Thầy hiểu ngay, nhìn anh
mà bảo:
- Bích, con chớ để cho lòng ghen tị dày vò, đầu độc tâm-hồn
con!
Trừ anh Sinh, mọi người đều nhìn anh Bích. Anh muốn nói mấy
câu chống chế, nhưng lung túng chẳng biết nói làm sao, mặt cứ đỏ lên như gấc
chín. Một lát sau, khi thầy mải chấm bài. Anh viết thật to lên trên mảnh giấy:
“Ta đây chẳng thèm ghen với những kẻ vì tình riêng mà được nhất”
Viết xong, anh vứt mảnh giấy ấy cho anh Sinh.
Tôi thấy anh Sinh xem xong, buồn bã gấp lại, bỏ xuống ngăn
bàn, rồi lại bình tĩnh như không.
Anh Bích thấy thế lại càng giận lắm. Mặt anh tái đi. Mắt anh
đỏ ngầu lên. Tay anh nắm chặt như cố nén cơn tức giận đang sôi lên sùng sục.
Nhưng rồi chẳng có chuyện gì xảy ra cho đến lúc nổi chuông
tan học. Chúng tôi xếp hàng ra về. Lúc qua mặt anh Sinh, anh Bích cau mặt lại,
nhổ toẹt xuống đất. Anh Sinh cũng chẳng nói đi, nói lại một câu.
Ra tới cổng trường, Bích chẳng chờ chúng tôi cùng về như mọi
khi, cứ săm săm bước như người chạy trốn, chẳng nhớ rằng vào giờ tan học, xe
pháo đông như mắc cửi.
Môi anh mím chặt. Anh cắm đầu, cắm cổ sang đường, không nhìn
thấy chiếc “vét-pa” đang lao vùn vụt.
Phút nguy hiểm xảy ra chóng quá! Chỉ còn một ly nữa là anh
Bích nằm gọn dưới bánh xe. Trong lúc ấy, nhanh như chớp, không biết từ đâu, anh
Sinh nhẩy sổ tới, gạt mạnh anh Bích sang một bên.
Có tiếng phanh rít lên, ghê rợn như tiếng rú của tử-thần. Mọi
người nhắm mắt lại. Lúc tôi mở mắt ra, anh Sinh đã nằm sõng soài bên chiếc xe đổ
nghiêng.
Mọi người định-thần, xúm nhau đỡ anh Sinh dậy. Đầu anh xưng
lên, rươm rướm máu. May không có gì nguy hiểm. Anh ôm đầu nhịn đau, hỏi:
- Bích đâu? Không sao chứ?
Lúc ấy Bích đã hoàn hồn, chen vào đám đông, khoác tay anh
Sinh, nghẹn ngào nói:
- Bích đây!... Tha tội cho Bích, Sinh ơi!...
38. Tấm Lòng Vàng
Ngày 10 tháng 2
Buổi sáng hôm nay chúng tôi vào học dễ đến năm phút rồi mà
chưa thấy anh Sỹ tới. Tôi sốt ruột quá vì anh còn mượn tôi quyển Vệ-sinh chưa
trả. Tối qua anh lại mượn tôi để về học, và hẹn sáng nay mang lên trường cho
tôi. Vậy mà giờ này anh còn chưa tới.
Thầy đã gọi tên xong. Thầy đã giở sổ điểm đặt trên bàn, đã bắt
đầu viết hai chữ Vệ-sinh trên bảng. Vẫn chưa thấy bóng vía anh đâu. Thầy hỏi có
biết vì đâu anh nghỉ, thì chẳng một ai hay.
Tôi lo quá. Thầy gọi lên đọc bài bây giờ mà không có sách thì
nguy. Biết nói làm sao? Trống ngực tôi đập.
Tôi hết nhìn ra cửa lớp, lại nhìn sang chỗ anh ngồi hãy còn bỏ
trống.
Mười phút nữa qua… Cái mười phút ấy mới dài làm sao chứ! Tôi
như người ngồi trên đống lửa. Mỗi lần thấy thầy đưa bút lên quyển sổ điểm, sắp
sửa gọi tên, là trống ngực tôi đập bằng trống làng.
Nhưng thầy đã hỏi xong bài cũ. Tôi nhẹ người như vừa cất được
gánh nặng. Thầy bắt đầu giảng sang bài mới, thì có tiếng chân đi lẹp sẹp, rồi một
người rụt rè bước vào lớp.
Đó là anh Sỹ, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, vừa nói, vừa thở:
- Thưa thầy… xin thầy tha cho con… Con đến muộn… vì…vì…
Nói đến đây, anh mở cặp ra, đặt lên bàn thầy một cái gói bọc
giấy bóng.
- Thưa thầy … con nhặt được… cái này ở đường… Con…con đứng chờ
mãi… không…không thấy ai đến nhận… thành con đến muộn…
Thầy ngạc nhiên nhìn anh, rồi mở gói giấy ra. Chao ôi! Bao
nhiêu là tiền! Nhiều tiền quá, nhìn mà hoa cả mắt! Một xấp bạc dầy, có lẽ đến mấy
chục ngàn chứ không ít!
Chúng tôi trố mắt nhìn. Thầy để nguyên tập giấy bạc trên bàn,
sai anh Tôn xuống mời ông Hiệu-Trưởng. Trong khi ấy, anh Sỹ vẫn đứng ngơ ngác,
hết nhìn chúng tôi, lại nhìn trộm thầy, băn khoăn như tội nhân, trước giờ tuyên
án. Khổ thân anh!
Chỉ một phút sau, ông Hiệu-Trưởng hấp tấp bước vào. Ông hỏi
qua thầy giáo rồi cho gọi anh Tôn lên kiểm bạc trước mặt tất cả chúng tôi.
Chúng tôi hồi hộp nhìn xem anh Tôn đếm bạc: một ngàn, rồi mười ngàn, rồi ba
mươi ngàn, rồi bảy mươi ngàn. Đúng 70 ngàn, không kém một đồng. Ông Hiệu-Trưởng
lấy mảnh giấy bảo anh Tôn ký nhận vào rồi ông cầm gói bạc tất tả đi xuống.
