Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Ở nơi băng tuyết

Ở nơi băng tuyết

Một đêm mùa hè năm 1990…
Biển đêm thật yên tĩnh. Trăng soi những ánh bạc lấp lánh vô tận. Ước gì cuộc đời lúc nào cũng mênh mang thanh thản như biển muôn trùng. Ngoài kia muôn nghìn đốm lân tinh nhấp nháy. Ấy là ánh sáng của hàng vạn sinh linh reo vui trên biển, vì hiếm khi những ánh sáng ấy sống còn được khi biển động. Ban ngày biển chẳng còn chút ánh sáng nào. Mặt trời, nắng, gió và sóng biển, tất cả sẽ vùi dập cuồng nộ những gì trên biển. Ánh sáng lặn vào lòng biển sâu, thế giới của bóng tối và giá băng.
Đêm nay, đêm mượt mà, nhảy múa những vũ điệu hoa đăng. Thu đắm mình trong sự vuốt ve của gió, sự mơn man của sóng biển rì rào và sự mênh mang của thời gian và không gian. Giờ đây, chỉ có biển, bầu trời, trăng sao và bãi cát phẳng lặng, và gió reo vui những giai điệu ru êm. Bên kia đại dươn, một nơi rất xa, đó là nơi hàng ngày Thu sống và làm việc. Nơi ấy là xứ xở băng tuyết, chỉ có lạnh lẽo cô độc. Mỗi linh hồn là một ốc đảo lênh đênh, vô vọng, tuyệt không một bóng hình thương yêu, tuyệt không một chút tình, một hơi ấm thiết. Đêm nay, Ở giữa đất trời quê hương và bè bạn, Thu mới thấy quý cái tình quê chấp chới trong lòng. Cuộc đời, tâm hồn Thu có dịp được soi lọc trong cái thanh khiết của quê nhà, trong một không gian đầy ánh sáng, với sóng, nước và gió, lồng lộng hương biển, đậm đà thơm tho.
Thu vẫn nhìn biển bất động. Một người bạn lay tỉnh:
- Thu mơ mộng gì vậy!
Thu lơ đãng:
- Mình đang ngắm biển. Biển ban đêm đẹp hơn biển ban ngày nhiều. Suốt ngày nay bọn mình đã đi chơi với biển, nhưng là với nắng, sóng và gió. Các bạn có thấy biển đêm lấp muôn nghìn ánh hào quang không. Đấy là hào quang của mỗi người chúng ta đó.
Anh bạn thi rớt Đại học, giờ làm tiếp thị:
- Lạng mạn vừa vừa thôi Thu ơi! Chỉ có ánh sáng của Thu là lấp lánh, còn bọn mình là bóng tối. Thất nghiệp, sống vật vờ như rong rêu trên biển thì bọn mình làm sao lấp lánh được.
Thu vẫn thả hồn với biển đêm:
- Các bạn cũng đang lấp lánh đấy chứ. Phải sống trong hòan cảnh khốn khó mà các bạn vẫn trụ được, thì đấy là ánh sáng. Ánh sáng ấy lấp lánh hơn nhiều lọai ánh sáng vật chất. Ánh sáng của mỗi cá thể, tồn tại duy nhất trong đời này.Các bạn cứ nhìn kỹ ngòai biển mà xem, muôn vàn màu sắc khác nhau…
Anh bạn thất nghiệp đùa:
- Chừng nào tụi này xài tiền Đô, uống rượu Tây, đi xe Camry, thơm tho và mũm mĩm như bạn thì tụi này sẽ nói đến cái thứ ánh sáng mà bạn đang triết lý. Bọn mình, đứa đi phụ hồ, đưa chạy xe ôm, đứa đi tiếp thị, có đứa làm rẫy, cũng có đứa bon chen được vào làm chỗ này chỗ kia, nhưng nhọc nhằn và cay đắng đủ điều. Ngòai biển, chỉ có bóng đêm đen, những oan hồn chết chìm, và sự quên lãng. Bạn có biết bao nhiêu người chết chìm ngòai khơi không? họ đem khát vọng của họ xuống đáy biển trong sự kinh hãi và tiếng kêu tuyệt vọng. Hãy để họ yên nghỉ!
Thu lại triết lý:
- Chết trong lòng đại dương mênh mông ánh sáng cũng thích lắm chứ, còn hơn phải sống trong băng tuyết lạnh lẽo, cô độc nơi xứ lạ quê người.
Anh bạn si tình xối một gáo nước lạnh:
- Thế tại sao bạn lại đi nước ngòai và sống ở bển? Tại sao tớ thương bạn đứt ruột, nhưng bạn cứ dứt áo ra đi? Không có vợ tớ cứu vớt! Chắc giờ này tớ đã ở giá! Mà không phải có mình tớ, nhiều người khác đeo đuổi bạn, vậy mà bạn cắt đuôi cái rẹt, lên máy bay bay, dông thẳng? Tội ngiệp mấy cái đuôi giãy đành đạch.
Cả bọn ôm bụng mà cười. Thu cười thành tiếng, giòn tan và ngọt ngào:
- Có vậy bây giờ Thu mới ngồi đây với các bạn, mới thấy hết cái hạnh phúc của ngày xưa và của bây giờ.
Anh bạn tiếp thị :
- Xạo rồi. Thu ngày xưa khác, bây giờ khác. Ngày xưa Thu là cô bạn kiêu ky, diễm lệ, còn bây giờ Thu là bà đầm Tây. Dân Tây làm gì có tình có nghĩa. Nếu ngày xưa tớ đi học tiếp thị trước khi gặp Thu, tớ đã có cách biến bạn thành khách hàng của tớ, đâu đến nỗi phải ôm sầu đúng năm phút từ khi bạn giũ áo ra đi mà không làm tiệc đãi bạn bè! Giờ thì…
Thu cười trừ:
- Đúng là ngày xưa Thu bỏ các bạn mà chạy. Một phần vì vội vàng, một phần sợ các bạn níu kéo không cất cánh được. Thu bây giờ vẫn là Thu ngày xưa, vẫn kiêu kỳ vẫn cho những người đeo đuổi leo cây nhưng lại leo cây với người không đeo đuổi, thành ra vẫn có những cái mà chẳng bao giờ mình với tới được.
Nhóm bạn ồn ào:
- Hay bạn mơ giàu cỡ Billgates?
- Hay bạn muốn nổi tiếng như bà Hillary Clinton?
- Hay để đời tai tiếng như công nương Daiana?
- Hay làm bộ mất tích để dư luận xôn xao như cô người mẫu nào đó?
Một anh bạn làm thơ :
- Thôi rồi còn chi đâu Thu ơi!
“Ước gì được rờ ngón chân
Thu xưa, đời tớ xoay vần dở dang
Gặp Thu tớ cứ bàng hòang
Đuôi nòng nọc đứt, ngỡ ngàng kiếp trai...”
Cả bọn lại phá lên cười.
Hay! Tuyệt vời! Trên cả sự tuyệt vời!..Si tình đến thế là cùng!
