Thạch ra khỏi nhà, con đường Hoàng Đạo ban đêm như một bức
tranh nào đó Thạch đã xem trong một cuộc triển lãm, bức tranh vẽ hình một con
phố nhỏ, hai bên phố những ngôi nhà bằng gỗ hai tầng chen chúc, xiêu vẹo, với
những dây điện chằng chịt bên ngoài. Từ ngôi nhà bên đường, ánh đèn hắt ra một
thứ ánh sáng vàng úa, một phần ánh sáng in trên tà áo của cô gái đang đi trên
khu phố hoang vắng ấy.
Thạch có thói quen đi trên những con đường vắng vẻ vào ban đêm, nhiều đêm chàng
đi lang thang từ con đường này sang con đường khác, đến khi mỏi chân thì trở về
nhà ngủ. Chàng cũng biết đi như thế có khi gặp nguy hiểm, nhưng Thạch cũng tự
nhủ là mình chẳng có gì để phải sợ bị mất mát nên vẫn tiếp tục giữ thói quen
cũ. Khi trở về đến nhà thì Tuấn đang chờ ở phòng khách.
- Đi đâu thế ông bạn? Chờ muốn chết!
- Buồn tình đi quanh quanh thôi mà, biết làm gì bây giờ?!
Tuấn thường có lối xưng hô lộn xộn, khi ông, khi anh, khi mày! Thạch và Tuấn là
bạn học hồi cả hai còn mài đũng quần ở trung học. Sau này cả hai cùng đi lính rồi
cùng đi "cải tạo", và bây giờ cùng được thả, và cả hai đều không có
nghề ngỗng gì!
Tuấn có gia đình trước khi đi cải tạo nhưng khi trở về thì lại độc thân vì vợ
vượt biên, và không nhận được tin tức gì từ mấy năm nay. Người vợ của Tuấn,
nghe đồn, khi sang đến Mỹ đã lấy chồng khác! Lúc đau Tuấn mất tinh thần, suốt
ngày buồn bã, nhưng dần dần cũng nguôi ngoại. Được cái bố mẹ Tuấn còn chút đỉnh
tiền nong, thành thử ngày trở về của Tuấn không đến nỗi bi đát về phương diện vật
chất. Thạch thì không vướng vít chuyện vợ con nhưng lại hoàn toàn vô sản nên phải
ăn bám vào đứa em gái khá giả hơn.
Tuấn ít khi nào đến nhà Thạch vào lúc khuya khoắt nên Thạch ngạc nhiên:
- Mày đến tao có việc gì không?
- Ngày mai tao đi, đến gặp mày chào từ giã.
Thạch biết Tuấn dự định đi từ lâu, nhưng khi nghe tin Tuấn đi Thạch cũng cảm thấy
một chút bùi ngùi. Bây giờ là thời buổi của chia lìa, mất mát!
- Sang bên ấy, gặp lại người xưa đừng có nổi khùng nghe không? Chuyện qua rồi
cho qua luôn! Hơn nữa, cũng phải thông cảm cho người ta, chờ người đi cải tạo
thì biết đến bao giờ?
Nghe nhắc lại chuyện cũ, Tuấn hơi xịu mặt, nhưng rồi tươi tỉnh ngay:
- Ôi! Con gái thiếu giống gì bên đó, tao "bắt" một em mới.
Thạch cười:
- Thôi đi "ông nội", con gái ở bên đó là vàng đấy, đừng có hòng rớ tới,
tao nghe nói các bà các cô sang bên ấy ghê lắm. Mà không cần phải sang tới Mỹ,
Úc, Canada rồi mới lên giá đâu, mới tới đảo đã lên giá rồi!
- Họ lên giá, mình cũng lên giá, sợ gì!
- Mày cho không còn chưa đắt nữa là lên giá!
- Tao sẽ bắt một em thơm như múi mít, chụp ảnh gửi về cho mày chiêm ngưỡng!
- Ừ! Ráng đi "em", đừng làm tao thất vọng.
Nói chuyện lăng nhăng một hồi, Thạch đứng lên vào trong bếp đun nước pha cà
phê. Cô em gái Thạch mới mang được một ít cà phê từ Buôn Mê Thuộc về, nên chàng
muốn Tuấn hưởng một chút hương vị cà phê thứ "chính hiệu".
Thấy Thạch đang nói chuyện dở dang thì đứng lên. Tuấn hỏi:
- Mày đi đâu thế?
- Trước khi mày đi, phải có gì tiễn nhau chứ?
- À thằng này biết điều, nhưng gì đó?
- Cà phê Buôn Mê Thuộc một trăm phần trăm.
Tối hôm đó Thạch và Tuấn đã nói chuyện rất khuya. Khi Tuấn đứng dậy ra vè, Thạch
vẫn không buồn ngủ nên ra ngoài sân hóng gió. Khu xóm lao động vào ban đêm im
lìm quạnh quẽ, mọi nhà đã đóng cửa tắt đèn. Một con chó đang bới thùng rác dưới
một cột điện tỏa ánh sáng mờ mờ. Thạch bỗng nhớ đến những đêm xa xưa, của một
Sài Gòn náo nhiệt cả ban ngày lẫn ban đêm, ngay cả trong những hẻm hẻo lánh vẫn
nghe tiếng "xức tắc" hay tiếng rao "bánh bò, bánh tiêu'; của một
chú ba Tàu nào đó vọng lại. Cái cảnh ấy không biết đến bao giờ mới trở lại!
Tuấn đi được một tháng, Thạch tìm đến nhà Tuấn hỏi thăm, em
gái Tuấn ra tiếp và cho biết, Tuấn đã đi lọt và hiện đang ở Thái Lan, gia đình
mới nhận được tin ngày hôm qua, mọi người đều mừng cho Tuấn vì nếu rủi ro bị bắt
lại thì khó có hy vọng trở về!
Nguyệt, em gái Tuấn, Thạch đã biết từ khi nàng còn rất nhỏ. Ngày xưa mỗi lần Thạch
đến chàng xoa đầu cô bé hoài. Thời gian Thạch đi "cải tạo", cô bé
ngày xưa đã biến thành thiếu nữ xinh tươi. Trong những ngày đầu mới gặp, Nguyệt
vẫn tỏ ra vui vẻ, thân mật, nhưng trong dáng điệu của nàng đã có vẻ thay đổi
nhiều, hình như Nguyệt tự kiềm chế để tình cảm không vượt qua giới hạn bình thường:
- Anh có tính vượt biên không?
Câu hỏi của Nguyệt làm Thạch quay lại:
- Chẳng tính vào đâu được, số tiền ấy bây giờ quá lớn đối với tôi.
- Sao anh không mượn đỡ cô em, khi nào sang đến nơi thì trả lại.
- Tôi không rõ cô ấy có chừng ấy tiền không, nhưng dù có, cũng khó làm như vậy!
Nếu đi trót lọt thì không nói làm gì, những người may mắn thoát được ngay lần đầu
thật là hiếm hoi, rồi nhỡ không bao giờ đến nơi cũng không bao giờ về nữa thì
cô ấy sống bằng gì? Còn gánh nặng gia đình của nó nữa, thật sự, tôi chẳng có hy
vong gì thoát khỏi nơi này!
Thấy câu chuyện trở thành kém vui, Nguyệt đổi hướng:
- Anh Tuấn kỳ này sang Mỹ gặp "bà" Ngọc thế nào cũng có chuyện lôi
thôi.
- Tôi nghĩ là Tuấn không cố tìm để gặp lại đâu, vì làm như vậy chỉ thêm đau
lòng.
Nguyệt không giấu nổi cay cú đối với Ngọc:
- Bà ấy thật tệ, đi được là không thư từ với ai nưa, Nguyệt biết bà ấy quá,
nhưng "ông" Tuấn ngu thì ráng mà chịu!
- Tôi thấy Tuấn cũng có vẻ thông cảm với chị ấy mà.
- Bề ngoài ông ấy tỏ ra bất cần, nhưng Nguyệt biết, còn cay lắm!
Câu chuyện xoay quanh vợ Tuấn, Nguyệt có vẻ cay cú không kém gì Tuấn. Chắc
trong những ngày sống chung đã có ít nhiều sóng gió trong gia đình.
Thấy ngồi đã lâu, Thạch đứng dậy ra vè, qua mẩu sân xi măng trước nhà, Thạch
ngước nhìn giàn hoa:
- Nhà cô Nguyệt có giàn hoa đẹp quá!
Nguyệt cười, để lộ chiếc răng hơi khểnh ở phía bên trái:
- Bố em trồng đấy, bố em rất thích hoa, ông cụ chỉ ao ước có một khu đất rộng để
trồng đủ loại hoa.
Thạch nghĩ thầm, trong vườn hoa của cụ, hoa đẹp nhất vẫn là hoa Nguyệt.
Đi được một quãng, khi đến chỗ gần quẹo, Thạch nhìn lại, thấy Nguyệt vẫn đứng
trước cổng nhìn ra ngoài, màu áo tím nàng mặc xen lẫn màu xanh của lá cây và
màu đỏ của mấy bông hoa đang rung rinh trước gió.
Thạch hiểu, trong hoàn cảnh của chàng, Thạch không nên có những ý tưởng viển
vông. Chàng cố xua đuổi hình ảnh Nguyệt trong trí, cắm cúi đạp xe.
- Thạch!
Thạch giật mình quay lại, nhận ra ngay Vận đang ngồi một mình trong quán cà phê
bên đường:
- Đi đâu mà tất tả vậy? Vào đây?
Thạch dựng xe đạp cạnh gốc me bên đường, bước lại gần Vận:
- Bộ mới được về hả?
Vận ngước mắt nhìn Thạch qua cặp kính cận hơi trệ xuống:
- Mới về được một tháng, vừa lo xong giấy tờ tạm trú, hôm nay là ngày đầu tiên
được rảnh ra đây thưởng thức lại cuộc đời.
Vận còn rất trẻ mặc dầu đã ở sáu, bảy năm trong tù, Vì Vận mới ra trường thì
"đứt phim". Trong thời gian ở tù Vận đã chịu nhiều sự đắng cay chỉ vì
cái kính cận của mình. Có lần đang xếp hàng để vào trại sau khi đi lao động về,
Vận bị tên trực trại gọi ra "dũa" thê thảm chỉ vì hắn nghĩ là Vận
nghinh hắn, sau đó hắn bắt Vận phải bỏ kính không cho đeo nữa. Khốn nỗi, bỏ
kính ra Vận chỉ là tên mù không đi đứng làm ăn gì được nên cuối cùng, Vận được
phép đeo kính lại nhưng vẫn bị ghét, bị trù.
- Thằng Tuấn đi lọt rồi mày biết không?
- Vậy hả, thằng đó bị vợ bỏ nhưng coi bộ hậu vận lại khá.
- Còn mày, có tính gì không?
Thạch nói giọng buồn buồn:
- Tao thì vô vọng, đang ăn bám vào con em làm sao đi nổi, nếu sau này có ai mướn
mày làm hoa tiêu mày xin cho tao một chỗ thì may ra, cựu sĩ quan hải quân coi bộ
đắc dụng trong thời buổi này, ít nhất cũng có thể đi được mà không phải mất tiền.
- Tao mới về thành ra chưa biết gì cả, nhưng nếu có cơ hội thì tao sẽ rủ mày
cùng đi. Sao về cả năm rồi, đã kiếm được em nào sẵn sàng bao bọc cho chưa?
- Cái đó bây giờ khó đấy, ai cũng sợ lập gia đình cả, một thân một mình còn sống
không nổi, vợ con vào nữa có nước lôi nhau xuống hố luôn.
Cô gái bán hàng mang hai tách cà phê và một bình nước trà đến, có lẽ nàng nghe
được câu cuối cùng hai người nói với nhau, Thạch thấy nàng hơi mỉm cười nhưng cố
lấy lại vẻ tự nhiên ngay, chàng chỉ Vận, nói đùa với cô gái:
- Bạn tôi đang tìm việc làm, nếu cô cần người bưng cà phê thì cho hắn một chân.
Cô gái liếc Vận, nở nụ cười tinh nghịch:
- Bưng cà phê thì em cần, nhưng em lại không muốn xuống hố, thôi để em bưng lấy
vậy...
Thạch thân,
Lâu nay không viết thư cho mày vì tao bận nhiều việc quá. Tao quyết định đi học
lại, cuộc đời mình chẳng còn gì và cũng chẳng làm được gì cho nên chquyện, nếu
không đi lọc lại.
Tao không đi tìm Ngọc. Nhưng trời xui đất khiến nên tình cờ gặp lại, bắt chước
thái độ "quân tử Tàu" của mày, tao đã không nói tiếng nào và người ấy
cũng chẳng tỏ ra ân hận hay hổ thẹn gì! Thành ra, nói thật với mày, tao vẫn ấm ức
trong lòng, nhưng tất nhiên là không có vụ "tái hồi Kim Trọng" rồi.
