Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Trần Đình Sử, nhà phê bình thi pháp học

Trần Đình Sử, nhà phê bình thi pháp học

GS-TS Trần Đình Sử là giáo sư hàng đầu của ngành giáo dục và cũng là nhà khoa học có uy tín trong nghiên cứu văn học. Ông nổi tiếng với nhiều công trình về Thi pháp học như Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Giáo trình thi pháp học (1993). Thi pháp văn học trung đại (1998), Dẫn luận thi pháp học (1999), và Thi pháp truyện Kiều (2002)... Ông cũng là trưởng tiểu ban xây dựng chương trình Ngữ văn THPT của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Do những đóng góp to lớn về giáo dục và văn học, ông đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng ba, Huân chương Lao động hạng nhì, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2000...Trong năm 2017 ông nhận Giải văn hóa Phan Chu trinh về nghiên cứu.
Tôi không đề cập đến các công trình nghiên cứu của ông vì những công trình ấy đã được khẳng định giá trị bằng những giải thưởng lớn. Tôi chỉ đề cập đến hoạt động phê bình văn học của ông và hành trình trở thành người trí thức xã hội chủ nghĩa.
Tôi viết về ông với sự quý mến, trân trọng; dù vậy, tôi cũng rất đắn đo khi viết những dòng này.
NGƯỜI TRÍ THỨC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Để hiểu một người, không gì bằng nghe chính người ấy tâm sự. Ngôn ngữ cung cấp cho người nghe thông tin về sự việc được nói đến (Cái biểu đạt không chỉ dẫn đến Cái được biểu đạt mà con dẫn đến hiện thực được nhận thức), thông tin về quyền lực của diễn ngôn, về chủ thể diễn ngôn, và hơn nữa...
GS-TS Trần Đình Sử kể về cuộc đời mình: [1]
“Tôi nhớ những ngày tháng Tám năm 45, nhà tôi ở cửa Nhà Đồ, thành phố Huế, một hôm tự nhiên ba tôi đem về cờ đỏ sao vàng, đem cả gươm và dáo dài. Tôi nhớ đã cùng ba tôi đi xem vua Bảo đại thoái vị. Tôi được đỡ leo lên cột điện có dóng sắt đóng chéo rất đau chân để nhìn sang Ngọ môn. Sau này được nghe nói lại, trước khi vua thoái vị, ông Trần Huy Liệu đứng chống nạnh hai tay, chỉ khi vua đọc xong chiếu thoái vị thì ông mới đứng chắp tay, đón ấn kiếm. Sau đó thì mặt trận Huế vỡ, cả nhà tôi chuyển ra Quảng Trị. Khi thuyền qua huyện Hải Lăng giữa đêm khuya thì bị nghi là Việt gian, hai bên bờ tiếng hô râm ran, bắt Việt gian, Bắt Việt gian. Nghe tiếng hò náo loạn, Ba tôi thức dậy vội cầm giáo ra đứng ở mũi thuyền nhìn quanh xem Việt gian ở đâu. Một lúc thì biết, hoá ra người ta nghi ba tôi là Việt gian. Hàng chục người giáo mác lội ra giữa sông vây chặt khiến thuyền chúng tôi suýt chìm, và chúng tôi bị đưa lên bờ, giải về nhà lao Hải Lăng. Đồ đoàn bị tịch thu hết. Tôi bị giam cùng ba tôi trong xà lim. Tôi nghĩ mình nên hát quốc ca để họ khỏi hiểu lầm, và tôi đã hát quốc ca rất to trong đêm, nhưng không ai đoái hoài. Sáng hôm sau chúng tôi được đưa lên xe tải có dân quân mang gươm áp tải, đưa về thị xã Quảng Trị. Về tới nơi thì gặp toàn người thân, người ta xem giấy tờ và cho về nhà. Hồi ấy mà bị nghi Việt gian dễ chết như chơi. Có nơi nghe nói Việt gian, không xét xử gì hết chém liền. Thật hú vía.
Nhà tôi ở thôn Phúc Khê, xã Triệu Sơn huyện Triệu Phong đã hai lần bị Tây lùng đốt trụi, sau đó chuyển lên chiến khu Ba lòng, ở thôn Làng Hạ, xã Triệu Nguyên. Tôi đã tham gia đội thiếu nhi cứu quốc xã, tham gia diễn kịch cương do các anh bên Ty công an tỉnh dàn dựng. Năm 1951 đi bộ ra Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh học ở Trại Thiếu sinh Quảng Trị, do tỉnh uỷ Quảng Trị tổ chức cho con em trong tỉnh, cùng Ngô Thảo và nhiều bạn khác. Sau năm 1954 tôi được chuyển sang trường Học sinh miền Nam, lúc đầu ở Diễn Châu, sau chuyển ra Đan Phượng, Hoài Đức rồi Tây Tựu, Thượng Cát, Từ Liêm, sau đó về Phổ thông cấp 3 Hà Nội, rồi Nguyễn Trãi 3 Cửa Bắc.