Câu cuyện cứ râm ran trong đêm, chốc chốc cả bọn lại phá lên cười. Thu là cái đinh để mọi người móc vào đó cái áo khoác những nỗi niềm của mình. Lâu lắm rồi họ lại mới có dịp được thổ lộ, được bông đùa và bày tỏ những ý nghĩ thầm kín của mình với Thu. Mỗi người thể hiện sự chân tình bằng những cách khác nhau. Có điều bây giờ họ nhìn về ngày xưa, như một người khách lạ nhìn lại mình thời trẻ con.
Anh bạn si tình:
 Này Thu ơi, bạn nói cho bọn mình biết tại sao ngày xưa bạn ra đi mà không cho tụi mình biết không?
Thu ra đi gấp gáp, kín đáo, vụng trộm, như trốn chạy chính thực tại số phận mình, trốn chạy những mặc cảm âm thầm không sao thóat ra được.
Sau khi rời trường phổ thông, Thu lên Sai gòn học luyện thi Đại Học. Nỗi cay đắng cứ gặp nhấm khôn nguôi. Điểm thi của Thu chỉ đủ đậu Tú Tài. Thu trượt mất danh hiệu tiên tiến, mất cả niềm tự hào. Gia đình muốn Thu trở thành bác sĩ Y Khoa, nghề này lắm tiền. Thi vào Y Khoa rất khó, Thu phải đi luyện thi. Thu chẳng chia tay với ai, sau lưng là bao nhiêu ngậm ngùi. Có một mối tình dấu kín trong tim nhưng không sao nói thành lời. Cũng có nhiều mối tình lăng nhăng khác, những cuộc vui chơi, những tìm kiếm khát khao, nhưng sau những cuộc vui là sự trống vắng, vô vị. Mới biết lòng mình không thể khác. Kỳ thi Đại học năm ấy Thu rớt, tương lai vô vọng. Lấy đâu ra tiền ăn học. Chẳng thể nào vào được Y Khoa. Người ta xét tuyển Y Khoa theo lý lịch. Thu cứ quanh quẩn. Có một anh bạn rất si mê Thu. Si mê đến tội nghiệp. Anh ta cứ quấn lấy Thu, mua sách cho Thu học, lo lắng đủ điều. Nhưng anh ta lại không biết rằng Thu không cảm được cái tình của anh ta, không thương được những lo toan của anh ta và không thể gắn bó gì được với số phận anh ta. Bởi vì anh ta chỉ là con số không tuyệt đối bên cạnh một con số không tuyệt đối khác là gia đình Thu.
Lúc ấy gia đình Thu đang chìm đắm trong thảm cảnh. Nguồn sống của gia đình trông chừng vào mấy miếng rẫy mì, rẫy khoai. Mẹ Thu đi buôn hàng chuyến. Cái thời ngăn sông cấm chợ. Buôn bán khó lắm. Mang vài bao đậu hay bao bắp phải có giấy đóng mộc hẳn hoi, nếu không là bị bắt ngay. Đi hàng chuyến muốn có ăn phải đi lậu. Muốn lậu được phải có lơ xe, tài xế che chắn, dấu hàng, lo lót cảnh sát. Mà muốn được che chắn phải có quan hệ rộng. Mẹ Thu có chút nhan sắc trời cho nên đi đâu cũng có người giúp đỡ. Nhưng chẳng rõ mẹ Thu quan hệ thế nào.
Chỉ biết rằng ông bố Thu rất căm. Ông căm và uất lên. Vì ông bất lực. Ông không nuôi nổi vợ con. Ông không giữ được vợ. Ông căm cuộc đời, vì ông sống lương thiện quá, chẳng giao tiếp với ai chỉ ẩn nhẫn, hy vọng ở hiền gặp lành. Thế nhưng chẳng bao giờ cái lành xuất hiện, ông bị hòan cảnh trói tay. Ngày ngà , ông cặm cụi cuốc đất. Cuốc chán, ông ngửa mặt kêu trời. Nắng soi những giọt nước mắt lấp lánh trên hõm má của ông. Bữa ăn chỉ có mấy đọt rau lang luộc chấm với nước tương và cơm độn khoai, sắn hay bo bo. Đôi khi vài con cá biển đã ươn. Đó là khẩu phần dưới chuẩn của lòai heo; Ông mặc áo rách, hút Thuốc rê, ở nhà chòi, làm bạn với cắc kè, với chim chóc nơi khỉ ho cò gáy.
Ông sinh ra uống rượu và chửi bới vợ con. Ngồi trước mâm cơm độn khoai lang và đĩa rau luộc, Ông dằn mạnh ly rượu, nước mắt trào ra. Những lúc như thế, mắt ông gờm gờm, môi ông cắn chặt, hai cánh tay chống xuống đùi, cổ vươn về phía trước, uất hận nhìn vào quãng không, trông rất đáng sợ.
Thu đi học về, thấy thế, vội nép vào vách đi ngay vào nhà sau. Mẹ không có ở nhà, ba uống rượi một mình, hèn gì cơn uất của ông bùng lên không kềm chế được. ”Ăn một mình đau tức, làm một mình cực thân“. Một mình bao giờ cũng buồn và tủi. Phải chi có mẹ ở nhà, chắc ba không đến nỗi. Nhưng mẹ ở nhà thì cả nhà cạp đất mà sống được sao. Ba lao động, mẹ đi kiếm sống, mỗi người một tay một việc, tại sao ba lại uất ức. Ba hẹp hòi quá.
Nghĩ lại, Thu cũng thấy tội nghiệp cho ba. Con người ấy cũng có một thời mộng đẹp. Một thời đèn sách thư sinh, ước mơ bảng vàng bia đá và xấy đắp bao nhiêu mộng đẹp ở tương lai. Nhưng cuộc sống đổi thay. Sự đổi thay ấy là nỗi dày vò bất đắc chí của ba. Con người không thể một sớm một chiều có thể quên quá khứ và thích ứng được với điều kiện sống trái ngựợc. Một anh sinh viên dở dang, về cầm cuốc, cuốc mấy vồng đất trồng mì trồng khoai, có khác chi cuốc đất mà vùi chôn chính đời mình. Ba hay hỏi Thu vậy.
Chẳng biết tai ông nghe được những gì. Người ta nói đủ điều eo xèo về vợ ông. Có lần phẫn chí quá, ông mua một can xăng, đem về rưới chung quanh căn chòi rồi bật quẹt châm lửa đốt. May mà mọi người can ngăn kịp. Nếu không, chắc cha con đi ăn mày. Lúc ấy Thu sợ hết hồn.
Ông thường dằn giọng: Chúng mày đi học để làm gì? Học cho lắm rồi về cuốc đất, ăn rau lang với bố để làm con lợn. Chúng mày không thấy bao nhiêu thằng chỉ lớp hai lớp ba mà giờ làm ông này ông nọ hay sao. Thời buổi không cần học, chỉ cần lý lịch. Thằng bố chúng mày ăn học lắm vào giờ thì nhục nhã cuốc đất, và làm con lợn. Đời bố mày bây giờ là đời con lợn! Vứt hết sách đi. Ông bưng lấy mặt, khóc hu hu!