Xã hội nhỏ bé của người mình bên này cũng có những điểm đáng vui nhưng nhiều điểm
đáng buồn, nếu viết ra đây mày nghĩ là tao thiên kiến, mặc cảm do việc bị vợ bỏ
nên nhìn đời một cách lệch lạc, thành thử tao mong có dịp gặp mày ở đây để cùng
nhau "chiêm nghiệm".
Mặc dầu đi học, tao vẫn đi làm thêm, để có chút quà biếu gia đình và bạn bè.
Ở bên này mà không giúp gì được cho người thân thì cũng đáng buồn.
Tao hy vọng ở tương lai vậy.
Bạn của mày,
Tuấn.
Sau khi đọc xong lá thư của Tuấn do Nguyệt mang lại, Thạch bỏ lá thư xuống bàn,
nhìn Nguyệt:
- Tưởng tượng hai ông bà gặp nhau mà làm bộ xa lạ, buồn cười nhỉ?
- Cái đó là cười ra nước mắt!
- Cô có tính vượt biên không?
- Một ngày nào đó em sẽ phải quyết định, nhưng bây giờ thì chưa.
Thạch trêu chọc:
- Chắc còn vương vấn tình cảm với chàng nên không đi nổi chứ gì?
Nguyệt liếc mắt rất sắc:
- Anh thật...
Nguyệt bỏ dở câu nói nhìn ra ngoài cửa, rồi không hiểu nghĩ sao, đột ngột đứng
lên:
- Thôi, em xin phép anh, em phải về để còn đi chợ...
Thạch cũng đứng lên theo:
- Cảm ơn Nguyệt, nếu viết thư cho Tuấn, xin nói tôi gửi lời hỏi thăm, tôi sẽ viết
thư sau.
Nguyệt đã đi về, Thạch vẫn ngồi ở chỗ cũ rất lâu. Những hình ảnh của Tuấn, nhất
là của Nguyệt, cách đây mười năm, bỗng sống lại thật mãnh liệt trong ký ức.
Nguyệt với tuổi mười ba và mái tóc bắt đầu óng ả, ngồi vẽ những bông hoa hồng,
hoa cúc, trên trang đầu của một tập vở nhưng rồi không viết nổi mấy chữ
"lưu bút ngày xanh" vừa ý, đành phải cầu cứu Thạch.
Thạch có chút tài vụn viết mấy kiểu chữ, và chàng đã để lại không biết bao
nhiêu nét bút trên tập vở của Nguyệt. Mỗi khi Thạch đến, Nguyệt không nhờ làm hộ
cái này cũng cái khác. Tuấn nhiều khi bực mình vì cô em làm phiền bạn, nhất là
những lúc đang định rủ Thạch đi nơi nào đó chơi, đã la rầy Nguyệt.
Những nét chữ ấy trên những trang giấy chàng viết ngày xưa Nguyệt còn giữ
không, nếu không còn nữa, nó có để lại vết tích gì trong tâm hồn Nguyệt?
Thạch nhớ có một lần Nguyệt trèo lên cái ghế đẩu ngắt mấy bông trên giàn hoa giấy
ở trước cửa nhà, luống cuống thế nào đã ngã nhào xuống, Thạch đứng gần đấy phải
chạy lại đỡ. Cái cảm giác va chạm vào thân thể Nguyệt khi xốc nàng đứng lên đã
khiến Thạch ngây ngất, và đến bây giờ cảm giác ấy còn sống động. Nguyệt lúc đó
cũng đã biết thẹn thùng nên mặc dầu rất đau nàng vẫn cố nở nụ cười.
Hình ảnh Nguyệt của những ngày thơ ấu đã trở về chiếm trọn tâm hồn Thạch, bất
giác Thạch thở dài, hoàn cảnh chàng bây giờ không cho phép Thạch nghĩ về nàng.
Có thể Nguyệt đã yêu một người nào đó, mà Thạch chỉ được coi như một ông anh
trong cuộc sống tình cảm của nàng.
Hơn nửa, Thạch không còn gì, mọi con đường trước mặt đều là đường cùng, và tất
nhiên Thạch không có quyền lôi Nguyệt vào cái hoả ngục đời mình.
Thạch đang ngồi xem mấy tấm ảnh cũ chụp ngày còn đi học thì
cô em gái đưa cho cái giấy báo của phường, trong đó nói, chàng phải thu xếp
trong vòng một tháng để đi kinh tế mới ở Tây Ninh. Thạch đón nhận tin buồn một
cách hờ hững.
Chuyện này chàng biết là nó sẽ đến. Hơn nữa, đó cũng là cách giúp Thạch giải
quyết vấn đề tình cảm một cách dứt khoát.
Xa hẳn Sài Gòn, xa hẳn kỷ niệm với Nguyệt, với Tuấn, và với tất cả mọi người, sống
cuộc đời với cái cuốc trên tay, ngày hai bữa bo bo, khoai sắn, rồi già, rồi chết...mọi
chuyện kể như xong!
Thạch chẳng có gì để thu xếp thành thử một tháng đối với chàng quá dư thừa,
hành trang cho ngày đi là mấy bộ quần áo, một cái nồi nhỏ, một đôi đũa và một
cái bát, y hệt hành trang của người đi cải tạo mà chàng mang cách đây sáu bảy
năm, có khác chăng là hồi đó áo quần còn tươm tất hơn và còn chút đỉnh tiền
nong trong người.
Trước khi đi Thạch đến chào bố mẹ Nguyệt và nàng. Nghe tin, Nguyệt sửng sốt:
- Trời ơi! sao anh lại đi?
Thạch cười khô héo:
- Không đi thì làm thế nào?
- Anh cứ ở lại đại, họ không làm gì được đâu, biết bao nhiêu người bị ép buộc
đi nhưng người ta ở lì, rồi cũng xong. Anh đã ký giấy tờ gì chưa?
- Chẳng có ký gì cả, nhưng nó cũng đâu có cần mình ký.
- Trước đây, nhà em bị ép buộc phải ký giấy tình nguyện đi kinh tế mới, bố em
liều luôn, nhất định không ký, rồi cũng thế thôi.
- Nhưng cô nhớ là bác khác anh khác, anh mới đi tù về.
- Chẳng khác gì cả, vì chẳng lẽ cho đi tù hết. Hơn nữa, anh mới được về, nhốt lại
ngay coi sao được, người nào họ cũng làm thế thì lấy chỗ nào mà chứa.
Bố mẹ Tuấn cũng hết sức khuyên Thạch không nên đi, ông cụ quả quyết là chàng sẽ
không bị bắt lại, lý do rất đơn giản là mới được thả về, nếu muốn an toàn hơn
thì đút lót cho họ chút đỉnh.
Nghe nói đến đút lót, Thạch cười buồn:
- Nhưng cháu có gì đâu mà đút lót.
- Cái đó thì cậu không lo, chúng tôi sẽ giúp cậu.
Thấy thái độ sốt sáng của gia đình Nguyệt, Thạch càng buồn hơn:
- Cháu chẳng dám làm phiền hai bác.
Ông cụ có vẻ hơi giận:
- Có gì đâu mà phiền, tôi coi cậu như thằng Tuấn, tôi bỏ ra chút đỉnh thôi, chẳng
đáng gì.
Nguyệt đang nghe Thạch nói chuyện với bố mình, thấy thái độ của Thạch cương quyết
từ chối sự giúp đỡ, nàng quay mặt di vào nhà trong.
Ra khỏi nhà Nguyệt, Thạch đi lang thang cốt cho qua thì giờ, đến khi về đến nhà
thì trời đã sẩm tối. Em gái Thạch thấy anh về, chạy ra:
- Anh Vận nhắn anh đến gặp anh ấy ngay, có chuyện gấp lắm, hình như anh ấy gần
đi và rủ anh đi cùng.
Vừa nghe xong Thạch lại vòng xe ra, đạp đến nhà Vận, đúng lúc Vận đang dắt xe
ra ngoài:
- Mày chuẩn bị gấp, thuyền còn một chỗ trống nên người ta cho tao thêm một người,
dự định ngày mốt sẽ đi. Bây giờ mày về chờ ở nhà, tao phải đi có chút việc cần
ngay bây giờ, khi nào tao đến đón thì mày đi, nhớ đừng đi đâu trong ngày đó.
Nói chuyện với Thạch mấy câu rồi Vận đi, Thạch trở về nhà lòng chứa chan hy vọng.
Thạch đang ở trên bước đường cùng, đang lâm vào thế bí, biết đâu ông trời nhìn
lại...
Hai tháng sau, Nguyệt đột ngột nhận được lá thư của Thạch từ
Mã Lai gửi về.
Nguyệt,
Anh mong rằng những kỷ niệm thời thơ ấu sẽ giúp em cảm nhận được những gì anh
muốn viết ở trong lá thư này, vì anh cảm thấy bất lực khi muốn diễn tả những điều
mình thật sự muốn nói.
Một dịp may đã đến nên anh đã đi và đến được bến bờ tự do, đây là niệm hạnh
phúc lớn lao mà anh không bao giờ dám mơ ước, chắc em cũng biết anh chẳng có một
xu dính túi để lo vụ vượt biên.
Bây giờ anh đang ân hận vì trước khi đi đã không đến chào hai bác và Nguyệt,
nhưng làm như vậy sao được khi trong lòng anh cũng không thực sự tin là mình được
đi, chứ chưa nói đến việc có đi được hay không. Hơn nữa, anh rất "sợ"
gặp em, nhất là trong hoàn cảnh bi đát của đời mình. Thú thật mổi khi gặp em trở
về nhà, anh không thể q quên được em, và những kỷ niệm ngày xưa lại trở về, rực
rỡ hơn bất cứ lúc nào, trong cái ký ức nhỏ bé của anh nhưng lại chứa quá nhiều
hình ảnh của em.
Nếu còn ở Vệt Nam anh sẽ không bao giờ dám viết những điều trên đây, vì anh
không có quyền lôi kéo ai vào cái địa ngục của đời mình.
Nhưng oái oăm thay, khi có thể nói, thì lại ở quá xa nhau, nhưng dù sao cũng phải
nói với người đã thắp ngọn đuốc rực sáng tình yêu trong trái tim mình, ít nhất
một lần trong đời để rồi sẽ không phải ân hận về việc đã không nói lên điều tha
thiết nhất mà mình muốn nói.
Nếu những điều anh viết trên đây có làm phiền em thì xin em tha lỗi, và kể như
không có lá thư này. Nhưng anh vẫn hy vọng.
Thạc
Bụi hoa giấy
Ngày thằng Đính về sống trong khu vực này, chỉ có một mình
gia đình nó là người Việt nên nó hầu như không có bạn. Thỉnh thoảng có vài thằng
Úc con đến gạ chơi với nó thì nó lại không hiểu mấy thằng đó nói gì. Thành ra
chơi chung với nhau được một lúc là nó chán, chạy về mở ti vi ra coi. Hai mẹ
con nó mới vượt biên qua đây được mấy tháng, lại trúng ngay vào lúc đang nghỉ
hè nên nó cũng không học được câu tiếng Anh nào. Nó chỉ biết một tiếng duy nhất
là "hello" do mẹ nó dạy, thế là hết! Có ai hỏi gì thêm nó chỉ cười rồi
lảng ra chỗ khác.
Nhưng trời vẫn còn thương nó, nên một ít lâu sau có một con bé nữa, con Quyên,
cũng có hai mẹ con như gia đình nó ở đâu dọn đến, chỉ cách nhà nó có một đoạn
đường ngắn. Vậy là nó bắt đầu có bạn, một đứa bạn gái.
Ngày còn ở Việt Nam nó không bao giờ chơi với mấy đứa con gái. Tụi nó không chịu
đi chơi xa, lại chơi những trò mà thằng Đính không chơi được hay chơi rất vụng.
Đã vậy, tụi nó còn hay giận, hơi một tí là: "Tao không chơi với mày nữa!",
nghe ứa gan!
Nhưng ở đây dù muốn dù không nó vẫn phải chơi với con Quyên, còn ai nữa đâu mà
chọn. Hơn nữa, con Quyên cũng dễ mến. Hôm nhà nó mới dọn xuống đây, thấy nó,
con Quyên chạy lại ngay, nói: "Mày cho tao chơi với!". Vậy là từ lúc
đó hai đứa trở thành bạn.
Con Quyên thường rủ thằng Đính sang nhà nó chơi vì nhà nó rộng hơn. Vả lại, mẹ
con Quyên bận may quần áo, suốt ngày bà lúi húi làm việc với cái máy may ở
phòng bên cạnh, để mặc cho con Quyên muốn làm gì thì làm, nên hai đứa được tự
do đùa nghịch.