Khi ở Đức Thọ tôi đã cùng đội thiếu niên đánh trống cỗ vũ Cải cách ruộng đất, chứng kiến đấu và bắn địa chủ. Khi ra Hà Nội tôi cùng các bạn từng xe đất đắp đường Thanh Niên Hồ Tây, đắp bờ hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu. Từng chứng kiến Nhân Văn Giai phẩm. Chứng kiến hợp tác hoá nông nghiệp. Vào tuyến lửa, chứng kiến chiến tranh leo thang, phá hoại của Đế quốc Mĩ. Chứng kiến ngày cả nước tang tóc khi Bác Hồ từ trần. Chứng kiến ngày vui toàn thắng, cả Hà Nội đổ ra Bờ hồ Hoàn Kiếm ăn mừng, rồi thống nhất đất nước. Chứng kiến người anh em núi liền núi sông liền sông đánh giết đồng bào biên giới phía bắc nước ta. Chứng kiến những ngày đất nước khốn khổ trong cơ chế bao cấp tem phiếu và bị cấm vận. Chứng kiến và tham gia ngày đổi mới. Chứng kiến sự sụp đổ niềm tin rồi sụp đổ hoàn toàn của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa. Chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt nguyên lí văn học.”
Ông trải lòng: “Nghiên cứu văn học là một ngành cực khó, không chỉ đòi hỏi năng lực nhạy bén mà còn đòi hỏi hiểu biết rất nhiều, rất toàn diện. Là một người Việt Nam lớn lên trong hai cuộc chiến tranh và những cuộc cách mạng xã hội liên tục, nghịêt ngã tôi cảm thấy thiếu thốn đủ thứ. Được sang học Trung Quốc, Liên Xô là những nước đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, là rất vinh dự, tôi vẫn thấy thiếu thốn về tư tưởng, học thuật. Là người đã nắm vững tiếng Trung, tiếng Nga, song tôi luôn đau khổ vì không biết tiếng Pháp, tỉếng Anh, tiếng Đức, chưa hiểu hết nhiều điều trong lĩnh vực mà tôi quan tâm. Tôi luôn luôn cảm thấy sự lúng túng của mình. Cảm thấy thế giới của mình còn rất hạn hẹp. “[đd]
Khi nhận Giải Văn hóa Phan Chu Trinh 2017, ông tự nhận xét về cuộc đời hoạt động nghiên cứu của mình:
“Tôi là một giảng viên đại học, bắt đầu giảng dạy bộ môn lí luận văn học ở Đại học Sư phạm từ giữa những năm sáu mươi thế kỉ trước. Trong khi dạy, tôi dần dần nhận thấy tính chất công thức, sơ lược của lí thuyết theo quan điểm mĩ học Mác – Lênin thời ấy, chủ yếu dạy về quan điểm triết học và chính trị, không giúp nhiều cho người học thấy được đặc trưng, sự phong phú, vẻ đẹp cũng như giá trị văn hoá của sáng tác văn học. Nhờ tự học tiếng Nga và đọc các sách báo Nga hồi ấy, tôi thấy giới trí thức Liên xô vào thời “tan băng” đã có một bộ phận đi tìm những con đường tiếp cận mới, trong đó có thi pháp học. Các sách về phương diện này trước đó bị ngăn cấm, lúc bấy giờ đã lần lượt được in lại. Trên các tạp chí khoa học luôn có mục thi pháp, đăng tải các lí thuyết và tìm tòi mới. Do nghiên cứu lí thuyết bị cầm đoán, các nhà khoa học Nga đi vào nghiên cứu, phân tích tác phẩm, theo hướng thi pháp văn học với các tên tuổi lớn như M. Bakhtin, D. Li khachev, V. Shklovski, V. Girmunski…, cùng các nhà nghiên cứu trẻ ở Viện văn học thế giới như G. Gachev và các tác giả khác.
Thi pháp học nhấn mạnh đến nguyên tắc sáng tạo văn học lạ hoá và hư cấu, tạo ra một chỉnh thể có tính kí hiệu. Nó nghiên cứu thi pháp như hệ thống các phương thức, phương tiện tạo nên tác phẩm nghệ thuật, khẳng định tính quan niệm, tính chủ thể của sáng tác, nhận rõ sự khác biệt giữa hình tượng nghệ thuật với các hình ảnh sao chép giản đơn từ thực tế, từ đó chỉ ra nội dung, tính sáng tạo và cá tính của nghệ sĩ. Như thế thi pháp học góp phần khắc phục quan niệm phản ánh giản đơn và xã hội học dung tục, xác nhận tính
Thi pháp học là một hướng nghiên cứu mở, nó có thể dung nạp nhiều cách tiếp cận khác nhau như chủ nghĩa cấu trúc, tự sự học, phân tâm học, kí hiệu học, nữ quyền luận, diễn ngôn học, xã hội học…Do đó mở rộng nghiên cứu các lí thuyết đó thì nghiên cứu thi pháp càng có thêm hiệu quả. Sau năm 90, song song với quá trình hội nhập, chúng ta tiếp thu thêm nhiều lí thuyết của phương Tây, việc ứng dụng thi pháp học đã đi vào chiều sâu. Nhiều công trình có thể không nêu tên thi pháp song thi pháp với tư cách là hệ thao tác nghiên cứu vẫn không bao giờ vắng mặt.