Thu không nghĩ như bố, cũng không thể sống như bố. Phải thóat khỏi cái đời ăn lông ở lỗ. Không thể sống bầy hầy như lợn, ăn dưới mức chuẩn của lợn. Thế giới người ta đã lên được mặt trăng vậy mà xung quanh, Thu thấy người ta vẫn cầm cuốc, đầm mình dưới nắng lửa mưa dầu, kiếm sống như con gà bươi rác. Lề đường, sân trường học, sân công sở, đều được cuốc tung lên để trồng lang. Ngòai đồng, con người kéo cày như trâu, làm gì có máy cày, máy gặt. Họ thi đua sản xuất khoai lang, khoai mì, rau, bắp… những thứ cho lợn ăn. Vậy mà người giành lấy để ăn. Sống như thế, bao giờ con người mới có thể làm người!
Ở thành phố, Thu vẫn thấy mọi người sống phây phây, vẫn đi xe hơi, xây nhà lầu, du lịch nhộn nhịp, ăn nhà hàng, quần áo mốt. Thế có nghiã là cuộc đời này đâu có cấm cửa nhà ai. Anh cứ nhảy vào mà giành lấy cuộc đời, Nếu có tài, anh cũng sẽ được như mọi người. Còn bất tài, Thua thiệt, anh đừng có kêu trời. Của đời vẫn ê hề đấy, mọi người vẫn đang ra sức giành giất đấy, anh cứ nhảy vào đi, cứ thử sức đi, mạnh được yếu Thua, không giành giật, chờ sung rụng, thở than nào có ích gì. Phải hành động, đừng tự chôn vùi mình, phải tự giải phóng chính mình khỏi những trói buộc tự thân, phải biết phát huy cái thế mạnh của chính mình, nương theo thời cơ mà bay lên. Thời thế thay đổi thì phải đổi thay theo thời thế. Không nương theo gió làm sao con diều bay bổng, không gối lên sóng, làm sao con Thuyền ra khơi. Thu thấy mẹ có lý. Trời cho mẹ có nhan sắc, mẹ biết dùng nhan sắc ấy để sống. Mẹ vẫn đi đây đi đó, vẫn giao tiếp vui vẻ với mọi người, vẫn có quần là áo lượt như ai, vẫn có miếng ngon miếng ngọt. Chẳng bao giờ Thu thấy mẹ khóc, môi mẹ vẫn hồng, nụ cười vẫn tươi. Chỉ có bố là cam chịu, nuốt tủi nhục vào dạ dày, trong dạ dày ấy lổn nhổ những thức ăn của heo.
Thu không tìm thấy con đường nào cho riêng mình. Thu không là con ông cháu cha thì không thể tiến thân bằng lý lịch. Nhà nghèo mạt rệp lấy gì ăn học để thăng tiến, mà có ăn học thì cũng như bố mà thôi. Chỉ có một con đường duy nhất là bỏ nước ra đi. Ở đâu sống được thì đó là đất lành. Trái đất này là của chung nhân lọai.
Thu thấy tất cả những ai là việt kiều, họ đều có cuộc sống sung sướng. Ở nước ngòai về, họ xài tiền Đô rủng rỉnh, ai cũng trọng vọng. Qua cửa khẩu, chỉ dúi vào tay nhân viên 10 Đô là vui vẻ. Muốn ăn gì cũng có, muốn chơi đâu cũng có người phục vụ tận tình, hóa ra người ta vui vẻ phục vụ Dollar. Thu phải đi. Phải lấy chính cuộc đời mà trả giá cho cuộc đời, được lời thì ăn. Đời, xét đến cùng cũng chỉ là kiếm ăn. Có ai trên đời mà không ăn! Vứt bỏ những mặt nạ mà sống thực với đời. Những cái bảng hiệu rất to chỉ để quảng cáo. Đời là gì? phải sống trước đã, sống cho ra con người đã.
Thế là Thu quyết định. Một quyết định có ý nghĩa nổi lọan, hay nói bông đùa, đó là một cuộc cách mạng với số phận Thu, thay đổi cái thế giới Thu đang sống, thay đổi bản chất của Thu. Thu quyết định làm đám hỏi với Lâm để đi du học.
Đó là một anh chàng Việt kiều đang học năm cuối, sắp ra trường. Lâm về nước nghỉ hè và thăm thân nhân. Thu chớp thời cơ ngay. Thu tận dụng lợi thế về nhan sắc của mình như mẹ đã từng nhờ vốn quý ấy mà trót lọt trong những chuyến đi hàng. Một lần tình cờ gặp gỡ, Lâm phải lòng Thu ngay từ những phút ban đầu. Vài lần đi dạo, vài lần ngồi quán cà phê, Lâm biết rằng mình đã không thể thiếu Thu được.
Một năm sống, sinh họat ở thành phố, Thu đã trở thành một cô sinh viên năng động. Thu lại là người thông minh, sắc xảo trong giao tiếp, và giữ được nét hồn nhiên nghịch nghịc học trò. Lâm chóa mắt trươc vẻ đẹp trẻ trung nhưng đằm thắm hương đồng nội của Thu. Anh đã quá sợ những cô gái trời Tây thực dụng. Anh muốn tìm vợ ở quê hương. Vì thế đám hỏi với Thu được tổ chức rất nhanh. Thu không nghĩ ngợi gì. Cái mục đích đi nước ngòai đã xóa sạch mọi ý nghĩa về hôn nhân. Đơn giản, Thu nghĩ rằng, cứ làm đám hỏi để đi đã. Hợp thì sống với nhau, không hợp thì chia tay, chuyện nhỏ thôi.
Đám hỏi diễn ra âm thầm. Thu không báo cho bạn bè nào biết. Gia đình Lâm nhờ ông chú họ chủ trì lễ hỏi ở Saigon. Cha mẹ Thu cũng không muốn mọi người biết chuyện. Lúc ấy, cưới hỏi Việt kiều thủ tục rắc rối lắm. Chỉ có hai gia đình ngầm thỏa Thuận với nhau. Quyền quyết định là ở Thu. Bố mẹ Thu thì vui vẻ ra mặt. Có con rể Việt kiều là một điều tuyệt diệu. Ông bà còn yên trí vì con gái sắp được du học, ở nhà chồng tương lai, không còn phải lo lắng điều gì. Học xong là có chỗ làm, có nơi nương tưa sẽ ở lại nước ngòai. Rồi Thu sẽ gửi tiền về, sẽ bảo lãnh ông bà đi… Con gái bao giờ cũng lo cho bố mẹ hơn. Có con trai là vô phúc! Thằng nào cũng chỉ biết hầu vợ con.