Thường thường hai đứa ngồi coi ti vi với nhau. Có khi hai đứa cùng nằm trên thảm,
ngóc đầu nhìn cái ti vi đặt trên cái kệ ở góc phòng. Con Quyên thường thích xem
phim hoạt họa hay phim hài hước. Thằng Đính thì lại thích xem phim có đánh
nhau. Thành thử có khi hai đứa giành nhau mở ti vi. Và cuối cùng thằng Đính phải
nhường con Quyên vì dù sao cũng là ti vi của nhà nó.
Có lần con Quyên nhìn thấy cảnh một đôi trai gái làm tình trên màn ảnh, nó chỉ
thằng Đính:
- Mày thấy không, phim này người ta cũng đánh nhau.
Thằng Đính nghe nói tức cười quá, chọc nó:
- Mày "quê" vừa thôi, người ta làm chuyện người lớn mà mày nói là
đánh nhau!
Con Quyên vẫn không chịu thua:
- Mày banh mắt mày ra xem có phải người ta đánh nhau không? Đấy, đấy, mày thấy
chưa?
Đến nước này thì thằng Đính đành chịu thua nó:
- Thôi, phải rồi! Người ta đánh nhau đó, đánh nhau kiểu này chắc người ta muốn
đánh nhau hoài!
Thằng Đính hơn con Quyên đến ba tuổi nên nó rành rẽ hơn. Hơn nữa, là con trai
nó hay đi theo mấy người lớn nghe họ nói chuyện, nhất là đi coi "video cọp"
khi còn ở bên đảo, nó biết nhiều cảnh còn động trời hơn thế nữa nhưng những cảnh
ấy người ta không chiếu trên ti vi. Nó nhớ lại lần đầu tiên khi thấy những cảnh
ấy nó cũng tưởng là người ta đánh nhau, sau nghe mấy người lớn nói nó mới hiểu.
Thằng Đính kéo tay con Quyên:
- Thôi ra ngoài vườn chơi, mày!
Con Quyên lưỡng lự một lúc rồi cũng đi theo thằng Đính ra ngoài. Khi ra đến cửa
con Quyên mới sực nhớ ra là chưa tắt ti vi nên nó chạy trở lại vào phòng.
Bên ngoài, bầu trời rất xanh, nắng rực rỡ chiếu xuống khu vườn nhỏ bé, long
lanh trên những lá cây đang giao động vì gió. Cái giá để phơi quần áo ở giữa vườn
bị gió thổi cũng quay chậm chạp như một cái đèn kéo quân mà những tên lính là
những quần áo mẹ con Quyên phơi ở trên đó. Thằng Đính nhìn thấy những cái váy
hoa và quần áo của con Quyên mà nó thường mặc cũng đang phơi bị gió thổi bay phất
phới.
Con Quyên đã chạy ra đứng đàng sau lưng nó, thấy thằng Đính đang đứng nhìn nên
hỏi:
- Mày nhìn gì đó?
- Mày có thấy cái kia giống cái đèn lồng không? Cái đèn lồng có hình người đi,
có xe chạy mỗi khi người ta đốt lên vào tết Trung Thu ấy mà. Mày có bao giờ thấy
cái đèn lồng không?
- Thấy, tao thấy cái đèn lồng thường treo trước cửa hàng của chú Thìn trong xóm
tao hồi xưa, nhưng tao đâu có thấy cái này giống cái đèn lồng. Đèn lồng đẹp lắm,
không có như vậy đâu!
Thằng Đính tức mình, tại sao nó thấy mà con Quyên không thấy. Nó vừa nói vừa lấy
tay chỉ:
- Mày nhìn đây này, cái kia cũng có góc có cạnh, cái đèn lồng cũng vậy, mấy cái
áo quần trên đó là mấy tên lính nó đang chạy thôi.
Con Quyên cãi:
- Đèn lồng có cái tròn, không phải cái nào cũng có góc cạnh hết.
- Tao có bảo cái này là cái đèn lồng không? Tao nói nó giống vậy thôi!
Con Quyên không nói nữa. Thằng Đính cũng chán nên nó im luôn. Lúc sau nó rủ con
Quyên:
- Tao với mày ra ngồi ghế xích đu.
Vừa nhắc đến ghế xích đu là con Quyên lao ra, mới ngồi xuống là nó đẩy cái chân
cho cái ghế đong đưa rồi nó ngả người ra phía sau, mái tóc của nó xõa xuống đưa
qua đưa lại. Rồi không biết vì quá đà hay sao đó nó ngã lộn xuống, bò lồm cồm
dưới mặt đất. Thằng Đính hoảng hồn chạy lại đỡ nó:
- Mày có sao không?
Thằng Đính thấy mắt con Quyên mọng nước, biết nó sắp khóc, nên hỏi:
- Mày đau chỗ nào, đưa tao coi.
Con Quyên vẫn không trả lời nó, cúi xuống vén váy cao lên quá đầu gối, phủi hết
đất dính ở đấy. Thằng Đính chỉ thấy hơi bị trầy.
- Không sao đâu, tao bị trầy đầu gối là thường, mày chỉ bị trầy chút xíu ăn nhằm
gì!
Con Quyên tức mình vì thằng Đính nói không sao, làm như nó làm bộ không bằng.
Có giả bộ, làm nũng, thì chỉ làm với mẹ nó thôi chứ với thằng Đính thì làm nũng
để làm gì. Nó hét lên:
- Kệ tao, không việc gì đến mày!
Thằng Đính đang cúi xuống nhìn vào cái đầu gối bị trầy của con Quyên, ngạc
nhiên đứng lên nhìn lại con Quyên. Mấy đứa con gái thường kỳ cục như vậy, khi
không lại hét lên làm như bà nội người ta! Mà như vậy cũng đáng kiếp, ai bảo cái
gì cũng giành giật, làm như ăn được không bằng!
Tuy nghĩ thế, thằng Đính vẫn không dám nói ra. Vì nó biết nếu nó nói như vậy thế
nào con Quyên cũng nghỉ chơi với nó, rồi lại mất công làm lành.
Vừa lúc ấy thì mẹ con Quyên cũng ở trong nhà bước ra vườn. Bà hỏi:
- Hai đứa làm gì ở ngoài này mà cãi nhau vậy?
Con Quyên thấy mẹ ra, nó bắt đầu khóc. Thằng Đính không hiểu tại sao con Quyên
lại khóc được khi vừa thấy mẹ nó. Nó làm như đóng kịch không bằng. Con này mai
mốt đóng kịch con hay hơn cả Kim Cương!
Mẹ nó thấy nó khóc, hỏi thằng Đính:
- Tại sao nó khóc, Đính?
- Nó ngã từ trên xích đu xuống, bác ơi!
Mẹ con Quyên chạy lại, bà cúi xuống quan sát tay chân nó. Khi thấy không có gì,
bà bảo:
- Thôi vào rửa tay chân, mặt mũi đi. Cái mặt dơ hầy! Rồi thay quần áo nữa, nghe
chưa?
Thằng Đính cũng theo con Quyên vào nhà, nhưng khi thấy mặt con Quyên bí xị, làm
như còn giận nó, nên nó lẻn ra về.
Khi về đến nhà nó thấy mẹ nó đang ngồi ở phòng khách nói chuyện với chị Ngoạt,
người cùng quê với nó. Đã mấy tháng nay nó không nhìn thấy chị. Hôm nay chị đến
chơi nó thấy khác hẳn hồi còn ở Việt Nam. Chị mặc quần áo đẹp lắm vì nghe chị
nói rất đắt tiền. Nó không ngờ chị sang đến như vậy. Cái mái tóc của chị thì nó
không thấy đẹp nữa, vì chị nhuộm màu hơi vàng, giống như những người có tóc bị
cháy vì đi nắng lâu ngày mà không đội nón.
Thằng Đính ngồi nhìn hoài quần áo và mái tóc của chị Ngoạt. Nó không thể tưởng
tượng nổi, chị Ngoạt bán xôi ở đầu xóm ngày xưa, bây giờ đang ngồi trước mặt
nó. Cũng may là nó gặp chị ở nhà nên nó mới nhận ra. Chị Ngoạt thấy nó nhìn
mình hoài nên quay lại hỏi:
- Mày thấy quần áo tao mặc có đẹp không?
Thằng Đính nghe hỏi lúng túng không biết trả lời thế nào, cuối cùng nó đáp liều:
- Tôi thấy ngộ ngộ!
Chị Ngoạt quay sang mẹ thằng Đính:
- Bữa nào em dẫn chị đi mua bộ quần áo như em đang mặc, dạo này nó đang
"sale", rẻ lắm. Mình phải ăn mặc cho hợp thời trang chị à!
Mẹ thằng Đính cười:
- Thôi tôi già rồi, mặc vậy ai mà coi cho được, các cô còn trẻ thì không nói
làm gì. Vả lại, tôi nói cô đừng buồn nghe, tôi thấy ăn mặc như vậy cũng không
có gì là đẹp lại tốn tiền quá. Mình liệu sống cho hợp hoàn cảnh của mình, cô à!
Thằng Đính thấy chị Ngoạt làm như không vui khi nghe mẹ nó nói nên chị nói sang
chuyện khác. Còn mẹ nó thì hình như chỉ ậm ừ nhiều hơn là nói. Nó cũng hơi ngạc
nhiên. Mẹ nó cũng đâu có phải là người ít nói gì mà hôm nay nó chỉ thấy bà ngồi
nghe, thỉnh thoảng mới nói chêm vào một hai câu.
Gặp chị Ngoạt thằng Đính lại nhớ đến lão Tròm ở cuối xóm. Lão có vợ con rồi vậy
mà lão còn "cua" được chị Ngoạt. Tối tối lão thường hẹn hò với chị ở
nghĩa địa Hồi giáo, gần ngã năm Chuồng Chó. Lão Tròm với chị làm ăn thế nào mà
chuyện đổ bể, tụi con nít trong xóm biết hết, nên khi thấy lão Tròm đi là mấy
thằng trong xóm đi theo rình. Sáng hôm sau tụi nó lại kể cho những đứa không đi
được nghe. Thằng Đính hồi ấy còn quá nhỏ nên không đi theo được chỉ nghe mấy thằng
lớn nói lại. Đúng ra thì hồi ấy nó nghe mà không hiểu rõ. Khi qua đến bên đảo,
mỗi khi có chiếu video- người- lớn nó chạy theo nhìn lén, nên mới biết được tại
sao hồi xưa lão Tròm và chị Ngoạt lại rủ nhau vào bãi tha ma tối hù, trong khi
ngoài đường đèn sáng trưng thì lại không đi.
Nghĩ đến chuyện ấy thằng Đính cứ nhìn chị Ngoạt hoài. Bỗng chị quay lại nhìn nó
rồi hỏi:
- Bộ mày thấy tao lạ lắm sao mà nhìn hoài vậy, Đính? Thằng này dạo này lớn xộn
rồi!
Rồi chị quay sang nói với cả mẹ thằng Đính:
- Mai mốt lớn nó đẹp trai, à! Ở đây mà không đẹp trai và học giỏi là ế vợ. Mày
liệu mà học!
Thằng Đính nghe nói đến lấy vợ nó đỏ mặt, chạy ra ngoài cửa đứng nhìn ra ngoài.
Nó mang máng lo sợ một ngày nào đó con Quyên cũng sẽ lại bắt chước chị Ngoạt.
Lúc đó chắc nó nghỉ chơi với con Quyên luôn.
Nó vừa nghĩ đến con Quyên thì con bé cũng đang đi về phía nó. Con Quyên mới tắm
rửa xong mặc bộ quần áo mới, mái tóc chải gọn ghẽ lại buộc ở phía sau nhìn như
cái đuôi. Mỗi khi nó đi chùm tóc phía sau lại tưng lên.
Thằng Đính không muốn chị Ngoạt nhìn thấy con Quyên, nên nó chạy về phía con
Quyên chận nó lại:
- Sang nhà mày chơi, nhà tao đang có khách.
Con Quyên dùng dằng:
- Nhưng tao muốn chơi ở bên nhà mày.
- Chút xíu nữa sang nhà tao, giờ thì sang vườn nhà mày, tao chỉ cho cái tổ chim
ở trên ngọn cây hoa tím ở cuối vườn, lúc nãy tao đã định chỉ cho mày rồi nhưng
chưa kịp thì mày ngã trên xích đu xuống khóc um sùm.
Con Quyên đang đi, đứng hẳn lại nhìn thằng Đính, nó ghét thằng Đính hay nói cái
điệu hàm hồ:
- Tao khóc hồi nào mà mày nói tao khóc um sùm. Thôi tao không chơi với mày nữa!
Thằng Đính hoảng hồn. Nó cũng nhận ra ngay là mình nói bậy
- Thôi mà, không chơi, không chơi hoài!