Bên cạnh dạy học lí luận văn học ở đại học, chúng tôi còn biên soạn chương trình và sách giáo khoa môn ngữ văn trung học phổ thông, trong đó chủ yếu là làm văn và đọc hiểu văn học. Chúng tôi nhận thấy cần thay đổi lối giảng văn cũ kĩ chủ yếu là dạy đọc chép. Trong đọc văn, chúng tôi khắc phục cách hiểu môn văn hẹp hòi chỉ là đọc các áng văn, thơ. Chúng tôi đề xuất cách hiểu văn nghĩa rộng, ngoài văn thơ là chính, học sinh còn đọc các văn bản có tính chất văn hiến, như cáo, chiếu, biểu, hịch, văn tế, các trích đoạn lịch sử, bình sử, các văn bản truyền bá khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên, văn bản báo chí. Bằng cách đó học sinh biết tiếp cận với các loại văn bản có nội hàm văn hoá của dân tộc để sau khi tốt nghiệp học sinh không xa lạ với văn hoá nước nhà và khoa học hiện đại. Chỉ tiếc là bộ môn giáo học pháp trong nhà trường còn quá cũ kĩ, chưa đáp ứng tư tưởng mới và chương trình con nặng nề. Để khắc phục sự cũ kĩ này, chúng tôi đã giới thiệu những cách tiếp cận mới như đọc hiểu văn học, các hình thức làm văn mới như biểu cảm, văn thuyết minh, nguyên tắc dạy học mới trên cơ sở lây học sinh làm trung tâm, phát triển cá tính của học sinh. Theo chúng tôi, dạy học văn học trong nhà trường không thể xa rời với văn hoá đọc…”[2]
Những chia sẻ của GS-TS Trần Đình Sử ở trên đủ để người đọc hình dung quá trình hoạt động khoa học của ông, hiểu được tâm thế và ước vọng của ông trong nghiên cứu, đồng thời cũng hiểu phần nào hiệu quả những công việc ông đã dành hết sức lực, tâm huyết để làm.
Có thể coi ông là một mẫu mực của người trí thức Xã hội chủ nghĩa. Ông đã lớn lên từ cách mạng tháng Tám 1945, trải quả quá trình dài của cách mạng Việt Nam từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến những ngày đổi mới. Ông đã sống và học tập trên đất nước Xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc, Liên Xô). Những năm tháng ấy cho ông nhiều trải nghiệm, nhiều nghĩ suy và rút ra được nhiều bài học cho việc nghiên cứu khoa học của mình, chẳng hạn về Nhân Văn- Giai Phẩm, về thi pháp học ở Liên Xô sau thời kỳ “tan băng”, về đổi mới lý luận văn học...
Nhà Nước cũng đã tạo cho ông nhiều thuận lợi để ông có thể hoàn thành những nhiệm vụ trí thức xã hội chủ nghĩa. Những phần thưởng lớn ông được nhận là sự tôn vinh những đóng góp của ông.
Cũng như nhiều trí thức Xã hội chủ nghĩa khác, dù trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn của đất nước, ông đã nỗ lực vươn lên, học tập và nghiên cứu; và có những đóng góp quan trọng cho học thuật nước nhà, tạo ra những hiệu quả tích cực làm phát triển đời sống trí thức và đời sống xã hội (giáo dục) của một thời.
THI PHÁP HỌC, "HƯỚNG NGHIÊN CỨU MỞ"
Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá cao các công trình Thi pháp học của GS-TS Trần Đình Sử. [3] Tôi xin không nhắc lại, chỉ ghi nhận đôi điều:
TS Cao Thị Hồng cho rằng: “Người đầu tiên xác lập được tư tưởng học thuật, đề xuất một cách đầy đủ nhất hệ thống luận điểm khoa học thi pháp học hiện đại là Trần Đình Sử. Bên cạnh đó ông còn đồng thời triển khai tư tưởng học thuật thông qua việc luận giải đánh giá các hiện tượng văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại”. “Mô hình nghiên cứu của Trần Đình Sử bao gồm: quan niệm nghệ thuật về con người, không gian, thời gian nghệ thuật, hình tượng tác giả, tình tiết, kết cấu, trần thuật, ngôn ngữ thể hiện”, “Điểm đặc biệt là mô hình lý thuyết này có tính linh hoạt mềm dẻo, nó có thể bao hàm vào bản thân nó những bình diện của phong cách học, tự sự học, tu từ học, ký hiệu học, ngữ học. Theo quan niệm của mô hình này, thế giới nghệ thuật chỉ có thể được quy nạp, khái quát từ cái nền ngôn từ của văn bản, xuất phát từ những biểu hiện của ngôn từ mà rút ra.”
TS Chu Văn Sơn nhận xét về văn phong của Trần Đình Sử: “Để cho ý của mình nổi trội và áp đảo, ông [Trần Đình Sử] đã huy động tất cả những kiến văn Đông Tây Kim Cổ có được để biện bác, thuyết phục. Lời thì sắc, ý thì chắc, mạch thì chặt, hơi thì nóng. Tất cả cứ toát lên một văn phong kiêu hùng. Phải, kiêu hùng là sắc thái nổi trội trong văn Trần Đình Sử. Đọc ông, người ta thấy đó là văn của trí và chí. Phía nào cũng ngùn ngụt.”