Đám hỏi do người lớn làm, không có mặt Thu. Chưa có cảnh mặc áo cô dâu, cảnh chú rể đeo nhẫn cho vợ tương lai. Cả hai bên cảm thấy chưa vội vàng gì, ít ra Thu còn học 4 hoặc 5 năm nữa. Lâm là con út trong gia đình, sự Thu xếp như vậy là tốt đẹp. Thu sang Đức du học, ở tại nhà Lâm, ông bà sẽ chăm sóc Thu như con. Khi Thu học xong thì về Việt Nam làm đám cưới.
Trong khi mọi người hân hoan ra mặt thì Thu thờ ơ. Thu không cần biết tương lai sẽ thế nào. Điều quan trọng đối với Thu bây giò là chờ vé máy bay để đi.
Vé máy bay, chỗ ăn chỗ ở đã có Lâm lo sẵn. Các anh Thu gom góp cho Thu được 700 USD làm tiền tiêu vặt. Thu cố hình dung xem nơi mình sẽ đến là thế nào, tranh thủ thời gian học tiếng Đức, chuẩn bị tất cả cho cuộc đổi đời. Tội nghiệp, hôm trước ngày Thu lên máy bay, anh bạn si tình đến nhà Thu ở suốt ngày, bộ mặt như đưa đám. Anh ta bảo, nếu Thu đi, thì nhất định anh ta không rời khỏi nhà Thu. Cả nhà cảm động vì cái tình của anh ta, nhưng cả nhà bực mình vì anh ta khờ quá. Anh ta chẳng có gì để giữ Thu. Hai bàn tay thư sinh non nớt vừa tốt nghiệp phổ thông, không tiền, không nghề ngỗng, không tương lai, vậy anh ta lấy gì mà đánh đổi lấy số phận Thu.
Ngồi trên máy bay rời Việt Nam, Thu thấy lòng vui như mở hội. Ước vọng đổi đời đã thành hiện thực. Con chim nhỏ giờ đã tung đôi cánh chấp chới trên bầu trời mênh mông. Ở trên cao, không gian rộng mở, con người thấy dễ chịu hơn, thóang đãng hơn, tầm nhìn và tầm suy nghĩ cũng cao rộng hơn. Nghĩ lại những ngày đã qua, cuộc sống nương rẫy, tối ngày chỉ cắm mặt xuống đất, tầm nhìn trong khỏang hai bước chân. Cái đầu chỉ quay quay lo đói. Xin giã từ cuộc sống ngô khoai. Xin vẫy tay chào một chân trời rực rỡ ánh sáng, Xin hát ca cuộc đời này, hát ca cho những chọn lựa và quyết định không ngoan của mình. Kể ra cuộc đời Thu có số may mắn. Cái may mắn nhất là có nhiều người yêu mến. Ai cũng sẵn lòng giúp Thu, họ yêu Thu thật lòng.
Mà biểu hiện là tình yêu của Lâm, hành động của Lâm, sự chăm sóc của Lâm. Lâm về Đức trước, anh đón Thu ở phi trường. Anh yêu Thu hơn bao giờ. Thu còn bé bỏng, lạ nước lạ cái, xứ lạ quê ngưới. Anh cảm thấy thật vui, thật vinh dự khi thấy mình từ đây có trách nhiệm với Thu. Cuộc tình rồi đây sẽ bao nhiêu mộng đẹp, tương lai đang mở ra bao nhiêu triển vọng. Thu ở nhà Lâm. Bố mẹ Lâm thương yêu Thu như con ruột. Họ chăm sóc và chiều chuộng Thu. Lâm cũng đối xử với Thu rất tốt.
Thế nhưng cuộc sống của Thu không phải là không có khó khăn. Lâm lúc đó chưa ra trường, anh đâu có tiền. Bố mẹ Lâm dù rất yêu quý Thu, nhưng ông bà cũng đâu có tiền. Thu cần tiền để đi học tiếng Đức, để đóng bảo hiểm. 700 USD anh cho không đủ tiêu vặt và mua áo lạnh. Mùa Đông ở Đức lạnh kinh khủng. May còn nhờ được ông anh của Lâm. Anh ta có một hãng Computer, lại là người tốt giúp đỡ. Nhưng chẳng lẽ cứ ở không ngửa tay ra mà nhận sự bố thí của người khác, bao nhiêu là nhu cầu.
Chỉ một thời gian ngắn, Lâm ghen với ông anh, không cho Thu nhận bất cứ thứ gì của ông anh. Thu trơ trọi giữa mọi người, nhưng lại bị vây bọc trong cái tổ kén vị kỷ hờn ghen của Lâm. Anh ta không cho Thu giao tiếp với bất cứ ai. Có chỗ nhận Thu vào làm việc, anh ta cũng không cho Thu đi làm. Hắn ghen đến bệnh họan. Thậm chí Thu viết thư cho bạn ở Việt Nam, thư chưa kịp gủi, hắn cũng lẻn vào phòng lấy thư, cất thư của Thu đi, bỏ thư của hắn vào và gửi. Hắn cám ơn bạn trai Thu đã săn sóc Thu lúc cô còn ở nhà, nhưng nói với bạn đừng liên lạc nữa. Bạn trai Thu ở Việt Nam nhận được thư, thầm nguyền rủa Thu vô tình, có lẽ cô nàng sợ bạn bè nhờ vả!.
Cuộc sống trở nền bi thảm, buồn bã, cô độc. Những lúc được gọi điện thọai về Việt Nam, Thu không dám khóc sợ ba mẹ buồn, nhưng khi cúp máy thì Thu nức nở, không ngăn được sự buồn tủi. Đã có lần Thu khóc ngay trên máy làm cho ba mẹ hỏang hốt. Nhiều khi Thu đi giữa trời Đông giá lạnh, bước chân vô vọng, không biết mình đi đâu. Nỗi nhớ nhà và sự cô đơn giày vò không tưởng tượng nổi .
Bây giờ Thu mới thâm thía thân phận con người. Một thân một mình, thân gái dặm trường, Thu muốn bay ngay về Việt Nam, khóc với cha mẹ và nói rằng, con chỉ là đứa con gái yếu đuối, con hết sức chịu đựng rồi, con không thể sống nổi trong sự cô độc lạnh lẽo băng giá như thế này. Thu đã gục xuống gối, nước mặt giàn giụa.
Rồi Thu lại vùng dậy. Không thể chết khô héo từng ngày. Mình sang đây để làm gì? Tại sao lại giao tất cả cuộc đời mình vào tay một người khác? Thu suy nghĩ để tìm một con đường.
Có một lần, bước chân phiêu bạt đã đưa Thu tới nhà một người bạn. Tưởng gặp được người có thể chia xẻ những nỗi niềm. Nào ngờ anh ta toan lợi dụng tình cảnh cô độc của Thu. Người ta chỉ muốn ăn tươi nuốt sống Thu, chỉ muốn chiếm đọat Thu làm của riêng và coi Thu như một thứ đồ vật để cất giữ. Thu muốn sống cuộc sống của chính mình, cuộc sống do mình chọn lựa, cuộc sống tự tay mình xây đắp nên, một cuộc sống đúng nghĩa là cuộc sống con người. Nhưng con người, một con vật bất tòan. Lâm Tốt như thế, nhưng hắn là con vật vị kỷ. Anh trai của Lâm cũng là người tốt, nhưng anh ta không được quyền tốt với Thu. Giữa nơi xa lạ, không có con đường thoát ra, Thu quay về với Lâm.