- Thế lần sau mày không được nói xấu tao nữa, nhé?
Thằng Đính gật đầu:
- Ừ, tao không nói nữa
Thế là hai đứa trở lại khu vườn nhà con Quyên. Lần này thì con Quyên không còn
giành cái xích đu nữa. Nó đứng nhìn thằng Đính đang ngồi đong đưa trên đó.
- Sao mày nói mày chỉ cho tao tổ chim ở trên cây mà mày không chỉ?
Thằng Đính sực nhớ ra câu nói xạo của mình, nó hơi lúng túng, nhưng cuối cùng
nó cũng tìm ra được cách nói dối:
- Gần tối chim mới về, mày có thấy cứ buổi chiều thì chim về đậu trên ngọn cây
không? Lúc đó mới có tổ.
Con Quyên nghe thằng Đính nói nó không hỏi nữa, vì nó cũng thấy trước khi mặt
trời lặn thì chim có về đậu trên cành cây đó thật. Nhưng giờ đó thì nó lại
không ra ngoài vườn được vì mẹ nó không cho ra. Bà nói buổi tối ở ngoài vườn
nhiều muỗi nên phải chơi trong nhà. Thành ra điều thằng Đính nói cũng như
không, có chim mà không bắt được.
Thằng Đính và con Quyên chơi cho đến khi mẹ con Quyên gọi nó vào ăn cơm thằng
Đính mới trở về nhà mình.
Khi nó về thì không thấy chị Ngoạt đâu nữa. Nó hỏi mẹ nó:
- Chị Ngoạt về rồi hả mẹ?
- Ừ về rồi, mà mày đi tắm đi rồi còn ăn cơm. Sau đó phụ mẹ dọn dẹp cái phòng
bên một chút, ngày mai người ta dọn đến rồi.
Thằng Đính ngạc nhiên đứng nhìn mẹ:
- Mẹ nói ai dọn đến? Bộ có người đến ở chung với mình hay sao?
- Ừ, cho người ta ở chung cho vui, với lại họ chia tiền thuê nhà với mình, chứ
một mình mình thì tiền đâu mà trả tiền thuê nhà?
- Ai đấy mẹ?
- Thì ai nữa, con Ngoạt vừa rồi nó đến xem phòng rồi mai nó dọn đến. Nó ở phòng
bên đó, mẹ con mình ở phòng bên này.
- Sao mẹ không gọi người khác lại gọi chị Ngoạt làm chi vậy?
Mẹ thằng Đính ngạc nhiên nhìn nó:
- Bộ mày không thích chị Ngoạt?
Thằng Đính không biết trả lời sao, đành nói:
- Thôi, ai cũng được!
Thằng Đính đang ngồi chơi với chiếc xe chạy bằng pin ở trước nhà thì chị Ngoạt
về. Dạo này chị Ngoạt đã có bồ nên mỗi khi đi đâu anh ấy lại đến đón rồi đưa về
tận nhà.
Anh bồ của chị Ngoạt nghe chị gọi tên là Tuyên, còn rất trẻ, trẻ hơn chị ấy nhiều.
Nó không biết nó nghĩ như vậy có đúng không, vì nó chỉ so sánh lão Tròm với anh
Tuyên thì hai người chắc chắn tuổi tác chênh lệch nhiều, mà chị Ngoạt đã là bồ
của lão Tròm thì chắc chẳng còn trẻ gì!
Từ khi thằng Đính sang bên này nó cứ nghe người ta nói đàn ông ế vợ vì thiếu
đàn bà, con gái. Có người còn khuyên nó ráng học giỏi chứ không mai mốt sẽ ế vợ
vì các cô bên này kén chọn lắm. Bây giờ thì nó thấy những điều người lớn nói có
lẽ đúng thật. Vì nếu không sợ ế chắc chẳng bao giờ anh Tuyên lại đi cặp với chị
Ngoạt. Nhìn chị Ngoạt nó cứ nghĩ là chị sẽ ế chồng chứ đâu ngờ có một anh đẹp
trai như anh Tuyên chạy theo. Hay thằng cha đó cũng cà chớn chứ người như chị
Ngoạt thì mê nỗi gì!
Thằng Đính đứng lên tránh chỗ cho anh Tuyên và chị Ngoạt vào nhà. Hai người thường
ít khi ngồi ở phòng khách. Mới vào đến phòng ngủ là thấy đóng cửa ngay. Nhiều
khi thằng Đính nghe tiếng cười đùa từ trong phòng vọng ra. Nó lấy làm thích thú
nhưng mẹ nó thì có vẻ khó chịu. Thỉnh thoảng bà lại nhăn mặt nhưng không nói
gì. Những lúc như vậy hình như bà muốn tránh mặt. Bà đi sang nhà con Quyên ngồi
nói chuyện với mẹ nó hoặc đi ra phố mua mấy món lặt vặt.
Hôm nay đúng như thằng Đính nghĩ, mẹ nó lại bỏ đi. Khi đi ngang chỗ thằng Đính
ngồi, bà nói với nó:
- Con ngồi đây trông nhà, mẹ ra ngoài phố một chút. Hay con có đi với mẹ không?
- Thôi con không đi đâu, mẹ đi đi!
Thằng Đính không thích ra ngoài phố, đúng hơn nó không thích đi bộ. Nếu mẹ nó
có xe thì đi đâu nó cũng đi. Đằng này đi đâu mẹ nó cũng đi bộ. Nếu đi xa thì bà
nhảy lên xe lửa. Nhưng đằng nào cũng phải đi bộ ra ga thành thử nó không thích
đi với mẹ nó. Chẳng thà ở nhà mở ti vi xem hay chạy sang nhà con Quyên còn
thích hơn.
Khi mẹ nó đi rồi thằng Đính đóng cửa lại rồi vào nhà. Nó ngồi ở phòng khách, mở
ti vi ra xem. Không có phim nào hay nhưng nó vẫn ngồi xem vì không biết làm gì
nữa!
Phòng ngủ bên chị Ngọat vẫn có tiếng động và tiếng thì thầm khi lớn khi nhỏ. Nó
vặn nhỏ ti vi để nghe tiếng động phòng bên nhưng nó không nghe được gì hết.
Một lúc sau cửa phòng xịch mở, cả hai anh chị cùng đi ra. Thấy thằng Đính ngồi
coi ti vi câm, chị Ngoạt hỏi:
- Sao mày không mở lớn lên mà nghe?
Nó sợ chị Ngoạt biết dụng ý của nó nên nói :
- Tôi nghe cũng đâu có hiểu gì!
Anh Tuyên thì hình như hơi ngượng khi nhìn thấy nó, anh bèn kéo chị Ngoạt đi.
Còn lại một mình thằng Đính ngồi trong nhà. Nó thấy căn nhà vắng lặng quá. Bỗng
dưng nó cảm thấy rờn rợn. Nó vội điều chỉnh ti vi để nghe cho lớn hơn, nhưng chỉ
một lúc sau nó lại thấy sợ trở lại. Đêm hôm qua nó mới coi một phim ma trên ti
vi thành ra bây giờ nó nhát. Thấy nhà không có ai là nó có cảm tưởng là có con
ma đang rình rập nó trong góc phòng, trong xó tối nào đó, mặc dầu căn nhà nó ở
không rộng rãi gì!
Thằng Đính chạy ra mở tung cánh cửa cho ánh sáng lùa vào và nó cảm thấy bớt sợ hơn.
Vừa lúc đó thì mẹ nó cũng về. Chưa bao giờ thằng Đính cảm thấy cần mẹ bằng lúc
này.
- Chị Ngoạt đi rồi hả?
- Vâng.
- Tao mà biết thế này tao gọi người khác cho chia. Nghĩ là người quen dù sao
cũng đỡ hơn là người lạ. Nào dè con này nó quá tay!
Thằng Đính không biết mẹ nó phàn nàn chị Ngoạt về điều gì. Nó cũng không dám hỏi.
Mẹ nó nói vậy nhưng nếu hỏi tới là thế nào nó cũng bị mắng là con nít không được
hỏi chuyện người lớn. Nó để ý thì thấy hình như mẹ nó bực mình chị Ngoạt nhiều
thứ lắm, từ tiền thuê nhà đến tiền điện, rồi cả vấn đề khách khứa, bồ bịch nữa.
Mấy hôm nay con Quyên giận thằng Đính thành thử nó chẳng có chỗ nào đi chơi,
nhiều lần nó định chạy sang làm lành nhưng nó còn tức con Quyên. Làm lành thì
nó không ngại, nhưng con Quyên làm như ngon lành lắm hơi một tí là nó giận. Đã
vậy nó cho giận luôn, ít nhất cũng phải một tuần lễ nữa nó mới sang, để cho con
Quyên biết, thiếu nó, con Quyên sẽ buồn như thế nào!
Thằng Đính bỗng nhớ lại ngày còn ở Việt Nam. Xóm nó vui lắm, bất cứ lúc nào nó
ra đường cũng gặp bạn, không thằng này thì thằng khác, nào thằng Toàn, thằng
Ánh, thằng Hùng, thằng Quân. Ôi thôi, kể sao cho hết!
Giờ này không biết tụi nó đang làm gì. Chắc tụi nó đang rủ nhau đi tạt lon, trò
chơi thịnh hành nhất trong xóm nó khi nó còn ở quê nhà. Thằng Toàn, thằng Ánh,
hai thằng lớn nhất thường hay đi rình lão Tròm và chị Ngoạt ở nghĩa địa Hồi
giáo. Chắc tụi nó đã chuyển sang trò chơi khác vì chị Ngoạt bây giờ đang ở đây.
Nếu có tụi nó chắc là chị Ngoạt khó sống yên lành, nhất là bây giờ chị có nhiều
bồ.
Hồi còn ở Việt Nam nó chỉ biết chị Ngoạt cặp với lão Tròm. Chứ sang đây từ hôm
chị dọn đến ở chung với mẹ con thằng Đính, nó đã thấy chị đi với hai người rồi.
Chị này coi bộ đắt "khách" dữ!
Thằng Đính nhớ có lần chị Ngoạt bị vợ lão Tròm đánh ghen. Mụ túm lấy tóc chị
kéo đầu xuống đập thùm thụp trên lưng, mụ vừa đánh vừa chửi. Mụ vợ lão Tròm
trông gầy gò vậy mà thật khoẻ. Trong khi chị Ngoạt nhìn đẫy đà mà lại yếu hơn.
Hay là tại làm bậy rồi nên không dám đánh lại người ta nữa!
Thằng Đính đang ngồi nghĩ đến mấy thằng bạn ngày xưa thì thấy con Quyên đứng
trước cửa đưa tay vẫy nó. Lúc đầu nó định làm lơ, nhưng rồi thấy tội nghiệp nên
cũng đưa tay vẫy lạïi. Vậy là hai đứa lại hòa. Thằng Đính liền chạy sang nhà
con Quyên. Con Quyên thấy nó nhoẻn miệng cười đưa mấy cái răng sún ra:
- Sao mấy hôm nay mày không sang nhà tao chơi?
- Ai bảo mày nói nghỉ chơi với tao rồi đuổi tao về làm chi?!
Con Quyên lại cười:
- Tao tức, tao nói vậy thôi.
Nói rồi con Quyên móc túi đưa cho nó gói xí mụi:
- Mẹ tao mới mua, tao cho mày.
Thật ra thằng Đính không thích xí mụi, loại này chỉ có con gái là thích ăn. Nếu
là lúc khác nó đã từ chối, nhưng vì hai đứa mới làm lành, nó không muốn con
Quyên nghĩ là nó còn đang giận, nên nó cầm cục xí mụi cho vào miệng.
Vừa cho vào miệng thằng Đính đã nhăn mặt vì vị chua của xí mụi tiết ra miệng
nó, nó nói với con Quyên:
- Xí mụi này chua quá!
- Tao thích chua.
- Tao thì thích ngọt.
Hai đứa đang đứng thì nghe tiếng mẹ con Quyên gọi:
- Quyên ơi!
Con Quyên nghe mẹ nó gọi chạy vào nhà, thằng Đính cũng chạy theo:
- Mẹ gọi con?
Mẹ con Quyên bảo nó:
- Con ra tắt hộ mẹ cái bếp, rồi lại đây giúp mẹ đóng thùng quà gửi về cho bà nội
con.
Thằng Đính đứng nhìn mẹ con con Quyên ngồi xếp những sấp vải, sà bông và kem
đánh răng vào thùng. Bà ghi cẩn thận tên người trên món quà mà bà muốn cho. Bỗng
bà ngẩng đầu nhìn thằng Đính:
- Nhà cháu có gửi quà về không?
Thằng Đính ấp úng:
- Cháu không biết.