Nhà lý luận phê bình Đỗ Minh Tuấn nói về ảnh hưởng của GS-TS Trần Đình Sử: “Có thể nói, Trần Đình Sử đã đưa Thi pháp học lên ngôi ở Việt nam ngay trước thềm đổi mới, những người bảo thủ nhất trong nghiên cứu văn học cũng không phản đối. Các GS Đặng Thai Mai, Đỗ Đức Dục rất ủng hộ, cho rẳng Trần Đình Sử đã mở ra cánh cửa mới chưa từng có ở Việt Nam, mở ra những triển vọng mới cho nghiên cứu và phê bình văn học. Trần Đình Sử đã gây ngạc nhiên thú vị cho giới nghiên cứu, giảng dạy và phê bình văn học lúc bấy giờ khi nhấc bổng thần Ăng-tê nghệ thuật khỏi mặt đất hiện thực mà vị thần này vẫn còn nguyên sức mạnh, thậm chí còn tỏ ra nhiều năng lượng hơn xưa! Thế là, liền trong mấy năm trời, các viện nghiên cứu, Hội đồng lý luận phê bình Hội nhà văn, các tổ chuyên môn của một số trường Đại học, các diễn đàn, các CLB văn học nghệ thuật mời ông đến nói chuyện và tổ chức Hội thảo về thi pháp học y như ngày nay người ta mời các nhà cảm xạ học đến trình diễn trò thôi miên, hút những chiếc thìa nĩa, những chiếc muôi múc canh bay đến dính chặt vào thân thể!”
Lã Nguyên (PGS-TS La Khắc Hòa) là người có nhiều bài viết sâu sát về GS-TS Trần Đình Sử. Ông nhận xét về cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu: “Trần Đình Sử đã chứng minh đầy thuyết phục: thơ Tố Hữu là đỉnh cao của thơ trữ tình chính trị Việt Nam…Trần Đình Sử đã đặt ra và giải quyết hàng loạt vấn đề mà trước nay nghiên cứu văn học ít quan tâm. Đó là những vấn đề như quan niệm nghệ thuật về con người, không gian và thời gian nghệ thuật, chất thơ và phương thức thể hiện”; “Tôi cho rằng, đây là một trong những hướng thi pháp học hiện đại có nhiều triển vọng nhất, bởi nó mở ra khả năng giải quyết hàng loạt vấn đề mà mĩ học nhiều thế kỉ đặt ra, nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Dĩ nhiên, nếu không có một trí tuệ sắc sảo, một tình yêu và ý thức trách nhiệm cao trước những giá trị tinh thần của dân tộc, chắc đâu cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu đã ra mắt bạn đọc!
Về cuốn“Thi pháp truyện Kiều” Lã Nguyên nhận xét, “cuốn sách của Trần Đình Sử đầy những phát hiện; phát hiện nào cũng sâu sắc góp phần nâng sự hiểu biết và trình độ cảm thụ của người đọc đối với Truyện Kiều lên một tầm cao mới”
Về cuốn “Trên đường biên của lí luận văn học của Trần Đình Sử, Lã nguyên nhận xét: Cuốn sách “là tuyển tập các tiểu luận đã được ông công bố rải rác trong vòng mươi năm trở lại đây. Tôi gọi đây là cuốn sách bàn luận về sự khủng hoảng của lí luận văn học và suy ngẫm, tìm kiếm lối thoát cho sự khủng hoảng ấy”.
PGS-TS Văn Giá kể lại những điều học được ở GS-TS Trần Đình sử: “Thế hệ chúng tôi, đọc Trần Đình Sử ngày đó vỡ ra được rất nhiều. Điều thấm thía nhất đối với chúng tôi đó là nghiên cứu văn học sao cho văn học được là văn học, tức là nhìn văn chương xuất phát từ cái nhìn nghệ thuật chứ không phải bằng cái nhìn của xã hội học hoặc chính trị thô giản. Các công trình của Trần Đình Sử đã góp phần kéo thế hệ chúng tôi và nhiều người khác ra khỏi cái vòng luẩn quẩn nội dung tư tưởng chính trị xã hội của văn học. Cái mệnh đề nổi tiếng: “Thi pháp học là khoa học nghiên cứu hình thức mang tính quan niệm” của Trần Đình Sử đã thực sự tiếp sức cho hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại nước ta.”
Những nhận xét đánh giá của các PGS-TS đã khẳng định GS-TS Trần Đình Sử mở ra khả năng giải quyết hàng loạt vấn đề mà mĩ học nhiều thế kỉ đặt ra, nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Đó là những đánh giá trân trọng và tôn vinh.
Tuy nhiên, mọi lý thuyết văn học đều có hạn chế của nó, ngay cả những lý thuyết văn học dựa trên những nền tảng triết học có giá trị (Phân tâm hiện sinh của J.P.Sartre chẳng hạn). Có lẽ sau những trải nghiệm và nghiền ngẫm, GS-TS Trần Đình Sử cũng nhận ra những giới hạn nghiên cứu lý thuyết về Thi Pháp học của ông [4].