Sau đó Thu đậu vào Đại học ở Berlin. Thi vào Đại học ở nước ngòai không khó như ở Việt Nam. Thu khăn gói lên Berlin trọ học và đi làm kiếm sống. Không lệ Thuộc vào gia đình Lâm nữa. Những năm đầu, có lúc làm ở bank, có lúc làm ở Hãng đóng gói, có lúc làm ở Hãng sản xuất đồ y tế, tất cả đều là những công việc tay chân, vất vả quá sức mình. Xưa nay Thu chưa phải làm việc nặng bao giờ. Nhưng để sống, Thu học cách chịu đựng, sống âm thầm và cứng cỏi. Cố quên thân phận tù đày để hướng về tương lai. Từ năm tứ ba, Thu đã xin được việc làm ở một hãng Software, phù hợp với ngành học, cuộc sống đã dễ thở hơn. Đôi khi còn có tiền để dành gửi về nhà.
Biển vẫn lấp lánh muôn ngàn ánh quang. Những con sóng rất nhỏ, đem theo hơi biển, ánh sáng và tiếng thì thầm. Nhóm bạn lặng người đi khi nghe Thu kể chuyện du học. Họ không ngờ đó là con đường khốn khó. Họ tưởng Thu mơ trời Tây rực rỡ hào quang và ham Việt Kiều bỏ rơi họ.
Một anh bạn khơi động:
- Thu ơi, sau 15 năm luân lạc đất khách quê người, về Việt, Thu nghĩ gì?
Thu nhỏ nhẹ:
- Thu thấy mình trưởng thành hơn. Trước kia, thấy Việt kiều là Thu ngưỡng mộ lắm. Còn bây giờ, rất nhiều người Việt Nam ở nước ngòai làm những việc hạ tiện, những việc phi pháp, tận mắt Thu nhìn thấy, Thu không còn phục Việt Kiều nữa. Ở nước ngòai làm móng chân móng tay, làm Nail, một công việc bị coi thường nhất, vậy mà khi về Việt Nam, những người ấy lại hót lên những khúc ca vinh quang, đi đâu cũng vênh mặt lên, giả dối hết sức. Ở Việt Nam bây giờ nhiều người giàu hơn cả Việt Kiều, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiễu nhương nhiều quá.
Một anh bạn gạt phắt đi:
- Bỏ qua chuyện cuộc đời đi! Bỏ chuyện đại sự đi. Bọn tớ hôm nay theo Thu đi chơi là vì Việt kiều đấy! phải bỏ công ăn việc làm, bỏ cả vợ con ở nhà. Đi chơi như thế này thì treo niêu. Đi chơi về còn phải viết kiểm điểm với vợ nữa. Nàng đay nghiến bằng thích. Này nha: đi chơi với người tình cũ, sướng chưa, người ta là Tây, là Đầm, là Việt kiều, còn con này chỉ là gái già xó bếp. Ấy Thu bảo bọn tớ nói sao nào?
Thu cảm cái tình của các bạn:
- Thu biết các bạn tốt nghiệp Cao Học về nói dối vợ. Ở Việt Nam thì thế. Thu ở Đức, mỗi người một cuộc sống, thích thì sống chung, không thích thì mặc. Có khi cả tuần không nhìn mặt nhau, không nói với nhau một lời.
Anh bạn có vợ là một gấu mẹ vĩ đại kêu trời:
- Oái giời ơi! Tớ mà im lặng à! thì con vợ tớ nó vặn họng ngay: anh câm à, anh ăn phải bả con nào mà về nhà im thin thít như ngậm hột thị hả! Anh có muốn tôi lôi anh ra đường tôi chửi không. Ấy! Ấy! Đại thể là thế, đừng có mà mặt trăng mặt trời. Đi chơi về là phải săn đón, phải quà cáp, phải ngọt nhạt, phải lăn vào bếp mà phụ nàng, còn phải tắm cho con, cho con ăn, bò ra bếp mà giặt giạ nữa, may ra mới yên thân.
Cả bọn cười bò. Một bạn hỏi có vẻ nghiêm túc:
- Thu có định về Việt Nam làm ăn không?
- Thu viết phần mềm cho hãng Computer, chương trình bán cho các nước Tây Âu. Hãng cũng đang tìm cách vào Việt Nam.
Một bạn nhiệt tình:
- Thu cứ về mở công ty, gọi chúng tớ vào làm nhân viên, chừng nào phá sản thì bay về Đức, để chúng tớ giải thể công ty cho. Ở Việt Nam mà lập công ty ma, công ty lừa thì phất to.
Thu lảng tránh:
- Nói thực với các bạn, chuyện làm ăn thì để ông xã mình lo. Mình đi làm vì mình thích đi làm, thích tự do.
Một người ngạc nhiên:
- Ông xã của Thu là người bảo lãnh Thu đi du học phải không? cái anh chàng Lâm tốt số chứ gì?
- Không phải, Thu chia tay với anh chàng Lâm, sau đó chừng một năm thi lấy ông xã bây giờ?
Một anh bạn ngâm nga:
- Uổng công xúc tép nuôi cò,
cò ăn cho lớn cò dò lên cây.
Cõng nàng đi học bên Tây
Bị Tây nó cõng.
Đứng ngây mà nhìn! Hu Hu!
Cả bọn phá lên cười. Anh bạn xi tình nguyền rủa:
- Không ngờ Thu lại là một con người tệ bạc như vậy! Tệ bạc như đã từng tệ bạc! Huhu! Trời ơi! Trời! Tại sao có lúc tôi lại si mê sự tệ bạc ấy? Lại khổ sở vì con người tệ bạc ấy? Một nỗi khổ sở dịu dàng cứ quấn lấy trái tim ngây thơ của tôi! cò ơi là cò …
Thu có vẻ hơi sượng, nhưng vẫn bình tĩnh:
- Các bạn trách Thu cũng đúng thôi, nhưng Thu có chân lý của mình. Nói cho cùng, sống ở đời là đi tìm chân lý. Thu có một chân lý này để Thu nói cho các bạn nghe, Thu chẳng tin ai, Thu chẳng yêu ai, Thu chỉ tin mình và yêu chính mình thôi.
- Nhưng Thu bỏ Lâm lấy ông xã bây giờ, thì chân lý là gì? Vì tình, vì tiên hay vì hoàn cảnh?
- Vì quyền tự do của Mình!
Thu nói nhỏ trong tiếng rì rào của sóng biển. Đêm đã lắng sâu bao điều nghĩ suy của cả nhóm bạn. Hình như họ nhận ra một điều. Mỗi người đã đi theo con đường số phận của mình một cách mù quáng. Hạnh phúc hay đau khổ chỉ là ảo tưởng kiếm tìm. Không ai nỡ hỏi cuộc sống riêng của gia đình Thu với ông xã bây giờ. Sự chọn lựa nào cũng có giá của nó.