Bà không hỏi thêm gì nữa, lúi húi xếp lại mấy món quà. Thằng Đính bỗng nhận thấy
con Quyên có cái mũi giống mẹ nó y hệt, cả con mắt nữa. Chắc mai mốt khi con
Quyên lớn lên cũng giống như mẹ nó.
Con Quyên sau khi tắt bếp cho mẹ nó đã chạy lại phụ giúp mẹ nó xếp những gói
quà vào thùng các- tông, nó dùng bàn tay nhấn xuống, nhưng có lẽ nhấn không thẳng
nên cái thùng bỗng đổ xuống và đồ đạc lại rớt ra ngoài.
Mẹ con Quyên nhìn lên:
- Thôi để đấy cho tao, mày thì chẳng được tích sự gì!
Con Quyên buông tay đứng nhìn một lúc rồi đi ra khỏi phòng. Nó vẫy thằng Đính:
- Ra ngoài này chơi, sướng hơn!
Vừa ra đến ngoài cửa con Quyên lại vấp vào bậc cửa ngã xuống. Thằng Đính chạy lại
đỡ con Quyên dậy. Nó thấy con Quyên nhăn mặt, sợ con Quyên lại khóc nữa, nó dỗ:
- Thôi đừng khóc, không đau đâu!
- Sao mày biết tao không đau?
Thằng Đính cụt hứng không biết nói thế nào nữa. Quả thật làm sao nó biết con
Quyên có đau hay không. Nó nghiệm ra, mỗi khi nói chuyện hay cãi nhau với con
Quyên, nó thường thua!
Dạo này mẹ thằng Đính mới có một ông bồ, một ông cũng trạc bằng
tuổi bố nó. Một hôm bà gọi nó lại nói cho nó biết, bà muốn "bước thêm một
bước nữa"- tiếng của mẹ nó dùng. Lúc đầu nó không hiểu mẹ nó muốn nói gì.
Nhưng rồi mẹ nó giải thích thêm thì nó hiểu được là mẹ nó muốn đi lấy chồng một
lần nữa. Nó buồn lắm nhưng không biết nói năng làm sao. Ngăn cản thì không dám,
vả lại cũng tội nghiệp bà! Người ta ai cũng có chồng, mẹ nó thì không, việc gì
cũng phải lo liệu lấy một mình. Nhưng nhìn người đàn ông lạ hoắc mà sau này nó
phải gọi là "bố" nó cảm thấy khổ sở làm sao!
Thằng Đính bỗng nhớ đến bố nó, bố thật của nó, nó cũng thấy xa lạ không kém. Từ
khi lớn lên nó chỉ nhìn thấy bố nó trong những lần đi thăm nuôi ở trại cải tạo,
mà cũng cả năm nó mới gặp ông một lần. Người ông gầy gò, nước da xanh mướt. Nó
không thể tưởng tượng một người như vậy mà lại là người bồng nó trong tấm ảnh
chụp từ ngày nó còn bé tí. Nó có cảm tưởng đó là hai người chứ không phải là một.
Vì bố nó trong tấm ảnh đẹp lắm chứ không tiều tụy như ông trong trại cải tạo
đâu. Thằng Đính chỉ nhận ra một điểm rất giống là con mắt, còn ngoài ra đều
khác.
Nó còn nhớ khi nghe tin ông chết mẹ nó khóc. Bà không khóc to như những người
khóc khi đưa đám ma, nhưng ngày hôm đó lúc nào mắt mẹ nó cũng đỏ hoe, thỉnh thoảng
bà lại hỉ mũi. Còn nó, nó không khóc được, thậm chí cũng không cảm thấy buồn, nếu
có chăng là một chút hoang mang ở trong lòng. Nghĩ lại lúc đó nó cảm thấy có lỗi
với bố nó.
Hôm trước ngày vượt biên, mẹ nó dẫn nó đi thăm mộ bố nó. Bà thắp vài nén nhang
rồi lâm râm khấn vái. Hôm đi mẹ nó cũng khóc, nhưng một lúc sau bà trở lại bình
thường.
Thằng Đính đang ngồi chơi ở trước cửa thì ông bồ của mẹ nó đến. Ông cúi xuống
xoa đầu nó làm như ông thương nó lắm, nó không biết nói sao chỉ cười. Nó để ý
thấy mẹ nó ăn mặc đẹp hẳn ra, mấy cái quần áo cũ trước kia mẹ nó vẫn mặc bây giờ
đã bỏ đi rồi. Trước đây mẹ nó chỉ thoa phấn son mỗi khi đi ra ngoài. Nhưng bây
giờ thằng Đính thấy mẹ nó trang điểm cả khi ở nhà. Nó không ngờ người đàn ông ấy
lại làm mẹ nó thay đổi đến thế!
Thằng Đính liếc mắt vào trong nhà thấy mẹ nó đang nói chuyện với ông ấy, nó đứng
lên đi về phía nhà con Quyên. Mỗi khi ông ấy đến là nó bỏ đi, chẳng biết nó trốn
ông ta được đến bao giờ. Vì nghe nói ít lâu nữa hai mẹ con nó sẽ về ở chung với
ông ấy. Còn cái nhà nó đang ở sẽ trả lại hoặc để cho chị Ngoạt ở với anh bồ của
chị ấy. Chắc là như vậy, vì chẳng lẽ chị ấy ở một mình!
Vừa đến nhà con Quyên thì nó thấy một cái xe "truck" thật lớn đậu trước
cửa. Mấy người đàn ông lực lưỡng đang khuân vác đồ đạc nhà con Quyên chất lên
xe. Mẹ nó đang đứng trước cửa nói chuyện với một người đàn ông nữa. Nó không hề
biết ông này, nhưng không hiểu sao nó nghĩ ngay đó là bồ của mẹ con Quyên, vì
bà chắc cũng có bồ như mẹ nó.
Con Quyên thấy thằng Đính đến chạy ra đón bằng một nụ cười:
- Nhà tao dọn đi chỗ khác!
Thằng Đính vừa tức vừa buồn vì con Quyên có vẻ vui mừng khi thông báo cho nó
tin này. Nó nhăn mặt nhưng con Quyên không để ý, vẫn bô bô:
- Mẹ tao nói đi xuống Fleminton, nhà ở dưới đó rẻ hơn. Rồi mai mốt mày lại đến
nhà tao chơi nữa nhé!
Thằng Đính trợn mắt nhìn con Quyên:
- Mày có biết từ đây xuống Fleminton xa lắm không?!
- Không.
- Tao đi Fleminton với mẹ tao rồi, xa lắm! Làm sao tao có thể đến chơi với mày
được. Sao mày không nói mẹ mày ở lại đây?
- Mẹ tao không chịu, hay thôi mày về nói với mẹ mày dọn xuống Fleminton như mẹ
tao đi.
Thằng Đính đứng lặng người. Nó lớn hơn con Quyên nên nó hiểu. Nó và con Quyên bắt
đầu xa nhau thật sự. Nó cũng sẽ đi khỏi khu vực này vì nhà nó cũng sẽ dọn,
nhưng nghe đâu về dưới Bankstown chứ không phải Fleminton. Vả lại, có về cùng
khu Fleminton với con Quyên chăng nữa, có dễ gì nó gặp lại con Quyên như con
Quyên nghĩ.
Thằng Đính hiểu là nó mất con Quyên thật sự kể từ ngày hôm nay.
Khi mẹ con con Quyên đã lên xe, thằng Đính còn đứng tần ngần trước cửa nhà con
Quyên một lúc sau nó mới trở về.
Nắng buổi chiều đổ xuống chói chang trên đường. Thằng Đính cắm đầu chạy, nhưng
được một quãng nó lại đứng lại dưới một tàn cây bên đường nhìn về ngôi nhà cũ của
con Quyên.
Ngôi nhà dưới ánh nắng không có gì khác so với những ngày trước. Bụi hoa giấy
trước nhà vẫn nở rộ một màu đỏ thắm đang rung rinh trước gió. Nhưng thằng Đính
vẫn thấy như có gì buồn, làm như ngôi nhà và cây cối cũng nhớ con Quyên như nó
vậy.
Tấm ảnh màu
Không biết ai đã đặt tên cho nó là Ngộ, vì khi đủ lớn để biết
rằng mình không có cha mẹ, thằng Ngộ đã nghe người ta gọi nó với tên đó rồi. Ngộ
sống trong xóm này như là một đứa con của cả xóm, vì nhà nào nó cũng đã từng ăn
cơm một hai bữa, ngủ một hai tối trước hiên nhà, và bà nào cũng gọi nó là con ,
ngọt sớt, ngon lành mỗi khi sai bảo nó làm điều gì! Phải cái xóm nghèo nên cũng
không được nhờ vả bao nhiêu. Gặp khi kiếm ăn dễ dàng, thằng Ngộ cũng có bữa đói
bữa no. Nhưng đến lúc khó khăn, chật vật, nó thường phải nhịn đói hay chạy lên
Sài Gòn, đến trước các tiệm ăn vét chút cơm thừa canh cặn!Một hôm thằng Ngộ
đang đi thì mụ Liến gọi:
- Ngộ, lại đây biểu mày!
Khi đến gần, mụ nhìn nó từ đầu đến chân rồi nói:
- Tao hỏi thiệt, mày muốn vợ không?
Câu hỏi làm thằng Ngộ đứng chết trân, hết biết trả lời thế nào. Nó làm sao lấy
vợ được, không có gì hết, bộ mụ giỡn hay sao mà hỏi kỳ cục vậy!Thật ra thỉnh
thoảng Ngộ cũng có nghĩ đến đàn bà, con gái, như một mơ ước mà nó nghĩ không
bao giờ có được, Ngộ không nhớ rõ có những ý nghĩ này từ bao giờ, nhưng hình
như mới đây khi nó nghe người này người khác khen nó chóng lớn. Kể cũng lạ, thằng
Ngộ có ăn gì bổ dưỡng đâu mà chóng lớn, thỉnh thoảng nó có nhìn mặt nó trong
gương ở tiệm hớt tóc của lão Biêng đầu xóm, mỗi khi lão ế khách thấy nó đi qua
mà tóc quá dài, lão gọi vào xởn cho vài đường. Những lúc như vậy thằng Ngộ cũng
thấy mình lạ lẫm, Ngộ còn nghe có người khen nó đẹp trai nữa, chẳng biết họ nói
thật hay nói chơi, mấy người đó nói giỡn hoài, tin làm sao được!
- Ủa, sao tao hỏi mày không trả lời?
Nó cười ngượng ngập:
- Thôi mà, dì! Ai mà lấy tôi!
- Có người lấy thì thôi, nhưng mày phải nói cho tao biết mày có muốn vợ không
đã.
Tất nhiên thằng Ngộ không thể trả lời câu hỏi cắc cớ đó, muốn lấy vợ thì quả thật
là câu hỏi nó chưa từng đặt ra cho mình, nó chỉ cảm thấy thích khi nhìn mấy con
nhỏ trong xóm như con Thắm, con Liễu, con nào con nấy trắng bóc!
- Ủa, sao mày đứng chết trân không nói gì vậy, mày?
- Dì nói giỡn hoài, thôi tôi có chút công chuyện phải đi. Bà Ký mới nhắn tôi tới
xách nước cho bả.
- Ừ, thôi đi đi, nghĩ kỹ rồi trả lời tao, không phải giỡn đâu.
Thật ra bà Ký có nhắn đến xách nước cho bà nhưng là buổi chiều kia, nó kiếm cớ
để đi nên nói đại vậy cho yên chuyện, chứ hỏi cắc cớ ai mà trả lời được! Buổi
chiều sau khi đã làm xong công việc cho bà Ký, bà ấy cho nó ăn cơm và còn dúi
vào tay nó mấy đồng. Làm cho gia đình khá giả cũng sướng, được ăn ngon lại còn
có chút tiền tiêu vặt, còn làm cho nhà nghèo chẳng ăn thua gì, giỏi lắm kiếm được
bữa cơm. Tuy vậy, nó không bao giờ từ chối ai, nếu từ chối không có ai gọi nữa
là đói! Vả lại, việc nó làm cũng chẳng quan trọng gì, chỉ là những công việc lặt
vặt. Ngộ ao ước lớn hơn một chút nữa để đi làm nhiều tiền hơn, như mấy anh ở gần
giếng nước đi khuân vác cũng có tiền ngồi nhậu hoài, bây giờ thì chưa được, thấy
mấy anh ấy vác cả bao gạo một tạ ở trên lưng mà ớn, gãy lưng như chơi, người
khác bị tàn tật còn có người nuôi, nó một thân một mình có nước chờ chết chứ ai
mà lo cho!