Ông viết: “Thi pháp học là một hướng nghiên cứu mở, nó có thể dung nạp nhiều cách tiếp cận khác nhau như chủ nghĩa cấu trúc, tự sự học, phân tâm học, kí hiệu học, nữ quyền luận, diễn ngôn học, xã hội học…”; “Sau năm 90, song song với quá trình hội nhập, chúng ta tiếp thu thêm nhiều lí thuyết của phương Tây, việc ứng dụng thi pháp học đã đi vào chiều sâu. Nhiều công trình có thể không nêu tên thi pháp song thi pháp với tư cách là hệ thao tác nghiên cứu vẫn không bao giờ vắng mặt.”[đd]
Tôi nghĩ đó là những chỉ dẫn quý báu cho những thế hệ nghiên cứu văn học đi sau ông, cũng là sự chân thành khoa học của một nhà nghiên cứu muốn các thế hệ sau tiếp tục vượt lên…
Ngày nay các nhà nghiên cứu đã chuyển hướng từ nghiên cứu Thi pháp học sang việc ứng dụng những lý thuyết khác, chẳng hạn, nghiên cứu Phân tâm học (Đỗ Lai Thý), Ký hiệu học (Lã Nguyên) làm phong phú thêm lý luận phê bình ở Việt Nam.
DẠY VĂN LÀ DẠY ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
Nói về việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa Ngữ Văn Phổ Thông Trung Học của GS-TS Trần Đình Sử, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Phó vụ trưởng vụ giáo dục trung học (Bộ GD & ĐT), có bài Trần Đình Sử- từ một góc nhìn viết khá cặn kẽ.[5]
“Làm thế nào để có được một công chúng văn học có trình độ? Câu trả lời sẽ hết sức phiến diện nếu như không thấy hết vai trò của nhà trường; nếu không cần và không quan tâm đến việc dạy học văn ở nhà trường. Trong khi cả nhà văn và công chúng văn học đều trải qua và chịu ảnh hưởng của học vấn nhà trường. Nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường là hình thành, bồi dưỡng, nâng cao trình độ “tiếp nhận” tác phẩm văn học cho HS”…
…“CT Ngữ văn THPT năm 2002 thì quan niệm dạy văn trước hết là dạy đọc văn, hình thành và rèn luyện phương pháp, cách thức đọc-hiểu văn bản mới thực sự trở nên rõ nét và nhất quán. Người chủ trương và góp phần quan trọng trong việc khẳng định quan niệm này là GS.TS. Trần Đình Sử, trưởng tiểu ban xây dựng chương trình Ngữ văn THPT của Bộ GD&ĐT khi đó.”…
…“Dạy học đọc-hiểu tác phẩm văn chương theo tinh thần này được hiểu một cách khá toàn diện. “Đó là một quá trình bao gồm việc tiếp xúc với văn bản, thông hiểu cả nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa hàm ẩn cũng như thấy được vai trò, tác dụng của các hình thức, biện pháp nghệ thuật ngôn từ, các thông điệp tư tưởng, tình cảm, thái độ của người viết và cả các giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật. Đọc hiểu là hoạt động duy nhất để học sinh tiếp xúc trực tiếp với các giá trị văn học. Đọc hiểu bắt đầu từ đọc chữ, đọc câu, hiểu nghĩa của từ và sắc thái biểu cảm, hiểu nghĩa của hình thức câu, hiểu mạch văn, bố cục và nắm được ý chính, cũng như chủ đề của tác phẩm. Lý giải những đặc sắc về nghệ thuật và ý nghĩa xã hội nhân văn của tác phẩm trong ngữ cảnh của nó. Trong quá trình học đọc, HS sẽ biết cách đọc để tích lũy kiến thức, đọc để lý giải, đọc để đánh giá và đọc sáng tạo, phát hiện. HS sẽ học cách trích câu hay, trích chi tiết, trích ý, học cách thuyết minh, thuật lại nội dung văn bản đã học”…
“…Những nét chính về quan niệm đọc-hiểu văn bản vừa nêu trên được ghi trong Chương Trình Ngữ văn THPT của Bộ GD&ĐT năm 2002, nhưng thực chất là của GS Trần Đình Sử, người chịu trách nhiệm chính trong việc khởi thảo Chương Trình Ngữ văn THPT hiện hành... Rõ ràng quan niệm này là sự triển khai, tiếp nối và nhất quán với lý luận thi pháp mà ông hiểu rất tường tận”…
Sau nhiều năm ngành giáo dục phổ thông thực hiện chương trình và sách giáo khoa do ông thực hiện, GS-TS Trần Đình Sử có lẽ đã nhận ra sự hạn chế của phương pháp dạy văn do ông đề xuất. Ông nói: “Chỉ tiếc là bộ môn giáo học pháp trong nhà trường còn quá cũ kĩ, chưa đáp ứng tư tưởng mới và chương trình con nặng nề.”
Cách kiểm chứng đúng nhất là phải xem học sinh PTTH học Ngữ văn như thế nào và đạt được kết quả gì từ chương trình và SGK do ông thực hiện? Hình như chưa có một điều tra nào cụ thể, chỉ biết rằng có nhiều tiếng kêu ca rằng học sinh chán học văn.
Thực tiễn dạy Ngữ Văn ở PTTH có nhiều vấn đề.
Nếu dạy văn là “dạy đọc hiểu văn bản” thì trên lớp thầy cô không thể thực hiện được ý tưởng này. Thí dụ, Vợ Nhặt của Kim Lân, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyện Minh Châu, hay Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, mỗi tác phẩm chỉ có 2 tiết dạy, thầy cô dạy đọc hiểu như thế nào theo yêu cầu của GS-TS Trần Đình Sử là: “Đọc hiểu bắt đầu từ đọc chữ, đọc câu, hiểu nghĩa của từ và sắc thái biểu cảm, hiểu nghĩa của hình thức câu, hiểu mạch văn, bố cục và nắm được ý chính, cũng như chủ đề của tác phẩm. Lý giải những đặc sắc về nghệ thuật và ý nghĩa xã hội nhân văn của tác phẩm trong ngữ cảnh của nó”? Học sinh tự mình đọc ở nhà thì không thể hiểu tác phẩm. Bởi năng lực tư duy, vốn kiến thức văn hóa của học sinh không đủ để tiếp cận các kiều tư duy nghệ thuật khác nhau, với những nền văn hóa khác nhau.
Đọc hiểu văn bản đòi hỏi trình độ rất rộng về tri thức: tri thức văn hóa nhiều mặt, kết hợp với các lý thuyết văn học và phương pháp phê bình văn học (Phương pháp tiểu sử, phương pháp giáo khoa, phương pháp xã hội học Mác-xít, xã hội học văn chương của Bakhtin, Cấu trúc luận, Giải cấu trúc, Phân tâm học, lý thuyết tiếp nhận…). Ngay cả thầy cô dạy Trung Học Phổ Thông, nhiều người cũng chật vật với tác phẩm dù đã có sách giáo viên hướng dẫn.
Điều đáng nói là chương trình rất nặng nề và lạc hậu so với thời đại. Chương trình hầu như bỏ phần Lý luận văn học (Ở lớp 12 chỉ học sơ sài về Quá trình văn học và Phong cách nghệ thuật), thì sao có thể “có được một công chúng văn học có trình độ”?
Thực tiễn cho thấy mọi phương pháp dạy Văn ở THPT đều phá sản khi nỗ lực của nhà trường và học sinh học chỉ để thi tốt nghiệp.
Rất tiếc cho ý tưởng và mục đích tốt đẹp về dạy Ngữ văn ở PTTH của GS-TS Trần Đình Sử. Trong chương trình đổi mới sắp triển khai, Bộ Giáo dục-Đào tạo chuyển hướng dạy Ngữ văn PTTH sang hướng dạy 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tôi tin rằng ý tưởng của GS-TS Trần Đình Sử vẫn giữ nguyên giá trị.
NHÀ PHÊ BÌNH LÝ THUYẾT
Ngoài 2 chuyên luận thi pháp học về thơ Tố Hữu và Truyện Kiều, (dường như?) GS-TS Trần Đình Sử rất ít viết một bài phê bình trọn vẹn về một tác phẩm theo yêu cầu ông đề xuất phương pháp đọc hiểu ở THPT. Những bài phê bình văn học của ông chỉ xuất hiện khi văn đàn có những vấn đề vướng mắc về tư tưởng-học thuật. Ông trình bày các lý thuyết văn học và trên cơ sở đó ông lý giải vấn đề có ngọn có ngành. Cách viết này có sức thuyết phục vì nó có nền tảng học thuật, và người ta tin rằng ông có thẩm quyền nói về vấn đề đó với tư cách nhà nghiên cứu văn học. Các thầy cô giáo phổ thông và các sinh viên đại học đều đặt niềm tin vào ông. Tất nhiên là bài viết của ông vượt trội về tư tưởng học thuật so với những bài viết của các nhà phê bình phong trào.
Theo quan sát của tôi, ông rất ít tham gia vào các hoạt động phê bình của thời sự văn học (phát biểu ý kiến về tác phẩm, tác giả, hiện tượng văn học đang xảy ra…). Chỉ khi có sự ồn ào về phê bình văn học, ông mới tham gia như người hướng dẫn dư luận. Xin đọc các bài viết của ông trên trang: https://trandinhsu.wordpress.com.
Tôi chỉ xin lướt qua một vài bài gây được hiệu ứng nhất định trong công luận.
Về phê bình văn học, ông đã dịch bài Ba loại phê bình xấu của Đinh Phàm. Ông cũng nói về các khuynh hướng phê bình văn học hiện nay. Theo ông, Phê bình văn học hiện nay có các khuynh hướng: phê bình xã hội học, ý thức hệ, nghiên cứu văn học theo mô hình lấy nhà văn làm trung tâm, phê bình trên nền tảng văn bản văn học, Phê bình văn học truyền thông, Phê bình trường, viện và đề tài được cấp kinh phí, Phê bình khuynh hướng văn học, Phê bình văn hóa học.
Ông nhận định về phê bình văn học Việt Nam: “phê bình văn học Việt Nam đang mở ra, lớn lên, nhưng không đồng đều và chậm chạp. Phê bình văn học nặng về khuynh hướng thông tin, chân dung, chào hàng, diễn giải các hiện tượng, là các hình thái phê bình tự nhiên, tự phát. Còn hiếm tác phẩm đạt đến các khuynh hướng chuyên sâu, chưa đi vào nội dung triết lí, thẩm mĩ, chưa có tầm khái quát cao đối với một nền văn học.”[6]
Ông còn viết riêng một bài về “Phê bình kiểm dịch”[7]. Sau khi lược qua lịch sử vấn đề, ông nhận định: “Các nhà quản lí quốc gia bao giờ cũng ưu tiên phát triển loại phê bình kiểm dịch”, và ông dẫn chứng ở nước ta: “Ở nhiều giai đoạn, loại phê bình kiểm dịch này cũng thịnh hành ở nước ta. Thế cho nên, hàng loạt tác phẩm, ví như Vào đời, Sắp cưới, Mùa hoa dẻ, Sương tan, Phá vây, Chuyện kể năm 2000, Miền hoang tưởng, Cây táo ông Lành, Sẹo đất, Vòng trắng, từng bị phê bình chuyên nghiệp phanh phui, lên án, xem đó là những tác phẩm “có vấn đề”, dù sau này nhìn lại hầu như chẳng có vấn đề tư tưởng quan trọng nào cả”.
Trước tình hình “rối loạn” của phê bình văn học Việt Nam đương đại, ông viết bài: Lí luận văn học- khủng hoảng và lối thoát [8]. Ông đặt vấn đề: “Đổi mới lý luận tức là hiện đại hóa ký luận”[9]. Ông đã giới thiệu: “Lý thuyết Cácnavan hoá của M.Bakhtin và tư duy tiểu thuyết hiện đại [10], giới thiệu Giải cấu trúc và nghiên cứu, phê bình văn học [11], Khái niệm diễn ngôn trong nghiên cứu văn học hôm nay [12]. Nhìn lại lịch sử lý luận phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX, ông cho rằng: cần phải “khắc phục cái nhìn theo tiêu chí chính trị thuần tuý, hẹp hòi, mà phải nhìn trong viễn cảnh phát triển lý luận của thòi kì hội nhập, toàn cầu hoá tri thức” [13] Ông cũng đặt vấn đề rốt ráo về một vấn đề cốt lõi của lý luận văn học cũ:“Khái niệm phương pháp sáng tác trong lí luận phê bình văn học mác xít là nguỵ tạo”[14].
Ông phủ định quan điểm văn nghệ phục vụ chính trị: “xét về mặt lí thuyết, nói văn nghệ tòng thuộc chính trị, văn nghệ phục tùng chính trị là không đúng. Văn nghệ và chính trị là hai hình thái ý thức xã hội khác nhau thuộc thượng tầng kiến trúc, có chức năng vị trí khác nhau, tác động qua laị với nhau, không thể coi văn nghệ là một bộ phận (tòng thuộc) của chính trị, phục vụ chính trị được”;”Gọi văn nghệ là công cụ, vũ khí nói chung cũng không đúng.”[15]
Trình bày “khoảng trống về nghĩa của văn bản” theo lý thuyết tiếp nhận, ông nói về hạn chế của Cấu trúc luận, và cho rằng: “Khoảng trống về nghĩa trong văn bản tạo thành cấu trúc của văn bản vừa nói vừa không nói, vừa bộc lộ vừa che giấu, vừa thể hiện vừa tỉnh lược, là cấu tạo để mời gọi bạn tri âm tri kỉ.”[16]. Ông cũng có ý kiến về phê bình Phân tâm học của Đỗ lai Thúy, phê bình Ký hiệu học của Lã Nguyên [17].
Một trong nhiều bài viết của ông gây ra những chuyển động tư tưởng học thuật là bài: “Ngoại biên hóa trong tiến trình văn học Việt Nam đương đại” (28.7.2013)[18]. Ông dẫn Bakhtin để nhận định rằng: “Toàn bộ văn hóa, văn học… đều tồn tại trên đường biên, đường ranh giới.”, rằng “Mọi sáng tác văn học ở trung tâm đều bắt nguồn từ ngoại biên”, và kết luận: “Quan niệm về ranh giới của Bakhtin cho ta hiểu rằng, toàn bộ sức sống văn học, nghệ thuật nằm ở đường biên. Kìm giữ văn học, nghệ thuật ở trung tâm là kìm hãm sự phát triển, sinh sôi của chúng. Quan niệm này cũng cho thấy ngoại biên hóa là quy luật khách quan của nghệ thuật và lí thuyết, phê bình.”.
Theo dõi thời sự văn học, người đọc hiểu rằng đây là bài ông viết tham gia vào cuộc tranh luận bảo vệ luận văn Nhã Thuyên. Chuyện xảy ra từ mùa hè 2013, và đặc biệt trong Hội nghị Lý luận Phê bình lần thứ 3 của Hội nhà văn Việt Nam tại Tam Đảo (4, 5/6/2013), nhà phê bình Chu Giang và GS Phong Lê đặt vấn đề phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn. Rất tiếc vấn đề của “luận văn Nhã Thuyên” là vấn đề chính trị, và lý thuyết về “ngoại biên hóa” hàm chứa những nội dung hàm hồ, nên dù viện dẫn Bakhtin, GS Trần Đình sử cũng không làm thay đổi được cục diện sự việc (ở đây uy quyền nhà phê bình chính trị mạnh hơn).
Nói như vậy để thấy rằng những bài viết về phê bình của GS Trần Đình Sử (dù cách viết lý luận đã rất kín nhẽ, và sử dụng rất khéo mặt nạ văn học) cũng không tránh được những phản biện khi người ta “soi“ bài viết của ông ở những góc độ khác [19]. Âu cũng là mặt tích cực của việc dân chủ hóa trong học thuật và tranh luận.
Dù thế nào, người đọc vẫn thấy bóng dáng của ông vượt lên phía trước về lý luận phê bình văn học Việt Nam.
Trong Tọa đàm “Trần Đình Sử trên đường biên của lí luận văn học”[20] chiều ngày 23 tháng 1 năm 2015, Khoa Viết văn báo chí, ĐH Văn hóa HN đã tổ chức diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ, với khoảng 60 người tham dự, ông nói: “Nền lý luận mà chúng ta đang có cũ quá rồi! Quá date rồi! Chúng ta, trong đó có tôi đã sai lầm, đã ấu trĩ, đã ngộ nhận nhiều rồi. “.
Rồi ông nói vui: “Tôi là một tội đồ đã reo rắc bao nhiêu sai lầm cho bao nhiêu thế hệ sinh viên học sinh. Tôi muốn làm một việc gì đó, để sửa sai cho mình, trước hết được nói ở trong cuốn sách này”.
Tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện nhận xét: “Sương tuyết đã nhuộm trắng mái đầu, Trần Đình Sử vẫn luôn đổi mới, quyết lòng tính sổ và bỏ lại phía sau những gì đã lỗi thời, lạc hậu, trì trệ và áp đặt thô thiển – mặc dù có khi chính cái đó đã mang lại danh vọng cho ông, để lên đường, chặng mới của hành trình đổi mới lý luận văn học”[đd]
LỜI KẾT
Tội quý mến phẩm chất trí thức và những đóng góp cùa GS-TS Trần Đình Sử trong tiến trình đổi mới lý luận phê bình văn học Việt Nam. Những người đi sau ông rồi cũng sẽ vượt lên. Bởi họ học được ở ông nhiều điều.
Chú thích:
[1] Trò chuyện cùng Giáo sư Trần Đình Sử về đời và nghề http://vietvan.vn/
[2] Trần Đình Sử- Diễn từ nhận Giải văn hóa Phan Chu Trinh, hạng mục nghiên cứu cùa Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh. https://trandinhsu.wordpress.com/
Xem thêm video:
[3] Xin đọc:
- Cao Thị Hồng: Trần Đình Sử với tiếp nhận thi pháp học hiện đại trong nghiên cứu văn học ở Việt Nam
vandoanviet.blogspot.com/
-Chu Văn Sơn: Trần Đình Sử và Thi Pháp học: khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
-Lã Nguyên: Một hướng nghiên cứu có triển vọng (về chuyên luận thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử)
https://languyensp.wordpress.com/
-Lã Nguyên: Thi pháp Truyện Kiều của Trần Đình Sử và giới hạn của những cách đọc
http://vietvan.vn/
-Lã Nguyên: Trần Đình Sử và những đường biên khoa học
https://www.vanhoanghean.com.vn/
-Lã Nguyên: Việt Nam thế kỷ XX và những xu hướng lựa chọn tư tưởng văn nghệ nước ngoài
https://www.vanhoanghean.com.vn/
-Lã Nguyên: Lý luận, phê bình văn học Việt Nam thời hậu chiến
http://vanvn.net/
-Lã Nguyên: Sự tiếp nhận các lý thuyết hiện đại phương Tây từ 1986 đến nayhttps://languyensp.wordpress.com/
-Văn Giá- Trần Đình Sử - người thồ chữ
http://tacphammoi.net/
-Nguyễn Khắc Phi: Chân dung Nhà giáo tiêu biểu: GS.TS.NGND TRẦN ĐÌNH SỬ
http://hnue.edu.vn/
- Đỗ Minh Tuấn: Trần Đình Sử múa gươm dưới trời mưa
https://www.vanhoanghean.com.vn/
[4] http://tuanbaovannghetphcm.vn/
[5] Đỗ Ngọc Thống: http://nico-paris.com/
[6] Các khuynh hướng phê bình văn học Việt Nam hiện nay:
https://trandinhsu.wordpress.com/
[7] https://sites.google.com/
[8] ttp://nguvan.hnue.edu.vn/
[9] http://www.viet-studies.net/
[10] http://tapchisonghuong.com.vn/
[11] https://trandinhsu.wordpress.com/
[12] https://trandinhsu.wordpress.com/
[13] http://phebinhvanhoc.com.vn/
[14] http://vietvan.vn/
[15] [12] https://trandinhsu.wordpress.com/
[16] http://vietvan.vn/
[17] Đỗ Lai Thúy và cái viết của sự ham muốn:
https://trandinhsu.wordpress.com/
Lã Nguyên và Phê bình ký hiệu học http://vanhoanghean.com.vn/
[18] https://trandinhsu.wordpress.com/
[19] Chu Giang-Kiểm dịch Trần Đình Sử-Tuần báo văn nghệ Tp HCM số 375
http://tuanbaovannghetphcm.vn/
(Luận chiến văn chương quyển 3- Kiểm dịch Trần Đình Sử. Nxb Văn học 2015, tr. 57-81.)
Thụy Khuê chỉ ra chỗ sai của ông: Thụy Khuê-Phê bình văn học thế kỷ XX, chương 5, phần 2: http://thuykhue.free.fr/
[20] https://giangnamlangtu.wordpress.com/.
Tháng 4 năm 2017
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...