Chừng nửa tiếng đồng-hồ sau, thấy ông vui vẻ vào lớp, có một
bà đứng tuổi theo sau. Ông gọi anh Sỹ lên bàn giấy, chỉ vào anh, lúc ấy đang rụt
rè đứng khép nép bên giá bảng, mà nói với bà khách lạ:
- Đây là em nhỏ đã tình cờ nhặt được gói tiền của bà…
Bà khách nhìn anh Sỹ, nhìn tấm thân gày guộc ẩn trong tấm áo
vá, bạc mầu. Bà ngồi thụp xuống, ôm lấy anh vào lòng mà nghẹn ngào:
- Ta đã nhận được đủ tiền… Em đã cứu sống ta… Ta đã muốn đến
tận đây để cảm ơn em, và để biếu em số bạc nhỏ này…
Nói rồi bà dúi vào tay anh Sỹ một tập bạc. Nhưng tôi thấy anh
rút tay vào, nước mắt ứa ra, thổn thức nói:
- Con nghèo lắm… nhưng không!... nhưng không!...
Rối anh rảo bước, chạy ù về chỗ, giữa tiếng vỗ tay nổ ran như
pháo.
39. Khổ Vì Con
Ngày 12 tháng 2
Sáng nay, đang lúc mưa to, má anh Pha, vẻ mặt thiểu não, quần
áo ướt sũng, cầm tay lôi anh vào trường. Chúng tôi được chứng-kiến một tấn kịch
não lòng!
Bà cụ, đầu óc rũ rợi, hai mắt đỏ ngầu, vừa trông thấy ông Hiệu-Trưởng
là òa lên khóc:
- Bẩm…bẩm cụ… xin cụ thương cháu tha cho… Con dại cái mang…
chúng tôi già nua được có một mình nó…đau lòng…xót ruột vì con…
Những tiếng nấc làm bà nghẹn ngào, không nói lên được. Thấy
ông Hiệu-Trưởng lắc đầu, bà sợ hãi, vừa khóc vừa nói:
- Cháu dại dột… chúng tôi xin đe nẹt dạy bảo… Cụ thương cho…
Pha ơi! Mày làm khổ mẹ con ơi!..
Thế rồi bà ta cứ nắm lấy áo ông Hiệu-Trưởng mà khóc như mưa,
như gió. Còn anh Pha, thì cúi đầu xuống, sượng sùng, lấy chân di xuống gạch, cơ
hồ muốn chui xuống đất. Từ hôm phải đuổi, phần sợ hãi, phần xấu hổ, anh bỏ nhà
đi ba hôm nay. Tìm kiếm mãi, má anh mới bắt được mang về.
Giữa lúc ấy, thầy giáo đi tới. Ông Hiệu-Trưởng bèn thuật lại
cho nghe, rồi hỏi:
- Ý ông có muốn nhận tên học-trò này nữa không?
Thầy giáo yên lặng, đưa mắt nhìn hai mẹ con anh Pha một lát,
rồi chép miệng thở dài:
- Tôi xin nhận. Cũng mong cụ tha thứ cho, để nó sửa tính, đổi
nết.
Ông Hiệu-Trưởng quay lại bảo má anh đang đứng tựa cửa mà sụt
sịt:
- Nhà trường cần phải loại những phần tử xấu, để khỏi làm hư
hỏng những hoc-sinh ngoan. Nhưng nay thầy giáo nó đã rộng lượng nhận rồi, tôi
cũng vui lòng tha thứ cho nó một bận cuối cùng. Thôi bà cứ về!
Bà cụ mừng quá, cảm ơn rối rít, rồi gạt nước mắt toan đi ra.
Nhưng bà quay lại, mếu máo nói:
- Thầy làm phúc cho mẹ con tôi… chúng tôi chẳng bao giờ dám quên
ơn. Pha ơi! Con phải thương bố, thương mẹ mà chịu khó học hành… Còn các anh,
các anh cũng tha thứ cho em, khuyên bảo nó vài lời giúp tôi.
Bà lại xin lỗi ông Hiệu-Trưởng và thầy giáo một lần nữa, rồi
thất thểu đi, sau khi nhìn con mà lau nước mắt. Ra đến cổng trường, chúng tôi
còn thấy bà quay cổ lại, ôm ngực ho rũ rợi dưới cơn mưa nặng hạt.
Ông Hiệu-Trưởng nhìn anh Pha nghiêm-khắc nói:
- Pha! Anh giết mẹ anh rồi đó!
Chúng tôi ai cũng xúc-động; còn anh, thấy quay mặt đi, tay quệt
ngang mắt.
40. Ngoài Đường Phố
Ngày 15 tháng 2
Thầy giáo chúng tôi còn nghỉ, nên thầy giáo lớp Nhì phải tạm
thay. Bài đầu sáng nay là bài Đức-Dục học về “BỔN PHẬN Ở NGOÀI ĐƯỜNG PHỐ”. Trước
khi vào bài, tôi thấy thầy mở cặp lấy ra một tờ báo. Thầy nói:
- Trước khi giảng bài mới, thầy hãy đọc cho các con nghe đây
một tin vui, vừa thuộc về bài học hôm nay, mà cũng là một điều vinh-hạnh lớn
cho các con nữa.
Thầy giở tờ báo ra, đọc ngay ở trang đầu:
Tấm lòng vàng.
Bữa vừa qua, em Hà-văn-Sỹ, 14 tuổi, học-sinh nghèo lớp Nhất
trường tiểu-học Ngô-Sĩ-Liên, trên đường đi học, đã nhặt được một gói tiền rơi của
bà Võ-thị-Mão, trong đó có một số bạc lớn là 70 ngàn đồng.
Không động lòng tham, em mang vào lớp trình thầy giáo. Bà Mão
nhận được số bạc, sung sướng thưởng cho em năm ngàn đồng, nhưng em không nhận.