Chuyện từ chối hôn nhân với Lâm là một quyết định khủng khiếp đối với Thu. Ai cũng phản đố. Lên Berlin học Đại học, Thu thuê nhà trọ ở riêng, không còn phiền lụy gì gia đình Lâm. Lâm cũng lên berlin, Anh ta vẫn theo sát Thu, và tin chắc rằng Thu chỉ giận anh thôi. Lâm tưởng rằng Thu không muốn sống chung với gia đình Lâm là để khỏi mang tiếng. Đó chỉ là vì một tự ái do cách đối xử không được khéo của gia đình Lâm. khi thấy Thu quyết liệt ra đi, anh tôn trong sự chọn lựa của Thu, cũng để Thu thấy rằng anh sẵn sàng vì tình yêu mà chiều theo mọi ý nguyện của Thu. Lâm luôn xuống nước nhỏ nhẹ, năn nỉ, rằng tất cả chỉ vì yêu Thu. Nhưng Thu chỉ im lặng. Lạnh lùng và xa cách dần. Anh ta mơ hồ rằng vực thẳm đang ở ngay dưới chân. Lúc Lâm phát hiện ra Thu có tình với ông xã bây giờ, anh ta cuống lên, như người bị tâm thần. Lâm gọi điện thọai về Việt Nam xin phép ba mẹ Thu cho làm đám cưới.
Ba mẹ Thu hơi ngạc nhiên vì trước đó không nghe nói gì, dự định thì còn xa. Lâm là người tốt, hai bên đã làm đám hỏi, Thu lại ở nhà Lâm, thì việc làm đám cưới cũng là hợp lẽ. Nghe Lâm trình bày vấn đề, ba mẹ Thu đồng ý ngay. Trước sau cũng là dâu con người ta. Đã làm đám hỏi rồi, đã sống chung với gia đình người ta rồi, thì làm đám cưới chỉ còn là thủ tục, cũng là cái lẽ phải làm. Cưới vợ thì cưới liền tay. Ông bà dạy vậy.
Lúc đầu Thu không đồng ý, nhưng ba mẹ gọi điện sang thúc giục, nói đầu đuôi ngọn ngành. Thu thương ba mẹ quá. Lâm bám lấy Thu kỹ hơn. Lâm bảo, nếu Thu từ chối, thì đó là một sự chà đạp lên danh dự của Lâm và của gia đình Lâm, cuộc đời Lâm sẽ không còn gì nữa. Nếu Lâm có gì thiếu sót thì Lâm sẽ sửa chữa. Thu có mủi lòng vì cái tình của Lâm. Nhưng Lâm không phải là đàn ông. Lâm giống đàn bà. Nhỏ nhoi, bần tiện. Anh ta sẵn sàng quỳ mọp để cầu xin ai bất cứ điều gì, cũng sãn sàng giày đạp, tàn nhẫn với bất cứ ai khi mục đích không thành, kể cả bất hiếu với cha mẹ.
Dẫu sao, con người đâu là gỗ đã. Thu thấy Lâm cũng co1` những điểm tốt, yêu Thu thật lòng. Sự đau khổ của anh ta là đáng thương. Danh dự của Lâm và gia đình cần được tôn trõng. Nghĩ lại những bước đầu tiên bỡ ngỡ đến Đức, nghĩ lại từng miếng ăn, giấc ngủ của Thu được cha mẹ Lâm chăm sóc, lại nghĩ đến những lo lắng của cha mẹ đang ở Việt Nam, những ngày nắng mưa cằn cỗi, cha chống cuốc kêu trời và sống bằng khẩu phần của lòai heo, những bước đường long đong nhem nhuốc của mẹ bon chen kiếm sống nuôi con, Thu bồi hồi ngậm ngùi. Tâm hồn chao đảo. Thu đồng ý cho Lâm làm đám cưới.
Không ngờ sau quyết định đó, Thu rất đau khổ. Nghĩ đến việc chia tay anh Đạt (ông xã bây giờ), tâm hồn Thu lại tràn ngập bóng tối. Anh Đạt, ngày thường mạnh mẽ, năng động, giờ ủ rũ như một thân cây chuối bị cháy xém. Có lúc cả Thu và anh Đạt cùng khóc bên nhau hàng giờ, nghẹn ngào không nói lên lời. Bởi hai người đã hò hẹn lấy nhau sau khu Thu học xong. Không ngờ hoàn cảnh lại dẫn đến bước đường như thế này.
Cha mẹ đã trói buộc Thu bằng cái tình cái nghĩa của gia đình Lâm. Với người Việt Nam, đó là đạo lý làm người. Mặc dù bây giờ Thu đã ở riêng, đã đi làm và có thể tự lập, đã không còn phiền hà gì đền gia đình Lâm, nhưng món nợ với gia đình Lâm chưa trả được.
Còn Đạt, anh chưa làm gì được cho Thu. So với gia đình Lâm, anh chỉ là người ngòai cuộc. Bây giờ anh lại chen vào, cướp đi mọi yêu thương và hy vọng của họ. Lương tâm thật đáng cắn rứt. Nhưng anh yêu Thu. Tình yêu thì không thể trói buộc. Tình yêu là tự do, tự nguyện. Tình yêu là mối duyên từ đời kiếp nào. Đó là cái lý của anh. Hình như nó nửa ta nửa Tây. Còn Lâm, anh không đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, ở đời, ta không thể giữ được những gì không Thuộc về mình. Anh đã không hiểu chính mình đã đẩy Thu tới những suy nghĩ thực dụng. Tây mà! Ở nơi này, quyền cá nhân là trên hết, chẳng có gì ràng buộc được Thu. Trong mắt Thu, Lâm chẳng khác gì một kẻ xa lạ.
Khi Thu đồng ý làm đám cưới, Nhà Lâm chuẩn bị quần áo cưới cho Lâm, chuẩn bị vé máy bay cho Lâm và Thu về Việt Nam. Lâm gửi trước mấy ngàn Đô cho ông chú ở Việt Nam chuẩn bị. Không khí rộn lên được một chút. Lâm hí hửng ra mặt. Trông như một đứa con nít mới được cho cái kẹo que mút mát ngọt ngọt, cùng với những cái xoa đầu khen ngoan. Cha mẹ Lâm thì thầm cám ơn trời Phật. Hy vọng Lâm sẽ yên bề gia thất được như mọi người. Bọn trẻ thường nắng mưa thất thường. Chỗ hai gia đình cũng là chỗ quen thân, chắc rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Gia đình Thu ở Việt Nam cũng rộn ràng chuẩn bị cho một đám cưới Việt Kiều. Đám cưới phải thật linh đình, thật sang trọng, thật tưng bừng. Phải làm cho mọi người biết mình là Việt kiều, văn minh, giàu sang hơn hẳn cái dân quê nghèo hèn lam lũ bần tiện tại quê nhà. Đó cũng là một cách kênh kiệu với đơi, bù lại những tháng ngày sống trong kiếp khổ.Tất cả công việc tổ chức đã được cắt đặt. Gia đình Lâm sẽ chịu tất cả mọi khỏan chi phí, kể cả một cuộc du lịch sau đám cưới cho cả gia đình, chia vui với cô dâu chú rể trong tuần trăng mật cho đúng mốt dân Tây. Cũng chẳng đáng bao nhiêu. Chừng hơn chục ngàn đô là dư dả.
Cha mẹ Thu ở Việt Nam lúc đó không hề biết chuyện Thu đã có quan hệ với Đạt. Anh hơn Thu 9 tuổi, người cao lớn, điềm đạm. Tuy không đẹp trai nhưng là người tốt, chín chắn, có nghị lực và bao dung, không vị kỷ như Lâm. Đạt biết chiều chuộng phụ nữ, biết làm cho môi trường sống trở nên dễ chịu và không bao giờ trói buộc Thu trong cái tình yêu tổ kén vị kỷ như Lâm. Thu biết rõ lòng mình. Giữa Đạt và Lâm, ai là người đáng cho Thu chọn lựa.
Dù chọn lựa thế nào, thì sự sống, tâm hồn, số phận Thu vẫn là chính. Thu không thể vì mọi người, vì bất cứ cái gì, hay vì cái sĩ diện hão mà tự chôn vùi cuộc đời mình. Lâm là một nhân cách kém cỏi, mờ nhạt. Sống với một người không tồn tại như Lâm là tự sát. Thu không thể vì sĩ diện của hai gia đình mà để mình rơi xuống vực thẳm. Đạt đã mở ra một con đường tinh khôi trước mặt.
Còn 20 ngày nữa thì đám cưới, Thu quyết định từ hôn với Lâm, Thu bảo Lâm: “Anh thông cảm cho em. Nói thật lòng, Em cảm thấy ghê sợ khi phải sống chung với anh, em không thể chịu đựng nổi chính mình khi chung sống với anh“. Nói xong Thu có cảm giác cất được núi đá đèn lên mình bao lâu nay. Cô như bay lên bằng đôi cánh tự do.
Lâm nghe câu nói ấy, mặt anh nhăn nhúm méo mó. Mắt anh đờ đẫn. Miệng mấp máy không nói thành lời. Anh trân trân nhìn Thu, tất cả mờ dần. Anh không ngờ trái tim mình vỡ tan chỉ trong một phút giây!
Thu gọi điện thọai về nhà kể hết sự tình cho ba mẹ nghe. Cả nhà lúc ấy hỏang sợ, suốt ngày cứ gọi điện thoại qua thuyết phục Thu, phần vì lo Thu ở đây có một mình, sẽ bị Lâm trả thù, phần vì cho rằng Đạt là kẻ xấu, kẻ đã “cướp vợ bạn“ thì không thể là người tốt. Mẹ Thu đã khóc suốt gần một tháng. Anh Thu gọi điện qua mắng chửi Đạt thậm tệ. Chuyện đám cưới với Lâm bị hủy bỏ. Nhưng gia đình cũng cấm không cho Thu quan hệ với Đạt.
Ba mẹ Thu ở Việt Nam phải mang trả lễ đám hỏi gia đình Lâm. Thu không phải đối mặt với sự ê chề ảm đạm của hai gia đình. Nhưng Thu đã bôi tro trát trấu lên mặt bố mẹ của cả hai gia đình. Họ đau đớn, nhục nhã, mang tiếng lắm. Ngày đám hỏi tưng bừng hân hoan bao nhiêu thì ngày trả lễ u uất miễn cưỡng bấy nhiêu. Sáu quả khem phủ khăn đỏ bây giờ có ý nghĩa gì? Sự bội bạc, sự chà đạp danh dự! Cha mẹ Thu phải đích thân đi trả lễ. Mẹ Thu luôn lấy khăn chùi nước mắt. Ông chú của Lâm, mặt tối sầm, rưng rưng ngấn lệ. Họ không biết phải nói với nhau điều gì, vì sự thật phũ phàng đã bày ra đấy. Nói để mà nói. Nói để cho có lời. Nói để cho có tiếng nói của người lớn. Con dại cái mang. Có lúc sự thù hận như muốn bùng lên, muốn nói cho hả dạ, nói cho đau đớn, nói cho ra tình ra nghĩa, băm vằm vào sự bội bạc. Người lớn với nhau sao không biết dạy con, sao lại lừa lọc nhau như thế!
Nhưng người lớn là người lớn, trẻ con không chơi cái trò sĩ diện hão của người lớn. Sự thật như gáo nước tạt vào mặt, phũ phàng, tàn nhẫn, bẽ bàng. Cả hai gia đình đều nuốt hận vào lòng để phô ra ngòai mặt những lời nói, nụ cười trơ trẽn. Nghĩ cho cùng cả hai gia đình chỉ là nạn nhân của bọn trẻ. Họ chẳng có lỗi gì. Người lớn đã làm đũ lễ với nhau. Bọn trẻ ngày nay, sống như Tây. Chúng coi cái cá nhân chúng bằng ông trời, làm gì có tình có nghĩa. Các cụ phải thông cảm với nhau thôi. Noi làm gì những điều không hay nữa, chỉ thêm đau lòng .Âu cũng là căn kiếp nó vậy. Không phải duyên phải kiếp với nhau thì dù có lấy nhau rồi cũng bỏ. Mà bỏ nhau lúc ấy mọi sự sẽ khốn nạn hơn nhiều. Thôi chuyện trẻ con bỏ qua một bên. Chỗ người lớn, giữa hai gia đình, cố mà giữ lấy những thiện ý về nhau.
Đám trả lễ kết thúc trong tẻ nhạt gượng gạo. Cả hai họ đều cảm thấy nhục nhã. Một bên là kẻ bội bạc, một bên danh dự bị chà đạp. Trước mặt mọi người, không có nỗi ê chề nào lớn hơn. Bao nhiêu của cải đồ đạc sắm sanh cho đám cưới giờ để vào đâu! Bao nhiêu tin vui, tin báo giờ làm sao đính chính. Người ta đàm tiếu. Ai bảo ham đám cưới Việt kiều! Ai bảo lấy vợ lấy chồng không xem tông xem giống. Cái giống ấy xưa nay là thế.
Lâm lúc đó không còn mặt mũi nào nhìn bạn bè ở Berlin nữa, hắn bỏ về quê cha mẹ ở phía Nam sống. Hắn như con chuột chui vào ống cống tìm bóng tối ẩn thân, kể cũng đáng tội. Bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu danh dự, bao nhiêu tốn kém đều chôn vùi cùng với bóng tối. Chỉ có điều, Lâm không biết rằng, chính Lâm là bóng tối của Thu.
Những tưởng thóat được sự trói buộc của Lâm và già đình, Thu sẽ nhẹ nhõm và vui mừng, nhưng trái lại, Thu chìm xuống Thung lũng buồn bã và ân hận. Khi cơn sóng gío qua rồi, Thu thấy mình xử tệ với Lâm quá. Lâm đã ứng xử tốt với Thu. Gia đình Lâm cũng vậy, họ coi Thu như con. Anh ta chỉ có khuyết điểm là một người không có cá tính, một nhân cách yếu đuối. Trời sinh ra anh ta như thế, anh ta đâu có tội gì mà phải chịu những nỗi đau đớn nhục nhã như vậy. Thu ân hận đã làm cho bao nhiêu người phiền lụy, cha mẹ, anh em, gia đình Lâm. Những người lớn, sao họ ẩn nhẫn, bao dung, trân trọng với nhau như thế, mà vì Thu, họ phải khổ. Thu thấy lòng buồn bã khôn nguôi, thầm mong cho Lâm tìm được một cô gái khác, xinh đẹp hơn Thu, đem đến cho Lâm thật nhiều hạnh phúc, bù đắp những đau đơn Thu đã gây ra cho Lâm.
Những ngày sau đó, mọi người nhìn Thu bằng con mắt nguyền rủa một kẻ bội bạc. Cũng may Thu có Đạt bên cạnh. Đạt nhận hết lỗi về phần mình, che chở cho Thu những lúc sóng gió. Đạt có thể là điểm tựa tinh thần cho Thu. Hơn một năm sau đó thì Thu làm đám cưới với anh Đạt. Đám cưới chỉ có vài người bạn, tổ chức đơn giản.
Đêm về khuya. Tiếng sóng biển rì rào. Gió se lạnh. Bầu trời cao rộng và trong hơn. Bây giờ cả mặt biển và bầu trời đều lấp lánh ánh sáng. Thu nhìn kỹ vào bầu trời sao, không gian sâu rộng thăm thẳm. Ban ngày bầu trời chỉ có màu xanh và mây bay rất thấp. Ánh sáng mặt trời che lấp cái thăm thẳm và cái phong phú vô cùng của muôn vàn tinh tú. Bóng tối được dệt bằng một tấm thảm ngọc thật rộng. Đêm trong vắt, thơm tho.
Những người bạn ngồi sát vào nhau hơn. Họ nghe Thu kể chuyện, nghe tiếng sóng biển, thở hơi gió biển và tìm kiếm những vì sao chiếu mệnh của mình. Ngôi sao chiếu mệnh của người yêu vẫn lấp lánh, nhưng sao xa xôi quá, Thu không sao với tới được.
Không ai nỡ nói điều gì về những chọn lựa của Thu. Vì mọi người đều hiểu rằng cái giá của tư do là sự đánh đổi của một cuộc đời. Đó là số phận. Tự do chỉ là ảo tưởng! Thu là một số phận đáng thương, đào hoa nhưng lại cô độc, dù ở Việt Nam hay ở bên trời Tây!
Một người bạn ngậm ngùi:
- Bây giờ Thu sống thế nào?
Thu lạnh lùng:
- Ông xã mình bảo: Anh biết sẽ có ngày em bỏ anh. Nếu em đưa đơn ly dị, anh sẵn sàng ký, mặc dù anh biết rằng sẽ rất đau khổ.
- Tại sao lại ly dị?
- Bây giờ Thu lại nhận ra, mình và anh Đạt là hai thế giới hòan tòan khác nhau. Anh Đạt muốn mình là người vợ Việt Nam hiền thục, dịu dàng, chu tất nội trợ, biết chiều chồng nuôi con. Anh không muốn mình đi là, không muốn mình giao tiếp với ai. Còn mình lại thích đi làm, muốn thăng tiến, không muốn bị lệ thuộc vào ảnh. Đi làm về, mình chui vào phòng coi TV, nghe nhạc. Chơi với con, ảnh làm bếp… Mình không phải là mẫu người phụ nữ Việt Nam đảm đang trung hậu. Cuộc sống đã biến mình thành con người khác. Mình chỉ còn một cách là im lặng. Nhưng không biết sẽ im lặng được bao lâu.
- Sao vậy?
- Đến một lúc nào không chịu nổi sự cô đơn, Thu sẽ lại “nổi loạn“. Sự cô đơn thật kinh khủng các bạn ạ. Thu hình dung thế này, trước mặt là bóng đêm, sau lưng là sa mạc không bóng người, Thu một mình đuổi theo cái bóng của mình, cô đơn, vô vọng, trái tim lạnh buồt.
- Thu lại nói chuyện lãng mạn!
- Thật đấy các bạn ạ! Thu đã long đong quá rồi, giờ đã có một đứa con trai. Nếu nổi loạn, Thu sợ con mình khổ và những người khác sẻ lại khổ vì mình. Với lại sẽ chẳng ai yêu thương thằng bé bằng bố nó. Những lúc nhìn ông xã chăm sóc con, Thu cũng thấy cảm động về tình cha con, lòng lại dịu xuống. Nhưng cuộc sống nhàm chán lắm. Ăn rồi đi làm. Có ngày Thu ở hãng 10, 11 tiếng đồng hồ. không muốn về, không muốn nhìn mặt ông xã. Gia đình là nơi tạm trú của hai kẻ xa lạ.
- Ở Đức, Thu có ai thân không?
- Không có họ hàng. Có vài người bạn Đức, giao tiếp bằng mail. Buốn quá thì lên mạng chat.
- Dân Tây sống thế nào?
- Dân Tây họ tự do. Ở Đức người ta đem thủ tướng Đức ra làm trò đùa là thường. Mình làm việc, có gì bất đồng ý kiến với Chef thì nói thẳng. Có lần Chef hỏi mình có nguyện vọng gì, mình bảo muốn làm Chef. Vậy khi mình làm Chef thì Chef làm gì, mình bảo, Chef xuống làm thay chỗ mình. Chef khen mình có chí tiến thủ.
Anh bạn thất nghiệp la lên:
- Oái giời ơi! ở Việt Nam, Thu mà phát biểu ý kiến kiểu đó thì sẽ bị “đì sói trán con lừa“ không bị đuổi việc là may.
Cả bọn lại cười.
- Thucó thích về Việt Nam không?
- Dĩ nhiên là thích. Có đi nước ngòai rồi mới thấy không đâu bằng quê nhà. Về Việt Nam được nói tiếng Việt, ăn món ăn Việt, sống trong tình thân của mọi người. Ở nước ngòai, một mình thui thủi, lại luôn trong tâm trạng lạc lòai của kẻ ăn nhờ ở đậu, không gốc không rễ, lúc nào cũng lo mất việc, có khi bị tress.
Một bạn cười đùa:
- Hóa ra Thu cũng là việt kiều yêu nước chứ bộ!.
Giọng Thu trầm lắng:
- Thu là người Việt mà!
Đêm đã khuya, cả nhóm bạn tan vào bầu trời sao, phiêu lãng cùng gió biển và và tiếng sóng dạt dào. Thu chợt rùng mình, cô cảm thấy lạnh buốt cả thân xác và linh hồn. Sáng mai cô sẽ lên máy bay để trở về xứ xở băng tuyết. Ở đấy tâm hồn cô sẽ lại đóng băng, sẽ lại giông bão tứ bề.
Tháng 1/2004
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...