Bà Ký giàu nhất xóm, có mấy cô con gái lớn xộn, cô nào cũng đẹp, con Nga, cô
con gái út của bà, chắc chỉ bằng tuổi nó là cùng, trông đẹp như tiên, nhưng
thân phận nó chỉ là đứa côi cút, thất học, đâu dám mơ ước hão huyền! Chỉ có mấy
đứa con nhà nghèo thỉnh thoảng có nói giỡn với nó, còn con Nga thì không bao giờ,
con nhà quyền quý, đài các mà!
Mới chập choạng tối Ngộ đã vác manh chiếu ra cái chòi Nhân Dân Tự Vệ để chuẩn bị
chỗ ngủ, dạo này nó hết ngủ ở hiên nhà người ta, vì lãnh luôn việc gác thế cho
hết người này đến người khác, vừa có chỗ ngủ lại vừa có chút đỉnh tiền, trước
đây vì nó quá nhỏ không ai cho làm, còn bây giờ thì mọi người đều bằng lòng với
việc làm của nó. Có nhiều đêm trời mưa, mấy anh khác ở nhà hết, chỉ có một mình
nó ngủ trên chòi, nó cũng không lấy thế làm buồn, thỉnh thoảng có lúc cũng cần
yên tĩnh để ngủ, nhất là những hôm như hôm nay, xách nước nhiều quá mỏi cả hai
vai. Nó không quen gánh, nếu biết gánh có lẽ đỡ hơn!
Ngộ trải cái chiếu ở một góc chòi, vừa đặt mình xuống là nó ngủ ngay. Nửa đêm,
nó bỗng thức giấc, bên ngoài trời mưa gió ào ào, nước mưa theo gió hắt vào những
khe gỗ rơi trúng mặt, nó lồm cồm bò dậy thu chiếu định trải ở một góc khác kín
gió hơn, bỗng nó đụng phải một người khác, nhìn kỹ nó mới biết là thằng Lược,
thằng này cũng gác thuê cho người ta thành ra mưa gió cũng không dám ở nhà. Lược
chỉ có hai mẹ con và nghèo nhất xóm, có lẽ vì vậy hai đứa chơi thân với nhau.
Thằng Ngộ trải cái chiếu của mình song song với cái chiếu của thằng Lược, rồi từ
từ đặt mình xuống. Khi mới thức giấc nó tưởng nó sẽ ngủ lại được ngay, không ngờ
bây giờ thấy tỉnh táo hẳn. Bên ngoài gió thổi ào ào, những tấm tôn trên mái
chòi rung lên bần bật, thỉnh thoảng có những giọt nước mưa tạt vào tận chỗ nó nằm.
Ngộ cảm thấy lạnh, nó nằm xích lại gần chỗ thằng Lược hơn và thấy hơi ấm của thằng
Lược truyền sang nó. Ngộ nằm như thế rất lâu mà cũng không ngủ được. Nó nghĩ đến
câu hỏi của mụ Liến vào buổi sáng và nó bỗng ao ước làm người lớn, có vợ có con
và có ngôi nhà để che nắng che mưa, nó nghĩ được như vậy cũng là hạnh phúc lắm
rồi và không còn ao ước gì nữa!
Mãi gần sáng Ngộ mới ngủ lại được, ngủ mê man không biết gì, đến khi ánh mặt trời
xuyên qua khe ván chiếu vào mắt, thằng Ngộ mới tỉnh dậy, lúc đó đường phố đã
đông người qua lại, ồn ào náo nhiệt. Nó vội vàng trở dậy đi vào xóm xem ai có
nhờ làm gì để kiếm bữa ăn trưa. Khi đi ngang ngôi nhà mụ Liến, Ngộ thấy mụ đang
ngồi trước cửa, vừa nhai trầu vừa cầm quạt phe phảy, thấy Ngộ, mụ giơ tay vãy:
- Lại đây tao biểu.
Thằng Ngộ tiến lại gần, nó nghĩ đến câu hỏi hôm qua của mụ, mỉm cười:
- Dì gọi tôi?
- Không gọi mày thì gọi ai, bữa nay mày giúp tao xách mấy đôi nước, rồi rẫy đám
cỏ phía sau, đám cỏ rậm quá nên đầy muỗi, đêm qua tao bị muỗi đốt bầm mình!
Trưa và chiều nay mày ăn cơm ở đây. Tao mới mua được cái ti vi cũ, tối nay coi
cải lương, mày muốn coi thì ở lại, tối nay ngủ ở đây cũng được, tao cho mày ngủ
trên bộ ván này đó. Giọng mụ ngọt ngào hơn mọi hôm, mụ cũng không đả động gì đến
câu hỏi hôm qua, câu hỏi ấy thỉnh thoảng nó có nghĩ đến nhưng cũng chẳng bao giờ
trả lời mụ được. Ngộ cứ đinh ninh thế nào mụ cũng hỏi lại, nhưng rồi nó thấy mụ
tỉnh bơ như không có gì xẩy ra.
Hôm đó Ngộ được ăn no cả sáng lẫn chiều, đêm đến còn ở lại xem cải lương, nó vừa
nằm vừa coi rồi ngủ quên lúc nào không biết. Lúc thức giấc, nó giật mình thì nhận
ra có người nằm cạnh nó, thằng Ngộ lồm cồm bò dậy thì thấy người nằm cạnh nó
kéo nó lại. Ngộ hỏi một cách hoảng hốt:
- Ai đó?
- Suỵt, nằm xuống đi, em đây mà!
Trời ơi, con Liễu! cháu mụ Liến, thỉnh thoảng con Liễu vẫn giỡn cợt với nó,
xưng mày mày tao tao, sao hôm nay nó lại xưng anh anh em em ngọt sớt, mà tại
sao nó lại ngủ nhà mụ Liến tối nay, lại nhè ngủ ngay trên bộ ván với nó. Thằng
Ngộ nín khe không dám cựa mình, nó nằm sát vách tường, cố thu nhỏ người lại để
không đụng vào người con Liễu, nhưng hình như mỗi lúc con Liễu mỗi lấn nó thêm!
Thằng Ngộ thấy người con Liễu nóng ran và người nó cũng nóng, nó cảm thấy như
máu của nó chảy rầm rập khắp cơ thể, trống ngực đập liên hồi. Khi con Liễu cầm
lấy tay thằng Ngộ đặt lên những phần cơ thể của nó thì thằng Ngộ thực sự lên
cơn sốt, đầu óc u mê không còn biết gì nữa, nó làm theo tất cả những gì con Liễu
muốn và cả nó cũng muốn nữa. Sau đó thì nó ngủ mê mệt...
Sáng hôm sau khi nó còn ngủ thì mụ Liến đánh thức nó dậy, mụ nói là mụ biết tất
cả việc nó làm đêm hôm qua, mụ dọa là sẽ thưa và bỏ tù nó. Thằng Ngộ sợ đến
xanh mặt, nhưng cuối cùng, mụ nói:
- Thấy mày côi cút nhưng hiền lành nên tao cũng thương, thôi tao không đi thưa
cảnh sát nữa, nhưng mày phải lấy nó, mày lấy nó là may lắm rồi đó, rồi tao sẽ
lo cho! Nghe mụ Liến nói vậy thằng Ngộ mừng rơn, nó không ngờ nó được lấy con
Liễu.
Nhưng rồi, vừa thoáng vui nó lại buồn ngay, rồi đây nó lấy gì để nuôi vợ và cả
con nó sau này nữa! Đám cưới thằng Ngộ và con Liễu được mụ Liến tổ chức, mụ dọn
vài mâm cơm, mời vài người hàng xóm đến chứng kiến. Thằng Ngộ mắc cỡ gần chết
khi mụ Liến gọi nó và con Liễu ra trình diện bà con và hàng xóm. Nó đứng chết
trân không dám nhúc nhích. Khổ sở nhất là khi nó gặp trẻ con hàng xóm đứa nào
cũng chỉ trỏ, lại còn cười khúc khích với nhau, có đứa còn nheo mắt với nó nữa!
Nhưng ngày khổ sở ấy rồi cũng qua, Mụ Liến đưa vợ chồng thằng Ngộ đến một căn
chòi sau cái miếu hoang. Miếu thờ ai, nó không biết, và có lẽ trong xóm cũng
không còn ai biết một cách rành rẽ, người thì nói miếu thờ một cô gái đồng
trinh, bị cha mẹ ép gả cho một người mà cô không bằng lòng, vì cô đã đem lòng
yêu thương người khác, nên cô treo cổ trên cành cây đa cạnh đấy tự tử. Cũng có
người lại nói là miếu thờ một người đàn ông bị Tây bắn chết vì hoạt động trong
một hội kín nào đó đã lâu lắm rồi. Nhưng dù chuyện gì chăng nữa thì cũng là những
chuyện ghê gớm mà thằng Ngộ không muốn nghe. Trước đây thỉnh thoảng nó cũng có
đi ngang chỗ này nhưng nó không sợ lắm vì lúc đó nó không nghĩ gì hết về những
điều người ta kể. Còn bây giờ mặc dầu nó không muốn nghĩ nhưng những câu chuyện
ấy vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu nó hoài, mà càng nghĩ lại càng sợ!
Ngày đầu tiên dọn vào căn chòi, thằng Ngộ và con Liễu, cả hai đứa đều thấy lạnh
xương sống, lúc nào hai đứa cũng ra ngoài cửa nhìn vào xóm, và cảm thấy yên tâm
hơn khi có người đi lại trước mặt. Mụ Liến thấy tội nghiệp mua cho ít nhang đèn
để cúng oan hồn uổng tử. Nhưng đêm đến đứa nào cũng sợ, cũng muốn nằm phía
trong vách. Cuối cùng thằng Ngộ đành nằm phía ngoài, nhường cho vợ nó nằm phía
trong, dù sao nó cũng là chồng!
Mấy tháng sau thì con Liễu đẻ, nhìn đứa bé nhỏ tí teo và đỏ hỏn, thằng Ngộ
không thể tưởng tượng nổi nó đã thành cha đứa bé. Nhiều lúc nó có cảm tưởng giữa
nó và đứa bé chẳng có chút liên hệ nào. Từ ngày vợ nó sinh, thằng Ngộ phải giữ
con để con Liễu ra chợ xóm Gà bán rau kiếm tiền nuôi gia đình. Nhiều lúc thằng
Ngộ cũng cảm thấy xấu hổ, đáng lẽ nó phải làm để nuôi con Liễu mới phải, đằng
này nó lại để con Liễu nuôi mình, nhưng nó cũng không biết làm gì hơn! Ngày
chưa lấy con Liễu nó chỉ đi xách nước và làm công việc lặt vặt cho mấy người
cùng xóm, nhưng cũng chỉ nuôi nổi một mình nó, lại bữa đói bữa no, nay nếu cũng
làm như vậy thì cũng không nuôi được vợ và rồi ai trông nom con nó!
Vợ nó mới đẻ được hai, ba ngày đã ra chợ bán rau lại, giao cho nó đứa bé đỏ hỏn
để trông nom, chỉ thỉnh thoảng mới trở về để cho con bú. Những lúc phải một
mình trông con, mà nó lại khóc đòi bú hoặc ỉa đái tùm lum, thằng Ngộ mới cảm thấy
hết nỗi khổ sở khi lấy vợ. Nếu nó không có vợ con, nó có thể tự do muốn đi đâu
thì đi không bị ràng buộc gì, đằng này như bị trói vào căn chòi với đứa con nít
còn đỏ hỏn. Khổ sở nhất là ngày đầu tiên, nó lúng túng không biết phải làm gì,
nhiều lúc con nó khóc nó cũng khóc theo luôn! Nhưng cũng may là con nó càng
ngày càng ngoan, và nó cũng quen công việc nên dần dần không còn thấy vất vả
như những ngày đầu tiên.
Mấy tháng nay có người quen dẫn nó đi khuân vác ở kho gạo gần
đấy. Công việc cũng khá vất vả nên mấy ngày đầu nó ê ẩm cả mình mẩy, nhưng chỉ
một hai tuần sau đã cảm thấy thoải mái hơn, và bây giờ công việc khuân vác đối
với nó không còn vất vả lắm nữa, nó có thể vác cả một bao gạo không khó khăn
gì. Cũng may là công việc tuy vất vả nhưng tiền kiếm được cũng khá nên có thể
muôi nổi vợ con. Vì vậy, dạo này vợ nó ở nhà trông con không còn đi bán rau nữa.
Công việc vừa tạm ổn thì thằng Ngộ lại nghe nhiều chuyện bực mình về vợ nó.