Bản báo đăng hình em Sỹ ở đây để nêu cao tấm gương trong sạch,
đã làm vinh dự cho nhà trường, cho thầy giáo, cha mẹ, bạn bè…
Đọc xong, thầy giơ hình anh Sỹ in trên mặt báo cho chúng tôi
xem. Anh Sỹ cảm động, cứ ngồi cúi mặt, mâm mê quyển vở trong tay, trong khi
chúng tôi sung sướng vỗ tay đôm đốp, và nhìn “người anh hùng trong sạch” bằng cặp
mắt hân hoan, cảm phục.
Chăm chỉ, ngoan ngoãn, lại trong sạch như anh, thật xứng với
tấm lòng trời biển của thầy đã kỳ vọng vào anh.
Gập báo vào, thầy giáo lớp nhì bắt đầu giảng cho nghe bài mới.
- Ta thường thấy, khi ở nhà các con dè dặt cử chỉ, tỏ ra là đứa
trẻ ngoan, có giáo-dục, nhưng ở ngoài đường phố là chỗ đông người qua lại, thì
lại không được như thế.
Các con hát, các con chạy, các con đùa, rồi nhổ bậy, rồi vứt
giấy,… coi đường phố như cái sân chơi… Các con ạ, ở gia đình, ở trường học, ta
có bổn-phận thế nào thì ở ngoài đường, ngoài phố, ta cũng có bổn-phận như thế.
Trông thấy người tay xách, nách mang, đánh rơi đồ vật, con chạy
tới giúp họ nhặt lên. Thấy người kéo xe không vượt qua nồi đoạn đường lầy lội,
con tới giúp họ đẩy đi. Thấy của rơi ngoài đường, phải mang đi trình, chờ người
đến nhận…
Chúng tôi quay lại nhìn anh Sỹ tủm tỉm cười. Thầy cũng âu yếm
nhìn anh, rồi nói tiếp:
- Mỗi lần gặp người già cả, kẻ nghèo khó, người mẹ bồng con,
người què chống nạng, người khuân vác nặng nề, gia đình đám tang, các con phải
nhường bước; nhất là khi vẳng tiếng quốc-ca, hay nhác thấy bóng quốc-kỳ, thì bất
cứ ở đâu, cũng phải dừng chân, nghiêm mình một cách kính cẩn.
Thấy em nhỏ lơ đễnh qua đường, sắp gặp tai nạn, con cố tìm
cách cứu nó. Nếu gặp em đứng khóc bên đường, phải lại hỏi han, dỗ dành, rồi đưa
về nhà, nếu em bị lạc.
Gặp lũ trẻ đánh chửi nhau, phải đem lời hơn lẽ thiệt mà can
ngăn, đừng đứng nhe răng cười, như xem trò xiếc. Nếu người lớn thì phải nhắm mắt
tránh xa, chớ có dừng lại mục-kích những cảnh hung bạo giữa người với người, nó
làm cho trái tim ta trở nên sắt đá.
Gặp người già lão qua đường, con đưa các người sang. Nếu các
cụ nhỡ tay rơi gậy, con nhặt lên, lễ-phép trao trả vào tận tay người. Nếu có gặp
kẻ bị trói tay, xấu hổ, cúi đầu đi giữa hai người cảnh-binh, con đừng bắt chước
những kẻ hiếu-kỳ lẽo-đẽo theo sau. Biết đâu người có tội chẳng bị ngờ oan, hoặc
đang ăn năn tội lỗi? Mà kẻ hối lỗi đáng được ta tha thứ rồi.
Gặp đám tang chớ nên cười đùa, trước những điệu kèn não ruột,
tiếng khóc bi ai. Ta phải nghiêm chỉnh ngả mũ chào, để chia buồn với tang gia,
để vĩnh biệt một linh hồn đã rời xa cõi thế mà còn để lại đau thương cho bao
người còn sống.
Gặp những trẻ mồ-côi trong Cô-nhi-Viện xếp hàng đi trên hè phố,
các con đừng khinh bỉ. Hãy nhìn những em đó bằng con mắt thương tình vì đó là
hình ảnh của sự đau khổ của loài người.
Gặp đồng-bào miền Bắc di-cư hỏi thăm đường, các con phải lễ
phép chỉ bảo đến nơi đến chốn. Nhất là đồng-bào ăn mặc lôi thôi, lếch-thếch thì
các con lại càng phải kính trọng hơn nữa, vì dưới những bộ nâu sồng lam lũ ấy
chứa đựng cái tinh-thần bất khuất bên trong; vì những bộ quần áo ấy không phải
là sự nghèo hèn,-vả lại sự nghèo hèn cũng không đáng bỉ bao giờ- mà nó đã tượng
trưng cho lòng ham chuộng tự-do của đồng-bào miền Bắc.
Các con nên nhớ, ở ngoài đường phố các con cứ vui vẻ, nhưng
phải nghiêm trang. Có thế người ngoại quốc trông vào, mới phải kính nề dân Việt
chúng ta. Đừng làm hổ lây cho cả dân-tộc bằng những cứ chỉ ngông-nghênh, hỗn-xược
của mình.
Dân-tộc Việt-Nam là một dân-tộc có hàng ngàn năm văn-hiến. Vậy
các con phải tỏ ra là con nhà giáo-dục, cho xứng đáng với cái danh ấy.
Giờ tan học, tôi xem ra anh nào anh ấy đi đứng nghiêm trang lắm,
không thấy nô đùa, chạy nhảy như mọi khi.
Tôi nghĩ thầm:”Giá tất cả bảo nhau được mãi mãi như thế này
nhỉ!...”
41. Tấm Huy Chương Xứng Đáng
Ngày 20 tháng 2
Hôm nay ông Thanh-Tra đến thăm trường. Ông vào lớp tôi cùng với
ông Hiệu-Trưởng, đúng vào lúc thầy sắp phát huy-chương và cờ danh-dự cho các đội.
Nhân dịp ấy, thầy giáo nhường cái vinh-dự ấy cho ông
Thanh-Tra để cuộc phát thưởng thêm phần long trọng.
Sau khi trao “huy-chương học giỏi” cho anh Sinh, mọi người hồi
hộp chờ người thứ nhì. Ai cũng tưởng như sắp gọi đến tên mình. Thấy thầy và ông
Hiệu-Trưởng cùng ông Thanh-Tra trao đổi khẽ với nhau những câu gì không rõ,
chúng tôi thì thầm hỏi nhau, không biết phần thưởng nhì về ai chuyến này?
Bỗng ông Thanh-Tra dõng dạc cất tiếng:
- Trò Nguyễn-đình-Côn! Chăm chỉ làm việc ở trường cũng như ở
gia-đình; bài thuộc, chữ tốt. Nguyễn-đình-Côn! huy-chương cố-gắng!
Thầy đọc đến tên anh, chúng tôi ai cũng vui vẻ, mừng thay cho
anh mà quay về phía ấy. Anh Côn hồi hộp đứng lên, mặt đỏ ửng vì sung sướng. Ông
Thanh-Tra nói:
- Lên đây con!
Rồi ông chăm chú nhìn anh, nhìn bộ mặt xanh xao, đôi mắt buồn
rầu, tiều tụy trong bộ quần áo cũ có những miếng vá to bằng bàn tay… Rồi ông âu
yếm cúi xuống gài huy-chương vào ngực anh, ngọt ngào nói:
- Ta thưởng cho con, vì không ai xứng đáng hơn con. Ta thưởng
cho con, không những vì con ngoan ngoãn, chăm chỉ, mà vì con đã tỏ ra có lòng
hiếu thảo với cha.
Rồi ông quay về phía chúng tôi:
- Có phải Côn là người có hiếu không các con?
Cả lớp đồng thanh nói lên:
- Thưa vâng, vâng ạ…
Anh Côn chẳng biết nói gì, rơm rớm nước mắt nhìn chúng tôi,
như muốn cám ơn.
- Thôi cho con về chỗ…
Năm phút sau thì tan học. Chúng tôi vừa ra đến cổng trường,
thấy thầy anh Côn đứng chực đó, mắt đỏ ngầu, quần áo xốc xếch, hai chân loạng
choạng cơ hồ sắp ngã. Thầy giáo trông thấy, vội ghé tai nói thầm với ông
Thanh-Tra.
Ông Thanh-Tra gật đầu, rồi cầm tay anh Côn, dắt lại với thầy
anh. Anh Côn sợ run lên bần bật. Một lũ hoc-trò hiếu kỳ láu nháu theo sau. Đến
trước mặt cha anh, ông Thanh-Tra tươi cười nói:
- Tôi có lời mừng ông! Cháu học hành ngoan lắm! Trong lớp 54
học-sinh, tháng này cháu được thưởng “huy-chương cố-gắng”. Bài thi nào cháu
cũng khá đều. Cháu thông minh và chịu khó lắm, được thầy giáo và các bạn mến
yêu. Ngày mai cháu có thể khá được… Tôi rất lấy làm hài lòng, và riêng ông hẳn
cũng hãnh-diện!...
Cha anh nghe nói, mồm há hốc ra, hết nhìn ông Thanh-Tra lại
nhìn thầy giáo, rồi cúi xuống nhìn con đang cắm mặt xuống đất, run lên sợ hãi.
Có lẽ là lần đầu, ông vụt hiểu ra rằng đã bấy lâu ông đang tâm hành-hạ con ông,
đứa con huyết mạch của ông, đã bao năm cắn răng chịu đựng những nỗi dày vò tủi
nhục rồi.
Ông bỗng cảm thấy lòng đau xót, rồi trong một giây bàng
hoàng, ông cúi xuống, ẵm bổng con lên. Chúng tôi đi qua, người nắm tay anh, người
sờ cái huy-chương trước ngực… Tôi rủ anh thứ Năm đến chơi cùng anh Tôn, anh Sỹ.
Ai ai qua cũng ngỏ với anh vài lời âu-yếm trước con mắt sửng-sốt
của cha anh. Người cha ấy khẽ thở dài, kéo vạt áo, lau nước mắt cho con…
42. Tự Hứa
Ngày 24 tháng 2
Tấm huy-chương cùa anh Côn cứ ám ảnh tôi hoài! Tại sao tôi lại
không bằng anh nhỉ? Tôi há lại chịu kém anh sao?
Từ ít lâu nay, tôi không chịu học, và lúc nào cũng như giận dỗi
điều gì. Thầy giáo, rồi Ba tôi, mẹ tôi, xem ý ai cũng phật lòng. Tôi không cảm
thấy cái vui sau giờ làm việc. Tôi chán nản hết sức. Sách vở, tôi quẳng vào một
chỗ để đi chơi. Lúc ăn cơm, tôi cũng không thấy cái thú hội họp gia-đình.
Tôi suốt ngày bần thần khó chịu, một tư-tưởng đen tối lẩn-quẩn
trong đầu, hành-hạ tôi, vá có tiếng từ đâu vẳng tới:
- Dũng ơi! Hèn thế à!
Buổi chiều, tôi đứng tựa cửa nhìn bầy em nhỏ đi học về, lẫn
vào giữa đám thợ thuyền lũ lượt. Một vài người dáng mệt mỏi, nhưng tất cả đều
vô tư, hớn hở. Người còn thơ thẩn ngắm phố, người hấp tấp bước nhanh, mong
chóng về nhà. Họ cười to, nói lớn, bàn tay còn dính than đen, hay giây vôi trắng,
khoa lên.
Tôi nghĩ rằng họ đã làm việc từ sáng sớm để về muộn giờ này.
Trong số đó có những trẻ nhỏ như tôi, suốt ngày chênh vênh trên mái nhà cao,
hay chơi vơi trên mặt nước, hì hục trong xưởng máy, hay cặm cụi dưới hầm sâu với
một nắm cơm khô, một ngụm nước lã thay bữa cơm trưa.
Nhìn vào trang giấy trắng mà tôi vừa bôi bác ra cho xong chuyện,
rồi nghĩ tới những trẻ đó, bỗng nhiên tôi cảm thấy mặt nóng bừng vì xấu hổ.
Tôi giận tôi. Tôi giận tôi quá. Tôi như thấy Ba tôi đang nhìn
tôi với cặp mắt buồn rầu, muốn đánh mắng tôi mà còn chưa nỡ!
Ba yêu quí của con ơi! Con biết Ba đã làm việc khó nhọc để
nuôi cho con khôn lớn, để cho con được đi học.
Đã bao đêm rồi, con thức giấc mà thấy Ba vẫn còn mải mê bên
chồng sách, nét mặt tư-lự đăm chiêu.
Đã bao lần, Ba dấu con để đi khám phổi, sau những cơn ho tưởng
đến vỡ ngực. Ba làm việc cho chúng con! Ba đau ốm vì chúng con! Ba chịu đựng
bao nhiêu cay đắng, mệt nhọc cũng vì chúng con!
Vậy mà con chẳng chịu học hành, để phiền, để tủi cho Ba. Ba
ơi! Con viết giòng này không muốn khóc, mà nước mắt cứ đầm đìa trên má!
Bắt đầu từ nay, con tự hứa sẽ đem hết cả tâm-hồn nghị-lực để
làm việc như anh Tác. Tối con sẽ thức khuya, sáng con sẽ dậy sớm, cố thắng cho
được sự lười biếng đang chinh phục, đang cám dỗ con!
Nào can đảm lên! Ta sẽ nhẫn-nại, cố gắng học hành để đem lại
cho linh-hồn một chút vui tươi, cho cha mẹ ta nụ cười hớn hở!...
43. Quý Bạn
Ngày 4 tháng 3
Hôm qua, anh Côn và anh Tôn, cả hai anh cùng đến tôi chơi.
Đây là lần đầu tiên mà anh Tôn đến chơi nhà bạn. Anh không đến nhà ai, ngượng
vì to đầu mà còn học lớp Nhất. Anh Sỹ thì không tới được, vì cha anh mới ở
Tân-thế-Giới về, sau sáu năm cách biệt.
Thấy anh Tôn, mẹ tôi trỏ vào anh mà nói với cha tôi:
- Cậu bé này học khá mà bụng dạ tốt đáo để! Thằng Dũng nhà ta
chơi với anh ấy thực là tốt số!
Rồi mẹ quay sang anh:
- Anh trông nom, bảo ban em mấy nhé!
Anh Tôn khẽ “dạ” rồi cúi mặt xuống, liếc tôi mà mủm mỉm cười.
Còn anh Côn, từ hôm được thưởng “huy-chương cố-gắng” thì vui thú lắm! Thầy anh
cũng biết hối, tuyên-bố bỏ rượu chè, nên được bà con thương tình giúp vốn cho để
mở lại cửa hàng, nhờ trời cũng khá. Trông thầy anh bây giờ, đố ai dám bảo là
xưa kia nát rượu, phũ phàng với con! Ông cười nói vui vẻ, luôn luôn hỏi han,
săn sóc con, hàng xóm láng giềng thấy vậy, ai cũng mừng thay.
Ngồi chơi một lát, anh Tôn đứng lên xin phép để chúng tôi lại
nhà anh Bích chơi, như chúng tôi đã hẹn nhau từ bữa trước. Anh Bích, từ ngày biết
sửa đổi đến nay, đâm ra khác hẳn, nhu-mì ngoan ngoãn, ai cũng phải quí, ai cũng
phải thương. Nhất là cái thói kiêu ngạo, xa hoa thì không còn nữa. Thế mới biết,
con người ta không phải hoàn toàn xấu mãi!
Đến đầu phố, đã thấy anh thập thò đứng đợi ngoài cổng, rồi
tay bắt, mặt mừng làm như lâu ngày không gặp.
Anh đưa chúng tôi vào chào Ba, Má anh, rồi dắt lên phòng học
của anh ở trên gác. Phòng anh sạch sẽ, quần áo, sách vở gọn gàng, ngăn nắp,
chúng tôi trông thấy, ai cũng thích. Có hoàn cảnh như anh mà không chịu học thật
là uổng quá!
Thấy bạn đến, anh tíu tít lăng săng đến bật cười. Một lát, má
anh đem lên một cái hộp lớn:
- Con mang chiếc xe hỏa này để các anh cùng chơi mấy!
Rồi bà quay lại chúng tôi, ngọt ngào nói:
- Các cậu cứ tự nhiên như ở nhà nhé! Em nó còn dại lắm, các cậu
đừng chấp…
Rồi bà xuống dưới nhà, mặc cho chúng tôi chơi. Bích mở hộp, lấy
xe hỏa ra. Anh Côn xem ý lấy làm lạ lắm. Anh say sưa ngồi ngắm chiếc xe nhỏ xíu
chạy sầm sập trên đường sắt, dừng lại ở các ga, qua cầu, chui núi, chẳng khác
gì xe hỏa thật.
Bích đưa chìa khóa cho anh Côn lên giây cót. Anh trịnh trọng
quay nhẹ từng vòng, chỉ lo nó đứt, rồi mới quì xuống mà xem xe chạy.
Trông anh nâng niu nó trên tay, tưởng như anh đang cầm một vật
bằng thủy-tinh mong manh, mà chỉ mạnh tay là vỡ nát.
Anh nghiêng nghiêng cái đầu, nhòm ngó từng bộ-phận một, dường
như lấy làm lạ lắm! Chỗ nào có bụi, anh kéo vạt áo lau đi, lau lại. Tôi nhìn
anh, cái cổ nghẹo xuống, cái cổ mà có hôm tôi trông thấy nó tím bầm, cái tay áo
sơ-mi quấn lên, để lộ ra đôi cánh tay khẳng khiu, hẳn xưa kia thường đưa lên đỡ
roi đòn, roi vọt của cha.
Tôi bất giác thầm thương anh quá! Lúc ấy, tôi muốn có gì đem
cho anh hết, sẵn sàng nhường cả miếng cơm, sẻ cả manh áo cho anh.
Tôi nghĩ thầm:
- Giá mình có cái xe hỏa này, thì nình cho phứt anh ấy ngay…
Còn anh Bích, thấy anh Côn thích đề chơi của mình thì cứ hỏi
đe, hỏi lại:
- Côn trông có đẹp không? Côn xem có hay không? Côn có thích
không?
Tôi bụng bảo dạ:
- Anh chàng nầy vẫn không hết được cái tật khoe của… Thôi được,
để mai ta cho anh ấy con gấu đánh trống của ta vậy. Cũng đẹp chán!...
Chơi một lúc, chúng tôi xuống chào Ba Má anh để ra về. Má anh
bỏ vào túi chúng tôi, mỗi người một gói kẹo, rồi dặn đi, dặn lại đi đường cẩn
thận kẻo xe pháo.
Buổi tối, lúc ăn cơm, tôi ngỏ ý với cha tôi muốn tặng anh Côn
món đồ chơi ấy, thì cha tôi vui lòng ngay. Mẹ tôi cũng bảo:
- Phải đấy, ăn xong con đem sang biếu anh ấy, mà phải nói cho
khéo, kẻo anh phật lòng.
Ăn xong, tôi âu yếm nhìn con gấu một lần cuối cùng, trong
lòng chẳng tiếc đồ chơi đẹp mà lại vui thích như người được của. Tôi trịnh trọng
gói vào giấy bóng, rồi hí hửng cầm sang.
Đến nơi, tôi đang thấy hai anh em đang hí hoáy chắp cái đồ
chơi quí báu ấy, anh biết ý, mỉm cười giơ cái thư cho tôi đọc:
Côn thân mến,
Bích thành thật tặng Côn cái xe hỏa này để làm kỷ niệm, Ba Má
Bích cũng đã bằng lòng. Mong Côn nhận cho để Bích khỏi tủi. Lúc chiều vì đông
các bạn, Bích không tiện nói ra, mong Côn hiểu cho và chớ nói với ai nhé!
Cám ơn Côn nhiều lắm vả thân ái bắt tay Côn. Bích
Đọc xong thư tôi ngẩn người ra, đặt gói giấy xuống bàn, rồi hấp
tấp về nhà như người chạy trốn…
44. Cái Nghiên Mực
Ngày 9 tháng 3
Hôm nay tôi cùng cha tôi lại thăm ông giáo Hòa, bạn cũ của
cha tôi. Lâu ngày không gặp nhau, hai cụ chuyện trò hỉ hả lắm. Bỗng cha tôi
nhác thấy trên bàn một bộ nghiên mực bằng gỗ, chạm trổ rất kỳ cục. Thấy cha tôi
chú ý nhìn, ông giáo nói:
- Bác trông có hay không? Có người vừa tặng tôi đấy! Ly kỳ
đáo để! Để tôi kể chuyện Bác nghe.
Bác có nhớ cái ngày tôi xin tình nguyện đổi đi Côn-đảo hai
năm không nhỉ? Tôi được cử vào dạy học đám tù nhân tại trại H, toàn những quân
giết người cướp của… mặt mũi anh nào trông cũng như tướng cướp…
- Thì chính họ là tướng cướp còn gì nữa!
Ông giáo cười, nói tiếp:
- Trong số tù-nhân, hoc-trò của tôi, tôi đặc biệt chú ý đến
tên “Vanh-Cát” (24)- chúng tôi gọi tù bằng số, chứ không bằng tên. Hắn ngồi
yên, chăm chú nghe với cặp mắt nhìn tôi kính cẩn. Tôi hỏi ra mới biết Bác ta là
thợ mộc, trong lúc nóng giận, lỡ tay đánh chết người bạn và bị đày ra đây.
Vì chịu khó ăn học, nên chỉ 3 tháng sau là gã đã biết đọc, biết
viết. Xem ra gã mê mải sự học lắm, và hình như tự đó ăn năn tội lỗi, nên người
ta thường bắt gặp gã thợ thơ thẩn một mình, tay cầm quyển sách, tư lự buồn rầu.
Thế rồi, một buổi sớm kia, nước mắt vòng quanh. Gã lên chào
tôi, vì có lệnh đổi gã đi trại khác. Còn tôi, ít lâu sau, hết hạn lại trở về
đây.
Trong 5,6 năm, tôi chẳng được tin tức gì của gã, mà cũng quên
đi, chẳng để ý đến nữa. Thế rồi buổi sáng hôm qua, tôi thấy có một người đàn
ông lạ mặt, áo quần lam lũ, đến xin gặp tôi. Thì ra đó chính là tên tù
“Vanh-Cát”, vì biết hối lỗi, nên vừa được chính phủ khoan hồng, cho giảm hạn
tù.
Trông thấy tôi, gã nghẹn ngào nói:
- Thưa thầy, con hỏi thăm mấy hôm nay mới biết được chỗ ở của
thày-gã vẫn xưng “con” với tôi như một tên trò nhỏ-Nhờ ơn thày dạy bảo, con vẫn
chẳng quên, nay được tha về, thôi thì thày cũng mừng cho. Trong 6 năm trời đổi
sang trại B, con làm được vật mọn này đem về kính biếu thày, gọi là tạ ơn thầy
đã mở lòng, mở mắt cho con, đã cứu sống con được về với gia-đình, con cái…
Thấy tôi chưa kịp nói, gã tưởng tôi từ chối, cặp mắt nhìn rồi
não nùng như muốn nói:”Sáu năm trời đau khổ, con chưa chuộc được lỗi sao?”
Tôi vội an ủi và khuyên giải gã, rồi nhận lấy bày trên bàn giấy
để làm kỷ niệm.
Nói rồi, ông giáo cầm nghiên mực đưa cho cha tôi xem. Suốt 6
năm trời, chỉ có một mũi đinh để gọt cả một khúc gỗ dắn, làm nổi vật đó, thật
là cả một kỳ công!
Nhìn kỹ phía dưới, thấy khắc một hàng chữ, nét khá rắn rỏi:
BIẾT ƠN THẦY CŨ
Tù 24
Ba tôi tấm tắc khen mãi, rồi nói:
- Cái nghề của chúng mình lắm lúc cũng hay! Ai dám bảo dạy học
là nghề bạc bẽo! Mà hắn nói rằng bác “cứu sống” hắn, tôi cho cũng không phải là
quá!
Lúc trở về, chuyện người tù với bộ nghiên mực cứ lẩn quẩn mãi
trong óc tôi. Rồi tôi ngẫm nghĩ đến cái kết-quả huyền-diệu của học-vấn, đã cải-hóa
được một người tội-lỗi, và còn biết bao nhiêu người đắm-đuối, u-mê khác nữa…
Sáng hôm sau, lúc giờ chơi, tôi đem chuyện ấy thuật với anh
Sinh-Anh kéo tôi ra một chỗ chỉ vào anh Sỹ, con bà bán đậu phọng-đang vui vẻ
đánh bi ở gần đó- rồi nói khẽ vào tai tôi:
- Thôi đích thày anh Sỹ rồi! Hôm qua Sỹ bảo tôi thày Sỹ mới về,
có cái nghiên mực bằng gỗ đẹp lắm. Thì ra thày anh Sỹ bị đày ở Côn-Đảo chứ
không phải đi làm ăn ở Tân-thế-Giới đâu! Nhưng thôi Dũng ạ. Chúng ra biết để bụng
thôi nhé! Đừng nói với ai nhé! Cấm đấy!
Tôi đã nhận lời rồi, mà anh còn dặn đi, dặn lại không được kể
với ai, sợ người ta chế anh Sỹ.
Lúc tan học, hai chúng tôi khoác tay anh Sỹ đi về. Ra đến đầu
phố, thấy cha anh Sỹ đang thập thò đứng đón. Anh Sỹ, trông thấy cha, reo lên:
- A! Thày tôi! Các anh ạ!
Lúc lại gần, Sinh bấm tôi, rồi lắp bắp chào. Bắt chước anh,
tôi cũng ngả mũ chào theo.
Sỹ sung sướng, nhìn chúng tôi bằng cặp mắt cám ơn.
45. Công Mẹ
Ngày 14 tháng 3
Buổi sáng, chỉ vì đòi đi xem chiếu bóng không được, tôi đã hờn
rỗi với mẹ tôi. Ai ngờ cha tôi biết chuyện, nên để lại mấy dòng chữ này, khiến
tôi đọc rồi mà thút thít khóc mãi không thôi:
Sáng nay, con đã tỏ ra hỗn hào với mẹ. Ba mong rằng đó chỉ là
vô tình, và từ sau không bao giờ thế nữa. Con có biết rằng Ba đau lòng lắm
không, nó nhói vào tim ruột của Ba chẳng khác gì mũi dao đâm không? Mẹ không
cho con đi, vì phim ấy trẻ không xem được, nên mẹ muốn tránh cho con cái hại
sau này. Cho con giải-trí như thế là làm khổ con đấy, con có biết không?
Con hãy nhớ lại, mới năm trước đây, hồi con còn đau ốm, mẹ
con suốt đêm bơ phờ, thiểu não ngồi đầu giường con mà cầu cho con khỏi bệnh. Trải
bao đêm không ngủ, mẹ con tiều tụy, đôi mắt thâm quầng. Lắm khi nhìn con thiêm
thiếp trên giường bệnh, nước mắt mẹ chan hòa ướt má.
Con đau, lòng mẹ cũng đau; con rên lên một tiếng thì mẹ tưởng
đến đứt ruột, đứt gan. Giả thử có phải chết đi để cho con được sống, hẳn mẹ
cũng vui lòng.
Con có biết mẹ héo hon, phiền muộn đã nhiều vì con không? Con
có biết mẹ con đã lắm gian nan, nhiều cay đắng mới nuôi con được đến ngày nay
không?
Những năm lưu lạc hậu phương, đã đói rách lầm than, lại còn
phải chạy hòn tên mũi đạn, nếu không có mẹ, hỏi con có còn đến ngày nay không?
Vậy, Dũng con ơi! Sao con lại dám hỗn hào với mẹ? Rồi đây
trên bước đường đời, con sẽ nếm nhiều đau khổ, nhưng không có cái đau khổ nào
thấm với cái đau khổ của người con mất mẹ.
Khi con đã lớn lên, thành người khá giả, sẽ có một ngày kia
con nhớ đến mẹ, muốn ôn lại bao kỷ-niệm trước sau của thời thơ-ấu, muốn nghe giọng
nói ngọt ngào, muốn nhìn khuôn mặt hiền từ của Người cũng không được nữa: mẹ
con đã nằm sâu dưới ba tấc đất, nhưng hồn vẫn vọng về phù hộ cho con.
Dù con có giàu sang phú quý đến mực nào, thiếu mẹ là thiếu cả
cuộc đời. Con sẽ chua xót nhớ lại những phút lỗi lầm, những lúc làm mẹ con đau
lòng, bật ra tiếng khóc. Con ơi! Con ơi! Lúc ấy hối hận sẽ dày vò lòng con, và
làm cho con phải khổ sở xót xa.
Hãy nhớ đến bao nhiêu trẻ mồ côi, không mẹ, lang thang đầu đường,
xó chợ, chịu âm thần tủi phận vì thiếu tình mẫu-tử thiêng liêng! Còn con, con
có mẹ, con đã thờ ơ, đôi khi làm mẹ phiền lòng. Những kẻ như thế, dù có làm nên
danh phận thế nào cũng không đáng kể, đời sẽ phỉ nhổ vào mặt, ghê tởm chẳng
khác gì kẻ sát nhân. Mà kẻ sát nhân, nếu còn lòng thương mẹ, cũng còn hơn nhiều
những đứa con bất hiếu!
Ba không bắt con phải như người xưa, gặp ngày đói kém, cắt thịt
đùi, nấu cháo mẹ sơi, hoặc đêm đêm cởi trần nằm ngủ, đễ muỗi đốt mình, mà không
đốt mẹ…
Không! Ba không muốn con phải hy-sinh nhiều như thế, mà chỉ
muốn con lúc nhỏ phải nghe lời mẹ, khi lớn lên, lúc mẹ già tuổi yếu, con hầu hạ
chăm nom Người, đừng để mẹ phải tủi lòng vì nỗi có con mà cũng như không!
Dũng ơi! Hãy thương mến mẹ con, dù chỉ bằng một phần nhỏ của lòng
mẹ yêu con! Hãy yêu mẹ con, không phải vì sợ đòn, sợ vọt, mà do tấm lòng hiếu
thảo, phát tự trong đáy tim ra.
Hãy cầu xin mẹ tha thứ đi con, và xin Người ban cho chiếc hôn
trên trán, để xóa sạch những tư-tưởng vô ơn trong đầu óc non dại của con.
Con là niềm hy-vọng của Ba, nguồn sống của Ba. Ba sống vì
con, nhưng nếu con tỏ ra bất hiếu với mẹ, Ba sẵn lòng nghiến răng nhìn con như
hạt máu rơi!
Âu yếm hôn con
46. Giờ Thể Thao
Ngày 16 tháng 3
Giờ thể-thao hôm nay vui thật là vui! Một, vì nhà trường vừa cho
dựng xong một cây xà-ngang để tập thể-thao như ở bên trường trung-học, điều mà
tất cả hoc-sinh chúng tôi ao ước từ lâu. Hai, vì kỳ này chúng tôi đông đủ cả,
không thiếu mặt ai. Mọi lần, thế nào cũng có anh viện lẽ này, lẽ khác để trốn
thể-thao. Nhất là anh Bùi, coi thể-thao như kẻ thù. Anh học hành rất khá, phải
cái thân hình ẻo lả, nay ốm mai đau. Rồi vì nghỉ luôn, từ thứ năm, thứ sáu
trong lớp, anh cứ tháng tháng tụt dần, cho mãi đến gần đội sổ.
Giờ chơi, anh cứ đứng một chỗ khuất, tay cầm quyển sách, chẳng
nghĩ gì đến chuyện vận-động tay chân. Thầy có giục anh chạy nhẩy cho khỏe người,
thì anh vâng vâng, dạ dạ, rồi lẩn tránh. Cho nên, tuy anh ham học, mà vì đau yếu
nghỉ luôn, nên sức học cứ đuối dần.
Nhưng vừa hôm trước, thấy bảo mãi không được, thày phải triệu
tất cả mấy anh lười thể-thao lên mắng cho một trận nên thân: nào là thanh-niên
nhu nhược, chỉ để cho người đè đầu cưỡi cổ, nào là nước yếu, dân hèn chỉ vì những
con người ốm yếu, nhút nhát…
Mấy anh bấy giờ mới nghe ra, mặt đỏ lên, hết lời xin lỗi thầy.
Bởi thế, giờ thể-thao hôm nay đủ mặt cả. Cả anh Ninh gù nữa, lần thứ nhất cùng
ra tập với chúng tôi, điều mà anh Tôn lấy làm thú lắm.
Vì anh tàn tật, nên bà mẹ anh xin cho anh được miễn thể-thao.
Tuy vậy anh vẫn ấm ức trong lòng. Đến mãi hôm qua, nghe thầy trách mắng, thì
anh không chịu được nữa, nhất định năn nỉ với má anh để xin cho cũng được tập
như chúng tôi.
Má anh không nghe, nhưng thấy anh rơm rớm nước mắt vì nhục
nhã thua anh kém em, bà đành phải hứa cho anh vui lòng. Thực tâm bà lo con yếu
đuối thì ít, mà sợ chúng bạn trêu ghẹo thì nhiều. Nhưng anh hiểu ý, nói với mẹ:
- Mẹ đừng sợ, đã có anh Tôn con bênh vực cơ mà!
Thấy nói đến anh Tôn, bấy giờ bà mới yên lòng, chờ buổi học
chiều đến nói lại với thày. Thấy bà vẫn còn tỏ vẻ lo ngại, thày phải an ủi:
- Xin bà cứ yên lòng, cháu đã muốn, thì cứ để cháu tập thử
xem sao. Vả lại tôi sẽ trông nom cho cháu tập, bắt đầu từ những môn nhẹ cho
quen dần…
Rồi thầy xoa đầu anh, bảo chúng tôi:
- Các con còn thua anh Ninh nhiều lắm…
Sau khi vận động chân tay, tập thở, tập nhảy… thày dẫn chúng
tôi tới bên cột. Lần lượt chúng tôi mỗi người phải leo lên thang, rồi đứng thẳng
người trên xà ngang, một thân cây gỗ vuông, khá rộng.
Anh Phi và anh Tý thì khỏi phải nói, leo nhanh như vượn. Đến
lượt anh Côn, anh sợ tái cả mặt, lập cập trèo lên thang, nhưng trước sự khuyến
khích của anh em, anh cũng làm được đến nơi, đến chốn. Rồi đến anh Vân, anh Cảnh,
ai cũng được cả. Anh Pha thì khi đến nơi, anh đứng thẳng người, giơ tay chào
theo kiểu nhà binh, khiến ai cũng phải tủm tỉm cười. Tài nhất là anh Tôn. Cái
thang dài thế mà anh chỉ leo lên bằng tay, chẳng cần dùng đến hai chân mà vẫn cứ
nhanh thoăn thoắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét