Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Câu chuyện của kẻ chơi dao

Câu chuyện của kẻ chơi dao

Đọc tiểu thuyết Đất Trời Vần Vũ của 
Nguyễn Một, Nxb Hội Nhà Văn 2009
Ai cũng biết rằng văn chương là sự sáng tạo cái đẹp bằng ngôn từ, và tác phẩm văn chương là sự lên tiếng của nhà văn trước hiện thực thông qua hình tượng nghệ thuật. Khi đọc tác phẩm văn chương, tôi thường tìm kiếm sự sáng tạo của nhà văn và suy gẫm về những thông điệp nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Quả là thú vị nếu gặp được những sáng tạo mới mẻ, độc đáo. Bây giờ có người coi sáng tác văn chương là trò chơi chữ nghiã, nhưng tôi tin rằng nhà văn không chỉ là người “mua vui” cho thiên hạ, mà còn là người sáng góp phần làm nên bộ mặt văn hóa của thời đại. Ngòi bút của nhà văn có sức mạnh…
Tôi sẽ viết những cảm nghĩ của mình một cách tự nhiên như nó xuất hiện khi tôi đọc tác phẩm, ngổn ngang như nội dung cuả Đất Trời Vần Vũ, và theo cái cách bây giờ người ta đọc văn bản. Văn bản có nhiều nghĩa, diễn giải là vô tận, người đọc giải mã theo cách hiểu văn bản của riêng mình. Có khi cách hiểu của người đọc không trùng khớp với ý định chủ quan của tác giả. Cũng dễ hiểu, vì tác phẩm là một sinh thể biệt lập với tác giả, là một thế giới riêng, thế giới do người đọc hình dung ra và gán nghĩa cho nó. Khi đứa con tinh thần ra đời thì cũng là lúc tác giả bị khai tử (Roland Barthes). Tác phẩm thuộc về người đọc.
CÂU CHUYỆN "CON DAO QUYỀN LỰC"
Đất Trời Vần Vũ có hai câu chuyện được kể theo cấu trúc song song. Một câu chuyện ở hiện tại: Đám tang lão Tư Ngồng; một câu chuyện ở quá khứ, do nhân vật Nhà Thơ kể. Đó là câu chuyện về dòng họ Tư Ngồng và con dao quyền lực.
Câu chuyện ở hiện tại: Trong quán cafe của Lụa, Bảy Tánh thông báo tin Tư Ngồng chết bí ẩn (chương 1), sau đó là việc chuẩn bị đám tang (chương 2) và chôn cất Tư Ngồng (chương 40). Rải khắp 27 chương sau đó là những sự việc và con người liên quan đến Tư Ngồng. Ông đã đi chiến đấu vì lý tưởng, vì tình yêu quê hương đất nước. Khi hoà bình, ông có chức có quyền và đặc biệt nắm trong tay quyền lực bí mật từ con dao, ông đã thay đổi (tr. 316). Ông chiếm đoạt Lan, cô gái quê từ tay Trần Đình, bằng thủ đoạn. Ông chiếm đoạt Biển, giám đốc ngân hàng bằng quyền lực. Ông chiếm đoạt Diễm bằng tiền (tr.318), và sau cùng, chết bằng chính lưỡi dao quyền lực của mình.
Chuyện quá khứ do nhân vật Nhà Thơ (Miên Trường) kể gồm 13 chương, xen kẽ với tuyến truyên hiện tại. Nhà Thơ kể lại câu chuyện về con dao quyền lực mà dòng họ Trương Phước có được từ thời ông tổ Trương Phước theo Trần Thượng Công. Trương Phước đã dùng con dao quyền lực hãm hại nhà họ Trần. Tội ác chồng chất từ đời Trương Phước đến cháu là Trương Phước Loan, đến người cuối cùng là Trương Phước Tư (Tư Ngồng). Khi chôn Tư Ngồng, ni cô Diệu Lan (vợ Tư Ngồng) đã ném con dao xuống huyệt.
HÃY NGHE TIẾNG NÓI CỦA NHÀ VĂN
Có hai dạng phát ngôn cuả nhà văn trong tác phẩm: Tác giả phát ngôn gián tiếp qua lời nhân vật, qua hệ thống hình tượng và lời bình ngoại đề.
Đã có một thời Nguyễn Một dạy học, hiểu thực tại của đời nhà giáo, anh viết về giáo dục Việt Nam như sau: Giáo viên khổ vì chuyện vẽ vời của mấy ông lãnh đạo bên giáo dục (tr.114), đó là một nền giáo dục tồi tệ (tr.121). Muà hè, các thầy cô giáo có một tháng nghỉ ngơi, trước khi vào mùa hành xác với những giáo trình nhàm chán, được đặt tên là ‘bồi dưỡng nghiệp vụ’ (tr.196). “Các thầy giáo, những trí thức của đất nước như em mà hàng tháng tranh giành nhau cái lốp xe đạp theo phân phối. Các cô giáo hàng tháng được phát hai tấc vải mùng để làm băng vệ sinh, xài xong giặt phơi và để dành các tháng còn lại may mùng để ngủ, anh chưa thấy ở đâu trên thế giới này, con người sống nhục nhã như thế “(tr.225). ”Thời buổi gì mà ngành giáo dục cũng có tham nhũng thì còn ra cái thể thống gì” (tr.200). “Hoá ra lâu nay lũ trẻ bị lưà dối, Cả nền giáo dục bị lừa dối” (tr.310).
Mượn lời bà Năm Trầu, Nguyễn Một chửi cán bộ Nhà nước tha hóa như Tư Ngồng (cán bộ cấp cao, tr. 285) là “cái đồ dô ơn bạc nghiã “(tr.52), làm quan bây giờ là để hưởng thụ, vì “Kẻ chiến thắng phải được hưởng thụ những chiến lợi phẩm mà họ đã bỏ xương máu ra đổi lấy, đó là lẽ tự nhiên thôi, từ xưa đến giờ là thế, chế độ nào cũng vậy thôi” (tr.61). Chuyện cán bộ lợi dụng quy hoạch để cướp đất khiến cho nhân dân phải đấu tranh, đả đảo (chương 32, tr.264), Nguyễn Hữu Trí đi đòi công lý bị bắt (tr.209), Nguyễn Một than lên rằng Vân Tiên, Tử Trực chết hết rồi (chương 25)!
Nguyễn Một cũng không ngại khi phải đề cập tới những vấn đề “nhạy cảm”, có thể gây ngộ nhận: Trần Thượng Công suy tư về xứ sở phương Nam, ông cay đắng nhớ lại sự cai trị của người Mãn trên đất nước ông. “Ông không thể nào chịu đựng nổi bọn mọi rợ phương bắc lại có thể cai trị đất nước ông”(tr.28), ông còn nghe được lời thề của dân chúng “kề vai sát cánh với Chúa chống lại kẻ thù chung là Trung Quốc “(tr.30).
Ấn tượng mạnh mẽ là tiếng nói phản kháng chiến tranh. Chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc. Cha Diệu Lan đã nghĩ thế này: ”Ông chẳng có lý tưởng chính trị gì cả, là người nông dân, ông yêu ruộng đồng và ghét chiến tranh, cuộc chiến liên miên trên quê hương ông, người chết như rạ “(tr.72). “người anh hùng“ Trần Đình đi kiếm đàn bà, gây ra hai cuộc tàn sát trên cù lao Dao (chương 11). Nguyễn Một cũng đồng nhất những cuộc tàn sát cuả lính ngoại cuốc thời chống Mỹ với cuộc tàn sát vì hận thù tư lợi của Nguyễn Biện (chương 36). Anh không coi đâu là chiến tranh chính nghiã hay phi nghĩa. Anh gọi chung là đội quân cứu nước, lính Cộng Hòa, lính ngoại quốc. Anh bảo, “Mọi cuộc chiến nhìn từ phía trước đều là chính nghĩa (tr.92), như vậy nếu nhìn từ phiá sau hay nhìn từ phía khác, thì sẽ thế nào? Chính nghĩa hay không là tùy thuộc vào phía người đứng nhìn. Cách đặt vấn đề như thế là rất khác với cách nhìn của những nhà văn trực tiếp sống chết ở chiến trường chống Mỹ (Anh Đức, Nguyễn Thi...).
“Tư tưởng” được Nguyễn Một khẳng định trong tác phẩm là: “Tình yêu đã cứu thế giới này, tình yêu mới thực sự có quyền lực và sức mạnh”(339). Anh có nói đến Phật, đến sư bà, ni cô Diệu Lan, nhưng họ vẫn vướng bận lòng trần, không siêu thoát được. Anh ca ngợi Chúa Kitô. “Ở đời này chuyện chết, sống là chuyện tương đối. Vì vậy, tôi tin vào sự phục sinh của Chúa Kitô, người ta đóng đinh thể xác Ngài vào cây thánh giá, nhưng triết lý ‘yêu thương loài người’ vĩ đại của ngài giúp cho Chúa ‘phục sinh’ trong lòng con người ‘ như bây giờ và hằng có đời đời chẳng cùng’”(232). Tư Ngồng mặc dù có lưỡi dao quyền lực nhưng không thể giết được Diễm khi Diễm đang hạnh phúc trong tình yêu bên Phong, trái lại, lưỡi dao quyền lực ấy quay lại giết lão.
Hình tượng tư tưởng xuyên suốt tác phẩm là “con dao quyền lực” và ý nghĩa “chơi dao có ngày đứt tay”. Con dao quyền lực của dòng họ Trương Phước đã gây họa đến người cuối cùng của dòng họ là Tư Ngồng. Nguyễn Một không miêu tả cụ thể Tư Ngồng có quyền lực gì, anh chỉ nói quyền lực ngầm. Tư Ngồng có ăn chơi, có giết đồng đội, có tranh quyền (nhưng có lý do), nhưng do đâu anh ta có tiền, do dâu có quyền thì Nguyễn Một không lý giải. Cái chết của Tư Ngồng không do hậu quả tranh giành quyền lực giữa các thế lực xã hội, mà chết do vỡ tim, vì lưỡi dao vô hình (Một cách lý giải duy tâm).
Phải chăng đây là cái khó của chính tác giả? Nhà văn biết rõ “con dao quyền lực“ là gì, ai nắm quyền lực ngầm ấy, họ sử dụng quyền lực ấy để làm gì, nhưng nhà văn không dám nói thẳng ra. Cuối cùng, Diệu Lan vứt con dao quyền lực ấy xuống mộ huyệt cuả Tư Ngồng. Hình tượng con dao quyền lực chưa đủ sức chuyển tải tư tưởng.
Nguyễn Một giải quyết mọi mâu thuẫn thù hận trong cõi đời vật chất này bằng thế giới song song, vậy hình tượng này có ý nghĩa gì?
Đó là một thế giới “không có hận thù, chiến tranh và những tranh chấp vật chất như chùng ta, nhưng tình yêu thì vẫn tồn tại, bởi tình yêu không là dạng vất chất” (tr.85). Có thể đó là một thế giới lý tưởng mà Nguyễn Một mong muốn có được trong cõi đời này khi anh thể hiện tinh thần phê phán chiến tranh. “Tôi đã gặp ông già người Mạ, kẻ đã đưa tôi vào thế giới song song để tránh cuộc chiến mà tôi chán ghét và sợ hãi“ (tr.137). Nhưng trong xử lý nghệ thuật, anh đã không đạt được ý nguyện của mình. Anh vẫn phải vay mượn tư tưởng về kiếp sau của tôn giáo khi cho nhân vật đầu thai lại cõi nhân gian này (Linh Chi treo cổ và đầu thai lại), tất cả các nhân vật chết, đều vào thế giới song song, nhưng anh không miêu tả họ sống thế nào trong thế giới ấy. Vừa từ giã thế giới vật chất, họ bị lôi đi, nhẹ tênh, không còn thù hận, thế thôi. Cha mẹ Lụa, Lài chết vì đi vớt cá, không thấy có mặt trên thế giới song song. Trần Đình kể cho Nhà Thơ nghe cuộc hỏi cung của Tư Ngồng khi gặp nhà thơ ở thế giới song song. Và Khi đã ở trong thế giới song song, Thắng vẫn nhìn cô giáo tắm, vuốt ve thân thể cô giáo! (tr.288). Có lẽ đây là thế giới song song theo giả thuyết của khoa học vũ trụ, không phải thế giới tâm linh của tôn giáo hay thần thoại?
Có thể là, Nguyễn Một mới tưởng tượng ra một thế giới riêng để lạ hóa văn chương và giải quyết những vấn đề không thể giải quyết trong thế giới thực tại. Trong tôn giáo và thần thoại, thiên đàng, điạ ngục, niết bàn, cõi tiên là thế giới tâm linh đã được dân gian miêu tả cụ thể, nơi ấy có thưởng có phạt rạch ròi, không sống chung hòa bình giữa kẻ xấu, kẻ ác với người hiền. Vì thế, thiên đàng, điạ ngục có ý nghĩa giáo dục đối với tín đồ đang sống trong cõi nhân gian. Trái lại, thế giới song song của Nguyễn Một không có ý nghĩa ấy đối với nhân vật của mình: ”Hóa ra thế giới vật chất này có quy luật riêng của nó không lệ thuộc vào thế giới song song”(tr.338).
Trong Đất Trời Vần Vũ, Nguyễn Một muốn đem tất cả những vấn đề thời sự (đương thời) vào tác phẩm. Chương 28, 29 kể chuyện Nguyễn Hữu Hà, anh của thầy giáo Nguyễn Hữu Trí. Hà vượt biên, phải ăn thịt người, được định cư ở Đan Mạch, sau đó chán nản, trở về Việt Nam, có lẽ nhà văn muốn khẳng định rằng không đâu hạnh phúc bằng ở Việt Nam (?). Có điều, chương 28, 29 này không kết nối gì với câu chuyện của Tư Ngồng. Cũng vậy, Nguyễn Một đưa Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh vào (không nói rõ tên) và lên án cả nền giáo dục, có lẽ là để thêm thắt vào cho phong phú cốt truyện chính (chương 37. Tr. 310). Chuyện tù cải tạo của Bảy Tánh là một chuyện ngoại đề. Sự dung nạp vào trong tác phẩm những vấn đề nóng của thời đại, và lên tiếng nói trực tiếp về những vấn đề đó là để ghi lại cái thời đang sống, ghi cái dấu ấn của một thời. Điều này có giá trị hiện thực nào đó. Nhưng khi thời sự qua rồi, còn lại giá trị tư tưởng nghệ thuật gì cho tác phẩm. Ngày nay (2018), chẳng ai còn nói đến chuyện vượt biên, chuyện cải tạo. Nhà trường không còn tranh tre lá nứa của một thời...
Chuyện nhà văn gọi cù lao Phố là cù lao Dao, là một dụng ý nghệ thuật, một biện pháp mã hóa hiện thực để né tránh những phiền toái do ngòi bút gây ra. Trong truyện, Nguyễn Một đề cập đến những địa danh thật của Đồng Nai (Đá Ba Chồng Định Quán-143, Miệt vườn Long Khánh-198, căn cứ Bàu Hàm-208…) nhưng không nói trực tiếp đến Cù lao Phố. Nhà văn gọi Cù lao Dao là Cù lao Phố trong thế giới song song (chương 14) mà lịch sử không ghi chép lại, không đụng tới. Nếu miêu tả bằng bút pháp hiện thực những chuyện ở Cù lao Phố, người đọc sẽ nghĩ rằng ở cù lao Phố, cán bộ hầu hết tha hóa như Tư Ngồng? Nơi đó người ta mặc sức chém giết để giành lấy quyền lực. Những người dân thấp cổ bé miệng như bà Năm Trầu, Ba Thược, thầy giáo Trí đành bất lực đi tìm công lý… và người ta truy ra tác giả muốn nói về ai. Không phải vô tình người ta đã đặt vấn đề này khi săm soi tác phẩm?
Những chuyện vượt biên, chuyện dân khiếu tố vì đất bị quy hoạch, chuyện tiêu cực trong giáo dục, cuốn Hồi Ký của GS Nguyễn Đăng Mạnh, hồi ký của Nhạc sĩ Tô Hải, bút ký chính trị cuả Nguyễn Khải tung ở trên Internet, chuyện cán bộ tha hóa, báo chí đã nói quá nhiều rồi, noí mạnh mẽ. Vì chuyện “thời sự” của Đất trời vần vũ không thể làm “nóng” các diễn đàn như tác giả mong muốn (?). Có thể là do bức xúc cá nhân mà tác giả hóa thân vào tác phẩm để lên tiếng nói phê phán hiện thực. Chẳng hạn chuyện giáo dục. Vì lý do riêng Nguyễn Một đã bỏ nghề dạy học (trước đây Nguyễn Một dạy học- tr.177), nhưng nếu tất cả thầy cô giáo đều vì chán mà bỏ dạy thì đất nước này sẽ thế nào? Chỉ một lời nói của em bé với người tù cải tạo mà anh thóa mạ cả nền giáo dục của miền Bắc (tr.121), anh ca ngợi người tù cải tạo miền Nam! Điều ấy là không công bằng. Tôi nghĩ tác giả hoàn toàn có quyền đưa ra ý kiến chủ quan của mình. Tuy nhiên, nếu chỉ qua lời một em bé (trẻ con chưa có ý thức chính trị) mà phủ định mọi giá trị của nền giáo dục miền Bắc, người đọc sẽ phải hoài nghi thái độ diễn ngôn của tác giả.
Người đọc còn tìm thấy nhiều phát ngôn của Nguyễn Một về nhà thơ (tr.174), về Bùi Giáng, về “văn học khai khẩn “(tr.199), “tính đặc thù” của miền Đông gian lao mà anh dũng (tr.14), những câu triết lý về cuộc đời, chẳng hạn:” biết bao cuộc chiến tranh trên thế giới này vì người đàn bà “(164)’ hoặc, “chỉ cần họ tin có thần thánh, cho dù điều đó có tồn tại hay không thì thần thánh và linh hồn cũng giúp con người sống tốt hơn em ạ”(tr.233), những điều như vậy chưa đủ sức nâng tầm tư tưởng của tác phẩm.
Những yếu tố kiến tạo tác phẩm như kể truyện theo hai tuyến song song, thế giới song song, không phải là sáng tạo của riêng Nguyễn Một. Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm (1989) trước đó đã có cấu trúc hai tuyến song song ngược chiều, và phim Vùng đất của thủ lãnh rồng (Land of the Dragin Lord-Úc-2006) đã miêu tả thế giới song song của khoa học viễn tưởng (xem: http://hdonline.vn/).
HY VỌNG Ở NHÀ VĂN TRẺ
Nếu đọc truyện ngắn và bút ký của Nguyễn Một, so sánh với Đất Trời Vần Vũ, người đọc sẽ nhận thấy anh đã có một bước tiến khá dài và đáng trân trọng. Viết một tiểu thuyết 40 chương, 344 trang, quả là công việc lao động tổn hao nhiều sức lực và tâm huyết. Anh muốn tác phẩm của mình chuyên chở được những vấn đề lớn của một thời. Anh cũng đã mạnh dạn thử nghiệm nhiều kiểu bút pháp của nghệ thuật hiện đại. Những giá trị đích thực của văn chương anh sẽ tồn tại lâu dài, cùng với sự đóng góp của anh làm phong phú văn chương Đồng Nai là điều rất đáng mừng. Qua Đất Trời Vần Vũ Nguyễn Một đã thể hiện một khả năng dàn dựng tiểu thuyết có tầm vóc lớn. Văn chương của anh đã trau chuốt hơn, có chất Văn hơn, ít phô trương “cái tôi” hơn (mặc dù chất tự truyện vẫn còn rất rõ - chương 21). Nhiều chương anh viết rất sinh động, hấp dẫn, đã lộ ra cốt cách của một ngòi bút có những phẩm chất tiên phong. Anh viết những trang văn hào sảng về thế giới song song, bút lực của anh mạnh mẽ khi anh dựng lại chuyện lịch sử “không ghi trong sách sử”.
Tôi nghĩ rồi đây anh sẽ vượt lên để viết những tác phẩm có tầm vóc hơn về dung lượng phản ánh hiện thực và đề cập đến những vấn đề chính trị, tư tưởng lớn của đất nước này, nếu anh vẫn giữ được bản lĩnh và phong độ viết như khi viết Đất Trời Vần Vũ.
Tháng 12/2009
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...