Theo một số người thì trước khi lấy nó, vợ nó đã tằng tịu với lão Mịch đạp xích
lô, tên này đã có vợ con, rồi vợ nó có chửa nên mụ Liến phải tìm cách gài để ép
nó lấy con Liễu. Thằng Ngộ không biết câu chuyện thực hư thế nào, nhưng chỉ
nghe như vậy nó cũng đã rất bực mình, nhiều lúc về nhà nó muốn lôi con Liễu ra
đánh cho một trận và hỏi cho ra lẽ, nhưng không hiểu sao lại không dám làm. Đôi
khi Ngộ cũng cảm thấy tội nghiệp vợ nó, mỗi khi đi khuân vác về con Liễu đều hỏi
nó có mệt không rồi rót nước cho nó uống, có khi còn đun cả nước nóng cho nó tắm
nữa. Một hôm bực mình, nó gắt ầm lên, khuân vác về người nóng hừng hực mà tắm
nước nóng cái nỗi gì, giá có nước đá nó còn tắm được, nhưng nghĩ lại cũng thấy
tội nghiệp, vợ nó thấy nó vất vả nên tỏ ra chăm sóc vậy thôi, nhưng chăm sóc kiểu
đó chẳng ham tí nào!
Có những lúc Ngộ muốn bỏ ngoài tai mọi chuyện, kể như không có gì hết, người đời
phần đông xấu mồm xấu miệng, nó thấy ít ai nói tốt cho nhau, ở trong xóm này nó
còn lạ gì, nay nghe đồn bà này ngoại tình, ông kia có vợ bé, nhưng rồi nó cũng
chẳng thấy có chuyện gì xẩy ra, người ta vẫn sống với nhau, vẫn sinh con đẻ
cái, mặc dầu thỉnh thoảng có cãi nhau, nhưng nhà nào mà không cãi nhau! Trường
hợp của nó chắc cũng vậy!
Nhưng mỗi khi nhìn thấy con nó, thằng Ngộ lại nhớ đến lời người ta đồn đãi. Chẳng
lẽ đứa bé này là con lão Mịch? Nó cố tìm trên khuôn mặt đứa bé xem có nét nào
giống lão Mịch không. Có khi nó thấy đứa bé giống lão Mịch y hệt, nhưng cũng có
lúc nó tin tưởng đứa bé là con nó, mỗi khi đứa bé quấn quýt bên nó rồi gọi:
ba...ba...
Thằng Ngộ khổ sở vì sự nghi ngờ, chẳng thà biết rõ nó sẽ dứt khoát, đằng này
không có gì rõ rệt hết, bỏ vợ con thì không đành, mà cứ im lặng như không biết
gì hết thì nó làm không nổi! Nhiều khi vợ chồng cãi nhau vì những chuyện lặt vặt,
những lúc ấy thằng Ngộ muốn nói huỵch toẹt những điều người ta đồn đãi đến tai
nó nhưng rồi lại thôi.
Một buổi chiều vào tháng 4, trời như muốn chuyển mưa. Năm nay có lẽ mưa sớm hơn
mọi năm, cách nay cả tháng đã có trận mưa lớn, và bây giờ chiều nào cũng có mây
đen tụ ở góc trời như báo hiệu những trận mưa sắp đến, nhưng rồi trời lại quang
đãng trở lại.
Toán phu khuân vác tụ tập ở một đầu nhà kho có bóng cây râm mát, thằng Ngộ cũng
đứng lẫn lộn trong đám người đó, nó vẫn là người trẻ nhất trong đám và thường bị
đồng nghiệp coi là con nít, nên ít khi nào nó được bàn bạc với họ chuyện này
chuyện khác mà chỉ đứng nghe. Dạo này hình như đang có những chuyện lớn lao xẩy
ra, nghe người ta nói đang đánh lớn ở Ban Mê Thuột, rồi lại nghe các tỉnh Miền
Trung di tản. Trước đây thằng Ngộ không bao giờ để ý những tin tức về chính trị
và quân sự, nhưng dạo này đi đâu nó cũng nghe người ta bàn tán, mỗi ngày là một
đề tài nóng hổi, dồn dập! Đến bây giờ thì còn nghe cả tin Sài Gòn cũng sẽ di tản
nữa!
Rồi một hôm, thằng Ngộ thấy mọi người chung quanh tràn vào kho ào ào như đàn kiến,
mạnh người nào người ấy khuân về đủ mọi thứ, mấy người gác cổng đã chạy đi đâu
hết. Người ta phá cổng, phá rào, phá cửa, lục lọi tìm kiếm những thứ quý giá,
còn thằng Ngộ cũng vác được mấy bao gạo về nhà. Khi nó trở lại kho định vác một
bao gạo nữa thì bị chận lại ngay trước cửa kho. Một người đeo băng đỏ, cầm khẩu
súng, ra dấu đuổi mọi người về hết. Và ở trong kho, nó nhìn thấy một toán người
cũng đeo băng đỏ đang đuổi những người còn lại trong kho trở ra, người nào người
ấy mặt mày tiu nghỉu.
Ngộ đứng tần ngần nhìn vào kho một lúc rồi cũng quay về. Khi về đến nhà, thằng
Ngộ không thấy vợ con nó đâu nữa, lúc đầu nó tưởng vợ nó đi đâu đó chơi, nó ngồi
trên mấy bao gạo lấy được chờ đợi, nhưng rồi đến tối mịt vẫn không thấy con Liễu
về, nó chạy đôn đáo khắp xóm cũng không thấy tăm hơi. Mụ Liến và chị vợ nó cũng
không ai hay biết. Đêm đó là đêm đầu tiên nó ngủ trong chòi một mình, vừa buồn
lại vừa sợ!
Sáng hôm sau có người nói với thằng Ngộ, người ta thấy vợ con nó ngồi trên xe
xích lô của lão Mịch, nó để ý dò hỏi thì lão Mịch cũng mất tích và vợ con lão
đang đôn đáo tìm kiếm khắp nơi! Một tuần sau thằng Ngộ vẫn không thấy vợ con về,
nó đem mấy bao gạo lấy được bán cho mấy người cùng xóm lấy tiền uống rượu!
Từ khi làm nghề khuân vác nó bắt đầu uống rượu, lúc đầu mấy anh lớn ép nó, lúc
đó thằng Ngộ chỉ thấy rượu là thứ nước cay sè, nóng hực, nó không hiểu tại sao
cái thứ nước ấy lại làm cho người ta nghiện được. Nhưng bây giờ nó mới thấy rượu
là cần thiết, càng uống nó càng cảm thấy ngọt và rượu còn gây cho nó cảm giác bừng
bừng dễ chịu, nhất là dễ quên đi những bực dọc, phiền muộn. Sau khi tiêu hết số
tiền bán được từ mấy bao gạo, thằng Ngộ đổi nghề, nó thuê xích lô đạp vòng vòng
trong thành phố kiếm ăn.
Từ khi thành phố đổi chủ, xăng nhớt ngày một khan hiếm, phương tiện di chuyển
khó khăn, nên nghề đạp xích lô đủ sức nuôi nó ngày ba bữa, thỉnh thoảng nó còn
có tiền để đi nhậu với bạn bè. Nó cũng bỏ cái xóm Gà nghèo nàn của nó để về ở với
thằng bạn trên Phú Nhuận. Bạn nó, thằng Huân, chỉ có hai anh em nên sống tương
đối thoải mái với số tiền kiếm được hằng ngày. So với những người khác Ngộ cảm
thấy mình may mắn hơn họ, vì nhiều người trước kia khá giả nay cũng phải đạp
xích lô như nó mà còn phải nuôi một gia đình ba, bốn người, có khi còn đông hơn
nữa! Hằng ngày nó vẫn có thể ăn cơm trong khi rất nhiều gia đình khác đã phải
ăn bo bo hay cơm độn, có gia đình còn không có cơm độn mà ăn!
Một hôm thằng Ngộ đạp cuốc xe đưa một người khách về xóm Gà,
nhân tiện cũng là dịp nó thăm lại xóm cũ. Dãy nhà lụp xụp hai bên con hẻm quanh
co làm nó nhớ lại những ngày thơ ấu. Thằng Ngộ bồi hồi nhớ đến những ngày còn
nhỏ, nó đã lớn lên trong cái xóm nghèo nàn này, tất cả những ngôi nhà trong xóm
nó đều biết, đều quen, và tất cả đều có in dấu chân và hình bóng nó. Khi nó vào
đến trong xóm, người nào cũng vãy, cũng gọi, hỏi nó đủ thứ chuyện như một người
đi xa trở về. Gặp ai nó cũng mừng, nhưng nó không khỏi buồn khi nghĩ đến con Liễu,
và con bé kháu khỉnh một thời đã nhận nó là cha. Thằng Ngộ đi ngang nhà mụ Liến,
nó đã định không ghé, nhưng rồi mụ nhìn thấy, nó bắt buộc phải chào mụ, dù sao
chăng nữa, mụ cũng đã từng giúp nó trong những ngày đen tối của cuộc đời!
- Sao dạo này mày đi đâu, làm gì?
- Tôi đạp xích lô, dì.
- Mày đã lấy ai chưa?
Thằng Ngộ nhìn mụ Liến nghi hoặc, nó lắc đầu.
- Thôi chuyện vợ con là cái số, tao cũng muốn cho mày tốt mà rồi cũng không được,
người muốn không bằng trời muốn! Tao mới nhận được lá thư của con Liễu từ Mỹ gửi
về, hồi đó nó di tản sang Mỹ với lão Mịch đạp xích lô, chắc mày biết! Lúc đầu
nghe nói tao cũng không tin, nhưng bây giờ thì không còn nghi ngờ gì nữa. Có điều
bây giờ nó cũng không còn ở với lão Mịch nữa, tụi nó thôi nhau rồi. Trong lá
thư nó gửi cho tao cách nay một năm có kể lại chuyện cũ, hôm ấy nó gặp lão Mịch
đạp xích lô, lão bảo nó lên lão chở đi. Trong lúc rối ren nó không biết làm gì
nên ngồi lên xe cho lão chở, lúc ra đến bến tàu thì tình cờ gặp lúc người ta
đang lên tàu di tản, lão rủ nó đi, thế là nó theo lão vì sợ ở lại kẹt giữa hai
lằn đạn khi hai bên đánh nhau.
Thằng Ngộ nghe mụ Liến kể đến đây rồi mụ ngần ngừ như muốn nói điều gì lại
thôi. Ngộ cũng nín thinh, nó cảm thấy lời nói bây giờ là thừa thãi, con Liễu đi
với lão Mịch hay đi với ai thì cũng vậy, điều rõ rệt là con Liễu không yêu
thương gì nó!
- Thôi mày kiếm chỗ nào thấy được lấy đại đi, mày kể như con Liễu nó đã chết rồi!
- Bây giờ thì tôi thấy sống độc thân sướng hơn, vợ con thấy mà chán!
Mụ Liến không để ý thấy lời nói của thằng Ngộ như có ý trách móc. Mụ đứng lên,
đi lại cái bàn ở trong góc nhà, kéo hộc bàn, lục lọi, tìm kiếm một hồi, rồi đưa
ra một tấm ảnh màu:
- Đây là hình con Liễu chụp ở Mỹ mới gởi về.
Thằng Ngộ tò mò muốn biết giờ này con Liễu đã thay đổi đến mức nào. Nó cầm tấm ảnh
và ngạc nhiên thấy con Liễu trong ảnh đẹp như những con nhà quyền quý vào thời
kỳ trước, mặc váy đầm, đi dày cao gót, đang đứng dựa vào chiếc xe hơi bóng lộn.
Thằng Ngộ thấy như có gì ứ ở cổ, nó quay mặt nhìn ra ngoài đường, mặt trời toả
ánh nắng chói chang xuống con ngõ hẹp, một cơn gió thổi đến làm bụi cuốn lên mù
mịt. Nó có cảm tưởng con đường trở về xa hơn, và chiếc xích lô như là một vật nặng
nề đang bám lấy nó.
Chỉ là kỷ niệm
Từ ngày được tha ra trại cải tạo, Thưởng trở lại nghề dạy học.
Tất nhiên không phải là dạy ở những trường nhà nước vì không dễ gì người ta chấp
nhận cho chàng dạy như vậy. Bây giờ người ta đòi hỏi hồng hơn chuyên mà! Hơn nữa,
giáo viên nhà nước người ta còn đổi nghề, chạy ra ngoài chợ trời buôn bán vặt
vãnh để sống qua ngày, thì chàng cũng chẳng dại gì mà đâm đầu vào đấy, để rồi lại
nem nép sợ từ anh hiệu trưởng tới anh hiệu phó, và ngay cả với mấy người đồng
nghiệp!
Thưởng có chút vốn liếng về Anh ngữ, mà phong trào học Anh Văn bây giờ lại lên
cao, cao hơn cả thời kỳ Mỹ còn nửa triệu quân ở miền Nam, vì ai cũng cố chuẩn bị
cho mình một chút vốn liếng tiếng Anh để đi nước ngoài, dù là đi chính thức hay
là đi chui, nên Thưởng nghiễm nhiên trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh, mặc dầu
chàng chỉ dạy kèm tại tư gia hai, ba người. Nhiều khi Thưởng cũng hơi áy náy
lương tâm, dù tiếng Anh của chàng không đến nỗi quá tệ, nhưng chắc chắn là
không đủ để mang danh là giáo sư Anh ngữ, như những người học trò hay láng giềng
thường gọi chàng. Nhưng dù có áy náy trong lòng, Thưởng cũng chẳng có con đường
nào khác để chọn lựa. Dạy tiếng Anh dù sao cũng là cách kiếm sống dễ dàng, lại
nhàn hạ. Nếu buông nghề này ra, thì chàng chỉ có một nghề duy nhất là đạp xích
lô mới may ra đủ tiền để nuôi tấm thân mình, chứ chưa nói gì đến vợ con!Nghĩ đến
vợ con, Thưởng không khỏi buồn lòng. Ngày chàng đi tù, Loan đi thăm nuôi được một
dạo rồi một ngày một thưa dần, có khi cả năm nàng mới lại đi thăm một lần. Thế
rồi bẵng đi mấy năm Loan không đi thăm mà cũng không nói cho chàng biết lý do.
Nàng đi ra khỏi đời chàng một cách lặng lẽ, trái hẳn với lần nàng đến. Thưởng
chợt nhớ đến cái đám cưới của mình và Loan tổ chức rình rang tại nhà hàng Đồng
Khánh, hình như đến hơn ba mươi "thồi". Cả Thưởng lẫn nàng đều lộng lẫy
trong những bộ quần áo đắt tiền, và cả họ hàng hai bên cùng bạn bè cũng vậy. Ai
ai cũng chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc...
Ấy vậy mà chỉ một năm sau mọi sự đều đổi khác. Thân nhân họ hàng đều chạy tứ
tán mỗi người một phương. Cha mẹ của Loan giờ này hình như đang ở bên Pháp,
nhưng lũ em của nàng có đứa lại sang tuốt tận bên Mỹ. Còn gia đình chàng thì lại
quá rủi ro! Sau vụ cải tạo công thương nghiệp, bố mẹ chàng mất hết tài sản, lại
bị đẩy đi vùng kinh tế mới tít tận Tây Ninh, rồi ít lâu sau chết ở đấy!
Trở về nhà từ trại cải tạo với hai bàn tay trắng, vợ con nhà cửa không còn, Thưởng
đành tá túc nhà cô em gái, trước đây cũng khá giả nhưng bây giờ chỉ còn lại cái
nhà, còn đồ đạc thì đã bán dần để sống qua ngày.
Thưởng nhớ lại ngày trở về, thấy hoàn cảnh bi đát của mình chàng đã có ý định tự
tử cho xong cuộc đời, nhưng rồi cũng không có can đảm để làm chuyện ấy! Lúc đầu,
nghĩ không còn cách gì để kiếm sống, Thưởng đã xách mớ dụng cụ gồm kìm búa và mấy
đồ đạc lỉnh kỉnh khác, kiếm một gốc cây ngồi để sửa xe đạp, một nghề mà trước
đây chàng không bao giờ làm nhưng nghĩ là mình có thể làm được, hay ít nhất
cũng có thể tạm được. Nhưng chỉ ít ngày sau Thưởng khám phá ra cái khả năng hạn
hẹp của mình trong cái nghề tay chân này. Nghề nghiệp tuy đơn giản, tầm thường
thật nhưng chàng cũng chỉ làm được những công việc lặt vặt như vá lốp, căng dây
xích, còn những việc như cân vành bánh xe thì chàng vụng về thấy rõ. Sự vụng về
của Thưởng làm mất thì giờ của khách hàng đến nỗi có một người khách đã bực
mình nói với chàng:
- Ông dẹp cha nó cái nghề này đi, ông có biết sửa xe đâu mà cũng trưng bảng làm
mất thì giờ người ta!
Thưởng thẹn đỏ mặt vì câu nói của người khách và từ đó dẹp luôn nghề sửa xe.
Nhưng bỏ nghề kéo theo sự túng quẫn về tiền bạc. Cô em gái giỏi lắm cũng chỉ có
thể bao ông anh là Thưởng ngày hai bữa, chứ không thể cung cấp về tiền bạc để
tiêu pha được. Thưởng phải la cà ở nhà những người bạn tù cũ để cùng nhau tìm
cách sinh nhai bằng những nghề vặt vãnh hơn nữa. Nhưng rồi phong trào vượt biên
trở nên rầm rộ, nhiều người đi thoát viết thư về nhà . Những lá thư từ chân trời
mới gửi về khiến ai cũng ao ước một ngày nào đó được như họ. Từ đó người ta bắt
đầu lục lại những sách tiếng Anh, để hy vọng khi vượt biên nếu may mắn gặp tàu
ngoại quốc còn nói được mấy câu cần thiết, và cũng từ đó Thưởng trở thành giáo
sư Anh văn. Thật ra, vốn liếng tiếng Anh của Thưởng không đến nỗi qúa tệ, chàng
đã từng dạy Anh văn ở một trường tư thục từ trước 1975. Nhưng dạy Anh văn vào
thời đó cho những lớp nhỏ cũng không đòi hỏi khả năng to lớn gì. những gì Thưởng
đã từng học trong các cuốn sách Anh văn ngày xưa bây giờ phun ra lại, ngày nào
cũng như ngày nào, chỉ chừng đó là hết.
Vốn liếng Anh ngữ đã không có là bao, lại bị hao mòn theo năm tháng, nên trong
những ngày mới đi dạy kèm, Thưởng phải ôn bài, luyện giọng qua mấy cuốn băng cũ
mà chàng mua được. Đến bây giờ thì chàng đã tự tin hơn, nhưng chỉ tự tin với học
trò của mình thôi, vì học sinh của chàng cũng chỉ học những câu đối thoại đơn
giản, rất đơn giản mà thôi.
Chiều nay, sau khi dạy kèm cho Thảo, trên đường trở về nhà Thưởng đâm bâng
khuâng.
Kể từ khi vợ con bỏ đi biền biệt không để lại dấu tích gì, chàng đã nhủ lòng, từ
đây sẽ đóng chặt mọi ngõ ngách vào trong tâm hồn, sẽ không còn vương vấn với bất
cứ người đàn bà nào nữa. Thưởng còn nhớ câu Loan nói với chàng khi hai người
yêu nhau: "Không có anh, em sẽ chết!". Ấy vậy mà khi không có Thưởng
chẳng những nàng không chết mà còn có vẻ yêu đời hơn. Thưởng không hiểu nổi là
tại sao Loan không nói cho chàng biết là nàng sẽ đi, lấy chồng hay vượt biên chẳng
hạn. Tại sao nàng lại bỏ đi lặng lẽ như thế? Nếu nàng nói rõ lý do, chắc chắn
Thưởng sẽ không cố giữ nàng lại mà còn cầu mong nữa là đằng khác, vì Thưởng hiểu
đi cải tạo thì chẳng biết bao giờ mới được về!
Vì Thảo mà Thưởng nhớ đến người vợ cũ, một nỗi buồn xâm chiếm tâm hồn. Bây giờ
Loan ở đâu? Thưởng có nghe đồn, Loan bây giờ đang sống ở bên Mỹ, đã lấy chồng
là người cùng vượt biên với nàng. Rồi lại có tin đồn, Loan và cu Toàn, con của
Thưởng và nàng, đã chết trong chuyến vượt biên.
Thưởng vừa đạp xe vừa nghĩ đến cả Loan lẫn Thảo, trí óc hỗn độn vì những hình ảnh
của quá khứ và hiện tại trộn lẫn vào nhau, làm tí nữa chàng đâm sầm vào bà bán
bún rong đang đi qua đường.
Cái tai nạn suýt xẩy ra làm Thưởng chợt tỉnh, chàng tấp xe vào lề đường, khóa
xe cẩn thận, rồi ghé vào quán cà phê lạ mà đây là lần đầu tiên chàng uống, vì
Thưởng không thích đến những quán ăn, uống mà chàng không quen.
Khi về đến nhà thì cô em gái Thưởng đã đi chợ, mấy đứa cháu đang ngồi chơi lê
la ở sân nhà hàng xóm, thấy Thưởng, một đứa chạy về nói với chàng:
- Mẹ cháu nói, mẹ cháu đi đến tối mới về.
Thưởng chỉ "ừ" một tiếng rồi đẩy xe đạp vào nhà. Căn nhà của Tuyết
trước đây chứa đầy đồ đạc, bây giờ trống trơn, vì nàng đã đem ra chợ trời bán lần
hồi hết thứ này đến thứ khác vì kiếm không đủ ăn. Thưởng đi lại cái bàn kê gần
cửa sổ, cầm bình nước rót một ly đầy, ngồi dựa lưng vào thành ghế, uống một hơi
cạn hết nửa ly, rồi thẫn thờ nhìn qua khung cửa. Mảnh sân xi măng trở nên chói
chang hơn dưới cơn nắng trưa. Thưởng bỗng nhớ đến những ngày phơi nắng cuốc đất
trong trại cải tạo, thời gian thật là dài mà rồi cũng qua. Nhiều lúc Thưởng ngạc
nhiên không ngờ mình có sức khoẻ dẻo dai đến thế.Ngồi nghỉ một lúc Thưởng mới
nhớ lời của đứa cháu mới nói hồi nãy: "Mẹ cháu đi tến tối mới về",
chàng đứng lên lấy nồi, đong mấy lon gạo đổ vào, xả qua mấy đợt nước cho trôi hết
bụi bậm và những hạt gạo mọt nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bắc lên cái bếp dầu rồi
châm lửa nấu. Cái bếp dầu duy nhất này thỉnh thoảng mới được dùng đến vì dầu lửa
đắt đỏ và khó mua, nhưng bây giờ thì Thưởng cảm thấy mệt mỏi, không muốn loay
hoay ngồi nhóm bếp than hay củi, nên lấy bếp dầu đun đại cho xong. Thưởng cũng
chẳng hiểu tại sao mới được tha về nhà có ít tháng mà chàng đã rất ngại chuyện
bếp núc, mặc dầu khi còn trong tù chàng thường phải nấu ăn trong những hoàn cảnh
eo hẹp, thiếu củi, thiếu than và thiếu cả thì giờ. Ấy vậy mà mọi chuyện cũng
xong xuôi cả!
Nấu xong nồi cơm Thưởng không biết làm gì nữa sau khi đã lục lọi, tìm kiếm mà
không thấy có cá thịt, rau cỏ gì cả, chàng đành chờ khi cô em về muốn làm gì
thì làm, vì thường nàng cũng chỉ dám nhờ Thưởng nấu giùm nồi cơm cho lũ con ăn
tạm, còn thức ăn nàng sẽ mua về, sau khi đã kiếm được chút tiền.
Cũng có ngày cô em trở về với hai bàn tay không, và cả nhà đành phải ăn cơm với
chút muối đậu đã được làm sẵn để trong chạn.
Vừa nấu xong nồi cơm thì lũ cháu kéo về. Căn nhà đang vắng lặng bỗng trở nên ồn
ào. Có đứa chạy lại gần Thưởng hỏi:
- Cơm chín chưa cậu?
Thưởng lắc đầu rồi nói với nó:
- Cháu đi chơi một chút nữa cho quên đói, cơm chưa chín.
Đứa bé mặt tiu nghỉu bỏ đi. Thưởng gọi đứa cháu lớn nhất đến gần rồi nói với
nó:
- Cơm cậu đã nấu xong nhưng một lúc nữa mới ăn được. Tí nữa cháu lấy cơm cho
các em ăn, chia cho đều. Có muối đậu mẹ cháu để trong chạn đấy!
- Cậu không ăn cơm ư?
- Cậu ăn sau, bây giờ cậu đi nghỉ một chút, nhức đầu quá!
Dặn đứa cháu xong, Thưởng bước lên căn gác mà cô em gái dành riêng cho chàng.
Khi đi ngang phòng khách, Thưởng chợt thấy tấm ảnh của Lâm trong khung kính
treo trên tường. Thằng em rể mất tích từ những ngày đầu tháng 4- 75, chẳng biết
còn sống hay đã chết!
Tấm ảnh của Lâm nhắc Thưởng đến cuộc sống cô đơn của em gái. Nó vốn lãng mạn,
mê tiểu thuyết, ca hát. Lấy chồng có mấy năm mà đẻ một đàn con và bây giờ thì
chồng mất tích, một nách nuôi đàn con dại, ấy vậy mà cũng xong, mặc dầu là vất
vả...
Thưởng bỏ dở ý nghĩ về hoàn cảnh của đứa em vì cảm thấy mệt mỏi, rã rời. Sống
bây giờ mà cứ nghĩ quàng nghĩ xiên thì rất dễ điên! Chàng nghĩ thầm, rồi bước
lên cầu thang về với cái thế giới của riêng mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét